Phần thứ
tư. Đạo Đế (Dukkha Nirodha Gaminipatipada Ariya Sacca)
- Con Đường Thoát Khổ
Đạo Pháp
Diễm phúc thay ai chọn
đúng đường,
Hết sầu, hết khổ, hết đau thương.
Tâm còn ôm giữ, còn bi lụy,
Trí hết so đo, hết đoạn trường.
Mê theo vọng niệm, mò trăng nước,
Tỉnh không huyễn tưởng, hái hoa gương.
Một giây chứng nghiệm tâm Vô Ngã,
Bặt luôn Nhân Quả với Vô Thường.
Đắm mê dục lạc chỉ ưu phiền,
Ý tịnh tâm bình mới cảnh tiên.
Những tưởng Thiên Đường nơi hút thẳm,
Nào hay CựcLạc sẵn kề bên.
Một lần giũ sạch tâm vay mượn,
Muôn thuở xa lìa mộng đảo điên.
Chân Tâm, Tịnh Độ là đâu nhỉ ?
Tịnh Độ, Chân Tâm tại Hiện Tiền.
Hết mê, hết tội, hết ưu phiền,
Lối cũ, đường mòn, bặt gót tiên.
Thung dung, cốt tại tâm vô sự,
Thảnh thơi, nào để dạ hai bên.
Nhất thiết bất lưu, thôi luyến trước,
Vạn pháp giai như, hết đảo điên.
Đâu phải nhọc công tìm Đạo Sống ?
Đạo Sống khác nào Đạo Tự Nhiên !
A. Đại cương về Đạo Đế
Đạo Đế: Sự thực rõ ràng, hiển
nhiên về con đường thoát khổ, con đường dẫn tới cảnh giới Giải Thoát. Đạo có
nghĩa là con đường, phương cách sống, nghệ thuật sống. Đạo Đế là sự thực hiển
nhiên nói về con đường, hành giả phải noi theo, để vô minh, vọng niệm, phiền
não, đau khổ tận diệt, vong bặt, Chân Tâm minh linh, vắng lặng, thanh bình, an
lạc, vốn có tự bản lai, lại sáng tỏ, thường hằng. Con đường thoát khổ đó gọi là
con đường Trung Đạo (Majihima Patipada), không buông thả, phóng túng, vô tâm
truỵ lạc, cũng không nỗ lực, gò
ép, khổ hạnh, hay con đường Bát Chính Đạo (Ariyatthangika Magga), gồm 8 chặng
nhỏ, 8 nấc thang từ thấp lên cao, từ dễ tới khó. Đây là con đường ngắn nhất,
chắc chắn nhất để phiền não, khổ đau tịch diệt, hạnh phúc giải thoát, viên mãn
hiện tiền.
Tổng quát, công việc chẩn đoán,
chữa trị căn bệnh đau khổ, phiền não của con người, được Phật Tổ trình bày bằng
một bệnh án gồm 4 phần rõ ràng, khúc chiết, mạch lạc như sau:
- Khổ Đế: Chính là phần chẩn đoán, xác định rằng đương
sự đang mắc bệnh: đây là căn bệnh trầm trọng, nguy kịch, toàn phát, với đầy đủ
các triệu chứng lâm sàng, đa dạng, phong phú … cần phải cấp cứu tức khắc.
- Tập Đế: Chính là phần truy cứu, nêu rõ, phăng tìm ra
nguyên nhân gây bệnh: căn bệnh đã do một nguyên nhân duy nhất gây ra.
- Diệt Đế: Chính là phần tiên lượng khả năng chữa trị:
chắc chắn bệnh nhân phục hồi được trạng thái vô bệnh như xưa, khi loại bỏ được
nguyên nhân gây bệnh. Căn bệnh tuy trầm kha, kịch phát nhưng không phải vô
phương. Nếu theo đúng phương pháp điều trị, bệnh nhân sẽ hoàn toàn bình phục, trở
về trạng thái bình thường, vô bệnh như trước.
- Đạo
Đế: Chính là phần đề xuất phác đồ điều trị hay phần kê khai đơn
thuốc: toa thuốc gồm có 8 vị, để uống lần lượt theo thứ tự trước sau, được gọi
là Bát Chánh Đạo.
B. Bát Chính Đạo
(Ariyatthangika Magga)
Bát Chánh Đạo, con đường
thoát khổ, có 8 chặng tu từ thấp lên cao: Chính Kiến, Chính Tư Duy, Chính Ngữ,
Chính Nghiệp, Chính Mệnh, Chính Tinh Tấn, Chính Niệm, Chính Định. Bát Chính Đạo
là một lịch trình tu chứng vô cùng hợp lý, hoàn bị về nội dung, và hết sức mạch
lạc, rõ ràng, khúc chiết về hình thức. Bát Chính Đạo được chia thành ba phần Tu
rõ rệt:
_ Phần Tu Giới (Sila): gồm 6
chặng đầu Chính Kiến, Chính Tư Duy, Chính Ngữ, Chính Nghiệp, Chính Mệnh, Chính
Tinh Tiến. Trong phần Tu Giới, hành giả phải chuyên cần thường xuyên tu sửa
thân, tâm, xa lìa, từ bỏ những ý nghĩ, ngôn từ, hành vi sai trái, bất thiện,
cương quyết đi theo con đường chân chính, hiền lương, đức hạnh, ích lợi cho
người, cho ta: đây là phần Tu dưõng luân lý, đạo đức, phần Cách mạng ý thức, tư
tưởng, hành động, hay phần Tu Phúc, Tu Thiện. Trong phần Tu Giới, chặng Chính
Kiến tức chặng Cách mạng tư tưởng được tiến hành đầu tiên, tiếp đó là chặng
Chính Tư Duy tức Cách mạng tình cảm, kế tới là Cách mạng hành động gồm các
chặng Chính Ngữ, Chính Nghiệp, Chính Mệnh. Trước tiên phải có tư tưởng, suy
nghĩ chân chính mới nẩy sinh tình cảm chân chính. Có suy nghĩ chân chính, tình
cảm chân chính mới có ngôn từ, hành vi chân chính. Chính Tinh Tấn là chặng Cách
mạng ý chí, chặng nhắc nhở, đôn đốc hành giả kiên trì, quyết tâm, nỗ lực,
chuyên cần trong phần Tu Giới, được để sau cùng. Phần Tu Giới của đạo Phật
chính là phần Hình Nhi Hạ Học của Nho Giáo: đạo hữu vi của người Quân Tử.
_ Phần chuyển tiếp giữa Tu Giới
và Tu Định: còn được gọi là phần Phúc Huệ Song Tu, chỉ gồm một chặng là chặng
Chính Niệm, chặng thứ bảy của Bát Chính Đạo. Trong phần này, hành giả bắt đầu
thực tập việc ngồi yên lặng, thân tâm thư thái, lắng tâm, chú tâm, để ý vào
từng lãnh vực như thân thể, cảm thọ, tâm ý, vạn hữu để thấy chúng biểu hiện
theo lý Vô Thường, Vô Ngã, như đã được học trong phần Tu Giới. Đây là phần
trung gian, chuyển tiếp từ ghi nhớ sang buông bỏ, từ suy niệm sang vô niệm, từ
hữu vi sang vô vi, từ Tu Giới sang Tu Định.
_ Phần Tu Định (Samadhi): cũng
chỉ gồm một chặng là chặng Chính Định, chặng cuối cùng của Bát Chính Đạo. Trong
phần Tu Định, phần Tu cao tột, trên cùng, hành giả để tâm thanh tịnh, vô vi, vô
niệm, vô chấp, vô cầu, quán chiếu thân, tâm, vạn pháp, tới chỗ sâu xa, vi tế
cùng cực, thấy rõ bản chất vô minh của Vọng Ngã, liễu ngộ đạo quả Giải Thoát Vô
Thượng. Đây là phần Tu Huệ, Tu Giải Thoát. Chính Định, nấc thang tột đỉnh, vô
thượng, cuối cùng của Bát Chính Đạo, được để sau chót. Phần Tu Định, phần cốt
tuỷ của Phật Giáo, chính là phần Hình Nhi Thượng Học của Nho Giáo: đạo vô vi
của bậc Thánh Nhân.
Phần Tu Giới chính là phần Cách
mạng trên bình diện Ý Thức, Tư Tưởng. Nó mới chỉ là cuộc Cách mạng nửa vời,
chưa trọn vẹn, chưa triệt để, nhưng tuyệt đối cần thiết. Hoàn tất trọn vẹn phần
Tu Giới rồi mới tiến hành Tu Định. Phần Tu Định chính là phần Cách mạng trên
bình diện Tiềm Thức, Vô Thức. Nó là cuộc Cách mạng thâm sâu cùng cực, căn để,
viên mãn trọn vẹn, cuối cùng. Tu Định tuyệt đối cần thiết như Tu Giới, được
tiến hành sau Tu Giới, qua phần chuyển tiếp Phước Huệ Song Tu. Tu Giới mà không
Tu Định thì chỉ là cuộc Cách mạng tiến hành trên bình diện Ý Thức, cuộc Cách
mạng tư tưởng, chính trị, luân lý, đạo đức, cuộc Cách mạng thiếu sót, dang dở,
nửa vời, không triệt để, tuyệt đối không phải cách mạng Đạo Học. Hầu hết các
tôn giáo đều dừng ở phần Tu Giới, phần Cách mạng ý thức, tư tưởng, hành động,
Cách mạng luân lý, đạo đức, hữu vi, làm thiện, tránh ác. Chỉ có Đạo Học nói
chung, Phật Giáo nói riêng, mới tiến qua phần Tu Định, Tu Thiền, phần Cách mạng
trên bình diện Tiềm Thức, phần Cách mạng vô vi, triệt để, viên mãn, trọn vẹn,
đích thực, cuối cùng.
I. Phần Tu Giới (Sila)
Tu Giới, phần tu về phúc nghiệp,
thiện nghiệp, là phần Cách mạng về Ý Thức, Tư Tưởng, là phần tu dưỡng về Luân
Lý, Đạo Đức, phần Cách mạng về Hành Động làm lành, lánh dữ. Phần Tu Giới bao
gồm bốn giai đoạn Cách mạng nhỏ: Cách mạng tư tưởng (Chính Kiến), Cách mạng tình
cảm (Chính Tư Duy), Cách mạng hành động (Chính Ngữ, Chính Nghiệp, Chính Mệnh),
và Cách mạng ý chí (Chính Tinh Tiến).
1) Cách mạng tư tưởng: Chính
Kiến (Samma Ditthi)
Đây là đoạn đường đầu tiên
của người học Đạo. Trong chặng đầu này, người tu học phải tìm hiểu, học hỏi để
nắm vững những kiến thức chân chính, xác thực về Nhân Sinh, về Vũ Trụ. Đây là
giai đoạn Cách mạng ý thức, tư tưởng, xây dựng Nhân Sinh quan, Vũ Trụ quan chân
chính, đúng đắn, phá bỏ những tà kiến sai lầm, phi thực tại. Vũ Trụ là Không (Trụ),
Thời (Vũ) gian tương đối, luôn luôn biến dịch, chi phối bởi 2 định luật cơ bản
là Vô Ngã, Vô Thường, và chia thành 3 cảnh giới là Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc
Giới.
a) Luật Vô
Ngã (Anattà)
Vô Ngã là định luật về không gian, được xương
minh bằng lý Nhân Quả. Luật Vô Ngã có các đặc tính sau:
_ Không gian tương tác
Luật Vô Ngã được phát biểu như
sau:
“ Trong Vũ Trụ, không có
sự vật nào, hiện tượng nào đứng riêng rẽ, độc lập, tách biệt, cô lập, chia cách
với các sự vật, hiện tượng khác”
. Sự vật, vạn hữu cộng thông,
tương tác, tương liên, tương thuộc, chi phối, ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn
nhau trong một Trường Thống Nhất về vật chất, năng lượng, thông tin. Cộng
thông, tương tác là đặc tính cơ bản của Luật Vô Ngã. Mỗi sự vật là một thành
phần trong vô vàn tầng lớp sự vật lớn hơn, các đại thể bao hàm, dung chứa nó,
đồng thời chính nó là một tổng thể do nhiều tầng lớp bộ phận nhỏ hơn, các tiểu
thể tạo hợp thành.
Tất cả mọi hiện tượng trong Vũ
Trụ đều có những mối liên hệ, tương quan qua lại chằng chịt như các thành phần
trong một Đại Cơ Thể, tuyệt đối không có một hiện tượng nào tách biệt, riêng lẻ
với mọi hiện tượng khác trong khối Đại Toàn Thể.
Cách nay hơn 2500 năm, Nho
Giáo đã tuyên bố:
“Thiên
Địa, vạn vật đồng nhất thể.”
(Trời
đất, muôn vật cùng ở trong một thể thống nhất).
Cách nay 25 thế kỷ, Phật
Tổ đã nêu rõ Luật Vô Ngã:
“Không
có sự vật biệt lập, không có cái cá thể tách biệt, không có cái Ta riêng lẻ,
độc lập”.
Cho tới những năm đầu của thế kỷ
21 này, Vật Lý Học đã xác nhận chính những hạt cơ bản (elementary particles),
những hạt nhỏ bé tân cùng gồm 12 hạt vật chất (12 matter particles: 6 loại hạt
quarks như up, down, charm, strange, top, bottom + 6 loại hạt leptons như
electron, 3 neutrinos, muon, tau) và 6 hạt mang lực (6 force particles: gluon,
photon, W+, W-, Z0, graviton), khi tương tác đã tạo ra các lực như lực hạt nhân
(strong), lực điện từ (electromagnetic), lực phóng xạ, bức xạ (weak), lực trọng
trường (gravity). Chính 4 loại lực có nguồn gốc vi mô này đã chi phối, khiển sử
toàn bộ mọi tương tác nhân quả giữa vạn sự, vạn vật trong Vũ Trụ.
Khoa học hiện đại khẳng
định:
“Mọi vật thể trong Vũ Trụ
đều tương tác với nhau, chi phối lẫn nhau theo các lực: lực hạch tâm, lực điện
từ, lực phóng xạ, lực trọng trường. Một vật thể dù nhỏ nhặt tới đâu cũng góp
phần ảnh hưởng vào cái Vũ Trụ bao la, vô tận.”
Thật bất ngờ, lạ lùng đến mức độ
kỳ bí, không thể tin nổi khi Vật Lý Học hiện đại cho ta biết rằng toàn thể các
lực, các sức mạnh tương tác trên đời này, kể cả những lực vô cùng vĩ đại như
lực vận hành trái đất, mặt trăng, mặt trời, tinh tú, thiên thể, ngân hà xa xôi,
thăm thẳm, Vũ Trụ vô biên, vô tận… lại có nguồn gốc từ những hạt cực kỳ vi tế,
ẩn mật, bí nhiệm, nhỏ bé tận cùng đến hư hư, thực thực, lung linh, huyền ảo, vô
hình…
Lý thuyết về sự Vô Trật Tự
(Chaos) không còn tồn tại trong Vật lý học, mà thay thế bởi quan niệm:
“Một hiện tượng dù vi tế tới đâu cũng có những tác
nhân tạo thành, và chính nó lại cùng các hiện tượng khác có những mối tương
quan, tương tác với toàn thể sự vật trong Vũ Trụ.”.
Nhà Thiền bảo:
“Nhất điểm mai hoa nhụy.
Tam thiên thế giới hương”.
(Một điểm nhụy hoa mai,
Tỏa thơm khắp ba ngàn thế giới).
Một cái vẫy cánh của con bướm ở
Bắc Kinh cũng có ảnh hưởng tới một cơn bão xảy ra ở New York. Đám khói đen bốc lên từ ống thoát
của một nhà máy ở Bắc Mỹ đã góp phần vào việc nhấn chìm dần dần các đảo quốc
nhỏ bé ở tây nam Thái Bình Dương. Sự hiện hữu hoặc hủy diệt một nguyên tử nhỏ
bé cũng góp phần ảnh hưởng vào cái Vũ Trụ mênh mông, vô hạn. Theo Đạo Học, một
hiện tượng hiện hành là kết quả của nhiều hiện tượng nhân duyên tạo thành. Đến
lượt, hiện tượng kết quả này lại kết hợp cùng nhiều hiện tượng khác trở thành
nhân duyên tạo ra các hiện tượng khác nữa. Trong Vũ Trụ, mọi vật tương tác,
cộng thông, đan dệt nhau mà có, cái này hiện hữu, hay hủy diệt là nhờ cái kia
tiêu vong hay tồn tại. Không có cái gì tự sinh, tự diệt cả. Vạn sự, vạn vật
nương tùy nhau mà hưng vong, tiêu trưởng, thành hoại…
Antoine Laurent Lavoisier
(1743-1794), nhà bác học lừng danh người Pháp, đã nói không khác:
“Rien ne se perd, rien ne se crée”
(Không
có cái gì tự mất đi, không có cái gì tự sinh ra)
Từ hạ bán thế kỷ 19, khoa học đã
khám phá ra nguyên lý Bảo Toàn Năng Lượng:
“Năng lượng không tự mất, nó
luôn được bảo toàn nguyên vẹn, nó chỉ chuyển hóa thành các dạng năng lượng khác
nhau như cơ năng, điện năng, nhiệt năng, quang năng, hóa năng… ”.
Sang tiền bán thế kỷ 20, lý thuyết Tương Đối
(Relativism) của Albert Einstein còn tiến xa hơn khi khẳng định:
“Thời gian, không gian, vật
chất, năng lượng không tách biệt, độc lập hoàn toàn với nhau như quan điểm khoa
học trước đây, mà chúng liên hệ, cộng thông, tương tác, ảnh hưởng qua lại lẫn
nhau. Thời gian, không gian, vật chất, năng lượng khi tương tác có thể làm thay
đổi, biến dạng lẫn nhau”.
Phật
giáo gọi các tác nhân chính yếu, rõ rệt, gần gũi là Nhân, các tác nhân phụ trợ, thứ yếu là Duyên, và các tác nhân mạnh mẽ, có thể
từ quá khứ xa xôi là Nghiệp.
Phật bảo:
“Nhất
thiết pháp, nhân duyên sinh”
(Tất
cả mọi hiện tượng đều do nhân duyên tạo thành),
“ Sự vật
đều bị nghiệp lực chi phối”.
Mối tương quan, tương tác qua lại giữa sự vật
đó gọi là Nhân Duyên Quả Báo
hoặc gọi tắt là lý Nhân Quả
(Paccayuppanna), hay Nghiệp
Báo. Quan hệ nhân quả chằng chịt, vô cùng phức tạp, vượt ngoài sự
lãnh hội của tư tưởng này, Đạo Phật gọi là:
“Pháp
Giới trùng trùng duyên khởi.”
Theo Phật Giáo, những ý nghĩ,
hành động, lời nói… sau khi phát tác, chúng không mất đi, mà biến thành những
chủng tử (hạt giống) được lưu giữ trong Tàng Thức A-Lại-Da để trở thành những
nghiệp lực (kamma=karma) về thân, khẩu, ý… Tất cả các tư tưởng, tình cảm, xúc
cảm, lời nói, hành vi có tác ý (cetana), tức có dụng tâm, chủ ý, mục đích… đều
tạo nghiệp lực. Khi hội đủ nhân duyên, các nghiệp lực này sẽ hiện hành như:
thúc đẩy, hướng dẫn quá trình tái sinh, tác động, can thiệp vào những sự việc
diễn ra trong những kiếp sống tới…
Những biểu hiện tinh thần, tình
cảm, xúc cảm như ý nghĩ, dự định, hoài bão, ước mơ, tham muốn, thèm khát,
thương yêu, thù hận… chính là những động cơ của mọi hành vi vật chất, cụ thể,
hữu hình như việc làm, lời nói. Chúng cũng chính là những động lực tâm lý,
những hình thức năng lượng (mặc dù tới nay khoa học chưa xác định được thứ năng
lượng tâm lý này). Theo nguyên lý Bảo Toàn Năng Lượng, nếu chúng đã là một hình
thức năng lượng tâm lý thì chúng không bao giờ hoại diệt, ngay cả khi thân thể
vật chất tan hoại. Theo thuyết Tương Đối, thì những năng lượng tâm lý, những
sức mạnh nội tâm bất hoại ấy, khi hội đủ các điều kiện về thời gian, không
gian, hoàn toàn có khả năng biến thành những dạng thức, hiện tượng vật chất hữu
hình, sinh động.
Sinh Vật học hiện đại cũng đã
khẳng định:
“Cơ cấu di truyền được
hình thành qua vô vàn thế hệ quá khứ và chính nó đã chi phối những biểu hiện
trong chu kỳ tồn tại hiện hữu của mọi sinh vật: bản đồ gens của phân tử ADN đã
lập trình sẵn tất cả mọi biến cố trong đời sống hiện tại của sinh vật mang chứa
nó.”
Nho gia cũng khẳng định:
“Nhất
ẩm, nhất trác giai do tiền định”
(Mỗi hành vi, động tác nhỏ
nhặt, tầm thường hàng ngày như uống một ngụm nước, ăn một miếng thực phẩm, cũng
đều do nhân duyên tiền định cả)
Nho Giáo gọi các nhân
duyên tiền định là Mệnh.
Trạng Trình khẳng định:
“Bĩ,
thái, cùng, thông giai hữu
mệnh.”
(Hưng vong, suy thịnh, xấu tốt,
thành hoại đều do tác nhân dĩ vãng chi phối).
Trong thiên nhiên, các tương tác
vật lý, các phản ứng hóa học, sinh học diễn ra liên tục, giữa các chất vô cơ,
hữu cơ. Vật chất, năng lượng, thông tin được trao đổi thường xuyên giữa các
sinh vật và môi trường qua các chức năng hô hấp, dinh dưỡng, bài tiết, cảm
nhận, đáp ứng...Cái mà chủ thể vừa coi là của mình, thuộc về ta, phút chốc đã
trở thành vật sở hữu của tha vật, ngoại giới.
Con người là một sản phẩm, một
tạo vật, một cấu trúc vô cùng kỳ diệu, phức tạp của Thiên Nhiên, được kết hợp
bởi hằng hà sa số nhân duyên như thực phẩm, khí trời, môi trường, sinh quyển,
rồi cả những nhân tố xa xôi như mặt trăng, mặt trời, tinh tú, thiên hà, cả đến
những tác nhân vi tế, vô hình như các hạt, các sóng, các tia, các trường….Về
mặt tinh thần, cá tính, tâm hồn, kiến thức, tư tưởng, ý chí, dục vọng, của mỗi
cá nhân lại được hình thành từ những yếu tố trong môi trường xã hội như gia
đình, văn hóa, giáo dục, chủng tộc...Từ một tế bào phôi thai nhỏ bé đầu tiên,
nhờ thực phẩm từ bốn phương, nhờ vô vàn tác nhân từ thiên địa, cơ thể con người
lớn dần theo năm tháng để đạt tới tầm vóc trưởng thành. Xác thân ta là một phức
hợp nhiều hệ thống, cơ quan, bộ phận với hàng tỉ tế bào chuyên biệt khác nhau.
Tế bào lại là những thành phần, những đơn vị sống nhỏ bé, những sinh vật sơ
đẳng, biết thu nạp, dinh dưỡng, sản xuất, bài tiết, tự điều chỉnh, tự vệ, biết
tìm diệt các chất lạ xâm nhập, biết săn bắt vi trùng... Tuyến sinh dục (tinh
hoàn) của con người là nơi sinh trưởng, cư ngụ của hàng tỉ tế bào (tinh trùng),
những sinh vật li ti, có đầu, có thân, có đuôi, có giới tính, biết dinh dưỡng,
di chuyển bơi lội… Trong mũi, miệng, họng, ruột con người đầy rẫy những cộng
đồng vi sinh vật chung sống hòa bình, góp phần vào cái sống chung của toàn cơ
thể. Một cá thể chứa vô vàn cá thể nhỏ bé hơn. Rõ ràng thân xác ta, không phải
là một cá thể riêng lẽ, độc lập mà là một xã hội của nhiều thành phần sinh vật
khác.
Đến lượt cá nhân con người lại
tác động vào thiên nhiên cùng với vô vàn các nhân duyên khác: tư tưởng, hành vi
của con người ảnh hưởng trực tiếp tới mặt đất, môi trường, tới sinh quyển, thủy
quyển, khí quyển, vạn vật, tới gia đình, cộng đồng xã hội, nhân loại. Cá nhân
ra sao, môi trường tự nhiên và xã hội sẽ y như vậy. Đạo Phật bảo: Chánh báo
(con người) và Y báo (môi trường, hoàn cảnh) đều cộng thông, tương tác.
Hơn 25 thế kỷ trước đây, Phật
Thích Ca đã thuyết minh rõ ràng về luật Vô Ngã của nền Đạo Học Ấn Độ nơi con
người:
“Cái mà chúng ta ý niệm như một
cái Ta biệt lập, một chủ thể riêng rẽ, một cá thể độc lập, thực ra chỉ là một
hiện tượng biến đổi liên tục, do nhân duyên Ngũ Uẩn gồm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành,
Thức giả hợp lại. Phần thể xác, hay Sắc, do Tứ Đại đúc kết nên: Thủy (chất
lỏng), Hỏa (năng lượng), Địa (chất đặc), Phong (chất khí). Phần tinh thần do
những thành tố như Thọ (cảm giác), Tưởng (kinh nghiệm), Hành (tư tưởng), Thức
(ý thức) họp thành”.
_ Không gian tương đối
Trong Vũ Trụ, không có sự vật
nào là lớn lao, vĩ đại tuyệt đối, cùng cực, trên hết. Mỗi sự vật lại lồng chứa
trong một sự vật lớn hơn nó. Sự vật này lại được bao hàm trong một sự vật lớn
hơn nữa...cho tới vô cùng. Không gian vô giới hạn theo chiều vĩ mô. Con người
là một thành viên của gia đình. Gia đình là một đơn vị của xã hội, quốc gia.
Quốc gia là một bộ phận của Địa Cầu, rồi tới những kích thước bao dung ngày
càng lớn như Thái Dương Hệ, Thiên Hà, Vũ Trụ... Sự lồng chứa này thể hiện ở vô
vàn tầng lớp, cấp độ.
Không sự vật nào trong Vũ
Trụ là bất khả phân, là nhỏ nhất, nhỏ tuyệt đối cả. Mỗi hiện tượng, mỗi đơn vị
lại bao gồm những hiện tượng, những đơn vị nhỏ dần tới vô cùng. Không gian là
vô tận, vô cùng theo chiều vi mô. Con người do nhiều hệ thống, cơ quan, bộ phận
tổ hợp nên. Các bộ phận lại do các mô, các mô do các tế bào tạo thành. Trong tế
bào có nhân, trong nhân có các nhiễm sắc thể, trong nhiễm sắc thể có các đại
phân tử ADN (Acide déoxyribonucléique), trong ADN có các gènes, trong gène có
các phân tử Nucléotides, trong phân tử Nucléotide có các nguyên tử, trong
nguyên tử có hạt nhân, trong hạt nhân có các hạt dưới nguyên tử (particles
subatomiques) như Protons, Neutrons, rồi dưới Proton, Neutron còn có những hạt
nhỏ hơn chúng...Vật Lý Học hiện đại cho biết còn có những hạt cực kỳ nhỏ bé hơn
nữa, như hạt Quarks, Leptons, Electrons, Neutrinos, Glutons, Photons, Gravitons
… hiện được coi như các hạt cơ bản (particles élémentaires), những hạt vật chất
nhỏ bé tận cùng mà con người biết được … Mỗi sự vật bao gồm nhiều tầng lớp sự
vật nhỏ hơn với vô kể các cấp độ.
Như vậy, từ các hạt cực nhỏ như
các hạt cơ bản, hạt dưới nguyên tử, nguyên tử, phân tử... tới các thiên hà xa
xôi hàng chục tỷ năm ánh sáng mà khoa học hiện biết được, không gian đã biểu
hiện cái vô biên, vô hạn ở cả hai phía cực tiểu và cực đại. Với những dụng cụ
tinh vi, hiện đại, như kính hiển vi số bội giác cực lớn, kính hiển vi điện tử,
tới những kính viễn vọng khổng lồ đặt trên núi cao, rồi kính thiên văn điện tử
Huble có quỹ đạo trong không gian ngoại khí quyển, khoa học vẫn chưa thấy được
cái vi tế bất khả phân và cái vĩ đại lớn lao tuyệt đối.
Một sự vật được cho là nhỏ so
với sự vật hàm chứa nó, nhưng lại được coi là lớn nếu so với sự vật do chính nó
bao dung. Một cá thể được gọi là lớn khi ta so sánh nó với những phần tử mà nó
bao hàm, nhưng ta lại thấy nó nhỏ bé khi so với vật thể chứa đựng nó. Giá trị
lớn nhỏ chỉ là một quan niệm tương đối về không gian.
Trong thiên Tiêu Dao Du của Nam
Hoa Kinh, Trang Tử đã đưa ra ví dụ về hai con vật rất nhỏ là Ve và chim Cưu.
Chúng đã không chạy theo, bắt chước cách sống của hai con vật cực lớn là cá Côn
và chim Bằng. Ví dụ này nói lên tính chất tương đối của không gian, đồng thời
đề cao cái tinh thần tự do, hồn nhiên, tự tại, không phân biệt, so đo, chọn lựa
giữa những sự vật nhỏ, to, lớn, bé trong Vũ Trụ.
Tóm lại, quán triệt luật Vô Ngã
với tính chất tương tác và tương đối, ta thấy Thân, tâm con người tuyệt đối
không phải là một cá thể bất khả phân, tách biệt, độc lập với Vạn Hữu, mà là
một tổng thể gồm vô vàn cơ thể nhỏ bé khác đồng thời lại là thành phần tạo dựng
nên những sự vật lớn hơn ở nhiều tầng lớp, và có trùng điệp các mối tương quan
với các sự vật khác.
_ Không
gian toàn đồ
Mỗi sự vật là hình ảnh thu nhỏ
của sự vật hàm chứa nó. Mỗi sự vật là bản sao phóng đại những sự vật tạo nên
nó.
Nho Giáo bảo:
“Các hữu Thái Cực”
(Mọi vật
đều có Thái Cực, tức mỗi sự vật đều mang chứa hình ảnh, nội dung của Vũ Trụ,
mỗi sự vật là một Vũ Trụ thu nhỏ, một tiểu Vũ Trụ.)
Tam Tổ Tăng Xán dạy:
“Nhất
tức nhất thiết.
Nhất thiết tức nhất.”
(Cái một
là cái toàn thể. Cái toàn thể chính là cái một).
Pháp Môn Yoga cũng xác
định:
“Tiểu Ngã (Atman) là một phần
của Đại Ngã (Brahman),
con người là hình ảnh của
Thượng Đế, cuả Vũ Trụ.”
Như vậy, ta thấy cái Tiểu Vũ
Trụ, Tiểu Thiên Địa, Tiểu Càn Khôn lại lồng chứa trong cái Đại Vũ Trụ, Đại
Thiên Địa, Đại Càn Khôn ở các tầng lớp giống y hệt nhau. Nguyên tử là hình ảnh
thu nhỏ của Thái Dương hệ, Thái Dương hệ là hình ảnh thu nhỏ của Thiên hà,
Thiên hà là hình ảnh thu nhỏ của Vũ Trụ.
Con người giống như in một
xã hội: Trong cơ thể cũng có chính quyền đầu não, có cơ quan điều hành từ trung
ương tới địa phương, có cấp chỉ huy, tầng lớp thừa hành, có cảnh sát, quân đội,
có những công dân, những cá thể với đời sống riêng như hô hấp, hấp thu, dinh
dưỡng, bài tiết, tuần hoàn, sản xuất, cũng có cả nhà máy, kho tàng, hệ thống
giao thông, vận tải, thông tin, liên lạc...
Con người cũng đích thị là một Tiểu
Thiên Địa. Trời Đất có Lưỡng Nghi (Âm, Dương), Tam Tài (Thiên, Địa,
Nhân=Thựợng, Trung, Hạ), Tứ Đại (Thủy, Hỏa, Địa, Phong), Ngũ Hành (Kim, Mộc,
Thủy, Hỏa, Thổ), Lục Khí (Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa), thì con người cũng
có tất cả những thứ đó. Hào quang sinh học nơi con người và sinh vật với vô vàn
các đốm sáng lung linh là hình ảnh của Thiên hà, của Vũ Trụ với hằng hà các
thiên thể lấp lánh.
Trong khoa Châm Cứu, với
các bộ môn Nhĩ Châm, Tỵ Châm, Diện Châm, Thủ, Túc Châm, thì một cái tai, cái
mũi, cái mặt, một bàn tay, bàn chân lại là hình ảnh thu nhỏ của cơ thể. Một
phân tử ADN của nhân tế bào lại cất giữ toàn bộ quá trình hiện hành của đời
sống sinh vật mang chứa nó. Một hạt, hột nhỏ bé là đại diện cho toàn bộ cái cây
to lớn bao gồm thân, gốc, rễ, hoa, lá, ngọn ngành. Một trái tim, một lá phổi,
một khúc ruột cũng co vào, dãn ra y như đời sống một thiên thể, một ngân hà hay
cả Vũ Trụ.
b) Luật Vô Thường (Anicca)
Vô Thường là định luật về thời
gian, được xiển dương bằng thuyết Luân Hồi. Luật Vô Thường có các đặc tính sau:
_ Thời
gian biến dịch
Luật Vô Thường được phát biểu
như sau:
“Trong Vũ Trụ, không có sự vật,
hiện tượng nào là cố định, bất dịch, thường hằng, bất biến, trường tồn vĩnh
viễn cả”
. Vạn sự, vạn vật đều luôn luôn
biến đổi, trôi chảy, chuyển dịch, trở thành, hóa thân, biến tướng không ngừng...Tính
chất biến dịch liên tục của Sự Vật này Đạo Phật gọi là tính Vô Thường (Anicca)
hay Luân Hồi (Samsâra), còn Nho Giáo gọi là Dịch Lý, và Đạo Giáo gọi là luật
Phản Phục, ngày nay Khoa Học gọi là Chu Kỳ Tuần Hoàn của mọi hiện tượng.
Thế giới hiện tượng, mà Nho Giáo
gọi là Thái Cực, Phật Giáo gọi là Pháp Giới, Ấn Giáo gọi là Brahmâ, biến đổi
theo vô vàn chu kỳ tồn tại. Chu kỳ này gồm hai
giai đoạn đối đãi, nương tùy nhau, luân phiên nhau tồn tại: Giai đoạn sinh
trưởng, kiến tạo, hưng thịnh (Đạo Nho gọi là Dương, Đạo Ấn gọi là Vishnou) và
giai đoạn hao mòn, suy tàn, hủy diệt (Đạo Nho gọi là Âm, Đạo Ấn gọi là Shiva).
Mỗi giai đoạn Âm, Dương lại chia
thành hai giai đoạn nhỏ hơn, chi tiết hơn, do đó Sự Vật vận hành theo những chu
kỳ tồn tại gồm bốn tiểu đoạn: Thiếu Dương, Thái Dương, Thiếu Âm, Thái Âm, hay
Phát sinh, Trưởng thành, Suy thoái, Hủy diệt, hoặc Thành, Trụ, Hoại, Không. Bốn
tiểu đoạn này còn có những tên gọi khác như Sinh, Trụ, Dị, Diệt, hay Sinh,
Trưởng, Thu, Tàng, hoặc Sinh, Thành, Bại, Tuyệt …
Chu Dịch, bộ Kinh căn bản của
Nho Giáo bảo:
“Thái Cực sinh Lưỡng Nghi... Âm, Dương tương
thôi, nhi sinh biến hóa...” (Sự Vật gồm hai mặt Âm, Dương
đối đãi nhau, thúc đẩy nhau để biến hóa...). Âm, Dương hay Lưỡng Nghi là hai
mặt đối đãi của Sự Vật như: Vũ và Trụ, Càn và Khôn, Sáng và Tối, Nóng và Lạnh,
Thịnh và Suy, Bĩ và Thái, Cùng và Thông, Cam và Khổ, Doanh và Hư, Tiêu và
Trưởng, Thành và Bại, Đắc và Thất, Tồn và Vong, Sinh và Tử, Quý và Tiện, Vinh
và Nhục, Họa và Phúc, Thị và Phi, Thiện và Ác...
Hai trạng thái Âm, Dương là hai
mặt đối đãi nhau để bổ túc, thúc đẩy, giúp đỡ nhau, luân phiên nhau, trong chu
kỳ biến dịch của Sự Vật, chứ không đối lập, kình chống, hủy diệt nhau.
Đạo Đức Kinh, bộ kinh nền tảng
của Đạo Giáo, cũng bảo:
“Hữu, Vô tương sinh. Nan, Dị tương thành. Trường, Đoản tương tùy. Cao, Hạ
tương khuynh.”
(Có và Không,
Khó và Dễ, Dài và Ngắn, Cao và Thấp cùng tồn tại để cùng sinh, cùng thành, cùng
theo, cùng kiềm chế nhau).
Chu Dịch lại bảo:
“Âm trung hữu Dương căn. Dương
trung hữu Âm căn… Âm cực Dương sinh, Dương cực Âm sinh...Vật cùng tắc biến, Vật
cực tắc phản...”
(Trong Âm có cái mầm gốc
của Dương. Trong Dương có cái mầm gốc của Âm… Khi Âm tiến tới cùng cực thì nảy
sinh mặt Dương, đối đãi với nó và khi mặt Dương tiến tới cùng cực sẽ nảy sinh
mặt Âm, đối đãi với Dương... Sự Vật khi tiến tới cùng sẽ biến đổi, khi tiến tới
cực điểm tất quay về trạng thái đối đãi...).
Khi mặt này phát triển tới cùng
cực, nó bắt đầu suy thoái để nhường chỗ cho mặt kia nẩy sinh, và khi mặt kia
tiến triển tới cùng cực, nó lại bắt đầu suy tàn để mặt đối lập với nó manh nha,
hưng thịnh dần lên. Đó là quy luật biến đổi phản phục, vô thường, tuần hoàn,
bất tận của Tạo Vật.
Chu Dịch bảo tiếp:
“Nhất hạp nhất tịch chi vị biến.
Vãng lai bất cùng chi vị Đạo”
(Đóng
vào, mở ra luân phiên nhau là sự biến đổi.
Ra
đi rồi lại trở về bất tận là Đạo Trời).
Đạo Đức Kinh cũng bảo:
“Phản giả, Đạo chi động”
(Trở về, phản hồi lại
trạng thái đối đãi cũ là sự chuyển biến của Đạo Trời).
Vô Thường, Phản Phục là
luật tắc của muôn đời: hết Thịnh tới Suy, hết Bĩ tới Thái, hết Cùng tới Thông,
hết Họa tới Phúc, hết Doanh tới Hư, hết Tiêu tới Trưởng, hết Sáng tới Tối, hết
Lạnh tới Nóng, hết Tử tới Sinh, hết Thành tới Bại. Chu
kỳ Doanh Hư, Tiêu Trưởng, Hưng Vong, Thành Hoại diễn ra bất diệt. Thịnh Vượng,
Sung Mãn thay phiên với Suy Tàn, Hư Hoại…
Luật tắc Vô Thường, Phản Phục
được Kinh Dịch minh họa rất rõ ràng trong Thái Cực Đồ, một hình vẽ mà nhà Vật
Lý lượng tử người Đan Mạch lừng danh Niels Bohr (1885-1963) coi là một biểu
tượng diễn tả quy luật biến đổi của Vũ Trụ hoàn hảo, trọn vẹn, mà ông tâm đắc
nhất.
Trong Thái Cực Đồ, Thiếu Dương
phát triển dần, trở thành cực đại, cực thịnh là Thái Dương. Ngay đó, Thiếu Âm
nẩy sinh, lớn dần, cực đại, cực thịnh là Thái Âm. Lúc này, Thiếu Dương lại xuất
hiện, thay thế Thái Âm, để hưng thịnh dần lên, để bắt đầu chu kỳ mới, vòng tuần
hoàn mới. Như vậy, chu kỳ biến dịch hai giai đoạn Âm, Dương có thể diễn giải
chi tiết hơn bằng chu kỳ bốn giai đoạn nhỏ là: Thiếu Âm, Thái Âm, Thiếu Dương,
Thái Dương, hay Sinh, Thành, Hoại, Diệt, hoặc Thành, Trụ, Hoại, Không….
Chu kỳ tồn
tại tuần hoàn này của Hiện Tượng Giới được Đạo Phật gọi là vòng Luân Hồi hay
Kiếp Sống (Kapla). Kiếp Sống của Sự Vật có thể mau, chậm khác nhau như: Sát Na,
Sinh Diệt, Tiểu Kiếp, Đại Kiếp, A-Tăng-Kỳ-Kiếp.
Trong khi Nho Giáo dùng Thái Cực
Đồ và Phật Giáo dùng hình ảnh bánh xe Luân Hồi, thì khoa học hiện đại sử dụng
giản đồ hình Sin để minh họa sự vận hành của luật Vô Thường trong thế giới hiện
tượng.
Chu kỳ
sinh, thành, hoại, diệt hay thành, trụ, hoại, không của vô vàn thế hệ hoa màu,
cây cỏ luân phiên nhau diễn ra trong vườn, ngoài ruộng. Chu kỳ sinh, trưởng,
thu, tàng với sáng, trưa, chiều, tối kết thúc, để lại bắt đầu bằng sáng, trưa,
chiều, tối, rồi Xuân, Hạ, Thu, Đông lại tiếp nối bằng Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đêm đen không kéo dài vô
tận. Bóng tối phát triển tới cực điểm vào lúc nửa đêm. Tới đây, bóng tối bắt
đầu suy giảm, để nhường chỗ cho ánh sáng manh nha, phát triển. Qua bình minh rồi
buổi sáng, ánh sáng lớn mạnh dần, và khi đạt tới cực điểm vào buổi trưa, nó lại
bắt đầu suy thoái, để bóng tối thay phiên, lấn thế dần lên. Chu
kỳ ngày đêm cứ vậy mà diễn ra bất tận. Sáng là một tiến trình đi dần tới cái
Tối. Tối cực điểm là điểm khởi đầu của cái Sáng.
Từ Thu, Đông, nhiệt độ giảm dần,
nhưng cái giá lạnh không thể tiến mãi tới âm vô cực. Khi độ lạnh hạ tới tối đê
vào cuối Đông, không khí lại ấm, nóng dần lên khi sang Xuân, Hạ. Cái nóng nực
lên tới tối đa vào cuối Hạ, nó lại bắt đầu giảm dần để chuyển thành cái mát,
lạnh của Thu, Đông. Chu kỳ bốn mùa diễn ra
luân phiên, đều đặn, nhịp nhàng, bất tuyệt. Nóng cực điểm trở thành Lạnh. Lạnh
tối đa lại nảy sinh cái đối đãi với nó là cái Nóng.
Nước triều không phải cứ dâng
cao mãi, dâng tới cực điểm, nó bắt đầu rút xuống, rút xuống tới mức thấp nhất,
nó lại bắt đầu dâng lên. Trăng tròn khiếm khuyết dần, nhưng nó không tiêu mòn
để tiêu vong vĩnh viễn, và khi vành trăng mong manh, mảnh mai đến cực điểm, nó
lại bắt đầu lớn dần, tròn đầy trở lại, để rồi khi viên mãn tối đa, nó lại
khuyết mỏng dần đi.
Ta không thở ra mãi, mà thở ra
tối đa, ta lại bắt đầu hít vào. Hít vào tối đa, ta lại bắt đầu thở ra. Thở ra,
hít vào đã luân phiên nhau trong chu kỳ hô hấp. Máu từ tim không phải ra đi
theo một chiều bất tận. Khi tới tận cùng đầu mút mao mạch ở châu thân, nó bắt
đầu quay trở về tim để chu toàn vòng tuần hoàn liên tục của hệ huyết mạch.
Cây lúa non phát triển dần, đơm
bông, kết trái, trưởng thành tối đa, rồi tàn tạ. Sự tàn tạ của cây lúa ở điểm
cuối cùng của vòng đời của nó không phải sự hủy diệt vĩnh viễn, mà là để mở đầu
một chu kỳ tồn tại mới của cây lúa non: hạt lúa rơi xuống bắt đầu nẩy mầm, khai
sinh một sự trưởng thành mới.
Vòng đời của con người, còn gọi
là kiếp người, cũng là một chu kỳ tuần hoàn, gồm bốn giai đoạn nhỏ: thanh xuân,
trưởng thành, già nua, tử vong. Thời thanh xuân, hiện tượng đồng hóa lớn hơn
hoàn nguyên, trí óc, cơ thể phát triển dần tới cực điểm vào giai đoạn trưởng
thành. Từ đây, bắt đầu xuất hiện sự già nua (lão hóa), hiện tượng hoàn nguyên
lớn hơn đồng hóa, tinh thần, thể xác suy mòn, thoái hóa, teo tóp dần để tiến
tới cực điểm của sự tàn tạ là cái tử vong, cái chết. Theo Đạo Học, chết không
phải là sự hủy diệt vĩnh cửu, mà là một biến cố sau cùng của một chu trình tồn
tại, để bắt đầu một chu trình mới, một chu kỳ tái sinh mới, một vòng luân hồi
tiếp theo, một kiếp sống kế tục, một sự hiện hữu vô thường biến dịch mới.
Lão Tử bảo:
“Tử nhi bất vong, giả thọ”
(Chết mà không diệt vong vĩnh viễn, như vậy
gọi là sự tồn tại vĩnh cửu, bất diệt).
Ông cũng bảo:
“Sinh giả, tử chi đồ. Tử giả sinh chi thủy...
tệ tắc tân.”
(Sống là bạn của chết, không
tách rời cái chết. Chết là khởi đầu của cái sống… cái cũ nát, già nua cực điểm
sinh ra cái mới mẻ, thanh tân.).
Sống là tiến trình đi dần tới cái đối đãi với
nó là cái chết. Chết là khởi đầu của một chu kỳ sống mới. Cái tàn tạ, hủy diệt
là bắt đầu của cái tái tạo, tái sinh.
Lão Tử vẫn nhắc nhở:
“Họa hề, phúc chi sở ỷ.
Phúc hề, họa chi sở phục.”
(Họa là chỗ ẩn dựa của Phúc.
Phúc là nơi nằm sẵn của Họa).
Thực vậy, thất bại chính
là mẹ của thành công. Cái khó ló cái khôn. Có đau khổ mới nẩy sinh việc đi tìm
hạnh phúc. Ta Bà, Phiền Não chính là nguồn gốc của Bồ Đề, Tịnh Độ. Chính cái
cảm nhận khổ đau cùng tột, khi đi ra khỏi cửa thành, mà Thái Tử Tất Đạt Ta đã
có quyết định ly cung, cát ái, để tìm cho ra Chân Lý Giải Thoát. Chính cái
tuyệt vọng cực điểm, gây ra do cái chết đột ngột của Nitya (1925) người em thân
thương của ông, mà J. Krishnamurti đã đạt được sự bừng tỉnh cuối cùng của cuộc
Cách Mạng nội tâm toàn triệt.
Câu chuyện ngụ ngôn ‘Tái Ông
thất mã” được đặt ra để nói lên cái lý biến dịch, vô thường của sự vật: Phúc là
cái đang trở thành họa, họa là cái đang nẩy sinh thành phúc, an hóa thành nguy,
trị biến thành loạn. Âm Dương, sinh tử, họa phúc, thịnh suy, bĩ thái, cùng
thông, doanh hư, tiêu trưởng, ngày đêm, sáng tối… tương tiếp, tương thừa nhau
trong những chu kỳ bất tận.
Thời gian biến dịch theo chu kỳ
được biểu hiện rất rõ trong Âm Lịch: Cứ 12 giờ lại có một giờ Tý, 12 tháng lại
có một tháng Tý, 12 năm lại có một năm Tý, 60 năm lại có một năm Giáp Tý.
_ Thời
gian tương đối
Không có chu kỳ tồn tại nào được
coi là lâu dài nhất, trường cửu nhất. Mỗi chu kỳ hiện tượng lại lồng chứa trong
những chu kỳ hiện tượng lâu dài hơn ở nhiều tầng lớp, nhiều cấp độ trùng điệp.
Đời người bao hàm trong chu kỳ tồn tại của Trái Đất. Hành tinh này lại nằm
trong chu kỳ hiện hữu của Thái Dương Hệ. Thái Dương Hệ lại nằm trong chu kỳ
sinh, thành, hoại, diệt của Ngân Hà. Ngân Hà lại nằm trong vòng sinh, diệt của
Vũ Trụ...Trong khoa Lý Số phương Đông, chu kỳ Thiên Can bao gồm 10 chu kỳ nhỏ
(từ Giáp tới Quý), chu kỳ Địa Chi bao gồm 12 chu kỳ nhỏ (từ Tý tới Hợi). Chu kỳ Thiên Can và Địa Chi lại lồng chứa trong chu kỳ
Can Chi lớn hơn, gồm 60 chu kỳ nhỏ (từ Giáp Tý tới Quý Hợi). Chu
kỳ Can Chi gồm 6 chu kỳ Thiên Can, 5 chu kỳ Địa Chi (60 là bội số chung nhỏ
nhất của 10 và 12). Cái Tiểu Chu Kỳ, Tiểu Tuần Hoàn, Tiểu Xuân Thu lại lồng
chứa trong cái Đại Chu Kỳ, Đại Tuần Hoàn, Đại Xuân Thu lâu dài hơn. Sau cái lâu
dài là cái lâu dài hơn nữa, sau cái trường cửu là cái tối trường cửu, sau cái
tối trường cửu là cái tối tối trường cửu… Không có cái trường cửu, cái vĩnh cửu
tuyệt đối: Thời gian là vô tận theo chiều vĩ mô.
Mỗi chu kỳ hiện tượng lại bao
gồm những vòng tồn tại ngắn hơn ở vô vàn tầng lớp. Kiếp sống của con người chứa
đựng những vòng tuần hoàn sinh thành, hoại diệt ngắn dần hơn như chu kỳ bốn
mùa, tuần trăng, chu kỳ kinh nguyệt, nhịp sinh học ngày đêm, vòng tuần hoàn
huyết dịch, nhịp thở, nhịp tim, sóng não... Cái Đại Vận Hội, Đại Chu Kỳ, Đại
Kiếp lại bao hàm nhiều Tiểu Vận Hội, Tiểu Chu Kỳ, Tiểu Kiếp... Sau cái nhanh
mau là cái nhanh mau hơn, sau cái đoản thọ lại có cái đoản thọ hơn. Không có
chu kỳ hiện tượng nào là mau nhất, nhanh nhất, đoản thọ nhất, yểu vong tuyệt
đối. Không có cái tồn tại nào nhanh mau tuyệt đích cả: Thời gian là vô hạn theo
chiều vi mô.
Từ những chu kỳ thời gian cực
ngắn như chu kỳ sinh diệt của sóng điện từ (electromagnetic waves) như các tia
vũ trụ, tia gamma, tia X, tia cực tím, ánh sáng, tia hồng ngoại, sóng radar,
sóng radio..., rồi sóng âm thanh, sóng nước, tới những vòng tồn tại dài lâu hơn
như chu kỳ ngày đêm, tuần trăng, bốn mùa, chu trình nước, chu trình carbon, chu
trình xâm thực...cho tới chu kỳ sống của một hành tinh, vòng sống của một thiên
thể, chu kỳ sinh diệt của một ngân hà, chu kỳ tồn tại của Vũ Trụ... thời gian
là vô thủy, vô chung, vô cùng, vô tận ở cả hai phía vi mô và vĩ mô.
Trong chu kỳ biến dịch, sự vật
tiến triển tới cùng cực, sẽ quay về trạng thái đối nghịch. Trạng thái đối
nghịch phát triển tối đa, lúc ấy, sự vật sẽ quay trở về trạng thái ban đầu
trong một chu kỳ tồn tại tuần hoàn, luân hồi mới. Nhưng trạng thái ban đầu của
chu kỳ mới này không hoàn toàn giống y trạng thái ban đầu của chu kỳ cũ nữa, vì
chu kỳ mới này đã ở một tọa độ không, thời gian mới, trong những chu kỳ lớn
hơn, hàm chứa, bao dung nó.
Buổi mai hôm nay không còn
giống y buổi mai hôm trước nữa, vì chu kỳ nhật dạ đã ở một vị trí mới trong chu
kỳ niên tuế. Trái đất tuy vẫn tự quay quanh trục, nhưng nó đã ở một vị trí mới
trong quỹ đạo xung quanh mặt trời. Buổi mai hôm nay và buổi mai hôm trước so
với trái đất thì không khác, nhưng đối với mặt trời thì chúng đã có những tọa
độ không gian, thời gian khác nhau rồi. Mùa Xuân năm nay không còn là mùa Xuân
năm trước vì Thái Dương Hệ đã ở một vị trí mới trong chu kỳ quay xung quanh
trung tâm Ngân Hà. Đối với hệ quy chiếu là Thái Dương Hệ ta thấy mùa Xuân năm
nay hình như giống y mùa Xuân năm trước, nhưng so với hệ quy chiếu lớn hơn như
Ngân Hà, rồi Vũ Trụ thì mùa Xuân năm nay đã có tọa độ không gian, thời gian
hoàn toàn mới lạ, khác biệt rồi. Tuy trái đất vẫn quay xung quanh mặt trời để
có bốn mùa, nhưng chính mặt trời và Thái Dương Hệ lại quay xung quanh trung tâm
Ngân Hà, rồi chính bản thân Ngân Hà lại quay xung quanh tâm Vũ Trụ trong những
chu kỳ rộng lớn hơn.
Trong Y học, nhịp tim năm nay
không giống y nhịp tim năm cũ, mạch Thốn, Quan, Xích mùa Thu không còn là mạch
Thốn, Quan, Xích mùa Hạ. Trong thế giới vật chất vô cơ, các nguyên tố hóa học
biểu hiện trong những chu kỳ tuần hoàn, nhưng một chu kỳ không hoàn toàn giống
hệt chu kỳ trước và sau nó.
