CHƯƠNG 1
TÊN VÀ NGUỒN GỐC KINH TAM DI
ĐỀ
1.1 Nguồn Gốc
Tên Kinh
Kinh
Tam Di Đề hiện giờ ta có ba bản, một bản tiếng Pali và hai bản chữ Hán (Tạp A
Hàm và Biệt Dịch Ta A Hàm). Kinh Tam Di Đề mà ta đang đọc được dịch từ Hán Tạng,
đó là kinh số 1078 trong Tạp A Hàm.
Tam
Di Đề tiếng Phạn là Samiddhi, Samiddhi là tên của một thầy còn trẻ, khoảng 22,
23 tuổi. Thầy Samiddhi được sinh ra trong một gia đình trâm anh thế phiệt, sống
tại thủ đô Vương Xá (Ràjagaha).
Ngày
xưa trước khi thành đạo, Bụt có hứa với vua Tần Bà Xa La (Bimbisara) là sau khi
thành đạo thế nào Ngài cũng về để giúp vua. Lúc đó Bụt còn là một vị sa môn đang
đi tìm đạo và hai người đã gặp nhau trên một khu đồi ở gần Thành Vương Xá. Vua
Tần Ba Xa La rất cảm phục Bụt và đã khẩn khoản mời Ngài về làm Quốc Sư, nhưng
Bụt đã nói: “Bần đạo xin cảm tạ tấm lòng chiếu cố của Đại Vương, nhưng quả thật
giờ đây bần đạo chỉ có một ước vọng mà thôi, đó là ước vọng tìm cho ra chánh đạo
để cứu giúp muôn loài. Cuộc sống rất vô thường, cái khổ của sinh, lão, bệnh, tử
luôn luôn rình rập ta, những ngọn lửa phiền não từ nội tâm như tham vọng, giận
dữ, oán thù, si mê, ganh ghét và kiêu mạn đang nung nấu tâm hồn ta, và ta chỉ có
thể đạt tới an lạc thật sự nếu ta tìm được con đường tu tập. Chỉ khi nào Đạo
Lớn được tìm ra thì mọi loài mới có con đường giải thoát. Nếu Bệ Hạ có lòng yêu
mến bần đạo, xin Bệ Hạ để cho bần đạo được theo đuổi con đường mà kẻ tu hành này
đã hướng đến từ lâu. Bần đạo xin hứa là khi nào tìm ra được đạo, bần đạo sẽ trở
về chia xẻ với Đại Vương”.
Vì
vậy sau khi thành đạo, lập được tăng thân ở Vườn Nai, trở về thăm cây bồ đề,
điều phục ba anh em ông Ca Diếp thờ Thần Lửa, và thu nhận gần một ngàn môn đồ
của ba vị này làm đệ tử xuất gia, Bụt đã đưa cả giáo đoàn đó về thủ đô Vương Xá,
cư trú tại Rừng Kè mới trồng ở ngoại ô, cách thủ đô hai dặm về phía Nam. Buổi
sáng giáo đoàn được phép vào thành để khất thực. Các vị khất sĩ tổ chức thành
từng chúng hai mươi lăm người, bước từng bước khoan thai và có ý thức, tay ôm
bình bát, mắt nhìn thẳng về phía trước, dáng điệu rất uy nghi. Dân chúng trong
thành rất ngạc nhiên khi thấy có một giáo đòan khất sĩ mới, đông đảo nhưng rất
trang nghiêm. Bụt cũng đã đi khất thực chung với các thầy. Cgỉ trong vòng nửa
tháng, phần lớn dân chúng thủ đô đã biết tới sự có mặt của giáo đoàn khất sĩ do
Bụt lãnh đạo. Tiếng đồn tới tai vua và vua biết là Người xưa đã trở về, Bụt chưa
kịp đi thăm vua thì một buổi chiều, vua cùng hoàng hậu và thái tử đã ngồi xe tứ
mã tìm về Rừng Kè để thăm Bụt. Tháp tùng vua có nhiều nhân sĩ, trí thức và lãnh
đạo cao cấp trong giới Bà la môn, trong đó có thân phụ của Samiddhi. Lúc đó
Samiddhi là một người trẻ, cũng được đi theo phái đoàn. Cố nhiên chàng không
phải là một thanh niên tầm thường. Nếu không có tài, không có ưu thế trong xã
hội thì đâu dễ gì chàng được tham dự vào phái đoàn để đi thăm Bụt.
SƯ CHÚ SAMIDDHI VÀ MA VƯƠNG
Ngay
lần đầu được gặp Bụt và chứng kiến cuộc nói chuyện giữa Bụt và vua Tần Bà Xa La,
Samiddhi đã có ý định muốn xuất gia, và người trai trẻ này là một trong những
thanh niên đầu tiên ở thành Vương Xá được chấp nhận vào giáo đoàn của Bụt và
thầy sống rất an lạc. Sau vài ba năm tu học, trong một đêm thiền tọa thầy
Samiddhi quán chiếu thấy mình thật may mắn đã được chấp nhận vào trong giáo đoàn
mầu nhiệm này và thầy cảm thấy rất hạnh phúc. Bỗng nhiên thầy nghe một tiếng nổ
kinh hoàng giống như là trái đất vỡ tung, làm thầy rất hoảng sợ.
Ngày
hôm sau tìm tới Bụt thầy kể lại câu chuyện đã xảy ra: “Bạch Đức Thế Tôn, con
đang thiền tọa rất an lạc, đang ý thức được sự may mắn của con vì được xuất gia
từ lúc còn trẻ tuổi, thì tự nhiên có một tiếng nổ giống như quả đất này đang vỡ
tung. Con đã rất sợ nên đến với Đức Thế Tôn để hỏi Ngài là con phải đối trị với
cái sợ ở trong con như thế nào?” Bụt nói: “Này Samiddhi Đó là ma phiền não trong
tâm quấy nhiễu con. Con chỉ cần biết đó là ma phiền não thôi thì tự nhiên con sẽ
bình an, hết sợ. Con đừng đi trốn ở một nơi khác, cứ ở ngay chỗ đó để tu
học”.
