Đạo đức - Tâm lý học
Đường Vào Nội Tâm (Phần cuối)
Ni sư Thích Nữ Trí Hải
17/03/2554 04:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

41. TÔN GIẢ XÁ LỢI PHẤT

Trong kinh tạng Pàli, tôn giả Xá Lợi Phất chiếm địa vị quan trọng hàng đầu, chỉ đứng sau Phật. Nhiều kinh được mở đầu với câu cổ điển "như vậy tôi nghe" mà người thuyết kinh thay vì Ðấng Giác ngộ, thì lại chính là bậc Thánh đệ tử uyên bác ấy đại lao cho Ngài. Có khi đức Ðạo sư thăng pháp tòa, chỉ trình bày một bài kệ rất vắn tắt, rồi lui về am thất của Ngài. Trong những dịp như vậy, chúng ta thường gặp tôn giả Xá Lợi Phất xuất hiện khai diễn ý nghĩa lời dạy súc tích của Phật, và cuối cùng chính Phật đã xác chứng cho lối giải thích của tôn giả bằng một câu còn giá trị hơn tất cả những lời khen tụng: "Nếu các ông hỏi ta, ta cũng sẽ giải thích như Xá Lợi Phất".

Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàrìputa, dịch nghĩa là Thu tử) là con trưởng của một gia đình thuộc thế cấp Bà la môn giàu nhất làng Upatissa, gần Nàlanda ngày nay. Upatissa cũng là tên được đặt cho ngài khi sơ sinh. Mẹ ngài tên là Sàrì. Trong bốn người con trai, ngài được mang tên của mẹ, trong khi một người em của ngài lại có tên của cha là Vagantaputra. Tôn giả có ba em trai và ba em gái, về sau đều theo ngài xuất gia đắc quả A La Hán. Những tiểu sử của các vị này đều được tìm thấy trong "Trưởng lão tăng kệ" và "Trưởng lão ni kệ".

Ba người em trai của Tôn giả có tên tuần tự như sau: Cunda (Thuần đà), Upasena và Revata (Ly Bà Ða). Ba em gái của Tôn giả là Càlà, Upacàlà và Sìsùpacàlà. Ly Bà Ða là vị đệ tử thiền định đệ nhất của Phật. Vì ngài là con út, bà mẹ rất cưng quí không muốn cho xuất gia nên tìm cách cưới vợ cho ngài rất sớm. Vào ngày hôn lễ, không may cho hai gia đình, cậu bé tình cờ thấy bà ngoại già 120 tuổi của cô bé, và trực nhận lý vô thường, trong phút chốc cậu đâm ra chán ngấy tất cả cảnh hoa lệ giả dối của cuộc phù sinh, và muốn thoát ly bằng mọi giá. Ðược anh cả yểm trợ, cậu út chuồn ngã sau giữa lúc đám tiệc linh đình, và trực chỉ đi đến một ngôi tinh xá, xuống tóc xuất gia. Ít năm sau khi nhập đạo, vào một mùa an cư, trên đường đi bái yết Phật, tôn giả dừng chân ở một khu rừng cây Khadìra (cây gai) và tại đây ngài đắc quả, nên về sau ngài được hiệu là "Ly Bà Ða ở rừng gai". Ngài được Phật khen là người xuất sắc nhất trong những vị yêu thích độc cư ở núi rừng.

Em trai giữa của tôn giả là Upasena hay Vagantaputta, là vị tỳ kheo được Phật khen ngợi có hạnh hoan hỉ đệ nhất. Ngài từ trần sau khi bị rắn độc cắn, như được ghi trong một kinh của Tương ưng bộ.

Người em kế ngài là Cunda (Thuần Ðà) được mệnh danh là Tiểu Thuần Ða (Cula Cunda)ø, để phân biết với Trưởng lão Ðại Thuần Ðà. Khi tôn giả Xá Lợi Phất nhập diệt, chính vị này đã hầu cận ngài và mang di vật của ngài trở về thông báo với đức Phật và Thánh chúng.

Ba người em gái của tôn giả cũng xuất gia sau khi đã lập gia đình, mỗi người có một người con. Những người con trai này cũng đã theo tu học với tôn giả Ly Bà Ða. Chính tôn giả Xá Lợi Phất, vào một dịp đến viếng thăm người em út của ngài lâm bệnh, đã gặp các cháu và khen ngợi hạnh kiểm tốt đẹp của họ, như được tìm thấy trong Trưởng lão tăng kệ 42, phần luận sớ.

HẠNH NHẪN NHỤC

Mặc dù cả bảy anh em Tôn giả đều xuất gia theo Phật, bà mẹ của Tôn giả vẫn giữ đạo Bà la môn, và có thái độ thù nghịch đối với Phật giáo và tất cả những người xuất gia. Bà thù hận Sa môn Gotama đã cướp hết đàn con của bà. Vào một năm gặp thời đói kém, tôn giả Xá Lợi Phất đưa 500 trăm vị tỳ kheo đến khất thực tại nhà bà Sàrì. Bà vừa bày thức ăn vừa lầm bầm nguyền rủa. Ðể thực phẩm vào bát Tôn giả, bà mắng:

- Ngu đi là ngu! Nhà cao cửa lớn, ruộng vườn thẳng cánh cò bay thì không chịu ở, lại bỏ mà đi đầu đường xó chợ, ngủ bụi ngủ bờ, ăn cơm thừa canh vụn của người ta.

Tôn giả vẫn im lặng cùng chúng tăng thọ thực, ăn xong, ngài im lặng trở về tinh xá. Ðại Ðức La Hầu La nhỏ nhất trong tăng đoàn thóc mách thuật lại cho Phật nghe mọi sự đã được chứng kiến tại nhà bà thí chủ nọ. Phật nhân đấy thốt lời kệ sau đây, được ghi trong Kinh Pháp cú, phẩm Bà la môn:

Ðầy đủ đức hạnh không nóng giận,
giới thanh tịnh không dục nhiễm,
ngang thân này là cuối cùng,
không còn thọ thân sau
Ấy gọi là Bà la môn

(danh từ Bà la môn ở đây chỉ người cao thượng).

