Mục Lục
Lời giới thiệu
Lời nói đầu
Phần thứ nhất: Khổ Đế (Dukkha)
Đời
người bất hạnh
A. Đại
cương về Khổ Đế
B. Các trạng thái đau khổ
I. Phiền não nội tâm vi tế
II. Phiền não nội tâm thô đại
III. Xung đột, hỗn loạn ngoài xã hội
C. Các phương án giải khổ
I. Giáo dục đạo đức
II. Cải cách chính trị, luật pháp, an ninh, quốc phòng
III. Cách mạng khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội
Phần thứ
hai: Tập Đế (Sameda Dukkha)
Bản Ngã mê lầm
A. Đại cương về Tập Đế
B. Bản Ngã tập nhiễm
I. Thập Nhị Nhân Duyên
II. Tâm tập nhiễm, cội nguồn mọi phiền não
III. Tâm thiên chấp, tham cầu gây đau khổ
C. Giải pháp diệt khổ căn để
Phần thứ
ba: Diệt Đế (Nirodha Dukkha)
Cảnh giới vô ưu
A. Đại cương về Diệt Đế
B. Cảnh giới Niết Bàn
I. Trí Tuệ vô biên
II. Từ Bi vô hạn
III. Hạnh Phúc viên mãn
C. Khả năng giải thoát
I.
Cộng thông giữa con người và Vũ Trụ
1) Cộng thông, tương tác về
thông tin
2) Cộng thông, tương tác về vật
chất, năng lượng
II. Cộng thông giữa tinh thần và thể xác
1) Thể xác chi phối tinh thần
2) Tinh thần chi phối thể xác
Phần thứ
tư: Đạo Đế (Nirodha Gamadukkha)
Con đường thoát khổ
A. Đại cương về Đạo Đế
B. Bát Chính Đạo
I. Phần Tu Giới
1) Cách mạng tư tưởng: Chính Kiến
2) Cách mạng tình cảm: Chính Tư Duy
3) Cách mạng hành động
a) Chính Ngữ
b) Chính Nghiệp
c) Chính Mệnh
4) Cách mạng ý chí: Chính Tinh Tiến
II. Phần Chuyển Tiếp giữa Giới
và Định: Chính Niệm
III. Phần Tu Định: Chính Định
1) Tâm thái Thiền Định
a) Không tập nhiễm
(vô trước)
b) Không thiên chấp (vô chấp)
c) Không tham cầu (vô cầu)
2) Các hình thức Thiền Định
a) Thiền là phép Quán Tức
b) Thiền là phép Quán Tâm
c) Thiền là phép Quán Pháp
d) Thiền là Đạo Sống Hiện Tiền
e) Thiền là Đạo Sống Tự Nhiên
C. Đạo là cực kỳ cấp thiết
Phần kết.
Phụ
Lục Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh
Phụ lục. Tài
liệu tham khảo
Lời Nói Đầu
Căn cứ
vào những tài liệu tản mạn thu thập được, sách này trình bày nội dung Đạo Học
một cách phổ quát lồng trong khung bố cục Tứ Diệu Đế của Phật Giáo. Sự vật hóa
thân, biến tướng, tinh khôi, mới lạ trong từng thời điểm. Điều vừa nhận định,
ghi chép xong đã lập tức trở thành lỗi thời, lạc hậu, phi thực rồi. Vì vậy, Đạo
thì không thể hình dung, nghĩ bàn, luận giải, diễn đạt, mô tả bằng phương tiện
tư tưởng, ngôn ngữ, văn tự. Muốn lãnh hội được cái bao la, thâm thuý, vi diệu
của Đạo, chúng ta phải tâm chứng, thể nghiệm, sống làm một với Đạo. Do đó, khi
trình bày về Đạo, sách này đã mặc nhiên hàm chứa những sai sót, bất toàn, bất
cập… Không phải năm, mười năm sau, sách này mới lỗi thời, lạc hậu, mà nó đang
bộc lộ cái lạc hậu, lỗi thời trong từng khoảnh khắc. Cả soạn giả và độc giả đều
chưa là người đạt Đạo. Bậc đạt Đạo không diễn giải cũng không tìm đọc. Chúng ta
chỉ là những người sơ cơ đang trên đường tìm Đạo, học Đạo để mong thể hiện Đạo
ngay trong cuộc sống này.