Vài
ngày sau khi trở về trung tâm đó, cũng vào nửa đêm, trong khi thiền tọa, thầy
Samiddhi lại nghe một tiếng nổ kinh hoàng giống như kỳ trước. Thầy mỉm cười, thở
vào, thở ra, và nói: “Đây là ma phiền não, ta nhận biết cái hạt giống sợ hãi ở
trong ta rồi”. Và mầu nhiệm thay tất cả những sợ hãi đó đều biến mất và tiếng nổ
kia không bao giờ còn được nghe nữa. Từ đó trở đi thầy Samiddhi sống rất an lạc
và tu học rất tinh chuyên trong giáo đoàn mầu nhiệm này.
Câu
chuyện trên đây có nghĩa là trong thời gian tu học, có thể sự nghi ngờ và sợ hãi
xảy ra trong tâm ta. Đôi khi sự nghi ngờ hoặc sợ hãi đó rất lớn, giống như một
tiếng nổ kinh hoàng, giống như trái đất sắp nổ tung. Nhưng ta không nên lo lắng,
tại vì tất cả những sợ hãi và nghi ngờ đó đã từ tâm ta phát sinh. Ta chỉ cần
nhận diện sự có mặt của chúng thì chúng sẽ không làm gì được ta. Trong khi tu
hành, nếu ta sinh ra tâm niệm chán nản, thì tâm niệm chán nản đó cũng là ma
phiền não. Đó là một hạt giống trong tâm địa đã nảy mầm. Ta không cần phải chạy
trốn, ta chỉ cần mỉm cười, thở vào, thở ra, và nói rằng: Hạt giống của chán
nản ơi! Người vừa xuất hiện, ta biết sự có mặt của ngươi, thì hạt giống đó
không làm gì được ta.
Một
lần khác, thầy Samiddhi đã gặp và đàm luận với một vị ngoại đạo khá nổi tiếng,
vị này là một nhà triết học. Lúc đó Đức Thế Tôn đã được vua Tần Bà Xa La
(Bimbisara) cúng dường cho một khu rừng tre rất đẹp ở cạnh thành Vương Xá, gọi
là Tu Viện Trúc Lâm. Trong rừng có rất nhiều con sóc hiền lành. Hôm ấy thầy
Samiddhi đang ngồi trong một cái thất ở rừng tre thì có một vị du sĩ ngoại đạo
tên là Totali Budtha đến gặp thầy và hỏi về giáo lý đạo Bụt. Ông ta hỏi về thân
nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp và về cảm thọ. thầy Samiddhi đã giảng, đã giải
thích cho vị du sĩ đó, Kiến thức của thầy lúc bấy giờ chưa vững, cho nên khi
biết chuyện, Bụt có hỏi lại Samiddhi. Samiddhi đã nói vài điều không đúng lắm
với chánh pháp nên bị Bụt quở. Hôm đó Samiddhi hơi có nội kết, tự giận mình mới
tu nên còn non yếu. Nhưng nội kết đó đã rất tốt cho quá trình tu học của
thầy.
Đây
là những điều quí vị nên biết trước khi đọc Kinh Tam Di Đề, nếu không mình sẽ
không hiểu một vài chi tiết ở trong kinh. Câu chuyện thầy Samiddhi bị Bụt rầy
được ghi lại trong Kinh Đại Nghiệp Phân Biệt, tức là Kinh 136 ở trong Trung bộ
Kinh.
1.2
Trưòng Hợp Bụt Nói Kinh
Đây là những điều tôi được nghe vào một thời mà Bụt đang cư trú ở Tu
viện Trúc Lâm Ca Lan Đà, tại kinh thành Vương Xá. Một sớm mai nọ có vị khất sĩ
ra sông cởi y áo để trên bờ, rồi xuống nước tắm gội. Tắm xong vị ấy ấy lên bờ
đợi cho khô mình mẩy rồi mặc áo vào. Bấy giờ có một vị thiên nữ xuất hiện, hào
quang từ thân hình phát ra sáng chói, soi rõ cả bờ sông. Thiên nữ nói với vị
khất sĩ:
“Thầy là một người mới xuất gia, tóc còn xanh, tuổi còn trẻ, giờ này
đáng lý phải xông ướp hương thơm, trang điểm châu báu, đeo tràng hoa thơm mà
hưởng thọ năm thứ vui thú ở đời. Trong khi đó thì thầy lại bỏ những người
thương, quay lưng lại với cuộc đời thế tục, chịu đựng sự biệt ly, cạo bỏ râu
tóc, khoác áo Cà sa, tin tưởng vào con đường xuất gia học đạo. Tại sao lại bỏ
cái lạc thú hiện tại mà đi tìm cái lạc thú phi thời như thế?”.
Đó
là đoạn đầu của kinh theo bản văn Hán tạng. Trong bản văn tiếng
Pali cũng nói giống như vậy và có ghi rõ tên vị khất sĩ là Tam Di Đề. Trong
bản văn Hán tạng tuy không nêu rõ tên vị khất sĩ trẻ, nhưng ta biết chắc rằng vị
khất sĩ đương sự mang tên Samiddhi.
Chúng ta cũng có một bản dịch khác trong Hán tạng là Biệt Dịch Tạp
A Hàm Kinh. Trong bản kinh này có ghi là khi thầy Samiddhi cởi áo đi xuống
nước tắm thì trời còn mờ tối, chưa sáng hẳn. Khi bước lên thì thầy để lộ cái
thân hình của một người con trai trẻ tuổi, và thầy đứng như vậy đợi cho khô ráo
chứ không mặc vào một cái áo để che thân như đã được mô tả trong Tạp A Hàm Kinh
số 1078 hay là trong kinh văn Pali. Biệt Dịch Tạp A Hàm nói “lộ hình xuất thủy”,
tức là đi ra khỏi nước để lộ thân hình và đứng đợi cho khô thôi, không nói có
mặc áo vào. Tôi nghĩ rằng bản kinh nói “lộ hình xuất thủy” có tính cách gần với
kinh nguyên thủy hơn. Sau này có lẽ người ta thấy cái hình ảnh đó không được
thuần phong mỹ tục cho lắm, nên bản Tạp A Hàm cũng như bản Pali đều cho thầy mặc
vô một cái áo để đứng đợi cho khô mình mẩy.
