Dẫn
nhập
TU HỌC THẾ NÀO ĐỂ CÓ TUỆ GIÁC?
PHẦN ĐẦU BÀI PHÁP THOẠI KHAI GIẢNG KHÓA TU MÙA THU
1994
Tu Tập Là Cày Bừa Và Vun Bón Đất Tâm
Thưa
đại chúng, hôm nay là ngày mồng 1 tháng 9 năm 1994, chúng ta đang ở xóm Thượng,
trong ngày khai giảng khóa tu mùa Thu.
Nếu
tới Làng Mai cách đây mười hai năm, quí vị sẽ thấy quang cảnh của Làng không
giống bây giờ. Thí dụ Pháp đường Chuyển Hóa là một chuồng bò, phân bò chất lên
rất cao, phía trên toàn là rơm và sàn gỗ mục gần hết. Mỗi khi có việc cần vào,
ta thường bị những con mạt cắn khắp mình, khi ra phải đi tắm mới hết ngứa. Cỏ
dại mọc khắp nơi, Phật đường Trúc Lâm tức là căn phòng đẹp nhất của xóm Thượng
cũng là một chuồng bò chứa phân cao tới gần một thước tây. Chúng ta đã để ra rất
nhiều tuần lễ mới chở hết phân ra, rồi phải dùng một máy xịt nước rất mạnh để
rửa từng viên đá. Quang cảnh của Làng Mai cách đây mười hai năm rất khác với bây
giờ. Trong suốt mười hai năm đó, chúng ta đã cày bừa, dọn dẹp, sắp đặt và quang
cảnh của Làng Mai ngày nay tuy chưa được như mình mong ước nhưng cũng đã khá hơn
trước rất nhiều.
Khi
mới đến một vùng đất hoang để khai khẩn, mảnh đất đó có thể làm cho ta nản lòng
vì cỏ gai và chướng ngại vật đầy dẫy. Ta cần phải đào, phải bứng, phải chặt,
phải cày, phải bừa. Ngưòi làm việc có phương pháp, lúc mới đến họ thường chụp
hình khung cảnh đất hoang, rồi mới bắt đầu khai khẩn, xây cất. Sau một hai năm
xây dựng họ đem hình ra xem để thấy sự khác biệt giữa hai quang cảnh mới và
cũ.
TU HỌC LÀ ĐIỀU PHỤC TÂM
Sự
tu học của chúng ta cũng như vậy. Trước khi tu thì tâm của ta rất là hoang vu và
gai góc. Ta tạo ra rất nhiều đau khổ cho chính ta và cả cho những người chung
quanh. Trong Kinh Tăng nhất A Hàm quyển 5, kinh thứ 5 và 6 thuộc Hán
Tạng, Bụt có nói:
“Này các vị khất sĩ, không có một sự vật nào khi không được điều phục
mà có thể đem lại nhiều đau khổ như tâm của chúng ta.
Này các vị khất sĩ, không có vật nào khi đã được điều phục và chế ngự
mà lại có thể đem lại nhiều hạnh phúc như tâm của chúng ta”.
Vì
vậy tu học có nghĩa là điều phục tâm, làm việc với tâm. Trong văn học Nikaya tức
kinh Pali, tưong đương với đoạn kinh trên là Kinh Samyutta Nikaya
(1), phẩm thứ nhất, Kinh số 6. Bản dịch như sau:
“Này các vị khất sĩ, ta không thấy một Pháp nào đưa đến bất lợi như
là tâm không được điều phục. Tâm không được điều phục, này các vị khất sĩ, đưa
tới những bất lợi rất lớn”. Vậy thì ý kinh cũng
giống như Kinh Tăng nhất A Hàm. Ta hãy đọc tiếp:
“Ta không thấy một Pháp nào khác, này các vị khất sĩ, có thể đưa đến
lợi ích như là tâm được điều phục.
Ta không thấy một Pháp nào khác, này các vị khất sĩ, đưa đến bất lợi
lớn như là tâm không được hộ trì.
Ta không thấy một Pháp nào khác, này các vị khất sĩ, có thể đưa đến
lợi ích lớn như là tâm được hộ trì.
Ta không thấy một Pháp nào khác, này các vị khất sĩ, đưa đến bất lợi
lớn như là tâm không được phòng hộ.
Ta không thấy một Pháp nào khác, này các vị khất sĩ, có thể đưa đến
lợi ích lớn như là tâm được phòng hộ”.
