Lên non cho biết non cao...
Không ai yêu thương chúng ta bằng cha mẹ. Điều này hẳn là sẽ không có ai
trong chúng ta phải phản đối, vì nó hầu như đúng với mọi trường hợp. Từ
anh nông dân một nắng hai sương cho đến cô thợ dệt tăng ca tận 2 giờ
sáng, từ người công nhân xưởng máy lấm lem dầu nhớt cho đến bác hàng
rong chân thấp chân cao đi khắp các nẻo đường, từ người phu quét đường
lặng lẽ nhặt sạch từng tờ giấy rác cho đến anh xích-lô cọc cạch sáng sớm
đến chiều tối... Mỗi giọt mồ hôi mà họ nhỏ xuống đều là cho con, vì con,
lo cho con trong hiện tại và cho cả tương lai. Những anh nông dân, những
cô thợ dệt, những người công nhân, những bác hàng rong... tất cả đều bất
chấp những gian lao khó nhọc đang đè nặng trên đôi vai mình, vẫn luôn
vui tươi hớn hở khi kỳ vọng về một tương lai huy hoàng xán lạn cho con
cái. Những mảnh bằng cử nhân, bác sĩ hay thạc sĩ trong tương lai không
thể không lóng lánh trên đó những giọt mồ hôi mà họ đã ngày đêm âm thầm
nhỏ xuống. Tất cả đều là vì con, hy sinh cho con!
Nhưng điều nghịch lý ở đây là, cũng chính các bậc cha mẹ lại là những
người thường gây khổ tâm cho con cái nhiều nhất do những bất đồng trong
suy nghĩ, quan điểm hoặc cảm nhận. Người khác có thể không hiểu ta, điều
đó cũng thường thôi và chưa có gì đáng nói, nhưng nếu cha mẹ không hiểu
ta thì e rằng tai họa sẽ ập xuống không biết lúc nào! Đã qua rồi cái
thời “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” với những cuộc hôn nhân éo le làm cho
con cái đôi khi phải khổ sở suốt đời, nhưng thật ra thì kịch bản đó ngày
nay vẫn còn đang được diễn lại với những hình thức mới!
Khi trao phần thưởng xuất sắc cho một học sinh, cô giáo hỏi: “Lớn lên em
dự định sẽ làm gì?” Cô bé đáp: “Thưa cô, em sẽ làm bác sĩ, làm cô giáo
và làm họa sĩ.” Cô giáo bật cười: “Sao em chọn nhiều thế?” Cô bé đáp:
“Thưa cô, không phải chỉ mỗi mình em chọn đâu ạ. Em sẽ làm bác sĩ theo ý
ba, làm cô giáo theo ý mẹ, và làm họa sĩ theo ý em.”
Phía sau tính hài hước trong câu chuyện này là một thực trạng mà chúng
ta không thể phủ nhận. Rất nhiều bậc cha mẹ ngày nay không hề biết rằng
họ đang làm khổ con cái khi vô tình hay cố ý áp đặt những cách suy nghĩ,
sở thích, nguyện vọng của mình lên con cái. Một người bạn thân của tôi
đã theo học Đại học Bách khoa “theo ý ba” để trở thành kỹ sư cơ khí
trong khi anh thực sự yêu thích văn chương và đã từng có một truyện ngắn
được đăng báo từ thời trung học! Bây giờ, anh chàng mở một garage sửa
chữa xe hơi, mỗi ngày đều phải chui ra chui vào dưới gầm xe tối om đầy
dầu nhớt, đành thả trôi giấc mộng văn chương của một thời xa vắng...
Áp lực của các bậc cha mẹ ngày nay không biểu hiện một cách thô bạo qua
những mệnh lệnh cứng nhắc như xưa kia, nhưng lại thường được tạo ra từ
những tỉ tê tâm sự, những ước ao mong đợi mà không một người con hiếu
thảo nào có thể không lưu tâm. Và vì thế, trước ngưỡng cửa vào đời không
ít các em đã chọn sai phương hướng. Trong những năm tôi còn dạy học, hầu
hết những học trò cuối cấp 3 của tôi đều luôn chờ dịp để tranh thủ một
lời khuyên về việc chọn hướng đi cho tương lai. Vì thế, thỉnh thoảng tôi
thường có những buổi nói chuyện cởi mở với các em vào dịp cuối tuần về
đề tài này. Hầu như tất cả các em đều bày tỏ sự băn khoăn, ray rứt khi
sự chọn lựa của mình không hoàn toàn phù hợp với ý muốn của ba hoặc của
mẹ! Trong những trường hợp đó, tôi thường khuyên các em hãy cố gắng vượt
qua khoảng cách với ba mẹ để đạt đến một sự cảm thông hài hòa, thay vì
là đối đầu bằng những lý lẽ đúng, sai, phải, trái.
Khoảng cách giữa các bậc cha mẹ và con cái là điều hoàn toàn có thể hiểu
được. Về mặt thời đại, sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại đã
làm cho thế hệ đi trước dễ dàng trở nên tụt hậu. Cách đây vài ba mươi
năm, rất nhiều ngành học hiện nay chưa có mặt tại nước ta. Để cho các
bậc cha mẹ hiểu hết được những điều ấy cũng đã là một khó khăn, huống hồ
là thuyết phục các vị về việc chọn ngành nào là thích hợp!
