LỜI NÓI ĐẦU
Cuộc sống quanh ta luôn có biết bao điều trái ý. Trong đời sống vật chất
cũng như tinh thần, mỗi một sự việc xảy đến cho ta đều phụ thuộc vào vô
số những nguyên nhân đến từ bên ngoài, và rất nhiều trong số những
nguyên nhân ấy lại chẳng bao giờ nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Vì thế, chúng ta không bao giờ có thể nói chắc được rằng một sự việc nào
đó rồi có diễn ra theo đúng ý muốn của mình hay không. Hơn thế nữa, khả
năng bất như ý lại dường như luôn chiếm một tỷ lệ lớn hơn nhiều so với
những trường hợp xuôi chèo mát mái.
Nhưng có một vấn đề mà có lẽ chúng ta ai cũng phải thừa nhận là, trong
hầu hết các trường hợp trái ý thì những thương tổn về mặt vật chất đối
với ta thường không quan trọng bằng sự tổn thương về mặt tinh thần, tình
cảm. Khi bạn hỏng thi vào đại học chẳng hạn, vấn đề quan trọng hơn đối
với bạn không phải là việc phải mất thêm một năm học lại, mà chính là
những áp lực tâm lý nặng nề trước sự thất vọng của gia đình và những mặc
cảm thua kém bè bạn. Chính những trạng thái tinh thần tiêu cực này mới
là nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự khổ đau, dằn vặt trong những trường
hợp trái ý mà chúng ta gặp phải. Và cũng chính những hệ quả tinh thần
này mới tồn tại lâu dài, đeo bám chúng ta một cách dai dẳng, ngay cả khi
mọi hệ quả về mặt vật chất có thể đã được giải quyết xong.
Hầu hết những quy luật tự nhiên quanh ta cũng diễn ra theo hướng ngược
lại với lòng mong muốn. Không ai muốn chết đi, nhưng rồi mọi người đều
phải chết. Ai cũng muốn được mãi mãi trẻ đẹp, tráng kiện, nhưng rồi mọi
người ai cũng phải già yếu đi. Ai cũng muốn được khỏe mạnh, nhưng rồi
mọi người không ai thoát khỏi bệnh tật. Không ai muốn bị chia cách vĩnh
viễn với những người thân yêu, nhưng rồi theo thời gian những người thân
quanh ta cứ lần lượt ra đi mãi mãi... Tất cả những điều ấy đều là nguyên
nhân dẫn đến những tâm trạng khổ đau trong đời sống.
Đạo Phật nhìn nhận sự thật này ở một tầm vóc lớn lao và toàn diện hơn
nhiều so với những gì mà chúng ta thường gặp phải và nhận biết trong
từng giai đoạn của đời sống. Mỗi người chúng ta thường chỉ nhận biết
được một số những khía cạnh nhất định nào đó mà chúng ta cho là khổ đau,
và vẫn không ngừng đắm say trong vô số những niềm vui nhỏ nhặt, những sự
đam mê không tồn tại dài lâu mà chúng ta lại cho là ý nghĩa của đời
sống... Nhưng từ xa xưa đức Phật đã nhìn thấy rõ bản chất thực sự của
đời sống vốn hoàn toàn không giống như hầu hết chúng ta lầm tưởng. Ngài
dạy rằng: Toàn bộ đời sống của chúng ta, hay nói rộng hơn là toàn bộ đời
sống của mọi chúng sinh trong cõi thế giới mà ta đang sống, đều được cấu
thành bởi vô số sự chịu đựng những điều bất như ý, những nguyên nhân dẫn
đến khổ đau.
Và vì thế, đức Phật đã gọi tên thế giới này là thế giới Ta-bà. Danh từ
này được phiên âm từ tiếng Phạn Sahā, có nghĩa là “kham nhẫn”, và được
người Trung Hoa dịch là Nhẫn độ: thế giới của sự nhẫn chịu.
Mặc dù vậy, cách nhìn nhận này hoàn toàn không mang ý nghĩa bi quan, cam
chịu như nhiều người thường lầm tưởng. Đây chỉ là một cách nhìn nhận
khách quan và thực tiễn, chỉ ra một sự thật mà không ai có thể phủ nhận
được. Và tự thân của một nhận thức như vậy không thể hàm chứa ý nghĩa bi
quan hay lạc quan. Vấn đề là chúng ta chọn cách ứng xử, đối phó với hoàn
cảnh theo cách như thế nào, điều đó mới nói lên ý nghĩa tích cực hay
tiêu cực trong quan điểm sống của mỗi người. Và một trong những phương
pháp đối trị tích cực với những khổ đau trong đời sống này đã được đức
Phật chỉ dạy từ cách đây hơn 25 thế kỷ chính là việc tu tập, thực hành
hạnh nhẫn nhục.
