Trong sách “Hạnh phúc là điều có thật”,
[4] chúng ta
đã có dịp đề cập đến nguồn năng lượng tinh thần tạo ra bởi những cảm xúc
khác nhau trong cuộc sống. Chẳng hạn, sự ghen tức, căm thù hay giận dữ
đều là những nguồn năng lượng mạnh mẽ. Khi những cảm xúc ấy phát sinh,
chúng thúc đẩy ta suy nghĩ, nói năng và hành động với một sức mạnh khác
thường. Một người khi rất tức giận có thể có những hành động vượt quá
mức thông thường, chẳng hạn như trường hợp cậu bé Trần Quốc Toản bóp nát
quả cam trong tay khi không được tham dự hội nghị Bình Than.
[5]
Khi một người đang ghen tức hay căm thù cũng vậy, họ có thể nói ra những
lời hung hăng, suy nghĩ những điều như điên cuồng, và thực hiện những
hành vi thô bạo đến mức hoàn toàn không tự chủ. Sức mạnh của những cảm
xúc này được xem là tiêu cực, vì chúng luôn hướng đến sự hủy hoại, làm
tổn thương chính bản thân ta và mọi người chung quanh. Thật ra, vì chúng
hướng đến sự hủy hoại, nên khi bộc lộ ra càng mạnh mẽ thì chúng càng làm
tiêu hao đi nhiều năng lượng thể chất và tinh thần của chúng ta. Chính
vì thế mà sau khi nguôi đi một cơn giận, ta thường có cảm giác mệt mỏi
rã rời giống như vừa qua một buổi làm việc vô cùng căng thẳng.
Ngược lại, khi những cảm xúc như lòng thương yêu, sự cảm thông, chia
sẻ... được sinh khởi, chúng tạo ra một nguồn năng lượng mạnh mẽ trong
ta, thúc đẩy ta suy nghĩ, nói năng và hành động vượt hơn mức thông
thường, với những ý tưởng, lời nói, việc làm luôn có chiều hướng xây
dựng, giúp đỡ và xoa dịu đau khổ. Nguồn năng lượng tinh thần phát sinh
từ những cảm xúc tốt đẹp này được xem là tích cực, luôn hướng ta đến sự
vươn lên hoàn thiện tâm hồn và làm giảm nhẹ mọi thương tổn. Với nguồn
năng lượng tinh thần này, chúng ta thường có thể làm được rất nhiều việc
mà không thấy mệt mỏi, mất sức. Khi quan sát hoạt động của những nhân
viên Hồng thập tự, chúng ta sẽ có thể dễ dàng nhận ra điều này. Với lòng
thương yêu, họ có thể vui vẻ làm việc một cách tích cực trong nhiều ngày
không mệt mỏi khi cần phải cứu giúp những người bị nạn.
Theo ý nghĩa này, hầu hết mọi cảm xúc của chúng ta đều có thể được phân
chia vào hai nhóm tiêu cực và tích cực. Khi một cảm xúc tạo nguồn năng
lượng thúc đẩy sự xây dựng, giúp đỡ và làm giảm nhẹ khổ đau, chúng ta
biết cảm xúc đó thuộc loại tích cực. Ngược lại, khi một cảm xúc làm tiêu
hao năng lượng, thúc đẩy sự hủy hoại và gây thương tổn, chúng ta biết
cảm xúc đó thuộc loại tiêu cực.
Qua đây chúng ta có thể dễ dàng thấy được là việc nuôi dưỡng những cảm
xúc tích cực có thể xem là một yếu tố quan trọng để có được cuộc sống
hạnh phúc. Ngược lại, sự phát triển của những cảm xúc tiêu cực chắc chắn
sẽ mang lại thêm nhiều khổ đau cho cuộc sống. Vấn đề ở đây là, việc nuôi
dưỡng những cảm xúc tích cực và chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực trong
môi trường làm việc – với sự tiếp xúc nhiều đối tượng khác nhau – luôn
gặp phải nhiều khó khăn hơn là trong môi trường gia đình – nơi mà quanh
ta chỉ có toàn những người thân thuộc.
