Đối diện nỗi khổ niềm đau
Chúng ta không chỉ bực tức, khó chịu vì những gì người khác gây ra cho
ta. Còn có vô số những sự việc bất như ý ta phải chịu đựng trong đời
sống mà hầu như chẳng do ai gây ra cả! Bệnh tật hành hạ, thời tiết khắc
nghiệt, vĩnh viễn xa lìa người thân yêu khi người ấy chết đi... Đó là
những việc có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong đời sống, và ta chỉ có thể
chấp nhận mà không thể đổ lỗi cho bất cứ ai. Ai gây ra bệnh tật? Ai làm
cho thời tiết nóng bức hay rét buốt? Ai làm cho ta người thân ta phải
chết?... Tất cả đều không có câu trả lời, và vì thế ta cũng không có ai
để quy trách, giận dữ. Nhưng không phải vì thế mà ta có thể tránh né
được những nỗi khổ đau này.
Những khổ đau như vậy là rất nhiều trong cuộc sống. Nếu chúng ta không
có một phương cách gì để đối trị với chúng thì cuộc sống của ta sẽ chỉ
là một chuỗi nối tiếp những khổ đau mà không còn có chút ý nghĩa gì. May
thay, sự thật không phải là như thế. Bởi vì sự hiện hữu của khổ đau là
không thể phủ nhận, nhưng sự tiếp nhận những khổ đau ấy như thế nào lại
hoàn toàn tùy thuộc vào sự nhận thức và tu dưỡng của mỗi chúng ta.
Trong thực tế, hầu hết những trạng thái tinh thần của chúng ta được tạo
ra bởi thói quen hay sự huân tập lâu đời. Chẳng hạn, có những người từ
nhỏ không thích chuột vì lý do nào đó, và rồi họ ghét chuột cho đến suốt
đời. Cứ mỗi lần nhìn thấy chuột là họ kinh tởm, giận dữ hoặc khiếp sợ.
Sự giận dữ hay khiếp sợ đó không đến từ những con chuột – bằng chứng là
có những người khác không ghét chuột – mà xuất hiện từ chính thói quen
lâu ngày của người ấy.
Cũng vậy, chúng ta từ lâu đã quen tránh né, trốn chạy những cảm giác khó
chịu hay đau đớn. Chúng ta không ưa thích những cảm giác ấy, và mỗi khi
chúng xuất hiện thì trong lòng ta khó chịu, bực tức, chỉ mong sao cho
chúng chấm dứt càng sớm càng tốt. Nếu phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy
rằng chính tâm trạng không ưa thích, bực tức và mong muốn sự chấm dứt
mới là vấn đề, còn bản thân những cảm giác khó chịu hoặc đau đớn tự nó
không phải là điều gây khó chịu quá nhiều cho ta. Nhưng từ lâu ta vẫn
quen xem cả hai yếu tố này là một nên không thể nhận ra được nguyên nhân
thực sự của vấn đề.
Tôi còn nhớ vào những năm cuối thập niên 1970, khi sống trong căn nhà
tranh đơn sơ dựng lên giữa khu đất rừng mới khai hoang, tôi thường xuyên
phải “gặp gỡ” những con vật không lấy gì làm thân thiện như rắn, rết, bò
cạp... Sau mỗi cơn mưa, chúng thường tìm vào “ẩn náu” trong nhà vì có
nhiều chỗ khô ráo. Mỗi khi lấy quần áo để thay hoặc đưa tay mở cánh cửa
liếp, bạn đều có thể nhìn thấy chúng ẩn nấp ở đâu đó...
Lần đầu tiên tôi bị bò cạp chích là một kinh nghiệm không lấy gì làm tốt
đẹp. Khi vừa đưa tay chạm đến chiếc áo mắc trên vách tre, tôi có cảm
giác một mũi kim sắc nhọn nhỏ xíu vừa đâm vào tay mình, và ngay sau đó
là một cảm giác nhức nhối cực kỳ khó tả. Cơn đau lan nhanh như một dòng
điện chạy rần rần trong cánh tay, và tôi nghe dưới nách nổi lên ngay một
hạch lớn. Rồi cả cánh tay tôi sưng nhức, một lúc sau lại chuyển sang tê
rần, rồi lại nhức nhối... Những cảm giác hết sức khó chịu ấy liên tiếp
thay nhau với cường độ càng lúc càng dữ dội hơn. Tôi nhắm nghiền mắt
lại, cắn răng chịu đựng và có cảm giác vết chích nơi bàn tay tôi đang
ngày càng sưng to, căng phồng đến mức như sắp vỡ tung...