Nói đến nhẫn nhục, nhiều người thường nghĩ ngay đến thái độ chịu đựng,
chấp nhận một tình huống trái ý nào đó mà không phản kháng, hoặc thậm
chí là không tránh né. Một số người khác hiểu nhẫn nhục một cách nôm na
là nhịn nhục, chấp nhận bỏ qua những sự xúc phạm hoặc khiêu khích của
người khác đối với mình mà không phản ứng đáp trả hoặc bực tức. Những
cách hiểu như vậy thật ra cũng không hoàn toàn là sai trái, và trong rất
nhiều trường hợp cũng có thể được xem là cách chọn lựa sáng suốt trong
ứng xử, giúp chúng ta tránh được nhiều sự tranh chấp, đối đầu không cần
thiết. Tuy nhiên, như đã nói, khái niệm nhẫn nhục vốn là một thuật ngữ
xuất phát từ kinh điển Phật giáo, và do đó nó mang một số những nét
nghĩa đặc biệt rộng hơn nhiều so với khi được dùng trong ngôn ngữ thông
thường. Và thật ra, chỉ khi được hiểu đúng và đầy đủ như trong tinh thần
Phật giáo thì nhẫn nhục mới thực sự là một phẩm chất tích cực, một đức
tính cao cả, và mới có thể phát huy tối đa những công năng chuyển hóa và
hàn gắn mọi khổ đau trong đời sống.
Chúng ta không có một danh từ tiếng Việt nào tương đương để có thể diễn
đạt được trọn vẹn ý nghĩa của danh từ Ksanti (Sàn-đề) trong tiếng Phạn
(Sanskrit). Các nhà dịch kinh Trung Hoa xưa kia đã dùng hai chữ nhẫn
nhục để chuyển dịch, nhưng đồng thời họ cũng phải giảng giải mở rộng
thêm ý nghĩa của danh từ này hơn nhiều so với cách hiểu thông thường. Do
có sự lúng túng này, đôi khi họ cũng thay bằng những danh từ khác như an
nhẫn, nhẫn nại, hoặc trong nhiều trường hợp khác chỉ dùng riêng một chữ
nhẫn mà thôi. Người Việt chúng ta đã mượn trực tiếp từ chữ Hán và đọc
theo âm Hán-Việt là nhẫn nhục. Danh từ này đã trở thành quen thuộc với
hầu hết người Việt, nhưng điều đó không có nghĩa là ai cũng có thể hiểu
được nó theo đúng ý nghĩa được dùng khi muốn diễn đạt khái niệm Ksanti
trong tiếng Phạn. Thông thường, nhẫn được hiểu là nhịn, và cách hiểu như
vậy là rất giới hạn nếu không muốn nói là quá hẹp.
Nhưng chúng ta sẽ tạm dừng ở đây mà không đi sâu vào sự rối rắm của từ
ngữ, vì xét cho cùng thì tất cả mọi khái niệm cũng đều có những giới hạn
nhất định của nó. Vấn đề mà chúng ta sẽ bàn đến trong tập sách này là
những cách hiểu và thực hành đúng đắn hạnh nhẫn nhục theo lời Phật dạy.
Có thể sẽ có những khác biệt nhất định so với cách hiểu thông thường của
đa số chúng ta trong đời thường, nhưng tôi tin rằng những khác biệt ấy
là cần thiết phải nêu ra để có thể đạt đến những lợi ích thiết thực và
lớn lao trong sự thực hành.
Tên gọi bao giờ cũng chỉ là tên gọi, và vì thế đó không phải là điều
chúng ta cần chú ý. Vấn đề quan trọng nhất bao giờ cũng chính là những
kết quả có được từ sự hiểu biết và thực hành. Mọi sự thuyết giảng, lý
giải, cho dù có tỏ ra uyên bác đến đâu, cầu kỳ hoa mỹ đến đâu, nhưng nếu
không giúp gì được cho sự thực hành trong cuộc sống thì chắc chắn cũng
không thể mang lại chút lợi ích thực tiễn nào. Điều đó cũng tương tự như
những bông hoa bằng vải hoặc bằng nhựa được bày bán rất hấp dẫn trong
các cửa hàng. Chúng chỉ có thể để dùng vào mục đích trang trí, chưng
bày, và cho dù bạn có cất công chờ đợi bao lâu đi chăng nữa cũng chẳng
bao giờ có thể nhìn thấy chúng kết quả, tạo hạt!
