Tôi vẫn luôn tin rằng một trong những vốn liếng quý giá nhất của con
người chính là sự vững tin vào khía cạnh lạc quan của cuộc sống. Chừng
nào mà niềm tin này vẫn còn được giữ vững, chúng ta sẽ luôn có đủ nghị
lực để vượt qua tất cả khó khăn và đối mặt với những khổ đau, bất hạnh.
Ngược lại, nếu ai đó đánh mất đi niềm tin này thì sẽ là nỗi bất hạnh lớn
lao nhất cho người ấy, vì những khổ đau rất thường gặp trong cuộc sống
sẽ dễ dàng làm cho người ấy suy sụp tinh thần và gục ngã.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phải luôn nhìn đời qua một cặp
kiếng hồng. Bởi vì trong thực tế thì cuộc sống chưa bao giờ và cũng sẽ
không bao giờ chỉ toàn những điều tốt đẹp. Sự thật là chúng ta đã sinh
ra và lớn lên trong vô vàn những khổ đau vây quanh. Ngay cả những mảnh
đời được xem là may mắn nhất cũng không hề vắng bóng của khổ đau. Và
việc đối mặt với sự thật này lại chính là điều tất yếu nhất để mỗi chúng
ta có thể tự vươn lên tìm cho mình một giá trị đích thực trong cuộc
sống.
Vững tin vào khía cạnh lạc quan của đời sống có nghĩa là nhìn xuyên qua
lớp mây mù trùng trùng giăng bủa của những khổ đau và bất hạnh để thấy
được có một mặt trời hồng tươi rực rỡ vẫn luôn tỏa sáng. Cho dù những gì
chúng ta phải đối mặt mỗi ngày luôn có vẻ như vui ít buồn nhiều, nhưng
điều đó không ngăn cản chúng ta nhìn sâu vào bản chất của đời sống để
thấy được những giá trị lạc quan chân thật cần đạt đến.
Ngay cả khi cuộc sống vẫn còn đầy dẫy khó khăn và bộn bề những lo toan,
vất vả, chúng ta vẫn có thể vững tin được rằng ý nghĩa đích thực của đời
sống này không chỉ là ngày qua ngày cam chịu những khổ đau dằn vặt, mà
sự thật là mỗi người chúng ta đều có khả năng đạt đến một trạng thái
tinh thần an vui thanh thản bằng vào những nỗ lực của chính mình.
Điều này cũng giống như giữa một cơn mưa giông với mây đen mịt mù bao
phủ, chúng ta vẫn có thể biết chắc rằng bên kia lớp mây đen mù mịt kia
luôn tồn tại một mặt trời chói chang rực sáng. Tuy nhiên, sự khác biệt
lớn lao ở đây là, đám mây đen mù mịt của những khổ đau và bất hạnh quanh
ta sẽ không bao giờ tự nó tan biến đi như trong trường hợp của một cơn
mưa giông. Vì thế, chúng ta không thể ngồi yên chờ đợi điều đó xảy ra mà
cần có những nỗ lực nhất định trong việc học hỏi và rèn luyện một nếp
sống tích cực, cũng như thực hành những phương thức thích hợp mang đến
cho tâm hồn một sức mạnh nhằm có thể đối mặt và vượt qua đau khổ. Có như
vậy, ta mới có thể xua tan được những đám mây đen ảm đạm do khổ đau và
bất hạnh gây ra trong tâm hồn chúng ta.
Trong một tập sách nhan đề “Hạnh phúc là điều có thật”
[1]
được xuất bản trước đây, tôi đã có dịp chia sẻ với độc giả một số vấn đề
về việc làm thế nào để có thể nhận rõ và đạt được niềm vui trong cuộc
sống. Chỉ ít lâu sau khi tập sách được phát hành, tôi đã nhận được khá
nhiều thông tin phản hồi từ bạn đọc. Trong số đó, không ít người đã đề
cập đến những khó khăn nhất định mà chúng ta luôn vấp phải trong thực tế
khi thực hành những phẩm chất tốt đẹp để đạt đến hạnh phúc. Chẳng hạn,
chúng ta có thể thực hành sự cảm thông và tha thứ với những người thân
trong gia đình một cách dễ dàng hơn so với khi phải đối mặt với một bạn
đồng nghiệp xấu tính hoặc một ông xếp hay cáu gắt. Vấn đề càng trở nên
khó khăn hơn rất nhiều nếu chúng ta không may rơi vào những môi trường
làm việc không như mong muốn, hoặc phải làm những công việc không hoàn
toàn đúng với chuyên môn hoặc sở thích của bản thân. Nhưng trong thực tế
thì điều này lại rất thường xảy ra, và chúng ta dường như có rất ít sự
lựa chọn ngoài việc phải cố gắng để thích nghi với những gì mà cuộc sống
mang đến.
