Giết người đi thì ta ở với ai...
Khi không hài lòng với công việc đang làm, hầu hết chúng ta thường có
khuynh hướng tìm một nơi nào đó để “trút giận”. Và trong trường hợp đó,
thật không may cho những ai phải thường xuyên tiếp xúc với ta trong công
việc. Đôi khi, chúng ta vẫn biết rõ nguyên nhân không hài lòng của ta
không nằm ở những con người quanh ta, nhưng ta vẫn có khuynh hướng “giận
cá chém thớt” như thế, chỉ vì những nguyên nhân thực sự khi ấy có thể là
nằm xa “tầm chém” của chúng ta.
Một ví dụ thường gặp nhất có thể nêu ra đây là khi bạn được giao một
công việc quá khó khăn và phải hoàn tất trong một thời gian quá ngắn –
và bạn cho đó là điều hoàn toàn bất hợp lý. Nhưng bạn không có chọn lựa
nào khác ngoài việc phải chấp nhận thực hiện, và bạn đã thực hiện công
việc đó trong một tâm trạng bực tức, không thoải mái. Sự bực tức đó
không thể nằm yên trong người bạn. Nó luôn cựa quậy, vùng vẫy tìm một
lối thoát ra bên ngoài. Và thế là bạn dễ dàng nổi giận với những người
đồng nghiệp chỉ vì những nguyên nhân cỏn con nào đó, hoặc có khi là hoàn
toàn vô lý.
Tất nhiên, người giao việc cho bạn không phải là các bạn đồng nghiệp, mà
phải là người trả lương cho bạn. Nhưng bạn không dễ có cơ hội để nổi
giận với ông chủ, hoặc nếu có cũng chưa hẳn bạn đã dám làm như thế, trừ
khi bạn đang có ý muốn thôi việc. Vì thế, để giải tỏa tâm trạng căng
thẳng, bực tức, bạn đã làm một việc hoàn toàn vô lý là cáu gắt và nổi
giận với những người đồng nghiệp.
Mặc dù vô lý đến thế, nhưng đây lại là điều rất thường xảy ra. Bởi vì
tâm trạng bất mãn, sự bực tức đang đốt cháy trong lòng bạn và bạn không
biết cách chuyển hóa nó, nên bạn chỉ có thể tìm cách bộc lộ nó ra bên
ngoài vào bất cứ khi nào có được cơ hội, ngay cả khi đó là những cơ hội
rất khiên cưỡng và không hợp lý!
Điều không may là những “cái thớt” mà bạn đang hung hăng chém xuống đó
lại là những con người! Và vì thế họ không dễ dàng chấp nhận thái độ bực
tức, gây hấn vô lý của bạn. Họ sẽ phản đối. Và vì bực tức nên bạn sẽ
không dừng lại. Và cứ thế mà tình trạng sẽ tiếp tục phát triển ngày càng
tệ hại hơn. Và thế là đổ vỡ, thế là tổn thương cho cả đôi bên. Điều hiển
nhiên là chẳng ai nhận được bất cứ lợi ích nào từ những lần đối đầu vô
lý như thế!
Và thật ra thì bạn hoàn toàn có thể có được hạnh phúc nhiều hơn trong
cuộc sống nói chung, trong môi trường làm việc nói riêng, nếu bạn nhận
thức đúng và ứng xử hợp lý hơn trong những trường hợp này.
Ngay cả khi sự phân công cho bạn là hoàn toàn vô lý và... đáng giận, thì
cơn giận của bạn cũng chẳng mang lại được điều gì tốt đẹp. Và nếu như
bạn bình tĩnh suy xét, bạn sẽ thấy là người giao việc “đáng ghét” kia
thật ra cũng luôn có những lý do nhất định nào đó. Điều tốt hơn mà bạn
có thể làm là phân tích những lý do ấy và chỉ ra những bất hợp lý trong
đó, để may ra có thể làm ông ta thay đổi quyết định.
Nhưng ngay cả khi bạn chẳng thể thay đổi được gì, và vẫn phải chấp nhận
thực hiện một phần việc quá sức, thì bạn cũng nên chuyển hóa tâm trạng
bực tức của mình, đừng để nó trở thành một ngọn lửa có khuynh hướng
thiêu đốt mọi con người, trong đó có cả chính bản thân bạn.
