Khi chúng ta lần đầu đến thăm một vườn hoa, có lẽ ta nên dành một ít
thời gian để nghe người giữ vườn giới thiệu sơ lược về những loài hoa
trong vườn, chẳng hạn như về xuất xứ hoặc tính chất, những nét đặc biệt
của một loài hoa nào đó... Tuy nhiên, sự giới thiệu này cũng không nên
kéo dài quá lâu. Nếu không, người xem có thể sẽ cảm thấy nhàm chán và
mất đi sự hứng thú khi thưởng ngoạn.
Tôi hy vọng là những giới thiệu vừa qua về loài hoa nhẫn nhục vẫn chưa
đến mức làm cho bạn đọc nhàm chán. Tuy nhiên, tôi nghĩ đã đến lúc mời
bạn trực tiếp ngắm nhìn loài hoa này qua những cọ xát trong thực tế đời
sống, thay vì chỉ nghe nói về nó qua những lời dạy trong kinh điển.
Một trong những công năng quan trọng nhất của hạnh nhẫn nhục là có thể
giúp chúng ta đối trị, chuyển hóa tâm sân hận. Và vì tâm sân hận là cội
nguồn của vô số điều xấu ác, nên sự đối trị, chuyển hóa được nó tất yếu
sẽ dẫn đến một cuộc sống an vui, tốt đẹp hơn.
Dân gian có câu tục ngữ “Đốn củi ba năm thiêu một giờ” để chỉ những hành
vi dại dột, bốc đồng làm tiêu tan mọi sự tích lũy, gầy dựng trong nhiều
ngày. Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, những hành vi dại dột loại
này đều xuất phát từ tâm sân hận. Chẳng thế mà đã có câu tục ngữ rằng:
“Nóng mất ngon, giận mất khôn.”
Sự “mất khôn” này là hoàn toàn có thể tránh được nếu chúng ta biết đối
trị, chuyển hóa cơn giận của mình ngay từ khi nó vừa sinh khởi. Và
phương pháp hiệu quả nhất để làm việc này chính là thực hành hạnh nhẫn
nhục.
Chúng ta còn nhớ, một trong ba yếu tố cấu thành hạnh nhẫn nhục chính là
không khởi tâm giận tức. Vì thế, người thực hành nhẫn nhục luôn biết lưu
ý kiểm soát tâm ý của mình để không khởi tâm tức giận trước bất cứ sự
việc gì. Khi chúng ta tu tập “nại oán hại nhẫn”, chúng ta không giận tức
vì những tổn hại mà người khác gây ra cho mình. Khi chúng ta tu tập “an
thọ khổ nhẫn”, chúng ta không bực tức, giận dữ vì những đau đớn, khổ não
mà mình đang phải chịu đựng. Và nếu chúng ta thực hành được “đế sát pháp
nhẫn” hay “vô sinh pháp nhẫn” thì sẽ không còn có bất cứ sự việc, hiện
tượng trái ý nào có thể làm cho tâm ta lay động, oán hờn.
Trong những năm khai khẩn đất hoang để trồng tỉa, tôi được biết đến một
loài cây có tên gọi là cỏ hôi. Tuy được dân địa phương gọi là “cỏ”,
nhưng đây lại là một loài cây có thân cứng và khá lớn nếu sống được lâu
năm. Đặc điểm của loài cây này đúng như tên gọi, mỗi khi chúng bị chặt
phá hoặc thậm chí chỉ vạch ra để đi qua giữa hai bụi cây là có thể ngửi
được mùi “hôi” của chúng lan tỏa khắp nơi. Nói là “hôi” nhưng thật ra đó
chỉ là một thứ mùi như cỏ tươi bị ủ lại, hơi ngai ngái, và ngửi quen rồi
lại thấy rất dễ chịu.
Cỏ hôi trổ hoa mỗi năm một lần vào mùa khô, trắng cả những cành cây. Hoa
rất nhỏ và kết thành những hạt li ti còn nhỏ hơn nữa, rất khó nhìn thấy.
Mỗi hạt nhỏ đều có những cánh trắng nhỏ xòe rộng và nhẹ như bông gòn,
nên mỗi khi có một cơn gió nhẹ thổi qua thì chúng bay lên trắng xóa và
được cuốn theo gió đi mãi thật xa, thật xa... Bằng cách đó, cỏ hôi được
nhân giống ra khắp vùng rất nhanh chóng. Chúng lại mọc rất nhanh, nên
mỗi khi có mảnh đất nào bỏ hoang trong vùng thì chỉ qua một mùa là đã
thấy cỏ hôi mọc đầy, không còn bất cứ một loài cây cỏ nào khác chen vào
được.
Loài hoa nhẫn nhục của chúng ta cũng có công năng tương tự như thế. Khi
mảnh đất tâm ta được cày xới và gieo trồng hoa nhẫn nhục thì tất cả
những hạt giống cỏ dại sân hận sẽ không còn có cơ hội để nảy sinh, phát
triển. Người thực hành hạnh nhẫn nhục thì trong từng ý tưởng, từng hành
vi đều có sự kiểm soát, theo dõi, không để cho những tâm niệm sân hận,
xấu ác có cơ hội sinh khởi và phát triển. Vì thế mà việc thực hành nhẫn
nhục chắc chắn là phương pháp hiệu quả nhất để đối trị, chuyển hóa tâm
sân hận cũng như tất cả mọi tâm niệm xấu ác.