Khởi đầu, bản thảo được soạn giả viết ra chỉ
như một bài Minh Tu Thân, một tài liệu tự răn mình, tự nhắc nhở mình, một người
có quá nhều ưu tư, phiền muộn, khổ tâm trong cuộc sống. Sau đó, do sự động viên
của bạn bè, tập tài liệu này được gửi tới tay độc giả với mục đích chân thành,
tha thiết là đóng góp một phần nhỏ nhoi làm vơi đi phần nào những bất an, lo
âu, phiền muộn, khổ đau cho ta, cho người, cho những ai đang trăn trở trước vô
vàn tình huống nhân sinh đa đoan, phiền toái.
Điều băn khoăn, ngại ngùng nhất của soạn giả
là sách này có lợi ích gì cho ai không? Có đem lại một chút bình an nơi nội tâm
người nào đó không? Hay chỉ làm hao tốn giấy mực, phung phí tài nguyên xã hội,
lãng phí thời gian của người đọc, tạo thêm những nhiêu khê vô ích trong khu
rừng sách báo, vốn đã đa dạng, phong phú, đồ sộ, phồn tạp như hiện nay.
“Thiết mạc vọng lưu truyền”
(Điều thiết yếu là đừng hư dối trong việc lưu truyền), lời nhắc nhở của Thiền
sư Hương Hải (1628-1715), dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam, luôn là điều tâm
niệm của người viết trong suốt quá trình biên soạn nội dung tác phẩm này.
Sài Gòn, ngày 25 tháng 8 năm
2007.
Soạn Giả
Vân Như Bùi Văn Nhự
LỜI TỰA
Đạo Học
là Đạo Sống toàn thiện, toàn chân, toàn mỹ, là con đường an vui trọn vẹn, con
đường hạnh phúc viên mãn, do các hiền giả giác ngộ cổ kim, đông tây đã tâm
chứng, diễn đạt, khai thị. Theo Đạo Học, cuộc sống của mọi người đều mê lầm, sai
trái, mâu thuẫn, khó chịu, bất an, bất hạnh, phiền não, đau khổ…. Mọi người đều
đi tìm hạnh phúc, nhưng mọi phương cách đều không thành công. Các giải pháp mưu
cầu hạnh phúc như cách mạng chính trị, tư tưởng, luân lý, đạo đức, khoa học, kỹ
thuật, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội… đều vô hiệu, vì chúng bị cái mù
quáng, bất ổn, loạn động, vị kỷ từ nội tâm mỗi cá nhân làm băng hoại, hủy diệt.
Mọi hình thức chinh phục hạnh phúc đều bất thành, vì con người đã không thấy
được cái nguyên nhân gốc rễ tạo sinh ra tất cả mọi mê lầm, sai trái, tội lỗi,
khổ đau trên đời. Qua bao đời dĩ vãng, con người đã hồi tưởng, ghi khắc, lưu
giữ những hình ảnh quá khứ của sự vật để hình thành nên một Trung Tâm ý niệm,
một Chủ Thể tư tưởng, một Bản Ngã vị kỷ, ngày một mênh mông, sâu thẳm, bền
chặt, mù quáng, tham lam, cố chấp… Cái Trung Tâm vị ngã này gồm vô vàn kinh
nghiệm, thành kiến, tham dục, thường xuyên bận rộn, lăng xăng nhận xét, so
sánh, lựa chọn, khao khát, củng cố, vươn tới, trở thành… Bản Ngã tư tưởng thấy
tha nhân, ngoại vật như những khách thể tách biệt, những đối tượng phi ngã, để
khai thác, lợi dụng, đồng hóa, chiếm hữu, thủ đắc tới tối đa, triệt để. Đây là
cội nguồn khai sinh ra tất cả những mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp, đối kháng,
khủng hoảng, rối ren, hỗn loạn, mê lầm, sai trái, tội lỗi, khổ đau, bi ai,
phiền muộn, bất thiện, bất an, bất hạnh… trên đời.
