Chương 4.
Kinh nghiệm trước cái chết
Thiền
Viện Minh Đăng Quang, Houston, Hoa Kỳ, 14/ 07/ 05.
KINH NGHIỆM KHỔ ĐAU
Sáng nay, chúng tôi có dịp trò
chuyện với một Phật tử tại Houston
và được kể về kinh nghiệm của người thân bị tai nạn. Tai nạn đó đã để lại cho
cô ấy một thương tật khá nặng nề, không tự đi lại được, mà phải di chuyển bằng
xe lăn. Cô ấy vô cùng khổ đau, vì phải ở bệnh viện suốt sáu tháng trời, trải
qua nhiều cơn hôn mê. Sau khi xuất viện, cô sống cuộc đời của người tàn tật gắn
liền với chiến xe lăn. Từ đây, cô mang nặng trong lòng nỗi mặc cảm. Mặc cảm vì
thân thể của mình không còn bình thường, mặc cảm vì phải sống bằng trợ cấp xã
hội, nhất là khi thấy những người xung quanh dòm ngó, quan sát mình. Tất cả
những mặc cảm đó làm cho đời sống của cô vốn đã bất hạnh càng trở nên đau buồn
hơn.
Những biến cố không may đến với
con người, có thể làm thay đổi dòng cảm xúc và các ứng xử thường nhật của họ.
Phật giáo cho đây là một trạng thái quan trọng cần phải vượt qua, nếu không, nó
thay đổi đời sống con người theo hướng tiêu cực và có khuynh hướng chấp nhận số
phận.
Có người khi trải qua đời sống
khổ đau, bỗng dưng trở nên khôn ngoan hơn, hạnh phúc hơn, bản lĩnh hơn, sẵn sàng
vượt qua mọi gian truân, thử thách, ngược lại, có người khi trải qua khổ đau
thì dòng cảm xúc trở nên bế tắc, tâm trạng trở nên u uất, chấp nhận số phận an
bày, trong lòng luôn cảm thấy cuộc sống không có chút an vui. Tuy nhiên, trong
trường hợp tai nạn kể trên, cô là người may mắn vượt qua được cơn thập tử nhất
sinh. Trong khi đó, nhiều người cùng trong tình trạng như cô không vượt qua
được mà phải lìa bỏ cuộc đời.
Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao
có người không thỏa mãn với đời sống hiện tại của mình? Họ thường đặt ra câu
hỏi: tại sao tôi phải khổ đau? Tại sao tôi bị bệnh tật? Tại sao tôi phải gặp
bất hạnh trong khi những người khác được sống hạnh phúc?
Bắt nguồn từ những ước mơ và
thắc mắc như vậy, họ sống trong tình trạng so sánh với người xung quanh, nhưng
càng ước mơ, càng so sánh thì nỗi khổ, niềm đau lại càng gia tăng. Đôi lúc, giá
trị hạnh phúc và khổ đau không tỉ lệ thuận với hiện thực đang diễn ra, mà tỉ lệ
thuận với sự so sánh giữa mình và người. Nếu đối tượng của sự so sánh là người
kém may mắn hơn thì mình cảm thấy hạnh phúc trào dâng, ngược lại, nếu so sánh
với những đối tượng thành công và hạnh phúc hơn thì sự so sánh ấy làm cho mình
phát sinh trạng thái bực tức, ganh tỵ hoặc tỏ ra chán chường, thất vọng.
Một người bệnh nan y nằm liệt
trên giường, phải đối đầu, cận kề với cái chết. Trạng thái tâm lý của người ấy
thay đổi một cách cơ hữu, nhiều khi ta không thể ngờ được. Chẳng hạn, thay đổi
từ một con người chủ động, năng động, vui vẻ, hoạt bát trở thành con người thụ
động, bế tắc, ngược lại, có người thay đổi từ tiêu cực, bi quan, chán chường,
trở thành người lạc quan, tích cực và yêu đời.
Tất cả những điều đó, bị chi
phối rất nhiều bởi nhận thức và thái độ lúc sắp chết, kinh điển Phật giáo gọi
là“kinh nghiệm cận tử”.
CÁI CHẾT CỦA ARCHIMEDES
Archimedes (287-212 TCN) nhà
hình học và triết gia nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại, là người khám phá ra qui
luật vận hành vũ trụ dựa trên triết lý và hình học. Sau ba năm nghiên cứu, ông
phát minh ra qui luật mới cho triết học dựa trên nền tảng hình học. Một hôm,
ông đang mải mê vẽ những sơ đồ mặt phẳng, những sơ đồ về không gian của định lý
mà ông vừa phát hiện ra thì bất ngờ quân đội La Mã tràn vào thủ đô Hy Lạp giết
chết nhiều người và phong tỏa những vùng người La Mã sinh sống.
Ngày xưa, các vị triết gia được
xem là những quân sư, những người tham mưu chính sự quan trọng cho nhà vua. Do
vậy khi lật đổ một chính thể nào đó, người ta tiêu diệt cả người tạo ra học
thuyết cho chính thể đó. Do đó khi quân La Mã tấn công vào thành, họ đã chủ
trương giết chết các triết gia. Quân lính Hy Lạp tấn công thẳng vào phòng
nghiên cứu của Archimedes, đập phá cửa phòng, mà bên trong ông không hề hay
biết, vì ông đang miệt mài với các công thức hình học vừa phát minh ra.
Đến lúc quân lính xông vào
phòng, chĩa súng thẳng vào ông la hét, ông vẫn thản nhiên không hề tỏ ra sợ
hãi. Ông ngẩn mặt lên, trố mắt nhìn vào đám lính và nói:“Này các anh bạn! Các anh đừng quấy rầy tôi, tôi
đang muốn vẽ lại, muốn hình dung lại những cái tôi vừa khám phá ra. Các bạn mà
làm rối, tôi sẽ quên mất đấy!” Vì ông và quân lính La Mã dùng hai
ngôn ngữ khác nhau, nên họ không biết ông nói gì, họ tưởng ông có lời kháng cự,
thế là họ dùng lưỡi lê đâm xuyên tim, khiến ông chết ngay tại chỗ.
Khi tâm đang tập trung vào một
việc gì đó thì những cảnh tượng đang diễn ra trước mặt có thể bị vô hiệu hóa và
có khuynh hướng như không hiện hữu trước đối tượng. Vận dụng qui luật này, Phật
giáo dạy ta nghệ thuật chuyển đài. Khi nỗi khổ, niềm đau hay một tình cảnh nào
đó xảy ra, tạo cho ta những ngang trái, khi đối diện với chúng, không khéo ta
đánh mất hạnh phúc. Nếu ta khéo ứng dụng theo tinh thần đức Phật dạy, chỉ cần
chuyển đài tâm qua nội dung
khác thì cường điệu về nỗi khổ niềm đau sẽ lập tức giảm đi hoặc tan biến mất,
trạng thái an lạc sẽ được phục hồi. Tuy nhiên, đây chỉ là qui luật tâm lý tạm
thời, không có giá trị trị liệu tuyệt đối.
Phật giáo dạy, cần phải biết đối
đầu với nỗi khổ niềm đau thì mới có cơ hội tháo gỡ nỗi khổ, niềm đau một cách
an toàn. Nếu ta chưa có bản lĩnh, thói quen hay kinh nghiệm đối đầu, ta thay
đổi đối tượng của tâm, bằng cách chuyển từ một đài không tốt sang đài tốt, từ
đài tiêu cực sang tích cực. Chuyển đài ở đây được hiểu là chuyển các đài tâm
lý, đài ứng xử của ta trước cuộc đời, với con người, với nỗi khổ niềm đau.
Triết gia Archimedes đã chuyển
đài từ biến cố chiến tranh, giết chóc ngay trước mắt sang đài về niềm vui phát
minh mà không hề quan tâm đến sự hiện hữu của hiểm nguy. Tất cả những việc đang
xảy ra quanh ông, dù mạnh mẽ, nguy hiểm đã trở thành số không. Tức là mọi thứ,
mọi biến động đều không ảnh hưởng gì đến ông cả. Cái chết của Archimedes đã
diễn ra trong trạng thái tâm lý như vậy, nên khi tái sinh có khả năng trở thành
thần đồng về triết học và hình học.
Những kinh nghiệm từ nhận thức,
hành vi, cách ứng xử trước lúc chết có khả năng định hướng tiến trình tái sanh.
Vì thế, có người sinh ra chưa học hành gì đã có khả năng, phẩm chất đặc biệt
vượt trội hơn nhiều so với bạn đồng lứa. Bẩm tính này chính là kết quả hội tụ
của những hạt giống đã gieo trồng từ nhiều đời trước để lại ấn tượng rất mạnh,
đóng vai trò định hướng cho tiến trình tái sanh và chi phối phần nào đời sống
kiếp sau của người ấy.
