Chúng ta không phủ nhận giá trị cũng như sức mạnh của đồng tiền trong
cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là không phải bao giờ tiền bạc
cũng có thể giúp chúng ta giải quyết được mọi vấn đề. Nhiều người thường
đánh giá các mối quan hệ trong cuộc sống qua giá trị tiền bạc, hoặc đánh
giá người khác qua số tiền kiếm được trong công việc. Những cách đánh
giá như thế thường là không chính xác, và do đó rất dễ dẫn đến nhiều
nhận thức, phán đoán sai lầm về sự việc cũng như con người.
Tiền bạc cũng thường là một trong những động lực thúc đẩy sức làm việc
của chúng ta. Một công việc nặng nhọc vẫn được nhiều người chấp nhận nếu
như có thể giúp kiếm được một khoản tiền khá lớn; ngược lại, một công
việc nhẹ nhàng và hợp với khả năng nhưng vẫn có thể bị từ chối nếu như
tiền thù lao bị cho là quá ít. Khuynh hướng này có vẻ như không có gì
sai trái, nhưng thực ra lại là chỗ sai lầm trong nhận thức của rất nhiều
người.
Nếu cuộc sống luôn diễn ra một cách bình lặng thì việc đồng nhất giá trị
tiền lương với giá trị công việc cũng sẽ không có gì đáng nói. Tuy
nhiên, cuộc sống lại không mấy khi được êm ả như chúng ta mong muốn, mà
sự thật là luôn có những biến cố lớn nhỏ rình rập quanh ta. Và mỗi khi
phải đối mặt với những biến cố lớn trong cuộc đời, chúng ta sẽ dễ dàng
nhận ra là tiền bạc không thể giúp ta giải quyết được tất cả!
Khi chúng ta xem tiền bạc như là giá trị duy nhất có được qua công việc,
chúng ta sẽ dễ dàng thất vọng với công việc khi tiền bạc không giúp giải
quyết được những vấn đề của ta. Nhưng trong thực tế, ngoài giá trị tiền
bạc, công việc còn mang lại cho chúng ta rất nhiều giá trị khác như đã
nói. Vì thế, chúng ta cần nhận thức lại vấn đề giá trị của tiền bạc
trong công việc.
Khi chúng ta còn phải trả tiền thuê nhà mỗi tháng, ta mong muốn có được
một căn nhà của riêng mình. Nhưng ta không tự mình “làm ra” được căn nhà
được theo ý nghĩa trực tiếp, nên ta cần có tiền để mua nhà. Vì thế, sự
mong muốn có được ngôi nhà của chúng ta chuyển thành sự mong muốn có
nhiều tiền bạc. Tương tự, ta cần có tiền để chi tiêu vào những nhu cầu
sinh hoạt mỗi ngày. Vì thế, do nơi những nhu cầu này mà ta mong muốn,
thậm chí là thèm khát tiền bạc. Khi những nhu cầu của ta gia tăng, ta
càng thèm khát tiền bạc nhiều hơn nữa!
Như vậy, tiền bạc thật ra không phải là thứ mà ta trực tiếp cần đến,
nhưng thông qua tiền bạc mà ta có được những thứ ta cần thiết, mong
muốn. Mối quan hệ này làm cho chúng ta có cảm giác như tiền bạc chính là
thứ mà ta cần, trong khi thực tế luôn có sự khác biệt giữa hai cách nhận
thức khác nhau này.
Giá trị của tiền bạc chỉ là một thứ giá trị quy ước, không phải giá trị
thật. Xét cho cùng, tiền bạc chỉ là những mảnh giấy, những mảnh kim
loại... và bản thân chúng không có giá trị giúp được gì cho ta. Giá trị
của tiền bạc có được là nhờ sự quy ước của xã hội, của con người, thể
hiện bằng những con số được in trên tiền bạc. Nếu như những quy ước đó
không được xã hội chấp nhận, tiền bạc sẽ không còn giá trị gì nữa!
Lấy ví dụ như ta đang đói và nhận được một củ khoai. Củ khoai có thể
giúp ta qua cơn đói. Đó là giá trị thật có của củ khoai, và dù muốn hay
không cũng không ai có thể phủ nhận được giá trị thật có đó. Tương tự,
mỗi một tiện nghi vật chất quanh ta đều có những giá trị thật như vậy,
như nhà ở, cơm ăn, áo mặc...