Hạnh nhẫn nhục của Tôn giả được Phật và những vị đồng phạm hạnh không ngớt tán dương. Một hôm, một nhóm người đang đề cấp về các đức tính của Tôn giả.

- Trưởng lão Xá Lợi Phất của chúng ta có hạnh nhẫn nhục chẳng ai bì. Ngài chẳng tức giận ai bao giờ.

Khi nghe thế, một người Bà la môn lên tiếng:

- Vô lý! Ai mà khỏi có lúc tức giận. Ðấy là vì không ai khiêu khích ông ta thôi.

Mọi người phản đối:

- Không phải vậy đâu, cư sĩ.

Người Bà la môn kia nói:

- Ðể tôi có cách chọc ông ta tức giận cho coi.

Người ta đồng ý chờ xem. Ngờ đâu, người Bà la môn ấy chực khi Tôn giả vào thành Xá vệ khất thực, chạy theo đập một đập như búa bổ vào lưng Tôn giả. Tôn giả vẫn thản nhiên không quay lui, chỉ lên tiếng hỏi khẽ "Cái gì thế?" và tiếp tục bước. Người kia sanh tâm hối hận, đến trước tôn giả sặp lạy xin sám hối. Tôn giả hoan hỉ tha thứ ngay. Người kia bạch:

- Bạch tôn giả, nếu Ngài đã tha thứ cho con, xin thỉnh Ngài về nhà con thọ thực, từ hôm nay trở đi, xin Ngài cho con được cúng dường Ngài thường xuyên.

Nói xong y đỡ lấy bình bát trên tay Tôn giả và đưa Ngài về nhà. Nhưng có một bọn người đã vây quanh lấy người Bà la môn ấy, sẵn gậy gộc cầm tay, và bạch Tôn giả:

- Bạch Ngài, xin Ngài giao tên ác ôn đó cho bọn con sửa trị nó một mẻ.

- Tại sao?

- Bạch, nó đánh Tôn giả! Chúng con phải bửa đầu nó ra!

- Kẻ ấy đánh các ông, hay đánh ta?

- Bạch, đánh Tôn giả.

- Vậy thì y cũng đã xin lỗi ta rồi. Các ông hãy đi đi!

Vào một dịp, Phật ngự tại Kỳ viên tịnh xá, Tôn giả bị một tỳ kheo vu khống, vì vị này phẫn nộ bất mãn. Khi các tỳ kheo đến từ giã sau mùa an cư, Tôn giả luôn luôn gọi tên thân mật từng vị tỳ kheo, nhưng vị này lại không được tôn giả nhắc đến tên, do nhân duyên ấy, vị này nổi lên phẫn nộ bất mãn, nghĩ rằng: "Tôn giả đã không thăm hỏi ta như những người khác". Ðang lúc tức giận, Tôn giả đi ngang lại đụng chéo y vào người ông một cái, làm cho ông càng thêm tức, đến kiến với Phật:

- Bạch Thế tôn, Tôn giả Xá Lợi Phất luôn luôn nghĩ mình là đệ tử số một của Ðấng Ðạo sư, đã đánh con một cái tát gần điếc cả lỗ tai, thế mà không thèm nói gì, đã bỏ đi một nước.

Ðức Phật cho gọi tôn giả Xá Lợi Phất. Thay vì phủ nhận sự vu cáo, Tôn giả đã rống tiếng sư tử giữa hội chúng với một bài pháp hùng hồn xác chứng Ngài đã vĩnh viễn thoát ly sân hận, có sức chịu đựng những mạ lỵ phỉ báng như đất nhận đồ phế thải. Vị tỳ kheo ngập tràn hối hận, xin Ngài tha thứ tội lỗi. Trước đức Ðạo sư, Tôn giả thốt lên những lời đầy khiêm cung:

- Bạch Thế tôn, con tha lỗi vị đại đức, và con xin vị ấy tha lỗi cho con, nếu con có làm gì phật lòng vị ấy.

Ðức Phật bảo chúng đệ tử đang vây quanh Ngài:

- Này các tỳ kheo, Xá Lợi Phất và những người đã chứng đắc như ông không bao giờ ôm lòng hận thù ai. Tâm ông lớn như đại địa, vững như trụ đồng, và an tịnh như mặt nước ao thu.

LÒNG NHỚ ƠN

Trước khi xuất gia, Tôn giả nhờ trưởng lão Assaji mà ngộ đạo lý duyên sinh và tìm đến đức Phật để tham học. Tôn giả nhớ ơn ấy suốt đời. Khi cùng ở một tinh xá. Ngài luôn luôn đảnh lễ Assaji sau khi đãnh lễ đức Ðạo sư, và khi Assaji ở chùa khác, Tôn giả thường hướng về ngôi chùa ấy mà đảnh lễ sau khi đảnh lễ Phật.

Khi Phật ở Xá vệ trong Kỳ viên tịnh xá có một người Bà la môn nghèo khổ làm vườn, quét dọn để kiếm ăn. Phật quán thấy ông ta có thể đắc quả, nên hỏi trong đại chúng có ai nhớ đã chịu ơn người Bà la môn kia lần nào không. Ngài Xá Lợi Phất thưa rằng, có lần Ngài khất thực trong thành Vương xá, người Bà La môn kia đã sớt cho Ngài một muỗng đồ ăn của y đã xin được. Phật bảo: - Vậy ông hãy độ y xuất gia. Dưới sự hướng dẫn của tôn giả, chẳng bao lâu người ấy đắc quả A La Hán.

