Đạo đức - Tâm lý học
Đối Diện Cái Chết
Thích Nhật Từ Nhà Xuất Bản Thời Đại
19/10/2554 04:30 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Chương 2. Đột biến lúc gần chết

Đạo tràng Tiếng Chuông Tỉnh Thức, Houston, Hoa Kỳ, 16/ 07/ 05.

 

 

TRỞ VỀ CÁT BỤI

Cách đây vài hôm, tại Thiền viện Minh Đăng Quang, Houston, Hoa Kỳ, tôi đã chia sẻ một vài kinh nghiệm và góc độ liên hệ đến cận tử và trợ tử, như một dữ liệu cần thiết để tham khảo, áp dụng lúc trong gia đình có người đối diện trước cái chết. Nhờ đó, ta sẽ không lúng túng, rơi vào trạng thái sợ hãi, lo âu, mà tập trung lo cho người chuẩn bị quá cố được an toàn và được hạnh phúc trong cảnh giới tái sanh.

 Trong buổi pháp thoại hôm ấy, chúng tôi đề cập một vài yếu tố tâm lý như: trạng thái sợ hãi trước cái chết, trạng thái lo âu hồi hợp, thái độ tâm lý tiếc nuối và trạng thái thiếu sáng suốt. Đó là những tâm lý làm cho hương linh người mất bị vướng mắc, khó ra đi. Hôm nay, chúng tôi tiếp tục chia sẻ một vài góc độ khác.

Sáng nay, chúng tôi được gia đình cư sĩ Liên Hoa đưa đến tham quan Viện bảo tàng Khoa học Tự Nhiên. Trong viện Bảo tàng có rất nhiều hiện vật được trưng bày như các loài bướm và một số loài động vật khác. Ấn tượng nhất là hình ảnh các xác ướp Ai Cập. Các xác ướp này là của những người giàu có hay những người quyền quý thời bấy giờ. Trong lúc sinh thời họ đều mong rằng, sau khi chết, họ sẽ có được một đời sống sung túc, an nhàn, hạnh phúc vĩnh cửu dưới âm phủ.

Truyền thống ướp xác chết được bắt nguồn từ các vị vua Ai Cập. Nền văn hoá này quan niệm rằng, có hai cảnh giới sống: Cảnh giới thứ nhất là cuộc sống trên dương trần vốn tạm bợ bởi điều kiện hóa, do đó họ mang tâm lý phập phồng, lo âu, sợ hãi, bởi cuộc sống này khi thì hạnh phúc, lúc lại khổ đau. Cảnh giới thứ hai là đời sống dưới âm phủ. Họ cho rằng, cuộc sống sau khi chết mới là cuộc sống vĩnh hằng, an nhàn, hạnh phúc, không bị biến thiên bởi các hiện tượng vật lý và các điều kiện dao động của tâm lý. Từ quan niệm truyền thống này, nền văn hóa Ai Cập đã dựng nên nhiều công trình chôn cất người chết vĩ đại được xếp vào những kỳ quan bật nhất thế giới với những Kim Tự Tháp đồ sộ, qui mô. Trong những Kim Tự Tháp, xác của các Pha-ra-ôn được chôn với hình thức xác ướp hóa chất. Bên cạnh xác của các Pha-ra-ôn còn có nhiều xác của những bà Hoàng, bà Phi, những người có đời sống ân ái, tình cảm gắn bó với cuộc đời của Pha-ra-ôn đã được chôn sống theo.

 Nền văn hóa này cho rằng, hạnh phúc con người có được trên dương gian chỉ là hạnh phúc ảo ảnh, tạm bợ, đời sống con người nơi âm phủ mới là hạnh phúc thực sự, bền chặt lâu dài. Với quan niệm đó, trong cuộc sống trần gian, họ làm việc tạo ra của cải vật chất, dành dụm mọi thứ quý báu, dồn hết những gì họ tạo dựng được lo cho đời sống ở cõi âm. Họ mong muốn sau khi chết xác thân họ được giữ nguyên vẹn lâu dài với tứ chi, mắt, mũi, miệng…vẫn còn giữ gần như thân hình lúc còn sống. Cho nên, họ đã nghiên cứu tìm ra cách ướp xác và chôn cất thật kỳ công, như chúng ta đã thấy.

 Ngược lại, theo quan niệm truyền thống của Phật giáo, con người khi chết rồi, thân xác phải được trả về với các bụi. Sự trở về với cát bụi là một tất yếu phải được diễn ra. Vì vậy, Phật giáo không chú trọng tới việc lưu giữ hình hài, vóc dáng sau khi chết. Từ đó, đức Phật thường khuyên những người theo Ngài khi chết nên buông xả thân thể này bằng cách thiêu đốt thành tro.

Nếu Phật tử nào có đời sống phạm hạnh, đạo đức tốt, đã chuyển hóa được đời sống tình dục trong quan hệ vợ chồng, khi chết, đem thiêu vẫn có thể để lại những viên ngọc trong sáng giống như những hạt Xá-lợi của người xuất gia. Đây là một kỷ vật quan trọng không phải dành cho người quá cố, mà để cho những người đang sống, cho các hành giả đang trên đường dấn thân, tu tập lấy đó như niềm khích lệ cho sự tu hành. Những Phật tử tại gia, nếu tu hành đúng chánh pháp cũng sẽ có kết quả tương tự.

Phật giáo không khuyến khích con người lưu giữ thi thể vật lý sau khi chết, vì lưu lại như vậy có thể làm cho tâm thức người ấy mang nỗi niềm chấp trước vào xác thân khó dứt bỏ ra đi. Người chết được ướp xác theo quan niệm của nền văn hóa Ai Cập, chắc chắn cảnh giới tái sinh của họ là rất mờ mịt, vì trong đời sống thực tại, họ chịu ảnh hưởng của nền văn hoá có phong tục tập quán với quan niệm như vậy thì cảnh giới tái sanh của họ sau khi chết chỉ là cõi âm phủ mà thôi.

Khi tâm con người chuyển hướng về âm phủ, đến lúc qua đời trạng thái tâm lý ấy sẽ tạo ra khuynh hướng định vị cho đời sống kiếp sau là âm phủ. Từ đó, họ bám víu vào cái thi thể tẩm ướp và các vật quý giá trên đời như ngọc ngà châu báu cùng những thê thiếp thân thương của họ mai táng kèm theo. Chính vì thế, họ trở thành những hồn ma tồn tại dưới hình thức ngạ quỷ quẩn quanh nơi cái xác ướp và các vật được cất giữ, không thể nào đi tái sanh được.

Sinh ra trên đất nước có nền văn hóa thiên về cảnh giới âm phủ sau khi chết, chúng ta cũng phải chịu thiệt thòi lớn cho tiến trình tái sinh. Dù sao đi nữa nền văn hóa ấy còn tiến bộ hơn chủ nghĩa duy vật cổ sơ, hay duy vật hiện đại khi học thuyết này cho rằng, con người hay các loài động vật sau khi chết là hết, không có sự tiếp tục đời sống ở tương lai. Không có tái sanh. Không có kiếp sau.

Quan niệm đó dẫn đến sự bế tắc về đạo đức, làm cho con người không thấy được trách nhiệm đạo đức của mình, bởi quan niệm như vậy thì kết cục của kẻ xấu, người tốt, người hiền lương, kẻ bất thiện, sau khi chết đều giống nhau. Điều này dẫn đến tình trạng sống buông thả, không cần sống có đạo đức, có trách nhiệm. Dĩ nhiên, vẫn có người tuy theo quan điểm duy vật nhưng có cá tính tốt, vẫn sống mẫu mực, còn đa số đều cho rằng không có đời sau, nên đánh mất trách nhiệm đạo đức với những gì mình đang và sẽ làm.

 Con người sau khi chết vẫn có đời sống ở kiếp sau, có luân hồi và tái sanh. Quan niệm kiếp sau là kiếp sống ở âm phủ, tồn tại dưới dạng thức một thi thể bất động dễ rơi vào khuynh hướng cực đoan khác. Những sự chăm sóc, đầu tư tiền bạc, công sức vào việc ướp xác để lưu giữ thân thể lâu dài không hề mang lại một giá trị đạo đức hay giá trị tuệ giác nào cho đời sống của con người sau khi chết.

 Trong viện Bảo tàng, chúng tôi còn có dịp xem trưng bày xác các con thú chết với nhiều tư thế khác nhau. Có lẽ các chuyên gia viện bảo tàng đã nghiên cứu rất kỹ về những vận động của các loài như tướng đi, hay cách thức biểu đạt đời sống của chúng thông qua các tư thế của miệng, mắt, bước chân v.v... Khi xem các hiện vật, ta thấy rất rõ những con thú chết do bị tiêm thuốc trong tư thế kêu la, sợ hãi, hoảng hốt, sau lưng nó là một con beo, con sư tử đang trong tư thế vồ mồi v.v…

Những con thú không ăn thịt, không săn mồi như loài nai, loài thỏ và những loài thú nhỏ khác đều thể hiện trạng thái sợ hãi. Chúng tôi quan sát kỹ xác một con beo đang trong tư thế biểu lộ thái độ hung dữ trước con mồi bé nhỏ khi muốn chiếm đoạt để nuôi mạng sống của mình. Tất cả chúng đều được tiêm thuốc cho chết theo đúng trạng thái đó.

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa hình dung được rằng, các nhà khoa học tiêm thuốc bằng cách nào để cho sự biểu đạt của gương mặt trở thành ngôn ngữ hay hệ thống truyền thông với nhau qua cách giận dữ, sợ hãi, lo lắng khác nhau ở từng chủng loại được lưu giữ trong Viện bảo tàng. Tất cả điều đó nói lên những phản ứng tâm lý, nhận thức cuối cùng của cuộc sống, mà Phật giáo gọi là “cận tử nghiệp.” Cận tử nghiệp của một chúng sanh đóng vài trò quan trọng trong việc định hướng con đường tái sanh.

