LỜI NÓI ĐẦU
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự phát triển dân số đã trở
thành mối quan tâm chung của tất cả mọi người. Rất nhiều khái niệm mà
cách đây chỉ mới vài thập niên thôi vốn chưa được mấy người biết đến,
thì nay đã trở thành quen thuộc đến mức trẻ em vị thành niên cũng đã cần
phải được giáo dục, chẳng hạn như “kế hoạch hóa gia đình”, “kiểm soát
dân số”, “sinh đẻ có kế hoạch”.v.v... Thậm chí nhiều vấn đề mà trước đây
các bậc cha mẹ vẫn thường nghiêm cấm con em mình không được biết đến
trước tuổi lập gia đình, thì nay đã được các nhà giáo dục yêu cầu đưa
vào phần kiến thức phổ thông ngay trên ghế nhà trường, chẳng hạn như
những vấn đề về “quan hệ tình dục khác giới”, “tình dục đồng tính”,
“tình dục an toàn”.v.v... Sự thật ở đây không phải là các nhà giáo dục
hiện đại muốn như thế, mà chính là vì xã hội hiện đại có nhu cầu như
thế, cần thiết phải như thế. Bởi những hiểu biết ấy đã thực sự trở thành
thiết yếu và quan trọng để bảo vệ các em trước tuổi bước vào đời.
Nhưng cho dù được toàn xã hội quan tâm lo lắng, với rất nhiều các biện
pháp tuyên truyền, giáo dục và hỗ trợ cụ thể, có vẻ như vấn đề dân số
vẫn là một mũi tên đang nằm sẵn trên dây cung chỉ chực buông ra. Sự bùng
nổ dân số gần như là sẵn sàng xảy ra ở bất cứ nơi nào thiếu sự đề cao
cảnh giác, và chủ đề “kế hoạch hóa gia đình” vẫn luôn là một trong những
chủ đề được giới truyền thông đại chúng quan tâm nhiều nhất. Vào năm
1950, dân số thế giới ước chừng hơn 2,5 tỷ người, nhưng đến năm 1986,
con số này đã tăng gần gấp đôi - xấp xỉ 5 tỷ! Những vấn đề mà nhân loại
phải đối mặt do sự bùng nổ dân số đã ngày càng bộc lộ rõ hơn, và cách
duy nhất để giải quyết chính là phải kiểm soát được mức độ tăng dân số.
Kể từ thập niên 1990, tỷ lệ tăng dân số trên toàn thế giới bắt đầu được
giảm dần một cách ổn định, và các chuyên gia hy vọng là nhân loại sẽ
tiếp tục kiểm soát được mức tăng dân số theo chiều hướng này. Mặc dù
vậy, dân số thế giới hiện nay vẫn lên đến hơn 6,5 tỷ người!
Thật là một nghịch lý khi hành tinh này ngày càng có đông người sinh
sống hơn nhưng mối quan hệ giữa người với người lại ngày càng trở nên xa
cách, nhợt nhạt hơn. Nếu như trước đây những gì xảy đến cho mỗi một con
người luôn được rất nhiều người khác quan tâm, thì ngày nay con số những
người thực sự quan tâm đến mỗi chúng ta đã ngày càng ít đi. Sự thu hẹp
của những mối quan hệ trong xã hội hầu như có thể dễ dàng thấy được, chỉ
cần bạn thử làm một vài so sánh nhỏ.
Còn nhớ cách đây khoảng 30 năm, tôi có dịp ghé qua một xóm nhỏ ở ngoại
thành Đà Lạt để tìm một người quen. Khi tôi vừa hỏi tên người quen của
mình, dân làng lập tức liệt kê cho tôi biết cả thảy có đến 6 người cùng
mang tên ấy đang sống trong khu làng này, cùng với quê quán của mỗi
người trước khi họ đến đây định cư. Nhờ đó, tôi nhanh chóng tìm được
ngay người quen của mình.
Ngày nay, giữa thành phố nhộn nhịp này, bạn có thể lên mạng Internet để
truy cập thông tin về một ca sĩ nổi danh nào đó ở tận bên kia bờ đại
dương, nhưng lại thường không hỏi thăm ai đó được điều gì về một người
hàng xóm sống ngay kế bên nhà anh ta, vì thậm chí ngay cả tên họ người
ấy cũng rất ít khi được anh ta biết rõ!
