Đạo đức - Tâm lý học
Tâm Lý Học Phật Giáo
Tác giả: Thích Tâm Thiện
12/02/2553 11:37 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phần I : Giới Thiệu Tổng Quát

I.1.Chương 1 : 

Dẫn nhập 

I.1.1 Nhan đề và giới thiệu đề tài 

Tâm lý học là khoa học nghiên cứu về tâm lý con người. Tâm lý học thường đi đôi với giáo dục học, gọi chung là tâm lý giáo dục. Về góc độ lịch sử, tâm lý học ra đời muộn hơn so với các ngành khoa học khác. Nhưng cũng như các ngành khoa học, tâm lý học bắt nguồn từ triết học và từ đó đã sớm đi vào giải quyết các vấn đề quan trọng, then chốt trong đời sống con người. Ngày nay tâm lý học trở thành một trong những ngành học quan trọng nhất về con người, nó liên quan mật thiết đến các lĩnh vực văn hóa và văn minh của nhân loại. Vì rằng, văn hóa và văn minh là những gì được làm ra bởi con người; nó là sản phẩm của con người, và do đó, không thể tách rời con người ra khỏi các lĩnh vực văn hóa và văn minh trong hệ thống tương quan, mang tính chất tùy thuộc lẫn nhau (Y tha khởi). 

Tuy nhiên, trước viễn cảnh của thực tại, các nền văn minh nhân loại hiện nay đang rơi vào khủng hoảng - sự mất cân bằng một cách trầm trọng giữa đời sống vật chất và tinh thần. Các nước văn minh, tiên tiến thì nỗ lực tập trung vào các ngành khoa học công nghiệp và siêu công nghiệp, như công nghệ tin học, công nghệ không gian...; các nước đang phát triển và kém phát triển thì nỗ lực đi vào công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nói chung, cả hai đều đi vào mục tiêu phát triển kinh tế ở tầm vĩ mô. Tuy nhiên, điều nghịch lý, mâu thuẫn vẫn diễn ra trên toàn thế giới, đó là : đói nghèo, bệnh tật, chiến tranh, và nạn nhân mãn v.v... 

Trong khi, chỉ số đánh giá mức phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc được xác định trên tỷ lệ tăng hoặc giảm của "GDP" (General Domestic Product - Tổng sản lượng hàng hóa nội địa) và "GNP" (Gross National Product - Tổng sản lượng quốc gia); thì ngược lại, chỉ số "stress" của con người ngày càng tăng. Đối với các nước công nghệ (1) siêu cường của thế giới thì căn bệnh trầm kha nhất không phải là kinh tế, mà chính là "stress" - một sự khủng hoảng tâm lý thời đại. Ngược lại, các nước kém phát triển và đang phát triển thì căn bệnh khủng hoảng đó bao gồm cả hai : khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng tâm lý. Với một đường hướng phát triển như thế đã đánh mất sự quân bình của đời sống con người. Nếu sự phát triển chỉ dựa vào lợi tức thu nhập (income) kinh tế và tư bản (tiền tệ), nghĩa là chỉ dựa vào khát vọng làm giàu và tôn vinh sự bảo thủ độc quyền (exclusive) - nói theo ngôn ngữ của Phật là tham ái (tanhà) và chấp thủ (upadàna) - thì ắt hẳn sẽ đưa đến khổ đau, bất hạnh và tuyệt vọng. 

Vì thế, trước viễn cảnh của những khủng hoảng trầm trọng, nhất là khủng hoảng tâm lý của con người như là các hội chứng của stress thời đại, các giá trị trong sự sống của con người cần thiết được xét lại, và cần được soi sáng bởi những lời dạy của Đức Phật. 

1- Vấn đề khủng hoảng tâm lý 

Như vừa trình bày, trong xu thế công nghiệp hóa và siêu công nghiệp hóa của thế giới hiện nay, con người thường xuyên rơi vào các khủng hoảng theo hai chiều hướng, hoặc là bị loại trừ bởi các thiết bị hiện đại, hoặc là phải lao động quá mức có thể. Sự kiện đó xảy ra trên qui luật cạnh tranh mà các nhà kinh tế thời đại cho rằng đó là cạnh tranh để sinh tồn và cạnh tranh để phát triển (2). Nhưng thực chất là cạnh tranh để đi đến chiến thắng độc quyền, và có khi dẫn đến sự triệt hạ lẫn nhau giữa tư bản tư nhân hoặc tư bản độc quyền nhà nước (3); còn hậu quả thì đưa đến không những ở mức độ cộng đồng mà còn ở chính mỗi con người. 

Trong khi đó, Đức Phật dạy : "Dầu tại nơi chiến trường, thắng hàng ngàn quân địch, tự thắng mình tốt hơn, đó là sự chiến thắng tối thượng". (Php.103) Hoặc là "Dầu Thiên thần, Càn thát bà, Ma Vương hay Phạm Thiên, không ai chiến thắng nổi người đã tự chiến thắng và tự chế phục". (Php. 105) 

Sự chiến thắng như thế chính là nền tảng để từ đó tái lập sự quân bình cho đời sống tâm lý, và xa hơn là sự giải quyết các khủng hoảng của con người chính nó, với tư cách là con người cá biệt (individual) và con người của cộng đồng, với tư cách là thành viên của xã hội (member of society). 

2- Vấn đề triết lý nhân sinh 

Nói đến tâm lý con người cũng là nói đến tâm lý xã hội. Các ngành tâm lý học và xã hội học, đạo đức học, luận lý học... đều tập chú vào con người và các diễn biến tâm lý của con người. Và mục tiêu của các ngành học đó là giúp con người kiến tạo một đời sống hạnh phúc, đồng thời giúp phát triển một cách toàn diện các tánh hạnh (behaviour), các đức tính (virtue) của con người. Tuy nhiên, ngay từ đầu, triết học tâm lý đã vướng phải một sai lầm lớn, đó là xây dựng một hệ thống nhận thức luận (epistemology), giá trị luận (axiology) và bản thể luận (ontology) trên căn bản của một ngã thể (ego), một bản thể (essence). Và do đó, tất yếu phải đưa đến những quan niệm, phương pháp v.v... nhằm duy trì và bảo vệ cái ngã thể (4) bất thực đó như cái bản năng (Id), cái siêu ngã (superego) trong tâm lý học mà Sigmund Freud đề xuất. Vì thế, khi con người đối diện với sự thật của định lý vô thường, sinh ra khổ đau và rơi vào khủng hoảng. Khủng hoảng tâm lý là căn bệnh miên trường đối với con người. Do đó, cần phải xét lại vấn đề tâm lý giáo dục của thời đại. 

Đức Phật dạy rằng : "Các hành vô thường", "các pháp là vô ngã" (5). Điều đó là một tia nắng rực rỡ, khả dĩ soi sáng và giải quyết các vấn đề hiện đại của con người. 

3- Vấn đề cá nhân và xã hội 

Cá nhân và xã hội là hai mặt của một hiện hữu. Cá nhân không thể thoát ly ngoài xã hội mà có, và ngược lại, xã hội không thể thành tựu nếu không có mỗi con người cá nhân. Sự tách biệt giữa cá nhân và xã hội là điều không thể và lầm lẫn. Do đó, các hệ thống triết học nếu tự qui giảm mình về hoặc là duy tâm, hoặc là duy vật v.v... đều rơi vào phiến diện, và tha hóa. Điều này được Thích Chơn Thiện, trong luận án Tiến sĩ về "Lý thuyết nhân tính" (6), đánh giá và xếp loại như sau : 

a) "Nhóm tư tưởng ngôi thứ ba : Các tư tưởng cho rằng có nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ gọi là nhóm tư tưởng ngôi thứ ba - người mà ta nói về. Do vì vai trò làm chủ cuộc sống của con người bị đánh mất trong nhóm tư tưởng này, nên tư tưởng của nhóm này bị tha hóa (alienation)". 

b) "Nhóm tư tưởng ngôi thứ hai : Các tư tưởng cho rằng sự thật chỉ hiện hữu trong thiên nhiên hay hiện tượng giới gọi là nhóm tư tưởng ngôi thứ hai - người mà ta nói với. Con người cũng bị đánh mất trong nhóm tư tưởng này, nên nhóm này được gọi là tha hóa". 

c) "Nhóm tư tưởng ngôi thứ nhất : Các tư tưởng cho rằng con người làm chủ cuộc đời mình, hay cuộc sống là vì hạnh phúc của con người ... - người mà ta đang nói ...." 

