Đời sống
Cẩm nang cho cuộc sống
Đức Đạt Lai Lạt Ma - Hoang Phong chuyển ngữ
05/06/2555 13:47 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chương II
THẾ GIỚI CỦA CHÚNG TA NGÀY NAY
Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA
Frédérique Hatier biên soạn
Hoang Phong chuyển ngữ

Quy luật của thế giới 

            Yêu - ghét, lợi - hại, khen - chê, vinh - nhục  là tám mối lo toan chính yếu trói buộc sự sống của con người trong thế gian này.

Các diễn viên của lịch sử

            Lịch sử nhân loại nhìn từ một khía cạnh nào đó chính là lịch sử của tư duy con người. Các biến cố lịch sử, chiến tranh, sự tiến bộ về mọi mặt, các thảm kịch..., tất cả phản ảnh bản chất hoặc tiêu cực hoặc tích cực của tư duy con người. Các danh nhân, các nhà cách mạng, các tư tưởng gia..., đều là các vĩ nhân đại diện cho những tư duy tích cực. Thảm kịch, bạo ngược, chiến tranh tàn khốc... phát sinh từ những tư duy tiêu cực.

            Tóm lại những gì xứng đáng cho con người quan tâm chính là những tư duy tích cực mang lại sức mạnh cho mình và làm giảm bớt các tư duy tiêu cực. Nếu cứ mặc cho sự giận dữ, hận thù tha hồ hoành hành chúng ta sẽ đánh mất tất cả. Nếu biết suy nghĩ thì nào có ai mong muốn sự mất mát.

Thế kỷ XX

            Thế kỷ XX mang một tầm quan trọng rất lớn trên bình diện lịch sử của toàn thể hành tinh này. Một cuộc đua tranh toàn bộ và ráo riết đã và đang xảy ra giữa hòa bình và chiến tranh, giữa sức mạnh tâm linh và vật chất, giữa dân chủ và độc tài. Trong phần sau của thế kỷ sức mạnh hòa bình đang thắng thế. Sự kiện đó đã xác định sức mạnh của tinh thần bất-bạo-lực mà Mahatma Gandhi và Martin Luther King đã quảng bá. Dù là một siêu cường trang bị vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp chủ trương chính sách thù nghịch, thế nhưng trên thực tế vẫn phải khép mình trước sức mạnh của bất bạo động. [đây là những phát biểu của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong bối cảnh hậu bán thế kỷ XX]

Các lãnh tụ ngày nay

            Ngày nay người ta nhận thấy các nhà lãnh đạo trên thế giới thật vô cùng can đảm họ dám thực hiện những điều xấu xa. Thật ra đấy cũng không phải do họ cố ý, tất cả chỉ vì họ quá sức mưu mẹo và khôn lanh mà ra. Tôi nghĩ rằng các thể chế chính trị tệ hại tức là những thể chế không được xây dựng trên công lý, đều phát xuất từ những quan điểm thiển cận. Nếu các chính trị gia có một tầm nhìn thiển cận đương nhiên họ cũng chỉ đủ sức để nhìn thấy những giá trị thiển cận và hời hợt. Có lẽ vì thế mà họ có đủ "can đảm" để thực thi những việc thật tồi tệ.

Chiến tranh chỉ là một cuộc tàn sát

            Thật vô cùng nguy hiểm nếu không nhìn thấy khổ đau của chúng sinh có giác cảm, dù là bất cứ chúng sinh nào. Ngay trong thời kỳ chiến tranh, cũng nên nghĩ đến nỗi khổ đau của người khác - kể cả đối với người mà ta muốn trừng phạt, dù điều đó có làm cho ta bực dọc [vì bắt buộc phải thương hại kẻ thù]. Chiến tranh chỉ là một cuộc tàn sát. Ngày nay tính cách máy móc của chiến tranh trở nên tệ hại hơn nhiều. Nếu chiến tranh cố tình làm ngơ trước khổ đau của người khác trong mục đích vơ vét một số lợi lộc vụn vặt lại còn tệ hại hơn nữa.

Những tiện nghi vật chất quá đáng

            Phần lớn những khó khăn trên thế giới phát sinh từ các mục tiêu vật chất quá cao của các quốc gia phát triển [lấn lướt các giá trị tinh thần]. Các quốc gia này gây ra hiểm họa tàn phá tài nguyên thuộc di sản chung của nhân loại [ngụ ý những tài nguyên tinh thần], những tài nguyên ấy trong quá khứ đã từng khuyến khích con người biết giữ sự liêm khiết, biết thương người, và nhất là khuyên con người biết quan tâm đến lãnh vực đạo đức và tinh thần.

Mang lại hòa bình bằng cách biến cải nội tâm

            Khí giới không phải chỉ để cất vào thùng, khi đã được sản xuất thì sớm muộn cũng sẽ có người sử dụng.

            Nếu vũ khí thật sự giúp cho chúng ta mang lại hòa bình lâu dài quả thật không có gì đáng mừng hơn, chúng ta hãy biến các nhà máy thành các cở xưởng sản xuất vũ khí ngay đi. Chúng ta hãy dồn hết vốn liếng để chế tạo vũ khí, nếu tin chắc nhờ đó chúng ta sẽ thực hiện được hòa bình lâu dài. Thế nhưng đấy là một sự không tưởng. Xây dựng hòa bình bằng cách biến cải nội tâm của chính mình là những gì vô cùng khó khăn, thế nhưng đấy là cách duy nhất có thể mang lại một nền hòa bình lâu dài trên thế giới. Tôi nghĩ rằng dù trên thực tế và trong thâm tâm của mỗi người hướng nhìn đó khó có thể mang ra thực hiện, thế nhưng chúng ta cũng nên cố gắng thử xem sao. Vì thế mỗi khi đến bất cứ nơi nào tôi cũng nói lên quyết tâm ấy.

Phật giáo đang thu hút thế giới Tây phương

            Toàn bộ hệ thống giáo dục của chúng ta đang gặp khủng hoảng. Hệ thống giáo dục đó không còn hội đủ sức thích ứng. Thẳng thắn mà nói sự khủng hoảng đó còn ảnh hưởng đến các lãnh vực kỹ nghệ và chính trị nữa. Sự khủng hoảng của giáo dục dường như vượt khỏi sự tiên đoán và khả năng kiểm soát của chúng ta. Càng ngày tôi càng gặp nhiều người trong ngành kinh doanh chú ý đến Phật giáo.  Có thể quý vị không tin lời tôi nói, thật vậy trước đây chúng tôi không hề trông thấy mặt doanh nhân nào thế nhưng hôm nay họ tìm chúng tôi, hỏi han chúng tôi và tỏ ra vô cùng quan tâm đến những giá trị tinh thần mà chúng tôi quảng bá.

