Phần thứ
hai. Tập Đế (Dukkha Samudaya Ariya Sacca)
- Bản Ngã Mê Lầm
Vọng Ngã
Trăm ngàn buồn khổ tại nơi ta,
Vạn sự đều do Tâm tạo ra.
Hồi tưởng, khắc ghi điều quá vãng,
So đo, lựa chọn cái đang là.
Ước mong bất toại, tâm phiền muộn,
Dự tính không thành, dạ xót xa.
Xung đột bắt nguồn nơi tập kiến,
Nên chi an lạc thấy đâu mà !
Muôn sầu, nghìn khổ tại do Tâm,
Truy cứu căn nguyên, kẻo nhận lầm.
Bản Ngã suy tư do kiến tập,
Trung Tâm niệm tưởng bởi huân tầm.
Định kiến kết thành dây trói buộc,
Tư duy kiến tạo ngục giam cầm.
Ví phỏng lẽ trên thông ngộ được,
Liễu kiến Như Như, đoạn khổ tầm !
Muôn tội bắt nguồn tự cái
Tôi,
Một kho ký ức tự bao đời.
Nhận xét, so đo, luôn bận rộn,
Tính toan, lấy bỏ, chẳng thôi nguôi.
Muốn tốt, mong hơn, săn đuổi mãi,
Sợ xấu, lo sai, lẩn tránh hoài.
Tâm, Ý dệt thêu bằng dĩ vãng,
Nên đời mê khổ mãi không thôi !
A. Đại cương về Tập Đế ( )
Tập Đế : Sự Thực rõ ràng, hiển
nhiên về sự Tập Nhiễm, nguyên nhân trạng thái đau khổ của con người.
Tập Đế là phần xác định nguyên
nhân của đau khổ: Khổ não của con người thì hằng hà, muôn màu, muôn vẻ, nhưng
chỉ có một nguyên nhân duy nhất, được Phật Tổ diễn đạt bằng chữ “Tập”
().
Tập (Samudaya = Sameda) có nghĩa là hồi tưởng những hình ảnh đã qua của sự vật,
biến chúng thành kinh nghiệm, ký ức, rồi tích lũy, dồn nén, gom chứa chúng ngày
một nhiều hơn, để kiến tạo nên một kho tàng khổng lồ, chồng chất những kiến
thức, ý niệm, tư tưởng, thành kiến, tham dục … Một Trung Tâm Bản Ngã vị kỷ,
tách biệt, được hình thành : Nó là nguyên nhân của tất cả mọi đau khổ, phiền
não trên đời. Tập Đế thuyết minh về sự huân tập mù quáng, mê lầm ấy.
B. Bản Ngã tập nhiễm
I. Thập Nhị Nhân Duyên
Thập Nhị Nhân Duyên chính là
phần giải thích quá trình hình thành nên Bản Ngã tập nhiễm, nguyên nhân, nguồn
gốc của mọi khổ đau, phiền não.
Đạo Học nói chung, Phật Giáo nói
riêng, là đạo giải khổ. Trọng tâm của nó xoay quanh các chủ đề : Đau khổ ra
sao? Tại sao có đau khổ? Đau khổ có tận diệt được không? Làm thế nào để tận
diệt đau khổ?. Đạo Phật không chú trọng tới các luận giải siêu hình về Vũ Trụ,
vạn vật. Do đó, Thập Nhị Nhân Duyên (Paticca Samuppada=Dvadàsãngah Pratitya
Samutpàdah) không phải là phần luận chứng về Vũ Trụ siêu hình, mà chỉ là phần
dẫn giải duyên do đưa tới cái đau khổ đang diễn ra trong cuộc sống con người,
tức quá trình hình thành đau khổ hay nguyên nhân của đau khổ. Thập Nhị Nhân
Duyên là phần diễn giải về quá trình tập nhiễm, ghi giữ, gom chứa, tích lũy
kinh nghiệm, kiến thức, tham chấp ngày một nhiều để hình thành một Chủ Thể tư
tưởng, một cái Ta ý niệm, một Trung Tâm Bản Ngã vị kỷ, cội nguồn của mọi khổ
đau, phiền não. Lịch trình kiến tạo Bản Ngã tập nhiễm gồm 12 chặng:
- Vô Minh (Avidya): là cái thấy
sai lầm, mê muội, mù quáng, không sáng suốt, vọng động, bất thường, bệnh lý.
- Hành (Samskara): Từ Tâm bản
lai minh linh, vắng lặng, trong sáng, hòa đồng, hợp nhất, vô năng sở, vô tha
tự, một cái thấy mê lầm, không sáng suốt, gọi là Vô Minh khởi sinh, phát tác,
vận hành, thúc đẩy, xúi giục, dẫn giắt: đó là Hành.
- Thức (Vijnâna): Do Vô Minh,
cái thấy mê lầm cội nguồn này thúc đẩy, một phần Tâm thức tự nhiên dừng lại,
hồi tưởng lại hình ảnh của chính mình và Vạn hữu, để thấy lại, nhìn lại, để
nhận biết, nhận định: cái nhận biết phản tự nhiên, bệnh lý này gọi là Thức.
- Danh Sắc (Nâma – Rupa): phần
Tâm thức đứng ra đó tự thấy hình ảnh mình tách ra như Người Quan Sát, Chủ Thể
(Danh) và hình ảnh của Vạn hữu như Vật Bị Quan Sát, Đối Tượng (Sắc). Tâm bản
lai giờ đây chia thành hai mặt đối đãi, tách biệt gọi là Danh và Sắc như: Tâm
và Vật, Tâm Năng và Tướng Sở, Nội Tâm và Ngoại Cảnh, Ta và Người.
- Lục Nhập (Sadâyatana): Trong
mối quan hệ tương tác giữa Tâm và Vật thì phần Đối Tượng (Tướng Sở), được nhận
biết như Tác Nhân kích thích (tức Lục Trần). Tác động kích thích của Lục Trần
từ ngoài vào gọi là Lục Nhập.
- Xúc (Sparsha): Phần Chủ Thể
(Tâm Năng) tự nhận biết như phần Tiếp Nhận kích thích (tức Lục Căn). Khả năng
tiếp thu, đón nhận của Lục Căn, từ trong ra gọi là Xúc.
- Thụ (Vêdana): quan hệ tương
tác giữa kích thích của Lục Trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) và tiếp
nhận của Lục Căn (nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, y) làm phát sinh cảm giác gọi là
Thụ. Nói cách khác, tác động của môi trường vào các thụ thể thần kinh của giác
quan làm phát sinh cảm giác (Thụ).
- Ái (Trishna): Chủ thể tiếp
nhận mọi cảm giác. Nó đứng ra nhận định, phân biệt cảm giác dễ chịu, ưa thích
hoặc khó chịu, không ưa thích. Quan tâm, vướng mắc, ràng buộc vào sự phân biệt,
thiên chấp giữa ưa thích và không ưa thích, giữa yêu và ghét này gọi là Ái.
- Thủ (Apâdàna): Từ nhận biết
phân biệt yêu và ghét, Chủ thể hồi tưởng, tái tạo, ghi nhớ hình ảnh những cảm
giác yêu thích, biến chúng thành kinh nghiệm để đồng hóa, thủ đắc, đồng thời
cũng ghi lại những kinh nghiệm không ưa thích để né tránh, loại trừ. Sự lưu giữ
kinh nghiệm yêu ghét, tốt xấu, để đồng hóa, thủ đắc hoặc né tránh, loại trừ này
gọi là Thủ.
