Phần thứ
ba. Diệt Đế (Dukkha Nirodha Ariya Sacca)
- Cảnh Giới Vô Ưu
Chân Tâm
Thánh địa vô ưu chẳng lối vào,
Tham cầu, vọng tưởng hết xôn xao.
Thập phương tiền mục, không dài ngắn,
Vạn niên nhất niệm, chẳng lâu mau.
Từ Bi, Trí Tuệ, hai mà một,
Sở Năng, Tha Tự, khác đâu nào.
Chân Như, Tịnh Thổ tìm sao được,
Tịnh Thổ, Chân Như chẳng lối vào.
Phi Tư Lượng Xứ cảnh đây rồi,
Sạch hết trần lao, dứt chguyện đời.
Hạnh phúc vô biên, tâm tĩnh lặng,
Tiêu dao bất tận, dạ an vui.
Mênh mông Trí Sáng trùm muôn pháp,
Chan chứa Tâm Từ tỏa vạn nơi.
Tâm mê muốn biết Chân Tâm ấy,
Dứt sạch tư duy, hết rối bời.
Chân Tâm im vắng mọi lo buồn,
Kiến chấp đeo mang cũng bặt luôn.
Vạn hữu thấy y, không diễn dịch,
Muôn duyên nghe vậy, chẳng tư lương.
Vắng lặng, minh linh, mùi tịch diệt,
An nhiên, tự tại, vị chân thường.
Tu là buông sạch tâm huân tập,
Để tự Chân Tâm lại tỏ tường.
A. Đại cương về Diệt Đế ( )
Diệt Đế: Sự thực rõ ràng, hiển
nhiên về trạng thái tâm thức tịch diệt mọi đau khổ, phiền não. Diệt có nghĩa là
tịch diệt, chấm dứt trọn vẹn, hết sạch. Diệt Đế nói về một trạng thái tâm thức
hết sạch mọi đau khổ, phiền não, một cảnh giới vô cùng vắng lặng, thanh tịnh
tuyệt đối, an lạc tuyệt trần, sáng suốt vô biên, nơi đây, hư vô, tịch diệt,
vắng lặng tất cả mọi hình thức si mê, vọng động, phiền não, khổ đau: Đó là cảnh
giới Giải Thoát hay Niết Bàn (Nibbana=Nirvâna). Niết Bàn là tâm thái hư vô mọi
vọng niệm, một cảnh giới tịch diệt mọi phiền não, chứ không phải sự hủy diệt,
tan biến sau khi từ trần như một số người ngộ nhận. Niết Bàn, còn được gọi là
Chân Tâm, Tự Tính, Phật Tính, Tịnh Độ, Cực Lạc, Giải Thoát, là tâm thái bản
lai, vốn có sẵn từ vô thủy ở tất cả mọi người trước khi tập nhiễm những vọng
niệm, kiến chấp, tham dục vị kỷ mê lầm. Chỉ cần vô minh, vọng niệm, phiền não
tận diệt, Chân Tâm thanh bình, an lạc, vốn có lại tự nhiên sáng tỏ, thường hằng.
J.Krishnamurti vẫn nhắc nhở:
“Tận
cùng của phiền não là khởi đầu của minh triết”
(The
ending of sorrows is the beginning of wisdom).
Trong Thập Mục Ngưu Đồ của
Thiền Tông, tâm tập nhiễm ý niệm, chấp trước thành kiến, chất chứa phiền não,
được tượng trưng bằng trâu đen tuyền, tâm giải thoát, vong bặt mọi ý niệm, sạch
làu mọi chấp trước, tịch diệt mọi phiền não được biểu hiện bằng con trâu toàn
trắng.
Niết Bàn là tâm thái, cảnh giới
phúc lạc tuyệt vời, khôn ngoan toàn bích, quyền năng siêu phàm, phi ngôn ngữ,
phi tư tưởng, mà chúng ta không thể lãnh hội, cảm thông, tiếp cận, diễn đạt
bằng ý niệm, tư tưởng, ngôn ngữ. Niết Bàn là cảnh giới vô niệm, phi tư tưởng,
bất khả tư nghị, bất khả ngôn thuyết, bất khả đạo, vượt ngoài khả năng thấu
hiểu của ý niệm, tư tưởng, suy luận, diễn giải của ngôn từ, văn tự.
Tam Tổ Tăng Xán khẳng định:
“Phi tư lượng xứ,
Thức tình nan trắc”.
(Ý thức, thường tình của con
người không thể thăm dò được cảnh giới vong bặt mọi tư tưởng, mọi suy lường).
J. Krishnamurti bảo:
“Tư tưởng là những điều
quen thuộc, những cái đã biết, không hể vươn tới điều mới lạ, cái hoàn toàn
chưa biết. Chúng ta không thể bắc cầu nối kết giữa cái tầm thường và điều thánh
thiện, không thể đo lường cái vô cùng bằng cái hữu hạn, không thể nhốt gió ngàn
phương trong một vốc tay.”
Ông
khẳng định:
“Chân Lý thì bất khả tri. Trí
năng và cảm thọ không thể tìm được lối vào Chân Lý. Không có đường vào Chân Lý,
và một phương cách tiếp cận nó chỉ là cái ngụy tạo của một đầu óc tham lam. Mọi
con đường và phương cách của cái tôi tính toán phải được phá bỏ hoàn toàn”
(Truth is unknowable.
Intellect and feeling cannot make their way to it. There is no way to it, and a
method to it is the invention of a greedy brain. All the ways and means of the calculating self must be destroyed wholly).
Cũng vậy, một con cá sinh trưởng
trong môi trường nước không thể hình dung được cảnh trí trên bờ. Một người đui
mù bẩm sinh không thể nghĩ gì, nói gì về cái huy hoàng của thế giới màu sắc.
Sống trong thế giới ý niệm, tư tưởng, chúng ta không thể nghĩ bàn về cảnh giới
phi ý niệm, phi tư tưởng.
Để cảnh giác những người
chưa đạt Đạo lại muốn dùng tư tưởng, ngôn từ, luận giải để tìm hiểu về Chân
Tâm, về cảnh giới giải thoát, thiền sư Khánh Hỷ (1066-1142), đời Lý, bảo:
“Lao sinh hưu vấn sắc kiêm không.
Học Đạo vô như phỏng tổ tông.
Thiên ngoại mích tâm nan định thể.
Nhân gian thực quế khởi thành tùng”.
(Đừmg nhọc công tìm hỏi sắc và không.
Học Đạo tốt nhất là noi theo tổ tông.
Tìm tâm ở ngoài trời khó mà định
được thể tính nó.
Trồng quế ở nhân gian há thành được bụi lớn
xum xuê)
“Sắc không bất dị” là nhãn quan, cảnh giới
Giải Thoát. Đây là thế giới vô niệm, vô danh, vô ngôn, không thể diễn giải bằng
tư tưởng, ngôn từ được. Cách học Đạo đúng nhất là theo đường lối của Phật, Tổ
truyền dạy để chứng ngộ. Khi chứng ngộ rồi ta sẽ lãnh hội, thông suốt trọn vẹn
cảnh giới giải thoát. Chưa chứng Đạo ở nội tâm, mà đi tìm Chân tâm, cảnh giới
Giải Thoát ở bên ngoài bằng suy tưởng, luận giải thì không thể nào thấy được
bản thể chân thực của nó. Trồng cây quế ở nơi nhân gian hạn hẹp không thể tạo
được đám cây phồn tạp, chất lượng. Cũng vậy, thế giới ý niệm, dục vọng không
thể phát kiến, sáng tạo ra cảnh giới giải thoát nhiệm màu, phúc lạc, mà chỉ có
thể hình dung, phác họa, xây dựng những khái miệm hư huyễn, mê lầm về cảnh giới
Giải thoát.
Trang Tử cũng đã bảo:
“Cổ giả vô dĩ dữ hồ văn chương
chi quan, lung giả vô dĩ dữ hồ chung cổ chi thanh. Khởi duy hình hài hữu lung
manh tai, phù tri diệc hữu chi !”
Nam Hoa Kinh, thiên Tiêu Dao Du.
(Người mù lấy gì để thấy được
hình sắc của hoa văn, người điếc lấy gì để nghe được âm thanh của chuông trống.
Đâu phải chỉ hình hài mới mù điếc, tâm trí cũng mù điếc vậy !).
Có sự hiểu biết sáng suốt, tận
tường, nhưng cũng có cái nhận biết mê lầm, mù quáng. Nhận biết qua kinh nghiệm,
thành kiến, khái niệm là cái thấy biết thiên lệch, méo mó, lầm lạc, bất toàn,
hạn hẹp. Đây là hình thức mù điếc của tâm trí. Kinh nghiệm, kiến thức, tư
tưởng, ý niệm hoàn toàn không thể hình dung, nhận biết, lãnh hội, thông đạt
được thế giới vô niệm, cảnh giới giải thoát thanh bình, sáng suốt, an lạc, tinh
khôi, vi tế, vắng lặng mọi hình thức vọng động, mê lầm, phiền não. Chỉ có cái
tâm Không, cái tâm vô ngã, vô niệm, vô chấp, vô cầu, minh linh, tịch lặng của
bậc đạt Đạo mới chứng nghiệm, thể nhập, cảm thông, lãnh hội, thấu đạt được cảnh
giới giác ngộ, giải thoát.
Tuy nhiên, để thỏa mãn đầu óc sơ cơ, hiếu kỳ
của những “người mù sờ voi”, chúng ta thử cố nhặt nhạnh, thu gom những kiến
thức vụn vặt, tản mạn đó đây, để cố hình dung trong tâm tư đầy ắp vọng niệm,
những hình ảnh về Tâm thức Giải Thoát, dù đó chỉ là việc làm ấu trĩ.
Đạo Phật khẳng định mọi
người đều có sẵn Chân Tâm, Phật Tánh, và đều có khả năng giác ngộ, giải thoát,
tận diệt vô minh, giải trừ phiền não.
Theo Ramakrishna (1834 –
1886), vị Đạo Sư nổi tiếng Ấn Độ trong thế kỷ 19 thì:
“Một người chỉ cần bỏ ra
1/10 năng lực mà họ dùng để theo đuổi tiền tài, danh vọng, sắc đẹp...vào việc
tu dưỡng tinh thần, thì họ có thể đắc đạo ngay trong cuộc đời hiện tại này”.
J. Krishnamurti còn đi xa hơn
nữa:
“Một người bình thường
thất học, mù cả hai mắt, cụt cả tay chân, vẫn có thể thành đạt hạnh phúc giải
thoát ngay trong cuộc sống này”.
Ông vẫn bảo:
“Bản chất của mặt hồ là thanh
bình, phẳng lặng, sở dĩ nó xôn xao, dậy sóng là vì có gió thổi. Chỉ cần gió
ngưng thổi, mặt hồ sẽ trở về trạng thái bình an, vắng lặng ban đầu”.
Tâm thức con người cũng vậy, nó
bất an, vọng động, phiền não, là do ý niệm, tư tưởng vô minh, tham dục vị ngã
quấy phá. Khi những vọng tưởng, tập niệm, tham dục bị bứng gốc, tận diệt, Chân
Tâm bản lai, tự do, thanh bình, an lạc lại sáng tỏ, thường hằng.
B. Cảnh giới Niết Bàn (Nibbana)
Tâm thức Giải Thoát tức Cảnh
Giới Niết Bàn (Nibbana hay Nirvâna) hay Chân Tâm, Tự Tính, cái sống tự nhiên
nơi con người, là tâm thái uyên nguyên, bản lai vô nhiễm, có sẵn ở mỗi người,
vô cùng tịch lặng, trong sáng, cực kỳ mới lạ, tự do, tự tại, thanh bình, an
lạc, chan hòa tình thương tới muôn loài, muôn vật. Khi hoát nhiên trực ngộ Chân
Tâm, chứng nghiệm cảnh giới Niết Bàn, Tâm thức Giải Thoát, Lục Tổ Huệ Năng đã
phải sửng sốt reo lên:
“Hà
kỳ Tự Tính bản thanh tịnh !
Hà kỳ Tự Tính bản bất sinh diệt !
Hà kỳ Tự Tính bản tự cụ túc !
Hà kỳ Tự Tính bản vô động dao !
Hà kỳ Tự Tính năng sinh vạn pháp !”.
Pháp Bảo Đàn Kinh. Phẩm Hành Do.
(Đâu
ngờ Tự Tính vốn thanh tịnh !
Đâu ngờ Tự Tính vốn không sinh diệt !
Đâu ngờ Tự tính vốn tự đầy đủ !
Đâu ngờ Tự tính vốn không dao động !
Đâu ngờ Tự Tự Tính sinh ra vạn sự, vạn vật
!).
Cảnh giới Niết Bàn, Tâm Giải
thoát, mà Kinh Upanishads (Áo Nghỉa Thư) của Ấn giáo gọi là Turiya hay trạng
thái Tâm thức thứ tư, gồm những đặc tính như: Trí Tuệ siêu việt, Từ Bi vô hạn,
Hạnh Phúc viên mãn.
I. Trí Tuệ siêu việt
Trong phần Hình Nhi Thượng của
Nho Giáo, bậc tu dưỡng đạt đạo tột cùng được gọi là Thánh Nhân. Bậc Thánh Nhân
thì chí nhân, chí thiện, chí tĩnh, không tư tâm, tư dục, thông suốt Bản Thể
uyên nguyên của Vũ Trụ (tức Thái Cực), tương cảm, tương ứng với Thiên lý, biết
được cái Nguyên Tính của muôn vật, hành sử luôn trung chính, hợp với đạo Thái
Hòa của trời đất, đức sánh ngang với trời đất, góp phần vào sự hóa dục của
thiên địa, vạn vật.
Tâm Giải thoát là tâm hư vô, tâm
không, tâm vô trước, vô nhiễm, trong sáng, sạch làu mọi vọng niệm. Bậc Giác Ngộ
không hồi tưởng, tái tạo những cảm nhận, những hình ảnh của thực tại để lưu
giữ, cưu mang, tích lũy, gom chứa để kiến tạo cái Ta ý niệm.
Tam Tổ Tăng Xán (? – 606),
trong Tín Tâm Minh, bảo:
“Nhất
thiết bất lưu, vô khả ký ức”
(Không lưu giữ bất cứ ý niệm
nào, không có vấn đề ghi nhớ). Tâm Giải thoát không lưu giữ một mảy may vọng
tưởng, kinh nghiệm, những dấu vết dĩ vãng, những cặn bã quá khứ.
J. Krishnamurti cũng
khuyên mọi người:
“Se
liberer du Connu”
(Hãy buông bỏ tất cả sở tri, sở kiến).
Không lưu giữ ý niệm, không ghi
nhớ, buông bỏ mọi sở tri, sở kiến có nghĩa là trút sạch toàn bộ những tâm tư,
vọng tưởng vị ngã mê lầm, chứ không phải quên bỏ tất cả những ký ức về sự kiện,
vốn tối cần cho cuộc sống.
Trong tiến trình “kích thích _ cảm nhận _ xử lý _ đáp ứng”,
khâu xử lý cực kỳ bén nhậy, sáng suốt tức thời, không có sự can thiệp của chủ
thể tư tưởng, nên tiến trình hầu như chỉ là “kích
thích _ đáp ứng” diễn ra đồng
thời, hợp nhất và tức khắc. Đó là tâm thái Đạo Học gọi là tâm “Vô trụ”, “Ứng
nhi bất tàng”, “Dụng tâm nhược kính”, “Tri hành hợp nhất”, không dừng, không
bám, không chứa, không lưu, trong sáng, sạch làu như gương soi, tiếp nhận và
ứng phó hợp nhất làm một.