Sau
đó Kinh được tóm tắt lại bằng câu:
“Ta không thấy một Pháp nào khác, này các vị khất sĩ, có
thể đưa đến bất lợi lớn như là tâm không được điều phục, không được hộ trì,
không được phòng hộ, không được bảo vệ. Tâm không được điều phục, không được hộ
trì, không được phòng hộ, không được bảo vệ, này các vị khất sĩ, sẽ đưa đến
những bất lợi lớn”.
bất
lợi lớn ở đây có nghĩa là những đau khổ cho chính bản thân và cho những người
chung quanh.
“Ta không thấy một Pháp nào khác, này các vị khất sĩ, có
thể đưa đến lợi ích lớn như là tâm được điều phục, được hộ trì, được phòng hộ,
được bảo vệ. Tâm được điều phục, được hộ trì, được phòng hộ, được bảo vệ, này
các vị khất sĩ, sẽ đưa đến những lợi ích lớn”.
Lợi
ích lớn ở đây là hạnh phúc cho chính mình và cho những người chung quanh. Khi
tu, ta tu với cái tâm của ta, nghĩa là ta điều phục, bảo vệ, và hộ trì cái tâm
của ta.
TÂM CŨNG NHƯ ĐẤT, CHỨA ĐẦY HẠT GIỐNG
Trong văn học Phật Giáo, tâm có khi được ví với đất. Tại bất cứ nơi
nào ở xóm Thượng, nếu quí vị cày lên một khoảng đất, bừa cho nhỏ rồi tưới nưới,
một thời gian sau sẽ thấy rau dền mọc lên. Quí vị hỏi rau dền ở đâu mà mọc ra
như vậy? Rau dền đã có hạt giống ngay trong lòng đất ở xóm Thượng. Ngoài hạt
giống rau dền, đất xóm Thượng còn chứa rất nhiều loại hạt giống khác.
Ta
thường chứa hạt giống trong bồ hoặc trong nhà để chờ ngày gieo và do đó ta nghĩ
hạt giống là một cái gì có ở ngoài đất. Kỳ thực, hạt giống luôn luôn nằm trong
đất. Nếu ta có hạt giống chứa trong bồ thì hạt giống cũng từ lòng đất mà ra, chứ
không phải từ trên không rơi xuống rồi đem cất vào bồ. Cái ý niệm đất là tâm là
một ý niệm vô cùng tuyệt diệu, vì vậy cho nên ta có chữ tâm địa. Trong
đất tâm, ta có đủ mọi hạt giống: hạt giống của gai góc, của tham giận, của si
mê, của kiêu căng, của ganh tị v.v... Nhưng trong tâm ta cũng có các hạt giống
của hạnh phúc, của giác ngộ, của giải thoát, của sự tha thứ, của sự thương yêu
v.v... Tu học có nghĩa là phân biệt cho được những hạt giống đó để chuyển hóa
những hạt giống xấu và tưới tẩm những hạt giống tốt.
Trước khi tu tập, đất tâm của ta rất cứng và với đất đó ta không làm
gì được cả. Vì vậy, việc đầu tiên là phải cày đất. Lưỡi cày đất tâm là chánh
niệm. Tại Làng Mai chúng ta có 1250 cây mận. Trước khi trồng mận, ta phải cày
những khu đồi. Trồng mận ta phải chọn đất. Đất trồng mận phải là đất trên đồi
thì mận mới tốt. Trồng ở thung lũng, vào mùa Xuân sương đọng nhiều, hoa mận có
thể bị đóng băng giá, những trái mận có thể chết ngay từ lúc còn trong lòng hoa.
Ban đầu ta cày sâu khoảng 40cm rồi đặt những cây mận xuống. Năm thứ hai, giữa
những hàng mận con ta phải dùng một lưỡi cày nhỏ, rộng khoảng 5cm và dài gần 1m
để cày hai bên hàng mận. Lưỡi cày đó đi sâu vào lòng đất, làm vỡ những tảng đất
cứng ở dưới để sau này rễ mận có thể chui qua nếu không, những cây mận này sẽ
không có tương lai. Sang năm thứ ba, ta cũng cày lại, nhưng lần này không cày
theo đưòng cũ mà cày sang một bên, tiếp tục làm vỡ đất dưới sâu để cho rễ mận có
đường chui qua. Nếu không cày nhiều lần như vậy, rễ mận chỉ đi qua trên mặt mà
không bao giờ hút được nước và chất bổ ở dưới lòng đất sâu. Vì vậy nhìn bề ngoài
ta tưởng công phu cày mận chỉ sâu mấy chục phân thôi, nhưng thực ra ta đã dùng
lưỡi cày rất dài và đã cày nhiều năm giữa những hàng mận để cho đất ở dưới sẽ
được phá vỡ. Khi cày sâu như vậy, lưỡi cày sẽ giật, sẽ cắt đứt và làm lộ lên
những rễ cây, những hạt giống kết tụ từ hàng trăm năm trước.