Sự thực là ngoài những mối quan hệ cần thiết trong công việc, chúng ta
ngày nay có rất ít quan hệ thân thiết với những người chung quanh. Và
phần lớn những mối quan hệ của chúng ta lại thường luôn phải có sự dè
dặt, hoài nghi xen vào. Điều đó làm cho chúng ta ngày càng có ít cơ hội
hơn để sống thật lòng.
Khi tôi nói ra điều này, chắc hẳn phần đông các bạn sẽ nghĩ ngay đến một
điều: gia đình! Vâng, ít ra thì bạn nghĩ rằng vẫn còn có những mối quan
hệ không gì thay thế được trong gia đình của bạn, và bạn không thể nào
tin được nếu có ai cho rằng những mối quan hệ trong gia đình của bạn
cũng không là ngoại lệ, nghĩa là vẫn kém phần thân thiết, đầm ấm hơn
trước đây. Mặc dù vậy, những gì tôi đang muốn chia sẻ với các bạn hôm
nay lại không phải là ý kiến chủ quan của một vài người, mà là một thực
tế đang diễn ra trong toàn xã hội. Vì thế, chúng ta hãy nhìn nhận một
cách khách quan hơn là tranh cãi theo ý riêng của mỗi người.
Khi tôi ra đời, cha mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn còn lội bộ băng đồng năm sáu
cây số để về quê ăn giỗ. Trong ký ức non nớt của tôi ngày đó vẫn còn lưu
lại ít nhiều hình ảnh về những lần hội họp bà con thân tộc ở một từ
đường[1] làng quê hẻo lánh. Ngày nay, chúng ta
thường gặp những buổi tiệc có đến hàng trăm khách mời, nhưng trong số đó
liệu có được bao nhiêu người có mối quan hệ thân thiết thực sự với chúng
ta? Trong khi đó, cơ hội họp mặt của những người cùng chung huyết thống
có vẻ như đã trở nên ngày càng hiếm hoi hơn.
Gia đình ngày nay cũng thực sự thu nhỏ đến mức tối thiểu của nó. Cha mẹ
hiếm khi có được điều kiện sống chung cùng con cái ngay sau khi chúng
lập gia đình, đừng nói là đợi đến khi có cháu nội, cháu ngoại để được
chơi đùa, bồng bế! Những gia đình có hai hoặc ba thế hệ cùng chung sống
đã là mô-tip không còn nhìn thấy nữa, nói chi đến những bức tranh “tứ
đại đồng đường”[2] như xưa kia! Vì thế, những đứa
trẻ ngày nay lớn lên thường là trong sự thiếu thốn tình cảm sâu đậm của
ông, bà, chú, bác hoặc cô, cậu, dì... May mắn lắm thì chúng mới được
thường xuyên gần gũi với cha mẹ hằng ngày, còn nếu rơi vào tình trạng
phổ biến hơn thì nhà trẻ sẽ luôn là nơi chiếm phần lớn thời gian trong
ngày của trẻ!
Còn quan hệ vợ chồng thì sao? Đã quá xa rồi cái thời “chồng cày, vợ cấy,
con trâu đi bừa”. Trong xã hội công nghiệp ngày nay, vợ chồng được
làm chung một công việc là điều rất may mắn mà không phải ai cũng có
được. Tình trạng phổ biến hơn là cứ sáng ra thì “mỗi người đi mỗi ngã”,
cho đến chiều mới có cơ hội gặp lại nhau. Tất nhiên là chúng ta không
thể phủ nhận nhu cầu làm việc để nuôi sống gia đình, nhưng vẫn phải thừa
nhận là khi mức độ bon chen kiếm sống trong xã hội ngày càng lên cao thì
cho dù chúng ta làm ra được rất nhiều vật chất nhưng những gì chúng ta
giữ lại được cho đời sống tình cảm cá nhân có vẻ như đã ngày càng ít đi!