Tiền bạc lại hoàn toàn không có những giá trị thật như thế. Nếu bạn có
trong tay hàng tỷ đồng nhưng lạc vào một đảo hoang không bóng người,
chắc chắn số tiền đó sẽ chẳng còn chút giá trị nào, vì nó không giúp
được gì cho những nhu cầu của bạn!
Có thể nói vàng là một hình thức khác của tiền bạc. Bản thân vàng tuy có
một số những giá trị thật, chẳng hạn như độ sáng đẹp và những tính chất
vật lý khác biệt so với các kim loại khác... nhưng đó không phải là
những giá trị mà đa số chúng ta cần đến. Chúng ta cần đến vàng là do giá
trị quy ước của nó, vì mọi người trong xã hội đều chấp nhận vàng có thể
đổi được nhiều tiền bạc, và tiền bạc có thể dùng để thỏa mãn những nhu
cầu của chúng ta. Còn nhớ vào những năm 80 của thế kỷ trước, người ta
mua bán nhà cửa, đất đai, xe cộ... không nói giá bằng tiền mà chỉ nói
giá bằng vàng. Rõ ràng là vàng đã được sử dụng như một hình thức khác
của tiền bạc. Không có loại giá trị quy ước này, chắc chắn vàng không
thể mang lại được gì nhiều cho những người sở hữu nó.
Sai lầm của hầu hết chúng ta là đã đồng nhất những giá trị quy ước với
giá trị thật có của sự vật. Điều này dẫn đến có những người tham tiền
đến mức như điên cuồng, và hầu hết những người khác cũng đều bị cuốn hút
theo tiền bạc với những mức độ khác nhau.
Tôi nhớ có một câu chuyện khôi hài để chế giễu những anh nhà giàu tham
tiền. Một hôm nọ, có anh nhà giàu cùng với người đầy tớ đi đò sang sông.
Vì hà tiện, anh ta không dám bỏ tiền mua nước uống. Lúc ra đến giữa
sông, khát nước quá không chịu được, anh ta liền ra bên mép đò để cúi
xuống vốc nước sông mà uống, không may bị ngã nhào xuống sông. Anh vốn
không biết bơi nên vừa ngã xuống sông đã uống liền mấy ngụm nước lớn,
rồi sặc sụa chìm dần. Người đầy tớ hoảng quá liền la lên: “Ai cứu được
ông chủ tôi, xin thưởng năm quan tiền!”
Anh nhà giàu đang sắp chìm nghỉm xuống sông, vừa nghe được câu đó liền
gượng hết sức ngoi đầu lên hét lớn: “Không được! Ba quan thôi! Năm quan
đắt quá, thà chết còn hơn!”
Có lẽ không ai trong chúng ta lại giống như anh nhà giàu hà tiện quá độ
này! Nhưng sự thật là ở một mức độ nhất định nào đó, hầu hết chúng ta
đều ít nhiều mắc phải căn bệnh “hà tiện quá độ” kia.
Anh nhà giàu trong câu chuyện quả thật không phân biệt được giá trị thật
có và giá trị quy ước của “năm quan tiền”, nên mới buông ra một câu là
“thà chết còn hơn”. Sự thật là, một khi anh ta đã không giữ được mạng
sống của mình thì dù có năm vạn quan cũng chẳng có chút giá trị gì,
huống là năm quan! Suốt đời anh ta chỉ biết tích cóp tiền bạc, chỉ mong
muốn có được ngày càng nhiều tiền, nhưng lại quên mất một điều là tiền
đó dùng để làm gì!
Đôi khi chúng ta cũng rất thường quên mất điều đó! Chúng ta mong muốn có
được những số tiền lớn, nhưng rồi quên mất là bản thân những số tiền ấy
chẳng giúp được gì cho ta cả. Công năng của chúng là được dùng để đổi
lấy những thứ ta cần, chứ không phải để cất kỹ và ngắm nghía! Anh nhà
giàu kia nếu hiểu được điều đó, hẳn đã không giữ kỹ tiền trong túi mà
nhịn khát, để đến nỗi phải uống nước sông và ngã chết! Chúng ta nếu hiểu
được điều đó, cũng sẽ không vì tham tiếc tiền bạc mà đánh mất đi nhiều
giá trị cao quý trong cuộc sống!