Trong cuộc chiến giữa lý trí và
dục vọng, giữa Ý Thức và Tiềm Thức, giữa lương tri và vô thức, bao giờ phần
thắng cũng nghiêng về phía Tiềm Thức, vô thức, dục vọng. Ý Thức, tư tưởng luôn
luôn bị Tiềm Thức, vô thức, dục vọng đè bẹp. Tất cả mọi công trình kiến tạo bởi
Ý Thức, tư tưởng dù nguy nga, hoàn thiện tới đâu vẫn bị cái kho tàng khổng lồ
chồng chất những kinh nghiệm, thành kiến, dục vọng, tập nhiễm từ bao đời dĩ
vãng được cất giữ trong Tiềm Thức mênh mông, thăm thẳm, triệt tiêu, phá hủy. Do
đó, tất cả những phương án, kế hoạch, nghi thức, mô hình, định chế… do Ý Thức,
tư tưởng tạo lập ra để ổn định trật tự, thiết lập an bình, mưu cầu hạnh phúc
cho nhân loại, đều không thành công.
Khác hẳn thế, Đạo Học chủ
trương một cuộc cách mạng với ý nghĩa xác thực nhất, toàn triệt, rốt ráo nhất.
Đó là cuộc cách mạng nội tâm từ mỗi cá nhân, không phải chỉ trên bình diện Ý
Thức hạn hẹp, hời hợt, thô thiển mà tới tận tầng lớp sâu thẳm cùng cực của Tiềm
Thức để giải quyết một lần trọn vẹn, căn để, nhất loạt, toàn bộ mọi vấn nạn của
loài người. Muốn có hạnh phúc trọn vẹn, trật tự, an lạc, thanh bình vĩnh cửu,
con người phải tức khắc buông bỏ tất cả mọi gánh nặng quá khứ, bứng gốc toàn
triệt những khuôn mẫu tư tưởng, những chấp trước, tham dục cực đoan, vị kỷ,
những vọng tưởng tập nhiễm từ dĩ vãng xa xôi nhất, kể cả những giao động vi tế,
nhỏ nhiệm, sâu lắng cùng tột nhất. Khi bóng tối, vọng niệm, kiến chấp, tham cầu
triệt tiêu thì tự nhiên ánh sáng, thanh bình, an lạc hiển lộ. Tự do, giải thoát
chỉ hiện bày, khi ngục tù tư tưởng, gông cùm ý niệm, khuôn mẫu thành kiến, mạng
lưới dục vọng... sụp đổ, tan tành. Khi những cái lượm lặt, vay mượn, hư giả,
những cái cưu mang, ôm giữ, cột ràng, trói buộc rơi đi thì hòa bình, trật tự,
tự do, hạnh phúc hiện hành.
Đạo Học không phải một Tôn Giáo
(Religion), mà chính là Đạo Sống hạnh phúc, minh triết, chân chính, vẹn toàn,
là cái mà nhà bác học xuất chúng Albert Einstein (1879-1955), cha đẻ của thuyết
Tương Đối (Relativism) lừng danh, gọi là tôn giáo của khoa học, tôn giáo của
tương lai:
“Tôn giáo của tương lai là một
tôn giáo liên quan đến toàn Vũ Trụ. Nó phải vượt lên một Thượng Đế nhân tính,
thoát khỏi mọi giáo điều, thần học. Nó phải dựa trên thế giới tự nhiên cũng như
tâm linh. Cơ sở của nó là một cảm thọ tâm linh, xuất phát từ sự chứng nghiệm
rằng những biểu hiện của tự nhiên và tâm thức hình thành nên một thể thống nhất
có ý nghiã. Phật Giáo đáp ứng được sự phác họa này.Nếu có một tôn giáo đứng
vững được trước sự đòi hỏi của khoa học hiện đại thì nó chính là Đạo Phật”.