Bạn đọc có thể cho rằng tôi thật bi quan khi phác họa một bức tranh khá
ảm đạm về những quan hệ tình cảm trong hiện tại. Nhưng thật ra thì việc
mô tả một thực trạng không thể hàm ý bi quan hay lạc quan trong đó. Vấn
đề nằm ở chỗ là chúng ta chọn cách giải quyết như thế nào đối với thực
trạng ấy. Bản thân tôi luôn cho rằng không có gì đáng lạc quan và sung
sướng hơn là sự hiện diện của mỗi chúng ta trong cuộc sống này! Và chính
vì thế mà chúng ta không nên để cho bất cứ điều kiện ngoại cảnh nào có
thể làm mất đi niềm vui sống của mình.
Nhưng chúng ta sẽ không thể làm được điều đó nếu không khách quan nhận
ra được những trở lực từ ngoại cảnh. Cuộc sống bon chen của thời đại
công nghiệp này quả thực là đang vươn xa bàn tay vật chất để khống chế
hầu hết mọi ngóc ngách trong cuộc sống chúng ta. Tiền bạc và các tiện
nghi vật chất đang ngày càng trở nên quan trọng hơn trong cuộc sống. Bất
chấp một thực tế là ngày nay chúng ta làm ra rất nhiều tiền hơn so với
trước đây, chúng ta cũng đồng thời phải sống phụ thuộc nhiều hơn vào túi
tiền của chính mình cũng như của người khác! Áp lực của đời sống vật
chất đang ngày càng gia tăng theo hướng làm thay đổi cả tâm tư, tình cảm
của mỗi chúng ta. Nếu không tỉnh táo nhận ra điều đó, chúng ta sẽ rất dễ
dàng trở thành một thứ con rối của ngoại cảnh, luôn chịu sự chi phối của
những hoàn cảnh bên ngoài để yêu, để ghét mà không còn có được những
phút giây rung động thật lòng.
Hơn bao giờ hết, con người ngày nay đang sống trong những mối quan hệ
chi phối lẫn nhau nhiều hơn là sẻ chia, giúp đỡ. Cái gọi là tình cảm
chân thành và đơn thuần đã trở nên hiếm hoi ít có. Những toan tính lợi
dụng lẫn nhau nhiều khi hiện hữu một cách vô cùng tinh tế đến nỗi chúng
ta hầu như không nhận ra được chúng và lầm tưởng rằng mình đang được
thương yêu thật sự, cũng bởi vì cái gọi là trực giác trong tình cảm của
phần lớn chúng ta đều đã bị chai lỳ đi qua những cọ xát quá nhiều trong
đời sống vật chất.
Mâu thuẫn phát sinh ở đây là bản chất khát khao tình cảm chân thành của
mỗi chúng ta lại vẫn không hề thay đổi! Vì thế, một khi không có được sự
thương yêu và sẻ chia thực sự trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn cảm thấy
mình cô độc, lẻ loi. Cảm giác cô đơn giữa sự vây quanh của rất nhiều
người có lẽ là điểm chung nhất mà hầu hết chúng ta đều đã từng trải qua.
Những khi chúng ta đau buồn, vấp ngã hoặc cảm thấy hụt hẫng trong quan
hệ xã hội, chúng ta rất thường nghĩ đến tình cảm gia đình như một chỗ
trú ngụ để tìm về. Những lúc ấy, ta cảm thấy cách biệt và xa lạ với tất
cả mọi người chung quanh và chỉ tin cậy, đợi chờ sự chia sẻ, cảm thông
từ những người trong gia đình. Nhưng nếu người đã gây đau khổ cho ta
hoặc làm ta thất vọng lại là một thành viên trong gia đình, chúng ta sẽ
có khuynh hướng tách biệt với những thành viên khác và quay sang gần gũi
với một ai đó là người mà ta vẫn thường tin yêu, thân thiết nhất. Tâm lý
này xuất hiện ở hầu hết mọi người, và nó giải thích cho thái độ sống thu
mình cách biệt của những người vừa trải qua thất bại, đau khổ... Những
trường hợp điển hình thường gặp nhất là thi hỏng, thất tình, thất
nghiệp, có người thân qua đời hoặc thậm chí sau khi bị mất mát một tài
sản lớn... Trạng thái cô đơn bao trùm cuộc sống của những con người tội
nghiệp này, và trong một số trường hợp quá nghiêm trọng, thậm chí họ có
thể dễ dàng nghĩ đến việc tự kết liễu đời sống của mình! Bởi vì họ luôn
cảm thấy cực kỳ cô độc ngay cả khi đang sống giữa rất đông người.