- Hữu (Bhava): Việc tập nhiễm,
tích lũy những kinh nghiệm, những hình ảnh dĩ vãng của sự vật ngày một nhiều.
Chủ thể đã sở hữu một kho tàng ý niệm, kiến thức, tham dục khổng lồ. Sự sở hữu,
huân tập, trước nhiễm ý niệm, kiến thức, tham dục này gọi là Hữu. Một cái Ta ý
niệm, Chủ Thể tư tưởng, một Trung Tâm Bản Ngã vị kỷ, bưng bít, tách biệt, đầy
ắp sở tri, sở kiến, tham dục… được hình thành.
- Sinh (Jati): Bản Ngã tư tưởng
sống trong thế giới ý niệm, kinh nghiệm, kiến thức, nên nó luôn hồi tưởng, vận
dụng, truy xuất những hình ảnh dĩ vãng của sự vật, để xử lý, so sánh, liên hệ
với những gì đang xảy ra trong hiện tại. Nó thấy những cái đã xảy ra như những
nguyên nhân, như giai đoạn phát sinh của những cái đang xảy. Do đó, Bản Ngã
thấy sự vật xảy ra trong hiện tại có quá trình Sinh Thành nằm trong quá khứ.
- Lão Tử (Jâra – Marana): So
sánh với những gì đang xảy ra trong hiện tại, Bản Ngã ý niệm thấy những hình
ảnh dĩ vãng của sự vật như cái gì đã tịch diệt: Nó thấy sự vật có quá trình Lão
Tử (Hoại Diệt) nằm trong quá khứ, đối lập với cái đang hiện hành trong hiện
tại.
Như vậy, vì lưu giữ hình ảnh dĩ
vãng, ngụp lặn trong thế giới kinh nghiệm, kiến thức, ý niệm tập nhiễm được từ
quá khứ, nên Bản Ngã tư tưởng mới thấy sự vật có quá trình dĩ vãng, có thời
điểm hiện tại, có diễn trình thứ tự, lần lượt trước, sau, mau, chậm về thời
gian, có sinh có tử, có thành có hoại, có nhân có quả, có khởi đầu có chung
cuộc. Nhãn quan của Bản Ngã ý niệm chính là nhãn quan luân hồi, sinh tử, vô
thường, nhân quả. Theo Đạo Học, đây là nhãn quan tâm lý mù quáng, mê lầm, hư
giả, phản tự nhiên, bất thường, bệnh lý, nguồn gốc của mọi sai trái, khổ đau,
tội lỗi trên đời.
Phật dạy :
“Người mất ngủ mới thấy đêm dài,
người mệt mỏi mới thấy đường xa, kẻ vô minh mới thấy có luân hồi, sinh tử”
Kinh Pháp Cú (Dhammapada), Phẩm Bàlavagga.
Chân Tâm, Tâm Bản Lai, Tâm Tự
Nhiên sống trọn vẹn trong hiện tiền, không dừng lại để hồi tưởng, nhận xét, ghi
giữ hình ảnh dĩ vãng của sự vật, mà hòa nhập vào giòng sống chung của vạn hữu
đang luân lưu bất tuyệt. Do đó, Chân Tâm không thấy sự vật trường diễn trong
diễn trình thời gian với thứ tự lần lượt có trước, có sau, có dài ngắn, lâu
mau, có dĩ vãng, hiện tại, tương lai, có quá trình nhân quả, sinh diệt, có ta,
có người… mà thấy Vũ Trụ, vạn vật diễn ra như một trường sáng tạo, mới lạ, tinh
khôi liên tục, một lò vạn hóa nhất kiến bất khả tái kiến, nhất niệm vạn niên,
thiên thu trong giây khắc, vô tha vô tự, vô năng vô sở, không người không ta,
tịch lặng, sáng suốt, thanh bình, phúc lạc tuyệt trần…
Vì chấp trước, bám víu vào những
hình ảnh dĩ vãng của sự vật để so sánh với những gì xảy ra trong hiện tại, nên
Bản Ngã thấy sự vật có quá khứ, có hiện tại, có nguyên nhân, có kết quả, có
sinh thành, có hoại diệt. Trong thế giới ý niệm, tư tưởng, Bản Ngã đã hồi
tưởng, tái tạo, vận dụng truy cứu những dữ liệu quá khứ, để đối chiếu với những
cái được coi như đang xảy ra trong hiện tại, liên hệ mối tương quan nhân quả
giữa sự vật, nên nó thấy vạn hữu diễn ra theo một diễn trình thời gian biểu
hiện qua những chu kỳ tồn tại vô thường, luân hồi, biến chuyển luân phiên nhau
: Sinh Thành, Lão Tử rồi Sinh Thành, Lão Tử; hay Thành Trụ, Hoại Không rồi lại
Thành Trụ, Hoại Không. Chủ thể tư tưởng thấy Vũ Trụ hiện hữu như một cảnh giới
chằng chịt, trùng trùng, điệp điệp những mối tương quan nhân quả. Vì thiên
chấp, phân biệt hai mặt đối đãi của sự vật (sinh tử, thành hoại, còn mất, thịnh
suy, phúc họa, tốt xấu, hơn thiệt, cao thấp, đúng sai, tâm vật, ta người...)
nên cái Ta ý niệm luôn so đo, lựa chọn, khao khát, mưu cầu, vươn tới, thủ đắc,
chiếm đoạt, loại trừ, lẩn tránh.... từ đó phát sinh bất an, căng thẳng, mâu
thuẫn, tranh chấp, phiền não, đau khổ...
Phật bảo: “Con người trầm luân trong cảnh giới vô thường,
luân hồi, nhân quả ...”
Cơ thể sinh vật là một hệ thống
mở, luôn trao đổi vật chất, năng lượng, thông tin với môi trường. Ở sinh vật sơ
đẳng, hệ thần kinh chưa phát triển, sự trao đổi thông tin hầu như chưa có, hoặc
còn rất thô sơ, hạn chế. Tới các sinh vật cao cấp, trên hết là con người, hệ
thần kinh ngày một phức tạp, hoàn chỉnh, sự trao đổi thông tin chiếm ưu thế
dần. Ở con người, tiến trình thông tin “kích
thích _ cảm nhận _ xử lý _ đáp ứng” với môi trường, chiếm ưu thế
trong hiện tượng sống, trong cuộc sống.
Đây là một tiến trình thông tin
đồng nhất, hợp nhất, bất khả phân, tự nhiên. Vũ trụ là một thể thống nhất
(unified field) về vật chất, thông tin, năng lượng, trong đó mọi hiện tượng đều
cộng thông, tương tác, không có sự phân chia giữa tác động, cảm nhận, xử lý và
đáp ứng. Khi tiến trình đang diễn tiến, nếu một phần thông tin dừng lại, lưu
giữ, hồi tưởng hình ảnh của hiện tượng để nhìn lại, thấy lại thì tiến trình duy
nhất này lập tức bị chia hai: phần thông tin đứng ra lưu giữ, nhìn lại, thấy
lại hình ảnh của hiện tượng, tự tách ra như một “chủ thể quan sát” để ngắm nhìn
hình ảnh sự vật lưu lại như một “đối tượng bị quan sát”. Nói cách khác, tiến
trình thông tin đồng nhất đã phân thành hai mặt đối đãi: Ta và Vật, chủ và
khách, tâm năng và tướng sở. Dịch lý bảo đây là lúc tâm Thái Cực sinh hai mặt
Âm, Dương đối lập.