Tâm giải thoát như mặt hồ
phẳng lặng, phản chiếu tức thời hình ảnh đàn cò trắng bay qua. Khi đàn cò trắng
bay đi, mặt hồ lại trong sáng, sạch làu, không lưu lại mảy may dấu vết. Cũng
vậy, khóm trúc lao xao khi gió động, nhưng lại tịch lặng, im lìm, phăng phắc
lúc ngọn gió qua đi, không lưu lại một chút xôn xao, vọng động.
Tâm Giải Thoát được Trang Tử
phác họa như sau:
“Tận kỳ sở thụ hồ thiên, nhi vô
kiến đắc, diệc hư nhi dĩ ! Chí nhân dụng tâm nhược kính: bất tương, bất nghịch,
ứng nhi bất tàng…”
(Tiếp nhận tất cả những gì từ sự
vật, mà không thủ đắc gì cả, vì nó vốn là trống không ! Bậc đạt Đạo thể hiện
tâm như gương soi: không chạy theo, không chống đối, cảm nhận mà không tích
chứa….).
Tâm người đạt Đạo là tâm vô
trước, tâm Không tuyệt đối như gương soi, cảm ứng vẹn toàn với sự vật, tuyệt
không chủ ý, dụng tâm ghi khắc, tích lũy, cưu mang để nhận xét, cân nhắc, so
đo, lựa chọn.
Bankei (1622-1693), một
thiền sư đạt Đạo lừng danh Nhật Bản trước đây, nói:
“Tâm Phật (tâm Giác Ngộ) cũng ví
như gương soi, nó không cố ý phản chiếu hay không phản chiếu. Vì không có ví dụ
nào tốt hơn nên tạm dùng gương soi để ví với tâm Phật. Thực ra, tâm Phật thường
chiếu, diệu dụng gấp vạn lần gương soi. Dù cho miệng bạn rộng lớn tới mức có
thể nuốt trọn cả trời đất cũng không thể diễn tả hết được tâm Phật bằng lời”.
Khi được vua Lê Dụ Tông hỏi:
“Thế nào là ý của Phật?” (Tâm thái của bậc đạt Đạo ra sao?), thiền sư Hương Hải
(1628-1715), dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam, đã trả lời:
“Nhạn
quá trường không
Ảnh
trầm hàn thủy
Nhạn
vô di tích chi ý
Thủy
vô lưu ảnh chi tâm”.
(Nhạn
bay trên không trung
Bóng
nó soi trên mặt nước
Nhạn
tuyệt không có ý để lại dấu vết
Nước tuyệt không có tâm giữ lại hình ảnh)
Dù sự vật có tuyệt mỹ, tuyệt vời
tới đâu, tâm Giải Thoát cũng không dừng lại để chạy theo, đuổi bắt, níu kéo
hình ảnh của thực tại để hồi tưởng, tái tạo, nhìn lại, hình dung lại, sống lại
những tàn dư, cặn bã quá khứ, mà sống trọn vẹn cho cái hiện tiền, cái đang hiện
hữu. Trong thế giới tư tưởng, kinh nghiệm, chúng ta không đối diện trực tiếp
với sự kiện, mà tiếp xúc với sự kiện qua lăng kính ý niệm, do đó không thấy
được vạn hữu một cách rõ ràng, trung thực. Trái lại, tâm Giải Thoát tiếp xúc,
cảm nhận, cảm thông trực tiếp với thực tại đang hiện tiền, nên thấy sự vật y
như thực tướng của nó, y như nó đang là, đang hiện hữu. “Tiếp nhận _ đáp ứng”, “cảm _ ứng”, “tri – hành”
xảy ra tức khắc, đồng thời, không có sự can thiệp của tư tưởng, nên cách hành
sử của bậc Giác Ngộ là vô vi, không cân nhắc, so đo, tính toán, lựa chọn, liên
kết nhân quả, mà vô cùng linh hoạt, minh mẫn tuyệt đối, bén nhạy cực kỳ, diệu
dụng vô biên, thiện hảo cùng cực, tự nhiên đồng nhất với cái phải, cái đúng,
cái đẹp. Thông thường, chúng ta sử dụng kiến thức, tư tưởng như một phương tiện
vạn năng, để đối phó với mọi vấn đề, mọi tình huống. Với bậc Đạt Đạo, câu trả
lời, sự đáp ứng, hành động mà còn đi sau sự suy nghĩ, tính toán, tiên lượng thì
không còn tự do, sáng suốt nữa. Tự do tuyệt đối là không có gì phải do dự, dò
dẫm, cân nhắc, lựa chọn.
Tâm bậc Đạt Đạo luôn luôn ở
trạng thái quân bình, trung chánh, không nghiêng lệch về một cực đoan nào. Phật
dạy con đường “Trung Đạo”, Nho giáo đề xướng đạo “Trung Dung”, Lão Tử khuyên
“Khứ thậm, khứ xa, khứ thái”, Trang Tử nêu thuyết “Thiên Quân, Tề Vật”, Đông Y
chủ trương “Quân bình Âm Dương”...tất cả đều nói lên cái tâm không thiên chấp,
vô phân biệt của Đạo Học.
Trang Tử bảo:
“Chân
Nhân giả, tâm đồng Thái Cực, đức khế Lưỡng Nghi”.
(Tâm bậc Giác Ngộ đồng nhất với
Thái Cực, bao gồm cả 2 mặt Âm Dương đối đãi).
Tâm Giải thoát không thiên
chấp, chạy theo, bám víu vào một cực đoan ý niệm, một thành kiến tư tưởng, hay
một khuôn mẫu giá trị nào.
Tam Tổ Tăng Xán bảo:
“Cứu cánh cùng cực, mạc tồn quỹ tắc”
(Cái
cùng cực của tâm thái Đạt Đạo là không bám víu vào một khuôn pháp, chuẩn mực
nào cả).
Với bậc Giải Thoát, không
có sự phân biệt giữa điều chính yếu và điều không chính yếu, giữa hơn và kém,
giữa trọng và khinh, giữa thiện ác, thị phi, tốt xấu, thành bại, vinh nhục, đắc
thất, thọ yểu, sinh tử, quý tiện, thân sơ...Đó là cái tâm điềm đạm, vô phân
biệt, tâm bình đẳng, tâm bất nhị, tâm vô giản trạch, tâm như như, không chia
cách chủ thể và đối tượng, tâm năng và tướng sở, ta và người, bản ngã và sự
vật, lý và sự......
Phật dạy: “Ta Bà tức Tịnh Độ, Phiền Não tức Bồ Đề”.
Lão Tử bảo:
“Khúc tắc toàn. Uổng tắc trực. Oa tắc doanh. Tệ tắc tân. Thiểu tắc đắc. Đa tắc
hoặc…Cao dĩ hạ vi cơ. Quý dĩ tiện vi bản…Kiệm cố năng quảng”
(Cái gì khuyết để lại toàn. Cái
gì cong rồi lại ngay. Cái gì vơi để rồi lại đầy. Cái gì cũ để rồi lại mới. Cái
gì ít để rồi lại được. Cái gì nhiều để rồi lại mê… Cao lấy thấp làm nền. Sang
lấy hèn làm gốc… Dè sẻn mới có thể rộng rãi).
Khổng Tử nói:
“Vô khả, vô bất khả” (Không có gì nhất định là nên, không có gì
nhất định là không nên).
Tam Tổ Tăng Xán nói:
“Chí Đạo vô nan. Duy hiềm giản trạch...
Mê sinh tịch, loạn. Ngộ vô hảo, ác...
Vi, thuận tương tranh. Thị vi tâm bệnh...”
(Đạo lớn không khó. Cốt đừng lựa
chọn...Người mê mới phân biệt cái tịnh và cái động. Bậc Giác Ngộ không chia
cách tốt, xấu...Phải trái chống nhau chính là tâm bệnh...).
Tất cả các lời nói trên đây đều mang nội dung
nhất quán là nói lên cái Tâm thức nhất như, bất nhị, cái nhãn quan bình đẳng,
không thiên chấp, vô phân biệt giữa 2 mặt không thể tách rời nhau của sự vật:
Mặt này hiện hữu không thể thiếu vắng mặt kia, chúng đối đãi để tương tùy,
tương tác, tương thành chứ không phải để chia cắt, tách biệt, kình chống nhau,
hủy diệt nhau.
Vì không thiên chấp, nghiêng
lệch, bám víu vào những giá trị ý niệm như đúng sai, phải trái, tốt xấu, hơn
kém, khinh trọng, tôn ti, phúc họa...mà coi vạn sự bình đẳng, như nhau, nên tâm
Giải Thoát không có cái tiêu đích nào để vươn tới, để thành đạt, để mong cầu dù
đó là mong cầu về danh, lợi, tình, về sức khỏe, về hạnh phúc hay về một cứu
cánh cao cả, một lý tưởng siêu phàm, thiêng liêng, thánh thiện nào.
Quan sát thiên nhiên, vạn
sự bằng một cái nhìn thấu tình, đạt lý, ta thấy nhãn quan của bậc Giải Thoát là
vô cùng cao viễn, thâm thúy, khôn ngoan, minh triết, siêu phàm...Cái ấm, nóng
của Xuân, Hạ tận cùng thì nẩy sinh cái mát, lạnh của Thu, Đông. Ngày và đêm,
sáng và tối thay phiên nhau. Sông, biển hết đầy rồi lại vơi, hết vơi lại đầy.
Trăng tròn rồi khuyết, hết khuyết lại tròn. Hai mùa mưa nắng thay phiên nhau để
các sinh vật sinh thành rồi hoại diệt, hoại diệt rồi sinh thành. Hô hấp là hít
vào và thở ra luân phiên, bất tận. Thất bại là mẹ thành công: Họa sinh ra phúc.
Cao dĩ hạ vi cơ, quý dĩ tiện vi bổn: Lao động vất vả sinh ra giàu sang, trí
thức, an nhàn.Người ở vị thế quyền cao, chức trọng là nhờ sự đóng góp tiền của,
công sức, lá phiếu của nhân dân lao động. Ông trí thức, học vị, kiến thức cao,
xa là nhờ người nông dân chân lấm tay bùn, làm ra hột gạo, nuôi sống ông ăn
học. Những kiến trúc nguy nga, sự sạch sẽ, mỹ quan, hoa lệ của thành phố là
thành quả lao động của công nhân xây dựng, công nhân vệ sinh quét đường, hốt
rác, moi cống, hút hầm cầu. Tệ tắc tân: Cây cối xanh tươi, hoa thơm, trái ngọt,
được kiến tạo từ phân, rác mục nát. Rõ ràng ta thấy vạn vật diễn biến theo
những chu kỳ hiện hữu, gồm hai mặt Âm Dương đối đãi, không phải kình chống
nhau, tiêu diệt nhau mà thúc đẩy nhau, sinh thành nhau, luân phiên nhau: sinh
tử, thành hoại, thịnh suy, bĩ thái, cam khổ, cùng thông, tụ tán, hợp tan, trị
loạn, quý tiện, đắc thất, tồn vong, cao hạ, phúc họa, hư doanh, tiêu trưởng,
sáng tối, nóng lạnh...
Với đầu óc đầy ắp những sở tri,
sở kiến, khuôn mẫu giá trị, thành kiến tư tưởng, chúng ta phân biệt rõ ràng hai
mặt đối lập của sự vật: đúng sai, tốt xấu, phải trái, hơn kém, phúc họa, khinh
trọng, cao thấp, ta người, sinh tử...Ta luôn luôn chạy theo, vươn tới, nắm giữ,
chiếm đoạt, củng cố, phát triển cái mà ta cho là tốt đẹp, phúc lợi, sang trọng,
thiện hảo, ưu việt, cao thượng và cố gắng né tránh, đẩy lùi, loại trừ, triệt
tiêu cái mà ta cho là xấu xa, tai họa, sai trái, thấp hèn, thua thiệt, mất mát.
Trong quá trình phân biệt, so đo, chọn lựa, tâm ta luôn bất an, vọng động, nơm
nớp lo sợ xảy ra sự việc trái nghịch, đối ngược với điều ta đang mưu cầu. Và
khi sự việc diễn ra không như dự kiến, ta bất mãn, buồn phiền, đau khổ. Trái
lại, tâm Giải Thoát không thiên chấp vào một khuôn mẫu, một cực đoan ý niệm
nào. Cái thấy biết và cách hành sử của chúng ta thì hoàn toàn thiển cận, ấu
trĩ, mê lầm, mù quáng, sai trái, tai vạ, mà ta cứ cho là hợp tình, hợp lý: Ta
chỉ muốn có sáng mà không có tối, chỉ muốn có trẻ đẹp, thanh xuân không có già
nua, cằn cỗi, chỉ muốn duy trì, củng cố, kéo dài bất tận cái sống mà né tránh,
trốn chạy, trấn áp, đẩy lùi, thủ tiêu cái chết, chỉ có mùa Xuân mà không có mùa
Đông, chỉ muốn có sinh thành, hưng thịnh, phát triển, trường tồn, thủ đắc, thâu
gom, chiếm hữu, thành công, phúc lợi, đoàn tụ, quen thuộc...mà không có hoại
diệt, suy tàn, suy thoái, huỷ diệt, mất mát, tan biến, hư hao, thất bại, tai
họa, chia ly, xa lạ...Ta chỉ muốn giàu sang, hưởng thụ, an nhàn mà không muốn
lao động, cực nhọc, ta chỉ quý trọng, vươn tới cái cao sang, hoa mỹ, trí thức
mà chán ghét, xua đuổi, chạy trốn cái bình dân, chất phác, quê mùa. Ta đã phản
tự nhiên, phi thực tại, và cuộc sống của ta đã chồng chất những bất an, bất
mãn, âu lo, loạn động, phiền não vì “nghịch thiên” bao giờ cũng “giả vong”, làm
sai tự nhiên là hiển nhiên chuốc lấy tai vạ.
Tâm Giải Thoát thấy hai
mặt đối đãi Âm, Dương không đối lập, chống đối, loại trừ, triệt tiêu nhau mà
nương dựa nhau, bổ túc nhau, thúc đẩy nhau, nối tiếp nhau, sinh thành nhau,
không thể thiếu vắng nhau: họa sinh phúc, bại sinh thành, thịnh sinh suy, nóng
sinh lạnh, sáng sinh tối, tiện sinh quý, thất sinh đắc, vơi sinh đầy, cũ sinh
mới, Phiền Não là gốc của Bồ Đề, Ta Bà nẩy sinh Tịnh Độ, khổ tận thì cam lai,
bĩ cực thì thái lai. Tâm Giải Thoát không cổ xúy, đề cao, vươn tới, phát triển
điều mà thế nhân cho là phúc lợi, tốt đẹp, cao quý, thành đạt và bài xích, trấn
áp, tiêu trừ điều mà thường tình cho là tai họa, xấu xa, thấp hèn, thua thiệt,
không tính toán, so đo, chọn lựa, lấy, bỏ giữa thiện ac, thị phi, thành bại,
vinh nhục, đắc thất, thọ yểu, sinh tử, quý tiện, thân sơ...Tâm bậc Giác Ngộ
không bám víu vào cái thiện, cái đúng, cái đẹp nên không vướng mắc vào cái ác,
cái sai, cái xấu. Tâm còn giằng co, tranh chấp, giữa phải trái, đúng sai, còn
chọn lựa giữa điều thiện và điều ác chính là tâm bất thường, bất an, không thanh
bình, vắng lặng, tâm điên đảo, tâm bệnh vậy.
