"Cuộc đời như sân khấu". Tuỳ theo sự biến đổi của vũ đài thời gian không gian, tùy duyên hồn nhiên, tự có thể gánh tất cả trách nhiệm trọng đại.
Tuổi nhỏ xuất gia rồi, thường nghe các bậc Sư trưởng răn nhắc mọi người: "Làm Hoà thượng thì phải giống Hoà thượng. Các ông không nên vạch đất tự giới hạn mình, muốn làm cái gì phải giống cái đó mới tốt!" Tôi nghe xong về sau, ghi khắc vào tâm, sau này câu "Làm Hoà thượng phải giống Hoà thượng" "Làm cái gì cần giống cái đó" phát huy công dụng rất lớn trong suốt một đời tôi.
Nhớ lúc đó gặp đúng thời kì chiến tranh chống Nhật, dân sinh thiếu thốn, kinh tế chùa chiền nghèo xơ xác, thường thường nước đã nấu sôi mà chẳng thấy có gạo bỏ vào nồi. Lúc ấy tôi chỉ là một chú Sa-di nhỏ, thấy thường trụ gặp khó khăn như thế, bèn lợi dụng thời gian ngoài giờ học, lên núi hái trái không hoa (nhuộm vải được), một mặt tăng thêm thu nhập của thường trụ, một mặt có thể giúp thường trụ đi tuần xem chừng rừng núi, để phòng ngừa mấy chú tiều nhỏ ăn trộm cây. Mấy năm sau, tôi vâng lời thầy đến chùa Định huệ ở Tiêu Sơn học Phật Học Viện, nhưng mỗi lần gặp kì nghỉ, tôi nhất định mau mau chạy về núi Thê Hà. Lúc nghỉ hè, quả không hoa đua nhau kết trái, tôi y như xưa mỗi ngày sáng đi chiều về, hái xuống cúng cho thường trụ. Thời kì khô hạn, thấy chúng trong chùa nước uống và giặt giũ bất tiện, tôi cũng tự động đến bờ sông gánh nước, mỗi lần đi về mất hết một hai giờ. Lúc nghỉ lạnh, năm mới âm lịch sắp đến, tôi lại cầm chổi quét sạch sân chùa, một mình từ sáng đến chiều, lau chùi cửa kính suốt một tháng trời. Vào mùa Xuân, tôi lại bận rộn giúp thường trụ tiếp khách hành hương, tuy một ngày trôi qua, thường thường mệt đứ đừ, nhưng tôi thường nghĩ: Chính mình xuất gia tại núi Thê Hà, núi Thê Hà chính là của mình, mình phải giống "một đệ tử xuất gia của núi Thê Hà".
Thời thanh thiếu niên, tôi sinh hoạt trong tùng lâm mười năm, trong đó sáu năm làm hành đường, hai năm ty thuỷ, một năm rưỡi hương đăng lại kiêm giữ chức quản lí viên Đồ Thư Quán, hội trưởng Hội Tự Trị. Mỗi khi Đông đến, hành đường rất cay đắng, hai tay ngâm trong nước lạnh cóng rửa mấy trăm bát đũa, da lòng bàn tay, lưng bàn tay chỗ nào cũng nứt nẻ, ngay thịt màu đỏ bên trong cũng thấy rõ mồn một. Lúc đó không biết mang bao tay, bôi dầu. Ngày hôm sau lại công tác như thường, giống như từ xưa tới giờ chưa biết khổ sở vì vết thương, chỉ biết "làm một vị Tăng khổ hạnh phải giống hình dáng của một Tăng khổ hạnh", lao nhọc cũng mặc, oán trách cũng mặc, cứ khiêm hư học tập.
