Thật không may là những gì chúng ta vừa bàn đến trong thực tế hầu như
vẫn còn khá xa lạ trong suy nghĩ và nhận thức của rất nhiều người. Môi
trường làm việc của đa số chúng ta hầu như vẫn còn bao phủ trong những
bầu không khí nặng nề của sự thiếu cảm thông và đối kháng lẫn nhau. Mặt
khác, còn có những điều kiện khách quan như sự khó nhọc, mệt mỏi vì công
việc, sự nhàm chán với những công việc không thích hợp hoặc thường xuyên
lặp lại mỗi ngày, sự khác biệt về quan điểm, sở thích hay cung cách ứng
xử với những người đồng nghiệp hoặc ngay cả đối với những ông chủ, bà
chủ... Tất cả đều là những yếu tố góp phần tạo nên sự căng thẳng trong
công việc, dễ dàng làm cho chúng ta trở nên cáu gắt và bực dọc, cũng như
đẩy lùi hầu hết những ý tưởng về một nếp sống thanh thản, an vui và hạnh
phúc.
Kết quả thống kê trong nhiều cuộc nghiên cứu gần đây
[2]
cho thấy tại Hoa Kỳ có khoảng một nửa những người đang làm việc không
hoàn toàn hài lòng với công việc của mình. Hơn thế nữa, những phân tích
cụ thể còn cho thấy là trong vòng 6 năm qua, con số những người hài lòng
với công việc đã giảm thấp đi khoảng 8% so với trước đó. Phần lớn những
nguyên nhân không hài lòng với công việc được nêu ra trong cuộc nghiên
cứu này tập trung vào các yếu tố như tiền lương không thỏa đáng, sự buồn
chán do công việc lặp lại không thay đổi hoặc không thích hợp... Tuy
nhiên, một tỷ lệ đáng kể cũng rơi vào các nguyên nhân như thiếu sự hòa
hợp với đồng nghiệp, với cấp trên hoặc với người chủ thuê, do môi trường
làm việc xấu, điều kiện làm việc không đạt các tiêu chuẩn quy định...
Dù sao đi nữa, một số trong các nguyên nhân vừa nêu thực sự là những
điều kiện thực tế khách quan đang phổ biến trong các xã hội công nghiệp,
và hiện cũng đang bắt đầu dần dần trở nên phổ biến ở nước ta. Con số các
vụ đình công xảy ra trong thời gian gần đây có vẻ như là một trong các
tín hiệu cụ thể đáng lo ngại về điều này.
Xét từ một góc độ bao quát thì việc thay đổi các nguyên nhân khách quan
có vẻ như không phải là điều mà cá nhân mỗi người chúng ta có thể thực
hiện được. Lấy ví dụ như những quy định về tiền lương, về điều kiện và
môi trường làm việc, cũng như việc thực hiện đúng theo những quy định
đó. Chúng ta chỉ có thể đặt niềm tin nơi những người có trách nhiệm và
chờ đợi những thay đổi tích cực trong tương lai. Điều mà chúng ta có thể
làm được là sớm nêu ra những gì bất hợp lý để những người có trách nhiệm
xem xét. Nếu những gì chúng ta nêu ra là hoàn toàn hợp lý và đúng với sự
thật, chắc chắn vấn đề rồi sẽ được thay đổi theo hướng tốt hơn.
Nhưng xét từ một góc độ gần gũi hơn liên quan đến môi trường làm việc
quanh ta, chúng ta lại thực sự có thể làm được rất nhiều điều để thay
đổi, tạo ra những chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn, cũng như tạo ra
những điều kiện làm việc thoải mái hơn. Ngay cả khi chúng ta không thực
sự tạo ra được những thay đổi cụ thể thì những nỗ lực đúng hướng của
chúng ta bao giờ cũng có thể mang lại những ích lợi thiết thực về mặt
tinh thần cũng như tạo ra được những chuyển biến nội tâm tích cực cho
chính bản thân mình.
Thường thì chúng ta không nhận thức đúng và đầy đủ về ý nghĩa của công
việc, và điều đó dễ dàng dẫn đến những mâu thuẫn khác nhau trong quan hệ
với đồng nghiệp cũng như với cấp trên của mình.