Hiểu được qui luật vận hành của
tâm thức trong quá trình con người sắp lâm chung, ta cần sáng suốt để định vị
và thiết lập cho mình cảnh giới tái sanh, bằng không, ta sẽ rơi vào tình huống
bị nghiệp lực lôi kéo, không làm chủ được thân tâm.
Nếu hành giả thiếu sự chuẩn bị
chu đáo cho đời sống tái sanh thì cảnh giới tái sanh sẽ diễn ra không thích ứng
với nguyện vọng của mình. Lại càng không phản ánh được những gì mà suốt mấy
mươi năm mình cố gắng xây dựng, từ việc làm lành, lánh dữ, tu thiện, tạo phước,
gầy dựng công đức, có thể làm cho khuynh hướng của hạt giống này bị lệch sang
hướng khác. Sau khi kết thúc tiến trình bị lệch đó, lúc tái sanh lần thứ hai
thì những hạt giống tốt đã gieo trồng từ trước mới có cơ hội sinh sôi nẩy nở.
Như vậy, trong quá trình định hướng tái sanh, chỉ cần lệch hướng một chút là sẽ
đưa ta tái sanh vào cảnh giới hoàn toàn không như ý muốn.
CẬN TỬ NGHIỆP VÀ TÁI SINH
Ta có thể định nghĩa cận tử
nghiệp là tiến trình hành động của nhận thức, tâm lý và cách thức ứng xử, với
những phản ứng kinh nghiệm của người cận kề cái chết, dù đó là cái chết lâm
sàng (hôn mê sâu) hay cái chết thực thụ (chết hẳn). Chết lâm sàng được đánh dấu
bằng phản ứng sinh học của cơ thể như tim ngừng đập, não ngưng hoạt động, các
giác quan mất đi phản ứng của sự nhận biết, kể cả lục phủ ngũ tạng ngưng hoạt
động từ từ cho đến lúc thân thể không còn phản ứng gì cả.
Theo y học, chết lâm sàng được
đánh dấu sự ra đi vĩnh viễn của con người. Theo nhà Phật, có tình huống cái
chết lâm sàng chưa phải là chết thật sự, bởi vì lúc đó tiến trình của tâm
nghiệp vẫn đang diễn ra phức tạp. Tâm trạng hôn mê sâu tùy thuộc vào rất nhiều
vấn đề trong đời sống của họ. Nếu là người sống có bản lĩnh, có thái độ dứt
khoát, không nuối tiếc những gì thuộc về thế gian thì trạng thái chết lâm sàng
sẽ kéo theo cái chết thực thụ. Người mang tâm trạng nuối tiếc cuộc sống trần
thế, hoặc người có gieo trồng phước báu của tuổi thọ thì trạng thái hôn mê có
thể kéo dài. Đến khi các phản ứng của nghiệp xấu về tuổi thọ kết thúc, mạng
sống của họ được bắt đầu trở lại, sự sống được hồi sinh.
Đứng trước cảnh tượng một người
chết lâm sàng, ta không nên vội vàng thể hiện những trạng thái tâm lý ứng xử
với họ như người đã chết hẳn. Sự vội vàng đôi khi để lại những ấn tượng không
đẹp cho người ra đi, làm cho họ có thể sân si, phiền não, bực tức, giận dỗi,
những trạng thái tâm lý này sẽ dẫn họ sanh vào cảnh giới không tốt. Ngược lại,
nếu họ được phục hồi sự sống thì các biến cố, các kinh nghiệm cận tử trong não
trạng có thể làm cho họ có thái độ dè dặt, thụ động, sợ hãi với những gì xảy ra
với mình.
Do đó, thấy được tiến trình hành
động và phản ứng của cận tử nghiệp, ta phải hết sức bình tĩnh, để trạng thái
tâm lý diễn ra được nhẹ nhàng. Nếu cái chết thật sự diễn ra thì sự ra đi của
người ấy cũng được an lành, không bị một cản lực hay một ảnh hưởng tiêu cực nào
trong tiến trình tái sanh.
Phật giáo có đề cập đến phản ứng
của cái chết xảy ra một cách tình cờ hoặc phản ứng của nhân quả giữa người đó
với sự sống, hay với những gì họ gặp phải khi chết và tái sanh. Người Phật tử
cần nắm vững những phản ứng của cận tử này để huấn luyện và tạo cho mình cảnh
giới tái sanh như ý muốn.
Trước tiên, các phản ứng hành hạ
thân thể vật lý là tất yếu của bệnh đối với người cận tử, như phải nằm trên
giường lâu ngày do những chứng bệnh gây nhiều đau đớn. Những chứng bệnh này làm
giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, hoặc làm bại hoại hệ thống kháng thể người
bệnh, do đó, người bệnh bị rơi vào tình trạng chết dần, chết mòn cho đến lúc
những mơ ước của người bệnh không còn thực hiện được nữa, cái chết diễn ra như
một qui luật, cố níu kéo mạng sống nhưng cái chết vẫn diễn ra cho đến khi kết
thúc mạng sống.
Trong trạng thái hoảng loạn, cảm
giác đau đớn thể hiện qua sự rên la hay các phản ứng như co giật tay chân, thân
thể gầy gò, ốm yếu, môi khô, da tái, các giác quan bị mờ nhạt, phản ứng chậm
lụt, con người trở nên ù lì, không vận động đựơc. Cái chết cứ diễn ra từ từ,
cho đến khi thân thể đã chết hoàn toàn. Những diễn biến đó là tiến trình của
nghiệp và là những hoạt động tất yếu của nghiệp không tốt liên hệ đến sự phá
hủy mạng sống, hoặc sự cắt đứt sức khỏe của chúng sinh.
Những trường hợp chết lâm sàng
như vậy, y học phương Tây cho phép các tổ chức tôn giáo, các vị chức sắc tôn
giáo đến tiến hành các thể thức trợ tử. Thân nhân làm giấy cam kết, sau khi
người thân qua đời, không thưa kiện việc các bác sĩ ngưng tiêm thuốc hay ngưng
dùng các thiết bị trợ sinh như bình oxy, máy trợ tim hoặc các dụng cụ trợ sinh
khác để cái chết diễn ra nhanh chóng hơn. Họ làm điều đó xuất phát từ tâm niệm
lòng thương của người thân. Họ nghĩ rằng, nếu kéo dài thời gian sống trong tình
trạng hôn mê bằng các phương tiện trợ sinh, chỉ làm cho người bệnh đau khổ
nhiều hơn.
Cũng có trường hợp, do thân bằng
quyến thuộc bận rộn hoặc thiếu trách nhiệm với người bệnh, nghĩ rằng không nên
để người thân kéo dài sự sống, vì kéo dài thì người bệnh sống không được, mà
chết cũng không xong. Khi không còn hy vọng lành bệnh, phục hồi sức khỏe, mà
kéo dài sự sống của người bệnh trong tình trạng lâm sàng thì người thân phải
tốn thời gian chăm sóc vất vả, ảnh hưởng công ăn việc làm, tốn kém tiền bạc.
Cho nên, họ mong muốn người bệnh ra đi càng sớm càng tốt, để trút đi gánh nặng.
Với khuynh hướng đầu tiên, người
thân muốn mang lại cảm giác an lạc cho người sắp lâm chung. Khuynh hướng thứ
hai, người thân không muốn mang gánh nặng trên vai và chỉ mong người bệnh sớm
kết thúc sự sống để họ được nhẹ nhàng.
Ngoài ra, còn có khuynh hướng
thứ ba hoàn toàn do người bệnh. Người bệnh thấy mình bệnh nặng, khó vượt qua,
sợ ảnh hưởng đến công sức, tiền bạc của người thân, hoặc nương nhờ vào sự trợ
cấp của chính phủ, mà họ biết chắc rằng sự nương nhờ đó là sự vay mượn phước
phải hoàn trả trong kiếp sau, lại phải chịu sự đau đớn của thân thể vật lý, nên
yêu cầu bác sĩ dùng phương pháp trợ tử để tiến trình chết diễn ra nhanh chóng
và không bị đau đớn.
Tình huống thứ ba này là tâm lý
tương đối tích cực. Lúc người bệnh đã chuẩn bị tâm lý vững vàng để đối diện cái
chết diễn ra trong thời gian ngắn nhất, khi máy trợ tử tách rời cơ thể vật lý,
không hề sợ hãi nên không tạo phản ứng ức chế tâm lý nào. Chính nhờ sự bình
thản lúc lâm chung, họ được thọ hưởng trọn vẹn quả báo của các nghiệp thiện lành
khi tái sanh.
