Chấp nhận nghịch cảnh
Chúng ta không đủ may mắn được sống trong một thiên đàng trên mặt đất để
có thể gặp toàn những điều như ý. Sự thật là cuộc sống quanh ta luôn đầy
dẫy những điều bất như ý, những nghịch cảnh phải vượt qua. Cho dù bạn
đang làm bất cứ loại công việc nào, những điều trái ý vẫn luôn là chuyện
tất nhiên phải có trong công việc.
Nếu được hỏi về những gì không hài lòng trong công việc, tôi tin là bạn
sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu, bởi thường có quá nhiều chuyện để “kể
lể” về một chủ đề như thế. Nếu bạn có đủ may mắn để gặp được những người
đồng nghiệp tốt, hẳn vẫn còn nhiều chuyện phải nói về mối quan hệ với
ông chủ hoặc với trưởng phòng, giám đốc... Và nếu như bạn không gặp phải
những khó khăn trong quan hệ với mọi người, bạn cũng chưa hẳn đã có đủ
may mắn để có được một khoản thu nhập đáng hài lòng, hoặc những thuận
lợi thường xuyên trong công việc... Thậm chí điều thường gặp hơn nữa là
bạn rất ít khi được quyền chọn lựa những công việc để làm theo sở thích,
mà luôn ít nhiều chịu sự quy định của những hoàn cảnh khách quan hoặc
theo ý muốn của người khác. Nói chung, nếu phải tìm ra những điểm không
hài lòng trong công việc, chắc chắn là bạn sẽ không phải mất nhiều thời
gian suy nghĩ.
Nhưng điều ngược lại cũng là một thực tế thường bị bỏ qua không nghĩ
đến. Đó là, cũng luôn có rất nhiều điểm đáng hài lòng trong công việc,
cho dù bạn đang làm bất cứ loại công việc gì, trong bất cứ hoàn cảnh làm
việc như thế nào. Ít nhất trong môi trường làm việc cũng phải có một ai
đó đáng để bạn quan tâm, ưa thích hoặc yêu mến. Ít nhất công việc bạn
đang làm cũng phải có một vài ưu điểm nào đó không thể có trong những
công việc khác. Và ít nhất thì công việc đang làm cũng có thể giúp bạn
duy trì được cuộc sống cho bản thân và gia đình, cho dù là trong một
điều kiện không được thong thả lắm.
Trong thực tế, những điều hài lòng và không hài lòng luôn đan xen với
nhau quanh bạn như những mảng màu xanh đỏ được trang trí trên một chiếc
bánh kem. Bạn không thể đi tìm một công việc hoàn toàn chỉ có những điều
đáng hài lòng, nhưng cũng không bao giờ có một công việc chỉ hoàn toàn
làm cho bạn thất vọng. Vấn đề là bạn phải biết nhận ra thực tế này để
đừng bao giờ cường điệu hóa những điều trái ý gặp phải trong công việc.
Khi chấp nhận những điều trái ý, những nghịch cảnh trong công việc như
một thực tế tất nhiên phải có, chúng ta sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều trong
việc đối mặt và vượt qua, hoặc thậm chí chỉ là để chịu đựng trong một
thời gian nào đó. Nhận thức này bao giờ cũng giúp ta tránh được những
thái độ bực dọc, cau có không cần thiết, và nhờ đó mà luôn giữ được sự
sáng suốt trong việc quyết định mọi công việc. Ngược lại, sự phàn nàn
hay than trách chẳng bao giờ giúp ta giải quyết được bất cứ điều gì, mà
ngược lại chỉ mang đến sự khó chịu cho những người quanh ta. Điều này
rất dễ làm cho mọi người dần xa lánh ta, và hệ quả tất nhiên là ta sẽ
không có được những sự giúp đỡ từ người khác khi cần thiết.