            Đối với tôi, Tây phương có vẻ như bị thu hút bởi Phật giáo ! Đấy là một sự kiện khá mới mẻ nhất là trong khoảng vài năm nay, sự thu hút đó tuy không ngoạn mục nhưng khá hiển nhiên, có lẽ nhờ vào hai niềm tin, thứ nhất là niềm tin vào tinh thần bất-bạo-lực, thật vậy bạo lực ngày càng trở thành một sức mạnh, thứ hai là niềm tin vào khái niệm về sự tương liên [lý duyên khởi] nêu lên trong giáo lý nhà Phật từ hàng ngàn năm trước [sự tương liên cho thấy trách nhiệm của mỗi người nhất là những người kinh doanh đối với cộng đồng xã hội]

 Chiến tranh

            Thời gian gần đây quan niệm về chiến tranh có vẻ như thay đổi. Suốt thế kỷ XX cho đến khoảng năm 1970 người ta vẫn quan niệm khi xảy ra một cuộc tranh chấp thì nó chỉ có thể chấm dứt bằng một sự chiến thắng. Một quy luật muôn thuở không sai chạy là : chánh nghĩa bao giờ cũng thuộc vào người chiến thắng, sự chiến thắng của họ chính là dấu hiệu cho thấy Trời hay vị thánh nhân nào đó đứng về phía họ.

            Ngay cả vào thời của Mahatma Gandhi người mà tôi rất tôn kính, người ta vẫn có xu hướng xem bất-bạo-lực như một thứ gì hèn yếu, bất lực, biểu hiện của sự hèn nhát. Ngày nay cách nhìn đó đã thay đổi, bất-bạo-động được đánh giá như một hành động tích cực biểu dương một sức mạnh thật sự. Nước Nam Phi và cả Arafat và Rabin tại Trung đông đã chọn giải pháp đó.

Nguồn gốc của chiến tranh nằm trong tâm thức con người

            Trong quá khứ sức tàn phá của chiến tranh không đến nỗi quá tàn khốc. Ngày nay khả năng tàn phá của chiến tranh vượt khỏi trí tưởng tượng của con người. Cứ nhìn vào các thứ  khí giới khiếp đảm sẽ hiểu ngay. Thế nhưng khí giới không thể tự chúng châm ngòi gây ra một cuộc chiến. Cái nút bấm khơi động một cuộc chiến nằm bên dưới ngón tay của con người, và khi ngón tay ấn xuống ấy là do tác động của tư duy. Nếu nhìn mọi sự vật sâu xa hơn ta sẽ thấy nguyên nhân của chiến tranh nằm bên trong con người, chính tâm thức của chúng ta làm phát sinh ra hành động. Vì thế trước hết nên kiểm soát tâm thức của chính mình.

Quy luật của vũ khí

            Lúc tôi vừa được mười lăm tuổi, tôi đã biết đến sức mạnh vô nhân đạo của chính trị. Tôi từng sống dưới chế độ đế quốc thật khắc nghiệt, nhìn thấy sự tham lam vô độ của các cuộc chiến xâm lăng, chịu đựng sự thống trị của "vũ khí". Trong thời còn trẻ cộng sản đối với tôi có một sức quyến rũ nào đó. Lúc ấy tôi nghĩ rằng Phật giáo và cộng sản cũng có thể hợp tác được. Thế nhưng tôi hết sức thất vọng trước những mâu thuẫn không thể hiểu nổi trong nền chính trị Trung quốc, nhất là trong các khẩu hiệu tuyên truyền cuồng nhiệt và trong các phương pháp đầu độc tinh thần.

Sự điên rồ của con người

            Có nên vin vào lý do chúng ta suy nghĩ khác nhau để tạo thêm khó khăn cho nhau hay không ? Chúng ta còn phải đương đầu với cái chết, sự già nua, các thảm họa thiên nhiên...và vô số những khổ đau khác mà chúng ta chưa giải quyết được. Như thế chưa đủ hay sao ?

Nhân loại chỉ gồm có một gia đình

            Trải qua không biết bao nhiêu thế kỷ, con người sử dụng đủ mọi cách để giết nhau, gây cho nhau đủ mọi thứ tệ hại và thực thi những hành vi bạo ngược. Điều đó ngày càng mang lại nhiều khó khăn hơn, nhiều khổ đau hơn, nhiều nghi kỵ hơn, khiến hận thù và chia rẽ trở nên trầm trọng hơn. Ngày nay đã đến lúc phải suy nghĩ sâu xa hơn về những giá trị thật sự của con người. Nói cách khác là đến lúc phải cùng nhau nêu cao các phẩm tính chung nơi con người chúng ta.

Bất bạo lực

            Trên thực tế, ta có thể sử dụng bạo lực để đạt được mục đích, thế nhưng đồng thời ta cũng mang lại khổ đau cho người khác. Dù giải quyết được một khó khăn nào đó nhưng đồng thời ta cũng gieo thêm hạt giống làm phát sinh ra một khó khăn khác. Phương pháp tốt nhất để vượt lên khó khăn là mổ xẻ và tìm hiểu những khó khăn đó trong sự tôn trọng con người. Một mặt ta nên nhượng bộ một phần nào đó, một mặt phải cân nhắc thật cẩn thận. Có thể chúng ta không hoàn toàn được toại nguyện, thế nhưng chúng ta cũng có thể nhường nhịn nhau đôi chút. Biết đâu một chút nhường nhịn cũng tránh được những mối nguy hiểm lớn lao cho tương lai.

