A-
Dẫn nhập
Một
hôm, Ðức Phật đang ở tại Kosambi trong rừng cây simsàpa, Ngài nhặt một ít lá
simsàpa đưa lên hỏi: «Này các Tỳ kheo, các ông nghĩ thế nào? Lá simsàpa ở trong
tay ta nhiều hay là ở trong rừng simsàpa nhiều?«.
«Bạch
Ðức Thế Tôn, lá trong tay Thế Tôn quá ít, còn lá trong rừng simsàpa thì quá
nhiều«. Phật dạy: «Cũng vậy, này các Tỳ kheo, điều ta biết thì quá nhiều, nhưng
những gì ta dạy cho các ông thì rất ít; nhưng đó là những gì cần thiết và căn
bản cho sự giải thoát. Những gì ta đã dạy cho các ông? Chính là «Ðây là Khổ«,
«Ðây là Khổ tập«, «Ðây là Khổ diệt«, «Ðây là con đường đưa đến Khổ diệt« (Tương
Ưng V).
Giáo
lý Tứ đế là nền tảng của hệ thống giáo lý đạo Phật. Ngay sau khi Ðức Phật thành
đạo, Ngài đến vườn Nai thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như, những bạn tu
khổ hạnh với Ngài trước đây; nội dung bài thuyết giáo đầu tiên ấy là Tứ diệu
đế. Từ đó, xuyên suốt hành trình hoằng hóa của Ngài, giáo lý Tứ diệu đế được
triển khai, mở rộng. Ðức Phật nhiều lần xác định về tầm quan trọng và siêu việt
của giáo lý Tứ đế, Ngài dạy: «Những bậc A La Hán chánh đẳng giác ở trong quá
khứ, ở trong tương lai hay hiện tại, được coi là vị Chánh đẳng giác đúng nghĩa
là Chánh đẳng giác về Bốn thánh đế« (Tương Ưng V).
Mục
đích của đạo Phật là giải thoát mọi đau khổ, vì vậy các pháp môn được thiết
lập, mọi nỗ lực tu tập đều hướng về mục tiêu ấy. Giáo lý Tứ điệu đế được coi là
thiện pháp tối thắng. Ngài Xá Lợi Phất nhận định: «Ví như tất cả dấu chân của
mọi loài động vật đều bị nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này lớn nhất
trong tất cả dấu chân. Cũng vậy, chư hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập
trung trong Tứ thánh đế« (Trung Bộ kinh I). Ðức Phật cũng dạy: «Này các
Tỳ kheo, nếu có ai nói rằng không cần xây dựng tầng dưới của ngôi nhà, tôi sẽ
xây tầng trên của ngôi nhà, sự kiện này không thể xảy ra. Cũng vậy, nếu có ai
nói rằng không cần giác ngộ Tứ thánh đế, ta sẽ đoạn diệt khổ đau, sự kiện này
không thể xảy ra« (Tương Ưng V).
Cho
đến lúc sắp nhập Niết bàn dưới cây sa la song thọ, một lần cuối, Ngài nhắc lại
giáo lý Tứ đế: «Các thầy Tỳ kheo, đối với Bốn chân lý, các thầy còn hoài nghi
chỗ nào thì có thể chất vấn tức khắc, không nên giữ sự hoài nghi mà không cầu
giải đáp« (kinh Di Giáo, Trí Quang dịch).
Như
vậy, tầm quan trọng của giáo lý Tứ diệu đế đã được xác định bởi chính Ðức Phật
và những đệ tử xuất sắc của Ngài. Trải qua hơn 2.500 năm, giáo lý Tứ diệu đế
vẫn được tất cả các bộ phái Phật giáo, Nguyên thủy hay Ðại thừa, đều xiển dương
và hành trì.