03. LUẬN VÃNG SINH
I. MỤC ĐÍCH LUẬN VÃNG SINH
Bardo Thodol là cuốn sách của người Tây Tạng đọc bên tử sàng để hướng dẫn thần thức người sắp chết. Nhưng không nên hiểu nó chỉ dành cho người chết mà thôi. Quả thế, khi ta hiểu quá trình chết đang diễn ra liên tục trong đời sống, thì Bardo Thodol đích thực là một hướng dẫn về cách sống; vì biết sống cũng có nghĩa là biết chết. Chúng ta chỉ thực sự sống trọn vẹn, khi ta không bị ám bởi những bóng ma của quá khứ, của những ngày hôm qua; chính những bóng ma dĩ vãng đã làm cho đời sống hiện tại trở thành u ám.
II. Ý NGHĨA DANH TỪ BARDO
Là trạng thái trung gian giữa ngủ và thức, mê và ngộ, sống và chết. Rất cần hiểu rõ khoảng trống này, khe hở này, vì sự hiểu rõ nó sẽ đem lại giải thoát. Sự mờ mịt về nó là nguồn gốc của đủ loại ảo tưởng tạo ra sáu nẻo luân hồi. Vĩnh gia Huyền Giác đại sư dạy:
“Trong mộng rõ ràng bày sáu nẻo,
Tỉnh ra lồng lộng cõi không thiên”.
(Mộng lý minh minh hữu lục thú,
Giác hậu không không vô đại thiên).
Trong mộng ta thấy đủ thứ, nhưng khi tỉnh thì chẳng có gì ngoài bầu trời xanh bát ngát. Sự chìm đắm trong luân hồi sinh tử không chỉ diễn ra sau khi chết mà ngay lúc đang sống. Đó là những trạng thái tâm hồn mất định hướng, hụt hẫng không biết phải làm gì. Đó là những lúc ta cảm thấy bồn chồn bất an, bị tham sân chi phối... Bardo Thodol là sách nói về sự chết nhưng cũng có thể là sách nói về khoảng trống nội tâm ấy.
1. Người sắp chết thường có cảm giác mình từ giã một thế giới “thực” để đi vào một thế giới mờ mịt bất định (bardo). Thế giới “thực” có đặc điểm là những phân biệt giữa thánh phàm, thiện ác, vinh nhục, được thua, sướng khổ, v.v.. rất rõ ràng phân minh; đấy là thế giới của nhị nguyên đối đãi. Nhưng nếu ta thấy được rằng, trong thiện có ác, trong vinh có nhục, trong sống có chết và ngược lại thì thế là ta đang tiếp cận với sự thật, với chân lý bất nhị, “nhất chân pháp giới”; khi ấy không còn mâu thuẫn nhị nguyên, hay đúng ra, thấy được thực chất của nhị nguyên ấy là hư ảo thì sống trong bất nhị. Người nào sống trong chân lý ấy thì không rơi vào trạng thái mờ mịt bardo khi chết, vì có chính kiến. Thấy được bất nhị cũng như là thấy được mặt mũi chúa Xuân, hay thấy bản lai diện mục của mình, và không còn nao núng trước cảnh xuân tàn hoa rụng (hay chết chóc): “Thiền tọa an nhiên ngắm rụng hồng” như Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, sơ tổ thiền phái Trúc Lâm.
Khoảng “Không” mà thần thức thấy được khi rũ bỏ thân xác sẽ không làm cho bậc giác ngộ sợ hãi tránh né vì đã thể nghiệm được “không chẳng khác sắc” nói trong Bát nhã tâm kinh. Khi đã thường xuyên thấy được mọi được thua, còn mất, vinh nhục ở đời đều không thực, thì cũng dễ đón nhận Chân-không vào lúc chết, với tâm trạng vô úy và thế là đạt đến Pháp thân thường trú.
2. Các giai đoạn của sự chết là: đầu tiên cảm giác nặng nề của địa đại thắng lướt; kế đến là sự tuần hoàn ngưng, máu huyết hết lưu thông, thủy đại ngưng hoạt động; rồi đến hỏa đại cũng chấm dứt khi tất cả hơi nóng đều thoát ra, thân thể lạnh toát; hỏa đại cuối cùng tan vào phong đại.