Chính sách bất bạo lực

            Phải biết dung hòa giữa chính trị và ahimsa (bất-bạo-lực). Cứ nhìn vào thế kỷ của chúng ta sẽ rõ : không biết bao nhiêu trường hợp cho thấy sự hung bạo được sử dụng như một phương pháp quản lý sinh hoạt con người. Tình trạng đó xảy ra sau các cuộc chiến trên thế giới, đủ mọi phương pháp được đem ra thử nghiệm như : san bằng các thành phố, tàn sát các tập thể con người, thiết lập các chế độ đày đọa và khống chế con người, áp dụng khủng bố... Thế nhưng vì bản chất quá sức thiển cận nên tất cả các phương pháp đó đều thất bại, và sẽ còn tiếp tục thất bại. Đấy là những gì đi ngược lại sức mạnh của lòng tốt, sự rộng lượng và bản chất đích thực của con người. Hãy lấy người Do thái và Palestin làm thí dụ, họ thù hận nhau trong suốt bốn mươi năm nay. Dù các nhóm cực đoan của cả hai bên cố tình gây ra chết chóc và thù hận, nhưng rồi một ngày nào đó họ cũng phải giảng hòa với nhau. Cổ vũ hận thù chỉ mang lại hận thù, hung bạo là vị trọng tài tồi tệ nhất.

Trách nhiệm toàn cầu

            Thế giới ngày càng trở nên nhỏ bé. Sự liên hệ giữa các quốc gia trở nên chặt chẽ hơn. Thế hệ chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một thời đại lịch sử mới : đấy là sự hình thành của một cộng đồng thế giới duy nhất. Vì thế, dù muốn hay không, tất cả các thành phần trong gia đình rộng lớn và đa dạng của nhân loại phải tập sống bên cạnh nhau dù gặp bất cứ khó khăn nào.

Hố sâu ngăn cách giữa Nam và Bắc địa cầu

            Các quốc gia Tây phương không bao giờ tự cho là đủ. Dù không thiếu thốn thứ gì nhưng các quốc gia ấy cứ muốn nhiều hơn nữa. Các nước khác chẳng hạn như Ethiopa phải chịu đói kém triền miên. Người dân trong các nước nghèo đói chẳng có gì cả và rồi mai đây họ sẽ còn có ít hơn cả cái không có gì cả. Chúng ta phải tranh đấu xóa bỏ sự cách biệt đó, mang hai thế giới lại gần nhau hơn và làm giảm bớt đi sự cách biệt, nếu tạo được sự đồng đều  lại còn tốt hơn nữa. Thật vậy, nhất định đấy là mục tiêu trước tiên của tất cả chúng ta. Những khó khăn xảy ra từng ngày mà mỗi người có thể phải đối phó trong đời mình thật nhiều - nào đói kém, thất nghiệp, phạm pháp, mất an ninh, thác loạn thần kinh, đủ loại bệnh dịch, ma túy, điên loạn, tuyệt vọng, khủng bố - tất cả những thứ ấy đều phát sinh từ cái hố phân chia các dân tộc, cái hố đó ngày càng sâu thêm và đừng quên là nó nằm ngay trong lòng các quốc gia giàu có. [Quan điểm của] Phật giáo thật vô cùng minh bạch và dứt khoát đối với tình trạng đó, kinh nghiệm từ ngàn xưa của giáo lý nhà Phật cho thấy tất cả đều liên hệ với nhau không có gì tách rời ra được [nguyên lý tương liên, tương kết và tương tạo của mọi hiện tượng]. Vì thế hãy tìm cách giảm bớt sự cách biệt ấy đi.

Con người, xe cộ và vàng đen

            Hàng triệu và hàng triệu xe cộ ngược xuôi khắp nơi trên thế giới. Thiếu xăng xe hết chạy. Khi nào còn nhiên liệu, con người sẽ còn tiếp tục di chuyển bằng xe cộ, thế nhưng khi nào không còn xăng con người phải đưa lưng ra cõng những chiếc xe to tướng đó [gánh chịu sự ô nhiễm của xe phế thải]. 

Tạo ra thêm sự khác biệt là một mối nguy hiểm

            Chủ trương kỳ thị căn cứ vào những khác biệt bên ngoài - văn hóa, ý thức hệ, tôn giáo, chủng tộc, xã hội - là nguyên nhân mang lại đủ mọi thứ khổ đau cho nhân loại. Chỉ cần thổi phồng một chút khác biệt nhỏ nhoi cũng đủ làm cho bầu không khí xã hội bùng cháy. Đối với tình trạng chính trị chung trên thế giới cũng thế, những bất đồng thật nhỏ nhoi cũng có thể mang lại những sự cố không kiểm soát được [chiến tranh].

Tính cách máy móc của người Tây phương

            Nhiều bản sắc của xã hội Tây phương làm tôi rất khâm phục, chẳng hạn như sự năng động, sức sáng tạo, sự thèm khát hiểu biết. Thế nhưng sự ngưỡng mộ đó của tôi không tránh khỏi một vài vết hoen ố. Thật thế đôi khi tôi cảm thấy lo ngại vì thấy người Tây phương thường suy nghĩ bằng cách phân biệt trắng với đen, đồng ý và chống đối, họ quên mất hiện tượng tương liên và bản chất tương đối của các sự kiện, họ không để ý đến khu màu xám [giữa đen và trắng] nằm vào giữa hai quan điểm khác nhau.

Các biên giới đều mang tính cách giả tạo

            Nếu nhìn hành tinh này từ không gian chúng ta sẽ không nhận thấy một biên giới nào cả. Tất cả những bức tường phân chia đều giả tạo. Căn cứ vào màu da, địa lý hay nguồn gốc lịch sử chúng ta hình dung ra sự khác biệt và từ đó sinh ra chỉ trích, xung đột kể cả mang lại chiến tranh. Một tầm nhìn bao quát hơn sẽ cho thấy chúng ta đều là anh chị em với nhau.

Sự cô lập giữa các quốc gia

            Cô lập không tốt cho một quốc gia. Thật ra trên thực tế không thể thực hiện được sự cô lập. Trong tiền bán thế kỷ này, dân tộc Tây tạng ít giao tiếp với các dân tộc khác và các trào lưu tư tưởng khác, điều đó thật đáng tiếc. Thời gian đã bỏ quên Tây tạng khiến gần đây nó phải bừng tỉnh trong sự phũ phàng. Thế nhưng trong khi đó một số các quốc gia Hồi giáo vẫn giữ nguyên tình trạng từ trước hoặc còn khép kín hơn nữa. Trên bình diện tổng quát tình trạng cô lập của các quốc gia giảm bớt nhiều trên toàn thế giới. Trong hai mươi năm gần đây tôi viếng thăm rất nhiều quốc gia nơi nào người ta cũng bảo với tôi : "Ngày nay chúng tôi hiểu nhau hơn".