Qua thời gian lâu dài, những
hình ảnh sự vật được tập nhiễm, gom chứa, tích lũy, cất giữ trong phần ký ức
tiềm ẩn, mênh mông, sâu thẳm của não bộ, tức Tiềm thức, hay Tàng Thức
(A-Lại-Da). Chủ thể đã đồng hóa những kinh nghiệm, những chất liệu dĩ vãng
khổng lồ này để đặt tên, định đặt giá trị, xây dựng thành kiến, liên hệ nhân
quả, xác định mục tiêu, tham vọng, lý tưởng. Chủ thể ngày càng cưu mang, vướng
mắc, bám víu, phân biệt, so sánh lợi hại, hơn thiệt, tốt xấu, phúc họa, đúng
sai, thành bại, được mất, ta người...cái Ta ngã chấp này thường xuyên vọng
động, so đo, mưu cầu thành đạt, khao khát chiếm hữu, thủ đắc những gì chưa
thuộc Ta, để cái Ta ngày một tốt đẹp hơn, lợi lộc hơn, lớn mạnh hơn, trường tồn
hơn, an toàn hơn, sung sướng hơn, hoàn thiện hơn, cao cả hơn...
Chủ thể đã huân tập, trước
nhiễm, đồng hóa cái kho tàng chồng chất những kinh nghiệm, kiến thức, tư tưởng,
khuôn mẫu, ý niệm, dục vọng...thành một Trung tâm Bản Ngã ngày càng mù quáng,
vị kỷ, tham chấp, vọng động. Chính cái hậu trường ý niệm vĩ đại, mênh mông này
đã điều khiển, chi phối, qui định toàn bộ mọi hành sử của con người. Cái Ta ý
niệm, cái Bản Ngã tập niệm, trước nhiễm kinh nghiệm này đã vận dụng những sở
tri, sở kiến qua một quá trình xử lý phức tạp để tìm ra giải pháp đối phó với
mọi tình huống trong cuộc sống.Tiến trình “kích
thích _ cảm nhận _ xử lý _ đáp ứng”
không còn diễn ra đồng thời, hợp nhất, trọn vẹn cho hiện tại, nhất kiến bất khả
tái kiến, tinh khôi, sáng tạo, mới lạ tuyệt vời trong từng khoảnh khắc… , mà đã
bị hồi tưởng, phục chế, sai sử bởi những ý niệm, kinh nghiệm quá khứ, hình ảnh
dĩ vãng của Thực tại, nên không còn tự do, hồn nhiên, an lạc, mà bị gò bó, trói
buộc, vọng động, phiền muộn. Chủ thể tư tưởng luôn khao khát thành đạt, do đó
luôn bất an, lo sợ thất bại và khi sự việc thất bại, diễn ra không như ý, tất
nhiên có bất mãn, sân hận, phiền não… Mọi biểu hiện của Bản Ngã ý niệm đều là
những sinh hoạt vị kỷ. Do đó phát sinh mâu thuẫn, xung đột, hỗn loạn, đau khổ…
giữa cái Ta vị kỷ này với cái Ta vị kỷ khác.
II. Tâm tập nhiễm, cội nguồn mọi phiền não
Một người sống trọn vẹn, viên
mãn cho hiện tại thì tiến trình “tác động
_ cảm nhận _ xử lý _ đáp ứng” diễn ra tức thời, đồng nhất, hợp
nhất, trong đó chủ thể và đối tượng là một. Đây là tâm thái tự do, tự nhiên,
giải thoát. Nhưng nếu tâm dừng lại để lưu giữ hình ảnh của Thực tại thì lập tức
có sự phân chia: ta người, tâm vật, chủ khách, năng sở. Đó là một tiến trình
thông tin phản tự nhiên, bất thường, bệnh lý, không trọn vẹn, triệt để. Tiến
trình “tác động _ đáp ứng”
không toàn vẹn, mà bị ngưng trệ, rối loạn, bị nhiễu bởi sự hồi tưởng lại hình
ảnh của tiến trình dĩ vãng. Khi ta suy nghĩ là ta đã hồi tưởng, liên kết, vận
dụng kinh nghiệm, là ta đang trùng lắp, chồng lấp, trùm đắp lên dòng sống tuyệt
trần đang diễn ra bằng những hình ảnh quá khứ, những chất liệu dĩ vãng, những
cặn bã của Thực Tại. Cảm nhận tự do, hạnh phúc, tinh khôi, mới lạ, sáng tạo
tuyệt trần của hiện thể bị bôi đen, bị bóp méo bởi các hình bóng hư huyễn, lỗi
thời, lạc điệu của quá khứ. Hồi tưởng, lưu giữ hình ảnh quá khứ của sự vật, dù
là hồi tưởng lại một cảm giác khoái lạc, lưu giữ hình ảnh của một khuôn mặt,
một nụ cười, một lời nói, một bông hoa, một ngôi nhà, một chiếc xe, hay tưởng
nhớ lại một bức tranh, một vần thơ, một điệu nhạc, một phong cảnh...hoặc ghi
khắc một kỷ niệm êm đềm hay cay đắng, hàm ân hay di hận....tất cả dù được cất
giữ trong phần sâu lắng, u uẩn của Tiềm Thức hay nổi trôi trên bình diện nông
cạn của Ý Thức, đều khiến tâm ta không cảm thông, hòa nhập trọn vẹn được với
cái Thực Tại đang hiện tiền, đang trôi chảy, đang hóa thân, biến tướng, thanh
tân liên tục, diễn ra chỉ một lần, một đi không bao giờ trở lại. Buổi sáng, gặp
một chuyện bực mình, hoặc chứng kiến một tai nạn rùng rợn, có thể buổi chiều ta
ăn cơm không ngon: ta đã cưu mang hình ảnh dĩ vãng, và chính những tập nhiễm
quá khứ này đã khiến ta không chú tâm trọn vẹn, không sống viên mãn cho Thực
tại đang diễn ra là việc ăn cơm. Một Thiền sư bảo:
“Tu là để ý, chú tâm trọn
vẹn vào những việc bình thường, tự nhiên, đang diễn ra hàng ngày như: ăn, uống,
làm lụng, ngủ nghỉ. Người sống sai Đạo, không sống trọn vẹn trong việc ăn,
uống, làm lụng, ngủ nghỉ mà theo đuổi những vọng tưởng lăng xăng, lưu giữ trong
tâm thức.”