Khi xem, ta thấy rõ hình ảnh con đang nai sợ hãi thể hiện qua bốn cái chân co nhảy với tốc độ nhanh, nó bị chết ngay giữa động tác đó, miệng còn há hốc như cố sức hít thở hay kêu cứu. Nó chết với gương mặt hoảng hốt trong tư thế toàn thân cố lao về phía trước tìm cách thoát thân. Ở đây, không phải nó chết theo cách tự nhiên, mà người ta bắt nó phải chết bằng những liều thuốc cực mạnh để làm vật trưng bày cho Viện bảo tàng. Khi xem hiện vật các con thú bị chết trong những tư thế bức bách như vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy phản ứng của chúng lúc ấy là rất khổ đau.

KINH NGHIỆM CẬN TỬ

Một chúng sanh ra đời đều phải theo tiến trình tâm lý, hành động, tư tưởng, việc làm và kinh nghiệm cận tử sẽ tạo ra định hướng cá tính của chúng sanh đó trong tương lai.

Nếu một người chết trong trạng thái sợ hãi, khủng hoảng như những con thú bị tiêm thuốc, về mặt tâm lý để lại ấn tượng khổ đau, làm người thì trở thành mẫu người nhút nhát, rụt rè, sợ sệt. Phật giáo lý giải cá tính khác biệt của mỗi người bắt nguồn từ nguyên nhân đó. Tại sao trong cộng đồng cùng chung sống với nhau, có người mang tư tửơng hướng nội, kẻ hướng ngoại, người thích xã hội hóa, người thích sống thầm lặng, người năng động, sôi nổi, kẻ sợ hãi, lo âu phập phồng? Dù chung sống với nhau nhưng thái độ tâm lý của từng người lại khác nhau. Đó là do mỗi người sanh ra phải chịu ảnh hưởng quán tính nghiệp trong đời trước, nhất là trong giai đoạn sắp kết thúc cuộc đời (trạng thái tâm lý lúc lâm chung).

Sự “thiên sai vạn biệt” về chủng loại, khác nhau về cá tính của từng con người, hay trong các cộng đồng, dân tộc ít nhiều đều liên hệ đến tiến trình hành động của từng chủng loại đó trong quá khứ. Các hành động cuối cùng của cuộc đời thường để lại ấn tượng sâu sắc ở người chuẩn bị qua đời và nó sẽ tiếp diễn trong kiếp tái sanh. Chính vì thế, cần hết sức thận trọng và khôn ngoan, huấn luyện cho mình những hành vi tích cực, để sau khi chết được tái sinh vào cảnh giới như mong đợi.

Chẳng hạn được tái sanh làm người có lòng vị tha, yêu thương muôn loài, tôn trọng sự bình đẳng, tôn trọng giới tính, có đầy đủ chất xám và sự tự do dân chủ, nhân quyền là một diễm phúc. Đó là những chất liệu tâm lý cần thiết cho người sống có hạnh phúc bền vững trong kiếp tương lai.

Đối với người xuất gia, ngoài những hạt giống đạo đức vừa nêu, đức Phật còn dạy huấn luyện tâm cho thật bình thản trước các biến cố cuộc đời, không cho nỗi khổ niềm đau tấn công chi phối. Cách thức biểu đạt trong cuộc sống qua lời nói, việc làm, ý nghĩ, hay sự dấn thân phục vụ luôn mang lại chất liệu tình thương yêu, lòng vị tha vô ngã.

Các dưỡng chất tâm lý ấy tạo nên phong thái đặc biệt ở người xuất gia. Khi đối diện với cái chết, hoan hỷ từ bỏ cuộc sống giả tạm này, ra đi một cách an tường tái sanh vào cảnh giới mới. Một người đang sống mà có sự chuẩn bị kỹ, chắc chắn trong đời tương lai sẽ tốt đẹp.

Đề cập đến vấn đề dòng chảy cảm xúc và nhận thức dẫn đến tiến trình biểu đạt hành vi trong lúc gần qua đời, Phật giáo luôn quan tâm và cho rằng, đó là đột biến khi cận tử. Tức là một hành động diễn ra trong tiến trình chuẩn bị qua đời, có chiều hướng đối lập với khuynh hướng thói quen hay những hành động nghề nghiệp xuyên suốt trong quá trình người đó có mặt trong cuộc đời.

Những đột biến lúc cận tử này làm cho con người thay đổi hình dạng cảm xúc, nhận thức, dẫn đến quyết định thay đổi cả lý tưởng ở tương lai. Những đột biến lúc cận tử rất quan trọng cho tiến trình tái sanh. Sở dĩ Phật giáo chú trọng đến sự đột biến của cận tử là vì nó tạo tiền đề cho sự cách tân, đổi mới của một người trong kiếp tái sanh. Đối với người đã từng làm việc xấu ác, gây khổ đau cho người khác, nhưng trong giờ phút cuối cùng cuộc đời may mắn gặp được Phật pháp, hiểu được nhân quả, biết ăn năn, hối hận, muốn chuộc lại các lỗi lầm ấy bằng cách gieo trồng hạt giống đạo đức, để tương lai không ảm đạm như người rơi vào mặc cảm tội lỗi, dẫn đến sự khổ đau bế tắc.

Người có những thay đổi tích cực trong lúc cận tử do ý thức được rằng, những ý nghĩ, hành vi trong giờ phút cuối cùng định hướng cho tiến trình tái sinh của mình. Họ ý thức được tiến trình tái sinh được vạch ra theo khuynh hướng hoàn toàn đối lập với những chức nghiệp, hành động trong quá khứ thì bước ngoặc mới được mở ra, không còn diễn ra theo chiều hướng của những cái xấu ác ngày trước, mà hướng đến cái thiện, cái lợi ích cho tương lai. Như thế, ý nghĩ, hành vi lúc cận tử làm cho trạng thái tâm lý con người trở nên tích cực.

TỪ HẢI VÀ HÒN VỌNG PHU

Hãy liên tưởng đến hình ảnh Từ Hải trong truyện Kiều của Nguyễn Du chết đứng với thái độ hiên ngang, dũng mãnh. Mặc dù chết vì tình yêu mù quáng, sự đột biến của cái chết bức bách ấy tạo cho Từ Hải có phong cách bất khuất trong đời sau. Tuy Từ Hải chết vì tình, đặt giá trị tình yêu lên trên những giá trị khác, kể cả lòng yêu nước, yêu chủng loại; đột biến cận tử đó có thể làm thay đổi phong cách của Từ Hải trước đây, trở thành người có cá tính, sống vì tình nhiều hơn những lý tưởng cao đẹp khác.

 Cũng vậy, một người sống có nhiều điểm tốt trên đời, đến lúc sắp lâm chung một đột biến xấu diễn ra, có thể làm cho mấy mươi năm sống tốt trong cuộc đời sẽ không có cơ hội tạo ra kết quả tích cực như mong đợi. Muốn cho những hạt giống tích cực được trổ quả, trước nhất, ta phải tháo gỡ những vùng ảnh hưởng của những quán tính, thói quen không tốt ảnh hưởng đến đời sống tương lai. Đặc biệt những quán tính, thói quen có tính chất dẫn đạo khuynh hứơng và sự lựa chọn chức nghiệp của con người đời sau.

Hiểu được tiến trình đó, ta sẽ có sự thay đổi cá tính, thói quen không tốt như: lòng hẹp hòi, vị kỷ, bỏn xẻn, keo kiệt, hay ý thức về bản ngã quá cao. Đến lúc sắp lâm chung, ta ý thức được, tỏ ra ăn năn, hối hận, phát tâm hướng về thiện lành thì đột biến cận tử này sẽ dẫn đạo tiến trình tái sinh của mình theo hướng tích cực. Điều quan trọng là khi ý thức được rồi, người sắp lâm chung cần phải tĩnh táo, không lo sợ, nhứt tâm hướng về những điều tốt đẹp để tháo gỡ những vùng ảnh hưởng không tốt, bằng không, sẽ bị quán tính không tốt lôi kéo, không cưỡng lại nỗi. Đến lúc cận tử mà ta vững tâm tạo ra khuynh hướng tích cực rất quan trọng và có lợi cho tiến trình tái sinh sau này.

Trong văn học Việt Nam, câu chuyện về Hòn Vọng Phu với hình ảnh khá thú vị về người vợ dành cho chồng sự chung thủy bằng tình yêu vô cùng mãnh liệt, tạo nên niềm hạnh phúc và giá trị cho cuộc đời. Khi chồng ra trận, nàng đợi chờ, trông ngóng lâu ngày mà tin tức người chồng vẫn biệt tăm, từ đó, nỗi buồn tuyệt vọng bắt đầu xuất hiện trong lòng, thế là nàng ẵm đứa con trên tay đứng giữa trời trông đợi chồng về cho đến lúc cả hai mẹ con chết khô hoá đá như pho tượng. Tình huống trông chồng đến nỗi chết hóa đá của người vợ trong câu chuyện là một đột biến cận tử. Đột biến cận tử này làm cho tiến trình tái sinh của nàng trong tương lai sẽ thành người nữ thuỷ chung, tiết hạnh, hoặc là người nam dũng cảm, hết lòng trung tín.

