Giọt mồ hôi thanh thản
Điểm giống nhau của tất cả mọi công việc trong xã hội là luôn đòi hỏi
chúng ta phải hoạt động, cho dù đó là sự hoạt động của trí não hoặc chân
tay, hoặc thậm chí là cả hai. Và vì hoạt động nên tất yếu chúng ta sẽ
phải mệt mỏi sau một thời gian làm việc. Như vậy, sự mệt mỏi ở từng mức
độ khác nhau là điều tất nhiên không sao tránh khỏi. Tuy nhiên, những
khuynh hướng tác động khác nhau của sự mệt mỏi khi làm việc đối với
trạng thái tinh thần, tình cảm của chúng ta lại có rất nhiều điều đáng
nói.
Có một khuynh hướng chung nhất mà hầu hết chúng ta đều xem là “tự
nhiên”. Đó là tâm trạng bực dọc, dễ cáu gắt khi mỏi mệt. Vì khuynh hướng
này được thấy ở đa số, nếu không muốn nói là hầu hết mọi người, nên điều
dễ hiểu là nó thường được xem như một khuynh hướng tự nhiên thuộc về bản
chất con người. Nhưng điều đó thật ra có đúng chăng?
Hãy thử đặt ra một câu hỏi: “Sự cáu gắt và bực dọc có giúp ta giảm bớt
mệt nhọc hay không?” Câu trả lời chắc chắn là không! Hơn thế nữa, nếu
nói một cách chính xác thì nó còn có phần làm tăng thêm mức độ mệt nhọc
hiện có trong lúc đó. Vậy điều gì đã khiến hầu hết chúng ta đều rơi vào
khuynh hướng vô lý này?
Trong thực tế, vẫn có một số người tỏ ra rất hiếm khi rơi vào khuynh
hướng này. Nổi bật trong số đó là những người làm công tác thiện nguyện
hay các hoạt động từ thiện xã hội. Trong những chuyến đi cứu trợ nạn lụt
miền Trung chẳng hạn, một vị nữ tu đã kể lại với tôi về đoạn đường đầy
gian khó để đến được những xóm làng heo hút, xa xôi, mang theo phẩm vật
cứu trợ bằng những phương tiện chuyên chở không mấy gì hiện đại. Sau
những đoạn đường như thế, hết thảy mọi người đều mệt nhoài. Tuy nhiên,
họ vẫn luôn nở những nụ cười rất tươi để có thể an ủi và xoa dịu nỗi đau
mất mát cho những người dân vùng lũ lụt.
Gần gũi hơn trong cuộc sống hằng ngày là những khi chúng ta tự nguyện
làm một điều gì để giúp đỡ ai đó, với một ý nghĩa nhất định nào đó.
Trong những trường hợp này, cho dù mệt nhọc đến đâu chúng ta cũng rất ít
khi rơi vào tâm trạng bực dọc hoặc cáu gắt. Vì sao vậy? Bởi vì chúng ta
luôn hiểu được ý nghĩa và mục đích của công việc đang làm, và chúng ta
biết rằng tâm trạng cáu gắt, bực dọc là đi ngược lại với ý nghĩa, mục
đích ấy. Khi đến giúp một người bạn thân lợp lại mái nhà chẳng hạn, cho
dù mệt nhọc bạn cũng không thể tỏ ra bực dọc hoặc cáu gắt.
Còn nhớ vào những năm khuynh hướng bao cấp còn tồn tại, mỗi lần đi mua
sắm ở các hợp tác xã hay cửa hàng mậu dịch quốc doanh, chúng ta ai cũng
thấy quen thuộc với khuôn mặt lạnh lùng hoặc cau có của những cô bán
hàng. Có cảm giác như họ luôn thấy phiền lòng mỗi khi có người đến mua
hàng và họ phải phục vụ. Đó là vì việc mua bán ấy hầu như không ảnh
hưởng gì đến tiền lương của họ, và bản thân họ lại chẳng hiểu gì về
những ý nghĩa thật có của công việc mà họ đang làm.
Ngược lại, ngày nay khi đi mua sắm, dù là ở siêu thị hay các gian hàng
bán lẻ, chúng ta luôn bắt gặp những nụ cười thân thiện, cởi mở và mời
gọi, cùng với những lời giải thích tận tình và vui vẻ của những cô bán
hàng. Đó là vì doanh số bán hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của
họ và họ luôn hiểu được những ý nghĩa của công việc đang làm. Hơn bao
giờ hết, tôn chỉ “khách hàng là thượng đế” đang được thực hiện ở khắp
mọi nơi trong các hoạt động thương mại cũng như dịch vụ.
Vấn đề có thể rút ra từ đây là, khi chúng ta hiểu rõ được mục đích, ý
nghĩa cũng như hiệu quả của công việc đang làm, chúng ta thường không
rơi vào trạng thái bực dọc hoặc dễ cáu gắt khi mệt nhọc. Nếu bạn thường
xuyên mang vẻ mặt đưa đám và buông ra những lời cáu gắt với khách hàng,
cơ sở kinh doanh của bạn sẽ có nhiều nguy cơ biến một nơi rất... rộng
rãi và yên tĩnh!
Dù vậy, rất nhiều người trong chúng ta tuy không cáu gắt với khách hàng
nhưng lại thường quay sang cáu gắt với đồng nghiệp hoặc nhân viên cấp
dưới vào những lúc mệt nhọc. Đó là vì cái khuynh hướng “bực dọc và cáu
gắt” của chúng ta vẫn nhất định phải tìm chỗ để... thoát ra. Và cũng bởi
vì chúng ta không nhận thức đúng về những ý nghĩa của công việc đang
làm.