Khổng Tử bảo:
“Tâm bất tại yên, thính nhi bất
văn, thị nhi bất kiến, thực nhi bất tri kỳ vị”
(Không
để tâm vào sự việc đang diễn ra, thì có nghe mà không hiểu, có nhìn mà không
thấy, có ăn mà không biết được mùi vị của thực phẩm mình đang ăn)
Khi rảnh rỗi, khi ở một mình,
những lúc phải đối diện trực tiếp với nội tâm, thì những niệm vọng vi tế, sâu
kín, tàng ẩn trong tiềm thức được dịp trỗi dậy dưới những hình thức buồn phiền
man mác, những bất an, vọng động vô duyên cớ, những lo sợ vu vơ, những tình tự
cô đơn, trống vắng, những nỗi niềm trắc ẩn, trông chờ, nhớ nhung day dứt, khôn
nguôi, những nghĩ ngợi miên man, bất tận. Con người phải tìm cách đối trị nỗi
buồn thiên thu, vạn kỷ này bằng nhiều phương tiện khác nhau. Vì thế, cuộc đời
là những chuỗi ngày bất an, vọng động, khó chịu, nhàm chán, buồn phiền, khao
khát, né tránh, lẩn trốn hiện tại bằng cách săn đuổi những cảm giác mới, hoạt
động mới, mục tiêu, cứu cánh, lý tưởng mới, thành đạt, gặt hái mới....Đây là
những việc làm vô vọng, vì cảm giác nào rồi cũng nhàm chán, vô vị trong đường
mòn lối cũ, hoạt động nào cũng hao mòn sinh lực, và lý tưởng nào cũng là phóng
hiện của kinh nghiệm lạc hậu, già cỗi, quen thuộc, tầm thường. Kết quả, kiếp
sống hồng trần là những tháng ngày thả mồi bắt bóng lê thê, bất tận: họ không
an nhiên, thung dung, tự tại trong cái hiện tiền, mà luôn luôn hoài niệm quá
khứ, ước vọng tương lai, né tránh hiện tại, truy tìm cảm giác, để rồi thất
vọng, buồn phiền, chán nản, mệt mỏi hơn nữa. Chân, Thiện, Mỹ ở ngay cái hiện
tiền, Thiên đường, Cực lạc nằm ngay trong Thực tại đang thể hiện, nhưng con
người đã mù quáng, mê lầm, quay lưng, đào thoát hiện tại tuyệt trần để mưu cầu
hạnh phúc trong những cảm giác phù du, chạy theo những mục tiêu hư huyễn do
chính tư tưởng vẽ vời, ngụy tạo ra.
Bản Ngã đã xử lý những kinh
nghiệm, kiến thức như những dữ kiện thu thập được, qua những khâu phân tích,
liên hệ, tính toán, cân nhắc để tìm ra phương án hành động tối ưu. Tiến trình
sống “cảm nhận _ đáp ứng”, “tiếp thu _
hành động” không diễn ra đồng thời, hợp nhất, tức khắc, bén nhạy,
trực tiếp, tự do, hồn nhiên, sáng tạo nữa, mà trải qua những công đoạn xử lý
vòng vo, đa đoan, phức tạp, phiền toái. Cách hành sử của con người bị những
khuôn mẫu ý niệm, mệnh lệnh tư tưởng điều khiển, chi phối, hoạch định nên gò
bó, trói buộc, không tự nhiên, tự tại nữa.Những kinh nghiệm, sở tri, sở kiến,
tập nhiễm trong quá trình sống, từ giáo dục, tôn giáo, gia đình, môi trường văn
hóa xã hội...đã uốn nắn, nhào nặn, qui định tâm tư, tình cảm, cá tính, cách
sống, cách nghĩ, cách làm của mỗi cá nhân. Cách hành sử của một người Âu Mỹ
khác xa người châu Á, châu Phi. Giữa một người đạo Hồi và một tín đồ Ấn giáo,
giữa một nông dân và một người thành thị, giữa một người bình dân ít học và một
nhà trí thức uyên bác : tâm tư, hành sử không thể giống nhau. Với một người,
trước đây đã lăng mạ, phỉ báng, mưu hại ta, rõ ràng ta đối xử khác với một
người trong quá khứ đã thi ân, giúp đỡ, đùm bọc ta. Cung cách tiếp xúc của ta
với ông thầy, ông sếp, ông chủ khác hẳn cách ta giao tiếp với bạn bè, lại càng
khác xa cách ta đối xử với người thuộc quyền, giúp việc....Tình cảm ta với một
người hàng xóm, một người bà con, một người đồng hương không giống như với một
người xa lạ. Tình đồng bào bao giờ cũng tha thiết hơn tình nhân loại.
J. Krishnamurti bảo:
“Con người bị bủa vây bởi mạng lưới tư tưởng (The
Network of Thought=Le Réseau de la Pensée)… Tâm thức con người bị qui định,
điều kiện hóa, chương trình hóa y hệt như một máy tính điện tử...Sinh hoạt của
con người được tiến hành theo một chu trình khép kín: Kinh nghiệm _ Kiến thức _
Tư tưởng _ Hành động.”
Hơn 2500 năm trước, Phật
cũng nói y như vậy:
“Con người đau khổ, phiền não vì bị vướng mắc, ràng
buộc trong Ngũ Uẫn (Khanda)”.
Chính các thành phần của Ngũ Uẫn
như Thọ (Vedana:Cảm nhận), Tưởng (Sanna:Kinh nghiệm), Hành (Sankhara:Tư tưởng)
và Thức (Vinnanam:Ý thức) đã trói buộc, tù ngục, sai sử con người.
Bản Ngã đã tự ý niệm mình như
một Chủ thể tồn tại độc lập, một cá thể biệt lập với các thành phần khác của Vũ
Trụ, với một khao khát khôn nguôi là muốn an toàn tuyệt đối, trường tồn vĩnh
cửu, và phát triển mãi mãi. Đây hoàn toàn là một ảo tưởng mù quáng, chỉ có
trong ý niệm, không hiện hữu trong thực tại, vì Vũ Trụ là một toàn thể thống
nhất, vô ngã, vô thường, trong đó mọi sự vật, mọi hiện tượng đều cộng thông,
tương tác, biến đổi liên tục. Chính cái ý niệm ngã chấp, mê lầm, mù quáng này
là đầu mối khai sinh ra tất cả mọi hình thức phiền não ở trần gian khổ lụy này.
Đây là cái vô minh cội nguồn, cái mê lầm căn bản, cái sai trái độc nhất, cái
tội lỗi bao trùm, thâu tóm tất cả các tội lỗi. Chính nó là thủ phạm duy nhất,
mà Phật Thích Ca gọi là “Tập”
(Samudaya=Sameda), đã khuấy động, che lấp, làm lu mờ, vẩn đục cái
Bản Tâm tự nhiên, thanh tịnh, an lạc, thường hằng vốn có của con người.
Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma Bodhidarma (?
– 528) bảo:
“Không có tội lỗi nào cả,
chỉ có một tội duy nhất là tội vô minh, không thấy được Phật Tánh ở chính tâm
mình”.
Thực vậy, cơ thể bệnh hoạn
bắt nguồn từ sự rối loạn ở phạm vi tế bào, xã hội khủng hoảng, lầm than nguyên
do từ sự bất ổn, vô minh, sai trái ở nội tâm mỗi cá nhân.