Và tác giả cho rằng, Phật giáo, hiện sinh thuyết, và hiện tượng luận ... thuộc về nhóm tư tưởng ngôi thứ nhất. 

Tuy nhiên, sự sắp xếp trên của tác giả chỉ nhằm phân loại các nhóm tư tưởng một cách bao quát (universal). Sự thật thì giữa Phật giáo và hiện sinh thuyết chẳng hạn, cách giải quyết vấn đề hoàn toàn khác nhau (7) ngay từ nền tảng của mỗi học thuyết, như một đằng nói Vô ngã (Non-essence), một đằng khác nói Hữu ngã (Essence). 

Ở đây, qua giáo lý Duyên sinh (Paticcasamupàda), Đức Phật đã soi sáng sự thật của con người và vũ trụ vạn hữu này. Sự thật đó chính là Duyên sinh tính, Vô ngã tính. (Vấn đề sẽ được bàn rõ ở các chương sau). 

4- Vấn đề đạo đức và luân lý 

Đạo đức và luân lý đều là các nội dung được bàn đến trong tâm lý học, mặc dầu giữa đạo đức học và tâm lý học thì khác nhau trên cơ sở đối tượng và quan điểm nghiên cứu (8); nhưng cả hai đều thuộc ngành khoa học nhân văn, nên đều hướng đến đối tượng là đời sống tinh thần hay ý thức của con người. 

Tuy nhiên, do tính chất công ước (conventional) xã hội của đạo đức, luân lý, nghĩa là nó luôn luôn được giới hạn bởi tính chất qui ước chung của toàn xã hội, do đó, nó chỉ phản ánh trên bề mặt của các hiện tượng (thiện, ác) xã hội, mà chưa thực sự đi vào bản chất của mỗi con người. Vì thế, một kẻ tàn ác, xấu xa, y vẫn có thể đội lốt lương thiện - công ước để trung hoành ngoài xã hội. Đây là nguyên nhân đưa đến nạn tham nhũng, giết người giấu tay v.v... hay còn gọi là khủng hoảng đạo đức. 

Đức Phật, qua giáo thuyết nhân quả, nghiệp báo (karma), đã xác định rõ : "Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng, là quyến thuộc ..."(9) 

Cái thai tạng (womb) hay tâm thức đó của mỗi con người là nền tảng của đạo đức và luân lý Phật giáo. Và tại đó, là cơ sở duy nhất có thể giải quyết các khủng hoảng và sự đảo lộn trật tự của đạo đức, luân lý thời đại. (Vấn đề sẽ được bàn cụ thể ở các chương sau). 

5- Vấn đề tương quan giữa con người và môi trường sinh thái 

Vấn đề môi trường sinh thái hiện đang là khủng hoảng bức thiết nhất mà con người phải đối diện. Môi trường được xem như là dưỡng khí cần thiết, mà qua đó, con người hấp thụ để sinh sống và phát triển. Mối liên hệ giữa con người và môi trường là mối quan hệ bất khả phân ly. Do đó, sự hủy diệt môi trường cũng là sự huỷ diệt con người. Từ đó các vấn đề như sinh thái học (ecology), hệ sinh thái (ecosystem), môi trường sinh thái (ecological environment), cấu trúc sinh thái (ecological structure), sinh thái nhân văn (human ecology), sinh thái tự nhiên (natural ecology) và diệt sinh thái (ecocide) v.v... được xem là các vấn đề nóng bỏng nhất đang ảnh hưởng đến đời sống con người. Vấn đề lại càng trớ trêu hơn, khi chính các nước tiên tiến lại là nơi dẫn đầu về phá hoại môi trường sinh thái (10) thông qua sự thải chất bả từ các nhà máy công nghiệp nặng, nhẹ; sự rò rỉ hay bùng vỡ các lò phản ứng hạt nhân, sự đắm chìm của các tàu chuyên chở dầu khí, sự đốt phá những quặng dầu trong chiến tranh v.v... tất cả đều đưa đến hậu quả diệt sinh thái một cách trầm trọng. Những vấn đề trên, suy cho cùng đều bắt nguồn từ lòng vị kỷ, và dục vọng của con người. Và hiệu ứng nhà kính (dioxide de carbone) (11) thực ra cũng chính là hiệu ứng dục vọng của con người. 

Sự kiện này cần thiết được soi sáng bởi giáo lý Duyên khởi - Vô ngã; thông qua giáo lý ấy, con người sẽ hiểu được rằng các loài hữu tình (sentient beings) và vô tình (non sentient beings) đều là chúng sinh, cần phải tựa vào nhau mà sinh tồn. Và sự hủy diệt sinh thái của các loài vô tình đồng thời cũng là sự hủy diệt sinh thái của con người và muôn loài sinh thú. 

6- Vấn đề chiến tranh và hòa bình 

Chiến tranh và hòa bình là diễn biến hai mặt của cùng một dòng tâm thức. Khi các dục vọng mâu thuẫn, xung đột nội tại dâng lên đỉnh cao, lập tức nó trở thành chiến tranh; và khi tâm thức ấy buông xả mọi xung đột, mọi khát vọng.... thì nó tái lập hòa bình. Đó chính là ý nghĩa của : "Tâm bình thế giới bình" trong kinh tạng Phật giáo. Các cuộc chiến tranh nóng và lạnh trên thế giới đều là diễn biến của tâm thức xung đột, khát vọng và bất an. 

Đức Phật dạy (12) : "Lại nữa, này các Tỷ kheo, do dục vọng làm nhân, do dục vọng làm duyên, do dục vọng làm nguyên nhân, do chính dục vọng làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát đế lỵ tranh đoạt với Sát đế lỵ, Bà la môn tranh đoạt với Bà la môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ; mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ; cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha; anh em tranh đoạt với anh em; anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh; bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi chúng dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt, chúng tấn công nhau bằng tay, bằng gạch đá, bằng gậy gộc, bằng đao kiếm. Ở đây, chúng đi đến tử vong, đi đến khổ đau gần như tử vong". 

"Lại nữa, này các Tỷ kheo, do dục vọng làm nhân, do dục vọng làm duyên, do dục vọng làm nguyên nhân, do chính dục vọng làm nhân, chúng cầm mâu và thuẫn, chúng đeo cung và tên, chúng dàn trận hai mặt và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau, chúng bắn, đâm nhau bằng tên, chúng quăng, đâm nhau bằng đao, chúng chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây, chúng đi đến tử vong, đi đến khổ đau gần như tử vong". 

Và Ngài cũng dạy rằng : "Nếu tâm thức bị dao động bởi bằng, thắng hay thua, thì đấu tranh khởi lên, khi cả ba không dao động, thì đấu tranh không sinh khởi".(13) 

Hoặc là : "Thắng trận sinh thù oán, bại trận nếm khổ đau, ai từ bỏ thắng và bại, tịch tịnh hưởng an lạc".(14) 

7- Vấn đề tâm lý giáo dục 

Như đã đề cập, tâm lý giáo dục là một trong những ngành học quan trọng nhất về con người, nhằm khảo cứu, quan sát, kiểm chứng các sự kiện tâm lý để xác định những định luật tâm lý giúp con người giải quyết các vấn đề nội tại của mình, nhằm đưa đến cuộc sống hạnh phúc. Do đó, ngành tâm lý giáo dục có chức năng xây dựng nội dung giáo dục và phương pháp hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục đó. Các nhà tâm lý giáo dục nổi tiếng trong thời hiện đại như Sigmund Freud, Carl Jung, Erich Fromn, Adler, Maslow, Allport, Carl Rogers, John Dewey, Dalton, George H. Mead, Winnetka, Martimière, Montersori... đã nỗ lực sáng tạo, đề xuất các hệ thống tâm lý học, tâm lý giáo dục và tâm lý xã hội... Sự nỗ lực đó đã mở ra một đường hướng giáo dục cần thiết, hữu ích cho con người. Tuy nhiên, các lý thuyết ấy vẫn bị giới hạn ở quan điểm cho rằng con người xuất hiện cùng với một ngã tính (self) vĩnh hằng ; hoặc khi chạm phải những vấn đề nan giải thường bị rơi vào "bất khả tri" luận. (Điều này sẽ được trình bày ở phần sau). 