Trong môi trường làm việc luôn có những yếu tố thúc đẩy sự phát triển
những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như sự mệt nhọc, sự bất đồng trong các
mối quan hệ giao tiếp, sự thúc bách hay áp lực từ công việc, cũng như
hàng loạt những vấn đề trái lòng nghịch ý không thể nào tránh khỏi. Tất
cả những yếu tố đó luôn có khuynh hướng đẩy chúng ta vào sự phát triển
những cảm xúc tiêu cực, và hầu hết chúng ta thường xem đó như một điều
hoàn toàn tự nhiên nên rất ít khi nghĩ đến việc cần phải thay đổi, khắc
phục. Nhiều người nói rằng họ luôn kiểm soát được những cơn nóng giận
hay bực tức trong môi trường gia đình, nhưng lại không thể làm được điều
này trong môi trường làm việc!
Trong thực tế, tuy không phải là việc dễ dàng nhưng sự chuyển hóa những
cảm xúc tiêu cực trong môi trường làm việc là hoàn toàn có thể thực hiện
được. Và tất cả những gì chúng ta vừa đề cập đến trong các phần đầu tiên
của tập sách này đều là những nhận thức rất cần thiết để làm được điều
đó.
Những cảm xúc tích cực và tiêu cực trong lòng ta thật ra không phải là
những điều hoàn toàn trái ngược nhau. Chúng chỉ là những biểu hiện tính
chất khác nhau của cùng một bản thể. Vì thế, sự thật là chúng ta không
thể loại trừ các cảm xúc tiêu cực mà chỉ có thể chuyển hóa chúng thành
những cảm xúc tích cực mà thôi.
Có một buổi chiều đẹp trời nào đó bạn có dịp dạo chơi trên con đường ven
biển. Hãy nhìn ra mặt biển xanh mênh mông đang gợn lên những con sóng
nhỏ dưới nắng chiều lấp lánh. Toàn bộ khung cảnh nên thơ như gợi lên
trong chúng ta nguồn cảm hứng về một vẻ đẹp thiên nhiên hiền hòa và êm
ả. Nhưng bạn có biết chăng, cũng chính mặt biển êm ả này vào những ngày
giông bão sẽ nổi lên vô số những con sóng ngập đầu, gầm rú từ khơi xa
cho đến khi vào tận sâu trong bờ cát rồi giận dữ bổ nhào xuống và cuốn
phăng đi bất cứ vật gì ngăn đường chúng!
Những con sóng hiền hòa và hung dữ vốn có nguồn gốc không khác nhau, đều
được hình thành từ mặt biển mênh mông kia. Tuy chúng rất khác nhau về
hình thức biểu hiện cũng như tác dụng, nhưng chúng ta không thể loại bỏ
một trong hai. Bởi nếu không có những con sóng hiền hòa thì cũng không
thể có những con sóng hung dữ. Từ mặt nước biển kia đã sản sinh ra cả
hai, nên chúng chỉ có thể cùng tồn tại hoặc cùng mất đi mà thôi.
Cũng tương tự như thế, những cảm xúc tiêu cực và tích cực cùng được sản
sinh trong tâm hồn chúng ta, và chúng ta không thể diệt mất một trong
hai. Nhưng chúng ta có thể chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực trở thành
tích cực, giống như vào những ngày trời yên bể lặng thì không ai có thể
tìm thấy những con sóng hung hãn ngập đầu kia. Chúng đã trở nên êm ả
dưới ánh nắng chiều hiền hòa và thơ mộng.