Thật ra thì nơi vết chích chỉ hơi sưng đỏ lên đôi chút thôi. Nhưng nọc
độc của con vật tạo cảm giác đau nhức làm cho tôi khó chịu cực kỳ. Suốt
đêm hôm đó, tôi nằm trăn trở, rên rỉ, không chợp mắt được chút nào. Đầu
óc tôi không còn một ý nghĩ nào khác hơn là cảm giác về cơn đau nhức
đang hoành hành. Tôi giận dữ, bực tức, đau đớn, khó chịu... đầu óc chỉ
tràn ngập những cảm giác khó chịu về cơn đau mà không còn nghĩ đến gì
khác, tưởng như ngay trong ngày mai tôi sẽ cuốn gói rời khỏi vùng đất
khốn nạn này!
Nhưng rồi cho đến khi gần sáng thì cơn đau nhức dịu đi và tôi thiếp ngủ
được đôi chút. Thức dậy, tôi có cảm giác cơn đau nhức vẫn còn đó nhưng
không dữ dội như hôm trước. Tôi quan sát vết chích trên tay và thấy đã
hơi bớt sưng, để lại một quầng thâm bao quanh một chấm đen nhỏ. Rồi đến
chiều thì cơn đau nhức dường như mất hẳn. Tôi tự nhủ: “Ừ, thế thì cũng
chẳng có gì ghê gớm lắm.”
Khỏi nói chắc bạn đọc cũng biết là về sau tôi vẫn thường xuyên bị bò cạp
chích, vì biết làm sao tránh được những con vật bé nhỏ này khi thói quen
kỳ lạ của chúng là rất hay chui vào quần áo mắc trên vách tre hay vất
trên giường nằm. Có lẽ chúng thích hơi người, tôi nghĩ vậy. Nhưng những
cơn đau nhức về sau được tôi chấp nhận với một ý thức tỉnh táo hơn. Tôi
quan sát chúng, cảm nhận chúng và làm quen với chúng. Sự thật là chúng
đã dần dần trở nên “dễ chịu” hơn, và tôi không thấy “ngán sợ” chúng như
ban đầu nữa.
Mọi trạng thái tinh thần của chúng ta đều là do thói quen, cũng tương tự
như thế. Khi bạn chấp nhận đối diện với một cảm giác đau đớn nào đó, rồi
bạn sẽ thấy nó thật ra cũng chẳng có gì ghê gớm lắm. Và nếu có những lần
thứ hai, thứ ba... bạn sẽ thấy rõ là trạng thái tinh thần của bạn bao
giờ cũng thay đổi theo cách ngày càng dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn e sợ hoặc chán ghét một cảm giác nào đó và cố tìm
cách tránh né để không phải chịu đựng nó, sự chán ghét của bạn sẽ làm
cho trạng thái tinh thần khi chịu đựng cảm giác ấy mãi mãi khó chịu.
Tiến trình quen dần đi với cảm giác khó chịu đó xem như bị ngăn chặn bởi
ý thức tránh né của bạn.
Lần sắp tới đây, khi bạn có một cảm giác đau đớn nào đó, do thương tích,
hoặc do côn trùng cắn chích, hoặc đơn giản hơn nữa là mỏi mệt rã rời sau
một ngày làm việc quá sức chẳng hạn... bạn hãy thử qua kinh nghiệm mà
tôi trình bày ở đây.
Khi nhận biết cảm giác đau nhức hoặc mỏi mệt đang hiện hữu trong cơ thể
mình, bạn hãy thở vào một hơi thật sâu, dừng lại một chút để tâm ý được
tĩnh lặng phần nào, và sau đó hãy nhủ thầm với chính mình: “Có một cảm
giác đau nhức, khó chịu trong thân thể tôi. Tôi không thể và cũng không
cần thiết phải tránh né nó. Tôi sẽ chấp nhận nó, bởi vì rồi nó sẽ qua
đi, không thể tồn tại mãi mãi. Tôi không có gì phải e sợ nó cả. Mặc dù
tôi không mong muốn nó, nhưng sự có mặt của nó là một sự thật và tôi sẵn
sàng chấp nhận sự thật đó.”