Tâm sân hận khi phát triển sẽ có khả năng giết chết mọi điều lành, làm
tiêu tan tất cả những thiện nghiệp mà chúng ta dày công gầy dựng, tích
lũy từ lâu đời. Chỉ cần trong một cơn nóng giận không kiềm chế, chúng ta
sẽ có thể phạm vào bất cứ tội lỗi xấu ác nào mà trước đó ta thậm chí
chưa từng dám nghĩ đến. Với sự thôi thúc, sai sử của tâm sân hận, việc
phạm vào những điều xấu ác trở nên dễ dàng cũng giống như châm lửa vào
một đống cỏ khô. Và sự phát triển của sự việc sau đó cũng tương tự như
thế, nghĩa là chắc chắn sẽ bùng phát vượt ra ngoài tầm kiểm soát của
chúng ta. Cho dù bạn có hối hận ngay khi đó thì cũng không còn kịp nữa!
Trong cuộc sống hằng ngày, những nguyên nhân thôi thúc chúng làm việc
lành và ứng xử theo cách khôn ngoan, sáng suốt dường như rất ít, nhưng
những nguyên nhân khơi dậy lòng sân hận và thôi thúc chúng ta hành xử
một cách nóng nảy, hồ đồ lại rất nhiều. Chỉ cần một câu nói trái ý, một
hành vi xúc phạm nhỏ nhặt, hoặc một sự tổn hại mà ai đó vô tình gây
ra... đều có thể là những mồi lửa hiệu quả châm ngòi cho cơn giận của
chúng ta. Ngoài ra còn có vô số những yếu tố có thể góp phần vào sự sinh
khởi của lòng sân hận như sự mệt mỏi, căng thẳng vì công việc, tâm trạng
không hài lòng khi sự việc không diễn ra như ý muốn, hoặc đôi khi còn là
do sự thiếu sáng suốt, nhận hiểu sai lầm về sự việc...
Vì thế, việc thực hành nhẫn nhục có thể giúp ta ngăn chặn ngay từ đầu sự
sinh khởi và phát triển của tâm sân hận. Khi thực hành nhẫn nhục thì mọi
nguyên nhân khơi dậy lòng sân hận đều không còn tác dụng thôi thúc, kích
động đối với ta, và mọi yếu tố góp phần trong tiến trình sinh khởi của
nó cũng luôn được ta nhận biết, kiểm soát.
Công năng thứ hai của hạnh nhẫn nhục là duy trì sự sáng suốt, phát
triển trí tuệ. Sở dĩ được như thế là vì sự thực hành nhẫn nhục luôn giúp
ta giữ tâm bình thản an nhiên. Mà sự bình thản an nhiên chính là điều
kiện tất yếu để duy trì sự sáng suốt và phát triển trí tuệ.
Trong thực tế, sự si mê hay thiếu hiểu biết của chúng ta thường bắt
nguồn từ sự vọng động của tâm thức, bị lôi cuốn theo vô số những đối
tượng của trần cảnh. Khi một ý tưởng bị cuốn hút và say đắm trong những
âm thanh, hình sắc nào đó mà ta ưa thích thì những ý tưởng sinh khởi
tiếp theo sau thường luôn bị dẫn dắt bởi chính ý tưởng đã sinh khởi
trước đó. Vì thế, quá trình suy nghĩ, phán xét của chúng ta trở thành
một chuỗi dài những suy nghĩ có định hướng, nên không còn sự khách quan,
sáng suốt, do đó dễ dàng dẫn đến những hành vi ứng xử sai lầm, không hợp
lý. Chẳng hạn, khi bạn ưa thích, say đắm một đối tượng nào đó thì bạn
luôn có khuynh hướng suy nghĩ tốt về đối tượng đó, ngay cả khi những
phân tích, suy xét của bạn không hoàn toàn hợp lý. Còn khi bạn rất mong
muốn thực hiện một điều gì đó thì bạn luôn nghĩ ra những lý do – thường
cũng là không hoàn toàn hợp lý – để biện minh cho việc làm của mình.
Những cách suy nghĩ trong các trường hợp như vậy đều là thiếu sáng suốt,
và vì thế không thể đưa đến những kết quả tốt đẹp trong đời sống.
Sự thực hành nhẫn nhục giữ cho chúng ta một tâm trạng an nhiên bình
thản, bởi vì chúng ta luôn nhận biết và không để cho những đối tượng của
trần cảnh lôi cuốn, lay động. Người thực hành nhẫn nhục chẳng những
không khởi lên sự bực tức, oán hận đối với những người gây hại cho mình,
mà cũng không sinh tâm ưa ghét đối với những lời khen chê của kẻ khác.
Đối với những lời chê bai, thường thì chúng ta không thể tiếp nhận một
cách khách quan chỉ vì ta cảm thấy bị xúc phạm, bị tổn hại, cho dù thực
tế chưa hẳn đã là như vậy. Rất nhiều sự góp ý thẳng thắn – mà chúng ta
xem là chê bai – có thể là những bài học quý giá giúp ta hoàn thiện bản
thân mình. Nhưng nếu trong tâm trạng bực tức, oán hận, chúng ta không
thể nào nhận ra được những điểm hợp lý trong sự “chê bai” đó. Vì thế, ta
chỉ có khuynh hướng phản kháng thay vì là tiếp thu.
Khi thực hành nhẫn nhục, chúng ta không sinh tâm bực tức đối với mọi sự
xúc phạm của người khác, vì thế giữ được tâm trạng thản nhiên trước
những lời chê bai. Chính nhờ đó ta mới có thể sáng suốt nhận ra những
điểm đúng sai trong sự góp ý của người khác để tiếp thu một cách thật
khách quan.