Nếu chúng ta phân tích sâu vào ý nghĩa của công việc, chúng ta sẽ thấy
rằng không chỉ “khách hàng là thượng đế” mà ngay cả những đồng nghiệp,
những người cộng sự quanh ta, thậm chí những nhân viên cấp dưới của ta
cũng đều là thượng đế! Vì sao vậy? Vì trong khi khách hàng là người trực
tiếp mang lợi nhuận đến cho chúng ta thì chính những người đồng nghiệp,
những người cộng sự, cho đến những nhân viên cấp dưới của ta đều là
những người đang cùng ta góp phần làm ra lợi nhuận. Nếu hiểu được điều
này, chúng ta chắc chắn sẽ không thể cau mày gắt gỏng với họ, bởi vì
thật ra họ cũng rất cần được trân trọng không kém những khách hàng.
Trong thực tế, những người kinh doanh giỏi thường cũng là những người
biết cư xử hòa hợp và chiếm được cảm tình của hầu hết những người được
tiếp xúc với họ.
Vì thế, chúng ta có thể kiềm chế tâm trạng bực dọc và dễ cáu gắt vào
những lúc mệt nhọc bằng cách phân tích để thấy rằng những người quanh ta
không có ai đáng là đối tượng của tâm trạng ấy. Tuy nhiên, để giải tỏa
hoàn toàn tâm trạng tiêu cực này, chúng ta cần tự mình đặt ra và trả lời
câu hỏi: “Liệu tâm trạng bực dọc và cáu gắt có giúp làm giảm bớt sự mệt
nhọc của ta hay không?”
Khi tự mình trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ nhận ra ngay rằng tâm trạng
bực dọc và cáu gắt hoàn toàn không giúp gì được cho chúng ta trong việc
làm giảm bớt sự mệt nhọc. Ngược lại, một phần lớn năng lượng tinh thần
sẽ bị mất đi bởi tâm trạng tiêu cực này, và vì thế mà chúng ta sẽ càng
cảm thấy mệt nhọc hơn. Trong những trường hợp mà sự bực dọc và cáu gắt
của chúng ta được biểu lộ ra thành hành động và lời nói thì không chỉ là
năng lượng tinh thần, mà còn có cả một phần lớn năng lượng thể chất cũng
sẽ bị tiêu hao. Hậu quả tất nhiên là sức lực của chúng ta sẽ càng thêm
cạn kiệt.
Ngay khi chúng ta nhận ra được tính chất vô lý của khuynh hướng bực dọc
và cáu gắt, tâm trạng tiêu cực này sẽ lập tức được giải tỏa, và chúng ta
sẽ lấy lại được một nguồn năng lượng tinh thần mạnh mẽ có thể giúp ta
nhanh chóng hồi phục sức lực đã mất đi qua thời gian làm việc.
Khuynh hướng bực dọc và cáu gắt khi mệt nhọc vốn chỉ là một kiểu thói
quen xấu mà chúng ta đã vô tình mắc phải. Trong thực tế, việc nhận thức
đúng về những ý nghĩa thật có của công việc – như đã thảo luận trong một
phần trước – không chỉ giúp chúng ta loại trừ được thói quen xấu này mà
còn có thể giúp chúng ta tìm được niềm vui trong công việc. Và niềm vui
trong công việc luôn giúp ta giảm nhẹ sự mệt nhọc ngay cả trong những
hoàn cảnh căng thẳng nhất.
Mặt khác, khi chúng ta loại bỏ được khuynh hướng bực dọc và cáu gắt,
những người quanh ta chắc chắn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và dễ gần gũi với
ta hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho những quan hệ tình cảm trong môi
trường làm việc dễ dàng nảy nở và gắn bó ngày càng bền chặt hơn. Đây
cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm cho môi
trường làm việc của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, thoải mái hơn và mang
lại nhiều niềm vui hơn.
Thử tưởng tượng khi trên đường đi đến sở làm bạn luôn có thể hình dung
ra sự chào đón nồng nhiệt và vui vẻ của các bạn đồng nghiệp, những nụ
cười rất tươi khi gặp nhau và chào hỏi, những câu chuyện đầy cảm thông
và chia sẻ vào những giờ nghỉ giải lao... Tất cả những điều đó luôn góp
phần làm vơi đi sự mệt nhọc của bạn trong công việc. Và vì thế, ngay cả
trong những lúc phải làm việc rất căng bạn vẫn có thể tìm thấy cho mình
một niềm vui thanh thản trong công việc.
Sự mệt nhọc sau những giờ làm việc là điều không sao tránh khỏi. Thậm
chí có những khi công việc phát triển thuận lợi chúng ta lại càng phải
làm việc nhiều hơn, căng thẳng hơn do khối lượng công việc gia tăng, và
vì thế mà cũng chắc chắn là sẽ mệt nhọc hơn. Những giọt mồ hôi đổ ra
trong công việc là điều tất nhiên, thậm chí còn là niềm tự hào chính
đáng của chúng ta về những đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, nếu chúng ta
biết loại bỏ những tâm trạng và cảm xúc tiêu cực thì chắc chắn là những
giọt mồ hôi ấy sẽ chỉ nhỏ xuống trong niềm vui và sự thanh thản mà không
phải là sự bực dọc hay cáu gắt.