Một trong những nhầm lẫn lớn nhất của hầu hết chúng ta là thường đồng
nhất một con người với những sai lầm hay thói xấu mà họ mắc phải, để rồi
từ đó dẫn đến những định kiến yêu thích hoặc ghét giận. Sự thật là, mọi
sai lầm đều có thể được sửa chữa, mọi thói xấu đều có thể được loại trừ.
Vì thế, chúng ta không nên để những sai lầm hay thói xấu của ai đó trở
thành nguyên nhân làm tan vỡ đi mối quan hệ tốt đẹp giữa ta với người ấy
như là những con người.
Tôi còn nhớ từ thuở nhỏ đã được nghe một bài hát trong đó có câu rằng:
“Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai...” Đây
cũng chính là ý nghĩa nhận thức mà tôi đang muốn chia sẻ cùng các bạn.
Chúng ta tồn tại và phát triển trong một xã hội của những con người.
Ngay cả khi mỗi con người mà ta tiếp xúc đều có những sai lầm, những
thói xấu nhất định, thì chúng ta vẫn hạnh phúc hơn nhiều so với việc
phải sống cô đơn ở một nơi không có bóng người. Trong thực tế thì chúng
ta hầu như sẽ không thể sống được khi quanh ta không có con người! Mọi
nhu cầu về tinh thần lẫn vật chất của chúng ta đều có sự phụ thuộc nhất
định vào người khác. Do đó, khi không có con người quanh ta, đó sẽ là
một môi trường sống khủng khiếp nhất mà ta có thể tưởng tượng ra được!
Cho dù ta có thể luôn thấy rằng ai đó đang gây thương tổn cho ta, hoặc
đang đối xử bất công với ta, nhưng sự thật thì quanh ta không phải chỉ
toàn những điều bất công và gây thương tổn. Vẫn còn có rất nhiều sự cảm
thông chia sẻ mà chúng ta không thể nào có được nếu không tiếp xúc cùng
người khác. Và ngay cả nơi cùng một con người, tuy có những lúc gây
thương tổn cho ta, nhưng lại cũng có không ít khi đã từng giúp đỡ ta một
cách trực tiếp hay gián tiếp.
Vì thế, nếu chúng ta có được một nhận thức đúng và toàn diện, ta không
nên nổi giận với người khác vì những sai lầm hay thói xấu của họ. Ngược
lại, ta nên biết chắc một điều là những sai lầm hay thói xấu của người
ấy hoàn toàn có thể sửa đổi được, và ta vẫn có thể duy trì mối quan hệ
tốt với người ấy để chuyển hóa, sửa đổi những sai lầm hay thói xấu đó,
thay vì là tức giận và thù ghét.
Những con người quanh ta bao giờ cũng là những món quà tặng quý giá từ
cuộc sống. Được quen biết với bất cứ ai trên đời này cũng nên xem như là
một sự kiện quan trọng trong đời ta. Có đến hơn 6 tỷ con người trên trái
đất này, nhưng số người quen của ta lại rất ít so với con số đó! Bởi vậy
ta biết rằng, được quen biết nhau là một điều đáng trân trọng biết chừng
nào! Hơn thế nữa, nếu được cùng nhau làm việc, được có mối quan hệ trong
công việc với nhau, cho dù đó là quan hệ chủ thuê và nhân công hay quan
hệ đồng nghiệp, tất cả đều nên xem là những điều may mắn tốt đẹp mà cuộc
sống đã mang đến cho chúng ta.
Nếu hiểu được như thế, chúng ta sẽ thấy là mọi quan hệ trong công việc
chỉ nên hoàn thiện chứ không nên phá vỡ. Và sự hoàn thiện một mối quan
hệ với người khác bao giờ cũng có vai trò tích cực của bản thân ta chiếm
đến một nửa khả năng thực hiện trong đó.
