Một trong những quyết định quan trọng đầu tiên của cuộc đời chúng ta có
lẽ là quyết định chọn lựa nghề nghiệp. Một số trong chúng ta có đủ may
mắn để quyết định chọn lựa nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi ghế nhà
trường, và được tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn. Một số khác
kém may mắn hơn, đôi khi phải thay đổi công việc nhiều lần hoặc phải làm
những công việc mà mình không thực sự chọn lựa. Mặc dù vậy, quyết định
chọn lựa nghề nghiệp của chúng ta bao giờ cũng có một ý nghĩa vô cùng
quan trọng, vì cho dù thực tế có diễn ra như thế nào đi nữa thì nó vẫn
luôn góp phần định hướng cho cả cuộc đời ta.
Chúng ta đã có dịp đề cập đến ý nghĩa và giá trị thực sự của công việc,
qua đó thấy rằng không nên xem một nghề nghiệp là thấp hèn hoặc cao quý,
bởi vì sự thấp hèn hay cao quý không phải là giá trị tự thân của nghề
nghiệp mà chính là giá trị do mỗi người tạo ra qua công việc của mình.
Tuy vậy, chúng ta cũng không phủ nhận sự khác biệt nhất định của những
nghề nghiệp khác nhau trong việc phụng sự con người. Có những nghề
nghiệp cho phép ta trực tiếp giúp đỡ và tạo được ảnh hưởng tốt đến rất
nhiều người, chẳng hạn như các thầy cô giáo, các y bác sĩ... Tất nhiên
là những người làm các công việc này rất xứng đáng nhận được sự kính
trọng và biết ơn của xã hội.
Nhưng sự thật là không phải ai cũng có thể chọn làm những nghề nghiệp
như vậy. Và những người không theo đuổi được những nghề nghiệp như thế
cũng không thể xem là không tốt. Đây chỉ là vấn đề năng lực khác nhau
của mỗi người mà thôi. Có những người tốt nhưng không đủ năng lực để làm
những nghề nghiệp tốt, ngược lại cũng có những người làm nghề nghiệp tốt
nhưng chưa hẳn đã có nhân cách tốt. Bởi vậy, nghề nghiệp tốt và con
người tốt có thể xem là hai vấn đề khác nhau.
Sự chọn lựa nghề nghiệp của chúng ta phải phụ thuộc vào năng lực bản
thân, đó là điều tất nhiên. Bạn có thể rất ngưỡng mộ những người làm
thầy thuốc và ao ước bản thân mình là một thầy thuốc. Nhưng nhiệt tình
và lòng tốt của bạn chưa đủ để cho phép bạn trở thành thầy thuốc. Bạn
cần phải có đủ khả năng thi đậu vào trường y, phải học tập tốt và chứng
tỏ được năng lực của mình trong thời gian thực tập. Không có những điều
kiện ấy, bạn không thể trở thành một thầy thuốc!
Vì thế, cho dù chúng ta phải chấp nhận những giới hạn của năng lực bản
thân trong việc chọn lựa cho mình một nghề nghiệp, nhưng ngay trong phạm
vi của những giới hạn đó chúng ta vẫn có khả năng chọn lựa cho mình một
nghề nghiệp có thể mang lại lợi ích cho nhiều người khác.
Chọn lựa một nghề nghiệp sao cho vừa có thể nuôi sống bản thân và gia
đình, lại vừa có thể góp phần giúp ích cho xã hội, mang lại lợi ích cho
nhiều người khác, đó chính là khuynh hướng mà trong đạo Phật gọi là
Chánh mạng.
[7]
Khi chúng ta chọn lựa một nghề nghiệp chân chánh để nuôi sống bản thân
và gia đình, chúng ta cũng đồng thời nuôi dưỡng được những giá trị tinh
thần trong đời sống. Điều này rất quan trọng, bởi vì chúng ta không chỉ
sống bằng những giá trị vật chất mà luôn cần đến những giá trị tinh thần
để có một cuộc sống thực sự an vui, hạnh phúc.
Cho dù là mọi nghề nghiệp xét cho cùng đều có những đóng góp xây dựng
cho xã hội – trừ ra những nghề bất chánh vốn không được xã hội thừa nhận
– nhưng chúng ta vẫn luôn có khả năng chọn lựa trong sự cân đối giữa lợi
nhuận và ý nghĩa phục vụ người khác. Khi công việc của bạn mang lại lợi
nhuận rất cao nhưng ít có ý nghĩa phục vụ người khác, bạn sẽ không nhận
được nhiều giá trị tinh thần hơn so với một công việc tuy mang lại lợi
nhuận thấp hơn nhưng có ý nghĩa phục vụ lợi ích cho nhiều người hơn.
Chúng ta sẽ lấy ví dụ từ sự chọn lựa trong cùng một công việc để làm rõ
hơn ý nghĩa này.
Khi bạn mở một cửa hàng bán lẻ chẳng hạn, bạn có khả năng chọn lựa các
mặt hàng để bày bán. Một số mặt hàng chất lượng kém có giá rất rẻ và
hiện đang được tiêu thụ mạnh, có thể mang lại cho bạn nhiều lợi nhuận,
nhưng bạn biết chắc là người tiêu dùng sẽ gặp nhiều rắc rối sau một thời
gian sử dụng, và do đó bạn quyết định không bán những mặt hàng này. Một
số mặt hàng khác có giá bán cao hơn, với chất lượng tốt hơn nhưng chưa
được người tiêu dùng biết đến, vì thế doanh số bán ra còn rất giới hạn.
Mặc dù khi chọn bán các mặt hàng này bạn biết chắc là sẽ không thu được
nhiều lợi nhuận, nhưng bạn đã cân nhắc đến lợi ích của người mua hàng và
thấy là nên bán những mặt hàng này.
Trong trường hợp trên, bạn có hai chọn lựa khác nhau, dẫn đến sự cân đối
khác nhau giữa lợi nhuận thu được và ý nghĩa phục vụ người khác. Trong
hầu hết các trường hợp khác, bạn cũng sẽ có được khả năng chọn lựa tương
tự như thế.
Khi chúng ta luôn nghĩ đến lợi ích của người khác trong khi thực hiện
công việc của mình, nghề nghiệp của chúng ta sẽ được xem là chân chánh,
và luôn có khuynh hướng nâng cao thêm các giá trị tinh thần vốn có của
bản thân ta. Ngược lại, khi chúng ta luôn có khuynh hướng chạy theo lợi
nhuận và bất chấp lợi ích của người khác, chúng ta sẽ hạ thấp giá trị
của công việc đang làm, và cũng đồng thời đánh mất đi những giá trị tinh
thần vốn có của bản thân.
Có thể diễn đạt điều này một cách hình tượng hơn là giống như khi chúng
ta chọn lựa giữa việc chuẩn bị cho một bữa ăn và giấc ngủ. Khi bạn chọn
ăn nhiều hơn, bạn sẽ khó lòng có được một giấc ngủ ngon. Ngược lại, bạn
có thể ăn ít hơn đôi chút nhưng lại có được một giấc ngủ rất ngon. Đó là
khi bạn biết chắc rằng công việc mình đang làm sẽ mang lại lợi ích cho
rất nhiều người khác.