Ông không tin có một Thượng Đế
hữu ngã, mang nhân tính như giận, mừng, thương, ghét, toàn quyền ban ơn, giáng
họa cho con người. Ông chỉ tin vào một luật tắc bao trùm, một trật tự tối
thượng chi phối toàn thể Vũ Trụ này, mà ông vô cùng kinh ngạc, thán phục trên
con đường khám phá khoa học. Đấy là điều ông gọi là tôn giáo khoa học, tôn giáo
của tương lai.
Trong rừng ngôn từ mênh mông,
uyên áo của Đạo Học, có lẽ Phật giáo là một hệ thống tương đối hoàn bị nhất về
nội dung, mạch lạc nhất về bố cục. Tứ Diệu Đế (Ariya Sacca: ) đuợc nhiều người nhìn nhận là nội dung
chính yếu, cốt lõi, căn bản của Đạo Phật. Một nghệ thuật sống hoàn hảo, tuyệt
vời, khôn ngoan tuyệt đỉnh, thâm thúy cùng cực đã được diễn đạt bằng bốn Sự
Thực rõ ràng, minh bạch, hiển nhiên, chính xác, không thể phủ nhận: Khổ, Tập,
Diệt, Đạo ( ).
Khổ đế: nói về trạng thái
đau khổ của con người.
Tập đế: nói về nguyên nhân
trạng thái đau khổ đó.
Diệt đế: nói về trạng thái
hết sạch đau khổ của con người.
Đạo đế: nói về con đường
dẫn tới trạng thái hết đau khổ đó.
Ngay sau khi thành Đạo, tại vườn Isipatana
(Lộc Giả), gần Benares (Ba la Nại), Phật Tổ
(623-543 TCN) đã thuyết giảng buổi giảng Đạo đầu tiên cho năm anh em Kondanna
(Kiều Trần Như). Bài thuyết pháp đầu tiên này, được hậu thế ghi lại thành kinh
Chuyển Pháp Luân (Dhamma Cakka Pavattana Sutta: Kinh Khởi Động Bánh Xe Giáo
Lý). Nội dung kinh Chuyển Pháp Luân thuyết minh về Tứ Diệu Đế (Ariya Sacca):
Khổ Đế (Dukkha Ariya Sacca), Tập Đế (Dukkha Samudaya Ariya Sacca), Diệt Đế
(Dukkha Nirodha Ariya Sacca) và Đạo Đế (Dukkha Nirodha Gaminipatipada Ariya
Sacca).
Diệu (Ariya): kỳ diệu, tuyệt vời, phi thường,
chân chính.
Đế (Sacca): Chân lý, sự thực rõ ràng, hiển
nhiên.
Khổ (Dukkha): khó chịu, không thoải mái, bất
an, đau đớn.
Tập (Samudaya): ghi giữ, thu gom, tích lũy
ngày một nhiều.
Diệt (Nirodha): tịch diệt, tận diệt, chấm dứt,
hết sạch.
Đạo (Gaminipatipada): con đường, lối sống,
cách sống.
Khổ Đế (Dukkha Ariya Sacca: Sự Thực hiển nhiên
về nỗi khổ của người đời): Mọi người đều không thoải mái, đều phiền não, đau
khổ, không hạnh phúc, bất hạnh. Sự thực này thể hiện rõ ràng, cụ thể, mà ai
cũng dễ dàng nhận thấy được trong đời sống hàng ngày.
