Đời sống
Đạo Học - Con Đường An Vui Hạnh Phúc
Vân Như Bùi Văn Nhự Nhà Xuất Bản Phương Đông
20/09/2554 10:36 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


PHẦN KẾT

Phụ lục. Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh

 

 

Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh

 Prajđā Paramitā Hridaya Sūtra

(Kinh Tâm Yếu về Trí Tuệ Ba–La–Mật)

(Prajđā: Trí Tuệ ; Paramitā: Đáo Bỉ Ngạn;

Hridaya: tinh hoa, tâm yếu; Sūtra: Kinh)

 Kinh này do Sư Huyền Trang đời Đường dịch ra chữ Hán vào giữa thế kỷ thứ 7. Kinh ghi lại lời dạy của Phật Thích Ca cho cao đồ Xá Lợi Phất (Sariputta) về Trí Tuệ Ba-La-Mật, hay Tâm Thức Đáo Bỉ Ngạn, Tâm Thức đã vượt qua bờ bên kia, tức Tâm Không, Tâm Thiền Định tối thượng. Tâm này khi thể hiện tới trạng thái cùng tột, rốt ráo, sẽ giúp hành giả thấy được bản tính hư huyễn, phi hiện hữu, hoàn toàn giả dối, không có thực của Bản Ngã y niệm, và thấy được cái Tướng Không vô tướng, vô niệm của Chư Pháp, tức cái Bản Thể Chân Thật của Sự Vật, của Chân Tâm. Từ đó hành giả xa lìa, đoạn diệt, vượt thoát khỏi tất cả mọi vọng tưởng, phiền não, đau khổ và chứng đạt Đạo quả Giải Thoát Vô Thượng, tức Cảnh Giới Tịnh Độ, Tâm Thái Niết Bàn vắng lặng, trong sáng tuyệt trần, an vui trọn vẹn. Đây là kinh nhật tụng căn bản của Phật Giáo, và đặc biệt của Thiền Tông. Kinh này gồm ba phần rất rõ rệt: Phần Dẫn Nhập, Phần Nội Dung, Phần Kết Luận.

 

A. Phần Dẫn Nhập

I. Nguyên Văn

Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa, thời chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.”

II. Nguyên Nghĩa

Bồ Tát Quán Tự Tại (Bodhisatva Avalokiteshvara) thực hành sâu xa Tâm Ba-La-Mật, khi soi thấy Năm Uẩn đều không, liền vượt qua mọi khổ ách.

III. Ý Nghĩa

Một hành giả đạo hạnh, đạo danh Quán Tự Tại, khi thể hiện Tâm Thiền Định tối thượng tới chỗ vắng lặng, sâu xa cùng tột, bỗng thấy rõ ràng toàn bộ những khái niệm về các thành phần hư cấu nên cái Ta chủ thể (tức Ngũ Uẩn) đều là những vọng tưởng giả dối, tuyệt nhiên không có thực, lập tức chúng trở thành hư vô, biệt tăm, mất dạng, hoàn toàn không còn nữa...và ngay đó hành giả này xa lìa, vượt thoát khỏi tất cả mọi hình thức phiền não, đau khổ.

IV. Giải Nghĩa

Khi một hành giả thể hiện Tâm Ba- La-Mật, Tâm Thiền Định tối thượng, tức quán chiếu sự vật bằng Tâm Không, vô trước, vô chấp, vô cầu, không ôm giữ, nhận xét, so sánh, chọn lựa….tới chỗ thanh tịnh, minh linh, sâu xa cùng cực, vị ấy bỗng bừng tỉnh, thấu biết tỏ tường rằng tất cả những ý niệm chấp trước về Thân và Tâm ta, tức những khái niệm Ngũ Uẩn, tức cái Ta chủ thể, cái Tôi y niệm, là hoàn toàn mê lầm, hư giả, tuyệt nhiên không có thực, và ngay sau đó, cái kho tàng kinh nghiệm, kiến thức khổng lồ, cấu thành cái Trung Tâm Bản Ngã ấy, được tập nhiễm, củng cố, tài bồi bằng vô vàn những hình ảnh dĩ vãng hư huyễn từ bao đời quá khứ bỗng dưng sụp đổ, tan biến hoàn toàn, không để lại một mảy may dấu vết nơi tâm vị ấy. Tức thời hành giả rơi vào một tâm thái tuyệt đối vô niệm, vô ngã, một cảnh giới vô cùng vắng lặng, cực kỳ an lạc, vong bặt tất cả mọi hình thức vọng tưởng, điên đảo, phiền não, kể cả những giao động vi tế, u uẩn, sâu lắng nhất. Hành giả ấy đã bước qua cánh cửa Giải Thoát, giáp mặt được với cái Bản Lai Diện Mục của Chân Tâm, đặt chân lên bến bờ Tịnh Độ thanh bình, yên vui trọn vẹn, bỏ lại sau lưng tất cả mọi mê lầm, sai trái, tội lỗi, khổ đau... của cõi Trần Gian tục lụy.

Đây chính là giây phút Giác Ngộ của hành giả, thời điểm mà vị ấy có một cái nhìn vô cùng sâu sắc về Sự Vật: thấy rõ cái không thực trong điều hư giả (Thấy y niệm về Bản Ngã là hoàn toàn hư huyễn), thấy rõ cái không giả trong điều chân thực (Thấy bản chất vô niệm, vô ngã của Chân Tâm, của Vạn Pháp), từ đó vĩnh viễn thoát ly mọi hư vọng, phiền não, khổ đau. Lục Tổ Huệ Năng gọi Thiền Định là “Minh Tâm, Kiến Tánh”: Quán chiếu nội tâm để thấy Chân Tâm, Bản Tánh. Dưới sự soi sáng, quán chiếu của Trí Tuệ Ba-La-Mật, tức cái Tâm không, cái tâm vô tướng, vô trụ, vô niệm, cái Tâm vô trước, vô chấp, vô cầu, cái Tâm buông bỏ mọi tỳ vết quá khứ, cái Tâm thanh tịnh, vi tế tột cùng..., Vô Minh, Vọng Niệm tự bộc lộ nguyên hình, bản chất của nó là hoàn toàn mê lầm, hư giả, không thực... lập tức nó tự tan biến tận gốc rễ. Lúc ấy, cái Chủ Thể tư tưởng, tức cái Bản Ngã y niệm đảo điên, bép xép, vọng động, mê lầm, phiền não, tự vong bặt. Toàn bộ y niệm về cái Ta chủ thể không còn nữa. Tâm thức hành giả vô cùng vắng lặng, cực kỳ trong sáng, giống hệt như Chân Tâm vô tướng, vô niệm, vô ngã tuyệt đối, nó đồng nhất, hợp nhất, hòa nhập làm một với Chân Tâm, tức Bản Thể Chân Thật của Sự Vật, tức cái Tướng Không vô tướng, vô niệm, vô ngã của Chư Pháp, tức Tâm Thái Giải Thoát Tối Thượng hay Cảnh Giới Niết Bàn, Tịnh Độ vắng lặng tuyệt trần, tự do vô hạn, an vui cùng cực, sạch làu mọi hình thức vọng niệm trói buộc, đảo điên, bất an, phiền não. Tiểu Ngã trong sạch đã hòa đồng vào Đại Ngã thanh tịnh.

Thiền Định không nhằm trấn áp, loại trừ Vô Minh để vươn tới Giải Thoát. Chúng ta chỉ cần quán chiếu nội tâm vọng động bằng một tâm thái sạch làu mọi chấp trước, tức tâm thái Ba-La-Mật. Khi ấy, Vô Minh, Vọng Niệm tự hiện bày chân tướng sai lầm, hư giả ở tận tầng lớp vi tế, sâu lắng, căn để nhất. Khi sự thực này được bộc lộ, nó có tác dụng như một khám phá vĩ đại, một sự bừng tỉnh vô cùng đột ngột, cực kỳ mãnh liệt khiến tất cả Vô Minh, Vọng Tưởng, toàn bộ lâu đài tư tưởng, kho tàng kinh nghiệm, kiến thức, chấp trước, thành trì của đủ loại khuôn mẫu, thành kiến, tham dục... tức cái Trung Tâm Bản Ngã y niệm vô cùng vĩ đại, sâu dày, kiên cố... bỗng dưng sụp đổ, nát vụn, tan biến, tự hủy diệt tận gốc rễ, và ngay đó Đại Dương Tự Do, Giải Thoát hiện tiền. Đó là giây phút Hoát Nhiên Đại Ngộ.