Thuở bé vì gia cảnh bần hàn, không được giáo dục tốt đẹp, do đó rất quý tiếc cơ hội có sách để đọc. Vì muốn "làm một học sinh tốt", tôi tự động tự phát, tự mình học tập. Ban ngày bận ruộng vườn, thời gian đọc sách rất ít, tôi lợi dụng thời gian vụn vặt còn thừa khi chỉnh lí sách vở ở Đồ Thư Quán mà ôn tập công khoá và xem thêm một ít sách ngoài khoá. Ngoài ra, mỗi tháng tôi lại tự đốc xúc mình biên một bản "Vườn đất của tôi", trong đó có luận văn, giảng toà, thơ mới, tản văn, báo cáo tâm đắc, cảm tưởng sinh hoạt… Tuy chỉ có một mình tôi xem, nhưng từ đó từng điểm từng giọt đặt cơ sở cho tôi ngày sau lúc biên tập tạp chí, viết tản văn cho đến lúc hoằng pháp Phật giáo, tiếp dẫn chúng sanh đều có thể dễ dàng, thực tại là việc trước lo chưa tới. Kinh nói: "Mỗi một trần hiện ra tất cả pháp, xoay chuyển vô ngại trang nghiêm khắp cả". Lại nói: "Phật Thích-ca Mâu-ni gọi là Tỳ-lô-giá-na, khắp tất cả chỗ". Tôi do đích thân vào trong thực tiễn nên càng thêm tin "tất cả các pháp đều là Phật pháp", chỉ cần chịu phát tâm tối thượng, luôn luôn nghĩ đến chính mình "Làm cái gì cần phải giống thế ấy". Chỗ đem lại lợi ích thực tại là vô lượng vô biên.
Lúc đó trời chiều không có đèn điện, thường trụ cũng không cho chúng tôi dùng dầu phụng đốt đèn, vì dầu dùng để ăn hằng ngày không đủ sử dụng, đâu có dư để chúng trong chùa đốt đèn xem sách. Tôi mỗi chiều đều lễ Phật toạ thiền qua đêm dài dằng dặc, mỗi lúc tâm tánh giải đãi, tự mình quán chiếu, nghĩ đến các bậc Cổ đức trong truyện Cao Tăng, tinh thần gian khổ chiến đấu, chẳng khỏi tự thẹn sự tồi tệ của mình. Vì muốn cho chính mình lại "giống một hành giả cửa Phật", tôi ở trong đêm tối muôn vật lặng lẽ, dưới ánh đèn yếu ớt trước Phật, chích máu viết kinh, chấm từng giọt máu tươi bồi dưỡng tín tâm đạo niệm của mình đối với Phật pháp. Ngoài ra, tôi cũng giữ giới tịnh khẩu, và nếm thử qua sự tu trì không ăn quá ngọ. Trừ việc ngồi thiền lễ Phật hằng ngày ra, hễ nghe có tổ chức thiền tu, Phật thất, tôi cũng đều cực lực tranh thủ tham gia, trong đó từng có qua cảnh ngộ quên mình. Bao nhiêu năm nay, tôi không kể là chủ trì thiền thất, Phật thất, hoặc là chỉ đạo đại chúng tu trì, đều được trôi chảy thuận tiện, không ngớt cảm tạ câu "làm cái gì phải giống cái đó" của Lão sư, khiến tôi làm được công tác tự lợi lợi tha.
Tăng lữ Phật giáo ắt phải đủ ba đao sáu chùy, khổ tu trong bốn mươi tám đơn, tôi đều là ở tại khoá tu sớm chiều, trong lao động làm việc mà dũa mài huân tập, diệu đế của Phật pháp thì ở tại đi, đứng, nằm, ngồi hằng ngày, một điểm một giọt ngay trong thực tiễn có chỗ thể ngộ. Trong sinh hoạt tham học bận rộn, tôi một lòng một dạ yêu cầu chính mình "làm được giống một người xuất gia", do đó bình thường đối với tất cả sự xếp đặt của thường trụ, tôi đều hoan hỉ theo chúng, rỗi rảnh thì hành mật hạnh kèm vào. Theo kiểu này tư tưởng của tôi dần dần tịnh hoá, dáng dấp người xuất gia tự nhiên hiển hiện ra. Thẳng đến ngày nay, tôi thường dạy dỗ đồ chúng ý niệm "không thâu đồ chúng riêng, không chứa vàng bạc riêng, không dựng đạo tràng riêng, không giao thiệp với tín đồ riêng, không tự quyên góp riêng, không nhờ giúp đỡ riêng, không tạo sản nghiệp riêng, không lo ăn uống riêng", kì thực đều bắt nguồn từ pháp tắc được thể nghiệm "muốn làm một người xuất gia" được học tập trong cửa Phật ngày còn bé.