III. Tâm thiên chấp, tham cầu gây đau khổ
Sự tập nhiễm, gom chứa kiến thức
ngày càng chồng chất, bám víu ngày càng sâu sắc. Cái Ta tăng cường phân biệt
giá trị giữa: đúng sai, lợi hại, tốt xấu, hơn thiệt, được thua, sướng khổ, phúc
họa, ta người. Vì chấp trước vào giá trị đối đãi nên cái Ta so sánh, cân nhắc,
suy tính, chọn lựa, mưu cầu, chiếm hữu, củng cố những gì nó cho là tốt đẹp,
phúc lợi, ưu việt, cao sang và né tránh, loại trừ những cái nó nhận xét là xấu
xa, tai hại, thua kém, thấp hèn. Cái Ta nào cũng muốn đẹp hơn, sang hơn, giàu
hơn, uy quyền hơn, trí thức hơn, thông minh hơn, hưởng thụ hơn, sung sướng hơn,
an toàn hơn, trường tồn hơn, cao thượng hơn...cái Ta khác, cá nhân khác. Cái Ta
vị kỷ, vị ngã này gia sức tích lũy của cải, tiện nghi an toàn, kiến thức, danh
vọng, tình yêu...bằng cách chiếm hữu, thủ đắc những sự vật chưa thuộc Ta, củng
cố những cái đã chiếm được, dưới mọi hình thức kể cả áp bức, bóc lột, xâm phạm,
tranh cướp, dành sự khó nhọc, thiệt thòi, thua kém, thiếu thốn, mất mát, bất
an, tai họa, đói rét, đau khổ...cho người khác. Cái Ta thường xuyên khao khát,
mưu toan trở thành một cái gì tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn cái đang có. Cái Ta,
cái Bản Ngã ngày được củng cố, tăng cường, phát triển, mở rộng: Tinh thần tôi,
đầu óc tôi, thân thể tôi, của cải tôi (quần áo tôi, nhà cửa, xe cộ, ruộng vườn,
tiền bạc tôi...), bằng cấp, kiến thức tôi, địa vị tôi, danh dự, tiếng tăm tôi,
thân nhân tôi (chồng tôi, vợ tôi, người yêu tôi, gia đình tôi, cha mẹ tôi, con
cái tôi, bà con tôi, đồng bào tôi...), tôn giáo tôi, quê hương, xứ sở, tổ quốc
tôi...Tôi đau khổ, buồn phiền khi một phần nào đó của cái Tôi ý niệm bị thua
thiệt, bị tổn thương, sứt mẻ, mất mát, đổ vỡ, và Tôi vui mừng, sung sướng, hài
lòng khi nó được gia tăng, phát triển, củng cố, bảo vệ, duy trì vững chắc,
trường tồn.
Phật Tổ đã cảnh giác:
“Con tôi, cái của tôi,
Người mê thấy như thế.
Cái Tôi còn chẳng có,
Huống hồ con, của tôi”.
Kinh Pháp Cú (Dhammapada).
(Con người hoàn toàn sai lầm khi
bám dính vào những định kiến như: con của tôi, những cái của tôi. Thực ra, khái
niệm về một cái Tôi chủ thể, trung tâm còn mê lầm, hư giả, không có thực, huống
hồ những kiến chấp vị ngã mở rộng như: con của tôi, và vô số những cái của tôi
khác…).
J.Krishnamurti khẳng định: “Toàn bộ các sinh hoạt của con người đều mang tính
vị ngã”.
Tất cả mọi sinh hoạt của con
người, từ nội tâm tới ngoại giới đều hoàn toàn vị ngã, vị kỷ dù đó là những
hành vi thô đại, lộ liễu như tranh giành, chiếm đoạt, áp bức, bóc lột hay những
tình tự, tâm tư, cách hành sử vi tế, trá hình, nguỵ trang dưới những chiêu bài
như trách nhiệm, bổn phận, phụng sự, hy sinh hay vị tha, bác ái, lý tưởng, mục
đích, tình cảm, ái tình cho tới cả tình cha con, tình mẫu tử. Hành vi, lý
tưởng, dù cao đẹp, thánh thiện tới đâu, cũng vẫn là để giành lấy cái tốt, cái
hay, cái đẹp, cái cao cả, cái chí mỹ, chí thiện cho Bản Ngã vị kỷ. Mục tiêu,
hoài bão dù phi phàm, siêu việt tới đâu cũng là những tham vọng vị ngã, những
khao khát vị kỷ, được nguỵ trang dưới hình thức vị tha, bác ái, cao thượng,
quên mình. Bạn không thể yêu thương con một người xa lạ y như con bạn. Bạn
không thể hy sinh cho một quốc gia láng giềng hay phụng sự cho một tổ quốc
không có bạn trong đó. Bạn không còn yêu thương vợ bạn, khi người ấy ngoại
tình. Ái tình không phải là tình thương, là đức Nhân của Nho giáo hay Từ Bi của
Phật giáo mà là thứ tình cảm vị kỷ, nhỏ nhen, chật hẹp, so đo, thèm khát chiếm
hữu, luôn luôn là một tiến trình 3 giai đoạn: “khao khát, chiếm đoạt và chê chán”.
Dưới nhãn quan Đạo Học, tất cả
mọi người đều bị tư tưởng mê hoặc, phỉnh gạt, lừa dối, không nhận rõ được bản
chất vị kỷ của cái Ta ý niệm, cái Trung Tâm Bản Ngã.
Với Lão Tử, trong xã hội
loài người, “Nhân, Nghĩa, Lễ” chỉ là danh từ xuông, trống rỗng, vô nghĩa, đạo
đức giả, che đậy cho những tâm địa và hành vi ích kỷ, mà ông tích cực bài xích:
“Thất Đức nhi hậu Nhân, thất Nhân nhi hậu
Nghĩa, thất Nghĩa nhi hậuLễ. PhùLễ giả trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ …
Tuyệt Nhân, khí Nghĩa”
(Mất Đức rồi mới có Nhân, mất Nhân rồi mới có
Nghĩa, mất Nghĩa rồi mới có Lễ. Lễ là cái mỏng manh của lòng trung tín, là đầu
mối của sự rối loạn…. Hãy dứt Nhân, bỏ Nghĩa).
Trong kinh Phạm Võng (Brahmajala
Sutta), Phật dạy:
“Con cá, khi đã vào trong
lưới, dù có vẫy vùng, quẫy nhảy tới đâu cũng vẫn ở trong lưới”.
Cũng vậy, con người, vốn
bị giam nhốt trong mạng lưới tư tưởng của Bản Ngã ý niệm, thì mọi ngôn từ hoa
mỹ, mọi lý tưởng thánh thiện, mọi cứu cánh siêu phàm, mọi động thái cao đẹp, do
họ cố gắng chế tác ra, cũng đều là những hình thức ngụy trang của lòng vị kỷ.
Tóm lại, nhân loại đang bị điều
khiển, chi phối, hướng dẫn, sai sử, nhào nặn, bủa vây, vướng mắc, trói buộc,
giam cầm, mê hoặc, lừa đảo, phỉnh gạt trong mạng lưới, ngục tù, khuôn mẫu,
thành kiến, cạm bẫy của tư tưởng, ý niệm tập nhiễm. Mọi hành vi vị ngã đều dẫn
tới mâu thuẫn, bất công, rối loạn, chiến tranh, đau khổ, bất an và bệnh hoạn...
J. Krishnamurti đã cảnh tỉnh con
người:
“Hãy nhìn Thiên Nhiên,
phần cứng mạnh trụ tại gốc, rễ, nâng đỡ cành lá mảnh mai, yếu mềm phía trên.