Hoát Nhiên Đại Ngộ chính là giây phút phiền não tận cùng an lạc khởi đầu, bóng tối lui đi ánh sáng hiển lộ, hỗn loạn chấm dứt trật tự an bài, Vô Minh tan biến Giải Thoát hiện tiền, Bản Ngã vong bặt Phật Tính tỏ bày.

V. Đại ý

 Phần Dẫn Nhập của Kinh giới thiệu về giây phút Hoát Nhiên Đại Ngộ của một hành giả khi thể hiện rốt ráo Tâm Ba-La-Mật. Ở thời điểm chuyển Mê sang Ngộ này, hành giả đã thấy rõ bản chất hư giả của y niệm và thân chứng sự tan biến của Bản Ngã để hòa mình vào Đại Dương Giải Thoát, vượt qua tất cả mọi lỗi lầm, sai trái, buồn lo, khổ lụy….

 

B. Phần Nội Dung

I. Nguyên Văn

“Xá Lợi Tử ! Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị.

Xá Lợi Tử ! Thị Chư Pháp Không Tướng bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố, Không trung, vô Sắc, vô Thọ, Tưởng, Hành, Thức; vô Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Thiệt, Thân, Ý ; vô Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; vô Nhãn Giới nãi chí vô Ý Thức Giới ; vô Vô Minh diệc vô Vô Minh tận, nãi chí vô Lão Tử, diệc vô Lão Tử tận ; vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo ; vô Trí diệc vô Đắc, dĩ vô Sở Đắc cố”.

II. Nguyên Nghĩa

 Này Xá Lợi Phất ! Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng lại như vậy.

Này Xá Lợi Phất ! Cái Tướng Không ấy của Chư Pháp thì không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt. Bởi vậy, trong cái Tướng Không ấy, không có Sắc, không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức; không có Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Thiệt, Thân, Ý ; không có Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; không có Nhãn Giới cho tới không có Ý Thức Giới ; không có Vô Minh và cũng không có Hết Vô Minh ; không có Lão Tử, cũng không có Hết Lão Tử; không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo; không có Trí cũng không có Đắc, cho tới cả không có Sở Đắc.

III. Ý Nghĩa

 Này Xá Lợi Phất ! Cái hình tướng cơ nhục, mà ta chấp trước là Thân Xác Ta (Sắc) không gì khác hơn là những vọng niệm giả dối, những điều hoàn toàn không thực (Không). Cái nhận thức về Thân Xác Ta (Sắc) như một thực thể ấy, đích thị là một khái niệm mê lầm, phi hiện hữu, không có thực (Không) trong hiện tiền. Cũng vậy, cái mà ta nhận định là Tâm ta với các thành phần như Cảm Nhận (Thọ), Kinh Nghiệm (Tưởng), Tư Tưởng (Hành), Ý Thức (Thức) cũng chỉ là những vọng niệm hư huyễn không có thực (Không). Thấy biết được bản chất hư giả, không thực của khái niệm Ngũ Uẩn là cái thấy biết chân thật. Thấy khái niệm về cái Ta, tức Ngũ Uẩn như một tự thể có thực là Ngã Chấp, là cái thấy mê vọng.

Này Xá Lợi Phất! Bản Thể cúa Chư Pháp là cái Tướng Không. Cái Tướng Không ấy của Sự Vật thì không có hình tướng, diện mạo nhất định, đặc tính bất biến. Nó không có tướng mạo, cá tính đặc thù mà ý niệm, tư tưởng con người khoác cho như: sinh, diệt, nhơ, sạch, thêm, bớt...Do đấy, trong cái Tướng Không vô tướng, vô niệm ấy, Sự Vật, Chư Pháp, Vạn Hữu tuyệt nhiên không có những khái niệm luận giải về Nhân Sinh, về Vũ Trụ như Ngũ Uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức), Lục Căn (Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Thiệt, Thân, Ý), Lục Trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp), Lục Thức (Nhãn Giới....Ý Thức Giới), Thập Nhị Nhân Duyên (Vô Minh....Lão Tử), Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), Trí và Đắc hoặc Vô Sở Đắc...Thấy Chư Pháp, Sự Vật, Vạn Hữu có hình tướng, đặc tính nhất định có thể ghi chép, mô tả, diễn đạt lại được là cái thấy qua lăng kính ý niệm, tư tưởng, là Pháp Chấp, là cái thấy sai lầm, mê vọng.

IV. Giải Nghĩa

 Thân Xác Ta là một hiện tượng vô ngã (anatta). Nó hiện hành do sự cộng thông, tương tác của vô vàn nhân duyên trong lòng Vạn Hữu. Thân Ta đích thực là một xã hội, một cộng đồng, một đại cơ thể, một thế giới hiện tượng, một Vũ Trụ gồm vô lượng các tầng lớp thành phần nhỏ bé khác tạo thành như: các cơ quan, bộ phận, tế bào, các đơn vị, cơ thể sống li ti, các phân tử sinh hóa vô cùng vi tế, phức tạp...Thân Ta do trùng trùng điệp điệp các tác nhân giả hợp đến từ thực phẩm, khí trời, từ môi trường sinh quyển (khí quyển, địa quyển, thủy quyển), từ mặt trăng, mặt trời, từ những thiên thể, tinh tú, thiên hà xa xôi, thăm thẳm (qua các lực, các sóng, các tia, các trường, các hạt...). Thân ta là một hiện tượng chung của Vạn Vật: nó hiện hữu, nó thành hoại, tồn vong, sinh diệt do sự hiện hành, doanh hư, tiêu trưởng, hợp tan của hằng hà sa số nhân duyên trong Vũ Trụ. Nó tuyệt nhiên không phải một sự vật đơn lẻ, một đơn vị, một thực thể tách biệt, cô lập với Vạn Sự, Vạn Vật.

 Thân Xác Ta lại là một hiện tượng vô thường (anicca): Nó thường xuyên biến dịch, liên tục hóa thân, biến tướng, thay cũ, đổi mới trong từng thời điểm. Cơ thể ta già nua liên tục. Hiện tượng đồng hóa, hoàn nguyên luân phiên diễn ra. Diễn trình thành, trụ, hoại, không, thể hiện bằng những chu kỳ dài ngắn khác nhau đang luân lưu bất tuyệt. Lúc nào cũng có cái đang sinh ra, cái đang hủy diệt. Ngay từ tiền bán thế kỷ 20, nhà Y học đoạt giải Nobel người Pháp Alexis Carrel đã khẳng định: “Con người, trông bề ngoài như không thay đổi, nhưng thực ra là một dòng thác Niagara đang đổ nước”. Cái Thân Xác Ta bây giờ không phải cái Thân Xác Ta hồi nãy, hay cái Thân Xác Ta lát nữa. Khi ta vừa ý thức về hình tướng, diện mạo, tính chất đặc thù của nó, thì lập tức cái nhận định này đã trở thành lỗi thời, lạc hậu, không đúng với thực tế nữa, vì Thân Xác Xác ta đã chuyển sang một trạng thái hoàn toàn mới lạ rồi.

Vậy bản chất chân thực của cái Ta thân xác là một hiện tượng vô ngã, vô thường, do muôn vàn tác nhân giả hợp, lại biến đổi liên tục. Khái niệm về một cái Ta thân xác (Sắc) như một thực thể tồn tại, biệt lập, riêng lẻ, có hình tướng vật chất xác định, có đặc tính rõ ràng, bất biến thì chẳng khác nào một điều hư huyễn, hoàn toàn không có (Sắc bất dị Không), hay chính xác hơn, khái niệm về một cái Ta thân xác độc lập, thường hằng đích thị là một điều tuyệt nhiên không có trong hiện tiền (Sắc tức thị Không).

 Cũng y như thế, Tâm ta cũng là một hiện tượng vô ngã, vô thường. Ta mê lầm, đã đơn giản hóa, khái niệm hóa tâm thức như một cái Ta tâm thức, một thực thể tinh thần độc lập, bất biến, gồm 4 thành phần xác định rõ rệt được như: Cảm Nhận, Kinh Nghiệm, Tư Tưởng, Ý Thức (Thọ, Tưởng, Hành, Thức).