Với cái nhìn cục bộ, khi sự vật
quay trở về trạng thái ban đầu của chu kỳ thành, hoại, ta tưởng rằng nó vẫn
nguyên trạng, nhưng thực ra, với cái nhãn quan toàn bộ, tổng thể, thì sự vật đã
chuyển biến, đổi mới rồi. Cái mà ta cho là hằng,
thực ra là đã chuyển.
Tóm lại, Vũ Trụ, vạn vật,
thế giới hiện tượng đổi mới liên tục, sáng tạo tinh khôi tuyệt trần, thanh tân
trong từng giây phút, diễn ra chỉ một lần, không bao giờ trở lại, nhất kiến bất
khả tái kiến.
Nhà hiền triết thời Cổ Hy
Lạp Héraclite (576-480 TCN) đã vô cùng minh triết khi bảo:
“Một
người không thể tắm hai lần
trên một khúc sông”
Trong lần tắm thứ hai, dù chỉ
diễn ra ngay sau đó, cả con người và dòng sông đều đã đổi thay, mới lạ, khác xa
lần tắm đầu tiên rồi.
Kinh Dịch, Hệ Từ Thượng,
bảo:
“Sinh, sinh chi vị Dịch.
Nhật tân chi vị Thịnh Đức”
(Sinh thành nối tiếp sinh thành là sự Biến
Dịch.
Ngày một đổi mới, đổi mới mãi là Đức Lớn của
Tạo vật).
Cũng trong Chu Dịch, quẻ Thủy Hỏa Ký Tế được
tiếp liền bởi quẻ Hỏa Thủy Vị Tế: cái vừa xong đã trở thành cái chưa xong, cái
mới hoàn tất đã trở thành cái dang dở, cái viên mãn là khởi đầu của cái khiếm
khuyết. Trong Tự Nhiên, không có sự vật nào là thường hằng, bất biến cả. Sự vật
lúc nào cũng ở trong tình trạng sẵn sàng hóa thân, biến tướng, đổi mới liên
tục.
Cái mà chúng ta thấy như thực
thể, thực tướng, bản chất, tự thể của sự vật thực ra chỉ là một khái niệm kinh
nghiệm về những hình ảnh dĩ vãng, tĩnh tại của hiện tượng đã qua rồi, do ký ức
lưu giữ và tái tạo lại. Khi ta ý niệm, đặt tên, gọi tên, nhận xét về một hiện
tượng, thì hiện tượng đó đã diễn ra rồi, không còn hiện hữu nữa. Ta chỉ có thể
chứng nghiệm trực tiếp, cảm thông tức thời, đồng thời, hòa nhập trọn vẹn vào
thực tại khi nó đang diễn ra, chứ không thể lưu giữ, ghi khắc, hồi tưởng, gọi
tên, nhận xét, định đặt giá trị, diễn đạt lại nó, truyền thông lại nó, chiếm
hữu hay loại trừ nó.
Thực Tại là cái tuyệt trần sống
động, khi ta ý niệm về nó là ta đang làm việc với hình bóng quá khứ của nó, khi
ta tư tưởng, suy luận, bàn bạc về nó là ta đang sống với những tro tàn, cặn bã
mục nát, lỗi thời, hư hoại, phi hiện hữu của nó.
Phật đã bảo:
“Vạn Hữu không có Tự Thể, Thực
Tướng. Cái mà ta thấy như Tự Thể, Thực Tướng đều là hư huyễn, giả dối, vọng
tưởng”.
Thiền Tông vẫn khẳng định Phật
Tính, Thực Tại tuyệt đối thì bất khả tư nghị, bất khả ngôn thuyết, chỉ có thể
lãnh hội bằng thực chứng, trực ngộ, nên đã chủ trương “Giáo ngoại biệt truyền. Bất lập Văn Tự”.
Lão Tử
cũng nói:
“Đạo khả đạo, phi Thường Đạo.
Danh khả danh, phi Thường Danh”
(Thực Tại mà còn diễn đạt lại
được, còn đặt tên, gọi tên được, thì đấy không còn là Thực Tại tuyệt đối).
Trong các buổi nói chuyện, J.
Krishnamurti vẫn nhắc thính giả hãy lắng nghe bằng một tâm thái tự do, trống
không, vô niệm, để cảm thông Thực Tại ngay khi ông đang biểu hiện, chứ đừng ghi
nhớ những lời diễn đạt của ông, đem theo nó khi ra về để nhận xét, suy diễn,
học hỏi một cách vô ích. Trong suốt nửa thế kỷ của cuộc đời truyền giáo, Phật
Tổ đã không viết lại cho đời sau một chữ nào, mặc dù thời Phật tại thế đã có
chữ viết, cũng vì lý do “Văn bất khả tái
Đạo” trên đây.
Để cảnh giác các hành giả
tu giải thoát khỏi vướng mắc vào ngôn từ, văn tự, Phật bảo:
“Ngón
tay chỉ mặt trăng không phải mặt trăng”
(Ngôn từ
diễn đạt Thực Tại không phải Thực Tại).
Các Tổ Thiền Tông như Huệ
Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, sau nhiều năm nghiền ngẫm, tìm tòi vô ích, nhưng đã
bừng tỉnh, hoát nhiên cảm thông Thực Tại tuyệt đối ngay dưới lời nói của Chư Tổ
tiền bối.
Sự vật quanh ta, những
hiện tượng bên ngoài ta, những cái đang hàm chứa bao dung ta, đang biến đổi,
đang trở thành, đang sinh, thành, bại, tuyệt trong những chu kỳ chồng chéo, đan
dệt nhau, lồng chứa nhau, đang tương tác nhau, đang tương hệ với ta, với vạn
vật bằng vô vàn những nhân duyên trùng trùng, điệp điệp... Tất cả đang tác
động, ảnh hưởng, chi phối, kiến tạo, thay đổi thân tâm ta. Những hiện tượng bên
trong ta, đang giả hợp nên thân, tâm ta cũng đang sinh, thành, hoại, diệt, đang
chuyển biến liên tục. Nhà bác học Alexis Carrel đã ví con người như dòng thác
Niagara đang đổ nước: trông bề ngoài như một thực thể cố định, bất biến, nhưng
thực ra là một tổng thể gồm vô vàn những chu kỳ, hiện tượng, sinh, diệt, thành,
hoại, thay cũ, đổi mới không ngừng. Chu kỳ tồn
tại của các ion, các nguyên tử, các phân tử hóa chất, sinh chất, các hormon…
vòng đời của các loại tế bào đổi thay, luân phiên, liên tục. Lúc nào cũng có
cái cũ hủy diệt, cái mới sinh ra thay thế. Mọi bộ phận, cơ quan đổi mới thường
xuyên. Hệ thần kinh già nua trong từng thời điểm, do đó cảm nhận của ta với Vạn
Hữu cũng đổi thay, mới lạ, thanh tân trong từng khoảnh khắc.
Thân, tâm tức thể xác và tinh
thần con người biến đổi, hóa thân không ngừng. Cái Ta hiện giờ không còn là cái
Ta hồi nãy và cũng không phải cái Ta lát nữa. Thân, tâm con người đích thực là
một Vũ Trụ vô cùng sinh động khi ta ý niệm về nó, nó đã trôi chảy qua rồi, và
ta chỉ còn hoài niệm về hình bóng của nó. Do đó, Bản Ngã, Chủ Thể, cái Ta, cái
Cá Thể biệt lập, thường hằng, bất biến, hoàn toàn chỉ là một khái niệm chỉ có
trong vọng tưởng mê lầm, tuyệt nhiên không hiện hữu trong Thực Tại.
_ Thời
gian toàn đồ
Mỗi chu kỳ hiện tượng là hình
ảnh thu nhỏ của chu kỳ hiện tượng lâu hơn nó, bao chứa nó, đồng thời lại là bản
sao, phóng đại của những chu kỳ mau hơn nó, bao hàm trong nó. Chu kỳ bốn mùa
(Xuân, Hạ, Thu, Đông) chính là vòng đời thu gọn (Thanh Xuân, Trưởng Thành, Lão
Suy, Tử Vong), đồng thời là chu kỳ ngày đêm phóng đại (Sáng, Trưa, Chiều, Tối).
Nhịp tim, nhịp thở là hình ảnh
thu nhỏ của chu kỳ tồn tại một Thiên Thể, rồi Ngân Hà, rồi cả Vũ Trụ. Y hệt như
chu trình hô hấp, thở ra tới cùng cực thì hít vào, hít vào tối đa, lại thở ra,
Vũ Trụ cũng hiện hữu qua những chu kỳ tồn tại với các giai đoạn bùng nổ, trương
giãn (Big Bang) rồi co rút, thu nhỏ (Big Crunch) luân phiên nhau.
Phật bảo:
“Tiểu
kiếp diễn ra trong từng hơi thở.”
Đúng thế, nhịp thở chính
là kiếp sống, vòng đời thu nhỏ: hít vào là Dương, là sinh, thở ra là Âm, là tử.
Sinh Vật Học hiện đại đã khẳng
định: Giai đoạn phát triển của con người từ trong bào thai tới lúc chào đời đã
diễn lại toàn bộ quá trình tiến hóa của sinh vật, diễn ra hàng nhiều triệu năm
trên mặt đất.
Theo Đạo Sĩ Tiên Tri nổi tiếng
Ấn Độ Prakbhat Ranjon Sarkar: “Vận mệnh
một con người, một dân tộc, một quốc gia hay của toàn Nhân Loại, đều giống y
như nhau, đều tiến hành theo những chu kỳ với hai giai đoạn đối ngược nhau,
thay phiên nhau: Thịnh vượng và Suy thoái”.
Luật “Âm Dương Phản Phục” được
tìm thấy ở muôn vật, muôn nơi, muôn đời.
Sự phân chia ra hai luật Vô Ngã,
Vô Thường chỉ mang tính cưỡng lập, nhằm đơn giản hóa sự vật. Thực ra, luật Vô
Ngã, Vô Thường chỉ là một, chúng lồng chứa, đan dệt, cộng thông nhau. Trong Vô
Ngã có Vô Thường, trong Vô Thường có Vô Ngã. Vũ (thời gian) Trụ (không gian) là
một thể thống nhất. Thời gian và không gian nương nhau tồn tại, không thể tách
rời nhau. Thuyết Tương Đối (Relativisme) của Albert Einstein khẳng định: “Thời gian, không gian, vật chất, năng lượng chỉ là
những dạng thức khác nhau của cái duy nhất. Chúng liên hệ, cộng thông, tương
tác, nương tùy nhau mà hiện hữu”. Khi được yêu cầu tóm tắt thuyết
Tương Đối bằng một câu ngắn gọn, dễ hiểu, Einstein đáp: “Trước đây người ta nghĩ rằng nếu mọi vật trên đời
này biến mất thì sẽ còn lại thời gian và không gian. Nhưng theo thuyết Tương
Đối thì thời gian và không gian cũng biến mất theo mọi vật”.
c) Vũ Trụ Tam Giới
Đạo Học không tìm hiểu, nhận
biết Vũ Trụ bằng ý niệm, tư tưởng, bằng dụng cụ, máy móc, mà cảm thông, trực
thức Vũ Trụ bằng một tâm thái vô niệm, vô tư, vô dục, thanh tĩnh, hòa đồng,
hiệp nhất với vạn hữu. Theo Đạo Học, tâm năng và tướng sở là một, tâm thức và
cảnh giới là một, tinh thần và vật chất là một. Tùy theo trạng thái tâm thức,
chúng ta chứng nhập những cảnh giới khác biệt, gọi là Tam Giới, gồm cả thế giới
hữu hình và siêu hình: Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới.
_ Dục Giới (Kamaloka)
Cảnh giới này gồm sáu tầng lớp
từ thấp lên cao: Địa Ngục, Súc Sinh, Ngạ Quỷ, A tu La, Người, Trời, còn được
gọi là Lục Đạo Luân Hồi, ứng với Tâm thức đầy ắp những ý niệm, dục vọng ô trọc,
nặng nề, rung động với tần số thô đại, chậm chạp... Tùy theo mức độ thanh tịnh
của Tâm Thức, chúng sinh có thể chứng đạt từ tầng lớp này sang tầng lớp khác.
Dục Giới cũng mang tính toàn đồ: Ngay trong cảnh giới loài người hữu hình cũng
có những tầng lớp nhỏ khác nhau, y như sáu tầng lớp của Dục Giới. Trong tầng
lớp Người cũng có cảnh Trời, cảnh Súc Sinh, cảnh Địa Ngục.
Những hình ảnh Thiên Đường hay
Địa Ngục có thể tương đối diễn ra ngay trong cuộc đời này. Những đau khổ do
bệnh hoạn, tai ương, đói rét, chiến tranh, áp bức, tra tấn, đánh đập, tù tội,
bắt cóc, khủng bố...chính là Địa Ngục trần gian. Những tâm hồn bình dị, thân
tâm thảnh thơi, thư thái, ứng với cảnh Thiên Đường trần thế. Tâm hồn ta ra sao,
cuộc đời ta như vậy. Nội tâm cá nhân thế nào, xã hội sẽ y như thế. Trong Dục
Giới, cảnh Trời không phải là Thiên Đường Vĩnh Cửu, Xứ Sở Tuyệt Trần, nơi
Thượng Đế ngự trị, như đầu óc con người nguỵ tạo ra. Những tâm thức thanh tịnh,
ít vọng động, tham chấp sẽ ứng nhập cảnh giới tương đối an lạc này. Địa Ngục
không phải là nơi giam cầm, trừng trị tội nhân, do Diêm Vương cai quản, như tư
tưởng con người suy diễn. Những tâm hồn tham chấp nặng nề, thân tâm phiền não,
đau khổ là đang sống trong cảnh Địa Ngục, do chính tâm thái họ tạo ra.
Trong cảnh Lục Đạo, ngoài cõi
hữu hình, còn có cảnh giới siêu hình, rung động với tần số khác, mà chúng ta
không cảm nhận được bằng giác quan thông thường. Theo Thông Thiên Học
(Theosophy), sau khi từ trần, thần thức con người rơi vào trạng thái Trung
Giới. Tại đây, tùy theo mức độ thanh tịnh của Tâm Thức, nó sẽ ứng nhập vào các
cảnh giới khác nhau trong Lục Đạo. Đây là hiện tượng cộng hưởng tự nhiên, hay
đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Sự luân hồi vào cảnh giới cao thấp
khác nhau hoàn toàn có tính cách khách quan, nhân quả, tự nhiên, chứ không có
một quyền năng cao siêu, thiêng liêng, tối thượng nào an bài, áp đặt cả.
Theo một số nhà nghiên cứu về
hiện tượng từ trần, lúc sắp lìa đời, năng lượng tâm thức con người có khi biểu
hiện như hình dáng một khối hơi sương mờ ảo, mô phỏng hình bóng cơ thể, lơ lửng
phía trên xác thân, nối với đỉnh đầu của thể xác bằng một sợi hơi sương mảnh
mai, mờ nhạt dần. Khi khối hơi sương mờ ảo, và sợi dây này tan biến là giây
phút lìa đời. Theo lời kể lại của một số người chết đi, sống lại, thì những cảm
nhận sau khi chết là rất êm dịu, nhẹ nhàng, yên tĩnh, và tâm thức vẫn thấy rõ
thế giới hữu hình, có thể bay bổng hoặc trôi nổi, di chuyển xuyên thấu qua vật
chất. Khoa học hiện nay chưa có một quan điểm, nhận định, lý giải thống nhất,
rõ ràng về Thế Giới Vô Hình. Theo một số nhà nghiên cứu, Thế Giới Siêu Hình là
một dạng thức tồn tại của vật chất, năng lượng và thông tin, rung động với tần
số khác lạ, mà giác quan thông thường không cảm nhận được. Đôi khi, trong những
điều kiện đặc biệt nào đó, Thế Giới Vô Hình biểu hiện trong vùng cảm nhận của
chúng ta, dưới các hình thức như: Nhập xác, lên đồng, hiện tượng Đa nhân cách
(Multiple Personality), hiện tượng Poltergeist, ma quái...
Lạt Ma Anagarika Govinda
(?-1985), Giáo sư Đại học Napoli thuộc Ý, đã thuật lại một trường hợp lên đồng,
nhập xác lạ lùng, mà ông chứng kiến trong thời gian du hành Tây Tạng. Trong
hiện tượng Đa nhân cách, trên cùng thể xác của một người, vào những thời điểm
khác nhau, đã thể hiện nhiều cá nhân với tên họ hoàn toàn khác nhau, khác biệt
hoàn toàn về tuổi tác, cá tính, trình độ văn hóa, kiến thức, ngôn ngữ, chủng
tộc... Trong hiện tượng Poltergeist (Trò đùa của thần linh), trong nhà tự nhiên
xuất hiện các giọt nước, vũng nước, tiếng động, tiếng đập, các vật sáng, các
vết sáng, đốm lửa, cả các đồ vật, vật dụng hằng ngày như tủ, bàn, ghế, ly,
tách, bình hoa...tự di chuyển, hoặc bay lượn vòng vòng, hoặc bị rạn nứt, bể vỡ,
cắt gọt một cách tự nhiên, thình lình...
Tại Anh, người ta đã thành lập
“Hội Nghiên Cứu Thế Giới Vô Hình”, chuyên săn lùng, tìm hiểu các vấn đề ma
quái, siêu hình. Họ cho thấy những hình ảnh chụp được ma trong lúc hiện ra đã
ghi lại trên phim ảnh như một nguồn sáng, tức năng lượng. Tại Ý, Viện Bảo Tàng
Musée de Purgatoire, do một linh mục quá cố lập ra ở Roma, đã sưu tập được
những hình ảnh về dấu vết hồn ma như: vết cháy đen hình một bàn tay, in trên
mặt bàn gỗ, vết cháy đen hình hai ngón tay trên một chiếc gối, dấu ba ngón tay
làm cháy ba vết trên cuốn kinh. Đây đều là dấu vết của hiện tượng nhiệt năng,
một dạng thông thường của năng lượng, nhưng chỉ biểu hiện vào một thời điểm đặc
biệt, ở một không gian thích hợp nào đó.
Tại Hà Nội, các nhà nghiên cứu
Việt Nam đã thành lập bộ môn Cận Tâm Lý, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Tiềm Năng
Con Người, tập hợp các nhà ngoại cảm, đặc biệt là nhà ngoại cảm Phan Thị Bích
Hằng (sinh năm 1971, quê Ninh Bình) và Nguyễn Thi Phương (sinh năm 1974, quê
Thanh Hóa), có khả năng tiếp xúc với các vong linh người chết.
Gần đây, rất nhiều nhà
khoa học Tây Phương như Ian Stevenson, Raymond A. Moody, Robert Almeder, Hans
Holzer, Sylvia Cranston, Carey Williams... đã bắt đầu nghiên cứu về Luân Hồi,
Tái Sinh.
Nhiều trường hợp Tiền Kiếp, Tái
Sinh được ghi nhận như: trường hợp cô Shanti Devi (1926 – 1988) và ông
Satyanarayana Raju (sinh năm 1926) ở Ấn Độ, ông Maung Tun Kyaing ở Miến Điện,
và nhiều trường hợp ở Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp, Trung Hoa...Satyanarayana
Raju sinh năm 1926 tại làng Puttaparti, tiểu bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn
Độ, mà hiện nay người ta gọi là Sri Sathya Sai Baba, đã cho biết ông là hậu
thân của nhà Tiên Tri Sai Baba (mất năm 1918) ở Bombay, Ấn Độ.
Với khả năng soi kiếp, ông Edgar
Cayce, người Hoa Kỳ, trước đây, đã thấy được nhiều tiền kiếp của mình và của
người khác, khi ông tự rơi vào trạng thái thôi miên, xuất thần...Khoa Thôi
Miên, đã có thể dẫn dụ con người phục hồi ký ức về dĩ vãng, về tiền kiếp, cũng
đang được các nhà nghiên cứu tìm hiểu.
Tại New York, năm 1985, khi được
ký giả Leonard Jacobs của nhật báo Đông Tây hỏi ông có tin vào thuyết Luân Hồi,
Tái Sinh (Reincarnation) không, J. Krishnamurti đã trả lời:
“Tôi không tin vào bất cứ
điều gì.Luân Hồi chỉ là một diễn trình của tư tưởng, không có gì là phi phàm, thiêng liêng cả”.
Đây đích thực là sự thật nội tâm
của bậc Giác Ngộ. Ông đã buông bỏ toàn triệt một tín điều mà tư tưởng con người
đã kiến giải như một định luật, không thể phủ nhận, một chân lý cốt lõi… trong
tất cả các kinh điển. Luân Hồi chỉ là sự thật của con người còn ngụp lặn, trầm
luân trong thế giới ý niệm. Khi ta còn suy tư, luận giải là ta đang vận dụng
những hình ảnh dĩ vãng của sự vật, là ta đang thấy lại quá trình thành, trụ,
hoại, không… của vạn hữu. Do đó ta mới thấy sự vật có sinh tử, luân hồi. Bậc
Giác Ngộ sống trọn vẹn cho hiện tiền, vong bặt mọi vọng tưởng, mọi diễn trình
thời gian tâm lý, nên tâm họ tuyệt nhiên không có khái niệm luân hồi, sinh tử.
Phật Tổ cũng đã bảo:
“Người mất ngủ mới thấy đêm dài, người mệt mỏi
mới thấy đường xa, người vô minh mới thấy có luân hồi, sinh tử”.
Kinh Pháp Cú, phẩm Bàlavagga.
Còn sử dụng tư tưởng, kiến
thức, vốn vô minh, hạn cục, nằm trong tiến trình thời gian tâm lý, như một
phương tiện để tìm hiểu về cái chết là còn thấy có luân hồi, sinh tử.
Phật vẫn bảo:
“ Sinh
Tử diễn ra trong từng sát na, từng hơi thở”
Đại kiếp giống y Tiểu kiếp. Chu kỳ sống chết nằm trong chu kỳ hô hấp. Đời người nằm
trong hơi thở. Nhưng vì tâm chúng ta đầy ắp những tập nhiễm, chấp trước, ràng
buộc, nên không thấy được sự thực hiển nhiên đó.
Khi Malunkyaputta hỏi về sự
sống, chết và các vấn đề siêu hình khác, Phật bảo:
“Hãy buông bỏ mọi thắc mắc
dông dài, chưa cần giải đáp vội, về các đặc điểm, lai lịch của kẻ bắn tên độc,
để lo cấp cứu vết thương trước đã”.
Ngụ ý
của câu trả lời này là hãy lo giải thoát, lìa bỏ cái đau khổ, phiền não cụ thể,
đang diễn ra trong cuộc sống đã, đừng theo đuổi các vấn đề siêu hình do tư
tưởng vẽ vời ra, một cách vô ích. Khi tâm ta thanh bình, vắng lặng, sạch làu
mọi tập niệm, vọng tưởng thì mọi thắc mắc, mọi nghi vấn không còn nữa, và ta
thấy ngay mục đích, lý tưởng, cái tuyệt mỹ, cái tuyệt trần, cái an lạc, thiên
thu bất diệt, cái bắt đầu và cái tận cùng, cái sống và cái chết hiện hữu trong
từng khoảnh khắc đang diễn ra trong cuộc sống.
Khi nói về cái chết,
J.Krishnamurti cũng có những giải đáp tương tự như Phật Tổ:
“Chết là một hiện tượng phi thường, mới lạ tuyệt
vời. Bạn hãy chết đi tất cả mọi ý niệm, kiến thức, tư tưởng quen thuộc, cũ kỹ.
Khi đó bạn sẽ thấu hiểu thế nào là cái chết, vì cái chết không tách rời cuộc
sống. Sống và chết diễn ra trong từng giây, từng phút. Không thể lấy cái đã
biết, cái quen thuộc là kiến thức, tư tưởng để tìm hiểu một điều cực kỳ mới lạ,
hoàn toàn chưa biết là cái chết. Bạn phải dứt khoát buông bỏ tất cả sở tri, sở
kiến, thì mới thấu hiểu được cái chết. Bạn phải có can đảm lao mình nhất quyết
ra khơi thì mới thấy được cái trùng dương bao la, xa lạ...Nếu bạn vẫn do dự,
vẫn chần chừ, vẫn không buông bỏ, vẫn cưu mang những tư tưởng, ý niệm, suy nghĩ
về cái chết thì bạn mãi mãi thắc mắc triền miên về cái chết, thường xuyên lo
sợ, lẩn trốn cái chết, không bao giờ giáp mặt được với sự sống, chết đang diễn
ra trong cuộc sống.”
Lão Tử cũng vẫn bảo:
“Sinh
giả tử chi đồ. Tử giả sinh chi thủy”
(Sống là
bạn đường của chết. Chết là khởi đầu của sống).
Chết và sống luôn đi đôi với
nhau như bóng với hình, không khi nào tách rời nhau.
Trang Tử cũng có cái nhìn đạt
Đạo về sinh, tử::
“Thích lai, phu tử thời dã,
thích khứ, phu tử thuận dã. An thời, xử thuận, ai lạc bất năng nhập dã…. Chỉ
cùng ư vi tân, hỏa truyền dã, bất tri kỳ tận dã….”
Nam Hoa Kinh, thiên Dương Sinh Chủ.
(Ông ấy vui mà đến là an thời,
vui mà đi là xử thuận. An thời, xử thuận thì không vui buồn nào xâm nhập tâm
hồn được…. Nó cũng giống như lửa truyền sang củi, không thể thấy được chỗ tận
cùng…)
Khi sống ta hồn nhiên, tự tại
nơi cuộc đời, khi chết ta thanh thản, an vui ra đi. Như vậy, không thất tình,
lục dục nào khuấy động ta được. Sống và chết chẳng khác gì lửa truyền nơi củi.
Khi có củi, lửa bùng cháy, khi củi hết, lửa tàn lụi. Lửa tàn lụi không phải nó
mất luôn, khi nào có củi nó lại biểu hiện ra. Cũng vậy, khi có hình hài, cái
sống sinh động biểu hiện ra, khi thể xác hoại diệt, cái sống cũng thôi hiện
hữu. Đây không phải sự ra đi vĩnh viễn, một đi không trở lại. Khi nào hội đủ
nhân duyên vật chất, cái sống lại biểu hiện ra nơi một hình hài mới, trong một
chu kỳ tồn tại mới.
Ông cũng bảo:
“Tử sinh mệnh dã. Kỳ hữu dạ đán
chi thường, thiên dã ...Phụ mẫu ư tử, đông tây nam bắc, duy mệnh chi tùng. Âm
Dương ư nhân, bất xí ư phụ mẫu… Kim đại dã chú kim, kim dõng dược viết: ngã thả
tất vi Mạc Da. Đại dã tất vi bất tường chi kim. Kim nhất phạm nhân chi hình,
nhi viết: nhân nhĩ nhân nhĩ. Phù tốc hóa giả, tất dĩ vi bất tường chi nhân. Kim
nhất dĩ thiên địa vi đại lô, dĩ tạo hóa vi đại dã”.
Nam Hoa Kinh, thiên Đại Tông Sư
(Sống, chết là mệnh trời. Lẽ
thường ngày, đêm cũng là mệnh trời vậy… Giữa con cái với cha mẹ, cha mẹ sai đi
đông tây nam bắc, con cũng phải tuân theo. Giữa con người với âm dương cũng
chẳng khác gì giữa con cái với cha mẹ… Nay, trong lúc người thợ đúc đang đúc
kim khí, kim khí nhảy dựng lên nói: ta muốn được đúc thành thanh gươm Mạc Da,
người thợ đúc ắt cho đó là thứ kim loại quái gở. Nay, lúc sắp được đúc thành
hình người, cái được đúc lại cũng đòi: thành người thôi, thành người thôi, thì
tạo hóa tất cũng cho đó là kẻ chẳng lành. Nay, trời đất là cái lò lớn, tạo hóa
là người thợ đúc vậy)
Sự luân phiên giữa sinh và tử,
giữa ngày và đêm chính là quy luật Âm Dương đắp đổi của mênh trời, tức sự biến
đổi tự nhiên của Vũ Trụ, thiên địa, vạn vật. Trải qua lịch trình biến đổi liên
tục của môi trường tư nhiên, diễn ra hàng triệu năm, với vô vàn chu kỳ sinh tử,
con người mới có hình hài, diện mạo như ngày nay. Con người hoàn toàn không thể
cự tuyệt, né tránh, trốn chạy, loại trừ, vượt thoát quy luật biến đổi tự nhiên
này. Thế giới tự nhiên vô ngã, vô thường, do hằng hà nhân duyên giả hợp, thường
xuyên biến dịch. Nó hiện hành một cách tự nhiên, vô tác ý, không mục đích,
không định hướng, hoàn toàn không theo chủ ý của con người. Bắt dòng vận động
âm dương, sinh tử, tồn vong, hưng phế, doanh hư, tiêu trưởng, thịnh suy, thành
hoại… diễn ra theo ý mình là việc làm mê lầm, sai trái, nghịch lý, phản tự
nhiên, bất tường, quái gở y như kim loại đang trong lò đúc lại nhảy ra đòi phải
được đúc thành loại gươm báu Mạc Da ! Con người chính là sản phẩm của thế giới
tự nhiên, là thành quả do tạo hóa nhào nặn ra bằng muôn vàn chu kỳ sinh diệt,
thành hoại. Thế giới tự nhiên đích thực là một lò đúc, một lò vạn hóa, và tạo
hóa chính là người thợ đúc tài ba, vĩ đại. Nghệ thuật sống khôn ngoan nhất là
đạo sống tự nhiên, thuạn theo lệnh của cha mẹ, tức thuận theo quy luật âm
dương, tức mệnh trời, tức sự biến đổi tự nhiên của vạn sư, vạn vật: sống thì
ung dung, tự tại, chết thì thanh thản, an vui.
Theo Trang Tử, con người
đã sợ hãi, hoảng hốt trước cái chết, chẳng khác nào nàng Lệ Cơ, con gái một
phong quan xứ Ngại, đã sai lầm, đã lo âu, than khóc trước khi về nhà chồng là
vua nước Tấn. Sau khi được nếm mùi sô hoạn, cùng vua đồng tịch, đồng sàng, thụ
hưởng vinh hoa, phú quý trong hoàn cảnh mới, nàng đã hối hận về những giọt nước
mắt dại khờ của mình ngày trước.
Đối với Đạo Học, chết là một
biến cố sáng tạo, một sự hóa thân, đổi mới tuyệt vời, là trút đi gánh nặng quá
khứ già nua, cằn cỗi, để bắt đầu một kiếp sống thanh tân, một chu kỳ tồn tại
cực kỳ tinh khôi, mới lạ.
Thiền sư Thường Chiếu (?-1202)
đời Lý, trước khi từ trần, đã bảo mọi người:
“Đại
Thiên sa giới ngoại
Hà
Sứ bất vi gia”
(Muôn ngàn nơi chốn bao la vô
hạn, đâu đâu chẳng là nhà).
Để trả lời câu hỏi về sự chết
của bậc Giác Ngộ, Thiền sư Bàn Khuê (Bankei, 1622-1693) ở Nhật, bảo:
“Bậc Giác Ngộ không có nơi
nào để đi cả. Bậc Giác Ngộ ở tất cả khắp mọi Tam Thiên, Đại Thiên Thế Giới, chỉ
có chúng sinh mới thấy có những chỗ khác nhau để đi”.
Trước khi quăng bút trút hơi thở
cuối cùng, Nhị tổ Trúc Lâm, Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) đời Trần đã viết:
“Vạn
duyên tài đoạn nhất thân nhàn
Tứ
thập niên dư mộng huyễn gian
Trân
trọng chư nhân hưu tá vấn
Na
biên phong nguyệt cánh man khoan”.
(Muôn
duyên cắt đứt một thân nhàn
Hơn
bốn mươi năm giấc mộng tràng
Xin
nhắc mọi người thôi chớ hỏi
Bên
kia trăng gió vẫn thênh thang).
J. Kirshnamurti trước khi mất, bảo:
“Tôi sẽ
đi dạo nơi miền đồi núi rất
xa, đầy sương mù”.
Trong cuốn Tử Thư Tây Tạng
Bardo–Thodol, các hiền giả đã chỉ dẫn rất rõ ràng cách sống, cũng như cách
chết: trong đời sống thường nhật, cũng như lúc lâm chung, tâm ta phải luôn luôn
rỗng rang, vô niệm, thản nhiên, bình lặng, tuyệt không có ý nhận xét, đánh giá,
chọn lựa trước bất cứ hiện tượng, tình huống mới lạ nào. Có vậy, dù sống hay
chết, cảnh giới nào với ta cũng là an lạc, thanh bình, diễm phúc tuyệt vời.
Khổng Tử, một Sư Biểu Vạn
Thế về Đạo Đức, Luân Lý, tuy chưa là bậc Giải Thoát, khi được hỏi về Thế Giới
Siêu Hình và sự chết, đã trả lời mang nội dung tương tự::
“Vị tri
sinh, yên tri tử…
Quỷ
Thần, kính nhi viễn chi”
(Chưa thấu đáo đạo sống, làm sao
biết được sự chết… Với thế giới vô hình, hãy tôn trọng, xa lánh, đừng liên hệ,
nghĩ bàn, thắc mắc tới).
Tóm lại, nhãn quan của Đạo Học
về sự chết là nhất quán. Chính những ý niệm, những lý giải vòng vo, quanh quẩn
về sự chết, là nguyên nhân làm con người sợ hãi trước cái chết. Đây là một tâm
thái mê lầm: ta đã khôg giáp mặt, đối diện, tiếp xúc trực tiếp với sự chết, với
hiện tượng chết, ta chỉ thấy cái chết qua lăng kính tư tưởng. Chúng ta đã dùng
tư tưởng để tách rời một chu kỳ tồn tại đồng nhất thành hai vấn đề biệt lập: Sự
Sống và cái Chết. Sự thực, sống và chết không thể tách rời nhau, chúng luôn
luôn song hành trong một chu kỳ hiện tượng hợp nhất, bất khả phân. Chu kỳ sinh,
tử của kiếp người bao hàm vô vàn tiểu kiếp, những chu kỳ sống, chết nhỏ như chu
kỳ sinh học của năm, tháng, ngày, đêm, chu trình biến dưỡng, vòng tuần hoàn
máu, nhịp thở, nhịp tim, sóng não, nhịp sinh, diệt của các chất sinh hóa trong
cơ thể... cả đến những chu kỳ thành hoại của mỗi cảm nhận, đáp ứng của thân,
tâm ta với môi trường, với vạn hữu. Chết không phải là tan biến, hủy diệt vĩnh
viễn, mà là một giai đoạn tồn tại kế thừa luân phiên với giai đoạn sống. Sống
là Dương, giai đoạn sinh trưởng, phát triển, hưng thịnh, chết là Âm, giai đoạn
hao tàn, hư hoại, suy kiệt: hai mặt đối đãi, đắp đổi nhau, không thể thiếu vắng
nhau, trong một chu kỳ biến dịch. Người Đạt Đạo thì hoàn toàn thản nhiên trước
vấn đề sống chết.
Thiền sư Vạn Hạnh
(?-1018), Quốc sư thời đầu nhà Lý, bảo:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc
Xuân vinh, Thu hựu khô.
Nhậm vận
thịnh suy vô bố úy,
Thịnh
suy như lộ thảo đầu phô”.
(Thân như ánh chớp, có rồi không,
Cây cỏ Xuân tươi, Thu úa hồng.
Mặc lẽ thịnh suy, không hốt hoảng,
Thịnh suy ngọn cỏ giọt sương trong).
Sinh tử của con người là một
diễn trình tự nhiên trong trời đất, như sự tương tiếp tương thừa giữa cái có và
cái không của tia chớp, giữa cái phồn tạp của cây cỏ ở Xuân Hạ rồi héo tàn ở
Thu Đông, giữa cái thịnh, suy, sớm còn, trưa mất của giọt sương mai trên ngọn
cỏ…
Thở ra, thời tâm trương, đường
máu ly tâm...là Âm, là Tử. Hít vào, thời tâm thu, đường máu hướng tâm...là
Dương, là Sinh. Tiểu Kiếp giống y Đại Kiếp, Tiểu Vũ Trụ là bản sao thu nhỏ của
Đại Vũ Trụ. Hiểu trọn vẹn cái sinh, diệt của Tiểu Kiếp sẽ tường tận rốt ráo cái
sống, chết, thành, hoại của Đại Kiếp. Thấu triệt cái hiện tại sẽ thông suốt cái
vô cùng, tường tận cái Một, cái Tiểu Vũ Trụ sẽ hiểu rõ cái Toàn Thể, cái Đại Vũ
Trụ. Thực chứng, thể nghiệm trọn vẹn hơi thở, ta sẽ am tường cái sống, chết của
kiếp người vì hơi thở chính là hiện thân của cả cuộc đời. Nếu ta không níu giữ
hiện tại, không hồi tưởng dĩ vãng, không suy diễn tương lai, nếu tâm ta thanh
tịnh, sạch làu mọi thành kiến, tập niệm, vọng tưởng, ta thoát khỏi mọi cương
tỏa của thế giới tư tưởng, ý niệm, ta sống trọn vẹn cho cái hiện tiền, ta chứng
nghiệm trực tiếp, ta thể nhập, hòa đồng vào dòng thành hoại, hưng vong, sinh
diệt...đang diễn ra của Vạn Hữu như trong từng nhịp tim, trong từng hơi thở,
từng mỗi cảm nhận và đáp ứng của thân, tâm với sự vật. Như vậy, ta đã thấu triệt,
cảm thông trọn vẹn, rốt ráo cái sống, chết của sự vật, không qua ngôn từ, ý
niệm, tư tưởng, mà bằng cái thấy biết trực giác, viên mãn, minh triết tuyệt
đối, trọn vẹn, căn để tận cùng. Chừng đó ta cũng thông đạt, hòa nhập vào cái
sống, chết thực tại của cuộc đời của kiếp người, và tâm ta không còn khởi lên
cái câu hỏi ngàn đời, muôn thuở: “Cái
chết là gì? Nó ra sao? Sau
khi ta chết, ta đi về đâu?”,
do tư tưởng vẽ vời, ngụy tạo ra nữa. Khi ta hòa nhập làm một với dòng sinh, tử
đang luân lưu bất tuyệt trong ta, ta không còn hỏi sinh, tử là gì nữa. Một
người đang bơi trong nước, không còn thắc mắc “bơi lội thế nào, ra sao?”
nữa.
_ Sắc giới (Rupaloka)
Gồm các tầng lớp từ thấp lên cao như Sơ Thiền,
Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền. Đây
là cảnh giới tương đối thanh tĩnh, các tập niệm, tham chấp, dục vọng, phiền não
thô đại, ô trọc, nặng nề không còn nữa, chỉ tồn tại những vọng động vi tế, nhỏ
nhiệm, ứng với tâm thức hành giả chứng đạt quả vị Sơ, Nhị, Tam, Tứ Thiền. So
với Dục Giới thì Sắc Giới tương đối vắng lặng, sáng suốt, yên vui hơn nhiều.
_ Vô Sắc Giới (Arupaloka)
Gồm các tầng lớp như Không Vô Biên Xứ, Thức Vô
Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ Thiên, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Đây là cảnh giới Niết Bàn, Tịnh
Độ, ứng với tâm thức Giác Ngộ, Giải Thoát. Ở đây, các ý niệm, dục vọng vi tế
nhất cũng đã tận diệt. Cảnh giới này vô cùng thanh tịnh, vi diệu, an lạc tuyệt
vời, minh triết vô biên, không thể lãnh hội bằng tư tưởng, kiến giải bằng suy
luận, diễn đạt bằng ngôn từ, mà chỉ được chứng đạt bằng tâm thái vô niệm, vô
tư, vô dục, vô ngã tuyệt đối. Tâm thái vọng động, thô đại của Dục Giới không
thể cộng thông, hòa điệu, cộng hưởng, rung động cùng tần số với cảnh giới
thường tịch, vắng lặng, trong sáng, vi diệu, thanh cao, phúc lạc này.
Lão Tử bảo:
“Thường vô dục, dĩ quan kỳ diệu.
Thường hữu dục, dĩ quan kỳ kiếu”
(Tâm vô tư, vô dục mới
thấy được cái vi tế, huyền diệu. Tâm tham dục chỉ thấy được cái thô đại, vọng
động).
Phật bảo:
“Vạn
Pháp giai tâm”
(Tất cả các Pháp đều do tâm cả).
Ta thấy, tất cả đều do tâm tạo
tác, tâm tức cảnh, tâm thái ta thế nào, ta sẽ sống trong cảnh giới thế ấy. Nếu
tâm ta đầy ắp những tham chấp xấu xa, vị kỷ ta sẽ sa đọa vào cảnh giới Súc
Sinh, Địa Ngục mê lầm, đau khổ ngay trong kiếp sống này. Ngược lại, tâm ta mà
sạch làu mọi vọng niệm, tham dục, thành kiến, mong cầu, ta sẽ thanh bình, an
lạc, tự tại, ung dung trong cảnh Niết Bàn, Tịnh Độ, ngay trong cõi nhân sinh
trần gian, tục lụy.
2) Cách mạng tình cảm: Chính Tư Duy
(Samma Samkappa)
Đây là 3 điều Giới về Ý: Không
tham lam, không sân hận, không si mê. Chữ nam Phạn Samkappa, mà Hán Tạng dịch
là Tư Duy, không có nghĩa là suy tư mà là cảm xúc, tình cảm. Chính Kiến là đoạn
đường Cách mạng về Tư Tưởng, tu chỉnh về Lý, sửa sai về Lý Trí. Chính Tư Duy là
đoạn đường Cách mạng vê” Tình Cảm, tu chỉnh về Tình, sửa sai về dục vọng. Ba
điều Giới về Ý nhằm ngăn chặn những dục vọng sai trái ngay từ lúc mới phát sinh
ở nội tâm, trước khi chúng thể hiện thành ngôn từ, hành động.
a) Không
tham lam
Tham lam là thèm khát, ham muốn,
thủ đắc những sự vật vượt quá khả năng và nhu cầu của mình. Mọi tham vọng ích
kỷ thái quá đều gây phiền não, tai vạ, cho chính mình, cho tha nhân, tha vật.
Aristote (384-322TCN),
triết gia nổi tiếng Cổ Hy Lạp, bảo:
“Điều quan trọng không phải là
san bằng tài sản mọi người, mà là san bằng dục vọng ở mỗi con người”.
Tiết chế tham dục là giới
hạnh cần được quan tâm đầu tiên, trước hết. Ngoài những nhu cầu thiết yếu như
cơm ăn, áo mặc, nhà ở, con người không ngừng đòi hỏi thỏa mãn những nhu cầu thứ
yếu, xa xỉ, vô ích, nhiêu khê khác. Họ quan niệm hạnh phúc là chiếm hữu ngày
một nhiều, tận hưởng tối đa mọi tiện nghi vật chất, mọi khoái cảm mới lạ, cường
liệt. Mọi hình thức quảng cáo, mọi thủ đoạn khuyến mãi đều nhằm mục đích gia
tăng sức mua, phát triển những nhu cầu rắc rối, phức tạp. Ngành kinh doanh dịch
vụ chiếm một tỉ lệ lớn trong đời sống kinh tế. Hàng hóa được sản xuất hàng
loạt, tràn ngập thị trường. Hậu quả tất nhiên là: nguồn năng lượng được sử dụng
tối đa, tài nguyên được khai thác triệt để nên cạn kiệt, chất thải gia tăng đầu
độc môi trường trầm trọng, thời gian làm việc thêm lên, công sức lao động bỏ ra
quá nhiều, người dân phải đóng góp nhiều hơn, đời sống con người âu lo, căng
thẳng bất an, vội vã, vất vả hơn.
Từ ngàn xưa, Lão Tử đã cảnh báo:
“Họa mạc đại ư bất tri túc.
Cữu mạc đại ư dục đắc”.
(Tai họa không gì lớn bằng
không biết đủ. Lo âu không gì lớn bằng cứ muốn chiếm hữu mãi).
Tham vọng ích kỷ của con
người là vô đáy, không bờ: tham danh, lợi, tình, tham sống lâu, tham mạnh, tham
an toàn vĩnh cửu, tham thành đạt lý tưởng cao cả... Cuồng vọng ích kỷ đã đưa
tới xung đột, áp bức, bóc lột, bất công, hỗn loạn, đau khổ. Vì vậy, ông khuyên
con người hãy:
“Tri túc, tri chỉ...Khứ thậm, khứ xa, khứ
thái”
(Biết đủ, biết dừng... Từ bỏ sự quá mức).
Biết rõ thành kiến thiên chấp,
so đo là đầu mối của tâm tham lam, ông vẫn chủ trương:
“Bất thượng Hiền, sử dân bất tranh.
Bất quý nan đắc chi hóa, sử dân tâm bất loạn.
Bất kiến khả dục, sử dân bất vi đạo...
Tuyệt xảo, khí lợi”.
(Không đề cao người tài
giỏi, khiến lòng dân không tranh giành. Không tôn trọng của quý hiếm, khiến
lòng dân không loạn động. Không khêu gợi lòng ham muốn, thèm khát, khiến dân
không trộm cướp… Dứt bỏ những cái khôn khéo, lợi lộc).
Trang Tử, trong Nam Hoa Kinh,
cũng khuyên con người trừ tuyệt đầu óc so đo, hơn kém, chọn lựa tốt xấu, lợi,
hại, để sống an bình theo cái tính phận tự nhiên của mình. Ông bảo: “Các sinh
kỳ kinh. Các an kỳ mệnh”, mọi sự vật hãy sống trọn vẹn với cái sống
của mình, an nhiên, tự tại với cái hoàn cảnh của mình và “Xả kỷ, thích nhân”, bỏ cái sống tự
nhiên của mình, để chạy theo, bắt chước, rập khuôn theo lối sống của tha nhân,
ngoại vật là tinh thần hệ lụy, tâm hồn đau khổ.
Ông cũng bảo:
“Con Ve và con chim Cưu
những sinh vật nhỏ bé, không thể chạy theo cách sống của con cá Côn và con chim
Bằng, những giống loại khổng lồ, vì mỗi loài sống trong hoàn cảnh, môi trường
không gian lớn nhỏ khác nhau. Ông Bành Tổ, nếu so với cây nấm mai, sớm nở, tối
tàn hoặc với con ve sầu mùa Xuân sinh, mùa Hạ chết, là bậc đại thọ, nhưng nếu
so với đời sống của cây Minh Linh, cây Đại Xuân, Vũ Trụ thì kiếp sống của ông
lại là tối yểu. So sánh thì vô cùng. So đo để bất an, để thèm khát, để mưu cầu,
chọn lựa là không hiểu gì về tính chất tương đối của không, thời gian, là mua
sầu, chuốc họa. Mỗi sự vật có cái hoàn thiện riêng, có cách sinh hoạt đặc thù,
quan năng độc đáo của riêng nó. Không thể so sánh cái toàn hảo, toàn mỹ của hạt
minh châu với cái tuyệt mỹ, tuyệt trần của chim Anh Vũ. Nơi ẩm thấp, lầy lội
đối với người thì sinh bệnh, nhưng với con cá chạch thì lại là môi trường thuận
lợi. Con người ở trên cao thì run rẩy, nhưng khỉ, vượn lại leo trèo thoải mái,
tự nhiên. Hươu nai cho cỏ non là ngon miệng, nhưng chim cú mèo lại cho chuột,
bọ là món ăn thích khẩu. Mao Tường, Lệ Cơ được con người cho là giai nhân tuyệt
sắc, nhưng chim, cá, hươu, nai thấy mặt hai nàng, chúng lại kinh sợ, lánh chạy.
Con chim biển quen đời sống tự do, tự lập, sẽ ưu sầu tới chết khi được biệt đãi
bằng rượu thịt và nhạc Cửu Thiều ở nhà Thái Miếu của Lỗ Hầu...”.
Tất cả những biện giải trên của
Nam Hoa Kinh đều nhằm bài xích cái tâm thiên chấp vào thành kiến, bám víu vào
những khuôn mẫu giá trị, chạy theo những lối sống, hoàn cảnh không phù hợp,
theo đuổi những cuồng vọng vượt quá nhu cầu và khả năng của mình. Con người
ngày nay, với những sở hữu về tri thức, những thụ hưởng về tiện nghi vật chất
vượt xa một nhà bác học, một ông hoàng thời xưa, nhưng vẫn bất mãn, vẫn chưa
toại ý, vừa lòng, vẫn thường xuyên vươn tới để mưu cầu thành đạt hơn nữa, vẫn
chưa chịu an nhiên với hiện tại. Trong cùng một hoàn cảnh sống, với đầu óc so
đo, khi ta nhìn lên các tầng lớp giàu sang, ta thấy thua thiệt, buồn tủi, bất
mãn, nhưng nếu ta nhìn xuống, thấy nhiều người còn khổ hơn mình, ta lại thấy
hân hoan, phấn khởi, vơi đi phần nào nỗi buồn phiền, ghen tức. Nếu tâm ta sạch
làu mọi ý niệm so đo vị kỷ ta sẽ sống trọn vẹn với những gì đang hiện hữu, ta
tận hưởng dòng sống tuyệt trần đang trôi chảy trong ta, ta an nhiên, tự tại với
cái hiện tiền, cái như thực.
Rõ ràng, chúng ta đã không giáp
mặt trực tiếp với sự kiện bằng một tâm thức rỗng rang, trong sáng, hồn nhiên,
vô niệm, mà chúng ta bị chi phối, điều khiển bởi những thành kiến tư tưởng cưu
mang trong đầu óc. Trong cùng một sự việc, một tình huống, một hoàn cảnh, tùy
theo sự nhào nặn, chỉ huy, dẫn dắt của ý niệm, thành kiến, tư dục, ta có các
cách hành sử khác nhau như buồn tủi, xót xa, hoặc hân hoan, phấn khởi hay an
nhiên, tự tại.
Đại Đế Marc Aurel, thời Cổ
La Mã, một triết gia lỗi lạc, đã chí lý khi tuyên bố:
“Tư
tưởng ta ra sao, đời sống ta như vậy”.
Câu chuyện ngụ ngôn Trung
Hoa “Tái Ông thất mã” được đưa ra, để phản đối những định kiến tập nhiễm sai
lầm về phúc họa, tốt xấu, hơn thua, thành bại...của người đời, khiến họ phải
lao đao, khốn đốn vì thất tình, lục dục.
Hạnh Bố Thí là một hình
thức buông bỏ lòng tham lam, ích kỷ một cách tích cực, cụ thể, thực tế nhất.
Theo Phật Giáo, có nhiều hình thức bố thí, từ thấp lên cao như: Tài thí, Pháp
thí, Vô uý thí. Tài thí (cách bố thí thấp nhất): chia sẻ, giúp đỡ người khác
bằng công sức, phẩm vật, tiền của. Pháp thí (cách bố thí cao hơn): chỉ dạy,
hướng dẫn người mê lầm, sai trái biết rõ đúng sai, thiện ác, tốt xấu, để họ bỏ
tà, theo chánh. Vô uý thí (cách bố thí cao nhất): tự tu sửa thân tâm, hoàn
thiện bản thân tới chỗ rốt ráo, để có một đời sống đạo đức, minh triết, hiền
lương, mẫu mực, hạnh phúc, lợi ích cho mình, cho người, luôn điềm đạm, vững
vàng, an nhiên, tự tại, không đảo điên, lo âu, sợ hãi. Chính phong thái đạo
đức, vô ưu, vô uý, tĩnh lặng, an vui này là một tấm gương để soi sáng, cảm hóa
mọi người xung quanh. Đây chính là cách hành sử của bậc Thánh nhân, bậc đạt
Đạo, như Lão Tử đã dạy:
“Sử vô vi chi sự. Hành bất ngôn chi giáo”
(Giả quyết sự việc theo tôn chỉ
vô vi. Giáo huấn người khác theo cách không dùng lời nói).
b) Không
sân hận
Tâm sân hận, bực tức, căm thù là động cơ trực
tiếp dẫn tới lời nói, việc làm hung bạo, độc ác, tai họa cho mình, cho người.
Tâm địa sân hận trước hết gây bất an, rối loạn, bệnh hoạn cho chính người cưu
mang nó. Giận dữ, bực bội, căm thù, dồn én, trấn áp, kiềm chế, gắng gượng, khổ
hạnh, nỗ lực...đều là tâm thái bất thường, trạng thái bệnh lý, những hình thức
bạo hành với bản thân. Một người đã bạo hành với bản thân, thì không thể khoan
hòa, bao dung, nhân hậu với tha nhân, với xã hội. Muốn từ, bi, hỷ, xả với người
khác, trước hết phải thoải mái, thung dung với chính mình đã. Tâm thái ung
dung, tự tại, thư thái, điềm đạm mới là đức tính chỉ đạo, mới là nơi xuất phát
của tình thương, mới là thứ đạo hạnh bao trùm, xứng đáng để ta minh tâm, khắc
cốt trong mọi tình huống sử kỷ, tiếp vật.
Tâm sân hận là đầu mối của mọi tai họa..
c) Không
si mê
Si mê là mê muội, mù quáng không
phân biệt cái đúng, sai, phải, trái, thiện, ác, chỉ biết tham chấp, vị ngã, ích
kỷ, chai lỳ, thiếu mẫn cảm trong quan hệ với tha nhân, tha vật. Cùng với tham
lam, sân hận, Đạo Phật gọi si mê là một trong Tam Độc. Tâm đã si mê, mờ tối, dĩ
nhiên hành động sẽ sai trái, tai hại. Cái mê lầm lớn nhất, đứng đầu mọi mê lầm
là con người chỉ biết suốt đời chăm chăm trong những hành vi vị kỷ như tranh
giành, chiếm hữu, thủ đắc, củng cố, mong cầu, vươn tới, để rồi triền miên bất
an, lo sợ, phiền lụy, khổ đau...mà không thấy được cái nguyên nhân cội nguồn
gây ra mọi khổ lụy ở trần gian này. Họ không thấy được thủ phạm duy nhất của
tất cả mọi phiền não, tai ương trên đời này là cái ý niệm vị kỷ, cái tư tưởng
ngã chấp tập nhiễm, chất chứa sâu dày trong đầu óc họ. Họ đã mê muội, không
nhận ra rằng họ đang bị tư tưởng, thành kiến, trước nhiễm từ bao đời quá khứ,
điều khiển, chi phối, dẫn giắt, sai sử, bủa vây, nhào nặn, phỉnh gạt.