Trong tình huống người thân
không muốn phải chịu trách nhiệm về phía mình, thể hiện thái độ hờ hững, vô
tình tạo ra phản ứng sân hận ở người chuẩn bị ra đi, vì người bệnh đang có
trạng thái tâm lý muốn được sống. Trong trường hợp này, người thân yêu cầu y
học dùng phương pháp trợ tử, có thể làm cho cảnh giới tái sanh không được tốt
đẹp. Bởi người ra đi lúc ấy, bị trạng thái sân hận khống chế. Người ra đi trong
trạng thái sân hận rất dễ sanh vào cảnh giới A-tu-la, còn nếu được làm người
thì đời sau họ là người có bản tính cau có, bực dọc, khó chịu, thiếu kiên nhẫn,
dễ sân giận và nhiều phản ứng tiêu cực khác.
Do đó, sự quyết định sai lầm của
người thân hay của bác sĩ có thể dẫn người chết tái sanh vào cảnh giới khổ đau,
không tốt. Điều này nguy hiểm cho người lâm chung. Ta phải ý thức dòng chảy của
nghiệp về nỗi khổ niềm đau trong thân thể vật lý là qui luật tất yếu để thản
nhiên, bình tĩnh chấp nhận các phản ứng của nghiệp diễn ra lúc sắp lâm chung.
Ví dụ, có người bị bệnh đã năm,
sáu tháng, hoặc kéo dài nhiều năm, dẫn đến tình trạng hôn mê và sau đó thì chết
như bệnh ung thư, xơ gan cổ trướng, tai biến mạch máu não… Hầu hết những chứng
bệnh này đều đẩy người bệnh vào tình thế mất dần các phản ứng, chỉ còn hoạt
động dưới dạng tiềm thức. Các trường hợp này, ta thấy mắt của họ vẫn còn mở,
nhưng không phản ứng, các hoạt động khác của thân cũng từ từ lắng dịu hoàn
toàn. Lúc đó ta nói họ không nghe, ta dùng tay ra dấu hiệu trước mặt họ cũng
không có phản ứng nào.
Người trong tình huống như vậy,
sự nhận biết của tâm vẫn còn hiện hữu. Sự nhận biết đó được gọi là linh tính,
xúc chạm với dòng tâm thức của người khác như hai tần số gặp nhau. Vì vậy, tình
cảm giữa người chăm sóc và người bệnh vẫn được thiết lập và họ có thể cảm nhận
được.
Ví dụ, trong lúc người thân bị
bệnh hôn mê, ta thương tưởng, lo lắng, mong cho người thân an lành bằng cách vỗ
về, chăm sóc, người bệnh sẽ cảm nhận được sự quan tâm của ta, cảm thấy an tâm
và hạnh phúc cho đến giờ phút cuối cùng, giúp cho tiến trình lâm chung của họ
được diễn ra trong trạng thái thanh thản và nhẹ nhàng. Điều đó rất có lợi cho
việc tái sanh của họ.
Ta phải biết chấp nhận tiến
trình của nghiệp, bởi vì ảnh hưởng của nghiệp liên hệ đến sức khoẻ và sự sống.
Khi thấy người thân sắp chết, mà ta thiếu sự chịu đựng, vội vàng sử dụng phương
pháp trợ tử là nguy hiểm cho tiến trình tái sanh của họ.
Từ khi sinh ra, mỗi người mang
một cá tính khác nhau. Điều đó là do ảnh hưởng từ phản ứng tâm lý và nhận thức
của nghiệp trong lúc chuẩn bị qua đời ở kiếp trước của mỗi người. Vì vậy, khi
sắp lâm chung, ta cần chấp nhận nghiệp diễn ra, mặc dù rất đau đớn, nhưng đó là
cách thức để ta giải trừ các nghiệp xấu ở đời này, để kiếp sau ta không còn bị
ảnh hưởng của các nghiệp xấu này nữa.
Một dịp tình cờ cách đây ba
tuần, chúng tôi gặp một người thuộc thành phần dân“anh chị” ở San
Jose, Hoa Kỳ. Anh đã trải qua giai đoạn thập tử nhất
sinh từ cơn bạo bệnh khổ đau. Sau khi vượt qua cái chết, anh đã thay đổi hoàn
toàn nhờ vào Phật pháp. Trước đây anh sống bằng nghề lừa đảo, làm tiền giả, và
cũng từng cướp của giết người. Tội lỗi của anh khá nhiều.
Trong những lần bị bắt, có lần
anh toan tự tử vì không muốn ngồi tù. Anh dùng dao nhọn đâm thẳng vào bụng và
ghim xuống bụng dưới, anh không chết vì nhát dao không trúng vào chỗ nguy hiểm.
Anh bị hôn mê suốt sáu tháng. Khi tỉnh lại anh kể mọi người nghe rằng, trong
quá trình hôn mê, anh nằm mơ gặp một sư cô hướng dẫn anh niệm danh hiệu Bồ-tát
Quán Thế Âm.
Trong trạng thái hôn mê, với sự
níu kéo sự sống, anh nghe có tiếng thì thầm bên tai:“Con đã chết rồi, bây giờ con được sống lại với đời sống hoàn toàn
mới”. Anh không hiểu câu nói đó ám chỉ điều gì. Anh cứ bám theo sự
sống thoi thóp thở từng hơi. Cha mẹ anh vô cùng lo lắng, cuối cùng anh đã sống
lại. Khi tỉnh lại hoàn toàn, anh chỉ nhớ duy nhất câu nói của Bồ-tát Quán Thế
Âm mà thôi. Từ đó, anh có cách sống khác hẳn so với trước đây.
Nhìn vào cách sống hiện tại,
không ai nghĩ rằng trước đây, anh từng là dân “anh chị” trong giới giang hồ với quá khứ đầy tội lỗi. Bây
giờ trông anh hiền lành, nhỏ nhẹ, khoan hòa, thường xuyên đến chùa nghe giảng
pháp và hết lòng tôn kính Tam Bảo.
Cũng từng có người tự tử nhiều
lần mà không chết được. Tại sao? Vì trong quá khứ, có thể họ đã gieo quá nhiều
nghiệp sát nên họ phải chết đi, sống lại nhiều lần để trả nghiệp. Mặc dù quyết
tâm chết, nhưng người chưa hết nghiệp vẫn không thể chết được. Chính sự chết đi
sống lại nhiều lần làm cho nghiệp xấu về tuổi thọ được giảm đi.
Khi chấp nhận phản ứng của
nghiệp xấu diễn ra trong thời hiện tại như bị đau đớn do cơn bệnh hoành hành,
ta có cơ hội trút đi gánh nặng của nghiệp về tuổi thọ và bệnh tật ngay hiện
tại. Trong tương lai, khi tái sanh làm người mới, những nghiệp quá khứ sẽ không
còn chi phối ta nữa. Ngược lại, chạy trốn nghiệp xấu bằng cách làm cho cái chết
diễn ra nhanh hơn, hoặc tìm cách này hay cách khác để trốn tránh khổ đau thì
trong đời này ta chỉ trả nghiệp một phần nào đó, nghiệp xấu của ta trong quá
khứ vẫn còn, nó sẽ theo ta để chi phối đời sống ở kiếp tiếp theo.
Phải ý thức rõ lý vô thường
rằng, ai sinh ra rồi cũng phải chết. Dù chết bất đắc kỳ tử hay chết do hết tuổi
thọ, ta cũng không sợ hãi. Khi ta không còn sợ hãi cái chết thì nó diễn ra
không đến nỗi khủng khiếp, đau đớn như ta tưởng tượng.
Ta may mắn được làm Phật tử,
hiểu được lý nhân quả, thấy được lý vô thường, phải biết huấn luyện tâm chịu
đựng để giờ phút cuối cùng ta tháo gỡ được lòng sợ hãi sự chết, tái sanh vào
cảnh giới an lành, tốt đẹp. Đợi đến kiếp sau chưa chắc ta gặp được Phật pháp và
nếu có gặp, chưa chắc ta có được bản lĩnh như hiện tại. Cho nên, việc chấp nhận
các phản ứng đau đớn của cơ thể vật lý những cách thức chiến thắng vận mệnh
ngay trong đời này.
Phản ứng trước cái chết thường
diễn ra dưới góc độ tâm lý. Não bộ con người hoạt động giống như một bộ phim
đầy đủ các tình tiết từ khi có mặt trên cuộc đời cho đến lúc chuẩn bị qua đời.
Ví dụ, một người sống thọ tám mươi tuổi thì bộ phim của người ấy được xem là
tám mươi tập. Mỗi năm sống là một tập. Các chi tiết, kịch tính, sự kiện, và dữ
liệu trong từng tập của bộ phim được ghi lại một cách rõ ràng, cụ thể. Đến lúc
lâm chung, các hình ảnh đó được chiếu lại trong não ta. Nó có thể lẫn lộn trật
tự thời gian, cái của năm này sang năm kia, sự kiện A sang sự kiện B. Từ đó làm
cho ta rơi vào trạng thái tâm lý hoảng loạn.