Tâm thức cũng trải qua những giai đoạn tương ứng. Người chết rơi vào một tâm trạng hoang mang cùng cực, như một người tu hành đi đến giai đoạn không rõ mình sắp đạt giác ngộ hay là sắp điên; cảm thấy hụt hẫng, mất đất đứng, vì thấy mọi sự dường như đảo ngược. Đó là trạng thái lúc địa đại phân tán. Tâm thức chỉ còn biết bám vào thủy đại để tự xác nhận sự hiện hữu của mình, thủy đại đây về mặt tâm lý là dòng Thức đang tuôn chảy. Nhưng dòng này cũng kiệt quệ, người sắp chết không còn suy nghĩ một ý tưởng nào được nữa, mất khả năng suy luận, và giai đoạn này tương đương với sự tuần hoàn máu chấm dứt: thủy đại tiêu tan. Người chết khi ấy cố bám víu vào sự sống, cố tìm cách xác quyết sự hiện hữu mình qua cảm xúc mạnh, như thương hoặc ghét một người nào đó: đấy là tự nhận diện qua hỏa đại trong thân xác hay qua cảm xúc trong tâm hồn. Nhưng rồi hỏa đại cũng biến mất vào phong đại hay không đại, lửa tan theo gió. Cảm xúc phai dần cường độ để đi vào hư không, giai doạn cuối cùng này tương đương với thể xác lạnh toát, thần thức chỉ còn là một điểm nóng cuối cùng đang lịm tắt. Đấy là tử tâm khởi lên để diệt và biến thành dòng kiết sinh đi tìm một đời sống mới mà thông thường gọi là đi đầu thai. Kỳ thực thần thức này cũng như một dòng nước luôn luôn mới mẻ nên thực sự nói đầu thai cũng không đúng, vì nó ám chỉ có một thực thể không thay đổi đang di chuyển từ đời này đến đời sau. Còn nói “dòng tâm thức” thì ta phải hiểu nó cũng như dòng nước chảy qua làng mạc, ruộng đồng cho đến khi ra biển không phải là một dòng duy nhất ấy, mà nó luôn luôn đổi khác, có cho và có nhận luôn luôn trên đường tuôn chảy để cuối cùng thể nhập vào đại dương bát ngát. Bởi vậy, một tâm thức bình thường sân si ác độc có thể do nghe những lời khai thị của vị thầy trong lúc hấp hối mà trở thành hiền thiện, ăn năn sám hối và nhờ vậy có được một cái chết thanh thản và đi vào một tái sinh tốt đẹp. Đời sống của thần thức đó trong thân xác mới không thể nói là một hay là khác với con người tiền kiếp của y; cũng như một con người lúc sơ sinh so với lúc về già sắp chết, hoàn toàn khác nhau, chỉ vì vô minh mà ta bảo cả hai chỉ là một. Khi người chết bám vào cảm xúc thương ghét như một nỗ lực cuối cùng dể tự tìm lại bản thân, nghĩa là khi hỏa đại gom lại một lần cuối thành một chỗ ấm trên cơ thể, và cuối cùng nó cũng thoát ra, thì người chết rơi vào một khoảng trống kinh khủng: lửa biến mất trong Không. Ở giai đoạn này có hai khả năng: với người suốt đời chuyên tu tập, quen độc cư thiền định, thì đấy là cơ hội ngàn năm một thuở để thể nhập Pháp thân, đạt giải thoát. Còn với người không tu tập hoặc chưa tu tập đúng mức, thì khoảng Không này biến hóa đủ cách tùy theo nghiệp lực mỗi người, nghĩa là tùy thói quen nói, làm, nghĩ, của đương sự. Nó sẽ mang hình thức của một trong sáu cảnh chính như sau, gọi là sáu nẻo luân hồi hay lục đạo, nhưng trong mỗi cõi cũng có muôn ngàn cấp bực vì nghiệp lực không ai giống ai.