3) Cách mạng hành động
Cách mạng hành động gồm các
chặng Chính Ngữ, Chính Nghiệp, Chính Mệnh.
a) Chính ngữ (Samma Vacca)
Đây là ba điều Giới về Khẩu:
không nói dối, không nói hại, không nói tục.
_ Không nói dối
Không nói sai lệch, xuyên tạc sự thật để đạt
mục đích vị kỷ.
Lão Tử dạy:
“Tín
giả, ngô tín chi. Bất tín giả, ngô diệc tín chi”
(Với
người thành thực, ta lấy lòng thành thực đối lại. Với người gian dối, ta vẫn
lấy thành thực đáp lại).
Ông cũng bảo:
“Mỹ ngôn
bất tín. Tín ngôn bất mỹ”
(Lời nói văn hoa, trau chuốt,
khéo léo là không thành thực. Lời nói thành thực thì mộc mạc, giản dị, tự
nhiên, không kiểu cách, hoa mỹ).
Trong đạo sử kỷ, tiếp vật ông chủ trương:
“Thủ
chân, bão phác”
(Ôm giữ sự thực thà, trung
thực).
Khổng Tử bảo:
“Thành
giả, Thánh nhi dĩ hỹ.”
(Người thành thực hoàn toàn
chính là bậc Thánh vậy).
Thực vậy, một người chân thành tuyệt đối trong
tất cả mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, là người can đảm phi thường. Ai cũng
thành thực tuyệt đối, trái đất sẽ là một Thiên Đường hạnh phúc, và mọi người
đều là thánh nhân, hiền giả.
Ông cũng đề cao “cương nghị, mộc nột”
(ngay thẳng, chất phác) và bài xích “xảo
ngôn, lệnh sắc” (khéo lời, phô sắc).
Nếu mọi người ai ai cũng tuyệt
đối thành tín, xã hội sẽ không còn những tệ đoan rắc rối, phiền hà như hàng
gian, hàng giả, buôn gian, bán lận, nói thách, lừa bịp, đút lót, hối lộ, trốn
thuế, khai man, không cần vô vàn những công đoạn kiểm soát, thanh tra, giám sát
vô cùng nhiêu khê, phiền phức... và cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, thanh thản, thoải
mái, giản dị, dễ dàng biết bao. Khi ở gần, hoặc giao tiếp, quan hệ với một
người thực thà, chất phác, bình dị, thành tín...ta thấy yên tâm, nhẹ nhõm,
thanh bình nhưng với người khôn lanh, giảo hoạt, miệng lưỡi, trí trá, ta thấy
ngay bất an, nghi ngại, áy náy, sợ sệt. Rõ ràng thành tín là hạnh phúc, gian
dối là tai họa.
_ Không nói độc hại
Lời nói nhiều khi có sức mạnh vô
cùng. Tài khẩu thiệt của các nhà ngoại giao, thuyết khách có lúc hiệu lực hơn
cả một đạo quân trăm vạn. Nếu lời nói được dùng để dèm pha, xiểm nịnh, vu
khống, bôi nhọ...nó sẽ mang lại những tai vạ, khôn lường.
_ Không nói thô tục
Lời lẽ thô tục nào cũng xuất
phát từ tâm thái thô lỗ, bất an, vọng động, sân hận. Khi tâm ta giao động, bực
bội, sân hận, điều quan trọng hơn hết là ta yên lặng, lắng nghe tâm tư mình như
thế nào, tuyệt đối đừng nói năng, hành động theo trạng thái tâm sân hận đó. Lời
lẽ thô tục bao giờ cũng nhằm mục đích xấu như trêu chọc, khiêu khích, lăng mạ,
sỉ nhục hay hăm doạ người khác, chỉ mang lại những hậu quả bất an, bất thiện…
b) Chính nghiệp (Samma Kammanta)
Đây là 3 điều Giới về Thân:
Không sát sinh, không đạo tặc, không tà dâm.
_ Không sát sinh
Đạo Học không cho phép hủy diệt
sinh mạng các sinh vật có tri giác. Sát sinh can thiệp thô bạo vào chu kỳ tồn
tại tự nhiên của sinh vật, gieo chủng tử hung bạo, sân hận cho cả người giết và
đối tượng bị giết, gây đau đớn trực tiếp cho tha nhân, tha vật. Nếu mọi người
thực hành giới hạnh không sát sinh thì rõ ràng chiến tranh không tồn tại trên
hành tinh này:
“Đãn sử chúng sinh vô sát nghiệp,
Hà sầu thế giới động đao binh”.
Để giữ Giới không sát sinh, phát
triển đức từ bi, lòng nhân hậu, Đạo Học chủ trương dùng thức ăn thực vật. Khoa
Dinh Dưỡng Tây Phương đã bắt đầu thấy rõ những ưu điểm của thực phẩm ngũ cốc,
thảo mộc:
- Thức ăn gốc thực vật có đầy đủ
các chất xây dựng cơ thể, cung cấp năng lượng, và bảo vệ cơ thể như: chất đạm,
chất bột, chất béo, muối khoáng, sinh tố. Thức ăn gốc thực vật hầu như không có
Cholesterol.
- Các loại đậu có tỉ lệ đạm chất
cao hơn thịt, cá và hội đủ các acid amin thiết yếu.
- Tỉ lệ rất cao các chất béo
chưa bão hòa (unsaturated), một hoặc nhiều nối đôi, được tìm thấy trong các
loại dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu ô liu, dầu bắp, dầu mè, dầu đậu nành
và cả dầu đậu phộng (trừ dầu dừa, dầu cọ, mà nhà sản xuất gọi là dầu tinh
luyện).
- Thực vật nhiều sinh tố hơn
thịt, cá. Sinh tố B có rất nhiều trong ngũ cốc, các loại hạt. Rau, trái rất
phong phú sinh tố A, C.
- Nguồn khoáng vi lượng rất dồi
dào trong ngũ cốc, rau, trái, vượt xa thức ăn động vật.
- Thức ăn gốc thực vật như ngũ
cốc, rau, quả thích hợp với hệ tiêu hóa của con người: răng, dạ dày, ruột của
con người mang đặc tính của loài ăn hạt và rau, trái. Do đó, dinh dưỡng bằng
thực phẩm thảo mộc ít bị các bệnh đường ruột, viêm nhiễm, tim mạch, ung thư, tiểu
đường...
- Đồ ăn thực vật không acid hóa
nội môi như thức ăn động vật, do đó nó tạo ra một môi trường kiềm bên trong cơ
thể không thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn có hại. Không Cholesterol,
tỉ lệ acid béo chưa bão hòa cao, đa số dầu thực vật (trừ dầu dừa và dầu cọ)
không gây xơ vữa động mạch. Các chất xơ của đồ ăn động vật làm chậm và điều hòa
quá trình hấp thụ dinh dưỡng ở các khâu chuyển hóa và biến dưỡng thực phẩm. Các
chất chống oxyt hóa (antioxydants) rất phong phú trong thực vật giúp làm chậm,
ngăn cản quá trình xơ cứng, lão hóa của cơ thể.
_ Không đạo tặc
Nếu sát sinh là cướp đoạt sinh
mạng, thì đạo tặc là xâm phạm, chiếm đoạt tài sản người khác. Đạo tặc bao hàm
nhiều hình thức, từ hành vi cụ thể, điển hình tới những thủ đoạn gián tiếp,
tinh vi như: ăn trộm, ăn cướp, ăn cắp, ăn xin, ăn bám, ăn giựt, lừa đảo, bóc
lột, tham ô, lãng phí, áp phe, móc ngoặt, buôn lậu, trốn thuế, sưu cao thuế
nặng...
Văn sĩ, kiêm triết gia, người
Pháp nổi tiếng Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) bảo:
“Giàu hay nghèo, sang hay hèn,
tất cả những ai ăn không ngồi rồi đều là những kẻ ăn cắp”.
Hành vi đạo tặc gây vô vàn mâu
thuẫn, bất công, tệ đoan, rối loạn, đau khổ.
Ngay từ xưa, Trang Tử đã vạch rõ
những tệ nạn bất công, bất nhẫn, những hình thức đạo tặc được chính quyền, pháp
luật hợp thức hóa, cho phép, công nhận:
“Thiết câu giả chu, thiết quốc giả hầu”
(Ăn cắp một cái móc thì bị tội
chết, ăn cắp cả một nước thì lại được phong tước hầu).
Giới thống trị, những “Phụ mẫu chi dân” với
quyền lực trong tay, ăn trên ngồi chốc, nhiều đặc quyền, đặc lợi, lại là những
tên đạo tặc hợp pháp, những “kẻ cướp ngày”. Đạo Học chủ trương không chấp nhận
một hình thức đạo tặc nào, và con người phải mưu sinh bằng chính công sức mình.
_ Không tà dâm
Ái tình, tình dục là vấn đề chế
ngự, thôi thúc lớn trong đời sống tâm, sinh lý của nhân loại. Đạo Học không
buộc con người phải ly gia, cát ái, từ bỏ đời sống gia đình. Một cư sĩ vẫn có
khả năng giải thoát khổ não. Tới một giai đoạn nào đó của con đường hành giả
chân chính, người cư sĩ thấy tình dục tự nhiên không còn là một nhu cầu cần
thiết nữa. Khi tâm thức hành giả đã ở trạng thái thanh bình, vắng lặng, phúc
lạc thanh cao, vi tế, thì những vọng động, dục lạc thô đại cũng lắng chìm và
vong bặt. Đạo Học, con đường Trung Đạo, không chủ trương dồn nén tình dục,
nhưng cũng không chấp nhận cái tình tự bám víu, theo đuổi, phát triển những tư
tưởng, những ý niệm cưu mang hình ảnh về nhục dục, những ngôn ngữ, hành vi
khiêu dâm, khích dục, làm cho cái bản năng này trở thành thôi thúc, ám ảnh,
tương tục, phản tự nhiên.
J.Krishnamurti bảo:
“Hành vi
tình dục không phải là một rắc rối, nó cũng giống như hành vi ăn uống vậy.
Nhưng nếu bạn suy nghĩ về hành vi tình dục, ăn uống, hoặc bất cứ một hành vi
nào suốt ngày, vì không còn điều gì khác hơn để suy nghĩ, thì nó sẽ trở thành
vấn đề rắc rối”.
Trong năm 1998, doanh số bán ra
của thuốc Viagra, loại thuốc tăng cường khả năng tình dục, đạt mức cao nhất
trong lịch sử Y học. Điều này chứng tỏ nhân loại đang chạy theo thú vui nhục
dục một cách mê loạn, cuồng nhiệt. Nhưng cảm giác thụ hưởng nào dù mới lạ, mãnh
liệt tới đâu, rồi cũng nhàm tẻ, chán chường, kể cả cảm giác nhục dục.
Từ xưa, Phật đã nhắc nhở:
“Thọ thị
khổ”
(Chạy theo thú vui cảm giác là bất hạnh).
Đạo Học không chủ trương
dồn nén, trấn áp tình dục nhưng cũng không chấp nhận lối sống tà dâm, buông
thả, lang chạ, với những hậu quả xấu hại rõ ràng như: rối loạn gia đình, bất ổn
xã hội, bệnh hoạn lan tràn...
c) Chính mệnh (Samma Ajiva)
Đây là năm điều Giới về nghề
nghiệp. Có 5 nghề phải xa lánh, từ bỏ, kiêng kỵ trong vấn đề mưu sinh hàng ngày
như:
_ Không chế tạo, buôn bán
vũ khí
Bất kỳ thứ vũ khí nào, từ thô sơ
như gươm, đao, cung, nỏ, súng ống tới các phương tiện chiến tranh hiện đại đều
nhằm hủy diệt tài sản, sinh mạng con người, trong các cuộc chiến tranh suốt
chiều dài lịch sử nhân loại. Chính những tổ chức, công ty, tập đoàn, tổ hợp sản
xuất vũ khí, buôn bán các phương tiện chiến tranh để thu về những lợi nhuận
khổng lồ đã phải chịu trách nhiệm trực tiếp về sự tàn phá, hủy diệt, mất mát,
đổ vỡ, đau khổ...trên mặt đất này.
_ Không sản xuất, buôn bán chất
say, chất độc
Các chất gây say, gây nghiện làm
con người mê muội, bệnh hoạn cả về tinh thần lẫn thể xác. Hậu quả hiển nhiên
của các chất gây say, gây nghiện như ma túy, rượu, thuốc lá.. là sự phấn khích
nhất thời của hệ thần kinh, chứ không phải trạng thái hạnh phúc chân chính, lâu
dài và tiếp sau đó là sự suy nhược, mệt mỏi, tàn phế vĩnh viễn. Hiện nay, các
nhà đạo đức, y học, các nhà lập pháp chủ trương hạn chế dần, rồi tiến tới cấm
hẳn việc sản xuất, buôn bán sử dụng rượu, thuốc lá. Nhiều quốc gia đã cấm quảng
cáo thuốc lá, cấm hút thuốc nơi công cộng, trong cơ quan, xí nghiệp. Kẻ sản
xuất, vận chuyển, buôn bán các loại ma túy bị thế giới kết án là những tội phạm
quốc tế, đầu độc nhân loại.
_ Không
buôn bán nô bộc
Buôn bán nô bộc là tiếp tay cho
bóc lột, áp bức, bất công, bất bình đẳng trong xã hội. Chế độ Nô Lệ và hoạt
động buôn bán nô lệ công khai đã cáo chung, nhưng tệ nạn buôn người trá hình
vẫn lén lút tồn tại. Nhiều đường dây mua bán người trái phép hiện nay được khám
phá.
_ Không nuôi thú vật để ăn thịt,
làm đồ tể
Đây là những nghề phải tránh vì
sát sinh là một giới cấm nghiêm minh trong đạo Phật. Hành vi giết mổ trực tiếp
mang tính hung bạo rất cao, đi ngược lại tôn chỉ bao dung, từ bi, nhân hậu.
Hành vi hung bạo, nuôi dưỡng phát triển cá tính hung bạo, nguyên nhân của vô
vàn các bạo hành, bất nhân, phiền não, đau khổ khác.
_ Không làm nghề đạo đức giả dối
Khổng Tử dạy: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị
tri dã”. (Điều gì biết thì bảo
là mình biết, điều gì mình không biết thì nhận là mình không biết, đó là sự
hiểu biết đích thực vậy). Điều sai lầm tai hại là mình không biết mà lại ngộ
nhận hoặc cố ý cho mình là hiểu biết để rồi lên mặt hướng dẫn người khác sai
trái theo. Đạo Học chủ trương con người phải tự giác viên mãn rồi mới giác tha,
tu thân rồi mới tề gia, trị quốc. Anh chưa tự hoàn thiện chính mình, thì làm
sao tu chỉnh được người khác? Một người mù lòa không thể dẫn giắt được ai. Một
người khánh tận, cơ hàn, vong gia, thất thổ thì lấy gì để ban phát của cải, tài
vật? Một người khó khăn, khổ hạnh thì có gì để chia sẻ tình thương. Những nhà
đạo đức giả, những người khẩu Phật, tâm xà, lời nói, hành động không đi đôi với
ý nghĩ, đã phổ biến những tà thuyết sai lầm, thiển cận, mưu cầu mục đích vị kỷ,
hiếu danh, trục lợi, đã di họa cho tha nhân, đồng loại, có khi cho cả nhiều thế
hệ. Làm văn hóa mà sai lầm thì tai họa là khôn lường.
4) Cách mạng ý chí: Chính Tinh Tiến
(Samma Vayama).
Chính Tinh Tấn, chặng thứ sáu
của Bát Chính Đạo, là đoạn kết thúc của phần Tu Giới, phần Tu Phúc, Tu Thiện ,
phần Cách mạng ý thức, tư tưởng, luân lý, đạo đức. Trong chặng Chính Tinh Tiến,
Phật dạy hành giả phải vận dụng ý chí, nghị lực, quyết tâm thực hiện thành công
phần Tu Giới. Chính Tinh Tiến là phải biết phân biệt rõ ràng chính, tà, chân,
ngụy, đúng, sai, thiện, ác, phải nhiệt tâm, chuyên cần, kiên trì, nghiêm túc,
để làm lành, lánh ác, đừng để cạm bẫy dục vọng, hư danh, tiền bạc, tình ái lấn
át lương tâm, lý trí trong cuộc Cách mạng ý thức, tư tưởng, luân lý, đạo đức
cam go của phần Tu Giới trên đây
Tứ Chính Cần, nội dung chủ yếu cuả hạnh Tinh
Tiến là thường xuyên tu sửa thân tâm theo hướng bỏ ác, theo thiện:
- Luôn nuôi dưỡng thiện tâm, thiện ý.
- Phát huy những việc làm đạo đức, tốt
đẹp.
- Tự kiểm kịp thời, ngăn chặn tư tưởng bất
thiện, không để
nó phát tác thành những hành vi nguy hại.
- Khắc phục, sửa sai, từ bỏ những việc làm sai
trái, bất thiện.
Nhà bác học Alexis Carrel đặc biệt đề cao hạnh
Tinh Tiến
trong đạo tu thân:
“Chúng
ta cần phân biệt rõ ràng giữa thiện và ác như phân biệt giữa sáng và tối, giữa
yên lặng và ồn ào, để làm thiện tránh ác”.
Khổng Tử đã nêu rõ hạnh
Tinh Tiến trong câu:
“Tu du
bất ly Đạo”
(Không
một khoảnh khắc nào xa rời Đạo).
Trong Nho Giáo, phần Hình Nhi Hạ,
được Khổng Giáo phát triển mạnh nhất, chủ trương đào tạo người Chính Nhân, Quân
Tử, con người nhập thế, hữu vi, với các giai đoạn: Cách Vật, Trí Tri, Thành Ý,
Chính Tâm, Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ. Trong Hình Nhi Hạ Học, Tam
Cương (Quân Thần, Phụ Tử, Phu Phụ) và Ngũ Thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) là
những chuẩn mực luân lí, đạo đức của Khổng Giáo. Hình Nhi Hạ Học chính là phần
tu Thiện Nghiệp, phần Cách mạng tư tưởng, hành động, phần Cách mạng luân lý,
đạo đức của Nho giáo. Câu “Kỷ sở bất dục
vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác)
của Khổng Tử, có thể coi như một khẩu hiệu thâu tóm toàn bộ cương lĩnh đạo đức
đối nhân, xử thế của Khổng Giáo.
Phần Tu Giới của Phật Giáo, phần
Tu Thiện Nghiệp, chính là cuộc đối đầu giữa Lý Trí và Dục Vọng, giữa Ý Thức và
Tiềm Thức, giữa Lương Tâm và Bản Ngã vị kỷ. Đây chính là một cuộc Cách mạng
luân lý, đạo đức. Nhưng trật tự, hòa bình của Luân Lý, Đạo Đức chỉ là những thứ
kỷ cương, kiềm tỏa có tính chất dồn nén, áp đặt, cưỡng bách, gượng ép, không
thoải mái, không tự nhiên, không lâu dài, trọn vẹn. Xung đột thường xuyên diễn
ra giữa Lý Trí nghiêm khắc và Dục Vọng ngông cuồng, giữa Ý Thức cạn cợt và Tiềm
Thức sâu dày, giữa “ông thánh và con thú trong mỗi con người” theo
như cách gọi của Pascal Blaise (1623–1662), nhà tư tưởng, bác học nổi tiếng
người Pháp. Vì thế, phần Tu Giới, phần Tu Thiện Nghiệp, tức phần Cách mạng ý
thức và hành động hay phần Cách mạng luân lý, đạo đức chưa phải là cuộc Cách
mạng cuối cùng của Bát Chính Đạo.
II. Phần chuyển tiếp giữa Giới và Định:
Chính Niệm (Samma Sati)
Chính: chính xác, trung thực, rõ ràng. Niệm:
chú tâm, để ý, hướng tâm vào một vấn đề gì. Chính Niệm là pháp môn dừng lắng
tâm ý, chú tâm, để ý vào một lãnh vực nào đó của sự vật như lãnh vực thân, tâm,
vạn hữu….để thấy rõ chúng đang biểu hiện, vận hành, diễn biến theo lý Vô
Thường, Vô Ngã. Nói khác, Chính Niệm là giai đoạn hành giả bắt đầu thực hành
phép Chỉ, phép Niệm, theo dõi, ý thức, nhận biết sự vật bằng nhãn quan Vô Ngã,
Vô Thường.
Trong Chính Niệm, phần chuyển tiếp, trung gian
giữa Tu Giới và Tu Định, chuyển dần rời bỏ phần Tu Giới, chuẩn bị bước sang
phần Tu Định, Phật dạy phép Tứ Niệm Xứ Nguyên Thủy (Bốn lãnh vực để chú tâm).
Sau này Phật Giáo Đại Thừa phát triển thêm các
phép Niệm khác như: Tứ Niệm Xứ Đại Thừa, Niệm Không, Niệm Như Huyễn, Niệm Tứ Vô
Lượng Tâm.
1) Tứ Niệm Xứ Nguyên Thủy
(Satipatthàna)
Sự vật thì thiên hình, vạn trạng, vô cùng phức
tạp: một hành giả sơ cơ không thể để tâm, chú ý vào tất cả mọi hiện tượng đang
vận hành trong cùng một lúc. Do vậy, Phật định ra bốn lãnh vực để hành giả thực
tập chú tâm về từng lãnh vực một gọi là Tứ Niệm Xứ (Satipatthàna). Tứ Niệm Xứ gồm
bốn lãnh vực, bốn chủ đề để chú tâm, chính niệm: Thân Thể, Cảm Thọ, Tâm Ý, Đối
Tượng của Tâm Ý. Lãnh vực chú tâm đầu tiên là Thân Thể, hữu hình, cụ thể, dễ
nhận biết nhất, sau đó là các lãnh vực tinh thần, vô hình, ngày càng trừu tượng
hơn, phức tạp hơn, khó theo dõi hơn như Cảm Thọ, Tâm Ý, Đối Tượng của Tâm Ý.
Tại thị trấn Kammassadhamma thuộc bộ tộc Kuru,
Phật nói kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthàna):
“Hành giả tìm tới một khu
rừng, một gốc cây, hoặc một nơi vắng lặng, ngồi kiết già, lưng thẳng, đặt niệm
trước mặt (để tâm, chú tâm theo dõi sự vật hiện tiền):
a) Niệm về
Thân Thể
Hành giả để tâm tự do, không
vướng bận, nhận biết rõ ràng về những quá trình sinh khởi, hủy diệt, đang diễn
ra nơi Thân Thể như:
_ Hơi thở ra, hơi thở vô, hơi
thở dài, hơi thở ngắn.
_ Mọi tư thế, cử động, sinh hoạt
như đi, đứng, nằm, ngồi, nhìn lên, cúi xuống, mặc áo, mang bát, nói năng, ăn
uống, tiểu tiện, đại tiện …
_ Hành giả cũng ý thức rõ về các chi tiết, bộ
phận từ đỉnh đầu tới gót chân như tóc, lông, da, thịt, gân, xương, các cơ quan
nội tạng, các chất dịch như máu, mỡ, mủ, mồ hôi, nước bọt, đờm dãi, nước tiểu,
phân…rồi hành giả còn quán niệm về sự tan hoại, huỷ diệt của thân thể nơi tha
ma, nghĩa địa.
b) Niệm về
Cảm Thọ
Hành giả để tâm tự do,
không vướng bận, thấy rõ những cảm thọ đang sinh khởi, hủy diệt như: cảm thọ
khổ đau, khoái lạc, cảm thọ không khổ đau, không khoái lạc, cảm thọ khổ đau,
khoái lạc vật chất, cảm thọ khổ đau, khoái lạc tinh thần….
c) Niệm về
Tâm Ý
Hành giả để tâm tự do, không
vướng bận, thấy rõ quá trình sinh khởi, hủy diệt của các biểu hiện nội tâm
như:có tham, sân, si hay không có tham, sân, si, tâm thu nhiếp hay tán loạn,
tâm khoáng đạt hay hạn hẹp, tâm định hay không định
d) Niệm về
Đối Tượng của Tâm Ý
Hành giả để tâm tự do, không vướng bận, nhận
biết rõ ràng về các đề mục như Tứ Diệu Đế, Ngũ Uẩn, Ngũ Triền Cái, Lục Thức,
Thất Giác Chi …”
2) Tứ Niệm Xứ Đại Thừa
Phật Giáo Đại Thừa cũng
triển khai bốn lãnh vực để chú tâm, chính niệm như Tâm Vô thường, Pháp Vô Ngã,
Thân Bất Tịnh, Thọ Thị Khổ.
a) Tâm Vô
Thường (Lãnh vực Tâm Ý)
Những thông tin, những hiện tượng nổi lên
trong nội tâm như: tâm tư, ý nhĩ, tình cảm, cảm xúc...đều bị Luật Vô Thường chi
phối: chúng sinh ra, tồn tại, mờ nhạt rồi tiêu vong một cách tự nhiên. Đây là
những chu kỳ tồn tại sinh, thành, hoại, diệt, khách quan của sự vật, ta không
can thiệp vào sự hiện hành của chúng. Ta phải nhận định, quán triệt sâu sắc,
chính xác, tường tận về sự thực nội tâm này.
Năng và sở, tâm và thân, tâm và
vật đều là một, nên nếu Tâm vô thường thì Thân cũng vô thường và Vạn Pháp cũng
vô thường. Hãy để vạn vật biến dịch, hóa thân theo luật tự nhiên, đừng tìm
kiếm, thay đổi chúng theo chủ ý riêng của mình vì “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong” (Thuận theo
tự nhiên thì tồn tại, ngịch lại tự nhiên thì tiêu vong, tai vạ), như Nho gia
khẳng định. Đừng luyến tiếc quá khứ, buồn thương dĩ vãng, vì tất cả Vạn Hữu đều
đổi thay, trôi chảy không ngừng, chỉ khác nhau ở tần số nhanh, chậm của chu kỳ
hiện hữu, ở tốc độ lâu, mau của thời gian thành, hoại mà thôi.
Nhà thơ Thôi Hộ (thế kỷ
thứ 9), đời Đường, đã nhớ tiếc hình ảnh dĩ vãng để xót xa, ngậm ngùi khi nhìn
thấy hoa đào năm ngoái vẫn nhởn nhơ đùa giỡn với gió mùa đông năm xưa, cảnh cũ
vẫn còn, mà người xưa đâu vắng:
“Nhân
diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa
y cựu tiếu đông phong”
Ông đã không quán triệt luật tắc
biến dịch vô thường. Ông không hiểu rằng hoa đào năm nay đâu còn là hoa đào năm
trước và mùa đông năm nay đã khác xa mùa đông năm ngoái. Dù là thiên nhiên hay
nhân sự, tất cả Sự Vật đều biến đổi theo những chu kỳ biểu hiện mau, chậm khác
nhau, không có gì là “y cựu”, là trường tồn, bất biến cả. Nhân diện, đào hoa,
hay đông phong đều nhất kiến, bất khả tái kiến, trong cái không, thời gian biến
dịch, vô thường, sáng tạo, tinh khôi trong từng vị trí, từng thời điểm này.
Nhà thơ Đỗ Phủ (712-770), cũng
đời Đường, trước đó một thế kỷ, cũng có những luyến tiếc, buồn thương tương tự:
“Niên
niên hỷ kiến sơn trường tại,
Nhật
nhật bi khan thủy độc lưu”
Ông vui mừng khi thấy năm tháng
tuy trôi mau, nhưng ngọn núi kia vẫn thường còn, bất biến, và ngay sau đó ông
lại ưu sầu vô tận, khi thấy ngày ngày nước sông cuồn cuộn ra khơi, một đi không
một lần trở lại. Con người thi sĩ của ông không biết rằng ngọn núi kia cũng
biến đổi vô thường, cũng thành hoại, hưng vong, tiêu trưởng... như bao sự vật
khác, nhưng chu kỳ hiện hữu của nó lâu dài hơn nhiều lần vòng tuần hoàn biến
dịch của dòng nước và gấp nhiều lần kiếp sống của con người, nên ông tưởng như
nó thường hằng, vĩnh cửu.
Muốn cái quen thuộc, cái đã
biết, cái sở tri, sở hữu được trường tồn, bất diệt, muốn duy trì sự vật dĩ vãng
y nguyên như cũ, muốn trường sinh bất lão, bất tử, sợ hãi phải giáp mặt với cái
mới lạ, đổi dời...là đi ngược lại luật Vô Thường, là phản tự nhiên, phi thực
tại, là tự chuốc lấy buồn phiền, thất vọng, vì hiện tượng nào cũng đổi mới,
biến dịch liên tục, và khi ta ý niệm về nó thì nó đã qua rồi, không còn hiện
hữu nữa, và đấy là ta đang hồi tưởng, tái tạo, bám víu, lưu giữ, hoài niệm về
những hình ảnh quá khứ của nó.
Không dừng ở cái nhìn lệch lạc
của thi nhân, của người đời, Trang Tử đã có cái nhãn quan tiêu dao, siêu thoát,
đạt Đạo, khi ông đưa ra kiếp sống lâu mau khác nhau giữa cây nấm, con ve, ông
Bành Tổ, cây Minh Linh, cây Đại Xuân, Trời Đất... để thuyết minh cho tính chất
vô thường và tương đối của thời gian. Đông Y cũng có cái nhìn vô thường, dịch
lý rất thâm thúy: “Thông tắc bất
thống.Thống tắc bất thông” (Cái lưu chuyển, biến dịch, trôi chảy là
thuận đạo, tự nhiên, vô bệnh. Cái gì ách tắc, ngưng trệ, đình đốn là phản Đạo,
là thương sinh, là bệnh lý).
b) Pháp Vô
Ngã (Lãnh vực Đối Tượng của Tâm Ý)
Tâm địa chung của chúng ta là
coi con người như một cá thể độc lập, một chủ thể riêng rẽ, một cái Ta tách
biệt với vạn vật, với thiên nhiên, với xã hội. Khi người khác đau khổ, ta đâu
thấy thể xác ta đau đớn. Khi người khác thoải mái, ta có thấy bản thân ta sung
sướng đâu. Ta chỉ thực sự khó chịu, buồn phiền, đau đớn khi ta thất bại, bất
như ý, thua thiệt, mất mát, khi ta đói rét, bệnh hoạn, tai nạn, hay khi ta bị
ngược đãi, áp bức...Ta thấy rõ ràng thân tâm ta dễ chịu, sung sướng, hạnh phúc
khi ta thành công, toại nguyện, khỏe mạnh, an toàn, thụ hưởng, ưu việt hơn
người...
Hiển nhiên, ta thấy cái Ta chủ
thể có một đời sống tinh thần biệt lập, riêng tư với những kỷ niệm quá khứ,
những tâm tư, tình cảm, những ước mơ thầm kín, những khả năng riêng về trí tuệ,
những bản sắc đặc thù về cá tính. Thể xác của mỗi cá nhân cũng được thấy như
một thực thể độc lập, rõ ràng, với những nét đặc trưng cố hữu về tầm vóc, hình
dáng, thể trọng, màu da, khuôn mặt, nụ cười, ánh mắt...
Vì cái quan điểm sai lầm
này, nên con người tập trung tất cả tâm lực cho việc bành trướng, củng cố hoàn
thiện cái Ta, cái Tôi, cái Mình, cái Trung Tâm Bản Ngã này để nó ngày một lớn
mạnh, trường cửu, an toàn, hạnh phúc hơn, và dành mọi thua thiệt, bất an, phiền
muộn, đau khổ...cho tha nhân, ngoại vật. Cách hành sử của mọi cá nhân là hoàn
toàn vị ngã, vị kỷ như chiếm đoạt, xâm lấn, tranh giành, áp bức, trục lợi, bóc
lột. Họ bảo vệ, củng cố những thành quả thủ đắc, chiếm hữu, tích lũy được bằng
đủ mọi hình thức như xây dựng địa vị, gia cố quyền hành, gây bè kết cánh, chuẩn
bị cho con cái sau này ăn trên ngồi chốc, sung sướng, an nhàn. Tâm trạng và
hành vi của mỗi cá nhân đều như vậy, nên xã hội loài người là một diễn trường
đầy bất an, bấ thiện, mâu thuẫn, đấu tranh, đau thương, lầm than, hỗn loạn...
Thực ra, Vũ Trụ là một tổng thể
gồm vô vàn hiện tượng cộng thông, tương tác, đan dệt nhau bằng vô lượng các mối
tương quan chằng chịt, và thường xuyên biến dịch. Không có sự vật nào là một
thực thể, một cá thể, một phần tử độc lập, riêng lẽ, cá biệt và cố định cả.
Tinh thần, tâm tư, cá tính của mỗi cá nhân là do những kinh nghiệm, ký ức, kiến
thức, ta thu thập, trước nhiễm, tích lũy, học hỏi từ gia đình, xã hội, học
đường, sách báo, phim ảnh, tôn giáo, truyền thống, chủng tộc...Thể xác ta, cái
hình hài cơ nhục hiện hữu được kiến tạo từ xương thịt của gia súc, gia cầm, của
chim trời, cá nước, thú rừng, từ hạt, trái, rau cỏ của thập phương, bốn mùa, từ
khí trời, muối biển, từ những khoáng chất của đất đá, cả từ những tia, những
hạt, những sóng, những trường...đến từ mặt trăng, mặt trời, những tinh tú,
thiên hà xa xôi vô tận...Con người là một hiện tượng, hiện hành do vô vàn nhân
duyên từ môi trường, từ địa quyển, từ thủy quyển, sinh quyển, khí quyển, từ Vũ
Trụ mênh mông tạo thành. Đối lại, cá nhân con người lại là tác nhân ảnh hưởng
tới xã hội, thiên nhiên, vạn vật. Do vậy, con người là một hiện tượng biến đổi
liên tục, do hằng hà sa số các hiện tượng khác tạo nên, đồng thời lại cùng các
hiện tượng khác nữa vận hành như những nhân duyên giả hợp nên các sự vật tiếp
sau, được coi như những kết quả. Trong Vũ Trụ, mọi hiện tượng đều biến dịch,
trôi chảy không ngừng. Khi ta ý niệm về sự hiện hữu của cái Ta hiện tượng, thì
cái Ta thực tại đã qua rồi, không còn tồn tại nữa, mà là ta đang liên hệ tới
một cái Ta đối tượng, là ta đang hồi tưởng lại hình ảnh dĩ vãng của một hiện
tượng đang biến đổi liên tục, một đi không bao giờ trở lại. Khái niệm về một
cái Ta chủ thể cố định, biệt lập, trường tồn là hoàn toàn sai lầm, mù quáng,
tuyệt đối không hiện hữu trong thực tại. Tâm thức con người vì bám víu, lưu
giữ, nương tựa, chấp trước những kinh nghiệm quá khứ tĩnh tại, những kỷ niệm đã
qua, không còn hiện hữu nữa, để ngụy tạo ra một cái Bản Ngã ý niệm, cái Ta tư
tưởng, biệt lập với Vạn Hữu, cố định với thời gian.
Trong thực tế, tâm thái con
người luôn luôn quan hệ, tương tác với Vạn Hữu. Qua phương pháp Kirlian và theo
các nhà thấu thị, hào quang của một người thay đổi theo tư tưởng, tình cảm của
người đó, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt trạng thái tâm lý của người xung
quanh. Qua thần giao cách cảm, người ta đã khẳng định có sự cộng thông, tương
tác giữa tâm thái hai người ở cách xa nhau. Ở các sinh vật, ta cũng thấy có sự
cộng thông, tương tác tâm sinh lý. Qua thí nghiệm, người ta thấy điện não đồ
của thỏ mẹ thay đổi đột ngột, mỗi khi nhà nghiên cứu giết một con của nó, trong
một tàu ngầm, cách rất xa vị trí thỏ mẹ trên bờ.
Đời sống tinh thần của cá nhân
không phải là một hiện tượng độc lập, tách biệt, riêng tư. Những tư tưởng, tình
cảm, lời nói, hành vi tốt, xấu, thiện, ác của mỗi người đều có ảnh hưởng tới
tập thể, cộng đồng, xã hội. Xã hội cũng tác động phúc họa trực tiếp tới mỗi cá
nhân. Nơi đời sống dễ dãi, mọi người thực thà, chất phác, ta thấy bình yên,
thoải mái, thanh thản. Ở một xã hội người khôn, của khó, mọi người đều khôn
ngoan, lanh lợi, ta thấy vất vả, chật vật. Tha nhân, xã hội lương thiện, phúc
lạc, ta sẽ được an bình. Tha nhân, xã hội bất an, bon chen, tham lam, hung bạo,
điêu bạc, đau khổ... ta sẽ bất hạnh. Người khổ, ta sẽ khổ, người sung sướng, ta
mới hạnh phúc. Không có cái đau khổ riêng lẻ, không có cái hạnh phúc biệt lập,
bưng bít.Ta không thể hạnh phúc, an toàn trong một xã hội đầy rẫy những người
đau khổ vì sốt rét, phong cùi, phong tình, lao, sida... Một nhà tư bản khai
thác rừng bừa bãi, không thể điềm nhiên tọa hưởng lợi nhuận lớn lao thủ đắc
được, khi mà môi trường sinh thái chung của toàn cầu bất ổn, mất quân bình.
Những người trục lợi bằng cách sản xuất, buôn bán vũ khí, ma túy, sách báo,
phim ảnh, băng, đĩa khiêu dâm, bạo lực...sẽ nhận lãnh những hậu quả tai hại do
chính những hành vi vị kỷ, vụ lợi của họ. Kẻ áp bức, bóc lột sẽ là nạn nhân
trong các cuộc nổi dậy, phản kháng. Luật Nhân Quả có tính chất tự nhiên, khách
quan, tuyệt đối công bằng, không sai sót.
Lão Tử bảo:
“Thiên
võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”
(Lưới
trời lồng lộng, thưa mà không sai sót).
Kẻ thủ ác, trục lợi, dành
thiệt thòi, bất hạnh, đau khổ cho tha nhân, ngoại vật, thế nào cũng nhận lãnh
những hậu quả tai hại do hành vi ích kỷ, hại nhân mà họ gây ra. Kẻ “Ác giả” sẽ bị
“ác báo”, kẻ “Hàm huyết phún nhân” tất nhiên là “tiên ô tự khẩu”(Kẻ ngậm máu
phun người, miệng mình bẩn trước)
Trong kinh Pháp Cú (Dhammapada),
Phật bảo:
“Nghiệp ác do một người
tạo ra sẽ quay lại gây đau khổ cho họ, ví như rỉ sắt do sắt tạo ra, trở lại làm
hư mòn, mục nát thân sắt… Kẻ ác độc mưu hại người hiền lương chẳng khác nào
người tung bụi ngược gió, bị bụi bẩn tạt hết vào chính mình”.
Bất kỳ một tư tưởng, ngôn
ngữ, hành vi vị kỷ, vị ngã nào cũng là bất thiện, bất nhân, bất chính, là những
tác nhân góp phần tạo ra một xã hội bất lương, bất hảo, bất an, bất hạnh...Ta
bồn chồn, bất an, vội vã, gắng gượng, căng thẳng, mệt mỏi, lo âu, tham lam, bon
chen, tranh chấp, ghen ghét, bưng bít, trí trá, sân hận, thù oán, hung tàn...là
ta đang trực tiếp kiến tạo ra một xã hội mâu thuẫn, hỗn loạn, đau khổ. Bạn suy
tư, tính toán trong cách hành sử là bạn đang góp phần xây dựng nên một xã hội
đầy dẫy những đa đoạn, nhiêu khê, so đo, cân nhắc. Tâm bình, thế giới bình. Tâm
loạn, thế giới loạn
Khi một ký giả hỏi Đạo Sĩ Ấn Độ
Deoraba Bâba về sự an nguy, suy thịnh của nước Ấn, ông đã trả lời vỏn vẹn: “Đừng giết bò”. Một phụ nữ Hoa Kỳ, đau buồn vì con trai bà phải tham
chiến ở mặt trận Âu Châu đang diễn ra khốc liệt thời Đệ Nhị Thế Chiến, hỏi J.
Krishnamurti bà phải làm gì để hết nỗi khổ tâm đó, ông đã trả lời:“Bà hãy buông bỏ tất cả mọi ý nghĩ, mưu toan tích
lũy, trở thành”.Câu trả lời, thoạt nghe hình như lạc đề, nhưng lại
có một ngụ ý sâu sắc: chính sự từ bỏ những tham dục vị kỷ từ mỗi cá nhân là
việc làm chủ yếu nhất, tích cực nhất để chấm dứt xung đột, chiến tranh cho toàn
nhân loại. Vài giờ sau khi thánh Gandhi bị ám sát chết (1948), mọi người xôn
xao hỏi nhau thủ phạm là ai, J. Krishnamurti bảo: “Thủ phạm chính là chúng ta đang ngồi đây. Chính trạng thái nội tâm
bất ổn nơi mỗi con người đã tạo nên tình trạng xung đột, hỗn loạn, hận thù
ngoài xã hội”.
Khi vua Lê Đại Hành hỏi về
vận nước, tức vấn đề an, nguy, trị, loạn của quốc gia, Thiền Sư Đỗ Pháp Thuận
(914-990) bảo:
“Vô
vi cư điện các, xứ xứ tức đao binh”
(Khi đạo Vô vi thể hiện
nơi cung điện, tức nơi tâm các bậc vua chúa thì khắp nơi trong nước được thanh
bình, an lạc, không còn chiến tranh, rối loạn, đau khổ).
Tình trạng xã hội bên ngoài xuất
phát từ trạng thái tâm hồn mỗi cá nhân. Sư quân bình nơi nội tâm mỗi cá nhân sẽ
góp phần khai sinh ra một xã hội thanh bình, an lạc. Tự hoàn thiện nội tâm là
cách đóng góp tích cực nhất vào hòa bình nhân Loại. Muốn đất nước được trật tự,
yên vui thì chính nhà lãnh đạo cầm quyền phải thấm nhuần đạo tâm vô vi, thanh
bình, sáng suốt, không đảo điên, loạn động, mê lầm sinh khởi, tạo tác từ cái
Tâm tham chấp, lệch lạc, mâu thuẫn, bưng bít, vị kỷ…
Đầu óc vị ngã, ích kỷ, thường xuyên toan tính
vươn tới, trở thành, chiếm hữu, gom chứa, vơ vét là một tâm hồn bất an, vọng
động, căng thẳng, lo âu, phiền não, không một giây phút bình an, thoải mái,
thanh thản. Đây là nỗi bất hạnh khai sinh ra vô vàn nỗi bất hạnh khác.
Nếu tâm ta thư thái, thoải mái,
tự do, ta sẽ sẵn sàng khoan dung, tha thứ, ban phát, chia sẻ, đương nhiên là ta
đang đóng góp vào việc xây dựng một xã hội an lạc, thanh bình. Muốn tâm hồn thư
thái, phẳng lặng, thanh bình, nó phải gột sạch những ý niệm vị ngã, thiên chấp,
so đo, chọn lựa, mưu cầu thành tựu, chiếm hữu. Chỉ có những hành vi xuất phát
từ tâm hồn vô ngã, vắng bóng mọi tư tưởng, tham dục vị kỷ, mới nhân ái, bao
dung, độ lượng, mới đem lại hạnh phúc cho ta, cho người. Tâm thái từ bi, hỷ,
xả, tức tâm thanh bình, ung dung, tự tại, khoan dung, ban phát, như lời Phật
nói, là thứ hạnh phúc tối thượng, không gì so sánh được.
c) Thân
Bất Tịnh (Lãnh vực Thân Thể)
Vì ngã chấp sâu dày, con
người hết sức chăm sóc cái Ta thể xác để nó mỗi ngày một khỏe mạnh, tốt đẹp,
hoàn hảo, trường tồn hơn. Vô vàn nỗi lo sợ phát sinh: sợ xấu, sợ mập, sợ ốm, sợ
cao, sợ lùn, sợ đen, sợ già, sợ bệnh, sợ tai nạn, sợ chết... Khi ta đặt cho vật
sở hữu một giá trị càng cao, nếu vật đó hư hao, tổn thất, nỗi đau buồn của ta
càng lớn. Nhân loại đã hao tốn biết bao công, của trong việc sản xuất mỹ phẩm,
trong các dịch vụ thẩm mỹ để chau chuốt xác thân, vốn bản chất là bất tịnh với
các sản phẩm bài tiết như: phân, nước tiểu, mồ hôi, đờm dãi.
Không những săn sóc, tô điểm
thân xác lúc còn sống, khi chết họ còn tôn thờ di hài, di cốt những người thân
thương trong những bảo tháp, lăng mộ nguy nga, tráng lệ, tốn phí, cầu kỳ. Để đả
phá thành kiến sai lầm này của người đời, Trang Tử đã dặn môn đệ: khi ông chết,
hãy quăng xác ông ra ngoài đồng, bãi. Mục đích của phép niệm “Thân bất tịnh”
của Phật Giáo là để phá cái tâm lý ngã chấp, coi cái Ta thân xác quá quan
trọng, từ đó phát sinh những hành vi vị kỷ cực đoan để bành trướng, phát triển,
củng cố, bảo vệ cái Ta như chiếm đoạt, tranh giành, áp bức, bóc lột...gây đau
khổ cho ta, cho người, chứ không phải để loại trừ công việc vệ sinh, săn sóc
thân thể, hoặc cố đày đọa hành hạ thân xác.
d) Thọ Thị Khổ (Lãnh vực Cảm
Thọ)
Thọ là sự tiếp nhận, cảm nhận,
hưởng thụ giác quan. Phật dạy: Chạy theo sự hưởng thụ cảm giác không phải là
chân hạnh phúc. Cảm giác dù mới lạ, kỳ diệu, mãnh liệt tới đâu, rồi cũng trở
thành bình thường, nhàm chán, tẻ nhạt. Chúng ta coi việc hưởng thụ cảm giác là phương
thuốc vạn năng để quên đi mối sầu muôn thuở, để lấp đầy khoảng trống cô đơn,
hiu quạnh, chán chường...khi phải đối diện với chính mình. Nhưng khi hoan lạc
qua đi, nỗi niềm cô quạnh, xót phận, thương thân vẫn tồn tại, vẫn day dứt, vẫn
khôn nguôi, y như tâm sự nàng Kiều lúc một mình, một bóng bên ngọn đèn khuya:
“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa”
Nhân loại đã sai lầm khi đặt giá
trị vật chất lên trên hết và độc tôn vai trò cảm giác. Chúng ta đã tốn biết bao
tâm lực, của cải, thời gian, để kiến tạo nên một nền Văn Minh Cảm Giác
(Civilization of Feeling), như cách gọi của J.Krishnamurti, với đủ mọi hình
thức hưởng thụ giác quan, mọi phương tiện giải trí, mua vui, mọi kiểu cách kích
thích thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác, khứu giác như: cung điện, đền
đài, bảo tàng, hí viện, trà đình, tửu quán, hộp đêm, vũ trường, sòng bài
(casino), máy đánh bạc, sân khấu, đấu trường, du thuyền, khách sạn, rồi radio,
cassets, video, điện ảnh, ti vi, đĩa nhạc, karaoke, trò chơi trên mạng (game
online), tủ lạnh, máy điều hòa...cho tới các loại phẩm màu, các hương liệu hóa
học, các loại gia vị tổng hợp, thậm chí cả các chất gây say gây nghiện như
rượu, thuốc lá, ma túy, các loại thuốc gây ảo giác nhân tạo.
Ngũ quan con người luôn bị kích
động và phải tiếp nhận quá nhiều những kích thích mạnh, nên đã không còn đủ sức
chịu đựng. Tại các nước phát triển hiện nay, nhiều thanh thiếu niên bị điếc
tai, mờ mắt, cận thị, nhức đầu, béo phì, suy nhược thần kinh, cá tính hung
bạo...vì các phương tiện giải trí cuồng loạn. Cảm giác này nhàm chán, con người
lại thay đổi, săn tìm cảm giác mới hơn, mức độ kích thích cường liệt hơn. Chúng
ta đã tự ý đánh đổi sự vắng lặng, thanh bình, thư thái, minh mẫn... bằng cái
lòe loạt, ồn ào, cuồng nhiệt, cay nồng, túy lúy...
Lão Tử, cách nay hơn 25
thế kỷ, đã dạy:
“Ngũ sắc linh nhân mục manh.
Ngũ âm linh nhân nhĩ lung.
Ngũ vị linh nhân khẩu sảng”
(Năm màu làm con người lòa mắt.
Năm âm làm con người điếc tai. Năm vị làm con người tê lưỡi).
Con người đã không thành đạt
được điều ước mong từ sự hưởng thụ vật dục. Sự kích thích cao độ các giác quan
đã không mang lại chân hạnh phúc. Khi những kích động mới lạ qua đi vì quen
thuộc, vì nhàm chán, nỗi hoang vắng, cô đơn, bất an, bồn chồn, day dứt vô duyên
cớ...lại xâm chiếm tâm hồn. Nhân loại đã khổ công, nhọc trí, để kiến tạo cuộc
sống trần gian này thành một Thiên Đường vĩnh cửu, nhưng cái Thiên Thai nhân
tạo này trước sau vẫn chỉ là một hý trường, nơi chốn náo hoạt phù du, nhất
thời, hư huyễn...đúng như học giả Lê Quý Đôn (1726 – 1784) đã than thở:
“Thế
nhân khổ tác Thiên Thai mộng,
Thùy
thức Thiên Thai diệc hý trường”
Tóm lại, giải pháp hưởng
thụ cảm giác, chủ trương khoái lạc đã không đem lại trạng thái bình an tâm hồn,
“Một thứ Chân Hạnh Phúc tối thượng, không gì so sánh được” như lời Phật Tổ
khẳng định.
3) Niệm Không
Mọi hiện tượng đều nương
nhau mà có cái này hiện hữu là nhờ cái kia biểu hiện. Một sự vật là kết quả của
nhiều sự vật nhân duyên tạo thành. Không có sự vật nào là vốn có, tự sinh, tự
hữu cả. Một sự vật không thể hiện hành nếu các nhân duyên giả hợp không hiện
hành. Thân tâm ta cũng vậy, chúng do vô vàn yếu tố, nhân duyên trong môi trường
thiên nhiên, xã hội giả hợp lại. Như vậy, Vạn Hữu nếu được quán xét tận tường,
ta thấy không thể có sự vật nào có tự thể cả.
4) Niệm Như Huyễn
Thế giới hiện tượng biểu hiện như một trường
sáng tạo, đổi mới liên tục, diễn ra chỉ một lần, không bao giờ tái diễn. Ngay
khi ta ý thức, nhận định về một thông tin, một cảm nhận, một hiện tượng, một sự
việc thì hiện tượng, sự việc, cảm nhận, thông tin đó đã qua đi, không còn nữa,
mà thực chất là ta đang hồi tưởng, tái tạo, lưu giữ lại hình ảnh dĩ vãng của
nó. Hình ảnh của hiện tượng đã qua tuyệt nhiên không thể giống y như hiện tượng
đang diễn ra, đang mới lạ trong từng thời điểm. Khi ta hiểu biết, nhận thức
Thực Tại bằng ý niệm là ta chỉ liên hệ tới hình bóng quá khứ của Thực Tại. Khi
ta ý niệm về sự vật, về vạn hữu là ta sống với những kinh nghiệm quá khứ, hư
huyễn, lỗi thời, lạc hậu, là ta không thực chứng được giòng sống hiện tiền đang
trôi chảy, đổi mới không ngừng. Chúng ta đã vận dụng khối lượng ý niệm, kiến
thức khổng lồ, lưu giữ, tích lũy được để hình thành cái Bản Ngã vị kỷ hư dối,
giả tạo, để định đặt giá trị, thành kiến, để thiên chấp, chọn lựa, mưu cầu.
Chúng ta truy lùng, vươn tới, chiếm hữu những điều ta cho là tốt đẹp, cao cả,
phúc lợi và né tránh, xua đuổi, trấn áp loại trừ những điều ta cho là xấu xa,
thiệt thòi, thua kém, tai họa. Chúng ta luôn bất an, nơm nớp lo sợ sự việc hiện
tại không diễn ra y như dự kiến, như mơ ước, như tính toán... Nhưng sự vật thì
thanh tân, sáng tạo không ngừng, hiện tại không giống với bóng hình quá khứ,
cái chưa biết không phải là cái đã biết, cái xa lạ không còn là cái quen thuộc.
Khi sự vật diễn ra không như ý
niệm, ta bất mãn, hối tiếc, ân hận, buồn phiền, đau khổ. Đó là điều tất nhiên
phải như vậy. Sự vật mới lạ khôn lường, tuyệt nhiên không giống với những điều
ta nghĩ, những cái ta đoán định. Chúng ta đã bị cái thế giới ý niệm, mênh mông,
cái hậu trường bao la, đầy ắp những chất liệu quá khứ, những thành kiến, khuôn
mẫu tập nhiễm, những hình ảnh hư dối, giả tạo, lạc hậu, lỗi thời, trói buộc,
sai sử, chi phối, qui định, điều khiển trong mọi cung cách hành sử. Chính cái
kho tàng ý niệm khổng lồ, sâu dày này đã làm chúng ta mất đi cái hồn nhiên,
thanh bình, sáng suốt, an lạc, tự do, tự tại, để thay bằng cái mù quáng, giả
dối, hư huyễn, tham chấp, bất an, khổ lụy. Thực tại chỉ hiện hữu trong cái hiện
tiền. Chúng ta chỉ có thể chứng nghiệm Thực Tại ngay khi nó hiện tiền. Chúng ta
không thể cất giữ, đặt tên, định đặt giá trị, thủ đắc hay loại trừ nó. Khi làm
vậy là chúng ta đang sống với cái hình bóng dĩ vãng hư huyễn của nó. Khoa học
đã sử dụng kiến thức, tư tưởng, ý niệm để tìm hiểu Vũ Trụ. Nhưng ý niệm, kiến
thức, tư tưởng lại là những hình ảnh quá khứ, giả dối, phi thực tại, hoàn toàn
không phải cái đang diễn ra, cái chân thật đang hiện hữu. Một thiên thể, một
thiên hà chúng ta đang thấy được chỉ là hình ảnh quá khứ của chúng từ nhiều
năm, ngàn, triệu năm về trước.
