Một trong những cách ứng xử thông thường, thậm chí được cho là khôn
ngoan trong cuộc sống, là chúng ta cần phải biết “ăn miếng trả miếng”.
Mà nói theo một cách văn hoa hơn là “ân đền, oán trả”. Tuy nói là “ân
đền, oán trả”, nhưng thường thì người ta chỉ quan tâm nhiều đến việc
“trả oán” hơn là “đền ân”. Vì vậy mà ý nghĩa của cả hai “phương châm”
trên trong thực tế cũng chẳng khác gì nhau.
Nhưng cách ứng xử như trên thật ra không phải là cách ứng xử khôn ngoan,
bởi vì trong thực tế nó chỉ mang lại thêm những khổ đau chứ không phải
là niềm vui và sự thanh thản. Trong cuộc sống, những thương tổn khi tiếp
xúc, va chạm với người khác là điều gần như không thể tránh khỏi. Những
thiệt hại về vật chất, thương tích trên thân thể hoặc tổn thương về tình
cảm luôn có thể xảy ra trong những mối quan hệ hằng ngày. Chỉ cần một
chút sơ ý trên đường phố đông đúc, một người nào đó có thể sẽ va quẹt
làm ta bị thương... Chỉ cần một câu nói thiếu tế nhị, một người đồng
nghiệp có thể xúc phạm đến lòng tự trọng của ta. Chỉ cần một sự thất hứa
do những nguyên nhân nhất định nào đó, một đối tác có thể gây thiệt hại
cho việc làm ăn, buôn bán của chúng ta...
Một số tổn thương có thể là do đối phương cố ý gây ra, nhưng phần lớn
lại rất có thể chỉ do sự vô tình hay do hoàn cảnh bắt buộc. Dù vậy, sự
phân biệt cần thiết này thường không dễ thực hiện một cách khách quan,
và trong đa số trường hợp thì chúng ta hầu như rất dễ có khuynh hướng
quy kết sự việc về cho những nguyên nhân cố ý. Và như vậy, thay vì để
cho vấn đề tự nó qua đi, chúng ta lại đặt ra cho mình một “nhiệm vụ”
phải đáp trả hành vi của đối phương theo cách “bánh sáp trao đi, bánh
chì đáp lại”.
Chính khuynh hướng rất thông thường này lại là một trong những nguyên
nhân chính làm cho sự việc trở nên tồi tệ hơn. Sự thật là, dù cho những
tổn thương đã xảy ra không thể thay đổi, nhưng những thương tổn tiếp
theo sau đó lại hoàn toàn có thể tránh được nhờ vào quan điểm và cách
ứng xử sáng suốt hơn của mỗi chúng ta.
Bởi vì không ai trong chúng ta muốn bị người khác xúc phạm hoặc gây
thương tổn, nên phần lớn những phản ứng đáp trả của chúng ta hầu như chỉ
có thể làm cho vấn đề thêm nghiêm trọng hơn nữa. Sự tổn thương của người
khác không bao giờ có thể làm mất đi những tổn thương mà ta đã gánh chịu
theo cách “một trừ một”. Ngược lại, trong thực tế thì bao giờ đây cũng
là một phép toán cộng! Sự tổn thương của cả hai bên khi cộng lại chắc
chắn sẽ làm cho tình trạng càng trở nên xấu hơn. Và nếu mỗi chúng ta
không kiềm chế được lòng sân hận thì sự việc lại càng rất dễ tiến triển
theo cấp số nhân!
Khi chúng ta có thể giữ được sự bình tĩnh và sáng suốt cần thiết để xem
xét vấn đề, chúng ta sẽ thấy rằng thật ra luôn có hai yếu tố cần phân
biệt rõ trong mỗi một trường hợp gây thương tổn. Đó là hành vi gây tổn
thương và bản thân con người thực hiện hành vi đó.
Trong cách nghĩ thông thường, chúng ta luôn gắn liền hai yếu tố vừa nêu.
Người làm việc xấu tất nhiên là người xấu, và hầu hết chúng ta đều nghĩ
như vậy. Nhưng nếu phân tích kỹ vấn đề, chúng ta sẽ thấy cách suy nghĩ
tưởng chừng như đơn giản và hoàn toàn chính xác này lại là một kết luận
không hợp lý chút nào!
