Khi chúng ta chỉ làm một công việc duy nhất, chúng ta rất dễ đạt được sự
say mê trong công việc. Thật không may là trong thực tế chúng ta lại rất
ít khi chỉ làm một việc duy nhất. Đôi khi chúng ta dành trọn thời gian
trong ngày để làm một công việc đơn giản nào đó, nhưng thật ra lại không
hoàn toàn chú tâm vào công việc đó. Vì thế, xét theo ý nghĩa này thì
chúng ta chỉ có vẻ như đang làm một việc duy nhất, mà sự thật là trong
khi làm việc đã phân tâm vào không ít những công việc khác, hay nói đúng
hơn là những ý tưởng khác ngoài công việc ấy.
Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm chúng ta đều phải dành thời gian nhất định
cho công việc. Vì thế, có những công việc ta đã làm ngày hôm qua, hoặc
hôm kia, hoặc tháng trước... nói chung là trong quá khứ. Lại có những
công việc ta sẽ làm vào lát nữa đây, hoặc chiều nay, hoặc ngày mai...
nói chung là còn trong dự tính về tương lai. Khi chúng ta đang thực hiện
một công việc trong hiện tại, ta rất thường bị cuốn hút một phần vào một
trong những công việc đã qua trong quá khứ, hoặc những công việc sắp đến
trong tương lai, thường là do có một mối liên hệ nhất định nào đó.
Mặt khác, chúng ta cũng rất thường bị phân tâm vào những vấn đề ngoài
công việc, chẳng hạn như nghĩ đến những chuyện vừa xảy ra trong gia
đình, vừa bắt gặp trên đường phố... Và chúng ta thường không xem sự phân
tâm này là có gì sai trái. Bởi vì chúng ta vẫn đang thực hiện đủ số giờ
làm việc trong ngày đó thôi!
Thật ra, nếu chúng ta làm việc không có sự chú tâm, đó là chúng ta chưa
thực sự làm việc. Sự chú tâm vào công việc không chỉ giúp ta làm việc có
hiệu quả hơn rất nhiều, mà còn chính là một trong những yếu tố quan
trọng giúp chúng ta có được niềm vui trong công việc.
Khi bạn làm một công việc và để tâm suy nghĩ về những chuyện khác, công
việc ấy sẽ không thực sự hiện hữu cùng bạn trong giây phút đó. Bạn không
thể cảm nhận được bất cứ điều gì mà công việc ấy thực sự mang đến cho
bạn. Trong thực tế, những lúc ấy bạn đang làm việc như một cái máy, và
một cái máy thì tất nhiên là không thể cảm nhận!
Và vì không có sự cảm nhận nên bạn không thể thấy được là có gì đó khác
biệt giữa một công việc này với một công việc khác. Điều đó cũng đồng
nghĩa với việc bạn không thể cảm thấy vui thích hoặc say mê với bất cứ
công việc nào. Sự vui thích và say mê chỉ có thể xuất hiện khi bạn chú
tâm vào công việc và cảm nhận được những gì mà công việc ấy mang đến cho
bạn, có nghĩa là bạn phải thoát ra khỏi sự cuốn hút của những vấn đề
khác ngoài công việc.
Khi bạn chú tâm vào công việc, bạn sẽ rất nhanh chóng trở nên quen
thuộc, thông thạo với công việc ấy. Và khi đã trở nên quen thuộc, thông
thạo, bạn có thể dễ dàng vượt qua được những khó khăn trong công việc.
Khi ấy, bạn sẽ có thể thực hiện công việc cũng tương tự như khi chơi một
khúc nhạc hoặc đánh một ván cờ, nghĩa là với một niềm say mê và vui
thích.
Sự phân tâm trong khi làm việc không chỉ là một thói quen mà hầu hết
chúng ta vô tình mắc phải, đối với nhiều người thì đây còn là một giải
pháp để giúp cho những giờ làm việc trôi qua nhanh hơn. Thay vì phải
giải quyết tâm trạng buồn chán hoặc có ít hứng thú với công việc, họ lại
lẩn tránh thực tế bằng cách dùng thời gian làm việc để lan man suy nghĩ
về những điều mà họ cho là có hứng thú hơn!
Thật không may là giải pháp này không bao giờ giúp họ giải quyết được
vấn đề. Ngược lại, công việc mà họ đang làm sẽ ngày càng bộc lộ sự yếu
kém, thiếu hiệu quả, và do đó mà họ càng trở nên buồn chán hơn, thiếu
hứng thú hơn nữa. Trừ khi họ chuyển sang một công việc khác, bằng không
thì tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài và ngày càng trầm trọng hơn.