III. SÁU NẺO LUÂN HỒI
1. Địa ngục:
Đấy là cảnh giới có hình thức chấp ngã nhiều nhất, nơi có nhiều thù hận, căm ghét, trả đũa. Thức căm thù muốn làm hại một người nào đó, nhưng rốt cuộc hóa ra là làm hại chính mình. Lòng giận dữ muốn hủy hoại một cái gì cho hả tức, nhưng cuối cùng trở thành tự hủy. Như mẩu chuyện vì thiền sinh bị ám bởi hình ảnh một con nhện khổng lồ mỗi khi tọa thiền. Quá căm tức, ông ta trình lên vị thầy, từ nay lúc tọa thiền con sẽ thủ một con dao phay để giết con nhện khi nó xuất hiện. Vị thầy bảo, ông hãy làm dấu bằng phấn trắng chỗ nào ông định thọc con dao, rồi thời tọa thiền kế tiếp hãy ra tay. Thiền sinh vâng lời. Đến thời tọa thiền kế tiếp, vị thầy bảo ông hãy vén bụng ra xem. Trên bụng ông, rõ ràng một dấu chữ thập bằng phấn trắng do chính ông đã vạch. Thiền sinh lúc ấy tỉnh ngộ. Hóa ra con nhện chỉ do tâm ông biến hóa mà thôi.
Kinh điển thường mô tả hai dạng địa ngục: cực nóng, trong đó tội nhân ăn huờn sắt nóng, uống nước đồng sôi, nằm trên giường sắt nung đỏ, bị áo sắt nóng quấn thân... và một dạng địa ngục cực lạnh, toàn là băng giá, trong đó tội nhân quá rét lạnh run lên cầm cập không thốt được lời nào ngoài mấy tiếng A ba ba, a tra tra, a la la. Hai dạng địa ngục đó xảy ra hàng ngày trong tâm thức người đang sống. Địa ngục nóng là tâm sân giận cực độ đưa đến chém giết và tự hủy hoại bằng dao búa, độc dược, lửa đốt. Địa ngục cực lạnh hay địa ngục hàn băng là cái tâm thù hằn ngấm ngầm, tâm ganh tị, tâm kiêu căng ngã mạn tự cho mình cao vượt, không thể hòa đồng với một ai. Người sống tâm trạng ấy thì hoàn toàn vắng bóng yêu thương lân mẫn với đồng loại, tâm hồn như một hoang đảo băng giá.
2. Quỉ đói:
Đấy là cảnh giới của sự thèm khát những gì ở ngoài tầm tay, hoặc của sự quá thừa thãi không còn chỗ để chứa thêm được nữa, trong khi đó lòng vẫn mong muốn có thêm. Trong đời sống thường ngày, đấy là trạng thái một con người bụng đã quá no mà miệng vẫn còn thèm, con người thèm khát được cảm thấy đói, được ăn một cách ngon miệng như người khác, trong khi mình có đầy đủ mọi thứ, muốn ăn mà không tài nào nuốt nổi. Tâm trạng của những người mà đồ ăn khi đưa đến miệng thì biến mất không ăn được, hoặc khi nuốt xuống liền hóa thành lừa đốt cháy ruột gan. Kinh điển mô tả dạng quỉ đói này bằng hình ảnh một con quỷ bụng thật lớn như cái trống nhưng cổ họng lại nhỏ chỉ bằng cây kim, để nói lên lòng tham không đáy khiến người ta không thưởng thức được vị ngọt của cuộc đời (cổ quá nhỏ không nuốt được) vốn nằm trong sự san sẻ hạnh phúc chứ không phải trong sự giữ chặt cho mình. Càng giữ chặt càng dễ mất.
3. Súc sinh:
Cảnh giới súc sinh (cảnh giới của ngu si) có đặc điểm nổi bật là vắng bóng niềm hỉ lạc, năng khiếu hài hước. Loài vật cũng biết cảm thụ hạnh phúc và đau khổ, nhưng không hề biết cười. Năng khiếu hài hước là một đặc tính chỉ riêng có nơi loài người, do vậy, biết cười quả là dấu hiệu của trí tuệ.
Đặc tính thứ hai là, loài vật có thói nhắm mắt đi theo một đường lối khuôn khổ nhất định, và rất sợ thay đổi, rất sợ những yếu tố bất ngờ. Một con người kém phát triển về trí tuệ cũng thế, thường có tâm lý an phận trong những đường mòn lối cũ, sợ phiêu lưu thí nghiệm, như một nông phu chỉ quen với cuốc cày và những kỹ thuật canh tác cổ điển. Trong thế giới loài vật, một sự lạ, một điều bất ngờ đối với chúng là một tai họa. (Thú vật ở trong một chuồng mà mau chết là do thường bị cảm giác bất an với tình trạng thỉnh thoảng lại bị dời chỗ). Tính này cũng có nơi con người ở một mức độ nào đó, ấy là thói “cầu an”. Bởi thế, quả thực nên “cầu siêư” hơn cầu an, vì khi tâm siêu được giải thoát được tham lam cố chấp, thì tự nhiên được an lạc dù ở hoàn cảnh nào bất cứ. Còn nếu không giải thoát tham lam cố chấp thì dù đang ở trong những chốn thong dong, tâm vẫn đầy những bất an lo sự, như cụ Nguyễn Du nói trong truyện Kiều:
“Vậy nên những chốn thong dong,
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng”.