Gần đây có rất nhiều quan chức tham nhũng bị phát hiện và trừng trị. Khi
phải vào tù, chắc chắn những người ấy sẽ nhận ra rằng số tiền mà họ kiếm
được hoàn toàn không thể mang lại cuộc sống tự do, hạnh phúc! Thế nhưng
trước đó họ đã không nhớ đến điều này. Họ đã đánh mất nhân cách, lương
tri, niềm tin của bạn bè, của xã hội, thậm chí sẵn sàng nhúng tay vào
những việc làm phi pháp, phi đạo đức, chỉ để đổi lấy những mảnh giấy vô
tri vô giác! Và họ phải trả giá cho những sai lầm đó bằng chính cuộc đời
mình, bởi vì tiền bạc mà họ kiếm được hoàn toàn không có chút giá trị
thật nào cả!
Nhận thức đúng về giá trị của tiền bạc sẽ giúp chúng ta không rơi vào
sai lầm trong suy nghĩ và hành động. Quả thật, chúng ta luôn cần tiền để
thỏa mãn những nhu cầu trong cuộc sống. Nhưng những nhu cầu đó luôn có
giới hạn nhất định, và chúng ta cũng có thể học cách sống tri túc để
giới hạn một cách hợp lý mọi nhu cầu của mình. Nhưng lòng tham của chúng
ta lại không bao giờ có giới hạn! Khi đói, chúng ta thèm ăn. Khi no, cảm
giác thèm ăn không còn nữa. Nhưng nếu chúng ta thèm khát tiền bạc, những
con số sẽ chẳng bao giờ có giới hạn, bởi vì chúng ta sẽ chẳng bao giờ
được thỏa mãn! Lòng tham của chúng ta sẽ vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng
cho dù ta có tích lũy được hàng chục triệu, hàng trăm triệu, cho đến
hàng trăm tỷ đồng...
Nhận thức đúng về giá trị của tiền bạc, chúng ta sẽ sử dụng tiền kiếm
được một cách hợp lý hơn, và sẽ không bao giờ bị cuốn hút theo tiền bạc
đến nỗi quên đi những giá trị thật có khác trong cuộc sống. Thật vô lý
nếu như vợ chồng bất hòa chỉ vì số tiền kiếm được trong tháng đã không
được như mong muốn. Quả thật là sự thiếu hụt tiền bạc có thể làm cho
cuộc sống gia đình phần nào đó khó khăn hơn, nhưng sự bất hòa cũng không
giải quyết được điều đó! Ngược lại, nó chỉ càng làm cho vấn đề trở nên
tồi tệ hơn mà thôi. Nếu chúng ta có thể vui vẻ cùng nhau chấp nhận khó
khăn, chắc chắn là khó khăn ấy sẽ được giảm nhẹ, ít nhất cũng là về mặt
tinh thần. Như ca dao ta có câu:
Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng hòa vợ thuận gật đầu khen ngon!
Râu tôm và ruột bầu đều là những thứ bỏ đi, không ăn được. Nhưng đôi vợ
chồng này nghèo khó đến mức phải ăn cả những thứ bỏ đi đó! Vậy mà nhờ có
sự hòa thuận trong gia đình nên họ vẫn có thể “gật đầu khen ngon” khi ăn
bát canh ruột bầu nấu với râu tôm! Thật đáng tiếc cho rất nhiều người
trong chúng ta chưa đến mức phải ăn “râu tôm nấu với ruột bầu” nhưng lại
không giữ được hòa khí trong gia đình ngay cả khi gặp phải những khó
khăn không lớn lắm!
Khi bạn có một công việc kinh doanh thuận lợi, số tiền kiếm được mỗi
ngày có vẻ như là tất cả những gì bạn cần. Nhưng rồi bất chợt một biến
cố xảy ra – và cuộc sống luôn có rất nhiều biến cố như thế. Một người
thân của bạn qua đời chẳng hạn. Nỗi đau khổ tràn ngập trong tâm hồn bạn,
thậm chí bạn cảm thấy như không còn thiết sống nữa! Lúc này, những khoản
tiền thu nhập mỗi ngày của bạn sẽ không còn chút hấp lực nào. Bạn không
còn quan tâm đến chúng, bởi vì chúng chẳng giúp được gì trong việc làm
vơi đi nỗi khổ đau trong lòng bạn! Chính trong những lúc này bạn mới có
thể dễ dàng nhận ra được tính chất tương đối của giá trị tiền bạc, bởi
vì ngoài việc giúp thỏa mãn những nhu cầu vật chất thì có vẻ như nó
chẳng thể giúp bạn làm được thêm điều gì khác, trừ khi bạn có đủ hiểu
biết để sử dụng nó một cách thật khôn ngoan.
