Thay lời kết
Thật không dễ dàng chút nào khi phải đề cập đến một chủ đề quá rộng và
phức tạp như sự thanh thản trong công việc. Trong số những người mà tôi
đã tiếp xúc và trao đổi, không ít người đã bày tỏ sự hoài nghi ngay khi
nghe nói đến một chủ đề như vậy: “Thanh thản ư? Nếu anh muốn có được sự
thanh thản thì tốt nhất là đừng đến sở làm!”
Quả thật là công việc luôn tiêu tốn của chúng ta rất nhiều năng lượng,
cả tinh thần lẫn vật chất. Và phần lớn mọi người thường chấp nhận sự mệt
nhọc luôn đi kèm với những tâm trạng tiêu cực, những trạng thái buồn
phiền hay bực dọc. Cách giải quyết vấn đề đối với hầu hết chúng ta là
đợi cho đến khi sự mệt nhọc qua đi và lấy lại tâm trạng bình thường sau
một thời gian ngơi nghỉ. Thật không may là vào những khi công việc nhiều
căng thẳng, sự mệt mỏi vì công việc của chúng ta có thể kéo dài rất lâu,
và thậm chí chúng có thể xuất hiện gần như mỗi ngày!
Sự thật là chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực
do công việc căng thẳng mang lại. Bản thân người viết vì không có đủ may
mắn để duy trì một công việc duy nhất nên cũng đã từng phải trải qua
nhiều môi trường làm việc khác nhau, từng nếm trải những sự mệt nhọc về
thể xác cũng như về trí não. Chính từ trong những môi trường làm việc
khác nhau đó mà những gì trình bày trong sách này đã được hình thành.
Người viết không nghĩ rằng những ý tưởng được đưa ra ở đây sẽ hoàn toàn
phù hợp với suy nghĩ của tất cả bạn đọc, nhưng sự chia sẻ kinh nghiệm
thực tiễn bao giờ cũng là điều cần thiết đối với bất cứ ai trong chúng
ta. Vì thế, tập sách này được viết ra như một sự ghi nhận những kinh
nghiệm và nhận thức cá nhân, nhằm chia sẻ với bạn đọc những gì mà người
viết tin là có lợi cho đời sống. Qua đây, người viết hy vọng là có thể
mang lại ít nhiều lợi ích cho những ai đã và đang cảm thấy quá nhọc nhằn
trong công việc. Người viết xin chân thành đón nhận mọi sự trao đổi, góp
ý từ quý độc giả gần xa về chủ đề hết sức thiết thực này.
[1] Hạnh phúc là điều có thật – Nguyên Minh, NXB
Văn hóa Thông tin, 2004.
[2] Trong phần này cũng như trong một số những
đoạn sau, chúng tôi sử dụng kết quả nghiên cứu của Conference Board, một
tổ chức xã hội phi lợi nhuận, đồng thời có tham khảo thêm một số nguồn
thông tin khác có liên quan.
[3] Vi phú bất nhân hĩ, vi nhân bất phú hĩ. –
Người giàu có thì không nhân đức, người nhân đức thì không giàu có. –
Mạnh Tử
[4] Hạnh phúc là điều có thật – Nguyên Minh, NXB
Văn hóa Thông tin, 2004.
[5] Hội nghị Bình Than được triều đình nhà Trần
triệu tập vào tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1282) để bàn việc đối phó với nguy
cơ xâm lược của quân Mông Cổ. Đối tượng dự hội nghị là tất cả các vương
hầu và tướng lãnh triều đình. Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản khi ấy được
theo hầu vua đến Bình Than nhưng không được phép tham dự hội nghị vì còn
quá ít tuổi. Quốc Toản là người yêu nước nên rất tức giận vì không được
dự hội nghị, đến nỗi trong tay đang cầm quả cam bóp nát lúc nào không
hay. (Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, phần Bản Kỷ, quyển V, các tờ 42a,
42b và 43a)
[6] Để biết thêm về thiền học, quý độc giả có
thể tìm đọc Sống thiền – Nguyên Minh, NXB Văn nghệ TP HCM, 2004.
[7] Chánh mạng (正命) là mạng sống chân chánh, hay
nói dễ hiểu hơn là duy trì, nuôi sống thân mạng của chúng ta một cách
chân chánh. Vì vậy, cũng thường được hiểu là nghề nghiệp chân chánh, bởi
vì chính nghề nghiệp là phương tiện tất yếu mà chúng ta dùng để nuôi
sống bản thân và gia đnh. Chánh mạng là một phần trong Bát chánh đạo.
Quý độc giả có thể tìm hiểu thêm về Bát chánh đạo trong sách Vì sao tôi
khổ – Nguyên Minh, NXB Tôn giáo, 2006.