Vì thế, trạng thái cô đơn mà mỗi người chúng ta thường trải qua có thể
hiểu một cách chính xác không chỉ là vì không có người để giao tiếp
quanh ta, mà thực sự còn là trạng thái đánh mất khả năng tiếp xúc, hòa
hợp với người khác. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến sự đánh mất khả
năng tiếp xúc với người khác, nhưng hầu hết những nguyên nhân này đều có
thể vượt qua nếu chúng ta hiểu được bản chất sự chi phối của chúng đối
với những chuyển biến về tình cảm của chúng ta, cũng như bản chất thực
sự của trạng thái cô đơn mà ta đang nếm trải.
Như đã nói, khi bạn cảm thấy cô đơn trong xã hội, bạn thường muốn tìm về
gia đình, và khi cảm thấy cô đơn trong môi trường gia đình, bạn thường
muốn sẻ chia điều đó với người thân thiết nhất. Nhưng điều gì sẽ xảy ra
nếu như ngay cả người thân thiết nhất của bạn cũng không thể sẻ chia
tình cảm với bạn, hoặc chính người ấy lại là người làm cho bạn khổ đau,
thương tổn? Đây chính là thử thách khó vượt qua nhất trong cuộc sống, và
không ít người đã phải bỏ cuộc khi rơi vào những hoàn cảnh như thế. Tuy
nhiên, việc đứng vững và vượt qua những hoàn cảnh này là điều hoàn toàn
có thể làm được, và để làm được điều đó bạn chỉ có một cách duy nhất là
phải biết dựa vào chính bản thân mình. Nói một cách chính xác hơn, đây
phải là kết quả của một quá trình rèn luyện và tu dưỡng để có được nhận
thức đúng đắn về cuộc sống và một tâm hồn vững chãi, giàu nghị lực.
Nhưng điều thiết thực hơn không phải là chỉ để đối mặt với những hoàn
cảnh cực kỳ bi đát hay đau khổ, mà là để luôn luôn có được một thái độ
sống vững vàng tự tin và lạc quan vui sống, bất chấp mọi hoàn cảnh khác
nhau có thể có trong đời sống.
Tập sách này được hình thành trong ước muốn chia sẻ với bạn đọc đôi điều
về quá trình rèn luyện và tu dưỡng để luôn có thể tìm được niềm vui
trong cuộc sống. Người viết thực sự không dám nêu lên những khuôn vàng
thước ngọc, mà chỉ là một vài cảm nhận và kinh nghiệm thực sự của người
đã từng vấp ngã. Hầu hết những gì có thể gọi là “nguyên tắc” được nêu ra
ở đây vốn dĩ đã được người xưa biết đến và truyền dạy từ trước đây nhiều
thế kỷ. Chỉ có điều đáng tiếc là phần lớn chúng ta đã có rất ít cơ hội
để tiếp xúc và hiểu được một cách thấu đáo những lời dạy sáng suốt của
người xưa, và vì thế vẫn thường cho đó là những quan niệm rất khó hiểu
và không còn hợp thời. Sự thật là cho dù có trải qua bao nhiêu thế kỷ
nữa, bản chất con người vẫn không hề thay đổi, chỉ có hoàn cảnh sống của
chúng ta trong từng thời đại có sự thay đổi khác nhau mà thôi. Vì thế,
chỉ cần chúng ta có thể nhận hiểu và vận dụng một cách thích hợp thì
những khuôn thước của ngàn xưa vẫn chưa phải đã là lỗi thời.