Thứ nhất, dù có cường điệu hóa vấn đề đến đâu đi chăng nữa thì cũng
không có bất cứ con người nào chỉ làm toàn những việc xấu! Ngay trong
cùng một thời điểm, một người có thể làm những việc bị xem là rất xấu
đối với ta nhưng lại cũng có những việc tốt không thể phủ nhận đối với
người khác. Còn trong hầu hết những trường hợp đời thường thì điều này
càng rất dễ nhận ra. Nếu có một người đang làm ta giận dữ, hãy thử nhớ
lại và xem xét hành vi của anh ta trước khi xảy ra sự việc ấy. Nếu có
thể giữ được sự bình tĩnh và khách quan, chắc chắn ta sẽ thấy rằng trước
đây người ấy không hề “đáng ghét” như hiện nay. Vì thế, xét cho cùng thì
ta đang giận tức sự việc mà anh ta vừa mới làm chứ không phải bản thân
con người anh ta. Nói một cách khác, hành vi xấu là một yếu tố cần điều
chỉnh, nhưng bản chất con người vốn không nghiêng về sự xấu ác. Chỉ cần
điều chỉnh được những hành vi xấu thì cách nhìn của ta đối với một con
người lập tức sẽ thay đổi khác đi. Điều đó cho thấy rằng việc chúng ta
thù ghét một con người vì những việc xấu họ đã làm là một khuynh hướng
hoàn toàn sai lầm!
Thứ hai, tất cả những con người quanh ta đều có những mối liên hệ nhất
định góp phần vào sự tồn tại của chính bản thân ta. Nói cách khác, chúng
ta không thể tồn tại trong một môi trường không có con người. Vì thế, dù
trực tiếp hay gián tiếp thì chúng ta vẫn đang chịu ơn người khác về sự
tồn tại của mình trong đời sống. Chúng ta có cơm ăn, áo mặc, mọi tiện
nghi đời sống, cho đến đường phố sạch đẹp, an toàn, nơi mua sắm thuận
lợi, phương tiện truyền thông liên lạc... cũng như vô số những dịch vụ
tiện ích khác, tất cả những thứ ấy không chỉ hoàn toàn do thiên nhiên
ban tặng mà chính là nhờ có sự lao động miệt mài, cần mẫn đóng góp công
sức của biết bao người, trong đó có cả con người mà ta đang giận ghét vì
một hành vi nhất định nào đó đã gây hại cho ta.
Nếu chúng ta xét trong bối cảnh này thì sẽ thấy hành vi sai trái – nếu
có – của người kia chỉ là một sự nhất thời, trong khi cả cuộc đời người
ấy là một sự gắn bó với sự tồn tại của ta, và điều tất nhiên là một phần
nhất định trong cuộc sống của chúng ta có chịu ơn người ấy. Trong mối
tương quan này, việc đồng nhất một hành vi xấu với bản thân người thực
hiện hành vi ấy rõ ràng là không hợp lý; và do đó sự giận ghét của ta
cũng là không hợp lý.
Khi tôi còn nhỏ, tôi có được nghe và vẫn còn nhớ lời của một ca khúc khá
phổ biến vào thời đó: “Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì
ta ở với ai...” Trong một chừng mực nào đó, tôi nghĩ tác giả ca khúc này
đã có suy nghĩ hoàn toàn tương đồng với những gì mà chúng ta vừa trao
đổi. Đó là một cách nhìn nhận hợp lý mà chúng ta rất nên ghi nhớ. Hành
vi gây tổn thương và bản thân con người thực hiện hành vi đó là hai yếu
tố khác nhau. Chúng ta không nên vì hành vi sai trái của một con người
mà giận ghét con người đó.
Điều này có vẻ như đi ngược lại khuynh hướng suy nghĩ thông thường của
rất nhiều người. Nhưng thực tế là tất cả những nền giáo dục và tín
ngưỡng xưa nay của nhân loại đều đặt trên một nền tảng nhận thức như
vậy.
Nho giáo từ lâu vẫn tin rằng “Con người sinh ra vốn tính hiền thiện.”