BẬC THIỆN TRI THỨC

Tôn giả Xá Lợi Phất là bậc thiện tri thức của tất cả mọi người. Ngài được tất cả yêu kính không những vì trí tuệ siêu phàm mà còn vì đức khiêm cung và lòng từ bi hiếm có. Ngài không bao giờ tỏ ra mình là bậc thượng thủ trong giáo hội của Phật. Trong tinh xá Kỳ đà lâm, tôn giả luôn luôn vấn an thăm hỏi những vị thượng tọa già yếu bệnh tật, và mỗi khi ra khỏi độc cư thiền tịnh Ngài thường đi một lượt quanh khu tinh xá, quét dọn lại những nơi bừa bãi, để du khách khỏi chê cười đệ tử Phật ở dơ. Mỗi khi theo Phật du hóa một vùng xa, tôn giả thường đi sau cùng, sau khi thu xếp cho những vị tỳ kheo yếu bệnh. Cũng vì lẽ ấy mà mà có bận Tôn giả đến nơi đã định khi đã quá nửa đêm; không còn chỗ nào dành cho Tôn giả, tôn giả đành ngồi nghỉ tạm ngoài trời, dưới một gốc cây. Khi đức Phật rõ biết việc này, Ngài liền chế định, phải dành chỗ sẵn cho các bậc tôn túc trưởng thượng.

Thông thường, những người quá thông minh xuất chúng phải trả giá thiên tài của họ bằng nỗi cô đơn. Nhưng Tôn giả Xá Lợi Phất lại là một ngoại lệ. Ngài có rất nhiều bạn, có thể nói Ngài là bạn của tất cả, kể từ đức Phật trở xuống.

Nhiều kinh điển Pali đã ghi lại những cuộc luận đàm kỳ thú giữa Tôn giả Xá Lợi Phất với những bậc Thánh đệ tử khác. Chính đức Ðạo sư dường như cũng ưa nói chuyện với Tôn giả hơn với những người khác. Ngài thường gọi: "Này Xá Lợi Phất" mỗi khi thuyết pháp. Thật là một địa vị đáng thèm!

Ðức tín thứ nhất làm cho mọi người yêu kính tôn giả, là ngài biết thấy ưu điểm của người khác. Một lần, khi tôn giả đang thiền định ngoài khoảng trống, có một con quỷ chơi xấu, đến đánh một cú như trời giáng vào đỉnh đầu. Nhưng do định lực sâu xa, tôn giả không bị giao động. Khi ngài xuất định, Tôn giả Mục Kiền Liên đến hỏi:

- Hiền giả có hề gì không?

Xá Lợi Phất đáp:

- Không sao cả thưa hiền giả. Tôi chỉ bị nhức đầu chút ít.

- Kỳ diệu thay! Thật kỳ diệu thay định lực của hiền giả. Vừa rồi có một con quỷ đến phá hiền giả, mặt mày con quỷ hết sức dữ tợn, nó đánh một búa vào đầu hiền giả, tưởng chừng núi đá cũng có thể vỡ ra!

Tôn giả Xá Lợi Phất đáp lại bằng một lời khen ý nhị:

- Kỳ diệu thay! Thật kỳ diệu thay năng lực thần thông siêu việt của hiền giả Mục Kiền Liên, có thấy được mặt mày con quỷ dữ ấy.

Tôn giả Mục Kiền Liên và Tôn giả Xá Lợi Phất là đôi bạn chí thiết từ nhỏ, ra đời cùng một ngày, trưởng thành trong một môi trường sang quý như nhau. Trong lúc tham dự cuộc vui huyên náo kéo dài nhiều đêm, đôi bạn cùng một lúc khởi tâm nhàm chán cuộc sống thế tục với những lớp sơn lừa phỉnh của ngũ dục tạm bợ và cùng nhau đi tìm thầy học đạo. Trước hết, họ theo Sanjaya, một du sĩ ngoại đạo nổi danh ở thành Vương xá. Với sự gia nhập của Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, uy tín của Sanjaya càng tăng gấp bội, và những thanh niên thuộc danh gia vọng tộc nối gót hai ngài đến thụ giáo với Sanjaya. trong một thời gian ngắn, đôi bạn đã học xong tất cả những gì Sanjaya có thể trao truyền, nhưng vẫn không tìm thấy đâu là con đường đưa đến giải thoát. Họ phải giã từ Sanjaya, và sau này, khi gặp được Phật, nghe giáo lý của Ngài, họ sung sướng trở về khuyên Sanjaya theo Phật. Khi ấy Sanjaya nói một câu điển hình của hạng thầy dốt:

- Ðịa vị của ta không cho phép ta làm một học trò được. Ngươi tốt hơn hết nên ở lại với ta, ta sẽ chia cho một nửa đồ chúng mà lãnh đạo.

Xá Lợi Phất thưa:

- Thưa thầy, tôi không hiềm gì phải làm một người học trò suốt cả đời, bao lâu chưa tìm ra được con đường giải thoát sinh tử. Và một Ðấng giác ngộ không dễ gì được gặp! Xin thầy hãy cùng đi với chúng tôi!

- Trong thiên hạ kẻ ngu nhiều hơn hay người trí nhiều hơn?

- Thưa thầy, kẻ ngu bao giờ cũng nhiều hơn người trí.

- Vậy thì hãy để người trí đến với sa môn Gotama, còn kẻ ngu sẽ theo ta.

Khi đôi bạn ra đi, một nửa đồ chúng của vị thầy cũng đi theo họ đến quy y Phật, Sanjaya tức đến thổ huyết. Trong tăng đoàn của Phật, hai vị tôn giả trở thành đôi cánh của một con chim đại bàng. Hai vị đối với Ðấng Ðạo sư là hai cánh tay đắc lực trên đường hoằng pháp đến nỗi khi hai ngài nhập Niết bàn, đức Phật đã thốt ra:

-"Hội chúng từ nay đối với ta thật trống rỗng".

Qua lời dạy ấy, chúng ta có thể hiểu rõ tầm quan trọng của hai bậc Thánh đệ tử đối với đức Ðạo sư và đối với chánh pháp.

Một đức tính khác làm cho tôn giả Xá Lợi Phất được tất cả đồ chúng của Phật yêu kính, là Ngài biết tôn trọng ý kiến của mọi người. Ngài không bao giờ tự cho là trí tuệ đệ nhất để áp đảo kẻ khác bằng lý luận. Trong những cuộc luận đàm tôn giả thường hỏi ý kiến từng người, để họ tự do phát biếu, và khi có sự bất đồng Ngài rủ mọi người cùng đi đến yết kiến Phật để xin đức đạo sư giải quyết, chứ không bao giờ tự cho ý kiến mình đúng, thiên hạ đều sai.

