Theo cách hiểu thông thường của đa số chúng ta, nhẫn nhục có nghĩa là
nhịn nhục, chịu đựng. Tiêu biểu nhất là tinh thần nhẫn nhục này khi đi
vào dân gian đã được người xưa thể hiện qua câu tục ngữ: “Một câu nhịn,
chín câu lành.” Trong mọi sự mâu thuẫn, xích mích với người khác, biết
nhịn nhục là điều tốt nhất, vì nó sẽ mang đến mọi sự an ổn thay vì là
hiềm khích, tranh chấp.
Cách hiểu này có thể giúp ta có được một quan điểm sống ôn hòa hơn,
khuyến khích mọi người cùng cố gắng duy trì sự đoàn kết và hòa khí trong
cộng đồng. Tuy nhiên, dù sao ta cũng có thể thấy ngay là ở đây chỉ nêu
lên một cách rất chung chung. Trong thực tế, lắm khi có những trường hợp
mà không phải sự nhịn nhục, chịu đựng hay thối lui bao giờ cũng là giải
pháp tốt nhất. Và trong một chừng mực nào đó, giải pháp “nhịn nhục” còn
có phần tiêu cực vì nó góp phần vào sự tồn tại của những yếu tố xấu
trong cộng đồng.
Sự thật là trong mỗi một tập thể đều có những phần tử xấu nào đó, bởi vì
ngay trong mỗi con người chúng ta cũng đều tồn tại những yếu tố xấu nhất
định. Sự nhịn nhục có thể là giải pháp tốt trong một số trường hợp,
nhưng khi đối mặt với những yếu tố xấu thì nó trở thành tiêu cực, vì nó
cản trở sự vươn lên hoàn thiện của bản thân mỗi người cũng như của cả
cộng đồng.
Khi một thành viên có những cung cách ứng xử sai trái, gây tổn hại đến
những thành viên khác trong cộng đồng, sự nhịn nhục đối với anh ta sẽ là
một quyết định sai lầm, có hại cho mọi người và cho cả bản thân anh ta.
Ngược lại, những phản ứng thích hợp cần thiết sẽ giúp anh ta có điều
kiện nhận biết và điều chỉnh hành vi không tốt của mình, và điều đó
không chỉ giúp ngăn ngừa những tổn hại cho mọi người mà còn có lợi cho
chính bản thân anh ta, vì nó giúp anh trở thành một người hoàn thiện
hơn.
Vì thế, nếu hiểu nhẫn nhục là nhịn nhục, chịu đựng, thì cần thiết phải
hiểu thêm rằng đó là sự nhịn nhục, chịu đựng trong những trường hợp
thích hợp. Nói khác đi, cách hiểu như vậy là còn quá hẹp so với ý nghĩa
thực sự của khái niệm nhẫn nhục.
Vậy nhẫn nhục là gì? Để hiểu được một cách đầy đủ ý nghĩa của khái niệm
này, điều tất nhiên là chúng ta phải quay sang tìm hiểu những sự giảng
giải trong kinh luận của Phật giáo, bởi vì đây là một thuật ngữ Phật
giáo được mượn dùng để dịch từ Ksanti (Sàn-đề) trong tiếng Phạn.
Trong kinh Phật, hạnh nhẫn nhục được xếp vào một trong sáu pháp tu gọi
là ba-la-mật, nghĩa là những pháp tu có thể giúp ta đạt đến sự giải
thoát. Kinh Giải thâm mật quyển 4, giải thích về nhẫn nhục bao gồm 3 ý
nghĩa. Một là nại oán hại nhẫn, nghĩa là nhận chịu những điều tổn hại do
người khác gây ra cho mình. Hai là an thọ khổ nhẫn, nghĩa là có thể an
nhiên chấp nhận mọi sự đau đớn, khổ não. Và ba là đế sát pháp nhẫn,
nghĩa là có thể quan sát, nhận biết đúng bản chất của mọi sự việc để an
nhiên chấp nhận. Thêm vào đó, luận Du-già sư địa quyển 51 mô tả hạnh
nhẫn nhục bao gồm ba tính chất: một là không giận tức, hai là không kết
thành thù oán, và ba là trong lòng không có những ý tưởng xấu ác.
[1]
Kết hợp sự giải thích và mô tả trong 2 bản kinh luận nêu trên, chúng ta
có thể hiểu được rằng nhẫn nhục không chỉ đơn giản là sự nhịn nhục, chịu
đựng, mà bao hàm một sự nhận thức, hiểu biết sâu sắc và toàn diện về đối
tượng, sự việc, từ đó mới dẫn đến sự chấp nhận với một tinh thần từ hòa,
không có sự sinh khởi của sân hận và tư tưởng xấu ác, và vì thế cũng
không tạo ra sự thù hận, oán ghét.
Còn rất nhiều kinh luận khác giảng giải sâu xa và toàn diện hơn về hạnh
nhẫn nhục, vốn được xem là một trong các pháp tu quan trọng. Tuy nhiên,
trong phạm vi chúng ta đang muốn bàn đến thì có thể tạm chấp nhận một
định nghĩa như trên là tương đối hoàn chỉnh. Vấn đề ở đây là, ngay cả
một định nghĩa được giới hạn tương đối như thế cũng có thể đã là phức
tạp và khó hiểu đối với một số người. Vì thế, có lẽ tốt hơn chúng ta nên
nói rộng thêm đôi chút về những điểm chi tiết trong định nghĩa này.
Trước hết, cả 3 tính chất được mô tả trong bộ luận Du-già sư địa – không
giận tức, không kết thành thù oán và không có ý tưởng xấu ác – phải được
xem là những yếu tố tất yếu, không thể thiếu được đối với hạnh nhẫn
nhục. Khi thiếu đi một trong các yếu tố này, cho dù ta có chấp nhận, có
nhịn nhục được đối với bao nhiêu sự việc đi nữa, thì điều đó cũng hoàn
toàn không thể xem là thực hành được hạnh nhẫn nhục. Vì thế, thực hành
hạnh nhẫn nhục cũng có nghĩa là phải có sự nuôi dưỡng, phát triển của cả
3 yếu tố này ngay trong tự thân chúng ta.
Thứ hai, về 3 ý nghĩa được giải thích trong kinh Giải thâm mật, nên được
xem là những trình tự phát triển, những bước tiến tuần tự trong sự thực
hành hạnh nhẫn nhục. Và như thế, ở mức độ cao sẽ bao gồm cả mức độ thấp
hơn trước đó, nhưng khi thực hành một mức độ thấp thì không nhất thiết
ta phải hiểu và thực hành được cả những yêu cầu của mức độ cao hơn. Tuy
nhiên, thực tế cho thấy là hai mức độ đầu tiên có nhiều sự gần gũi hơn,
và hầu hết chúng ta đều có thể bắt tay thực hành ngay nếu có sự cố gắng,
trong khi mức độ thứ ba lại là một sự hoàn thiện rốt ráo của cả hai mức
độ trước đó, và đòi hỏi một quá trình tu tập dài lâu trước khi có thể
thực sự hiểu và hành trì được ở mức độ cuối cùng này.
Để thấy rõ hơn nhận xét này, trong những trang sau đây chúng ta sẽ lần
lượt tìm hiểu qua cả 3 ý nghĩa của hạnh nhẫn nhục vừa được nói trên:
nhẫn nhục đối với những tổn hại do người khác gây ra, nhẫn nhục trong
những hoàn cảnh khổ đau, và thấu triệt bản chất của mọi sự việc để có
thể nhẫn nhục với tất cả.