Thể loại sách khác
Tịnh từ yếu ngữ
Tác giả: Thích Minh Thành
08/05/2553 00:01 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lời tựa
 
   “Tịnh Từ” nghĩa là gì?
   Là do tôi nghe lời dạy của Đại sư Văn Cốc để đặt tên am. Am đặt tên “Tịnh Từ”, nghĩa là niệm Phật, phóng sinh.

   Niệm Phật, phóng sinh mong cầu việc gì? Mong cầu được trở về bản tâm vốn thanh tịnh, vốn từ bi của mình.

   Bởi lẽ, bản tâm của chúng ta vốn thênh thang thường thanh tịnh, mà chúng sinh lại không rõ bản tánh ấy nên thường thấyï vật ngoài tâm. Do đó, mắt bị hình sắc làm ô nhiễm, tai bị âm thanh làm ô nhiễm, mũi bị mùi hương làm ô nhiễm, lưỡi bị vị làm ô nhiễm, thân bị sự xúc chạm làm ô nhiễm, ý bị pháp trần làm ô nhiễm, trôi nổi ở bên ngoài không thể trở về. Từ đó, sinh khởi nghiệp chướng, gây ra tội lỗi, mãi đắm chìm trong thế giới uế trược nhỏ hẹp không có ngày giải thoát.

   Đức Phật xót thương chúng sinh, nên vì họ nói pháp bỏ “nhiễm” trở về “tịnh”. Vì căn cơ của chúng sinh không đồng nhau, nên giáo pháp cũng có nhiều khác biệt, nhưng quan trọng và dễ thực hành nhất vẫn là pháp môn niệm Phật.

   Nhất tâm niệm Phật dụng chí không phân tán, sáu căn đều thâu nhiếp. Tịnh niệm tương tục thì mắt không bị hình sắc làm ô nhiễm, tai không bị âm thanh làm ô nhiễm, mũi không bị mùi hương làm ô nhiễm, lưỡi không bị vị làm ô nhiễm, thân không bị sự xúc chạm làm ô nhiễm, ý không bị pháp trần làm ô nhiễm.

   Nếu làm được như vậy thì tuy đang sống ở trong cõi Ta-bà mà toàn thân đã ngồi nơi thế giới Liên Hoa. Vậy còn lo gì thân đời sau lại không thanh tịnh! 

   Tuy tu Niệm Phật Tam-muội nhưng phước đức không đầy đủ thì khó thành tựu quả lành, cần phải tu mọi việc lành để làm trợ nhân. Việc lành tuy rất nhiều, nhưng hạnh từ bi là đứng đầu; hạnh từ bi tuy nhiều, nhưng ngăn ngừa việc sát hại, thực hành phóng sinh là bậc nhất.

   Bởi vì, điều yêu quý nhất của chúng sinh là sự sống, còn cái chết là điều chúng sinh đau khổ nhất. Cho nên, hễ có cùng một dòng máu đỏ thì tâm tánh đều như nhau. Chỉ vì tập quen với sự tàn nhẫn, rất khó thực hành lòng nhân từ đồng thể, nên mới thản nhiên giết hại mà không cảm thấy xót thương.

   Lẽ nào tâm tánh lại vốn như thế hay sao?
  Thế nên, đức Phật hết lời nhắc nhở, ban đầu răn việc sát sinh, khuyên bảo rộng rãi sự phóng sinh. Ban cho cái yêu quý nhất và cứu giúp nỗi đau khổ nhất của chúng sinh. Công đức ấy đối với muôn loài thật không sao tính kể!

   Tại thành Kiến Châu, hoặc Tăng hoặc tục vâng theo lời Đại sư Văn Cốc dốc lòng niệm Phật, phóng sinh đã lâu. Nhưng mọi người còn ngại không thể mở rộng truyền xa nên mới bàn với tôi, tôi bèn đem những lời dạy chính yếu trong các sách Tịnh độ và giới sát chép lại thành quyển “Tịnh Từ Yếu Ngữ” này, giao cho họ khắc bản. Mong rằng lời nói giáo hóa về tâm thanh tịnh và lòng từ bi trải rộng đến vô cùng.

   Ôi! Ý nghĩa của “Tịnh Từ” thật rộng lớn, đâu chỉ ở nơi việc niệm Phật, phóng sinh mà thôi.

   Niệm Phật và phóng sinh có thể nói là “Tịnh Từ”, nhưng không thể cùng tận hết ý nghĩa của “Tịnh Từ”. Nói đến cùng thì thanh tịnh cùng cực, giác tánh tròn đầy, thành tựu đạo Vô Thượng, cũng không ra ngoài ý nghĩa của một chữ “Tịnh” này. Cứu độ khắp tất cả loài hữu tình, từ bi đến muôn kiếp cũng không ngoài ý nghĩa một chữ “Từ”.

   Chư Bồ-tát lớn, trên mong cầu quả Phật, dưới hóa độ chúng sinh, từ trước cho đến sau tất cả các kinh điển Đại thừa cũng đều muốn làm sáng tỏ điều này, đến nỗi sách chất đầy nhà. Nay lấy hai chữ “Tịnh Từ” khái quát trọn vẹn ý nghĩa không còn dư thừa.

   Chớ nên cho rằng Đại sư Văn Cốc đặt tên này chỉ có ý ở nơi niệm Phật, phóng sinh mà thôi. Các vị hãy khéo thể hội ý này mà suy rộng ra mới thấy được trọn vẹn ý của Ngài.

   Tuy vậy, vẫn còn một câu mà hai chữ “Tịnh Từ” không bao quát được. Tôi muốn vì mọi người nói rõ ra, nhưng ngặt nỗi lưỡi tôi quá ngắn. Các vị nên chất vấn nơi Đại sư!

                                                                              Mùng 05 tháng 0 8 năm Giáp Tuất 
                                                                                   Niên hiệu Sùng Trinh (1634)
                                                                                    Thích Nguyên Hiền kính ghi