Ở
gần núi Linh Thứu có nhiều nước suối nóng, các thầy ưa tới đó tắm. Có nhiều thầy
trẻ, tắm hơi nhiều nên bị Bụt quở. Vì vậy sau đó đã phải qui định lại là nên tắm
bao nhiêu thì đủ, vì tắm ở suối nước nóng là một sụ thích thú của rất nhiều
thầy. Trong khu vực những suối nước nóng có một tu viện. Nói là tu viện nhưng kỳ
thực không có những tòa nhà lớn mà chỉ có những thảo am, những tịnh xá nho nhỏ
cất lên rải rác đó đây cho các thầy lớn tuổi thôi, còn các thầy nhỏ thì sống ở
dưới các gốc cây. Những dòng suối nước nóng đó chảy vào một con sông tên là
Tapoda, và tu viện ở đó gọi là tu viện Tapodarama. Nước sông không còn nóng như
ở suối, và thầy Samiddhi đã tắm ở dòng sông này.
Chúng ta nên biết rằng ngày xưa các vị Thiên giả hiện xuống sống
chung với người thường rất thường. Hiện nay ta chỉ thấy người thường thôi chứ
không thấy Chư Thiên xuống nghe Pháp. Thật ra chúng ta phải nghĩ rằng giữa Thiên
với Nhân khoảng cách cũng không xa bao nhiêu. Có những người sống nhẹ nhàng như
tiên và như vậy thì dưới trần thế cũng có những vị Thiên giả chứ không phải là
không.
Trong đoạn này, ta nhận thấy vị Thiên giả xuất hiện khi thầy Samiddhi
mới tắm xong và chưa mặc áo, Có lẽ nhìn thấy thầy là một người con trai mới lớn,
thân hình tráng kiện là lại xuất gia, cho nên cô đã hỏi: “Thầy tuổi còn trẻ, tóc
còn xanh, giờ này đáng lý phải xông ướp hương thơm, trang điểm châu báu, đeo
tràng hoa mà hưởng thọ năm thứ vui ở đời. Tại sao thầy lại bỏ những người
thương, quay lưng lại với cuộc đời thế tục, chịu đựng sự biệt ly, cạo bỏ râu
tóc, khoác áo Cà sa, tin tưởng vào con đường xuất gia học đạo. Tại sao thầy lại
bỏ cái lạc thú hiện tại mà đi tìm cái lợi phi thời như thế?” Chuyện này xảy ra
trong quá khứ nhưng cũng đang xảy ta trong hiện tại. Người ta thường hay nói:
mình còn trẻ mà đi tu làm gì? Mình phải xông pha trong cuộc đời hưởng thọ năm
thứ dục lạc trước, rồi sau đó mình tu cũng không muộn. Truyền thống Đạo Bà la
môn chủ trương như vậy. Nhưng truyền thống của Đạo Bụt là một truyền thống mới,
khác với đạo Bà la môn, vì vậy mà thầy Samiddhi đã trả lời câu hỏi của vị Thiên
nữ:
“Tôi đâu có bỏ cái lạc thú hiện tại mà đi tìm cái lạc thú phi thời?
Chính tôi đã bỏ cái lạc thú phi thời để tìm tới cái lạc thú chân thật trong hiện
tại đó chứ!”
Phi
thời nghĩ là không đúng lúc. Theo vị Thiên nữ thì năm thứ dục lạc (tài, sắc,
danh, thực, thụy) là lạc thú hiện tại, còn lạc thú mà người xuất gia đi tìm, tức
là giải thoát và Niết Bàn, là lạc thú phi thời. Ai lại bỏ cái lạc thú hiện tại
mà đi tìm cái lạc thú phi thời như vậy? Đó là lời nói của vị Thiên nữ. Thầy
Samiddhi đã trả lời rất hay: “Tôi đâu có bỏ cái lạc thú hiện tại để đi tìm cái
lạc thú phi thời? Chính tôi đã bỏ cái lạc thú phi thời để tìm tới cái lạc thú
chân thật trong hiện tại đó chứ!” Câu trả lời này rất đúng chánh pháp. Nếu không
học nhiều kinh khác nói về Bụt, về Pháp và về Tăng thì chúng ta sẽ không hiểu
được câu này.
Vị
Thiên nữ hỏi:
-
“Thế nào là bỏ cái lạc thú phi thời để tìm cái lạc thú chân thật trong hiện
tại?”
Vị khất sĩ đáp:
-
“Đức Thế Tôn có dạy: trong cái vui phi thời của ái dục, vị ngọt rất ít mà chất
cay đắng rất nhiều. Cái lợi rất bé mà cái tai họa rất lớn. Tôi giờ này đang an
trú trong hiện pháp, lìa bỏ được những ngọn lửa phiền não đốt cháy. Hiện pháp
này vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, tự mình thông đạt, tự mình có thể giác
tri. Này Thiên nữ, đó gọi là bỏ cái lạc thú phi thời để đạt tới cái lạc thú
chân thực trong hiện tại".
Đoạn
kinh văn này rất quan trọng. Ta phải nghiên cứu mới hiểu sâu được.
Vị Thiên nữ lại hỏi vị khất sĩ:
- Tại sao Đức Thế Tôn lại nói trong cái vui phi thời của ái dục vị
ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều, cái lợi rất bé mà tai họa rất lớn? Tại
sao Đức Thế Tôn lại nói an trú trong hiện pháp là lìa bỏ được những ngọn lửa
phiền não đốt cháy, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, tự mình thông đạt, tự
mình có thể giác tri?”