Nhưng trong trường hợp việc thay đổi công việc là không thể được thì
cách duy nhất để giải quyết vấn đề là họ phải học cách chú tâm vào công
việc.
Tuy nhiên, trong thực tế thì việc chú tâm vào công việc cũng không phải
là chuyện đơn giản hoặc dễ dàng. Đó là một kỹ năng quan trọng đòi hỏi sự
học hỏi và rèn luyện qua một thời gian nhất định mới có thể đạt được.
Nếu bạn không tin vào điều này thì ngay hôm nay bạn có thể thử thực hành
việc chú tâm vào công việc để thấy được những khó khăn nào sẽ xảy ra với
bạn.
Khi chúng ta bắt đầu những nỗ lực chú tâm vào công việc, điều trước hết
là chúng ta thường sẽ nhận ra được sự phân tâm của mình khi làm việc như
thế nào. Sẽ có rất nhiều dòng suy tưởng vẫn tiếp tục nảy sinh trong khi
bạn làm việc, cho dù bạn đã quyết định là sẽ không suy nghĩ đến bất cứ
điều gì ngoài công việc. Đó là một kiểu quán tính mà trước đây khi không
lưu ý đến thì chúng ta hầu như không nhận ra. Giờ đây, ngay khi nhận ra
được một dòng suy tưởng ngoài công việc vừa chợt đến, bạn chỉ cần mỉm
cười nhận biết và buông bỏ nó để quay về chú tâm vào công việc.
Mặc dù chúng ta thường rất ít khi đạt được kết quả ngay trong những ngày
đầu tiên, nhưng chỉ riêng việc nhận ra được sự phân tâm của mình cũng
chính là một kết quả rất đáng khích lệ. Chúng ta cần có thêm thời gian
kiên trì rèn luyện trước khi có thể đạt được sự chú tâm thường xuyên
trong công việc. Tuy nhiên, để bù đắp cho những nỗ lực rèn luyện này,
bạn chắc chắn sẽ bắt đầu nhận ra được nhiều khía cạnh thú vị đáng ưa
thích trong công việc mình đang làm. Và chính sự ưa thích này sẽ phát
triển dần dần để trở thành niềm say mê trong công việc. Và sự say mê lại
trở thành một nhân tố rất tích cực giúp bạn dễ dàng hơn trong việc tiếp
tục chú tâm vào công việc.
Thật ra thì những lợi ích của sự chú tâm vào công việc không phải là một
điều mới mẻ đối với con người. Cách đây hơn 2500 năm, đức Phật đã truyền
dạy phép thiền định cho tất cả các đệ tử của ngài. Việc tu tập thiền
định giúp con người có thể tập trung sự chú ý để kiểm soát được mọi ý
tưởng, lời nói và việc làm của bản thân mình. Trạng thái tập trung tư
tưởng này được gọi là sự định tâm, và có thể giúp chúng ta trở nên sáng
suốt hơn trong mọi hoàn cảnh. Người tu tập thiền định có thể duy trì
thường xuyên sự định tâm, và nhờ vào sự định tâm mà có thể quán xét thấu
hiểu được những ý nghĩa sâu xa của đời sống.
[6]
Chú tâm vào công việc cũng là một hình thức định tâm, dù là chỉ giới hạn
trong công việc. Vì thế, tất nhiên là chúng ta cũng cần có sự rèn luyện
kiên trì mới có thể đạt được sự chú tâm thường xuyên và tập trung cao
độ. Tuy nhiên, chỉ cần chúng ta khởi sự nhận ra được lợi ích của sự chú
tâm vào công việc và bắt đầu thực hành nó, chúng ta sẽ ngay lập tức có
được những kết quả khả quan nhất định.
Để nhanh chóng đạt được sự chú tâm trong công việc, chúng ta có thể nhờ
đến một vài phương pháp thực tập mà những người tu tập thiền định vẫn
thường sử dụng. Đây là những phương pháp rất đơn giản nhưng vô cùng hiệu
quả trong việc giúp chúng ta đạt được sự định tâm.
Để thực hành các phương pháp này, bạn chỉ cần dành ra mỗi ngày một thời
gian khiêm tốn khoảng từ 10 đến 30 phút, thường tốt nhất là vào sáng
sớm. Chẳng hạn, bạn có thể cố gắng thức dậy sớm hơn thường lệ khoảng 20
phút và dành thời gian này cho việc thực tập. Tuy nhiên, nếu có sự bất
tiện nào đó thì bạn cũng có thể thực tập vào buổi tối trước khi đi ngủ
hoặc vào một giờ khác trong ngày. Điều quan trọng nhất là cần phải có
được sự đều đặn và thường xuyên mỗi ngày.