Trạng thái hoảng loạn phụ thuộc
rất nhiều vào tiến trình hành động của ta từ khi có mặt trong đời cho đến bây
giờ. Nếu ta là người sống bằng nghề đồ tể, thường xuyên chặt đầu, bẻ cánh các
loài động vật thì tiến trình cận tử diễn ra là rất kinh hoàng, sợ hãi. Bởi lúc
đó ảo giác các loài bị ta giết hại đến đòi mạng xuất hiện, mặc cảm tội lỗi gia
tăng, làm cho ta thấy các loài ấy đến xếp hàng đòi đền mạng. Chúng chờ để kết
liễu mạng sống ta, hoặc lúc ấy liên tưởng đến những người bị ta sát hại cũng
đến đòi mạng, muốn đâm chém và xô xuống vực sâu. Tất cả những suy nghĩ, ảo
tưởng đó có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo tính cách và
nghiệp lực mà ta đã tạo.
Lúc sắp lâm chung, bộ phim tâm
lý này phản ánh đầy đủ đời sống hành động của người sắp chết trong suốt thời
gian họ sống. Quan sát sắc thái trên gương mặt của người sắp chết qua mắt, mũi
và các vị trí khác trên mặt của họ, ta sẽ nhận biết được rằng, người ấy đang
rơi vào trạng thái sợ hãi hay thanh thản, nhẹ nhàng.
Có trường hợp người sắp chết rơi
vào trạng thái như đang bị rượt đuổi, đánh đập, trả thù… tay chân bị co rút,
mặc dù họ không bị chứng bệnh run. Sự co rút là do tác động phản ứng từ bộ não.
Điều đó cho ta biết rằng, người bệnh cảm giác đang bị ai đó rượt đuổi, hoặc bị
té, bị đánh đập, vùng vẫy tìm cách trốn tránh. Những phản ứng diễn ra làm cho
người sắp chết không thể nằm yên, mặc dù không bị bệnh đau cột sống, hay thần
kinh tọa. Những ai khi sắp chết mà xảy ra hiện tượng ảo giác như đang trải qua
cơn sợ hãi, kinh hoàng.
Đến lúc sắp ra đi mà được xem
lại bộ phim của đời mình là chuyện bất đắc dĩ. Nếu người làm nhiều việc ác mà
trong cơn kinh hoàng khởi lên tâm lý hối hận, không muốn tái phạm những việc
bất thiện ấy nữa có thể tạo ra sự bình tĩnh, có lợi cho tiến trình tái sanh,
còn nếu lúc ấy cứ giữ thái độ sợ hãi, trốn tránh thì tiến trình tái sanh sẽ gặp
điều bất lợi.
Để có được tiến trình tái sanh
an lạc và hạnh phúc, trước hết, ta nên nhìn lại cách sống của mình trong cuộc
đời. Nếu ta đã từng tạo ra lỗi lầm thì cần nên phát tâm sám hối một cách chân
thành, tha thiết. Sự phát tâm sám hối làm cho mặc cảm tội lỗi vơi đi. Khi mặc
cảm tội lỗi được phóng thích ra bên ngoài dòng cảm xúc thì những kinh hoàng, sợ
hãi sẽ không còn xuất hiện trong não trạng nữa. Từ đó, ta sẽ được ra đi một
cách an lành, thanh thản.
TIẾC NUỐI LÚC RA ĐI
Thông thường, có ba tình huống
tiếc nuối diễn ra trong khi ta đối diện với cái chết: Tiếc nuối vì tình thương,
tiếc nuối vì tình yêu và tiếc tài sản.
Thứ nhất, tiếc nuối về tình yêu
vợ chồng, tình thương cha mẹ, con cái, tiếp đến là anh chị em, bà con, làng
xóm, tình bạn đạo, tình thân hữu... Tất cả những mối tình thân thương ấy đều
làm người sắp chết vướng bận, cố bám víu vào tình cảm thương yêu khi cái chết
gần kề. Do vậy, ta nên chuyển hóa dòng cảm xúc nuối tiếc về tình thương yêu,
bởi có buông bỏ được mọi nuối tiếc về tình cảm thì việc siêu sanh thoát hoá mới
được dễ dàng.
Trong chiến tranh thế giới thứ
II, có một sự kiện diễn ra với vị đại tá hải quân người Đức, khi vợ vị đại tá
này vừa mới sinh đứa con đầu lòng thì được lệnh ra trận. Ông không kịp về nhà
nhìn mặt con, từ giả người vợ thương yêu của mình. Trên đường ra trận, ông cảm
thấy bồn chồn ruột gan. Bước chân lên chiến hạm mà lòng ông đau như cắt. Nỗi
khổ niềm đau trong lòng ông lúc này vô cùng lớn. Khi đoàn tàu chuyển quân ra
giữa biển khơi, chẳng may, chiếc tàu của ông bị va vào một tảng đá ngầm vỡ toạc
rồi chìm dần xuống biển sâu. Cả đoàn quân trên tàu đều lặn hụp trong biển nước,
cố dành thêm một vài phút sống, rồi sau đó lần lượt chết dưới biển sâu.
Trong cơn hoảng loạn giữa dòng
nước, ông may mắn bám được một thanh gỗ đang lềnh bềnh. Ông là người duy nhất
may mắn được thoát chết trong chiếc tàu đó. Sau mười mấy ngày lênh đênh trên
biển cùng thanh gỗ, ông được lực lượng cứu hộ phát hiện và cứu sống. Ông được
chuyển vào bệnh viện và hôn mê đến ba tháng. Lúc ông tỉnh lại, mọi người vô
cùng ngạc nhiên hay tin chiến hạm bị chìm giữa biển khơi lại có một người sống
sót.
Ông kể rằng, tôi chỉ nhớ man mán
trong lúc gần như tuyệt vọng, tôi đã liên tưởng đến người vợ và đứa con đầu
lòng của mình. Tôi luôn tâm niệm, tôi phải sống, tôi phải có trách nhiệm với vợ
con. Nếu tôi chết, vợ tôi sẽ khổ sở, cực nhọc và con tôi không có sự chăm sóc
của cha sẽ khổ đau, mặc cảm với bạn bè. Các bạn của nó được cha mẹ dìu đắt,
chăm sóc, còn nó không có gì hết. Tội cho nó lắm.
Liên tưởng đến vợ con, sức mạnh
tình yêu thương ấy cứ thôi thúc rằng, tôi không thể chết, tôi cần được sống để
làm tròn bổn phận với vợ con. Sức mạnh tâm lý đó đã giúp tôi níu kéo sự sống
dài thêm. Trong giây phút nguy kịch, tôi may mắn vớ được một thanh gỗ không
biết từ đâu lềnh bềnh ngay trước mặt. Thế là tôi bám chặt lấy nó, rồi không
biết gì nữa cho đến bây giờ.
Phật giáo lý giải rằng, trong
tình huống níu kéo sự sống bằng tình yêu thương mãnh liệt dành cho người thân
kèm với những công đức gieo trồng tuổi thọ trong quá khứ hay hiện tại, mà có
người đã sống sót trong tai nạn thảm khốc trong khi những người khác đều chết.
Thông thường, quả trổ của nhân tuổi thọ ở kiếp trước sẽ diễn ra ở tương lai
nhưng do xúc tác của tình thương (vốn là nhân tố sự sống) thì người lâm nạn
được cứu sống hi hữu. Nhân tuổi thọ đó được hoạt động như một công tắc tạo nên
sức ép, làm cho quả trong tương lai được rút ngắn thời gian và trổ ra ngay
trong hiện tại. Do vậy, mạng sống không bị kết thúc mà lại được kéo dài thêm.
Với lòng thương tưởng và tinh
thần trách nhiệm cao, vị đại tá đã níu kéo được sự sống. Hoạt động đó được gọi
là sự chuyển nghiệp hay hồi hướng công đức. Dĩ nhiên, bản thân ông phải có
những hạt giống công đức lớn về tuổi thọ. Khi ông ước muốn được thoát chết thì
hạt giống thiện lành này kích hoạt rồi trổ trong hiện tại. Tất nhiên, nó không
còn ở tương lai.
Ngược lại, dù ta ước muốn những
điều tốt đẹp và kéo dài tuổi thọ, nhưng trong quá khứ, ta đã gieo nhiều nghiệp
xấu về tuổi thọ, không biết ăn năn, sám hối thì cũng không mang lại kết quả. Ta
vẫn phải chết.