Qua lăng kính Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, Phật giáo đã đề cập đến khá rõ về các vấn đề tâm lý giáo dục như một ngành khoa học nhân văn và xã hội trong các kinh Nikayà và kinh tạng Đại thừa. Nhất là đối với các kinh như Lăng Già (Lankàvatàra), kinh Giải Thâm Mật (Sandhi-nirmona), kinh Bát Nhã (Prãjnaparamità), kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka hay Gandavyùha). Đặc biệt trong triết học Duy thức (Vinnànàvàda), ít nhất là từ hơn 15 thế kỷ qua, đã có các hệ thống tâm lý học đặc sắc như Thắng pháp luận (Abhidhammatthasangaha) của Thượng tọa bộ, A tỳ đạt ma câu xá luận (Abhidhamma-kosa-sastra) của Nhất thiết hữu bộ, và Duy thức của Đại thừa(15). 

Các bộ luận trên đều đi vào phân tích tâm lý qua các hoạt động của nó và chia thành ba loại tâm cơ bản : tâm thiện, tâm bất thiện, và tâm phi thiện - phi bất thiện hay còn gọi là lộ trình tâm. Thông qua các loại tâm trên, con đường giáo dục tâm lý được thể hiện ở sự tập chú thiền định đi vào thanh lọc và làm cho tâm trở nên thanh tịnh, thoát ly mọi khổ đau của con người. 

Tuy nhiên, trong tác phẩm này, tác giả chỉ tập trung vào nội dung tâm lý học trên cơ sở của triết học Duy thức trong Đại thừa Phật giáo, đặc biệt là y cứ trên tư tưởng của Luận sư Asanga (Vô Trước) và Vasubandhu(Thế Thân). Đồng thời, thông qua tác phẩm Duy Thức tam thập tụng (Treatise in thirty verses on Mere - Consciousness) của Vasubandhu, tác giả sẽ trình bày về hệ thống Tâm lý học Phật giáo như đã được giới thiệu trong nội dung của tác phẩm này. 

Tác giả tin tưởng ở sự trình bày cụ thể, rõ ràng và hệ thống của Luận sư Vasubandhu, trong Duy Thức tam thập tụng sẽ giúp độc giả tiến sâu hơn vào nguồn mạch của đời sống tâm lý của chính mình, và từ đó, chọn lựa cho bản thân một giải pháp tốt nhất nhằm giải quyết những khủng hoảng và kiến lập đời sống hạnh phúc, giải thoát ngay tại cuộc đời này. 

I.1.2 Phạm vi đề tài 

Có nhiều lĩnh vực liên quan đến đề tài ; tuy nhiên, ở đây tác phẩm được tập trung vào các chủ đề chính như sau : 

- Sự hình thành Tâm lý học Phật giáo. 

- Đại cương Tâm lý học Phật giáo. 

- Nội dung Tâm lý học Phật giáo qua Duy thức tam thập tụng. 

Bên cạnh đó, tác giả cũng trình bày khái lược về lịch sử tâm lý học phương Tây và các vấn đề tâm lý học ở phần đầu của tác phẩm, nhằm giúp độc giả so sánh đối chiếu giữa tâm lý học phương Tây và Phật giáo. Đồng thời, ở phần kết (Phần IV. Chương 1 & 2 và phần V), tác giả, thông qua hệ thống tâm lý giáo dục Phật giáo, đề bạt và giới thiệu những phương pháp thực tiễn có thể giúp giải quyết các khủng hoảng tâm lý của con người hiện tại và tái lập đời sống hạnh phúc thật sự như đã được giới thiệu rõ trong các hệ thống triết học Phật giáo, nổi bật nhất ở đây là các thể tài thuộc triết học Duy thức. 

Về hệ thống triết học Duy thức, nó là một hệ thống thuộc về Luận tạng (Abhidhamma - pitaka) trong Tam tạng (Tripitaka) thánh điển Phật giáo, bao gồm : Kinh tạng (Sutta - pitaka), Luật tạng (Vinaya-pitaka) và Luận tạng (Abhidhamma-pitaka). Tam tạng thánh điển lại được chia thành hai hệ thống theo Nam phương và Bắc phương Phật giáo, và có những hệ thống giáo nghĩa riêng biệt gọi là Nam tạng và Bắc tạng. Ở đây, triết học Duy thức thuộc về giáo nghĩa của Bắc tạng (Mahayàna-Phật giáo). (Xem phần : Sự hình thành của Tâm lý học Phật giáo - Phần II, Chương 1). 

Công việc nghiên cứu này, tác giả chỉ tập chú vào phần Luận tạng của Phật giáo Mahayana, qua đó, xác định sự thật về tâm lý và các sự kiện, diễn biến của tâm lý con người ; đồng thời trình bày con đường giáo dục tâm lý theo quan điểm của Phật giáo nói chung và Luận tạng nói riêng. Tác giả hoàn toàn tin tưởng ở sự giải kiến (deconstruction) của các vị Luận sư Phật giáo(16), những người đã thăng chứng tuệ giác và kế thừa mạng mạch Phật giáo suốt hơn 15 thế kỷ qua. 

I.2. Chương 2 : 

Sơ lược lịch sử tâm lý học 

(Psychology) 

Trước khi đi vào nghiên cứu tâm lý học, cần thiết lược qua quá trình hình thành và sự phát triển của nó, đặc biệt là hệ thống tâm lý học phương Tây. 

I.2.1 : Sự hình thành và phát triển của tâm lý học 

Tâm lý học (Psychology) là một ngành khoa học nghiên cứu về con người, vị trí của nó đứng ở giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Tâm lý học khảo sát, tìm hiểu các động lực phát sinh và sự vận hành của các hiện tượng tâm lý. Cũng như các ngành khoa học khác, tâm lý học bắt nguồn từ triết học, và về sau trải qua hàng ngàn năm tâm lý học mới chính thức trở thành một ngành học chuyên môn. 

Khởi đầu, vào thời cổ đại, tâm lý học gắn liền với lịch sử triết học và được thanh lọc qua bởi nhiều quan điểm khác nhau. Plato (428-318 B.C.) đại diện cho dòng triết học Duy tâm, cho rằng hiện tượng của cả tâm lý và vật lý đều xuất sinh từ ý niệm tuyệt đối hay còn gọi là "Eros" (Tâm), đó là niềm hứng khởi vô tận từ triết học. Ngược lại Democrite (460-320 B.C.) đại diện cho dòng triết học Duy vật, đi tìm cái nguyên động lực đầu tiên từ trong thế giới tự nhiên của vũ trụ vạn hữu như nước, lửa, khí..., và cho rằng diễn biến của tâm lý con người hoàn toàn tùy thuộc vào các qui luật về sự vận hành của thế giới tự nhiên. Sau đó đến Aristote (384-322 B.C.), một môn đệ sáng giá nhất của Plato đã cho ra đời một tác phẩm tâm lý học đầu tiên dưới nhan đề : "Bàn về linh hồn". Trong tác phẩm này, ông đã đề cập đến một vấn đề rất quan trọng về tâm lý, đó là mối liên hệ mật thiết giữa tâm lý và vật lý, hay giữa tinh thần và cơ thể với thế giới sự vật hiện tượng(17). 

Đến nửa đầu thế kỷ XVII, Descartes (1596-1650) dùng khái niệm "phản xạ" để cắt nghĩa và giải thích các hoạt động tâm lý giản đơn của con người, cũng như động vật. Sau đó, Locke (1632-1704) cho rằng mọi hiện tượng và diễn biến tâm lý đều phát sinh từ kinh nghiệm tri giác thông qua các giác quan. Cả Descartes và Locke đều thuộc nhóm tư tưởng nhị nguyên, cho rằng dòng diễn biến của tâm lý tùy thuộc vào vừa thể xác, vừa tinh thần. Cùng với nhóm tư tưởng này, dòng "Tâm lý học kinh nghiệm" (Psychological empirica) ra đời bởi các nhà tâm lý như : J. Lov (1632-1701), Didro) (1713-1781), Honback (1723-1789) v.v... 