[2]
Vì thế, những thói hư tật xấu chỉ là sự tích lũy, thâm nhiễm lâu ngày
trong cuộc sống. Chỉ cần chịu học hỏi để nhận biết và loại trừ những
thói hư tật xấu thì con người sẽ trở lại hiền thiện, sẽ trở thành người
tốt. Và nếu vậy thì sự thù ghét một con người vì những việc xấu họ đã
làm quả là điều vô lý. Chính trong ý nghĩa này mà khi thầy Tử Cống hỏi
xin một lời dạy để có thể theo đó mà thực hành trọn đời thì đức Khổng Tử
đã dạy rằng: đó là sự khoan thứ.
[3] Khoan dung, tha
thứ cho người khác chính là không giận ghét họ vì việc xấu mà họ đã làm.
Kinh Thánh cũng dạy rằng hãy mở rộng lòng bác ái, yêu thương cả những kẻ
thù của mình. Chúng ta chỉ thù ghét một người khi gắn liền những hành vi
gây hại với bản thân người ấy. Vì thế, nếu ta biết tách rời hai yếu tố
con người và sự việc thì ta sẽ chẳng bao giờ có kẻ thù! Việc khuyến
khích tất cả mọi người mở rộng lòng yêu thương tất cả chính là dựa trên
cách nhận thức này.
Tất cả các hệ thống giáo dục khác nhau cũng đều hướng đến sự cải hóa
những con người có hành vi xấu chứ không bao giờ xem họ mãi mãi là thành
phần cách ly của xã hội. Điều này cũng là dựa trên nhận thức rằng bản
chất con người là hiền thiện, và qua sự giáo dục chuyển hóa, loại bỏ các
yếu tố xấu thì bất cứ con người nào cũng sẽ trở lại bản chất hiền thiện
của mình. Ngay cả hệ thống pháp luật cũng luôn ưu tiên sử dụng các biện
pháp giáo dục, cải hóa trước khi buộc phải áp dụng hình phạt.
Đạo Phật còn tiến xa hơn một bước nữa khi cho rằng tất cả chúng sinh đều
có tánh Phật. Điều đó có nghĩa là, mỗi con người không chỉ có bản chất
hiền thiện, mà còn sẵn có cả tiềm năng quý giá có thể tu tập để giác
ngộ, thành Phật. Khi nhận thức theo cách này, sự khiêm hạ của mỗi cá
nhân sẽ được phát triển và sự tôn kính đối với mọi người quanh ta sẽ trở
nên chân thành hơn. Điều đó giúp ta dễ dàng hơn trong việc loại bỏ những
tâm niệm giận tức hoặc căm ghét đối với những ai có hành vi gây hại cho
mình.
Đã có người hiểu theo cách ngược lại với nhận xét như tôi vừa nêu trên.
Họ cho rằng, khi tự tin rằng bản thân mình sẵn có tánh Phật, có thể
thành Phật, con người sẽ trở nên tự cao, ngã mạn, đánh mất đi sự cung
kính đối với chư Phật, Bồ Tát. Tôi không tin vào cách nghĩ này. Vì chẳng
ai lại có thể sinh ra tự cao vì một cương vị mà mình thật ra chưa có
được! “Có thể thành Phật” hoàn toàn khác với việc “đã thành Phật”, vì
điều đó còn phụ thuộc vào công phu tu tập dài lâu của chúng ta.
Trong thực tế, một khi bạn tự nhận mình có xuất thân là con nhà trí thức
chẳng hạn, điều đó chắc chắn sẽ khiến cho bạn phải học cách ứng xử tốt
hơn, thận trọng hơn và phù hợp hơn với vị thế ấy. Còn việc bạn có thực
sự trở thành một người trong tầng lớp trí thức hay không, điều đó còn
tùy thuộc vào nỗ lực học tập và rèn luyện lâu dài của bạn.
Tương tự như vậy, nếu tin rằng mình có tánh Phật, chắc chắn bạn sẽ phải
học theo cung cách của một vị Phật, nghĩa là phải biết hành xử theo
những lời Phật dạy. Điều đó hoàn toàn khác biệt với việc bạn tự nghĩ
rằng mình là một vị Phật, vì nếu bạn thực sự nghĩ như thế thì chắc chắn
đó chỉ là một điều hoang tưởng. Và chỉ có sự hoang tưởng như vậy mới có
thể khiến cho người ta trở nên kiêu mạn, tự cao, mất đi sự cung kính đối
với chư Phật, Bồ Tát.