Khác với trường hợp bị chết đứng của Từ Hải trong truyện Kiều, đột biến cận tử của người vợ trong Hòn Vọng Phu là hướng về tình yêu mãnh liệt, giữ lòng thủy chung cho người chồng lý tưởng. Dĩ nhiên, nàng cũng đã đánh mất nhiều cơ hội trong đời hiện tại, đánh mất những giá trị khác trong cuộc sống nếu nàng không chết. Cái chết của hai mẹ con trong Hòn Vọng Phu là tấm gương cho sự thủy chung, tiết hạnh theo truyền thống người phụ nữ Việt Nam, nhưng nó đã đánh mất biết bao diễn tiến tích cực trong đời sống hiện tại. Bản chất của hiện tại chính là phép mầu của cuộc sống, là mấu chốt của hạnh phúc cuộc đời. 

Người chồng trong Hòn Vọng Phu có người vợ thủy chung, tiết hạnh trông chờ đến chết, còn anh ta với tính cách là nghĩa sĩ bảo vệ biên cương, bờ cõi, sự hy sinh của anh tất phải để lại lòng yêu thương, luyến tiếc về người vợ thuỷ chung của mình và đứa con thơ dại chưa có ý thức gì về tình thương đối với người cha.

Có thể người chồng ngoài chiến trận đang quên mình bảo vệ quê hương, chiến đấu dũng cảm, hy sinh trong trạng thái ngoan cường. Lúc ấy chắc gì anh chàng đã tưởng nhớ tới người vợ ở nhà ôm con ngóng đợi khổ đau như vậy, vì thế, tiến trình tái sinh của anh là khuynh hướng thành người có chí hướng làm quan, làm tướng, làm quân sự, làm chính trị, cầm cân nẩy mực, với tình yêu quê hương tổ quốc rất lớn, vượt lên trên tình yêu cá nhân và các giá trị khác của cuộc sống.

Trong tình huống chết của hai vợ chồng trong Hòn Vọng Phu, tương lai chưa chắc hai người sẽ gặp lại nhau để “kết cỏ ngậm vành” cùng chung sống với nhau thêm một kiếp nữa. Bởi người vợ vì thủy chung, tiết hạnh dẫn đến cái chết trong trạng thái mãi mãi đi tìm người chồng lý tưởng của mình, còn người chồng lại tái sinh theo khuynh hướng khác, làm sao họ có thể gặp lại nhau được.

Con người khi sinh ra và lớn lên đến tuổi “cặp kê” thường đặt ra tiêu chí lý tưởng cho đối tượng người yêu của mình, rồi đi tìm không gặp. Điều đó, không phải mẫu người như thế không có trong hiện tại, nhưng vì họ chưa đủ cơ duyên với nhau, nên không gặp được nhau. Phần lớn những trường hợp chết vì tình yêu mà không có sự đồng cảm của đôi bên thì trong tương lai sẽ dẫn đến sự bế tắc, không gặp được nhau.

Phân tích hai tình huống chết của hai nhân vật Từ Hải trong truyện Kiều và người vợ trông chồng hoá đá trong Hòn Vọng Phu, ta thấy đột biến cận tử tạo ra cá tính của con người trong đời sau là rất lớn. Nếu sau này ta muốn thay đổi cá tính dưới sự hỗ trợ của những nhà tâm lý học, nhà tâm linh, của sự thiền quán tu tập để làm mới cảm xúc, tạo ra cảm xúc mới theo khuynh hướng đời sống an vui, tích cực thì nên hiểu rằng điều này không phải là không thể.

Hiểu được những diễn tiến đột biến lúc lâm chung, ta không cho phép mình ỷ lại hay quá dễ dãi trong giây phút cuối cùng của cuộc đời. Đến lúc ta phải chia tay vĩnh viễn với người thương, người thân, những người mà mình có nhiều kỷ niệm đẹp ở đời, hay đối với người có kỷ niệm lận đận, khổ đau, bế tắc, cảm xúc bị đóng băng giữa ta và họ là những dấu ấn sâu đậm, ảnh hưởng đến đời sống trong kiếp tái sanh của ta. Do ảnh hưởng kiếp trước, trong đời này mới có những biểu hiện thái độ như có người ta mới gặp lần đầu, ta cảm thấy dễ tỏ bày thiện cảm, thiện chí. Ngược lai, có người ta mới gặp lại ác cảm, thành kiến với nhau, mặc dầu giữa đôi bên chưa hề có một đụng chạm nào.

Có quan niệm cho rằng, ta cảm nhận điều đó là do phản ứng từ nhân tướng, cá tính, thông qua màu da, ánh mắt, cách nói, cách nhìn v.v… Và ta tự định vị, dán nhãn cho đối tượng có những đặt tính A, B, C nào đó. Điều ấy chỉ có thể đúng một phần, trên thực tế đôi lúc nó còn ngược lại với những gì người kia đang có.

Có người còn cho rằng, điều ấy được mặc định từ nhân tướng học, đặt trên nền tảng của các ngôi sao chiếu mạng, của ngày, giờ, năm, tháng tốt, xấu hoặc do vị trí phong thủy trong ngôi nhà, cách thức bày biện vật dụng trong nhà, hay bày trí cho khu vườn v.v…Theo quan điểm của Phật giáo thì cuộc đời hiện tại, ta chịu ảnh hưởng rất nhiều của đột biến cận tử trong đời quá khứ. Khi ta giữ một hình ảnh tâm lý nào ấn tượng nhất từ kiếp trước, nó trở thành quán tính của ta ở kiếp này, và những hình ảnh tâm lý ấn tượng cận tử ở kiếp này sẽ là quán tính ở kiếp sau.

NGHIỆP CẬN TỬ VÀ THÓI QUEN KIẾP SAU

Đột biến cận tử diễn ra như một quán tính của thói quen. Quán tính này có chiều hướng dẫn đạo hành động rất mãnh liệt. Chẳng hạn, mỗi ngày ta có thói quen thức dậy lúc bốn giờ sáng, một hôm, do bận tiếp bạn bè trong dịp lễ mừng sinh nhật, ta phải thức khuya, ngày hôm sau, đến bốn giờ ta vẫn thức dậy, không ngủ thêm được. Đó là do quán tính có khả năng định vị thói quen thời điểm thức dậy. Ngoài ra, các sinh hoạt khác như cách ăn mặc, trang sức, cách nói năng, giao tế, ứng xử trong cuộc đời cũng diễn ra theo cách tương tự. Khả năng định vị ấy diễn ra khá phổ biến, đến độ dân gian cho rằng, mỗi người sinh ra đều có sẵn một bản tính bẩm sinh thế này hay thế kia rồi...

Nho giáo cho rằng “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Nghĩa là con người sinh ra đều có cùng bản tính thiện. Điều đó không hoàn toàn đúng, nó chỉ đúng với người mới sinh ra có tiền kiếp là người thiện mà thôi. Quan niệm khác cho rằng do môi trường tiếp xúc, điều kiện thuận lợi, hay do nghịch cảnh trái ngang nào đó khiến cho con người thay hình đổi dạng, kẻ thành thánh, người thành ma, kẻ thành A-tu-la, người vào địa ngục, súc sinh v.v… đều do sự an bày của Thượng đế hay các Thần linh.

Lý giải bản tính hay tính biến thiên của con người dưới góc độ như vậy là đánh mất cơ hội tiềm năng tích cực trong ta. Từ đó, ta dễ dàng đặt khuynh hướng của mình theo chiều kích “cuốn theo chiều gió” tức là ta bị lệ thuộc, không có lập trường hay mang tâm trạng “ba phải” Tức là khi tới chỗ này nghe nói hấp dẫn, ta cho là hay, tới chỗ khác nghe nói đối lập cũng cho là phải, không phân biệt đúng sai một cách rõ ràng, đâu là ngụy biện, đâu là chân lý. Người như vậy giống như sống trên hai đường đối lập nhau, không có khuynh hướng theo những gì ta thấy, hiểu, không biết những gì thật sự là chân lý và giá trị. Do vậy, đánh mất nhiều cơ hội tiếp xúc với những giá trị tốt đẹp trong cuộc đời. Sống theo sự an bày như là định mệnh, trước sau gì cũng dẫn ta đến cửa ngõ của sự bế tắc.

Đột biến cận tử trong một tình huống không may nào đó có thể làm cho con người bị khủng hoảng, sợ hãi, nghi kỵ, sân hận, ganh đua, tranh chấp, góp phần tạo ra cá tính trong đời sau với một vùng ảnh hưởng quán tính, làm người ấy vẫy vùng không nổi, dù muốn thay đổi cũng không dễ gì thực hiện được.

Tôi có dịp tiếp xúc với một gia đình có hai cậu bé sinh đôi. Một cậu có thói quen, khi thấy ba cậu mở bếp đun nước chuẩn bị pha trà hay cà phê thì chú bò đến ngay. Lúc ấy, chú bé chưa biết nói. Tại sao đứa bé này lại thích trà hay cà phê đậm đặc không đường và uống một cách ngon lành? Chú bé thứ hai không thể uống cà phê được mà chỉ thích mút cà-rem. Bữa nào mẹ chú mua cà-rem về là chú mút say sưa, thậm chí khi cà-rem hết chú cắn luôn cái que tre, vì cái que tre ấy có hương vị cà-rem. Qua trường hợp trên, ta có thể đoán biết được rằng, đột biến cận tử trong đời quá khứ của hai đứa bé này khác nhau, một người nghiện cà phê và một người thích cà-rem, cả hai bị chết trong cộng nghiệp.

Do thói quen trong đời quá khứ dẫn đến cá tính của hai chú bé này, dù chưa hề tiếp xúc với cà phê hay cà-rem, thế mà khi nghe ngửi đến mùi vị ấy, chúng có cảm giác gần gũi, thân quen, ưa thích như một phần sự sống của mình. Cũng như trong cuộc sống thường nhật, có những thứ rất ý nghĩa với cụôc sống của người này, lại không được người kia ưa thích. Đó là điều ta khó lý giải tường tận và cụ thể lý do tại sao? 