Tâm Giải Thoát hòa đồng với cái
Đại Toàn Thể, hợp nhất với Bản Thể Uyên Nguyên của Vũ Trụ vạn Vật, nên thấy vạn
hữu là một, năng, sở là một, chủ thể và đối tượng hợp nhất, không tách biệt cái
ta và cái không ta, cái Tiểu Ngã và Đại Ngã (Atman và Brahman). Đây là tâm Vô
Ngã hòa đồng, cộng thông, hợp nhất với vạn sự, vạn vật.
Tam Tổ, trong Tín Tâm Minh, nói:
“Chân Như Pháp Giới.
Vô tha vô tự…..
Nhất tức nhất thiết.
Nhất thiết tức nhất”
(Cảnh giới Giải Thoát không
phân biệt ta và người… Một là tất cả.Tất cả là một)..
Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713), một Thiền sư
nổi tiếng đời Đường, trong Chứng Đạo Ca đã viết:
“Tâm thị Căn, Pháp thị Trần
Lưỡng chủng do như cảnh thượng ngân
Ngân cấu tận trừ quang thể hiện
Tâm, Pháp song vong Tánh tức Chân”
(Tâm là Căn, Pháp là Trần
Hai cái như vết bụi trên gương soi
Khi bụi bám không còn thì sự trong sáng hiển
lộ
Tâm và Pháp đều quên sạch tức Tánh Chân thật).
Tánh Chân Thật, tức tâm Giải
Thoát là tâm vong bặt cả chủ thể (tức Tâm, hay Căn tức cái ta, cái tôi, bản
ngã) và đối tượng (tức Pháp hay Trần, tức tha nhân, ngoại vật).
Đạo Tâm là nhập lưu, hòa mình,
hội nhập làm một với dòng sống chung của vạn hữu đang trôi chảy, luân lưu, diễn
biến vô thường, bất tuyệt, là cảm nhận trực tiếp thực tướng của sự vật y như nó
đang hiện hữu, một cách tự do, thanh bình, tự nhiên, thoải mái, không mảy may
cố gắng, gượng ép nào. Tâm Giải Thoát chính là Tâm “Tiểu Ngã hợp nhất với Đại
Ngã” như tôn chỉ Yoga, hay Tâm “Thiên địa, vạn vật đồng nhất thể” (Trời đất,
muôn vật đồng nhất làm một) của Nho Giáo, hay Tâm “Huyền Đồng” của Đạo Giáo.
Hệ Từ Thượng của Chu Dịch đã
khẳng định:
“Vô vi dã, vô tư dã, tịch
nhiên, bất động, cảm nhi toại thông Thiên hạ chi cố”
(Không hành động, tìm tòi, không
suy tư, tính toán, mà chỉ yên lặng quan sát, lắng nghe và khi cảm nhận cộng
thông được là thấy hết, thấu hiểu được tất cả mọi sự việc, duyên cớ trong Thiên
hạ).
Đấy là cái thấy biết hòa
nhập, cộng thông, toàn tri, toàn giác, toàn bích, tức khắc, bao trùm, xuyên
suốt không gian (Trụ) và thời gian (Vũ) của tâm Giác Ngộ, chứ không phải cái
thấy biết do kinh nghiệm, kiến thức, suy luận, tư tưởng của Khoa Học duy lý và
thực nghiệm. Đạo Tâm không phải cái thấy biết đối đãi, tách biệt, cái nhìn từ
bên ngoài mà là cái thông suốt, thể nhập, hòa đồng với cái sống chung của sự
vật, là sự hòa nhịp, đồng điệu, rung động cùng tần số với bản Đại Hòa Tấu chung
của vạn hữu, một Trường Thống Nhất (Champ-Unifié=Unified Field) về vật chất,
năng lượng và thông tin, trong đó mọi sự, vật đều cộng thông, tương tác với
nhau. Tâm Giác Ngộ chính là tâm “Ngô tâm thị Vũ Trụ chi tâm” (Tâm ta chính là
tâm Vũ Trụ) hay tâm “Sự sự vô ngại” (Sự vật không ngăn cách), tâm “Tương tức,
tương nhập” (Sự này là sự kia, vật này lồng vào vật nọ), tâm “Nhất, đa tương
dung” (Một và nhiều dung chứa nhau, một là tất cả, tất cả là một) vậy. Theo sự
diễn tả của các Chân Sư, trong trạng thái hòa đồng, họ không còn phân biệt chủ
thể và tha nhân, ngoại vật: con đường, cánh đồng, trời, mây, sông, núi, cây cỏ,
người đi đường...và chính người thể nghiệm hợp nhất, hòa quyện với nhau trong
một cái Toàn Thể (The Whole).
J.Krishnamurti bảo:
“Hình như chúng ta không
bao giờ lắng nghe tiếng sủa của một con chó, tiếng khóc của một đứa trẻ, hay
tiếng cười của một người đi qua. Chúng ta tự tách biệt với mọi vật, và từ sự
tách biệt này, chúng ta nghe, nhìn vạn vật. Sự tách biệt này có tính chất hủy
hoại vì nó hàm chứa xung đột và rối loạn. Nếu lắng nghe tiếng chuông với sự
tĩnh lặng trọn vẹn, bạn có thể cưỡi lên nó, hay đúng hơn, tiếng chuông có thể
chở bạn băng qua thung lũng, vượt qua quả đồi. Bạn chỉ cảm nhận được cái đẹp
của sự tĩnh lặng ấy khi bạn không tách biệt với tiếng chuông, khi bạn là một
phần của tiếng chuông. Tâm thiền là dứt bỏ sự tách biệt, nhưng không bằng hành
động của ý chí hay mong cầu”
(We hardly ever listen to
the sound of a dog’s bark or to the cry of a child or the laughter of a man as
he passes by. We separate ourselves from everything, and then from this
isolation look and listen to all things. It is this separation that is so
destructive, for in that lies all conflict and confusion. If you listened to
the sound of bells with complete silence you would be riding on it, or rather,
the sound would carry you across the valley and over the hill. The beauty of it
is felt only when you and the sound are not separated, when you are part of it.
The meditative mind is the ending of the separation, but not by any action of
will and desire)
Khoa Học sử dụng giác quan, kinh
nghiệm, kiến thức, tư tưởng như một chủ thể quan sát để tìm hiểu Vũ Trụ như một
đối tượng bị quan sát. Như vậy, lý trí, tư tưởng đã tự tách mình ra khỏi vạn
hữu như một chủ thể cách biệt, độc lập, vọng động, thiên chấp, nên không thể
đồng nhất, cộng hưởng, rung động cùng tần số với Bản Thể Vũ Trụ vốn thanh tịnh,
vắng lặng, thông suốt, vô ngại, vô danh, vô ngôn, vô tướng, vô niệm. Do đó, cái
hiểu biết của khoa học có tính chất phiến diện, bất toàn, manh mún, vụn vặt,
thiếu sót, cục bộ, nông cạn. Suy tưởng dù cao viễn, thâm thúy, vi tế tới đâu,
bản chất của nó vẫn là những dao động. Chỉ có tâm thái vô niệm tuyệt đối, vong
bặt mọi hình thức tư tưởng, tĩnh lặng, linh mẫn cùng cực mới có khả năng hiệp
nhất, hòa nhập, thông suốt Bản Thể Uyên Nguyên của Vũ Trụ. Với nhãn quan Đạo
Học, thì Khoa Học nhị nguyên, tư tưởng không thể thấu hiểu Bản Thể Tuyệt Đối
của Vũ Trụ, không giải quyết được vấn đề minh triết và hạnh phúc.
Đạo Học cảm nhận, cảm thông trực
tiếp Bản Thể của sự vật bằng tâm thái rỗng không, vô niệm, vô tư, vô dục, trong
sáng, tĩnh lặng, hòa đồng, nên Đạo Tâm là cái thấy biết toàn bích, cội nguồn,
căn để, rốt ráo, bao trùm cả không, thời gian, vô cùng sáng suốt.
Tổ Sư Hiệp Khí Đạo
(Aikido), Morihei Uyeshiba (1882 – 1969), trong giây phút xuất thần, bừng tỉnh,
ông thấy bản ngã tan biến, để hòa đồng vào Vũ Trụ bao la, tràn ngập yên vui vô
hạn và tình thương mênh mông. Từ đó, ông sáng lập ra môn phái Aikido, một ngành
võ thuật dịu dàng, khoan hòa, nhân ái, đặt căn bản trên tình thương vô hạn của
trời đất, hiệp nhất khí lực con người với khí lực Vũ Trụ. Trong khi Gandhi
(1869 – 1948) đem Đạo Học vào chính trị với chủ trương “Bất Bạo động” thì
Uyeshiba đem Đạo Học vào võ thuật bằng môn võ hòa bình, nhân ái, phi bạo lực.
Đạo Sư Patanjali (thế kỷ thứ 5),
Tị tổ của Pháp Môn Yoga (được coi như chiếc xương sống của Đạo Học Ấn Độ), đã
viết trong kinh Yoga Sutras:
“Trong lịch trình tu chứng, lần
lượt khai mở bảy luân xa (Chakras), hành giả đạt những đạo quả như Thiên lý
nhĩ, Thiên lý nhãn, Tha tâm thông, Lậu tận thông”.
Tâm Lậu tận thông là tâm vô
thượng, hợp nhất với Đại Ngã tuyệt đối, thông suốt không gian vô biên, thời
gian vô hạn (thấy hết quá khứ vị lai), quyền năng siêu phàm...
Lão Tử bảo:
“Cổ chi thiện vi sĩ giả.
Vi diệu, huyền thông.
Thâm bất khả thức”
(Bậc Đạt Đạo xưa kia thì vi tế,
diệu mầu, huyền đồng, thông suốt, thâm viễn khôn lường).
Tâm bậc Toàn Tri, Toàn
Giác là tâm cộng thông xuyên suốt, cực kỳ minh triết, hòa đồng với tâm của cái
Đại Toàn Thể.
II. Từ Bi vô hạn
Lòng Nhân Hậu, đức Từ Bi
chính là tôn chỉ bất di, bất dịch của Đạo Học để đối phó với mọi vấn đề trong
cuộc sống, ngay cả khi đối xử với kẻ gian ác, bạo ngược, kẻ chủ mưu làm hại ta.
Trong kinh Pháp Cú
(Dhammapada), Phật Tổ bảo:
“Oán thù dứt oán thù,
Thế gian không hề có.
Từ bi diệt oán thù,
Ấy luật tắc ngàn thu”.
(Lấy thù hận đáp trả thù hận là
tiếp sức cho thù hận. Trên đời chưa bao giờ có chuyện oán thù tận triệt hết oán
thù. Lấy từ bi đáp lại oán thù, oán thù sẽ tiêu tan, tận diệt. Đấy là lẽ thực
của muôn đời).
Oán thù tạo sinh oán thù,
tình thương là phương thuốc vạn năng để chữa lành mọi căn bệnh hận thù. Đó là
luật tắc hiển nhiên của thập phương, tam thế, muôn chốn, muôn đời.
Tôn chỉ của Phật Giáo là:
“Dĩ ân báo oán”.
Lão Tử dạy:
“Báo oán dĩ đức…Thiện giả,
ngô thiện chi. Bất thiện giả, ngô diệc thiện chi…Thượng vi sĩ giả, bất vũ”
(Lấy đức báo oán….Với người tốt,
ta lấy điều tốt đáp lại. Với người không tốt, ta vẫn lấy điều tốt đáp lại…Bậc
Thượng Sĩ không có tâm địa, hành vi hung bạo).
Trình Y Xuyên (1033-1107), một danh Nho, nhà
luân lý đạo đức nổi tiếng đời Tống cũng có câu tương tự:
“Ư
ngã thiện giả, ngã diệc thiện chi. Ư ngã ác giả, ngã diệc thiện chi”
(Người
tốt với mình, mình tốt lại. Người xấu với mình, mình cũng tốt lại).
Sư Tổ Morihei Uyeshiba của Aikido khẳng định:
“Khi bạn vừa có ý định tấn công là bạn đã thua rồi”.
Hoàng Đế triết gia thời Cổ La Mã Marc Aurel
(thế kỷ thứ 2TCN) bảo:
“Cách
báo thù hay hơn cả là đừng bao giờ làm giống kẻ thù”.
Lấy hung bạo đối xử lại hung
bạo, oán hận sẽ chập trùng bất tận. Lấy ôn hòa đáp lại hung bạo, xung đột,
tranh chấp sẽ tận diệt.
Thánh Cam Địa, tức Mahatma
Gandhi (1869 – 1948) của Ấn Độ, đã lãnh đạo dân Ấn, dùng phương pháp “Bất Bạo
Động” để đối phó lại ách thống trị hung tàn của người Anh. Nghe lời ông, từng
dòng người thản nhiên, điềm tĩnh, không một nét căm thù, giao động, sợ hãi, sẵn
sàng đứng xếp hàng để vào tù, để lính Anh nạp vào nòng đại bác, trong các buổi
hành hình. Đây không còn là cái can trường, anh hùng, can đảm của người tráng sĩ,
mà là đức điềm đạm chí cực, là “cái Dũng của Thánh Nhân”, theo cách gọi của học
giả Nguyễn Duy Cần, khiến kẻ thù phải lạ lùng, sửng sốt và nhượng bộ.
Nhà hiền triết cổ Hy Lạp Socrate
(470-399) đã ung dung bình thản cầm chén thuốc độc uống cạn khi bị bọn đố kỵ vu
oan, bức tội.
Chúa Jesus vẫn tuyệt nhiên trầm
lặng, bao dung, tha thứ khi bị kẻ ác hành hình.
Nhị tổ Huệ Khả (486-593) vẫn
thản nhiên không một lời biện minh, chống đối khi bị xử giảo (chết chém) vì
những lời vu cáo của bọn xấu.
Đại sư Hám Sơn (1546-1623) bị
vua Minh sai dùng cực hình treo ngược, cắt da xẻo thịt, ép cung để cưỡng bách
hoàn tục và lưu đày ở Lĩnh Nam mười mấy năm. Trong những tình huống cực kỳ
nghiệt ngã ấy, Đại Sư vẫn nhẫn nhục tột cùng, nhất tâm chánh niệm, tuyệt không
vọng ngữ, sân hận…
Lão Đại Sư Hư Vân (1840-1960)
trong suốt 101 năm hoằng dương Phật pháp tại Hoa Lục, nhiều lần bị vu cáo, giam
cầm, tra tấn, đánh đập tới chết đi sống lại… vẫn một mực bình tâm niệm Phật,
không một lời kêu ca oán trách.
Chân Sư Maharishi Ramana (1879-1950),
bậc đạt Đạo nổi tiếng từ bi, minh triết, miền nam Ấn Độ, đã cho bọn cướp ăn
uống, tuyệt không một khởi tâm thù hận, ngay sau khi chúng lục phá đạo viện và
đánh đập ông bầm tím khắp người để khảo của, mà không thấy có tiền bạc, tài sản
gì.