Do vậy, Khoa Học hiện đại chỉ
thấy Vạn Hữu diễn ra như một thế giới hiện tượng cộng thông, tương tác, chằng
chịt, phức tạp cực kỳ, vô cùng biến ảo, huyền diệu mà tư tưởng không thể nào
lãnh hội, quán triệt được. Ý niệm, tư tưởng là cái dĩ vãng cũ xưa, quen thuộc,
không thể thấu hiểu bản chất chân thật, đổi mới tuyệt vời của sự vật. Ôn cố
không thể nào tri tân được. Khi ta còn phân biệt Ý Thức và Vật Chất, còn thấy
mình như một Chủ Thể tư tưởng để quan sát, tìm hiểu Vạn Hữu như một Đối Tượng
được nghiên cứu, là ta còn chia cắt, ngăn ngại, chưa hòa nhập, cộng thông, hợp
nhất, thực chứng và ta không thể thấy Bản Thể chân thật của Vũ Trụ, mà ta chỉ
thấy được hình ảnh dĩ vãng hư huyẽn, giả dối của vạn hữu.
Hệ thần kinh của chúng ta già
nua đi liên tục, thân tâm ta đổi mới trong từng giây khắc, cảm nhận, đáp ứng
của ta với môi trường, với vạn vật mới lạ trong từng thời điểm. Do đó, cảnh
giới thực tại với một người sống trọn vẹn cho hiện tiền, là một diễn trường Vạn
Hữu diệu kỳ, phúc lạc, hóa thân, biến tướng, thanh tân, sáng tạo từng sát na,
sinh diệt. Đó là cảnh giới tự do, chân thật, diễm phúc tuyệt trần, thiên thu
trong giây phút, vô hạn trong hiện thời, viên mãn cho cái đang là, giải thoát
khỏi mọi ý niệm về Vô Ngã, Vô Thường, Luân Hồi, Nhân quả. Bậc Giác Ngộ vẫn sinh
hoạt bình thường, vẫn ăn uống, ngủ nghỉ, vẫn làm lụng, vẫn già nua theo năm
tháng, vẫn tóc bạc, răng long, vẫn xác thân hủy diệt, nhưng sống trọn vẹn cho
hiện tại, không cưu mang hình ảnh của quá trình thành, trụ, hoại, không, không
lưu giữ tri kiến về nhân duyên giả hợp, nên vượt thoát khỏi ý niệm Vô Ngã, Vô
Thường, không vướng mắc trong cảnh giới luân hồi, nhân quả, không thấy có sinh
tử, tồn vong, thành hoại, đắc thất, phúc họa, thị phi, thiện ác.
Đây là cảnh giới vô niệm, phi tư
tưởng, không vấn đề, tận diệt, sạch làu, vong bặt tất cả mọi hình thức vọng
động, phiền não vi tế, nhỏ nhiệm nhất. Trong khi đó, cảnh giới ý niệm của chúng
ta lại được ngụy tạo, tái hiện bằng những hình bóng dĩ vãng hư huyễn, mộng
tưởng, những kinh nghiệm kỷ niệm, dấu vết quá khứ, đã hủy hoại, không còn dính
líu gì tới cái thực tại đang diễn ra tinh khôi bất tuyệt, nhưng ta lại lầm
tưởng đó là cái Chân Thật thường hằng để nương tựa, bám víu, tham chấp, so
sánh, cân nhắc, chọn lựa, mưu cầu. Ta đã coi ý niệm, kiến thức, tư tưởng như
những tiêu chuẩn chỉ đạo, những khuôn mẫu vàng ngọc, những phương tiện vạn
năng, để ứng phó với mọi vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống. Thay vì dùng cái
tâm vô niệm, bất nhiễm, tự do, hồn nhiên, linh mẫn ta lại dùng cái giả dối, hư
huyễn, hư hoại, mục nát, trói buộc...để đối phó với cái chân thực, cực kỳ tinh
khôi, sáng tạo, đang hiện tiền. Vì thế, ta đã tự chuốc lấy bất an, thất vọng,
đắng cay, phiền não. Khi thấu triệt được sự thực này, chúng ta sẽ phần nào vơi
đi cái niệm vọng tham chấp, săn tìm, chiếm hữu với vô vàn hệ quả đau thương,
khổ lụy.
5) Niệm Tứ Vô Lượng Tâm
(Brahmavihara)
Đây là cách thực tập tâm thái Từ
(Meta), Bi (Karuna), Hỷ (Mudita), Xả (Upekkha) tới mức độ vô lượng, sâu xa cùng
tột.
Niệm tâm Từ (Meta= ban vui):
Thực tập để tâm ở trạng thái tĩnh lặng, thanh thản, ung dung, tự nhiên, tự tại,
an vui, lân mẫn, nhậy cảm, chia sẻ, ban phát… Khi tâm Từ được thực tập tới mức
độ cao sâu cùng tột, nó có khuynh hướng tự nhiên là muốn chia sẻ, ban phát tình
thương, hạnh phúc, an vui đang tràn ngập cho tha nhân, ngoại vật.
Niệm tâm Bi (Karuna=cứu khổ):
Thực tập để tâm sẵn sàng giúp tha nhân, ngoại vật hết khổ, được vui.
Niệm tâm Hỷ (Mudita=dễ chịu):
Thực tập luôn để tâm ở trạng thái dễ chịu, thoải mái, tự nhiên, không kiềm chế,
gắng gượng, gò ép, nỗ lực, cố gắng dụng công vươn tới, trở thành.
Niệm tâm Xả (Upekkha=buông bỏ):
Thực tập để tâm buông bỏ mọi ghi khắc, ôm giữ, cưu mang, vướng mắc, cố chấp, so
đo, tính toán, tham cầu vị kỷ…
Tóm lại, niệm tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả
có nghĩa là trong tất cả mọi tình huống sử kỷ, tiếp vật, ta luôn luôn thực tập
để thân, tâm an lạc, tự nhiên, ung dung, thư thái, thoải mái, dễ chịu, khoan
hòa, nhân hậu và buông bỏ mọi trạng thái khó chịu như chấp trước, bất an, vọng
động, buồn chán, lo sợ, bực bội, căm thù, ghen ghét, hối tiếc, vội vàng, căng
thẳng, dồn nén, kiềm chế, khổ hạnh, nỗ lực...Nhờ kiến giải tận tường, ta biết
rõ vọng tưởng, tập nhiễm là hư huyễn, giả tạo, sai lầm, tai họa, ta dễ dàng
buông bỏ những thành kiến, thiên chấp, những khuôn mẫu giá trị về đúng sai, hơn
thiệt, tốt xấu, phúc họa...ta bớt so đo, chọn lựa, mưu cầu, từ đó tâm ta bớt
vọng động, dần dần trầm lặng, thư thái, thanh nhàn, ung dung, tự tại, thưa vắng
mọi bất an, phiền não.
Khi thân, tâm ta thanh bình an
lạc, ta mới khoan hòa, nhân hậu, sẵn sàng chia sẻ tình thương, hạnh phúc với
tha nhân, tha vật. Nếu ta khó chịu, khắc khổ, khổ hạnh, chưa an nhàn, thư thái,
chưa bao dung, dễ chịu với chính mình, là ta còn bạo hành, hung hãn với bản
thân, ta sẽ không thể khoan hòa, nhân hậu, từ tâm, độ lượng với ai hết. Muốn từ
thiện, hòa bình, với nhân quần, xã hội, trước hết phải Từ, Bi, Hỷ, Xả với chính
mình đã. Thông thường, ta thấy Từ, Bi, Hỷ, Xả hình như trạng thái tâm thức bàng
quan, thụ động, tiêu cực, nhưng nếu xem xét với nhãn quan thấu tình, đạt lý của
Đạo Học, thì đây là con đường duy nhất, cách thể hiện tâm hồn tích cực nhất để
ta đóng góp vào hòa bình, hạnh phúc cho toàn nhân loại. Từ, Bi, Hỷ, Xả trong
mọi hoàn cảnh, mọi tình huống là một việc làm thiên nan, vạn nan, một đạo hạnh
tuyệt luân, siêu phàm, một đức hạnh bao trùm vạn hạnh, cội nguồn của thanh
bình, an lạc, đích đáng để ta minh tâm, khắc cốt trong tất cả mọi trường hợp sử
kỷ, tiếp vật.
Các nhà văn, các triết gia, các
nhà tư tưởng đông, tây, kim, cổ đều đề cao tâm thái thanh nhàn, ung dung, tự
tại như một tác phong thanh cao, phi phàm, thoát tục.
Cao Bá Quát (thế kỷ 19)
bảo:
“Trầm tư
bách kế bất như nhàn”
(Suy
nghĩ tới cùng tột thì không gì bằng thanh nhàn).
Nguyễn Công Trứ (thế kỷ 19) cũng
cho tâm an nhàn, thư thái là cực kỳ cấp bách, phải thể hiện ngay trong thời
điểm hiện tại:
“Tri
nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?”
(Biết để tâm thảnh thơi, ung
dung thì có ngay thanh bình an lạc, nếu cứ trì hoãn thì không bao giờ được tiêu
dao, tự tại).
Ta không thấy được cái thanh
nhàn ngay tại đây và ngay bây giờ thì không bao giờ và mãi mãi không khi nào ta
thể hiện được tâm thái hạnh phúc đó.
Y gia Lê Hữu Trác (1720-1791),
người được coi như Y tổ của nền Y Học cổ truyền Việt Nam, hiển nhiên đã hết lời
ca ngợi tâm hồn thanh nhàn, tự do, vô sự, khi ông lấy hiệu là Hải Thượng Lãn
Ông (Ông già lười trên biển).
Với những bậc tâm hồn tiêu dao,
thoát tục, như Bạch Vân Cư Sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì tâm thái Từ, Bi, Hỷ, Xả
đang diễn ra nơi họ, lại được diễn tả bằng những ngôn từ mang đầy âm điệu của
thi ca:
“Chưa dễ ai là Phật Thích Ca…
Lòng vô sự trăng in nước….
Thanh nhàn ấy ắt là tiên khách….”.
Cũng như ý Phật, ông đề cao sự
an bình nội tâm, một chân hạnh phúc cao nhất, một cứu cánh tuyệt đích của loài
người.
Đạo gia Trương Tam Phong (thế kỷ
15), tổ sư môn phái Võ Đang, với các bài quyền lừng danh như Hình Ý Quyền, Bát
Quái Quyền, Thái Cực Quyền, cũng đã diễn đạt trạng thái nội tâm thanh nhàn,
tiêu dao, tự tại của ông bằng câu:
“Khoái
khoái khoái, hồng trần ngoại,
Nhàn
nhàn nhàn, tự vân gian”
(Vui,
vui, vui, ngoài cõi trần.
Nhàn, nhàn, nhàn trong mây bay)
Lão Tử cũng bảo:
“Ngã hữu tam bảo: Nhất
viết từ, nhị viết kiệm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên”
(Ta có ba của báu, một là
lòng nhân hậu, hai là đức giản dị, ba là hạnh không tranh hơn với ai).
Từ chính là đức nhân hậu, thanh
thản, thư thái, bao dung, độ lượng, tràn ngập tình thương, xứng đáng là đạo
hạnh đứng đầu muôn hạnh.
Khi ta niệm Từ, Bi, Hỷ, Xả, tâm
ta phần nào tĩnh lặng, thanh thản, bớt vọng động, tham chấp, bất an..., nhưng
sự yên ổn tạm thời này vẫn chỉ tương đối giới hạn, chưa triệt để, trọn vẹn. Để
thân, tâm hoàn toàn tịch lặng, sáng suốt, thanh bình, an lạc, tràn ngập hạnh
phúc, tình thương tuyệt đối, vong bặt những vọng niệm, giao động, phiền não,
tham chấp vi tế, sâu lắng nhất, u uẩn nhất, cất giữ, chôn vùi, tận tầng lớp căn
để nhất của Tiềm thức, hành giả phải đẩy phần thực tập tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả tới
mức độ vô lượng, tức tới mức cùng tột, tức hành giả phải bước qua phần Tu Định,
giai đoạn thể hiện rốt ráo tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, tức tâm vô trước, vô chấp, vô
cầu tuyệt đối, tâm Ba-La-Mật, tâm thái Thiền Định.
Tổng quát về Chính Niệm:
_Trong Chính Niệm, hành giả vẫn
còn có những cách hành sử can thiệp hũu vi như chủ tâm, dụng tâm dừng lắng tâm
ý, gom tâm, để ý vào những đề mục, những lãnh vực nhất định như Thân Thể, Cảm
Thọ, Tâm Ý, Đối Tượng Tâm Ý, Từ, Bi, Hỷ, Xả… Hành giả vẫn còn để tâm ràng buộc
vào những khái niệm như Tứ Điệu Đế, Ngũ Uẩn, Ngũ Triền Cái, Lục Thức, Thất Giác
Chi, lý Vô Ngã, Vô Thưòng, lẽ Thân Bất Tịnh, Thọ Thị Khổ… Như vậy, hành giả vẫn
còn vận dụng tư tưởng, ý chí. Do đó, hành giả vẫn còn liên hệ với phần Tu Giới
hữu vi.
_Nhưng trong Chính Niệm, hành
giả đã bước đầu thực tập để thân tâm tĩnh lặng, thư thái, ung dung, thoải mái,
hỷ xả, để theo dõi hơi thở, thân thể, cảm thọ, tâm ý, vạn hữu đang biến chuyển,
đang sinh thành, hoại diệt… Qua phần quán niệm về Vô Thường, Vô Ngã, Thân Bất
Tịnh, Thọ Thị Khổ, Từ, Bi, Hỷ, Xả…., tâm hành giả đã phần nào tĩnh lặng, bớt
dần những vướng mắc, tham chấp, vọng động thô đại. Có thể nói, hành giả đã bắt
đầu chuyển tiếp dần sang phần Tu Định vô vi, vô tác.
_Như vậy, Chính Niệm là phần
trung gian, trong đó, hành giả chuẩn bị từ bỏ đường lối Tu Thiện, Tu Phúc của
phần Tu Giới hữu vi, để bước qua giai đoạn Tu Huệ, Tu Giải Thoát của phần Tu
Định vô vi. Chính Niệm, phần chuyển tiếp giữa Tu Giới và Tu Định, chính là phần
Phúc Huệ Song Tu.
III. Phần Tu Định: Chính Định
(Samma Samadhi).
Trong phần Tu Giới (Chính Kiến,
Chính Tư Duy, Chính Ngữ, Chính Nghiệp, Chính Mệnh, Chính Tinh Tiến) ta dùng ý
thức, tư tưởng chân chính, ta dùng ý chí và lý trí để hiểu rõ, phân biệt chính
tà, đúng sai, thiện ác để loại trừ tư tưởng, dục vọng, hành vi sai trái, quyết
tâm theo điều đúng, điều thiện. Trong và sau cuộc Cách mạng tư tưởng, hành
động, luân lý, đạo đức này, ngã chấp, vọng tưởng, ý niệm, thiên kiến, chấp
trước...vẫn tồn tại, thậm chí chúng còn được củng cố, bằng việc học hỏi kiến
thức, so sánh, phân biệt, chọn lựa, giữa điều phải và điều trái, giữa cái thiện
và cái ác. Trong Tu Giới, ta dùng tư tưởng, chánh kiến, ý chí để loại trừ tham
dục, tà kiến, hành vi sai trái, như vậy ta đã chấp vào chinh kiến, vào cái
đúng, vào điều phải, vào cái thiện. Nhưng sự chấp trước, bám víu vào điều trái,
điều ác, điều xấu hay vào điều đúng, điều thiện, điều tốt... cũng đều là những
thành kiến, những khuôn mẫu tư tưởng, những chấp trước ý niệm...bắt nguồn từ
Bản Ngã ý niệm vị kỷ. Nhưng Bản Ngã lại là đầu mối, thủ phạm duy nhất gây ra
tất cả mọi gian truân, hệ lụy, phiền não trên đời. Phật dạy: Sự vướng mắc vào
sợi dây xích bằng sắt hay bằng vàng cũng đều là sự trói buộc ngục tù. Chấp ác
hay chấp thiện đều vẫn nằm trong cạm bẫy của dục vọng vị kỷ, tư tưởng vị ngã, ý
niệm chủ thể.
Trong giai đoạn tu Giới, khi thể
hiện một hành vi đạo đức, một việc làm mà Ý Thức đã phân tích thấy rõ là phải, là
đúng, là tốt… ta vẫn thấy có cái gì gò bó, bắt buộc, gò ép, không tự nhiên,
thoải mái: có sự chống đối, tranh chấp, giữa những tham dục vị kỷ vi tế ẩn dấu
trong Tiềm Thức với những tiêu chuẩn đạo đức do Ý Thức thiết lập, quy định. Do
đó, trật tự, hòa bình của phần tu Giới có tính chất kiềm chế, phản tự nhiên,
bất toàn. Sau phần tu Giới, phần Cách mạng ý thức, những tham dục thô đại,
những lời nói hành vi sai, xấu được ngăn ngừa, những chính kiến được lãnh hội
trên bình diện Ý Thức, nhưng tư tưởng, ý niệm ngã chấp, thiên kiến, tham dục vi
tế vẫn còn.
Cách mạng nếu chỉ được tiến hành
trên bình diện Ý Thức, Tư Tưởng, là cuộc Cách mạng hời hợt, dở dang, bất toàn,
nửa vời, chưa hoàn tất. Cách mạng phải triệt để tận cùng tới tận phần Tiềm Thức
mênh mông, sâu lắng mới là cuộc Cách mạng trọn vẹn, viên mãn, chân chính, đích
thực. Cách mạng của Phật Giáo nói riêng, của Đạo Học nói chung, là cuộc Cách
mạng tiềm thức. Phần tu Định, phần tu Huệ, tu Giải Thoát, phần Cách mạng tiềm
thức, chính là phần bứng gốc toàn triệt tư tưởng vị ngã vi tế, nhỏ nhiệm, sâu
kín còn ẩn dấu dưới tầng lớp tận cùng sâu thẳm nhất của Tiềm Thức mênh mông,
tầng tầng, lớp lớp, còn gọi là Tàng Thức hay A-lại-da Thức.
Sang phần tu Định, những
vọng tưởng vị ngã, nhỏ nhiệm nhất bị tận diệt, cuộc Cách mạng tận Tiềm Thức,
cuộc Cách mạng cuối cùng của tâm thức mới hoàn thành. Sau phần tu Định, hành
giả bước qua cảnh giới Giải thoát, và đạo hạnh của bậc Giác Ngộ là thứ đạo hạnh
viên mãn, vẹn toàn, tự nhiên, nó đồng nhất tuyệt đối với cái đúng, cái phải,
cái đẹp.
Giới là giai đoạn học hỏi, con
đường ghi nhớ, con đường cưu mang, tích lũy, gia tăng kiến thức, con đường ra
đi, ngày một phức tạp hơn, đa đoan hơn. Đây là giai đoạn mà Lão Tử gọi là “Vi học nhật ích” (Học hỏi ngày một
nhiều hơn). Từ những lời dạy trực tiếp đơn giản của Phật Tổ tới giai đoạn kết
tập, sang Tam Tạng Kinh Điển đồ sộ, Phật Giáo ngày một triển khai phong phú,
phức tạp. Từ vòng tròn Vô Cực đơn giản, qua Phục Hy, Đại Vũ, Văn Vương, Chu
Công, Khổng Tử, tới các nhà chú giải cổ, kim, đông, tây, Kinh Dịch ngày một
phát triển để trở thành bộ kỳ thư vĩ đại: Thái Cực, Lưỡng Nghi, Tứ Tượng, Bát
Quái, Cửu Trù, Thập Dực, Lục Thập Tứ Trùng Quái, rồi hơn 3000 sách luận giải
như ngày nay….
Định là con đường từ bỏ, con
đường quên bớt, con đường giảm thiểu dần dần tới tận diệt mọi vọng tưởng, mọi ý
niệm ngã chấp, con đường trở về, ngày một đơn giản tới hư vô toàn triệt. Đây là
giai đoạn Lão Tử gọi là “Vi Đạo nhật tổn.
Tổn nhi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi” (theo Đạo thì ngày một bớt dần cho
tới sạch làu, vong bặt). Từ Thượng Cổ, trong giai đoạn tu Định, Lão Tử đã dạy: “Tuyệt thánh, khí trí” (từ bỏ đầu óc
thông thái, trí thức) thì ngày nay, J. Krishnamurti cũng nhắc nhở mọi người
không khác: “Se libérer du Connu”
(Hãy giải trừ mọi kiến thức tập nhiễm, đang ôm giữ trong tâm thức).
Trong phẩm Bát Nhã của Đàn kinh,
Lục Tổ bảo:
“Thuyết tức tuy vạn ban, hiệp lý
hoàn quy nhất”
(Ngôn từ, giáo thuyết tuy có
muôn điều, nhưng chỉ quy hợp lại một điều duy nhất).
Qua hơn sáu thập niên
nghiên cứu, tu học, Hòa Thượng Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thâu tóm thiên kinh,
vạn quyển về một phép tu Thiền cực kỳ đơn giản: Để tâm vào hơi thở ra vào một
cách tự nhiên.
Tu Giới dạy nhớ, Tu Định dạy
quên, Tu Giới chủ trương kiềm chế, giám sát, Tu Định dạy giải phóng, buông bỏ,
Tu Giới sử dụng tư tưởng, kiến thức, ý chí làm phương tiện, Tu Định lấy xả ly,
trút bỏ ý niệm, tri kiến, dục vọng làm cứu cánh.
Trong kinh Bhgavadgita (Chí Tôn
Ca) của Ấn Giáo, thần Krishna đã dạy cao đồ
Arjuna:
“Con đường thanh lọc Tâm
thức như một cây chĩa hai, gồm có hai răng là Vairagya và Abhyasa. Tâm tập
nhiễm ví như một cái ao chứa đầy bùn đen, bẩn, đục. Phương cách làm nó trong
sạch phải tiến hành qua hai giai đoạn: giai đoạn Vairagya là ngăn chặn không
cho bùn bẩn chảy thêm vào ao, giai đoạn Abhyasa là công việc hốt sạch toàn bộ
bùn nhơ, cặn bã tồn đọng, tích chứa trong ao”.
Vairagya chính là giai
đoạn Tu Giới để ngăn chặn, đình chỉ, khước từ, kiêng kỵ tất cả mọi tư tưởng,
tình cảm, ngôn ngữ, hành vi vị kỷ, bất thiện, xấu xa, sai lầm, tai hại. Abhyasa
là giai đoạn Tu Định để tận diệt, bứng gốc toàn bộ phần ý niệm, dục vọng vị kỷ,
vi tế, thâm sâu, lắng đọng tận tầng lớp căn để của Tiềm Thức.
Trước khi tu Định, phải tu Giới.
Phải “Giới luật nghiêm minh” rồi mới “Mạc tồn quỹ tắc”. Trước khi không cần
Đạo Sư, kinh điển phải thông suốt Giáo Lý, tu rèn Giới Luật. Phải học hỏi, tu
luyện rồi mới thấy tư tưởng, kiến thức, sở tri, dụng tâm, nỗ lực là trở ngại,
buộc ràng. Khuôn mẫu, định hướng, lý tưởng, dù có tuyệt vời, siêu phàm, thánh
thiện tới đâu cũng không bao giờ dẫn tới Tâm Tự Do, Giải Thoát.
Trước khi tuyên bố: “Tuyệt học vô ưu”, Lão Tử đã là quan
Thủ Thư Tàng Kinh Các của nhà Chu. Trước khi
dạy mọi người: “Hãy nương tựa vào chính
mình, như một hải đảo nương tựa vào chính nó”, Phật Tổ đã từng bôn
ba, thử thách, gian truân trên đường tầm sư, học đạo.Trước khi khẳng định “Chưa từng nói một lời nào”, Phật Tổ đã
từng lang thang suốt vùng châu thổ sông Hằng để thuyết pháp, độ sinh, trong gần
năm thập kỷ.
Trước khi cảnh giác mọi
người: “Không có pháp môn nào dẫn tới Giải
thoát”, các Thiền Sư Đạt Đạo, đã từng hao phí rất nhiều tâm lực
trong việc hạ thủ công phu, thúc liễm thân tâm, tham thiền nhập thất.
Thiền Sư Tường Quang Chiếu Khoa
(1741-1830), đời Nguyễn Sơ, trước khi viên tịch đã đọc bài kệ:
“Nhất
đẳng nhân tu Vô Vi pháp
Nhị
đẳng nhân Phước Huệ song tu
Tam
đẳng nhân hành Thiện trở Ác
Tứ
đẳng nhân Tam Tạng tinh thông”.
Bài kệ nói rất rõ về lịch trình tu chứng của
mọi hành giả:
Người tu sơ cơ phải tận tường Kinh Điển.
Bậc cao hơn phải làm Thiện, tránh Ác.
Hàng cao hơn nữa vừa tu Giới vừa tu Huệ.
Hành giả đạo hạnh cao nhất theo pháp Vô Vi,
buông bỏ mọi kiến chấp, giới luật.
Tam Tạng tinh thông, hành Thiện
trở Ác là phần Tu Giới. Vô Vi pháp là phần Tu Định. Phước Huệ song tu là phần
trung gian, chuyển tiếp giữa Tu Giới và Tu Định.
Tóm lại, nếu coi Bát Chính Đạo
như một đơn thuốc giải khổ gồm tám vị, thì sáu vị đầu rất cần thiết nhưng đều
mang độc tính, đều có tác dụng phụ, hậu quả ngoại ý (effet secondaire, effet
indésirable). Vị thứ bảy là vị chuyển tiếp, ít độc tính hơn, uống sau sáu vị
đầu, trước vị cuối cùng. Vị cuối cùng là vị căn bản, tối cần thiết, hệ trọng
nhất, được uống sau chót để giải độc bảy vị trên, đồng thời trừ tuyệt nọc căn
bệnh phiền não.
Chính Định: tâm thái vô niệm, vô
chấp, vô cầu, rỗng rang, vắng lặng, minh linh, thông suốt. Chính Định là hình
thức hoàn thiện nhất của Chính Niệm. Sang chặng Chính Định, hành giả thể hiện
trọn vẹn tâm Thiền định, buông bỏ tận triệt mọi kiến chấp, vọng niệm, tham dục,
để tâm hoàn toàn rỗng rang, tịch lặng, không ý kiến, không nhận xét, không chủ
tâm, dụng ý, không mục đích, mưu cầu, thấy biết rõ ràng thân, tâm, vạn hữu…
đang hiện hũu y như nó đang là.
1) Tâm thái Thiền Định hay Trí
Tuệ Ba-La-Mật
(Prajna Paramita)
Trong kinh Pháp Cú (Dhammapada),
Phật dạy:
“Vạn Pháp đều do tâm. Tâm
mà ô nhiễm, thì đau khổ theo liền nó như bánh xe theo chân kẻ kéo. Tâm mà thanh
tịnh, thì hạnh phúc theo ngay nó như bóng theo hình”.
Tâm ô nhiễm là tâm đầy ắp
những ký ức, kinh nghiệm, ý tưởng, khái niệm, thành kiến, chủ trương, toan
tính, mục đích, lý tưởng, ước mơ, trắc ẩn vi tế, ưu tư sâu lắng… được khắc ghi,
tích lũy, cưu mang từ vô vàn dĩ vãng. Đây là tâm vô minh, vọng động, đảo điên,
bất an, bất hạnh, lo âu, phiền não.
Tâm thanh tịnh là tâm sạch
làu mọi sở tri, kiến chấp, tham cầu, do đó nó hoàn toàn vắng lặng, sáng suốt,
thanh bình, an lạc. Tâm thanh tịnh là tâm Không, tâm Thiền Định, là Đạo Tâm,
Chân Tâm, Tâm Như Lai, Tâm Giải Thoát, Tâm Giác Ngộ, Tâm Đáo Bỉ Ngạn, hay Trí
Tuệ Ba-La-Mật (Prajna Paramita).
Với Tâm Chính Định thì ý niệm
nào, tư tưởng nào cũng là ô nhiễm, nhận định nào cũng mê lầm, giá trị nào cũng
mù quáng, định kiến nào cũng điên đảo, mục tiêu nào cũng huyễn tưởng, dụng tâm
nào cũng vô vọng. Bậc Tâm Định không tin tưởng vào bất cứ một định kiến nào,
không làm theo bất cứ ai, không trở nên bất cứ một cái gì cả. Tâm Thiền Định là
tâm tuyệt đối vô trước nhiễm, vô thiên chấp, vô tham cầu.
Ngay trưóc giây phút viên tịch,
Lục Tổ Đại Sư Huệ Năng đã tóm tắt toàn bộ nội dung cốt tủy của tâm thái Thiền
Định (Trí Tuệ Ba-La-Mật) trong bài kệ 4 câu ngắn gọn, để lại cho môn nhân, hậu
thế, nương theo tu học:
“Ngột ngột bất tu thiện,
Đàng đàng bất tạo ác,
Tịch tịch đoạn kiến văn,
Đãng đãng tâm vô trước”.
(Hờ hững không tu thiện,
Chân chất không tạo ác,
Lặng lẽ bặt kiến tri,
Rỗng rang tâm không nhiễm).
Đây là Tâm Ba-La-Mật, Tâm Chân
Thiền, Tâm Chính Định với ba đặc tính tuyệt đối: vô trước, vô chấp, vô cầu.
a) Không tập nhiễm (Vô trước)
Tâm Thiền Định thực chứng trọn vẹn cái hiện
tiền đang diễn ra, nó không dừng lại để hồi tưởng, bám víu, lưu giữ, gom chứa,
tích lũy hình ảnh dĩ vãng của Thực Tại. Tâm Thiền Định hòa nhập viên mãn với
giòng Thực Tại đang luân lưu bất tuyệt. Một thông tin, một cảm nhận, một hiện
tượng, dù tuyệt mỹ, tuyệt trần tới đâu, Tâm Thiền Định cũng không dừng lại để
tái tạo, để đặt tên, để nhận định, để mưu cầu. Đấy là tâm vô trước, vô nhiễm,
vô tập, không cưu mang chất chứa kinh nghiệm sở tri, sở kiến, dù đó là những
tạp niệm, vọng tưởng, dấu vết vi tế nhất. Đó là tâm thái hư vô, rỗng rang, sạch
làu tất cả tì vết, cặn bã dĩ vãng, trút bỏ gánh nặng chồng chất của quá khứ.
Một Thiền Sư đời Lý đã khẳng định:
“Tác hữu sa trần hữu.
Vi không nhất thiết không”
(Có thì có tự mảy may.
Không thì cả thế gian này cũng không).
Tâm thấy có thì một vật
nhỏ bé như hạt cát hạt bụi cũng thấy có. Tâm thấy không thì cả Vũ Trụ vĩ đại
này cũng thấy không. Tất cả đều do Tâm tạo tác. Tâm còn hiện hữu những giao
động, vọng niệm, dù vi tế, u uẩn cùng cực vẫn là tâm trước nhiễm, tâm phàm phu,
tâm mê loạn. Tâm đã là tâm Giải Thoát, tâm Giác Ngộ, tâm Không thì ngay cả
những vấn đề trọng đại nhất trên thế gian này cũng sạch làu, vong bặt.
Trong kinh Trung A Hàm (Majjhima
Nikaya), Phật bảo:
“Chiếc bè rất cần thiết để giúp
ta qua sông. Khi sang tới bờ bên kia phải bỏ nó lại để bước lên bờ, chứ đừng mê
lầm ôm vác nó theo”.
Bên này sông là bến Mê, thế giới
của vô minh, vọng niệm, phiền não, bên kia sông là bờ Giác, cảnh giới của Chân
Tâm, Tịnh Độ, của trí tuệ đáo bỉ ngạn, vô niệm, phi tưởng. Dòng sông tượng
trưng quá trình tu Giới, chiếc bè là giới luật, giáo lý. Giáo lý, giới luật rất
cần thiết với những hành giả sơ cơ, còn trong giai đoạn tu Giới, để đối trị
những chấp trước, tham dục thô đại. Sang phần tu Định, nấc thang cao nhất của
Bát Chính Đạo, hành giả phải buông bỏ nó để tâm sạch làu, vắng lặng, đồng nhất
với Chân Tâm, tâm Giải Thoát. Những giáo lý, kinh điển, những khuôn mẫu giới
luật, chỉ là những phương tiện nhất thời, là chiếc bè pháp để qua sông, chỉ đắc
dụng trong phần tu Giới tức phần Cách mạng tư tưởng và hành động, giờ đây lại
là những chướng ngại, trở lực, gánh nặng. Muốn đáo bỉ ngạn, đặt chân lên bến bờ
Giải Thoát phải dứt khoát quăng bỏ chúng, không mảy may luyến tiếc.
Với hành giả còn tu Giới, Phật
dạy:
“Người độc ác ở gần ta
nguy hiểm như tên bay trong đêm tối. Bậc hiền trí tuy ở xa nhưng đức hạnh vẫn
tỏ rõ tới ta như núi tuyết sáng ngời…Chớ thân cận với hạng người độc ác, ti
tiện. Hãy kết bạn với người hiền lương, cao thượng”.
Kinh Pháp Cú, phẩm Panditavagga
Buông bỏ lời dạy này, bậc tu
Định tiếp cận người độc ác để giáo hóa họ, như một lương y giỏi không từ chối
người bệnh trầm trọng, ngặt nghèo.
Phật dạy người tu Giới:
“Trong từng sát na phải lo
gột trừ dần dần những ô nhiễm nơi tâm mình như người thợ lọc vàng gạn dần bẩn
quặng ra khỏi vàng ròng”.
Kinh Pháp Cú, phẩm Malavagga
Bậc tu Định cũng quên bỏ lời dạy
này. Giải trừ phiền não là cực kỳ cấp thiết, phải diễn ra tức khắc như việc cấp
cứu một người bị trúng tên độc. Chấm dứt khổ đau phải diễn ra ngay lúc này,
ngay tại đây. Thanh lọc từ từ tâm ô nhiễm có nghĩa còn những tồn tại gác lại
ngày mai. Hiện tại chưa dứt khoát thay đổi thì tương lai, vốn là kết quả của
hiện tại, cũng không bao giờ thay đổi. Giải thoát chỉ xảy ra ngay thời điểm
hiện tại, hoặc không giải thoát gì cả, chứ không có chuyện từ từ biến tâm mê
vọng, ô trọc thành tâm giải thoát thanh tịnh.
Phật cũng dạy những hành giả
đang tu Giới:
“Người hiền đức phải lo
kiềm chế, điều phục tâm mình như người trị thủy dẫn nước, người làm cung uốn cung, chuốt tên, người thợ
mộc chế sửa ván gỗ”.
Kinh Pháp Cú, phẩm Dandavagga
Lời dạy trên đây không còn thích
hợp với bậc tu Định. Phật Tính, Bản Tâm, vốn có ở mọi người, thì tuyệt đối viên
mãn, vẹn toàn, vắng lặng, minh linh, không phải tu chỉnh, sửa sai, uốn nắn nó
theo một khuôn mẫu, chuẩn mực, định hướng nào cả.
Trong kinh Pháp Cú
(Dhammapada), Phật dạy các hành giả còn đang giai đoạn tu Giới:
“Nơi nương tựa an ổn, cao
quý nhất cho các tu sĩ không phải là rừng sâu, núi cao, vườn tược, cây cối, đền
miếu linh thiêng, mà là Phật, Giáo Pháp, Tăng Đoàn, để thông đạt tường tận bốn
chân lý Khổ, Tập, Diệt, Đạo”.
Phật dạy người tu phải ly gia,
cát ái, gia nhập Tăng Đoàn, dốc tâm nương tựa bên Phật để tin tưởng, học hỏi,
ghi nhận, làm theo những lời Phật giảng.
Nhưng trong kinh A Hàm (Nikaya),
Phật lại bảo: “Nhữ đẳng tì khưu đương tự
châu” (Các tu sĩ hãy trở về nương tựa nơi hải đảo của chính mình),
và đặc biệt trong kinh Tăng Nhất A Hàm (Anguttara Nikaya), với các hành giả đã
sang phần tu Định, Phật dạy:
“Đừng tin vào những điều được
nghe nói lại, đừng tin vào những điều do thói quen, tập quán lưu truyền, đừng
tin vào những điều do một Đạo Sư minh triết, siêu phàm chỉ dạy, hoặc do một
Thánh nhân để lại, hay một điều tưởng rằng do Thần linh dạy bảo”.
Trong đoạn kinh này, Phật dạy
hành giả phải buông bỏ, giũ sạch, vong bặt toàn bộ những kiến chấp sâu dày lưu
giữ, huân tập do giao tiếp, lối sống, thói quen, tập quán, truyền thống, giáo
dục, từ dĩ vãng lâu đời…. từ những thành kiến, khái niệm, nếp nghĩ, ý niệm
thông phàm, thô đại tới những tư tưởng cao siêu, kể cả những giáo lý minh
triết, huyền diệu do bậc Giải Thoát truyền dạy.
Trong những ngày cuối đời, Phật
Tổ đã tuyên bố:
“Trong
45 năm thuyết pháp, Phật chưa từng nói một lời”.
Kinh
Pháp Hoa
Ngụ ý của lời Phật: Với hành giả tu Định, Phật
đã phủ nhận tất cả giáo lý do chính Phật truyền dạy, Phật khuyên hành giả hãy
quên sạch, giũ bỏ tất cả những ngôn từ, ý niệm, kiến thức Phật dạy để đạt tâm
vô niệm tuyệt đối, tâm hư vô, vắng lặng toàn triệt, vong bặt, ngay cả những
vọng tưởng vi tế nhất.Trong tu Giới, Phật dạy nhớ, dạy hiểu, dạy biết để phân
biệt chính, tà, đúng, sai, phải, trái, để chọn lựa, để làm thiện, tránh
ác.Trong tu Định, Phật dạy quên đi tất cả những lời Phật nói, tức những sở tri,
sở kiến, ý niệm tập nhiễm, tích lũy được để tâm hết chấp trước, bám víu, vướng mắc,
bất an, loạn động.
Tâm Thiền Định phải vong bặt,
trút sạch toàn triệt mọi giáo huấn cao siêu, mọi kinh điển khuôn vàng thước
ngọc, mà trước đây đã tạc dạ, ghi lòng. Đây là một cuộc tẩy não toàn triệt.
Giáo lý huyền diệu tới đâu, giờ đây, cũng chỉ là tro tàn dĩ vãng, cặn bã của
người xưa (cổ nhân chi tao phách) những sở tri chướng, đích thị là những tạp
niệm, vọng tưởng, khiến tâm hành giả xôn xao, vọng động, vướng mắc, không thanh
bình, vắng lặng, tự do, sáng suốt được.
Phật vẫn cảnh giác:
“Ngón
tay dùng chỉ mặt trăng, không phải mặt trăng”
Kinh
Viên Giác
Giáo lý chỉ là phương tiện để
truyền đạt Chân Lý chứ không phải là Chân Lý. Ngôn từ để diễn đạt Thực Tại
không phải là Thực Tại. Chính những điều ta ghi khắc từ lời Phật cũng là những
kinh nghiệm, những ký ức dĩ vãng lỗi thời, những vọng niệm quá khứ đã đoạn
diệt, không phải cái Thực tại Chân Thật, sinh động đang hiện tiền.
Trong kinh Phạm Võng (Brahmajala
Sutta), Phật dạy:
“Mọi chủ thuyết, giáo lý, luận giải dù có cao siêu
tới đâu thì vẫn nằm trong phạm trù ý niệm, tư tưởng hạn hẹp, chẳng khác nào lũ
tôm cá đã mắc lưới rồi thì dù có cố gắng vùng vẫy cách mấy cũng không thoát ra
ngoài lưới được”.
Giáo lý chỉ là sản phẩm
của ý niệm, tư tưởng, tuyệt đối không phải Chân Lý, Thực Tại vốn vô niệm, phi
tưởng, bất khả tư nghị.
Tam Tổ bảo: “Ngôn ngữ Đạo đoạn” (Ngôn từ làm mất
Đạo), nên Tổ dạy: “Tuyệt ngôn, tuyệt lự”
(Dứt bỏ suy tưởng, ngôn từ).
J. Krishnamurti luôn khẳng
định:
“Ngôn từ không bao giờ là
thực tại. Cái để mô tả không phải là cái được mô tả”
(The word is never the
actual)
Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông (1258-1308) đã
cảnh giác:
“Chấp chỉ vọng nguyệt.
Bình địa lục trầm”
(Khi nhận biết mặt trăng lại bám víu vào ngón
tay dùng để chỉ mặt trăng, cho đó là mặt trăng. Việc làm mê lầm, vô lý, tai hại
này chẳng khác gì một người bị chết chìm trên cạn, chết đuối ngay trên mặt đất
bằng phẳng).
Chân Lý, Thực Tại, Chân Tâm, Tâm Giải Thoát là
Tâm Không, Tâm vắng lặng cùng cực, vô niệm, vô chấp, vô cầu tuyệt đối. Bậc Giác
Ngộ đã không có cách nào khác hơn là dùng tư tưởng, khái niệm, ngôn từ (được ví
như ngón tay) làm phương tiện để diễn đạt Chân Lý, Chân Tâm (được ví như mặt
trăng) cho người đời. Nếu ta để Tâm rỗng rang tuyệt đối, vô niệm cùng cực, vong
bặt mọi vong niệm, buông sạch mọi sở kiến chấp trước, quên sạch mọi ý nghĩ,
hình ảnh về Chân Tâm, nó sẽ giống hệt Chân Tâm, tức thì nó hòa nhập, hợp nhất
với Chân Tâm và Tự Do, Giải Thoát hiện tiền trong gang tấc: Gót tiên thoắt đã
thoát vòng trần ai. Đây là cái khôn ngoan tuyệt đỉnh, cái bí quyết nhiệm màu, chiếc
chìa khoá vạn năng để ta mở tung cánh cửa Tự Do, Giải Thoát đúng như lời Tam Tổ
Tăng Xán quả quyết: “Chí Đạo vô nạn” (Thành tựu Đạo lớn không khó). Nhưng ta mê
lầm, lại đinh ninh rằng những hình ảnh, ý nghĩ, khái niệm, luận giải trình bày,
định nghĩa, mô tả Chân Tâm, Chân Lý chính là Chân Tâm, Chân Lý, rồi tâm ta dừng
bám, dính mắc, ràng buộc vào những hình ảnh, ý nghĩ về Chân Tâm, Chân Lý ấy.
Cưu mang những ngôn từ, ý niệm, hình ảnh về Chân Tâm, Chân Lý để phụng hành, để
vươn tới nó, thành tựu nó, là ta đang hủy diệt Chân Tâm, Chân Lý, đang quay
lưng lại với nó, bỏ xa nó ngàn dặm, không bao giờ cảm thông, thể hiện được Chân
Tâm, Chân Lý, Giải Thoát. Khi ta thấy kinh văn như Chân Lý tuyệt đối và bắt tay
thực hành lời kinh: “Để thân tâm thư thái, tịch lặng. Theo dõi tư tưởng. Không
để tư tưởng dẫn giắt. An trú trong hiện tại”. Như vậy là ta đang dụng tâm thực
hành lời kinh dạy, đang lấy tư tưỏng điều khiển tư tưởng, đang tiếp tục bị tư
tưởng, ngôn từ đội lốt Chân Lý lường gạt, chi phối, sai sử, dẫn giắt … Chung
cuộc, tư tưởng vẫn đang ngự trị, hành tác. Đây là cạm bẫy vô cùng tinh tế của
tư tưởng. Ta bị mắc bẫy nhưng hoàn toàn bất ngờ, một chuyện không thể tin nổi,
chẳng khác nào việc chết chìm trên cạn. Nếu Tâm ta còn một mảy may ý niệm, dù
vi tế cùng cực tới đâu về Chân Lý, Chân Tâm… thì vấn đề Giải Thoát với ta vẫn
là một việc vô cùng gian truân, thiên nan vạn nan, cực kỳ vất vả và ta mãi mãi
ngụp lặn trong thế giới ý niệm, trôi lăn trong vòng sinh tử, luân hồi, hệ lụy,
đảo điên, phiền não… Dù ta có nỗ lực cùng cực, quên mình, hạ thủ công phu đến
vong thân, táng mệnh thì vấn đề Giải Thoát với ta vẫn là những chuyện không
tưởng như hái hoa trong gương, mò trăng đáy nước. Đây là cái sai lầm muôn thuở
nguồn cội, uyên nguyên, cốt lõi, dù chỉ trong gang tấc, trong đường tơ kẽ tóc,
nhưng hậu quả sẽ cách biệt như trời cao vực thẳm, theo lời Tam Tổ: “Hào ly hữu
sai, thiên địa huyền cách”. Khi ta vừa khởi lên hình ảnh khái niệm nhận xét về
Chân Tâm là ta đang bôi đen, bóp méo nó, đang biến Chân Tâm, Tâm Phật thành Tâm
Súc Sinh, Tâm Ngạ Quỷ (nói theo Thiền Sư Nhật Bản Bankei). Dưới nhãn quan của
bậc Đạt Đạo đây là cái mê lầm ấu trĩ, vô lý, tưởng như không bao giờ xẩy ra,
chẳng khác gì việc chết chìm trên cạn, nhưng với đại đa số hành giả đông, tây,
kim, cổ lại là một ngộ nhận, lầm lẫn thường vướng mắc. Chính cái nhận định mê
lầm, tai hại chết người này đã nhấn chìm họ, khiến họ mãi mãi ngụp lặn trong
thế giới vô minh, vọng niệm, không bao giờ đặt chân được lên bến bờ Tự Do, Giải
Thoát.
Thiền Sư Hương Hải (1628-1715) vẫn cảnh giác
người tu:
“Tâm,
Pháp song vong du cách vọng.
Sắc,
Không bất dị thượng dư trần”.
(Tâm,
Cảnh đều quên: hãy còn hư vọng xa vời.
Sắc,
Không chẳng khác: hãy còn bụi bặm thừa thãi).
“Tâm, Pháp song vong” hay “Sắc,
Không bất dị” là những câu chứng đạo từ cửa miệng các bậc Giác Ngộ dùng để diễn
đạt Chân Lý, chứ không phải Chân Lý. Chúng ta chưa tâm chứng sự thực ấy, mà chỉ
biết qua trí năng, và lập lại bằng ngôn từ. Nếu bám víu, vướng mắc vào đấy để
tu hành, là hành giả đã mê lầm chạy theo những vọng tưởng, chấp trước hão
huyền, hư giả.
Bồ Đề Đạt Ma vẫn nhấn mạnh:
“Không phải học hỏi, tin
tưởng vào bất cứ ai hay một cuốn kinh nào”.
J. Krishnamurti vẫn nhiều
lần nhắc nhở thính giả:
“Đừng ghi nhớ những lời
diễn đạt của ông, mang về nhà như một tài liệu nghiên cứu, học tập để khám phá
chân lý, mà phải cảm thông vấn đề tức thời ngay khi ông đang diễn đạt”.
Ông cũng thường xuyên khẳng
định: “I believe nothing”. (Tôi
không tin tưởng vào bất cứ một điều gì) vì còn tin tưởng là còn ghi nhớ, chấp
trước, không đạt được tâm hư vô, vắng lặng, tuyệt đối.
Thiền Sư Vĩnh Gia Huyền Giác
(665-713) trong Chứng Đạo Ca đã nhắc nhở mọi hành giả đừng khổ công vô ích, căn
cứ, bám víu vào học vấn, kiến thức, kinh luận để tìm Giác Ngộ:
“Ngô tảo
niên lai tích học vấn
Diệc
tằng thảo sớ, tầm kinh luận
Phân
biệt danh tướng bất tri hưu
Nhập
hải toán sa đồ tự khốn !…
Sổ
tha trân bảo hữu hà ích?…
Đa
niên uổng tác phong trần khách”
(Tôi đã học hỏi, tích lũy kiến
thức từ nhiều năm trước đây. Đã từng nghiên cứu, lý giải mọi kinh luận. Đã phân
tích danh và tướng mãi không thôi. Khổ công như một kẻ đếm cát trên biển cả… Vô
ích như một kẻ đi đếm của báu cho người khác… Uổng phí bao năm vẫn mãi làm một
khách phong trần).
Một người dù uyên bác, đa
văn quảng kiến, thiên kinh vạn quyển tới đâu đi nữa vẫn chỉ là một kẻ phong
trần, phàm phu, tục lụy chồng chất những vô minh, mê loạn, ưu tư, phiền muộn,
trầm luân trong thế giới chữ nghĩa cầu kỳ, trong rừng ngôn từ, khái niệm mịt
mùng, đa đoan, mê vọng… uổng công, vô ích, tuyệt nhiên không chứng đạt Tự Do,
Giải Thoát. Tư tưởng, kiến thức càng cao xa, càng phức tạp, càng làm cho tâm
thức xôn xao, vọng động. Tư tưởng, kiến thức, học vấn không thể lĩnh hội được
bản chất của Thực Tại tuyệt đối, vốn thường tịch, vắng lặng, vô tướng, vô danh,
vô niệm, bất khả tư nghị, bất khả ngôn thuyết, luận giải.
Tất cả mọi kinh nghiệm, kiến
thức, ý niệm, thành kiến, suy tưởng, ước mơ... đều là những hình ảnh dĩ vãng,
những ký ức được lưu giữ, tích luỹ trong Tiềm Thức mênh mông, sâu thẳm. Khi
những kinh nghiệm, ký ức, tạp niệm, kiến chấp cất giữ trong Tiềm thức trổi dậy,
nổi lên phần Ý Thức, ta suy nghĩ miên man, lăng xăng, bất tận: đây là lúc xuất
hiện nhiều điểm hưng phấn hỗn loạn, vô trật tự trên vỏ Đại Não. Ta tiêu hao rất
nhiều năng lượng, sinh lực, thân, tâm ta mệt mỏi, không thoải mái, sự chú tâm
cuả ta không minh bạch, trung thực, vẹn toàn, cách hành sử cuả ta không sáng
suốt, xác đáng, bén nhạy….
Khi ta chú tâm trọn vẹn vào sự việc đang diễn
ra, mà không xen một tạp niệm nào, trên vỏ não chỉ xuất hiện một điểm hưng
phấn, tương ứng với sự việc đó, tức với thông tin, cảm nhận, đáp ứng đó, các
phần khác của vỏ não ở trong tình trạng ức chế, hoàn toàn nghỉ ngơi. Vì vậy,
thân, tâm ta khinh an, thoải mái, cái thấy biết, ứng sử của ta linh mẫn, thông
suốt, viên dung, trọn vẹn.
Khi ta ở trạng thái Tâm Không, tâm ta hoàn
toàn vô niệm, nơi vỏ Đại Não tuyệt nhiên không có một điểm hưng phấn nào, toàn
thể não bộ được nghỉ ngơi, thư giãn. Đây là lúc thân tâm ta cực kỳ an lạc, tịch
lặng tuyệt vời, minh linh cùng cực. Tâm Không là tâm vắng lặng, sáng suốt tuyệt
trần, quán chiếu, ứng sử với sự vật một cách tối ưu, hoàn hảo nhất. Chúng ta
thường tình rất hoảng sợ nếu phải buông bỏ mọi sở tri, sở kiến tích lũy được
trong đầu óc. Theo J.Krishnamurti, những kiến thức về khoa học, kỹ thuật, về sự
kiện như toán học, vật lý, hóa học, sinh học, y học, cách xây dựng một cây cầu,
một con đường, một ngôi nhà, trí nhớ về một tên người, con đường về nhà … vốn
tối cần cho cuộc sống. Tâm vô niệm chỉ vong bặt những kiến thức, tư tưởng, tham
dục tâm lý phát xuất từ cái trung tâm Bản Ngã vị kỷ.
Theo Đạo Học thì chính cái Tâm Không, tâm vong
bặt mọi vọng niệm, mọi lo toan xuôi ngược là tâm thanh tịnh, minh triết vô
cùng.
Tổ Bách Trượng bảo:
“Tâm địa nhược không tuệ nhật chiếu”
(Tâm mà rỗng không, vong
bặt mọi vọng niệm thì soi chiếu sáng suốt như mặt trời trí tuệ).
Tâm mà trống vắng, sạch
làu kiến chấp, vọng niệm, thì thấy tất cả, thấy bao trùm, toàn bộ, đồng thời,
nhất loạt, chứ không phải cái thấy hạn hẹp, manh mún, phiến diện, cục bộ, định
hướng tập trung vào một đối tượng đặc biệt nào.
Thực Tại là cái đang hiện tiền, đang diễn ra,
đang đổi mới, đang tương tác với thân, tâm ta. Ngược lại, kinh nghiệm, kiến
thức, ý niệm là những hình ảnh dĩ vãng, đã đoạn diệt, lỗi thời, hư giả, phi
thực. Cái tâm đầy ắp sở tri, kiến thức, học vấn không thể thấu hiểu, am tường
Thực Tại, để ứng đáp vẹn toàn với nó. Chỉ cái Tâm Không, tâm hoàn toàn vô niệm,
mới cảm thông trọn vẹn Thực Tại, quán chiếu, đối tiếp Thực Tại trung thực,
chính xác, tỏ tường, mẫn tiệp, viên dung, khế hợp nhất.
Tâm Không vô cùng linh mẫn, minh triết. Nó
thông suốt trực tiếp, tức thời cái tổng thể, cái toàn cục, cái vô biên, vô
lượng, cái uyên nguyên, cái vô cùng, cái vĩnh cửu, cái cực kỳ tinh khôi, sinh
động. Ngược lại, tâm đày đặc kinh nghiệm, kiến thức, tư tưởng lại vận hành
trong phạm vi những điều đã biết, đã kinh qua, đã ghi khắc, đã cất giữ. Nó hành
sử trong đường mòn, lối cũ của khuôn mẫu ý niệm, của thói quen, nếp nghĩ. Nó
chỉ thấy được cái hạn cục, manh mún, khô cứng, lỗi thời, lệch lạc, không trung
thực, không thể thấy được cái thiên sai, vạn biệt đang mới lạ liên tục.