4. Cõi người:
Khác với súc sinh, con người có óc khám phá tìm tòi, ưa mới lạ, nên dễ tiến hóa bằng cách làm giàu có thêm tri thức và kinh nghiệm. Cõi người vừa có dấu vết của quỷ đói do bởi lòng ham muốn “có thêm” này, vừa có dấu vết của súc sinh do bởi ý hướng cầu an, muốn ổn đính. Nhưng còn có một yếu tố thứ ba mà hai cõi kia không có, đó là sự tự thức tự tri. Yếu tố này làm cho hạnh phúc và đau khổ nơi cõi người trở thành nồng nàn mãnh liệt hơn ở ba cõi dưới. Nó vừa là một ơn ích mà cũng vừa là một tai họa. Chính yếu tố này làm nên nghiệp lành dữ khác nhau. Trong khi ở cõi địa ngục quỷ đói súc sinh, chúng sinh chỉ thọ báo, thì ở cõi người, chúng sinh vừa thọ báo cũ vừa gây thêm nghiệp mới hoặc lành hoặc dữ. Bởi vậy cõi người là cơ hội duy nhất để giải thoát sinh tử luân hồi, và được sinh làm người là một cơ may hiếm có không nên để lỡ. Trong kinh thường dạy, “một phen mất thân người, muôn kiếp khó được lại”.
5. A tu la:
Cao hơn cõi người, đấy là cảnh giới những tâm hồn thông minh chính trực ưa thưởng thiện phạt ác, nhiều nóng giận thuộc loại “nghĩa khí chi nộ” giữa đường dễ thấy bất bằng mà tha.
6. Cõi trời:
Sau khi tiếp cận luồng ánh sáng của Pháp giới chân thật, thần thức hiền thiện cảm thấy hỉ lạc muốn an trú trong đó. Nhưng đồng thời một cảm giác Vô ngã bao la, choáng ngợp đến rợn người vồ chụp lấy thần thức. Do còn ngã chấp, thần thức muốn tìm trú ẩn trong một bản ngã, và cảm thấy ánh sáng dịu của cõi trời dễ chịu hơn, thế là có sự tái sinh làm loài chư thiên.
Sáu nẻo luân hồi trên đây cũng là sáu cửa ngõ để trở về Chân tâm bất hoại.
IV. NGŨ TRÍ NHƯ LAI
Một đàn tràng mật tông hay mandala đơn giản nhất gồm năm vị Phật ở bốn phương đông tây nam bắc và trung ương. Như Lai là đấng đã thể nhập bản chất “chân như” của vạn pháp cho nên không còn đến đi sinh diệt. Kim cương kinh nói, “Như lai giả, vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như lai”: Như lai có nghĩa là không từ đâu mà đến (sinh) và cũng không đi về đâu cả (diệt). Là đấng chiến thắng, bậc giác ngộ, tỉnh thức. Năm vị Phật như vậy chính là năm hình thái năng lượng của Phật tính, nghĩa là của tâm thức đã giác ngộ. Những tính chất bao hàm trong năm đức Phật này là trí tuệ, nhưng đứng về mặt sinh tử (mê), hay về mặt tâm lý thông thường, thì năm đức tính này lại xuất hiện dưới hình thức năm độc tố tác hại, năm cảm xúc mê muội. Mọi sự vật trên thế gian, sinh vật, cây cối, biến cố... đều có một đặc tính nổi bật liên hệ đến một trong năm độc tố này; do thế, nó còn có tên là ngũ bộ Như lai hay năm “gia đình” (kula) theo Phạn ngữ. Năm Phật là năm uẩn được chuyển hóa, hay THỨC CHUYỂN THỂ TÁNH TRÍ: Sắc uẩn thành Pháp giới thể tính trí, Thọ uẩn thành Bình đẳng tính trí, Tưởng uẩn thành Diệu quan sát trí, Hành uẩn thành Thành sở tác trí và Thức uẩn thành Đại viên cảnh trí.