Giáo dục của tòng lâm ngày trước mười phần nghiêm ngặt, lúc bước đi tròng mắt phải nhìn phía trước khoảng bảy thước (khoảng hơn hai mét), chẳng được ngó hai bên, không được ngước mặt, cúi đầu, chạy, đi mau. Lúc đứng phải có tướng đứng, hai tay buông xuống, nắm tay ngang ngực, phải biết vị trí của mình đứng. Lúc ngồi xuống, chỉ được ngồi nửa ghế, xương sống tự nhiên thẳng đứng, hai vai ngang nhau, phần dưới phải xếp lại. Lúc ngủ, phải nằm thế cát tường nghiêng bên phải. Lúc ra ngoài, mặc áo phải chỉnh tề, ra khỏi phòng nhất định phải mặc áo tràng, ra khỏi chùa phải mặc hải thanh (nhật bình), không được bịt khăn, đội mũ. Nếu oai nghi có chút sai sót, ngôn hạnh có chút không đúng pháp, sẽ ăn gậy giận hét của Sư trưởng ngay, mà oan uổng uỷ khuất lại là việc thường có. Nhưng tôi xưa nay chưa từng thối chí nản lòng, cũng chưa từng cãi lại, ôm hận. Vì tôi trước sau đều biết rằng Lão sư từ bi chỉ dạy, làm một người hậu học hạng con em, phải nên "giống một người hậu học, con em" đem thân cung kính, lấy lòng hàm ân để tiếp nhận tất cả lời chỉ bảo răn nhắc. Chính vì thế, các lão sư rất vui lòng dạy tôi, tôi vốn không thông minh, ở dưới trăm rèn ngàn luyện, rõ ràng tiến bộ mau chóng.
Nhớ lại lúc ban đầu, sở dĩ tôi cạo tóc xuất gia lúc còn ấu trĩ là vì hồi nhỏ ở quê nhà thấy được pháp tướng oai nghi khoan thai của Đại hoà thượng, do đó thầm phát nguyện có ngày cũng khoác được Tăng bào, để người khác nói rằng tôi giống một Đại hoà thượng trang nghiêm. Về sau quả là nguyện chân thật không phát suông. Sau khi đi tu, nhớ mãi lời thề này, và thường lấy câu "ngôn tuyệt hư phù, hành tuyệt danh lợi" của đại sư Huyền Trang khắc vào bên phải toà của mình.
Sáu mươi năm nay, tôi không hề mặc quần đùi, áo ngắn mà ra ngoài, tôi không hề mặc áo lớn mà chạy, không hề nói chuyện huyên thuyên với người ở quán cà-phê, không hề cầm dù lúc trời mưa trút nước, thậm chí lúc động đất dữ dội, đất đá rơi lở trước mặt, cũng đều có thể trấn tĩnh niệm Phật, không kinh không sợ… Những cử chỉ này đều không phải là làm bộ làm tịch, mà là trải qua nhiều năm tháng giữ mãi niệm ban đầu ngày đó – "Làm được giống như một Hoà thượng", nuôi dưỡng thành thói quen.
Năm 1988, Tây Lai Tự vừa mới khánh thành, đồ chúng vì hiếu kì, ào ào phóng xe đến tiệm Phi Tát đòi ăn Phi-tát (Piza) tôi nghe nói cấm chỉ, không phải Phi-tát không được ăn mà là thân làm một người xuất gia, ở nơi công cộng chạy động đều chẳng phải chỗ thích hợp.