Thực tế cho thấy rằng, trong một công ty kinh doanh mà tất cả nhân viên
đều nghĩ rằng vị giám đốc công ty đang “ăn nên làm ra” bằng vào việc
khai thác sức lao động của họ, thì những mâu thuẫn tất yếu sẽ phát sinh
trong quan hệ công việc. Ở đây, cái “được” của người này được xem như là
cái “mất” của người kia, và do đó cảm giác mất mát, thiệt thòi sẽ luôn
tạo ra sự mâu thuẫn, đối kháng giữa đôi bên.
Ngược lại, nếu mọi người trong công ty đều thấy được ý nghĩa phục vụ
người khác qua công việc, cũng như ý nghĩa nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau
để cùng tồn tại, thì tất yếu một môi trường thân thiện và tôn trọng lẫn
nhau sẽ được thiết lập.
Vị giám đốc công ty quả thật là đang ăn nên làm ra nhờ vào sức lao động
của mọi nhân viên trong công ty. Nhưng ngược lại, trên cương vị giám đốc
ông ta cũng có phần đóng góp quyết định trong sự thành công và phát
triển của công ty, và chính nhờ ông ta làm tốt công việc đó mà tất cả
nhân viên công ty mới có thể nhận được một khoản tiền lương ổn định
tương xứng với sức lao động của mỗi người. Khi hiểu được điều này, mỗi
nhân viên sẽ không ngần ngại trong việc cố gắng hết sức mình vì sự phát
triển của công ty. Và ngược lại, vị giám đốc công ty chắc chắn cũng sẽ
không ngần ngại trong việc chi ra những khoản tiền thưởng thích hợp cho
mỗi nhân viên như một hình thức chia sẻ lợi nhuận khi công ty làm ăn
phát đạt. Do đó, mâu thuẫn giữa đôi bên sẽ được xóa bỏ, và mối quan hệ
trở thành “đôi bên cùng có lợi” thay vì là đối kháng nhau.
Đây cũng chính là nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển tốt của các công ty
cổ phần, khi mà mỗi một đồng tiền lợi nhuận của công ty đều được phân
chia thỏa đáng cho mọi người, và cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại
của một số công ty quốc doanh, khi mà sự thành công hay thua lỗ của công
ty lại không hề gắn liền với lợi ích của mỗi công nhân viên.
Mặt khác, yếu tố hòa hợp trong quan hệ công việc cũng đóng vai trò quan
trọng trong việc tạo ra một môi trường làm việc tốt đẹp. Và việc tạo ra
sự hòa hợp trong quan hệ tất nhiên cần phải có những nỗ lực thích hợp
của cả đôi bên. Mặc dù vậy, đối với hầu hết chúng ta thì đây lại có vẻ
như một vấn đề hoàn toàn khách quan chứ không phải chủ quan, và do đó mà
chúng ta thường chỉ cố gắng chịu đựng hoặc bực tức, than phiền thay vì
là nỗ lực làm một điều gì đó để thay đổi sự việc.
Khi gặp phải một người đồng nghiệp lầm lì ít nói hoặc cáu gắt, khó
tính... chúng ta thường xem đó như là “số phận” của mình, và cho dù rất
không thoải mái trong quan hệ nhưng chúng ta lại cảm thấy như không thể
làm gì khác hơn là chịu đựng và quen dần đi với tính khí khó chịu của
người ấy. Điều mà chúng ta có thể không biết là, khi ta cảm thấy không
thoải mái trong quan hệ với một người khác thì bản thân anh ta thường
cũng không cảm thấy dễ chịu hơn chút nào. Và vì thế, sự căng thẳng trong
quan hệ giữa đôi bên chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
Nếu không may người mà chúng ta phải “chịu đựng” lại là một cấp trên
trực tiếp hoặc chính là người trả lương cho ta, vấn đề sẽ càng trở nên
nghiêm trọng hơn nữa. Khi ấy, môi trường làm việc mỗi ngày của chúng ta
sẽ có nhiều nguy cơ trở thành “bãi chiến trường” trong suốt những giờ
làm việc. Và thật không may là trên bãi chiến trường ấy, dù thắng hay
thua thì chúng ta cũng đều chuốc lấy những thiệt thòi mất mát mà thôi!