Tu
học cũng vậy. Phải biết rằng nếu đất tâm của ta không được điều phục thì đất tâm
đó không giúp được gì cho việc tu tập của ta cả. Phải cày đất tâm của ta bằng sự
thực tập chánh niệm hàng ngày. Ví dụ nghe chuông là một cách cày ruộng tâm. Làm
sao quý vị có thể làm cho tâm mình được phòng hộ, được trở nên tốt đẹp nếu mình
không cày sâu xuống mảnh đất tâm của mình? Vì vậy trong đời sống hàng ngày, khi
chúng ta nấu cơm, giặt áo, quét nhà, gánh nước, bổ củi là những lúc chúng ta cày
miếng đất tâm của chính mình. Ruộng tâm được cày lên để tất cả những gai góc và
rễ cây được xắn đứt, trồi lên mặt đất để ta có thể lượm, quăng vào một đống rồi
đốt đi.
Sáng
nay chúng ta đã học sơ lược về cách thỉnh chuông. Thỉnh chuông là một phương
thức cày ruộng tâm. Nếu không thành công khi thỉnh và nghe chuông thì có thể sẽ
không thành công trong những pháp môn tu tập khác.
TU HÀNH CŨNG NHƯ LÀM RUỘNG
Nói
đến cày ruộng, ta nhớ đến Kinh Samyutta tức là Tương Ưng Bộ, chương 1, kinh
thứ 172. Kinh tương đương trong Hán tạng là Kinh Tạp A Hàm. Kinh
thứ 98 Tương Ưng Bộ ghi lại rằng: Một hôm Bụt đi khất thực với các thầy ở
miền quê nước Kosala (Câu Tát La, tức là nước của Vua Ba Tư Nặc, nơi có vườn Kỳ
thọ Cấp Cô Độc ở thủ đô Xá Vệ). Hôm đó là ngày đầu mùa Xuân, các nhà nông đưa
trâu ra cày ruộng. Có một vị Bà la môn tên Bhàradvàja (Ba La Đậu Bà Giá), là một
chủ điền rất lớn. Ông đem theo tới 500 lưỡi cày, 500 con trâu và rất nhiều lực
điền để cày ruộng. Đến giờ nghỉ trưa, họ mang cơm ra ăn. Giáo đoàn của Bụt đi
ngang qua và các thầy dừng lại để khất thực. Ông Bà la môn đứng đậy chỉ trích:
“Chúng tôi làm ruộng, chúng tôi có đất, có hạt giống, có cày, có bò, chúng tôi
cày ruộng, bừa ruộng, gieo hạt giống, cấy mạ, vun bón rồi chúng tôi mới ăn. Các
ông không có đất, không có cày, các ông không tưới, không làm gì hết mà các ông
cũng đòi ăn là nghĩa làm sao? Bụt mỉm cười nói: “Thưa ông, có chứ, chúng tôi có
đất, có hạt giống, chúng tôi có cày bừa, có trâu bò, chúng tôi có gieo hạt, chăm
sóc và chúng tôi ăn”. Ông Bà la môn nói: “Thầy nói vậy làm sao tôi tin được. Đất
của Thầy đâu, hạt giống của Thầy đâu, bò của Thầy đâu, cày của Thầy đâu mà Thầy
dám nói rằng Thầy là người cày ruộng?” Bụt liền đọc một bài kệ như
sau:
Đức tin là hạt giống
Công
phu mưa phải thời
Chánh niệm là lưỡi cày
Tinh tấn là sức
kéo
Cán cày là trí
tuệ
Dây cột là ý
căn
Rễ ách nạn nhổ
lên
Quả Niết Bàn thu
hoạch.
Như
vậy có nghĩa tâm ta là đất ruộng, và những hạt giống mà ta gieo trên đó là hạt
giống của đức tin, đức tin nơi Pháp môn của Bụt, nơi Giáo Pháp và nơi Tăng đoàn.
Hạt giống đó cùng với đất tâm là vốn liếng của người làm ruộng tâm.