Ở thế kỷ thứ XVIII, lần đầu tiên trong lịch sử tâm lý học phương Tây xuất hiện một cách chính thức ngành tâm lý học qua tác phẩm "Tâm lý học kinh nghiệm" (Psychological empirica) (1732) và "Tâm lý học lý trí" (Psychological rationalis) (1734) của C. Wolff (1679-1754), một nhà triết học Ánh sáng (Enlightenment) Đức. Tuy nhiên, ở thời kỳ đầu này, tâm lý học chỉ là bộ môn của triết học, và được sử dụng bởi phương pháp nội quan. Cho đến thế kỷ thứ XIX, phương pháp nghiên cứu tâm lý nội quan dần dần chuyển sang thực nghiệm bởi phòng thí nghiệm đầu tiên của Wilhelm Wundt được thành lập tại Leipzig, năm 1897. Năm 1889, đại hội I về tâm lý học được họp ở Pháp và từ đó tâm lý học được phát triển thành một ngành khoa học chuyên môn, độc lập bao gồm nhiều ngành học như : Tánh hạnh học (Psychologie du Comportement Behaviourism) của Watson, Tâm hình học (Psychologie de la Forme) hay Tâm lý học Grestalt của Kohler (1887-1967), Wertheimer (1880-1943) và Kofka (1886-1947), Phân tâm học (Psychanalyse) của Freud v.v... Và đến những năm 20 đầu thế kỷ XX, có Tâm lý học Marxist của Setchenov, K. Kornilov, Vugotski, Rubinstein v.v...(18). 

I.2.2 : Các vấn đề của tâm lý học 

A- Đối tượng của tâm lý học 

Tâm lý học, như đã trình bày, là khoa học nghiên cứu về các hiện tượng diễn biến của tâm lý, các qui luật và cấu trúc tâm lý. Những vấn đề nêu trên quả thực rất phức tạp theo các quan niệm khác nhau; do đó, có thể phân loại các hiện tượng tâm lý như sau : 

1/ Phân loại 1 : Các hiện tượng lý trí và tình cảm. 

2/ Phân loại 2 : Các hiện tượng của ý thức và vô thức (như mộng du...) 

3/ Phân loại 3 : Các tiến trình của ý thức. Ở đây, chia làm ba loại : 

a) Ý thức có khởi đầu, diễn biến và kết thúc (ý thức về một điều gì đó). 

b) Ý thức xảy ra trong một thời gian ngắn nhất (như sự bộc phát và mất đi của một ý niệm). 

c) Các xu hướng ý thức ổn định (như tình cảm, năng lực, khí chất...) 

4/ Phân loại 4 : 

a) Các nhu cầu và động cơ của tâm lý. 

b) Các khả năng và năng khiếu của con người. 

c) Các thuộc tính của tâm lý con người. 

Bên cạnh đó, các hiện tượng tâm lý trong sự vận hành của tri giác (nhận thức) con người được diễn ra như sau : 

a) Nhận thức cảm tính : là nhận thức qua các giác quan như : thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, bao gồm hai quá trình cảm giác và tri giác. 

b) Nhận thức lý tính : là nhận thức bằng lý trí từ hai quá trình : hoặc là tư duy, hoặc là tưởng tượng. 

Về các thuật ngữ trên, có thể tóm tắt ý nghĩa của nó như sau : 

1/ Cảm Giác: là một quá trình tâm lý phản ánh riêng lẻ từng thuộc tính của sự vật khi nó tác động trực tiếp vào các giác quan (thính, thị, khứu, vị, xúc) của con người. Cảm giác là bước đầu của nhận thức, và cũng là nền tảng của sự nhận thức. Không có cảm giác sẽ trở thành bất giác, vô tri như gỗ đá, không thể nhận thức được hiện tượng sự vật chung quanh/bên ngoài thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, cảm giác thông thường có ba cường độ. 

a) Cường độ cần thiết, tối thiểu của kích thích để gây ra cảm giác. (Tỉ dụ : cường độ cần thiết cho thị giác có bước sóng ánh sáng là 390 mm, cho thính giác là tần số 16 hertz). 

b) Cường độ trung bình là điều kiện tốt nhất cho cảm giác. (Tỉ dụ : bước sóng ánh sáng cho thị giác là 550-600 mm, tần số sóng âm thanh cho thính giác là 1000 hertz). 

c) Cường độ tối đa (nếu quá là mất cảm giác) cho cảm giác. (Tỉ dụ : bước sóng ánh sáng cho thị giác là 780 mm, và tần số âm thanh cho thính giác là 20.000 hertz). 

Ngoài những cường độ tối thiểu, trung bình và tối đa, con người không thể cảm giác được ở mức độ dưới tối thiểu, hoặc trên tối đa. Đây là giới hạn của các công cụ thí nghiệm vật lý trong tiến trình nghiên cứu tâm lý của con người. Ở điểm này, Phật giáo có thể đi xa hơn trong việc kiểm thảo dòng chảy của các hiện tượng tâm lý. 

Đồng thời cảm giác cũng có những qui luật căn bản như : thích ứng, tương tác, nối tiếp, tương phản và bù trừ v.v... 

2/ Tri Giác: là quá trình tâm lý tổng hợp những cảm giác riêng lẻ để hình thành nên một tri giác toàn vẹn về một sự vật, hiện tượng nào đó. 

Câu chuyện "Những chàng mù rờ voi" của Đức Phật có thể cho thấy từng chi tiết của tri giác như sau : 

a) Do tích lũy kinh nghiệm và ngôn ngữ, nên tri giác về sự vật sẽ bổ sung cho nhau và tạo thành một đối tượng toàn diện của tri giác. Tỉ dụ các chàng mù, người rờ tai voi thì cho rằng con voi giống cái quạt; rờ chân voi thì cho rằng con voi giống cái trụ cột v.v... 

b) Do tựa vào kinh nghiệm cũ nên tri giác về sự vật mới sẽ tạo nên kinh nghiệm mới. Tỉ dụ : vì đã biết hình thù của cái quạt, nên khi rờ tai voi, chàng mù cho rằng con voi giống cái quạt v.v... 

c) Do đó, nếu tri giác sai lầm thì dẫn đến kinh nghiệm sai lầm. Kinh nghiệm cũ sẽ bổ sung cho tri giác và làm cho tri giác hoàn thiện hơn. Và sự kết hợp của các quan năng (5 giác quan) là cơ sở kinh nghiệm của tri giác. 

Từ đây tri giác, cũng như cảm giác, có một số qui luật cơ bản như : tính chất phân biệt, chọn lựa đối tượng, tính chất ổn định, tính chất biến động, tính chất ảo ảnh, tính chất chủ định, và không chủ định v.v... 

3/ Tư Duy: Là hoạt động trí tuệ cao nhất của nhận thức, đứng trên cảm giác và tri giác, là sự tương tác, phản ảnh giữa bản thân và thực tại một cách chủ động bằng những khái niệm, phạm trù. Tư duy chỉ có ở con người. 

Các thao tác của tư duy là : phân tích, tổng hợp, đối chiếu, so sánh, biện minh, loại suy, đồ thị hóa, hệ thống hóa v.v... Do đó, tính chất của tư duy là năng động, sáng tạo, khái quát hóa, phản ánh gián tiếp thông qua các dấu hiệu, ngôn ngữ, kinh nghiệm v.v... Vì vậy sản phẩm của tư duy chính là các khái niệm phân biệt, các phán đoán suy lý (hoặc diễn dịch, hoặc qui nạp) phát sinh từ sự giao tiếp. 

4/ Tưởng Tượng: là sự thiết lập những ảnh tượng mới không có trong thực tại trên cơ sở của những biểu tượng đã có. Tính chất của tưởng tượng là sáng tạo, loại suy (analogie) hay cao hơn là phỏng sinh (bionique) thông qua sự lắp ghép các khái niệm, biểu tượng, ngôn ngữ... Tưởng tượng diễn theo hai chiều : tiêu cực, là các mộng tưởng hão huyền ...; và tích cực là các lý tưởng về một mục đích cao đẹp thúc giục con người vươn lên sự phát triển toàn diện các năng lực, đức tính v.v... 

Trên cơ sở này, dòng trôi chảy của tâm lý tiếp tục phát sinh các hiện tượng : tình cảm, xúc cảm, vui, buồn, khổ đau, hạnh phúc v.v... (19) 

B- Khái niệm của tâm lý học 

Trong tâm lý học hiện đại, các khái niệm thường được dùng để mô tả và diễn đạt các hiện tượng tâm lý như : ý chí, hành động ý chí, trí nhớ, sự lãng quên, sự chú ý, nhân cách, tánh hạnh - bao gồm cả năng lực, tính cách, khí chất và khuynh hướng. Ở đây, chúng ta khảo sát sơ lược về ý nghĩa của các khái niệm trên như sau : 

1/ Ý chí: là một phẩm chất đặc thù trong tâm lý con người, giúp vượt qua những chướng ngại bằng sự nỗ lực, kiên trì của tự thân. Ý chí thường là biểu hiện hai mặt của nhận thức, tức là lý trí và tình cảm. Nhận thức càng sâu sắc, tình cảm càng mạnh thì ý chí càng lên cao. Do đó, đối với con người, ý chí có những tính chất nhất định như : tính chủ đích, quyết đoán, độc lập, dũng mãnh, kiên trì, tự chủ và tự kiềm chế. 