Như tình trạng vào thập niên 80,
người Việt Nam bỏ ra nước ngoài, tàu vượt biên bị chìm hay bị cướp giữa biển
khơi, có người được sống sót sau khi lênh đênh trên biển nhiều ngày không một mẩu
lương thực, có người bị hãm hiếp rồi vứt xuống biển và họ cũng may mắn được cứu
sống một cách hi hữu. Trong lúc hoảng loạn thập tử nhất sinh có người vẫn níu
kéo được sự sống. Cùng trong hoàn cảnh đó, người lực lưỡng, khỏe mạnh nhưng
không thể níu kéo được sự sống, thậm chí lại là người bị chết trước nhất. Tại
sao vậy? Vì tiến trình nghiệp báo của mỗi người ở quá khứ và hiện tại khác
nhau. Do đó, cùng một mong ước, cùng một tình huống như nhau, có người thành
công, có người thất bại.
Qua câu chuyện trên, ta thấy
rằng, khi ta khởi lên ước muốn kéo dài sự sống thì ước muốn này phải được chăm
sóc, hỗ trợ bởi những nghiệp tuổi thọ khác nhờ đó mạng sống mới được kéo dài
ra. Khi có lòng thương tưởng đến thân bằng quyến thuộc nhưng nghiệp tuổi thọ
của ta không có thì mạng sống cũng bị kết thúc. Trong trường hợp này, sau khi
chết, nếu tái sanh trở lại làm người, có thể ta làm con cháu của những người
thân trong gia đình để được gần gũi, yêu thương và chăm sóc, đúng với phước báu
đã có.
Có tình huống trong gia đình
người cha, người mẹ không hề thương con cái, ngược lại, ông bà nội, ông bà
ngoại lại thương cháu gấp mười lần tình thương mà ông bà dành cho con ông bà
trước kia. Trong tiến trình tái sanh, khi thương tưởng một người nào đó, mà
không đủ nghiệp để kéo dài mạng sống, ta sẽ tái sanh làm thân bằng quyến thuộc
của nhau. Lúc đó tình cảm của người mới tái sanh vẫn gắn bó với người còn sống.
Cho nên, cháu chắt gắn bó thương yêu ông bà hơn cha mẹ của nó là vậy.
Vì lý do đó, trong gia đình có
người thân qua đời, ta không nên than khóc, vì khi tiếc thương sẽ làm cho người
ra đi tiếc nuối, khởi tâm quyến luyến, khó có thể ra đi nhẹ nhàng.
Khi thương tưởng người thân đang
cảnh sinh tử với tất cả tấm lòng và trách nhiệm, ta sẽ được sống lại từ cõi
chết, hoặc khi chết đi, ta có thể tái sanh làm con cháu của nhau để người thân
tiếp tục chăm sóc, thương yêu. Những người sanh cùng một nhà là do mang những
nghiệp giống nhau, nên mới có những cấu trúc sinh học, gen di truyền, chiều
cao, vóc dáng giống nhau. Ta được sanh ra làm người một dân tộc, một quốc gia
cũng do cộng nghiệp mà ta đã gieo trồng trong quá khứ.
KHÓ ĐI VÌ TÌNH YÊU
Sự chấp trước trong tình yêu là
một trở ngại của tái sinh. Có đôi vợ chồng trẻ rất thương yêu nhau, không may
người vợ mắc phải chứng bệnh nan y. Cô biết rằng mạng sống của mình không còn
kéo dài bao lâu nữa, nên trăn trối với người chồng: “Anh ơi! Anh là tất cả bầu trời hạnh phúc của em, em yêu anh không gì
có thể sánh bằng. Em biết khi chết đi, em khó mà siêu sanh được, vì tình yêu
của em dành cho anh vô cùng mãnh liệt, không dễ gì cắt đứt. Anh hãy hứa với em
là sau khi em chết, anh vẫn ở vậy nuôi con, không để mắt đến cô nào, và anh giữ
trọn lời hứa này cho đến lúc anh từ biệt cõi đời. Ta hẹn gặp nhau ở kiếp sau
nha anh!”
Trong thực tế có người có cảm
xúc tương tự, nhưng không phải ai cũng may mắn đón nhận tình cảm và lời thề của
người ở lại, khi tuổi đời của họ còn quá trẻ, nhựa sống tràn đầy, sức lực tráng
kiện. Bởi cuộc sống thế gian cần có sự chung tay, góp sức, cần sự chung chia
những ngọt bùi, cay đắng ở đời, cùng với sự đòi hỏi về tâm sinh lý, con người
khó có thể giữ được lời hứa theo nguyện vọng của người ra đi. Trước tình cảnh
như vậy, tốt nhất người chồng nên vỗ về, an ủi người vợ rằng: “Em hãy an tâm ra đi, anh hứa sẽ một lòng, một dạ
chung tình với em. Trong quãng đời còn lại anh sẽ không đem lòng yêu thương ai
cả, bởi anh là người rất hạnh phúc, thoả mãn với tất cả những gì em đã dành cho
anh.”
Sau khi nghe người chồng nói ra
những lời cam kết chung tình, người vợ an tâm nhắm mắt ra đi một cách nhẹ
nhàng, không một chút vướng bận.
Thông thường, người trước lúc
lâm chung mà khao khát với một yêu cầu nào đó, nhất là tình yêu, mà được cam
kết bằng lời hứa sẽ cảm thấy an tâm, ra đi theo nghiệp. Trong kiếp sau, người
ấy sẽ có nguyên vọng tìm gặp lại người cũ. Họ chờ đợi nhau cho đến gặp được
nhau như người trong mộng.
Có những cặp vợ chồng chênh lệch
tuổi tác (không vì lý do tiền bạc) là vì họ đã hứa hẹn với nhau, nhưng việc
sanh tử của hai người lại xảy ra lệch thời điểm. Không hiếm gì những người thân
thể không thua kém ai, xinh gái, bảnh trai, khôn ngoan, lanh lợi, điều kiện có
thừa, thế mà không tìm được một người bạn đời lúc còn son trẻ, đến khi tuổi đã
xế chiều mới kết hôn. Bởi trong hứa hẹn, nếu người ra đi tin tưởng hoàn toàn
vào người ở lại thì trong kiếp tái sanh đã có sẵn một mẫu người ngự trị trong
tâm để tìm. Nếu chưa gặp được mẫu người ấy, họ sẽ chờ và do vậy ở giá.
Có những người nữ đến tuổi lấy
chồng, nhiều chàng trai làm quen tán tỉnh mà vẫn không ưa, dù cho người xin
cưới là người giàu sang, phú quí, có sự nghiệp, danh vọng, địa vị chức tước.
Người đời thường cho đó là sự kén chọn, nhưng theo quan điểm tái sinh của Phật
giáo, do người này đã từng hứa hẹn với một người nào đó từ kiếp trước mà trong
tái sanh họ không gặp lại nhau. Cho nên mẫu người chuẩn để kết hôn mà chưa tìm
gặp đã làm nhiều người chọn chủ nghĩa độc thân. Vì thế, họ không thể chấp nhận
bất cứ mối tình nào đến với họ.
Mô hình lý tưởng về người phối
ngẫu trong tiềm thức từ quá khứ được mang theo đến tận bây giờ là một trở ngại
cho kết hôn. Do vậy, những người khác đến không ăn khớp tiêu chuẩn đã có ấn
tượng sâu sắc trong tiềm thức, họ cảm thấy xa lạ, không thiện cảm, không rung
động, không an tâm thì làm sao có thể để trở thành đôi uyên ương gắn kết với
nhau trong cuộc đời này.
Trở lại câu chuyện trên, sau khi
chết, do lòng thương tưởng quá mạnh, người vợ khó có thể dứt bỏ, đi tái sanh mà
có thể trở thành oan hồn quanh quẩn bên nhà để được gần gũi chồng con. Cô có
thể xuất hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, mục đích là làm cho người chồng
hiểu rằng, cô vẫn còn ở bên cạnh anh. Những nơi quen thuộc như nhà bếp, phòng
ngủ hay những kỷ vật để lại, hoặc những vật dụng cô sắm cho chồng, cô có khả
năng xuất hiện nơi đó.
Sau này, nếu anh chồng đem lòng
yêu thương người con gái khác tâm đầu ý hợp, hình ảnh người vợ quá cố sẽ dần
phai nhạt trong anh. Có một số trạng huống tâm lý do ấn tượng về người tình cũ
nhiều quá, nên khi nhìn thấy ai có điểm nào đó giống người quá cố như ánh mắt,
nụ cười, vóc dáng, cá tính hay cách ăn mặc v.v… bỗng dưng anh có thiện cảm và
kéo theo tình yêu. Tình yêu ấy không phải phát xuất từ con người hiện hữu mà
phát khởi thông qua hình ảnh của người đã mất. Từ sự hoài tưởng về người chồng,
người vợ quá cố, nhiều người lầm nhận là tình yêu nên đi đến quyết định kết
hôn. Lúc đó nếu hương linh người quá cố thủy chung, biết được người ở lại bội
ước, cảm thấy khổ đau.