Tất cả chúng ta đều không thể chỉ sống co mình trong môi trường gia
đình, mà bắt buộc phải có rất nhiều mối quan hệ khác trong công việc,
trong giao tế... Ít nhất, chúng ta ai cũng cần phải có một công việc để
nuôi sống bản thân và gia đình. Và mối quan hệ trong công việc bao giờ
cũng có những khó khăn, căng thẳng hơn so với mối quan hệ với những
người thân trong gia đình.
Do đó, sự thật là việc thực hành một nếp sống thanh thản sẽ không dễ
dàng chút nào khi chúng ta phải đối mặt với vô số những lo toan và áp
lực, chẳng hạn như những yêu cầu căng thẳng của công việc hay những cách
ứng xử rất “khó chịu” của người khác. Trong rất nhiều trường hợp, cung
cách ứng xử hằng ngày của chúng ta thường không chỉ xuất phát từ bản
chất tự thân, mà có vẻ như còn là một tấm gương phản chiếu những áp lực
ta đang phải gánh chịu từ cuộc sống.
Không chỉ vậy, áp lực của công việc thường khi còn ảnh hưởng đến cả cuộc
sống trong gia đình. Một người chồng đi làm về mệt nhoài sau một ngày
quá bận rộn thường không dễ nở nụ cười cảm thông và tha thứ với một sai
lầm nào đó của người vợ, nhất là khi anh ta nghĩ rằng chỉ có mình là
người khó nhọc nhất trong gia đình! Con cái cũng thường phải gánh chịu
những cơn nóng giận vô cớ của cha mẹ khi họ trở về nhà trong trạng thái
quá mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng.
Tất cả những điều đó, nếu được nhận thức trong một tâm trạng bình tĩnh
và sáng suốt thì bất cứ ai trong chúng ta cũng đều phải thừa nhận là vô
lý và chẳng mang lại kết quả tốt đẹp gì! Nhưng với một tâm trạng mệt mỏi
và căng thẳng thì chúng lại rất thường xảy ra như một tiến trình hoàn
toàn tự nhiên đến nỗi rất ít khi chúng ta tự đặt câu hỏi về sự vô lý của
chính mình. Vấn đề ở đây là, “tiến trình tự nhiên” đó thật ra hoàn toàn
có thể thay đổi được theo hướng tốt đẹp hơn nếu chúng ta biết quay lại
quan sát chính bản thân mình để thấy được những cách ứng xử như thế nào
là thực sự có lợi trong từng trường hợp.
Thời gian làm việc của chúng ta bao giờ cũng chiếm một tỷ lệ khá lớn
trong cuộc sống hằng ngày, cho dù là ta đang giữ bất cứ vị trí nào trong
xã hội. Vì thế, qua công việc chúng ta không chỉ nhận được những giá trị
vật chất bằng vào sức lao động của bản thân, mà còn có cả những giá trị
tinh thần trong cuộc sống. Qua giao tiếp trong công việc, chúng ta có cơ
hội tiếp xúc và tạo ra tình cảm gắn bó với nhiều người. Qua công việc,
chúng ta học được cung cách ứng xử với người khác cũng như rất nhiều ý
nghĩa cao đẹp trong cuộc sống. Và cũng qua công việc mà chúng ta có thể
tìm được niềm vui sống, thực hiện được những điều có ý nghĩa đóng góp
tích cực cho xã hội, cũng như rèn luyện năng lực thể chất lẫn tinh thần
để vươn lên hoàn thiện bản thân mình.
Mặc dù vậy, trong khi những giá trị vật chất luôn có thể đo đếm được,
thì những giá trị tinh thần lại rất nhiều khi bị lãng quên, không được
quan tâm đến. Nhưng cho dù chúng ta có thể lãng quên, không quan tâm đến
chúng, thì những giá trị ấy vẫn luôn tác động một cách vô cùng cụ thể
đến trạng thái tinh thần của ta trong đời sống hằng ngày.
Nói một cách khác, chính những giá trị tinh thần mới là yếu tố quyết
định việc chúng ta có được một cuộc sống an vui hạnh phúc hay không.
Chúng ta có thể nỗ lực làm việc vất vả để có được nhiều giá trị vật chất
hơn, nhưng chúng ta không thể bằng vào cách đó để có được những giá trị
tinh thần. Những giá trị tinh thần chỉ có thể đạt được qua việc điều
chỉnh những nhận thức sai lầm, thực hành nếp sống tốt đẹp và rèn luyện
tâm hồn theo những chuẩn mực, giá trị đạo đức nhất định.