2/ Hành động ý chí: là sự biểu thị, biểu hiện của ý chí của nhân cách con người bao gồm các tính chất kỹ xảo và thói quen. 

3/ Trí nhớ: là tiến trình lưu trữ và duy trì các kinh nghiệm, kiến thức, ấn tượng,... của tâm lý dưới hình thức của những hạt giống biểu tượng, dấu hiệu... Trí nhớ được chia thành nhiều loại, tùy thuộc vào các giác quan như : nghe, nói, đọc, viết. Thông qua các kỹ năng trên mà trí nhớ lưu trữ các ảnh tượng của ngôn ngữ, hình ảnh, cảm xúc v.v... 

4/ Sự lãng quên: là những gì chỉ một lần đi qua tâm thức và bị quên đi, vì các lý do : không chú ý, không hứng thú (về phía chủ thể) và không được lặp đi lặp lại, không tạo được các kích thích, ấn tượng mạnh ... (về phía đối tượng). 

5/ Sự chú ý: là định hướng tập trung vào một đối tượng nào đó của ý thức. Sự chú ý có khi mang theo tình cảm và ngược lại là sự đãng trí. Có hai loại đãng trí : - Đãng trí bình thường, tức sự không chú ý, và đãng trí bác học, tức là sự tập chú cao độ ở một đối tượng nào đó mà quên hẳn đi các đối tượng xung quanh. 

6/ Nhân cách: là những đặc trưng tâm lý ổn định (thói quen) của cá nhân, và hình thành nên một giá trị của cá nhân đó trong tương quan giữa cá nhân và xã hội. Nhân cách là đặc tính người của con người. 

Theo Schiffman, "nhân cách có thể miêu tả như là những đặc trưng của tâm lý vừa qui định và phản ánh cách thức mà con người ứng xử với môi trường xung quanh". (20) 

Về cấu trúc của nhân cách thường được xem là phẩm chất và năng lực cộng với đức hạnh và tài năng. 

7/ Khuynh hướng: là những ý muốn hướng đến một mục tiêu nào đó của tâm thức con người. Khuynh hướng thường bao gồm các đặc trưng như : nhu cầu, cảm hứng, lý tưởng, quan điểm v.v... 

8/ Năng lực: là khả năng khi thực hiện sẽ đưa đến một kết quả nhất định nào đó của con người. Năng lực được xem như là một tổng thể bao gồm các đặc trưng : tri thức, kỹ xảo, kỹ thuật, thái độ tâm lý dũng mãnh v.v... 

9/ Tính cách: là sự biểu hiện của tâm lý qua hình thức cử chỉ, thái độ, tác phong, phong thái ... mang tính chất cá tính của mỗi cá nhân. 

10/ Khí chất: là sự biểu thị cường độ và tốc độ của các hoạt động tâm lý trong thể cách ứng xử của con người. Khí chất thường được chia thành các loại : nóng nảy, hăng hái, bình thản, ưu tư ... 

Trên đây là một số khái niệm quen thuộc trong tâm lý học hiện đại; giờ đây, chúng ta đi vào khảo cứu phương pháp của tâm lý học. 

C- Phương pháp tâm lý học 

Thông thường ngành tâm lý học dùng các phương pháp chuyên môn để đoán định, phân tích, giải kiến các hiện tượng tâm lý một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Ở đây, có thể liệt kê một số phương pháp chuyên môn như sau : 

1/ Phương pháp nội quan (Méthode introspective) 

Là phương pháp mà tự chủ thể quan sát các hiện tượng diễn tiến trong tâm lý của chính mình. Phương pháp này được dùng một cách phổ biến trong tâm lý học của Ribot, trong phân tâm học của Freud, và tâm lý học thực nghiệm (introspection expérimentale) của Wurzbourg... 

2/ Phương pháp ngoại quan (Méthode objective) 

Phương pháp này được dùng để quan sát đối tượng khác nó; ở đây, chủ thể quan sát và đối tượng được quan sát hoàn toàn khác nhau. Phương pháp ngoại quan được ứng dụng bằng nhiều cách khác nhau như : 

- Quan sát : ghi nhận, khảo sát các biểu hiện từ bên ngoài. 

- Thí nghiệm : bao gồm thí nghiệm tự nhiên và thí nghiệm qua dụng cụ. 

- Trắc nghiệm : bao gồm trắc nghiệm tổng hợp (test synthétiques), trắc nghiệm phân tích (test analytiques), trắc nghiệm phẩm chất (test qualitatifs), trắc nghiệm số lượng (test quantitatifs), trắc nghiệm định hướng (test d'aptitudes) v.v... 

- Phỏng vấn. 

- Dùng bảng câu hỏi v.v... 

Phương pháp ngoại quan thường áp dụng cho các ngành tâm lý học như : tâm sinh lý học (psycho-physiologie), phản xạ học (réflexologic) của Pavlov và Bechterev, tánh hạnh học (behaviourism, psychologie du comportement) của Watson, tâm vật lý học (psychophysique) của Weber và Fechner, tâm lý động vật (psychologie animale) của Auguste Forel, Piéron, Kohler, Boulan ..., tâm lý trẻ em (psychologie des enfants) của Watson, Guillaume ..., tâm bệnh lý học (psychologie pathologique) của Freud, Ribot, Jaspers v.v... 

3/ Những giới hạn của phương pháp nội quan và ngoại quan 

a) Nội quan : Như cách ngôn "dòng ý thức" (stream of consciousness) của W. James, ý thức không phải là một thực thể (entity) đơn nhất mà là một tiến trình trôi chảy bất tận. Do đó, những ghi nhận về tâm lý của con người chính nó bao giờ cũng sai lệch, khó chính xác; vì ý thức trong từng chập tư tưởng luôn luôn thay đổi. Vả lại, nội quan là một thế giới khép kín của ý thức chủ quan ; nó chỉ cho phép (chủ thể quan sát) biết được chính nó, tức thế giới ý thức, tinh thần, tình cảm... của riêng mình, chứ không thể biết được dòng tâm thức của người khác, ngoại trừ những phán đoán và suy luận mang tính cách công ước. 

b) Ngoại quan : Các giới hạn lớn nhất của ngoại quan là không thể trực tiếp ghi nhận các hiện tượng diễn tiến của tâm lý mà phải thông qua các phản ứng sinh lý. Do vậy, những kết quả đem lại từ ngoại quan không hẳn lúc nào cũng chính xác. 

Ngoài những giới hạn vừa nêu, phương pháp nội quan và ngoại quan đã đóng góp một một cách hữu ích thiết thực cho tiến trình nghiên cứu tâm lý học từ xưa đến nay. (21) 

I.2.3 Những lý thuyết tiêu biểu về tâm lý học hiện đại 

Như đã trình bày, có rất nhiều lý thuyết về tâm lý học hiện đại. Tuy nhiên, ở đây tác giả chỉ đề cập đến một số lý thuyết tiêu biểu liên hệ đến tâm lý con người và tâm lý xã hội, nghĩa là các thuyết được tập trung vào các vấn đề then chốt như : tâm thức và bản ngã (hay nhân tính) trong tương quan giữa con người và xã hội; và đó cũng là điểm trọng tâm của ngành tâm lý giáo dục hiện đại. 

1- Lý thuyết của George Herbert Mead (1863-1931) 

George H. Mead là một giáo sư triết học về tâm lý xã hội thuộc Đại học Chicago, ông là một học giả chuyên chính có ảnh hưởng rộng lớn; tuy nhiên, chưa bao giờ viết sách hay báo để biện minh học thuyết của mình. Những lớp tâm lý học đầu tiên của ông được dạy từ năm 1900 tại Đại học Chicago. Về sau, vào những năm 1927-1930, người ta đã viết lại tư tưởng của Mead và phổ biến rộng rãi. Phần trình bày dưới đây được trích dẫn từ tác phẩm "Mind Self and Society" (21) và được tóm tắt trong nội dung quyển "Sociology" (22) của Leonard Broom, và Philip Selznick. (23) 

Nội dung lý thuyết tâm lý của Mead được trình bày qua các điểm trung tâm của : tâm thức, bản ngã, và xã hội. 