XÁC ĐỊNH TÍNH CÁCH CỦA THAI NHI

Đối với con người, trong thời gian hình thành, từ cái phôi cho đến một thai nhi hoàn chỉnh trong bụng mẹ, nếu cha mẹ là một Phật tử thuần thành, có thể huấn luyện cá tính và thay đổi vùng ảnh hưởng di chứng đột biến cận tử của đứa bé trong quá khứ. Trong thời kỳ này, nếu ta lưu tâm theo dõi có thể biết được cá tính đứa bé trong bụng thông qua cách thức ăn mặc, trang sức và những sở thích của người mẹ trong lúc mang thai.

Ví dụ, bình thường người mẹ ăn mặc rất giản đơn, bình dị, không thích ăn những thức ăn ngọt v.v… Vậy mà khi mang thai, người mẹ thay đổi cá tính, thích ăn những thứ mà trước đây không hề thích, thích mặc những trang phục trước đây không ưa dùng. Thông qua đó, ta có thể nhận biết được đột biến cận tử của đứa bé ở kiếp trước. Do ảnh hưởng từ nghiệp của đứa bé làm thay đổi cá tính, sở thích của người mẹ trong thời gian mang thai.

Muốn thay đổi chức nghiệp, cá tính của đứa bé trong tương lai, người mẹ cần phải huấn luyện cho thai nhi, bằng cách gieo trồng những hạt giống mới, phải chiến thắng những ham muốn, thèm khát trong giai đoạn mang bầu, để huấn luyện cho đứa con sau này có những tính cách mình muốn, tạo cho mình người con lý tưởng về sau.

Nếu người mẹ muốn con mình sinh ra sau này sẽ trở thành một vị Tăng có khả năng giúp ích cuộc đời thì trong lúc mang thai, người mẹ phải cố gắng thiền quán, tụng những bộ kinh có chất liệu từ bi, bố thí, kiên nhẫn, tinh tấn thực hiện những điều trong kinh chỉ dạy một cách thành tâm, hoan hỷ, không khởi tâm chán nản hoặc thất vọng, nỗ lực gấp nhiều lần so với thời gian bình thường, nhất tâm hướng về Tam Bảo sẽ tạo ra ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, làm cho nghiệp đột biến cá tính của người con được thay đổi thành tích cực.

Trong dân gian có câu “con hư tại mẹ”, người con chịu ảnh hưởng của người mẹ là rất lớn. Nếu người cha có trách nhiệm và hiểu được đạo lý của Phật giáo thì không nên qui trách nhiệm hoàn toàn cho người vợ. Thông thường, những thành công của con, người cha được hưởng tiếng khen, tiếng tốt là nhờ sự dạy dỗ nghiêm nghị của cha nên con mới thành công. Khi con hư hỏng thì người đời lại cho rằng, đó không phải là trách nhiệm của cha, mà qui trách nhiệm cho người mẹ gánh chịu.

Việc quy trách nhiệm và cho rằng, “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” là không đúng và không công bằng. Hạt giống quán tính tốt của cả vợ lẫn chồng đều hỗ trợ cho việc làm thay đổi đột biến cận tử, tạo ra vùng từ trường tốt cho đứa con trong bụng, ngược lại đứa con sau này hư hõng, bất hiếu, ngỗ nghịch làm cho gia đình khổ đau là do ảnh hưởng từ những suy nghĩ, hành động không tốt của cả vợ và chồng, chứ không phải chỉ có ảnh hưởng mẹ mà thôi.

Trong dân gian Việt Nam cũng có các mẹo vặt để đoán biết cá tính của đứa con trong tương lai. Ví dụ, đứa con được sinh ra dễ dàng, nhẹ nhõm không làm người mẹ đau đớn, ta biết rằng, đứa bé ấy sau này sẽ ngoan hiền, hiếu thảo. Đây là cách định vị cá tính của đứa con khi mới lọt lòng qua cách thức chào đời của nó. Quan niệm này là do ảnh hưởng những điều đã dạy trong kinh Vu Lan. Còn những đứa khi sinh mà quậy lung tung, làm người mẹ phải chịu đau đớn, nhất là những đứa sinh ngược, thay vì nó chui đầu ra trước, lại chui hai chân ra trước làm cho người mẹ phải “chịu trận” là những đứa về sau ngỗ nghịch, bất hiếu. Người mẹ nào không may gặp trường hợp sinh ngược, mỗi khi nghĩ đến việc sinh con lần nữa là cảm thấy sợ hãi. Cũng từ việc nghĩ rằng những đứa sinh khó, sinh ngược đều là những đứa ngỗ nghịch, bất hiếu làm cho cha mẹ không còn hạnh phúc nhìn thấy đứa con kế tiếp ra đời.

Theo kinh nghiệm dân gian, dựa vào phản ứng vật lý của cơ thể thông qua cấu hình, vị trí mà đứa bé có mặt trong cuộc đời, có thể định vị được cá tính của nó mấy mươi phần trăm. Điều ấy rất có ý nghĩa, vì khi ta quan sát, theo dõi lúc sinh con, người mẹ có thật sự dễ chịu, thoải mái, hay đau đớn, căng thẳng, để đoán biết đứa con này lớn lên sẽ có khuynh hướng tốt hay không tốt, tích cực hay tiêu cực. Sự thay đổi cá tính của người mẹ trong thời kỳ mang thai cũng giúp cho cha mẹ nhận biết được phần nào cá tính của đứa con sau này. Có lẽ những kinh nghiệm dân gian có được cũng do ảnh hưởng liên quan đến các thuyết của nhà Phật.

THAI NHI VÀ TÍNH TÌNH THAI PHỤ

Khi thái tử Tất-đạt-đa đầu thai vào thánh mẫu Ma-da, cá tính của hoàng hậu được thay đổi một cách khác thường. Các nhà khoa học thường chỉ nói một chiều là cá tính của người mẹ ảnh hưởng đến người con. Trong qui trình ẩm thực, những chất dinh dưỡng cho cơ thể, cho sức khỏe của người mẹ trong thời kỳ mang thai ảnh hưởng đến thể chất và thể trí, tâm tính của đứa trẻ sau này. Ít khi họ nói đến tiến trình ảnh hưởng cá tính của thai nhi truyền sang người mẹ như trong kinh điển Phật giáo đã nói.

Suốt thời gian thánh mẫu Ma-da mang thai thái tử Tất-Đạt-Đa, vốn là người nhân từ lại trở nên nhân từ hơn. Bà phát tâm bố thí, cúng dường, làm nhiều việc phước thiện to lớn. Chẳng hạn, bà muốn xây dựng một ngôi đền Bà-la-môn thật nguy nga, đồ sộ, lập tức nhà vua cho xây dựng ngay, bà muốn cất một khu nuôi dưỡng người neo đơn nghèo khó, nhà vua liền hạ lệnh cho triều thần thực hiện.

Sự thay đổi cá tính từ tốt trở thành tốt hơn của hoàng hậu Ma-da, phần lớn là do ảnh hưởng từ thánh hạnh của cái thai trong bụng. Do có những ảnh hưởng hai chiều giữa người mẹ và thai nhi, ta phải ý thức về trách nhiệm của mình với đứa con tương lai ngay từ khi nó chưa sinh ra. 

Các bà mẹ khi mang thai cần hạn chế sử dụng các chất độc có thể làm ảnh hưởng không tốt, hoặc làm biến dạng bộ não của đứa bé sau này. Người mang thai cần phải hạn chế ăn uống những thực phẩm ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người mẹ và đứa con trong tương lai. Ví dụ, hạn chế ăn những thức ăn có liên quan chứng bệnh phong thấp, nhức mỏi, hoặc hạn chế ăn các thứ ảnh hưởng đến cá tính sân si, nóng nảy…Tất cả những vật thực của người mẹ trong thời gian mang thai có thể định vị, ảnh hưởng đến cá tính của đứa bé sau này.

Người mẹ khi mang thai cần có đời sống phạm hạnh, giữ gìn năm giới, phát tâm làm việc thiện lành, không sân si, giận dỗi… Làm như vậy, chính là khởi lòng thương đứa bé có phương pháp, để sau này ta có một người con yêu quý, hiếu thảo, đạo đức tốt đẹp. Như vậy là người mẹ ấy đã có trách nhiệm về nhân quả, chuyển hoá nghiệp cho đứa con sắp ra đời của mình theo hướng tích cực.

Theo nhân quả, dù hành động không cố ý nhưng ta vẫn phải chịu trách nhiệm. Nếu ta gây nên tội lỗi vô cớ, ta phải chịu luật nhân quả vô cớ, nếu ta gieo nhân tình cờ, ta phải chịu quả tình cờ, gieo nhân cố tình, phải gánh lấy cái quả cố tình. Cho nên, ta thương tưởng đứa con bằng cách chăm sóc sức khỏe người mẹ thật tốt lúc mang bầu thì đứa bé sinh ra có thể chất mạnh mẽ, cảm xúc của người mẹ hướng về tuệ giác, đứa con sinh ra sẽ có khuynh hướng về tâm linh.

Trong lúc mang thai cả cha và mẹ cố nuôi dưỡng đức tính cao thượng, lòng vô ngã vị tha, sự tương thân, tương trợ để cho đứa con sau này có những cá tính mình mong muốn. Nếu cha và mẹ không có sự đầu tư, huấn luyện trong thời kỳ mang thai thì dù đứa bé được sinh ra trong gia đình giàu có cũng không thể có những đức tính như vậy. Do không hiểu, không làm những việc tốt, mà làm nhiều điều bất thiện trong thời gian mang thai, mới có trường hợp cha mẹ giàu có, biết làm việc lành, nhưng con cái lại ngang ngược, phá sản; cha mẹ là nhà giáo dục mẫu mực thì con cái lại buông lung, vô độ: “cha làm thầy, con đốt sách”.