Con người sinh ra vốn dĩ đã không hoàn thiện. Chúng ta lớn lên trong một
môi trường xã hội có tốt, có xấu. Bản thân chúng ta cũng có những khía
cạnh không tốt bên cạnh những điều tốt đẹp. Ta nên nhìn tất cả mọi người
khác theo cách công bằng và đúng thật như thế. Bởi vì không có ai là
người hoàn toàn thánh thiện. Những người toàn thiện có lẽ đều đang ở nơi
một thiên đàng xa xôi nào đó – nếu có – chứ không thể chung sống cùng ta
nơi thế gian này! Và chúng ta không thể ngồi mơ tưởng về một thiên đàng
xa xôi. Chúng ta cần một cuộc sống thật trong hiện tại, với tất cả những
sự cọ xát, tiếp xúc cùng người khác, trong đó có cả những điều tốt và
không tốt.
Không có con người nào là hoàn toàn thánh thiện, nhưng cũng không có con
người nào là hoàn toàn xấu ác. Đây chính là khía cạnh lạc quan của vấn
đề. Khi duy trì và cố gắng hoàn thiện mối quan hệ sẵn có với một ai đó,
không phải là ta đang cắn răng chịu đựng những sai lầm và thói xấu của
người ấy, mà chính là ta đang tìm cơ hội để khám phá và nhận biết những
đức tính, những phẩm chất tốt đẹp thật có nơi người ấy. Và bởi vì không
có con người nào là hoàn toàn xấu ác, nên một người khôn ngoan chắc chắn
bao giờ cũng sẽ thành công trong việc khám phá những điểm tốt đẹp nơi
người khác.
Khám phá những phẩm chất tốt đẹp nơi người khác là một nỗ lực luôn mang
lại lợi ích cho chính bản thân ta và người khác. Trong khi đó, việc chỉ
ra và quan tâm đến những tính xấu của người khác bao giờ cũng là điều
gây tổn hại cho chính bản thân ta và người khác. Thật đáng buồn là phần
lớn chúng ta thường mắc vào thói quen nói xấu người khác hơn là... nói
tốt!
Khi ta khám phá một phẩm chất tốt đẹp nơi ai đó và ngợi khen, ca tụng,
dường như sự tốt đẹp ấy cũng lan tỏa vào tâm hồn ta, làm cho ta có được
một niềm vui nhẹ nhàng và một niềm khao khát noi theo những điều tốt đẹp
ấy.
Ngược lại, khi ta vạch ra và quan tâm đến một thói xấu của ai đó, chính
điều ấy sẽ làm ô nhiễm tâm hồn chúng ta, tạo ra một cảm giác bực dọc,
khó chịu và một sự thôi thúc phải đả kích, chống đối hay gây tổn hại cho
người khác để thỏa mãn sự bực dọc, khó chịu ấy.
Đây chính là lý do giải thích vì sao chúng ta luôn khen ngợi người khác
trong tâm trạng vui vẻ, và thường to tiếng nặng lời chỉ trích người khác
với một giọng điệu nặng nề, bực tức chứ không thể nói ra một cách nhẹ
nhàng, từ tốn.
Trong thực tế, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng thành
công trong việc duy trì và hoàn thiện mối quan hệ với người khác, ngay
cả khi ta đã có những nỗ lực hết mình. Bởi vì như đã nói, chúng ta chỉ
có được một nửa khả năng thực hiện điều đó. Một nửa khả năng còn lại
thuộc về phía người kia. Và nếu đó như người ấy nhận thức hoàn toàn trái
ngược với chúng ta, luôn cố tình gây ra những đổ vỡ và tổn thương cho
quan hệ đôi bên, thì chúng ta cũng không thể nào thành công trong việc
duy trì tốt mối quan hệ ấy. Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp
này thì nỗ lực của chúng ta cũng không phải là vô ích. Bởi vì sự bực tức
hay khó chịu của chúng ta đã được chuyển hóa và không còn là một ngọn
lửa sẵn sàng thiêu đốt bản thân ta và người khác. Ngược lại, nguồn năng
lượng ấy được hướng về một hướng khác tốt đẹp hơn, giúp chúng ta có được
một tâm trạng thư thái hơn ngay cả khi phải nhận chịu những sai lầm do
người khác gây ra.
Những mối quan hệ với người khác trong công việc là yếu tố quan trọng
đầu tiên quyết định sự thoải mái của chúng ta trong môi trường làm việc.