Vị khất sĩ trả lời:
-
“Tôi mới xuất gia được có mấy năm, không đủ sức giảng bày rộng rãi những giáo
pháp và luật nghi mà Đức Như Lai tuyên thuyết. Hiện Đức Thế Tôn đang cư ngụ gần
đây, nơi rừng tre Ca Lan Đà, Thiên nữ có thể tới với Người để trình bày những
nghi vấn của Thiên nữ, Đức Như Lai sẽ dạy cho Thiên nữ chánh pháp để tùy nghi
thọ trì”.
Câu
nói đó của thầy Samiddhi chứng tỏ thầy đã cẩn thận trong khi trả lời. Thầy không
dám giảng rộng ra và câu mà thầy vừa nói trên là một câu thầy đã thuộc lòng, nó
nằm trong công thức về phép niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng. Trước đây thầy
Samiddhi đã một lần giảng giải rộng, nhưng vì giảng giải chưa được đúng nên thầy
đã bị Đức Thế Tôn quở, thành ra bây giờ thầy cẩn thận hơn.
Hồi
đó Bụt ở tại tu viện Trúc Lâm. Tu viện này ở miền Nam thủ đô Vương Xá, cách thủ
đô chừng vài cây số. Trong tu viện Trúc Lâm có một cái hồ lớn, gọi là Hồ Ca Lan
Đà (Kalandala). Ngày xưa tu viện có rất nhiều loại tre quí do Vua tần Bà Xa La
đem từ các nơi về. Trong vườn tre có rất nhiều con sóc hiền lành. Khi đến thăm
Bụt ở rừng Kè, Vua Tần Bà Xa La đã thỉnh Bụt và giáo đoàn về cung thọ trai. Mấy
tuần lễ sau, vào ngày trăng tròn, buổi sáng Bụt khoác áo Cà sa, mang bình bát
cùng với giáo đoàn 1250 vị khất sĩ đi vào thành Vương Xá để đáp lại lời mời của
Quốc Vương Tần Bà Xa La. Trong dịp thiết trai tăng cúng dường này, Vua Tần Bà Xa
La đã hiến cúng cho Bụt và giáo đoàn khu vưòn tre đó. Vườn tre này trở thành tu
viện đầu tiên của giáo đoàn Đạo Bụt. Về sau giáo đoàn lại có thêm tu viện
Nalanda ở tám cây số phía bắc thủ đô.
Ngày
xưa Tu viện Nalanda là một tu viện rất phồn thịnh, quê hương của thầy Xá Lợi
Phất. Tu viện này có hàng ngàn sinh viên xuất gia tới học. Thầy Huyền Trang cũng
có qua học ở đây. Bây giờ tu viện đã tan nát rồi. Sau này, một học giả người
Pháp nói rằng sở dĩ ở Ấn Độ đạo Bụt bị tiêu mòn không còn dấu vết nữa là tại Bụt
đã nhận đất cúng dường! Từ một người khất sĩ không cửa, không nhà, Bụt đã trở
thành một địa chủ, vì vậy mà sau này đạo Bụt đã gặp khó khăn. Theo nhà học giả
này thì nếu ngày xưa Bụt đừng nhận đất, đừng trở thành địa chủ thì các giáo phái
khác có muốn đánh cũng không đánh được, vì có nơi nào mà đánh đâu? Ví như giáo
đoàn lõa thể của giáo chủ Mahavira đạo Jain, họ vẫn trường tồn từ thời của Bụt
cho đến bây giờ.
Đọc
những lời nhận xét này của nhà học giả Pháp, tôi chỉ mỉm cười thôi. Theo tôi thì
nguyên so suy đồi của đạo Bụt là vì vào thế kỷ thứ VII và thứ VIII, giới Phật tử
ưa tranh luận quá nhiều, lý thuyết quá nhiều, mà không chú tâm mấy đến sự thực
tập hành trì. Quan trọng hơn nữa là trong đời sống hàng ngày lúc đó, đạo Bụt đã
không đặt nền tảng và cơ sở thực tập của mình trong quảng đại quần chúng mà chỉ
lo tiếp xúc nhiều với giới quyền quí. Đó mới là những nguyên do căn bản đã đưa
đến sự suy đồi của đạo Bụt tại Ấn Độ.
Trở
lại Kinh Tam Di Đề, khi nghe thầy Samiddhi mời đi gặp Bụt thì vị Thiên nữ
nói:
“Thưa khất sĩ, Đức Như Lai đang được các vị Thiên giả có nhiều uy lực
túc trực bao quanh, tôi không dễ gì có cơ hội để tới gần Người mà hỏi Đạo. Nếu
thầy có thể đến trực tiếp gặp Đức Thế Tôn để thỉnh vấn trước giùm tôi thì tôi sẽ
xin đi theo thầy”.
Vị khất sĩ nói:
-
“Tôi sẽ đi giúp Thiên nữ”.
Vị Thiên nữ nói:
-
“ Thưa Tôn giả, vâng, tôi sẽ đi theo Tôn giả”.
Chi
tiết này cho ta thấy rằng ngày xưa được gặp Bụt cũng hơi khó. Lý do là vì chung
quang Bụt luôn luôn có những vị có y lực lớn, tuy vậy các vị khất sĩ và nữ khất
sĩ thì tới với Bụt rất dễ. Thầy Samiddhi tuy còn nhỏ nhưng cũng được phép tới
gần Bụt, dễ dàng hơn là những vị Thiên giả. Chúng ta có thể nghĩ rằng, một vị
Thiên giả có hào quang, có quyền phép mà tại sao không tới gần Bụt được, trong
khi đó một vị Tỳ kheo trẻ như thầy Samiddhi mà muốn tới với Bụt lúc nào cũng
được? Chi tiết đó rất hay. Điều này cũng đúng trong hoàn cảnh hiện giờ của chúng
ta. Các Sư Cô, Sư Chú tới với Thầy rất dễ, trong khi đó thì những vị có địa vị
và danh lợi tới với Thầy rất khó. Điều đó chứng tỏ rằng khi ta đã xuất gia rồi,
đã hoàn toàn đem cuộc đời mình đi vào trong Chánh Pháp, thì ta đã trở thành một
loại đất tốt, một loại ruộng phước (phước điền) tốt, và vì vậy ta được Bụt để ý
và chăm sóc nhiều hơn. Một người đã bỏ hết gia sản, công danh, sự nghiệp để đi
xuất gia, thì tự nhiên được Bụt coi như là đối tượng của sự giáo hóa. Vì vậy cho
nên dầu họ không phải là các bậc Thiên giả có hào quang sáng, có uy tín nhiều,
có địa vị lớn trong xã hội, nhưng họ có thể tới với Bụt bất cứ lúc nào. Cũng vì
lý do đó mà vị Thiên giả mới phải nhờ thầy Samiddhi dẫn đi diện kiến với
Bụt.