Một kinh của Trung bộ III kể, vào một đêm rằm trăng sáng chiếu xuống khu vườn cây sala nơi tôn giả đang trú ngụ. Ðêm khuya, trăng tỏ, hương hoa đang mùa rộ nở cùng với sương đêm tỏa ngát không gian. Cảnh thật xứng với người: một cuộc hội kiến giữa các bậc thượng thủ đến thăm tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả mở màn cho cuộc pháp thoại bằng một câu hỏi, cũng vừa là một lời chào:

- Ðêm thanh, trăng tỏ, vườn sa la khả ái thơm nức một mùi hương như thiên giới. Chư hiền nghĩ sao, vị tỳ kheo nào, theo ý kiến chư hiền, sẽ là người làm sáng chói khu vườn? (tức một mẫu tỳ kheo lý tưởng trong Phật giáo phải như thế nào?)

Tôn giả A nan đáp:

- Theo tôi, một vị tỳ kheo làm sáng chói khu vườn là vị nào đa văn đệ nhất.

Tôn giả Ca Diếp:

- Vị tỳ kheo sáng chói khu vườn là vị trì khổ hạnh đầu đà đệ nhất.

Tôn giả Mục Kiền Liên:

- Tôi thì cho rằng vị tỳ kheo làm sáng chói khu vườn, chính là vị nào thành tựu biện tài số một.

Tôn giả Ly Bà Da:

- Ý kiến tôi thì, vị tỳ kheo làm sáng chói khu vườn phải là người thiền định bậc nhất.

Khi tất cả mọi người đều cho ý kiến, Tôn giả Mục Kiền Liên giục bạn:

- Hiền giả nghĩ sao? Ý kiến của người nào đúng? Và ý hiền giả như thế nào về một vị tỳ kheo làm sáng chói khu vườn?

Tôn giả Xá Lợi Phất đáp:

- Vị tỳ kheo nào chế phục được tâm, không bị tâm chế phục. Vị tỳ kheo nào, buổi sáng muốn trú tâm như thế nào, có thể an trú tâm như thế ấy vào buổi sáng. Buổi trưa vị ấy muốn an trú tâm thế nào, vị ấy cũng có thể làm như ý muốn vào buổi trưa. Buổi chiều, buổi tối cũng vậy.

Như một vị vua hay đại thần có một tủ đầy áo đẹp, và sáng muốn mặc cái áo nào, trưa muốn mặc cái nào, chiều muốn mặc cái nào, đều có thể làm theo ý muốn của mình. Cũng thế, đối với một vị tỳ kheo đã chế phục được tâm ý, không bị tâm chế phục. Một vị tỳ kheo như thế, này hiền giả, sẽ làm sáng chói khu rừng sa la khả ái này. Nhưng này chư hiền, chúng ta hãy đi đến đảnh lễ Ðấng Ðạo sư để thỉnh giáo về vấn đề này.

Khi đức Phật nghe thuật lại ý kiến của từng vị, Ngài dạy rằng mọi người đều trả lời đúng theo địa vị và khả năng của mình. Tuy nhiên Ngài thêm ý kiến của Ngài như sau:

- Vị tỳ kheo sáng chói khu vườn chính là vị nào sau khi đi khất thực về, sau khi chánh niệm thọ thực xong, rửa chân rồi trải tọa cụ ngồi thiền cho đến khi nào không còn lậu hoặc móng khởi.

Ðiểm lý thú trong kinh này là ở chỗ khi mới nghe qua, chúng ta thấy dường như mỗi vị tự đề cao cá nhân, song kỳ thật không thế. Mỗi người phát biểu cái lý tưởng mình muốn đạt, cho nên ngài A Nan, con người ưa đa văn, tôn trọng học vấn, đương nhiên phải cho đa văn là nhất. Ngài Ca Diếp thì cho hạnh đầu đà là lý tưởng của xuất gia, nên ngài mới chuyên môn hạnh ấy. Mục Kiền Liên yêu thích biện tài, muốn phát triển mặt ấy, nên cho rằng thành tựu biện tài là nhất. Ly Bà Ða chú trọng thiền định cũng thế, vì cho thiền định là lý tưởng. Câu đúc kết của Phật rất ý vị ở chỗ, cái điều Ngài cho là lý tưởng chính là những việc làm rất thường, không có gì quái dị phức tắp, thế mà lại rất khó, chỉ có Phật mới thành tựu trọn vẹn được. Ðó là những việc như ăn cơm, mặc áo, rửa chân, trải tọa cụ ra ngồi... những việc Phật làm khi mở đầu kinh Kim Cương. Như vậy, ta thấy rõ Phật muốn ám chỉ đạo là rất giản dị, đó là cái tâm bình thường (bình thường tâm thị đạo); nhưng đồng thời, quả thật cái việc "thường" ấy lại khó khăn gấp bội những việc "phi thường" của các bậc đa văn, biến tài, trí tuệ.

Tôn giả Xá Lợi Phất lại còn một đức tính khác thu hút tất cả những bậc đồng phạm hạnh, ấy là khiêm tốn và hâm mộ những tài đức khác. Kinh Trạm xe (Trung Bộ II) kể, có vị tôn giả là Phú Lâu Na được Phật và chúng tỳ kheo ở chung luôn tán thán về giới hạnh không thiếu sót, yêu thích độc cư, tinh tấn, tri túc, thiểu dục, đầy đủ giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến và là người thường khuyến khích người khác tu những hạnh kể trên. Khi nghe như vậy tôn giả Xá Lợi Phất vô cùng hoan hỉ mong muốn có ngày sẽ gặp được Tôn giả. Một hôm Phú Lâu Na đến yết kiến Phật và lui về ở một nơi lân cận. Các vị tỳ kheo báo tin cho ngài Xá Lợi Phất biết để đi thăm. Ðến nơi, tôn giả bắt đầu hỏi chuyện:

- Hiền giả, hiền giả vì mục đích gì mà sống phạm hạnh dưới đức Ðạo sư? Phải chăng vì mục đích thành tựu giới thanh tịnh?

