Nhiều tay vỗ nên kêu
Có một công án thiền đòi hỏi thiền sinh phải suy ngẫm về “tiếng vỗ của
một bàn tay”. Tôi không biết là qua công án này thiền sinh sẽ được đưa
đến nơi đâu trong chân trời thiền học, nhưng giữa cuộc sống trần tục này
thì nội dung đó lại gợi lên trong tôi một ý nghĩa thiết thực khác: không
có tiếng vỗ của một bàn tay!
Khi hai bàn tay vỗ vào nhau sẽ phát sinh tiếng vỗ, nhưng nếu bạn muốn
dùng một bàn tay để tạo ra tiếng vỗ nhỏ hơn, đó sẽ là điều hoàn toàn
không thể được!
Tương tự như vậy, trong cuộc sống này cũng không có bất cứ điều gì có
thể được thực hiện một cách đơn độc. Chúng ta sinh ra và lớn lên giữa
những con người, nên hết thảy mọi việc mà chúng ta có thể làm được đều
là nhờ có sự chung sức của người khác. Mỗi một con người chỉ như một bàn
tay đơn độc, dù có cố gắng đến đâu cũng không thể tạo thành tiếng vỗ.
Cách đây mấy năm, tôi vừa hoàn tất công trình biên soạn bộ Từ điển Thành
ngữ Anh-Việt với độ dày hơn 1500 trang. Sau nhiều năm miệt mài khó nhọc
với công trình, ngay khi vừa hoàn tất tôi đã hết sức vui mừng, sung
sướng và tự hào với thành quả của sự kiên trì này. Trong một lúc bốc
đồng, tôi đã chợt nghĩ rằng: chỉ cần có đủ ý chí kiên nhẫn thì bất cứ
công việc khó khăn nào cũng đều có thể tự mình vượt qua. Nhớ lại những
thời gian trước đó, một mình lặng lẽ giữa hàng đống tư liệu từ ngày này
sang ngày khác, quả thật tôi không dám nghĩ đến có một ngày sẽ hoàn tất
được công việc. Nhưng cuối cùng rồi ngày đó cũng đến!
Nhưng ý nghĩ bốc đồng đó chỉ thoáng qua trong phút chốc. Sự thật, tôi
biết là mình không hề lẻ loi, đơn độc trong công việc. Chỉ cần nhìn lại
các nguồn tư liệu tham khảo mà mình đã sử dụng, tôi cũng hình dung ra
được ít nhất có đến hàng tá người trực tiếp đóng góp cho công trình của
mình. Và nếu kéo dài sợi dây liên hệ đến quá khứ, e rằng con số đó sẽ
còn tiếp tục tăng cao hơn rất nhiều. Thêm vào đó, tất cả những người
quanh tôi đều đã cùng tôi thực hiện công việc. Nếu không có sự chăm sóc
và động viên của cả gia đình, không có sự hỗ trợ của anh em bè bạn...
thật ra tôi cũng không thể thực hiện công việc của mình. Đó là chưa kể
đến quá trình trước khi bộ sách ra đời, còn biết bao nhiêu người phải
tiếp tục tham gia đóng góp trong việc hoàn thiện nó! Chỉ riêng người
biên tập của Nhà xuất bản Trẻ đã phải mất hơn 6 tháng miệt mài để đọc
qua toàn bộ bản thảo và góp ý sửa chữa cũng như phát hiện giúp tôi những
sai sót trong suốt quá trình biên soạn. Làm sao có thể nghĩ rằng chỉ một
người có thể thực hiện được công việc?
Khi chúng ta nhìn sự việc một cách khách quan và toàn diện, ta sẽ thấy
là không có công việc nào chỉ được thực hiện bởi một người. Bằng cách
này hay cách khác, sự góp sức của người khác luôn là điều kiện cần thiết
để mỗi người có thể thực hiện được phần việc của mình.
Tương tự như vậy, sự góp sức của nhiều người luôn là điều kiện cần thiết
cho việc thực hiện những công việc quá khó khăn hay lớn lao, vĩ đại. Vạn
lý trường thành của Trung Hoa, Đại Kim tự tháp của Ai Cập... đều là
những chứng tích lịch sử nói lên ý nghĩa này. Chính vì thế mà người xưa
đã nói một cách nôm na rằng: “Nhiều tay vỗ nên kêu.”