 Giữa cha mẹ và con cái có điều bất thuận, một phần do trong thời gian mang thai, người mẹ gặp điều bức xúc nào đó rồi khởi tâm sân si, nóng nảy, thiếu kiềm chế, làm điều sai trái v.v…Tất cả điều đó ảnh hưởng lớn đến cá tính của đứa bé sau này. Trong dân gian hay truyền miệng nhau câu:“cha mẹ cú đẻ con tiên, cha mẹ hiền sinh con dữ” là do chỗ này. Ví dụ, cha mẹ đều là ca sĩ, nghệ sĩ nổi danh, thế mà con lại theo khuynh hướng khoa học, là do khi mang thai người mẹ vì một lý do nào đó sinh lòng bất mãn nghề nghiệp, không muốn con mình sau này theo nghề này. Cho nên, sau này dù cha mẹ nó có huấn luyện cho con sở trường ca hát, nó vẫn không thích và muốn theo nghề khác.

 Nắm rõ sự đột biến cận tử, trong thời gian mang thai, cha mẹ có thể huấn luyện cá tính cho đứa con tương lai của mình theo ý muốn. Ông bà xưa có câu:“dạy con từ thưở còn thơ” nhưng nếu chỉ huấn luyện con sau khi nó ra đời thì chưa đủ, mà cần nạp cho nó những hạt giống tốt từ lúc nó còn là một thai nhi thì những hạt giống này sẽ tồn tại lâu dài và chắc chắn.

Trong thời gian này, ta nạp vào nó những chất liệu tích cực, chắc chắn sau này nó sẽ trở thành người sống có ý nghĩa trong cuộc đời. Còn nếu ta nạp vào nó những tập quán mê tín, dị đoan như xin xăm, bói quẻ, cầu khẩn lung tung khi mang thai thì chắn chắn sau này nó sẽ là người mê tín hoặc chọn nghề này để kiếm sống. Do đó, cha mẹ hãy chú trọng và cần quan tâm đến cách thức huấn luyện con mình từ lúc nó đang còn trong bào thai.

BỒ-TÁT QUẢNG ĐỨC VỊ PHÁP VONG THÂN

Chúng ta có thể quán chiếu về sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu vào ngày 11/06/1963 tại ngã tư đường Phan Đình Phùng (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Đình Chiểu). Nếu ai đã xem những thước phim đó sẽ thấy gương mặt của Hòa thượng rất vui tươi, Ngài không hề để lại ấn tượng gì của lòng thù hận, bực tức, bất mãn với chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đã mang lại nỗi khổ niềm đau cho hàng vạn, hàng triệu Tăng, Ni, Phật tử dưới chính sách phân biệt đối xử tôn giáo, muốn loại trừ đạo Phật ra khỏi tấm bản đồ Việt Nam, nơi mà đã có truyền thống tốt đẹp hàng ngàn năm gắn bó giữa đạo và đời ở xứ sở này.

Khi bị lửa thiêu cháy, ngài vẫn với thái độ an nhiên tự tại, tĩnh tọa, không một chút sợ hãi. Cho đến mười phút sau, khi phản ứng của gân cốt không còn nữa, cơ bắp bị cháy đen thì toàn thân của ngài mới từ từ ngã xuống. Khi pháp thân của ngài thiêu xong, người ta thấy trong mớ tro tàn có một vật không hề bị cháy đó là quả tim. Người ta đem quả tim ấy đốt thêm bốn ngày nữa, nhưng nó vẫn không bị biến dạng. Từ đó, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam lúc bấy giờ đặt tên cho quả tim ấy là: “Quả tim bất diệt” và ngọn lửa tự thiêu của ngài là “ngọn lửa từ bi”

Trong đạo Phật, rải rác đó đây thường xảy ra những điều kỳ lạ, ai đã từng sống trong môi trường dung thông hay những đối lập sẽ hiểu được giá trị của những điều kỳ lạ này. Lửa được tượng trưng cho lòng sân, sự hủy diệt, sự tàn phá, vậy mà ở đây được gọi là lửa từ bi. Bởi từ trạng thái thong dong, tự tại và lòng từ bi của HT. Thích Quảng Đức đối với chế độ Ngô Đình Diệm qua câu nói của ngài lúc tự thiêu: “Tôi mong muốn Tổng thống Ngô Đình Diệm và chính thể của ông hãy ứng xử với tất cả mọi người bằng lòng từ bi và bác ái.”

Tại sao lúc ấy ngài không nói, tôi lên án hay đả đảo chính thể của Tổng thống Ngô Đình Diệm, mà ngài chỉ mong rằng Tổng thống nên tỉnh thức? Đây là hạnh nguyện dấn thân dưới góc độ của lòng từ bi. Ngọn lửa đó là ánh đuốc soi đường tạo ra chất liệu tỉnh thức cho toàn thế giới và kéo theo sự sụp đổ một chế độ. Sau sự kiện tự thiêu của HT. Thích Quảng Đức và sự sụp đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Tổng thống Kenedy của Hoa Kỳ phải thốt lên với báo chí rằng: “Tôi đã sai lầm dựng lên ông bạo chúa ở Việt Nam”. Đó là cách chạy tội của vị Tổng thống Hoa Kỳ đã tạo ra một chính thể thiên về Thiên Chúa giáo mà thôi.

Phật giáo dạy rằng bùn tuy dơ nhưng có thể tạo ra hoa sen thơm ngát. Tương tự, ở đâu có bạo chúa, ở đó có Bồ-tát tình thương. Sự hiện hữu tình thương của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã làm cho trái tim của Ngài không bị hủy diệt. Chính trái tim không cháy của ngài là biểu tượng cho tình thương vượt trội hơn cả tình thương của cha mẹ đối với con cái, của tình yêu sức sống con người hay tình thương yêu đồng bào, đồng loại. Bởi tình thương của vị Bồ-tát là tình thương không có đối tượng, không phân biệt giới tính, bạn hay thù, thân hay sơ, loài người hay các loài động vật, mà nó tồn tại như một dấu ấn cho thấy rằng, chỗ nào có tình thương, có lòng từ bi, chỗ đó có sự sống và trở thành bất diệt. Tất cả những bạo tàn, những áp bức cũng không thể nào cắt đứt gốc rễ sự sống hay làm sây suyễn nổi tình yêu thương cao cả ấy.

Đột biến cận tử trong nghĩa cử tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã để lại sự thắp sáng cho tinh thần dấn thân rất lớn. Đột biến này có thể tạo ra khuynh hướng Bồ-tát dấn thân trong tương lai, dù không có phát nguyện như ngài Địa Tạng: “Cho đến lúc nào địa ngục chưa hết chúng sinh thoát tội thì tôi chưa thể thành Phật”, hay trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, ngài A Nan đã nói:“Cho đến lúc nào còn một chúng sinh chưa giác ngộ, giải thoát thì tôi nguyện chưa chứng quả vị Niết-bàn.”

 Chúng ta cũng thấy ngọn lửa từ bi là bất diệt. Trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã trở thành lời phát nguyện dấn thân và nhập thế tích cực. Nghĩa là rồi đây, chư vị Bồ-tát cũng sẽ có mặt trong cuộc đời theo cách thức này. Sau biến cố năm 1963, năm 1964, nhiều Bồ-tát tiếp tục dấn thân về lòng từ bi, tình thương, xóa bỏ sự phân biệt về chủng tộc, giới tính, màu da. Trong quá trình tái sinh, cá tính của mỗi người được giữ lại như các năng lực nghiệp. Áp dụng nguyên lý này, ta có thể tìm kiếm hậu thân của bồ-tát Thích Quảng Đức. Cộng bảy tuần thất và chín tháng mang thai, ai sinh từ tháng 3 - tháng 6 năm 1964 mà có nhiều phẩm chất từ bi có thể được xem là ứng cử viên của bồ-tát.

Bằng cách nào đó, chúng ta tạo ra truyền thống tái sinh trong Phật giáo Việt Nam, chúng tôi tin rằng nó không thua kém truyền thống tái sinh của Phật giáo Tây Tạng. Bởi hạt giống đột biến trước khi con người qua đời tạo ra vùng ảnh hưởng đến tiến trình tạo ra tính cách của người kiếp sau.

Những ai đã từng gây ra lầm lỗi với người khác, dù vô tình hay cố ý, đều phải hồi đầu sám hối, thậm chí người chưa từng có lỗi với ai, cũng nên phát lời thệ nguyện sám hối để lỗi lầm không xảy ra thì chắc chắn khi tái sinh ở đời sau, người ấy sẽ có tính khiêm nhường, dễ gần gũi và luôn luôn có cái nhìn phản quan lại bản tính của mình. không có tính cách chỉ trích, đổ lỗi cho người, mà thấy mình là một cơ cấu chịu ảnh hưởng chung, không cho mình là trung tâm của trục xoay. Sự khiêm tốn ấy sẽ tạo ra vùng ảnh hưởng cá tính làm cho những người ghét mình, không đồng quan điểm với mình, vui vẻ chấp nhận những gì mình chủ trương hay truyền bá.