Lúc ấy vị khất sĩ kia đi đến nơi Bụt ở, cúi đầu làm lễ dưới chân
Người, lui ra đứng một bên và đem câu chuyện đã nói với vị Thiên nữ thuật lên
cho Bụt nghe. Rồi thầy tiếp:
-
“Bạch Đức Thế Tôn, nếu vị Thiên nữ kia có tâm thành khẩn thì giờ này vị ấy đã có
mặt ở đây rồi. Nếu không thì có lẽ vị ấy đã không tới”.
-
“Thưa Tôn giả, tôi đang có mặt đây, tôi đang có mặt đây”. Và vị Thiên nữ tới
gần.
Đức Thế Tôn liền nói cho Thiên nữ nghe bài kệ sau đây:
Chúng sanh
theo dục tưởng,
Trú trong dục tưởng ấy,
Không biết dục là gì,
Nên đi vào nẻo chết.
Rồi Bụt hỏi vị Thiên nữ:
-
“Con hiểu bài kệ không? Nếu chưa hiểu thì cứ nói”.
-
“Con thật tình chưa hiểu, bạch Đức Thế Tôn, con thật tình chưa hiểu, bạch Đức
Thiện Thệ”.
Lúc bấy giờ Bụt lại đọc cho vị Thiên nữ nghe một bài kệ
khác:
Biết bản
chất của dục,
Sẽ không sinh dục tâm,
Dục không, dục tưởng không,
Không ai xúi được mình.
Rồi Bụt hỏi vị Thiên nữ:
-
“Còn bài kệ này con có hiểu không? Nếu không hiểu thì con cứ
nói”.
Vị Thiên nữ bạch Bụt:
-
“Con cũng chưa hiểu, bạch Đức Thế Tôn, con cũng chưa hiểu, bạch Đức Thiện
Thệ”.
Bụt lại đọc cho vị Thiên nữ một bài kệ khác:
Mặc cảm
hơn, thua, bằng,
Tạo thành mọi tranh luận,
Ba mặc cảm dứt rồi,
Tâm không còn khuynh động.
Đọc xong Bụt lại hỏi vị Thiên nữ:
-
“Bây giờ con đã hiểu bài kệ ấy chưa? Nếu chưa hiểu thì con cứ
nói”.
Vị Thiên nữ bạch Bụt:
-
“Con vẫn chưa hiểu, bạch Đức Thế Tôn, con vẫn chưa hiểu, bạch Đức Thiện
Thệ”.
Bụt lại đọc cho vị Thiên nữ một bài kệ khác nữa:
Cắt ái và
danh sắc,
Trừ mạn hết buộc ràng,
Chấm dứt mọi sân hận,
Nội kết và hy cầu,
Là giải thoát mọi cõi,
Đời này và đời sau.
Rồi Bụt hỏi vị Thiên nữ:
-
“Lần này con có hiểu được ý nghĩa của bài kệ không? Nếu không thì con vẫn có thể
hỏi thêm”.
Thiên nữ bạch Bụt:
-
“Con đã hiểu, bạch Đức Thế Tôn, con đã hiểu, bạch Đức Thiện Thệ”.
Nghe Bụt nói kinh xong vị Thiên nữ vui vẻ mừng vâng theo, biến đi và
không ai còn trông thấy tăm dạng cô đâu nữa.
Đó
là trường hợp mà Bụt đã nói Kinh Samiddhi. Kinh này trích từ Bộ Tạp A Hàm. Khi
học kinh này chúng ta sẽ xét luôn văn bản bằng tiếng Pali và văn bản bằng chữ
Hán trong bộ Biệt Dịch Tạp A Hàm. Có một vài kinh khác cũng có liên hệ tới Kinh
Samiddhi, chúng ta sẽ có dịp tham cứu.
PHI THỜI: MỘT CHỦ ĐỀ LỚN CỦA KINH TAM DI
ĐỀ.
Đối
thoại với Thiên nữ, câu trả lời đầu tiên của thầy Samiddhi là: “Tôi đâu có bỏ
cái lạc thú hiện tại mà đi tìm cái lạc thú phi thời (akalika)? Chính tôi đã bỏ
cái lạc thú phi thời để đi tìm cái lạc thú chân thật trong hiện tại đấy chứ”.
Tiếng Phạn kala có nghĩa là thời gian, còn kalika là nằm trong thời gian và khi
thêm chữ “a” vào thì thành akalika, nghĩa là không nằm trong thời gian,
nghĩa là phi thời. Cách dùng chữ trong kinh điển rất là mầu nhiệm, ta phải cẩn
thận lắm mới hiểu được.