Kinh
này cho ta thấy rằng tu hành cũng giống như làm ruộng. Khi tu tập, ta biết tâm
mình là ruộng đất, chánh pháp là những hạt giống tốt và chánh niệm là lưỡi cày
để phá đất. Chúng ta phải vun bón, phải chăm sóc thì mới có sự thu hoạch tình
thương tức là có lòng từ bi. Có trí tuệ, có tình thương thì có vững chải và
thảnh thơi, hai đặc tính của Niết Bàn. Vì vậy mà Bụt nói “Quả Niết Bàn thu
hoạch”.
Theo truyền thống đạo Bụt Đại thừa, ta thường gọi tâm là đất. Tâm của
chúng ta có nhiều tác dụng, nhưng thường thường chúng ta chỉ nói tới hai tác
dụng chính của tâm. Tác dụng thứ nhất gọi là Tàng và tác dụng thứ hai gọi là
Ý. Tâm có thể được tượng trưng bằng một vòng tròn với một dây cung chia
vòng đó làm hai phần. Phần dưới tượng trưng cho tàng thức, phần trên
tượng trưng cho ý thức.
Tàng
ở đây là đất và đồng thời là những hạt giống. Những hạt giống dưới (tàng) có thể
mọc lên thành hoa trái ở phía trên (ý). Nếu người làm ruộng phải làm việc với
đất thì người tu phải làm việc với tàng thức. Nếu chỉ làm việc với ý thức
thôi thì ta sẽ không thành công, vì ý thức chỉ là người làm ruộng còn tàng thức
mới chính là đất. Tất cả những hạt giống đều nằm trong tàng thức và chính tàng
thức mới cống hiến được những hoa trái của sự hiểu biết, của sự thương yêu, và
của sự giác ngộ. Cho nên nếu ta không tu tập thì đất tâm sẽ đưa lên những quả
khổ đau, giận hờn, vô minh, và kỳ thị. Vì vậy ý niệm đất rất là quan trọng vì
đất luôn luôn cất giữ những hạt giống. Có đất là có hạt giống.
Nếu đã tụng
Kinh Địa Tạng, chắc quí vị còn nhớ một câu trong bài tựa: “Địa ngôn kiên hậu
quảng hàm tàng”. Địa có nghĩa là vững chải, là sâu dày, và chứa đựng được
rất nhiều; kiên là chắc chắn; hậu là dầy, là có chiều sâu, là chắc
chắn. Tính chất thứ ba của đất là quảng hàng tàng. Quảng là rộng rãi,
tàng là chứa đựng, quảng hàm tàng là có khả năng bao gồm và chứa
đựng rất rộng rãi. Vì vậy chữ tàng thức rất có ý
nghĩa: tàng thức là một cái thức chứa đủ tất cả các hạt giống, nó có tính cách
vững chải và sâu dày. Hạt giống ở tàng thức có đủ loại: hạt giống xấu, hạt giống
tốt, hạt giống của ma và hạt giống của Bụt. hạt giống của khổ đau có mặt mà hạt
giống của hạnh phúc cũng có mặt. Vì vậy tàng thức có khi được gọi là nhất
thiết chủng thức, tức là cái tâm thức có đầy đủ tất cả các loại hạt
giống.
Ở
Làng Mai, đứng trên đồi nhìn xuống, ta thấy những ruộng nho, những đồi mận rất
đẹp. Ta nên biết rằng những vùng đất đó đã được cày bừa rất kỹ lưỡng. Tại Xóm
Hạ, đất ở các vường trồng rau trong nhà mặt trời đã được chuẩn bị thật kỹ cho
nên ta mới có các loại rau mọc lên rất mạnh và tốt tươi. Sư cô Bảo Nghiêm và sư
cô Chân Vị là hai người đã để ra rất nhiều thì giờ và công phu để chăm sóc những
vườn rau ở Xóm Hạ. Các sư cô biết rất rõ nếu không xới, không nhổ cỏ, không làm
cho đất mềm, đất nhuyễn thì không thể nào trồng rau được. Tâm của ta cũng vậy,
nếu tâm của ta không được điều phục, không được uốn nắn, không được bảo hộ thì
tâm của ta sẽ gây ra đau khổ và không thể nào tạo được hạnh phúc cho mình và cho
người.