Như nay có nhiều người khen tôi đầy đủ oai nghi, bất kể nơi nào, lúc nào cử chỉ cũng đúng pháp. Tôi nghe mấy lời này, trừ việc cảm niệm đạo phong nghiêm nhặt của Phật môn ngày đó ra, còn muốn cảm tạ Lão sư đã ban cho một câu nói vàng ngọc: "Làm cái gì cần giống cái đó".
Từ lúc ra khỏi Phật Học Viện, thường trụ phái tôi đến làm Hiệu trưởng một trường Tiểu học Quốc Dân gần chùa Bạch Tháp ở tổ đình Nghi Hưng. Điều này đối với một người xưa nay chưa hề có kinh nghiệm xã hội như tôi mà nói, là một kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Vì muốn "Làm được giống một vị Hiệu trưởng", tôi thu góp rất nhiều sách vở về phương diện giáo dục và hành chánh, nghiên cứu tới lui. Địa phương dưới làng kinh phí không đủ, thầy trò thiếu thốn, tôi lại được kiêm nhiệm làm thầy dạy mấy lớp. Để làm được thầy giáo Quốc tiểu, để bọn học trò nhỏ được giáo dục tốt đẹp, tôi trước tiên suy nghĩ kế hoạch, lại có thể đạt được khoá trình của một người đồng một lúc dạy dỗ mấy lớp, mà bọn trẻ con đều có thể an tĩnh vào lớp không ồn náo. Lần rèn luyện này khiến tôi vốn rụt rè hướng nội, tăng thêm không ít lòng tin. Kinh nói: "Tất cả pháp lành, lấy dục làm gốc", ý nguyện "Làm cái gì phải giống cái đó", vô hình trung trở thành một động lực mạnh mẽ, đưa tôi từng bước tiến đến trước.
Về sau tôi cùng với những pháp sư đồng học như Trí Dũng… đến Nam Kinh tiếp quản chùa Hoa Tạng, định thử phát triển hoài bão đổi mới Phật giáo. Lúc đó người đố kỵ hiềm hận cố nhiên là có, nhưng người ngầm hoan hỉ cũng không ít. Họ gọi chúng tôi là một nhóm Tăng Thanh niên hữu vi. Tôi nghe được lập tức tự nhủ phải làm được "như một Tăng thanh niên". Nhân đây chúng tôi vẫn bảo trì thái độ lạc quan tiến thủ, vì đạo hi sinh không hề luyến tiếc, hùng dũng tiến lên. Một chút thể nghiệm này vô hình trung nuôi lớn đảm lượng và kiến thức của tôi, khiến tôi ngày sau ở chỗ nguy không loạn, gặp hiểm vẫn yên.
Năm 1949, tôi xuống thuyền ở Cơ Long, Đài Loan rồi dần dà đến Trung Lịch, Tân Trúc, sau dừng ở chùa Lôi Âm tại Nghi Lan giảng kinh, vì muốn "làm giống vị Thầy giảng đạo", tôi bắt đầu suy tư làm thế nào để dùng sự hiển lí, đem lí nói sự. Tôi luôn luôn tìm hiểu sự cao thấp, mau chậm của âm điệu, thái độ ung dung thích đáng, tôi thường kiểm thảo sự giơ tay cất chân của chính mình, xem phong độ nghi biểu có từ bi trang trọng hay không. Như nay tôi đi diễn giảng khắp nơi, có thể nói rất dễ dàng, thông thạo, nghĩ lại phải quy công cho những nỗ lực cần cù nhiều năm.