Sự tiến bộ mang con người đến gần với nhau hơn

            Thế kỷ này thật tiến bộ. Nhiều phương tiện kỹ thuật được phát minh đã thu nhỏ hành tinh này giúp con người gặp gỡ và tìm hiểu nhau dễ dàng hơn. Thật vậy thế giới thu hẹp là một cơ duyên may mắn. Hôm nay tôi đang ở Los Angeles, sáng mai tôi đặt chân xuống Madrid, hoặc chỉ cần từ sáng đến tối cũng có thể đưa ta từ lục địa này sang lục địa khác. Vì thế lúc nào tôi cũng nghĩ chúng ta đâu có gì khác biệt, tất cả đều thuộc vào cộng đồng nhân loại.

Sự vô trách nhiệm của con người

            Vào tiền bán thế kỷ này, con người chưa biết ý thức trách nhiệm của mình đối với hành tinh này. Nhất là tại Tây phương các xưởng máy mọc lên như nấm lấn chiếm khắp nơi, phóng thải các thứ cặn bã ra môi trường chung quanh. Thật ngạc nhiên, lúc bấy giờ chẳng một ai ý thức sự nguy hiểm đó. Hàng loạt sinh vật bị tận diệt ào ạt như một làn sóng. Thật là một hiện tượng chưa hề thấy từ sáu mươi lăm triệu năm [tức là vào cuối thời kỳ "Phấn thạch" (Cretaceous) cách nay 65 triệu năm xảy ra một biến cố địa chất trọng đại (có thể do các thiên thạch thật lớn rơi xuống địa cầu làm cháy rừng, khói và bụi mù che lấp ánh sáng mặt trời) làm tận diệt tất cả các giống khủng long và hàng loạt các loài sinh vật khác - ghi chú của người dịch], sự tận diệt hàng loạt các loài sinh vật làm bất cứ một người Phật giáo nào cũng phải kinh sợ.

Lớp đất mầu mỡ biến mất dần

            Trước đây, người ta không hề nghĩ đến các hậu quả lâu dài vì nghĩ rằng tác động của những hậu quả ấy không đáng kể. Thế nhưng khoa học và kỹ thuật chứng minh cho thấy chúng ta trước đây từng phung phí quá mức những gì tốt đẹp trên địa cầu và ngày nay đang phải gánh chịu những đổ vỡ kinh khủng nhất. Sự hăm dọa của vũ khí hạt nhân và tình trạng môi trường bị tàn phá thật vô cùng nguy ngập. Thế nhưng cũng có những mất mát khó nhận biết hơn - tôi muốn nói đến tài nguyên thiên nhiên đang cạn dần, nhất là các vùng đất mầu mỡ biến mất ở nhiều nơi - đấy là những hậu quả tàn phá thật kín đáo và nguy hiểm vì khi ý thức được thì mọi sự đã quá muộn.

Người mẹ Địa cầu kêu gọi chúng ta nên giữ gìn kỷ luật

            Địa cầu là tổ ấm của chúng ta. Hãy chăm sóc cho thế giới và hành tinh này như chăm sóc ngôi nhà của mình. Dưới một góc nhìn nào đó, địa cầu cũng giống như một người mẹ thật nhân từ. Dù ta có làm gì sai trái thì người mẹ ấy vẫn tha thứ cho ta. Thế nhưng giờ đây sự tàn phá trở nên quá tàn tệ và người mẹ bắt buộc phải kêu gọi những người con mình nên giữ gìn kỷ luật. Chỉ cần nêu lên một sự kiện duy nhất cũng đủ chứng minh cho sự vô kỷ luật của chúng ta, đấy là sự tăng trưởng dân số ồ ạt. Thiên nhiên cũng chỉ có một giới hạn nào đó mà thôi.

Thặng dư dân số, nghèo đói và hạn chế sinh sản

            Đã hơn năm tỉ người rồi, đã quá nhiều [6,973 tỉ người tính đến ngày 1 tháng giêng 2010, đây là con số do Liên Hiệp quốc đưa ra - ghi chú của người dịch]. Trên khía cạnh đạo đức đấy là một sự sai lầm nặng nề, nguyên nhân gây ra là tình trạng mất thăng bằng trầm trọng giữa các quốc gia giàu và nghèo. Tình trạng ấy thật nguy kịch. Nuôi loài người đủ ăn thì còn có thể làm được nếu chúng ta đủ sức làm nhẹ bớt sức mạnh khống chế của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, thế nhưng thực hiện được điều đó không phải dễ. Giúp con người bớt khát lại còn khó hơn nữa [thiếu nước ngọt là một mối nguy đang hăm dọa nhân loại].

            Nếu cho rằng sự sống có nghĩa là đủ ăn và đủ uống thì như thế có đầy đủ ý nghĩa hay chưa ? Loài người cũng không khác gì các giống sinh vật khác, tất cả không thể tách ra khỏi thế giới, đứng bên lề vết lăn của bánh xe vũ trụ. Chúng ta chỉ là một chiếc răng của bánh xe ấy. Tệ trạng gia tăng dân số liên hệ mật thiết với sự nghèo đói, và phía sau sự nghèo đói là sự tàn phá địa cầu. Khi số người đói tăng lên quá đông, cái gì họ cũng ăn, từ cỏ dại đến sâu bọ, không chừa thứ gì ; họ chặt cây khiến đất đai trơ trụi và khô cằn. Không còn lại gì cả để bảo vệ. Trong vòng ba mươi năm tới đây nhất định đấy sẽ là nguyên nhân mang lại nhiều khó khăn gọi là "vấn đề môi trường" mà nhân loại sẽ phải đương đầu, [những lời tiên đoán này thật không sai !]

            Tôi tán thành việc hạn chế sinh đẻ. Phải giải thích cho mọi người biết về việc này và nên quảng bá rộng rãi. Thật hết sức rõ ràng những cấm đoán từ lâu đời do tôn giáo áp đặt đôi khi mang lại những hậu quả quá sức tai hại. Làm thế nào để giảm bớt sinh sản ? Bằng thứ vũ khí nào đây ?

            Dĩ nhiên Giáo hoàng là người trực tiếp có trách nhiệm đối với tôn giáo do mình đại diện. Tất nhiên vị ấy phải bảo vệ nguyên tắc : sự sống con người là quý giá, biết bao nhiêu người được thừa hưởng sự quý giá đó. Thế nhưng trên căn bản nguyên tắc ấy lại đi ngược một nguyên tắc khác, một hình thức khác của sự kính trọng sự sống : đấy là sự bảo vệ sự sống nói chung dưới tất cả mọi thể dạng, đâu phải chỉ bảo vệ sự sống của con người là đủ mà còn phải bảo vệ sự sống của súc vật và toàn thể các sinh vật khác. Tóm lại đấy chỉ là nguyên tắc này đi ngược lại nguyên tắc khác. Đối với những người Phật giáo chúng tôi, không có một quyết định nào mang tính cách tuyệt đối, bắt buộc phải ngoan ngoãn nô lệ cho một nguyên tắc. Theo tôi, hình như trí thông minh của chúng ta là ở chỗ đó, nó giúp chúng ta biết mềm dẻo và thích ứng.