Nhận thức đúng về giá trị của tiền bạc không có nghĩa là xem thường tiền
bạc. Thật vô lý khi chúng ta đang cần đến tiền bạc mỗi ngày để đáp ứng
mọi nhu cầu sinh hoạt mà lại xem thường tiền bạc. Tuy nhiên, nhận thức
đúng về giá trị của tiền bạc có nghĩa là chúng ta luôn nghĩ đến tiền bạc
chỉ như một phương tiện để thỏa mãn những nhu cầu trong cuộc sống mà
không phải là sự tham đắm và tích lũy ngày càng nhiều những mảnh giấy vô
tri giác kia!
Sai lầm của một số người trong việc chạy theo tiền bạc đã dẫn đến những
định kiến không tốt của xã hội về tiền bạc. Không ít người trong chúng
ta vẫn tin vào câu nói “vi phú bất nhân”
[3] và có
một định kiến không mấy tốt đối với những người giàu có. Thật ra, chỉ
cần chúng ta không bị tham đắm và chạy theo tiền bạc, còn bản thân việc
làm ra nhiều tiền không phải là một tội lỗi. Gần đây thường nghe nói đến
cụm từ “làm giàu chính đáng”, cũng chính là để phân biệt rõ những trường
hợp này. Nếu chúng ta biết vận dụng tài năng và sức lực của chính mình
để làm ra nhiều tiền bạc, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta
phụ thuộc vào tiền bạc. Điều quan trọng hơn cần xét đến ở đây chính là
nhận thức đúng của chúng ta về tiền bạc, nghĩa là có thể hiểu được giá
trị đích thực của đồng tiền để luôn sử dụng nó một cách đúng đắn phục vụ
cho hạnh phúc của bản thân và mọi người quanh ta. Xã hội ngày nay không
còn là xã hội của những kẻ làm giàu “thất đức” và những người nghèo khó
luôn bị bóc lột đến tận xương tủy. Chúng ta đã có được mọi điều kiện
thuận lợi trong cuộc sống để tự mình nỗ lực vươn lên, và do đó bất cứ ai
có sự chuyên cần nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng!
Nói tóm lại, mặc dù có sự khác biệt về mức thu nhập của từng loại công
việc, nhưng chúng ta không nên xem tiền bạc như là thước đo giá trị của
công việc. Bởi vì có những công việc mang lại cho ta ít tiền hơn nhưng
lại có nhiều giá trị tinh thần khác, chẳng hạn như niềm say mê và sự vui
sống. Có những công việc tạo điều kiện cho chúng ta tiếp xúc và giúp đỡ
nhiều người khác, và nếu ta có thể cảm nhận được ý nghĩa và niềm vui
trong một công việc như thế thì giá trị tiền bạc rõ ràng không còn là
yếu tố quyết định duy nhất!
Khi nền kinh tế xã hội ngày càng phát triển, chúng ta không còn quá khó
khăn trong việc thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu như ăn no mặc ấm. Vấn
đề lúc này thường phải là ăn ngon mặc đẹp và những tiện nghi đời sống
khác nữa... Trong điều kiện như thế, việc chọn lựa một công việc để mang
lại cuộc sống hạnh phúc chắc chắn không thể chỉ xem xét qua mức thu nhập
công việc ấy mang lại, mà còn cần phải xét đến nhiều yếu tố khác nữa,
chẳng hạn như môi trường làm việc, ý nghĩa công việc, sự thích hợp với
quan điểm sống cũng như khả năng phục vụ của mỗi người... Vị trí thống
trị của tiền bạc trong một xã hội “có tiền mua tiên cũng được” đã không
còn nữa. Khi trình độ tri thức và những giá trị tinh thần được nâng cao
thì giá trị của đồng tiền chắc chắn sẽ ngày càng bộc lộ rõ tính chất
tương đối và hạn chế của nó. Vấn đề của mỗi chúng ta là phải sớm nhận ra
điều đó để không mắc phải những sai lầm đáng tiếc trong cuộc sống.