Trong thực tế thì quá trình chuyển hóa đó diễn ra như thế nào? Khi ta
sắp nổi giận với một người đồng nghiệp vì anh ta đã không làm giúp ta
một việc gì đó chẳng hạn. Đó là lúc giông bão sắp nổi lên và những con
sóng hung hãn trong ta đang sắp được khơi dậy. Nhưng nếu ngay vào lúc ấy
ta tỉnh táo nhận biết được điều này và không muốn để cho con sóng dữ ấy
nhấn chìm mình trong cơn giận, chúng ta sẽ dừng lại và nhìn sâu vào sự
việc một cách khách quan hơn. Ngay khi đó ta nhận ra những nguyên nhân
khách quan đã khiến cho người bạn đồng nghiệp không thể thực hiện công
việc mà ta nhờ cậy, mặc dù anh ta đã hứa giúp. Chẳng hạn như ta biết
rằng đêm qua anh ta đã phải đưa con đi cấp cứu vì một cơn bệnh ngặt
nghèo, và vì thế sáng nay anh đã đi làm rất trễ, và không có thời gian
để làm giúp ta việc ấy. Cơn giận bây giờ không nổi lên trong ta nữa,
thay vào đó là sự cảm thông với nỗi lo lắng của một người cha khi đứa
con duy nhất của mình vẫn còn đang nằm trong bệnh viện. Thay vì phiền
trách, bực tức, ta sẽ mở lòng ra chia sẻ nỗi lo lắng ấy và có thể sẵn
sàng đề nghị giúp đỡ trong khả năng của mình. Như vậy, cơn giận không có
điều kiện để nổi lên, nó đã được chuyển hóa thành sự cảm thông và chia
sẻ!
Hầu hết những cảm xúc tiêu cực của chúng ta đều được phát sinh từ sự
thiếu sáng suốt trong việc nhận thức vấn đề. Khi chúng ta nhìn vấn đề
một cách phiến diện hoặc méo mó, không đúng thật, chúng ta rất dễ nảy
sinh những cảm xúc tiêu cực. Chỉ cần nhìn sâu vào mỗi sự việc một cách
khách quan và sáng suốt, chúng ta sẽ dễ dàng chuyển hóa được những cảm
xúc tiêu cực trở thành tích cực, đơn giản chỉ vì đó mới chính là thái độ
phù hợp với thực tế.
Mỗi con người quanh ta đều có những khiếm khuyết, những thói tật nhất
định cần được cảm thông và tha thứ, nhưng đồng thời cũng luôn có những
điểm tốt đẹp nào đó đáng để ta yêu mến và quý trọng. Nếu chúng ta có thể
xuất phát từ nhận thức này thì sẽ không có bất cứ ai, bất cứ sự việc nào
có thể làm cho ta nổi giận hay bực tức. Chúng ta sẽ dễ dàng rèn luyện
được một tấm lòng vị tha, dễ cảm thông và tha thứ, và đây chính là một
trong những điều kiện quan trọng để có được niềm vui trong công việc.
Bằng vào sự trải nghiệm trong thực tế, chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận
được tác hại do những cảm xúc tiêu cực mang lại. Nói chung, chúng có vẻ
như thúc đẩy ta suy nghĩ, nói năng và hành động một cách mạnh mẽ hơn,
nhưng sự mạnh mẽ đó lại làm tiêu hao đi năng lượng thể chất lẫn tinh
thần, và chúng luôn gây ra sự tổn thương cho chính bản thân ta cũng như
mọi người chung quanh.
Ngược lại, những cảm xúc tích cực luôn tạo ra trong ta một nguồn năng
lượng tinh thần mạnh mẽ, thúc đẩy ta thực hiện những hành động cụ thể
nào đó để giúp đỡ người khác, chia sẻ những khó khăn và xoa dịu khổ đau.
Với nguồn năng lượng tinh thần này, ta có thể làm được rất nhiều điều có
ích mà vẫn duy trì được một sự lạc quan vui sống, không bị rơi vào tâm
trạng mệt mỏi, uể oải.
Vì thế, việc chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực trở thành tích cực xét
cho cùng cũng chính là một phương thức có thể giúp chúng ta gia tăng
hiệu quả làm việc, và đồng thời làm cho những công việc mà ta đang thực
hiện trở nên có nhiều ý nghĩa tốt đẹp hơn, bởi vì ta sẽ luôn có khuynh
hướng nhắm đến những điều tốt đẹp, lợi ích hơn cho mọi người.