Sự thành công hay thất bại về mặt vật chất của chúng ta thường không
phải bao giờ cũng do bản thân ta quyết định. Khi những nỗ lực của chúng
ta rơi vào những hoàn cảnh không thuận lợi - hay nói cách khác là không
gặp thời - thì cho dù chúng ta có cố gắng đến đâu cũng không thể đạt
được thành công. Người xưa đã biểu đạt một cách sâu sắc ý nghĩa này khi
nói: “Luận anh hùng bất phân thành bại.”
Chúng ta đều biết đến những con người tài ba lỗi lạc như Trương Công
Định, Hoàng Hoa Thám hay Phan Đình Phùng, chỉ vì rơi vào hoàn cảnh quá
bất lợi mà họ không thể đạt được sự thành công như mong muốn. Họ đã nỗ
lực hết sức mình, và năng lực thực sự của họ cũng không ai có thể phủ
nhận, nhưng hoàn cảnh lịch sử đã đặt ra những thử thách vượt quá sức họ,
và vì thế mà sự thất bại cũng là điều có thể hiểu được. Tuy họ không đạt
được thành công, nhưng ai dám bảo họ không phải là những bậc anh hùng?
Nhưng nếu xét về mặt tinh thần hay đời sống tình cảm thì vấn đề lại hoàn
toàn khác hẳn. Sự thành công hay thất bại của chúng ta là hoàn toàn dựa
vào khả năng và nghị lực của chính mình, bất chấp mọi hoàn cảnh khác
nhau. Bạn có thể thất bại trước những khó khăn thử thách của hoàn cảnh
và hoàn toàn không thể đạt được một mục tiêu vật chất nào đó, nhưng
không thể đổ thừa cho hoàn cảnh khi không kiểm soát được tâm trạng của
chính mình. Điều đó chỉ có thể là do bạn đã thiếu nhận thức đúng đắn về
bản chất sự việc, không có nghị lực vững vàng và thiếu sự rèn luyện, tu
dưỡng nội tâm. Nếu bạn thực sự có được những yếu tố ấy, bạn chắc chắn sẽ
luôn kiểm soát được trạng thái tinh thần và tình cảm của mình trong mọi
hoàn cảnh, bởi vì xét cho cùng thì mọi hoàn cảnh bên ngoài chỉ có thể
chi phối được tinh thần của bạn khi bạn không tự mình kiểm soát được nó
mà thôi.
Như đã nói, chúng ta không phủ nhận việc môi trường sống của thời hiện
đại đang ngày càng trở nên phức tạp và chịu sự chi phối nhiều hơn của
yếu tố vật chất. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là yếu tố
tinh thần của con người đang suy thoái như nhận định bi quan của một số
người. Thật ra, hơn bao giờ hết, chúng ta đang đứng trước những cơ hội
thử thách để rèn luyện và trưởng thành về mặt nội tâm. Nếu biết tận
dụng, cuộc sống sẽ mở ra trước mắt ta bao điều tươi vui và thú vị. Ngược
lại, đám mây mù ảm đạm của nỗi cô đơn buồn khổ sẽ luôn vây phủ chúng ta
trong suốt cả cuộc đời. Sự lựa chọn là hoàn toàn do nơi chính bản thân
mỗi người, và tập sách nhỏ này hy vọng có thể mang lại đôi điều hữu ích
cho các bạn khi đứng trước những ngã rẽ quan trọng của tâm tình.
Thật ra, người viết đã không có nhiều thời gian để dành cho tập sách này
như một công trình nghiên cứu nghiêm túc về tâm lý đời sống, mà chỉ đơn
giản là một vài ghi nhận bất chợt qua những dòng suy tư thoáng hiện
trong cuộc sống, thông qua sự học hỏi và vận dụng của chính bản thân
mình. Vì thế, mong rằng bạn đọc có thể xem đây như là những tâm tình
chia sẻ hơn là những khuôn ngọc thước vàng. Có như thế thì may ra mới có
thể tránh được cho người viết cái tội danh “vung tay quá trán”, không tự
lượng sức mình. Kính mong các bậc cao minh khi ghé mắt xem qua sẽ niệm
tình lượng thứ, và rất mong rằng quý độc giả gần xa có thể tìm được nơi
đây một đôi điều đồng cảm.
Trân trọng
NGUYÊN MINH