Những bông hoa quý giá và thực sự có ích là những bông hoa có thể tỏa
hương thơm, phô bày vẻ đẹp, nhưng đồng thời cũng có thể kết quả, tạo
hạt, nghĩa là mang đến cho chúng ta những lợi ích thiết thực và lớn lao.
Hạnh nhẫn nhục mà tôi muốn trình bày với bạn đọc trong tập sách này là
một bông hoa như thế, với tất cả những vẻ đẹp tinh thần cao quý có khả
năng cảm phục và chuyển hóa mọi người quanh ta, với tất cả những hương
thơm đức hạnh mà bất cứ ai khi tiếp xúc cũng đều phải mến mộ, kính
ngưỡng, và với tất cả hạt giống lành được kết tụ sẽ luôn mang lại cho
chúng ta vô số những lợi ích lớn lao trong đời sống hôm nay và mai sau.
Vì tất cả những phẩm chất cao cả và tốt đẹp ấy nên tôi muốn gọi tên đó
là hoa nhẫn nhục.
Những gì được trình bày sau đây ngoài những gì được ghi chép trong kinh
điển còn có cả phần mô tả chủ quan từ cảm nhận của người viết khi ngắm
nhìn đóa hoa nhẫn nhục trong đời sống. Và như đã nói, người viết chỉ
quan tâm đến những gì thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống,
nên mọi ý tưởng dù cao siêu, sâu sắc đến đâu cũng cần phải diễn đạt theo
cách sao cho mọi người đều có thể tiếp nhận được. Một sự cố gắng như thế
không phải là việc dễ dàng, và chắc chắn không thể tránh khỏi ít nhiều
sự sai sót, lệch lạc. Mong rằng độc giả sẽ có thể xem những gì trình bày
trong sách này như một sự chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sống hơn là một
sự tỏ bày quan điểm hay thuyết giảng giáo lý. Vì thế, mọi ý kiến đóng
góp, xây dựng đều sẽ được người viết hoan nghênh và đón nhận với lòng
biết ơn sâu sắc nhất.
Trong vườn hoa đức hạnh, chúng ta đã nghe biết nhiều đến những loài hoa
quý như hoa từ bi, hoa trí tuệ... Thật ra, những phẩm chất cao quý ấy
cũng có thể được nhận biết trong loài hoa nhẫn nhục mà chúng ta sẽ chiêm
ngưỡng hôm nay. Vì thế, một khi ta chịu bỏ công vun xới, gieo trồng một
trong các loài hoa quý, chúng ta sẽ có thể thông qua đó mà nhận biết
được phẩm chất của những loài hoa khác. Mong sao mỗi người trong chúng
ta đều tự mình gieo trồng và chiêm ngưỡng, nâng niu những loài hoa quý
ấy để có thể cảm nhận được phẩm chất tuyệt vời mà không một loài hoa thế
gian nào có được, như sự mô tả của kệ ngôn số 54 trong kinh Pháp cú:
Hương các loại hoa thơm,
Không ngược bay chiều gió.
Chỉ hương người đức hạnh,
Ngược gió khắp tung bay.
Hương thơm đức hạnh là loại hương thơm duy nhất có thể ngược bay chiều
gió, lan tỏa khắp quanh ta; và cũng là loại hương thơm duy hhất không
chỉ mang đến sự thỏa mãn cho khứu giác mà còn đem lại sự an vui, hạnh
phúc cho bản thân ta cũng như tất cả mọi người. Và một trong những
phương cách để được tận hưởng loại hương thơm nhiệm mầu kỳ diệu ấy là
chúng ta hãy sớm cùng nhau gieo trồng trong tâm mình loài hoa nhẫn nhục.
Nhưng trước hết, ngay bây giờ đây, với tất cả sự trân trọng, thành kính
và thân thiết, xin mời bạn đọc hãy cùng tôi bước vào khu vườn nhỏ để
chiêm ngưỡng loài hoa ấy: loài hoa mang tên Hoa nhẫn nhục!
Mùa Phật đản 2551 (2007)
Trân trọng,
Nguyên Minh