Tập Đế (Dukkha Samudaya Ariya Sacca: Sự Thực
hiển nhiên về vấn đề tập nhiễm, kết tập, gom chứa, tích lũy kinh nghiệm, kiến
thức, tham chấp ngày một nhiều hơn): Chính khối ký ức, kinh nghiệm, kiến thức,
ý kiến, ý niệm, vọng tưởng, thành kiến, kiến chấp, tham dục vị kỷ, chồng chất,
khổng lồ, mà con người tập nhiễm, ghi giữ trong tâm từ quá khứ lâu đời… đã sai
sử, chi phối, điều khiển, nhào nặn, dẫn giắt, phỉnh gạt, mê hoặc, giam cầm,
trói buộc, quấy phá, hành hạ… con người trong cõi trần gian tục lụy này. Phật
dạy: chính cái tâm tập nhiễm, cái tâm nhiễm trước, huân tập, ô nhiễm, đặc nghẹt
những thành kiến, khái niệm, nhận xét, so sánh, lo toan, lựa chọn, ước ao, thèm
khát… là nguyên nhân, là nguồn cội, là gốc rễ, là thủ phạm duy nhất gây ra tất
cả những mê lầm, sai trái, bất an, bất hạnh, phiền não, khổ đau, tội lỗi trong
cuộc sống con người.
Diệt Đế (Dukkha Nirodha Ariya
Sacca: Sự Thực hiển nhiên về trạng thái tâm thức tịch diệt, hết sạch, vong bặt
mọi hình thức đau khổ, phiền não): Trước khi tập nhiễm những kinh nghiệm, kiến
chấp, tham dục vị kỷ đó…, thì tự bản lai, nguyên ủy, bản tâm vốn có của con
người là hoàn toàn hư vô, rỗng rang, tịch diệt, vắng lặng mọi vọng niệm, khổ
đau, phiền não, nên vô cùng minh linh, trong sáng, thanh bình, an lạc. Đó là Tự
Tính, Tâm Bản Lai, Chân Tâm, Tâm Giải Thoát hay tâm cảnh hạnh phúc viên mãn,
uyên nguyên, trọn vẹn, gọi là Niết Bàn (Nibbana hay Nirvâna = Tâm thức hư vô,
tịch diệt mọi khổ đau, phiền não hay cảnh giới Giải Thoát). Khi tâm tập nhiễm
tịch diệt, vong bặt, thì tâm Giải Thoát sáng tỏ, hiện bày.
Đạo Đế (Dukkha Nirodha
Gaminipatipada Ariya Sacca: Sự Thực hiển nhiên về con đường giúp con người vượt
thoát khỏi tất cả mọi khổ đau, phiền não, trở về Bản Tâm, Tự Tính vắng lặng,
thanh bình, an lạc, vốn có trước đây): Có một con đường, một phương cách, một
giải pháp, một lối sống, giúp con người thấu triệt, liễu ngộ được bản chất mê
lầm, sai trái của những vọng tưởng, kiến chấp, tham dục vị kỷ, tập nhiễm từ vô
vàn dĩ vãng ấy tới tận tầng lớp vi tế, sâu lắng, căn để, tận cùng…, nguyên nhân
cội nguồn của mọi phiền não, khổ đau, khiến chúng tan biến, tịch diệt tận gốc
rễ, và ngay đấy Chân Tâm, Tự Tính vắng lặng, minh linh, thanh bình, an lạc, vốn
có tự bản lai… lại sáng tỏ, thường hằng. Con đường thoát khổ này gọi là Bát
Chính Đạo (Ariyatthangika Magga) gồm 8 chặng, 8 nấc thang từ thấp lên cao, từ
dễ tới khó: Chính Kiến (Samma Ditthi), Chính Tư Duy (Samma Samkappa), Chính Ngữ
(Samma Vacca), Chính Nhgiệp (Samma Kammanta), Chính Mệnh (Samma Ajiva), Chính
Tinh Tiến (Samma Vayama), Chính Niệm (Samma Sayi), Chính Định (Samma Samadhi).