J.Krishnamurti bảo:
“Một cái ly chỉ hữu dụng khi nó hoàn toàn
trống rỗng. Một tâm thức đầy ắp những kiến thức, sở tri, thành kiến, giáo điều,
tham muốn, là một tâm thức không còn khả năng sáng tạo”.
Từ Thượng Cổ, Lão Tử cũng nói không khác:
“Duyên thực dĩ vi khí. Đương kỳ vô, hữu khí
chi dụng.
Tạc hộ dũ dĩ vi thất. Đương kỳ vô, hữu thất
chi dụng”.
(Nhồi đất để làm chén bát. Nhờ chỗ rỗng không,
mới có cái dụng của chén bát. Khoét đục cửa nẻo để tạo phòng ốc. Nhờ chỗ rỗng
không, mới có cái dụng của phòng ốc).
Ly chén chỉ hữu dụng khi nó trống không, chưa
chứa đựng gì cả. Một căn nhà đày ắp những vật dụng cũ kỹ không còn khả năng sử
dụng, dung nạp những đồ đạc mới.
Một thiết bị tin học đầy ắp dữ liệu thì không
còn khả năng thao tác nhanh nhạy, hiệu quả, hoặc vô dụng. Một thiết bị mà dung
lượng rỗng rang, chưa chất chứa gì cả, là một công cụ vận hành với hiệu năng
cao nhất.
Một tâm thức đặc nghẹt những kinh nghiệm, sở
tri, thành kiến quá khứ thì trì trệ, sai lệch, mê mờ, không thể đáp ứng với
cuộc sống thiên hình, vạn trạng đang biến chuyển trong từng khoảnh khắc.Tâm
Không là tâm của Từ bi, Trí tụê, là tâm đại dụng, có khả năng mênh mông, vô
hạn. Tâm Không vô cùng diệu dụng, cực kỳ sinh động, bén nhậy tuyệt vời, có khả
năng đáp ứng với mọi tình huống, mọi thử thách trong cuộc sống. Cách hành sử
của nó tự nhiên đồng nhất với cái toàn chân, cái tận thiện, cái chí mỹ.
b) Không thiên chấp (Vô chấp)
Vì không lưu giữ kinh
nghiệm, không tích lũy, tập nhiễm kiến thức, luôn rỗng rang, sạch làu, nên Tâm
Thiền Định không có chất liệu để cân nhắc, định đặt giá trị, phân biệt, thiên
chấp, so đo, chọn lựa giữa đúng sai, phải trái, hơn thiệt, tốt xấu, thiện
ác...Đó là tâm bất nhị, tâm bình đẳng, thanh bình, trầm lặng, điềm đạm, như
như, không xôn xao, vọng động, nghiêng lệch, thiên biệt về một cực đoan đối đãi
nào.
Kinh Dịch chủ yếu đề cao đức Trung Chính,
Khổng Tử chủ trương đạo Trung Dung, tức cái tâm ngay thẳng, chừng mực, quân
bình, không thái quá, không bất cập, không thiên lệch, chấp thủ.
Trang Tử bảo:
“Tự kỳ dị giả thị chi, can đảm Sở, Việt dã. Tự
kỳ đồng giả thị chi, vạn vật giai nhất dã”.
(Nếu đứng ở cái nhìn thiên chấp, phân biệt,
thì những sự vật gần gũi nhau như gan và mật cũng thấy xa cách như nước Sở và
nước Việt. Nếu đứng ở nhãn quan bình đẳng, đại đồng, thì tất cả vũ trụ, thiên
địa, vạn sự, vạn vật cũng thấy như một cái toàn thể).Tâm Thiền là nhãn quan
bình đẳng, đại đồng, vô thiên chấp, vô phân biệt.
Để trả lời một người hỏi về bản
chất của Chân Tâm, Thiền Sư Từ Đạo Hạnh (?-1115) đời Lý đã bảo:
“Tác Hữu
trần sa hữu
Vi
Không nhất thiết không
Hữu,
Vô như thủy nguyệt
Vật
trước Hữu không Không”.
(Cho là có thì một vật nhỏ bé
như hạt bụi, hạt cát cũng thấy có. Cho là không thì tất cả Vũ Trụ, Vạn Vật này
cũng thấy không. Cái nhãn quan có và không thực ra chỉ là những kiến chấp cực
đoan, trước nhiễm trong đầu óc, nó hoàn toàn hư giả, không có thực như bóng
trăng phản chiếu trên mặt nước. Đừng vướng mắc vào cái kiến chấp Có, cũng đừng
kẹt vào cái kiến chấp Không. Chân Tâm vong bặt mọi kiến chấp).
Với những hành giả còn trong giai đoạn tu
Giới, Phật dạy phải phân biệt rõ ràng thiện ác, đúng sai, tốt xấu, để làm điều
thiện, đúng, tốt, tránh điều ác, sai, xấu:
“Chớ coi thường điều thiện cũng như điều ác,
dù nó rất nhỏ, nhưng tích lũy lâu ngày cũng tạo hậu quả lớn, ví như những giọt
nước nhỏ rơi lâu ngày cũng đầy bình”
Kinh Pháp Cú, Phẩm Pàpavagga.
“Chư ác mạc
tác.
Chúng thiện phụng hành.
Tự tịnh kỳ ý.
Thị chư Phật Pháp”.
(Chớ làm các điều ác.
Hãy làm các điều lành.
Giữ tâm ý thanh tịnh.
Đó là lời chư Phật).
Kinh
Pháp Cú, phẩm Buddhavagga.
Nhưng với hành giả đã sang phần tu Định, Phật
lại dạy buông bỏ hết mọi thiên chấp thiện ác, đúng sai, tốt xấu, để tâm được
tịch lặng, bình đẳng, như như:
“Người tâm thanh tịnh, không mê loạn, vượt lên
cả thiện, ác, là người giác ngộ, hết mọi ưu phiền”
Kinh Pháp Cú, phẩm Cittavagga.
“Ư tội dữ phúc.
Lưỡng hạnh vĩnh trừ.
Vô ưu vô trần.
Thị vị Phạm Chí (Brahmana)”.
(Hướng
về tội, ác hay hướng về phúc, thiện.
Hai thiên hướng ấy đều từ bỏ.
Không còn buồn phiền, vẩn bụi nữa.
Như vậy chính là bậc Phạm Chí đạt Đạo).
Kinh
Pháp Cú, phẩm Brahmana.
Bậc Phạm Chí (Brahmana), hay Bà
La Môn, tức người đạt Đạo, không nghiêng lệch vào đường tà ác, tội lỗi, nhưng
cũng không hướng theo, vươn tới những điều phúc thiện, cao cả. Họ vong bặt cả
hai thiên hướng tội và phúc, thiện và ác, tốt và xấu, đúng và sai. Vì vậy, tâm
họ thanh bình, an tịnh, hết sạch mọi ưu phiền, vô minh, mờ tối, vẩn đục.
J.Krishnamurti bảo:
“Người đầy đạo đức cũng
như người đầy xấu ác, không ai gần Chân Lý cả. Người gần Chân Lý là người vượt
thoát cả hai” (Ni l’ homme de vertu, ni l’ homme de vice ne sont plus
près de la Vérité ; en est près, celui qui est libre les deux). Ông cũng bảo: “Trong cuộc sống, có những đối lập thực tế như nam
và nữ, sáng và tối, tóc đen tóc trắng, da trắng da màu, bạn cao tôi thấp… Nhưng
đừng biến những đối lập thực tế này thành những hình ảnh, những khái niệm lưu
giữ trong đầu óc để liên miên nhận xét, so sánh, lựa chọn, khát khao, thèm
muốn”.
Vũ Trụ luôn hiện hữu hai mặt Âm,
Dương đối đãi: sinh tử, có không, to nhỏ, đầy vơi, dài ngắn, lâu mau, thịnh
suy, còn mất… Chúng có mặt bên nhau để dung hòa, kiềm chế, thúc đẩy nhau để
cùng tồn tại trong cuộc vạn hóa chung của sự vật, chứ không khắc phục, triệt
tiêu, hủy diệt nhau để đi tới một mất một còn.
Trong dòng sống chung của vạn
hữu, một cái Tôi ý niệm tự
tách ra như một chủ thể tư tưởng để nhận xét, kiểm soát, điều chỉnh sự vật. Cái
Tôi đã đặt tên, gán cho sự
vật những giá trị đối đãi như tốt xấu, đúng sai, thiện ác theo thiên kiến, ý
nguyện, mục đích của mình. Khái niệm giá trị này hoàn toàn có tính chất tương
đối. Nó là tốt, đúng, thiện với người này, lúc này, nhưng lại là xấu, sai, ác
với người khác, lúc khác. Cái được cho là tốt khi so với cái xấu hơn, nhưng nếu
so với cái tốt hơn, nó lại là cái xấu. Bậc tâm Định hoàn toàn buông bỏ nhãn
quan thiên chấp tương đối về thiện ác, đúng sai, tốt xấu do tư tưởng chủ quan
của con người vẽ đặt ra để toan tính, lo nghĩ, so đo, lọai trừ, chiếm hữu, bất
an, loạn động.
Trang Tử đã dành hẳn hai
thiên Tiêu Dao Du và Tề Vật Luận trong Nam Hoa Kinh để bàn về tính chất tương
đối, phi thực, mê lầm của nhãn quan thiên chấp, đối đãi như lớn nhỏ, thọ yểu,
lợi hại, đúng sai, tốt xấu, sinh tử.
Tam Tổ dạy:
“Mê sinh tịch loạn. Ngộ vô hảo ác”
(Tâm mê mới phân biệt yên
lặng và vọng động, Tâm Giác Ngộ không còn thiên chấp vào tốt, xấu).
Kẻ không tu chấp mắc vào
cái ác, người tu Giới ràng buộc vào điều thiện, bậc Tâm Định không còn thiên
chấp vào thành kiến thiện ác, thị phi, phúc họa, tốt xấu, hơn kém... nữa. Kẻ
bất lương sa ngã vào cái ác, nhà đạo đức bám víu vào điều thiện, bậc Giải Thoát
vượt lên mọi đối đãi, giá trị, không đặt tên, định vị, không khuôn mẫu ý niệm,
không thành kiến tư tưởng, không phê phán, cân nhắc, can thiệp, nên là Tâm tự
nhiên, vô vi, vô kỷ, vô danh, an bình, vắng lặng, thường tịch, như như...
Trình Minh Đạo (1032 – 1085),
một danh nho đời Tống, cũng bảo:
“Thiện, ác giai Thiên Lý”
(Thiện và ác đều là lẽ Trời vậy).
Thiện và ác chính là hai
mặt Âm và Dương không thể thiếu vắng nhau, đoạn diệt nhau, của Sự Vật.
Luận Bảo Vương Tam Muội
bảo:
“Đừng sợ khổ đau, tật
bệnh, khó khăn, nghịch cảnh, vì chúng là những trợ duyên cho ta tìm về hạnh
phúc Giải Thoát”.
Cái ác sinh ra cái thiện, họa
sinh ra phúc. Đạo Học không chủ trương san bằng mọi cao, thấp, hơn, kém, to,
nhỏ… mà nhìn tất cả các thiên sai, vạn biệt bằng con mắt huyền đồng, bình đẳng,
như như, bất nhị…
Bài thơ của một nhà sư khắc trên
vách đá núi Ngũ Hành, thuộc Quảng Nam, nói lên tâm thái vô thiên chấp
vẹn toàn của một hành giả tu Thiền:
“Kinh điển lưu tryền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư.
Tới nay nhớ lại chừng quên hết.
Chỉ nhớ trong đầu một chữ Như”.
Chữ Như hành giả mang theo trong
đầu chính là nhãn quan bình đẳng, như như, vô phân chấp, coi phúc họa, phải
trái, thiện ác, tốt xấu… như nhau.
Bản chất một thông tin, một sự việc, một hiện
tượng là mối quan hệ tương tác giữa Thân, Tâm ta với Vạn Hữu. Nó hoàn toàn hiện
hữu một cách tự nhiên, nó vô danh, không có tính tốt xấu, đúng sai, lợi hại.
Chính đầu óc ta đã lưu giữ nó, đặt tên cho nó, gán cho nó những giá trị lợi hay
hại, tốt hay xấu, phúc hay họa, để loại trừ, chạy trốn, né tránh, hoặc chạy
theo, níu kéo, duy trì, chiếm đoạt nó.
Khi Tâm ta ràng buộc vào một
thành kiến giá trị, ta luôn luôn lo sợ xảy ra sự việc đối nghịch lại giá trị
ấy. Khi ta xác định một sự việc là đúng, phải, là tốt lành, lợi lộc, ta chăm
chăm vươn tới để thủ đắc nó, ta canh cánh lo sợ lỗi lầm, sai phạm vào điều ta
cho là xấu xa, tai hại, mất mát, tai họa, thua thiệt. Do đó, khi thiên chấp,
phân biệt, tâm ta luôn bất an, giao động, không thanh bình, an lạc. Tóm lại,
thành kiến, định kiến là những kinh nghiệm quá khứ, lạc hậu, lỗi thời, tĩnh
tại, hư giả, phi thực tại, sản phẩm hư huyễn được ký ức lưu giữ, hồi tưởng, tái
tạo, trong khi sự vật hiện tại thì mới lạ, hóa thân, biến tướng, tuyệt trần
trong từng giây phút, do vô vàn nhân duyên trùng trùng giả hợp. Vì thế, chỉ có
cái tâm mê vọng, mù quáng, điên đảo, mới chấp thủ vào thành kiến, định kiến để
ứng phó với cái hiện tiền chân thật đang hiện hữu. Điều ta dự kiến, tiên lượng,
ước đoán không bao giờ giống y như sự việc diễn ra. Ta đã tự trói buộc, giam
cầm, hành hạ ta bằng những thành kiến ta đang bám víu.
Ngay câu mở đầu của Tín Tâm
Minh, Tam Tổ đã xác định:
“Chí Đạo vô nan. Duy hiềm giản trạch”.
(Đạo lớn không khó, chỉ cốt đường lựa chọn).
Nếu Tâm ta không còn một
mảy may thiên chấp, so đo, lấy bỏ, ta chứng ngay Đạo Quả Giải Thoát Vô Thượng.
Thực vậy, khi tâm ta sạch làu mọi khái niệm
phân biệt, so sánh, tâm ta vong bặt những điều ta cho là tốt đẹp, phúc lợi, ưu
việt, thiêng liêng, thánh thiện để chạy theo, vươn tới cũng như những cái mà ta
cho là tai họa, thua thiệt, thấp hèn, sai trái, tội lỗi để lẩn tránh, loại trừ.
Do đó tâm ta không còn bép xép, bôn ba, đảo điên, xôn xao, bất an, vọng động…
Nó trở nên tịch lặng, thanh bình, an lạc. Đấy chính là Chân Tâm, Tâm Đạo, Tâm
Định, Tâm Phật. Toàn bộ 146 câu của “Tín Tâm Minh” đều nhằm xiển minh cho cái
Tâm Bất Nhị, cái Tâm tịch diệt mọi khái niệm, định kiến thiên chấp, đối đãi. Ví
dụ:
“Đản mặc tắng ái, đổng nhiên minh bạch…
Dục đắc hiện tiền, mạc tồn thuận nghịch…
Lương do thủ xả, sở dĩ bất như”
(Chỉ cốt đừng yêu, ghét, thì tự nhiên rõ ràng…
Muốn chứng được hiện tiền thì đừng duy trì điều thuận với điều nghịch… Vì luôn
lo níu giữ và xua bỏ, nên tâm không được như như…).
Cùng một nội dung tương tự, Tứ Tổ Đạo Tín
(580-651) dạy sư Pháp Dung (593-657):
“Cảnh
duyên không tốt, xấu. Tốt, xấu tại nơi tâm. Tâm ví chẳng đặt ra, vọng tình theo
đâu mà động. Vọng tình đã chẳng động, thì Chân Tâm cứ nhiệm vận mà tỏ tường.
Ông chỉ nên tự tại mà tùy tâm, chẳng cần phải đối trị. Đó tức là thường trụ
Pháp Thân, chẳng gì sai khác”.
Lục Tổ Huệ Năng (638-713) bảo với Sứ Giả của
vua Đường Cao Tông những lời lẽ giống y như vậy:
“Nếu ông
muốn biết chỗ tâm yếu của Thiền, thì lành, dữ bất tất đừng nghĩ đến, khi ấy tự
nhiên ngộ nhập trong Thể tính thanh tịnh của Tâm, tuy vắng lặng, minh linh, mà
diệu dụng thì vô tận, đáp ứng với thế sự thì vô cùng”.
Tâm thái vô thiên chấp của Trí Tuệ Ba-La-Mật
tức tâm Thiền Định được Lục Tổ nói rất rõ trong phẩm Bát Nhã của Đàn Kinh:
“Tà, chính câu bất dụng,
Thanh tịnh chí Vô Dư….
Tà, chính tận đả khước,
Bồ Đề tính uyển nhiên…
Tắng, ái bất quan tâm,
Trường thân lưỡng cước ngọa…”
(Tà, chính đều không dùng,
Thanh tịnh tới rốt ráo…
Tà, chính đều dẹp sạch,
Tính Bồ Đề hiện tiền…
Yêu, ghét chẳng quan tâm,
Duỗi thẳng hai chân ngủ….)
Đại ý, Tổ dạy khi không vướng mắc, ràng buộc
vào những thành kiến giá trị, những thiên hướng đối đãi như tà chính, thiện ác,
tốt xấu, đúng sai, phải trái, yêu ghét…thì tâm tự nhiên thanh bình, tịch lặng,
an lạc, sáng suốt, tự do, tự tại.
Với nhãn quan vô thiên chấp
tuyệt đối, với tinh thần “Bất trừ vọng niệm, bất cầu chân” triệt để, Thiền Sư
Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713) đã cảnh giác những hành giả đang mải mê theo con
đường xả vọng, cầu chân:
“Xả vọng
tâm, thủ Chân lý
Thủ,
xả chi tâm thành xảo ngụy.
Học
nhân bất liễu dụng tu hành
Chân
thành nhận tặc tương vi tử”
(Bỏ
vọng tâm, lấy Chân lý
Cái
tâm lấy, bỏ chỉ dẫn đến sai quấy, rối loạn.
Người
học Đạo không biết đến chỗ rốt ráo để tu hành
Đã
đinh ninh nhận giặc làm con vậy).
Một hành giả sơ cơ đã phạm sai
lầm căn bản khi dụng tâm ngăn chặn, loại trừ vọng tưởng lan man để tâm được
vắng lặng. Khi ta vừa khởi sinh ý niệm phân biệt chân vọng, thiện ác, đúng sai,
phúc họa… ta đã tạo ra sự giằng co, mâu thuẫn, chống đối bất tận nơi nội tâm.
Càng cố công bỏ vọng, tìm chân, tâm càng vọng thêm. Chủ trương chạy trốn, thoát
ly, loại trừ, trấn áp cái tâm xôn xao, vọng động, tức cái sai, cái xấu, cái ác
để tìm kiếm, vươn tới, thủ đắc cái tâm thanh bình, an lạc, tức cái đúng, cái
tốt, cái thiện. Tôn chỉ này được người mới tu nâng niu, ôm ấp, bám sát như con
đẻ. Họ chưa hiểu Đạo đến chỗ rốt ráo: chính cái tâm phân biệt, lựa chọn giữa
thiện và ác, đúng và sai, tốt và xấu, lại là cái tâm xung đột, bất an, loạn
động, một tên giặc, một kẻ thù nguy hiểm của Chân Tâm thanh bình, an lạc.
Nhãn quan bậc Đại Giác là cái
biết huyền đồng, cái thấy không hai, cái nhìn không thiên chấp.
Nhị Tổ Huệ Khả (486-593) bảo:
“Vô Minh, Trí Tuệ đẳng vô dị
Đương tri Vạn Pháp tức giai như
Quán Thân dữ Phật bất sai biệt
Hà tu cánh mịch bỉ Vô Dư”.
(Vô Minh và Trí Tuệ không khác nhau
Khi thấy Vạn Pháp đều như nhau
Xét thấy Ta và Phật không sai biệt
Thì chẳng cần tìm kiếm Vô Dư Niết Bàn)
Khi tâm ta không có những thiên
chấp, ràng buộc vào những khái niệm giá trị đối đãi, ta không còn lăng xăng,
xôn xao, vọng động, ưu phiền về những vấn đề chạy theo, đuổi bắt hoặc lẩn trốn,
loại trừ. Khi ấy tâm ta tự nhiên bình đẳng, như như, thung dung, an lạc. Như
vậy là ta đang thân chứng cảnh giới Niết Bàn, Tịnh Độ, ta chẳng còn phải tìm
kiếm nó ở đâu nữa. Theo Nhị Tổ, nếu tâm ta bình đẳng, như như, không thiên
chấp, đối đãi thì ta chứng ngộ Hữu Dư Niết Bàn (Sopadisesa Nibbana Dhatu), tức
cảnh giới Giải Thoát ngay trong cuộc sống này, chứ không phải đợi tới khi chết
rồi mới hưởng cái hạnh phúc mà ta gọi là Vô Dư Niết Bàn (Anupadisesa Nibbana
Dhatu)
Lời Huyền Giác cũng y như
thế:
“Vô minh thực tính tức Phật tính.
Huyễn hóa không thân tức Pháp thân.”
(Cái vô minh chính là Phật tính. Cái huyễn
hóa, giả tạo chính là cái Pháp thân chân thật).
Với cái Tâm Huyền Đồng, cái Tâm
Thái Cực, Tâm Thiền Định thì Phiền Não và Bồ Đề là một, Ta Bà và Tịnh Độ là
một, Vô Minh và Giác Ngộ là một, thiện và ác, phúc và họa, sinh và tử, Âm và
Dương là một.
Trong truyện ngụ ngôn “Tái Ông
thất mã”, cụ già biên địa đã không tin chấp vào những định kiến phúc, họa của
người đời. Cái mà mọi người tin, mọi người đoán định, cụ cho rằng sự vật xảy ra
chưa chắc đã như vậy. Vì thế, tâm cụ thanh bình, trầm lặng, không xôn xao, vọng
động trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Trong phần tu Giới, ta né tránh,
không bị động để lục trần lôi cuốn, do đó tâm ta luôn bất an, cảnh giác. Trong
phần tu Định, Tam Tổ bảo: “Lục trần bất
ác. Vật ố lục trần” (Lục trần không xấu. Chớ ghét bỏ, xa lánh lục
trần), để phá bỏ thành kiến thiên chấp, cho lục trần là tai họa, xấu xa, bất
thiện, cần phải kiêng kỵ, xua đuổi, loại trừ, khiến tâm ta yên ổn, thanh bình.
Tâm Định là tâm tuyệt đối vô chấp. Cũng thế, để phá bỏ thành kiến tôn thờ, bám
víu kinh điển, Thiền Tông đã chủ trương: “Bất
lập văn tự”. Để loại trừ định kiến tìm thiện, trốn ac, trọng Phật,
sợ Ma, phù chính, loại tà, do tư tưởng ngụy tạo ra, Tổ Lâm Tế (867 -?) bảo: “Phùng Phật sát Phật. Phùng Ma sát Ma”
(gặp Phật giết Phật. Gặp Ma giết Ma). Cái ta cho là thánh thiện hay cái ta cho
là tà ngụy đều là những vọng tưởng hư giả do ý niệm vẽ bày, ta đều phải buông
bỏ. Để phá bỏ kiến chấp: “Trời Đất hiếu sinh” của người đời, Lão Tử đã khẳng
định: “Thiên Địa bất nhân”.
Tương tự nhãn quan của Đạo Học,
để triệt tiêu thành kiến, định kiến cứng nhắc của thuyết Xác Định
(Determinism), Khoa Học hiện đại đã thay thế nó bằng thuyết Xác Suất
(Probability), linh động, uyển chuyển, gần Thực tại hơn.
Nhãn quan khôn ngoan, sáng
suốt nhất là vong bặt mọi thiên chấp. Trong cuộc sống, hành vi làm thiện, tránh
ác là điều thiết yếu hiển nhiên. Nhưng trong thế giới nội tâm, thiên chấp vào
thành kiến lợi hại, đúng sai, tốt xấu để né tránh, loại trừ hoặc chạy theo, nắm
bắt, lại làm cho tâm tranh chấp, giằng co, mâu thuẫn, căng thẳng, vọng động,
bất an, bất ổn. Nếu ta vong bặt sự so đo, chọn lựa tâm lý này, tâm ta lập tức
sáng suốt, thanh bình, an lạc. Với tâm thái này, cách hành sử của ta tự nhiên
đồng nhất với cái phải, cái đúng, cái đẹp. Nội tâm mỗi cá nhân phẳng lặng, yên
vui, trong sáng, xã hội sẽ trật tự, phúc lạc, an bình. Vô chấp ở nội tâm là
cuộc cách mạng căn để nhất, nền tảng nhất.
Tóm lại, tâm Thiền định, Tâm
thái khôn ngoan, sâu sắc, minh triết nhất là buông bỏ mọi thiên chấp tâm lý.
c) Không tham cầu (Vô cầu)
Tâm Thiền Định không thiên chấp vào hai mặt
đối đãi của sự vật, không phân biệt tốt xấu, hơn kém, phúc họa, đúng sai, thiện
ác..., nên không so đo, chọn lựa, mưu cầu, chạy theo, vươn tới, bám víu, chiếm
hữu hay né tránh, trấn áp, loại trừ, tiêu diệt, dứt bỏ. Tâm Thiền Định vì quân
bình, trung chính, không thiên biệt, nên không chọn lựa, mưu cầu một giá trị nào,
không hướng tới một cứu cánh dung phàm, thô đại hay một tiêu đích vi tế, một lý
tưởng thánh thiện nào. Tâm Thiền Định là tâm tuyệt đối vô cầu, dù là cầu Giải
Thoát hay thành đạt Niết Bàn.
Kinh Bhagavad Gita (Chí Tôn Ca)
của Ấn Giáo dạy:
“Còn ham muốn một kết quả cho
hành vi của mình là còn nô lệ cho ngoại vật”.
Còn mong muốn, tham cầu là còn
bị sai sử, dẫn giắt, lôi cuốn, ràng buộc vào con đường lo âu, bất an, khổ lụy.
Kinh Dhammapada (Pháp Cú) dạy:
“Người bị tham dục ràng buộc thì
khổ não tăng mau nơi họ như cỏ dại gặp mưa.Người buông hết tham dục thì khổ não
sạch trơn nơi họ như nước tuột rời trên lá sen”.
Tâm tham
cầu là tâm loạn động, đảo điên, ngập tràn những bất an, lo âu, phiền não. Tâm
vô cầu là tâm thanh bình, an lạc, tịch lặng mọi hình thức khổ não, ưu phiền.
Khi ta mong cầu bất cứ điều gì, trong tâm ta
lập tức xuất hiện mối lo canh cánh sợ sự việc diễn ra không như ý nguyện. Mong
cầu nào cũng phát sinh sợ hãi: muốn đẹp sợ xấu, muốn giàu sang sợ nghèo hèn,
muốn hơn sợ thiệt, muốn được sợ thua, muốn đúng sợ sai, muốn an toàn sợ bất
trắc….Tham vọng càng to, mục tiêu càng cao, lý tưởng càng đẹp, nỗi lo càng lớn.
Khi mục tiêu vươn tới bất thành, điều ước mong không đạt, ta bất mãn, buồn
phiền, đau khổ. Lúc thành đạt được sở nguyện rồi, ta vẫn còn lo tiếp: sợ mất
cái vừa sở đắc, sợ nó không ổn định, không vững bền, không tồn tại lâu dài,
trường cửu….
Nhưng Thế Giới Tự Nhiên thì vô ngã: vạn sự,
vạn vật hiện hành do vô vàn nhân duyên, yếu tố khách quan giả hợp, tương tác,
hoàn toàn không theo ý chí, chủ tâm, dự tính của con người. Buộc sự vật phải
diễn ra y như nguyện vọng mình là điều bất khả. Do vậy, con người không vừa
lòng mãn ý, buồn phiền, đau khổ là diều dĩ nhiên, ắt có. Thế Giới Tự Nhiên lại
vô thường:sự vật thì sinh động, biến dịch, đổi mới không ngừng. Ngược lại, dự
kiến, ước mơ, ý nguyện là sản phẩm của kinh nghiệm, kiến thức, ý niệm, cái đã
biết, đã qua, đã chết, cũ kỹ, lỗi thời, lạc hậu. Bắt sự vật hiện tiền phải vận
hành đúng như sở nguyện thì chẳng khác nào bắt cái cực kỳ sinh động, liên tục
tinh khôi, thanh tân, mới lạ phải giống y như cái tĩnh tại, đã khô chết, mục
nát, đoạn diệt: một điều hoàn toàn phi lý. Thất vọng, bất mãn, buồn phiền, thất
chí, hối tiếc…. là chuyện đương nhiên của kiếp nhân sinh. Cái như thực không
thể giống y cái như nguyện, nên con người thường xuyên bất bình với hiện tại,
luôn luôn khao khát lao tới, trở thành, để rồi lại ngao ngán, bực bội, không
bằng lòng, toại ý tiếp…
J.Krishnamurti bảo:
“Bạn
đang là thế này, bạn lại muốn trở thành thế khác, thì chính cái động cơ mong
muốn trở thành này đã là cái không trung thực, xung đột, bất an rồi”.
Tham vọng, mong cầu gắn liền với bất an, bất
hạnh.
Ông khẳng định:
“Mọi mục
tiêu, lý tưởng dù cao đẹp tới đâu cũng đều là phóng hiện của tư tưởng… Chính
con người tạo ra Thượng Đế, chứ không phải Thượng Đế tạo ra con người”.
Niết Bàn, Cực Lạc, Chân Tâm,
Thượng Đế đều do tư tưởng lấy chất liệu từ kinh nghiệm, kiến thức, những hình
bóng dĩ vãng hư giả, để nghiền ngẫm, nhào nặn, chế tác ra. Chính đầu óc con
người đã suy diễn, định đặt ra những phẩm tính của một Thượng Đế toàn thiện,
toàn năng. Lý tưởng, mục tiêu đích thị là phóng hiện, bản sao, hóa thân, biến
tướng của ý niệm, tư tưởng. Lý tưởng chính là tư tưởng. Kinh nghiệm, kiến thức,
tư tưởng thì cũ kỹ, hạn hẹp, hư giả, tất nhiên những chế phẩm của chúng như
Niết Bàn, Thiên Đường, Chân Tâm, Thượng Đế cũng cằn cỗi, nông cạn, phi thực.
Trái lại, cái Chân Thật tuyệt trần thì đang hiện tiền, đang mới lạ, đang vô
danh, vô ngôn, đang thông suốt, tĩnh lặng. Rõ ràng mục tiêu, lý tưởng, Niết
Bàn, Thượng Đế, do tư tưởng ngụy tạo ra, không phải cái Chân Thật hiện tiền,
cái tinh khôi uyên nguyên, cái thiêng liêng sáng tạo, bất khả tri, bất khả
ngôn. Ý niệm, tư tưởng, lý tưởng, cái đã biết, quen thuộc, hạn hẹp, hư huyễn,
mê vọng không thể tiếp cận, cảm thông, diễn đạt, chuyên chở cái thanh tân, mới
lạ, vô danh, vô biên, vô hạn. Lý tưởng Giải Thoát, mục tiêu Giác Ngộ, cứu cánh
Niết Bàn đều là những sản phẩm hư huyễn do ý niệm, tư tưởng ngụy tạo ra bằng
những chất liệu dĩ vãng, những hình bóng quá khứ giả dối. Lý tưởng, mục đích,
cứu cánh dù cao đẹp cách nào, siêu phàm tuyệt đỉnh tới đâu, vẫn là giả tạo,
huyễn tưởng, trá hình do tư tưởng vị kỷ, quỷ quyệt, ngụy tạo, vẽ vời, thêu dệt
ra để phỉnh gạt ta dưới hình thức cao cả, vị tha, thiêng liêng, thánh thiện,
hoàn toàn không có trong thực tại đang hiện tiền. Do vậy, Thiền Định mà còn đặt
ra mục tiêu thành đạt thì chẳng khác nào hái hoa trong gương, mò trăng đáy
nước... cực kỳ vô lý, uổng công vô ích.
Mưu cầu Giác Ngộ, Giải Thoát vẫn là sa ngã vào
cạm bẫy của tư tưởng, tự giam cầm trong ngục tù ý niệm, bị trói buộc trong vòng
lao lung của tham chấp vị kỷ. Sự vươn tới mục đích nào cũng đều là mê vọng, mù
quáng, sai lầm, bất an, vọng động, phiền não...
Thiền Sư Nhật Bản Bàn Khuê (Bankei) đã bảo:
“Mong
muốn thành Phật có vẻ là chuyện hoàn toàn tốt đẹp, nhưng thực ra lại là một
điều mê lầm. Nếu bạn có một chút mong muốn trở thành một người Siêu Việt, một
bậc Giác Ngộ, thì ngay đấy bạn đã đi ngược lại Tâm Phật, đã từ giã nó, bỏ xa nó
ngàn dặm”.
J.Krishnamurti cũng bảo:
“Giữa một người kinh doanh bôn ba xuôi ngược để làm
giàu và một người chăm chăm ngày đêm tu luyện cầu mong Giải Thoát, cuồng vọng
vị kỷ đều như nhau”.
Sơ Tổ Đạt Ma vẫn bảo:
“Không thấy Tính, chỉ ngày
đêm đọc kinh, niệm Phật, ngồi thiền là phỉ báng Phật”.
Ý Tổ nói cầu mong thành
tựu mục tiêu Giải Thoát là chống phá Chân Tâm, hủy diệt Tâm Phật, bội phản đạo
Giác Ngộ, bôi đen, bóp méo cái Như Thực.
Với người bình thường, không
Đạo, không tu, mục tiêu thành đạt là tài sản, danh vọng, tình ái. Với nhà luân
lý, đạo đức, bậc tu Giới, lý tưởng là Chân, Thiện, Mỹ. Với hành giả tu Định, lý
tưởng cao nhất là chẳng có lý tưởng, mục đích, cứu cánh nào cả, vì họ thấy rõ
chúng đích thực là cái ngụy tạo của ý niệm, tư tưởng.
Người khao khát mong cầu, hoài
bão lý tưởng là người mê muội, thả mồi bắt bóng, chối bỏ cuộc sống, buông trôi
dòng đời, quay lưng với hiện tại, để chạy theo đuổi bắt cái hư giả, phi thực,
do tư tưởng vẽ vời, thêu dệt ra.
J.Krishnamurti vẫn nhắc nhỏ:
“Bạn hãy không là gì cả” (Soyez
Rien).
Người hạnh phúc là người chẳng là gì cả, không
trở thành cái gì hết, chẳng có tham vọng nào. Tâm Thiền là tâm thanh bìnb, an
lạc, tịch lặng tất cả mọi hình thứ tham cầu.
Tóm lại, Tâm thái Thiền Định là Tâm Không, là
tâm vô trước, vô chấp, vô cầu, là Trí Tuệ Ba-La-Mật. Toàn bộ Bát-Nhã Ba-La-Mật
Tâm Kinh dùng để xiển minh, tán thán Tâm Không, Tâm vô ngã tuyệt đối, không tập
nhiễm, không thiên chấp, không tham cầu, tâm thái quý báu, nhiệm màu đã đưa các
Bồ Tát, chư Phật xưa nay chứng quả Niết Bàn, Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.
2) Các hình thức Thiền Định
Thiền Định là pháp môn tận diệt
trọn vẹn vọng tưởng ở những tầng lớp thâm sâu, vi tế nhất, để Tâm trở về trạng
thái sạch làu, vô nhiễm, vắng lặng, sáng suốt, an lạc, bản lai, thường hằng của
nó. Trong Đạo Học, Thiền Định có nhiều tên gọi khác nhau: Tọa Vong, Huyền Đồng
của Đạo Gia, hoặc Điều Tâm, Tâm Hư, Nhập Tĩnh của Nho Gia, của Khí Công, hay
Dhyana, Tĩnh Lự, Zen, Samadhi của Ấn Giáo, của Yoga, của Phật Giáo. Tùy căn cơ
hành giả, Thiền Định có các nội dung đa dạng như: Sổ Tức, Quán Tức, Tùy Tức,
Quán Tâm, Chú Tâm vào một vật, một đề mục đơn giản, vào một điểm nào trên cơ
thể như huyệt Đan Điền của Khí Công, vào một câu Thoại Đầu của Thiền Công Án,
vào một câu niệm Phật của Tịnh Độ Tông, hay một câu thần chú của Mật Tông...
Ở đây, chúng ta chỉ đề cập tới
pháp môn Thiền Định nhẹ nhàng, phổ cập, đại chúng, hoàn bị nhất do các bậc Giải
Thoát, do Phật Thích Ca và các Tổ Thiền Tông truyền đạt. Khởi đầu, Thiền Định
chỉ như một kỹ thuật Tọa Thiền, Sổ Tức, Tùy Tức rồi dần dần như một phép Quán
Tâm, Quán Pháp, sau cùng là một phương pháp không phương pháp, một Đạo Sống
hoàn toàn tự nhiên.
a) Thiền là
phép Quán Tức
Quán Tức là buông bỏ mọi kiến
chấp, tham dục vị ngã, chú tâm trọn vẹn vào hơi thở đang diễn ra.
Muốn một con bò bất kham đi theo
luống cày phải đặt ách vào cổ nó và nhử nó bằng một bó cỏ non phía trước. Con
bò chưa thuần thục đó chính là tâm tập nhiễm, loạn động, luống cày là Tâm Thiền
Định, cái ách là tư thế tọa Thiền, bó cỏ non là đề mục để chú tâm như hơi thở
hoặc câu niệm Phật… Hơi thở là một đề mục tối ưu để chú tâm, vì hơi thở là một
hoạt động sinh lý thường xuyên, đều đặn, nó gây những điểm hưng phấn nổi bật,
đều đặn, dễ nhận thấy rõ ràng nhất trên vỏ Đại Não. Vì vậy chú tâm vào hơi thở
dễ dàng, tự nhiên, thoải mái nhất. Hơi thở tự nhiên được điều khiển bằng hệ
thần kinh thực vật, nhưng cũng có thể bị thần kinh cao cấp chi phối. Nó là cầu
nối giữa ý thức và tiềm thức, giữa ý chí và dục vọng. Điều tức tác động trực
tiếp tới điều thân, điều tâm. Thay đổi cách thở có thể làm thay đổi cả trạng
thái tâm, sinh lý.
Hòa Thượng Thiền sư Nhất
Hạnh bảo:
“Hơi thở là cây cầu bắc
nối giữa hai bờ sinh lý và tâm lý, là môi giới giữa thân và tâm, là phương tiện
mầu nhiệm để đình chỉ loạn tưởng”.
Thiền sư Khương Tăng Hội(190-?),
Sơ Tổ Thiền Tông Việt Nam,
bảo:
“An Ban Thủ Ý, phép chú tâm vào
hơi thở, là cỗ xe lớn của chư Phật để độ mọi người vượt thoát luân hồi, sinh
tử”.
Khởi đầu, trong giai đoạn sơ cơ,
hành giả ngồi Thiền, đếm hơi thở theo đúng tư thế, kỹ thuật: ngồi kiết già hoặc
bán già trên một chiếc gối tròn, dày, gọi là tọa cụ, đặt trên miếng nệm mỏng
hình vuông gọi là bồ đoàn, đầu và lưng thật thẳng, mắt khép hờ, hướng xuống
đỉnh mũi, miệng ngậm tự nhiên, hai tay đặt phía trước, đếm thầm hơi thở, chú tâm
vào vòng đếm, hết vòng quay lại. Sau thời gian Tọa Thiền (ngồi thiền), Sổ Tức
(đếm hơi thở), dần dần khi tâm bớt vọng động, hành giả chỉ cần Tùy Tức (còn gọi
là Quán Tức), nghĩa là theo dõi, nhận biết hơi thở ra, hơi hít vào, dài, ngắn,
nông, sâu… ra sao. Phần Tùy Tức (chú tâm vào hơi thở ra, vô) được Phật Giáo
trình bày tỉ mỉ, rõ ràng trong sách Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga) và kinh An
Ban Thủ Ý (Ànàpànasati Sutta: kinh dạy cách chú tâm vào hơi thở, hay kinh Quán
Chiếu Hơi Thở, kinh thứ 118 trong Trung Bộ Kinh Majjihima Nikaya). Kinh Quán
Chiếu Hơi Thở được thiền sư Khương Tăng Hội dịch ra chữ Hán (vào đầu thế kỷ thứ
3), gọi là kinh An Ban Thủ Ý.
Đêm trăng tròn của lễ Pavàranà (Tự Tứ), cuối
mùa An Cư, tại vườn Kỳ Thọ, thành Sàvatthi (Xá Vệ), kinh đô vương quốc Kosala,
Phật nói kinh Quán Chiếu Hơi Thở:
“Này các vị sa môn, phép Quán Chiếu Hơi Thở nếu được phát triển và thực
hiện liên tục, sẽ đem lại thành quả và lợi lạc lớn, có thể làm thành tựu Tứ
Quán Xứ (Bốn Lãnh Vực Quán Chiếu), Tứ Quán Xứ nếu được phát triển và thực hiện liên tục, sẽ làm thành
tựu Thất Giác Chi (Bảy Yếu Tố Giác Ngộ), Thất Giác Chi nếu được phát triển và thể hiện liên
tục sẽ đưa tới Trí Tuệ và Giải Thoát. Làm thế nào để phát triển và thực hiện
liên tục phép Quán Chiếu Hơi Thở để phép này mang lại thành quả và lợi lộc lớn?
Này đây, các vị sa môn, người
hành giả đi vào rừng hay tới một gốc cây, hoặc một nơi chốn vắng vẻ, ngồi theo
thế kiết già, lưng thẳng, đặt chính niệm trước mặt (để tâm
vào hiện tiền, những cái đang diễn ra):
1-Khi hít vào, người ấy
biết ta đang hít vào. Khi thở ra
người ấy biết ta đang thở ra.
2-Khi hít vào một hơi dài, người ấy biết ta
đang hít
vào một hơi dài. Khi thở ra một hơi dài, người
ấy
biết ta đang thở ra một hơi dài.
3-Khi hít vào một hơi ngắn, người ấy biết ta
đang
hít vào một hơi ngắn. Khi thở ra một hơi ngắn,
người ấy
biết ta đang thở ra một hơi ngắn”.
Phật dạy phép Quán Tức (phép Theo Dõi Hơi Thở)
thuần tuý chỉ gồm ba hơi thở số 1, số 2 và số 3 trên đây. Trong phần này, hành
giả ý thức (nhận biết) trọn vẹn về hiện trạng hơi thở vào, ra, nông, sâu y như
nó đang diễn ra.
Sau đó, Phật phát triển
phép Quán Tức (Theo Dõi Hơi Thở) thành phép Tứ Quán Xứ (Bốn Lãnh Vực Quán
Chiếu: Thân Thể, Cảm Thọ, Tâm Ý, Vạn Pháp).
__ Phần Quán Thân Thể gồm hơi thở số 4 và số
5:
4-Tôi đang thở vào và có ý thức toàn thân.
Tôi đang thở ra và có ý thức toàn thân.
Người ấy thực hiện như vậy.
5-Tôi đang thở vào và để toàn thân an tịnh.
Tôi đang thở ra và để toàn thân an tịnh.
Người ấy thực hiện như vậy.
Qua hơi thở, hành giả để thân ở
trạng thái tự nhiên, mềm mại, thư thái, tĩnh lặng, không co cứng, giao động, ý
thức rõ ràng về hiện trạng của toàn thân.
__Phần Quán Cảm Thọ gồm hơi thở số 6 và số 7:
6-Tôi đang thở vào và ý thức được cảm giác hỷ
thọ.
Tôi đang thở ra và ý thức được cảm giác hỷ
thọ.
Người ấy thực hiện như vậy.
7-Tôi đang thở vào và ý thức được cảm giác lạc
thọ.
Tôi đang thở ra và ý thức được cảm giác lạc
thọ.
Người ấy thực hiện như vậy.
Qua hơi thở, hành giả ý thức rõ
ràng về những cảm thọ đang diễn ra như hỷ thọ(thích thú, hay không thích thú),
lạc thọ (thoải mái hay không thoải mái).
__Phần Quán Tâm Ý gồm các hơi
thở số 8,9,10,11,12,13:
8-Tôi đang thở vào và ý thức về những diễn
biến tâm ý.
Tôi đang thở ra và ý thức về những diễn biến
tâm ý.
Người ấy thực hiện như vậy.
9-Tôi đang thở vào và để tâm an tịnh.
Tôi đang thở ra và để tâm an tịnh
Người ấy thực hiện như vậy.
10-Tôi đang thở vào và nhận biết về tâm ý.
Tôi đang thở ra và nhận biết về tâm ý.
Người ấy thực hiện như vậy.
11-Tôi đang thở vào và để tâm ý thoải mái.
Tôi đang thở ra và để tâm ý thoải mái.
Người ấy thự hiện như vậy.
12-Tôi đang thở vào và để tâm ý định tĩnh.
Tôi đang thở ra và để tâm ý định tĩnh.
Người ấy thực hiện như vậy.
13-Tôi đang thở vào và để tâm ý tự do.
Tôi đang thở ra và để tâm ý tự do.
Người ấy thực hiện như vậy.
Qua hơi thở, hành giả để tâm ý ở trạng thái an
tịnh, thoải mái, ung dung, tự do, ý thức rõ ràng về những diễn biến đang xảy ra
nơi nội tâm.
__Phần Quán Vạn Pháp gồm các hơi
thở số 14,15,16,17:
14-Tôi
đang thở vào và ý thức Vạn Hữu đang vô thường.
Tôi đang thở ra và ý thức Vạn Hữu đang vô
thường.
Người ấy thực hiện như vậy.
15-Tôi đang thở vào và để tâm xả ly.
Tôi đang thở ra và để tâm xả ly.
Người ấy thực hiện như vậy.
16-Tôi đang thở vảo và để tâm đoạn diệt.
Tôi đang thở ra và để tâm đoạn diệt.
Người ấy thực hiện như vậy.
17-Tôi đang thở vào và để tâm buông bỏ.
Tôi đang thở ra và để tâm buông bỏ.
Người ấy thực hiện như vậy.
Qua hơi thở, hành giả để tâm xa lìa mọi tham
dục, chấm dứt mọi kiến chấp, buông sạch mọi ý kiến, nhận xét,chủ ý, dụng tâm,
nỗ lực…. để thấy Vạn Hữu diễn biến y như nó đang là. Hành giả đã đạt tới Tâm
Không tuyệt đối (vô trước, vô chấp, vô cầu), vô cùng minh linh, vắng lặng.
Tới đây, hành giả đã thành tựu
viên mãn Bốn Phép Quán Chiếu (Tứ Quán Xứ), đã lần lượt đạt được Bảy Yếu Tố Giác
Ngộ (Thất Giác Chi) là Chính Niệm, Chính Quán, Tinh Tấn, Hỷ Lạc, Khinh An,
Chính Định, Hành Xả. Hành giả đã đạt được quả vị Giải Thoát Vô thượng, Trí Tuệ
Tuyệt Đối.
Trong phần Quán Tức, khi ta chú
tâm vào hơi thở một cách tự nhiên thì chỉ một điểm tương ứng duy nhất trên vỏ
Đại Não được hưng phấn nhịp nhàng, đều đặn, các phần khác của vỏ Não ở trong
trạng thái ức chế, không bị kích thích bởi các tạp niệm, vọng tưởng, nên được
nghỉ ngơi, không hao phí năng lượng. Do vậy, khi chú tâm vào hơi thở, thân, tâm
ta khinh an dễ chịu.
Khi Tọa Thiền, tư thế thân
phải tĩnh lặng, vững vàng như núi và trạng thái tâm phải uyển chuyển, linh hoạt
như nước.
Phật bảo:
“Kiếp
sống con người diễn ra trong từng hơi thở”.
Thực vậy, hít vào là Dương, là
sinh, thở ra là Âm, là tử. Mỗi nhịp hít vào, thở ra là một chu kỳ thành hoại,
sinh tử, là biểu hiện cho cả một kiếp người. Tiểu kiềp là hình ảnh của đại
kiếp. Con người, một tiểu Vũ Trụ, một tiểu Thiên Địa là bản sao thu nhỏ của cả
Càn Khôn, Vũ Trụ, cái Đại Toàn Thể vô biên, vô hạn. Khi ta thân chứng, thể
nghiệm, cảm thông trọn vẹn hơi thở, tâm ta hòa đồng, hợp nhất làm một với hơi
thở, ta sẽ thông suốt mọi vấn đề sinh tử, nhân sinh, thiên địa, vạn vật: lập tức,
tâm ta chính là tâm Vũ Trụ, là Chân Tâm, tâm Giải Thoát.
Tam Tổ bảo:
“Nhất
tức Nhất Thiết, Nhất Thiết tức nhất”
(Một là
Tất Cả, Tất Cả là một).
Thấu triệt cái một, sẽ tận tường
cái Tất cả, cái Toàn Thể. Am hiểu cái hiện tại sẽ thông suốt cái Vĩnh Cửu, cái
Vô Cùng. Lắng nghe trọn vẹn một câu kinh, một tiếng kệ, một lời khai thị, sẽ
thông tỏ Thực Tại, chứng ngộ Chân Tâm. Quán triệt trọn vẹn hơi thở, ta sẽ thông
suốt Vũ Trụ, chứng đạt tâm thức Giác Ngộ, thành tựu tâm thức Giải Thoát.
Trong Tứ Quán Xứ, theo truyền
thống Nguyên Thuỷ, dù là Quán Thân, Quán Thọ, Quán Tâm hay Quán Pháp, Phật Tổ
luôn dạy hành giả phải thưòng xuyên theo dõi hơi thở. Sau này, Chư Tổ phát
triển các phép Tâm Quán, Pháp Quán đa dạng, phong phú, coi nhẹ phần hơi thở và
phần tư thế, mà đặc biệt chú trọng tâm thái vô trước, vô chấp, vô cầu.
Theo tổ Nam Nhạc Hoài
Nhượng (677-744), một hành giả ngày đêm chuyên tâm, nỗ lực ngồi thiền để cầu
mong giải thoát, giác ngộ, thì khờ khạo, mê lầm, sai trái chẳng khác nào:
- Dụng công vô ích để mài viên ngói thành chiếc gương soi.
- Uổng sức đánh vào xe bò, thay vì đánh vào con bò, để xe bò lăn bánh.
- Giết Phật (huỷ
diệt Chân Tâm), chứ không thành Phật (chứng ngộ Chân Tâm).
Tâm chấp trước, tham cầu
được ví như viên ngói, thô nhám, mờ đục, tâm giải thoát ví như gương soi, trong
sáng, sạch làu mọi vọng niệm, tham dục. Viên ngói và gương soi hoàn toàn khác
biệt về bản chất: viên ngói dù có được mài giũa công phu, lâu dài tới đâu cũng
không thể trở thành gương soi được. Cũng vậy, tâm đầy ắp thành kiến, dục vọng
dù có kiên trì tu chỉnh, sửa sai, thanh lọc tới đâu nó cũng không thể dần dần
thanh tịnh để cuối cùng trở thành tâm giải thoát được, vì chính nỗ lực chủ ý
thanh lọc, điều chỉnh cái mê vọng, phàm phu thành cái sáng suốt, thánh thiện đã
là một hình thức tham dục vị kỷ, loạn động rồi.
Để thành tựu Đạo Giải
Thoát (ví như để xe bò lăn bánh), hành giả phải buông bỏ mọi khái niệm, mọi lý
tưởng, mọi dụng tâm thành đạt (ví như đánh vào con bò kéo xe), chứ không dụng
công ghi nhớ những khái niệm về nghi thức tọa thiền, về kỹ thuật nhiếp tâm, về
cách theo dõi hơi thở, về mục tiêu giải thoát….. rồi ngày đêm nỗ lực ngồi thiền
để cầu mong giác ngộ (ví như đánh vào chiếc xe).
Điều ách yếu trong Thiền tọa
Quán Tức không ở nghi thức mà tâm hành giả phải tuyệt đối vô niệm, vô chấp, vô
cầu. Trong Thiền Quán Tức, bước tiên khởi là hành giả phải buông bỏ toàn bộ
những chấp trước, tham dục vị kỷ: không ghi nhớ, ôm giữ một ý kiến, khái niệm
nào, không tin tưởng vào một thành kiến, thiên kiến nào, không khao khát trở
nên một cái gì cả. Tâm thiền phải là tâm Không, tâm vô niệm, vô cầu. Tâm đầy ắp
kiến thức về kinh điển, về kỹ thuật tu luyện, chăm chăm hành trì để thành đạt
mục tiêu giải thoát là tâm đảo điên,vọng động, không thể hòa nhập, chứng ngộ
Chân Tâm vốn thanh bình, vắng lặng, mà đẩy lùi, hủy diệt Chân Tâm. Khi tâm vừa
khởi lên tham vọng, mong muốn thành đạt một điều gì thì lập tức ngay đó trong
tâm ta xuất hiện mối bất an, lo sợ không thành tựu được điều ấy. Mục tiêu càng
cao, nỗ lực càng nhiều, nỗi lo sợ càng lớn. Có mong cầu là có lo sợ, chúng đi
đôi như hình với bóng, hình càng to, bóng càng lớn. Khi hành giả ngày đêm kiên
trì, nỗ lực ngồi thiền, cũng là lúc tâm họ triền miên, day dứt, bất an, lo sợ
mục tiêu đạo quả tối thượng bất thành: họ đang giết Phật, đang nghiền nát Phật
Tánh, đang hủy diệt Chân Tâm, cái tâm vô niệm, vô cầu, thanh bình, vắng lặng,
vốn có từ vô thủy ở tất cả mọi người. Tâm ta chấp trước, tham cầu, khao khát
trở thành là ta đang tự giam nhốt, xiềng xích, gômg cùm, hành hạ mình trong ngục
tù ý niệm, dục vọng, đang đóng sầm cánh cửa Giải Thoát, đang thiêu đốt Chân
Tâm, đang quay lưng ngoảnh mặt với Tâm Phật, đang bỏ xa nó hàng ngàn năm, vạn
dặm… Nếu tâm ta tuyệt đối vô niệm, vô cầu, ta lập tức thành Phật, thành người
giác ngộ, người giải thoát, người tự do, tự tại, người hết mê, hết tội, hết mọi
hình thức ưu phiền … ngay tại đây, ngay bây giờ.