Những ngôn từ chê bai hoặc thậm chí phỉ báng, lăng mạ cũng là một hình
thức gây tổn thương về mặt tinh thần. Khi hiểu được như vậy, chúng ta sẽ
chấp nhận những điều này mà không khởi tâm bực tức, oán hận. Nhờ đó,
chúng chỉ có thể mang lại lợi ích – vì giúp ta hoàn thiện những điểm
thiếu sót, sai trái – mà không thể gây tổn hại cho ta. Điều này cũng
tương tự như khi một lưỡi dao chém xuống nước, không thể gây ra tác hại
gì cả. Nhưng nếu có bất cứ một vật cản nào trên đường đi của nó, nó sẽ
lập tức gây tổn hại cho vật ấy. Nếu chúng ta giữ tâm thản nhiên bất động
trước những lời chê bai, phỉ báng, thì chúng không thể làm tổn hại đến
ta. Ngược lại, nếu ta khởi tâm bực tức, oán ghét, thì chúng sẽ trở thành
những liều thuốc độc gây tổn hại nặng nề cho thân tâm chúng ta.
Vào thời đức Phật, nhiều kẻ ngoại đạo rất oán hận ngài, vì những lời dạy
của ngài soi sáng chân lý khiến cho số người mê muội tin theo họ bị giảm
đi nhanh chóng. Có lần, một số ngoại đạo kéo đến chặn ngài trên đường đi
và dùng hết mọi lời cay độc để phỉ báng, lăng mạ ngài. Ngài vẫn thản
nhiên như không có việc gì xảy ra. Sau khi những kẻ ấy đã dứt lời, ngài
hỏi lại: “Này các ông, nếu các ông mang quà biếu đến cho ai đó mà người
ấy không nhận, các ông sẽ làm gì?” Bọn ngoại đạo đáp: “Còn phải hỏi sao?
Tất nhiên là chúng ta sẽ mang về.” Đức Phật từ tốn nói: “Cũng vậy, hôm
nay ta không hề nhận lấy những lời của các ông. Vậy chúng vẫn còn là của
các ông và các ông có thể mang về.”
Cách ứng xử khéo léo như vậy đã hóa giải hoàn toàn mọi ác ý của bọn
ngoại đạo. Hơn nữa, họ còn sinh tâm cảm phục trước nhân cách vĩ đại của
ngài, vì họ chưa từng thấy ai trong đời có thể giữ được tâm thản nhiên
bất động khi bị người khác phỉ báng, lăng mạ rất cay độc như thế.
Không chỉ là những lời chê bai, phỉ báng, mà ngay cả những lời ngợi
khen, ca tụng cũng là nguyên nhân làm che mờ trí tuệ, làm mất đi sự sáng
suốt của chúng ta. Sở dĩ như thế là vì khi ta khởi tâm vui mừng, thích
thú trước những lời ngợi khen, ca tụng, ta sẽ không còn giữ được sự an
nhiên bất động nữa. Và vì thế, mọi sự suy nghĩ, phán xét của chúng ta
trong lúc đó đều trở nên thiếu sự khách quan, sáng suốt. Người thực hành
nhẫn nhục không chỉ giữ tâm bình thản trước những lời chê bai phỉ báng,
mà ngay cả đối với những lời ngợi khen ca tụng cũng không để tâm mình
phấn khích, xao động.
Tình cờ trong tập sách bằng Anh ngữ của một số tác giả phương Tây,
[4]
tôi đọc được một đoạn ghi chép rất ấn tượng về đức Đạt-lai Lạt-ma. Hạnh
nhẫn nhục của ngài được thể hiện một cách vô cùng sinh động và đáng kính
phục trong trường hợp này.
Vào ngày 5 tháng 10 năm 1989, một hội nghị khoa học quan trọng được tổ
chức tại Newport Beach, California với sự tham gia của một số các nhà
khoa học hàng đầu ở phương Tây về các lãnh vực thần kinh học, tâm lý học
và đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14. Hội nghị mang tên Mind and Life
Conference, nằm trong một loạt các hội nghị khoa học với cùng chủ đề,
nhằm trình bày và trao đổi những kiến thức khoa học hiện đại của phương
Tây với những nhận thức của Phật giáo về sự phát triển tâm thức, tinh
thần và trí tuệ. Đức Đạt-lai Lạt-ma được mời tham dự với tư cách một đại
biểu cho Phật giáo Tây Tạng nói riêng và Phật giáo nói chung. Nói một
cách chính xác hơn, ngài được xem là thành phần chính của các hội nghị
này, khi các nhà khoa học phương Tây chủ động tổ chức và mời ngài tham
dự để được nghe chính ngài trình bày và giải thích về những điều liên
quan đến tâm thức con người mà họ không thể nào hiểu nổi khi tìm hiểu
qua các ghi chép trong kinh điển.
Vào buổi sáng hôm khai mạc hội nghị, khi trời còn chưa sáng rõ thì đức
Đạt-lai Lạt-ma nhận được một cuộc điện thoại từ Oslo thông báo rằng ngài
đã chính thức được chọn trao giải Nobel Hòa bình của năm 1989. Đây là
một tin tức cực kỳ quan trọng đối với ngài cũng như tất cả những người
Tây Tạng đang sống ở khắp nơi trên thế giới, vì nó được xem như một sự
thừa nhận chính thức của cả cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực hòa
bình của ngài và nhân dân Tây Tạng trong suốt nhiều năm qua. Ngay sau
cuộc điện thoại báo tin ấy là hàng loạt những cuộc điện thoại khác từ
các cơ quan truyền thông, báo chí, các hãng truyền thanh, truyền hình...