            Tất cả đều tương đối. Một trí thông minh bị bế tắc không còn là trí thông minh nữa. Nếu cần chặt một ngón tay để cứu chín ngón khác tôi sẽ không do dự chút nào, tôi chặt ngay. Đã đến lúc phải phá bỏ những lớp rào cản. Hơn năm tỉ sinh mạng quý giá [hiện nay đã bảy tỉ như đã ghi chú trên đây] đang nôn nóng chờ đợi trên hành tinh này. Nếu chúng ta muốn mang lại cho họ một chút thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc, chúng ta bắt buộc phải ngăn chận không được làm con số nhân loại gia tăng thêm nữa. Hành động đó chẳng phải hợp lý hay sao ?

Giáo dục dân chúng trong thế giới thứ ba là một sự khẩn cấp

            Vấn đề nan giải của thế giới thứ ba là sự thiếu kém hiểu biết. Thiếu hiểu biết, bám víu và ghét bỏ là ba thứ nọc độc [khái niệm tam độc trong Phật giáo] là nguyên nhân phát sinh ra mọi thứ bệnh tật tâm thần [những xúc cảm bấn loạn]. Trong thế giới thứ ba, nguyên nhân đó trở nên hết sức trầm trọng. Tại các nước Tây phương, khi các sự cố tạo ra một áp lực nào đó, quý vị ý thức được ngay có một cái gì không suông sẻ, và quý vị kết hợp nhau để giải quyết theo phương cách của quý vị.

            Vậy phải giáo dục dân chúng trong thế giới thứ ba [giúp họ giải quyết những khó khăn của họ] bởi vì họ không đủ khả năng để ý thức được điều gì cả, tôi nhận thấy tình trạng đó đang xảy ra chung quanh tôi tại nơi này. Phải thực hiện sự giáo dục đó với tất cả nghị lực của mình, không nên vì tình cảm mà phải do dự. Công tác giáo dục đó là một sự cấp bách, có thể nói là khẩn cấp nữa. Phải nói lên điều đó dù có thể gây ra hiểu lầm cũng mặc : "Quý vị sai lầm rồi, dân số tăng quá nhanh sẽ khiến quý vị lâm vào cảnh nghèo đói ngày càng khủng khiếp hơn. Tất nhiên quý vị mong muốn cải thiện mức sống [sản xuất], thế nhưng không thể nào thực hiện đồng đều cho tất cả mọi người [vì quá đông]. Trái lại là đằng khác".

Sự cô lập của tâm thức, địa cầu và vũ trụ

            Chúng ta phải chiến đấu để phá bỏ sự cô lập của tâm thức mình, phải nối lại những mối dây liên hệ với phần còn lại của vũ trụ này. Nếu không sự cô lập sẽ làm cho chúng ta mất hết định hướng. Lúc nào cũng phải cố gắng ý thức rằng quyền lợi của mình chính là quyền lợi của người khác, tương lai của mình chính là tương lai của người khác. Khi tôi nói đến "người khác" không có nghĩa là tôi chỉ nghĩ đến nhân dạng con người, bởi lẽ tất cả con người đều giống nhau, đều là chúng ta, "người khác" mà tôi muốn nói đến bao gồm tất cả mọi hình thức của sự sống trên địa cầu và cả bên ngoài địa cầu này.

Sự khổ đau của súc vật

            Khi trông thấy súc vật chúng ta phải nhìn thấy cả những khổ đau của chúng. Con người lạm dụng súc vật quá sức, đánh đập chúng, sử dụng chúng thật tàn nhẫn để thực hiện các thí nghiệm y khoa, khai thác sức làm việc của chúng, giết chúng để lấy thịt. Phải thương hại chúng. Phải nhìn thấy những khổ đau của chúng để nghĩ đến một ngày nào đó biết đâu chúng ta sẽ tái sinh trong thân xác một con thú [thật vậy hành hạ thú vật, giết chúng để ăn thịt ta sẽ tái sinh dưới thể dạng súc vật để trực tiếp nhận lãnh hậu quả từ những hành động trước đây của mình, vì thế hãy ý thức sớm hơn những hậu quả đó].

Giới súc vật

            Súc vật cũng có khả năng nhận thức như chúng ta. Chúng cũng có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng tâm thần như chúng ta, chẳng hạn như sự bám víu [biết mến người chủ nuôi dưỡng chúng] và giận dữ [tự vệ], thế nhưng chúng cũng có một tiềm năng nào đó về  lòng từ bi và biết yêu thương đồng loại.

Chăn nuôi kỹ nghệ, sát hại súc vật và việc ăn chay

            Hàng ngàn súc vật - nếu không muốn nói là hàng triệu hay hàng tỉ - bị sát hại để biến chế thực phẩm, thật vô cùng thảm thương. Thế nhưng cách chăn nuôi kỹ nghệ lại còn gây ra nhiều nỗi đau đớn lớn lao hơn nữa. Cách chăn nuôi kỹ nghệ đày đọa súc vật đến cùng cực.

            Trên quan điểm Phật giáo tất cả chúng sinh có giác cảm [trong đó kể cả con người] - tức các chúng sinh biết cảm xúc, biết nhận thức và có giác cảm - đều ngang hàng với nhau. Là con người chúng ta không cần phải ăn thịt [cũng sống được]. Tôi nghĩ rằng con người mang bẩm tính ăn chay vì thế nên cố gắng dừng lại, đừng làm thương tổn đến các loài sinh vật.

Mật, các con ong và sức mạnh của thiên nhiên

            Tôi thường nghĩ đến các con ong vì tôi rất thích ăn mật. Mật thật tuyệt hảo. Đấy là một thứ sản phẩm mà con người không chế tạo ra được. Mỗi con ong đều mang một trọng trách riêng. Chúng hợp tác với nhau một cách tuyệt vời. Ong không có thể chế, không có luật pháp, không có cảnh sát, không có gì cả ! Thế nhưng chúng sát cánh nhau làm việc thật vô cùng hữu hiệu. Đấy là nhờ thiên nhiên. Sức mạnh thiên nhiên thật đáng nể.