Phật Tổ cũng xác nhận thời gian,
nơi chốn, tư thế tọa thiền chỉ đặc biệt cần thiết cho người mới tu, và tâm thái
mới là tất cả. Với thiền giả sơ cơ, Phật dạy:
“Người biết sống một mình
là người biết tìm một nơi cô tịch như một gốc cây, một khu rừng, hoặc một nơi
vắng vẻ, yên tĩnh để tọa Thiền bằng cách ngồi theo tư thế kiết già, lưng thẳng
…”.
Nhưng với thiền giả tu cao hơn,
Phật lại bảo:
“Cách sống một mình tốt
nhất là buông bỏ những niệm tưởng về quá khứ, về tương lai, chú tâm trọn vẹn
vào hiện tại, đừng để bị vướng mắc vào ngoại cảnh...”
Tọa Thiền không phải là
một kỹ thuật tu luyện. Các hành giả, các Thiền Sư, sau thời gian hạ thủ công
phu, tham thiền nhập thất, khổ công tu luyện, tìm cầu Chân Lý, vào một thời
điểm chín mùi nào đó, đúng lúc những dụng công, nỗ lực, nghi tình, phẫn chí,
đạt tới cực độ, bỗng hoát nhiên bừng tỉnh rằng tất cả những suy tưởng, mưu cầu,
việc làm của họ, từ trước đến giờ, hoàn toàn ấu trĩ, dại khờ, mù quáng, mê lầm,
vô lý, nhọc nhằn, vô ích, hiển nhiên vô vọng. Họ sực tỉnh rằng chính chủ tâm và
hành vi vươn tới Chân Lý đích thị là những vọng tưởng vị kỷ, hư huyễn lỗi thời,
sai trái, loạn động, là thủ phạm xua đuổi, hủy diệt Chân Lý.
Khi bừng tỉnh như vậy, thì mọi
sinh hoạt tâm trí, vọng niệm từ thô đại tới vi tế, mọi thành kiến, mưu toan săn
tìm Chân Lý, mà họ theo đuổi trước đây, bỗng dưng sụp đổ, nát vụn, tan biến,
vong bặt hoàn toàn... và ngay đó hành giả bước qua cánh cửa Giải Thoát, đặt
chân vào cảnh giới tự do thênh thang, sáng suốt, thanh bình, an lạc, phi phàm.
Các bậc hành giả Đạt Đạo này đã vạch ra sự thực hiển nhiên mà chính họ đã chứng
nghiệm, để khai thị cho đương thời và hậu thế:
“Tất cả mọi phương pháp
nhằm vươn tới Thực Tại, thành đạt Giải Thoát, đều là những sản phẩm vọng động,
mù quáng, hư huyễn, do chính tư tưởng vẽ vời, ngụy tạo ra. Chúng đã xua đuổi,
loại trừ, hủy hoại Chân Lý, chứ tuyệt đối không dẫn tới Giải Thoát. Không có kỹ
thuật nào, phương pháp tu luyện nào, pháp môn huyền diệu nào, con đường siêu
việt nào do tư tưởng vạch định ra... dẫn tới Giải Thoát cả. Chân lý, Giác Ngộ,
Giải Thoát tự nhiên hiển lộ tức thời ngay khi ta chấm dứt mọi mưu toan vươn tới
nó, ngay khi ta buông bỏ mọi phương pháp thành đạt nó. Tâm ta bản lai là tự do,
vắng lặng, an lạc... Chỉ cần mọi tập niệm, vọng tưởng, tham dục im bặt, Tâm ta
lại trở về trạng thái an nhiên, thanh bình, tịch lặng ban đầu”.
Suốt đời khổ công tu luyện, mưu
tìm Chân Lý, để rồi cuối cùng hành giả bừng tỉnh, nhận ra một Chân Lý tối hậu: Tất cả mọi nỗ lực tìm cầu Chân Lý đều dẫn tới phiền
não. Khi nhận ra sự thực này, mọi nỗ lực tìm cầu Chân Lý đều ngưng
bặt, tâm thức lập tức trỏ nên tịch lặng, mọi xung đột, phiền não biến mất. Sự
thấu hiểu, tỏ ngộ, trực ngộ, tỉnh giác đó chính là hành động chuyển hóa.
Kinh Lăng Già (Lankavatara) đã
tóm tắt toàn bộ yếu chỉ của Thiền Tông trong câu:
“Dĩ Tâm vi Tông. Dĩ Vô Môn
vi Pháp Môn”
(Lấy Tâm làm Tông. Lấy cái Không
Phương Pháp làm Pháp Môn). Thiền Định chính là một Pháp Môn không phương pháp.
Thiền Định không phải là một Pháp Môn tu luyện để mưu cầu, vươn tới Giải Thoát.
Sơ Tổ Đạt Ma vẫn luôn nhắc
bảo:
“Thấy Phật Tính nơi Tâm là Giác
Ngộ thành Phật. Nhưng thấy Phật Tính nơi Tâm, tức Kiến Tính không thể học hỏi ở
bất cứ ai, hay bất kỳ cuốn kinh nào mà được. Do đó, hãy quăng bỏ tất cả mọi
kinh sách, mọi ảo tưởng về Chư Phật”.
Giáo
thuyết, hình ảnh về Chư Phật đều là sản phẩm của tư tưởng, ý niệm. Không thể
nghiên cứu kinh điển, đúc kết những ngôn từ của bậc Giác Ngộ thành phương pháp
tu luyện hoàn hảo, để thành tựu Chân Lý. Vì thế, Phật Tổ đã không viết sách để
lại dạy đời và Thiền Tông đã chủ trương “Bất lập Văn Tự”.
Trong Huyết Mạch Luận, Thiếu
Thất Lục Môn, Sơ Tổ Đạt Ma bảo:
“Không thấy Tính, chỉ lo
tinh tấn ngày đêm học kinh, niệm Phật, tọa Thiền, là phỉ báng Phật”.
J.Krishnamurti bảo:
“Để chạy trốn những xung
đột của mình, con người đã tạo ra nhiều hình thức Thiền. Những loại Thiền này
dựa trên lòng ham muốn, ý chí, niềm mong cầu thành tựu, chúng hàm chứa xung đột,
sự tranh đấu vươn tới... Nếu có bất kỳ một hình thức gò ép, nỗ lực buộc tư
tưởng phải tuân thủ, bắt chước, thì khi ấy Thiền là cả một gánh nặng phiền não…
Nếu bạn khởi tâm hành Thiền thì đó chẳng phải Thiền. Thiền là làn gió mát thổi
vào khi bạn để ngỏ cửa, nhưng nếu bạn chủ tâm để cửa mở mời nó, nó không bao
giờ xuất hiện… Anh có thể ngồi đúng tư thế, thẳng lưng, hít thở đúng cách, thực
hành phép pranayama và làm đủ mọi thứ hàng chục ngàn năm nữa, anh vẫn không đến
gần sự chứng ngộ Chân Lý, vì anh chẳng hiểu gì về chính mình, về cách anh suy
nghĩ, cách anh sống… Tất cả vấn đề cuả Thiền là không noi theo lối mòn do tư
tưởng vạch ra để dẫn tới cái mà nó cho là Chân Lý, Thực Tại hay Giác Ngộ. Không
có con đường nào dẫn tới Chân Lý. Thật là một sai lầm khi cho rằng có một pháp
môn Thiền định, và thường xuyên thực tập nó vào những thời điểm nhất định hàng
ngày, hay lập lại nhiều lần trong ngày, thì sẽ đạt được minh triết, liễu ngộ”.
(Man, in order to escape
his conflicts, has invented many forms of Meditation. These have been based on
desire, will and the urge for achievement, and imply conflict and a struggle to
arrive... If there is any kind of compulsion, effort to make thought conform,
imitate, then it becomes a wearisome burden... If you set out to meditate, it
will not be Meditation. Meditation is the breeze that comes in when you leave
the window open, but if you deliberately keep it open, deliberately invite it
to come, it will never appear… You can sit in the right posture with your back
straight, breathing correctly, do pranayama and all the rest of it for the next
ten thousand years, and you will be nowhere near perceiving what Truth is,
because you have not understood yourself at all, the way you think, the way you
live … The whole point of Meditation is not to follow the path laid down by
thought to what it considers to be Truth, Reality or Enlightenment.There is no
path to Truth. It is a fallacy to think that a system of Meditation, the
constant practicing of that system in daily life for a few given moments, or
the repetition of it during the day, will bring about Clarity or
Understanding).
Trong các buổi nói chuyện công
cộng, ông thường xuyên nhắc nhở mọi người hãy chú tâm, theo dõi, lắng nghe, cảm
thông trực tiếp những lời phát biểu của ông ngay khi ông đang diễn tả, chứ đừng
ghi nhớ chúng, đem về nhà như một tài liệu để nghiên cứu, học hỏi, tu tập, biến
chúng thành một lý thuyết, một phương pháp để thành đạt tự do, hạnh phúc. Bám
víu vào một học thuyết nào, một phương pháp nào, một kỹ thuật, pháp môn nào,
cũng đều là vướng mắc, dính kẹt, bị lôi cuốn vào dòng tư tưởng, ý niệm, xôn
xao, vọng động, không thể dẫn tới tự do, thanh bình, an lạc được.
Ông vẫn khẳng định:
“Chân Lý là lãnh địa, là vùng
đất, là xứ sở không có đường vào (Truth is a pathless land).Tất cả mọi phương
pháp tu luyện, mọi kỹ thuật, mọi pháp môn nhằm chứng đạt Chân Lý, đều là sự
phóng hiện của tư tưởng, đều là những đường mòn, lối cũ, không thể dẫn tới Chân
Lý. Ta không thể lấy cái quen thuộc, cái đã biết để vươn tới cái xa lạ, cái chưa
biết. Ta không thể lấy cái dung phàm, hỗn loạn, hạn hẹp, trói buộc, quy định để
tiếp cận với cái thánh thiện, vắng lặng, bao la, tự do, giải thoát. Không thể
vươn tới Chân Lý bằng kỹ thuật, bằng tôi luyện, bằng nỗ lực, bằng thói quen
điêu luyện”.
Không thể vươn tới Chân Lý bằng
kỹ thuật thanh lọc Thân, Tâm từ từ. Không thể từ từ biến dần, tu luyện dần một
Tâm địa mê lầm, tham chấp, vọng động thành Tâm Thức Giác Ngộ, minh triết, thanh
bình, an lạc. Không thể dùng kỹ thuật để mài dần một viên ngói thành gương soi.
Sơ Tổ xác quyết:
“Kiến Tính, thấy Phật Tính, thì
giản dị, trực tiếp và lập tức như việc nuốt đồ ăn. Ta biết nuốt hoặc không biết
nuốt. Chỉ vậy thôi. Không lý thuyết viển vông về việc nuốt đồ ăn.”
Các Tổ như Huệ Khả, Tăng
Xán, Đạo Tín... đều là những hành giả đột nhiên giác ngộ ngay dưới lời nói của
chư tổ tiền bối, chứ không chứng đắc nhờ một Pháp Môn tu luyện nào. Chúng ta đã
mê lầm, mù quáng, khi tưởng rằng Sự Thực Vĩnh Cửu, Chân Lý Thường Hằng phải
được thành tựu bằng một pháp môn Thiền Định phi phàm, cao siêu, vi diệu. Khi ta
buông bỏ toàn triệt mọi niệm vọng, chấp trước, một cách tuyệt đối thì lập tức,
ngay đó, Chân Lý Giải Thoát hiện tiền.
Với những hành giả còn ở giai
đoạn tu Giới, thì việc tham thiền, nhập thất, hạ thủ công phu...là tuyệt đối
cần thiết, nhưng với Tâm Chính Định thì đây lại là việc làm ấu trĩ, mê lầm, vô
vọng, không khác nào việc mài ngói thành gương.
Với những hành giả còn
vướng mắc trong phạm vi tu Giới như sư trưởng Thần Tú (? – 706), thì:
“Thân thị Bồ Đề thụ.
Tâm như Minh Kính đài.
Thì thì năng phất thức.
Vật sử nhạ trần ai”
(Thân là cây Bồ Đề. Tâm là đài
Gương Sáng. Phải thường xuyên lau chùi, chăm sóc. Chớ để bụi bẩn dính vào).
Như vậy, theo sư trưởng Thần Tú,
hành giả phải học kinh, giữ giới, ngồi thiền, tinh tấn, chuyên cần tu sửa thân
tâm, không để dính mắc vào tà kiến, ác đạo, khiến thân tâm ngày một thanh tịnh,
trong sáng, vô nhiễm cùng cực như cây Bồ Đề, đài Gương Sáng, những lý tưởng,
cứu cánh tuyệt đích, mà hành giả phải dụng công, nỗ lực vươn tới.
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (601-674) cho
đây là một bài kệ mẫu mực, xứng đáng để người tu Giới tuân thủ tu hành, nhưng
không thể hiện được tâm thái của một hành giả tu Định:
“Nhữ tác thử kệ, vị kiến
Bản Tính, chỉ đáo môn ngoại, vị nhập môn nội. Như thử kiến giải, mích Vô Thượng
Bồ-Đề, liễu bất khả đắc”.
(Ông làm kệ này, chưa thấy được
Bản Tính, chỉ đến ngoài cửa, chưa vào được trong. Như đem chỗ hiểu biết ấy mà
tìm đạo Vô Thượng Bồ-Đề thì quyết chẳng thể được).
Nhưng với Tâm Chính Định
vô trước, vô chấp, vô cầu, như Tổ Huệ Năng, thì:
“Bồ Đề
bản vô thụ.
Minh
kính diệc phi đài.
Bổn
lai vô nhất vật.
Hà
sứ nhạ trần ai”
(Vốn không có cây Bồ Đề. Cũng
chẳng có đài Gương Sáng. Xưa nay vốn không có một vật. Vậy bụi bẩn bám vào đâu
được).
Thân Bồ Đề hay Tâm Minh Kính,
đều là những vọng tưởng hư huyễn do chính ý niệm con người tạo ra nên nó hoàn
toàn không phải sự thực, không phải Chân Lý. Lý tưởng, cứu cánh dù có tuệt mỹ,
tuyệt trần tới đâu vẫn là sản phẩm của tư tưởng, ý niệm. Ở Chân Tâm, tuyệt
nhiên không có một mảy may khái niệm, hình ảnh dù vi tế, nhỏ nhặt tới đâu, kể
cả khái niệm, hình ảnh về Bồ Đề, về Minh Kính, về Niết Bàn, về Chư Phật… Đã
không có một khái niệm, hình ảnh nào về thân Bồ Đề, về Tâm Minh Kính thì trần
ai còn bám dính vào chỗ nào nữa mà cần phải luôn luôn lau phủi.
Bản chất của Chân Tâm từ
trước tới giờ vốn là trong sáng, sạch làu mọi chấp trước, vọng niệm, tham dục,
phiền não, thì cần gì phải lau chùi mọi trước nhiễm, bụi bặm. Chân Tâm vốn
thanh tịnh, thường tịch, an bình, chẳng cần một dụng công, một phương pháp, một
kỹ thuật nào để nó sáng suốt, thanh bình, vắng lặng.
Tổ Huệ Năng dạy:
“Tâm bình hà lao trì Giới.
Hạnh trực bất dụng tu Thiền”
(Tâm đã bằng rồi thì cần gì giữ Giới cho mệt.
Hạnh đã thẳng rồi thì khỏi phải lo tu Thiền).
Tâm đã thanh bình, phẳnglặng,
không còn nghiêng lệch, đảo điên, xôn xao, vọng động vì thiên chấp, so đo, chọn
lựa giữa cái đúng sai, tốt xấu, hơn thiệt, lợi hại, phúc họa, thiện ác… tâm đã
thấy biết rõ ràng, minh bạch, ngay thẳng, trung thực, không còn mê muội, quanh
co, trói buộc, ngăn ngại vì tập niệm, vọng tưởng, thành kiến… thì còn cần gì
phải giữ Giới, tọa Thiền. Tâm đã vong bặt thành kiến đúng sai, tốt xấu, so đo
hơn thiệt, lựa chọn đảo điên, vươn tới trở thành…. thì chẳng phải sửa sai, tìm
kiếm gì nữa, vì chính cái tâm vô trước, vô chấp, vô cầu đó đã là Chân Tâm, Tâm
Giác Ngộ, Tâm Giải Thoát rồi. Tâm hành giả giờ đây là tâm đạo hạnh tĩnh tịch,
vắng lặng, thường chiếu (luôn luôn soi sáng, cảm nhận), thấy biết sự vật trung
thực y như nó đang là. Hành giả dù đi, đứng, nằm, ngồi cũng đều an trú trong
Tâm Thái Thiền Định. (khứ, tọa, ngọa, Thiền). Trong Thiền Định tâm thái là tất
cả: điều quan yếu trên hết, trước nhất là hành giả phải buông sạch mọi kiến
chấp, tham dục vị kỷ đang cưu mang, ôm giữ, đeo đuổi trong đầu óc.
Để cảnh giác những hành giả coi
tư thế Tọa thiền như một kỹ thuật, một nghi thức bắt buộc, không thể thay thế
trong công phu Thiền Định, giúp người tu đi tới Giác Ngộ, Giải Thoát, Tổ Huệ
Năng bảo:
“Sinh lai tọa bất ngọa.
Tử khứ ngọa bất tọa.
Nguyên thị xú cốt đầu.
Hà vi lập công khóa”
(Sinh ra ngồi chẳng nằm. Chết đi
nằm chẳng ngồi.Một bộ xương thúi mục. Lấy gì gọi công phu).
Khi sống ta chuyên tâm, dốc sức
ngồi thiền, nhưng khi chết ta đâu còn ngồi được nữa. Ngồi hay nằm chỉ là tư thế
thẳng đứng hay nằm ngang của bộ xương vật lý, vô tri, tầm thường, đâu có gì là
thiêng liêng, phi phàm, thánh thiện. Cái quan yếu không ở trong vấn đề ngồi hay
nằm.
Trong Thiền tọa, tư thế chỉ là
hình thức phụ trợ, tâm thái là tất cả. Khi tâm hành giả tuyệt đối vô trước, vô chấp,
vô cầu, thì Thiền Định có thể biểu hiện trong mọi tư thế đi, đứng, nằm, ngồi.
Tọa thiền phải là một sinh hoạt hoàn toàn thoải mái, tự nhiên, không dụng tâm,
chủ ý như việc hít vào, thở ra, đói ăn, khát uống, mệt nghỉ….
Phép Quán Chiếu Hơi Thở do Phật
Tổ truyền dạy là phép Thiền Định đầy đủ, hoàn bị, nó bao gồm toàn bộ các phép
Quán Tức, Quán Thân, Quán Tâm, Quán Pháp... Các phép Thiền Quán do Chư Tổ
truyền dạy sau này chỉ là những hình thức mở rộng, xiển minh pháp môn Thiền
Định từ Phật Tổ.
b) Thiền là
phép Quán Tâm
Quán Tâm là buông bỏ mọi kiến chấp, tham dục
vị ngã, chú tâm trọn vẹn vào nội tâm.
Có thể nói nội dung chủ
yếu của Thiền Định là phép Quán Tâm hay Quán Tâm Pháp (Phép xem xét nội tâm)
hay Phản Quan Tự Kỷ (Phép quay vào bên trong nội tâm để xem xét chính mình).
Qua một thời gian thực hành Tọa Thiền, Sổ Tức, Tùy Tức, hành giả từ từ không
còn nhất thiết chú tâm vào hơi thở nữa mà là quán tâm, tức lắng nghe, theo dõi,
cảm nhận trực tiếp mọi vọng động nội tâm như cảm giác, tâm tư, dục vọng… một
cách ung dung, tự nhiên, tuyệt không xen một nhận xét, thành kiến, mưu cầu nào.
Thiền Quán Tâm chính là cái thấy biết trực tiếp, thấy rõ, thấy đúng trạng thái
Tâm đang như vậy, thấy tỏ tường, thấy trung thực trong Tâm đang có cái như vậy,
tịnh không có một ý kiến gì cả. Nói khác, Thiền Quán Tâm là buông bỏ toàn bộ sở
tri, sở kiến, sở dục để quán chiếu nội tâm bằng một tâm thái vô trước, vô chấp,
vô cầu, sạch làu mọi khái niệm, thành kiến, tham dục vị kỷ.
Tại thị trấn Kammassadhamma của
người Kuru Phật Tổ dạy phép Quán Chiếu Cảm Thọ và Tâm Ý:
“Khi có những cảm thọ như khoái
lạc, khổ đau, không khoái lạc cũng không khổ đau, khoái lạc vật chất, khoái lạc
tinh thần, khổ đau vật chất, khổ đau tinh thần, cảm thọ vật chất không khoái
lạc cũng không khổ đau, cảm thọ tinh thần không khoái lạc cũng không khổ đau…
hành giả thường xuyên quán chiếu mình đang có những cảm thọ như vậy…. Khi nội
tâm có tham lam, sân hận, si mê hoặc không có tham lam, sân hận, si mê, có bất
an, hối tiếc, nghi ngờ hoặc không có bất an, hối tiếc, nghi ngờ… khoáng đạt hay
hạn hẹp… hành giả đều ý thức rõ ràng tâm mình đang như vậy”.
Tại thành Xá Vệ (Sàvatthi), Phật
Tổ đã dạy tu sĩ Uttiga:
“Có một Giới đơn giản duy
nhất, bao trùm các Giới, có thể thay thế toàn bộ 250 Giới dành cho Tỳ Khưu. Đó
là hãy thường xuyên thức tỉnh, quán chiếu, thấy biết rõ ràng nơi Tâm mình mỗi
vọng niệm thiện hay ác, theo dõi nó từ lúc khởi sinh, phát triển rồi hoại diệt
như thế nào”.
Trong cuốn “Krishnamurti: A
Biography”, tác giả Pupul Jayakar hỏi ông về nội dung cốt lõi của các buổi nói
chuyện do ông phát biểu, J. Krishnamurti đã trả lời:
“Awake without effort”
(Hãy
thức tỉnh, tuyệt không một nỗ lực).
Trong gần sáu thập kỷ, đi khắp nơi thuyết
giảng, ông chỉ trao truyền cho Nhân Loại một thông điệp mang nội dung nhất
quán: “Hãy lắng nghe trọn vẹn cái đang
là, bằng một tâm thái sạch làu mọi tập niệm, nỗ lực”.
Ông bảo: “Thiền Định là chú tâm trọn vẹn vào cái đang là
(What is being), là thấy sự vật y như nó đang diễn ra. Thấy rõ cái lơ đãng y
như cái lơ đãng, thấy cái không chú tâm là cái không chú tâm: đó là cái chú
tâm. Khi thấy cái không chú tâm lại gọi nó là cái không chú tâm và hướng nó về
cái chú tâm: đó là sự không chú tâm, là vọng động, là lơ đãng. Bạn không từ
tâm, bạn hãy quan sát thực trạng của cái không từ tâm đó, đấy là từ tâm. Bạn
đang hung bạo, bạn lại muốn trở thành nhân từ, thì chính cái ý muốn trở thành
nhân từ đó lại là sự hung bạo rồi. Bạn đang là thế này, bạn lại muốn trở thành
thế khác, thì chính cái ý muốn trở thành này đã là vị kỷ, bất an, bất thiện
rồi. Bạn chỉ có một điều duy nhất là thấy cái đang là y như nó đang là, ngoài
ra không phải làm bất cứ một điều gì khác, vì chính cái thấy tỏ tường, minh
bạch, trung thực là hành động rồi. Đấy là thiện tâm, là đạo hạnh, là Thiền
Định. Thiền Định là tự xem xét, quan sát, ngắm nhìn, thấy biết nội tâm mình
trung thực như soi gương, thấy biết một cách linh hoạt, mẫn tiệp, tinh tế, bén
nhạy, uyển chuyển, ung dung, tự tại, tuyệt không một nỗ lực, gắng gượng nào cả…
thấy cái đang là y như nó đang là… không tìm cách đặt tên nó bằng ngôn ngữ,
đánh giá bằng ý niệm, phản ứng bằng hành động”.
Ông lại bảo:
“Bạn hãy quan sát tâm trí
bạn như bạn ngó nhìn bầu trời. Bạn không thể bắt bầu trời đừng xanh, mây trắng
đừng trôi. Bạn không thể nhận xét, phê phán một ý nghĩ, một tư tưởng để duy
trì, chạy theo hay lẩn tránh, phế bỏ nó….Hãy để nó nở hoa như một nụ hoa trên
cành, hé mở, nở rộ, héo tàn rồi rơi rụng. Bạn đừng giựt hái nó, xé nát nó, làm
vậy bạn không thể lãnh hội, thấu hiểu nó. Khi bạn can thiệp, điều chỉnh, sửa sai
một tư tưởng là tiếp thêm sức sống cho nó”.
Tam Tổ Tăng Xán (? – 606)
cũng từng nói y như thế:
“Hư minh tự nhiên.
Bất lao tâm, lực….
Chỉ động quy chỉ.
Chỉ cánh di động”.
(Hãy để
tâm trong sáng, rỗng rang, tự nhiên để cảm nhận. Không phải dụng công, dụng sức
gì cả….Ngăn động để cầu tịnh. Hết ngăn lại động thêm).
Khi ta thấy tâm lao xao, vọng
động, đừng tìm cách trấn áp nó, bắt nó phải yên lặng: đấy là việc làm nhọc
công, vô ích, vì tâm chỉ được dồn nén nhất thời, sau đó lại bất an, giao động,
vọng niệm hơn, vì chính hành động trấn áp, cưỡng bách, nỗ lực là một hình thức
thô bạo, vọng động, không yên rồi. Đây là một việc làm mà Thiền gia gọi là: “Trên sóng nhồi thêm sóng, trên đầu lại thêm đầu”. Khi
ta bắt đầu sửa sai, cố gắng điều chỉnh nội tâm là ta đã bắt đầu mâu thuẫn, xung
đột, tranh chấp, không thanh bình rồi. Ta vẫn duy trì tham chấp, vẫn gia tốc
cho dục vọng, vẫn tiếp sức cho so đo, chọn lựa, mưu cầu...nhưng lại muốn cho
tâm thức thanh bình, vắng lặng, vong bặt những xôn xao, vọng động. Ta vẫn tiếp
tục cung cấp, duy trì củi lửa, nhưng ta lại khuấy mạnh nước trong nồi, để bắt
nước đừng sôi: thực phi lý, mê lầm, vô vọng.
Một đoạn khác của Tín Tâm
Minh, Tam Tổ nói rõ hơn:
“Tương
tâm dụng tâm,
Khởi phi đại thác !”.
(Lấy tư tưởng để vận dụng tư
tưởng há chẳng là cái sai lầm lớn sao !).
Ta dụng tâm, chủ ý loại trừ vọng
tưởng tức ta đang lấy tư tưởng để tiêu diệt tư tưởng, đang lấy cái bất an, loạn
động để diệt trừ bất an, loạn động, là ta đang tiếp thêm sức mạnh cho cái mâu
thuẫn, xung đột. Chính toàn bộ tâm, ý ta, tư tưởng ta là cái kho chứa khổng lồ
chồng chất những khái niệm, thành kiến chấp trước, những lo âu, tranh chấp, bất
an, vọng động.
Lão Tử cũng đã có những
câu nhắc nhở tương tự:
“Tương dục hấp chi, tất cố trương chi.
Tương dục nhược chi, tất cố cường chi.
Tương dục phế chi, tất cố hưng chi”.
(Muốn làm cho nó co rút lại là
làm cho nó bành trướng thêm. Muốn làm cho nó yếu đi là làm cho nó mạnh lên.
Muốn tìm cách loại trừ nó là làm cho nó hưng vượng hơn).
Tứ Tổ Đạo Tín (580-651) bảo sư
Pháp Dung (593-657):
“Trăm ngàn pháp môn quy về trong
gang tấc, hà sa công đức gốc đều từ ở Tâm. Tất cả Giới, Định, Huệ, Thần thông
biến hóa đều tự sẵn nơi Tâm. Tất cả phiền não, nghiệp chướng xưa nay vốn là
không tịch. Tất cả nhân quả đều như mộng huyễn. Không có Ba Cõi nào phải thoát
ra, không có Bồ Đề nào mà cầu được. Đạo lớn vốn hư huyền, khoáng đạt, tuyệt
không có nghĩ, có lo. Ông cứ tự tại mà nhiệm tâm, đừng theo quán hạnh, cũng chớ
trừng tâm, chớ nổi tham, sân, đừng mang sầu, lự, chẳng làm lành, chẳng làm dữ,
đi đứng, nằm ngồi cứ tùy duyên mà cảm nghĩ. Tất cả đều toàn là chỗ diệu dụng,
hỉ lạc vô ưu của Chư Phật vậy”.
Lục Tổ Huệ Năng cũng nói không
khác:
“Tâm địa vô phi, Tự Tánh Giới.
Tâm địa vô si, Tự Tánh Huệ.
Tâm địa vô loạn, Tự Tánh Định”.
Kinh Pháp Bảo Đàn. Phẩm Đốn
Tiệm.
(Chân Tâm vốn không có cái sai
trái, đó là Giới Hạnh Tự Tánh. Chân Tâm vốn không có cái mê muội, đó là Trí Huệ
Tự Tánh. Chân Tâm vốn không có cái loạn động, đó là Tịch Định Tự Tánh).
Tất cả mọi người từ vô thủy đều
tự có sẵn cái Bản Tâm, Tự Tánh, Bản lai Diện Mục, hay cái Tâm Chân Thật. Chân
Tâm tự nó vốn viên mãn, tròn đầy, đạo hạnh, sáng suốt, vắng lặng, thanh bình,
an lạc. Nó tự nhiên là toàn chân, tận thiện, chí mỹ. Không phải thêm vào, tích
lũy vào Chân Tâm bất cứ một kiến thức cao xa nào, một ý nghĩa siêu việt nào,
một cố gắng khôn ngoan nào, một hoài bão thánh thiện nào. Cứ để Chân Tâm tự
biểu lộ một cách bình thường, đơn sơ, mộc mạc, vô vi, tự nhiên như nhiên, tuyệt
không cần một dụng tâm, cố gắng nào, một can thiệp, thay đổi, thêm bớt nào. Bất
cứ một nỗ lực, dụng tâm, can thiệp nào làm thay đổi Tự Tánh, Bản Tâm đều mang
đến những hậu quả bất thiện, bất minh, bất an, bất hạnh.
Thiền Sư Nhật Bản Bàn Khuê
(Bankei: 1622-1693) đã bảo:
“Khi bạn cố ý ngăn chặn một ý tưởng
khởi lên, là bạn đã phân chia Tâm Phật, vốn bất sinh, vô tạo tác, vốn duy nhất,
ra làm hai là người đuổi theo và vật chạy trốn, là bạn đã tạo ra mâu thuẫn giữa
tâm ngăn chặn và bị ngăn chặn. Đừng bận tâm ngăn chặn hay không ngăn chặn, chỉ
cần thây kệ nó. Không có kẻ chiến đấu thì nó không thể làm gì hơn là đi đến
chấm dứt. Bạn không thể cãi cọ với một bức tường khi bạn đứng một mình. Bạn
chẳng cần bận tâm xua đuổi, ngăn chặn một vật vốn xưa nay không có trong Tâm
Phật Bất Sinh. Khi bạn dùng ý muốn chấm dứt một ý tưởng thì ý tưởng trước được
ngăn chặn, nhưng ý tưởng sau lại phát sinh. Nó chẳng khác nào việc quét lá mùa
thu, lớp lá này quét xong, lớp lá khác lại rụng xuống hoặc giống như việc dùng
máu để rửa máu, lớp máu trước vừa được rửa, lớp máu sau lại thay vào. Tâm Phật
là Tâm Bất Sinh, tự nguyên ủy ở Tâm Phật chưa từng khởi sinh một ý tưởng nào.
Tâm Phật (Chân Tâm) vốn thường chiếu sáng kỳ diệu, nó thu xếp mọi việc một cách
trơn tru, ổn thỏa. Bạn không cần một cố gắng nào, không cần có sẵn một ý tưởng
nào, không cần một thứ khôn lanh nào, Tâm bạn vẫn thấy biết, cảm nhận, phân
biệt rõ ràng được đâu là tiếng chó sủa, tiếng gà gáy, tiếng quạ kêu, tiếng
người ho… Bạn không cần quan tâm tới vấn đề ngăn chặn hoặc không ngăn chặn một
ý tưởng, vì ý tưởng là một cái hoàn toàn chưa từng có trong Tâm Phật”.
Chân Tâm, Tâm Thiền Định chính
là Tâm Không, Tâm Vô Niệm tuyệt đối, Tâm Vô Tạo Tác, Tâm Bất Sinh, Tâm vắng
lặng tất cả mọi khái niệm, sở tri, sở kiến, niệm tưởng đảo điên, miên man, vọng
động.
Thiền Sư Hương Hải (1628-1715)
đã trích dẫn bài cảm tác của sư Nam
Đài (thế kỷ 13) bên Trung Hoa:
“Nam đài tĩnh tọa nhất lô hương.
Chung nhật ngưng nhiên niệm lự vương.
Bất thị tức tâm trừ vọng tưởng,
Chỉ duyên vô sự khả tư lương”.
(Sư Nam Đài tĩnh tọa, cạnh một lư
hương.
Suốt
ngày tâm vong bặt mọi lo nghĩ.
Không do
chặn tâm để ngăn trừ vọng tưởng,
Chỉ do thấy không có vấn đề gì đáng quan tâm).
Sở dĩ tâm hành giả bình an, vắng lặng, suốt
ngày không một vọng niệm, không phải do hành giả dụng công ngăn chặn tâm lăng
xăng, cố sức tiêu trừ vọng tưởng, mà do hành giả nhận thấy toàn bộ những vọng
niệm này là hoàn toàn hư huyễn, không giá trị, tuyệt nhiên không cần quan tâm
tới.
Tâm ở trạng thái vô sự là tâm
Không, tâm vắng lặng, tâm vong bặt, tâm buông bỏ toàn triệt mọi vấn đề, mọi ý
niệm, mọi toan tính, tạo tác, kể cả việc buông bỏ mọi dụng tâm ngăn ngừa đối
trị, tiêu trừ mọi vọng tưởng đang sinh khởi. Trong thế giới tư tưởng, ta đã ra
sức thu gom, tíchlũy kiến thức, ý niệm, đồng thời ta lại cố gắng thủ tiêu, loại
trừ vọng tưởng: ta đang làm một việc vô cùng mâu thuẫn, phi lý, vô vọng. Nếu ta
buông bỏ mọi thu gom, tích lũy ý niệm, tâm ta sẽ tự nhiên sạch làu, trong sáng,
vắng lặng vì mọi vọng tưởng vi tế, u uẩn nhất đã vong bặt. Vọng tưởng đã tận
diệt, đâu cần phải dụng tâm để đối trị, triệt tiêu một cái hoàn toàn không có.
Khi những tình tự, tâm tư tiêu
cực, khó chịu như nhớ nhung, cô quạnh, hối tiếc, xót xa, ân hận, buồn chán,
hoang mang, nghi ngờ, bất an, lo âu, sợ sệt, ghen tị, nhỏ nhen, căm thù, bực
tức, bất mãn, buồn tủi, tự ti, mặc cảm tội lỗi, hoặc những nghĩ ngợi bậy bạ,
lung tung, miên man, loạn xạ... xuất hiện trong tâm tư ta, ta đừng tìm cách đặt
tên cho nó, định giá nó, phê phán nó, kết án nó, hình dung ra những hậu quả xấu
xa, tai hại do nó đem lại, để đối phó bằng cách kiềm chế, dồn nén, trấn áp, xua
đuổi, khắc phục hoặc tiêu diệt nó, hay tìm cách lẫn tránh, trốn chạy nó, quên
lãng nó bằng công việc này nọ, bằng các trò giải trí đa dạng. Tuyệt nhiên ta
đừng có ý kiến gì cả, ta cũng đừng làm gì hết. Ta chỉ lặng lẽ, ung dung, bình
thản, quan sát, nhìn ngắm, lắng nghe, bằng một tâm thái vô vi, vô niệm, xem
chúng xuất hiện, tồn tại, rồi ra đi như thế nào...
Khi những biểu hiện nội tâm tích
cực như dễ chịu, khinh an, thư thái, thoải mái, thích thú, khoan khoái, phấn
khởi, lạc quan, vui vẻ, yêu thương, bình an, tĩnh lặng, đắc ý, tự tin, mãn
nguyện, tự mãn, tự hào, hy vọng, an toàn, yên ổn...nổi lên trong ta, ta cũng
đừng nhận định đó là tâm trạng tốt lành, ưu việt, có những hậu quả lợi lộc để
chạy theo bám víu, níu kéo, hồi tưởng, lưu giữ để nó được lâu bền, tái hiện mãi
trong ta. Ta đừng có thành kiến và hành động nào cả, ta chỉ lẳng lặng xem chúng
phát sinh, hiện hữu, diễn biến, diệt vong, một cách tự nhiên, ra sao mà thôi...
Ta hãy quán tâm bằng tâm thái vô
trước, vô chấp, vô cầu, bằng cái tâm buông bỏ mọi kiến chấp, tham dục vị kỷ.
Mây mù tan biến, mặt trăng lại
trong sáng, tròn đầy. Ta chẳng cần sửa sai, điều chỉnh, can thiệp ta chỉ buông
bỏ mọi chấp trước, tham dục, mọi thành kiến đúng sai, tốt xấu, mọi so đo, chọn
lựa, mọi dụng công, nỗ lực vươn tới, trở thành, Chân Tâm tự nhiên sáng tỏ,
thường hăng. Khi ta bắt đầu nhận định, đánh giá, phê phán, rồi tìm cách đối phó
với những vọng tưởng, những máy động nội tâm đang diễn ra như tâm tư, tình cảm,
ý niệm, cảm xúc, dục vọng...chúng ta đã tự tách mình như một chủ thể để quan
sát những hiện tượng nổi lên ở nội tâm như một khách thể, trong khi năng và sở
là một, ta và tâm tư là một. Do đó, sự chú tâm của ta không toàn vẹn, thấu đáo,
thông suốt, quán triệt. Khi ta dừng lại để nhận định, đối phó, phản ứng với một
hiện tượng nội tâm, là ta đang bám víu, mắc kẹt vào hình ảnh dĩ vãng, hư giả
của nó, và ta không cảm nhận được trọn vẹn, nhạy bén, minh mẫn những thông tin
dồn dập, nối tiếp, đang diễn ra ở nội tâm ta, ta đã không cảm thông được cái
thực tại đang đổi mới tuyệt vời ở hiện tiền.
Như vậy, Quán Tâm là quay
vào, tự tìm hiểu chính mình, tự quan sát nội tâm mình, một cách trung thực như
soi gương. Thiền Định là đối diện trực tiếp, chân thành, vô tư, vô dục với mọi
hiện tượng đang diễn ra trong nội tâm mình. Khi Bản Ngã được soi sáng, nó tự
hiện chân tướng mê lầm, vô minh, ngu muội, sai trái và tự hủy diệt, để nhường
chỗ cho tự do, minh triết, an lạc.
Trong kinh Pháp Cú (Dhammapada),
Phật dạy:
“Các ông hãy nương tựa vào chính
mình, như một hải đảo trông cậy vào chính nó. Không nương tựa vào bất cứ một ai
khác. Hãy tự mình đốt đuốc lên mà đi”.
Phật dạy mọi người hãy tự
tri, tự quán chiếu để biết rõ nội tâm mình.
Nhà hiền triết Cổ Hy Lạp
Socrate (470 – 399 TCN), Thủy Tổ của Đạo Đức Học Tây Phương, đã lưu lại một câu
bất hủ:
“Connais
- toi toi - même”
(Bạn hãy tự thấu hiểu chính mình).
Đạo Sư Ramana Maharishi
(1879-1950), một bậc Đại Giác nổi tiếng, miền Nam Ấn Độ (trong cuốn The Secret
India của tác giả Brunton) đã nói:
“Không còn cái học nào cần thiết hơn, xứng đáng
hơn, để chúng ta dành toàn bộ thời gian, công sức theo đuổi hơn cái học ở chính
nội tâm mình. Khi ta hiểu được nội tâm ta toàn vẹn, ta sẽ thông hiểu được tất
cả mọi vấn đề trên thế gian này”.
J. Krishnamurti tuyên bố:
“Bạn có thể lang thang khắp mặt
địa cầu, để tham vấn các nhân vật khôn ngoan nhất, để cầu học những vị Đạo Sư
(Guru) hiền triết nhất, để kiếm đọc những cuốn sách cao siêu nhất, rồi cuối
cùng bạn cũng phải trở về với chính mình...Cuộc Cách Mạng chân chính nào cũng
bắt đầu từ sự hiểu biết toàn vẹn nội tâm ở mỗi cá nhân. Khi bạn hiểu được trọn
vẹn chính bạn, bạn sẽ hiểu biết và giải quyết được tất cả mọi vấn đề, vì chính
bạn là Thế Giới, là cái Toàn Thể (The Whole)”.
Trong Dịch Học, thiên Hệ Từ Thượng
cũng phát biểu y thế:
“Vô vi dã, vô tư dã, tịch nhiên
bất động, cảm nhi toại thông Thiên hạ chi cố”
(Hãy để tâm vô vi, vô tư, vô
dục, rỗng rang, tĩnh lặng tuyệt đối, khi cảm đạt sẽ thông suốt được mọi vấn đề
trong Thiên hạ).
Chỉ cần nhìn vào Tâm mình bằng một tâm thái
phẳng lặng, không vọng tưởng, tham cầu, ta sẽ đạt được sự minh triết toàn bích,
bao trùm, siêu lý trí, phi tư tưởng. Ta vô minh, mê muội, mù quáng vì ta chấp
trước, tham dục. Nếu ta buông bỏ mọi kiến chấp, tham dục vị kỷ, ta vô trước, vô
chấp, vô cầu, tâm ta sẽ tịch lặng, trong sáng giống hệt Chân Tâm, hòa nhập,
đồng nhất với Chân Tâm, Tâm Giác Ngộ.
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử cũng
đã nói không khác:
“Bất xuất hộ, tri thiên hạ.
Bất khuy dũ, kiến Thiên Đạo...
Ngô Tâm tiện thị Vũ Trụ chi tâm”.
(Không ra khỏi cửa mà biết rõ
mọi việc trong thiên hạ. Không nhìn ra ngoài mà thấy được Đạo Trời….Tâm thức ta
chính là Tâm thức Vũ Trụ).
Con người là một Vũ Trụ
thu nhỏ. Không cần đi đó đây, tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát, chỉ cần quán tâm,
nhìn vào bên trong nội tâm, để thấu hiểu chính mình. Khi đã tận hiểu chính mình
tức cái Tiểu Vũ Trụ, thì sẽ thông đạt được mọi việc trong thiên hạ, trong Trời
Đất, trong Đại Vũ Trụ, vì cái Tâm của ta chính là cái Tâm Vũ Trụ. Tự tri, thấu
hiểu chính mình tới rốt ráo, toàn triệt, sẽ thông suốt được Đạo Trời.
Lão Tử lại bảo:
“Tri nhân giả trí.
Tự tri giả minh”
(Hiểu biết về tha nhân, ngoại
vật, chỉ là người trí thức. Tự thấu đáo chính mình mới là bậc minh triết, sáng
suốt). Thiền Định chính là phép tự tri, tự thám sát nội tâm, tự soi sáng chính
mình để thấu hiểu rốt ráo cái Bản Ngã vô minh mênh mông, sâu thẳm. Khi Bản Ngã
vô minh được tận hiểu cùng cực, nó tự tiêu vong để nhường chỗ cho Chân Tâm
thanh bình, yên vui, tịnh tịch.
Trong Đàn Kinh, phẩm Phó Chúc, Lục Tổ dặn các
môn đệ trước khi từ trần:
“Nếu
chẳng biết chúng sinh, muôn kiếp tìm Phật cũng không gặp….Muốn cầu Phật chỉ
biết chúng sinh…”.
Đại ý Tổ bảo muốn chứng đạt Chân
Tâm, Giải Thoát, con đường duy nhất là trước tiên phải quán chiếu mọi kiến
chấp, tham dục, vọng tưởng, tức cái tâm chúng sinh vô minh, điên đảo, đang thể
hiện nơi tâm ta. Khi thấu hiểu bản chất chúng rốt ráo, thì tự khắc Chân Tâm,
Giải Thoát sẽ hiện bày.
Trong một phẩm của Đàn Kinh, Lục Tổ bảo sư
Thần Hội:
“Ta thấy
là thường thấy lỗi lầm nơi tâm mình. Ta không thấy là không thấy việc phải,
trái của người khác”.
Ý Tổ dạy Thiền giả hãy buông bỏ
mọi kiến chấp, so đo giữa đúng sai, phải trái, tốt xấu bên ngoài, để lắng nghe,
theo dõi nội tâm mình, thấy rõ bản chất vô minh, mê muội, sai trái của Bản Ngã
ý niệm. Đấy là Chân Thiền, Chính Định.
J.Krishnamurti bảo:
“Khi bạn nói: Tôi đang đau
khổ. Làm thế nào để chấm dứt đau khổ ?. Đây là một câu hỏi sai. Câu hỏi hàm ý
phải có ngay một giải pháp, một kết luận, một đáp án. Bạn chỉ quan tâm tới giải
pháp tạm thời để tháo gỡ những khó khăn trước mắt. Nhưng không có giải pháp nào
ngoài vấn đề cả. Giải đáp chỉ xuất hiện khi bạn thấu hiểu trọn vẹn vấn đề. Đòi
hỏi có sẵn một giải đáp là chấm dứt sự tìm hiểu, học hỏi, lãnh hội vấn đề. Bạn
phải nhìn vào, chú tâm vào đau khổ để thấu hiểu nó, để nó tự kết thúc, chứ
không nương cậy vào một giải pháp sẵn có để ngưng tìm hiểu. Đau khổ là một thực
tại, cái đang có thực, đang xảy ra, cái đang là, trong khi hết đau khổ là một
khái niệm, môt lý tưởng không có thực, do tư tưởng ngụy tạo ra. Cố gắng chạy
trốn đau khổ, cái đang có thực để vươn tới không đau khổ, cái hư ảo, không có
thực, lại là một tiến trình xung đột, mâu thuẫn, một hình thức đau khổ. Bạn
không phải hành động vì một động cơ nào cả. Hãy cảm nhận, ý thức trực tiếp,
sống với trạng thái đau khổ đó một cách tự do, ung dung, trầm lặng, không nhận
xét, phê phán, không thành kiến tốt xấu. Khi bạn nhìn thấy rõ ràng bản chất của
đau khổ, tức tư tưởng, ký ức… là tự nhiên đau khổ chấm dứt. Khi ta phát giác
được chân tướng của cái sợ là tức thời ta thoát sợ….
Bạn nói: Tôi đang đau khổ, tôi
phải tìm cách chấm dứt đau khổ ! Như vậy bạn đã tự thấy mình như một người kiểm
soát và đau khổ như một đối tượng bị kiểm soát. Bạn đã tách mình ra khỏi cảm
xúc ấy, bạn đã không giáp mặt với đau khổ, không tiếp cận nó, không sống với
nó, bạn đã không thấy được sự thực rằng chính bạn là đau khổ. Do đó, bạn luôn
bất an, xung đột. Vì thói quen, chúng ta đã sống với sự phân chia hư giả, không
có thực, do tư tưởng vẽ bày, ngụy tạo ra đó, nên cuộc sống của ta đầy mâu
thuẫn.
Nhưng nếu bạn trụ lại với
đau khổ, để cảm nhận nó, ý thức trực tiếp nó một cách thân thiết, tinh tế, thâm
sâu, trầm lặng, bạn sẽ thấy một sự thực rõ ràng rằng chỉ có đau khổ đang vận
hành, không có người đau khổ đang quan sát đau khổ, đang tìm cách chấm dứt đau
khổ, người đau khổ do tư tưởng tạo ra, bạn và đau khổ là một, không có sự phân
chia. Khi bạn thấy sự thực này, không qua suy nghĩ, khái niệm, ngôn từ, mà thấy
rõ ràng, hiển nhiên như thấy bạn bằng xương, bằng thịt, đang ngồi đây, và ngay
đó, đau khổ tự kết thúc. Ngàn lần đáng tiếc nếu bạn không nhận ra sự thực đơn
giản này. Khi ta thực sự nhìn thấy, không phải nhận thấy qua ngôn từ, sách vở
mà nhìn thấy trực tiếp trong đời sống rằng người quan sát, người kiểm soát
chính là đối tượng bị quan sát, bị kiểm soát, rằng người tư tưởng và tư tưởng
là một thì toàn bộ tư tưởng tự im bặt và mọi xung đột biến mất…
Khi bạn ngắm nhìn một cội cây,
bạn phải đến thật gần nó, để thấy được bóng mát, màu sắc hoa lá của nó, nó sẽ
nói với bạn tất cả vẻ đẹp của nó. Cũng một cách ấy, để thấu hiểu bản chất của
tư tưởng, lo sợ, đau khổ… bạn đừng tìm cách lẩn tránh, loại trừ nó, mà phải đến
sát nó, ôm lấy nó, sống với nó. Khi ấy, không phải bạn nói với nó mà nó tự hé
lộ, tự bộc bạch với bạn tất cả chiều sâu u uẩn của nó, cái bao la vô lượng của
nó. Rồi thì bạn sẽ thấy sự thực rằng cái đau khổ, cô đơn, lo âu, xao xuyến là
chính bạn và mọi bất ổn, rắc rối, xung đột, khổ đau sẽ chấm dứt”.
Trong một đoạn của Chứng Đạo Ca,
Thiền sư Huyền Giác cũng đã khẳng định sự thực này bằng những lời lẽ đoan quyết
hết sức hùng hồn, đanh thép, nồng nhiệt:
“Chứng thực tướng vô nhân, pháp,
Sát na diệt khước A tỳ nghiệp.
Nhược tương vọng ngữ cuống chúng sinh,
Tự chiêu bạt thiệt trần sa kiếp”.
(Khi thấy được sự thực rằng không có sự tách
biệt giữa ta và sự vật tức khi thấy rằng chủ thể quan sát và đối tương bị quan
sát là một, người tư tưởng, người đau khổ và tư tưởng, nỗi đau khổ là một, thì
lập tức mọi tội lỗi, khổ đau của cõi A tỳ bị tận diệt. Nếu tôi nói sai sự thực
hiển nhiên này, để lừa dối mọi người, tôi xin chịu tội bị cắt lưỡi trong vô vàn
kiếp).
J.Krishnamurti luôn nhắc
nhở phải tiếp cận sự vật (kể cả những sợ hãi, lo âu, phiền muộn…), bằng một tâm
thái trân quý, thân thương (như khi ta
nâng niu một viên ngọc quý hay cầm tay một em bé), không tách biệt,
không chủ thể, đối tượng, hòa nhập làm một với sự vật.
Một lần khác, ông bảo:
“Thiền Định là liên tục
quan sát, theo dõi, cảm nhận, ý thức trực tiếp một cách hoàn toàn tự do về sự
vận hành của toàn bộ tâm thức, những cảm xúc, những suy nghĩ, những khao khát,
thèm muốn, những phản ứng cuả mình trong cuộc sống. Nhưng tất cả đều ngăn cản
không cho bạn tự do quan sát: vợ bạn, chồng bạn, con bạn, hàng xóm bạn, Thượng
Đế của bạn, tôn giáo của bạn, truyền thống của bạn, giáo dục của bạn, tư tưởng,
thành kiến của bạn, những khao khát tìm kiếm an toàn của bạn…..Tự ý thức về bản
thân đòi hỏi sự quan tâm bền bỉ, liên tục. Nó khó khăn, gian khổ hơn nhiều so
với việc lui tới văn phòng, hay bất cứ một công việc lao động, một ngành nghề
khoa học nào. Nếu bạn nhận thấy khó tự ý thức được sự vận hành tâm thức của
chính mình, bạn hãy thử nghiệm viết ra những suy nghĩ, cảm xúc, khao khát, phản
ứng cuả bạn khi nó phát sinh như: những suy nghĩ viển vông về khoái lạc, về nhục
dục, những phản ứng so đo, ghen tị, những thèm khát, mong muốn thầm kín, những
ẩn ý nằm trong lời nói….Bạn có thể dành thì giờ trước bữa ăn sáng, trước giờ đi
ngủ hoặc bất cứ lúc nào trong ngày để viết. Bạn viết nhiều lần trong ngày và
viết trong nhiều ngày. Bạn viết tự do, thoải mái, không phán xét, phê bình.
Trong quá trình tự viết về tâm trạng mình, bạn sẽ tự thấu hiểu mình bằng ngọn
lửa chú tâm, rồi thì những nguyên nhân xung đột sẽ được khám phá và đốt cháy.
Việc viết ra những suy nghĩ, cảm xúc, khao khát, phản ứng của mình một cách tự
do, thích thú sẽ mang đến sự cộng tác hòa hợp giữa vô thức và hũu thức, một sự
hợp nhất và thấu hiểu vô cùng sâu sắc”.
Thiền Định là cách lắng nghe,
theo dõi, nhìn ngắm, nhận biết mọi vọng động của Tâm thức mình như cảm giác,
tâm tư, ý nghĩ, dục vọng... một cách ung dung, tự tại, trung thực, tự nhiên,
thoải mái, vô vi, khách quan, thụ động, mẫn tiệp, linh động, uyển chuyển, tuyệt
nhiên không đặt tên, phê phán, so đo, chọn lựa, can thiệp, lưu giữ, hồi tưởng,
tái tạo, hay lẩn tránh, xua đuổi, trấn áp, loại trừ...Khi toàn bộ tư tưởng,
tham dục, vô minh trước nhiễm, những vọng niệm vị kỷ được quan sát tỏ tường,
thâm sâu, tận triệt, tới tầng lớp vi tế, u uẩn, căn để nhất, chúng sẽ hiện rõ
chân tướng, bản chất, nguyên hình, thực trạng là sai lầm, mù quáng, loạn động,
bất an, tai hại, phiền não... và chúng lập tức được tâm thức thấu hiểu từ gốc
rễ thâm sâu tới ngọn ngành vi tế, nhỏ nhiệm nhất.