Tất cả đều muốn nhận được một lời nào đó của ngài ngay sau khi được tin
chính thức là ngài sẽ được trao giải Nobel Hòa bình.
Nhưng đức Đạt-lai Lạt-ma quyết định không để sự kiện bất ngờ này làm
thay đổi lịch trình làm việc đã định trước. Ngài thông báo là hội nghị
vẫn sẽ khai mạc đúng 7 giờ sáng như đã định. Và quả thật ngài đã xuất
hiện đúng giờ tại phòng hội nghị trước sự ngạc nhiện của tất cả mọi
người. Vẻ mặt ngài không biểu lộ bất cứ một sự xúc động hay phấn khích
khác lạ nào. Vẫn là một nụ cười hiền hòa và cởi mở như mọi ngày mà bất
cứ ai cũng có thể nhận ra ngay trong lần đầu tiên được tiếp xúc với
ngài.
Khoa học gia Robert Livingston, một trong những người đồng tổ chức hội
nghị, đã phát biểu chúc mừng ngài về việc nhận được giải Nobel Hòa bình,
một trong những giải thưởng cao quý nhất hiện nay trên toàn thế giới.
Đức Đạt-lai Lạt-ma tiếp tục gây ngạc nhiên cho mọi người khi từ tốn đáp
rằng, mọi người không nên xem giải thưởng này là sự công nhận bất cứ
phẩm chất tốt đẹp nào nơi cá nhân ngài, mà nên hiểu rằng đây là sự công
nhận rất quan trọng của cộng đồng thế giới đối với chủ trương bất bạo
động mà ngài và nhiều người khác đang theo đuổi thực hiện.
Những trao đổi tiếp theo bên ngoài hành lang vào những giờ nghỉ giải lao
trong ngày hôm đó cho thấy rằng chính những người trợ lý thân cận được
gần gũi tiếp xúc hằng ngày với đức Đạt-lai Lạt-ma cũng hoàn toàn ngạc
nhiên trước sự thản nhiên bất động của ngài trước sự kiện cực kỳ quan
trọng này – vì chính họ mới là những người biết rõ rằng ngài hoàn toàn
không có một sự thay đổi khác biệt nào trong mọi biểu hiện ứng xử so với
thường nhật.
Hầu hết chúng ta đều có thể dễ dàng nhận ra đây là một việc không dễ
dàng chút nào, trừ khi ta đã có một sự tu tập dài lâu và vững chãi.
Trong cuộc sống đời thường, mỗi một lời ngợi khen hay sự chê bai đều dễ
dàng làm ta thay đổi tâm trạng, hoặc ưa thích, hoặc bực tức, hoặc vui,
hoặc buồn... Và những thay đổi liên tục như thế luôn khiến cho ta mất đi
sự sáng suốt, làm che mờ trí tuệ của chúng ta, dẫn đến những quyết định
hoặc cách ứng xử sai lầm hoặc thiếu sự khôn ngoan. Việc thực hành nhẫn
nhục sẽ giúp chúng ta nhận ra và khắc phục dần dần những sự xáo trộn như
thế.
Công năng thứ ba của hạnh nhẫn nhục là có thể giúp chúng ta hóa giải mọi
sự oán thù, hiềm khích. Khi thực hành nhẫn nhục, điều tất nhiên là chúng
ta ngăn chặn được sự kết thành thù oán với người khác, vì một trong ba
yếu tố của hạnh nhẫn nhục là “bất kết oán”. Tuy nhiên, hạnh nhẫn nhục
không chỉ ngăn chặn những sự oán thù chưa sinh khởi, mà còn có thể giúp
chúng ta hóa giải được cả những mối oán thù đã sinh ra vì bất cứ nguyên
nhân nào trước đó.
Có rất nhiều trường hợp trong cuộc sống mà sự oán thù của kẻ khác đối
với chúng ta được sinh ra một cách không mong muốn. Nhiều khi sự vô tình
hoặc sai sót trong công việc của ta có thể dẫn đến những thiệt hại hoặc
gây tổn thương cho người khác. Trong số những người này, không phải ai
cũng dễ dàng tha thứ cho ta. Nhiều người do tâm sân hận mà không thể
chấp nhận bất cứ hình thức hối lỗi nào của người khác, và vì thế họ âm
thầm nuôi dưỡng sự thù oán đối với kẻ đã gây hại cho mình.
Trong một số trường hợp khác, sự việc vốn có thể đã bị hiểu lầm theo một
hướng khác đi so với thực tế, nhưng vì đối phương chẳng bao giờ công
khai bày tỏ những suy nghĩ oán trách của họ nên chúng ta cũng chẳng có
cơ hội nào để giải thích hoặc tạo sự thông cảm...
Mặt khác, có những va chạm nhất định trong cuộc sống là không thể tránh
được, nhưng một số người do sự cố chấp và thiếu hiểu biết nên có thể cho
rằng đó là những sự xúc phạm đối với họ. Một bệnh nhân đến phòng khám
của bệnh viện và phải chờ đợi rất lâu mới được phục vụ. Anh ta có thể
sinh lòng bực tức, mặc dù sự chờ đợi của anh ta là không thể tránh khỏi.
Có rất nhiều người đã đến trước anh ta, và vì thế họ phải được phục vụ
trước.
Khi chúng ta phải thực hiện những công việc có liên quan đến nhiều người
thì những sự bực tức đối với ta theo kiểu này là rất thường xảy ra. Khi
sự bực tức như thế gia tăng đến một mức độ nào đó, những kẻ có suy nghĩ
thiếu sáng suốt kia cũng có thể tự họ kết thành một mối hiềm khích, oán
giận đối với chúng ta.