Tâm thức là hiện tượng vô ngã: nó là cả một thế giới tinh thần, một kho chứa khổng lồ tập nhiễm các sở tri, sở kiến, sở chấp, sở cầu đến từ truyền thống gia đình, chủng tộc, tôn giáo, giáo dục, sách báo, xã hội...cộng thông tương tác chằng chịt bằng vô lượng các mối tương quan với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội.

Tâm thức là hiện tượng vô thường: nó thường xuyên biến dịch, nó đổi dời, mới lạ liên tục. Khi ta vừa khởi lên các nhận định về Tâm thức, thì ngay đấy, nhận định này đã trở thành một hình bóng quá khứ hư giả, chứ không phải hiện trạng của Tâm thức đang luân lưu bất tuyệt trong hiện tiền. Những thông tin, những hiện tượng nội tâm như tâm tư, tình cảm, cảm xúc, ý nghĩ, dục vọng... luân phiên sinh, thành, hoại, diệt.

Vậy Tâm thức là một hiện tượng chung của Vạn Vật, do vô vàn nhân duyên từ Vạn Hữu giả hợp lại, lại mới lạ, thanh tân, tinh khôi liên tục. Vậy khái niệm Tâm Thức như một thực thể tinh thần cá biệt như Tâm Thức Ta, Tinh Thần Ta, Tâm Hồn Ta, với các thành phần cấu tạo xác định, với các cá tính đặc thù, bất biến, với các quy luật vận hành cố định là một điều hoàn toàn mê lầm, phi hiện hữu, phi thực tại, không có thực.

Tóm lại, khái niệm về Thân, Tâm Ta, về Bản Ngã, về cái Ta chủ thể, tức khái niệm Ngũ Uẩn, tức Ngã Chấp, như một Thực Thể cá biệt, độc lập, riêng lẻ, tách biệt với Vạn Hữu, có hình tướng, diện mạo cụ thể, có đặc tính tinh thần rõ ràng...mà ta có thể nhận xét, mô tả, diễn đạt được, phân biệt được với các cái Ta khác, với Vạn Hữu (được coi như đối tượng, tha nhân, ngoại vật)... là một kiến giải hư giả, mê lầm, ngộ nhận, tuyệt đối không có thực trong Thế Giới hiện tiền. Qua bao đời dĩ vãng, con người đã tập nhiễm, nhuốm chứa, tích lũy những hình ảnh quá khứ để kiến tạo nên một kho chứa khổng lồ, một trung tâm Bản Ngã chồng chất, mênh mông, sâu thẳm, cực kỳ bền vững, đầy ắp những sở tri, sở kiến, sở cầu, những tham chấp, những thành kiến tư tưởng, những khuôn mẫu ý niệm, những ước vọng thành đạt...Lịch trình kiến tạo nên Bản Ngã hư giả này đã được Phật Tổ dẫn giải rõ ràng trong lý Thập Nhị Nhân Duyên. Cái Tâm tập nhiễm, cái Tôi y niệm, cái Ta chủ thể, cái Bản Ngã chấp trước này đã sai sử, qui định điều khiển, phỉnh gạt, nhào nặn, lôi kéo, trói buộc con người... khiến chúng ta thường xuyên bất an, vọng động, mâu thuẫn, lỗi lầm, lo âu, ưu phiền, khổ lụy... không một giây phút thanh bình, an lạc, hồn nhiên, tự do, tự tại.

Trong Tập Đế, Phật bảo: “Tâm tập nhiễm là nguyên nhân cội nguồn, thủ phạm duy nhất, gây ra tất cả mọi hình thức sai lầm, tội lỗi, đau khổ, tai họa... ở Trần Gian này”. Những hình bóng dĩ vãng, những kỷ niệm, ký ức, kinh nghiệm chấp trước nơi Tiềm Thức sẵn sàng nổi lên trên bình diện Ý Thức thành những giao động lăng xăng, những vọng tưởng miên man, những âu lo, buồn chán vu vơ, những day dứt, nôn nao vô duyên cớ... Chúng ta ngồi đứng không yên, phải tiêu sầu, khiển muộn, lấp đầy khoảng trống nội tâm bằng đủ mọi hình thức sinh hoạt, giải trí cầu kỳ, đa dạng. Nhưng khi những giây phút hưởng thụ, náo nhiệt qua đi, nỗi niềm sầu muộn, bất an, trống vắng vẫn mênh mang, lê thê, vô phương, bất trị.

Chúng ta tiếp xúc với Sự Vật qua lăng kính tư tưởng, khuôn mẫu ý niệm, chúng ta hành sử theo sở tri, sở kiến chấp trước trong đầu óc để mong muốn, bắt buộc Sự Vật phải diễn ra như thế này hoặc như thế nọ. Nhưng Sự Vật hiện tiền thì mới lạ không ngừng, tư tưởng ý niệm lại đúc kết từ những chất liệu quá khứ đã đoạn diệt. Cái như thực hiện tiền không còn là cái như nguyện lỗi thời, lạc hậu. Khi Sự Vật chưa xảy ra, ta phấp phỏng mong chờ, chỉ lo sợ nó không diễn ra như dự kiến, định kiến. Khi Sự Vật diễn ra không như sở nguyện, ta bất mãn, hối hận, buồn phiền, đau khổ. Thay vì hội nhập vào giòng sống chung đang luân lưu bất tuyệt cuả Vạn Hữu, hòa nhịp với bản đại hòa tấu chung của Vạn Vật, con người đã dừng lại, hồi tưởng, lưu giữ, nhuốm chứa những hình ảnh dĩ vãng hư giả để tự tách mình ra khỏi cái Đại Toàn Thể như một thực thể chân thật, độc lập, riêng lẻ, đối lập sâu sắc với phần còn lại của Vũ Trụ, được coi như đối tượng hay tha nhân, ngoại vật.

Cái Ta chủ thể hư giả này, tức cái Bản Ngã y niệm, ngày một phát triển sâu dày, mênh mông, bền vững...Cái Ta liên tục phì đại, bành trướng: Thân, Tâm ta, tài sản ta, gia đình ta, tôn giáo ta, chủng tộc ta, quốc gia ta... Khi một phần của cái Ta sứt mẻ, thương tổn, mất mát, ta thấy thiệt thòi, đau xót, bất an, khổ sở. Vì cái Ngã Chấp sâu dày cùng cực này, tất cả mọi hành vi của con người đều cực kỳ vị kỷ. Cái Ta luôn luôn thiếu thốn, thường xuyên khao khát trở thành mưu cầu chiếm hữu để ngày một lớn mạnh hơn, tốt đẹp hơn, trường cửu hơn. Cái Ta ý niệm, vị kỷ cực đoan này là cội nguồn sinh ra mọi thống khổ trong xã hội loài người: hung tàn, áp bức, bóc lột, bất công, tranh chấp, xung đột, hỗn loạn, khủng hoảng...

Tóm lại, qua muôn vàn quá khứ, con người đã tập nhiễm, tích lũy những hình bóng dĩ vãng hư giả để kiến tạo nên một cái Ta chủ thể, một Trung Tâm Bản Ngã y niệm đầy ắp những sở tri, sở kiến, sở cầu. Con người đã mê lầm tưởng rằng cái Chủ Thể ý niệm hư huyễn, vị kỷ cùng cực này là một thực thể chân thực, độc lập, thường hằng, bất biến, là Chân Tâm, Bản Tánh mình. Cái Ngã Chấp vô minh, mù quáng đó đã khai sinh ra mọi đau buồn, khổ lụy trong cuộc nhân sinh đầy điêu linh, khổ ải này. Ngã Chấp là mê lầm, đau khổ.

