Tiền tài như phấn thổ
Người xưa nói: “Nhân nghĩa đáng ngàn vàng, tiền tài như bụi đất.” Có lẽ
chúng ta ai cũng dễ dàng đồng ý với câu này, bởi vì một cuộc sống dư
tiền lắm của nhưng thiếu thốn tình cảm chắc chắn không phải là điều mà
chúng ta mong muốn.
Mặc dù vậy, mâu thuẫn chung của rất nhiều người trong chúng ta là không
phân biệt rõ và đánh giá đúng được những giá trị vật chất và tinh thần.
Trong khi cuộc sống của chúng ta mỗi ngày đều cần đến các giá trị vật
chất một cách cụ thể, thì sự thiếu vắng những giá trị tinh thần nhiều
khi rất khó nhận ra. Ngay trong câu cổ ngữ vừa dẫn trên, cũng đã có sự
nhập nhằng không rõ nét giữa “tiền tài” và “nhân nghĩa”.
Nói “tiền tài như phấn thổ” thì hoàn toàn có thể hiểu được. Cuộc đời
thuận lợi thì tiền bạc dồi dào, lúc thất thời lỡ vận thì suy kiệt nghèo
khó, điều đó hầu như vẫn thường xuyên xảy ra trong cuộc sống. Chuyện
tiền bạc quả đúng là thoạt có thoạt không, chẳng có gì bền vững. Có tích
cóp cho lắm thì đến một lúc nào đó cũng không chắc đã tránh khỏi trắng
tay nghèo khó. Chẳng thế mà tục ngữ ta có câu: “Ai giàu ba họ, ai khó ba
đời.”
Chỉ có nhân nghĩa là còn mãi trong cuộc sống. Tiền bạc có thể mất đi,
nhưng người sống có tình có nghĩa thì dù rơi vào hoàn cảnh nào cũng sẽ
được người khác thương yêu, mến mộ. Thế nên so sánh “nhân nghĩa” với
“ngàn vàng” rõ là có phần khập khiễng. Ngàn vàng dẫu quý nhưng cũng là
mua được bằng tiền, mà tiền tài đã như bụi đất, thì dù có nhiều “bụi
đất” cũng không thể so sánh cùng “nhân nghĩa”. Tuy nhiên, đây chỉ là một
cách nói biểu trưng, chúng ta cũng nên “được ý quên lời” mà không cần
phải so đo lắm. Chỉ nói cho cạn lý là để thấy được cái giá trị không gì
sánh được của nhân nghĩa trong cuộc sống của chúng ta!
Nhân nghĩa cũng chỉ là một trong rất nhiều giá trị tinh thần cao quý.
Nếu biết quý trọng nhân nghĩa thì cũng phải biết nhận ra những giá trị
tinh thần khác nữa, chẳng hạn như tình thương yêu, đức nhẫn nhục, sự cảm
thông, lòng vị tha... Tất cả những phẩm chất tốt đẹp ấy đều không thể
mua bằng tiền, mà chỉ có thể có được qua sự rèn luyện, tu dưỡng. Chính
nhờ có những phẩm chất cao quý ấy mà cuộc sống này mới có thể trở nên
tốt đẹp. Đây là điều hoàn toàn không thể thay thế bằng những giá trị vật
chất.
Quan hệ gắn bó giữa bản thân ta với mọi người quanh ta cũng không thể
dựa trên các giá trị vật chất. Nếu chúng ta nhận lầm như thế, điều chắc
chắn là những mối quan hệ ấy không bao lâu sẽ đổ vỡ, tan rã, bởi vì:
Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử,
Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi.
Thế thái nhân tình là như vậy. Những khi vênh vang xe ngựa thì không
thiếu người vây quanh chầu chực, nhưng khi cơm hẩm muối dưa thì muốn tìm
một người để sẻ chia tâm tình cũng không phải dễ!
Nhưng bức tranh bi quan ấy là phác họa theo những quan hệ dựa trên các
giá trị vật chất. Nếu chúng ta sớm nhận biết được “tiền tài như phấn
thổ” thì điều đó sẽ không xảy ra, vì những quan hệ chân thật bền vững
của chúng ta sẽ được thiết lập dựa trên những giá trị tinh thần cao quý,
không thể thay đổi theo thời gian hay hoàn cảnh.
Quan hệ vợ chồng mà dựa trên những giá trị tài sản của đôi bên thì không
thể là nghĩa tình chân thật. Quan hệ bạn bè mà dựa trên sự lợi dụng tiền
bạc thì không phải là bạn tốt của nhau. Quan hệ hợp tác mà chỉ thuần túy
vì lợi nhuận thì không thể có sự dài lâu gắn bó... Tất cả đều cần có
thêm sự gắn kết của những giá trị tinh thần cao quý như nhân nghĩa, tình
thương, sự cảm thông, chia sẻ...
Đời người thoáng chốc đã qua nhanh, không bao lâu rồi sẽ đến lúc:
Vèo trông lá rụng ngoài sân,
Công danh phù thế có ngần ấy thôi!
Vì thế, được chung sống giữa những người thân quanh ta bao giờ cũng là
một niềm hạnh phúc lớn lao mà không phải ai cũng dễ dàng có được. Nếu
chúng ta không trân trọng điều đó, luôn tự đẩy mình vào tâm trạng cô độc
lẻ loi giữa mọi người, không tìm được sự hòa hợp sẻ chia trong cuộc
sống, thì đó chính là sự mất mát không gì bù đắp được.
Chỉ cần chúng ta biết phân biệt giữa các giá trị tinh thần và vật chất,
biết đánh giá đúng và sử dụng chúng vào những hoàn cảnh thích hợp, chắc
chắn sẽ có thể tạo ra được một môi trường sống hòa hợp với tất cả mọi
người quanh ta. Hạnh phúc không cần tìm đâu xa mà chính là ở đó!
[1] Từ đường: Ngôi nhà thờ chung
của một tộc họ, là nơi thờ phụng tổ tiên của dòng họ và tổ chức những
ngày kỵ giỗ.
[2] Tứ đại đồng đường: Bốn thế hệ
cùng chung sống trong một gia đình.