Nền Đạo Học chân chính, minh
triết của Ấn Độ, có từ mấy ngàn năm trước, tới thời Phật đã bắt đầu suy tàn,
biến thái, phân hóa thành rất nhiều môn phái, luận thuyết sai lệch, cực đoan,
cố chấp, tà ngụy. Sau khi giác ngộ đạo quả Vô Thượng, Phật đã hiệu đính, chấn
chỉnh, hệ thống hóa lại toàn bộ nền Đạo Học Cổ Đại Ấn Độ vô cùng minh triết,
uyên thâm, cao viễn, phong phú, chỉ trong một bài thuyết giảng cô đọng, xúc
tích nhưng lại tuyệt đối khúc chiết, mạch lạc, hoàn chỉnh: bài pháp thoại đầu
tiên thuyết minh về Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo. Mỗi đề mục của Đạo Đế (Bát
Chính Đạo) đều có tiếng “Chính” (Samma: chân chính, xác thực, chuẩn xác) đặt
phía trước như Bát Chính Đạo, Chính Kiến, Chính Tư Duy…Chính Niệm, Chính Định,
để phân biệt với vô số các học thuyết sai lệch của các giáo phái tà ngụy đương
thời, vì họ cũng có những phần như tu Giới, tu Niệm, tu Định… nhưng sai lạc,
chưa chuẩn xác, chính đáng.
Kinh nghiệm, kiến thức, tư tưởng, ngôn từ, văn
tự chỉ có thể tạo ra các chuyên gia, các nhà trí thức, học giả, các nhà tư
tưởng, các triết gia, các nhà chính trị, các vị lãnh đạo tinh thần, các nhà mô
phạm, luân lý, đạo đức… Nó không thể giúp con người vượt thoát khổ đau, phiền
não. Nó không có khả năng giúp hành giả liễu ngộ Chân Lý, chứng đạt Chân Tâm,
thành tựu cứu cánh Giải Thoát. Phật dặn:
“Ngón tay dùng để chỉ mặt trăng không phải là
mặt trăng, và chiếc bè chỉ dùng để vượt sông, khi tới bờ bên kia phải lìa bỏ nó
để bước lên bờ”.
Cũng vậy, lời giảng về Chân Lý không phải Chân
Lý. Lời giảng chỉ là phương tiện giúp hành giả hình dung, khái niệm về Chân lý
qua ý niệm, tư tưởng, ngôn từ. Để chứng ngộ Chân Lý, hành giả không được ghi
khắc, ôm giữ những khái niệm, ngôn từ ấy, mà phải buông bỏ chúng một cách toàn
triệt. Chân Lý, Thực Tại tuyệt đối chỉ diễn ra một lần, nhất kiến bất khả tái
kiến, nó biến đổi, mới lạ trong từng thời điểm. Chân Lý chỉ có thể trực ngộ
ngay khi nó đang được diễn đạt. Các Tổ của Thiền Tông đều hoát nhiên chứng ngộ
ngay trong lời khai thị của chư Tổ tiền bối.Ta thấy Chân Lý tức khắc hoặc không
thấy gì cả, chứ không thể ghi chép lời giảng đem về để học tập, phân tích,
nghiên cứu, nghiền ngẫm, tu tập, cầu mong thành tựu Chân lý. Do đó, Phật chỉ
thuyết giảng trực tiếp, không biên soạn kinh sách, hoặc sai đệ tử ghi lại lời
giảng để làm tài liệu cho đời sau học tập, mặc dù thời Phật tại thế đã có chữ
viết, văn tự hoàn chỉnh. Toàn bộ những lời thuyết giảng trong 45 năm truyền Đạo
của Phật đều được hậu thế hồi nhớ lại, truyền khẩu lại, tụng đọc lại, ghi chép,
kết tập lại thành một pho kinh điển đồ sộ như ngày nay.
Tóm lại, có thể nói buổi thuyết pháp đầu tiên
của Phật Tổ, mà nội dung là Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo, đã thâu tóm những điều
căn bản, cương lĩnh, cốt lõi của toàn bộ giáo lý mà Phật thuyết giảng trong
suốt cuộc đời truyền giáo của mình. Đây cũng là bài giảng trình bày được toàn
thể tinh hoa của Đạo Học. Trình bày Đạo Học xuyên qua nội dung và bố cục của Tứ
Diệu Đế là việc làm hợp tình, hợp lý nhất.