Nói tóm lại, ngay cả khi chúng ta luôn nỗ lực thực hành nhẫn nhục và
ngăn chặn được mọi trường hợp kết oán với người khác, thì ta cũng không
tránh khỏi một số những trường hợp bị người khác giận ghét, oán hận.
Trong những trường hợp này, việc kiên trì thực hành nhẫn nhục sẽ có công
năng giúp ta hóa giải được những mối hiềm khích, thù oán như vậy.
Khi một người nào đó giận ghét ta, điều tất nhiên là họ sẽ ôm ấp trong
lòng sự giận ghét đó để chờ đợi bất cứ cơ hội thuận tiện nào có thể gây
tổn hại cho ta. Đối với những sự tổn hại đó, nếu chúng ta có thể giữ
được hạnh nhẫn nhục, sẵn lòng chấp nhận và tha thứ mà không sinh tâm bực
tức, oán hận, thì chắc chắn những mối oán thù kia sẽ dần dần được hóa
giải, hoặc ít ra thì ngay trong hiện tại nó cũng không có được cơ hội để
phát triển sâu đậm hơn nữa.
Vào đầu thế kỷ 13, đại sư Karma Pakshi là vị Tổ thứ hai của dòng Karma
Kagyu (Cát-mã Ca-nhĩ-cư) tại Tây Tạng. Bấy giờ, khi Hốt-tất-liệt, cháu
nội của Thành-cát-tư-hãn còn là một vị hoàng tử, đã có lời thỉnh cầu
ngài đến Mông Cổ truyền pháp. Đại sư Karma Pakshi nhận lời thỉnh cầu và
đến truyền pháp tại triều đình Mông Cổ. Ngài cảm hóa được rất nhiều
người tin theo Phật pháp, và ngay cả Hốt-tất-liệt cũng hết lòng tôn kính
ngài. Hốt-tất-liệt đã thỉnh cầu ngài lưu lại giáo hóa tại triều đình
Mông Cổ, nhưng xét thấy cơ duyên chưa thích hợp, ngài đã từ chối. Điều
này khiến cho Hốt-tất-liệt hết sức không hài lòng.
Rời khỏi triều đình Mông Cổ, đại sư Karma Pakshi tiếp tục vân du hoằng
hóa nhiều nơi trên khắp lãnh thổ Tây Tạng, Trung Hoa và Mông Cổ. Sau đó,
Đại Hãn Mông Cổ là Mangu lại thỉnh cầu ngài trở lại triều đình Mông Cổ
để giáo hóa. Ngài nhận lời, và sau đó còn ở lại rất lâu để truyền pháp
cho ông này. Thật ra, ngài đã quán chiếu thấy được rằng trong tiền thân
trước đây Mangu từng là một đệ tử của ngài. Do nhân duyên ấy, ngài lại
tiếp tục giáo hóa ông ta trong đời này.
Sau đó, đại sư Karma Pakshi lên đường trở về Tây Tạng. Trong khi ngài
còn đang trên đường đi thì Đại Hãn Mangu qua đời vào năm 1260 và
Hốt-tất-liệt trở thành người kế vị cai trị Mông Cổ. Ngay khi vừa lên
ngôi, Hốt-tất-liệt đã nhớ ngay đến việc ngài từ chối lời thỉnh cầu của
ông ta trước đây nhưng sau đó lại nhiệt tình chấp nhận lời thỉnh cầu của
Mangu. Qua sự việc như vậy, vị Đại Hãn mới lên ngôi cho rằng mình đã bị
khinh thường và xúc phạm. Vì thế, ông lập tức ra lệnh cho quân lính truy
bắt đại sư Karma Pakshi đưa về triều đình.
Mặc dù vậy, bao nhiêu toán quân được phái đi đều không thực hiện được
mệnh lệnh của Hốt-tất-liệt. Vì đại sư Karma Pakshi là người tinh thông
mọi pháp môn của Mật giáo Tây Tạng, có thể hiển lộ rất nhiều phép thần
thông siêu việt, và những quân lính tầm thường dù nỗ lực đến đâu cũng
không làm sao bắt được ngài. Có một lần, họ phát hiện được nơi ngài trú
ngụ và điều động một đoàn quân đông đến 37.000 người, vây chặt quanh cả
khu vực đó. Ngài vẫn thản nhiên ngồi trì chú như không có việc gì xảy
ra, trong khi quân lính ngày càng tiến đến gần hơn. Bỗng nhiên xuất hiện
một cơn giá rét cực kỳ khác thường, và trong khi ngài vẫn an nhiên trong
tư thế thiền định thì cả đoàn quân đông đảo kia bị lạnh đến mức tê cóng
cả thân hình, không thể cử động gì được. Một lúc lâu sau, cơn lạnh qua
đi và mọi người bắt đầu cử động được, nhưng tất cả đều khiếp sợ đến nỗi
quay đầu bỏ chạy thẳng, không còn ai dám nghĩ đến việc bắt giữ ngài.
Nhưng rồi sau đó, chính đại sư Karma Pakshi lại chủ động tìm đến với
những toán quân của Hốt-tất-liệt và cho phép họ bắt giải ngài về triều
đình. Mặc dù không dám làm gì ngài, nhưng vì sợ mệnh lệnh của Đại Hãn
nên họ cũng đánh liều nhốt ngài vào một cái cũi sắt rồi đưa về triều
đình. Trong khi đi đường, ngài vẫn thản nhiên ngồi tĩnh tọa ngay trong
cũi sắt, xem như không có chuyện gì xảy ra với mình cả.