Nói tóm lại, khuynh hướng tức giận của chúng ta khi bị ai đó làm hại
thật ra chỉ là một quán tính sai lầm, thiếu sự phân tích khách quan và
hợp lý. Chúng ta hoàn toàn có thể và cần phải điều chỉnh những hành vi
sai trái gây tổn hại đến người khác, cần phải hết sức ngăn ngừa không để
cho những hành vi như thế lặp lại trong tương lai, nhưng hoàn toàn không
nên vì những hành vi sai trái đó mà tức giận hoặc ghét bỏ con người đã
thực hiện những hành vi đó.
Chính ở nơi đây mà tinh thần nhẫn nhục được nhận ra, khi chúng ta nhớ
lại những yếu tố cấu thành hạnh nhẫn nhục: không giận tức, không kết
thành thù oán và không có ác ý.
Khi sự tổn hại mà ai đó gây ra cho ta là có thật, với tinh thần nhẫn
nhục, ta chấp nhận sự tổn hại đó mà không bực tức khó chịu, vì thật ra
thì sự bực tức khó chịu đó cũng chẳng thay đổi được gì mà chỉ làm cho ta
càng cảm thấy khó chịu đựng hơn đối với những hậu quả xấu vốn đã xảy ra.
Và vì hiểu rằng hành vi với con người thực hiện hành vi là hai yếu tố
khác nhau nên ta sẵn lòng góp ý xây dựng hoặc phê phán hành vi sai trái
đó, nhưng không giận tức hay ghét bỏ con người đã thực hiện hành vi ấy.
Vì không giận tức nên ta sẽ không làm bất cứ điều gì gây tổn hại cho
người ấy, và vì thế mà không kết thành thù oán. Vì không giận tức và
không kết thành thù oán nên cũng không có điều kiện để nảy sinh những tư
tưởng xấu ác.
Khi ta thực hiện theo đúng tinh thần như thế, đó là ta đã thành tựu được
hạnh nhẫn nhục ở mức độ đầu tiên, mức độ mà trong kinh Giải thâm mật gọi
là “nại oán hại nhẫn”.
Khi chúng ta so sánh với cách hiểu thông thường thì sự nhịn nhục, chịu
đựng những hành vi gây hại của kẻ khác chưa hẳn đã là nhẫn nhục. Trong
thời lập quốc của nhà Hán ở Trung Hoa, vị tướng tài giỏi nhất của Lưu
Bang là Hàn Tín vẫn thường được nhắc đến với câu chuyện “chịu nhục luồn
trôn”. Thuở hàn vi, Hàn Tín chưa được ai biết đến tài năng của mình nên
phải mưu sinh vất vả, nhưng lúc nào cũng đeo bên mình một thanh gươm.
Một hôm, có tên bán thịt hung hăng chặn ông ở giữa chợ và nói rằng: “Mày
có tài cán gì mà lúc nào cũng đeo gươm bên người như tướng soái. Có giỏi
thì đâm chết tao đi, bằng không thì phải chui qua dưới trôn tao.” Mọi
người trong chợ đổ xô đến xem. Hàn Tín suy nghĩ một lát rồi lẳng lặng
cúi xuống chui qua trôn tên hàng thịt.
Hàn Tín vì không muốn thí mạng với một kẻ tầm thường thô bạo, muốn giữ
lại thân mình để nuôi chí lớn về sau nên sẵn sàng nhẫn chịu cái nhục
luồn trôn giữa chợ. Nhưng sự nhẫn chịu của ông chưa đủ để gọi là nhẫn
nhục. Nếu trong khi chấp nhận sự tổn thương tinh thần như thế mà ông vẫn
không sinh lòng oán giận tên hàng thịt thì đó mới thực sự là hạnh nhẫn
nhục.
Điều này nói thì dễ mà làm thì khó. Trong cuộc sống, nhiều khi ta vẫn
phải cắn răng nhịn nhục, chịu đựng sự tổn hại do người khác gây ra vì
nhiều lý do khác nhau. Vì kẻ gây hại cho ta là người đang giữ thế mạnh,
như trường hợp những nhân viên phải chấp nhận chịu đựng sự vô lý hoặc
trái tính của cấp trên, vì họ sợ rằng nếu phản đối sẽ dẫn đến những tổn
hại lớn hơn. Cũng có thể vì ta muốn chấp nhận một sự tổn hại nhỏ để có
thể đạt đến một lợi ích lớn hơn, như trường hợp một người chủ thuê chấp
nhận chịu đựng, nhẫn nhịn đối với những yêu cầu thái quá của một nhân
viên, vì muốn giữ anh ta lại để sử dụng vào những công việc mang lại lợi
ích lớn hơn cho ông ta. Người ta cũng có thể nhịn nhục chịu đựng vì sự
hèn nhát, vì kém hiểu biết, hoặc chỉ đơn giản là vì muốn được yên ổn...