Kinh
có ghi lại lời Bụt đã nói với vua Ba Tư Nặc về vấn đề vượt thoát thời gian. Khi
nhà vua đến thăm Bụt lần đầu tiên thì Bụt mới có 38 tuổi. Vua đã hỏi Bụt: “Sa
môn Gotama, người ta thường ca ngợi Ngài là Bụt, là người đã đạt tới quả vị giác
ngộ cao nhất, trẫm băn khoăn tự hỏi: tuổi Ngài còn nhỏ, năm tu của Ngài cũng còn
ít thế mà tại sao Ngài lại có thể đạt tới thành quả đó được? Trẫm đã nghe nói
đến nhiều vị đạo cao đức trọng như Purana Kassapa, như Makkhali Gosala v.v... họ
là những vị tu lâu năm tuổi tác đều lớn tại sao họ không tự nhận là bậc Chánh
Biến Tri Giác?” Bụt ôn tồn trả lời: “Đại Vương, vấn đề chứng ngộ không phải là
vấn đề tuổi tác, vấn đề chứng ngộ không phải là vấn đề thời gian". Rồi
Ngài đem ra bốn ví dụ để khai thị cho vua. Ngài nói: “Đại Vương, có những cái bé
nhỏ mà ta không nên khinh thường: một vị Vương tử bé, một con rắn con, một đốm
lửa nhỏ, và một nhà tu trẻ. Vị Vương tử tuy còn bé, mới có 3, 4 tháng thôi nhưng
cũng có Vương tính của một Đức Vua như Bệ Hạ bây giờ. Một con rắn độc tuy nhỏ
bằng chiếc đũa, nhưng nó có thể làm ta mạng trong chốt lát. Một đốm lửa hồng có
thể làm thiêu rụi một khu rừng hay một thành phố lớn. Một nhà tu trẻ có thể đạt
tới quả vị giác ngộ hoàn toàn, vì tuy trẻ nhưng vị ấy có giác ngộ tính bên
trong. Đại Vương! Người khôn ngoan không bao giờ khinh thường một Vương tử bé,
một con rắn nhỏ, một đốm lửa hồng hay một nhà tu trẻ”.
Câu
trả lời của Bụt bao gồm trong mấy chữ “giác ngộ không phải là vấn đề thời
gian, không thuộc về thời gian". Chữ kalika ở đây có nghĩa là thuộc về thời
gian, bị thời gian chi phối. Còn akalika là vượt ra khỏi thời gian, không bị
thời gian chi phối. Akalika là một danh từ dùng để diễn tả Pháp của Bụt.
Trong văn học Phật Giáo có một từ rất hay, đó là kiếp ngoại. Kiếp tức là
Kalpa, có nghĩa là thời gian. Ngoại tức là ngoài. Ngày xưa thầy Trọng Ân có làm
một bài thơ nói về Ngày Đản Sanh, trong đó thầy viết:” Hoa nở trong kiếp ngoại”.
Đây là một thứ hoa không tàn phai vì thời gian. Ta có thể dùng chữ thời ngoại,
nhưng không hay bằng chữ kiếp ngoại. Kinh Tam Di Đề thì dùng chữ phi thời. Nhưng
kinh này được dịch vào khoảng thế kỷ thứ IV, do đó ta có thể thay bằng những chữ
mà ta thấy nó hợp thời gian, ví dụ như kiếp ngoại hay thời ngoại.
Hôm
trước quí vị đã cùng thực tập tụng kinh Pali, chúng ta đã tụng: Svàkkhàto
bhagavatà dhammo, sanditthiko, akaliko, chipassiko ... Akaliko là phi thời,
tức là vượt thoát thời gian. Ban đầu vị thiên giả nói rằng sự tu học xuất gia
hành đạo có tính cách phi thời, ở đây cô có ý nói là không đúng lúc. Tại sao
thầy còn trẻ mà lại đi xuất gia? Cô đã dùng chữ phi thời theo nghĩa đó. Nhưng
trong giáo pháp, chữ phi thời lại có nghĩa là vượt thoát thời gian, không bị
thời gian chi phối. Cũng trong giáo pháp, ta học rằng dục vọng nằm trong
thời gian và bi thời gian chi phối. Cái hay của câu kinh là ở chỗ đó. Nó gần
giống như một sự chơi chữ. Hai bên nói hai ngôn ngữ khác nhau. Một bên thế
tục thì nói: “Tại sao lại bỏ cái vui hiện tại để đi tìm cái vui phi thời?”. Một
bên đã xuất gia thì nói: “Cái mà cô gọi là thú vui hiện tại là cái đang bị thời
gian chi phối, vì nó nằm ở trong thời gian. Cái mà tôi đang thực hiện, đang sống
đây là cái vượt thời gian, nó không bị thời gian chi phối.
Muốn
hiểu rõ hơn đoạn này, quí vị có thể đọc thêm Kinh Người Áo Trắng, trong đó tôi
có giải thích tường tận những danh từ này (Akalika, Ehipassika, Samditthika,
Opanayika). Những danh từ đó là một tả tính chất mầu nhiệm của giáo Pháp đạo
Bụt.
“Tôi
đâu có bỏ cái lạc thú hiện tại mà đi tìm cái lạc thú phi thời, chính tôi đã bỏ
cái lạc thú phi thời để tìm tới cái lạc thú chân thực trong hiện tại đấy chứ!”
Câu nói này cố nhiên là vị thiên giả không hiểu, tại vì thầy Samiddhi chưa giảng
cho cô hay Bụt có dạy rằng tu học thì mình có hạnh phúc ngay trong hiện tại và
giáo pháp mà mình đang tu tập có thể cho mình niềm vui ngay trong hiện tại. Mình
có hạnh phúc ngay trong khi mình tu học.