Đức Phật đầu tiên có vị trí ở trung ương, gọi là Đại Nhật (Tỳ lô giá na), ở khía cạnh sinh tử đấy là độc tố si mê, vô minh căn bản từ đó xuất phát mọi độc tố khác. Nhưng Ngài cũng là trí tuệ thấy bao quát pháp giới gọi là PHÁP GIỚI THỂ TÁNH TRÍ, nhìn rõ mọi sự vật đúng như thực chất của nó. Đấy là điều ngược lại với vô minh si ám. Bộ tộc hay gia đình vị Phật này gọi là Như Lai bộ (Tathàgatakula), biểu trưng cái ngược lại với ngu si.
Vị Phật thứ hai là Bất Động (A Súc), ở phương Đông của đồ hình, làm chủ Kim cương bộ. Độc tố là sân hận, thù ghét ở phương diện sinh tử và khi được chuyển hóa, trở thành ĐẠI VIÊN CẢNH TRÍ, tấm gương sáng tròn đầy phản chiếu mọi hiện tượng một cách bình thản.
Ở phương Nam của đồ hình, là đức Phật Bảo Sinh, làm chủ Bảo bộ, tượng trưng bằng viên bảo châu Như ý. Độc tố ở đây là kiêu mạn ở trong sinh tử do sở hữu được mọi thứ xinh đẹp giàu sang, và ở bình diện giác ngộ nó được chuyển hóa thành BÌNH ĐẲNG TÁNH TRÍ, thương tất cả mọi loài như nhau không phân biệt.
Phương Tây là Phật A Di Đà, thuộc Liên hoa bộ. Ngài biểu trưng cho độc tố tham dục, chấp thủ ở khía cạnh sinh tử đã được chuyển hóa thành DIỆU QUÁN SÁT TRÍ, để chuyển lòng ác nhiễm thành đức từ bi.
Phương Bắc ngự trị Phật Thành Tựu hay Bất Không Thành Tựu Như lai, thuộc Nghiệp bộ. Nghiệp ở đây là hành động, độc tố của nó là tham vọng không biết chán đã thúc đẩy con người làm lụng không biết mệt mỏi trong đường sinh tử, tạo các nghiệp sinh tử. Ở khía cạnh giác ngộ, đấy là THÀNH SỞ TÁC TRÍ, trí tuệ đưa đến sự thành tựu mọi việc ích.
Năm vị Phật biểu trưng cho năm đức tính siêu việt ở ngoài dòng sinh tử, bởi thế, đấy là khía cạnh TRÍ để soi sáng hành động mà biểu trưng là hai Bồ tát ở hai bên mỗi vị, kể như những hóa thân để cứu độ mọi loài. Hình thức nữ tính tiêu biểu năng lực thương yêu, nuôi nấng của những bậc mẹ hiền. Đấy là hình thức linh hoạt của năm trí đã nói.
Mỗi phương Phật trong đồ hình mandala mật tông còn được biểu trưng bằng một màu sắc, chẳng hạn trung ương sắc xanh, đông phương trắng (hai màu này thay đổi nhau tùy trường phái mật tông; chẳng hạn Trung hoa ảnh hưởng Dịch lý nên cho đông phương thuộc hành mộc sắc xanh), nam phương vàng, tây phương đỏ, bắc phương đen hay lục.
Theo cuốn Luận Vãng sinh Tây Tạng (Bardo Thodol), ba ngày rưỡi sau khi chết, thần thức người chết có một thoáng minh mẫn trở lại như vừa trải qua một cơn ngất lịm, và ý thức được rằng mình đã chết. Khi ấy vào ngày đầu tiên, yếu tố Hư Không xuất hiện, thần thức chạm mặt với ánh sáng chói chan từ cõi Phật Đại Nhật chiếu đến, Phật có một cái đầu với bốn mặt xoay ra bốn phương hướng, biểu trưng lý Vô ngã, không còn một trung tâm chấp thủ. Ngài tượng trưng cho Không gian và Thời gian, tay cầm bánh xe có tám căm. Biểu tượng của vị Phật này là tính chất mênh mông linh hoạt của Thức uẩn khi đã chuyển hóa. Cõi này đồng thời cũng chứa đựng những yếu tố của thiên giới: trong màu xanh thẳm bao la còn có một luồng ánh sáng trắng dịu. Thần thức người chết còn chấp ngã, và nếu có đời sống hiền thiện, sẽ cảm thấy ưa mến ánh sáng trắng này và muốn tránh né màu xanh mênh mông của pháp giới; thế là tái sinh vào cõi này. Cõi phật Đại nhật là do Thức uẩn biến ra.