Khi được nghe các tướng lãnh và binh sĩ kể lại những sự việc kỳ lạ trong
khi truy bắt ngài, cũng như việc ngài tự nguyện để cho họ bắt giải về
triều đình, lòng giận hờn của Hốt-tất-liệt bỗng nhiên tan biến. Ông thay
đổi thái độ, đối xử hết sức cung kính với vị đại sư và còn thỉnh cầu
ngài chỉ dạy cho những điều tốt đẹp.
Chính sự nhẫn nhục không đối kháng của đại sư Karma Pakshi đã là nhân tố
quan trọng trong việc cảm hóa tâm sân hận của Hốt-tất-liệt, giúp hóa
giải được mối oán hờn trong lòng vị Đại Hãn này. Nếu đại sư cứ bỏ mặc
ông ta mà trở về Tây Tạng, thì có lẽ mối oán hận ấy sẽ ngày càng được
nuôi lớn hơn trong lòng ông ta mà không thể được hóa giải.
Trong cuộc sống có không ít trường hợp ta phải đối mặt với những oán hờn
do người khác đơn phương tạo ra, do hiểu lầm hoặc do si mê, sân hận,
thiếu sự hiểu biết và cảm thông. Nếu ta thực sự có thể khởi tâm thương
xót đối với những sai lầm của họ và kiên trì thực hành hạnh nhẫn nhục,
ngay cả khi họ đang cố ý gây tổn hại cho ta, thì chắc chắn sẽ có lúc
những người ấy được cảm hóa và thay đổi, cũng như những mối oán hờn kia
rồi sẽ được hóa giải. Nhưng ngay cả khi những điều tốt đẹp như thế chưa
xảy ra thì cách ứng xử như ta đã chọn cũng sẽ bảo vệ chính bản thân ta
không lún sâu vào con đường sân hận và thù oán.
Trong kinh Pháp cú, ở kệ số 5, đức Phật dạy:
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn xưa.
Lấy “không hận” để hóa giải hận thù, điều đó không phải gì khác hơn mà
chính là công năng của hạnh nhẫn nhục.
Công năng thứ tư của hạnh nhẫn nhục là giúp chúng ta loại bỏ được sự hối
hả không cần thiết trong đời sống. Chính nhờ đó mà chúng ta có thể sử
dụng thời gian quý giá trong đời sống này một cách hợp lý và hiệu quả
hơn. Đây là một trong những điều kiện thiết yếu để nâng cao chất lượng
cuộc sống, khiến cho đời sống của chúng ta được trở nên có ý nghĩa hơn
và an vui, hạnh phúc hơn.
Thói quen phổ biến đối với đa số chúng ta là luôn cảm thấy sự việc tiến
triển chậm hơn sự mong muốn của mình. Thói quen này biểu lộ ở hầu hết
mọi hành vi cũng như suy nghĩ của chúng ta. Dù làm bất cứ việc gì, ngay
cả khi có thể hoàn tất sớm hơn dự tính, ta vẫn có cảm giác mong muốn cho
sự việc diễn ra nhanh hơn nữa, hoàn tất sớm hơn nữa. Khuynh hướng này
xuất phát từ một nguyên nhân chung là những việc ta muốn làm bao giờ
cũng nhiều hơn – thậm chí quá nhiều hơn – so với những việc mà ta thực
sự làm được.
Nhưng nếu chúng ta bình tâm suy xét lại thì sẽ thấy rằng khuynh hướng
nôn nóng, hối hả như trên chẳng bao giờ mang lại cho ta bất cứ lợi ích
nào. Bởi vì sự việc chỉ có thể hoàn tất sớm hơn nhờ vào sự nỗ lực tích
cực của ta chứ không phải do nơi tâm trạng nôn nóng, hối hả. Sự hối hả
thậm chí còn có tác dụng ngược lại, khiến cho ta không thể phát huy được
một cách tối ưu khả năng thật có của mình.
Nhưng đó là một khuynh hướng có thật. Bạn có thể dễ dàng nhận ra khuynh
hướng này ở chính mình cũng như ở người khác vào những lúc phải dừng xe
nơi ngã tư vì đèn đỏ chẳng hạn. Hàng trăm chiếc xe lớn nhỏ dường như
luôn ở trong tư thế sẵn sàng phóng tới, và hàng trăm người lái xe đều
như đang ở trong tâm trạng của các tay đua ở vạch xuất phát. Tiếng động
cơ gầm rú nôn nóng, và tư thế nhấp nhỏm, vội vàng của tất cả những người
lái xe... Trong số ấy lẽ nào không có lấy dù chỉ một người thong thả? Lẽ
nào tất cả mọi người đều đang bị trễ giờ? Và tâm trạng của chính bản
thân bạn là thế nào?
Sự thật là, ngay cả khi chẳng có gì gấp rút thì hầu hết chúng ta cũng
đều muốn phóng xe vọt tới ngay trong những giây đầu tiên khi đèn xanh
bật sáng. Điều đó nói lên tâm trạng hối hả đã trở thành một thói quen ăn
sâu vào tâm thức mỗi chúng ta, và ta luôn ứng xử theo cách như vậy trong
cuộc sống, cũng tương tự như khi ta hít thở khí trời, nghĩa là hoàn toàn
như một phản xạ tự nhiên.
Mặc dù nguyên nhân chủ yếu của khuynh hướng hối hả là do cảm giác không
thực hiện được hết những điều mong muốn, nhưng môi trường sinh hoạt xã
hội cũng góp phần tác động không nhỏ đến sự phát triển khuynh hướng này
nơi mỗi người chúng ta. Một mặt, sự hối hả của những người quanh ta
khiến cho ta cũng cảm thấy bị thôi thúc; mặt khác, sự phát triển nhanh
chóng của các phương tiện làm việc càng khiến cho chúng ta cảm thấy tốc
độ xử lý công việc của bản thân mình dường như chậm lại, không đạt được
như mong muốn.