Trong thực tế thì bản thân chúng ta cũng phải chịu ít nhất là một nửa
trách nhiệm trong việc tạo ra mối quan hệ hài hòa với những người đồng
nghiệp cũng như với cấp trên của mình trong công việc. Vì thế, nếu những
mối quan hệ ấy không được tốt đẹp, chúng ta không thể chỉ ngồi đổ lỗi
cho số phận. Sự thật là ta luôn có thể làm được rất nhiều điều tích cực
để thay đổi, hoàn thiện những mối quan hệ ấy. Bởi vì xét cho cùng thì
chúng ta vẫn đang quan hệ với những con người, và mỗi con người đều có
những điểm chung nhất định so với những con người khác. Do đó mà mối
quan hệ giữa những con người với nhau, cho dù đó là quan hệ trong công
việc hay trong những lãnh vực khác, bao giờ cũng là những mối quan hệ có
thể hoàn thiện được.
Một thực tế khác nữa cũng thường góp phần tạo ra sự căng thẳng trong
công việc. Chúng ta đều biết là số sinh viên tốt nghiệp không tìm được
việc làm hiện nay đang có chiều hướng gia tăng. Sự cạnh tranh khốc liệt
trên thị trường đã buộc những người chủ thuê ngày càng trở nên khó tính
hơn trong việc tuyển dụng nhân viên. Một mặt, đây là những dấu hiệu tích
cực cho thấy sự vận động vươn lên không ngừng của xã hội, vì nó buộc tất
cả mọi thành viên trong xã hội đều phải không ngừng nâng cao năng lực,
hoàn thiện bản thân. Nhưng mặt khác, điều này cũng mang lại một hệ quả
tất yếu là mối quan hệ giữa người trả lương và người nhận lương đang trở
nên căng thẳng, nặng nề hơn, tạo thêm khoảng cách giữa đôi bên và do đó
làm giảm đi sự cảm thông, chia sẻ trong công việc.
Cho dù nỗi lo mất việc có thể là động lực thúc đẩy một nhân viên phải
làm việc nhiều hơn, tích cực hơn, nhưng đó luôn là những cố gắng trong
sự căng thẳng, nặng nề. Ngược lại, nếu một nhân viên nỗ lực làm việc do
nhận thức được mối quan hệ cùng có lợi giữa bản thân mình và người chủ
thuê, những cố gắng của anh ta sẽ được thực hiện trong một tâm trạng
thoải mái và dễ chịu hơn nhiều.
Ngược lại, người chủ thuê cũng luôn cảm nhận được những gì mà các nhân
viên của mình đang suy nghĩ. Vì thế, nếu ông ta xem việc cho thôi việc
như một biện pháp để thúc ép nhân viên của mình phải nỗ lực làm việc,
ông ta sẽ luôn cảm thấy căng thẳng trong mối quan hệ công việc. Còn nếu
ông ta có thể làm cho những nhân viên của mình phải cố gắng làm việc vì
lợi ích của chính họ, ông ta sẽ cảm nhận ngay được sự thoải mái và dễ
chịu hơn.
Khi mối quan hệ giữa những người đồng nghiệp được cải thiện, môi trường
làm việc chắc chắn sẽ được cải thiện hơn nhiều. Và khi mối quan hệ giữa
người trả lương với người nhận lương được cải thiện, chắc chắn là điều
kiện làm việc cũng sẽ được tốt hơn. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là bầu
không khí thân mật, cởi mở trong công việc sẽ thay thế cho sự căng
thẳng, dò xét lẫn nhau. Và trong bầu không khí đó, chắc chắn mỗi chúng
ta đều sẽ có được một tâm trạng thoải mái, dễ chịu hơn khi làm việc.
Tuy nhiên, những gì vừa nêu trên chưa phải là tất cả những nguyên nhân
làm cho chúng ta cảm thấy không hài lòng với công việc. Trong thực tế,
vấn đề còn liên quan đến nhiều yếu tố phức tạp hơn nữa, và rất nhiều
trong số những yếu tố này mang tính phổ quát đến nỗi hầu như tất cả
chúng ta đều phải đối mặt với chúng.