Đó là những tấm gương nhân từ
tuyệt đích của toàn Nhân Loại. Tâm bậc Đạt Đạo, người đã bước qua cánh cửa Giải
thoát, đặt chân vào cõi Thiên Đường, Cực Lạc, Niết Bàn, Tịnh Độ, rung động với
tần số thanh cao, vi diệu, đoạn diệt tất cả mọi phiền não vi tế, nhỏ nhiệm nhất
của trần gian tục lụy, vong bặt cả cái hữu lý cũng như cái phi lý, siêu việt
các đối đãi như sinh tử, vinh nhục, thiện ác, phúc họa, thân sơ, ân oán… vắng
lặng tất cả mọi rung động sân hận, oán thù… chỉ tràn ngập một tình thương tự
nhiên, vô điều kiện, mênh mông, vô biên, vô hạn…
Với bậc Giác Ngộ, vạn hữu diễn
ra như một thế giới hiện tượng, một trường sáng tạo, luân lưu bất tuyệt, nhất
kiến, bất khả tái kiến, nhật tân, nhật nhật tân, đổi mới không ngừng, tinh khôi
trong từng giây khắc. Cái diễm phúc chan hòa, cái yên vui tràn ngập, có khuynh
hướng tự nhiên là chia sẻ, ban phát cho vạn sự, vạn vật: đó là tình thương tự
nhiên, vô vụ lợi, vô kỷ, mênh mang, bao la, vô hạn, đó là chính là Tâm Từ Bi,
Tâm Vô Ngã, Tâm Đại Bình Đẳng không thân, không sơ, không khinh, không trọng,
không bạn, không thù, không hàm ân, không di hận, chỉ chan hòa tới mọi người,
muôn vật một tình thương mênh mông, vô hạn, đồng đều, bình đẳng, như nhau.
Krishnamurti bảo:
“Từ bi là hình thức cao nhất của
Trí tuệ. Tình thương thì tự nhiên, không động cơ, không mục đích, như một đóa
hoa tỏa hương thơm không phải vì người ngửi nó hoặc người quay lưng với nó. Từ
bi chỉ xuất hiện khi hoàn toàn vắng mặt Bản Ngã. Khi tâm bạn đầy ắp những ý
kiến, so đo, ghen tị, thèm khát, mong muốn chiếm hữu, vươn tới, trở thành… thì
làm sao bạn có được tình thương yêu đích thực. Trong khói đen dày đặc không thể
xuất hiện ngọn lửa trong sáng, thuần khiết”.
III. Hạnh Phúc viên mãn
Đạo Học không phung phí thời
giờ, trí tuệ, năng lực để tìm hiểu Vạn Hữu bằng lý trí, tư tưởng mà dành tất cả
cho việc giải thoát đau khổ, tận diệt phiền não, một vấn đề cực kỳ cấp bách như
việc cấp cứu một người bị trúng tên độc của kẻ thù. Không lo giải thoát đau khổ
trước, mà lại dụng công lãng phí vô ích dùng suy luận, tư tưởng, kiến thức để
giải thích Nhân Sinh, Vũ Trụ thì chẳng khác nào người bị trúng tên không chịu
cho chữa chạy, mà nằng nặc đòi tìm hiểu về lai lịch vòng vo của kẻ thù.
Phật bảo: “Cũng như nước biển của tất cả các đại dương có
chung một vị mặn, Chánh Đạo ở đâu cũng chỉ toát ra một hương vị, đó là hương vị
giải thoát mọi đau khổ, phiền não”.
Tôn chỉ của Đạo Học là
nhất quán: Đạo Học không chủ trương tu luyện thần thông, vì cầu mong thành đạt
những quyền năng siêu phàm, vẫn là cuồng vọng vị kỷ của bản ngã. Thần thông chỉ
là quả đắc tự nhiên của tâm Giác Ngộ. Phật Tổ đã không tán thành công phu khổ
luyện 40 năm của một đạo sĩ có tài đi trên mặt nước để qua sông. Đạo Học không
tìm kiếm những điều kỳ dị, phi thường, bí ẩn ở bên ngoài mà chỉ có cứu cánh duy
nhất là đoạn diệt đau khổ, thấy lại sự an bình tuyệt đối, vốn có của nội tâm.
Khi tâm ta thanh bình, vắng lặng thì sự vật bình thường nào, hoàn cảnh, môi
trường nào cũng là tuyệt trần, nhiệm màu, phúc lạc.
Kinh Yoga Vasishitha viết:
“Với bậc Yogi Đạt Đạo, thì một
vương quốc rộng lớn nhất trần gian cũng chỉ như một chiếc lá khô đang lìa
cành”.
Với bậc Giải Thoát thì ngay cả
Niết Bàn, Tịnh Độ cũng chỉ là ảo vọng, hão huyền, hư huyễn thêu dệt, vẽ bày bởi
tư tưởng, ý niệm và Phiền Não chính là mầm mống của Bồ Đề, Ta Bà là manh nha
của Tịnh Độ. Với họ, Chân, Thiện, Mỹ không khác cái đang là, và mục tiêu, lý
tưởng, cứu cánh nằm ngay trong những hiện tượng bình thường đang hiện hữu.
Vì không bị thúc phược, gò bó,
qui định bởi ý niệm, tư tưởng, nên bậc Giải Thoát tự do, tự tại vô biên, vô sự
bất thung dung. Cách hành sử của bậc Giải Thoát dứt khoát, trọn vẹn, không có
cái tồn đọng, cái gác lại, cái dang dở, cái diên trì. Tâm họ là cảnh giới hư
vô, vắng lặng, trong sáng, sạch làu mọi tập nhiễm, chấp trước quá khứ, trút bỏ
gánh nặng dĩ vãng, gột sạch mọi tì vết, cặn bã, tàn tích đã qua.
Tâm Giải Thoát không lục lọi quá
khứ, bới đào dĩ vãng để truy tìm nguyên nhân, không vận dụng ký ức, kinh nghiệm
để nhận xét, nghiền ngẫm hiện tại, không tiên lượng, vẽ đặt tương lai để xem hậu
quả, không cần biết trong dĩ vãng sự vật đã từ đâu lại, và tương lai sẽ đi về
đâu, nên đã đoạn tuyệt sợi dây Nhân Quả, tự tại trong tâm thái vô sở tùng lai,
diệc vô sở khứ. Không lặn ngụp trong thế giới kinh nghiệm, ý niệm, kiến thức,
không hồi tưởng, tái tạo, tâm Giải Thoát không còn thấy sự vật diễn biến theo
chu kỳ thành, trụ, hoại, không, nên đã vượt thoát khái niệm, nhãn quan Luân
Hồi, Vô Thường, Sinh Tử. Tâm Giải Thoát không hoài niệm, không ước mong, không
trở thành, không vươn tới, nên tự do, tự tại, vô tha, vô ngã, trọn vẹn, viên
mãn, vĩnh cửu trong cái Như Thực, cái Đương Xứ, cái Hiện Tiền.
Khi vua Lý Thái Tông (thế kỷ 11)
hỏi ngài ở núi được bao lâu rồi, Thiền Sư Thiền Lão trả lời:
“Đản tri kim nhật, nguyệt.
Thùy thức cựu xuân, thu”
(Chỉ biết ngày tháng hiện tại.
Ai nhớ những năm xưa).
Buông bỏ gánh nặng quá khứ,
không truy nhân, không lượng quả, không liên hệ hiện tại với dĩ vãng với tương
lai, thoát khỏi ý niệm luân hồi, nhân quả, bậc Đạt Đạo sống tiêu dao, tự tại,
viên dung, vô ngại, không vấn đề, không đông, tây, không phàm thánh, không lâu,
mau, lớn, nhỏ, viên mãn, trọn vẹn trong hiện hữu, vĩnh cửu nơi đương xứ, nhất
niệm là vạn niên, thiên thu trong giây lát, một là tất cả, tất cả là một.
Tam Tổ Tăng Xán bảo:
“Tông phi xúc, diên,
Nhất niệm vạn niên.
Vô tại bất tại,
Thập phương mục tiền”.
(Thực Tại tuyệt đối, về thời
gian, không có phân biệt lâu, mau: một giây khắc là vạn năm. Nó cũng không có
gianh giới về không gian, không nơi nào là không hiện hữu: mười phương là cái
ngay trước mắt).
Thiền sư Khánh Hỷ bảo:
“Càn
khôn tận thị mao đầu thượng.
Nhật
nguyệt bao hàm giới tử trung.
Đại
dụng hiện tiền quyền tại thủ.
Thùy tri phàm, thánh dữ tây, đông”.
(Cả trời, đất nằm trên đầu ngọn cỏ.
Mặt trời, mặt trăng ở trong một hạt cải.
Đại dụng hiện tiền nơi bàn tay.
Ai biết đâu phàm thánh với đông tây).
Giống y lời kệ của sư Khánh Hỷ, nhà thơ huyền
bí người Anh William Blake cũng có những vần thơ thấm nhuần nhãn quan tiêu dao,
thoát tục:
“Thấy cả Thế giới trong một hạt cát,
Và Thiên đường trong một bông hoa dại.
Nắm cái Vô hạn trong lòng bàn tay,
Và cái Thiên thu trong một giờ khắc”.
(To see a World in a grain of sand,
And a Heaven in a wild flower.
Hold Infinity in the palm of your hand,
And Internity in an hour).
Trong cảnh giới Giải Thoát, khái niệm về không
gian, thời gian của cái ta quen thuộc, nông cạn, nhỏ bé, bưng bít, tách biệt,
hoàn toàn vong bặt.
J.Krishnamurti bảo:
“Cái tuyệt mỹ của thiền tâm là ở chỗ bạn không
hề biết bạn đang ở đâu, bạn đang đi về đâu, cái chung cuộc ra sao”
(The beauty of meditative mind
is that you never know where you are, where you are going, what the end is).
Theo ông, một cái tâm tự do, tịch lặng, sáng
suốt không còn tìm cầu gì cả:
“Tìm cầu
những chứng nghiệm bao la hơn, thâm thúy hơn, siêu việt hơn là một hình thức
trốn chạy cái thực tại đang là. Một cái tâm thức tỉnh, sáng suốt, tự do tại sao
lại cần sự chứng nghiệm, tại sao lại phải có sự chứng nghiệm? Ánh sáng là ánh
sáng, ánh sáng không cần thêm ánh sáng”
(To seek for wider, deeper, transcendental
experiences is a form of escape from actual reality of what is. A mind that is awake,
intelligent, free, why should it need, why should it have, any experience at
all? Light is light, it does not ask for more light).
Ông lại bảo: “Cuộc sống như vậy vì nó như vậy. Mục đích cuộc sống nằm ngay trong
những cái nó đang là. Một người sống trọn vẹn cho cuộc sống, không bao giờ hỏi
mục đích cuộc sống là gì? Tại sao lại phải đặt mục đích cho nó? Rõ ràng mục
đích được nêu ra chỉ là phóng hiện của tư tưởng... Giữa một người ngày đêm chăm
chăm lo tu dưỡng để đạt cứu cánh Giải Thoát, Giác Ngộ và một người bôn ba mưu
cầu danh lợi, sự cuồng vọng đều như nhau”.
Cầu mong dù thô đại, dung phàm, thông tục hay
thanh cao, vi tế, thánh thiện nào cũng đều là những tham vọng vị kỷ. Tâm Giải
Thoát thì tuyệt đối vô cầu.
Tổ Nam Tuyền (749 – 835) bảo:
“Bình
thường tâm thị Đạo”
(Cái
tâm bình thường, tự nhiên, hàng ngày chính là Đạo đó).
Khi vua Lý Thái Tông hỏi
về sinh hoạt thường ngày của ngài ở trên núi, Thiền sư Thiền Lão bảo:
“Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh.
Bạch vân, minh nguyệt lộ toàn chân”
(Trúc biếc, hoa vàng không cảnh khác.
Trăng thanh, mây trắng hiện toàn chân).
Với tâm Giải Thoát, hạnh phúc
vẹn toàn không phải tìm kiếm, săn lùng ở đâu xa, không phải ở cõi Thiên Đường,
Tịnh Độ, Cực Lạc nào, không phải bằng những pháp môn tu luyện khổ hạnh, huyền
bí nào, cũng không phải bằng cách tích lũy của cải, danh vọng, tình yêu, kiến
thức, hay truy tìm những cảm giác khoái lạc, mới lạ trong những trò giải trí lãng
phí, cầu kỳ... mà cái tuyệt mỹ, tuyệt thế, tuyệt trần, phi phàm, tuyệt diệu,
thanh bình, phúc lạc... nằm ngay trong những sự vật giản dị, bình thường, đang
hiện bày trước mắt ta như trúc biếc, hoa vàng, trăng thanh, gió mát, hoặc trong
những cảm nhận, đáp ứng tự nhiên của tâm thân ta với vạn hữu, hay trong những
sinh hoạt bình thường đang diễn ra hàng ngày như ăn uống, làm lụng, ngủ nghỉ...
Có thiên chấp, mong cầu là có
bất an, vọng động. Tâm Giải Thoát tuyệt đối vô chấp, vô cầu nên thanh bình,
vắng lặng, thường tịch tuyệt đối. Tuy sống giữa chợ đời đa đoan, náo nhiệt
nhưng tác phong của bậc Giác Ngộ vẫn ẩn tích, mai danh như hoa ngàn, cỏ nội,
nói rất nhiều nhưng phong thái của họ vẫn tịch nhiên, trầm lặng, vẫn “bất ngôn
chi giáo”. Phật Thích Ca, qua 45 năm lang thang thuyết pháp khắp vùng châu thổ
sông Hằng, vẫn tuyên bố không nói một lời nào, vẫn được người đương thời gán
cho danh hiệu “Đạo Sư Sakya trầm lặng”
(Sakya Mouni: Thích Ca Mâu Ni).
Theo bà Darshani Deana,
một diễn giả tâm linh nổi tiếng Hoa Kỳ, trạng thái tĩnh lặng của nội tâm có thể
xác định bằng điện não đồ: Tâm lo nghĩ: Não phát sóng Bêta (tần số 22). Tâm
không lo nghĩ: Não phát sóng Alpha (tần số 10). Tâm Thiền Định thấp: Não phát
sóng Théta (tần số 4). Tâm Thiền Định sâu: Não phát sóng Delta (tần số 2). Tâm
Giải Thoát, hay tâm Samadhi Đại Định: kỹ thuật điện não đồ không đo được sóng
não, đây là tâm Giải Thoát, tuyệt đối thanh bình, vắng lặng.
Theo J.Krishnamurti, tâm thức
chúng ta luôn ở trạng thái giao động, xung đột, bất ổn, phung phí năng lực như
một cỗ máy tồi, luôn ma xát, va đập, phát ra những tiếng kêu ken két, trong khi
tâm tự do, giải thoát hoàn toàn an nhiên, tịch lặng như một loại máy tuyệt hảo,
vận hành hết sức trơn tru, êm ái, tịnh không một tiếng ồn.
Với các Fakirs Ấn Độ: máy nói sự
thực mất tác dụng, vì khi họ nói dối hay nói thật, tâm họ trầm lặng như nhau.