Chúng ta thử nhớ lại khoảng 30 năm trước đây, khi phương tiện giao thông
vẫn còn chưa được phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Một viên chức thông
thường đi đến sở làm bằng xe đạp phải mất khoảng 1 giờ chẳng hạn. Cũng
đoạn đường này, ngày nay chúng ta chỉ mất khoảng từ 15 đến 20 phút mà
thôi. Như vậy là tiết kiệm được đến khoảng 40 phút! Nhưng chúng ta không
thể dùng khoảng thời gian tiết kiệm được này vào bất cứ việc gì cả, thậm
chí là chúng ta còn thực sự không hề nhận biết được nó! Thời biểu công
việc hằng ngày của ta vẫn bận rộn, mà thậm chí còn bận rộn hơn cả trước
đây. Vì sao vậy? Đó là vì, trong khi ta có khả năng thực hiện công việc
nhanh hơn thì nhu cầu thúc bách của những công việc quanh ta lại càng
gấp rút hơn nữa, đến nỗi chúng ta bao giờ cũng giống như đang trong một
cuộc chạy đua với chiếc bóng phía trước của chính mình!
Một ví dụ khác rõ nét hơn là khi ta so sánh công việc của những người kế
toán hiện đại với đồng nghiệp của họ cách đây hơn 30 năm. Khi phải sử
dụng những chiếc bàn tính cũ kỹ, chậm chạp và mọi kết quả đều phải được
hí hoái ghi chép bằng tay vào những cuốn sổ to dày cộm thì điều tất yếu
là khối lượng công việc được giải quyết trong một ngày thật không đáng
là bao! So với ngày nay, tất cả dữ liệu đều được đưa vào máy tính, và
chỉ một đĩa CD-ROM đặt trong lòng bàn tay đã có thể chứa được toàn bộ
những số liệu thu thập trong nhiều năm của một doanh nghiệp. Mặt khác,
mọi tính toán đều được máy vi tính thực hiện và cập nhật hoàn toàn tự
động, có thể theo sát mọi diễn biến trên thị trường một cách nhanh chóng
và chính xác. Nếu làm một phép tính nhỏ để so sánh về khối lượng công
việc và thời gian, chúng ta hẳn phải cho rằng người kế toán hiện đại chỉ
cần làm việc mỗi ngày tối đa khoảng chừng một giờ đồng hồ mà thôi!
Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Ngay cả với sự hỗ trợ của những chiếc
máy vi tính đời mới nhất có tốc độ “xé gió”, thì người kế toán ngày nay
vẫn phải vùi đầu trong công việc, thậm chí còn bận rộn hơn cả những đồng
nghiệp của họ trước đây. Vì sao vậy? Vì sự phát triển về mọi mặt của các
doanh nghiệp dẫn đến gia tăng khối lượng công việc cần xử lý, và điều đó
còn nhanh hơn cả sự “tăng tốc” trong công việc của họ.
Mặt khác, con người ngày nay hầu như phải chịu sự trói buộc với công
việc ở “mọi lúc mọi nơi”. Ngày xưa, khi quay lưng rời khỏi văn phòng là
bạn có thể tạm gác lại tất cả mọi công việc cho đến giờ làm việc ngày
hôm sau. Ngày nay, khi đang dùng cơm ở gia đình hoặc thậm chí đang xem
phim, nghe nhạc, bạn vẫn không thể hoàn toàn buông bỏ công việc vì có
những cuộc điện thoại di động gọi đến từ khách hàng, từ đồng nghiệp hoặc
từ chính “sếp” của bạn. Tất cả những điều đó đều góp phần làm cho cuộc
sống của chúng ta ngày càng căng thẳng hơn, hối hả hơn.
Nhưng sự thật thì tâm trạng hối hả chẳng bao giờ có lợi cho ta, cả về
vật chất lẫn tinh thần. Nhìn bề ngoài thì dường như sự hối hả có tác
dụng thúc đẩy công việc, giúp ta bắt kịp sự phát triển nhanh chóng quanh
ta. Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn không phải như vậy. Mong muốn thực hiện
công việc nhanh hơn và thực sự có thể thực hiện nhanh hơn là hai vấn đề
hoàn toàn khác nhau. Trong một tâm trạng nôn nóng, hối hả, bạn không bao
giờ có thể đạt được sự bình tĩnh và sáng suốt cần thiết để phát huy tối
đa khả năng thật có của bản thân mình. Vì thế, ngay cả khi bạn có cảm
giác là đã cố gắng hết sức, thì thật ra bạn vẫn còn có thể thực hiện
công việc một cách tốt hơn, nhanh hơn nếu như bạn loại bỏ được tâm trạng
hối hả, nôn nóng.
Khuynh hướng sai lầm mà chúng ta vừa đề cập không chỉ tác động đến người
lớn, mà hiện đang phổ biến đến mức tác động cả vào môi trường giáo dục,
học tập của các em nhỏ. Nếu bạn quan sát thời biểu “học thêm” của bất kỳ
một em học sinh nào đó một cách khách quan, bạn có thể sẽ hết sức ngạc
nhiên vì sức “làm việc” ghê gớm ở độ tuổi các em. Và ngay cả những gì
các em phải tiếp thu ở nhà trường cũng đã đòi hỏi một sự nỗ lực học tập
cực kỳ căng thẳng. Khi tôi vẫn còn dạy Anh ngữ, tôi thường thấy có nhiều
học sinh đến lớp với vẻ mặt bơ phờ, thiếu ngủ. Những lúc ấy, tôi thường
gác lại mọi bài giảng và thay vào đó sẽ kể cho các em nghe những mẩu
chuyện vui nho nhỏ, để rồi từ đó rút ra một vài cấu trúc mới hoặc ôn lại
một số cấu trúc đã học. Mặc dù có thể là các em được học ít hơn, nhưng
rõ ràng là buổi học ấy có hiệu quả hơn. Bởi vì trong tâm trạng mệt mỏi
thì chắc chắn các em không thể tiếp nhận tốt những bài giảng dài và khó.