TRỞ NGẠI TRONG ĐỘT BIẾN CẬN TỬ

Việc huấn luyện cá tính hay huấn luyện đạo đức trong những năm tháng cuối đời là nhu cầu không thể thiếu. Đối với những người qua đời đột ngột, chết bất đắc kỳ tử thì tiến trình huấn luyện cận tử không thể xảy ra, vì họ không làm chủ được sự chết và sự sống. Những người mà cái chết diễn ra do bệnh hay tuổi già thì có thể huấn luyện được cá tính. Nếu không, họ sẽ bị rơi vào giai đoạn Phật giáo gọi là “giai đoạn vô vị” rất khó thay đổi. Có những ông, bà lão lớn tuổi cho rằng, mình bị con cháu bỏ rơi. Trong nền văn hóa phương Tây, con cái thường gửi cha mẹ già vào các trại dưỡng lão. Trong trường hợp này, các cụ thường mang cảm xúc bị con cháu bỏ rơi, có trạng thái hối hận và nghĩ rằng, mình đã mang nặng đẻ đau, nuôi nấng con cái biết bao công sức, hy sinh cả hạnh phúc riêng tư của mình cho nó, thế mà khi có được hạnh phúc, nó chẳng nghĩ đến mình. Do đó, các cụ bị nỗi cô đơn, lạc lõng trào dâng trong tâm trạng nuối tiếc cho đến lúc qua đời.

Những người chết trong trạng thái cô đơn, nuối tiếc như vậy thì diễn biến của đột biến cận tử làm cho họ tái sanh sau này thành người tiêu cực. Người đó sẽ không có hạnh nguyện dấn thân hay có lòng muốn giúp đỡ người khác, họ luôn có thái độ e dè, cẩn thận quá mức, khi nào thấy việc tiến triển tốt đẹp, họ mới dám làm. Vì thế, những người này dễ bị mất cơ hội thực hiện ước mơ, hạnh nguyện của mình, và các đối tượng cần sự giúp đỡ, không có cơ hội nhận lãnh. Vì vậy, trạng thái nuối tiếc làm cho con người đánh mất nhiều cơ hội làm lành trong cuộc sống.

Đối diện với sự vô vị thường làm cho nhiều người không được hạnh phúc. Có nhiều cụ già không biết phải làm gì, mỗi sáng sớm cầm chổi quét tới quét lui, mặc dù nơi ấy không có rác hoặc xách nước tưới cây, mặc dù trong vườn đã có vòi tưới tự động. Có những cụ ông lớn tuổi nhưng còn sức khỏe, xin lái xe hoặc tìm một việc làm nào đó cho đỡ buồn, cho tay chân không bị trống trải, họ làm việc để cảm giác cô đơn giảm bớt, làm việc cốt để cho mình cảm thấy có thêm giá trị trong cuộc sống, chứ không phải để kiếm tiền. Nếu hiểu được ý nghĩa việc làm đó, con cái cần phải biết cung kính cha mẹ nhiều hơn. Dù sống trong nền văn hóa phương Tây, có hệ thống an sinh xã hội tốt, ta vẫn phải có bổn phận nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ cả về vật chất và tinh thần lúc tuổi già. 

Kinh Phật sánh ví cha mẹ như hai vị Phạm Thiên (tức là Thượng đế của nền văn hóa Ấn Độ giáo), hay Phật trong nhà thì không lý do gì chúng ta bỏ rơi cha mẹ, “phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”. Vì không có cha mẹ, ta sẽ không có mặt trên cuộc đời này. Quan niệm này không cho phép mình lợi dụng tình thương của cha mẹ mà nhờ vả giống như một người giúp việc trong gia đình.

Có trường hợp con rước cha mẹ về sống chung lại cho rằng, nếu ông bà ở nhà mướn hay ở nhà chính phủ, hàng tháng phải trả tiền thuê nhà, còn ở nhà con không tốn tiền, nên cha mẹ phải có trách nhiệm lo lắng cho các con của con. Như vậy, thay vì tuổi về hưu cha mẹ được thời gian an dưỡng để phát triển đời sống tâm linh, đi chùa, làm phước, tu đức… giờ lại phải bận bịu suốt ngày chăm sóc cháu, chắt.

Thái độ trên không phải là cách thức hiếu thảo, thương tưởng cha mẹ, vô tình, ta đã biến cha mẹ thành người làm việc giá rẻ, thay vì thuê dưỡng mẫu, phải trả lương tháng với số tiền nhiều hơn, mà chưa chắc đã hài lòng. Hơn nữa, thái độ đó là vô tình ta bóc lột sức lao động người cao tuổi, mà trong tâm nghĩ rằng, ta đang hiếu thảo với cha mẹ. Đây là điều trái với đạo lý chữ “hiếu” trong Phật giáo được thể hiện trong giáo lý “tứ trọng ân”.

GIẢI TOẢ CÔ ĐƠN TRƯỚC LÚC CHẾT

Khi đối diện với sự vô vị, người cao tuổi cần phải tu tập rất nhiều. Tu tập để tâm mình buông thư, không trách móc con cái, không khởi lòng sân hận, đồng thời nuôi dưỡng tâm lượng của lòng tha thứ và cảm nhận được những việc làm nho nhỏ của mình lúc này là không vô vị. Chỉ cần quán tưởng tâm lượng trong hành động thì giá trị hành vi trở nên có giá trị.

Chẳng hạn, người làm công việc quét dọn đường phố ở những nơi nghèo khó có được đồng lương chỉ vừa đủ sống. Nếu họ quán tưởng hành động quét rác đó mang lại lợi ích cho nhiều người, xem như họ gieo được cái nhân làm đẹp cuộc đời. Sinh ra trong kiếp sau, do quả phước lớn đó mà họ có được thân hình đẹp, mọi người quý mến.

Trong hiện tại, động tác quét rác ấy mang lại cái đẹp cho con đường là hết, nhưng kiếp sau, do phước lực của sự phát tâm ấy, họ có thể có được tấm thân xinh xắn lại được trang hoàng lộng lẫy bằng những vật trang sức bốn mùa. Quán chiếu trong từng động tác quét rác, xem đây là việc làm không phải chỉ vì đồng lương, vì trách nhiệm mà ta làm vì hạnh nguyện Bồ-tát thì phước lực sẽ lớn hơn rất nhiều.

Trong văn học Đại thừa, có vị Bồ-tát tên là Trì Địa phát nguyện vác đất đắp đường, thu lượm gai góc trên mặt đường để người đi qua không bị giẫm đạp, vấp ngã và trầy xước. Khi dọn rác trên đường, ngài luôn cầu mong “ông đi qua, bà đi lại” trên con đường này được an lành. Ngày nay, người quét đường lấy hạnh nguyện trong phẩm Tịnh Hạnh của kinh Hoa Nghiêm mà nguyện rằng, trong động tác quét rác này, tôi mong cho cuộc đời này được vơi bớt tệ nạn xã hội, bớt nỗi khổ niềm đau và những bế tắc trong mỗi gia đình. Cứ quán tưởng, cứ nguyện cầu trong từng động tác quét rác thì ngoài phước báu mang lại vẻ đẹp, sự sung mãn, còn có được những giá trị thăng hoa về tâm linh rất lớn.

Dù cho “gần đất xa trời”, bị con cái hay xã hội chối bỏ, đời sống khó khăn và bệnh tật khống chế, ta phải thấy được từng động tác nho nhỏ của mình vẫn mang lại giá trị trong đời, theo đó mà sống an vui. Dù là người khỏe mạnh, giàu sang, phú quý không bệnh tật, không có người thân nằm trong bệnh viện thì mỗi tháng một lần, cũng nên vào những bệnh viện, những nơi nuôi dưỡng người khuyết tật, quan sát những ông già, bà lão yếu đuối, đi đứng không vững, sinh hoạt gắn liền với chiếc xe lăn hoặc các phương tiện trợ sinh khác như cây gậy, máy trợ thính, máy trợ tim v.v…để cảm nhận được nỗi khổ đau của họ, mà không dám phung phí sức khỏe của mình và gieo trồng hạt giống của lòng từ bi.

Trực tiếp chứng kiến các cảnh khổ đau ấy, có người do xúc cảm quá lớn về nhà ăn không ngon, ngủ không yên, trong lòng sợ hãi không muốn đến những nơi ấy nữa. Cảm xúc thương cảm dẫn đến sự chạy trốn như vậy làm cho hạt giống từ bi bị lép đi. Đây là điểm đặc biệt của các nhà sư Thái lan và Campuchia. Các vị ấy làm việc một cách tận tình, không làm hình thức, không làm lấy điểm với ai, họ xem những bệnh nhân như người thân của mình.

Các nhà sư biểu hiện tình cảm của mình qua hành động gần gũi như dùng tay sờ nấng những vị trí đau của bệnh nhân và nguyện xin truyền lòng từ bi của mình qua thân thể người bệnh, qua từng tế bào để người kia bớt đau đớn. Đây là hình thức gieo trồng hạt giống công đức của mình vào người khác.

Dù cho người kia có hiểu được ngôn ngữ của mình hay không, mặc cho người kia có thiện cảm với mình hay không, kể cả người không cùng tôn giáo với mình, tất cả điều ấy đều không làm trở ngại việc thiết lập tâm ngôn giữa hai bên. Tâm ngôn tức là lời của tâm, chất liệu của tâm, là thứ ngôn ngữ không lời mà mọi đối tượng đều cảm nhận được, có khả năng làm vơi đi những nỗi khổ niềm đau trong họ.

 Những hành động đơn giản, không tốn tiền, lại làm cho đời sống của ta có ý nghĩa, tại sao ta không làm? Có người từ phương xa đến, không biết ngôn ngữ bản địa, không giao tiếp được với người bản xứ, họ trở nên cô quạnh hơn. Trong trường hợp ấy, ta phải dùng ngôn ngữ của tâm thông qua thái độ và hành động họ vẫn hiểu được. Là người Phật tử, chúng ta có thể vượt qua rào cản tôn giáo để chăm sóc bệnh nhân đạo Thiên Chúa, đạo Tin lành hay Hồi giáo v.v…Điều đó là thể hiện ngôn ngữ của tâm.