            Chúng ta là con người, chúng ta có thể chế hẳn hoi, có luật pháp, có lực lượng cảnh sát, có tôn giáo và rất nhiều thứ khác nữa, thế nhưng trên thực tế và trên phương diện hữu hiệu, tôi nghĩ rằng chúng ta thua xa những con ong bé nhỏ ấy.

Người bảo vệ đích thực cho hòa bình

            Tại các xã hội tân tiến, hệ thống cảnh sát dù được tổ chức thật tinh vi và được trang bị các phương tiện kỹ thuật thiện đại, thế nhưng nạn khủng bố vẫn cứ tiếp tục xảy ra. Một mặt, nhiều phương tiện tối tân được áp dụng để ngăn chận khủng bố, mặt khác nhiều đòn độc hại tinh vi hơn được tung ra để vô hiệu hóa các phương tiện ngăn ngừa và tiếp tục gây ra tội ác. Người bảo vệ đích thực cho hòa bình là chính mình.

Nền văn minh Tây phương

            Nền văn minh Tây phương thực hiện được những bước tiến ngoạn mục trên lãnh vực vật chất. Nếu nền văn minh đó phát triển trên cả hai phương diện vừa tâm linh vừa vật chất, nhất định nó sẽ chiếm giữ một vị thế ưu việt trong thế giới tân tiến ngày nay. Nếu con người không biết phát triển nội tâm sẽ tự biến mình thành chiếc bánh xe của một bộ máy, một kẻ nô lệ cho vật chất. Như thế con người có còn là con người hay không, hay chỉ là một tên gọi ?

Bộ não say mê quyền lực của người Tây phương

            Người Tây phương bắt bộ não phải làm việc thật nhiều, có thể nói là quá nhiều, thế nhưng mục đích của sự làm việc ấy lại rất đơn giản : chỉ cần đến hiệu quả. Do đó tâm thức trở thành một công cụ phục vụ cho tiêu chuẩn năng suất. Nếu tâm thức làm công việc của người đầy tớ nó sẽ không bảo tồn được sự tự do của nó. Con người sáng chế ra đủ mọi thứ vật dụng làm kinh ngạc cả chính mình. Tất cả mọi lãnh vực lạc thú đều được tận lực khai thác nhằm mục đích mang lại sự thỏa mãn. Con người say sưa trước quyền năng của chính mình đối với mọi vật thể chung quanh. Dưới một khía cạnh nào đó, một khi kỹ thuật đã xâm nhập quy mô vào bất cứ nơi nào thì cũng khiến cho đời sống tâm linh mang tính cách siêu thoát và sâu xa của nơi đó bị suy yếu đi, không còn đủ sức để giải thoát con người khỏi áp lực của năng suất. Chúng ta cần tăng cường sức mạnh tâm linh hơn là tìm cách gia tăng hiệu năng của kỹ thuật.

Ảo ảnh Tây phương về kỹ thuật

            Thời buổi ngày nay, tất cả các quốc gia Đông phương đều tìm đủ mọi cách chạy theo các tiêu chuẩn kỹ thuật Tây phương. Những người Á đông chúng ta, chẳng hạn như những người Tây tạng và trong số này có cả tôi, khi nhìn vào nền kỹ thuật Tây phương chúng ta mơ tưởng nếu phát triển được các tiến bộ vật chất như thế, dân tộc chúng ta nhất định sẽ đạt được một thứ hạnh phúc lâu bền nào đó. Thế nhưng khi thăm viếng các nước Âu châu và Bắc Mỹ tôi mới thấy ẩn nấp phía sau cái vẻ bên ngoài ấy sự bất hạnh, đời sống tâm linh thật nghèo nàn và người dân lúc nào cũng bị giao động tinh thần. Điều đó chứng tỏ sự tiến bộ đơn thuần về vật chất không đáp ứng đầy đủ được khát vọng của con người.

Kỹ thuật tự nó không hàm chứa một tội lỗi nào

            Không có gì sánh được với kỹ thuật vì kỹ thuật mang lại kết quả tức khắc, không giống như khi ta cầu nguyện ! Tôi xin lập lại thật rõ : kỹ thuật tự nó không có gì tồi tệ. Nó không mang một thứ tội lỗi nào. Sự tiến bộ vật chất và sự hiểu biết nói chung cũng thế không mang một thứ tội lỗi nào cả. Thế nhưng tâm thức con người có đủ khả năng theo kịp và thích ứng với kỹ thuật ấy hay không, có đủ sức cưỡng lại sự mê hoặc của nó hay không ?

Thế nhưng nếu kỹ thuật mang con người đến gần nhau thì sao ?

            Kỹ thuật phát sinh từ thế giới Tây phương lan tràn khắp mặt địa cầu. Tôi thành thực nghĩ rằng kỹ thuật không phải là gia tài riêng của Tây phương, mà chung cho tất cả mọi người. Biết đâu kỹ thuật cũng có thể đưa chúng ta đến gần nhau hơn và giúp chúng ta hội nhập với nhau ? Thật vậy bất cứ sự phân tán nào cũng mang lại nguy hại. Kỹ thuật cũng chỉ là một phương tiện như bất cứ một phương tiện nào khác. Một người sáng chế ra một thứ gì đó ích lợi tất cả mọi người đều được thừa hưởng.

Mưu cầu hạnh phúc

            Phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, giáo dục và giảng dạy, các thể chế xã hội, thủ công nghiệp, trường học, bệnh viện, cơ xưởng, tiến bộ y khoa..., tất cả đều nhắm vào một mục đích duy nhất : tìm thấy hạnh phúc, loại bỏ khổ đau. Tất cả sự sống trên thế giới đều hướng vào mưu cầu đó.

Vô minh, tham lam, khinh miệt làm bại hoại cả hành tinh này

            Như chúng ta thấy các hành vi bất chấp các giá trị nhân đạo đang đe dọa hòa bình và sự sống trên địa cầu. Sự tàn phá môi trường và các tài nguyên thiên nhiên là hậu quả của vô minh, tham lam và thiếu kính trọng con người và sự sống. Sự thiếu kính trọng đó sẽ còn ảnh hưởng đến các thế hệ con cháu sau này, nếu nền hòa bình toàn cầu không được tái lập và sự tàn phá môi trường vẫn tiếp tục như hiện nay con cháu chúng ta sẽ thừa hưởng một hành tinh điêu tàn.