Trái lại, trong xã hội loài người, tầng lớp giàu sang, quyền lực lại ăn trên,
ngồi chốc, và tầng lớp bình dân thiếu thốn, đói nghèo lại ở phía dưới để bị
khai thác, bóc lột, áp bức. Do đó, xã hội mất quân bình, bất an, bất ổn, khủng
hoảng...”.
Ngay từ Thượng Cổ, Lão Tử
đã có một câu tương tự:
“Thiên chi Đạo, tổn hữu dư nhi bổ bất túc.
Nhân chi Đạo tắc bất nhiên: tổn bất túc nhi phụng hữu dư”
(Đạo Trời bớt chỗ dư, bù
chỗ thiếu, Đạo Người thì không theo Tự Nhiên, mà lại bớt xén chỗ thiếu để cung
phụng cho chỗ dư thừa).
Trong Thiên Nhiên, hiện
tượng xâm thực, trầm tích luôn luôn bào mòn chỗ cao, đầy để bồi lấp chỗ trũng,
thấp… Trong xã hội, ta thấy ngược lại, người giàu có ngày càng tích lũy, người
nghèo túng ngày càng khánh tận. Hố ngăn cách giàu nghèo giữa các cá nhân, các
giai tầng, các quốc gia, các châu lục ngày càng rõ rệt. Đây là cội nguồn phát
sinh ra một thế giới đầy bất công, bất hạnh, hỗn loạn…
La Rochefoucauld (thế kỷ 17),
văn sĩ nổi tiếng người Pháp, đã ngao ngán phát biểu: “Trong xã hội loài người, đạo đức mất trong tư lợi
cũng như con sông nào rồi cũng chảy vào biển cả”.
Khi tâm ta thiên chấp, nghiêng
lệch, bám víu vào một thành kiến giá trị, một chủ đích cực đoan nào, lập tức
trong tâm ta hình thành ngay cái cực đoan ý niệm đối đãi, đối lập với nó. Lão
Tử bảo:
“Thiên hạ giai tri Mỹ chi
vi Mỹ, tư Ác dĩ.
Thiên hạ giai tri Thiện chi vi Thiện, tư Bất
Thiện dĩ.”
(Khi ta cho một điều là
Đẹp, là ta đã nghĩ tới điều ta cho là Xấu rồi. Khi ta thấy một điều là Tốt, là
ta đã nghĩ tới điều ta cho là Không Tốt rồi).
Khi ta muốn vươn tới một sự việc
ta cho là tốt đẹp, là trong tâm ta đã hình thành ngay mối lo sợ về sự khả hữu
một sự việc trái ngược với nó. Tham vọng thành đạt, thành tựu càng cao, nỗi lo
sợ thất bại càng lớn. Sợ hãi là bạn đồng hành của mong cầu. Chúng đi đôi như
bóng với hình: muốn đẹp, sợ xấu ; muốn trọng, sợ khinh; muốn yêu thương, sợ
ghét bỏ; muốn giàu sang, sợ nghèo hèn; muốn cao, sợ thấp; muốn khỏe mạnh, sợ
đau yếu; muốn thọ, sợ yểu; ham sống, sợ chết; muốn trường tồn, sợ hủy diệt;
muốn an toàn, sợ bất trắc; muốn hòa bình, sợ chiến tranh; muốn sướng, sợ khổ;
muốn hơn, sợ thiệt; muốn đậu, sợ rớt; muốn phát triển, sợ suy tàn; muốn vẹn
toàn, sợ thất thoát; muốn đoàn tụ, sợ chia ly; muốn mau, sợ chậm; muốn sớm, sợ
trễ; muốn lớn, sợ nhỏ... Tham vọng nào cũng dấy sinh sợ hãi. Khi mong cầu, mưu
tìm thành đạt, nếu sự việc diễn ra không như dự kiến, dự định, ước vọng, con
người bất mãn, sân hận, phẫn uất, hối tiếc, phiền muộn...
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
(1491- 1585) đã không bi quan khi xác định:
“Thế nhân thập nguyện, cửu
thường vi”
(Trong mười điều mong cầu của
con người, thì có tới chín điều là không đạt được sở nguyện, là bất thành, là
bất như ý).
Sự Vật, Vạn Hữu, Thực Tại
là một thế giới hiện tượng vô cùng phức tạp, huyền ảo, đổi mới không ngừng, với
vô vàn, vô lượng các mối tương quan, liên hệ tương tác, trong khi kinh nghiệm,
kiến thức, tư tưởng, ý nguyện, sở cầu lại là hình bóng dĩ vãng, cặn bã quá khứ,
tĩnh tại, lỗi thời, hạn cuộc, hoàn toàn khác biệt với cái đang diễn ra, đang
hiện tiền, hiện hữu. Vì vậy, khi muốn sự vật hiện tại xảy ra y như ý nghĩ, ý
muốn, dự tính của ta, là ta đã mơ một điều vô lý, không tưởng, hoàn toàn không
có trong thực tế, là ta đã bắt hiện tại phải giống y như quá khứ, là ta đã đi
ngược lại Tự Nhiên, là ta đã mặc nhiên mua sầu, chuốc não.
Khổng Minh Gia Cát
Lượng(thế kỷ thứ 3), một danh nhân tuyệt thế kỳ tài thời Tam Quốc, Trung Hoa,
bảo:
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Nhân
nguyện như thử, như thử, thiên lý vị nhiên, vị nhiên”
(Việc
hoạch định, tính toán do con người, nhưng có thành công hay không lại do mệnh
trời. Uớc vọng của con người như thế, như thế, nhưng lẽ trời chưa như vậy, chưa
như vậy).
Sau 50 năm tại thế với gần
ba thập kỷ dốc tâm, dồn sức bôn ba liệt quốc, nhưng hoài bão kinh bang, tế thế
bất thành, Khổng Tử đã bừng tỉnh qua một nhận định đầy khôn ngoan, minh triết:
“Ngũ thập tri thiên mệnh”
(Năm mươi tuổi, biết mệnh trời).
Ý trời, thiên mệnh, thiên lý là
vô vàn nhân duyên đang vận hành, đang tương tác một cách khách quan trong tự
nhiên, không theo chủ ý, suy tính, mong muốn của con người.
Phiền não chỉ chấm dứt khi ta
hết mong cầu.
Sự vật diễn ra không như ý, ta
phiền muộn, lo sầu là điều hiển nhiên. Khi ta toại nguyện, thành tựu được điều
mong ước, ta lại cũng bất an lo sợ: ta sợ mất mát, ta sợ sự vật vừa thủ đắc
không trường cửu.
Lão Tử chí lý khi bảo:
“Đắc chi nhược kinh. Thất chi nhược kinh”
(Được cũng lo sợ. Mất cũng lo sợ).
Khổng Tử cũng bảo:
“Kỳ vị đắc giã, hoạn phất đắc chi.
Ký đắc chi, hựu khủng thất chi”
(Khi
chưa được, lo không được. Khi được rồi lại sợ mất).
Vị Đạo sư Tây Tạng lừng
danh Milarepa (1055-1135) đã khẳng quyết:
“Hoạch
định kế hoạch cho tương lai giống như việc câu cá trên cạn, sẽ không bao giờ
bắt được cá”.