- Không phải vậy, hiền giả.

- Vì mục đích kiến thanh tịnh?

- Không phải vậy, hiền giả.

- Vì mục đích đoạn nghi thanh tịnh?

- Không hiền giả.

- Vì mục đích đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh?

- Cũng không, hiền giả.

- Khi ấy tôn giả Xá Lợi Phất nói:

- Hiền giả, tôi hỏi cái gì hiền giả cũng đáp không phải vì mục đích ấy mà hiền giả sống phạm hạnh. Vậy thì, hiền giả sống phạm hạnh vì mục đích gì?

- Hiền giả, với mục đích vô thủ trước Niết bàn.

Xá Lợi Phất hỏi tiếp:

- Có phải giới thanh tịnh là vô thủ trước Niết bàn?

Phú Lâu Na đáp không. Hỏi tâm thanh tịnh, cũng đáp không, lần lượt hỏi bảy thanh tịnh, cũng đáp không phải là vô thủ trước Niết bàn. Khi ấy, Xá Lợi Phất lại hỏi:

- Trong bảy thanh tịnh, hiền giả đều nói không có cái gì là vô thủ trước Niết bàn, nghĩa là làm sao?

Phú Lâu Na đáp:

- Hiền giả, nếu Thế tôn dạy giới thanh tịnh là vô thủ trước Niết bàn thì vô thủ trước ấy cũng đồng đẳng với hữu thủ trước (chấp vào giới), về sáu thanh tịnh kia cũng vậy. Và nếu Thế tôn dạy cái gì ở ngoài bảy pháp ấy là vô thủ trước Bát Niết bàn, thì kẻ phàm phu cũng gọi là Bát Niết bàn, vì phàm phu không có bảy pháp ấy. Hiền giả, tôi lấy một ví dụ. Như vua Ba Tư Nặc đi xe từ Xá Vệ đến Saveta qua bảy trạm xe. Khi vua đến nơi bằng chiếc xe của trạm thứ bảy, đình thần ra đón và hỏi có phải nhờ chiếc xe này mà vua đi từ Xá vệ đến hay không. Khi ấy vua phải trả lời thế nào mới đúng?

Xá Lợi Phất đáp:

- Dĩ nhiên vua phải nói, đã đi từ trạm xe thứ nhất đến trạm xe thứ hai bằng một cỗ xe khác, lần lượt đổi xe ở mỗi trạm cho đến cỗ xe cuối cùng này.

- Hiền giả, cũng như vậy với bảy thanh tịnh. Giới thanh tịnh chỉ có mục đích đạt được tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là để đạt đến đoạn nghi thanh tịnh, đoạn nghi thanh tịnh là để đạt đến đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là để đạt đến đạo tri kiến thanh tịnh, đạo tri kiến thanh tịnh là để đạt đến tri kiến thanh tịnh. Tri kiến thanh tịnh là để đạt đến vô thủ trước Bát Niết bàn.

Nghe xong tôn giả Xá Lợi Phất hỏi tôn giả Phú Lâu Na:

- Tôn giả tên gì? Các vị đồng phạm hạnh gọi tôn giả như thế nào?

- Tên tôi là Phú Lâu Na, các bạn gọi tôi là Di Ða La Ni Tử.

- Thật vi diệu thay, hiền giả! Những câu hỏi sâu kín đã được một bậc đệ tử đa văn của Ðấng Ðạo sư giải, và vị ấy là tôn giả Phú Lâu Na. Thật hạnh phúc cho chúng tôi được thân cận thăm viếng Tôn giả.

Khi ấy, tôn giả Phú Lâu Na hỏi lại:

- Còn hiền giả tên chi, các vị đồng phạm hạnh gọi hiền giả như thế nào?

- Tên tôi là Tích Sa, các vị đồng phạm hạnh gọi tôi là Xá Lợi Phất.

Một bất ngờ kỳ thú! Tôn giả Phú Lâu Na muốn bật ngửa người vì ngạc nhiên, không ngờ nãy giờ mình đã múa rìu qua mắt thợ! Nhưng ông thợ này quá khiêm tốn dễ thương. Ngài Phú Lâu Na ngợ đi một một hồi mới bảo:

- Tôi đang nói chuyện với bậc đệ tử được xem ngang hàng với đức Ðạo sư mà không biết! Nếu tôi biết Ngài là Tôn giả Xá Lợi Phất, thì tôi đã không nói nhiều như vậy

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG

Sau một mùa an cư ở làng Beluva gần Vesàlì, đức Thế tôn tuần tự trở về Xá vệ. Tôn giả Xá Lợi Phất đến đảnh lễ đức Ðạo sư rồi trở về độc cư thiền tịnh. Khi tôn giả an lành xuất định, Ngài khởi lên ý nghĩ: "Thông thường các Ðấng Giác ngộ nhập Niết bàn trước hay các đệ tử trưởng nhập trước?" Rồi quán sát nội lực của tự thân, Ngài thấy thân dư báo chỉ còn tồn tại bảy ngày. Kế đó Tôn giả tự hỏi: "Không biết ta sẽ xả bỏ báo thân ở chỗ nào? La Hầu La thì nhập diệt ở cõi Tam thập tam thiên, Tôn giả Kiều Trần Như ở trên đỉnh núi Hy mã lạp. Còn ta, thì chỗ nào?" Nghị đi nghĩ lại, Ngài bỗng nhớ đến mẹ. "Mẹ ta, mặc dù là Mẹ của bảy vị A La Hán, bà vẫn không có lòng tin đối với Phật, Pháp Tăng. Bà còn chút duyên nào để sanh khởi tịnh tín chăng?" Tôn giả quán sát một hồi và thấy rằng Mẹ có thể chứng quả Dự Lưu. Rồ Ngài tự hỏi do ai mà bà sẽ được chứng quả? Quán sát bằng thiên nhãn thuần tịnh, Ngài thấy chính do mình mà Mẹ đắc quả. Do đó Ngài quyết định trở về quê cũ để nhập diệt. Tôn giả Thuần Ðà, em ruột Ngài, cùng với 500 đồ chúng của Ngài được lệnh thu xếp để theo Ngài về Nàlaka. Ði đến bái biệt đức Ðạo sư lần cuối, Ngài tác bạch:

- Bạch Thế tôn, xin Ðấng Thiện Thệ hứa khả cho con: thời gian nhập Niết bàn của con đã đến. Từ đây sẽ không còn luân hồi sinh tử với con. Ðây là lần cuối cùng con đến đảnh lễ Thế tôn. Bảy ngày nữa, con sẽ đặt thân xác này xuống, sẽ quăng bỏ gánh nặng này. Xin Ðấng Ðạo sư hứa khả.