Sư khiếm khuyết của con người

            Tự hãnh diện cho mình hành động vì lý tưởng, mang lại lợi ích cho người khác, nêu cao giá trị hòa bình, tình thương và công lý, thế nhưng khi mọi việc không thành thì lý tưởng đó chẳng mấy chốc chuyển thành sự đàn áp và đưa đến chiến tranh. Hành vi dối trá đó không dấu diếm được ai cả và cho thấy con người có một sự khiếm khuyết nào đó.

Cội rễ của thế giới này đã thối nát

            Hãy nhìn vào những gì đang xảy ra trong thế giới này mà người ta vẫn tự phụ cho là "văn minh". Từ hơn một ngàn năm nay thế giới từng ra sức tìm kiếm hạnh phúc và xóa bỏ khổ đau, thế nhưng những mưu cầu đó lại sử dụng các phương pháp sai lầm : lường gạt, tham nhũng, hận thù, lạm dụng quyền lực, khai thác con người... Thế giới này chỉ biết tìm kiếm hạnh phúc vật chất và cá nhân bằng cách xúi dục người này chống người kia, sắc dân này chống sắc dân khác, hệ thống xã hội này chống hệ thống xã hội khác. Sự nghèo đói hoành hành tại Ấn độ, Phi châu và các quốc gia khác không phải vì tài nguyên thiên nhiên thiếu kém mà chỉ vì mỗi người chỉ biết tìm kiếm lợi lộc riêng cho mình, họ không hề tỏ ra một chút ngại ngùng khi cần phải áp bức người khác. Thế giới này phải gánh chịu hậu quả từ những hành vi đáng tiếc và tồi tệ đó.

            Cội rễ của thế giới đã thối nát, chúng ta đang phải gánh chịu khổ đau, nếu tệ trạng cứ tiếp tục thế giới này sẽ còn đau khổ nhiều hơn nữa.

Đối với các thế hệ tương lai

            Thật vô cùng khó khăn thế nhưng phải cố gắng, cố gắng bởi vì tôi quả quyết tin rằng nếu chúng ta cứ tiếp tục hành động rập khuôn theo mô hình xã hội hoàn toàn xây dựng trên tiền bạc và uy quyền như thế này bất kể đến giá trị của yêu thương, các thế hệ tương lai nhất định sẽ gặp nhiều khó khăn và những khổ đau khủng khiếp hơn nữa.

Thế hệ trẻ và sự hung bạo

            Người ta kể lại với tôi là thế hệ trẻ tại Hoa Kỳ và cả Âu châu ngày càng trở nên ích kỷ và hung dữ. Người ta so sánh các khu ngoại ô với những vùng rừng rú không luật pháp, họ kể chuyện các tên cướp nghiện ngập ma túy, những cảnh ném đá vào xe đang chạy từ các cầu bắc ngang xa lộ, các đứa trẻ vị thành niên phạm pháp. Người ta có thể tự hỏi đấy là hậu quả phát sinh từ sự suy thoái chung của xã hội và tình trạng khủng hoảng kinh tế hay đấy chỉ là những cảnh tượng thường nhật bùng lên từ sự hung bạo của chính chúng ta ?

            Có một sự kiện lạ lùng : tôi nhận thấy thế hệ trẻ Tây tạng sinh ra và lớn lên ở Ấn độ hiền lành hơn thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại Tây tạng. Cả hai thế hệ thuộc chung một dân tộc, thừa hưởng một nền văn hóa giống nhau, nói một ngôn ngữ giống nhau, thế nhưng tác phong không giống nhau. Tôi nghĩ rằng đấy là do môi trường mà ra. Hiện nay tại Tây tạng thế hệ trẻ phải chịu đựng sự đàn áp của người Trung quốc. Đấy có thể là một trong những lý do chính yếu giải thích sự hung hãn của chúng : cuộc sống không hạnh phúc, luôn bị hăm dọa. Sự đàn áp triệt để mang lại sự bất mãn khiến cho tuổi trẻ trở thành hung hăng.

            Hình như tất cả chúng ta đều cảm thấy thiếu một cái gì đó. Tôi không biết đấy là gì, thế nhưng tôi cảm thấy có một cái gì đó không được hoàn hảo. Quý vị là những người Tây phương, quý vị đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Quý vị được đầy đủ tất cả hay ít ra quý vị cũng nghĩ là mình được mọi thứ ưu đãi ; các tiện nghi vật chất thật ê hề và được phân chia công bằng hơn trước nhiều, hay ít ra đấy cũng là những gì quý vị thường khoe khoang và tự hào. Thế nhưng hình như quý vị đang sống trong một tình trạng căng thẳng, phải cảnh giác và lo sợ triền miên. Những ai lớn lên trong bầu không khí đó suốt đời khó tránh khỏi cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó : cái thiếu thốn ấy chính là không gian sâu thẳm trong lòng của mỗi chúng ta, không gian đó thật êm đềm và phong phú. Quý vị bị chao đảo trên mặt sóng của biển khơi mà không hề ý thức được là mình đang ngồi trên sự êm ả mênh mông.

Án tử hình

            Tôi quyết liệt chống lại án tử hình. Người tiền nhiệm của tôi [Đức Đạ-lai Lạt-ma XIII] đã hủy bỏ án này ở Tây tạng. Quả thật rất khó tin khi tôi thấy ngày nay án tử hình vẫn còn được duy trì tại các quốc gia lớn chẳng hạn như Trung quốc và Ấn độ. Nhân danh luật pháp người ta tiếp tục giết người ngay trên quê hương của Mahatma Gandhi, nơi Đức Phật quảng bá giáo lý của Ngài. Án tử hình là một sự hung bạo đơn thuần, man rợ và vô ích, có thể nói là nguy hiểm nữa, bởi vì nó có thể dẫn đến những sự hung bạo khác. Phải chuyển án tử hình thành chung thân và không được kèm thêm vào đấy bất cứ một sự trừng phạt tàn nhẫn nào khác.