Con người thường xuyên sợ phải
từ bỏ những giá trị ý niệm, xa lìa những sở tri, sở kiến, mất mát những điều đã
quen, đã biết, đã cưu mang, đổ vỡ những điều sở hữu, sở đắc, sở tập, tan biến
những kinh nghiệm, kiến thức, hoài bão, lý tưởng, mục tiêu, cứu cánh. Một người
dù cuộc sống gian truân, vất vả cách mấy, vẫn luyến tiếc cái sống, sợ hãi cái
chết, sợ phải đoạn tuyệt với cái cũ xưa, quen thuộc, sợ phải đối diện với cái
xa lạ, hãi hùng.Loài người đã kinh qua cái dĩ vãng bất hạnh xa xưa, nhưng ai
cũng lo sợ Nhân Loại không vĩnh cửu, trường tồn! Để minh họa cái tâm trạng mê
lầm này, Trang Tử đã đưa ra câu chuyện ngụ ngôn: “Một người phong cùi, khi sinh con, cứ nơm nớp lo sợ nó không giống
mình!”.
J. Krishnamurti bảo:
“Chỉ khi nào cái già nua,
cằn cỗi, chai cứng, cặn bã quen thuộc...chấm dứt thì cái thanh tân, tươi tắn,
tinh khôi, mới lạ, sáng tạo, uyển chuyển tuyệt trần mới xuất hiện. Chỉ khi nào
chúng ta đình chỉ việc nương tựa, bám víu, chạy theo những bày vẽ, phóng hiện
của ý niệm, tư tưởng, chúng ta mới thực sự không còn sợ hãi, chúng ta mới tự
do, tự tại...Bạn hãy chết đi tất cả những kỷ niệm quen thuộc, bạn mới thực sự
lên đường”.
Người vong bặt mọi ý niệm về cái
Ta, người vô ngã tuyệt đối, người thấy cái Ta không là gì cả, không khao khát
trở thành một cái gì hết, người quăng bỏ gánh nặng quá khứ, sạch làu mọi khuôn
mẫu, thành kiến là người hết mê, hết tội, hết phiền não, tự do, tự tại, là
người giải thoát, người giác ngộ, là Phật (Boudha) vậy.
Chúng ta không hoàn thiện nghệ
thuật sống trọn vẹn cho hiện tiền, không chú tâm sung mãn nơi cái đang là.
Chúng ta sử kỷ, tiếp vật bằng kinh nghiệm, bằng sở kiến dĩ vãng, bằng tro tàn
quá khứ. Chúng ta trùm khoác lên cái đang diễn ra bằng cái đã diễn ra. Khi vận
dụng kinh nghiệm, khi suy tưởng, chúng ta đã làm ngưng trệ, ách tắc, nhiễu
loạn, điên đảo dòng sống đang trôi chảy, đổi mới không ngừng, luân lưu bất
tuyệt trong ta. Sự rối loạn, bất bình thường, phản tự nhiên, phản sinh lý này
nếu gia tăng cường độ và thời gian, sẽ dẫn tới những bệnh hoạn về tinh thần và
thể xác. Lo âu, căng thẳng, buồn phiền, hối tiếc, ân hận, bực mình, sợ hãi, căm
thù, tranh chấp, mâu thuẫn, hối hả, bất an, vọng động...là những nguyên nhân
phát sinh hầu hết bệnh tật. Thần kinh cao cấp và thực vật rối loạn kéo theo sự
vận hành bất thường của hệ nội tiết, dẫn tới sự suy yếu của hệ miễn dịch, sự
trục trặc của các cơ quan, bộ phận trong người. Do đó, cơ thể không đề kháng
được các tác nhân gây bệnh. Chương Nhiếp Sinh của Hoàng Đế Nội Kinh, cuốn sách
nền tảng của Đông Y, đã xác định:
“Điềm đạm, hư vô,
Chân khí tùng chi.
Tinh thần nội thủ,
Bệnh an tùng lai”
(Tinh thần bình thản, trầm lặng,
không cưu mang, chất chứa, vững vàng không giao động, thì Chân khí theo đó,
không có bệnh nào xâm phạm được).
Y học hiện đại cũng không nói
khác: nếu tâm hồn thanh thản, an nhiên, thư thái, cơ thể con người hoàn toàn có
khả năng tự thích nghi, tự điều chỉnh, tự phục hồi, và hệ bảo vệ có đầy đủ khả
năng đề kháng với mọi tác nhân gây bệnh. Con người mất quân bình, rối loạn là
mảnh đất lý tưởng cho vô vàn bệnh hoạn phát sinh. Claude Bernard (1813-1878),
thủy tổ của Sinh Vật Học thực nghiệm Tây Phương cũng đã khẳng định:
“Le miscrob n’est rien. Le terrain, c’est
tout.”
(Vi trùng không là gì hết. Cơ thể là tất cả).
Năm 1954, trước Hội Sinh
Vật Học nước Pháp, nhà bác học James Reilly đã chứng minh: “Khi hệ thần kinh giao cảm quân bình tuyệt đối thì
con người hoàn toàn vô bệnh”, sau khi tiến hành hàng loạt thí
nghiệm. Bác sĩ Douglas Stevenson, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Ung Thư nước Anh
hiện nay, cũng kết luận: “Điều mỉa mai
nhất là cả nguyên nhân gây bệnh lẫn cách điều trị đều có sẵn tại chính con
người”. Thực vậy, chính ta gây đau khổ cho bản thân ta, và cũng
chính ta mới có khả năng giải thoát cái đau khổ bản thân do chính mình gây ra.
Tây Phương có câu:
“Pas de maladies, mais des malades”
(Không
có các loại bệnh tật, mà chỉ có con người bệnh hoạn)
Cách sống sai trái, bất
thường sinh ra đủ thứ bệnh. Hãy thay đổi tâm hồn bất ổn, cách sống sai trái,
phản tự nhiên, là cách phòng và trị bệnh vương đạo nhất, ưu việt nhất, căn để,
rốt ráo nhất, khôn ngoan nhất. Chúng ta đã sai lầm, tốn hao công sức vô ích,
khi tìm cách nghiên cứu, liệt kê vô vàn triệu chứng, với thiên hình vạn trạng,
để đặt tên, phân loại bệnh tật, nhằm tìm ra các phương án chữa trị. Nếu tâm hồn
ta ra sao, xã hội sẽ như vậy thì tinh thần ta ra sao, thể xác ta sẽ như thế ấy.
Phật đã bảo: “Vạn pháp giai Tâm”
(Tất cả mọi sự vật, hiện tượng
đều bắt nguồn từ Tâm thức).
Những cách tu dưỡng tâm, thân
của khoa Khí công, của pháp môn Yoga, của bác sĩ Nhật Okada-Torajiro (Cương
Điền) đầu thế kỷ này, giúp con người mạnh khỏe, vô bệnh là bằng chứng cụ thể,
hiển nhiên, chính xác, để xác quyết quan điểm :
“Nguyên do bệnh tật ở chính
trạng thái nội tâm bất ổn, ở chính cách sống sai trái của con người”.