Có trường hợp, trước ngày tổ
chức lễ cưới, người quá cố xuất hiện với thái độ không vui, nói với người bội
ước rằng: “Tại sao hứa suốt đời chung
thủy với tôi mà bây giờ mình lại kết hôn với người khác?” Có trường
hợp linh hồn người mất xuất hiện liên tục, nói lên những lời trách móc làm cho
người thất hứa khủng hoảng tinh thần.
Trong thực tế đã có trường hợp
xảy ra như vậy. Có lần, có tình trạng một người chồng bội ước, bị hồn ma của vợ
về nhát đã đến gặp một vị Hoà thượng. Ngài đã chỉ cho anh như sau: Tối nay,
trước lúc ngủ anh chú tâm mơ tưởng đến người vợ quá cố, tự bày tỏ sự hối hận
với người vợ rằng, anh đã lỡ thương yêu người kia rất giống hình ảnh của em.
Anh cưới cô ấy cũng vì muốn hình ảnh em còn mãi trong trái tim anh. Mong em
thông cảm cho anh. Nếu sau khi nghe anh bày tỏ như vậy, mà người vợ quá cố của
anh xuất hiện với thái độ đồng ý thì anh khuyên cô ta nên trở về qui y Phật,
qui y Pháp, qui y Tăng, đừng níu kéo tình cảnh âm dương này nữa. Bởi sự níu kéo
làm cho em không thể tái sanh mà phải mang nặng nỗi khổ niềm đau. Anh sẽ thiết
lễ, thỉnh Hòa thượng đến cầu siêu giúp em sớm được giải thoát.
Nếu sau khi anh trình bày, người
vợ quá cố xuất hiện với thái độ không đồng ý, không tha thứ thì anh cũng yêu
cầu cô ấy đáp ứng điều kiện anh đưa ra thì anh sẽ giữ lời hứa lúc ban đầu.
Về nhà, anh làm theo lời chỉ dạy
của Hòa Thượng. Đêm đó, anh thấy người vợ quá cố xuất hiện, không đồng ý lại
còn cho biết, cô sẽ phá không cho anh hạnh phúc với người vợ mới. Sau đó, anh
làm theo cách chỉ dạy thứ hai của Hòa Thượng, anh lấy một tô đậu xanh để trên
đầu giường, dùng tay nắm một mớ hạt đậu giơ lên và nói với cô ấy:“Nếu em nói được trong tay anh có bao nhiêu hạt đậu
thì anh sẽ chung thủy với em trọn đời.”
Giả sử hồn ma im lặng không trả
lời thì biết rằng anh đang rơi vào trạng thái ảo giác chứ không phải thật. Ảo
giác có thể xuất hiện như một phản ứng tâm lý mặc cảm tội lỗi rằng mình không
thực hiện lời hứa với vợ trước khi chết. Lòng mặc cảm đó làm anh ray rứt lương
tâm, khó chịu. Do vậy, mỗi lần hạnh phúc với người tình mới thì nỗi khổ gia
tăng, khống chế, lúc đó anh hình dung người vợ quá cố đang quanh quẩn đâu đây.
Thực ra, trong câu chuyện này,
khi người chồng hỏi cô vợ quá cố về số hạt đậu trên tay, cô trả lời vanh vách,
anh đang cầm trên tay năm mươi bốn hạt đậu. Anh mở bàn tay ra đếm, số hạt đậu
trong tay anh đúng năm mươi bốn hạt. Anh giật mình, hoảng sợ, lo lắng trong
lòng linh cảm có điều bất an sắp xảy ra.
Hôm sau, anh đến trình bày với
Hòa thượng sự việc xảy ra tối qua. Hòa thượng bảo rằng:“Vợ anh chưa được siêu sinh”. Bây giờ,
vấn đề này tùy thuộc nơi anh. Nếu anh thật sự còn thương yêu người vợ quá cố,
anh có thể làm thêm một phép thử khác hoặc hoãn lại cuộc hôn nhân mới.
Anh thưa:“Con không thể bỏ cô vợ mới được, vì con thật lòng
yêu thương cô ấy. Hồn ma của vợ cứ quanh quẩn bên con thì con khủng hoảng mất.
Hòa thượng hãy giúp con.”
Hòa thượng dạy, anh giả vờ không
thương yêu cô vợ mới trong một tháng. Đêm nào anh cũng đứng trước bàn thờ của
vợ với gương mặt buồn bã, khấn nguyện để cho hồn ma cô ấy cảm thấy thoả mãn và
hiểu rằng anh rất chung thủy và yêu thương cô. Rồi anh dùng chiêu thức tâm lý
nói với cô ấy, cảnh giới cõi âm không phải là cảnh giới sống lâu dài, mà linh
hồn cần phải hướng về cảnh giới tái sanh. Em hãy tái sanh làm người mới và chờ
đợi anh. Anh cũng sẽ ra đời gặp lại em và mình sẽ chung sống hạnh phúc bên
nhau. Nghĩa là làm sao anh chứng minh cho linh hồn cô ấy tin chắc rằng, anh yêu
thương cô ấy hết lòng, hết dạ. Lúc đó cô ấy mới đi tái sanh được.
Qua câu chuyện trên, ta thấy sự
níu kéo tình cảm yêu thương là một cản lực lớn, làm trở ngại việc tái sanh,
khiến cho thần thức tồn tại lâu dài dưới dạng hồn ma. Những nghiệp thức tồn tại
dưới dạng hồn ma bóng vía được Phật giáo gọi chung là ngạ quỷ, được kinh điển
mô tả: cổ nhỏ bằng cây kim, bụng to như bụng ông địa.
Ngạ quỷ có tỉ lệ nghịch giữa con
đường chu cấp thực phẩm vào trong cơ thể vật lý với cái bụng. Cái bụng to thì
cần phải chu cấp thực phẩm nhiều mới đáp ứng được nhu cầu của nó, nhưng sự
nghịch lý là cái cổ họng lại quá bé, để ăn cho no cái bụng bự ấy là việc hết
sức khó khăn. Do đó, nhu cầu ăn uống của ngạ quỷ không được thoả mãn.Vì vậy,
thần thức tồn tại dưới dạng hồn ma thì nỗi khổ, niềm đau của cảm giác đói khát
gia tăng rất lớn.
Cần phải khôn khéo làm cho người
thân ra đi thanh thản, an tâm, không vướng mắc để thần thức không tồn tại dưới
dạng hồn ma. Cần hỗ trợ cho người phối ngẫu ra đi nhẹ nhàng bằng cách chung
tình với họ trong một thời gian, ít nhất là một năm.
Trong thời gian bốn mươi chín
ngày, thần thức có thể vẫn còn quanh quẩn đâu đây, bởi tiếc nuối sự sống thế
gian, nhất là đối với tình yêu nam nữ. Trường hợp những đôi vợ chồng còn son
trẻ, tha thiết yêu thương mà phải xa nhau do cái chết thì sự tiếc nuối tình yêu
diễn ra với cường độ cao gấp hàng chục lần so với sự tiếc nuối tình cảm giữa
cha mẹ, con cái. Tình cảm giữa cha mẹ và con cái nó thiên về bổn phận nhiều
hơn, còn với tình yêu là sự thu hút giới tính, xúc tác rất mạnh trong tử sinh
và luân hồi. Ở đâu có tình yêu, ở đó tiếp tục có sự sống và tái sanh.
Con người và các loài động vật
có mặt trên trái đất này là do tình yêu thương và tình dục. Vì vậy, khi vợ
chồng xa lìa nhau do cái chết, người đi trước yêu cầu người còn sống thủ tiết
trong vòng một năm là vô cùng cần thiết cho thần thức của người ra đi. Nếu
không có sức chịu đựng thì ít nhất cũng là bốn mươi chín ngày. Vì mọi hành động
của người còn sống, thần thức của người quá cố đều theo dõi, quan sát một thời
gian. Đến khi nào cảm thấy người ở lại trung thành, chung thủy, lúc đó họ mới
tái sanh.
Một thần thức tồn tại dưới dạng
ngạ quỷ quá lâu sẽ xuất hiện chấp thủ. Lúc đầu, thần thức thấy cảnh giới đó là
niềm đau, nhưng khi đã tồn tại lâu dài, tạo nên những nghiệp mới, họ chấp nhận
những hoàn cảnh khổ đau ấy mà không mong cầu hạnh phúc.