Nhưng tất cả những sự nhẫn chịu như thế đều không phải là hạnh nhẫn
nhục, vì nó không bao hàm đủ những yếu tố như chúng ta vừa nêu.
Sự khác biệt cần nói ở đây là, trong khi hạnh nhẫn nhục là một tinh thần
tích cực giúp ta thăng hoa đời sống, thì những thái độ nhịn nhục, chịu
đựng như trên lại chỉ có thể làm cho tinh thần chúng ta ngày càng suy
thoái, bạc nhược hơn, và tạo ra cách biệt ngày càng lớn hơn giữa chúng
ta với mọi người chung quanh.
Đôi khi sự việc không có nhiều khác biệt trong cách biểu lộ bên ngoài,
nhưng luôn có những khác biệt vô cùng sâu sắc trong nội tâm. Người đang
phải chịu đựng sự việc vì những lý do khác luôn sống trong một tâm trạng
bực dọc, luôn có sự kiềm chế, đè nén trong nội tâm, và điều đó làm cho
họ luôn phải chịu khổ đau, dằn vặt; ngược lại, người thực hành nhẫn nhục
luôn thoát khỏi mọi sự ràng buộc, không bực tức, không oán hận, nên nội
tâm luôn được thanh thản, an vui ngay cả khi họ đang phải chịu đựng
những sự tổn hại lớn lao do người khác gây ra.
Trong kinh Kim Cang, khi dạy về hạnh nhẫn nhục, đức Phật có nhắc lại một
tiền thân của ngài khi bị vua Ca-lỵ cắt xẻo thân thể mà vẫn không hề
sinh tâm oán giận. Ngài đã đạt đến mức có thể chấp nhận sự tổn thương
cực kỳ đau đớn đó trong tinh thần nhẫn nhục.
Trong cuộc sống thực tế, chúng ta hầu như không ai có thể đạt đến mức độ
nhẫn nhục như được mô tả trong kinh Kim Cang, đơn giản chỉ là vì chúng
ta chưa tu tập thành Phật! Tuy nhiên, khuynh hướng và tinh thần nhẫn
nhục như chúng ta đã bàn đến như trên vẫn là giống nhau trong mọi trường
hợp. Vì thế, nếu muốn thực hành hạnh nhẫn nhục thì chúng ta phải luôn
ghi nhớ những điều trên. Mỗi khi nhẫn chịu một sự tổn hại do người khác
gây ra, chúng ta hãy tự hỏi mình: “Ta có giận tức người ấy hay không? Ta
có kết thành thù oán với người ấy hay không? Và ta có ác ý với người ấy
hay không?” Trả lời được những câu hỏi này, chúng ta sẽ có thể tự hiểu
được là mình đã thực hành được hạnh nhẫn nhục hay chưa.
Có thể nói một cách giản lược hơn rằng, nhẫn chịu mọi sự tổn hại do
người khác gây ra cho mình mà không sinh lòng oán hận là tinh thần nhẫn
nhục. Đó là vì, không oán hận người thì không thể kết thành thù oán, và
do đó cũng không thể sinh khởi ác ý.
Chính vì vậy mà việc thực hành hạnh nhẫn nhục cũng chính là phương thức
hiệu quả nhất để đối trị với lòng sân hận. Vì lòng sân hận chỉ sinh khởi
khi ta không hài lòng với những hậu quả mà người khác gây ra cho mình.
Nếu ta có một khuynh hướng cởi mở để chấp nhận và khoan thứ thì lòng sân
hận chắc chắn sẽ phải bị triệt tiêu. Và điều này sẽ mang đến cho ta
những lợi ích cực kỳ lớn lao trong cuộc sống. Những lợi ích này sẽ được
trình bày ở một phần sau trong cùng tập sách này.