Ngay lúc còn sức lực, tôi bắt đầu thực thi tâm nguyện "bồi tài an Tăng" lúc trẻ. Vào năm 1965, dựng chùa Thọ Sơn ở Cao Hùng và mở Phật Học Viện. Không bao lâu, vì học sinh ngày càng đông, trường lớp không đủ sử dụng, tôi lại kiếm thêm một khu đất đầy rừng tre gai ở làng Đại Thọ lập Phật Quang Sơn, đem Phật Học Viện dời về đây. Tôi một thân một mình vừa làm trụ trì, giám công vừa làm hiệu trưởng, giáo sư, sư phụ… Để đóng tốt vai trò, tôi có thể nói là hết sức khổ tâm, nhất là học sinh từ chốn bụi trần muôn trượng đến đạo tràng thanh tịnh, tất nhiên có rất nhiều vấn đề trên thân tâm phải điều hoà thích hợp. Nhân đây ngoài lúc đẩy đất, gánh đá, chuyền ngói, khuân gạch, tôi tự phát thảo một sổ tay giáo dục, xác định phương châm và quy ước sinh hoạt. Tôi đòi hỏi Giáo vụ xứ tăng cường giáo tài, mời thỉnh bậc danh sư, thúc đẩy giao lưu giữa học sinh và thầy giáo. Tôi yêu cầu Phụ đạo xứ dùng khích lệ thay thế trách phạt, dùng hướng dẫn thay thế cấm chỉ mà chính tôi cũng thường khuyến dụ, điều hoà, để cho mọi người đều có thể trong lúc tu đạo được vui vẻ, ở trong sinh hoạt có pháp lạc. Sau này đệ tử theo tôi xuất gia lần lượt tăng, hễ người biết đọc sách, tôi để họ tiếp tục đào sâu; người biết sắp đặt việc, tôi để họ thi thố sự tài giỏi xếp đặt; người biết giáo hoá, tôi chỉ dạy họ làm sao hoằng pháp bố thí giáo lí; người biết tu trì, tôi chế tạo cơ duyên để họ chuyên tâm tu trì. Nhìn đồ chúng ai cũng được chỗ thích hợp, an tâm tu hành, có thể nói là niềm an ủi lớn nhất đời tôi.
Theo sau sự thành lập đoàn Triều Sơn, danh tiếng Phật Quang Sơn vang xa, tín đồ và khách hành hương ngày càng tăng. Thường thường nghe đệ tử thông báo có khách đến thăm, tôi lập tức theo đường núi quanh co gập ghềnh, từ công trường bước mau đến khách đường. Như thế một ngày mấy lượt, thật là gặp được khách thì mồ hôi đã đẫm lưng, y phục lại chẳng kịp thay, chỉ có mặc nó ướt rồi lại khô, khô rồi lại ướt. Vì muốn "làm một người xứng với chức trụ trì kiêm tri khách", tôi lợi dụng lúc đi đường, trong óc việc trước tiên đối với mỗi địa phương, mỗi thời gian, mỗi một đường hẻm, mỗi một quá trình và phân đoạn đều có một phen kế hoạch toàn bộ. Đến lúc gặp mặt, tôi cũng nhiều cách tìm hiểu tâm lí người đến, thuận theo nhu yếu của họ, mong cho mọi người đều được vừa lòng, cảm nhận tràn trề pháp hỉ.
Mấy mươi năm nay, tôi chưa từng để bụng học qua cách giảng dạy, công trình, tri khách, điển toà… nhưng tôi đều ôm thái độ "làm cái gì phải giống cái đó", bên làm bên học, từ trong sai lầm điều chỉnh bước chân, từ trong mắt tai thấy nghe hấp thụ phương pháp chính xác. Năm tháng dằng dặc, xuân đi đông lại, tôi chạy trên con đường nhân sinh càng được thêm đầy đủ tự tại.
Bốn mươi năm tìm kiếm, cuối cùng tôi và mẹ đã liên lạc tin tức, chẳng những tôi vì bà mua một tinh xá ở Vũ Hoa Đài tại Nam Kinh để bà ở yên, lại thỉnh bốn bà già suốt ngày đánh bài với bà. Hễ là người đối với mẹ tốt, tôi ít nhiều đều trên vật chất, trên tiền bạc biếu xén lại. Tôi mời mẹ đến Nhật Bản, Mĩ Quốc, Hương Cảng, Đài Loan… để đồ chúng thấy mặt kết duyên, thậm chí tại Phật Quang sơn, tôi mời bà nói chuyện trên đại hội trước đồ chúng, bà nói với một vạn đồ chúng:
— Tôi cống hiến cho mọi người (các vị) lễ vật là con của tôi.