Ta nên đầu tư thật nhiều cho
người thân bằng nhiều cách như: tụng niệm, bái sám, phóng sanh, làm phước, hồi
hướng công đức làm sao cho họ hiểu rằng, thân thể này không phải là của tôi,
tôi không phụ thuộc vào thân thể vật lý này, dòng cảm xúc hạnh phúc và khổ đau
này không thuộc về tôi, tôi không bị lệ thuộc vào dòng cảm xúc đó. Đây là
phương pháp quán tưởng, tách rời thân thể vật lý khỏi dòng cảm xúc để không còn
bám víu vào thân thể nữa. Từ đó dứt bỏ mọi luyến tiếc mà siêu sanh thoát hóa.
Ngược lại, khi thần thức còn bám
víu, chấp trước vào hạnh phúc của tình yêu, tình vợ chồng nhưng do không được
thỏa mãn, người chết cảm thấy khổ đau và tiến trình tái sanh khó diễn ra. Còn
nếu thần thức cố chấp, không tha thứ, không hoan hỷ, không buông xả thì người
chết sẽ trở thành hồn ma sân giận đi quậy phá người sống, họ làm cho người sống
sợ hãi, khổ đau, khủng hoảng tâm lý.
TIẾC CỦA KHÓ SIÊU SANH
Sự tiếc nuối về sở hữu tài sản
là trói buộc của tái sinh. Có người lúc sanh thời đam mê những vật có giá trị
cổ như sưu tầm tem, tranh nghệ thuật và các cổ vật quý giá, cảm thấy hài lòng
với những vật mình sưu tầm. Đến khi đối diện với cái chết, cảm giác đam mê ấy
làm cho họ quyến luyến khó lòng dứt bỏ ra đi.
Phật giáo dạy rằng, bất luận ta
sinh sống bằng nghề nào cũng không để cho những nghề hoặc vật chất đó chinh
phục, khống chế đời sống của mình. Nếu không may bị chết bất đắc kỳ tử, chưa có
sự chuẩn bị nào thì tâm lý của họ sẽ bám víu, trở thành hồn ma, bóng vía bám
giữ những vật hay nghề nghiệp mà họ trân quí lúc sinh thời. Có người đam mê
những công việc, đồ vật hơn cả vợ con, địa vị, chức tước. Giả sử có người yêu
cầu họ bỏ chức tước, quyền hạn, họ có thể bỏ, nhưng yêu cầu họ bỏ những vật yêu
thích thì họ không thể. Như vậy, cái gì làm cho trạng thái của ta nuối tiếc sẽ
làm cho tiến trình tái sanh của ta không được dễ dàng và thuận lợi.
Ngoài ra, trạng thái nuối tiếc
còn là cản lực về mặc cảm xúc. Nó tạo ra phản ứng cảm xúc tiếp theo là nỗi sợ
hãi bắt nguồn từ những ân oán mà mình đã gây ra, mang nặng tâm lý sợ chết,
không chấp nhận sự thật về cái chết, hoặc sợ khi chết rồi thì gia tài, sự
nghiệp mình tạo dựng sẽ lọt vào tay người khác, lo sợ thế hệ kế thừa không làm
theo ý mình. Những nỗi sợ hãi đó là một cản lực rất lớn, làm ách tắc tiến trình
tái sanh, buộc họ tồn tại ở dạng thức hồn ma quẩn quanh, luyến tiếc, vì chưa
thỏa mãn ước nguyện.
Đối với những người qua đời có
để lại di chúc phân chia tài sản, bố trí công việc cho người ở lại một cách rõ
ràng nhưng người còn sống không thực hiện đúng theo nguyện vọng thì cũng rơi
vào tình huống tương tự.
Khi người quá cố di chúc muốn
trích một phần tài sản của mình để làm từ thiện, hay đóng góp vào quỹ xây dựng
một công trình khoa học nào đó, thật tai hại khi người được di chúc tiếc nuối,
không thực hiện. Họ cho rằng phần tài sản người qua đời để lại, họ là người
được thừa hưởng, bây giờ sử dụng nó vào việc gì là quyền của họ. Việc làm không
hay của người còn sống vô tình đẩy người ra đi vào tình huống bám víu, nuối
tiếc, ấm ức. Trạng thái đó làm cho người chết gặp trở ngại trong tái sanh.
Như vậy, người còn sống cố tình
chiếm đoạt tài sản của người quá cố để sử dụng theo ý riêng của mình. Trong
trường hợp đó, thần thức của người để lại tài sản chờ cho đến khi người được di
chúc qua đời thì họ mới đi tái sanh. Nếu người chiếm hữu tài sản sống năm, bảy
chục năm thì thần thức người để lại di chúc có bản tính cố chấp, không buông xả
cũng tồn tại dưới dạng hồn ma với thời gian tương ứng. Đến lúc người kia chết,
họ theo nhau đi tái sanh một lúc, hoặc cách nhau một khoảng thời gian ngắn mà
thôi. Khi sanh ra, lúc đầu họ là người thân thuộc của nhau, sau đó họ tranh
chấp gia tài, sự nghiệp, trở thành oan gia tương báo. Thay vì thương yêu, chăm
sóc, đồng cam, cộng khổ với nhau, họ lại tranh chấp gia tài, sự nghiệp, trở
thành kẻ thù của nhau. Chính vì thế, đừng làm sai lệch di chúc của người quá
cố.
Là Phật tử, ta phải hết sức khôn khéo trong
việc lập di chúc. Khi lập di chúc để lại, ta cần nói rõ các nguyện vọng, không
gây tổn thương về tinh thần hay vật chất cho người ở lại, dù rất nhỏ. Nhất là
các nghi thức tang lễ, mai táng phải hết sức đơn giản, cần chú trọng việc tụng
kinh, bái sám, hồi hướng công đức để tạo phước báu làm tư lương để sử dụng ở
đời sau.
Nếu di chúc quá chú trọng đến
hình thức như mua hòm đẹp, tẩm thuốc để giữ cho xác được tồn tại lâu dài, xây
mộ tráng lệ giống như căn nhà có thể làm cho người ở lại phải nhọc công, trong
khi người chết gặp rắc rối trong tiến trình tái sanh, vì những thứ vật chất ấy
làm luyến tiếc không ra đi được.
Ngày xưa, người Ai Cập xây dựng
những kim tự tháp cao to, kiên cố để chôn cất các vị vua là vì khi mai táng các
vị ấy, người ta chôn theo rất nhiều ngọc ngà, châu báu để làm của, chôn sống
nhiều cung phi, mỹ nữ để làm người hầu hạ… Những thứ ấy làm cho thần thức những
vị vua đó không thể tái sanh, bám víu vào những thứ họ đang có, không chịu dứt
bỏ.
Việt Nam có phong tục xây lăng
tẩm cho người chết, xây cất tự đường đẹp đẽ, trang trí rực rỡ để thờ cúng hay
làm nhà tưởng niệm để tới lui thăm viếng v.v…Những hình thức đó làm cho người
quá cố vướng bận, lưu luyến không muốn đi tái sanh. Các phong tục này ta thường
thấy ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Nhất là đối với người có danh phận, địa
vị trong xã hội, lại có vai trò quan trọng trong dòng tộc qua đời thì dòng họ
xây ngôi mộ người đó thật to và làm từ đường thật đẹp. Trong xu hướng hiện nay,
còn có tình trạng các họ tộc cạnh tranh nhau xât cất nhà thờ. Họ tộc này muốn
làm to lớn, khang trang hơn họ tộc kia, vô tình những việc làm đó làm cho các
hương linh trong dòng tộc chấp mắc, luyến tiếc mà không thể tái sanh được.
Tại Hoa Kỳ, ca sĩ nổi tiếng
Elvis Presley, sau khi qua đời, ngôi nhà của ông được làm nơi tham quan cho
khách du lịch. Mỗi năm số tiền thu được từ khách tham quan hàng trăm triệu đô
la. Trong ngôi nhà, người ta trưng bày rất nhiều kỷ vật của ông như: đĩa nhạc,
đĩa phim, dày dép, túi xách, quần áo trang phục lúc ông trình diễn, những bài
báo nói về sự thành công của ông trong suốt mấy mươi năm ông nỗi tiếng…
Khi một người đã chết mà lưu giữ
lại nhiều kỷ vật và sự hâm mộ của nhiều người như vậy, vô hình dung tạo nên sự
chấp trước về tài sản, về kỳ tích thành công, làm cho thần thức luyến tiếc đời
sống thế tục, không buông xả để chọn cảnh giới tái sanh.
THỰC HIỆN DI CHÚC
Khi “gần đất xa trời” ta nên làm sẵn di chúc cho con cái hoặc
người thân thật rành mạch, công bằng để đến lúc ra đi ta được an tâm. Một người
sắp ra đi mà di chúc, sắp xếp mọi việc thì tâm lý buông xả tất sẽ có mặt. Điều
đó thúc đẩy tiến trình tái sanh diễn ra một cách dễ dàng.