Nhiều bậc cha mẹ không hiểu được điều này, họ nôn nóng muốn cho con em
mình được học “càng nhiều càng tốt” nhưng không biết rằng điều đó không
thực sự tốt cho các em. Khi các em không được học tập trong một tâm
trạng thoải mái mà phải luôn cố sức chạy đua với thời gian thì sự tiếp
thu thực sự của các em sẽ không bao giờ đạt được đến mức tối ưu.
Khi bạn có thể phân biệt rõ giữa sự nỗ lực tích cực để thực hiện công
việc tốt hơn và sự nôn nóng, hối hả trong công việc, bạn sẽ thấy được
rằng sự nôn nóng chỉ làm cho bạn căng thẳng hơn và giảm sút khả năng
thực hiện tốt công việc. Ngược lại, khi bạn có thể nỗ lực tích cực trong
một tâm trạng bình thản, bạn mới có thể phát huy được tối đa khả năng
thật có của bản thân mình. Chính ở nơi đây mà sự thực hành nhẫn nhục sẽ
phát huy tác dụng, bởi vì nó luôn có công năng giúp bạn loại bỏ sự hối
hả, nôn nóng không cần thiết.
Khi thực hành nhẫn nhục, bạn sẽ có khả năng dừng lại một chút để quan
sát từng sự việc đang diễn ra một cách khách quan, đúng thật, thay vì bị
cuốn hút vào những thôi thúc của môi trường chung quanh.
Thông thường, khi phải dừng lại quá lâu ở những trụ đèn đỏ, chúng ta
thường cảm thấy bực dọc, khó chịu. Nhưng khi thực hành nhẫn nhục, thay
vì khởi tâm bực tức, ta sẽ dừng lại một chút để suy xét về sự việc và
nhận ra ngay sự vô lý của mình. Những phút dừng lại ở đèn đỏ là tất yếu
để duy trì trật tự giao thông, và mọi người ai ai cũng tuân thủ chứ
không chỉ riêng mình ta. Vậy thì vì sao ta lại khởi tâm bực tức? Sự suy
xét này giúp ta nhận thức đúng vấn đề và do đó cũng đồng thời loại bỏ
được sự nôn nóng, hối hả không cần thiết. Ta sẽ trở nên kiên nhẫn hơn,
có thể giữ được sự bình thản trong những giây phút chờ đợi, và nhờ đó ta
có thể điều khiển xe tốt hơn khi đèn xanh bật sáng.
Sự chờ đợi còn là tất yếu trong vô số trường hợp khác, và vì thế mà sự
thực hành nhẫn nhục sẽ giúp ta ứng xử hợp lý hơn, kiên nhẫn hơn trong
mọi trường hợp. Với tâm bình thản không nôn nóng, ta sẽ có thể thực hiện
mọi công việc một cách tốt hơn, theo đúng với khả năng thật có của mình.
Hơn thế nữa, vì không khởi tâm bực tức, khó chịu trong những trường hợp
ấy nên ta cũng không bị chi phối bởi tâm trạng tiêu cực, nhờ đó mà luôn
có được sự vui vẻ, thoải mái trong công việc.
Khi bạn thực hành nhẫn nhục thì những công năng tự nhiên của nó sẽ bắt
đầu phát huy tác dụng một cách tự nhiên. Tâm sân hận từ lâu đời sẽ dần
dần được chuyển hóa, thay vào đó là sự phát triển của tâm từ bi, sự cảm
thông và tha thứ. Sự sáng suốt của tâm trí được duy trì và phát triển,
vững vàng bất động trước mọi tình huống chê bai hay khen ngợi, thành
công hay thất bại. Mọi sự oán hận, thù hiềm của người khác đối với ta
cũng dần dần được hóa giải, tạo ra môi trường sống an lành, hòa hợp hơn.
Và cuối cùng, mọi sự vọng động, hối hả chạy theo trần cảnh cũng sẽ được
khắc chế, tạo ra một tâm trạng bình thản và an ổn trong mọi tình huống
giao tiếp, ứng xử.
Những công năng tự nhiên của nhẫn nhục thật ra cũng là hàm chứa trong
nhau và đồng thời phát huy tác dụng. Chẳng hạn, nhờ có sự chuyển hóa tâm
sân hận mới có được sự sáng suốt, nhờ có sự sáng suốt mới có thể dùng sự
nhẫn chịu và tha thứ để hóa giải hận thù, nhờ có sự hóa giải mọi hận thù
mới có thể sống trong tâm trạng bình thản và an ổn. Tuy nhiên, cũng tùy
theo mỗi hoàn cảnh ứng xử nhất định mà một trong những công năng có thể
phát huy tác dụng mạnh mẽ hơn để giúp ta chuyển hóa tình trạng ấy theo
hướng tốt đẹp hơn.
Trong những phần tiếp theo đây, chúng ta sẽ thử bàn qua về tác dụng cụ
thể của hạnh nhẫn nhục trong đời sống hằng ngày.