Chư Pháp, Vạn Hữu, Sự Vật là một thế giới hiện tượng vô ngã, vô thường: chúng lồng chứa nhau, đan dệt nhau, nương tựa nhau, cộng thông, tương tác với nhau bằng vô vàn các mối liên hệ về vật chất, về năng lượng, về thông tin, trong cái không gian vô hạn, cái thời gian vô cùng này, đồng thời, chúng lại chuyển dịch biến hóa, đổi dời, luân lưu, mới lạ, thanh tân, tinh khôi liên tục. Ta đã không thấy được bản chất vô ngã, vô thường ấy. Ta đã dừng lại, lưu giữ lại hình ảnh dĩ vãng của Sự Vật, để thấy nó như một Thực Thể có hình tướng rõ ràng, có đặc tính cố định. Ta đặt tên cho hình tướng dĩ vãng hư giả ấy. Sau đó, ta lại tìm cách mô tả, diễn đạt lại hình tướng, diện mạo, đặc tính của các Thực Thể ý niệm đó bằng ngôn từ, luận giải, để nghiên cứu xếp loại, so đo, chọn lựa... Khi ta làm như vậy, thì Sự Vật đã chuyển sang một trạng thái hoàn toàn mới lạ rồi. Vũ Trụ là một trường sáng tạo, một lò vạn hóa, trong đó mọi hiện tượng chỉ diễn ra một lần, không bao giờ tái diễn. Chúng ta không thể xác định hình tướng, đặc tính, hoặc gọi tên một thông tin, một cảm nhận, một quan hệ tương tác giữa Thân, Tâm ta và Sự Vật, một hiện tượng đang hiện hành, vì chúng là cái thay hình, đổi tánh trong từng thời điểm, và hoàn toàn vô danh. Chúng ta không thể lưu giữ, ghi khắc, mô tả, xếp loại, diễn đạt, luận giải, nghiên cứu nó, vì làm như vậy là chúng ta đang hồi tưởng, tái tạo, vận dụng những hình ảnh dĩ vãng hư huyễn, đã đoạn diệt của nó, chứ không đối diện trực tiếp với Sự Vật hiện tiền đang biến đổi không ngừng. Trong một Vũ Trụ đang bành trướng, giãn nở với tốc độ ghê hồn như các nhà thiên văn khẳng định, làm gì có những vật thể cố định, tĩnh tại, tách biệt, bưng bít, riêng lẻ, độc lập.

Một Sự Vật ta vừa cho là tốt, nó đã trở thành xấu rồi, cái ta vừa bảo là phúc nó đã chuyển thành họa rồi, một hiện tượng ta mới nhận định là sinh, nó đã biến thành diệt rồi. Sự Vật không có danh xưng, tên gọi, đặc tính cá biệt. Những đặc tính như tốt xấu, sinh diệt, thêm bớt, dơ sạch, đều do ý niệm thiên chấp, đầu óc so sánh của con người khoác cho chúng. Sở dĩ ta có khái niệm về đặc tính hiện trạng của Sự Vật như xấu, diệt, tăng, dơ, là ta so sánh nó với hình ảnh cũ của nó đã qua đi, mà ta ghi nhớ và đặt tên là tốt, sinh, giảm, sạch, do đó ta có ý niệm về tính chất đối đãi của Sự Vật. Khi ta khởi lên một ý niệm, một nhận thức về Sự Vật đang hiện hành, về hình dung, tướng mạo, tính chất của nó... thì thực chất là lúc ấy ta đang ngưng sự cảm thông với cái Chân Thật hiện tiền đang trôi chảy, để dừng lại, hồi tưởng lại, ngắm nhìn lại, tái tạo lại hình ảnh dĩ vãng của Sự Vật, để đặt tên, định giá, so đo, chọn lựa những điều hư huyễn thuộc về quá khứ đã đoạn diệt, đã không trở lại. Tóm lại, tất cả những khái niệm về hình tướng, tên gọi, tính chất, giá trị mà ta gán ghép cho Vạn Hữu đều là những cái phi hiện tiền, phi thực tại, không có thực, vì chúng đều là những sản phẩm do tư tưởng con người ngụy tạo từ những hình bóng quá khứ hư giả, chỉ có trong ký ức, trong kỷ niệm, trong thế giới ý niệm, chứ không phải Bản Thể Chân Thật của Chư Pháp hiện tiền.

Kinh Kim Cương nói rất rõ: “Nhất thiết hữu vi Pháp như mộng huyễn, bào ảnh, như lộ, diệc như điện. Ưng tác như thị quán...Nhược dĩ sắc kiến Ngã, dĩ âm thanh cầu Ngã, thị nhân hành tà Đạo, bất năng kiến Như Lai” (Tất cả các Sự Vật đều biến dịch như mộng huyền, bóng bọt, như sương mai, như tia chớp. Hãy quán xét chúng như vậy... Nếu lưu giữ hình tướng, âm thanh để tìm hiểu Bản Chất Chân Thật của Sự Vật thì đó là con đường sai lầm, không bao giờ thấy được Thực Tại).

 Bản Thể Chân Thật của Chư Pháp, Vạn Hữu, Sự Vật hiện tiền là Tướng Không. Tướng Không là cái Bản Thể vô ngã, vô thường, vô tướng, vô danh, vô tính, vô niệm, phi tư tưởng, bất khả danh, bất khả đạo, bất khả tư nghị, bất khả ngôn thuyết, luận giải. Sự Vật hiện tiền thì không có thực thể, hình tướng, không biệt lập, không thường hằng, không có tên gọi, danh xưng, không đặc tính nhất định, không giá trị phân biệt, đối đãi, không thể hình dung, khái niệm, không thể mô tả, diễn đạt bằng ngôn từ, biện minh, lý giải... Chúng thì không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt, không tốt không xấu, không hơn không kém, không lợi không hại, không đúng không sai, không thiện không ác, không phúc không họa. Bản Thể Chân Thật của Chư Pháp, Sự Vật, của Tâm Ba-La- Mật của Chân Tâm là cái Tướng Không tuyệt đối vô tướng, vô niệm.

Trong Sự Vật hiện tiền, trong Tâm Ba-La-Mật, trong Chân Tâm, trong Tâm Không, tuyệt nhiên không có một mảy may hình ảnh, khái niệm nào. Chân Tâm, Tâm Không vắng lặng tuyệt trần, sạch làu, vong bặt tất cả những vọng niệm vi tế, nhỏ nhiệm, sâu lắng, tiềm ẩn nhất. Chân Tâm, Tâm Không, Tâm Ba-La-Mật cũng im vắng tất cả những luận giải, những khái niệm về Nhân Sinh, về Vũ Trụ, về Đạo Học, dù đó là những giáo lý cao siêu nhất, minh triết nhất, từ những bậc Minh Sư, Giáo Chủ vĩ đại nhất, siêu phàm nhất, hiền triết nhất. Tất cả các khái niệm, luận giải đều là những phương tiện diễn giải Chân Lý, không phải cái Chân Thật hiện tiền vô tướng, vô niệm, trong sáng, thường tịch. Phật vẫn cảnh giác: Ngón tay dùng để chỉ mặt trăng không phải mặt trăng. Với các cao đồ đã qua giai đoạn tu Giới, sang phần tu Định, Phật Tổ đã phủ nhận tất cả giáo lý mà Phật đã thuyết giảng trong suốt 45 năm truyền Đạo. Phật bảo tất cả những khái niệm, những luận giải về Đạo Lý chỉ đắc dụng trong phần tu Giới (phần được ví với giai đoạn vượt sông), sang phần tu Định (phần được ví với giai đoạn sang tới bờ bên kia), hành giả phải trút sạch toàn bộ những tri kiến ấy, để tâm trở về trạng thái bản lai vô tướng, vô niệm tuyệt đối, tịch lặng, trong sáng cùng tột. Chiếc bè chỉ là phương tiện để qua sông, muốn đáo bỉ ngạn, phải dứt khoát quăng bỏ nó, để đặt chân lên bến bờ Tịnh Độ.

Nhưng con người đã không thấy được cái Tướng Không vô tướng, vô niệm của Chư Pháp. Họ đã tập nhiễm, cưu mang những hình ảnh dĩ vãng hư giả của Vạn Hữu, để mê lầm coi Sự Vật như những Thực Thể biệt lập, có hình tướng rõ rệt, có đặc tính nhất định, có tên gọi phân biệt, có giá trị tốt xấu khác nhau để mô tả, xếp loại, so đo, chọn lựa lấy, bỏ. Họ đã thiên chấp, ràng buộc, dính mắc vào những giá trị, những khái niệm hơn kém do chính tư tưởng họ bày đặt ra để khoác cho Sự Vật, để ra sức vươn tới, đuổi bắt, chiếm đoạt những cái họ coi là tốt đẹp, ưu việt, phúc lợi và đùn đẩy những cái mà họ coi là xấu xa, thiệt thòi, thấp kém, tai họa cho tha nhân, đồng loại. Đây là đầu mối sinh ra mọi mâu thuẫn, tranh chấp, bất công, bạo ngược, đau khổ... trong xã hội loài người. Pháp Chấp là mê lầm, đau khổ.