Khi bạn tự nhủ, hoặc chỉ cần nghĩ thầm trong đầu những ý tưởng như thế,
mọi sự bực dọc, khó chịu sẽ tan biến dần đi. Bạn sẽ cảm nhận cơn đau một
cách bình thản hơn, và chắc chắn bạn sẽ thấy rằng nó thật ra cũng không
quá khó chịu như bạn tưởng.
Khi còn nhỏ tôi đã từng nhìn thấy những đứa trẻ ở quê tôi chạy chơi
ngoài đồng trống. Chúng vấp ngã rồi đứng dậy, chạy chơi tiếp với bạn bè,
ngay cả khi chân tay chúng trầy trụa, rướm máu. Những đứa trẻ ấy đã quen
với cảm giác đau khi té ngã, trầy xước, vì điều đó xảy ra mỗi ngày với
chúng. Vì thế, chúng không hề khóc lóc, rên la hay khó chịu. Không có ai
chăm sóc cho chúng sau mỗi lần vấp ngã. Cha mẹ chúng bận công việc đồng
áng và chỉ trở về nhà khi mặt trời đã đứng bóng hoặc lúc nhá nhem tối.
Chúng phải tự chăm sóc bản thân mình, và vì thế chúng phải làm quen với
những tổn thương nho nhỏ mỗi ngày như thế.
Điều đó thật hoàn toàn khác biệt với những đứa trẻ con thành thị ngày
nay được chăm sóc và bảo vệ trong môi trường tốt hơn. Khi tay chân trầy
xước, chảy máu, chúng luôn được rửa sạch, bôi thuốc sát trùng và băng
lại. Tôi không có ý nói rằng sự chăm sóc kỹ lưỡng như thế là có gì không
tốt, nhưng chỉ muốn nói đến sự khác biệt giữa hai đứa trẻ trong hai môi
trường chăm sóc khác nhau này là chúng thường chịu đựng cảm giác đau đớn
với hai tâm trạng hoàn toàn khác nhau.
Chúng ta cũng không khác gì những đứa trẻ ấy. Khi lần đầu tiên trải qua
một cảm giác đau đớn nào đó, nếu bạn chịu đối diện và chấp nhận cảm giác
đau đớn ấy với một tâm trạng thản nhiên và dẹp bỏ mọi sự bực tức, giận
dữ theo khuynh hướng thông thường, bạn sẽ thấy là khi cơn đau trôi qua
bạn đã tăng thêm sức chịu đựng rất nhiều đối với nó. Lần thứ hai hoặc
thứ ba, khi bạn phải chịu đựng một cơn đau tương tự thì bạn sẽ thực sự
“quen biết” nó nhiều hơn, và vì thế bạn luôn cảm thấy dễ chịu hơn.
Khi bạn nhẫn chịu được những nỗi đau nho nhỏ như vừa nói, rồi bạn sẽ
nhận ra một điều là ngay cả sự chịu đựng những nỗi đau to lớn hơn, với
cường độ dữ dội hơn và kéo dài trong thời gian lâu hơn, thật ra cũng
không đi ngoài quy luật này. Chúng ta có thể làm quen và chấp nhận mọi
nỗi đau, miễn là ta chịu đối diện và trải qua những nỗi đau ấy một cách
thản nhiên, không bực tức.
Bạn đọc có thể sẽ đặt câu hỏi: “Vì sao tôi lại phải chấp nhận những nỗi
đau kia chứ?” Xin thưa, bởi vì đó là giải pháp khôn ngoan duy nhất mà
bạn có thể chọn. Nếu bạn không sẵn sàng chấp nhận những nỗi đau, bạn vẫn
phải trải qua, vẫn phải chịu đựng mà không thể nào tránh né, trừ khi bạn
không còn sống nữa trên cuộc đời này. Vì những nỗi đau luôn hiện hữu
khắp mọi nơi, mọi lúc. Chúng là những yếu tố tất nhiên cấu thành cuộc
sống này. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn không sẵn sàng chấp nhận, bạn
sẽ phải đồng thời trải qua một tâm trạng bực dọc, tức tối, và chính điều
đó mới làm cho nỗi đau của bạn càng trở nên khó chịu hơn.