Chọn một vị trí yên tĩnh nhất trong nhà, sao cho sẽ không có ai quấy rầy
trong lúc bạn đang thực tập. Phòng khách hay phòng ngủ, phòng làm
việc... tất cả đều có thể được, miễn là ở đó bạn không nghe thấy quá
nhiều tiếng ồn cũng như chắc chắn sẽ không phải tiếp xúc với ai trong
thời gian thực tập. Bạn cũng nên tháo dây ra khỏi máy điện thoại hoặc
tắt chuông đi. Hầu hết các cuộc gọi đều có thể đợi đến sau thời gian đã
tập luyện xong. Bạn nên hạn chế tối đa sự gián đoạn trong thời gian tập
luyện.
Khi đã chọn được thời gian và địa điểm thích hợp, bạn bắt đầu ngồi xuống
theo tư thế thoải mái nhất. Tốt nhất là ngồi trên một miếng đệm lót trên
sàn nhà, nhưng cũng có thể ngồi trên ghế hoặc trên giường. Tư thế tốt
nhất là bắt tréo hai chân theo kiểu ngồi kết già (bàn chân phải đặt trên
đùi bên trái và ngược lại) hoặc bán già (chân phải đặt trên chân trái
hoặc ngược lại). Bạn cũng có thể chọn cách ngồi trên ghế buông thõng hai
chân xuống nếu thấy thoải mái hơn. Ngồi cách nào cũng được, nhưng cần
phải giữ lưng thẳng đứng và vững chải, không tựa lưng ra sau hoặc để
lưng cong về phía trước. Hai bàn tay đặt trên đùi hoặc trước bụng, lòng
bàn tay ngửa lên.
Sau khi đã ngồi yên, bạn bắt đầu hít thở thật sâu khoảng 3 đến 5 lần và
buông bỏ hết mọi suy nghĩ trong tâm tưởng. Vào lúc này, bạn cũng đồng
thời buông xả toàn thân, hoàn toàn thư giãn, không còn dùng sức ở bất cứ
cơ bắp nào. Sau khi đã khởi đầu với những hơi thở sâu, bạn bắt đầu trở
lại với hơi thở bình thường, không có bất cứ một sự thúc ép hoặc kiềm
chế nào, chỉ để cho hơi thở vào ra một cách hoàn toàn tự nhiên trong
trạng thái thư giãn của toàn cơ thể.
Khi hơi thở trở nên điều hòa và nhẹ nhàng, bạn bắt đầu tập trung toàn bộ
sự chú ý vào sự vào ra của hơi thở. Khi hơi thở vào, bạn nhận biết là
hơi thở đang đi vào. Khi hơi thở ra, bạn nhận biết là hơi thở đang đi
ra. Cứ tiếp tục như thế cho đến cuối buổi tập. Thời gian cho những buổi
tập đầu tiên chỉ cần từ khoảng 5 đến 10 phút. Tuy nhiên, trong những
buổi tập về sau, khi đã cảm thấy thật sự quen thuộc và thoải mái, bạn có
thể tăng dần thời gian cho đến khoảng 30 phút.
Trong thời gian tập luyện, sẽ có nhiều lúc sự tập trung chú ý của bạn bị
gián đoạn bởi những dòng tư tưởng khác nhau bất chợt khởi lên. Tuy
nhiên, bạn không cần phải lo lắng về điều này. Chỉ cần nhận biết ngay sự
gián đoạn ấy và quay lại tập trung chú ý vào hơi thở. Lâu dần, khả năng
tập trung của bạn sẽ phát triển tốt hơn và những dòng tư tưởng khác sẽ
ngày càng bị hạn chế ít hơn.
Phương pháp thứ hai cũng tương tự như phương pháp thứ nhất, nhưng khác
một điều là trong khi tập trung chú ý vào sự vào ra của hơi thở, bạn
cũng đồng thời đếm số từ 1 đến 10. Mỗi lần hơi thở vào và ra, bạn lại
đếm một số. Từ một cho đến mười rồi trở lại một, cứ như thế cho đến cuối
buổi tập. Việc đếm hơi thở như vậy thường có hiệu quả đối với những
người có đầu óc quá năng động hoặc phải làm việc trong những môi trường
nhiều sôi động.
Thời gian dành cho những buổi tập như trên tuy không nhiều, nhưng nếu
bạn kiên trì tập luyện, khả năng tập trung sự chú ý của bạn sẽ gia tăng
đáng kể. Nhờ đó, bạn sẽ có thể thực hiện việc chú tâm vào công việc một
cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, bạn cũng sẽ có khả năng suy nghĩ sáng suốt
hơn, hiệu quả hơn, và điều đó mang lại lợi ích không chỉ trong công việc
mà còn là cho cả cuộc sống của bạn nữa.