Khi bạn làm việc chăm chỉ và thể hiện năng lực rất tốt trong công việc,
bạn có quyền hy vọng và thậm chí là đòi hỏi sự thăng tiến. Tuy nhiên,
nếu điều đó không xảy ra, chẳng hạn như người được đề bạt lại là một
đồng nghiệp mà bạn tin chắc là yếu kém hơn mình, bạn cũng không nên để
cho việc đó nuôi lớn sự thất vọng. Bạn có quyền nêu lên ý kiến của mình
với người có trách nhiệm, nhưng không nên để cho sự thất vọng làm thay
đổi thái độ làm việc cũng như niềm vui trong công việc. Bởi vì điều đó
hoàn toàn không giúp bạn làm thay đổi sự việc!
Những điều tương tự như thế vẫn thường xảy ra trong thực tế, và bao giờ
cũng có những nguyên nhân, những lý do nhất định mà đôi khi bạn không
thể hiểu hết. Điều duy nhất chắc chắn bạn có thể biết được là sự thật đã
xảy ra, cho dù đó là một sự thật trái ý. Và bạn phải chấp nhận sự thật
ấy theo cách tối ưu nhất, có lợi nhất cho bản thân cũng như cho mọi
người chung quanh.
Có những lúc bạn phải làm việc nhiều hơn mức thông thường nhưng lại
không nhận được mức thù lao hợp lý, chẳng hạn như khi công ty gặp khó
khăn. Bạn có thể than phiền và cảm thấy bực tức vì việc này, nhưng điều
đó không mang lại kết quả gì tốt đẹp. Điều tốt hơn có thể làm là hãy
nhìn sự việc với một thái độ cảm thông và rộng mở hơn. Bạn đang làm việc
trong một tập thể, và sự tồn tại của bạn gắn liền với sự tồn tại của tập
thể đó. Những khó khăn mà công ty đang gặp phải có thể là hoàn toàn
khách quan, không phải do ý muốn của ban giám đốc hay người chủ công ty,
và mọi người nên cùng nhau chèo chống để vượt qua giai đoạn khó khăn ấy.
Xét cho cùng, cũng sẽ có những lúc công ty làm ăn thuận lợi và mọi nhân
viên công ty được bù đắp thỏa đáng.
Nhưng ngay cả khi bạn đang là đối tượng của những người sử dụng lao động
không đúng theo luật định, thì sự than phiền hay bực tức cũng sẽ không
mang lại được điều gì. Điều khôn ngoan hơn là phải xác định chắc chắn
vấn đề và có những thái độ phản đối thích hợp với người có trách nhiệm,
hoặc thậm chí là nghỉ việc. Còn một khi bạn đã chấp nhận tiếp tục hợp
tác thì không nên để cho những cảm xúc tiêu cực làm mất đi niềm vui
trong công việc.
Tiền lương cũng là một trong những điểm không hài lòng rất thường gặp.
Tuy nhiên, nếu bạn đã chấp nhận một công việc nào đó thì việc than phiền
về tiền lương chỉ có thể nuôi lớn thêm cảm giác bực dọc mà không giúp
ích được gì. Điều tốt hơn là bạn nên hài lòng với sự chọn lựa của chính
mình cho đến khi có một quyết định thay đổi. Hơn thế nữa, tiền lương
không phải là giá trị duy nhất của công việc. Bạn cần cân nhắc đến những
yếu tố khác nữa, chẳng hạn như sự say mê công việc hay những mối quan hệ
tốt đẹp trong công việc mà bạn đang có được.
Nói chung, có rất nhiều điều trong thực tế mà bạn không thể thay đổi
được. Trong những trường hợp ấy, cảm giác không hài lòng và thái độ than
phiền hay bực dọc sẽ chẳng bao giờ là giải pháp cho vấn đề. Bạn cần phải
biết chấp nhận những nghịch cảnh và duy trì niềm vui trong công việc để
vượt qua, bởi vì điều đó bao giờ cũng sẽ là tốt nhất cho bản thân bạn
cũng như cho mọi người chung quanh.