V. Đại ý

Đại ý phần nội dung chính của Kinh nói về Bản Thể Chân Thật của Chư Pháp, của Tâm Ba-La-Mật, của Chân Tâm, của Tâm Không, tức cái Tướng Không vô tướng, vô niệm, vô ngã, vô thường, vô danh, vô tính, bất khả danh, bất khả đạo, bất khả tư nghị, bất khả ngôn thuyết, bất khả luận giải. Nó vắng lặng cùng cực, trong sáng tuyệt trần, an vui vô hạn: đấy là Tâm Giải Thoát. Trái lại, Tâm Tập Nhiễm, tức cái Tâm Ngã Chấp, Tâm Pháp Chấp, cái Tâm thấy biết, ứng sử với Sự Vật không trực tiếp, tức thời, vô niệm, vô ngã, vô tư, vô dục, mà qua lăng kính của cái Tôi ý niệm, tham dục, cái Bản Ngã tư tưởng, vị kỷ thì hoàn toàn mê lầm, hư giả, sai trái, mâu thuẫn....nguồn gốc của tất cả mọi hình thức tội lỗi, đau khổ trong xã hội loài người.

 

C. Phần Kết luận

I. Nguyên Văn

 Bồ-Đề-Tát-Đóa y Bát-Nhã Ba-La- Mật-Đa, cố Tâm vô quải ngại, vô quải ngại, cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn. Tam Thế Chư Phật, y Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa, cố đắc A-Nậu-Đa-La Tam-Miểu Tam-Bồ-Đề.

Cố tri Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa, thị Đại Thần Chú, thị Đại Minh Chú, thị Vô Thượng Chú, thị Vô Đẳng Đẳng Chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thực bất hư. Cố thuyết Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Chú, tức thuyết chú viết: “Yết-đế, yết-đế, ba-la-yết-đế, ba-la-tăng-yết-đế Bồ-Đề, tát-bà-ha !”.

II. Nguyên Nghĩa

 Các bậc Bồ-Tát, theo Trí Tuệ Ba-La-Mật, nên Tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa các mộng tưởng điên đảo, đạt tới Tâm thái Niết Bàn. Chư Phật ba đời, y theo Trí Tuệ Ba-La-Mật, nên đắc quả A-Nậu-Đa-La Tam-Miểu Tam-Bồ-Đề.

Vì vậy, ta nhận thấy Trí Tuệ Ba-La-Mật đích thị như một Đại Thần Chú, một Đại Minh Chú, một Vô Thượng Chú, một Vô Đẳng Đẳng Chú, có thể tiêu trừ mọi khổ não: đó là điều chân thực, không sai. Cho nên, khi phát biểu về Bát-Nhã Ba-La-Mật Chú thì ta nói lời chú như vầy: “Cao quý thay Trí Tuệ đã vượt qua, vượt qua, vượt qua khỏi, vượt qua tới tận bờ bên kia !”(Yết-đế, yết-đế, ba-la-yết-đế, ba-la-tăng-yết-đế Bồ-Đề, tát-bà-ha ! = Gate, gate, paragate, parasamgate Bodhi, svaha !).

III. Ý nghĩa

 Các bậc Chân tu (Bồ Tát: Bodhisatva), các bậc Giác Ngộ (Phật: Buddha), xưa nay đều do thực hành Trí Tuệ Ba-La-Mật, Tâm Không, mà đạt cảnh giới Niết Bàn, quả vị Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác (A-nậu-đa-na Tam-miểu Tam-bồ-đề = Anuttara Samya Sambodhia). Đấy là một sự thực hiển nhiên.

Do công năng mầu nhiệm, diệu dụng thần kỳ như vậy, nên có thể nói Trí Tuệ Ba-La-Mật là một Đại Thần Chú, một Đại Minh Chú, một loại thần chú siêu việt tối thượng, loại thần chú cấp bậc cao tột trên tất cả các loại thần chú cao cấp khác, có khả năng tiêu trừ, tận diệt tất cả mọi hình thức phiền não, đau khổ: đây là một khẳng định hoàn toàn đúng đắn, chính xác, trung thực, tuyệt không có gì là sai ngoa cả. Khi đã so sánh công năng thù thắng, siêu việt của Tâm Không, Tâm Ba-La-Mật như công năng thần kỳ, mầu nhiệm của một thần chú linh thiêng nhất, thì ta có thể khẳng định một cách xác thực, không có gì là ngoa ngôn cường điệu rằng: Tâm Ba-La-Mật, Tâm Không, đích thị như một loại thần chú tối thượng, vô song, tuyệt đỉnh. Khi đã coi Tâm Ba-La-Mật đích thị như một thần chú tuyệt đỉnh, vô song thì ta cũng có thể đặt lời chú cho thần chú này bằng những ngôn từ tán thán sau đây: “Cao quý thay Trí Tuệ đã vượt qua, vượt qua, vượt qua khỏi, vượt qua tới tận bờ bên kia! ” (Yết-đế, yết-đế, ba-la-yết-đế, ba-la-tăng-yết-đế Bồ-Đề, tát-bà-ha! = Gate, gate, paragate, parasamgate Bodhi, svaha!). (Gate:vượt qua; paragate:vượt qua khỏi; parasamgate:vượt qua tới tận bờ bên kia; Bodhi:Trí Tuệ; svaha:từ Bắc Phạn Sanskrit dùng để tôn vinh, tán thán). Tâm Không, Tâm Ba-La-Mật hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh bằng những ngôn từ xương minh, tán thán cao quý trên đây.

IV. Giải Nghĩa

Con người, qua muôn vàn dĩ vãng, vẫn coi những kinh nghiệm, kiến thức tập nhiễm, tích lũy được là những hành trang vô giá, những phương tiện thiết thân, những bảo bối vạn năng để đối phó với mọi vấn đề, mọi tình huống trong cuộc sống. Nhưng Trí Tuệ Ba-La-Mật, Tâm Không, lại là tâm thái vắng lặng, minh linh cùng tột, vong bặt tất cả những sở tri, sở kiến, sở cầu. Trí Tuệ Ba-La-Mật chính là thứ Trí Tuệ siêu việt, cách mạng cùng cực, vượt thoát, buông bỏ tất cả mọi kiến chấp, tham dục thường tình của thế nhân. Đó là Trí Tuệ Đáo Bỉ Ngạn, đã vượt qua, vượt qua khỏi, vượt qua tới tiêu đích tận cùng, tới tận bờ bên kia của giòng sông vô minh, vọng niệm, phiền não...Nó buông bỏ, buông bỏ tới tận triệt mọi chấp trước, tham cầu sâu lắng, vi tế nhất...Trí Tuệ Ba-La-Mật, Tâm Không, chính là cái mà Lão Tử gọi là Đạo Tâm ngày một bớt đi, bớt đi, rồi lại bớt đi hơn nữa cho tới mức độ vô niệm, vô vi cùng cực (nhật tổn, tổn nhi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi). Trí Tuệ Ba-La-Mật, Tâm Không, vượt thoát hoàn toàn khỏi sự bủa vây của mạng lưới tư tưởng, sự giam nhốt của ngục tù ý niệm, dục vọng. Thực tế hiển nhiên cho thấy: Nhờ thực hành, thể hiện Tâm Ba-La-Mật, Tâm Không, tâm vô niệm, vô ngã, vô trước, vô chấp, vô cầu tới chỗ thậm thâm, rốt ráo, vi tế, sâu lắng cùng tột, mọi hành giả đông, tây, kim, cổ đã chứng đạt Đạo quả Giải Thoát Vô Thượng, vĩnh viễn đoạn diệt tất cả mọi hình thức vô minh, phiền não. Nó đích thị như một thần chú siêu phàm tuyệt đỉnh, một báu vật quý giá vô song, một viên minh châu như ý đứng trên tất cả mọi thứ trân châu, bảo ngọc trên đời, một viên thần dược vạn năng chữa dứt tuyệt tất cả mọi căn bệnh đau khổ, phiền não. Nó xứng đáng để chúng ta tôn vinh, tán thán bằng những ngôn từ cao đẹp, thiêng liêng nhất... Diệu dụng nhiệm màu của Trí Tuệ Ba-La-Mật là một sự thực tuyệt đối, một chân lý hiển nhiên.