Yêu cầu chất lượng công việc ngày càng gia tăng là một thực tế dễ thấy
trong những năm gần đây. Ngay cả một số công việc trước đây vốn có thể
dành cho bất cứ lao động phổ thông nào thì ngày nay cũng đòi hỏi một
trình độ chuyên môn nhất định. Bởi vì khi nền kinh tế được phát triển,
mức sống được nâng cao, thì những chuẩn mực, yêu cầu trong cuộc sống tất
yếu cũng được nâng cao. Còn nhớ cách đây chỉ khoảng vài ba mươi năm, đa
số người dân xây dựng những căn nhà khác hẳn với bây giờ, bởi yêu cầu
chính chỉ là sự kiên cố, chắc chắn mà thôi. Ngày nay, người có thu nhập
trung bình cũng có khả năng xây dựng những căn nhà có chuẩn mực vượt xa
trước đây, chẳng hạn như tường gạch sơn nước hoặc dán gạch men, nền lát
gạch men sáng bóng... Không chỉ kiên cố mà còn phải xinh đẹp nữa! Vì
thế, người thợ xây dựng cũng phải có tay nghề cao hơn, phải làm việc
thận trọng hơn để có được những ngôi nhà đẹp hơn. Như vậy mới đáp ứng
được yêu cầu của người chủ thuê...
Hơn thế nữa, khối lượng công việc dành cho mỗi người trong thời đại công
nghiệp này cũng đang gia tăng rất nhanh. Thật là một nghịch lý khi với
sự hỗ trợ của máy móc, của phương tiện hiện đại nhưng con người lại phải
làm việc nhiều hơn và căng thẳng hơn trước đây. Bạn có thể không tin
điều này, nhưng sự thật đúng là như vậy. Nếu như người thư ký của một
doanh nghiệp trước đây phải ngồi hí hoáy ghi chép từng con số vào những
cuốn sổ lớn, thực hiện các phép tính ngay trên giấy hoặc bằng bàn tính,
nhưng vẫn còn rất nhiều thời gian để nghỉ ngơi và dành cho gia đình, con
cái, thì ngày nay khi tất cả công việc được thực hiện với máy điện toán,
máy in và hàng loạt các phương tiện lưu trữ thông tin hiện đại, dễ dàng
sử dụng để đối chiếu, so sánh hoặc copy, sửa chữa... nhưng một nhân viên
kế toán lại phải làm việc căng thẳng hơn nhiều so với những người đồng
nghiệp trước đây, đến mức hầu như không còn đủ thời gian để nghỉ ngơi và
quay về với gia đình. Đó là vì lượng thông tin mà anh ta phải xử lý đã
gia tăng với mức độ còn hơn cả sự tăng tốc của phương tiện. Một doanh
nghiệp ngày nay muốn tồn tại và phát triển phải mở rộng tầm hoạt động ra
khắp nước, thậm chí cả đến những nước ngoài, và do đó mà khối lượng công
việc tất nhiên phải gia tăng rất lớn.
Thực tế đang diễn ra trong xã hội công nghiệp phát triển ngày nay là tất
cả chúng ta đang ngày càng trở nên căng thẳng hơn vì phải luôn di chuyển
với tốc độ của những chiếc xe một trăm phân khối, phải làm việc với tốc
độ của những chiếc máy tính thế hệ mới, và chỉ được nghỉ ngơi thư giãn
đôi chút vào những ngày mất điện!