Hơn thế nữa, rất nhiều quan điểm sống trong xã hội cũng đang thay đổi
một cách nhanh chóng, từ việc giao tiếp bạn bè cho đến cung cách học
tập, làm việc, đều có nhiều điều không giống với trước kia. Trong khi
đó, tâm lý chung của các bậc cha mẹ đều là lo lắng cho sự “an toàn” của
con cái, luôn sợ rằng con cái mình sẽ dễ dàng hư hỏng khi tiếp xúc với
những “cái mới”, “cái lạ” đầy “nguy hiểm”. Ngược lại, các bạn trẻ ngày
nay lại rất cần đến những cơ hội tiếp xúc rộng rãi để học hỏi, rèn luyện
và trưởng thành, bởi những kiến thức cần đến trong xã hội ngày nay đã
hoàn toàn không thể được cung cấp đủ trong phạm vi nhà trường.
Sự khác biệt về nhu cầu và quan điểm giữa hai thế hệ đang được đẩy ra
đến một khoảng cách xa nhất vì tốc độ phát triển quá nhanh của mọi thứ
trong thời hiện đại. Và điều đó khiến cho nhiều bậc cha mẹ không thể cảm
thông được với những suy nghĩ, tình cảm cũng như nhu cầu của con cái.
Mặt khác, các bậc cha mẹ luôn phải chịu nhiều áp lực nặng nề từ công
việc mưu sinh hằng ngày cũng như sự lo lắng cho tương lai con cái. Điều
này tạo ra tâm lý căng thẳng thường xuyên khi họ quay về với môi trường
gia đình. Điều mà họ luôn cần đến là một bầu không khí vui tươi thư
giãn, chia sẻ và xoa dịu từ con cái. Thế nhưng rất ít bạn trẻ hiểu được
điều này. Các bạn thường đòi hỏi ở cha mẹ nhiều hơn là quan tâm những gì
cha mẹ cần đến ở mình. Và chính vì thế mà khoảng cách giữa đôi bên càng
có nhiều nguy cơ gia tăng hơn nữa.
Thật đáng buồn khi chính những người thương yêu nhau nhất lại không thể
hiểu và cảm thông được nhau. Đây chính là một trong những nguyên nhân
thường gặp nhất đang đe dọa cuộc sống hạnh phúc của nhiều gia đình. Con
cái nhiều khi trở thành những chiếc bóng đi về lặng lẽ, không dám bày tỏ
bất cứ điều gì với cha mẹ, trong khi cha mẹ thì luôn bực dọc, cáu gắt vì
không thấy được những điều mình mong muốn ở nơi con cái. Tâm trạng cô
độc và cách biệt bao trùm cả bầu không khí gia đình, ngay cả khi mọi
người vẫn cùng nhau chung sống dưới một mái nhà và gặp gỡ nhau mỗi ngày!
Vấn đề chỉ có thể được giải quyết khi chúng ta nhận biết và cố gắng vượt
qua những khoảng cách tạo ra do sự khác biệt giữa hai thế hệ. Một khi
các bậc cha mẹ nhận biết được rằng con cái không thể có những suy nghĩ,
tình cảm và quan điểm sinh hoạt hoàn toàn giống như mình, họ sẽ biết
lắng nghe với một thái độ cởi mở hơn, và do đó mà có thể hiểu được tâm
tư, tình cảm của con cái. Ngược lại, khi con cái cũng nhận biết được
những gì đang đè nặng trong tâm tư, tình cảm của cha mẹ, chúng sẽ biết
được những gì nên làm để giảm bớt gánh nặng tinh thần cũng như vật chất
cho cha mẹ. Bầu không khí gia đình nhờ đó sẽ trở nên cởi mở hơn, dễ cảm
thông hơn, và khoảng cách giữa hai thế hệ sẽ có thể được rút ngắn dần
đến mức tối thiểu.
Thật ra, việc đòi hỏi con cái có thể hoàn toàn hiểu và cảm thông được
gánh nặng của các bậc cha mẹ cũng là điều hơi quá sức. Ca dao xưa có
câu:
Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.
Dù vậy, kẻ chưa lên non cũng không thể nói là hoàn toàn không biết đến
những khó khăn khổ nhọc của người leo núi. Dẫu chưa nuôi con cũng không
thể không biết đến công lao khó nhọc đêm ngày của cha mẹ. Dù chưa thể
cảm nhận được một cách hoàn toàn sâu sắc và đầy đủ như khi tự mình nuôi
con, nhưng các bạn trẻ cũng cần phải biết một điều là: Trên thế gian
này, không có ai thương yêu và lo lắng cho chúng ta bằng cha mẹ. Hiểu
được điều đó rồi thì mọi khoảng cách đều sẽ có thể dễ dàng vượt qua, mọi
sự bất đồng đều có thể được giải quyết một cách hài hòa, êm đẹp.