Các nhà khoa học đã nhận thấy
tại một số vùng trên thế giới như Andes, Caucases, Himalayas, con người tuổi
thọ rất cao và rất ít bệnh tật. Đặc biệt, dân tộc Hunza, một sắc dân trong vùng
Kashmir, được biết như một chủng tộc hoàn toàn vô bệnh (Le peuple ignorant de
maladies), do lối sống chất phác, hồn nhiên, đơn giản, cộng với môi trường sống
trong sạch, thực phẩm đạm bạc, nhưng xanh tươi tự nhiên (ít chất béo và chất
đạm gốc động vật). Người Hunza đẹp, cường tráng, hầu như vô bệnh, tuổi thọ 100
năm là bình thường. Tuy 99% dân số mù chữ, nhưng dân tộc Hunza đã sở hữu một
thứ hạnh phúc tuyệt trần là vô bệnh, mà những người quyền cao, chức trọng, lắm
của, nhiều tiền, đầy đủ phương tiện, thừa thãi kiến thức của xã hội văn minh,
phát triển không bao giờ có được.
Sau hết, với lòng tham không
đáy, vô bờ, con người đã khai thác, tàn phá thiên nhiên triệt để, khiến tài
nguyên cạn kiệt, môi trường sinh thái bị đảo lộn, thời tiết thay đổi bất
thường. Sự phát triển công nghiệp và mạng lưới giao thông vận tải phát sinh quá
nhiều chất thải, đã đầu độc đất đai, nguồn nuớc, khí quyển. Cơ thể con người
không thích nghi kịp với sự thay đổi đột ngột, đa dạng này, nên các bệnh thời
đại ngày một gia tăng.
C. Giải pháp diệt khổ căn để
Tóm lại, sự tập nhiễm, gom chứa,
tích lũy hình ảnh quá khứ của sự vật đã kiến tạo nên một kho kinh nghiệm, kiến thức, tham dục khổng lồ, tức
cái Ta tư tưởng, cái Bản Ngã đầy ắp thành kiến, thiên chấp, tham cầu.…cội nguồn
của tất cả mọi khổ đau, phiền não. Lão Tử bảo rất rõ:
“Ngô hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân.
Nhược ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn?”
(Ta sở dĩ đau khổ vì ta có
thân tức Bản Ngã vị kỷ. Nếu ta không có thân tức Bản Ngã vị kỷ ấy, thì làm gì
có đau khổ)
Con người sở dĩ đau khổ vì chấp
mắc vào một cái Ta vị kỷ, nếu không ràng buộc vào cái Bản Ngã ý niệm ấy thì làm
gì có phát sinh đau khổ.
Lục Tổ Huệ Năng cũng không nói
khác:
“Hữu ngã tội tức sinh. Vong công phúc vô tỷ”
( Thấy có cái Ta vị kỷ là phát
sinh mọi tội lỗi. Vong bặt mọi dụng công, toan tính từ cái Ta vị kỷ thì phước
báu vô cùng).
Chấp thủ về Bản Ngã, về cái Ta
chủ thể là nguồn gốc mọi tội lỗi, sai lầm, đau khổ. Nếu ta vong bặt ý niệm về
cái Tôi vị kỷ ta sẽ có ngay sự thanh bình, an lạc, một thứ chân hạnh phúc không
gì so sánh được.
Tới đây, ta thấy một sự thực
hiển nhiên là: Đau khổ do tham cầu, tham cầu do thiên chấp, thiên chấp do tập
nhiễm, vậy tập nhiễm là nguyên nhân đầu tiên của mọi đau khổ. Phật Tổ đã dùng
một chữ “Tập”(Samudaya = Sameda)
để nói lên cái nguyên nhân duy nhất, uyên nguyên, gốc rễ, cội nguồn, khai sinh
ra tất cả mọi hình thức mê lầm, tội lỗi, phiền não, khổ đau trên đời. Bất kỳ
một hình thức bất hạnh nào của ta cũng bắt nguồn từ nội tâm sai trái, chứ không
phải tại đâu, tại ai, tại sự can thiệp ngoại lai hay tại sự an bài, sắp đặt tối
cao, siêu phàm, thiêng liêng, huyền bí nào. Tất cả mọi phiền não, khổ đau ta
đang gánh chịu đều do chính ta gây ra. Tự ta giam nhốt ta, trói buộc ta, hành
hạ ta. Chính cái nội tâm bất an, vọng động của ta đã góp phần tạo nên cái xã
hội rối ren, hỗn loạn, lầm than hiện thời. Xã hội chính là hình ảnh phóng chiếu
tình trạng nội tâm mỗi cá nhân. Xung đột nội tâm dẫn đến khủng hoảng xã hội.
Tâm loạn xã hội loạn, tâm bình xã hội bình.
Các cuộc cách mạng thay đổi hoàn
cảnh, sự vật bên ngoài như cách mạng đạo đức, chính trị, giáo dục, khoa học kỹ
thuật, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, xã hội.. đều không đem lại kết quả mong
muốn. Để giải quyết trọn vẹn mọi hình thức đau khổ, cần có một giải pháp diệt
khổ triệt để tận gốc rễ. Đạo Học chủ trương một cuộc cách mạng nội tâm tự mỗi
cá nhân, không phải hời hợt trên bình diện ngôn từ, ý thức, tư tưởng, mà triệt
để từ tầng lớp sâu thẳm tận cùng của tiềm thức, để triệt tiêu tận gốc rễ, cội
nguồn khổ não, là cái kho tàng ý niệm, đã đeo bám nhân loại từ dĩ vãng muôn kiếp
nghìn đời.
Giải pháp duy nhất là tự
mỗi cá nhân hãy tuyệt đối thức tỉnh, lắng nghe, theo dõi, thấu hiểu tận tường
cái vô minh, cái mê lầm, sai trái của Bản Ngã ý niệm, để bứng gốc mọi tầng lớp
vọng niệm kể cả những phần vi tế, sâu lắng tận căn để của tiềm thức. Khi bản
chất vô minh, mù quáng, sai lầm của cái Ta ý niệm được thấu hiểu tận triệt, Bản
Ngã tức thời tan biến, nhường chỗ cho tự do, thanh bình, an lạc vĩnh cửu,
thường hằng. Đây mới là cuộc cách mạng chân chính, đích thực, cuối cùng, cuộc
chinh phục hạnh phúc viên mãn, trọn vẹn.
Trong kinh Pháp Cú, kệ 145, Phật Tổ đã bảo:
“Ta tự gây ra tội,
Ta tự làm ô nhiễm.
Chỉ tự ta lìa tội,
Chỉ tự ta gột rửa”.
Trong một kệ khác của kinh Pháp
Cú, Phật khẳng định:
“Hoàn thiện bản thân, tự
thắng chính mình là chiến thắng tối thượng, là hơn cả việc đánh bại hàng ngàn
quân thù ngoài chiến địa.”
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử
cũng bảo:
“Thắng nhân giả hữu lực,
Tự thắng giả cường.”
(Thắng người khác chỉ là
kẻ có sức về thể chất, chiến thắng chính mình, hàng phục, tận diệt được mọi vô
minh, sai trái tại chính bản thân, mới là người có sức mạnh nội tâm phi
thường).
Tự soi sáng, tự thấu hiểu nội
tâm tới sâu xa cùng tột, vượt thoát mọi khổ đau, phiền não, là giải pháp diệt
khổ căn để, gốc rễ, rốt ráo, chân chính, vẹn toàn đích thực.