Chủ thuyết của Mead, cũng như John Dewey (một triết gia thực nghiệm), cho rằng cơ cấu tâm lý của con người là một hệ thống bao gồm : tâm thức, bản ngã và xã hội. Tuy nhiên, theo Mead, tâm thức (mind) và bản ngã (self) vốn là sản phẩm của xã hội. Tâm thức và bản ngã là một hệ thống xã hội, phát sinh từ kinh nghiệm xã hội; và do đó, có thể xem bản ngã của tâm thức là một đơn vị độc lập, nhưng không thể phát sinh ngoài kinh nghiệm xã hội. (24) 

Mead, qua ghi nhận của L. Broom và P. Selznick, lý luận rằng : "Tư tưởng hay tâm linh và bản ngã, chỉ xuất hiện trong diễn tiến giao tế và giao dịch xã hội, chứ không thể có trước xã hội. Nhưng làm thế nào giao tế và giao dịch xã hội có thể hoạt động trước tâm linh và bản ngã ?". Mead giải thích : "Khả năng giao dịch và giao tế là khả năng sinh lý của những sinh vật thượng đẳng. Thực vậy, giao tế bằng những phương tiện không dùng ngôn ngữ trong những hoạt động chung là điều kiện có trước ngôn ngữ. Ngôn ngữ đã góp thêm vào sự giao dịch và giao tế thô sơ, của loài người bằng cách làm cho xã hội hóa có thể thực hiện được. Nhờ ngôn ngữ nên người ta có thể lĩnh hội rõ ràng thái độ của những kẻ khác và các đoàn thể họ tham dự vào ... Cuối cùng, tâm thức và bản ngã phát sinh khi giao tế xã hội đi song song với ngôn ngữ và do ngôn ngữ mà được hoàn thành" (25). 

Từ đó, lý thuyết tâm lý của Mead đưa ra tiến trình phát sinh và phát triển của bản ngã từ thái độ bắt chước đến khả năng tổng quát-liên hệ. Có thể tóm tắt lý luận căn bản của Mead như sau : 

a) Giao tế tiền ngôn ngữ 

Trong nhiều trường hợp, các giống vật giao cấu với nhau và săn sóc trẻ con làm cho phát sinh sự tương quan giữa con này và con kia, đó là sự phát sinh của đời sống gia đình- thô sơ trong các giống vật thấp hơn người. 

Đối với con người, do đó, nếu không thể giao dịch bằng cử chỉ - (hành động không lời) - thì không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ. Vì lẽ các trẻ em nhỏ tuổi, nó sẽ không hiểu được "giận" hay "đói" là gì trừ phi nó hiểu được cử chỉ giận hờn và cho ăn của người mẹ v.v... Đây là giai đoạn đầu của ý thức về bản ngã hay giai đoạn giao tế tiền ngôn ngữ. (26) 

b) Giai đoạn ngôn ngữ hình thành tâm thức và bản ngã 

Trong trường hợp này, Mead cho rằng, nhờ có ngôn ngữ nên có tư tưởng và nhờ có tư tưởng nên mới có sự giao tế; và nhờ có ngôn ngữ nên có thể thay thế tư tưởng bằng hành vi, thái độ, cử chỉ... Ở đây, sau khi đứa bé hiểu được cử chỉ "giận hờn" và học được chữ "giận hờn", người mẹ không cần dùng đến cử chỉ nữa mà chỉ dùng lời nói để biểu thị tư tưởng. Và, vì mẹ và con cùng hiểu những khái niệm về cử chỉ và ngôn ngữ, nên đứa bé có ý niệm về sự "giận hờn" ... Do đó, tự nó sẽ làm theo những gì phù hợp với ý muốn của mẹ nó (hay ý muốn của những người xung quanh nó) ; nghĩa là nó lấy thái độ của người khác hay những thái độ được qui ước chung của xã hội làm khuôn mẫu nương theo. Đây là sự hình thành nhân tính hay ý thức về tự ngã đầu tiên của mỗi con người. 

c) Bản ngã - xã hội 

Như vừa đề cập, sự phát sinh thế giới ý niệm của trẻ con là do sự học tập và hấp thụ thái độ, ngôn ngữ, quan điểm,... của kẻ khác ; và bằng cách đó, xã hội "đi vào cá nhân". Nhưng theo Mead thì chỉ có con người mới có khả năng kiểm thảo và tự kiểm thảo; và sự tự kiểm thảo đó là kết quả của xã hội. Vì từ đầu, nguyên tắc hướng dẫn con người vốn là kết quả của sự lĩnh hội các thái độ và quan điểm... từ những người khác, tức từ xã hội mà không phải là từ con người chính nó. Vì thế, ý thức về tự ngã luôn luôn mang tính xã hội, và hiện hữu giữa tương quan của con người và xã hội. 

d) Bản ngã và sở hữu tự ngã 

Ở điểm này, Mead nới rộng quan niệm về tự ngã, cho rằng nó không những là sản phẩm của xã hội mà còn có tính chất sáng tạo. Từ đó, ông chia bản ngã thành hai loại : bản ngã và sở hữu tự ngã (hay cái thuộc tính cố định của bản ngã). Nếu nói theo từ ngữ của Freud thì bản ngã không bị kiểm soát bởi sở hữu tự ngã, mà trái lại, sở hữu tự ngã là một phần của bản ngã. Do đó, sở hữu tự ngã có thể gọi là những tri kiến, kinh nghiệm, khát vọng ... của bản ngã. Và như thế, nó không hẳn lúc nào cũng bị chi phối bởi những gì mà nó lĩnh hội, nhưng trái lại, nó có thể hành động rất sáng tạo, ảnh hưởng đến hay thay đổi mọi cơ cấu của tiến trình xã hội. 

2- Lý thuyết của Sigmund Freud (1856-1939) 

Sigmund Freud là một bác sĩ về thần kinh và tâm thần người Áo, sáng lập ngành Phân tâm học (Psychoanalysis). Vì Freud là gốc người Do Thái, từ năm 1938 ông sống lưu vong để tỵ nạn chế độ phát xít Đức, và mất tại Anh vào năm 1939. Xuất phát từ một phương pháp trị bệnh rối loạn thần kinh đặc biệt (hystérie), Freud đã đề xuất phép trị liệu phân tâm học bằng sự sử dụng liên tưởng, mộng để phân tích những động lực mạnh (choc) gây bệnh. Về sau phân tâm học trở thành chủ nghĩa Freud (Freudianism) và đề xuất hai bản năng gốc là "bản năng tình dục" và "bản năng chết", xem đó là nguyên động lực chi phối tiến trình lịch sử nhân loại. Sau đó, lại tiếp tục hình thành nên chủ nghĩa Freud mới (Neo-Freudianism) với các đại biểu chính là E. Fromn, K. Horney v.v... 

Lý thuyết của Freud có thể được tóm tắt như sau : Freud cho rằng cấu trúc nhân tính hay ngã tính của con người bao gồm ba phần : a- Bản năng (Id), ngã tính (ego) và siêu ngã (superego), cũng gọi là "ý thức" ba ngôi. (27) 

a) Bản năng (Id) : Bản năng là cội nguồn nhân tính của con người, ở đó tích lũy các nguồn năng lượng và cung cấp năng lực cho các hoạt động tâm lý như ý thức (ego) và siêu thức (superego). Khi nguồn năng lượng gia tăng khiến cho bản năng bùng phát mạnh tạo thành những cú sốc (choc) tâm lý khó chịu, căng thẳng, bực tức ... Ngược lại, sự giải trừ các căng thẳng và qui giảm năng lượng trở về trạng thái ổn định, thư giãn ... là con đường phấn khích đưa đến khoái lạc. Do đó, bản năng được chia thành hai loại tác năng chính, đó là : "bản năng tình dục" (libido) và "bản năng chết". 

- Về bản năng tình dục (libido) : nó là cội nguồn, năng lượng tình dục, năng lực kích thích tình dục, phấn khích tình yêu ... và chi phối đời sống nội tâm. Ở điểm này libido được xem như là "nguyên tắc khoái lạc". Nó vừa là sự phát triển tình dục của người lành mạnh và được mở rộng cho đến các hoạt động khoa học, mỹ thuật của cá nhân, lại vừa là căn nguyên của bệnh lý. Về sau, Freud liên hệ rộng hơn nữa về khái niệm libido cho tất cả xung năng của tình yêu, như tình yêu giữa bố mẹ và con cái... 