Nam Hoa Kinh kể về chuyện nhà
chiêm tinh nước Trịnh tên Quý Hàm có tài căn cứ vào tâm tư, dung mạo mỗi người,
đoán định vô cùng chính xác về vận mệnh con người. Nhưng nhà chiêm tinh tài ba
này hoàn toàn không thể biết gì, nói gì khi bậc Đạt Đạo là Hồ Tử, thầy của Liệt
Tử, thể hiện tâm thái Hư Không, hoàn toàn vắng lặng. Thiền Tông Trung Hoa cũng
đề cập giai thoại một thuật sĩ người Thiên Trúc có tài tha tâm thông, biết rõ tâm
tư mọi người, nhưng không thể hình dung, đoán định được tâm trạng của vị Thiền
Sư Quốc Sư khi vị này thể hiện tâm thái tuyệt đối vô niệm.
Tâm Đại Định, Tâm Giải Thoát,
Tâm Không là tâm vô niệm tuyệt đối, vong bặt mọi vọng tưởng, kể cả những giao
động vi tế nhất. Kỹ thuật điện não đồ, máy nói sự thật, các thuật sĩ tha tâm
thông, các nhà tiên tri, chiêm tinh, tướng số tài ba nhất … đều bất lực, không
thể thăm dò, lãnh hội, thấu đạt được thứ tâm thức vắng lặng cùng cực này.
Đạo Đức Kinh bảo:
“Cổ chi thiện vi Sĩ giả…
Đôn hề kỳ nhược phác.
Khoáng hề kỳ nhược cốc”
(Bậc Đạt Đạo xưa kia… mộc mạc như gỗ cây chưa
đẽo gọt, rỗng rang như hang núi).
Nội tâm bậc Giác Ngộ thênh
thang, trống vắng, thông suốt rỗng rang… như hang sâu thâm diệu, nhưng cốt cách
phong thái bên ngoài của họ lại hồn nhiên, chân chất, giản dị, đơn sơ, mộc mạc…
như gỗ cây chưa đẽo gọt.
Tề Vật luận và Tiêu Dao Du trong Trang Tử Nam
Hoa Kinh là hai thiên xiển minh tâm thái bình đẳng, tự do tuyệt đối của bậc
Chân nhân đạt Đạo. Tâm Giải Thoát không nghiêng lệch, thiên chấp, tự nhiên, như
nhiên, tự do, tiêu dao, ung dung, tự tại trong cái hiện tiền, cái như thực, cái
đang hiện hữu, thản nhiên, vô vi, không can thiệp vào sự đắp đổi, tương tiếp,
tương thừa, tương tác, tương thành giữa hai mặt đối đãi Âm Dương của Thực Tại
như doanh hư, tiêu trưởng, thịnh suy, bĩ thái, tồn vong, thành hoại, tử sinh,
đắc thất...vì “Thuận Thiên giả tồn” (thuận theo quy luật của Tự Nhiên thì tồn
tại) và Tự Nhiên là luật tắc vĩnh cửu của muôn đời.
Phong thái tiêu dao, tự tại của bậc Đạt Đạo
được Trang Tử mô tả trong Nam Hoa Kinh, thiên Tiêu Dao Du:
“Phù thừa thiên địa chi chánh, nhi ngự lục khí
chi biến, dĩ du vô cùng giả…. Cố viết: chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh
nhân vô danh”
(Thuận theo cái chánh của trời đất, nương theo
cái biến của lục khí, mà dong chơi trong cõi vô cùng… Bởi vậy mới nói: bậc chí
nhân không vì mình, bậc thần nhân không cậy công, bậc thánh nhân không cầu
danh).
Tâm giải thoát là tâm tiêu dao, tự do, hồn
nhiên, hòa nhập vào cái sống chung vô cùng, vô tận của Vạn hữu, đang luân lưu,
biến dịch….Bậc Giải Thoát là người vong bặt cái Ta ý niệm, cái Tôi vị kỷ, tuyệt
không còn những kiến chấp vị ngã như công lao tôi, danh vị tôi, vượt thoát
những ham muốn vị kỷ, hiếu danh, hiếu lợi. Tâm họ hoàn toàn vắng bóng Bản Ngã.
Lời nói, thái độ, hành động giúp người, giúp đời của họ thì vô vi, vô cầu, vô
tác ý, vô vụ lợi, không dụng tâm, không chủ ý, không nỗ lực, không cân nhắc, so
đo, lựa chọn, hoàn toàn tự nhiên như trăng lên, hoa nở không có mục đích cho ai,
vì ai….
Phong thái bậc Chân Nhân còn
được Trang Tử minh họa cụ thể hơn trong thiên Đại Tông Sư, Nam
Hoa Kinh:
“Cổ chi Chân Nhân, bất nghịch
quả, bất hùng thành, bất mộ sĩ. Nhược nhiên giả, quá nhi phất hối, đương nhi
bất tự đắc dã…. Kỳ tẩm bất mộng, kỳ giác vô ưu, kỳ thực bất cam, kỳ tức thâm
thâm…. Bất tri duyệt sinh, bất tri ố tử, kỳ xuất bất hân, kỳ nhập bất cự, tiêu
nhiên nhi vãng, tiêu nhiên nhi lai nhi dĩ hĩ…. Nhược bất túc nhi bất thừa, dĩ
hồ kỳ cô nhi bất kiên dã, trương hồ kỳ hư nhi bất hoa dã….”
(Bậc Chân Nhân xưa kia không
chống né cô đơn, không khao khát trở thành, không ham chuộng danh vị. Như vậy,
mất không tiếc, được không mừng…. Ngủ không mộng mị, thức không lo âu, ăn không
cầu ngon, thở thì sâu dài…. Không mê sống, không ghét chết, vào không háo hức,
ra không ngại ngùng, thản nhiên mà đi, thản nhiên mà đến….Thấy như không đủ mà
không nhận thêm, thấy như chuẩn mực mà không gượng ép, thấy như rỗng rang mà
không phù phiếm….).
Bậc Đắc Đạo thản nhiên trước vấn
đề sống, chết, coi sinh, tử bình đẳng như nhau, hai mặt đối đãi, không thể
thiếu nhau, tách rời nhau mà tương tiếp, tương thừa nhau, luân phiên nhau như
hoa nở, hoa tàn theo tiết điệu khứ, lai của mùa Xuân trong dòng sống luân lưu,
bất tuyệt.
Ngay trước thời điểm an nhiên
thị tịch, Thiền sư Mãn Giác (1052-1096), thời Lý, đã ung dung đọc kệ:
“Xuân khứ, bách hoa lạc,
Xuân đáo, bách hoa khai…
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền, tạc dạ, nhất chi mai”.
(Xuân đi, trăm hoa rụng,
Xuân đến,trăm hoa cười….
Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, trước cửa, một cành mai).
Dưới nhãn quan đạt Đạo, trăm hoa
không héo tàn vĩnh viễn mà héo tàn đề rồi nở rộ: chết không phải là sự hủy diệt
mãi mãi, mà là cái khởi đầu của một chu kỳ tồn tại lai sinh, thanh tân, kế tục.
Đạo Sư Tây Tạng lừng danh
Milarepa (1055 – 1135) đã xác quyết, khẳng định:
“Biết sống trọn vẹn cho hiện
tại, không hoài niệm quá khứ, không ước vọng tương lai, khi chết sẽ được trọn
vẹn. Như vậy, chết sẽ là giây phút an lạc, đẹp đẽ tuyệt trần, như vầng trăng
vằng vặc trên đỉnh Tuyết Sơn. Sinh tự do thì Tử tự tại”.
Đạo Giai (1043-1118), một Thiền
sư đạo hạnh nổi tiếng thời Tống cũng có cùng một ý nghĩ ấy. Ngay trước giây
phút viên tịch, nhắm mắt lìa đời, ông vẫn ung dung nhắc nhở mọi người:
“Sinh bất ái Thiên Đường.
Tử bất phạ Địa Ngục”
(Sống chẳng khao khát
Thiên Đường. Chết không kinh hoàng Địa Ngục).
Đây là câu ông nói lên sự
thật nội tâm của một hành giả đạt Đạo. Khi sống, Tâm ta thanh bình, tự tại,
không xôn xao, loạn động, không bôn ba theo những tham vọng đảo điên do thất
tình, lục dục vẽ bày, khêu gợi… thì khoảnh khắc từ trần, với ta là một biến cố
bình an, vắng lặng, sáng suốt, yên vui, phúc lạc vô vàn… Thiên Đường hay Địa
Ngục đều là những khái niệm do tư tưởng con người ngụy tạo ra. Tâm Đạo là Tâm
Không, Tâm vô niệm tuyệt đối, nơi đây không có ý niệm về Thiên Đường để cầu
mong, đuổi bắt, cũng không có vọng tưởng về Địa Ngục để sợ hãi, chạy trốn. Tâm
bậc đạt Đạo siêu thoát, tự do, tự tại, tuyệt nhiên không bị ràng buộc vào bất
cứ khuôn mẫu ý niệm nào về sự Chết. Với họ, Chết là giây phút chứng nghiệm mới
lạ diệu kỳ, an vui cùng cực, thênh thang, tự do, tự tại vô biên, vô hạn.
Cũng vào thời điểm ngay trước
giây phút an nhiên thị tịch, Giác Hải, một Thiền sư nổi tiếng về thần thông,
đời Lý Nhân Tông (1072-1127), đã ung dung đọc kệ:
“Xuân
lai hoa điệp thiện tri thì,
Hoa
điệp ưng tu cộng ứng kỳ.
Hoa
điệp bản lai do thị huyễn,
Mạc
tu hoa điệp hướng tâm trì”.
(Xuân về, hoa bướm gặp nhau đây,
Hoa bướm cùng nhau hẹn đúng ngày.
Hoa bướm trước nay đều huyễn ảo,
Bướm hoa đừng để bận tâm này).
Mỗi
độ xuân về, hoa và bướm lại tiếp cận nhau.
Hoa,
bướm gặp lại nhau trong định kỳ hội ngộ tự nhiên.
Hình
ảnh hoa và bướm vốn là những cái hư huyễn.
Đừng
để tâm vướng mắc vào hình ảnh hoa, bướm.
Với bậc Đạt Đạo, chu kỳ Sinh Tử
của kiếp nhân sinh chẳng khác gì chu kỳ hội ngộ của hoa và bướm. Đấy là cái chu
kỳ tự nhiên của Trời Đất khi nhân duyên hội đủ. Tâm bậc Đạt Đạo hoàn toàn vong
bặt những băn khoăn, thắc mắc về vấn đề Sống, Chết. Với họ, giây phút lâm
chung, thời điểm tương giao giữa cái Sống và cái Chết, thì tự nhiên, tự tại,
thanh thản, an vui, đẹp đẽ tuyệt trần như tình huống hoa và bướm gặp lại nhau
mỗi độ Xuân về.
Tác phong của bậc Đạt Đạo tiêu
dao, tự tại, vô tâm, vô dụng ý như mây bay, nước chảy trong thế giới tự nhiên:
“Nước tuôn xuống núi nào do ý.
Mây bay về động vốn không tâm”.
C. Khả năng giải thoát
Khả năng
giải thoát khỏi mọi phiền não, khổ đau ở con người là hoàn toàn hiện thực. Con
người hoàn toàn có khả năng chứng đạt tâm thức Giải thoát, trở thành Thánh Nhân,
bậc Giác Ngộ thông suốt siêu phàm, từ bi vô hạn, phẩm hạnh vẹn toàn, hạnh phúc
viên mãn.
Khoa học đã giúp chúng ta có nhiều hiểu biết
sâu xa hơn, đầy đủ hơn, phong phú hơn, rõ ràng hơn về Đạo Học.
Gần đây, khoa Cận Tâm Lý
(Parapsychology) ở Tây Phương và khoa Nhân Thể Học ở Trung Hoa, đã có những
nghiên cứu sâu rộng về những tiềm năng bí ẩn nơi con người như khả năng ngoại
cảm phi thường (Extrasensory Power), những công năng đặc dị siêu phàm. Ở Việt
Nam, năm 1996, tại Hà Nội, Trung Tâm Nghiên Cứu Tiềm Năng Con Người và bộ môn
Cận Tâm Lý đã được thành lập để các nhà khoa học bước đầu phát hiện, kiểm
chứng, nghiên cứu những khả năng tiềm ẩn dị thường đó. Khoa học đã chứng minh,
khẳng định những khả năng tiềm ẩn phi thường nơi con người là hoàn toàn có thực.
Qua nghiên cứu, khoa học đã thấy giữa tâm thức con người và thế giới vật chất
bên ngoài, cũng như giữa tinh thần và thể xác ngay tại bản thân con người,
thường xuyên có vô vàn mối cộng thông, tương tác qua lại về các mặt thông tin,
vật chất, năng lượng. Mọi sự vật trong thế giới hiện tượng đều có mối tương
quan, liên hệ, ảnh hưởng hỗ tương qua lại chằng chịt.
Vũ Trụ là một Đại Ngã, một Đại
Cơ Thể, một Trường Thống Nhất (Champ Unifié = Unified Field) về vật chất, thông
tin và năng lượng, trong đó mọi hiện tượng, mọi sự vật đều liên hệ, ảnh hưởng
hỗ tương, qua lại chằng chịt.
Qua mối liên hệ, cộng thông,
tương tác về vật chất, năng lượng, thông tin giữa con người và Vũ Tru, vạn vật,
ta thấy con người đích thị là một Vũ Trụ thu nhỏ, có sự thông suốt vô biên, khả
năng vô hạn. Con người hoàn toàn có khả năng vượt thoát mọi mê lầm, sai trái,
khổ đau, phiền muộn, trở về Chân Tâm, Tự Tính cội nguồn, vốn có, sáng suốt vô
biên, từ bi vô hạn, an vui, hạnh phúc trọn vẹn, viên mãn, cùng cực.
I. Cộng thông giữa con người và Vũ Trụ
Có sự cộng thông mật thiết,
tương tác qua lại thường xuyên giữa con người và Vũ Trụ, vạn vật về các mặt
thông tin, vật chất, năng lượng.
1) Cộng thông, tương tác về
thông tin
Khi tâm thức con người hư
vô, rỗng rang, không vọng niệm, hoàn toàn tĩnh lặng vì không bị tư tưởng khuấy
động, nó hòa nhập, hợp nhất với Trường Thống Nhất Vũ Trụ, nó cảm nhận một sự
thấy biết, sáng suốt siêu phàm, xuyên suốt không gian vật chất và thời gian quá
khứ, hiện tại, vị lai.
a) Thông tin trong không gian
_ Nhìn xuyên qua mọi vật cản
Khả năng thấu thị, xuyên qua vật
cản ở con người là có thực
* Trương Bảo Thắng hay Thẩm Kế
Bảo (sinh năm 1958), người tỉnh Giang Tô, một kỳ nhân đương đại Trung Hoa, có
thể đọc thư trong phong bì kín, nhìn rõ các đồ vật bị che đậy, thấy rõ phủ tạng
người khác.
* Cô Yulia Vorobiova, ở Ucraina,
cũng có khả năng thấy rõ nội tạng người khác, sau khi bị điện giật chết đi sống
lại.
* Tại Trung Hoa, một số người
đặc biệt có thể nhìn rõ đồ vật đựng trong hộp kín bằng chì, chuyên dùng để đựng
các chất phóng xạ. Thí nghiệm càng dễ thực hiện khi người trình diễn nhắm mắt,
hay được tiến hành trong phòng tối, yên tĩnh.