BA TÂM SỞ MỚI TRONG ĐẠO BỤT NAM TÔNG
Trong khóa tu mùa Xuân vừa qua chúng ta đã học về 51 Tâm sở một cách
khá kỹ lưỡng. Pháp tướng Duy Thức học và 51 Tâm sở đã trở thành quen thuộc với
chúng ta. Nhưng khi đi vào lảnh vực của Nam tông, ta khám phá ra những tâm sở
mới không có mặt trong số 51 tâm sở thường được nhắc đến. Hôm nay chúng ta sẽ kể
tên ba tâm sở mà chúng ta chưa được học trong số những tâm sở thiện của Đạo Bụt
Bắc truyền.
Trước hết là Tâm sở nhu nhuyễn, tiếng Phạn là Cittamudutà. Nhu nhuyễn
là mềm. Tâm nhu nhuyễn dễ làm việc lắm, còn nếu tâm cứng ngắc thì rất khó làm
việc. Đất cứng mà không cày thì không trồng trọt gì được. Hãy lấy một cành cây
khô mà ta lượm ở Pháp Thân Tạng làm ví dụ. Khi ta uốn cành cây khô này thì nó
gãy. Trong khi đó với một cành tre non hay một dây mây, ta có thể uốn nắm một
cách rất dễ dàng. Sự khác nhau giữa cành cây khô và sợi dây mây là ở chỗ một bên
có sự nhu nhuyễn, một bên không có sự nhu nhuyễn. Tâm của ta cũng vậy, có khi nó
cứng ngắc, cố chấp đủ thứ, dù có người muốn giúp, cố nói cho ta nghe một điều gì
đó nhưng tâm ta nó vẫn trơ trơ, vẫn không chuyển lay. Tâm đó gọi là tâm không
nhu nhuyễn.
Một
tâm sở khác là Tâm thích ứng (Cittakarmannata). Ngày xưa dịch là Tâm
thích nghiệp, vì trong đó có chữ karma, nhưng dịch là tâm thích ứng thì dễ hiểu
hơn. Tâm thích ứng là tâm uyển chuyển, tâm có thể chấp nhận được những hoàn cảnh
mà ta không chờ đợi trước. Ví dụ ta có một ý niệm về Làng Mai, nghĩ rằng Làng
Mai là thế này hoặc thế kia, nhưng khi về tới Làng thì thấy Làng Mai không giống
như những điều mà ta đã vẽ ra, đã suy nghĩ đến, vì không bỏ được cái ý niệm
trước của ta về Làng Mai nên ta không thích ứng được. Kết quả là ta cảm thấy
thời gian ở Làng Mai không hạnh phúc vì những điều ta mong đợi đã không xảy ra.
Tâm đó gọi là tâm không thích ứng. Trong khi đó, tâm thích ứng là tâm dễ hội
nhập vói hoàn cảnh trong hiện tại. Hội nhập ở đây không có nghĩa là ta phải bỏ
cái của ta và hoàn toàn đi theo cái của người khác. Hội nhập ở đây là ta hòa
chung với hoàn cảnh và tìm cách để đem những điểm tích cực của mình ra cống hiến
và phối hợp với cái tích cực của địa phương, khiến cho hai cái tốt được pối hợp
với nhau. Mình không đánh mất cái tốt của mình mà địa phương cũng không đánh mất
cái đẹp của địa phương. Đó gọi là thích ứng. Ví dụ các sư chị ở Việt Nam có cái
đẹp, cái hay của truyền thống. Sang Làng Mai các sư chị thấy các sư em thỉnh
thoảng thiếu những cái hay đó của truyền thống, nhưng đồng thời các sư chị lại
thấy các em có những cái hay của Tây Phương, của “những cái không truyền thống”.
Nếu các sư chị thích ứng thì các sư chị chấp nhận hoàn cảnh mới rồi từ từ trao
truyền những cái hay, cái đẹp truyền thống cho các sư em, đồng thời học những
cái hay cái đẹp mà các em có, tại vì mỗi nền văn hóa đều có những nét đặc thù
khác nhau. Nếu các sư chị bó tay và nghĩ là mình phải về lại Việt Nam, còn nếu ở
lại thì mình sẽ không làm được gì hết, đó là vì các sư chị không có tâm thích
ứng.