Sức lao động chân tay quả thật ngày nay đã được giảm nhẹ rất nhiều nhờ
có những phương tiện hiện đại, nhưng lao động trí óc lại gia tăng hơn
trước đây nhiều lần. Chúng ta không chỉ lao động trí óc trong giờ làm
việc, đôi khi chúng ta phải lao động trí óc cả trong giờ nghỉ ngơi, cả
khi về với gia đình, và đôi khi cả trong giấc ngủ. Và lao động trí óc
ngày nay không chỉ giới hạn như chuyên môn của một số người ngồi nơi bàn
giấy. Nhân viên bán hàng phải biết sử dụng máy tính tiền, máy đếm
tiền... người giúp việc nhà cũng phải học cách sử dụng một trăm lẻ một
loại máy móc gia dụng từ đơn giản đến phức tạp, từ máy giặt, máy xay
sinh tố, máy tắm nước nóng... cho đến ti-vi, đầu máy video, lò vi-ba,
máy xoa bóp... Tất cả những điều tương tự như thế luôn đòi hỏi người lao
động phải có những kiến thức chuyên môn nhất định, cũng như phải liên
tục học hỏi để bắt kịp những yêu cầu mới trong công việc.
Mặt khác, môi trường làm việc cũng căng thẳng hơn do yêu cầu và khối
lượng công việc gia tăng. Đó là một thực tế. Những người chủ thuê không
thể trả lương cho một số nhân viên nhiều hơn mức tối thiểu mà họ cho là
có thể chấp nhận được. Và trong số nhân viên giới hạn đó, khối lượng
công việc lại chẳng bao giờ được giới hạn mà cứ tăng dần theo thời gian.
Hơn thế nữa, trong điều kiện thị trường cạnh tranh, chất lượng công việc
cũng bắt buộc phải ngày càng hoàn thiện nếu không muốn bị khách hàng từ
chối. Vì thế, cho dù chúng ta đang làm bất cứ loại công việc nào cũng
đều phải liên tục học hỏi và rèn luyện để có thể làm tốt hơn, nhanh hơn
nữa. Và những điều đó tất yếu tạo ra sự căng thẳng.
Vì thế, chúng ta phải chấp nhận sự căng thẳng trong công việc như một
thực tế hiển nhiên. Điều may mắn là hệ quả của sự căng thẳng ấy như
những tâm trạng cáu gắt, bực tức, phiền muộn... lại là những điều mà
chúng ta hoàn toàn có thể từ chối không chấp nhận! Tuy nhiên, để làm
được điều đó chúng ta cần phải có những nhận thức đúng đắn nhất định
cũng như sự rèn luyện và tu dưỡng nội tâm, phát triển tinh thần theo
hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Đó chính là một trong những nội dung mà
chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi trong phần tiếp theo của tập sách này.
Một thực tế khác nữa là chúng ta không phải lúc nào cũng được thuận lợi
trong công việc. Điều tất yếu là sẽ có những công việc xuôi chèo mát
mái, nhưng cũng sẽ có không ít những công việc đầu xuôi đuôi chẳng lọt;
có những lúc chúng ta làm tốt được tất cả mọi việc, nhưng cũng có những
lúc ta liên tục phạm sai lầm... Ngoài ra, đôi khi chúng ta còn phải chấp
nhận những sự phân biệt đối xử không hợp lý hay những phán xét bất công
nào đó. Chẳng hạn, một công việc không được hoàn thành do sai lầm của
một bạn đồng nghiệp nào đó, nhưng bản thân ta lại phải nhận lãnh sự
trách mắng của cấp trên. Trong một trường hợp khác, có những bạn đồng
nghiệp được xét khen thưởng hoặc đề bạt thăng tiến, trong khi chúng ta
tự xét thấy mình có đầy đủ những điều kiện xứng đáng hơn nhưng lại không
được quan tâm đến... Tất cả những điều ấy thường luôn góp phần tạo ra
một tâm trạng thất vọng, một cảm giác nặng nề cho chúng ta trong khi làm
việc. Nhưng điều rất không may là ngay cả trong những tâm trạng như thế
thì chúng ta cũng vẫn phải làm việc đều đặn như bình thường!
Trong những trường hợp đó, để tìm được sự thanh thản trong công việc
thật không dễ dàng chút nào! Tuy vậy, điều tôi muốn chia sẻ cùng các bạn
trong những chương sách sau đây lại chính là khả năng thực hiện điều
không dễ dàng ấy. Và chỉ khi nào ta làm được như thế, ngay trong những
điều kiện bất lợi như thế, chúng ta mới có thể cảm nhận được thế nào là
những giọt mồ hôi thanh thản trong công việc!