- Về bản năng chết (pulsion de mort) hay lực chết : nó diễn ra theo chiều hướng ngược lại khi tùy vào mức độ tăng tốc của năng lượng trong bản năng (Id) đi đến đỉnh cao như tức tối, giận dữ... làm tăng huyết áp, ngất xỉu, tử vong... 

Theo nhận xét của C. Jung, libido không những là xung năng (pulsion) của tình dục, mà còn là năng lượng của tâm lý nói chung. (28) 

b) Ý thức tự ngã (ego) 

Freud cho rằng, ý thức tự ngã luôn luôn bị chi phối bởi bản năng (Id) mà nội dung chính của nó là "libido" hiểu theo nghĩa rộng - tức là mọi nhu cầu, khát vọng, dục vọng, thèm muốn giao tiếp với thế giới thực tại khách quan. Ý thức là là bản năng khát vọng sống của tự ngã ( cái tôi). Nhưng khi ý thức tự ngã bị kiềm chế bởi những khuôn định, qui ước xã hội (social conventions) nó lại đi vào vô thức (inconscient). Rồi từ đó, những xung năng khát vọng bộc phát lên ý thức, biến thành những ưu phiền, lo âu... "Cái tôi" của mỗi cá thể luôn luôn bị phá vỡ bởi sự mâu thuẫn của bản năng dục vọng và sự kiềm chế của ý thức xã hội. 

c) Siêu ngã (superego) 

Siêu ngã cũng được gọi là siêu thức, nó vượt lên trên bản năng tình dục (sexuality) và ý thức tự ngã để duy trì mọi giá trị truyền thống và các lý tưởng đạo đức xã hội. Nó, một mặt vừa kiềm chế sự thôi thúc của "khát vọng dục tính" (sexual desize), mặt khác thúc giục ý thức bảo trì các giá trị đạo đức cá nhân và xã hội. Do đó, siêu thức là ý thức vươn đến sự hoàn thiện của đời sống. 

Theo đánh giá của L. Broom và P. Seiznick, thì cả hai triết gia thực nghiệm George H. Mead và Sigmund Freud, những người sáng lập ngành giải phẫu tâm lý này đã đóng góp một phần lớn vào tiến trình nghiên cứu bản ngã trong quá trình xã hội hóa. (29) Tuy nhiên, như chúng ta thấy, quan điểm của Mead và Freud hoàn toàn khác nhau. Mead thì lấy xã hội làm nền tảng cho sự phát triển của ý thức, trong khi Freud thì cho rằng, những qui ước xã hội đã kiềm hãm và làm sai lệch ý thức tự ngã. Mead chia ý thức thành hai phạm trù : bản ngã (ego) và sở hữu tự ngã (ego - attribute), và cho rằng cả hai đều nương tựa vào xã hội mà hình thành và phát triển. Ngược lại, Freud chia ý thức làm ba phạm trù : bản năng (Id), ý thức (ego) và siêu thức (superego); và ở đó, bản năng (Id) là phần trọng tâm của sinh lý cá thể mà xã hội không thể nào điều hành được, ego là người trung gian hòa giải các nhu cầu sinh lý và những đòi hỏi của xã hội. Đối với Mead, ngã và sở hữu tự ngã có thể dung hóa lẫn nhau, trong khi theo Freud, các phạm trù của ngã luôn tiềm tàng những khả năng xung đột, mâu thuẫn (30)... hay còn gọi là xung năng (pulsion). (31) 

3- Lý thuyết của Carl Gustav Jung (1875-1961) 

Carl Gustav Jung là người cùng thời với Freud, một nhà phân tâm học tại Zurich. Lúc đầu, Jung là môn đệ trung thành của chủ thuyết Freud (Freudianism) sau khi tiếp xúc với Freud tại Áo, vào năm 1907. Nhưng sau đó, ông từ chối hoàn toàn chủ thuyết của Freud, cho rằng đó là lý thuyết dục tính đã bị đồng hóa bởi dục tính cá nhân của Freud; và do đó, ông nỗ lực xây dựng một lý thuyết mới, gọi là "tâm lý trị liệu". 

Theo đánh giá của Calvin S. Hall và Gardner Lindzey, trong "Theories of Personality" (32), thì Jung luôn luôn sáng tạo trong cách phân tích tâm lý của mình. Với ông, cái tự ngã (personality) như là một tổng thể bao gồm các mặt của đời như : ý thức, vô thức, cảm thức, cá nhân, xã hội, nữ tính, nam tính, nhân tính, thú tính, tri giác, trực giác v.v..., tất cả tính chất đó được xem như là tác năng của một "trục nhân tính" (axis of the personality). Do đó, theo Jung, trong nam giới có chứa những nữ tính, trong nữ giới có chứa những nam tính. Tương tự như thế đối với những thú tính (animal nature) và nhân tính (personality) trong cùng một con người. 

Và cũng từ đó, Jung phân tích bệnh lý qua các hội chứng như : dồn nén (repression), mặc cảm (oedipc), giận dữ, tức tối (truculent), trầm mặc (inhibited), qui kỷ (egocentric), đa cảm (hyperémotivité) v.v... đều xuất sinh từ ý thức tự ngã, những ấn tượng, tri giác, ký ức, cảm xúc... đã qua và bị dồn nén vào vô thức tạo thành những xung năng (pulsion) gây nên trạng thái bất bình, bất an, bực tức, căng thẳng cho dòng chảy của tâm lý. (33) 

Mặc dù Jung phê bình Freud, như vừa đề cập ở trên, nhưng chúng ta thấy lý thuyết của Jung nhằm vào các hiện tượng tâm lý nhiều hơn là bản chất của tâm lý như ở tâm lý học Freud. Tuy nhiên, lý thuyết của cả Freud và Jung đều là những dấu ấn vàng son, đặc sắc trong lịch sử tâm lý học hiện đại. 

4- Lý thuyết của Erich Fromm (1900-1980) 

Erich Fromm, một nhà phân tâm học và xã hội học người Mỹ gốc Đức, sinh tại Frankfurt. Năm 1922, ông tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Heidenberg, đến năm 1933, ông sang Mỹ và dạy tại Đại học Chicago, ngành phân tâm học. 

Quan điểm của Fromm có phần tương tự với Carl .G. Jung, cho rằng con người là một tổng thể bao gồm các đặc trưng của nhân tính (personality) và thú tính (animal nature), và chính điều đó là mâu thuẫn nội tại trong sự vận hành tâm lý của con người. Do đó, trong tính cách của hoặc là thú tính hoặc là nhân tính, con người nhất thiết cần phải có những nhu cầu nhất định. Tuy nhiên, cũng như George H. Mead, Fromm cho rằng sự phát triển của nhân tính là tùy thuộc vào những cống hiến của xã hội. Nhưng, với xã hội thì ý thức về sự tự do luôn luôn làm cho con người cảm nhận sự bất an trong tâm lý. Đây là nội dung mà Fromm trình bày trong tác phẩm "Thoát khỏi tự do" (Escape from Freedom) (34), và phương pháp trị liệu của Fromm là tâm hóa chủ nghĩa nhân đạo. 

Thực ra, như vừa trình bày, sự nỗ lực của Fromm dù thế nào đi nữa vẫn không giải quyết được cái mâu thuẫn nội tại mà Fromm đã đề ra. Vì lẽ, cả tính chất của nhân tính và thú tính là khát vọng, và con đường để đi đến sự thỏa mãn mọi khát vọng đó là sự rối loạn và mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội. Như thế, Fromm hoàn toàn bất lực trong việc đề ra một con đường khả dĩ đem lại hạnh phúc thật sự cho con người. Do đó, chủ thuyết của Fromm cũng sớm bị rơi vào tha hóa. 

5- Lý thuyết của Abraham Harold Maslow (1908?) 

Maslow sinh tại Brooklyn, NewYork, con của một gia đình thường dân người Do Thái. Lớn lên, ông vào Đại học Wisconsin, ngành tâm lý học và đậu cử nhân năm 1930, đến năm 1934 ông đậu tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về NewYork tiếp tục làm việc và nghiên cứu tại Đại học Columbia. Maslow đã từng làm việc, tiếp xúc với các nhà tâm lý học nổi tiếng như E. L. Thorndike, E. Fromm, A. Adler, M. Wertheimer..., và đề tài mà ông chuyên chú nhất là về lý thuyết nhân tính. 