* Uri Geller (sinh năm 1947),
người Anh, gốc Do Thái, có tài nhìn xuyên vào lòng đất để nhận ra mỏ khoáng
chất, mạch nước ngầm.
* Tại Việt Nam, hiện nay, có
những người có khả năng nhìn thấy hài cốt người chết, nằm sâu dưới đất, như
Phan Thị Bích Hằng, Đỗ Bá Hiệp, Bùi Văn Chiến, Nguyễn Văn Liên…
_ Nhìn không bằng mắt
* Một số trẻ em Trung Hoa, như
Đường Vũ người tỉnh Tứ Xuyên, có thể đọc chữ không bằng mắt, mà bằng tai, hoặc
bằng mũi, gáy, nách, tay, đầu gối... Có người đọc lại được bài thơ viết trong
một tờ giấy đã bị xé vụn, vò nát, sau khi kẹp vào nách hay nhét vào tai.
* Một phụ nữ VN, tên Hoàng Thị
Thiêm, ở Lương Sơn, Hoà Bình, bị bịt kín hai mắt, vẫn đọc được sách báo: chị
đọc bằng huyệt Ấn Đường, giữa hai đầu lông mày, bằng thái dương hoặc bằng hai
bên cánh mũi (kênh VTV3, ngày 4-10-2006, báo Tuổi Trẻ ngày 4-11-2006).
_ Thông tin ở cự ly vĩ mô
Tâm thức con người có thể trao
đổi thông tin ở những khoảng cách rất lớn.
- * Theo
Tập San Thế Giới Mới, tại Việt Nam, Nguyễn Văn Liên (sinh năm 1963, tại xã
Ngọc Sơn, Tứ Kỳ, Hải Dương), có thể cách xa cả ngàn km, dùng điện thoại
hướng dẫn người khác tìm hài cốt thân nhân, nằm sâu trong lòng đất.
- * Ông
Edgar Cayce (1877–1945), người thuộc tiểu bang Kentucky, Hoa Kỳ, trong cơn
tự thôi miên, đã thấy rõ cơ thể bản thân, và cơ thể người khác cả khi cách
xa hàng ngàn km, để chẩn bệnh và đưa ra phương án điều trị.
- * Trên
thế giới, người ta đã bắt đầu thử nghiệm để các nhà ngoại cảm vẽ sơ đồ các
căn cứ bí mật từ xa rồi so sánh với các tài liệu do thám khác, hoặc mô tả,
bề mặt sao Hỏa, sao Mộc rồi so sánh, đối chiếu với dữ liệu do vệ tinh cung
cấp. Xa hơn nữa, người ta còn có ý định nhờ các nhà ngoại cảm, đứng ở mặt
đất, dùng tinh thần để kiểm tra, sửa chữa các sự cố, trục trặc trên phi
thuyền đang bay trên quỹ đạo. Trong thời chiến tranh lạnh, có người đã
nghi ngại việc đối phương sử dụng các nhà ngoại cảm để gây nhiễu loạn tinh
thần các lãnh tụ, cấp chỉ huy quân sự bằng khả năng điều khiển ý thức từ
xa.
_ Thông tin ở cự ly vi mô
Ở mức độ không gian vi mô, tại
Trung Hoa, có nhà thấu thị đếm được số hồng huyết cầu trong một vết máu, phết
trên mặt kính. Tại Pháp, một nhà ngoại cảm thấy được số âm điện tử của các
nguyên tử kim loại với độ chính xác là 100%. Có những người đặc biệt, nhìn được
cả tia hồng ngoại, tử ngoại.
_ Tha tâm thông
Thiên lý nhãn, thiên lý nhĩ đã
không phải là điều hoang đường, thì Tha tâm thông, thấy rõ tư tưởng, ý nghĩ,
tâm tư người khác cũng là điều hiển nhiên trong thực tế.
* Em Đổng Trường Giang ở
Quý Châu, Trung Quốc, hồi 4 tuổi, thấy rõ tất cả các chữ số, mà bố em là Đổng
Văn Báo đang nghĩ trong đầu, chính xác 100%.
* Cô Svetlana, một fakir
Yoga nổi tiếng ở Liên Xô cũ, chỉ cần nắm bàn tay một người lạ là biết được tên
họ, năm sinh của người ấy, hoặc chỉ cần nhìn vào mắt người đối diện là đọc được
hết tâm tư, ý nghĩ người đó.
* Uri Geller ở Anh, và các
người ở Liên Xô cũ như Dadashev, Anatoli Bardi, đều đã đọc được ý nghĩ người
khác.
* Lạt Ma Tây Tạng Lobsang
Rampa có huệ nhãn nhìn rõ hình dạng, màu sắc, sự rung động của hào quang mỗi
người, qua đó biết được tâm tư và sức khỏe họ.
* Bà Alexandra David Neel
(1868 – 1969), phóng viên người Pháp, đã du hành và tu dưỡng ở Tây Tạng 14 năm,
kể rằng bà đã chứng kiến nhiều Lạt Ma có tài Tha tâm thông.
* Ông John Blofeld (? –
1987), người Anh, giáo sư Triết Học ở Hoa Kỳ, cho biết tại Hồng Kông, Lạt Ma
Dorje Rinpoche đã đọc được hết những câu hỏi tham vấn, mà ông đang chuẩn bị trong
đầu.
* Nhiều tín đồ cho rằng ông Sathya Sai Baba
(sinh năm 1926), đang truyền giáo tại miền nam Ấn Độ hiện nay, cũng có khả năng
tha tâm thông.
_ Chuyển di tư tưởng
Khả năng chuyển di tư
tưởng cũng là xác thực.
* Người ta đã thí nghiệm thành
công về Thần Giao Cách Cảm: người nhận đã thấy được tín hiệu, tư tưởng, mệnh
lệnh của người phát ở khoảng cách hàng vài chục ngàn cây số, khi hai người đều
ở trạng thái đồng cảm, cơ thể thư giãn, đầu óc trống không. Sự truyền thông tâm
thức đã vượt qua giới hạn ngôn ngữ, chủng tộc, chủng loại sinh vật, vật chất vô
tri: Chuyển di tư tưởng có thể thực hiện giữa hai người không cùng ngôn ngữ,
chủng tộc, giữa ccon người với thú vật và cây cỏ, thậm chí giữa con người với
các nguyên tử vật chất.
* Trong các buổi tọa đàm với J.
Krishnamurti, nếu tâm tư các người tham dự có các vọng động mãnh liệt như ghen
ghét, căm thù, sợ hãi thì không khí môi trường tự nhiên trở nên bất an, khó
chịu và ông giải thích: “Fear attracted Evil” (Sợ hãi đã thu hút những thế lực
xấu).
* Đạo Sư Vivekananda (1863
– 1902), một đệ tư nổi tiếng của thánh Ramakrishna, đã tiếp nhận một nguồn an
lạc vô biên khi sư phụ ông chạm chân vào người mình. Phóng viên Paul Brunton,
người Anh, cho biết trong cuốn The Secret India, khi đứng gần Tôn Sư Maharishi
Ramana (1879 – 1950), ông thấy một trạng thái phúc lạc tuyệt vời.
* Một nhà ngoại cảm Đức đã
khiến một con chó hành động theo ý nghĩ của ông. Nhà khí công Trung Hoa Lưu Vân
Khanh đã dùng tư tưởng khiến con cọp đang đi lại, nằm xuống ngủ yên. Vương Lực
Bình, truyền nhân thứ 18 của phái Long Môn tại Trung Hoa, đã dùng tâm năng gọi
về các muông thú từ rừng sâu. Đạo Sĩ Ấn Độ Braman đã dùng tư tưởng hàng phục
rắn hổ mang.
* Theo nhà ngoại cảm Hoa Kỳ, bà
B.A. Brennan, cây cỏ cũng có tâm hồn, chúng cũng cần những tình cảm thân
thương, âu yếm của con người để phát triển bình thường. Nhà Sinh Vật Hoa Kỳ C.
Backter đã chứng minh rằng cây cỏ có khả năng nhận diện kẻ thù.
* Sau hết, khoa học hiện
đại đã thấy rằng trong các thí nghiệm ở cấp độ vi mô, tư tưởng con người can
thiệp vào các tương tác vật chất như một tác nhân.
Qua các nghiên cứu về truyền
thông tư tưởng, người ta thấy điều kiện tối ưu để cuộc thí nghiệm thành công
là: người biểu diễn phải ở trong trạng thái thư thái, thoải mái, đầu óc rỗng
rang không có tạp niệm, cơ thể thư giãn.
b) Thông tin trong thời gian
Vận tốc thông tin tâm thức vượt
qua tốc độ ánh sáng, vượt qua rào cản thời gian: quá khứ, hiện tại, vị lai hiện
ra tức thời.
_ Thấy được quá khứ
Có những người thấy được dấu vết quá khứ,
những tín hiệu đã mất, không còn hiện hữu trong hiện tại:
* Khi nhìn vào chiếc hộp trống
không, họ có thể mô tả lại, một cách chính xác, bức tranh đã được để trong hộp
trước đây.
* Có người đã thấy lại toàn bộ hình dáng, hành
động của tên trộm lẻn vào nhà lấy đồ, diễn ra từ nhiều ngày trước đây.
* Họ chỉ quan sát đồ dùng là có
thể biết được đời sống quá khứ của chủ nhân, hoặc vào một căn nhà, thấy lại
hình ảnh, sinh hoạt trước đây của tiền chủ.
* Hiện nay, khoa Thôi Miên có
thể đưa tâm thức con người lui về quá khứ, thời trung niên, niên thiếu, thơ ấu,
rồi tiền kiếp:
Ông Edgar Cayce, trong lúc thôi
miên, xuất thần, ngoài khả năng chữa bệnh, còn thấy rõ tiền kiếp của mình và
của người khác. Hồ sơ về các cuộc soi kiếp và chữa bệnh của ông còn được lưu
trữ ở Virginia Beach, Florida, Hoa Kỳ.
_ Biết được vị lai
Thời xưa đã có các nhà tiên tri
nổi tiếng như: Khổng Minh (thế kỷ thứ 3), Trần Đoàn (thời Tống) ở Trung Hoa,
rồi Trạng Trình (thế kỷ 16) ở Việt Nam, hay Nostradamus (thế kỷ 16) ở Pháp,
hoặc Ulrich (thế kỷ 16) ở Đức. Hiện nay, trên thế giới cũng có các nhà tiên tri
kỳ tài như Babu, Hades, người Ấn, Jean Dixon người Hoa Kỳ. Bà Vanga ỡ Bungary
phát triển khả năng tiên tri sau một tai nạn nguy kịch.
Có những giấc mơ tiên tri
lạ lùng như trường hợp cố Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865) mơ thấy đám
tang ông, trước khi ông bị ám sát mấy ngày.
2). Cộng thông, tương tác về vật
chất, năng lượng
Sự thống nhất, tương quan giữa
Tâm và Vật, sự cộng thông, tương tác giữa tâm thức con người và Vũ Trụ, vạn vật còn thể hiện dưới các hình thức
vật chất, năng lượng như cơ năng, hóa năng, nhiệt năng, điện năng, quang năng.
a) Tương tác cơ năng
_ Làm di chuyển vật thể
* Em Trương Thị Thùy Linh, học
sinh lớp 12, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM, đã khiến chiếc thang
tre bước theo khi em đụng nhẹ hai ngón tay vào thang. (Báo Tuổi Trẻ TP.HCM.
ngày 20-01-2005)
* Bà Kulagina ở Liên Xô cũ có
khả năng di chuyển đồ vật từ xa bằng tư tưởng.
* Tại Trung Hoa, Trương Bảo
Thắng bằng ý niệm, tư tưởng, có thể lấy những viên thuốc ra khỏi lọ kín, được
niêm phong cẩn thận, lấy bao đường 100kg ra khỏi nhà kho khóa kỹ.
_ Tác động lên vật thể
* Uri Geller có thể dùng ý niệm
uốn cong, bẻ gãy các vật dụng bằng kim loại, khiến kim đồng hồ lớn Big Ben ở
Luân Đôn ngưng chạy, hoặc chạy lại, chặn đứng một thang máy đang vận hành, làm
dừng một cầu thang cuốn tự động, bắt một chiếc tàu thủy, đang di chuyển, đứng
yên.
* Tại Trung Hoa, có những trẻ em
đặc dị có thể dùng tư tưởng làm quay tít kim của chiếc đồng hồ đã tháo gỡ hết
máy móc, làm mở một ống khóa đựng trong hộp kín.
_ Vật thể tự di chuyển
Trong hiện tượng Poltergeist,
các đồ vật trong nhà tự di chuyển bởi một sức mạnh kỳ bí, vô hình. Đây cũng là
một hình thức tương tác vật chất, năng lượng, mà khoa học hiện nay chưa giải
thích được.
b) Tương tác hóa năng
_ Thay đổi cấu trúc phân tử
Tại Trung Hoa, nhà khí công
Nghiêm Tân, người có nhiều công năng đặc dị, đã tham gia nhiều cuộc thí nghiệm
do trường Đại Học Thanh Hoa, Bắc Kinh tổ chức. Năm 1987, ông đã phát công từ
xa, làm thay đổi kết cấu phân tử ADN, ARN, đại phân tử Lipid sinh vật. Sự thay
đổi cấu trúc phân tử ADN, ARN, đại phân tử Lipid giải thích khả năng dùng khí
công để thay đổi kết cấu di truyền sinh vật và để chữa bệnh.
_ Sáng tạo, hủy biến vật chất
* Một lần khác Nghiêm Tân đã dùng ngoại khí
làm thay đổi cấu trúc một dung dịch vật chất có độ ổn định cao, đồng thời làm
xuất hiện một chất lạ trong ống nghiệm. Như vậy, ý niệm không những chỉ làm
thay đổi cấu trúc vật chất mà còn có khả năng sáng tạo vật chất.
* Theo bà Alexandra David Neel
(1868 - 1969), một nữ ký giả nổi tiếng người Pháp: những Lạt Ma bí nhiệm Tây
Tạng có thể sáng tạo vật chất (Matérialization), hoặc giải thể, huỷ biến vật
chất (Dématérialization). Chính bà đã trực tiếp thân chứng trường hợp tư tưởng
của bà và của người khác tạo ra hình ảnh vật chất. Bà đã được nghe kể về chuyện
Lạt Ma Kyongbu đã tự giải thể thành một chiếc bóng mờ nhạt dần rồi tan biến
hẳn, chỉ còn cây gậy để lại, trước hàng ngàn tăng sĩ, tín đồ, trong một buổi
lễ.
* Bà Helena Petrova Blavastky
(1831-1891), người Nga, sáng lập Hội Thông Thiên Học Thế Giới, được nhiều người
cho là có khả năng sáng tạo và hủy thể vật chất. Nhiều tín đồ nhiệt thành quả
quyết Đạo Sư Ấn Độ Sathya Sai Bâba cũng có khả năng này.
* Theo tập san Tài Hoa
Trẻ, Thế Giới Mới, người có công năng đặc dị như Trương Bảo Thắng, có thể dùng
ý niệm viết bất cứ chữ gì, bằng loại mực tùy ý, lên một trang nào đó, theo yêu
cầu của người khác, trong một cuốn sổ được đánh số trang sẵn, được gói kín và
niêm phong bằng băng dính: đây cũng là trường hợp sáng tạo vật chất
(Matérialization).