Cho dù công việc có dễ dàng và thuận lợi đến đâu, cho dù ta có say mê
yêu thích công việc ấy đến đâu, nhưng nếu không tạo được mối quan hệ hài
hòa, thân thiện với những người cùng làm việc – cho dù đó là cấp trên
hay đồng nghiệp – thì chắc chắn là chúng ta cũng không thể tìm được sự
thoải mái trong công việc.
Mặt khác, chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là sự tồn tại của mỗi
chúng ta luôn phụ thuộc vào người khác. Bất cứ nhu cầu nào của chúng ta
trong cuộc sống cũng đều là được thỏa mãn nhờ có sự làm việc của người
khác. Nếu ai đó nghĩ rằng bản thân mình có thể tồn tại mà không cần đến
người khác thì đó quả là một sai lầm rất lớn. Điều đáng tiếc là rất
nhiều người trong chúng ta thường mắc phải sai lầm này. Trong thực tế,
cho dù bạn đang làm bất cứ công việc gì, cho dù bạn đang giữ vai trò
quan trọng đến đâu trong xã hội, thì sự tồn tại và phát triển của cá
nhân bạn vẫn luôn phải phụ thuộc vào người khác. Ngay cả người lãnh đạo
tài ba nhất cũng sẽ chẳng làm được gì nếu không có những người khác để
họ sai khiến, và ngay cả những con người tầm thường nhất cũng vẫn đang
góp phần vào sự tồn tại và phát triển chung của toàn xã hội!
Điều này càng dễ nhận thấy hơn trong môi trường làm việc của mỗi chúng
ta. Bởi vì sự tồn tại và phát triển của một tập thể bao giờ cũng cần đến
sự góp sức của mỗi cá nhân. Bản thân vị giám đốc công ty sẽ chẳng làm
được gì cả nếu không có sự nỗ lực góp sức của tất cả nhân viên, và mỗi
cá nhân trong công ty cũng chẳng làm được gì cả nếu không có sự cộng tác
của những người đồng nghiệp. Mỗi người chúng ta trong khi thực hiện tốt
phần công việc của mình cũng chính là đang tạo điều kiện giúp cho những
người khác có thể thực hiện tốt công việc của họ.
Nhận thức đúng về mối tương quan giữa bản thân ta với mọi người khác
trong môi trường làm việc sẽ giúp chúng ta có được một cái nhìn cởi mở,
thông thoáng hơn khi tiếp xúc, quan hệ với mọi người khác. Người lãnh
đạo sẽ không nghĩ rằng mình quan trọng hơn và xem thường các nhân viên,
vì ông ta hiểu được rằng nếu không có những nhân viên ấy thì bản thân
ông ta cũng chẳng làm được gì. Ngay cả một người giúp việc quét dọn nơi
ta làm việc cũng cần phải được tôn trọng đúng mức, vì nếu không có anh
ta hoặc chị ta thì chúng ta sẽ không được làm việc trong những căn phòng
sạch đẹp, gọn gàng, và điều đó chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả
làm việc cũng như sự thoải mái trong công việc của chúng ta. Tương tự
như vậy, các bạn đồng nghiệp phải luôn được trân trọng như những người
đang thường xuyên giúp đỡ chúng ta, vì thực tế là nếu không có họ thì ta
không thể nào thực hiện tốt công việc của mình!
Khi chúng ta biết tôn trọng người khác, biết trân trọng những mối quan
hệ trong công việc, biết cảm thông với những sai lầm và thói xấu của
người khác, môi trường làm việc của chúng ta chắc chắn sẽ trở nên thân
thiện và thoải mái hơn nhiều. Hơn thế nữa, tất yếu là sẽ có nhiều người
khác nhận ra cung cách ứng xử tốt đẹp của ta và có những đáp ứng thay
đổi tích cực. Vì thế, chúng ta sẽ không bao giờ phải đơn độc trong việc
xây dựng một môi trường làm việc thân thiện và thoải mái. Và điều đó
cũng không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân ta mà xét cho cùng là đang
chuyển hóa và làm thay đổi tất cả mọi người quanh ta theo hướng ngày
càng tốt đẹp hơn.