Theo nhận xét của L. Broom, và P. Selznick, thì Maslow là một trong những lý thuyết gia nhân bản về nhân tính nổi tiếng nhất, ông cũng là người đầu tiên đề ra hệ thống các nhu cầu con người theo mô hình tháp có 5 bậc : 

a) Nhu cầu sinh lý cơ bản : ăn, ở, vệ sinh, tình dục... 

b) Nhu cầu bảo toàn tính mạng. 

c) Nhu cầu văn hóa xã hội. 

d) Nhu cầu được kính trọng. 

e) Nhu cầu tự thể hiện, tự khẳng định, nói theo ngôn ngữ của Mỹ ngày nay là nhu cầu "bùng nổ cá nhân". (The personality broke out) 

Ngày nay, lý thuyết này được phương Tây khẳng định và bổ sung thêm về nội dung. Vì lẽ, khi đời sống càng cao, thì nhu cầu càng nhiều. Nhu cầu sinh ra động cơ, và động cơ là ý lực làm thỏa mãn nhu cầu. (36) 

Maslow đã lý giải các nhu cầu, thậm chí là nhu cầu tình dục, như là những ý lực nhằm tự khẳng định của nhân tính, ông quan niệm rằng, sự thúc giục của sinh lý có thể thay đổi hoặc chuyển hướng, cả trong loài thú cũng như loài người (36). 

Ông quan sát và cho rằng, hành động nhục dục của loài khỉ có tính cách xã hội hơn là sinh lý. Khỉ dùng hành động hành dục để chứng tỏ trạng thái ngự trị và phục tùng (37). Và do đó, nhu cầu tự khẳng định là ý hướng phát triển của sinh thú cũng như của con người. 

Về động cơ và nhu cầu, theo Schiffman và cộng sự, được định nghĩa như sau : "Động cơ là động lực nội tâm thúc đẩy cá thể hành động. Động lực đó sinh ra do một trạng thái căng thẳng không dễ chịu, là kết quả của một nhu cầu chưa được thỏa mãn". (Motivation is the driving force within individuals that impels them to action. This driving force is produced by a state of uncomfortable tension, which exists as the result of an unfilled need). (38) 

Từ những chi tiết trên, Maslow kết luận : "Con người là trung tâm của mọi vấn đề". Nghĩa là con người phải tự chọn cho mình một lối sống và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về lối sống của mình. Đây là quan điểm của các nhà triết học hiện sinh. Điều này tương tự như Jean Paul Sartre đã khẳng định : "Con người là kết quả của mọi hành động mà nó tạo ra" (39) 

Như thế, đứng ở góc độ nào đó, lý thuyết của Maslow cũng có phần tương tự như của Freud, về bản năng "khát vọng sống" của nhân tính. Nó cũng là cái trục nhân tính trong quan điểm của Carl. G. Jung, và cái tính phối ngẫu (nhân và thú tính) của Fromm... Tuy nhiên, giải pháp của Maslow cũng chỉ là giải pháp "tạm thời" nhằm ôn hòa mọi khát vọng thống thiết của con người mà thôi. Maslow không thể tìm ra được cái căn nguyên của nhân tính là gì mà chỉ đề ra các hoạt động và đòi hỏi của nhân tính trong tư thế của kẻ vừa chủ động lại vừa bị động. Một giải pháp như thế sẽ không thể giúp con người đạt đến sự hạnh phúc lâu dài và thực thụ. 

I.2.4 Nhận xét chung về tâm lý học phương Tây 

Như vừa trình bày tóm tắt một số lý thuyết gia và lý thuyết tâm lý tiêu biểu ở trên, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét chung về tâm lý học phương Tây như sau : 

1- Các lý thuyết tâm lý của phương Tây từ thế kỷ XVIII, khởi đầu bằng tác phẩm "Tâm lý học kinh nghiệm" (Psychological Empiria) và "Tâm lý học lý trí" (Psychological Rationalis) của C. Wolff, một nhà triết học ánh sáng cho đến nay đều tập trung vào nghiên cứu và phân tích các hiện tượng tâm lý hơn là bản chất của tâm lý. 

2- Đứng trên quan điểm hoặc là cá nhân, hoặc là xã hội, các nhà tâm lý học xây dựng và củng cố lý thuyết của mình; do đó, trong các lý thuyết tâm lý có những điểm mâu thuẫn, bất đồng. Một số thì đi vào chủ nghĩa khoái lạc, một số khác thì đi vào duy tâm phi lý tính. Những lý thuyết đi vào thực nghiệm lại bị giới hạn bởi hiện tượng "phòng thí nghiệm"... 

3- Tất cả các lý thuyết tâm lý phương Tây đều xoay quanh chủ đề "khát vọng sống", dù nó được diễn đạt dưới nhiều tên gọi khác nhau như : nhu cầu, điều kiện, thuộc tính vốn có v.v..., tất cả đều nói lên tiếng nói dục vọng của nhân tính, cái mà các lý thuyết gia cho rằng đó là cội nguồn của khổ đau và hạnh phúc, và cũng là cái mà con người phải tuân thủ, phục tùng. 

4- Do thừa nhận có một nhân tính tồn tại như một ngã thể (ego) hay một thực thể (essence hay entity) độc lập và vĩnh cửu, nên các lý thuyết tâm lý đều được tập trung theo chiều hướng vừa điều tiết lại vừa thích ứng hóa với mọi yêu cầu, khát vọng của nhân tính. Sự điều tiết hay thích ứng đó được gọi là thỏa mãn. Và theo các tâm lý gia phương Tây, sự thỏa mãn các nhu cầu của đời sống tâm lý và vật lý là hạnh phúc. Do đó, hạnh phúc của con người luôn luôn mang tính cách tạm thời và không ngừng thay đổi. Vì lẽ, dục vọng, nhu cầu của con người sẽ không bao giờ kết thúc ngay khi con người ấy "nằm xuống" muôn đời. Một quan điểm về hạnh phúc như thế ắt hẳn là động cơ gây khổ đau, ưu phiền và luôn luôn bức bách trong sự vận hành của tâm lý. Đó chỉ là một thứ hạnh phúc giả tạo, xây dựng trên cấu trúc vô thường, bất định của thế giới tâm lý và vật lý. Chưa nhận chân được tính cách vô thường của dòng tâm lý cũng như thế giới thực tại khách quan, thì mọi cơ đồ hạnh phúc hóa ra hư ảo, và con người vẫn đắm chìm trong khổ đau và tội lỗi. 

5- Cái giá trị cơ bản của các lý thuyết tâm lý phương Tây là ở chỗ nó nhận ra khát vọng, dục vọng, ham muốn ... như là sự thật về bản chất của nhân tính hay ý thức tự ngã. Cũng như sự nhận ra cái mâu thuẫn nội tại của nhân tính, một mặt vừa mong muốn được lặng yên trong hạnh phúc vĩnh cửu, mặt khác lại luôn luôn bị sôi sục, rực cháy và thiêu đốt bởi dục vọng thấp hèn, đây chính là sự quá đà và của ý thức tự ngã. 

6- Cái giới hạn cơ bản của các lý thuyết tâm lý phương Tây là các giải pháp của nó luôn luôn mang tính cách đối trị, nhất thời. Và do đó, để có được sự thỏa mãn và hạnh phúc theo ý muốn, con người phải liên tục đấu tranh với chính nó cũng như với xã hội theo hai khuynh hướng vừa giải quyết mâu thuẫn nội tại (cá nhân), vừa giải quyết mâu thuẫn ngoại tại (mối liên hệ giữa cá nhân và xã hội). 

7- Về sự thật của con người và thế giới thực tại khách quan, theo lời Đức Phật dạy, là vô thường, vô ngã (anatta). Như thế, mọi lý thuyết nếu thật sự mong muốn đem lại hạnh phúc cho con người tất yếu phải được soi sáng từ bản chất của thực tại, tức vô thường, vô ngã. Bao lâu con người còn đứng trên quan điểm hữu ngã (ego) để soi sáng, chiếu rọi thực tại vô ngã, thì sẽ không bao giờ đạt đến sự cứu cánh hạnh phúc. Đây là nhược điểm then chốt của các triết gia tâm lý phương Tây. Nghĩa là, mọi cơ cấu luận thuyết của họ luôn luôn được xây dựng trên căn bản của cái "Tôi" (I), "Cái của tôi" (Mine) và cái "Tự ngã của tôi" (Myself). 

Trên đây, chúng ta vừa khái lược một số lý thuyết tâm lý của phương Tây, cũng như các ưu điểm và khuyết điểm của nó. Sự khái lược này sẽ là cơ sở và tiền đề để đi vào tìm hiểu tâm lý học Phật giáo (Buddhist Psychology).