Có
một mệnh đề được ghi lại trong rất nhiều kinh nhưng không thường được nhắc tới,
đó là mệnh đề Hiện Pháp Lạc Trú. Hiện Pháp tức là cái gì đang xảy ra trong hiện
tại. An trú một cách có hạnh phúc ở trong giây phút hiện tại thì gọi là hiện
pháp lạc trú (Ditthadhamma Sukhavihari). Ditthadhamma là hiện pháp; Sukha là
lạc; Vihari tức là trú; Sukhavihari là lạc trú. Đây là tinh túy của giáo pháp
đạo Bụt: “Trong khi tu học, ta phải để tâm tiếp xúc với hiện tại mầu nhiệm và
phải có an lạc ngay trong khi tu học”. Ví dụ khi đi thiền hành, ta không đi
thiền hành cho tương lai mà đi cho hiện tại, mỗi bước chân phải đem lại an lạc,
mỗi bước chân phải có tác dụng nuôi dưỡng ta. Khi ngồi thiền cũng vậy, ta không
ngồi cho tương lai mà phải ngồi làm sao để có an lạc và có hạnh phúc ngay bây
giờ. Khi rửa nồi, nấu cơm, rửa bát, ta đều phải thực tập cái pháp gọi là Hiện
Pháp Lạc trú. Trong câu trả lời kể trên, tuy rằng thầy Samiddhi không nói thẳng
ra, nhưng thầy đã có ý nói với vị thiên giả là tôi đang có hạnh phúc đây, tại
vì tôi đang thực tập theo cái nguyên tắc gọi là hiện pháp lạc trú. Tôi đang có
hạnh phúc thật sự ngay trong giờ phút hiện tại, chứ tôi không đang chạy theo một
bóng dáng của hạnh phúc trong tương lai. Bóng dáng của hạnh phúc là danh, là
lợi, là tài, là sắc. chúng chỉ mới là bóng dáng thôi, và chính đó mới là phi
thời, còn trong sự thực tập của một khất sĩ thì cái hạnh phúc đó là cái hạnh
phúc đang có, cho nên cô không thể nói rằng tôi đang đi theo một cái gì phi thời
được.
1.3 Chủ Đề Hạnh Phúc Trong Vài
Kinh Khác
Trong kho tàng kinh điển của đạo Bụt, có nhiều kinh khác cũng đề cập
đến hạnh phúc trong hiện tại. Ta kể ra đây một kinh bằng chữ Hán và một bằng chữ
Pali. Kinh ngắn nhưng rất hay. Nhưng kinh này vì ngắn nên ta có thể đọc nguyên
văn bằng chữ Hán hay là bằng tiếng Pali, rất dễ và rất vui. Mỗi kinh gồm có ba
bài kệ và mỗi bài chỉ có mấy câu thôi. Về bài kinh chữ Hán ta có hai bản văn:
Bản thứ nhất trích từ bộ Biệt Dịch Tạp A Hàm, kinh thứ 132. Bản thứ nhì từ trong
bộ Tạp A Hàm, kinh thứ 995.
Bài
dịch từ Biệt Dịch Tạp A Hàm kinh thứ 132 như sau:
“
Đây là những điều tôi nghe vào một thời Bụt đang cư trú ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô
Độc. Có một vị thiên giả hào quang vả vẻ đẹp sáng tốt bội phần, trong đêm hiện
đến chỗ Bụt ngồi. Sau khi làm lễ dưới chân Bụt, vị thiên giả ngồi xuống một bên.
Lúc bấy giờ hào quang của vị thiên giả bừng sáng lên một cách rực rỡ, soi chiếu
khiến cho tu viện Kỳ Hoàn trở nên sáng rực. Rồi vị thiên giả, trong khi ngồi một
bên Bụt, nói lên bài kệ sau đây:
Ở chốn A
Lan Nhã,
Tu phạm hạnh vắng lặng,
Mỗi ngày một bữa ăn,
Sao nhan sắc vui tươi
Bụt trả lời:
Không cần
sầu luyến quá khứ,
Không cầu mong tương lai,
Hiện tại nuôi chánh trí,
Đoạn dục để giữ mình,
Sáu tình đều nhẹ nhõm,
Nên nét mặt vui tươi.
Bụt dạy tiếp:
Tương lai
còn mong cầu,
Quá khứ còn truy niệm,
Như cỏ non xanh tốt,
Cắt rồi phơi giữa nắng,
Kẻ phàm phu khô héo,
Chỉ vì ngần ấy thôi.
Lúc đó vị thiên giả rất vui mừng, liền đọc một bài kệ để tán dương
Bụt:
Quá khứ đã
từng thấy,
Trượng phu đạt Niết Bàn,
Lìa sợ hãi nghi ngờ,
Vượt qua biển ân ái.
Ta
thử tìm hiểu nghĩa từng câu. Ở chốn A Lan Nhã có nghĩa là ở nơi chốn núi
rừng. A Lan Nhã tức là núi rừng, àrajnã (tiếng phạn: àranya) là thuộc về rừng. Ở
Chợ lớn có một ngôi chùa gọi là Bồ Đề Lan Nhã. Các thầy ngày xưa ở trong rừng
cho yên tĩnh nên gọi là “ở chốn A Lan Nhã”.
Tu phạm hạnh vắng lặng. Tu phạm hạnh tức
là hành trì giới luật tinh khiết.
Mỗi ngày một bữa ăn, sao nhan sắc vui tươi? Các thầy ở chỗ vắng hoe, không có xe hơi, không có truyền hình,
không có rạp hát, không có phố xá, mỗi ngày một bữa thôi, tại sao mặt mày người
nào người nấy sáng rỡ và vui tươi như vậy? Trong sáu câu kệ kế tiếp Bụt dạy rằng
người không biết tu tập là người phàm phu, cứ ngồi thắc mắc lo lắng và mong cầu
về tương lai hoặc than khóc, tiếc thương và truy niệm về quá khứ. Họ giống như
những ngọn cỏ non bị người ta cắt đứt đem phơi giữa nắng. Sau đó bốn câu tán
dương Bụt của vị thiên giả, nó có nghĩa rằng: “Con đã từng thấy một vị Đại
trưỡng phu đạt tới Niết Bàn, lìa bỏ tất cả những sợ hãi nghi ngờ và vượt qua
được tất cả những biển ân ái trong đời, chặt đứt được những cái dây mà kẻ khác
cứ khăng khăng mình buộc lấy mình vào trong”.
Dựa
vào văn bản trích từ Tạp A Hàm. Kinh thứ 995, tôi dịch như sau:
Khất sĩ
trong rừng cây,
Sống vắng lặng nhẹ nhàng,
Tu phạm hạnh thanh tịnh,
Mỗi ngày một bữa ăn,
Lý do nào khiến họ,
Mặt mày luôn sáng rỡ?