Cái thấy biết bỗng chốc, sực
tỉnh, mãnh liệt, sâu sắc, dứt khoát, bén nhậy, minh triết, uyên thâm cùng tột
tận bản chất rốt ráo của tư tưởng, dục vọng vô minh này, được gọi là Giác. Khi bản chất tư tưởng, dục vọng vô minh này tự bộc lộ
chân tướng và được thấu hiểu toàn triệt, thì tức thời, ngay đó, chính nó, tức
những ý niệm, vọng tưởng, tham dục, thành kiến, mù quáng, mê muội, sai trái, vị
kỷ, loạn động, phiền não, trói buộc, trước nhiễm từ bao đời quá khứ, tức cái
Trung Tâm Bản Ngã, cái kho tàng huân tập kinh nghiệm khổng lồ… đột ngột sụp đổ,
tan biến hoàn toàn, tự tận diệt, tự vong bặt, để nhường chỗ cho một Tâm thái
thênh thang, tự do, tự tại, vắng lặng, thường hằng, sáng suốt vô biên, phúc lạc
tuyệt trần, giải thoát khỏi tất cả mọi kiềm tỏa, thúc phược. Sự tan biến của
Bản Ngã và sự hiện lộ, sự tràn ngập, chan hòa trạng thái thanh bình, tịch lặng,
tự do, an lạc này gọi là Ngộ. Như vậy, Giác Ngộ là giây phút đột ngột diễn
ra khi cái Bản Chất vô minh của Bản Ngã ý niệm được bừng tỉnh, lập tức nó tan
biến và được thay thế bởi trạng thái Tâm thức Giải Thoát tự do, tịch lặng, sáng
suốt, phúc lạc vĩnh viễn, tuyệt vời.
Trong kinh Pháp Cú (Dhammapada),
phẩm Jaràvagga, Phật Tổ nói rất rõ về giây phút Giác Ngộ qua bài kệ Udana (Kệ Hoan Hỷ):
“Trải qua bao kiếp sống, (Sinh,
tử hữu vô lượng,
Tìm hoài mà chẳng gặp Vãng,
lai vô đoan tự,
Kẻ xây cất ngôi nhà Cầu ư ốc
xá giả
Luân hồi bao phiền não. Sác sác
thọ bào thai.
Người cất nhà lộ rõ, Dĩ quan
thử ốc,
Không còn xây nhà nữa. Cánh bất
tạo xá.
Xà, kèo đều gãy đổ, Lương,
sạn dĩ hoại,
Mái, sườn cũng nát tan. Đài, các
tồi chiết.
Tâm không còn tạo tác, Tâm dĩ
ly hành,
Ái dục thảy tiêu vong”. Trung
gian dĩ diệt).
Đây là bài kệ ghi lại lời Phật
reo lên khi thực chứng giây phút Giác Ngộ, giây phút cực kỳ lạ lùng, tinh khôi,
mãnh liệt, khi bỗng nhiên toàn bộ vọng niệm, tham chấp, mục đích, mong cầu, bất
an, lo lắng, phiền não, khổ đau … nhất tề tan biến trong chớp nhoáng, tức thời
nhường chỗ cho cảnh giới Giải Thoát an lạc, thanh bình, thông suốt, minh linh,
vắng lặng, thênh thang, tự do, tự tại … hiện tiền. Ngôi nhà phiền não chính là cái Vọng Ngã, cái Ta tâm lý, cái Tôi vị kỷ, cái Chủ Thể tư
tưởng, cái Bản Ngã ý niệm, cái Trung Tâm tư duy, tham dục... Xà, kèo, mái, sườn của ngôi nhà phiền não chính
là những thành phần cấu tạo nên Bản Ngã ý niệm như cảm thọ, kinh nghiệm, tư
tưởng, ý thức (thọ, tưởng, hành, thức) và toàn bộ những bộ phận liên quan, phụ
thuộc của nó như thành kiến, khái niệm, nhận xét, so sánh, ước mơ, khao khát,
dự tính, can thiệp, tranh chấp, củng cố, chiếm hữu, vươn tới, trở thành... với
những hệ quả độc hại của chúng như mê lầm, sai trái, xung đột, bất an, lo âu,
phiền não, đau khổ … Kẻ xây cất ngôi nhà
chính là cái Tâm Huân Tập, đứng
ra hồi tưởng, ghi khắc, gom
chứa, tích lũy những hình ảnh dĩ vãng của thực tại để kiến tạo nên Bản Ngã ý
niệm, một kho kinh nghiệm,
kiến chấp, tham dục, vị kỷ, khổng lồ, vô cùng bền vững, sâu dày. Qua thời gian rất dài, hành giả quán
chiếu, thám sát, để truy tìm cho ra nguyên nhân gốc rễ của mọi mê lầm, sai
trái, lo buồn, khổ lụy của con người, tức tìm cho ra kẻ xây dựng ngôi nhà phiền não, thủ phạm kiến tạo ra mọi tội
lỗi, khổ đau của trần gian sinh tử này. Nhưng hành giả vẫn chưa thành công.
Cuối cùng, nhờ sự quán chiếu tịch lặng, thông suốt, tinh tế, thâm sâu cùng tột
qua bao kiếp sống, hành giả đã trực ngộ ra rằng kẻ xây cất ngôi nhà phiền não chính là cái Tâm Huân Tập, đồng thời cũng nhận ra sự thực hiển
nhiên rằng cái đứng ra kiến tạo cũng chính là vật được kiến tạo, kẻ xây nhà cũng là ngôi nhà, cái Tâm
Huân Tập chính là cái Chủ Thể
tư tưởng, Bản Ngã ý niệm. Hành
giả cũng thấu triệt chính xác, tỏ tường, trọn vẹn từ ngọn nguồn, tới hành tác,
bản chất, cho tới toàn bộ những hệ quả mù quáng, mâu thuẫn, loạn động, sai
trái, độc hại … cuả Bản Ngã ý niệm. Khi Bản Ngã tư tưởng bị lộ bày diện mục,
chân tướng, nguyên hình là hư giả, mê lầm, sai trái, bất minh, bất thiện, độc
hại, nguy hiểm … nó lập tức im bặt, thôi tạo tác, chấm dứt vận hành, kiến tạo,
tài bồi, xây đắp, gom chứa, và ngay đó, tự thân Bản Ngã, ngôi nhà phiền não, tức toàn bộ lâu đài
tư tưởng, thành trì ý niệm, kho tàng kiến thức, bản doanh tham chấp, mà thành
phần gồm vô vàn kinh nghiệm, sở tri, thành kiến, khái niệm, khuôn mẫu giá trị,
ý kiến, lập trường, mục tiêu, lý tưởng, lo âu, ước mơ thầm kín, tham dục sâu
lắng … được vun đắp, kiến thiết, tạo dựng, tích lũy, tài bồi từ bao đời dĩ
vãng, bỗng nhiên tan tành, sụp đổ. Toàn bộ cái tâm chấp trước, tham cầu, ái dục
tiêu vong, tịch diệt, biệt tăm, mất dạng.
Qua vô vàn quá khứ, con
người đã hồi tưởng, ghi khắc, cưu mang, tích lũy một khối kinh nghiệm, kiến
thức, khái niệm, tham chấp khổng lồ, để hình thành một trung tâm Bản Ngã sâu
dày, bền chặt, đối lập sâu sắc với tha nhân, ngoại vật. Bản Ngã tư tưởng thường
xuyên can thiệp, nhận định, so sánh, lựa chọn, sửa sai, củng cố, thèm khát,
vươn tới, trở thành … Nó là cội nguồn của tất cả mọi tội lỗi, phiền não, khổ
đau trên đời. Qua phân tích, nhận xét, truy nguyên, tìm hiểu bằng trí năng,
bằng ý thức, ta đã thấy rất rõ điều này. Nhưng ta vẫn không thể trấn áp, loại
trừ, thủ tiêu, quăng bỏ cái khối tập kiến vị kỷ mênh mông, sâu thẳm, thâm căn,
cố đế, tinh ma, quái ác, vô phương, bất trị này bằng ý chí, lý trí, quyết tâm,
nghị lực. Mọi chủ ý, phương án, kế hoạch, dụng tâm, nỗ lực đều vô hiệu, đều
không thể giúp ta vượt thoát cái ngục tù ý niệm, mạng lưới tư tưởng cực kỳ bí
hiểm, trí trá, bao la, bền chắc, dày đặc này.
Nhà bác học Albert
Einstein đã khẳng định:
“Phá vỡ một định kiến cố kết nơi
tâm còn khó khăn hơn phá vỡ một hạt nhân nguyên tử”.
Chỉ có tâm thái Thiền
Định, cái quán chiếu không qua trí năng, mà bằng tâm chứng, thể nghiệm trực
tiếp, trung thực, tịch lặng, vô ngôn, vô vi, vô niệm, vô cầu, minh linh, thâm
sâu, vi tế, thông suốt, tỏ tường mới khiến Bản Ngã ý niệm mênh mông, sâu dày,
quỷ quyệt bộc lộ chân tướng, nguyên hình mê lầm, sai trái, độc hại của mình ở
tận tầng lớp uyên nguyên, nguồn cội, sâu lắng, u uẩn, nhỏ nhiệm, vi tế cùng
tột. Lập tức Bản Ngã tư tưởng im bặt, chấm dứt vĩnh viễn mọi hành hoạt, tạo
tác, đảo điên, loạn động. Thâm căn, cố đế của nó đã bị bứng gốc, hốt sạch tận
phần căn để của Tiềm Thức. Cuộc cách mạng Tiềm Thức đã thành tựu viên mãn, trọn
vẹn.
Kinh Viên Giác bảo:
“Tri
huyễn tức ly. Ly huyễn tức Giác”.
(Thấy vọng tưởng, vô minh
là hư huyễn tức thì xa lìa nó. Xa lìa hư huyễn chính là Giác).
Nói khác đi, điều hư huyễn được hiểu biết, nó
liền tan biến, đấy gọi là Giác Ngộ
Lão Tử bảo:
“Phù
duy bệnh bệnh, thị dĩ bất bệnh”
(Khi biết rõ trạng thái bệnh là
đau bệnh, là bất thường, là bệnh lý, thì lập tức bệnh tiêu tan).
Cũng vậy, khi biết rõ bản chất của vọng niệm,
vô minh là mê lầm, mù quáng, sai trái, thì ngay đó, vọng niệm, vô minh liền
vong bặt, biệt tăm, mất dạng và Bản Tâm vắng lặng, minh linh lại sáng tỏ thường
hằng.
J. Krishnamurti cũng bảo:
“Bạn không phải làm gì cả
để gọi mời ánh sáng. Chỉ cần bóng tối lui đi là ánh sáng tự nhiên hiển lộ. Bạn
không cần nỗ lực để vươn tới điều phi thường, tối thượng, mà cần quan sát trung
thực, nhận rõ chân tướng của vô minh, phiền não ở những tầng lớp thâm sâu, vi
tế, kín đáo nhất. Khi đó, Tự Do, Giải Thoát sẽ đến với ta một cách hồn nhiên,
lặng lẽ, u uẩn”.
Ông diễn tả trạng thái Giác Ngộ:
“Một cái nhìn cực kỳ sắc
bén, minh triết tột cùng thấy suốt bản chất mù quáng, sai lầm, vô minh của tư
tưởng, dục vọng như một nhát búa mãnh liệt, chớp nhoáng, dứt khoát, chặt phăng
toàn bộ gốc rễ sâu dày, tiềm ẩn của tư tưởng, dục vọng: đó là
trạng thái Giác. Thế giới ý niệm phiền não, mê lầm, thâm căn, cố đế
trước đây bỗng chốc đổ vỡ, nát vụn tan tành, tan biến hoàn toàn, và chúng ta
đột nhiên rơi vào, ngự vào một cảnh giới tinh khôi tuyệt trần, tự do thênh
thang, tịch lặng vô cùng, diễm phúc vô hạn: đó là trạng thái Ngộ”.
Vậy, khi Giác là tức thời có Ngộ. Giác
và Ngộ là một giây
phút, một biến cố duy nhất: giây phút Giác
Ngộ ().
Qua giây phút Giác Ngộ, Tâm bậc Đắc Đạo đã bước sang bến bờ Giải Thoát, đã vào
cõi Tịnh Độ, đã chứng đạt cảnh giới Niết Bàn, vĩnh viễn không còn dính dấp gì
với tâm địa mê lầm, vọng động, phiền não của trần gian tục lụy. Tâm bậc Giác
Ngộ đã rung động với tần số hoàn toàn cao siêu, thanh tịnh mà không một giao
động phiền não nhỏ nhặt nào xâm phạm được, không kỹ thuật điện não đồ nào đo
được sóng não. Giác Ngộ là giây phút bước qua ngưỡng cửa Giải Thoát đặt chân
vào cõi Tịnh Độ, Thiên Đường, Cực Lạc, nơi đây tự do, an lạc là thường hằng,
vĩnh cửu, sáng suốt là vô lượng, vô biên, tình thương là mênh mông, vô hạn.
Phật Giáo gọi cuộc Cách Mạng
Tiềm Thức tuyệt đích này, giây phút thay đổi đột ngột từ Mê sang Ngộ, từ Phàm
sang Thánh, từ Phiền Não sang Bồ Đề, từ Ta Bà sang Tịnh Độ, từ trói buộc ngục
tù sang tự do giải thoát... này là Hoát
Nhiên Đại Ngộ hoặc giây phút đạt quả vị Vô Thượng Chính Đẳng, Chính Giác
(Anuttara Samyah Sambodhia). Giác Ngộ là một cuộc lột xác
tâm hồn, một cuộc Đại Cách Mạng tận Tiềm Thức, một Đại Biến Cố tinh thần vô
cùng đột ngột, một cuộc Chuyển Biến căn để tột cùng, một giây phút bừng tỉnh
cực kỳ mãnh liệt, thâm thúy cội nguồn, sâu sắc triệt để, minh triết trọn vẹn về
sự sai lầm muôn thuở của Bản Ngã ý niệm vị kỷ, do đó Bản Ngã y niệm vị kỷ được
tập nhiễm, tài bồi, kiến tạo từ bao đời dĩ vãng đã tự tan biến để hòa nhập vào
Đại Ngã thường tịch, an lạc, hợp nhất với Bản Thể Uyên Nguyên của Vũ Trụ. Tâm
thức của Tiểu Vũ Trụ đã bắt đúng tần số thanh tĩnh, vi diệu, đã hòa nhịp, hòa
đồng vào tâm thức Đại Vũ Trụ. Đây là lúc “Ngô tâm tiện thị Vũ Trụ chi tâm” (Tâm
của ta chính là Tâm của Vũ Trụ). Sau khi bừng tỉnh đột ngột về bản chất vô minh
của tâm chấp trước, tâm thức con người đã quăng đi toàn bộ gánh nặng tập nhiễm,
mê lầm, trói buộc để thấy lại Bản Lai Diện Mục, Bản Nguyên Phật Tính, vốn có từ
vô thủy, vắng lặng, sáng suốt, thanh bình, an lạc, thường hằng.
Khi nói về Giác Ngộ, Lục Tổ Huệ
Năng quả quyết:
“Đốn Ngộ
hoa tình dĩ,
Bồ Đề quả tự thành”.
Kinh
Pháp Bảo Đàn. Phẩm Phó Chúc.
(Khi hoa Đốn Ngộ bừng nở,
Ấy là lúc thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề).
Cái học nội tâm “Bích Quán”, mà
Sơ Tổ Thiền Đông Độ Bồ Đề Đạt Ma (?- 528) truyền dạy, là cái học tự tri, ngồi
quay mặt vào vách, chú tâm vào thế giới nội tâm, lắng nghe mọi xung động tâm
thức, mọi tạp niệm, vọng tưởng, theo dõi mọi hiện tượng nổi lên ở bên trong như
cảm nhận, ý niệm, tâm tư, dục vọng, một cách tự do, thoải mái, không gò bó, nỗ
lực, tuyệt không một mảy may ý kiến, tư kiến, định kiến, tham chấp, mưu cầu nào
cả….để kiến Tính thành Phật.
Bài thuyết pháp của Sơ Tổ trước
triều đình Lương Vũ Đế (thế kỷ thứ 5), có thể thâu tóm tất cả yếu chỉ của Thiền
Tông:
“Tâm là Phật. Tưởng tượng Phật ở
ngoài Tâm là mê sảng. Sự tĩnh lặng của Tâm là Niết Bàn. Tâm của mỗi người đều
đồng điệu và tương ứng với Thực tại muôn đời, muôn nơi.
Chỉ cần một điều duy nhất là
tĩnh tâm để kiến Tính, để nhìn thấy Phật Tính. Thấy Phật Tính, Pháp Thân ở Tâm
mình là Giải Thoát, là chứng Niết Bàn.
Không phải cứu độ ai cả, vì
chúng sinh đều là Phật. Không phải van xin cầu cạnh ai cả, vì không có vị Phật
nào hơn mình. Không phải học hỏi ai cả, vì không có vị Phật nào hiểu mình hơn
mình. Hãy quăng bỏ tất cả mọi ảo ảnh về Chư Phật, bởi vì Phật ở sẵn tại Tâm
mình.
Không có bất kỳ quyển kinh nào
đáng cho ta mở ra đọc, vì học kinh, khổ hạnh đều vô ích. Mộng không thể học
được, Chết không thể học được, thấy Phật Tính nơi tâm mình không thể học được.
Kinh kệ, học hành không có lợi ích gì cả. Một kẻ không đọc được một chữ, khi
thấy Phật Tính nơi Tâm mình là giác ngộ thành Phật.
Kiến Tính không thể chia
ra từng phần. Kiến Tính giản dị như việc nuốt đồ ăn. Ta biết nuốt, hoặc không
biết nuốt. Chỉ có vậy thôi. Không có lý thuyết viển vông về việc nuốt đồ ăn.
Không có tội lỗi nào cả. Chỉ có
tội duy nhất là tội vô minh, không thấy được Phật Tính ở chính Tâm mình. Kiến
Tính là thành Phật, thành bậc Giác Ngộ”.
Lục Tổ Huệ Năng (638-713) dạy:
“Nhược năng tâm trung tự kiến Chân,
Hữu Chân tức thị thành Phật nhân.
Bất kiến Tự Tánh ngoại mích Phật,
Khởi tâm tổng thị đại si nhân”.
Kinh
Pháp Bảo Đàn. Phẩm Phó Chúc.
(Hễ thấy được Sự Thật đang diễn
ra ở nội tâm là nắm bắt được cái nhân trở thành bậc Giác Ngộ. Không thấy được
Tự Tánh, cái sáng suốt, thanh bình, an lạc, ở nội tâm, mà lại lo tìm hạnh phúc
giải thoát ở bên ngoài là cách hành sử của những người đại si mê mù quáng).
Trong gần 40 năm hoằng pháp, Lục
Tổ chỉ truyền dạy có vấn đề “Minh Tâm,
Kiến Tính”. Lắng nghe, theo dõi, quán sát mọi vọng niệm của Tâm
thức, của nội tâm một cách tỏ tường, trong sáng, không một tư kiến gì, để thấy
rõ bản chất của tư tưởng tập nhiễm, của vọng tưởng, tạp niệm là sai trái, là mê
lầm: đó là Minh Tâm. Minh Tâm là
Giác. Tức thì, ngay đó, vọng
niệm chấp trước, tư tưởng tập nhiễm, tự diệt vong, tan hủy, nhường chỗ cho Chân
Tâm, Bản Tính vốn có, sáng suốt, thanh bình, thường lạc hiển lộ: đó là Kiến Tính. Kiến Tính là Ngộ. Vậy Minh Tâm, Kiến Tính chính là Giác Ngộ.
Thiền sư Thần Hội (668-760), đệ
tử nổi tiếng của Lục Tổ, trong Hiển Tông Ký, cũng nói rất rõ:
“Tri tức biết Tâm không lặng.
Kiến tức thấy Tính vô sinh”.
Tri là quán chiếu, thấy biết tỏ
tường bản chất vô minh, vọng động của Tâm thức vị ngã: đấy là Giác. Kiến là chứng ngộ Tự Tính, Chân Tâm bất sinh, bất diệt:
đấy là Ngộ. Khi Tri Tâm (Giác) là tức thời có Kiến Tính (Ngộ)
Nhà Thiền bảo Giác Ngộ chính là sự biến đổi đột ngột,
tức thời, chớp nhoáng từ phiền não sang Bồ Đề từ mê sang Ngộ, từ phàm sang
Thánh, từ Tâm Địa Dạ Xoa sang Diện Mục Bồ Tát:
“Tạc nhật Dạ Xoa Tâm,
Kim triêu Bồ Tát Diện.
Bồ Tát dữ Dạ Xoa,
Mạc cách nhất điều tuyến”.
(Hôm qua còn mang Tâm Dạ Xoa,
sáng nay đã thành Mặt Bồ Tát. Bồ Tát với Dạ Xoa, chẳng cách nhau một đường tơ).
Lục Tổ cũng bảo:
“Mê văn kinh lụy kiếp.
Ngộ tắc sát na gian”
(Mê thì suốt đời chạy theo kinh
sách. Ngộ là kiến Tính ngay trong khoảnh khắc).
J. Krishnamurti cũng nói:
“Chân Lý không đạt được
qua ngõ thời gian, ta thấy Chân Lý tức thời, hoặc ta không thấy Chân Lý, chứ
không phải lần hồi thấy Chân Lý”.
Phật và chư Tổ đã hướng dẫn
Thiền Định như một phép Quán Tâm phổ thông, đại chúng, hay đúng hơn, một pháp
môn Vô Môn, một nghệ thuật sống hoàn hảo phi thường, thích hợp với mọi căn cơ,
để một tâm địa sơ cơ, thô đại, chấp trước, mê lầm, loạn động, phiền não...thành
tâm thức vi tế, trong sáng, tịch lặng, giải thoát...
Tham Công Án là một lối tu Thiền
nghiêm khắc, dũng mãnh dành cho những hành giả căn cơ đặc biệt. Thoại Đầu hay
Công Án được đề cập trong Vô Môn Quan và Bích Nham Lục, là một từ hoặc một câu
rất tối nghĩa, không thể lý giải bằng tư tưởng, suy luận, ví dụ:“Vô?”, “Bản lai diện mục trước khi cha mẹ sinh ra
là gì?”, “Tiếng vỗ của một bàn tay?”, “Tất cả quy về một, một quy về đâu?”… được
thiền sư đưa ra để thiền sinh tham cứu, tìm lời giải đáp. Thiền sinh phải dốc
tâm dành trọn thời giờ, công sức để tìm hiểu, khai phá Công Án. Họ đã vận dụng
hết khả năng của lý trí, nỗ lực của ý chí để tìm lời giải đáp, nhưng không
thành công. Nghi tình, phẫn chí lên tới cực điểm. Họ đi tới giới hạn tận cùng
của nỗ lực, suy tưởng. Tự trong sâu thẳm của tâm thức, họ thấy mọi suy luận, lý
giải đều vô vọng, vô ích, và tâm họ tự nhiên hết toan tính, tìm kiếm, xoay xở,
máy động. Tâm họ trở nên tịch lặng, trong sáng. Họ đột nhiên bừng tỉnh về sự
bất lực, sai trái, vô lý của tư tưởng, của ý chí và ngay đó, mọi ý niệm, mọi
tham dục, mọi tìm cầu đều vong bặt.
J.Krishnamurti bảo:
“Bạn gặp một khó khăn, rắc
rối và bạn suy nghĩ về nó, bạn lo lắng về nó, bạn áp dụng tất cả mọi phương
tiện trong giới hạn suy nghĩ của mình để tìm hiểu nó, nhưng không được. Cuối
cùng bạn nói: mình không thể làm gì được nữa. Không ai có thể giúp bạn thấu hiểu
được, không giáo điều nào, không sách vở nào giúp bạn được. Bạn bị bỏ lại cùng
khó khăn, rắc rối đó và bạn không có cách nào thoát ra được. Vì bạn đã dồn hết
sức để giải quyết nhưng thất bại, nên bạn không thèm quan tâm, lo lắng, giằng
co với nó nữa, không còn nói: tôi phải tìm ra giải pháp nữa. Do đó tâm bạn trở
nên tĩnh lặng và từ sự tĩnh lặng này bạn tìm ra lời giải đáp. Đã bao giờ điều
này xảy ra với bạn chưa?. Các nhà toán học, khoa học và một số người đã gặp
điều này trong cuộc sống. Điều này có nghĩa là tâm thức bạn đã tận dụng hết khả
năng để suy nghĩ, nó đã tới ranh giới tận cùng của tất cả mọi suy nghĩ mà không
tìm được câu trả lời, nó trở nên tĩnh lặng một cách tự nhiên, không gượng ép.
Trong sự tĩnh lặng không tồn tại bất kỳ sự lựa chọn, băn khoăn, lo lắng nào,
ngay đó một nhận thức thông suốt lập tức xuất hiện, nó giải quyết tất cả mọi
khó khăn, rắc rối. Chính khoảnh khắc bạn nhận ra bản chất của vấn đề, tức toàn
bộ hành tung của tư tưởng, vấn đề sẽ hoàn toàn kết thúc”.
Để minh họa giây phút hoát nhiên
Giác Ngộ, Thiền Tông đã đưa ra ví dụ về một con chuột đào hang vào một cót thóc
lớn để ăn thóc. Ăn xong, nó tìm đường ra, nhưng vì vô minh, nó cố công cùng sức
đào bới về phía trước. Càng đào, càng tiến sâu vào trung tâm vựa lúa, càng thấy
bí lối, cùng đường, nó càng phẫn chí, thất vọng. Đột nhiên, nó quay lại phía
sau, chuột bừng tỉnh chớp nhoáng về sự sai lầm, mù quáng, vô lý về ý nghĩ, hành
vi mình, và tức thì nó thấy ngay lối thoát. Giác Ngộ (giây phút hành giả bừng
tỉnh về sự mê lầm của tư tưởng, vọng niệm, của sự dụng công mưu cầu Giải Thoát,
và lập tức thấy ngay giải đáp của vấn đề) đã được ví với thời điểm chuột tìm ra
lối thoát. Để mô tả giây phút Giác Ngộ nhà Thiền nói:
“Khổ hải mang mang, hồi đầu thị ngạn”
(Biển khổ mênh mông, quay đầu là bờ giải
thoát).
Động thái quay đầu được ví
với trạng thái phản tỉnh đột ngột của tâm thức trong giây phút Giác Ngộ.
c) Thiền
là phép Quán Pháp
Quán Pháp là buông bỏ mọi kiến
chấp, tham dục vị ngã, chú tâm trọn vẹn vào Vạn Hữu (thế giới hiện tượng đang
biểu hiện, đang hiện hành, đang diễn ra).
Nhà Thiền bảo:
“Điểu ngữ, thuyền minh giai Đạo Lý.
Sương đầu, diệp lạc thị Thiền Na”
(Chim hót, ve kêu đều là Đạo.
Sương sa, lá rụng chính là Thiền).
Thiền Định là buông bỏ
toàn bộ thành kiến, chấp trước, tham dục vị kỷ, thấy biết, chú tâm trung thực,
trọn vẹn vào tất cả mọi hiện tượng đang diễn ra, vào tất cả Vạn Hữu đang hiện
tiền như: hình ảnh, màu sắc, khuôn mặt, nụ cười, trời, mây, sông, núi, hoa cỏ,
nhà cửa, áo quần, những âm thanh của suối reo, chim hót, lá rơi, chuông rung,
gió động...mà tuyệt không lưu giữ hình ảnh của chúng, không bị những hình ảnh
dĩ vãng hư giả của chúng khêu gợi, gây ấn tượng, dẫn giắt vào những dòng tư
tưởng, tạp niệm miên man bất tận.
Như vậy, Thiền Định không chỉ
giới hạn trong việc Quán Tâm, không chỉ là việc quan sát nội tâm, mà là sự chú
tâm trọn vẹn vào tất cả Vạn Hữu, vào tất cả mọi hiện tượng đang xảy ra trong tự
nhiên, không phân biệt nội tâm hay ngoại giới vì năng và sở là một, tâm và cảnh
hợp nhất, bất khả phân. Mọi thông tin, mọi cảm nhận, đáp ứng, mọi hiện tượng,
mọi sự vật, nói chung là Vạn Hữu, chính là mối quan hệ tương tác giữa thân, tâm
ta với nội môi, ngoại môi. Thế giới hiện tượng, có được là do sự tương tác giữa
các thụ thể thần kinh thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và hệ
thần kinh cao cấp trung ương với các tác nhân kích thích từ môi trường như hình
sắc, âm thanh, mùi vị, nhiệt cơ năng tạo thành. Phật bảo các Pháp Hữu Vị, tức
Vạn Hữu, tức Sự Vật đang hiện hành đều do sự tương tác giữa năng và sở, giữa
lục căn (nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý) và lục trần (sắc, thanh, hương, vị,
xúc, pháp) mà hiện hữu. Thiền Định là buông bỏ mọi kiến chấp, tham dục vị ngã,
cảm nhận trực tiếp, thực chứng tất cả mọi sự vật đang hiện hữu, đang hiện hành,
đang diễn ra, y như chân tướng của chúng bằng một tâm thái vô nhiễm, vô trụ, vô
niệm, vô chấp, vô cầu...
Trong Kinh Theranamo, thuộc
Samyutta Nikaya, Phật bảo:
“Này Theranamo, ông hãy buông bỏ
những cái đã qua, những cái chưa tới, quán chiếu vào những cái đang xảy ra
trong hiện tại, để đừng bị kẹt vào, là cách sống một mình (tức Thiền Định) hay
hơn cả….Ông hãy thấy như thực thấy, nghe như thực nghe, xúc như thực xúc, thọ
như thực thọ. Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy, trong cái nghe sẽ chỉ là cái
nghe, trong cái thọ sẽ chỉ là cái thọ...”.
Những cái đã qua là những kinh
nghiệm, kiến thức, kỷ niệm dĩ vãng, những ý nghĩ lăng xăng, những ý kiến về tốt
xấu, đúng sai, hơn thiệt … tức những hình ảnh hư huyễn, đã qua của sự vật, do
ký ức ôm giữ, hồi tưởng, tái tạo lại. Những cái chưa tới là những tính toán,
những dự kiến, những điều mơ ước, những mưu cầu thành đạt, vươn tới, những lo
sợ vị kỷ, sợ thua kém, thiệt thòi, mất mát, bất trắc, không an toàn, không
trường cửu... đều được chế tạo, ngụy tạo bằng những chất liệu quá khứ, lấy ra
từ kho tàng kinh nghiệm, ký ức, tiềm thức. Những cái đã qua, những cái chưa
tới, đều là sản phẩm của tư tưởng, đều là vọng tưởng hư giả, những hình bóng
quá khứ đã chết, đã đoạn diệt, đã một đi không bao giờ trở lại (nhất kiến, bất
khả tái kiến), tuyệt nhiên không còn dính líu gì tới những hiện tượng đang diễn
ra, đang mới lạ tuyệt trần, đang thanh tân trong từng khoảnh khắc.
Đoạn kinh này Phật dạy
hành giả hãy buông bỏ tận triệt những ý niệm, thành kiến, tham dục vị kỷ đang
cưu mang trong đầu óc, để tâm được thanh bình, vắng lặng, trong sáng, sạch làu,
quán chiếu tỏ tường, thức tỉnh trọn vẹn, nhận biết trực tiếp, chú tâm toàn vẹn
vào những thông tin, những cảm nhận, đáp ứng của Thân, Tâm ta đang tương tác
với Vạn Hữu như cái thấy, cái nghe, cái cảm giác nóng, lạnh, mùi, vị... tịnh
không xen một tạp niệm vọng tưởng nào. Khi ta buông bỏ toàn triệt những kiến
chấp, tham dục vị kỷ, tâm ta trở nên tịch lặng, minh linh, huyền đồng, thông
suốt, giống hệt Chân Tâm, hoà nhập làm một với dòng sống chung của Vạn Hữu,
đang trôi chảy, mới lạ liên tục, cảm thông Thực Tại trọn vẹn, minh bạch, trung
thực, chính xác….y như nó đang là. Khi ta chú tâm trọn vẹn vào hiện tượng, ta
đang tiếp xúc, đang liên hệ, đang tương tác thì trên vỏ Đại Não, chỉ có một
điểm hưng phấn tương ứng với nguồn thông tin đang diễn ra. Các phần khác của vỏ
Đại Não ở trong trạng thái ức chế, nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng.
Khi buông bỏ những cái đã
qua, những cái chưa tới, tự nhiên có sự quán chiếu tỏ tường, chính xác, trung
thực vào cái đang xảy ra. Khi chú tâm trọn vẹn vào hiện tiền, thì tự nhiên
không bị lôi kéo, vướng kẹt bởi ngoại cảnh. Theo lời Phật dạy, qua các khâu buông bỏ, quán chiếu, đừng để bị dính kẹt,
ta thấy buông bỏ là
khâu đầu tiên, căn bản, tuyệt đối không thể thiếu, là điều kiện cần và đủ của
tâm thái Thiền Định.
Như vậy, Thiền Định là thấy mọi hiện tượng,
Vạn Hữu đang như vậy, thấy cái đang là như vậy, tịnh không một ý kiến gì cả,
không một mảy may vọng niệm, tư tâm, tư dục. Thiền Định là thấy biết trạng thái
nội tâm (kể cả những bất an, vọng động, phiền não...) đang như vậy, là thấy
biết thế giới hiện tượng, vạn sự, vạn vật đang diễn ra như vậy, tuyệt nhiên
không khởi lên cách đặt tên, gọi tên trạng thái, hiện tượng đang diễn ra là gì,
không nhận xét rằng nó tốt hay xấu, lợi hay hại, không biết vì sao nó như vậy,
tại sao nó như thế, không biết nó sẽ ra sao, sẽ thế nào, không muốn nó phải như
thế này hoặc như thế nọ... Tam Tổ vẫn nhắc nhở: “Dẫn kỳ sở dĩ. Bất khả phương
tỷ” (Không vướng mắc, so sánh, cân nhắc, chọn lựa về nguyên nhân, về hậu quả
hơn thiệt của sự việc đang hiện tiền). Ta chỉ có một việc duy nhất là “thuần thấy biết” Vạn Hữu đang hiện
hành như vậy là như vậy, như thế là như thế, một cách ung dung tự nhiên, thoải
mái, lặng lẽ, tinh tế, tỏ tường, khách quan, trung thực...tịnh không dẫn giắt,
lôi cuốn, ràng buộc, vướng mắc, dính kẹt, liên hệ, nối kết cái “thuần thấy biết” đó với bất cứ một
dòng tư tưởng diễn dịch miên man, lê thê, bất tận nào.
Nói khác, Thiền Định là tâm Thái
buông bỏ toàn triệt mọi hình thức tập niệm, vọng tưởng như đặt tên, nhận định,
đánh giá, suy diễn, liên hệ, lo toan, tính toán, chọn lựa, mưu cầu, can
thiệp...để thấy biết Vạn Hữu một cách trung thực, trọn vẹn, y nguyên, như nó
đang là, thấy biết y như thực tướng, thực trạng đang hiện hữu của nó.
Phật Thích Ca gọi Thiền Định là:
“Cái thấy biết như thực”
(Yathabhutan), hoặc “Cái thấy như vậy,
cái biết như vậy” (Evam janato, Evam passato). “Cái thấy biết đúng như thực, đúng như vậy”, không bị méo mó, lệch lạc bởi
vọng niệm, tà kiến, tham dục, chấp thủ, được Phật minh họa rõ ràng, cụ thể
trong kinh Sa Môn Quả:
“Trên
núi có một ao nước trong, sạch và lắng đứng. Người đứng trên bờ nhìn xuống
nước, thấy sò và ốc, cát, sỏi, đá và bầy cá tung tăng bơi lội hoặc nằm im.
Người ấy tự nhiên thấy biết như vậy.”
Thấy một bông hoa, một nụ cười,
một khuôn mặt, một thân hình, một phong cảnh, một bức tranh, một ngôi nhà, một
chiếc xe, một cảm giác êm dịu... ta cố bám víu, lưu giữ, hồi tưởng, khắc ghi,
tái tạo lại hình ảnh những cảm nhận đó, để duy trì, để sống lại với cảm nhận
đó, để nhận định, để suy diễn, để tính toán, để mưu cầu thủ đắc những sự vật
đó, hiện tượng đó trong dòng vọng niệm miên man bất tận. Ta đang bị dính kẹt,
vướng mắc vào những hình ảnh hư huyễn, đã qua của sự vật. Ta không còn thực
chứng được trọn vẹn, không quán chiếu, chú tâm viên mãn được vào những hiện
tượng đang diễn ra, những thông tin, những mối quan hệ tương tác giữa Thân, Tâm
ta với môi trường, với Vạn Hữu, đang diễn ra dồn dập, không ngừng nghỉ. Khi ta
không chú tâm trọn vẹn vào sự vật ta đang liên hệ, phần kinh nghiệm, ký ức lưu
giữ ở trung tâm Đại Não tự do xuất hiện gây nhiều điểm hưng phấn lộn xộn, hỗn
tạp trên vỏ Đại Não. Đó là lúc những tạp niệm, vọng tưởng chôn vùi trong Tiềm
Thức nổi lên bình diện Ý Thức, gây nhiễu loạn, lệch lạc, bất toàn, lu mờ nguồn
thông tin do sự vật hiện tiền đang tương tác với Thân, Tâm ta. Khi ta bị lôi
cuốn vào dòng tư tưởng miên man, những hình bóng hư huyễn của dĩ vãng, ta không
còn chú tâm trọn vẹn vào Thực Tại đang hiện tiền, ta không hòa nhập được vào
dòng sống đang luân lưu bất tuyệt, ta không thấy được cái Chân Thật, cái Tuyệt
Mỹ, cái Chí Thiện đang diễn ra trong hiện tại.
Tóm lại, qua đoạn kinh trên, đại
ý Phật bảo: Cách sống một mình, tức Thiền Định, không phải là hình thức rút lui
vào nơi cô tịch, sống một mình, để trầm tư mặc tưởng, để theo đuổi một kỹ thuật
tu luyện, mà là buông bỏ tất cả mọi vọng niệm hư giả về quá khứ, tương lai, để
chú tâm trọn vẹn, thấu đáo, tỏ tường vào sự vật đang diễn ra trong hiện tại, để
tâm không bị dính kẹt, vướng mắc, lôi cuốn vào vòng suy tưởng bất tận do ngoại
cảnh khêu gợi. Đấy là phép Thiền Định chân chính nhất, hoàn hảo nhất, ưu việt
nhất.
Trong kinh Kim Cương, Phật bảo:
“Nhất thiết hữu vi pháp, như
mộng huyễn, bào ảnh, như lộ diệc như điện. Ưng tác như thị quán... Bất thủ ư
tướng, như như bất động... Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư
tướng phi tướng, tức kiến Như Lai...Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm...Nhược dĩ
sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như
Lai”.
(Tất cả các pháp hữu vi, các
hiện tượng đều biến đổi vô thường, hóa thân liên tục như mộng tưởng, như bóng
bọt, như sương mai, như tia chớp. Hãy thấy sự việc đúng như vậy... Hãy để tâm
như như, vắng lặng, không lưu giữ hình tướng, hình ảnh dĩ vãng của sự vật…. Hễ
thấy lại hình tướng của sự vật, đấy là cái thấy giả dối, sai lầm. Nếu không
thấy lại hình tướng đã qua của sự vật, tức thấy biết được Như Lai hay
Tathàgatha, tức Thực Tại chân thật đang hiện tiền... Hãy để tâm ở trạng thái
không dừng lại, không bám víu, lưu giữ hình ảnh, hình tướng đã qua, giả dối, hư
huyễn, của sự vật...Nếu lưu giữ ghi nhận hình tướng, âm thanh của sự vật, hiện
tượng để tìm hiểu Như Lai, Thực Tại, thì đấy là việc làm sai lầm, không bao giờ
thấy được Thực Tại Tuyệt Đối cả).
Thực thế, thế giới hiện tượng,
tức các pháp hữu vi, tức vạn sự, vạn vật trong Vũ Trụ, hóa thân, biến tướng mới
lạ trong từng thời điểm, từng khoảnh khắc. Khi ta thấy lại, dừng lại, trụ lại,
để ý thức về một hiện tượng, để nhận định về một thông tin, một cảm nhận, một sự
vật... thì hiện tượng, thông tin, cảm nhận, sự vật ấy đã trôi qua rồi, và vĩnh
viễn không bao giờ trở lại, không khi nào tái diễn.
Như vậy, sự thực là ta đang thấy
lại, vướng mắc, bám víu, lưu giữ, sống lại, hồi tưởng, tái tạo cái hình ảnh dĩ
vãng, cái hình tướng giả dối của sự vật, cái hình bóng đã chết, đã đoạn diệt,
không còn bao giờ hiện hữu nữa. Những hình tướng, màu sắc, âm thanh chúng ta
vừa ghi nhận chỉ còn là bóng hình dĩ vãng của sự vật, chúng không còn là hình
tướng, màu sắc, âm thanh của sự vật đang hiện tiền nữa, vì sự vật đã đổi dời,
biến dịch sang trạng thái mới rồi.
Khoa Học duy lý, thực nghiệm đã
sai lầm khi sử dụng giác quan, với sự trợ giúp của dụng cụ, máy móc, để quan
sát, mô tả, ghi chép, để tìm hiểu đặc tính của sự vật, mối tương quan bất dịch
giữa các hiện tượng, với mục đích cuối cùng là thấu hiểu bản chất chân thật của
Vũ Trụ, vạn vật. Nhưng thế giới hiện tượng này, Vũ Trụ này là một Vũ Trụ cực kỳ
sinh động, thường xuyên biến dịch, tuyệt nhiên không phải một Vũ Trụ tĩnh tại,
bất biến, thường hằng. Cái mà ta vừa biết không còn là cái đang diễn ra nữa
rồi. Cái ta vừa ý thức được, cảm nhận được, lưu giữ được, đã lập tức trở thành
lỗi thời, lạc hậu, phi thực tại, phi hiện hữu rồi. Kinh nghiệm, kiến thức, cái
sở tri không còn là cái đang thể hiện. Ôn cố không thể tri tân được. Lý trí bao
giờ cũng chỉ thấy lại hình ảnh đã qua của sự vật, chứ không chứng nghiệm được
cái Thực Tại tuyệt đối đang hiện tiền. Tri thức khoa học không khi nào với tới
được Bản Chất chân thật của sự vật, của Vũ Trụ. Với khoa học duy lý, thực
nghiệm, luôn luôn có một cái bí hiểm, lạ lùng, chưa thấu hiểu, chưa lãnh hội
được, tồn tại ở phía trước.
Trong kinh Pháp Bảo Đàn, phẩm
Định Tuệ, Lục Tổ Huệ Năng đã tóm lược yếu chỉ của Thiền Tông trong câu:
“Vô Tướng vi Thể, Vô Trụ
vi Bản, Vô Niệm vi Tông”
(Lấy Không thấy lại hình
tướng của sự vật làm Thể, lấy Không dừng bám vào hình tướng của sự vật làm Gốc,
lấy Không vọng niệm làm Tông).
Tâm Vô Tướng là Tâm không
thấy lại, hồi tưởng lại hình tướng, bóng dáng dĩ vãng của sự vật. Tâm Vô Trụ là
Tâm không bám víu, vướng mắc vào hình tướng dĩ vãng, hư huyễn của sự vật, để bị
nó lôi kéo, dẫn dắt vào những trò suy tưởng đảo điên, không dứt. Tâm Vô Niệm là
Tâm không liên hệ, chắp nối những kinh nghiệm, kỷ niệm, kiến thức lưu giữ, tích
lũy được để suy diễn, nhận định, so đo, chọn lựa, mưu cầu, tính toán miên man,
bất tận. Tâm Thiền Định chính là Tâm Vô Tướng, Vô Trụ, Vô Niệm, không nhìn lại,
cưu mang hình ảnh quá khứ, không bận bịu với những dòng tư tưởng, tạp niệm miên
man, hư huyễn, để chú tâm trọn vẹn vào Vạn Hữu đang trôi chảy, đang biến dịch
không ngừng.
Lục Tổ cũng bảo: “Chính kiến chi thời Phật tại đường”
(Thấy biết sự vật đang diễn ra một cách chính xác, trung thực, trọn vẹn y như
vậy, không bị sai lệch bởi những tạp niệm quanh co, điên đảo, chính là lúc Tâm
Phật hiện tiền). Nói khác, quán chiếu sự vật bằng tâm thái vô niệm, vô chấp, vô
cầu chính là Chân Thiền, Chánh Định, là sự hiện hành của Tâm Phật.
Để trả lời hai vị tăng
đang tranh cãi về gió động hay phướn động, Lục Tổ bảo: “Không phải phướn động hay gió động, mà
chính tâm các vị đang động”.
Thay vì để tâm ung dung, tự do, trầm lặng, cảm thông trực tiếp, trung thực cái
hiện tiền tinh khôi, sinh động đang diễn ra như phướn bay, gió thổi, hai vị
tăng đã để tâm vọng động, chạy theo dòng tư tưởng lăng xăng, điên đảo để lý
luận, tranh cãi vòng vo, viển vông, vô ích.
Thiền Sư Thường Chiếu (?-1203)
đời Lý, bảo:
“Đạo bản vô nhan sắc
Tân tiên nhât nhật khoa”.
(Đạo vốn không có hình tướng,
dung mạo, nhan sắc nhất định. Nó thì mới lạ liên tục)
Đạo Đức Kinh cũng có đoạn tương
tự nói về Đạo, về Thực Tại hiện tiền:
“Thị nhi bất kiến, danh viết Di.
Thính nhi bất văn, danh viết Hi.
Bác nhi bất đắc, danh viết Vi”
(Nhìn mà không thấy được gọi là
Di. Lắng mà không nghe thấy gọi là Hi. Nắm mà không bắt được gọi là Vi).
Chúng ta không thể dùng
giác quan để ghi nhận, đặt tên, mô tả, xác định màu sắc, âm thanh, hình tướng
của cái Hiện Tiền Chân Thật đang biến hóa liên tục.
J. Krishnamurti bảo:
“Cuộc sống không bao giờ
tĩnh tại, nó là một chuỗi những vận động không ngừng, là một cái gì để bạn chộp
lấy, để bạn quan sát, để bạn cảm nhận, chứ không phải cái để bạn suy tư, tranh
luận…Khi thấy có một người thiền định đang thiền định thì đấy không phải là
thiền định. Khi bạn nói tôi đang hạnh phúc, thì thực sự bạn không hạnh phúc, vì
ngay khoảnh khắc bạn phát biểu bạn không ý thức được dòng sống đang diễn
ra…Sống là nhạy cảm, cảm nhận sâu sắc, ý thức mãnh liệt, quan tâm tha thiết với
cái xấu xa, cái tốt đẹp, với tiếng khóc, với nụ cười, với nỗi khó nhọc của
người mẹ đang bồng con nhỏ, với cảnh cùng khổ, nghèo nàn, dơ bẩn, cảnh giàu
sang, xa hoa, với lời ăn tiếng nói, với tiếng chó sủa, tiếng líu lo của chim
chóc, tiếng đoàn tàu đang vượt qua chiếc cầu dài, tiếng xào xạc của lá cây, với
vẻ đẹp của buổi chiều tà, của chú chim, của dòng nước, của mặt hồ phản chiếu
bầu trời trong xanh …
Khi ta nói tôi biết vợ tôi, thì
hiển nhiên là ta thực sự không biết cô ấy, bởi vì bạn không tài nào có thể biết
một vật thể sống được. Chỉ một vật chết, ký ức chết mới được biết mà thôi….Chỉ
có vật chết mới ép được nó vào khuôn, còn cuộc sống vốn luân lưu, đổi mới không
ngừng, nên ta vừa đặt nó vào khuôn, uốn nó theo định kiến là có ngay mâu
thuẫn…..
Muốn bắt kịp cái mới lạ vô cùng
sinh động đang diễn ra trong cuộc sống bạn phải có cái tâm rỗng rang, tịnh
tịch, ung dung, tự tại nhưng cực kỳ bén nhạy, tinh tế, linh hoạt, uyển chuyển,
nhuần nhuyễn...Khi ta thấy, nghe sự vật một cách tự do, hồn nhiên đơn sơ, trọn
vẹn, mộc mạc thì tự nhiên không có một tư tưởng nào chen vào được. Chính cái
ngắm nhìn trọn vẹn đã khước từ tất cả mọi hành động ghi chép và đưa tới sự chấm
dứt mọi xung đột, khổ não….Hồn nhiên là chìa khoá duy nhất mở vào kho như thực”
Cái tâm tự do, hồn nhiên,
rỗng rang, đơn sơ, mộc mạc, nhưng linh hoạt, uyển chuyển, mẫn tiệp, tinh tế,
bén nhậy, chính là cái Tâm Vô Tướng, Vô Trụ, Vô Niệm, cái Tâm quán chiếu chính
xác, vẹn toàn, cái tâm không vướng mắc, dính kẹt, bám víu, lưu giữ hình ảnh của
sự vật. Sự vướng mắc dù là vướng mắc vào hình ảnh một người, một kỷ niệm, hay
một lý tưởng, một mục đích cao đẹp... cũng khiến ta không thấy được trọn vẹn
cái Chân Thật đang hiện tiền, đang luân lưu, đang sinh thành, hoại, diệt liên
tục. Bám víu, lưu giữ, vướng mắc vào hình ảnh dĩ vãng của sự vật là ta đang
tiếp sức, củng cố cho Bản Ngã ý niệm, ta gia tăng tích lũy cho kho tàng kinh
nghiệm, kiến thức vị kỷ, ta đang đổ thêm bùn đen nhơ bẩn vào cái ao vốn đã đầy
ắp sình lầy ô nhiễm. Khi ta buông bỏ toàn triệt kiến chấp, tham cầu, tâm ta tự
nhiên minh linh, phẳng lặng, soi chiếu viên dung, trọn vẹn, tuyệt nhiên không
bị ngoại cảnh khêu gợi, lôi cuốn, dẫn dắt chạy theo những vọng niệm lăng xăng,
điên đảo. Hồn nhiên là tâm thái vô niệm, vô tư, vô dục, là Tâm Không, là Trí
Tuệ Ba La Mật, là chìa khoá quý báu, nhiệm màu, giúp hành giả mở tung cánh cửa
Giải Thoát.
Theo J.Krishnamurti:
“Thức tỉnh thấu triệt trọn vẹn
thực tại trong từng khoảnh khắc là khổ não chấm dứt”
(The ending of sorrow is understanding the
fact from moment to moment).
Tháng Giêng, năm 1986, (trước
khi rời Ấn Độ về Ojai, Hoa Kỳ, để hơn một tháng sau đấy ông mất tại đây, ở tuổi
91), J. Krishnamurti đã ân cần nhắc nhở các bạn bè người Ấn đang vây quanh ông:
“Hãy tuyệt đối thức tỉnh, tịnh
không một nỗ lực nào cả”.
(Be absolutely alert and make no effort)
Tuyệt đối thức tỉnh là để tâm
quán chiếu trọn vẹn vào vạn hữu, sự vật. Tịnh không một nỗ lực là buông bỏ toàn
triệt cái tâm đầy ắp kiến thức, thành kiến đúng sai, tốt xấu, dụng tâm, bận bịu
cân nhắc hơn thiệt, so đo, tính toán, bôn ba vươn tới, trở thành. Đại ý, ông
nhắc nhở ta về tâm thái Thiền Định: Tuyệt đối buông bỏ mọi kiến chấp, mọi nỗ
lưc tham cầu vị kỷ, chú tâm trọn vẹn vào vạn hữu. Đây là lời nhắc nhở cuối
cùng, cũng là câu nói bao trùm toàn bộ thông điệp của đời ông dành gởi gấm Nhân
Loại.
Đầu năm 2005, sau hơn 40 năm
tu tập, nghiên cứu, biên dịch kinh sách, giảng dạy phương pháp tọa Thiền, tu
Thiền, ở tuổi ngoài 80, Hòa Thượng Thiền Sư Thích Thanh Từ đã tóm gọn cương
lĩnh phép tu Thiền trong một câu tinh tuý, chắt lọc, cô đọng: “Thường biết rõ ràng mà không niệm”.
Ta thường xuyên nhìn sự vật qua
lăng kính tư tưởng. Khi ta tiếp xúc với sự vật, tư tưởng, kiến thức luôn tìm
cách can thiệp, nhận xét, đánh giá, điều chỉnh, sửa sai, muốn sự vật phải như ý
mình. Do đó, cái thấy biết của ta méo mó, sai lệch, không chính xác, trung
thực, vẹn toàn. Thiền là thấy sự vật y như nó đang là, không ý kiến, nhận xét,
phê phán, động cơ, mục tiêu, định hướng, mà không cần bất kỳ một hành động nào
cả, vì chính cái thấy biết rõ ràng, trung thực là hành động rồi. Tri là hành
vậy. Khi tỏ ngộ là có ngay hành động. Cảm là ứng tức thời.
J.Krishnamurti bảo:
“Khi bạn ngắm nhìn một
bông hoa, một cội cây, một chú chim, bạn không cần phải nhận định nó là một
bông hồng, một cây sồi, một con sáo, rồi liên hệ tới những đặc tính sinh học
của nó, hoặc nó xấu hay đẹp, nó có lợi hay có hại…., bạn chỉ ngắm nhìn nó y như
nó đang là, ngoài ra không phải có một suy nghĩ, hành động nào cả”.
Thiền là nhạy cảm sâu sắc,
như cách nhìn tự do, hồn nhiên, vô tư, vô lự của thi nhân, với cái đẹp đang
hiện bày trong tự nhiên: Trời, mây, trăng, nước, chim, hoa, gió...(Hồ Dzếnh).