_ Thay đổi chu kỳ sinh hóa
* Các
nhà ngoại cảm có thể dùng ý niệm làm gia tốc quá trình sinh trưởng, hoặc rút
ngắn chu kỳ sống của sinh vật như khiến hạt giống nẩy mầm tức khắc, làm cây
trái tăng trưởng mau, gia súc lớn nhanh, cho nhiều sữa hơn.
* Các Fakirs Ấn Độ có thể dùng một
hạt chanh, khiến nó nẩy mầm, ra cây, kết trái trong thoáng chốc.
_ Phân thân, tàng hình
* Theo Đạo Sĩ Yogânanda (nửa đầu thế kỷ 20),
người Ấn, sống nhiều năm tại Hoa Kỳ, các Chân Sư Yoga có quyền năng thượng thừa
như phân thân, tàng hình, biến hình.
* Trương Bảo Thắng , một kỳ nhân
trung Hoa, có thể tàng hình để đi vào cổng chính của một cơ quan quốc gia trước
mắt 2 cảnh vệ, hoặc đi xuyên tường để đột nhập vào một phòng kín.
c) Tương tác nhiệt năng
_ Phát nhiệt
* Li Di-a-dum, một công nhân
Trung Hoa, có thể dùng bàn tay phát ra điện năng, nhiệt năng, để thắp sáng một
dãy bóng đèn, để nướng chín một con cá hay đun sôi một ấm nước.
* Bà Kulagina có thể làm héo úa
hoa cỏ đang tươi tốt, và gây cả vết phỏng trên da người, chỉ bằng một tia nhìn.
_ Tự bốc cháy
* Các em Xasa, ở Liên Xô cũ (hồi
7 tuổi), em Đường Công Giang, ở Trung Quốc (hồi 7 tuổi), anh Unđumsa
Bat-mun-khơ, người Mông Cổ (hồi 22 tuổi), có những lúc tự bốc cháy, hoặc làm
cho những vật dụng ở gần bị bốc cháy một cách kỳ lạ, trong khi quần áo họ vẫn
nguyên vẹn, cơ thể họ an toàn, không hề hấn gì.
* Có những người cơ thể tự nhiên
bốc cháy thành tro bụi trong vài phút. Đây là điều lạ lùng, vì ta đã biết, các
lò thiêu phải dùng sức nóng tới 13000C thiêu trong 6 giờ liên tục
mới đốt cháy hết phần thịt của tử thi.
_ Chủ động hóa thân bằng nhiệt
Các Lạt Ma Tây Tạng đôi
khi đã hóa thân bằng cách tự ý phát ra lửa Tam Muội với một sức nóng khủng khiếp
để từ trần.
d) Tương tác điện năng
* Nhà khí công Trung Hoa Phú Lực
đã thọc tay vào ổ điện, nạp điện vào cơ thể ông, để chữa bệnh cho người khác.
Tại VN, anh Huỳnh Văn Hùng (TP Cà Mâu), ông Bùi Văn Dinh (Tiền Giang), là những
người không bị điện giật khi tiếp xúc với điện trong nhiều lần biểu diễn (tuy
nhiên, ở cả hai người, khả năng này không hiện hữu thường xuyên, bị tử vong khi
trình diễn).
* Uri Geller có thể dùng tư
tưởng làm sai lệch các máy móc điện tử, xoá sạch các dữ liệu ghi trên băng từ,
hay trong các ổ đĩa tin học.
* Các nhà ngoại cảm đã thâu năng
lượng Vũ Trụ, qua các luân xa, biến thành năng lượng Trường Sinh Học tỏa từ bàn
tay họ để chữa bệnh như cô Dzhuna Davitashvill ở Liên Xô cũ hay các tôn sư khí
công Trung Hoa.
* Tại Trung Hoa, nhà khí công Vương Lực Bình
có tài phóng ngoại khí lên trời để hô phong, hoán vũ.
e) Tương tác quang năng
* Các nhà thấu thị có huệ nhãn như Lạt Ma
Lobsang Rampa, B.A. Brennan, Phú Lực, đã thấy được hình dạng, màu sắc, sự rung
động của hào quang sinh học tỏa ra xung quanh mỗi người và các sinh vật. Năm
1939, kỹ sư Kirlian, ở Liên Xô cũ, đã phát hiện ra phương pháp chụp hình được
hào quang này.
* Có những người đặc biệt, vào
những thời điểm đặc biệt, cơ thể có lúc tự phát sáng.
* Tia nhìn chăm chú của bà
Kulagina lên phim ảnh có tác dụng như một nguồn sáng.
II. Cộng thông giữa tinh thần và thể xác
Trong tự thân con người lại có sự cộng thông,
tương tác mật thiết giữa tinh thần và thể xác về mặt sinh lý.
1) Thể xác chi phối tinh thần
Thể xác chi phối tinh thần một
cách hiển nhiên: mọi biểu hiện tinh thần như cảm nhận, tri giác, kinh nghiệm,
kiến thức, tư tưởng, ý thức, ý chí… đều do hệ thần kinh và bộ não vật lý chi
phối, quyết định. Tuy nhiên, hiện nay khoa học đã bắt đầu phải nhìn nhận rằng
có phần tâm linh vận hành độc lập với cơ thể vật lý. Nó vẫn tồn tại sau khi cơ
thể tan hoại.
2) Tinh thần chi phối thể xác
Theo khẳng định của các nhà khí công, yogis,
ngoại cảm, của võ sư Koichi Tohei, của cô Svetlana, anh Anatoli Bardi...thì
chính tinh thần đã chi phối, chỉ huy, điều khiển thể xác. Theo họ, khả năng của
con người là vô hạn, con người có thể làm được tất cả với lòng tin tuyệt đối
vào sự thống nhất, hợp nhất giữa tinh thần và thể xác, giữa con người và Vũ
Trụ. Sự cộng thông, tương tác Tâm – Thể tạo ra nhiều hiện tượng kỳ bí.
a) Làm chủ các cơ quan nội tạng
Các Yogis Ấn Độ có thể làm chủ hoàn toàn tất
cả các cơ bắp ngoại vi và nội tạng, tự thay đổi nhịp tim, nhịp thở tùy ý, tự ý
điều tiết các hệ thần kinh, thể dịch, nội tiết và chức năng của các cơ quan hô
hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết, sinh dục. Võ sư Koichi Tohei (sinh năm
1921), người Nhật, đệ thập đẳng Aikido, cũng có thể tự ý thay đổi nhịp tim
mình. Xa hơn, bà Kulagina, các Yogis Ấn Độ, có thể dùng tư tưởng làm thay đổi
nhịp tim của người đối diện.
b) Làm chủ toàn bộ cơ thể
Các Yogis, Tôn sư khí công có
thể làm ngưng trệ quá trình và chu kỳ sống khiến tuổi thọ của họ rất cao: nhà
Yogi Deoraba Bâba ở Ấn Độ là người được coi là thọ nhất hành tinh. Các đạo sĩ,
thuật sĩ Tây Tạng, Ấn Độ có khả năng tự đề kháng với bệnh tật và họ có thể tự
chọn thời điểm để từ trần. Trong hình thức tiềm sinh, sống chậm, các thuật sĩ
Fakirs Ấn Độ có thể sống nhiều giờ, nhiều ngày dưới nước, dưới đất, không ăn
uống, không hít thở, không bài tiết, không mạch đập, không huyết áp, không mọc
râu. Năm 1837, tại Ấn Độ, Yogi Kharidada đã để người ta chôn sống ông trong tư
thế kiết già, suốt 42 ngày dưới mồ, và khi đào lên ông vẫn bình thường. Tại Ấn
Độ, có những thanh niên xin tiền du khách bằng cách biểu diễn tư thế (asana)
Yoga trồng chuối (Sarvangasana), đầu chôn sâu dưới đất, chân đưa thẳng lên
trời, trong nhiều giờ liền. (Báo Thể thao TPHCM ngày 30-7-1998).
c) Vô hiệu hóa trọng trường
Khả năng tinh thần có thể
làm mất trọng lượng cơ thể, thắng cả sức hút của trọng lực.
* Trong thuật phi hành Lung Gom,
các đạo sĩ Tây Tạng đã phóng lướt rất nhanh trên ngọn cỏ, chân không chạm đất,
với tốc độ hơn cả ngựa phi nước đại.
* Các thuật sĩ Fakirs, các
nhà khí công khổ luyện khi thi triển thuật khinh thân, có thể đứng trên băng
giấy mỏng căng ra giữa 2 chiếc ghế, đứng trên đầu mũi gươm, đi trên mặt nước,
hoặc bay lơ lửng trên không.
* Tại Tel Aviv, thủ đô
Israel, ngày 23-7-2002, các Yogis đã tự bay khỏi mặt đất khoảng một mét, trong
tư thế ngồi xếp bằng, trước mặt các phóng viên (Báo Tuổi Trẻ ngày 25-7-2002).
Các Fakirs Ấn Độ, ông Douglas Holm, người Anh, thời Napoléon III, và một số nhà
ngoại cảm hiện nay như Ermolaev ở Liên Xô cũ, có thể tự bay khỏi mặt đất và làm
các đồ vật và người khác bay theo.
d) Phát huy khí lực
- * Cũng
chính tinh thần khiến cơ thể nặng như núi Thái Sơn, không ai lay chuyển
nổi, có sức mạnh phi thường như kéo cung ngàn cân, quăng ném địch thủ ra
xa hàng chục thước, hủy diệt mục tiêu bên kia vật chắn kiên cố... mà tuyệt
không một chút cố gắng cơ bắp, lên gân, gồng sức nào.
- * Trong
các pha biểu diễn võ thuật, Tổ Sư Aikido Uyeshiba tiến thoái, di chuyển
như một vũ điệu, và nhẹ nhàng quăng ném nhiều địch thủ tấn công ông cùng
một lúc, trong khi họ không biết mình bị hạ thủ như thế nào.
- * Nhà
tu dưỡng Cương Điền nổi tiếng tại Nhật, khi ngồi tĩnh tọa, thân tâm hợp
nhất, không một võ sư, lực sĩ nào xô ngã ông được.
- * Võ sư
Aikido Koichi Tohei, cao 1m65, nặng 60kg, khi hợp nhất thân tâm với khí
lực Vũ Trụ bằng nghệ thuật chú tâm vào Đan Điền “điểm duy nhất nơi bụng dưới”,
đã đứng yên để võ sĩ Sumo khổng lồ Tankamiyama, cao 1m93, nặng 158 kg,
dùng hết sức bình sinh xô đẩy mà vẫn không nhúc nhích. Khi vận khí, Tohei
duỗi cánh tay ra, không ai bẻ gặp lại được.
- * Tôn
sư khí công Vương Lực Bình có thể phát ngoại khí đánh ngã một người đứng
đằng sau chiếc cột lớn 2 người ôm.
e) Biến độc hại, nguy hiểm thành
an toàn, vô hại
* Tinh thần có thể biến những sự vật nguy
hiểm, độc hại thành bình thường, vô hại. Các Fakirs Ấn Độ có thể uống các loại
thuốc cực độc như Cyanur de Potassium, acid đậm đặc, các loại vi trùng nguy
hiểm, ve chai đập nhỏ, lưỡi dao cạo, hoặc nhúng tay vào dầu sôi, đi trên than
hồng, gội than, tắm lửa, nướng tay trên lò, ngồi trên bàn đinh, nằm trên lưỡi
kiếm, mũi giáo, xuyên lình qua má, qua lưỡi, đâm kiếm qua bụng, móc sắt vào
người... mà vẫn an nhiên, không đau đớn, không tổn thương thực thể.
* Các pháp sư ở Tanzania, Phi Châu, có thể vùi
đầu, úp mặt vào lò than hồng, tắm gội bằng than hồng, lửa đỏ, hàng nhiều chục
phút. Ngày 9-9-1935, tại Survey, nước Anh, giáo sư Kuda Bux Duke (sinh năm 1906
tại Kashmir, Ấn Độ), trước hàng ngàn khán giả, trong đó có nhiều nhà báo, nhà
khoa học, ảo thuật gia, đã ung dung đi qua đi lại nhiều lần, trong một hào lửa,
sâu 0m4, rộng 1m, dài 6m, đốt bằng 10 gallons dầu paraffin cháy rực, mà quần
áo, da thịt ông vẫn nguyên vẹn. Cô Svetlana, một kỳ nhân về Yoga tại Liên Xô cũ
có thể nướng bàn tay mình trên một ngọn đuốc đang cháy trong nhiều phút mà vẫn
thanh thản, bình yên vô sự.
* Tối 28-9-2005, tại nhà hát lớn
Hà Nội, một võ sư Trung Hoa đã biểu diễn vận công nằm trên đầu năm mũi giáo
nhọn hoắt (báo Tuổi Trẻ TPHCM ngày 29-9-2005).
* Trước sự chứng kiến, quay
phim, chụp hình của các nhà khoa học, các Giáo Sĩ Sufi đạo Hồi trong Giáo đoàn
Tariga Casnazaniyyah ở Jordan đã thực hiện những màn trình diễn kỳ bí: đâm kiếm
từ miệng xuyên xuống họng hoặc xuyên ra sau cổ, áp cục sắt nung đỏ vào mặt, cho
rắn độc và bọ cạp cắn, chích vào lưỡi… không đau đớn, không chảy máu, không để
lại dấu vết thương tích (Báo An Ninh Thế Giới ngày 24-4-2002).
* Ở Thái Lan, trong ngày Lễ Hội của những
người ăn chay, rất nhiều người đã biểu diễn xuyên những cây lình lớn qua hai
má: Có người đã cưa đôi chiếc đĩa để mắc dây xích của xe đạp thành hai mảnh
nhọn hoắt, rồi đâm xuyên căng qua mỗi bên má mà không chảy máu hay đau đớn. Cây
lình xuyên qua hai má rất đa dạng: những chiếc kéo, cây dùi, cây nến khổng lồ,
cán dù, sườn xe đạp, chân ngựa gỗ…(Báo Công An TP.HCM ngày 14-6-2006).
* Tại Congo (Zaire trước đây),
trong ngày lễ hội, dân bộ lạc Pende, theo đạo Mungonge, đã xuyên những cành cây
đầy gai ngạnh, qua hai má, rồi cùng nhau nhảy múa. Xong buổi lễ, họ vào bụi
rậm, rút những cành gai ngạnh ra, không đau đớn, chảy máu, hay để lại dấu vết,
thương tích nào.
* Tại đảo quốc Sri Lanka, trong
lễ Kataramaga, tôn vinh thần Skanda, một số tín đồ móc những móc sắt lớn vào
người để treo thân mình lên giá gỗ cao, diễu hành nhiều giờ ngoài đường, không
thấy biểu hiện đau đớn hay tổn thương nào cả. Các nhà khoa học đã nghiên cứu
hiện tượng kỳ lạ này, đã đo điện não họ trước, trong, và sau khi trình diễn,
thấy không có gì thay đổi.
* Có những nhà ngoại cảm nhổ
răng bằng tay không, không dụng cụ, thuốc men, mà hoàn toàn nhẹ nhàng, êm ái,
không mảy may đau đớn.
* Tại Pangasinan, Philipine, các
nhà phẫu thuật tâm linh (healers), như Alex Orbito đã dùng tay không, không gây
tê, gây mê, không thuốc sát khuẩn, cầm máu... để giải phẫu cơ thể bệnh nhân. Ca
mổ diễn ra chừng mấy phút, sau đó nhà phẫu thuật lấy tay xoa nhẹ lên vết mổ,
nơi đây không để lại dấu vết gì. Hiện tượng này khoa học chưa có lời giải đáp.