Nhưng ở chỗ riêng, lúc tôi mỗi lần sớm thăm tối viếng bà, bà đều bảo tôi:
— Ông ở trên đài giảng cho cả ngàn muôn người; nhưng dưới đài, cần nghe lời một mình tôi.
Đích xác, ngay đến lúc bỏ báo thân vãng sanh, chẳng kể tôi tuổi tác bao nhiêu, tôi vẫn nỗ lực "làm như một đứa con nhỏ".
Năm 1988, ngay lúc hai bờ eo biển vì danh xưng đại biểu Vận Động Hội mà tranh chấp không thôi thì tôi lại đúng dịp tổ chức hội hữu nghị Phật giáo đồ thế giới lần thứ 16, muốn làm cho giống một nước chủ nhà, để mọi người đều vui vẻ, tôi ngày đêm toan tính, vì hội Phật giáo cả hai bờ mà đặt tên cho khéo léo: "Trung Quốc Bắc Kinh – Bắc Kinh Trung Quốc" khiến cho đoàn thể Phật giáo song phương phá kỉ lục cùng ngồi trong một nhà hội nghị. Tám mươi mấy đoàn thể đại biểu đến từ hơn ba mươi quốc gia đều đồng ý rằng: "Đây so với cách thức ở thế vận hội Olympic lại có đủ ý nghĩa hơn". Vì duyên lành lần này, hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, cư sĩ Triệu Phác Sơ mời thỉnh tôi đến thăm Trung Quốc đại lục, khiến sự giao lưu giữa hai bờ tiến thêm một bước lớn.
Gần mười năm nay, tôi vân du thăm viếng các nơi trên thế giới để hoằng pháp lợi sanh, vì muốn "làm giống một người địa cầu ôm cả thế giới", tôi nhập cảnh tùy tục, mỗi lần đến đâu đều là thăm hỏi dân tình phong tục, và học tập một ít ngôn ngữ địa phương, đi đường, một tiếng "How are you?" đều có thể giành được nụ cười thiện cảm của đối phương. Đứng trên đài, một câu "?????" (kon ni chi wa) thường thường được người nghe vỗ tay vui vẻ.
Kinh Kim Cang nói: Người cần buông hết chấp trước, trừ khử bốn tướng. Chỉ có vô tướng mới có thể như hư không, không đâu chẳng hiện tướng, đạt đến cảnh giới chân không sanh diệu hữu. Cổ đức cũng nói: "Quân tử bất khí". Chỉ cái "bất khí" này sở dĩ có thể tùy duyên nhậm vận, vai gánh tất cả trách nhiệm trọng đại.
Thăm viếng các nơi trên thế giới, những người không phải Phật tử cũng vui vẻ hỏi tôi làm sao mà có thể được cảm ứng. Tôi biết rằng "làm cái gì, giống cái đó" chính là một loại cảm ứng. Kinh A-Hàm ghi: Đức Phật ở cõi trời Đao Lợi giảng kinh ba tháng, lúc trở về thế giới Ta-bà, tượng Phật làm bằng gỗ tử đàn do vua Ưu Điền tạo cũng tự nhiên rời khỏi toà đi đến đón tiếp đức Phật. Đây là vì tượng Phật do lòng thành kính khắc chạm rất sinh động, giống hình dáng và tinh thần của Phật-đà như đúc", do đó có thể có cảm ứng khó được như thế. Người biết diễn tuồng, bất kể là người tốt, người xấu, trung thần, gian thần… đều có thể đóng vai một cách xuất sắc, như Nghi Minh, Kim Siêu Quần diễn Bao Công, đều nhân vì diễn được "giống", do đó được sự hưởng ứng nồng nhiệt của người xem. Đây không phải là một loại cảm ứng sao? Có người nói "cuộc đời như sân khấu". Quả thật như thế, chúng ta cũng phải tùy sự biến đổi trên vũ đài không gian thời gian mà "làm cái gì giống cái đó", cần thiết chớ vì sự không tròn trách nhiệm của mình mà làm hư hết bầu không khí của sân khấu, để mình người đều áo não thở than.