Ðức Thế tôn im lặng. Nếu Ngài tán thành bằng một câu: "Ðược, ông, hãy nhập Niết bàn đi", người ta sẽ cho rằng Ngài khuyến khích sự chết. Nếu Ngài bác bỏ rằng "Ông đừng nhập Niết bàn", người ta sẽ cho Phật tán thán sự sống. Cho nên Phật im lặng. Ngài chỉ từ tốn hỏi lại:

- Ông sẽ nhập Niết bàn tại chỗ nào?

Tôn giả thưa:

- Bạch Thế tôn, tại xứ Ma Kiệt Ðà, trong làng Nàlaka, ở ngay trong cái nhà con đã ra chào đời, con sẽ nhập Niết bàn tại đó.

Khi ấy, Thế tôn dạy:

- Ông hãy làm những gì ông nghĩ là phải thời. Nhưng từ nay các huynh đệ của ông trong Tăng chúng sẽ không còn được thấy một vị tỳ kheo như ông nữa. Hãy thuyết pháp cho họ lần cuối cùng.

Tôn giả vâng lệnh, thăng pháp tòa. Với giọng nói trầm tịnh mà hùng hồn, đáng điệu uy nghiêm khả kính, tôn giả ban bố pháp vũ cho đại chúng một lần cuối cùng. Khi thì ngài đưa tâm hồn cử tọa lên đến những đỉnh cao tuyệt vời của chân đế, khi thì pháp âm bay lượn là đà xuống tục đế với những thí dụ trước mắt. Khi thì Ngài thuyết pháp bằng cách trực chỉ, khi thì ngài dùng ẩn dụ. Thuyết xong thời pháp, Tôn giả đến đảnh lễ dưới chân đức Thế tôn. Ngài ôm chân Phật bạch rằng:

- Chính vì ước nguyện được đảnh lễ đôi chân này mà con đã hoàn thành các pháp ba la mật trải qua vô lượng kiếp. Nguyện ước của con nay đã thành tựu. Từ nay sẽ không còn gặp gỡ, bạch Thế tôn, nếu con có lời nói hay việc làm nào không vừa ý Thế tôn, xin Thế tôn tha thứ cho con! Bây giờ đã đến lúc con phải ra đi.

Phật đáp:

- Ta tha thứ cho ông, Xá Lợi Phất. Nhưng ông không có lời nói hay việc làm nào không vừa ý ta. Ông hãy làm những gì ông thấy phải thời.

Ngay khi Tôn giả đứng lên từ biệt Phật, đại địa chấn động, trời nổi sấm sét, một đám mây đen lớn trùm khắp như một chiếc khăn tang của hoàn vũ, và một trận mưa ào ào trút xuống, như òa khóc trước cảnh ra đi của một bậc Chúng Trung Tôn.

Ðức Thế tôn bảo đồ chúng vây quanh:

- Bây giờ, các con hãy ra đi đưa tiễn bậc huynh trưởng của các con lần cuối.

Toàn thể tứ chúng đều rời Kỳ viên tinh xá, chỉ còn một mình đức Phật. Họ đi theo Tôn giả từng đoàn từng đoàn lũ lượt càng lúc càng đông vì dân thành Xá vệ cũng tiếp theo đoàn đưa tiễn, với đầu tóc nhúng nước rũ rượi (dấu hiệu tang lễ thời ấy), họ theo khóc lóc ta thán. Tôn giả ủy lạo quần chúng đang rên siết.

- Ðây là một đoạn đường mà không ai tránh khỏi.

Và Ngài bảo họ trở về. Quay lại tăng chúng ở Kỳ viên đang theo đưa tiễn Ngài, Tôn giả căn dặn:

- Bây giờ, chư hiền hãy trở lại tinh xá đi. Hãy nhớ chăm sóc Ðấng Ðạo sư!

Còn lại 500 đồ chúng, Tôn giả tiếp tục cuộc hành trình. Cuộc du hành kéo dài cả tuần lễ, khiến nhiều người được dịp chiêm bái Tôn giả lần cuối cùng. Khi về đến làng quê, trời đã tối. Tôn giả dừng chân dưới một gốc đa đầu làng. Tình cờ, một ngưòi cháu của Tôn giả đi mua đồ, thấy Tôn giả, đến gần chào Ngài. Ngài hỏi:

- Bà ngoại con có nhà không?

- Bạch Tôn giả, có.

- Con hãy trở về báo tin có chúng ta đến. Thưa bà rằng chúng ta sẽ ở lại trong làng một ngày, và xin bà dọn chỗ cho ta trong phòng ta đã ra chào đời, và sắp đặt chỗ nghỉ cho 500 vị tỳ kheo.

Cậu bé trở về thuật lại cho thân mẫu Tôn giả. Nghe xong, bà ngẫm nghĩ: "Tại sao con ta trở về? Tại sao y bảo dọn chỗ cho đông người quá vậy? Sao lại muốn ở trong phòng ra chào đời? Bộ muốn hoàn tục hay sao?". Bao nhiêu câu hỏi xoay vần trong đầu óc bà cụ. Nhưng bà vẫn làm theo lời dặn.