Vào ngày thứ hai, yếu tố Nước xuất hiện, hào quang màu trắng của cõi Phật Bất Động chiếu đến, đức Phật ngồi trên voi trắng, tay cầm chày Kim cương biểu trưng cho sự bất hoại. Cõi này do Sắc uẩn biến ra. Đồng thời lại có ánh sáng xám đục từ cõi địa ngục chiếu đến, mà do nghiệp lực, thần thức sẽ thấy gần gũi với nó hơn là với ánh sáng chói chan cõi Phật A Súc. Nếu tâm hiền thiện, giữ vững chính kiến thì có thể lưu trú trong cõi Phật này.
Ngày thứ ba, yếu tố Đất xuất hiện, đó là hào quang sắc vàng biểu trưng địa đại trong thể tính chân như, với Phật Bảo Sinh tay cầm ngọc báu. Cõi này do Thọ uẩn biến ra. Yếu tố sinh tử ở đây là cõi người, với ánh sáng xanh nhạt xuất hiện đồng lúc với hào quang của Phật. Do nghiệp lực, thần thức sẽ tránh né hào quang Phật và ưa thích ánh sáng cõi người, do vậy tái sinh vào đấy.
Ngày thứ tư yếu tố Lửa xuất hiện ở phương tây dưới dạng thuần tịnh là Phật A Di Đà tay cầm hoa sen. Cõi này do Tưởng uẩn biến ra. Ánh sáng lục đạo tương đương với cõi này là ánh sáng vàng nhạt của loài quỷ đói chiếu đến đồng thời với hào quang của Phật.
Ngày thứ năm, yếu tố Gió xuất hiện, với Phật Thành Tựu ở phương Bắc ngự trên lưng thần điểu Garuda bay đến, tay cầm chày Kim cương. Thế giới này tràn ngập màu xanh lục bao la. Đồng thời lại có ánh sáng cõi a tu la màu đỏ nhạt chiếu đến.
Từ ngày thứ sáu một loạt 42 thiện thần, bốn thiên tướng, năm vị Phật và tất cả lục đạo đồng thời xuất hiện như một mẻ lưới cuối cùng để cứu vớt thần thức trong trạng thái mờ mịt trung ấm. Tất cả những hình ảnh kể từ ngày đầu cho đến ngày thứ sáu đều xuất phát từ trái tim của thần thức. Từ ngày thứ bảy trở đi, những biến hiện bắt đầu hỗn loạn không rõ nét, biểu hiện sự vô minh. Và kế đến, nếu thần thức không đi theo ánh sáng cứu vớt của các thiện thần mà tiếp tục lảng vảng trong cõi trung gian, thì từ đấy trở đi chỉ còn những ác quỷ hung thần xuất hiện do nghiệp ác hóa hiện, hoặc do lương tâm cắn rứt chiếu ra.
V. KẾT LUẬN
Luận Vãng sinh cốt nhắc nhở người sắp chết biết rõ những hình ảnh xuất hiện trước mắt họ đều duy tâm biến hiện, không đáng sợ hãi, không nên bám víu. Câu nói đầy ý nghĩa là “Ngươi nên nhớ ngươi đã chết rồi, ngươi không thể chết một lần thứ hai nữa, bởi vậy bất cứ gì xuất hiện trước ngươi, ngươi hãy bình tĩnh đừng hoảng sợ, vì đó chỉ là những hình ảnh từ chính tâm ngươi chiếu ra”. Trong đời sống thường ngày, ta cũng cần tập chết đi luôn luôn, chết đi với những ngày hôm qua, để luôn luôn “sống lại” một cách mới mẻ. Và cũng cần tập sống với ý thức lìa phân biệt đối đãi, thấy cái Nhất thể trong mọi sự, thấy mọi mâu thuẫn trên đời như sang hèn, khổ vui, thiện ác, vinh nhục... đều giả tạm, không thực chất, để an trú trong thế giới nhất như (nhất chân pháp giới) ngay lúc còn đang thở. Đó chính là Như lai thanh tịnh thiền.