* Tại Brazil, từ năm 1950 tới
năm 1970, ông José Arigo trong những cơn xuất thần, trước mắt mọi người đã trị
bệnh thành công, miễn phí cho hàng triệu bệnh nhân, bằng một phương pháp kỳ bí:
bằng những con dao gia dụng thông thường, không tiệt trùng, không thuốc tê,
thuốc mê, ông đã tiến hành những ca phẫu thuật chớp nhoáng mà bệnh nhân vẫn
tỉnh táo, không hề lo sợ, đau đớn, vết thương bình phục rất mau. Xong việc, ông
không nhớ mình đã thao tác ra sao và hoàn toàn không biết mình đã chữa bệnh cho
người nào..
f) Biến vô hiệu thành hữu hiệu
Cũng chính tinh thần đã khiến
những vật bình thường, vô hại trở thành độc hại, nguy hiểm gây đau đớn, bệnh
hoạn và những tổn thương thực thể trên thân xác.
* Đầu óc bi quan đã gây ra những
bệnh tưởng với những rối loạn chức năng rồi dẫn tới những tổn thương thực thể.
* Khi chứng kiến cảnh lính Anh
đánh đập dân Ấn, trên mình đạo sư Ramakrishna đã hằn lên những vết roi bầm tím,
do tình thương xót đồng loại vô hạn nơi ông.
* Trong thời Đông Chu Liệt Quốc,
khi Dự Nhượng đánh vào chiếc áo không của Triệu Vô Tuất với tâm niệm mãnh liệt
là trả thù cho Trí Bá, lập tức trên chiếc cẩm bào này đã đầy những lằn roi rớm
máu. Sự việc này đã ám ảnh sâu sắc lên tinh thần Triệu Vô Tuất, khiến ông đã
mang trọng bệnh và từ trần sau đó không lâu. Tâm tư ta ra sao thì thể xác ta
như vậy.
* Một người cầm cây bút chì trên tay có thể bị
phỏng da, nếu bị nhà thôi miên dẫn dụ là đang cầm cục than hồng.
h) Khả năng kỳ diệu của đức tin
Đức tin và khổ luyện khiến con người đã đạt được
những kỷ lục phi thường.
* Nữ thánh Therese Neumann ở Đức, nữ thánh
Giri Bala ở Ấn Độ (Theo Yogananda), đạo sĩ Prahlad Jani Ahmedabad, ở Ấn Độ (Báo
Công An TpHCM ngày 16-10-2004) là những người có thể không ăn, không uống hàng
chục năm.
* Có những vị chân tu Phật Giáo, khi từ trần,
thể xác không bị vi sinh làm tan hoại, thối rữa, mà lại tỏa ra mùi thơm, tồn
tại mãi với thời gian và nhục thân đã được để nguyên thờ trên ngai cho tới ngày
nay như: tại Trung Hoa có nhục thân của Lục Tổ Huệ Năng (638-713), của Đại sư
Hám Sơn (1546-1623), tại Việt Nam có nhục thân của thiền sư Chuyết Công
(1590-1644) ở chùa Ninh Phúc, tỉnh Bắc Ninh, của thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc
Trường (hai ông từ trần cách nay ba thế kỷ) ở chùa Đậu, tỉnh Hà Tây. Gần đây,
nhục thân của một nhà sư Thái Lan ở đảo Samui (xác của sư Phachisong Kittikhun
tại chùa Khunnaram, từ trần cách nay mấy chục năm, vẫn còn nguyên vẹn trong tư
thế kiết già), của một số nhà sư Trung Hoa, Đài Loan cũng có hiện tượng không
thúi rữa như vậy.
* Phật Thích Ca và một số đệ tử, một vài tu sĩ
Phật Giáo thời nay ở Đài Loan, Trung Hoa, khi mất, thi hài được hỏa thiêu,
nhưng một số phần tử nhỏ không cháy, rất cứng, tỏa sáng, tồn tại mãi, gọi là
Ngọc Xá Lợi.
* Tinh thần ngoan đạo cùng cực
đã tạo ra những tín đồ mang dấu thánh: trên đầu, trên người, bàn tay, bàn chân
họ mang những vết thương rỉ máu kỳ lạ, y như những thương tích mà chúa Jésus đã
chịu khổ hình.
- * Lòng
tin xác quyết tuyệt đối của bệnh nhân đã khiến một viên giả dược placebo
vô thưởng, vô phạt, phát huy khả năng chữa bệnh một cách lạ lùng.
- * Trong
khoa thôi miên, tinh thần đã khiến thể xác thực hiện được những việc phi
thường: nhấc được những vật nặng mà ngày thường không thể làm nổi, đọc
được báo cách xa 5m.
i) Khả năng chữa bệnh
Qua những thí nghiệm, Y sư
khí công Nghiêm Tân đã dùng ngoại khí từ xa làm thay đổi cấu trúc phân tử ADN,
ARN, đại phân tử Lipid. Do đó ta thấy tâm năng có thể tác dụng vào cơ cấu di
truyền sinh vật và ảnh hưởng rõ rệt tới quá trình sinh hóa diễn ra liên tục
trong tế bào. Vì vậy, khả năng chữa bệnh của các nhà khí công, ngoại cảm là
hoàn toàn có cơ sở khoa học.
Sở đắc những công năng đặc dị,
siêu phàm, do bẩm sinh, do khổ luyện hay do tai nạn nguy hiểm, bất ngờ, các nhà
thuật sĩ, ngoại cảm, khí công chưa phải bậc Giải Thoát. Ngay cả các nhà ảo
thuật với khả năng điêu luyện, cùng với sự trợ giúp của một số đạo cụ đặc biệt,
chuyên biểu diễn để kiếm tiền, cũng đã sáng tạo được những kỳ tích lạ lùng,
chưa có lời giải thích. Các ảo thuật gia nổi tiếng tiền bối trước đây đã có những
màn trình diễn bí hiểm như: Boite de Comte (trước đông đảo khán giả, ông đã tự
biến mất trên nấc thang cuối cùng, đặt giữa sân khấu), Robert Oudel (lấy một
hột chanh, vùi vào chậu đất, phút chốc cây chanh mọc ra, lớn lên, đơm bông, kết
trái trước mắt mọi người), Lee Pee Ville (làm biến mất con cọp nhốt trong chiếc
cũi, được làm bay lên cao). Nhà ảo thuật Hoa Kỳ hiện nay David Cooperfield cũng
làm được những màn trình diễn độc đáo như: tự bay lên không, làm biến mất toa
xe lửa, thoát hiểm khỏi tòa nhà được đặt bom để phá hủy rồi xuất hiện trên mặt
bàn cách xa tòa nhà, đi xuyên Vạn Lý Trường Thành. Bậc Giải Thoát thì tác phong
tự nhiên, vô danh, vô kỷ, vô công, hành tung vô vi, thoát tục, tuy sở đắc thần
thông, nhưng rất hiếm khi biểu lộ quyền năng siêu phàm.
Tổng quát: Mặc dù
khoa học không có khả năng tiếp cận Chân Lý tuyệt đối, nhưng nó đã giúp chúng
ta, những con người người bình thường ngày nay, bước đầu có những hiểu biết
tương đối chính xác hơn, rõ ràng, đầy đủ hơn về Đạo Học, một kho tàng tâm linh
mênh mông, vi diệu, một đạo sống khôn ngoan, minh triết, vẹn toàn của người
xưa.
Qua những biểu hiện về sự cộng
thông, tương tác giữa con người và Vũ Trụ, giữa tinh thần và thể xác, tạm thời
ta có thể rút ra một số kết luận sau đây:
_ Có sự thống nhất, cộng thông,
tương tác qua lại giữa tâm thức con người và Vũ Trụ vật chất, giữa tinh thần và
thể xác về các mặt thông tin, vật chất, năng lượng. Thân, tâm con người tác
động vào thiên nhiên, và thiên nhiên ảnh hưởng tới con người một cách hiển
nhiên. Vật chất chi phối tinh thần, nhưng tinh thần cũng điều khiển thể xác,
vật chất. Theo khoa học, Vũ Trụ, vạn vật là một Trường Thống Nhất (Champ
Unifié=Unified Field) về thông tin, vật chất, năng lượng. Từ Thượng Cổ, Nho
Giáo đã khẳng định quan điểm “Thiên Địa,
vạn vật đồng nhất thể”
( Trời Đất, vạn vật cộng thông, tương quan, tương hệ trong một thể thống nhất)
và “Thiên nhân tương dữ” (Thế
giới tự nhiên và con người cùng quan hệ khắng khít). Cũng từ ngàn xưa, Ấn Giáo
đã tuyên bố: “Con người Tiểu Ngã (Atman)
là một của phần Đại Ngã
(Brahman)”. Phật Giáo cũng đã bảo: “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất” (Một là tất cả,
tất cả là một) và “Pháp Giới vô tha vô tự, vô năng vô sở” (Sự
Vật không có sự phân chia, tách biệt giữa này kia, chủ khách). Như vậy, dạng
tâm thức Giải Thoát, Giác Ngộ thông suốt bao trùm, phi phàm, siêu giác quan,
phi tư tưởng, vượt qua ngôn từ, luận giải…là hoàn toàn có thực.
_ Con người đích thực có những
tiềm năng bí ẩn mà khoa học chưa hiểu biết và giả thích tường tận được. Nhà
khoa học đoạt giải Nobel Vật Lý Tiền Học Sâm, người Trung Hoa, đã tuyên bố: “Các công năng đặc dị ở con người là một thách thức
với các nguyên lý khoa học” và sau nhiều nghiên cứu công phu, các
nhà khoa học đã khẳng định: “Khả năng
tinh thần của con người là vô hạn”.
Chúng ta mới sử dụng một phần rất nhỏ của toàn thể 14 tỷ tế bào thần kinh não
bộ. Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ của chất xám vỏ não được huy động, toàn bộ phần trung
tâm, phần dưới vỏ não, với vô vàn khả năng bí ẩn vẫn chưa được đánh thức, hãy
còn nằm yên, nguyên vẹn.
Khoa học đã rọi một vài tia sáng
trong việc lý giải những khả năng bí ẩn của con người. Theo Sinh Lý học, những
thông tin như ý nghĩ, tình cảm, ý chí… bản chất chỉ là những xung dẫn truyền
của hệ thần kinh. Như vậy, chúng chính là những động lực tâm lý. Đã là những
động lực tâm lý thì chúng phải là một dạng thức năng lượng, mặc dù cho tới nay,
khoa học chưa xác định được thứ năng lượng của tư duy, ý nghĩ, cảm xúc, tình
cảm, ý chí… Nếu đã là một dạng thức năng lượng tâm lý thì ý nghĩ, tình cảm, cảm
xúc, ý chí… hoàn toàn có khả năng biến thành một hiện tượng vật chất, một vật
thể hữu hình, và ngược lại, những vật chất hữu hình khi hội đủ điều kiện cũng
có khả năng biến thể thành năng lượng vô hình, vì thuyết Tương Đối (Relativism)
của Albert Einstein đã khẳng định: “Thời
gian, không gian, vật chất, năng lượng chỉ là những dạng thức khác nhau của cái
duy nhất. Chúng cộng thông, tương tác, quan hệ, ảnh hưởng lẫn nhau”. Do
đó khả năng ngoại cảm (Extrasensory Power), những công năng đặc dị ở con người,
như phân thân, tàng hình, sáng tạo hay hủy biến vật chất là hoàn toàn có thể
xảy ra.
_ Con người, một tiểu Vũ Trụ diệu kỳ, hoàn
toàn có khả năng đạt tới sự toàn thiện, toàn chân, toàn mỹ, như lời Phật dạy:
- “Mọi người đều có Phật Tính, ai ai cũng có khả năng thành Phật, thành
bậc Giác Ngộ, bậc Giải Thoát, trí tuệ vô biên, từ bi vô hạn, hạnh phúc vẹn
toàn, xa lìa, đoạn diệt tất cả mọi mê lầm khổ đau, phiền não ”.
Con người, nếu hoàn thiện trọn
vẹn cuộc cách mạng tâm thức sâu xa, cùng tột, có thể đạt được những thay đổi
tâm, sinh lý toàn triệt như: sự thông suốt siêu giác quan, phi tư tưởng, bao
trùm cả không, thời gian, đức hạnh vẹn toàn, quyền năng siêu phàm, vô hạn, hạnh
phúc viên mãn, tự do, tự tại, vượt thoát mọi khổ đau, phiền não. Khi thể xác
thư thái, tinh thần rỗng rang, thanh tịnh, vô niệm, vô tư, vô dục tới mức độ vi
tế, sâu xa cùng cực, thì thân tâm con người sẽ tức thời hiệp nhất, hòa nhập vào
Bản Thể thanh tịnh uyên nguyên của sự vật, tức hòa đồng, cộng thông vào Trường
Thống Nhất (Unified Field) Vũ Trụ vô biên, vô hạn: đó là giây phút Đạo Học gọi
là Hoát Nhiên Đại Ngộ, thời điểm hành giả bỗng nhiên bước qua cánh cửa Giải
Thoát, bỏ lại sau lưng toàn bộ mê lầm, sai trái, tội lỗi, khổ đau của cõi trần
gian tục lụy.
Con người là Tạo Hóa, là Thượng
Đế của chính mình: Địa Ngục hay Thiên Đường nằm ngay trong cuộc sống do chính
họ tạo ra. Mặc cảm tội lỗi, tự ti không có chỗ đứng trong đạo giải khổ: Mọi
người đều mê lầm, sai trái, mọi người đều phiền muộn, đau khổ, nhưng mọi người
đều có thể trở thành bậc Giải Thoát thánh thiện. Một người dù lỗi lầm, sa đọa,
chồng chất cao dày tới đâu, vẫn hoàn toàn có thể trở thành bậc hiền giả, minh
triết, phẩm hạnh tuyệt vời. Mọi đóa sen hương sắc, thanh khiết, tinh khôi đều
xuất xứ, hóa thân từ đám bùn nhơ, tanh hôi, đen bẩn. Đạo Học vẫn khẳng quyết:
“Con người không thể thành đạt
tự do, hạnh phúc bằng cách truy tìm khoái lạc, bằng mọi phương tiện của cải,
vật chất, bằng quyền lực, địa vị, bằng học vấn, kiến thức, tư tưởng, bằng trí
thức, bằng cấp, học vị, bằng ái tình, bằng nỗ lực, bằng tôi luyện kỹ năng, kỹ
xảo, hoặc bằng bất cứ một pháp môn tu hành khổ luyện đa đoan, huyền diệu nào.
Chỉ khi nào toàn bộ vọng tưởng, ý niệm vị ngã, vị kỷ tập nhiễm sâu dày, chồng
chất trong tâm thức bị tận diệt tận căn để, thì cái sáng suốt, thanh bình, tự
do, an lạc đời đời, vốn có từ vô thủy nơi tất cả mọi người, mới tự nhiên hiển
lộ.”
Con đường tận diệt phiền
não, giải thoát đau khổ sẽ được hướng dẫn rõ ràng từng bước, từng chi tiết chi
ly về cách nghĩ, cách nói, cách làm, cách sinh sống, ăn uống, cách sinh hoạt
hằng ngày... trong phần Đạo Đế.