Để bảo đảm an toàn cho việc thực
hiện ý nguyện, khi lập di chúc cần nhờ một luật sư tư vấn và lưu giữ di chúc
thư. Đến lúc cấp bách, chỉ cần ghi mấy dòng hay nhắn nhủ cho biết đã có lập di
chúc, gửi ở đâu thế là đủ. Ta nên ý thức và cẩn thận sắp xếp mọi việc bằng chúc
thư để tránh sự bất bình, tranh chấp có thể diễn ra sau này, nhất là đối với
người có nhiều tài sản, dự án. Có như thế, đến lúc chết ta sẽ an tâm, không bị
vướng víu, khó xử cho người ở lại.
Phản ứng của cận tử nghiệp
thường để lại những gút mắc trong tiến trình tái sanh. Đối với người đã từng tu
tập hạnh buông bỏ, không có tâm bám víu vào sự nghiệp, chức tước, địa vị trong
cuộc đời thì tiến trình tái sanh diễn ra một cách dễ dàng và thuận lợi. Những
người có tính hoài cổ, ký ức, nuối tiếc, bám víu, cố chấp không buông xả được
thì tiến trình tái sanh sẽ bị những thứ ấy chi phối khó tái sanh. Với những
người có cảm xúc cao, tâm lý dễ thay đổi, dễ cười, dễ khóc khi thấy tình thương
của người thân lo lắng thì nảy sinh quyến luyến, khó dứt bỏ ra đi.
Do đó, ta cần biết kiềm chế cảm
xúc, dù có thương người kia cách mấy cũng không để cho tâm bi lụy, rơi nước
mắt, vì phản ứng của sầu thương, bi lụy là phản ứng của nỗi đau. Tuy nhiên,
trong trường hợp khác rơi lệ là phản ứng của hạnh phúc và niềm vui. Niềm vui
dâng trào quá mức sẽ kéo theo cảm xúc sụt sùi, rơi lệ. Cả hai phản ứng xúc cảm
này đều dẫn đến hệ quả tiêu cực, ta đều phải kiềm chế. Vẫn biết rằng phản ứng
cảm xúc là lẽ tự nhiên, nhưng chính những giọt nước mắt bi thương của người ở
lại trở thành sợi dây oan nghiệt, trói buộc hương hồn người quá vãng không đành
lòng dứt bỏ mà tái sanh.
Trong mọi tình huống, ta phải
kiềm chế dòng cảm xúc để cho các phản ứng diễn ra theo chiều tích cực. Càng
thương tưởng, quyến luyến làm cho người ra đi thêm vướng víu, không siêu thoát
được.
Các hành giả pháp môn Tịnh độ
cần nhớ rằng, suốt mấy chục năm hành đạo, người thân đã từng làm lành, tu phước
và tạo nhiều công đức, chắc chắn khi chết họ sẽ về cảnh giới Tây phương của đức
Phật A-Di-Đà. Hiểu và tin tưởng như thế, khi có người thân qua đời, ta tỏ thái
độ vui mừng tiễn đưa về cảnh giới tốt đẹp.
Nếu ta thương tưởng người chết
bằng những giọt nước mắt bi ai thì sẽ làm cho họ quyến luyến, quẩn quanh không
về Tây phương Cực lạc được. Giống như khi người vợ tiễn chồng ra chiến trận mà
buồn rầu, khóc lóc thì người chồng vì quyến luyến, mến thương, khó hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ nơi chiến trường. Nếu người vợ biết nén cảm xúc, thể hiện sự
cảm thông, vui vẻ tiễn đưa, chờ ngày đoàn tụ khải hoàn thì người chồng sẽ dễ và
hoàn thành tốt sứ mệnh.
Ta cần thể hiện cảm xúc hoan hỷ
khi người thân chuẩn bị lâm chung. Là Phật tử, lúc ấy, ta nên tụng niệm, bái
sám, hồi hướng công đức để nhắc nhở người thân an tâm, thanh thản, hướng tâm về
cảnh giới của chư Phật. Trường hợp người có nhiều tài sản, sự nghiệp chưa kịp
để lại di chúc, ta nên phân chia tài sản thừa kế theo luật định. Nếu người qua
đời không có người thừa kế thì tài sản ấy được sung vào công quỹ. Với trường
hợp trên, ta nên thiết lễ cầu siêu và nói với người chết rằng, vì ông, bà không
để lại chúc thư, nên tài sản của ông, bà, chúng tôi phân chia theo luật thừa kế
hiện hành, hay sung vào công quỹ để làm việc ích nước, lợi nhà, mong ông bà hãy
khởi tâm hoan hỷ. Chúng tôi làm điều đó là muốn giúp cho ông, bà thanh thản,
nhẹ nhàng ra đi, không phải vướng bận bất kỳ cái gì trên đời.
Nếu ta không giúp người chết
tháo gỡ những gút mắc tâm lý ấy, họ sẽ bám víu vào tài sản, không thể dứt bỏ ra
đi. Vì thế, những người ở lại cần có trách nhiệm tháo gỡ những gút mắc tâm lý
cho người quá vãng, để họ hiểu được mọi việc ra đi một cách thong dong, tự tại.
SỐNG CHẾT CHỈ LÀ CHUYỆN ĐI VỀ
Trong dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử
ở Việt Nam, có một vị thiền sư nổi tiếng với hình thức cư sĩ, đó là Tuệ Trung
Thượng Sĩ. Tên ông là Tuệ Trung, sau này được tôn vinh là Thượng Sĩ. Ông đã để
lại những bài thi kệ thiền rất sâu sắc phản ánh giá trị đời sống tu tập, cách
thức ứng ứng xử tài tình, an nhiên, tự tại để vượt qua các trở ngại cuộc đời.
Lúc lâm chung, ông nằm quay mặt
về hướng Tây, giống cách nằm của đức Phật lúc nhập Niết Bàn. Dân gian thường
gọi tư thế nằm ấy là thế “sư tử ngủ”.
Khi nằm tư thế “sư tử ngủ” ta
sẽ có trạng thái an tường, bởi nằm tư thế ấy thì lục phủ ngủ tạng được thoải
mái, tim, phổi không bị chèn ép, máu huyết lưu thông, người khỏe khoắn, giấc
ngủ an lành. Nằm sấp hay nằm nghiêng về bên trái thì dễ bị tức ngực, van tim bị
chèn ép tạo cảm giác không tốt.
Trong lúc nằm yên, gia nhân
tưởng ông đã chết, ùa nhau khóc than thảm thiết. Bỗng ông ngồi bật dậy, đi đến
trước bàn thờ Phật, thắp nhang, đảnh lễ, rồi quay sang nói với mọi người rằng:
- Các ngươi đã không hiểu đạo lý
ta đã giảng dạy mấy năm nay. Việc sống, chết chỉ là chuyện đi, về mà thôi. Có
gì đâu mà phải đau buồn khóc than như vậy. Nếu các ngươi cứ khóc lóc sẽ làm ảnh
hưởng đến chân tính của ta. Khi ta tắt thở, các ngươi cứ thản nhiên như không
có chuyện gì xảy ra, việc của ai người nấy làm, không được gây chấn động. Có
như thế thì ta mới được thanh thản.
Sau khi nghe ông giải thích, gia
nhân không một ai rơi nước mắt nữa. Ông trở lại giường nằm tư thế sư tử và an
tịnh ra đi. Đây là cách làm chủ tái sanh.
Đối với người lúc qua đời có để
lại di chúc cần hiểu rõ sự sống, chết là điều không ai tránh khỏi. Phải vững
vàng tâm lý chấp nhận sự thật này mà thực hiện đúng di chúc. Hiểu được các phản
ứng trong tái sanh, ta có thể tạo ra tiến trình nhanh hoặc chậm, thông qua sự
chuẩn bị và hỗ trợ của người còn sống. Nếu chuẩn bị tốt các điều kiện cho viêc
tái sanh thì cả người sống lẫn người chết đều được thuận lợi và an vui, bằng
không sẽ để lại nhiều sự nuối tiếc cho cả đôi bên.
Các kinh nghiệm cận tử này là
những tham khảo cần thiết, góp phần giúp chúng ta chăm sóc cận tử nghiệp. Đây
cũng chính là cách ta thực tập quán chiếu lời Phật dạy sâu sắc hơn. Đứng trước
cảnh sanh ly tử biệt, chia tay vĩnh viễn với người thân mà mình đã từng thương
yêu, gắn bó, chăm sóc, người còn lại nên hoan hỷ đối mặt với khổ đau một lần,
không thể hiện các hành vi níu kéo nỗi khổ, niềm đau dưới nhiều hình thức, vì
không có lợi cho kẻ còn lẫn người mất.