Nghiệp báo là một biện pháp phòng ngừa

            Nếu hầu hết mọi người đều biết sợ quả báo, có lẽ chúng ta cũng không cần đến cảnh sát và các hệ thống an ninh. Nếu mỗi người từ trong thâm tâm không tin vào quy luật nhân quả chúng ta không thể kiến tạo một xã hội an lạc dù cho luật pháp áp đặt từ bên ngoài cứng rắn đến đâu cũng vậy. Xã hội tân tiến ngày nay được trang bị nhiều phương tiện và kỹ thuật tinh vi giúp khám phá và ngăn chận kẻ bất lương. Thế nhưng nếu như các thứ máy móc ấy càng trở nên chính xác và hiệu quả, các hành vi phạm pháp cũng trở nên tinh vi và liều lĩnh hơn. Nếu muốn cho xã hội con người được tốt đẹp hơn, không phải chỉ cần tăng cường luật pháp từ bên ngoài. Chúng ta cần có một biện pháp phòng ngừa từ bên trong.

Chính người xem thiết kế chương trình cho truyền hình

            Chúng ta thử nhìn xem tình trạng các ngành truyền thông ngày nay ra sao. Khán giả rất thích những cảnh dâm dục và hung bạo trình chiếu trên màn ảnh truyền hình. Tôi không nghĩ rằng đấy là chủ đích của những người phụ trách muốn làm bại hoại xã hội mà chỉ vì đồng tiền. Họ chỉ nhắm đồng tiền mang lại từ những thứ ấy, đấy là mối quan tâm hàng đầu của họ. Thật vậy không thấy họ tỏ ra một chút trách nhiệm nào đối với xã hội.

            Người xem thích thú khi tìm thấy những cảm giác mạnh do các chương trình truyền hình mang lại. Do đó khán giả cũng góp phần tạo ra nguyên nhân đưa đến những tệ hại trên đây. Chúng ta phải làm gì trước hai sức mạnh hỗ trợ và liên kết với nhau như thế ? Thật sự tôi cũng không biết phải làm gì. Tôi thường nói trước đây, trước một tình trạng khó khăn mà chúng ta phải đối phó mỗi người phải ý thức được bổn phận của mình hầu góp phần làm giảm bớt tính cách tiêu cực của tình thế trước mặt. Nếu chúng ta muốn thay đổi thế giới, hãy cải thiện chính mình và biến cải chính mình trước đã.

Sức mạnh và trách nhiệm của các cơ quan truyền thông

            Chính quyền và các nhà lãnh đạo tôn giáo phải chấp nhận ngày nay họ không còn tự do tác oai tác quái, không còn có thể độc đoán như trước. Mọi người đều biết đến sức mạnh của báo chí là gì. Sức mạnh truyền thanh và truyền hình rất lớn bất kể là theo xu hướng nào. Sức mạnh đó gián tiếp hay trực tiếp ảnh hưởng đến thái độ, sở thích và biết đâu cả cách suy nghĩ của chúng ta nữa. Thế nhưng đối với bất cứ một quyền lực nào cũng thế, chúng không bao giờ tác động một cách ngẫu nhiên không chủ đích.  Những người điều khiển các đài truyền hình và những người tài trợ dù muốn hay không đều tự tạo ra cho mình một quyền lực rất lớn. Vì thế họ có một trách nhiệm không nhỏ có thể so sánh với trách nhiệm của một nhà lãnh đạo tôn giáo hay chính trị. Họ phải góp phần vào việc giữ vững và duy trì sự tồn vong của một tập thể con người. Vì thế sự an vui chung của tập thể hẳn phải là mối lo toan hàng đầu của họ.

Truyền thông phục vụ con người

            Mỗi người trong chúng ta đều chịu một phần trách nhiệm nào đó đối với nhân loại. Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến người khác, xem người khác như anh chị em của chính mình. Chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến tương lai và sự an lành của nhân loại. Qua báo chí và truyền hình chúng ta phải kêu gọi mọi người nên ý thức trách nhiệm của mình, hơn là chỉ biết đăng quảng cáo với mục đích thương mại. Chúng ta phải mang lại cho ngành truyền thông một ý nghĩa nào đó, một cái gì đứng đắn hơn, hướng vào sự an lành của nhân loại.

Những chương trình quan trọng cho nhân loại

            Thật vậy thế giới Tây phương bị mê hoặc bởi khía cạnh hiệu quả của một hành động. Trong nhiều lãnh vực, hiệu quả tất nhiên là điều đáng mong đợi, không thể chối cãi được. Vậy thì tôi xin nêu lên câu hỏi thật tự nhiên như sau : tại sao sự hiệu quả của kỹ thuật lại không được sử dụng để bảo vệ sự sống ? Đấy là những gì mà nhân loại đang mong chờ, vì con người đang cần đến một dự án quy mô, một lý tưởng. Dự án đó thật khó thực hiện, thế nhưng thật cần thiết cho nhân loại. Nếu chúng ta chưa tìm ra giải pháp cho sự tồn vong của nhân loại, sau này đâu còn ai sống sót để nói lên chuyện đó nữa ! Phật giáo có thể đưa ra một giải pháp. Không cần biết đến gốc gác của người bác sĩ chỉ cần người này biết chẩn bệnh đúng và biên toa có hiệu quả. Đức Phật đưa ra thí dụ về một người bị thương vì trúng tên tẩm thuốc độc. Người này nhất định không cho băng bó khi nào chưa biết ai bắn, người bắn thuộc giai cấp nào trong xã hội, thuộc gia đình như thế nào, hắn nhỏ thó hay to con, mũi tên làm bằng thứ gỗ gì. Người bị trúng tên chắc chắn sẽ chết trước khi được cứu chữa. [lời khuyên này rất ý nhị : không cần biết Phật giáo là gì, Đức Phật là ai, hãy thực thi lòng từ bi, tình thương yêu và sự rộng lượng đối với tất cả chúng sinh để bảo vệ sự tồn vong của nhân loại]

Chúng ta đang ở vào buổi bình minh của một thời đại mới

            Buổi bình minh của một thời đại mới đang mở rộng cửa cho chúng ta. Trong thời đại mới này các khái niệm, các giáo điều cực đoan và cứng nhắc đã lỗi thời không còn giúp ích gì cho sinh hoạt của nhân loại. Chúng ta nên tận dụng cơ hội lịch sử này để thay thế các khái niệm và giáo điều ấy bằng những giá trị tinh thần và nhân đạo và giúp chúng ăn sâu vào từng thành phần của toàn thể đại gia đình đang lớn mạnh. [chúng ta đã đặt chân vào niên kỷ XXI, thế những những giá trị mà Đức Đạt-lai Lạt-ma cổ vũ có vẻ còn xa vời, tiếc lắm thay !]

Bures-Sur-Yvette, 04.12.10