Một
tâm sở khác gọi là Tâm hữu năng (Cittapãgunnatà), có khi dịch là Tâm
tinh luyện hay Tâm xảo diệu. Tâm xảo diệu là tâm có khả năng làm được những
việc mà những tâm khác không thể làm được. Người có tâm đó thì rất khéo léo,
khéo léo như hai bàn tạy của một cô Y tá khi chích thuốc hay băng bó. Phải tập
luyện lắm mới có được hai bàn tay của cô y tá. Ai muốn biết hai bàn tay của cô y
tá như thế nào thì hỏi sư chị Bảo Nghiêm hay sư chị Minh Tánh. Tâm của mình cũng
vậy, khi tâm của mình xảo diệu thì mình có thể đối cơ, đối cảnh và độ đời được
một cách rất dễ dàng. Mình có thể sống với các sư em, sư anh, sư chị một cách
rất hạnh phúc, còn nếu không có tâm xảo diệu, nếu cứng ngắc và không biết thích
ứng thì mình chỉ chịu chết thôi.
Tất
cả những tâm sở và tâm hành này đều có hạt giống ở trong tàng thức. Nếu thực tập
chuyện cày ruộng, thực tập chuyện tu học hàng ngày thì hạt giống của tâm nhu
nhuyễn, của tâm thích ứng và của tâm xảo diệu sẽ tưới tẩm và ta sẽ trở thành một
người sống có hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vì vậy mỗi khi giận, buồn,
hoặc thất vọng ê chề, ta thối thất muốn bỏ đi, muốn trốn tránh xã hội loài người
thì ta phải biết rằng cái tâm của ta đang còn là một miếng đất hoang, chưa được
cày bừa, chưa được tu tập. Bụt dạy rằng tâm không tu tập sẽ đem lại rất nhiều
khổ đau cho mình và cho người, tâm được tu tập sẽ đem lại hạnh phúc cho mình và
cho người. Vì vậy đối với người tu hành, công việc hàng ngày là cày cấy mảnh đất
tâm của mình. Khi ngồi thiền mình cày ruộng tâm của mình. Khi đi thiền hành mình
cũng cày ruộng tâm của mình. Khi nghe chuông, khi thở, khi ăn cơm đều là những
lúc mình cày ruộng tâm của mình cả. Cũng vậy, khi lượm mận, làm mứt, nấu cơm,
đều là những lúc ta cày miếng đất của ta. Đừng nghĩ rằng tu hành chỉ xảy ra
trong khi mình ngồi thiền hay nghe thuyết Pháp mà thôi. Cái tâm của mình phải
luôn luôn được tu tập. Theo danh từ Hán Việt, tu là làm cho đẹp, làm cho tốt,
làm cho nó có thể sử dụng được như trong danh từ tu bổ. Tiếng Phạn, Bhavana (tu)
có nghĩa là cày bừa, trồng trọt. Tiếng Pháp là culture, tiếng Anh là
cultivation. Ví dụ như tu Từ Bi có thể dịch là The cultivation of Compassion and
Loving Kindness. Ta phải cày bừa đất, phải gieo hạt giống, phải tưới tẩm, đó là
tu tập. Bhavana là như vậy. Cố nhiên khi muốn trồng thì ta phải có đất mà đất
thì đã có rồi. Nhưng có thể đất của ta còn hoang cho nên ta phải dùng cày, dùng
bừa, phải tưới tẩm, phải vun bón, phải gieo hạt giống, và phải trừ diệt cỏ. Tất
cả những công việc đó đều thuộc vào phạm vi tu tập. Vì những phiền não hàng ngày
quấy động và vì ta có hạt giống từ dưới chiều sâu của tàng thức, nên nếu không
tu tập thì chúng sẽ lăng xăng, trỗi dậy và làm cho quang cảnh của ý thức tiêu
điều. Ý thức là phòng khách của chúng ta, còn tàng thức là kho chứa. Khi kho
chứa đầy khổ đau thì thỉnh thoảng khổ đau đẩy cửa vào ngồi chểm chệ trong phòng
khách của ta. Nếu không tu tập thì ta không có khả năng đuổi chúng đi, không có
khả năng chuyển hóa chúng được. Ý thức là người làm vườn; người làm vườn phải
biết điều phục khu vườn của mình, phải biết cày bừa, phải biết nhổ cỏ, phải biết
chọn hạt giống, phải biết vun bón, phải biết tưới tẩm thì mới có những hoa trái
của hạnh phúc, của thương yêu và của giác ngộ.
(1) Trong Văn hệ Pali, Tương Ưng Bộ
(Samyutta Nikaya) viết tắt là S.. Vì vậy khi thấy chữ S.. ta biết đó là Tương
Ưng Bộ; khi thấy chữ M., ta biết đó là Trung Bộ (Majjhima Nikaya); thấy chữ A.
là Tăng Nhất (Anguttara Nikaya); và thấy chữ D. là Trường Bộ (Digha
Nikaya).
---o0o---