Không nên tặng tượng Phật, kinh Phật cho người già cô đơn khi họ chưa hiểu văn hoá đạo Phật, bởi khi tặng tượng Phật, kinh Phật như vậy, có thể họ bị dị ứng. Thành trì của truyền thống văn hoá trở thành cản lực đẩy ra ngoài những gì xa lạ với nó.

Đối với người không cùng tín ngưỡng, ta không cần làm công việc chuyển đổi tôn giáo, chỉ cần truyền đến họ chất liệu tâm linh, hồi hướng công đức, phước lực, niềm hạnh phúc hoặc những phước báu bằng ngôn ngữ của tình thương. Thậm chí họ là người tàn tật, khiếm thị hay câm điếc, tuy họ không nghe, không thấy, nhưng họ vẫn có thể thiết lập được truyền thông, cảm nhận và thấu hiểu được ngôn ngữ bằng hành động phát xuất từ con tim của mình. Đối với người câm điếc, người mù, thính giác, thị giác của họ hoạt động với cường độ cao gấp ba, bốn lần so với người bình thường.

Ví dụ, người mù bị bệnh, nằm bệnh viện, thông qua cách thức chăm sóc bệnh nhân của các y tá, qua cách đặt ly nước xuống bàn hay động tác tặng quà để vào lòng bàn tay của họ nặng hay nhẹ, những âm thanh nho nhỏ đó để lại trong họ những ấn tượng rất lớn. Những ấn tượng này cho phép họ phân biệt được đây là cô A hay cô B v.v... Do vậy, khi ta sử dụng tâm ngôn để thiết lập truyền thông họ cảm nhận và thấu hiểu được rõ ràng tấm lòng của mình đối với họ.

Những người hành nghề bác sĩ, y tá mà hiểu biết thêm đạo lý Phật giáo thì phước báu sẽ gia tăng nhiều và y đức cũng trưởng thành. Lúc ấy, họ không chỉ làm việc để hưởng lương, họ làm việc với tất cả tấm lòng thương yêu người bệnh. Người bác sĩ có thể làm giàu không trên sự đau khổ vì bệnh tật của người khác, mà họ làm giàu từ lòng từ bi. Khi khám bệnh cho bệnh nhân, bác sĩ nên lấy tiền vừa phải, không quá mức công sức của mình.

Người làm nghề chữa bệnh đừng sợ không giàu. Chính động tác của y đức muốn cho bệnh nhân sống khoẻ mạnh làm cho phước lực của người thầy thuốc tăng gấp ba, gấp bốn lần. Đó là hệ quả tất yếu do tấm lòng của người thầy thuốc đến với bệnh nhân bằng trách nhiệm, bằng chất liệu cảm thông và lòng thương yêu chân thật.

Cần học theo tâm ngôn của Phật giáo để những ông bà bị con cháu bỏ rơi không cảm thấy khổ đau, nhất là do cảm xúc tưởng tượng làm cho khổ đau gia tăng theo cấp số cộng hay cấp số nhân. Đối với những người có bán cầu não về cảm xúc lớn hơn bình thường thì nỗi khổ niềm đau của họ sẽ gia tăng rất lớn. Còn những người có cảm xúc mạnh thì chỉ cần một mặc cảm nho nhỏ như thấy người khác có người đến thăm, mình không có, bỗng dưng nỗi khổ niềm đau trào dâng, từ đó, sinh ra tâm lý ganh tị, không tùy hỷ khi thấy người khác hạnh phúc. Những cảm giác ấy, nếu duy trì đến khi đi vào hôn mê dẫn đến cái chết sẽ làm người chết tái sinh vào cảnh giới không an lành.

HỖ TRỢ LÂM CHUNG

Muốn hỗ trợ cho người sắp lâm chung, chúng ta cần phải biết cách gieo trồng những hạt giống tích cực vào tâm họ, không cần kèm theo những điều kiện khác như hình Phật A Di Đà, xâu chuổi hoặc yêu cầu họ niệm thần chú hay danh hiệu Phật. Muốn hỗ trợ lâm chung cho người khác đạo, ta chỉ cần truyền đến chất liệu của tâm ngôn bằng cách gieo vào hạt giống tình thương, hạnh phúc thì họ sẽ cảm nhận được. Những cảm nhận từ sự trao truyền đó sẽ ảnh hưởng tốt đến tiến trình tái sinh.

Việc hỗ trợ lâm chung cho Phật tử thì dễ dàng hơn. Ta có thể tặng cho họ xâu chuỗi, ảnh Phật, tượng Phật, rồi cùng nhau tụng kinh, bái sám hay niệm Phật, khuyến tấn họ cùng niệm (nếu họ còn tỉnh táo). Đối với một Phật tử lúc mạnh khỏe mà tinh tấn tu hành, có niềm tin vào Phật pháp, đến khi sắp lâm chung, chúng ta đến hỗ trợ, họ khởi tâm vui mừng, tin tưởng chắc chắn sẽ được chư Phật cùng thánh chúng đến tiếp dẫn. Điều này rất có lợi cho tiến trình tái sinh của họ. Người nào có được trạng thái tâm thảnh thơi, vui vẻ, an nhiên lúc lâm chung, chắc chắn sẽ được sanh vào cảnh giới an lành và hạnh phúc.

Còn hỗ trợ lâm chung cho người tu tập thiền quán, chúng ta cũng không cần tặng họ xâu chuỗi, hình ảnh Phật, chỉ cần tặng họ những bản nhạc thiền của Nhật bản, của Triều Tiên v.v.. với những âm hưởng du dương trầm bỗng, giúp họ quán pháp âm nhiệm mầu như Diệu Âm, Quán Thế Âm, Phạm Âm, Hải Triều Âm hay Thắng Bỉ Thế Gian Âm để họ khắc phục cảm giác đau khổ của thân vật lý, tách rời dòng cảm xúc đau khổ ra khỏi thân thể. Từ đó, họ ra đi được nhẹ nhàng.

Chúng ta nên tặng cho người sắp lâm chung những băng giảng hay kỷ vật của những vị pháp sư có ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của họ, để khi họ nghe những lời giảng, xem những kỷ vật ấy khơi dậy những đạo lý cao cả trong đời sống tâm linh, làm cho tâm trở nên thanh thản, không hoảng loạn, sợ hãi trước cái chết, cảm thấy được tiếp xúc với những thứ ấy là vô cùng hạnh phúc. Nói theo Nho giáo, sáng nghe đạo mà chiều chết cũng cảm thấy hoan hỷ.

Theo nhà Phật, lúc nghe đạo lý mà hiểu, ứng dụng, hành trì là ta đã có hoan hỷ, an lạc và hạnh phúc ngay trong thời khắc ấy. Tặng cho người sắp lâm chung những băng giảng đúng căn cơ, đúng trình độ là việc làm thiết thực, mang lại lợi lạc cho họ ngay trong giờ phút hiện tại và là điều rất tốt cho tiến trình tái sanh của họ.

Khi biết người sắp chết tu theo Mật tông, ta không nên tặng cho họ những băng giảng về thiền quán hay Tịnh độ. Bởi những thứ đó không có giá trị gì đối với họ, không nên tặng máy niệm Phật A-di-đà khuyến tấn họ niệm Phật, mà lúc ấy nên tặng ngũ bộ chú, Thần chú Đại Bi, thần chú Bát Nhã, thần chú Vãng Sanh, hoặc những băng đĩa của Đài Loan có những bài nhạc du dương gây ảnh hưởng và tác động tích cực để họ lắng dịu cảm xúc và nỗi khổ niềm đau.

Khi qua đời với trạng thái tâm thanh thản, dù họ có nguyện sanh về Tây phương của Phật A-di-đà, Đông phương của đức Phật Dược Sư, hay thế giới của Đại Nhật Như Lai, hoặc không có nguyện vọng nào hết thì chắc chắn có được đời sống an lạc và hạnh phúc. Sự hỗ trợ cảm xúc cho người sắp lâm chung là rất cần thiết. Là người biết đạo, ta phải biết cách hỗ trợ cho người thân của mình lúc sắp lâm chung một cách hiệu quả.

KHÔNG CÒN SỢ TRƯỚC CÁI CHẾT

Tại Nhật Bản có một vị thiền sư lỗi lạc tên là Izusu. Ngài có hạnh nguyện đặc biệt là người nào có nỗi khổ niềm đau mà được tiếp xúc với ngài, dù chỉ với năm ba câu đối thoại ngắn ngủi, cuộc đời của người ấy được thay đổi.

Có một tử tù trước kia là dân anh chị trong giới giang hồ đã từng gây nợ máu với nhiều người. Anh muốn tự kết liễu cuộc sống chứ không muốn cơ quan pháp luật thi hành án. Trong thời gian chờ xử bắn, anh có cơ hội gặp thiền sư Isuzu. Từ khi tiếp xúc với ngài, bỗng nhiên anh không muốn chết trước khi bản án được thực hiện. Anh tâm niệm phải sống cho đến giờ phút cuối cùng, để trả cái quả xấu mà mình đã gieo, được chừng nào tốt chừng ấy để kiếp sau không phải chịu quả báo nặng nề.