Trong Tâm Kinh, sau khi xác định bản chất vô niệm, khẳng định công năng diệu dụng của Tâm Ba-La-Mật, Tâm Không, cuối cùng Phật nêu ra lời ca ngợi Tâm Không, Tâm Ba-La-Mật như con đường giải khổ chắc chắn, vẹn toàn nhất, xứng đáng được tôn vinh bằng những ngôn từ cao đẹp nhất. Lời tán thán Phật đưa ra không phải như một chân ngôn, mật chú kỳ bí, để ta tụng đọc cầu mong sự linh ứng. Nó chỉ nhằm khẳng định giá trị giải khổ tuyệt đối thần kỳ, không gì so sánh được của Tâm Ba-La-Mật, Tâm Không, nhằm giúp hành giả có vững niềm tin, nhiệt tâm, kiên chí, để theo đuổi, thực hành, thể hiện Tâm Ba-la-Mật, Tâm Không tới chỗ vi tế, nhỏ nhiệm, sâu xa, cùng tột, vô niệm, vô chấp, vô cầu tuyệt đối…tiến tới vượt thoát mọi phiền não, khổ ách, hòa đồng, hợp nhất với Chân Tâm, Tâm Giải Thoát minh linh, an vui, tịch lặng.

Sau nhiều trang luận giải về Trí Tuệ Ba-La-Mật, Tâm Không, giờ đây, chúng ta đã thấu đạt được bản chất, cũng như công năng, giá trị phi phàm của Trí Tuệ Ba-La-Mật, của Tâm Không chưa? Chưa, tuyệt nhiên chúng ta chưa cảm thông, lãnh hội được bản chất chân thực, diệu dụng phi thường của thứ Trí Tuệ siêu việt tối thượng này. Chúng ta không thể lấy ý niệm để hiểu cái vô niệm ấy, lấy tư tưởng để thông đạt cái phi tư tưởng. Chúng ta không thể nghiên cứu kinh sách để thấu hiểu Tâm Ba-La-Mật, Tâm Không. Tâm Ba-La-Mật, Tâm Không thì vô niệm, phi tưởng, không ghi khắc, ôm giữ, không ý kiến, nhận xét, không thành kiến, khái niệm, không tôn chỉ, khuôn mẫu, không động cơ, định hướng, không mục tiêu, lý tưởng. Tư tưởng, ý niệm không thể hoạch định, kiến tạo, vẽ đặt ra bất cứ một phương pháp, một kỹ thuật, một con đường nào dẫn tới việc thấu đạt Tâm Không, Tâm Ba-La-Mật cả. Muốn cảm thông, thấu đạt trọn vẹn bản chất, công năng, giá trị của Chân Tâm, Tâm Ba-La-Mật, Tâm Không, ta phải thân chứng, thể nghiệm, sống làm một với nó, tâm ta phải tuyệt đối vô tướng, vô niệm, vô chấp, vô cầu, sạch làu mọi trước nhiễm, tham dục, giống hệt như Chân Tâm, Tâm Ba-La-Mật, Tâm Không.

V. Đại ý

Phần Kết Luận của Bát-Nhã Ba-La-Mật Tâm Kinh chính là lời khẳng định dứt khoát, xác quyết rõ ràng của Phật Tổ về công năng, giá trị thần diệu phi thường, nhiệm mầu cùng tột của Trí Tuệ Ba-La-Mật: tất cả mọi hành giả, các bậc chân tu, hay bất cứ ai, ở đâu, ở thời đại nào, nếu kiên trì, quyết tâm thực hành Tâm Ba-La-Mật tới chỗ thậm thâm, rốt ráo, vượt qua, vượt qua, buông bỏ, buông bỏ...tới chỗ vô tướng, vô niệm cùng cực, đều chắc chắn thành tựu cứu cánh Giải Thoát Vô Thượng, an vui trọn vẹn, hạnh phúc viên mãn.

Chúng ta không được chỉ dừng ở phần tìm hiểu bản chất, công năng, giá trị của Tâm Ba-La-Mật, Tâm Không bằng trí năng, bằng suy tưởng, luận giải. Nếu chỉ vậy, mọi mê lầm, sai trái, bất an, phiền muộn, khổ đau của ta vẫn nguyên vẹn. Điều quan trọng bậc nhất là ta phải thực hành, thể hiện Tâm Ba-La-Mật, Tâm Không ngay trong cuộc sống thực tế hiện tiền. Tại đây, ngay bay giờ ta hãy lập tức để tâm lắng nghe, theo dõi, cảm thông trực tiếp những vận hành, những bước đi của cái Tôi ý niệm, những cảm nhận, những đáp ứng của thân tâm ta với Vạn Hữu bằng Tâm Không, một tâm thái sạch làu mọi sở tri, định kiến, mọi ghi khắc, lưu giữ, nhận xét, so sánh, cân nhắc, lựa chọn, điều chỉnh, sửa sai, nỗ lực, chủ tâm, định hướng, tham cầu… Tâm thái vô ngã, vô niệm, vô chấp, vô cầu này phải được thể hiện tới mức thâm viễn tận cùng, sâu lắng triệt để, trong sáng, vi tế, vô vi cùng tột. Nếu được như vậy, vấn đề hết mê, hết tội, hết tất cả mọi hình thức khổ não, ưu phiền… là điều hiển nhiên chắc chắn phải xảy ra, không thể không như vậy. Đấy là điều chân thực, bất hư, không thể sai chạy, như Phật Tổ xác quyết, khẳng định trong phần Kết của Bát-Nhã Ba-La-Mật Tâm Kinh.

 

Phụ lục. Tài liệu tham khảo

 

 