Bụt trả lời:
Không sầu
luyến quá khứ,
Không mong mỏi tương lai,
Chánh trí luôn hành trì,
Sống trong giờ hiện tại,
Ăn cơm trong chánh niệm,
Nên mặt mày tươi vui.
Kẻ ngu si sầu héo,
Như cỏ tươi bị cắt,
Vì vướng mắc quá khứ,
Vì theo đưổi tương lai.
Vị thiên giả tán dương:
Đã từng
thấy trượng phu,
Đạt niết bàn vững chãi,
Mọi khổ nạn qua rồi,
Vượt thoát ngàn ân ái”.
Ta
thấy ý Kinh trong Tạp A Hàm cũng giống như trong Biệt Dịch Tạp A Hàm. Tuy vậy
trong Biệt Dịch Tạp A Hàm có thêm câu “Sáu tình đều nhẹ nhõm”.
Kinh
thứ hai nằm ở trong tạng Pali. Kinh này cũng nói về đề tài sống hạnh phúc và
thảnh thơi. Đó là Kinh Samyutta 194, dịch là Kinh Ở Rừng. Kinh này không
phải do Bụt nói mà là do một thầy kể lại những điều của một vị thiên giả nói ở
trong rừng.
“Một thuở nọ có nhiều vị khất sĩ kiết hạ tại một khu rừng thuộc miền
quê nước Kosala. Các vị khất sĩ sau khi đã hoàn mãn khóa an cư ba tháng, bắt đầu
rời khu rừng đi du hành. Một vị thiên giả trú ở trong khu rừng này thấy vắng
bóng các vị khất sĩ, liền than thở, buồn bã nói lên bài kệ sau
đây:
Hôm nay
trong lòng ta,
Trống vắng không niềm vui.
Những chỗ ngồi hôm qua,
Giờ đây không người ngồi.
Các bậc đa văn ấy,
Thuyết pháp thật là giỏi.
Đệ tử Đức Thế Tôn,
Hiện đi đâu hết rồi?
Vị
thiên giả này rầu lắm vì trước đó ngày nào ông ta cũng được thấy các thầy ngồi
ăn cơm im lặng, ngồi thiền và đi kinh hành. Ngày nào cũng được nghe các thầy
thuyết pháp nhưng bây giờ các thầy đã đi hết và khu rừng vắng hoe!
Khi nghe bài kệ đó, một vị thiên giả khác bèn dùng một bài kệ để đáp
lại:
Họ đi Ma
Kiệt Đà!
Họ đi Cô Sa La!
Còn những vị khất sĩ khác,
Lại đi về Vajja!
Như nai thoát bẫy sập,
Chạy nhảy khắp bốn phương,
Đời sống người xuất gia,
Là thảnh thơi như thế!
“Họ đi Ma Kiệt Đà”, Ma Kiệt Đà là một
nước ở miền Nam sông Hằng, tức là Vương quốc Magadha của vua Tần Bà Xa La
(Bimbisara).
“Họ đi Cô Sa La”, Cô Sa tức là Vương quốc
Kosala ở thượng lưu sông Hằng, xứ của Vua Ba Tư Nặc (Prasanajit).
“Còn những khất sĩ khác, lại đi về Vajja”. Vajja có khi gọi là Vajji, là một nước nhỏ ở miền Bắc sông Hằng.
Thủ đô của nó là Tỳ Xá Ly (Vaisali). Đây là nước đầu tiên ở Ấn Độ thiết lập được
một nền dân chủ. Họ có quốc hội sớm nhất trên thế giới. Bụt có một tu viện ở đó
và đó cũng là quê hương của Ambapali, người đã cúng dường cho Bụt một khu vườn
xoài rất mát. Ambapali là một cô ca sĩ nổi tiếng đương thời, trước kia đã là
tình nhân của Vua Tần Bà Xa La.
“Như nai thoát bẫy sập, chạy nhảy khắp bốn phương, đời sống người
xuất gia, là thảnh thơi như thế". Ta phải hiểu rằng
bẫy sập này là cái bẫy của năm thứ dục lạc: tài (tiến bạc); sắc (sắc đẹp); danh
(tiếng tăm); thực (thức ăn ngon); và thụy (mê ngủ). Như nai thoát bẫy sập là
những con người không bị những “cái bẫy của năm thứ dục vọng” giam cầm. Thoát
khỏi những cái bẫy như vậy rồi thì bày nai có thể chạy nhay khắp bốn phương.
Những người khất sĩ cũng vậy, đời sống của người xuất gia là thảnh thơi như thế.
Thảnh thơi ở đây có nghĩa là không bị vướng vào cái vòng kềm chế của năm thức
dục lạc. Những kinh như kinh này đều nói về cái hạnh phúc mà chúng ta thực tập
theo chánh pháp. Ngay trong thời gian tu học với nhau trong hiện tại.
Trở
lại với Kinh Tam Di Đề:
Vị thiên nữ hỏi:
-
“Thế nào là bỏ cái lạc thú phi thời để đi tìm cái lạc thú chân thật trong hiện
tại?”
Vị khất sĩ đáp:
-
“Đức Thế Tôn có dạy: trong cái vui phi thời của ái dục, vị ngọt rất ít mà chất
cay đắng rất nhiều. Cái hưởng thụ rất bé mà cái tai họa rất lớn. Tôi giờ này
đang an trú trơng hiện pháp. Lìa bỏ được những ngọn lửa phiền não đốt cháy. Hiện
pháp này vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, tự mình thông đạt, tự mình có thể
giác tri. Này thiên nữ, đó gọi là bỏ cái lạc thú phi thời để đạt tới cái lạc thú
chân thực trong hiện tại".
Khi
đọc một đoạn kinh như trên, ta thường nghĩ rằng chúng ta có thể hiểu được dễ
dàng, nhưng khi đi sâu vào từng từ ở trong kinh ta mới thấy những đoạn kinh này
rất sâu sắc, rất thâm diệu. Ta sẽ từ từ nghiên cứu trong các bài Pháp thoại sau
này.
---o0o---