Khi Tôn giả về đến nhà, Ngài vào phòng dành sẵn, và bảo các tỳ kheo hãy đi đến khu vực dành cho họ. Chúng tỳ kheo vừa đi khỏi, Tôn giả phát đau bụng dữ dội, quặn thắt cả ruột. Ngài đi cầu không ngớt, thị giả đem thùng vào rồi lại đem ra. Bà mẹ lo âu, thầm nghĩ: "Cha chả, bộ con mình gặp nguy rồi". Và bà cụ cứ đứng như vậy nhìn về phòng Tôn giả suốt đêm, nhưng không dám đến gần. Trong lúc ấy Tứ Thiên vương bằng thiên nhãn thấy bậc đại tuệ Xá Lợi Phất sắp nhập diệt, bàn nhau xuống trần để viếng thăm Ngài. Giữa đêm khuya, gian phòng sáng rực vì dung sắc của các vị Thiên vương chiếu ra. Tôn giả hỏi:

- Ai thế?

- Bạch Tôn giả chúng tôi là những vị trời Tứ thiên vương.

- Các Ngài đến đây làm gì?

- Chúng tôi muốn hầu hạ Tôn giả trong cơn bệnh.

- Cảm ơn, tôi đã có thị giả. Các ngài đi đi.

Sau khi Tứ thiên vương từ biệt, đến lượt Ðế thích và Ðại phạm thiên đến viếng thăm Tôn giả. Tôn giả đều cảm ơn bảo họ lui về. Bà cụ suốt buổi quan sát dung sắc thù thắng của những vị khách cõi trời mà lòng cảm thấy quái lạ. Bà tự hỏi: "Ai vậy? Ai mà đối với con ta có vẻ cung kính Thế nhỉ?" Rồi, không cản nổi cơn tò mò, bà đến tấn cửa phòng Tôn giả. Tôn giả Thuần Ðà báo tin cho sư huynh. Tôn giả hỏi:

- Tại sao Mẹ đến vào giờ khuya khoắt Thế này?

- Ðể thăm con, con ạ! Này, con hãy nói cho mẹ nghe, những người đến đầu tiên là ai Thế?

- Thưa Mẹ, đó là Tứ Thiên vương.

Bà mẹ trố mắt :

- Ồ ra, con còn lớn hơn cả Tứ Thiên vương nữa à?

Tôn giả đáp:

- Họ cũng như những người giữ chùa. Từ ngày đức Thế tôn đản sinh, họ luôn luôn canh gác đêm ngày, gươm đeo lủng lẳng.

- Và kế tiếp họ là ai thế?

- Ðó là Ðế thích, vua của những vị Trời.

- Vậy thì con lại lớn hơn cả Ðế thích kia à?

- Ông ấy cũng như chú tiểu ôm y bát theo hầu các tỳ kheo. Khi Ðấng Ðạo sư lên cõi trời Ba Mươi Ba, chính Ðế thích đã ôm y bát theo hầu ngài trở về trần thế.

- Ồ còn sau Ðế thích là ai nữa vậy?

- Ðó chính là Phạm thiên mà mẹ thờ.

- Ui chao! Thế ra con còn hơn cả vị trời Ðại Phạm của mẹ nữa sao?

- Vâng thưa mẹ. Vào ngày Ðấng Ðạo sư đản sanh, chính bốn vị trời Ðại Phạm đã đưa lưới báu cõi trời đỡ lấy Thánh nhi.

Khi nghe thế, bà cụ suy nghĩ: "Nếu con ta đã có oai thần như vậy, thì bậc thầy của con ta còn oai thần đến bậc nào". Và khi nghĩ thế, một niềm hoan hỉ tràn ngập thân tâm bà. Tôn giả quán thấy mẹ mình đã phát sinh hỉ lạc đối với Tam bảo, và đã đến lúc nên thuyết pháp cho bà. Ngài hỏi:

- Mẹ nghĩ gì thế?

- Tôi đang nghĩ rằng, nếu con tôi có oai thần như vậy, thì Ðấng Ðạo sư của người còn oai thần tới mức nào.

Tôn giả Xá Lợi Phất đáp:

- Vào lúc Ðấng Ðạo sư đản sinh, lúc Ngài xuất gia, lúc đắc đạo và chuyển pháp luân lần đầu, vào tất cả những dịp ấy, mười phương Thế giới đều rung chuyển. Không có ai sánh được với Ngài về phương diện giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.

Rồi Tôn giả giải thích cho mẹ nghe vì sao đức Ðạo sư đã được tôn xưng là Ðấng Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn. Nghe xong thời pháp, bà cụ đắc quả Dự lưu. Bà hỏi Tôn giả:

- Tại sao, này con Tích Sa yêu dấu, tại sao suốt nhiều năm ròng, con đã không ban bố cho mẹ pháp vị cam lồ này?

Tôn giả nghĩ thầm: "Thế là ta đã báo đền ơn dưỡng dục". Và ngài bảo mẹ:

- Bây giờ, tín nữ hãy về nghỉ đi.

Khi bà cụ đi khỏi, Tôn giả hỏi Thuần Ðà:

- Bây giờ khoảng canh mấy?

- Bạch Tôn giả, gần tảng sáng rồi.

- Hãy triệu tập chúng tỳ kheo.

- Thưa vâng, bạch Tôn giả.

Khi chúng tỳ kheo đến, Tôn giả bảo Thuần Ðà:

- Hãy đỡ ta ngồi dậy, Thuần Ðà.

Sau khi ngồi dậy, Tôn giả nói với chúng tỳ kheo:

- Này chư hiền, tôi đã sống, du hành với chư hiền trong 40 năm. Trong thời gian ấy, nếu tôi có làm gì, nói gì không vừa ý chư hiền, xin chư hiền hãy tha thứ cho tôi.

Tất cả đồng thanh bạch:

- Thưa Tôn giả, không có một điều bất mãn nhỏ nào Tôn giả đã gây cho chúng con, những người theo Tôn giả như bóng theo hình. Nhưng bạch Tôn giả, xin Tôn giả hãy tha thứ cho chúng con!

Kế đó, Tôn giả quấn y quanh mình trùm cả mặt, nằm xuống hông bên phải. Rồi cũng như đức Thế tôn sẽ làm khi Ngài nhập Niết bàn, Tôn giả lần lượt nhập và xuất chín tầng lớp thiền định rồi trở lại nhập sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Sau tứ thiền, Ngài hoàn toàn nhập Niết bàn Vô dư y. Ðó là ngày rằm tháng Kattika tức vào khoảng giữa tháng 10 và 11 dương lịch.