Mặc dù vậy, không ít người trong chúng ta vẫn thường sai lầm khi quá xem
trọng những thành quả của cá nhân mình, vẫn tưởng rằng đó là những
“tiếng vỗ của một bàn tay”. Thật ra, những cách nghĩ như vậy vừa không
đúng với sự thật, vừa tạo điều kiện cho rất nhiều ý tưởng và hành vi sai
lầm khác. Khi một người chồng luôn nghĩ rằng mình là trụ cột duy nhất
chống đỡ kinh tế gia đình, anh ta sẽ rất ít khi hài lòng với sự chăm sóc
của người vợ, và do đó mà cảm thấy cuộc sống của mình không được hạnh
phúc, vui vẻ. Ngược lại, khi người vợ nghĩ rằng mình đã hy sinh khó nhọc
quá nhiều cho gia đình, cô ta sẽ luôn nhìn thấy những thiếu sót của
chồng mình trong công việc hằng ngày, và do đó cũng cảm thấy đời sống
gia đình luôn nặng nề, khó chịu. Trong cả hai trường hợp, nếu mỗi người
đều có thể nhìn sự việc một cách khách quan và toàn diện, đúng như sự
thật, họ sẽ thấy được sự đóng góp chung của tất cả mọi người vì sự tồn
tại và phát triển gia đình, và do đó sẽ dễ dàng cảm thông, chia sẻ với
những khó khăn của nhau.
Trong bất cứ tập thể nào cũng vậy, khi mọi thành viên đều quá xem trọng
thành tích của cá nhân mình trong công việc, tập thể đó sẽ có nhiều nguy
cơ tan rã vì thiếu sự gắn kết giữa các thành viên. Ngược lại, nếu mọi
người hiểu được rằng mỗi một thành quả đều có sự góp sức của tất cả, họ
sẽ càng gắn bó nhau hơn trong công việc để tiếp tục tạo ra những thành
quả mới.
Vì thế, sự đoàn kết gắn bó giữa tất cả mọi thành viên trong một tập thể
chính là xuất phát từ nhận thức đúng về vai trò của mỗi người và tất cả.
Nhận thức đúng lại phải bắt nguồn từ những suy nghĩ đúng. Và những suy
nghĩ đúng của tất cả mọi người thì tất yếu phải đi đến chỗ phù hợp,
tương ứng với nhau. Đây chính là yếu tố khởi đầu để tạo nên sức
mạnh phát triển của một tập thể, và cũng là điều kiện tất yếu để tạo ra
môi trường hòa hợp trong tập thể đó. Chính trong ý nghĩa này mà người
xưa đã từng dạy về sức mạnh của sự hòa thuận đoàn kết trong gia đình
rằng: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn.”
Tát cạn bể Đông chỉ là một cách nói khoa trương để nhấn mạnh tính chất
khó khăn, to tát của bất cứ công việc nào, nhưng sức mạnh của sự “thuận
vợ thuận chồng” thì có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể dễ
dàng nhận ra được. Cho dù có khó khăn, vất vả đến đâu mà vợ chồng đồng
lòng nhất trí thì nhất định sẽ có thể cùng nhau chèo chống vượt qua.
Ngược lại, khi vợ chồng mỗi người một ý, luôn mâu thuẫn, xung đột lẫn
nhau thì dù hoàn cảnh có thuận lợi dễ dàng đến đâu cũng chỉ có thể đi
đến chỗ đổ vỡ, thua thiệt mà thôi.
Không chỉ là trong ý nghĩa tạo ra sức mạnh để vượt qua khó khăn, hoàn
tất công việc, mà như đã nói, sự đồng lòng nhất trí giữa mọi người với
nhau còn chính là điều kiện tất yếu để tạo ra môi trường sống chung hòa
hợp trong một cộng đồng. Nếu muốn tạo ra sự hòa hợp giữa mọi người với
nhau mà chưa có được sự đồng lòng nhất trí thì không thể được. Ngược
lại, khi đã có thể cùng nhau thống nhất về tư tưởng, cùng nhau thực hiện
mọi công việc, cùng nghĩ đến việc hợp tác và phục vụ lẫn nhau, thì điều
tất nhiên là sẽ có được sự hòa hợp giữa tất cả mọi người.
Cùng sống chung hòa hợp, cùng nói lời hòa hợp, đồng lòng thực hiện mọi
công việc và phụng sự lẫn nhau, đó là ba trong số sáu nguyên tắc hòa
kính mà trước đây đức Phật đã từng chỉ dạy. Sự vận dụng ba nguyên tắc
này trong đời sống chắc chắn sẽ giúp mang đến sự hòa hợp với mọi người
quanh ta, và qua đó tạo ra được môi trường sống an vui và hạnh phúc. Ba
nguyên tắc này giúp kiểm soát được thân, khẩu, ý, là ba yếu tố tạo nên
hết thảy mọi nghiệp báo tốt xấu của chúng ta. Vì thế, kiểm soát được
thân, khẩu, ý chính là bước khởi đầu cơ bản nhất, sau đó mới có thể tiếp
tục bước lên tầng bậc cao hơn với ba nguyên tắc còn lại trong Lục hòa
kính.