Không chỉ là những nỗi đau về thể xác, mà cả đến những nỗi đau về tinh
thần, những tổn thương tình cảm, cũng đều sẽ trở nên dễ chịu hơn khi bạn
thực hành theo phương pháp này. Nói chung, khi một sự việc không hay đã
xảy ra và gây tổn thương cho bạn, thì việc bực tức hoặc mong muốn cho sự
việc thay đổi đều chỉ là vô ích. Điều duy nhất mà bạn có thể làm được
trong trường hợp này chỉ là sự thích nghi và chấp nhận sự thật theo cách
tốt nhất mà thôi.
Thực tế của đời sống này là mỗi ngày chúng ta đều phải trải qua những
nỗi khổ niềm đau khác nhau. Có những nỗi đau nhỏ nhặt chỉ kéo dài trong
năm mười phút, cũng có những nỗi đau dữ dội mà ta phải chịu đựng trong
vài ba ngày, và còn có những nỗi đau ngấm ngầm, âm ỉ nhưng đeo bám chúng
ta trong suốt nhiều năm tháng... Trong tất cả những trường hợp đó, chúng
ta không thể làm được gì khác hơn ngoài việc chọn lựa giữa hai thái độ
là thản nhiên chấp nhận hay bực tức, hằn học. Dù chọn cách nào thì ta
cũng không thể tránh né được việc trải qua những nỗi khổ niềm đau đó,
nhưng sự khác biệt lớn lao ở đây chính là một trạng thái tinh thần tích
cực và thanh thản hay nặng nề và u ám.
Nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta có thái độ tiêu cực,
mặc nhiên chấp nhận mọi sự đau khổ đến với mình. Vấn đề chúng ta đang
bàn đến chỉ là những nỗi đau đã thực sự xảy ra và không còn biện pháp
nào để ta tránh né, ngăn chặn. Đó là một thực tế, và vì thế ta chỉ có
thể chọn cách tốt nhất để tiếp nhận thực tế ấy. Còn trước khi sự việc
xảy ra, dĩ nhiên là ta cần phải có mọi cố gắng tích cực để ngăn ngừa,
hóa giải chúng, thay vì là ngồi yên chờ đợi chúng xảy đến cho mình.
Một cách cụ thể, như trong trường hợp vừa kể trên, tôi đã học được những
cách ngăn ngừa hữu hiệu để giảm bớt số lần bị bò cạp chích. Trước khi
lấy quần áo, tôi phải quan sát cẩn thận trước khi sờ tay vào, và trước
khi mặc quần áo vào cần phải giũ thật mạnh mấy cái để những con vật nhỏ
bé này nếu đang ẩn núp trong đó sẽ bị văng ra. Nhờ những biện pháp tích
cực này, tôi tránh được một số lần bị bò cạp chích, nhưng tất nhiên là
thỉnh thoảng cũng vẫn bị như thường.
Tương tự như thế, để ngăn ngừa bệnh tật bạn cần phải tuân thủ một nếp
sống lành mạnh, giữ vệ sinh và ăn uống đúng cách, thường xuyên rèn luyện
thân thể... Những biện pháp tích cực này chắc chắn sẽ giúp bạn hạn chế
được rất nhiều lần mắc bệnh, nhưng cũng không thể ngăn ngừa được một
cách tuyệt đối. Vì thế, mỗi khi cơn bệnh đã thực sự xảy đến cho bạn thì
bạn cần phải biết nhẫn chịu nó.
Với những nỗi đau tinh thần, những tổn thương tình cảm cũng vậy. Một nếp
sống hòa hợp và chân thật, cởi mở có thể giúp bạn tạo ra nhiều tình cảm
gắn bó với mọi người chung quanh, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa
là bạn sẽ không bao giờ gặp rắc rối về tình cảm. Vì thế, hãy tích cực
trong việc nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, nhưng cũng sẵn sàng trong
việc chấp nhận những tổn thương tình cảm một khi có ai đó gây ra cho
bạn.
Khi bạn biết nhẫn chịu mọi nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống với một tinh
thần thanh thản, không bực tức, không oán hận, đó chính là bạn đang thực
hành hạnh nhẫn nhục ở mức độ gọi là “an thọ khổ nhẫn”. Sự biểu hiện của
tinh thần nhẫn nhục này thoạt nhìn qua thì có vẻ như rất gần với sự cam
chịu, buông xuôi, nhưng khác biệt lớn lao nhất ở đây chính là trạng thái
tinh thần của bạn: một tinh thần an nhiên chấp nhận và không hề có sự
oán hận, bực tức.