Khi được tin, bà cụ không ngớt than khóc cho tới khi mặt trời mọc. Bà mở kho xuất nhiều vàng bạc để làm tang lễ. Quần chúng khắp làng đến nghe thuyết pháp và đảnh lễ thi hài Tôn giả. Bảy ngày sau, lễ trà tỳ được cử hành. Thi hài Tôn giả đặt trên một giàn hỏa lớn bằng gỗ trầm. Sau khi hỏa táng, Tôn giả A Nâu Lâu Ðà rưới nước thơm dập tắt ngọn lửa.

Tôn giả Thuần Ðà thâu nhặt xá lợi bọc vào trong một mảnh y. Liền sau đó, Tôn giả trở về Xá vệ bạch Phật, mang theo y bát và xá lợi của vị sư huynh. Ðến nơi, Thuần Ðà bái yết thị giả A Nan trước và tác bạch:

- Bạch Tôn giả, Tôn giả Sàriputta đã nhập Niết bàn. Ðây là y và bát của Ngài.

- Hiền giả, về việc này ta phải đi đến Ðấng Ðạo sư.

- Thưa vâng bạch Tôn giả.

Rồi cả hai cùng đi đến đức Phật. Sau khi đảnh lễ Phật, họ ngồi qua một phía. Tôn giả A Nan bạch:

- Bạch đức Thế tôn, chú tiểu Thuần Ðà nói với con rằng Tôn giả Xá Lợi Phất đã nhập Niết bàn. Ðây là y và bát của Tôn giả. Khi nghe vậy bạch Thế tôn, con bủn rủn tay chân, vạn vật xung quanh con trở nên mờ mịt. Con không còn trông rõ cái gì ra cái gì nữa, khi nghe Tôn giả Xá Lợi Phất từ trần!

- Sao vậy, A Nan? Khi Xá Lợi Phất từ trần, ông ấy có đem bớt đi phần nào giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của ông chăng?

- Không phải vậy bạch Thế tôn. Khi Tôn giả Xá Lợi Phất từ trần, tôn giả đã không đem theo bớt phần nào giới, định, tuệ của con. Nhưng bạch Thế tôn, Tôn giả đối với con là một vị hướng đạo, một bậc đàn anh, một người đã thường khích lệ, làm con hoan hỉ, phấn khởi, một người giảng pháp không biết mỏi mệt, một người giúp đỡ những kẻ đồng phạm hạnh. Chúng con nhớ xiết bao những lời chỉ giáo bổ ích, linh động và thú vị của Tôn giả!

- A Nan, há tôi đã không dạy cho ông rằng sớm muộn, chúng ta đều phải chịu sự chia ly với những gì thân yêu gần gũi? Cái gì đã sinh thành tất phải hoại diệt, tan rã. Không phân ly là điều không thể có. Này A Nan, cũng như cành lớn của một đại thụ vững mạnh đã gãy xuống, Xá Lợi Phất nhập diệt đối với chúng tỳ kheo thanh tịnh này cũng vậy. Quả thế, A Nan, có hội tụ tất phải có phân ly. Không phân ly là điều không thể có. Bởi thế, này A Nan, hãy tự mình làm một hòn đảo, một chỗ nương cho chính mình, đừng tìm chỗ nương tựa bên ngoài. Hãy lấy chánh pháp làm hòn đảo, lấy chánh pháp làm chỗ nương, đừng tìm chỗ nương nào khác.

Rồi đức Thế tôn đưa tay đỡ lấy di cốt của vị thánh đệ tử thân yêu, và bảo đại chúng:

- Này các tỳ kheo, đây là di cốt trắng như vỏ ốc của vị tỳ kheo cách đây không lâu đã xin phép ta để nhập Niết bàn.

Vị tỳ kheo ấy là người thành tựu các hạnh Ba la mật trải qua vô lượng kiếp. Vị tỳ kheo ấy là người đã giúp ta chuyển bánh xe pháp. Vị tỳ kheo ấy là người được chỗ ngồi bên cạnh ta. Vị tỳ kheo ấy là người trong cõi Tam thiên Thế giới không có ai sánh kịp về phương diện trí tuệ, chỉ trừ đức Như Lai. Vị tỳ kheo ấy là ngưòi có trí tuệ lớn, có trí tuệ rộng, có trí tuệ sáng, có trí tuệ sắc bén, có trí tuệ sâu xa. Vị tỳ kheo ấy ít muốn, biết đủ, thích độc cư, không thích đám đông, đầy nghị lực. Vị tỳ kheo ấy là bậc khích lệ những bậc đồng phạm hạnh, sẵn sàng chỉ điểm những lỗi lầm. Vị tỳ kheo ấy khi xuất gia đã từ bỏ một gia sản lớn lao có được nhờ công đức tích lũy từ 500 đời trước. Vị tỳ kheo ấy là người có hạnh nhẫn nhục như đại địa. Vị tỳ kheo ấy có tâm bất hoại, như một con trâu đực đã cưa hai sừng. Vị tỳ kheo ấy có tâm khiêm hạ như đồng tử.

Này các tỳ kheo, hãy nhìn đây xương trắng tro tàn của bậc Ðại tuệ, bậc Quảng tuệ, bậc Lợi tuệ, bậc Minh tuệ, con người ít muốn biết đủ ấy, con người ưa thích độc cư, con người đầy nghị lực ấy! Nhìn đây, xương tàn của một tỳ kheo đã khích lệ, làm cho phấn khởi chúng tỳ kheo, sẵn sàng chỉ điểm lỗi lầm cho chúng tỳ kheo.

Bên bờ sông Hằng, không lâu sau khi hai Ðại đ? tử của Ngài nhập diệt, một hôm đức Thế tôn đưa mắt im lặng nhìn khắp tất cả đại chúng vây quanh rồi dạy:

- Hội chúng này, hỡi các tỳ kheo, đối với ta bây giờ quả thật trống rỗng, khi Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên không còn!