1. David Werner; Where there is no doctor; Y Học Việt Nam, Hà Nội, 1983.

2. Sức Khỏe cho mọi người, Y Học Việt Nam, Hà Nội, 1988.

3. Sổ tay thầy thuốc thực hành, Y Học Việt Nam, Sài Gòn,1988.

4. Sức Khỏe là vốn quý, Y Học Việt Nam, Hà Nội, 1984.

5. Phạm Song, Hướng dẫn sử dụng thuốc, Xí nghiệp Dược VN, 1986.

6. Nguyễn Đồng Di, Hoàng Đế Nội Kinh; Khai Trí, Sài Gòn, 1971.

7. Trần Thúy, Phạm Duy Nhạc; Y Học Cổ Truyền Dân Tộc, Tập I, II, III; Y Học, Hà Nội, 1985.

8. Hoàng Bảo Châu, Lã Quang Nhiếp; Châm Cứu Học, Tập I, II; Y Học, Hà Nội, 1978.

9. Thái Khắc Lễ; Zen và Ý thức nói về Ăn Chay; Khai Trí, Sài Gòn, 1971.

10. Thái Khắc Lễ; Zen và Dưỡng Sinh; Khai Trí, Sài Gòn, 1969.

11. Thái Khắc Lễ; Tuyệt Thực đi về đâu?; Khai Trí, Sài Gòn, 1971.

12. Lê Minh; Ăn Uống và Sức Khỏe; Thăng Long, Hà Nội, 1986.

13. Avadhutika Anandamitra Acarya; Thức Ăn và Sức Khỏe; Vĩnh Phụ dịch; M. Cà Mâu, Sài Gòn, 1994.

14. Bùi Kim Tùng; Món ăn, Bài thuốc, quyển I, II, III; Bà Rịa Vũng Tàu, 1996.

15. David Kessler; The doctor’s complete Guide to healing foods; Phan Linh Lan dịch; Phụ Nữ, Sài Gòn, 1997.

16. Nguyễn Xuân Đào; Món ăn trị bệnh; Đà Nẵng, TPHCM, 1998

17. Trương Kế An; Thuật Dưỡng Sinh; Trương Việt, Sài Gòn, 1966

18. Nguyễn Minh Kính; Luyện Dưỡng Sinh, tập I, II; Tổng Hợp Khánh Hòa, Sài Gòn, 1991.

19. Nguyễn Văn Hưởng; Phương Pháp Dưỡng Sinh; Văn Hóa Thông Tin Long An, 1984.

20. Ngô Gia Hy, Bùi Lưu Yêm; Khí Công, Sức Khỏe và Điều Trị, Long An, 1988.

21. Kiều Ngọc; Mười sáu Phương Pháp luyện tập để tăng cường sức khỏe; Thông Tin, TpHCM, 1991..

22. Mã Tế Nhân; Luyện Khí Công để chữa bệnh; Tô Quốc Tuấn dịch, Đồng Tháp, 1992.

23. Lê Thành; Nội Đan, TPHCM, 1999.

24. Ngô Đồ Nam; Thái Cực Quyền Dưỡng Sinh, Trẻ, TP.HCM 1998.

25. Hàng Thanh; Võ Đang Thái Cực Quyền; Sài Gòn, 1974.

26. Phulgenda Sinha; Yoga chữa bệnh; Thể Dục Thể Thao HCM, 1989.

27. Nguyễn Tấn Trí; Yoga, Sức Khỏe và Hạnh Phúc; TP.HCM, 1992.

28. Desmond Dunne; Yoga cho mọi người; Phương Thái Không và Trí Thông dịch, TP.HCM, 1992.

29. Nawami; Tìm hiểu Yoga; Trí Thức, Sài Gòn, 1964.

30. Tinh Tiến; Yoga Quyền Năng và Giải Thoát; Thể Dục Thể Thao TP.HCM, 1994.

31. Philipe de Meric; Yoga cho mọi lứa tuổi; Thể Dục Thể Thao TP.HCM, 1991.

32. S. Yesudian–E.Haich; Yoga Thể Thao và Sức Khỏe; Thể Dục Thể Thao TP.HCM, 1992.

33. K.S.Joshi; Yoga trong đời sống thường ngày ; Thể Dục Thể Thao TP.HCM, 1991.

34. Uyên Vy; Yoga cho người trên 50 tuổi; Phụ Nữ, TpHCM, 1998.

35. Thắng Toàn-Thành Trung; Tự chữa bệnh bằng Yoga và Thực Dưỡng; Thuận Hóa, TpHCM, 1995.

36. Koichi Tohei; Hiệp Khí Đạo trong đời sống hằng ngày; TP.HCM, 1990.

37. Tập san số 4-1991, Tìm hiểu Võ Thuật; Hiệp Khí Đạo; Thể Dục Thể Thao, TpHCM, 1991.

38. Koichi Tohei; Phương pháp khí công Aikido, Bùi Ngọc Lâm dịch,Thể Dục Thể Thao,Sài Gòn,1977

39. Thái Khắc Lễ; Nội lực tự sinh; Khai Trí, Sài Gòn, 1974.

40. Dale Carnegie; Quẳng gánh lo đi và vui sống; Nguyễn Hiến Lê dịch, Long An, 1989.

41. J.A. Winter; Dứt bỏ lo âu, trừ bệnh tật; Thẩm Diên An dịch, Đồng Nai, 1993.

42. Nguyễn Thừa Nghiệp; Sống Hạnh Phúc, Đồng Tháp, 1995.

43. Nguyễn Duy Cần: Tôi tự học. Óc sáng suốt. Thuật đọc sách. Thuật tư tưởng. Thuật yêu đương. Cái cười của Thánh Nhân. Cái dũng của Thánh Nhân.

44. Phạm Cao Tùng; Muốn nên người. Túi khôn loài người. Phạm Văn Tươi, Sài Gòn, 1955.

45. Dương Thu Ái; Trí Tuệ của người xưa; Hải Phòng, Hà Nội, 1996.

46. Trương Vĩnh Ký; Minh Tâm Bửu Giám, Hoa Tiên, Sài Gòn, 1968.

47. Dale Carnegie; Đắc Nhân Tâm; Nguyễn Hiến Lê dịch.

48. Nguyễn Hoài Chân; Những Bí Ẩn của Trái Đất, Tập I, II, III; TP.HCM, 1990, 1991, 1992.

49. Những khả năng bí ẩn của con người; Thông Tin, Hà Nội, 1981.

50. Đoàn Văn Thông; Những người có khả năng siêu phàm; Nguồn Sống, California, 1994.

51. Thiên Tùng; Các Kỳ Nhân Khí Công Trung Quốc đương đại; Thể Dục Thể Thao Hà Nội, 1990.

52. Văn Hòa; Trung Quốc Siêu Nhân; Văn Hóa TP.HCM, 1993.

53. Phạm Ngọc Dương; Hiện Tượng Ngoại Cảm. Hiện thực và lý giải; Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 2007.

54. Lê Mai Dung; Bí Ẩn cuả các nhà Ngoại Cảm Việt Nam, Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 2007

55. Nguyễn Hoàng Phương; Con người và Trường Sinh Học; Đà Nẵng, 1989.

56. Nguyễn Đình Phư ; Nhân Điện, Những Phát Hiện và Ứng Dụng; Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1994.

57. Nguyễn Đình Phư ; Nhân Điện trong cuộc sống; Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1995.

58. Nguyễn Đình Phư ; Sự Kỳ Diệu của Năng Lượng Sinh Học; Văn Hóa Thông Tin Hà Nội, 1996.

59. Betty Eadie; Trở về từ Cõi Sáng; Nguyên Phong dịch, Làng Văn, California, 1995.

60. Đoàn Văn Thông; Bí Ẩn về Tiền Kiếp, Hậu Kiếp; Nguồn Sống, California, 1994.

61. Đoàn Văn Thông; Những Bí Ẩn sau Cõi Chết; Nguồn Sống, California, 1994.

62. Đoàn Văn Thông; Những Cõi Giới Vô Hình và Hữu Hình; Đại Nam, California, 1993.

63. Thích Tâm quang; Những chuyện Luân Hồi hiện đại; 1994.

64. Hướng Thiện; Cõi Vô Hình; Houston, Texas, 1994.

65. Lạt Ma Teunzang; Tử Thư Bardo – Thodol; Huỳnh Ngọc Hương dịch, 1995.

66. Gina Germinara; Những Bí Ẩn của cuộc đời; Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Sài Gòn, 1970.

67. John Blofeld; Ngọc sáng trong Hoa Sen; Nguyên Phong dịch, 1994.

68. Spalding; Hành trình về phương Đông; Nguyên Phong dịch, 1993.

69. Đại Sư Hám Sơn; Đường Mây Trong Cõi Mộng;Thích Hằng Đạt và Nguyên Phong phóng tác;Văn Nghê, California,1988.

70. HòaThượng Hư Vân; Đường Mây Trên Đất Hoa;Thích Hằng Đạt và Nguyên Phong phóng tác, Văn Nghe,California, 1996.

71. Anagarita Govinda; Đường Mây qua Xứ Tuyết; Nguyên Phong dịch, 1993.

72. Yogânanda; Xứ Phật huyền bí; Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Sài Gòn, 1973.

73. Paul Brunton; Ấn Độ huyền bí; Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Sài Gòn, 1971.

74. Paul Brunton; Ai Cập huyền bí; Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Sài Gòn, 1972.

75. Baird T. Spalding; Á Châu huyền bí; Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Sài Gòn, 1975.

76. Lobsang Rampa; Tây Tạng huyền bí; Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Sài Gòn, 1974.

77. Alexandra David Neel; Huyền Thuật và Đạo Sĩ Tây Tạng; Nguyên Phong dịch, 1993.

78. Alexandra David Neel; Du hành Tây Tạng; Minh Lạc, Thuần Bạch dịch, 1994.

79. Rechung; Milarepa, con người siêu việt; Đỗ Đình Đồng dịch, Nguồn Sáng, 1973.

80. Howart Murphet; Sai Baba Avatar; Birthday Publishing Company, San Diego, 1977.

81. Trịnh Chuyết; Tự Điển Danh Nhân Thế Giới cần biết; Xuân Trinh, Sài Gòn, 1970.

82. Phan Khoang; Trung Quốc sử lược; Văn Học Sử, Sài Gòn, 1970.

83. Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược.