Lúc này, anh đã hiểu rằng, cái nghiệp xấu mình đã gieo mà không trả bớt ở kiếp này thì kiếp sau mình phải trả nặng hơn. Vì vậy, trong những ngày còn lại, anh sống một cách bình an, tĩnh tại, không hề sợ hãi, kể cả khi ra pháp trường chịu hình phạt. Điều đó mang lại lợi ích thật sự cho việc tái sanh và đời sống trong đời tiếp theo của anh. Do vậy, người Phật tử cần ý thức rõ dù có phải trả quả xấu gấp hai, ba mươi lần thì cũng nên chấp nhận trả nghiệp trong đời hiện tại.

Một câu chuyện khác, có một tín đồ Phật giáo thông hiểu đạo lý, đã từng viết sách, dịch kinh, ông tên là Danakawai. Khi hay tin Danakawai lâm trọng bệnh và cái chết có thể diễn ra trong vài ngày tới, thiền sư Isuzu đến thăm ông và nói rằng: “Này anh! Anh có cần bần Tăng này giúp đỡ gì không?” Danakawai từ tốn thưa với thiền sư rằng:

- Bạch Hòa thượng, cuộc đời này không có đến và không có đi. Nếu có đến và có đi thì khi con người đến bằng hai bàn tay trắng, đến lúc ra đi cũng bằng hai bàn tay không, có gì đâu mà phải cần đến sự giúp đỡ. Thưa Hòa thượng, ngài muốn giúp con những gì?

Đây là lời đối thoại, triết lý của người thông hiểu lý đạo. Nghe xong, Hòa thượng mỉm cười nói với Danakawai:

- Nếu đạo hữu đã thấy con người đến với cuộc đời này bằng hai bàn tay trắng và ra đi bằng hai bàn tay trắng thì đạo hữu đã chấp “Có”, mà đã chấp “Có” thì nó khống chế thân thể vật lý của đạo hữu, làm cho đạo hữu bị khổ đau chi phối. Còn nếu đạo hữu thấy rằng, con người chưa từng có mặt trong cuộc đời và cũng không qua đời trong cuộc đời này thì đạo hữu đã rơi vào chấp “Không”, như vậy bế tắc vẫn tồn tại. 

Vừa nghe xong, Danakawai liền mở to đôi mắt và thưa với Hòa thượng rằng:

- Con rất cần sự giúp đỡ của thầy. Thầy hãy giúp con, con hiện đang rất đau đớn. Con bị bệnh xơ gan cổ trướng, thưa Ngài! Mỗi ngày các y tá phải rút ra mấy lít nước từ bụng, nếu không, nó trương phình lên đau lắm, thưa Ngài! Con biết nghiệp của con rất nặng. Xin Ngài hãy cứu giúp và hỗ trợ con.

Bấy giờ, Hòa thượng dùng câu nói của ngài Xá-lợi-phất nói với ngài Cấp Cô Độc để khuyên Danakawai:

- Hãy quán tưởng thân thể và cảm xúc này không phải tôi, tôi không lệ thuộc vào thân thể cảm xúc này. Bụng đang trương sình này, xơ gan cổ trướng này không phải là tôi, tôi không bị lệ thuộc vào nó. Do vậy, cái chết này không lệ thuộc vào tôi và tôi không lệ thuộc vào cái chết này. Cảnh giới sống này không lệ thuộc vào tôi và tôi không lệ thuộc vào cảnh giới sống này.

Ông hãy quán sát như vậy, kết hợp đưa hơi thở ra vào nhẹ nhàng. Hãy để cho dòng cảm xúc ra đi một cách tự tại, không dùng cưỡng lực để ức chế nỗi khổ niềm đau. Đừng lấy dòng cảm xúc làm cưỡng lực khống chế cái thân đang bị đau đớn, mà hãy tập trung vào hơi thở ra, hơi thở chánh niệm vào thì nỗi khổ, niềm đau sẽ từ từ tan biến.

Ngay lúc ấy, ông Danakawai rơi vào trạng thái hôn mê và trút hơi thở cuối cùng.

Trong cuộc sống, đôi lúc ta cứ tưởng rằng, mình hiểu được kinh, thông hiểu tư tưởng Phật giáo, trước tác và dịch thuật rất nhiều kinh sách thì mình không cần sự hộ niệm của người khác lúc lâm chung. Như vậy là ta rơi vào sự sai lầm lớn.

Đứng trước sự sinh ly tử biệt, con người dễ dàng rơi vào trạng thái khủng hoảng. Cường độ của sự khủng hoảng tỷ lệ thuận với trạng thái nuối tiếc, không muốn từ bỏ cuộc đời. Những ai đã từng có những dự án, kế hoạch lớn, những chương trình khả thi chưa thực hiện hoặc đang làm dở dang thì nỗi sợ hãi về cái chết của người ấy sẽ gia tăng.

Bản chất của sự chết không đến nỗi khủng khiếp như thế, nhưng do ta quá sợ, làm cho cái chết diễn ra một cách rất kinh hoàng khiến ta rơi vào trạng thái bế tắc. Trong tình huống ấy, không gì tốt hơn là có một vị cao Tăng bên cạnh, có thể hiểu được mình, nói lời khích lệ, động viên, chẳng hạn “hãy an tâm mà ra đi, cái chết không mang theo được một thứ gì, người thân, tài sản, tình yêu đều là những thứ phù du huyễn hoặc cả, không cần tiếc nuối... Khi ra đi, ta phải từ bỏ vợ chồng, con cái, gia đình, gia tài, sự nghiệp, danh vọng, địa vị, chức tước, không một thứ gì có thể mang theo, bởi khi đến cuộc đời này như thế nào thì khi ra đi cũng giống y thế ấy.

Có người thông hiểu đạo lý về sự sống, chết, nhưng thực tế họ vẫn bị rơi vào trạng thái chấp thủ. Chấp “thật” có cuộc đời, thấy nỗi khổ, niềm đau là thật, làm cho họ không thể quên nó trong cuộc đời này. Nhiều người vô tình tạo ra ức chế khủng hoảng, dù hiểu là không có gì quan trọng trong cuộc đời này, vậy mà vẫn không buông xả được, lúc bị bệnh nan y rồi, mà tâm luôn mong muốn bác sĩ cho mình loại thuốc nào thật tốt để được trường sinh bất tử.

Người thông hiểu đạo lý trên thực tế trước sự sợ hãi về cái chết vẫn bị bế tắc, vẫn bị nỗi sợ hãi về bệnh tật chinh phục và khống chế. Vì vậy, vẫn cần sự hỗ trợ của các thiện hữu tri thức khi lâm trọng bệnh, khi cái chết sắp diễn ra. Các thiện hữu tri thức có mặt bên cạnh để hỗ trợ là rất cần thiết. Họ có thể là vị cao Tăng, cao Ni, người đồng đạo hay người thân thương trong gia đình như người chồng, người vợ, người cha, người con v.v…

Bất cứ người nào có ảnh hưởng tích cực với người sắp lâm chung nên được thỉnh đến giúp đỡ. Tất nhiên, họ phải là người hiểu đạo lý, nếu người ấy bị hốt hoảng, không trợ giúp được gì, mà còn làm cho người sắp lâm chung thêm sợ hãi. Như vậy, vô tình ta đẩy người thân của mình tái sinh vào cảnh giới khổ đau.

Phải hết sức bình tĩnh, không để cho những giọt nước mắt xuất hiện, dù rất thương người sắp ra đi. Sự gắn bó yêu thương giữa người ở lại với người sắp ra đi sẽ làm họ trở thành người quyến thuộc của nhau ở kiếp sau để được thương yêu, chăm sóc lẫn nhau. Tình thương được tiếp tục tiếp nối từ kiếp này qua kiếp khác.

Ta cần thiện hữu tri thức hiểu sanh và tử đến hỗ trợ lúc lâm chung. Sự thản nhiên và hiểu quy luật tâm lý không cho dòng cảm xúc bị chinh phục theo khuynh hướng tiêu cực thì cảnh giới tái sanh của người lâm chung sẽ là một bầu trời quang đãng, như con chim tung cánh giữa không trung không hề lưu lại một dấu tích gì. Kiếp sau nếu trở lại làm người, họ sẽ trở thành một người khoan dung, rộng lượng, vô ngã và vị tha.

Sự hỗ trợ của thiện hữu tri thức có thể giúp cho người ra đi có một cuộc sống hạnh phúc. Sự cúng dường của những thiện hữu tri thức là sự cúng dường tâm linh, để cho người ra đi được an lạc, thảnh thơi, đồng thời định vị cho giá trị hạnh phúc của người ấy trong đời sống kiếp sau, ngược lại, sự hoảng hốt, sợ hãi, nuối tiếc diễn ra của người sắp lâm chung hay của người thân thuộc đang hiện diện bênh cạnh, làm cho tiến trình tái sanh của người ra đi rơi vào trạng thái bế tắc.

Trên đây là một vài góc độ nói về kinh nghiệm hỗ trợ cho người sắp lâm chung, một việc làm có ý nghĩa đối với cho “cận tử nghiệp” của người gần mất. Những ấn tượng cận tử sẽ định vị giá trị hạnh phúc hay khổ đau trong đời sau bằng các quán tính của nghiệp cận tử. Chúng ta cần phải ý thức điều này, để chăm sóc, hỗ trợ lâm chung cho người thân của mình đúng cách. Người hỗ trợ chăm sóc phải thấu hiểu đạo lý để khỏi phải tốn kém sắm sửa nhiều vật phẩm.

Không nên tiếc nuối hay tỏ ra đau buồn khi nghe người thân trăn trối rằng, họ ra đi phải bỏ lại nhiều việc lớn, có thể thu lại món lợi khổng lồ, mà phải khởi tâm buông bỏ, thanh thản trong lòng để hỗ trợ cho họ an tâm ra đi, được mang theo những điều phước đức. Đây chính là những hành trang, những tư lương cho người ra đi, sử dụng trong kiếp sau.