Về mặt vật chất, để nhận được từ xã hội những gì cần có trong cuộc sống,
chúng ta nhất thiết phải có phần đóng góp của riêng mình cho xã hội, và
sự hợp lý trong mối quan hệ hai chiều này luôn thể hiện tính công bằng
của xã hội mà ta đang sống. Nếu có những người muốn nhận được rất nhiều
từ xã hội nhưng lại không có những đóng góp thỏa đáng, tính công bằng
của xã hội đó sẽ có nguy cơ bị phá vỡ. Vì thế, nếu chúng ta mong muốn
xây dựng một xã hội công bằng thì điều trước hết là chính bản thân ta
phải cố gắng thực hiện tốt phần đóng góp của mình cho xã hội.
Nhưng khi xét đến những giá trị tinh thần thì không phải như vậy. Ngay
cả trong một xã hội công bằng lý tưởng, khi tất cả mọi người đều cảm
thấy hài lòng với những giá trị vật chất có được bằng vào sức lao động
của bản thân, thì cũng chưa hẳn họ đã có thể nhận được những giá trị
tinh thần tương ứng. Nói cách khác, phần giá trị tinh thần mà mỗi người
có được – vốn cũng quan trọng không kém phần giá trị vật chất – lại
không hề được phân chia theo phần đóng góp cho xã hội, mà luôn tùy thuộc
vào tính chất đúng đắn của những nhận thức về cuộc sống cũng như sự tu
dưỡng nội tâm của mỗi người.
Mặt khác, nếu như ai đó nhận được quá nhiều những giá trị vật chất nhưng
lại đóng góp quá ít cho xã hội, người ấy sẽ bị xem là một thành phần ăn
bám hoặc bóc lột sức lao động của người khác, và sẽ luôn bị xã hội khinh
chê, ghét bỏ. Nhưng hoàn toàn ngược lại, nếu như bạn có khả năng nhận
được rất nhiều những giá trị tinh thần trong công việc, điều đó sẽ luôn
tạo ra một sự kính phục, ngưỡng mộ nơi những người khác. Và sự khác biệt
– cho dù rất lớn – giữa mọi người về những giá trị tinh thần mà họ nhận
được không bao giờ có thể xem là dấu hiệu của sự bất công.
Vì sao có sự khác biệt như vừa nói? Vì khi có ai đó nhận được phần giá
trị vật chất quá nhiều so với sự đóng góp của họ, thì tất yếu là phải có
những người khác mất đi một phần giá trị vật chất mà lẽ ra họ phải nhận
được. Nhưng khi bạn nhận được rất nhiều những giá trị tinh thần, sẽ
không có bất cứ ai bị giảm mất phần chia của mình. Ngược lại, người có
khả năng nhận được nhiều giá trị tinh thần trong công việc lại cũng đồng
thời mang lại rất nhiều giá trị tinh thần tích cực cho những người quanh
mình.
Nhưng trong thực tế, khi chọn lựa một công việc để mưu sinh, chúng ta
thường ít khi có cơ hội để quan tâm đến những điều khác ngoài tiền lương
và những yêu cầu của công việc. Một công việc vừa với khả năng và mức
lương “đủ sống” bao giờ cũng đã là mơ ước của rất nhiều người. Những vấn
đề khác, chẳng hạn như môi trường làm việc, những mối quan hệ trong công
việc... thường không mấy khi được đưa vào các tiêu chuẩn chọn lựa, cho
dù trong thực tế chúng luôn có ảnh hưởng sâu xa đến niềm vui sống mỗi
ngày của chúng ta.
Và như đã nói, một khi không thể chọn lựa được những điều kiện tốt đẹp
như mong muốn, thì điều duy nhất mà chúng ta có thể làm không gì khác
hơn là phải biết cách thích nghi tốt với những điều kiện hiện có. Hơn
thế nữa, có vẻ như đây mới chính là vấn đề khả thi cho tất cả chúng ta,
bởi vì trong thực tế thì bên cạnh những khó khăn cũng như những điều
trái ý, mọi môi trường hay điều kiện làm việc đều luôn có những khía
cạnh tích cực, tốt đẹp nào đó. Chỉ cần chúng ta biết nhận ra điều ấy thì
việc thích nghi tốt với môi trường làm việc sẽ không phải là điều không
thể được.
Cho dù là những công nhân làm việc trong nhà máy, trên công trường, hay
những người làm công việc quản lý hoặc lao động trí óc, tất cả chúng ta
ngày ngày đều phải đổ mồ hôi trong công việc, ít nhất cũng là để nuôi
sống bản thân và gia đình. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, luôn có những
giọt mồ hôi nhỏ xuống trong sự bực dọc, cáu gắt hoặc bất mãn, và cũng có
những giọt mồ hôi nhỏ xuống trong sự vui tươi, thanh thản của tâm hồn.
Tập sách mỏng này chính là muốn chia sẻ với các bạn đôi điều về những
giọt mồ hôi thanh thản, những giọt mồ hôi luôn mang lại cho bạn cả giá
trị vật chất cũng như những giá trị tinh thần cao quý nhất!