84. Dương Quảng Hàm; Việt Nam Văn Học Sử Yếu và Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển.

85. Ngô Tất Tố; Đường Thi; Khai Trí, Sài Gòn, 1961

86. Trần Trọng San; Thơ Đường, Tập I, II; Bắc Đẩu, Sài Gòn, 1970.

87. Fritjof Capra; The Tao of Physics, Đạo Vật Lý; Phan Hồng Nhật dịch, 1996.

88. Nguyễn Hiến Lê; Kinh Dịch, Đạo của người quân tử; Văn Học, TPHCM, 2005.

89. Nguyễn Hữu Lương; Kinh Dịch với Vũ Trụ Quan Đông Phương; Tuyên Úy Phật Giáo Sài Gòn, 1970.

90. Nguyễn Duy Cần; Dịch Học Tinh Hoa; Thu Giang, Sài Gòn, 1970.

91. Nguyễn Duy Cần; Chu Dịch Huyền Giải; Thu Giang, Sài Gòn, 1973.

92. Nguyễn Duy Cần; Nhập Môn Triết Học Đông Phương; Thu Giang, Sài Gòn, 1971.

93. Nguyễn Duy Cần; Tinh Hoa Đạo Học Đông Phương; Thu Giang, Sài Gòn, 1972.

94. Nguyễn Duy Cần; Lão Tử Tinh Hoa; Khai Trí, Sài Gòn, 1962.

95. Nguyễn Duy Cần; Trang Tử Tinh Hoa; Khai Trí, Sài Gòn, 1964.

96. Nguyễn Duy Cần; Đạo Đức Kinh; Khai Trí, Sài Gòn, 1963.

97. Nguyễn Duy Cần; Nam Hoa Kinh; Khai Trí, Sài Gòn, 1962.

98. Trần Trọng Kim; Nho Giáo; Tân Việt, Sài Gòn, 1970

99. Nguyễn Duy Cần; Phật Học Tinh Hoa; Khai Trí, Sài Gòn, 1965.

100. Đức Nhuận; Phật Học Tinh Hoa; Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1971.

101. Thích Thiện Hoa; Phật Học Phổ Thông, Cuốn I, II, III, IV, V, VI; Thành Hội Phật Giáo TP.HCM, 1989.

102. Narada Maha Thera; Đức Phật và Phật Pháp; Phạm Kim Khánh dịch, Phương Đông, Sài Gòn, 2007.

103. Nghiêm Xuân Hồng; Biện Chứng Giải Thoát trong Giáo Lý Trung Hoa; Quan Điểm, Sài Gòn, 1967.

104. Nghiêm Xuân Hồng; Biện Chứng Giải Thoát trong Tư Tưởng Ấn Độ; Quan Điểm, Sài Gòn, 1966.

105. John Yale; Tôn Giáo là gì?; Vương Gia Hớn dịch, An Tiêm, Sài Gòn, 1970.

106. Darshani Deane; Minh Triết trong đời sống; Nguyên Phong dịch, Văn Nghệ, California, 1992.

107. Achaan Chah; Mặt hồ tĩnh lặng; Trần Minh Tài dịch, 1994.

108. Vĩnh Như, Hoài Văn Tử; Con đường An Vui, Hạnh Phúc, 1996.

109. Thích Minh Châu ; Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi; Viện Phật Học Vạn Hạnh, 1990.

110. Thích Nhất Hạnh; An Lạc từng bước chân; Lá Bối, California, 1995.

111. Thích Nhất Hạnh; Phép lạ của sự Tỉnh Thức; Lá Bối, California, 1996. ;

112. Thích Nhất Hạnh; Đường xưa mây trắng; Tổng Hợp, TPHCM, 2006.

113. Thích Thanh Từ; Thiền Sư Việt Nam, TPHCM, Sài Gòn, 1999.

114. Thích Thanh Từ; Các Ấn phẩm dạy về Tu Thiền (Sổ tức, Tùy Tức, Tri vọng không theo).

115. Thích Thiện Siêu, Lời Phật Dạy, Pháp Cú: Dhammapada, Tôn Giáo, TPHCM, 2000.

116. Thuần Bạch; Thiền; Tôn Giáo, Hà Nội, 2002.

117. Suzuki; Thiền Luận (Essays on Zen Buddhism);Trúc Thiên và Tuệ Sỹ dịch, An Tiêm, Sài Gòn, 1970.

118. Thích Chân Quang; Giáo Trình Thiền Học; Tôn Giáo, TPHCM, 2006.

119. Chí Minh và Tuyết Đường; Thiền Uyển Dao Lâm(Vườn Thiền Rừng Ngọc), Thông Thiền dịch, TP.HCM, Sài Gòn, 2001.

120. Thomas Cleary, Zen Antics (A hundred Stories of Enlightenment): Những Nụ Cười Thiê’n), Viên Chiếu dịch, TP.HCM, Sài Gòn, 1999.

121. Nguyễn Tường Bách; Lưới Trời Ai Dệt; Trẻ, Trẻ, Sài Gòn 2006.

122. Eugen Herrigel; Thiền trong nghệ thuật bắn cung (Zen in der kunst des bogenschiessens), Nguyễn Tường Bách biên dịch, Trẻ, Sài Gòn, 2005.

123. Bankei; Tâm Bất Sinh, Thích Nữ Trí Hải dịch, Thanh Văn, California, 1997.

124. Nguyễn Minh Tiến; Lục Tổ Đại Sư; Tôn Giáo, TPHcM, 2006.

125. Trúc Thiên; Hiện tượng Krisnamurti; An Tiêm, Sài Gòn, 1970.

126. Mộc Nhiên; Một Nghệ Thuật Sống ; Thanh Niên, Tp.HCM, 2002.

127. Mộc Nhiên; J.Krishnamurti Lời Cuối Bình An; Thanh Niên,Tp.HCM,2003.

128. Mộc Nhiên; J.Krishnamurti Người Nhập Cuộc, Thanh Niên, TPHCM,2004

129. Mộc Nhiên; Đường Hạc Bay; Thanh Niên, TPHCM, 2006.

130. Nguyễn Ước; J.Krishnamurti, Cuộc Đời và Tư Tưởng; Văn Học,Sài Gòn, 2002.

131. Pupul Jayakar; J.Krishnamurti, A Biography; Haper and Row, San Francisco, 1986.

132. J.Krishnamurti; Tự Do đầu tiên và cuối cùng; Phạm Công Thiện dịch, An Tiêm, Sài Gòn, 1968.

133. J.Krishnamurti; Đường vào Hiện Sinh; Trúc Thiên dịch, An Tiêm, Sài Gòn, 1969.

134. René Fouere; Krishnamurti, cuộc đời và tư tưởng; Võ Văn Quế dịch, Ca Dao, Sài Gòn, 1975.

135. J.Krishnamurti; Ý nghĩa về sự chết, Đau Khổ và Thời Gian; Nguyễn Minh Tâm dịch, An Tiêm, Sài Gòn, 1969.

136. J.Krishnamurti; Giáo Dục và Ý nghĩa cuộc sống; Hoài Khanh dịch, Ca Dao, Sài Gòn, 1971.

137. J.Krishnamurti; Giải trừ kiến thức; Nguyễn Minh Tâm, Đào Hữu Nghĩa dịch, An Tiêm, Sài Gòn, 1970.

138. J.Krishnamurti; Cách Mạng con người; Nguyễn Minh Tâm, Đào Hữu Nghĩa dịch, Khai Trí, Sài Gòn, 1969.

139. J.Krishnamurti; Mạng lưới tư tưởng; Ẩn Hạc dịch, 1995.

140. J.Krishnamurti; Thế giới trong ta; Ẩn Hạc dịch, 1994.

141. J.Krishnamurti; Giáp mặt cuộc đời; Nguyễn Minh Tâm, Đào Hữu Nghĩa dịch, Khai Trí, Sài Gòn, 1970.

142. J.Krishnamurti; Tự Do và Hòa Bình.

143. J.Krishnamurti; Hãy suy nghĩ đến những điều này; Nguyễn Minh Tâm dịch, Sài Gòn, 1970.

144. Carlo Suarès; Krishnamurti và con người toàn diện; Nguyễn Minh Tâm dịch, Sài Gòn, 1970.

145. Các cuộc phỏng vấn và buổi nói chuyện cuối cùng của J.Krishnamurti.

146. J.Krishnamurti; Đối Diện Cuộc Đời; Nguyễn Tường Bách

 biên dịch; Phụ Nữ, TPHCM, 2004.

147. J.Krishnamurti; Quyển Sách của Cuộc Đời; Lê Tuyên biên dịch, Tổng Hợp, TPHCM, 2006.

148. J.Krishnamurti; Đường bay chim đại bàng; Thích Thiện Sáng dịch, Phương Đông, TPHCM, 2007.

149. J.Krisnahmurti; Meditations; Vũ Toàn dịch, Lao Động, TPHCM, 2007

150. Tạp chí Thế Giới Mới, Kiến Thức Ngày Nay, Tài Hoa Trẻ, An Ninh Thế Giới…