Thiền sư Thanh Nguyên Duy Tín (thế kỷ 8, đời
Đường) bảo:
“Khi chưa học Thiền, tôi thấy núi là núi, nước
là nước. Sau khi theo bậc thiện trí thức học Đạo, tôi thấy núi chẳng phải núi,
nước chẳng phải nước. Nay đã thể nhập cái an nhiên, tịch lặng, tôi thấy núi chỉ
là núi, nước chỉ là nước”.
Khi chưa tìm Đạo, học Đạo, tu
Đạo, toàn bộ cuộc sống của ta là sự vận hành của cái Tôi vị kỷ, với các biểu hiện như ôm
giữ, so đo, ganh ghét, thèm khát, mâu thuẫn, lo âu, ưu tư, phiền muộn. Ta không
hề để tâm nghiên cứu, tìm tòi, suy ngẫm, thắc mắc, tra vấn về những biểu hiện
này, vì tâm ta còn vướng bận chạy theo cơm, áo, gạo, tiền, ái tình, danh vọng….
Khi bắt đầu rèn luyện, tu sửa thân tâm, mưu cầu Giải Thoát, tư tưởng luôn có
mặt để nhận xét, đánh giá, chọn lựa, ra sức triệt tiêu cái xấu, cái sai, cái
ác, để vươn tới cái tốt, cái đúng, cái thiện. Nếp sống mà ta ao ước vươn tới,
thành tựu cho bằng được phải là nếp sống đạo đức, trật tự, công bằng, thanh
bình, an lạc, vắng bóng mọi bất công, rối loạn, lo âu, phiền não. Ta nghe nhìn,
cảm nhận, giao tiếp, ứng sử với sự vật qua nhận định, phê phán, qua nhiệt tâm,
khao khát muốn hoán cải, đổi thay sự vật. Do đó, ta không còn cảm nhận sự vật
một cách trung thực, chính xác nữa. Sau khi liễu ngộ, tâm ta vô niệm, vô chấp,
vô cầu, nên ta thấy sự vật bằng tâm thái tự nhiên, khách quan, vô tư, vô dục,
vô vi, vô tạo tác, bất can thiệp, nên cái thấy của ta linh mẫn, tỏ tường, minh
bạch, thấy rõ sự vật đúng y như thực tướng của nó, không bị tư tưởng, dục vọng
làm méo mó, sai lệch.
Với người chưa tu, thế giới
quanh họ là cuộc sống hàng ngày vây bọc bởi những mâu thuẫn, lỗi lầm, lo âu,
hoang mang, rối loạn. Khi tu, họ cho rằng Chân Lý, Thực Tại, Giải Thoát phải là
cái gì tuyệt đối thanh bình, sáng suốt, thiêng liêng, phi phàm, thánh thiện,
đối lập với cuộc sống tầm thường, nhàm chán, phiền muộn đang diễn ra hàng ngày.
Họ ra sức thủ tiêu, trấn áp, loại trừ cái mê lầm, xung đột, phiền não, tầm
thường để vươn tới cái minh triết, tịch lặng, thanh bình, thánh thiện. Khi tỉnh
ngộ rồi, họ mới thấy rằng Chân Lý, Thực Tại, Giải Thoát hiện hữu ở ngay những
gì đang có thực, đang thực sự xảy ra trong cuộc sống như ăn uống, nói năng, làm
lụng, ngủ nghỉ, lầm lỗi, âu lo, vọng động, bất an, phiền muộn…. và thanh bình,
sáng suốt, an lạc, thiêng liêng chỉ là những ước mơ không có thực, những lý
tưởng hư giả do tư tưởng vẽ vời, ngụy tạo ra, không phải sự thực đang diễn ra
trong cuộc sống. Người liễu ngộ thấy sự vật một cách trung thực y như thực tướng
của chúng, thấy cái mê lầm, sai trái, hư giả, lo âu, phiền muộn là cái mê lầm,
sai trái, hư giả, lo âu, phiền muộn, tuyệt không một thiên khiến, chủ tâm, dụng
ý nào cả. Họ không cần một nhận định, môt hành động can thiệp, điều chỉnh, sửa
sai, cải thiện nào hết, vì chính cái nhận biết như thực đã là hành động chuyển
hóa rồi. Trong cảnh giới Giải Thoát, sự vật vẫn y như cũ, nhưng nhãn quan người
Giác Ngộ đã hoàn toàn thay đổi, tâm thái của họ khác hẳn phàm nhân. Với họ, Bồ
Đề nằm trong Phiền não, Tịnh Độ chính là cõi Ta Bà.
Nhà thơ Tô Đông Pha (đời Tống)
cũng có những vần thơ mang nội dung tương tự:
“Lô Sơn yên tỏa Chiết Giang triều.
Vị đáo sinh bình hận bất tiêu.
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự.
Lô Sơn yên tỏa Chiết Giang triều”.
(Lô Sơn trước nay là một thắng
cảnh có thực, ẩn hiện trong màn sương mờ ảo của vùng sông nước Chiết Giang. Khi
chưa tới đó, do tư tưởng vẽ đặt, trong tâm ta dấy lên vô vàn hình ảnh về nó,
khiến ta nôn nóng, khao khát được đến tận nơi để chiêm ngưỡng trực tiếp phong
cảnh ấy. Sau khi đến tận nơi, quan sát tỏ tường, ta thấy Lô Sơn hoàn toàn khác
xa với những gì ta suy diễn, tưởng tượng, mà thấy Lô Sơn một cách trung thực y
như chính nó đang như vậy).
Thấy sự vật chính xác, trung
thực y như nó đang là, không bị méo mó, lệch lạc qua lăng kính tư tưởng, dục
vọng, là cái thấy viên mãn, vẹn toàn, minh triết của tâm Giải Thoát, tâm Giác
Ngộ.
Thiền Định là buông bỏ những sở
tri, thành kiến, tham dục vị kỷ, để tâm rỗng rang, thanh tịnh, vắng lặng, linh
động, tinh tế, không dừng lại, thấy lại, nhìn ngắm lại, lưu giữ lại hình tướng
dĩ vãng, hư giả của sự vật, của Vạn Hữu. Với tâm thái đó ta mới thấy được,
chứng thực được cái Thực tại vĩnh cửu, cái Chân lý tuyệt đối, cái Như Lai của
sự vật, cái tuyệt thế, tuyệt trần, cái tinh khôi, sáng tạo, đổi mới, thanh tân
bất tận trong lòng Vạn Hữu. Khi ta dừng lại, thấy lại, cưu mang, bận bịu với
những hình ảnh quá khứ của sự vật, khi ta lưu giữ kỷ niệm, kinh nghiệm dĩ vãng,
ta không còn cảm nhận, chứng nghiệm được vẹn toàn những nguồn thông tin đang
dồn dập, tới tấp tương tác với thân tâm ta từ môi trường, từ Vạn Hữu, ta không
thấy được cái Chân Thực đang hiện tiền. Cái Như Lai Phật Tính, cái Thường Hằng
Vĩnh Cửu, cái Diễm Phúc Tuyệt Trần chỉ có trong hiện tiền. Ta dừng lại, ta hồi
tưởng, lưu giữ, ghi khắc cái đẹp để bám víu, nương tựa, để tự đồng hóa, để túm
nắm, chiếm hữu, thủ đắc nó, để được sống lại với nó, hưởng thụ nó, lợi dụng nó.
Nhưng ta đã mê lầm, vì thực ra là ta đang đối diện với những hình ảnh dĩ vãng
hư giả, mục nát của nó và ta đang xây lưng, ngoảnh mặt với cái tuyệt mỹ, tuyệt
trần đang luân lưu bất tuyệt trong hiện tiền. Ta đang thả mồi, bắt bóng.
d) Thiền
là Đạo Sống Hiện Tiền
Phật thường khuyên: “Hiện pháp lạc trú” (Hãy sống an lạc
trong thế giới hiện tiền). Theo Thiền Sư Nhất Hạnh, trong kinh Người Biết Sống
Một Mình (Bhaddekaratta Sutta), Phật dạy:
“Đừng nghĩ tới quá khứ, đừng tưởng tới tương
lai, quá khứ thì không còn, tương lai thì chưa tới, bậc trí giả an trú bình
lặng, thảnh thơi trong giờ phút hiện tiền”.
Cũng theo Thiền sư Nhất Hạnh,
trong kinh Người Áo Trắng (kinh Ưu Bà Tắc), có tới 5 lần Phật nhắc hàng cư sĩ
hãy sống trọn vẹn trong hiện tiền.
Thiền Định là sống trực tiếp, viên mãn, trọn
vẹn cái sống hiện tiền, bằng một tâm thái vô niệm tuyệt đối, sạch làu mọi tạo
tác của vọng tưởng, tư kiến. Thiền Định là sống trực tiếp cái đang diễn ra,
đang trôi chảy, đang hiện hữu, không xen vào một mảy may tạp niệm, vọng tưởng,
là nhập lưu, hợp nhất vào giòng sống đang luân lưu bất tuyệt, đổi mới không
ngừng. Thiền Định là thực chứng trực tiếp trọn vẹn mọi cảm nhận và đáp ứng của
Thân, Tâm ta với môi trường, với vạn sự, vạn vật đang hiện tiền bằng một tâm
thái hoàn toàn vô niệm, vô chấp, vô cầu.
Thiền Định không chỉ chú
tâm trọn vẹn vào những cảm nhận như màu sắc, âm thanh, mùi vị... của Vạn Hữu
đang tác động vào Thân, Tâm ta, mà còn chú tâm trọn vẹn vào các hành vi sinh
hoạt, động tác đang diễn ra nơi ta hàng ngày như: ăn uống, ngủ nghỉ, nói năng,
đi đứng, cử chỉ, cách giao tiếp, ứng sử với tha nhân, ngoại vật..., các công
việc bình nhật như rửa bát, quét nhà, nấu cơm, bổ củi, tưới cây, gánh nước, làm
vườn, vun cây, tỉa cảnh….
Trong kinh Satipatthana (Tứ Niệm
Xứ), thuộc Majjihima Nikaya (Trung Bộ Kinh), Phật dạy:
“Khi
đang đi, đứng, ngồi, nằm, hành giả ý thức rằng mình đang đi, đứng, ngồi, nằm….
Khi nhìn trước, nhìn sau, cúi xuống, ngẩng lên, mặc áo cà sa, mang bình bát, ăn
cơm, uống nước, nhai nếm thức ăn, đại, tiểu tiện, nói năng, im lặng…. hành giả
đều nhất thiết quán chiếu rõ ràng các sự việc ấy”.
Phép quán này đã được hành giả thực tập trong
giai đoạn Chính Niệm, nó được hành giả hoàn thiện, thể hiện hoàn tất rốt ráo ở
giai đoạn Chính Định, và hiện nay phát triển thành pháp môn Minh Sát Thiền
(Vipassana), đang được phổ biến rộng rãi trong truyền thống Phật Giáo Nguyên
Thủy.
Cư Sỹ Bàng Long Uẩn
(740-808), đệ tử của Mã Tổ bảo:
“Thần thông kiêm diệu dụng,
Vận thủy cập ban sài”
(Chẻ củi, gánh nước đều là thần thông diệu
dụng cả).
Thiên Đường, Cực Lạc nằm ngay trong những công
việc bình thường như bửa củi, gánh nước, lau nhà, rửa bát, nhặt rau, đánh răng,
rửa mặt ….
Thiền Sư Thanh Viễn Phật Nhãn đời Tống bảo:
“Những việc bình thường hàng ngày như khi thấy
hình sắc, khi nghe thấy âm thanh là lúc chứng. Khi uống nước, ăn cháo là lúc
chứng. Mỗi, mỗi đều bặt năng sở”.
Theo các Thiền Sư Bách Trượng, Đạo Ngộ, Tế An:
“Chú tâm
vào việc cày ruộng, vào cử chỉ như dang tay, giơ chân, vào việc dâng trà, đưa
cơm, nhận trà, tiếp cơm, vào việc đưa tịnh bình cho người khác, đặt tịnh bình
vào chỗ cũ... đều là Thiền Định”.
Trong Chứng Đạo Ca, Huyền Giác
bảo:
“Hành diệc Thiền, tọa diệc Thiền.
Ngữ, mặc, động, tĩnh thể an nhiên”
(Đi, ngồi, nói năng, nín thinh,
cử động, yên lặng một cách an nhiên đều là Thiền cả).
Thiền Sư Nhất Hạnh bảo:
“Sự có mặt trong hành vi
đi tiêu, đi tiểu trong cuộc sống hàng ngày đều là sinh hoạt Thiền”.
Thiền Sư lại nhắc:
“Khi rửa bát, ta muốn rửa cho mau để đi uống trà:
như thế là không thấy được sự sống trong khi rửa bát. Trong khi ta rửa bát thì
rửa bát là chuyện quan trọng nhất trong đời. Khi uống trà thì uống trà là chuyện
quan trọng nhất trong đời. Khi đi cầu thì đi cầu là chuyện quan trọng nhất
trong đời. Bửa củi, gánh nước đều là Thiền. Hành giả tu 24 giờ trong ngày, chứ
không phải chỉ tu trong lúc tụng kinh hay ngồi thiền. Mỗi động tác phải được
tiến hành trong chính niệm…. Giặt quần áo, chùi nhà, lau bàn, rửa bếp, nấu ăn,
xếp dọn sách vở… phải làm thật khoan thai, nhẹ nhàng, để tâm ý vào đó, ưa thích
nó, đồng nhất với nó, phải thấy sự an lạc trong khi làm những công việc ấy”.
J. Krishnamurti bảo:
“Thiền Định không phải là
một phương pháp hít thở đặc biệt, hay cách ngó nhìn bất động vào đỉnh mũi, hoặc
kỹ thuật đánh thức một nguồn sinh lực vớ vẩn, kỳ quặc nào. Thiền không tách dời
cuộc sống. Khi bạn đang lái xe hơi, khi bạn đang ngồi trên xe buýt, khi bạn
đang chuyện phiếm với bạn bè, khi bạn đang bước đi một mình trong rừng vắng,
khi bạn đang ngắm nhìn một cánh bướm phiêu bạt trong làn gió mạnh… bạn ý thức
trọn vẹn, không chọn lọc những điều đó: đấy là Thiền Định”.
Ông cũng bảo:
“Thiền không phải một cái gì
khác với cuộc sống hàng ngày, đừng vào góc phòng ngồi thiền trong mười phút rồi
trở ra làm đồ tể, cả ẩn dụ lẫn thực tế. Tâm Thiền là nhìn, quan sát, lắng nghe,
không ngôn từ, không phê phán, không ý kiến, chú tâm vào sự vận hành của cuộc
sống trong tất cả các tương quan của nó suốt ngày. Ban đêm, khi toàn thể thân
xác nghỉ ngơi, Tâm Thiền không mộng mị, vì nó đã suốt ngày thức tỉnh. Thiền có
nghĩa là thức tỉnh: thấy biết rõ ràng những gì anh đang làm, những gì anh đang
suy nghĩ, những gì anh đang cảm nhận, thức tỉnh không lựa chọn để quan sát,
nhận biết”.
(The Meditation is not something different
from daily life, do not go off into the corner of a room and meditate for ten
minutes, then come out of it and be a butcher, both actually and
metaphorically. The Meditative Mind is seeing, watching and listening, without
a word, without comment, without opinion, attentive to the movement of life in
all its relationships throughout the day. And at night, when the whole organism
is at rest, the Meditative Mind has no dreams for it has been awake all day.
Meditation means awareness: to bee aware of what you are doing, what you are
thinking, what you are feeling, aware without any choice, to observe, to
learn).
Hay: “Bạn
hãy lắng nghe, theo dõi cách đối xử, giao tiếp, nói năng của mình với vợ con,
với bạn bè, với người hàng xóm... một cách trầm lặng, ung dung, khách quan, tỏ
tường...”.
Ông lại bảo:
“Khi cần
sạch sẽ, đơn giản là ta đi tắm. Nhưng sự việc sẽ trở nên đa đoan, phiền toái là
ta suy nghĩ dông dài về vấn đề vệ sinh thân thể...Bạn cần phải suy tính phải
trái, cân nhắc thiệt hơn để thưởng ngoạn cảnh đẹp của một buổi chiều tà hay
sao?” hoặc: “Không có vấn đề
nào để giải quyết cả. Chỉ có cuộc sống đang hiện tiền để sống” (Pas
de problèmes à résoudre. Il n’y a que la vie à vivre).
Theo ông, vấn đề nào cũng là những tạp niệm,
vọng tưởng, hư giả, loạn động, luôn rình rập để lôi giắt ta xa rời cuộc sống.
Chúng không có chỗ đứng trong cái sống hiện tiền. Thiền là sống, ứng sử tức
thời, trực tiếp, toàn vẹn, ung dung cái đang diễn ra, không dừng lại để nhận
xét, suy tính về những vấn đề do ngoại cảnh khêu gợi, dẫn giắt.
Trong một đoạn khác, ông bảo:
“Cốt tủy
của Thiền Định là thấu hiểu những cái đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.
Cái quan trọng không phải là bờ bên kia, mà là dòng sông và bến bờ mà bạn đang
đứng. Dòng sông là cuộc sống đang diễn ra hàng ngày với bao niềm vui, nỗi buồn,
ôm giữ, so đo, ganh ghét, thèm muốn, tham lam, bạo lực… Bạn chính là những thứ
đó. Nhưng thực tế là bạn luôn tách mình khỏi cuộc sống. Bạn không bao giờ nói Tôi
chính là cuộc đời và yên lặng cảm nhận
nó, ý thức nó … Chúng ta không chịu tiếp cận với cái rất gần, mà luôn vươn tới
cái xa xôi. Ta không chịu xuất phát từ cái đang là, đang hiện tiền, đang suy
tư, đang mong ước, đang thực hiện, đang nhỏ nhen, đang nông cạn, đang thèm
khát, đang hoang mang, đang rối loạn, mà từ những giả định, những ý tưởng,
những khái niệm, những cái không thực, do tư tưởng tạo ra, nên ta bị lạc đường.
Tôi đang thô lỗ, cái đang thực có, tôi muốn trở nên thanh nhã, cái hư giả do tư
tưởng tạo ra, thì chính cái ý muốn trở nên thanh nhã lại là một hình thức thô
lỗ rồi. Thay vì vươn tới lý tưởng thanh nhã, tôi phải theo sát, tiếp cận, ý
thức tính thô lỗ của tôi trong cuộc sống, cách ăn uống vội vàng, ngấu nghiến,
cách cư xử cộc cằn với vợ con, với người giúp việc, với bạn bè, với người hàng
xóm, người giàu, người nghèo, ý thức rõ thói kiêu căng, ngạo mạn… Từ sự quan
sát tự do, miên mật này, phát sinh sự thay đổi.
Bạn đang hung bạo, bạn cố gắng
trở nên nhân từ, bạn đang hoang mang, rối loạn, bạn tìm cách trở nên thanh
thản, trầm lặng. Hung bạo, hoang mang, rối loạn là cái đang có thực, nhân từ,
thanh thản, trầm lặng là những lý tưởng không có thực, do tư tưởng sáng tạo ra.
Bản thân cái Tôi ý niệm là mâu thuẫn, rối loạn, nên những lý tưởng nó tạo ra
như nhân từ, thanh thản, trầm lặng cũng là cái mâu thuẫn, rối loạn. Tư tưởng
đang tự lừa gạt, phản bội mình khi nó gắng sức chạy theo cái bóng của chính nó
phóng hiện ra. Bạn đang thế này, bạn cố gắng trở nên thế khác, bạn đang chạy theo
tham vọng vô bờ của cái Tôi tham lam, vị kỷ. Hành động này chỉ đi tới mâu
thuẫn, tranh chấp, đảo điên, phiền muộn. Bạn hãy thấy rõ trò tinh ma, quỷ quyệt
của tư tưởng. Tìm cách thoát khỏi thèm khát, mong muốn lại chính là thèm khát,
mong muốn. Tư tưởng lúc nào cũng tìm cách giăng bãy bạn. Bạn đang trí trá, nhỏ
nhen, ghen tuông, thô bạo, nông cạn, cô đơn, trống trải, hoang mang, giằng co,
day dứt, bất an, rối loạn, âu lo, phiền muộn … Bạn không phải có bất kỳ một
hành động nào để vượt thoát những cái đó. Nếu bạn kết án, chạy trốn, uốn nắn,
kiềm chế, trừ khử, hủy diệt những gì bạn đang như vậy có nghĩa là bạn đang làm
thương tổn cuộc sống của chính bạn, bạn đang bạo hành, bạn đang hủy diệt một
cái gì đẹp đẽ, sinh động tuyệt vời. Bạn hãy để tâm tự do, ung dung, thân thiết,
nhạy cảm, tuyệt không một ý kiiến, phán xét, động cơ, chủ đích, nỗ lực, để thấy
rõ bạn đang như vậy, bạn chính là những thứ ấy. Đó là khởi đầu của minh triết,
đức hạnh. Biết rõ mình đang hôn trầm, mê muội là bắt đầu của thức tỉnh, thông suốt.
Bạn không cần làm gì cả, chỉ cần theo dõi, thấy rõ sự thực y như nó đang xảy
ra, vì thấu hiểu chính là hành động, tri và hành hợp nhất, không tách rời, khi
bạn thông suốt vấn đề là có ngay hành động, hành động này không do tư tưởng, mà
nằm ngay ở sự tỏ ngộ. Chính sự tỏ ngộ hóa giải mọi vấn đề đang đặt ra. Thiền
Định là sống, là cảm nhận, là để tâm, là ý thức trực tiếp, theo dõi từng bước
đi của cái Tôi, sự vận hành của ý nghĩ, cảm xúc, phản ứng, thói tham lam, ích
kỷ, thô bạo của bạn qua cách ăn nói, hành vi, cử chỉ, cách ứng xử của bạn trong
đời sống hàng ngày, tuyệt không nhận xét, không động cơ, không định hướng,
không nỗ lực. Qua quan sát tự do, sâu sát, liên tục này, bạn phát giác một sự
thực rõ ràng rằng toàn bộ tư tưởng, tham muốn vận hành từ cái Tôi vị kỷ là sai
trái, mâu thuẫn, xung đột, đảo điên, rối loạn, đau khổ. Không phải cái thấy qua
trí năng, qua suy nghĩ, qua ngôn từ, mà thấy sự sai trái, nguy hại của tư
tưởng, tham dục vị ngã hiển nhiên như thấy một vật nguy hiểm, độc hại như một
tảng đá đang rơi, một chiếc xe buýt đang lao về phía bạn, một vực sâu, một con
thú dữ, một chai thuốc độc…. bạn lập tức xa lánh, buông bỏ nó, và ngay đấy,
cuộc sống vận hành theo một chiều kích mới”.
Thông thường, khi thấy những lỗi
lầm, bất toàn, sai trái, ta cố gắng thiết lập một khuôn mẫu sống hoàn thiện,
mẫu mực để noi theo: ta đang chạy theo cái không thực do tư tưởng vẽ bày, hoàn
toàn mâu thuẫn với thực tại đang hiện hữu, do đó ta chỉ thấy xung đột, bất an,
phiền não.
Chú tâm ung dung, tự
nhiên, thoải mái, trọn vẹn...vào việc cắm hoa, uống trà, bắn cung, múa kiếm là
Hoa Đạo, là Trà Đạo, là Cung Đạo, là Kiếm Đạo, là Thiền Định. Chú tâm trọn vẹn
vào hơi thở, nhịp nhàng, nương tùy theo những động tác của một bài Thái Cực
Quyền, của một tư thế (Asana) Yoga, chính là Thiền Định. Khoa Khí Công và pháp
môn Yoga với chủ trương điều thân, điều tức, điều tâm hay hợp nhất ý, khí, lực,
chú tâm trọn vẹn vào những biểu hiện đang diễn ra ở thân, tâm, chính là nghệ
thuật Chân Thiền, Chính Định vậy.
Như thế, Thiền Định là Đạo Sống
trọn vẹn cho cái hiện tiền. Thiền Định tuyệt đối không phải là một pháp môn tu
luyện, cũng không chỉ là một phép Quán Tức, Quán Tâm, Quán Pháp đơn thuần, mà
đích thị là một nghệ thuật sống tuyệt vời, sống trọn vẹn, trực tiếp, chứng
nghiệm toàn vẹn mối quan hệ, cộng thông, tương tác giữa thân, tâm ta với vạn
sự, vạn vật đang diễn ra trong cuộc sống. Thiền Định là sống trực tiếp cái đang
diễn ra, đang trôi chảy, đang hiện hữu, không xen vào một mảy may tạp niệm,
vọng tưởng, tham chấp, mưu cầu. Thiền Định là buông bỏ mọi kiến chấp, tham dục
vị kỷ, sống trọn vẹn cái sống đang hiện tiền.
Tổ Nam Tuyền (749 – 835) bảo:
“Bình thường Tâm thị Đạo”
(Tất cả những cái bình thường,
tự nhiên đang diễn ra nơi Tâm ta trong đời sống thường ngày là Đạo, là Thực
Tại).
Cái hiện tiền, cái đang
là, chính là cái tuyệt trần, cái tối thượng, cái quý báu cùng cực. Thực Tại,
Chân Lý, Giải Thoát, Chân Hạnh Phúc không phải những gì cao siêu, huyền bí, phi
phàm, chỉ có ở Thiên Đường, Cực Lạc xa vời, mà chính là những gì đang biểu hiện
ở nội tâm ta, đang diễn ra trong những sự việc bình thường, hàng ngày quanh ta.
J. Krishnamurti cũng bảo:
“Cái mà
Jesus gọi là Thiên Quốc, Phật gọi là Niết Bàn, tôi gọi là Cuộc Sống đang diễn
ra hàng ngày...Một đám mây đang sáng ngời, đang rực rỡ, bạn vẫn chưa cho là
đẹp, bạn lại đòi hỏi phải ngự trong đó một Thiên Thần nữa sao?”.
Diễm phúc tuyệt trần nằm ngay trong những gì
đang diễn ra nơi cuộc sống bình nhật. Vì vô minh, vì tạp niệm, vì chấp kiến,
chúng ta đã không chứng nghiệm được nó, chúng ta lại mơ mộng kiếm tìm cái vĩnh
cửu, phi phàm ở tận đâu đâu.
Để trả lời vua Trần Thái Tông
(1218 – 1277), khi nhà vua lên tận chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, cầu Đạo, Quốc Sư
Viên Chứng bảo:
“Sơn bản
vô Phật
Duy
tồn hồ Tâm
Tâm
tịnh nhi tri
Thị
vi Chân Phật”.
(Trên núi vốn không có Phật.
Phật ở ngay tại Tâm.
Tâm lặng thì thấy Phật.
Đó chính là Phật Chân Thật).
Tâm phẳng lặng, im bặt tất
cả mọi vọng tưởng, giao động vi tế nhất, chính là Tâm Phật, cảnh giới Niết Bàn,
Tịnh Độ.
Phật Tổ vốn khẳng định:
“Sự thanh bình nội tâm là thứ hạnh phúc tối
thượng, không gì so sánh được”.
Sơ Tổ Đạt Ma cũng nói rõ:
“Sự tĩnh lặng của tâm là
Niết Bàn”.
Khi tâm ta tịch lặng, sạch
làu mọi chấp trước là ta thấy được Phật Tánh, trạng thái tâm thức của bậc Giác
Ngộ. Thực vậy, Bản Lai Diện Mục, Chân Như, Phật Tính, Niết Bàn, Tịnh Độ, Cực
Lạc, Thanh Bình, cái tuyệt mỹ, tuyệt trần là những gì ta đang cảm nhận, đang
đáp ứng với Vạn Hữu, là những mối quan hệ cộng thông, tương tác đang diễn ra
giữa thân, tâm ta với sự vật, chứ tuyệt nhiên không phải tìm kiếm chúng ở nơi
non cao, rừng thẳm, hoặc nơi đền miếu thiêng liêng nào.
Trong Tề Vật Luận, Nam Hoa Kinh,
Trang Tử bảo:
“Nhân chi sinh dã, cố nhược thị
mang hồ. Kỳ ngã độc mang, nhi nhân diệc hữu bất mang giả hồ? Phù tùy Thành Tâm
nhi sư chi, thùy độc thả vô sư hồ? Hề tất tri đại, nhi tâm tự thủ giả hữu chi?”
(Nhân sinh đều mê muội. Đâu phải
mình ta mê muội, trong khi mọi người không mê muội sao? Nếu biết lấy Chân Tâm
làm thầy thì ai lại không có thầy? Chân Tâm là cái vốn có sẵn, sao còn tìm kiếm
những cái để thay thế nó?)
Chân Tâm, Phật Tính, cái thanh
bình, vắng lặng, minh triết, an vui là cái uyên nguyên, sẵn có ở tất cả mọi
người. Vị thầy tối thượng này ở sẵn nơi nội tâm mình rồi, ta không cần phải tìm
kiếm, chạy theo bất kỳ một minh sư, giáo chủ nào bên ngoài cả.
Khi sư Từ Đạo Hạnh (-1115), tìm
tới Thái Bình tham vấn: “Phải tìm Chân Tâm ở đâu?”, Đại Sư Kiều Trí Huyền đáp:
“Hà sa
cảnh thị Bồ Đề cảnh.
Nghĩ
hướng Bồ Đề cách vạn tầm”.
(Tất cả mọi cảnh giới đang biểu
hiện, mà tâm ta đang cảm nhận, đều là cảnh giới Bồ Đề. Nhưng khi ta vừa khởi
tâm hình dung, nghĩ ngợi về Chân Tâm, về Bồ Đề là ta đang khổ công vô ích tìm
kiếm nó ở những nơi muôn trùng xa cách).
Thiền Sư Đạo Giai đời Tống nhắc
nhở:
“Châu trung hữu hỏa quân tu tín.
Hưu hướng Thiên biên vấn Thái Dương”.
(Bạn phải biết rằng chất lửa
luôn luôn có sẵn trong loài ngọc thạch. Bạn khỏi phải nhọc công vô ích đuổi
theo vầng Thái Dương tới tận chân trời hun hút nào để tìm kiếm chất lửa ấy).
An vui, hạnh phúc ở ngay
trong bạn, bạn không cần bôn ba, truy lùng, săn đuổi, thủ đắc nó bằng bất cứ
phương tiện đa đoan kỳ bí nào, hay ở nơi xa xôi diệu vợi nào.
Nhị Tổ Huệ Khả (486-593) cũng
bảo:
“Bổn mê ma ni vị ngõa lịch.
Hoát nhiên tỉnh giác thị trân châu”
(Tâm còn mê vọng thì ngọc như ý
ma ni lại cho là gạch ngói tầm thường. Bỗng nhiên tỉnh giác thì thấy rõ đấy
chính là loại bảo ngọc quý giá vô song).
Khi tâm chúng ta chồng chất
những sở tri vay mượn, những chấp trước mê muội, những tham dục vị ngã thì tất
cả những gì đang diễn ra trong cuộc sống đều tầm thường, tẻ nhạt, vô vị, bất
an, phiền muộn… Nhưng khi tâm ta giũ sạch một lần trọn vẹn những thành kiến tập
nhiễm, những cân nhắc so đo, những khao khát trở thành, những suy tư toan tính,
thì ta bỗng bừng tỉnh rằng những cái nhỏ nhặt, đơn giản, bình thường, những cái
nhàm chán, vô duyên, vô nghĩa, những cái day dứt, khôn nguôi… đang diễn ra nơi
nội tâm, nơi cuộc sống thường ngày chính là cái phi thường, cái tuyệt diệu, cái
viên mãn, cái trong sáng, tròn đầy, cái thanh bình, an lạc. Khi tâm chúng ta
không, trí chúng ta tịnh, thì Phiền não biến thành Bồ Đề, Ta Bà đổi ra Tịnh Độ
và cuộc đời bình thường này chính là Niết Bàn, Cực Lạc. Thanh bình, an lạc nằm ngay tại đây, lúc này chứ không
phải ở nơi Đạo Tràng, Thiền Viện, Không Môn, Tịnh Xá nào, hoặc ở thời điểm đặc
biệt nào. Thiên Đường, Cực Lạc nằm ngay trong cái bình thường, tự nhiên đang
diễn ra. Chúng ta không chứng nghiệm được sự thực hiển nhiên đó, vì chúng ta cứ
đinh ninh với định kiến rằng: Hạnh phúc viên mãn phải là cái gì khác lạ, cao
xa, phi phàm ở đâu đó, vượt trên những cái tầm thường ta đang đối diện. Nhưng
một lần ta tiếp cận trực tiếp, hòa đồng, sống làm một với cái đang như vậy, ta
mới đột nhiên bừng tỉnh rằng cái Tối Thượng, Toàn Chân, Chí Thiện, Tuyệt Mỹ…
chính là cái bình thường, tự nhiên đang diễn ra nơi thân, tâm ta trong cuộc
sống hàng ngày.
Do tập quán, do thói quen, do
nhiễm trước những thành kiến, ý niệm, chúng ta đã không thấy được rằng cái an
bình, phúc lạc, cái tự do, sáng suốt... chính là những gì đang diễn ra ở nội
tâm ta, ở những sự việc bình thường đang thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, mà
lại mê lầm đi tìm chúng bằng các phương tiện đa đoan, phức tạp.
Chúng ta chẳng khác nào “Kẻ cưỡi trâu lại đi tìm trâu”, như lời
Tổ Bách Trượng (724-814), hoặc “Người
không biết trong nhà mình đang có ngọc báu vô giá, lại mê lầm đi tìm kiếm, cầu
xin bụi sạn ở tha nhân, ngoại vật”, như lời Thiền Sư Thạch Cựu, đệ
tử của Mã Tổ (709 – 788):
“ Bất thức tự gia bảo,
Tùy tha vọng ngoại trần”.
Một thiền sư khác cũng có cùng ý
ấy:
“Thân tại hải trung hưu mích thủy.
Nhật hành lãnh thượng mạc tầm sơn”
(Sống trong biển, sao lại còn đi tìm nước.
Ngày ngày ở trên núi, đừng mất công tìm núi
nữa).
Lục Tổ Huệ Năng cũng bảo:
“Phật Pháp tại Thế Gian.
Bất ly Thế Gian giác.
Ly thế mích Bồ Đề.
Kháp như tầm thố giác.”
(Đạo Giải Thoát nằm trong Cuộc Sống.
Đừng tìm Giác Ngộ ngoài Cuộc Sống.
Thoát ly Cuộc Sống để tìm Giác Ngộ.
Thì giống như việc đi tìm sừng thỏ).
Niết Bàn, Tịnh Độ, Giải Thoát
nằm ngay tại những gì đang diễn ra trong Cuộc Sống. Không thể tìm Giác Ngộ,
Thực Tại, Chân Hạnh Phúc ở ngoài những cái đang hiện hữu trong Cuộc Sống. Thực
Tại, Chân Lý nằm ngay trong Hiện Tiền. Nếu ta không chứng nghiệm được cái hiện
tiền, không cảm thông trực tiếp với hiện tại, không an vui trọn vẹn ngay với
cái đang là, không ung dung, tự tại, không từ, bi, hỷ, xã với cái đang diễn ra,
đang hiện hữu... mà ta cứ mải lo nhận định, so đo, chọn lựa, bám víu, chạy
theo, vươn tới, nắm bắt nó, hoặc lẩn tránh, chạy trốn, trấn áp, loại trừ nó,
thì mãi mãi không khi nào ta thoát ly được bất an, phiền não, chẳng bao giờ ta
đặt chân lên được bến bờ Tịnh Độ, thanh bình, an lạc. Đi tìm Bồ Đề, Niết Bàn,
Tịnh Độ an vui, vắng lặng ở ngoài cái hiện tiền, cái đang diễn ra trong cuộc
sống là một việc làm mê lầm, khổ công vô ích, không tưởng, vô vọng, chẳng khác
nào việc đi tìm sừng thỏ, một vật hoàn toàn không hiện hữu trên Thế Gian này.
Khi Tâm ta đầy ắp những kinh nghiệm, sở tri, sở kiến, thì dù ta có ly gia, cát
ái, đoạn tuyệt với đời thường, tham thiền nhập thất, ẩn tu nơi rừng sâu, núi
thẳm, nơi sa mạc hoang vu, ta vẫn bất an, loạn động. Nhưng nếu Tâm ta vô nhiễm,
vô niệm, sạch làu chấp trước, thì tuy sống giữa chợ đời đa đoan, náo nhiệt, ta
vẫn an nhiên, tịch lặng, vì chính cái sống đang hiện tiền đã là Niết Bàn, Tịnh
Độ, Bồ Đề rồi.
Tại tu viện Jetavana, trong Kỳ
Viên của Cấp Cô Độc, kinh thành Sàvatthi (Xá Vệ), thủ đô nước Kosala, một vương
quốc miền bắc, thuộc hữu ngạn sông Hằng, Phật Tổ chỉ dạy các tu sĩ về nghệ
thuật an trú trọn vẹn trong hiện tại, qua bài kệ nổi tiếng “Người Biết Sống Một
Mình” (Bhaddekaratta):
“Đừng tìm về quá khứ,
Đừng tưởng tới tương lai.
Quá khứ đã không còn,
Tương lai thì chưa tới.
Hãy quán chiếu sự sống,
Trong giờ phút hiện tiền,
Kẻ thức giả an trú,
Vững chãi và thảnh thơi.
Phải tinh tiến hôm nay,
Kẻo ngày mai không kịp.
Cái chết đến bất ngờ,
Không thể nào mặc cả.
Người nào biết an trú,
Đêm ngày trong chính niệm,
Thì Mâu Ni gọi là:
Người Biết Sống Một Mình”.
Theo Phật, Người Biết Sống Một
Mình, tức người biết thể hiện Chân Thiền, Chính Định, không phải người rút lui
vào nơi cô tịch, xa lánh thế gian, chối bỏ mọi giao tiếp trên đời, mà là người
sống an nhiên, trọn vẹn giây phút hiện tại đang diễn ra trong cuộc sống hiện
tiền.
J. Krishnamurti khẳng định:
“Một người sống trọn vẹn
trong hiện tiền, thì không khi nào thắc mắc về ý nghĩa, lý tưởng, mục đích, cứu
cánh cuộc đời, vì chúng nằm ngay tại những gì đang thể hiện, đang diễn ra trong
cuộc sống. Một người còn khổ công đi tìm mục đích, lý tưởng, cứu cánh của cuộc
đời là người đang sống bên lề, chưa hội nhập vào giòng sống đang luân lưu bất
tuyệt, đang bỏ mặc giòng đời trôi xuông trên đầu họ, để chạy theo, đuổi bắt cái
hình ảnh giả tạo, hư huyễn, do chính tư tưởng họ phóng hiện ra, y hệt như con
chó tự xoay chung quanh mình để cắn ngoạm cho bằng được cái đuôi của chính nó,
một cách nhọc công, vô ích...”. ( như lời lẽ siêu việt của các
thiền sư, từ con chó ông dùng ở đây hoàn toàn để minh họa, tuyệt không mang ý
khiếm nhã, xúc phạm, đả kích, lăng mạ ai cả).
Thiền Sư Huyền Giác (665-713)
cũng nói như vậy:
“Bất ly
đương xứ thường trạm nhiên.
Mích tức tri quân bất khả kiến”
(Đừng xa rời cái hiện tiền
thường tịch, vắng lặng. Nếu bạn còn tìm kiếm tức là bạn chưa có khả năng thấu
hiểu thân chứng, hội nhập trọn vẹn với cái thanh bình, an lạc tuyệt vời ấy).
Còn tìm cầu an lạc là còn chưa tiếp cận được nghệ thuật sống trọn vẹn cho hiện
tiền.
Thiền Sư Thạch Cựu cũng bảo kẻ
đi tìm Giải Thoát ở ngoài những gì đang diễn ra ở nội tâm và cuộc sống là làm
một việc hoàn toàn phi lý, phi thực tế, ngớ ngẩn như: Một kẻ giữa cái nắng ban
trưa lại cố gắng tìm cách chạy trốn cái bóng của chính mình, hoặc kẻ khi nhìn
vào gương, lại muốn không thấy hình ảnh đầu, mặt mình trong đó:
“Nhật trung đào ảnh chất,
Cảnh lý thất đầu nhân”.
Sơ Tổ Trúc Lâm Trần Nhân
Tông (1258 – 1308) cũng nói:
“Cư trần lạc Đạo, thả tùy duyên.
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo, hưu tầm mích.
Đối cảnh vô tâm, mạc vấn Thiền”
(Sống đời vui Đạo hãy tùy duyên.
Đói tức thì ăn, mệt nghỉ liền.
Trong nhà có ngọc, thôi tìm kiếm.
Trước cảnh, không tâm, chẳng hỏi Thiền).
An vui, hạnh phúc không phải ở
đâu xa, mà chính là những gì đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Tâm tư, ý
nghĩ ta luôn lăng xăng, bận rộn, không ngừng nghỉ. Nó liên miên nhận định, đặt
tên, gán ghép, buộc ràng những giá trị tốt xấu, đúng sai, những hậu quả lợi
hại, hơn thiệt, cho những sự việc đang diễn ra, để hồi tưởng, liên hệ, suy
diễn, cân nhắc, mưu tính, mong cầu, vươn tới, thành tựu, hoặc né tránh, xua
đuổi, trấn áp, loại trừ... Do đó, trong cuộc sống, ta chỉ thấy toàn là những âu
lo, bất an, mệt mỏi, phiền muộn... Nếu tâm ta rỗng rang, trống không, sạch làu
những ý kiến, niệm vọng cưu mang trước nay, tức ta đối cảnh, ta tiếp xúc với sự
vật đang diễn ra, đang liên hệ, bằng tâm thái vô niệm ta lập tức thấy ngay
rằng, trực nhận, trực ngộ, bừng tỉnh rằng tất cả những mối cộng thông, tương
quan, tương tác giữa thân, tâm ta và Vạn Hữu, tất cả những cảm nhận, đáp ứng
của thân, tâm ta đối với môi trường, với sự vật, tất cả những sự việc bình
thường như ăn uống, làm lụng, ngủ nghỉ... chính là cái Tự Do, Thanh Bình, Phúc
Lạc, Tuyệt Diệu, Phi Thường, Niết Bàn, Tịnh Độ vậy. Ta đang chứng nghiệm hạnh
phúc, Giải Thoát, ta đang thân chứng tâm thái Chân Thiền, Chính Định. Ta còn
tìm kiếm gì nữa. Khi đó, ta chẳng còn thắc mắc về câu hỏi mà ta đã tốn nhiều
thời giờ, tâm, lực để tìm lời giải đáp: “Thiền Định là gì? Ra sao? Thế nào?”
nữa.
J.Krishnamurti luôn nhắc nhở:
“Thiền
không phải là đào thoát khỏi cuộc sống, nó không phải là một sinh hoạt vị kỷ
khép kín, biệt lập, mà là sự thấu triệt mọi tình huống của cuộc đời”.
(Meditation is not an escape
from the world, it is not an isolating, self enclosing activity, but rather the
comprehension of the world and its ways).
Thiền không gì khác hơn là sống trọn vẹn cái
sống đang sinh động, đang vận hành.
Hoà thượng thiền sư Nhất Hạnh khẳng định:
“Giây
phút hiện tại là giây phút duy nhất có thật và là giây phút tuyệt vời nhất”
và “Phép lạ không phải là đi trên mặt
nước hay trên than hồng, mà là đi trên mặt đất với bước chân thảnh thơi, vững
chãi và ý thức sáng tỏ về hiện thực đang diễn ra”.
Đạo Học Phương Tây thời xưa cũng
có những xác quyết về Tâm thái Thiền Định, một đạo sống trọn vẹn cho hiện tiền.
Nhà hiền triết Cổ Hy lạp
Hecralite (576-480 trước CN) đã khởi xướng một nghệ thuật sống hoàn thiện, khôn
ngoan, minh triết tuyệt vời:
“Hãy sống trọn vẹn cho cái đang
hiện hữu, vì tất cả mọi sự vật đều biến dịch, trôi chảy, đổi mới liên tục, diễn
ra chỉ một lần, không bao giờ tái hiện”.
Trong các buổi thuyết giảng, nhà
hiền triết Cổ Hy Lạp Aristote (384-322 trước CN), thường nhắc nhở Đại Đế
Alexandre (356-323 trước CN):
“Hãy tìm
sự thanh bình nội tâm ngay trong hiện tại. Đừng trông chờ hạnh phúc ở bất cứ
một thời điểm tương lai nào. Đấy là thái độ minh triết nhất”.
Châm ngôn thời Cổ La Mã “Carpe diem” (Hãy an vui trong hiện
tại), đã nói lên cái thâm thúy, khôn ngoan, sáng suốt phi thường của Đạo Học
Tây Phương.
Văn hào Pháp Victor Hugo
(1802-1885) đã từng khuyên ta buông bớt gánh nặng quá khứ, để cái sống hiện
tiền được nhẹ nhàng, hồn nhiên, thanh thản:
“Nếu bạn
không phải một sử gia thì đừng dành nhiều thì giờ nghĩ ngợi về những việc đã
qua”.
Theo thiền sư Nhất Hạnh,
đại văn hào Nga Léon Tolstoi (1828-1910), đã có những nhận xét rất sâu sắc,
khôn ngoan, về nghệ thuật sống trọn vẹn cho hiện tại:
“Nhân vật quan trọng nhất là
nhân vật ta đang tiếp xúc. Sự việc quan trọng nhất là sự việc ta đang liên hệ.
Thời gian quan trọng nhất là thời điểm hiện tại”.
Chúng ta đã sai lầm trong
Đạo Sống. Chúng ta đã không chú tâm trọn vẹn cho cái đang là, chúng ta đã không
sống viên mãn trong cái hiện tiền, không dành trọn Thân, Tâm cho mối quan hệ
tương tác giữa Ta và Sự Vật. Khi ăn uống, khi lái xe, khi rửa bát, quét nhà,
khi mặc quần áo, khi giặt giũ... tâm ta lại theo đuổi những ý nghĩ, những hồi
tưởng, những chuyện đâu đâu... Khi đi đường, ta không ung dung, thoải mái, chú
tâm trọn vẹn vào việc đi đường, mà ta lại vội vàng, hấp tấp, mong mau về nhà để
tiếp xúc với những sự việc chưa tới: ta đang hy sinh cái hiện tại chân thật,
tuyệt vời cho cái tương lai, được sáng tạo bằng những tư tưởng, ý niệm hư
huyễn.
J.Krishnamurt đã rất chính
xác khi khẳng định:
“Với hầu hết chúng ta, hiện tại chỉ là quãng đường
đi qua càng nhanh càng tốt”.
e) Thiền
là Đạo Sống Tự Nhiên
Thiền Định không chỉ là một pháp môn tu luyện
dạy hành giả cách quán tức, quán tâm, quán pháp, cách chú tâm vào hiện tiền, mà
hoàn toàn là Đạo Sống Tự Nhiên. Thiền buông bỏ những biểu hiện thương sinh,
bệnh lý, khó chịu, phản tự nhiên của cái Tôi
tư duy vị kỷ như ôm giữ, thiên chấp, cân nhắc, lo nghĩ, lấp liếm,
bưng bít, khôn lanh, trí trá, hung bạo, ganh ghét, dụng tâm, cố ý, bào chữa,
điều chỉnh, sửa sai, cải thiện, bon chen, xoay sở, gắng gượng, tranh chấp, lấn
lướt, bạo hành, củng cố, né tránh, loại trừ, vươn tới, xâm chiếm, bất an, hoang
mang, mâu thuẫn, nôn nóng, mong chờ, buồn phiền, đau khổ … để sống cái thoải
mái, dễ chịu, bình thường, tự nhiên như vô ngã, vô niệm, vô chấp, vô cầu, hồn
nhiên, thanh thản, ung dung, tự do, tự tại, vô ưu, vô phiền… Thiền buông bỏ cái
bất nhiên, sống cái tự nhiên. Khi những biểu hiện bất thường, bệnh lý, phản tự
nhiên như ghi khắc, suy xét, chọn lựa, thèm muốn, mâu thuẫn, bất an, phiền muộn
… của cái Tôi mê lầm, sai trái, bệnh hoạn
ra đi thì cái Chân Tâm, Bản Tính, tức cái Sống Tự Nhiên, bình thường, vô bệnh,
sáng suốt, thanh bình, an lạc, vốn sẵn có từ vô thủy, lại tự hiện bày: Thiền
định là từ bỏ trạng thái bất thường, bệnh lý tạm thời mắc phải, trở về tình
trạng bình thường, vô bệnh, vốn có trước nay. Thiền định là con đường trở về
nhà cũ, thấy lại Bản Lai Diện Mục của chính mình, con đường trở về nguồn cội
uyên ngyuên, Chân Tâm, Phật Tính, trở về Đạo
Sống Tự Nhiên vốn có tự muôn đời.
Thiền Sư Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966),
người Nhật, trong cuốn “Essays in Zen Buddhism” (Thiền Luận), bảo:
“Buông
bỏ là điệp khúc muôn đời của Phật Giáo”.
Thực vậy,
“Buông bỏ mọi sở tri, sở kiến tập nhiễm, mọi nhận xét, so sánh, mọi dụng tâm,
toan tính, tham cầu vị kỷ” đích thực là cốt lõi của Đạo Phật hay
đúng hơn là cốt tủy của Tâm Thiền Định. Nó được nhắc lại, nhấn mạnh rất nhiều
lần trong kinh điển Đạo Phật. Buông bỏ mọi kiến chấp, tham dục vị ngã, cái tâm
bất thường, phản tự nhiên là tôn chỉ của Đạo Học.
Lão Tử dạy:
“Vi vô
vi, sự vô sự”
(Làm cái không làm, lo toan cái
không lo toan)
Ông chủ trương thể hiện tâm thái không can
thiệp, không tạo tác, không tu sửa, điều chỉnh, buông bỏ mọi dụng tâm, nỗ lực,
toan tính vị kỷ, sai trái, bất thường, hãy để sự vật vận hành một cách tự nhiên
như nó đang biểu hiện.
J. Krishnamurti bảo:
“Bạn chẳng phải làm gì cả. Bạn không phải gọi
mời ánh sáng, chỉ cần bóng tối lui đi là tự nhiên, tức thời ánh sáng hiển lộ.
Bạn không thể làm cho mặt hồ phẳng lặng, chỉ khi nào gió ngưng thổi, là tự
nhiên mặt hồ hết xôn xao, dậy sóng. Bạn không cần một nỗ lực nào hết, chỉ cần
buông bỏ mọi sở tri, vọng kiến, thì tiếp liền tự do, sáng suốt, thanh bình, an
lạc... sẽ đến với ta một cách hồn nhiên, lặng lẽ, như một đóa hoa mãn khai, tỏa
hương, khoe sắc đúng lúc, phải thời”. Ông cũng bảo: “Cái sở tri, cái sở kiến, cái đã biết, cái quen
thuộc phải chấm dứt, thì cái thanh tân, cái tinh khôi, mới lạ, cái chưa biết
mới hiện bày”.
Thật thế, nguyên nhân của tất cả
mọi phiền não là cái tâm tập nhiễm, chấp trước vào mọi khuôn mẫu tư tưởng,
thành kiến ý niệm, mọi tham dục, mưu cầu vị kỷ. Ta vướng mắc, cưu mang, bám víu
vào những sở tri, sở kiến nên ta so đo, mưu cầu, chọn lựa, ta hệ lụy, bất an,
phiền não. Nếu ta buông bỏ toàn triệt mọi chấp trước, mọi tư tâm, tư kiến, mọi
thiên chấp, mưu cầu... tâm ta sẽ tự do, bình yên, phúc lạc.
Trong nhà sẵn có ngọc quý vô
giá, chúng ta đừng mê lầm, nhọc công vô ích đi tìm sỏi cát ở tha nhân, ngoại
vật. Cũng vậy, bản chất của Chân Tâm, tức cái Sống Tự Nhiên, vốn có nơi ta, từ trước tới nay, là sáng
suốt, thanh bình, an lạc. Chúng ta khỏi cần tìm kiếm chân hạnh phúc ở đâu cả.
Chỉ cần ta buông bỏ, vong bặt mọi thành kiến kinh nghiệm, mọi khuôn mẫu tư
tưởng, mọi chấp trước dĩ vãng..., xa lìa mọi minh sư, giáo chủ, dẹp bỏ mọi kinh
sách, chấm dứt mọi phương tiện, pháp môn mưu cầu Giải thoát... thì tức thời,
ngay đó Bản Tâm phúc lạc, vắng lặng, minh linh, tức cái Sống Tự Nhiên thanh thản, thoải mái,
ung dung, tự tại lại tỏ lộ, hiện bày.
Lục Tổ Huệ Năng bảo:
_“Không ngờ Tự Tính vốn thanh
tịnh, vốn không sinh, diệt,
vốn đầy đủ, vốn không dao động, vốn sinh vạn
pháp”
(Thốt ra khi chứng ngộ).
_“Tự Tính vốn có đủ Giới, Định,
Tuệ: vô phi, vô loạn, vô si”
(Dạy sư Chí Thành, đệ tử cuả sư Thần Tú).
_“Bất tu thiện, bất tạo ác, đoạn
kiến văn, tâm vô trước”
(Dạy môn sinh trước khi từ trần).
Đại ý các lời dạy trên là: Bản
Tâm, Tự Tính, tức cái Sống Tự Nhiên,
tự nguyên uỷ, vốn là chí thiện, chí đức, chí mỹ, vô cùng minh linh, sáng suốt,
tuyệt đối thanh bình, vắng lặng. Ta chẳng phải làm gì cả, hãy buông sạch mọi
kiến văn, sở tri, chấp trước, mọi ý nghĩ, mọi xét đoán, can thiệp, điều chỉnh,
sửa sai, mọi chủ ý, dụng tâm, nỗ lực … để Tự Tính, tức dòng Sống Tự Nhiên ấy, tự vận hành, tự hiện
bày, tự hiển lộ, tự bộc bạch y như nó đang là. Khi đó sẽ có tự tri, có liễu
ngộ, có chuyển hoá, có giải thoát.
Tự Tính chính là trạng thái tự
nhiên vốn có của tâm thân ta. Sinh Lý Học hiện đại cũng xác nhận: Cơ cấu tâm,
sinh lý tự nhiên của con người vốn là một hệ thống tự động, tự bảo tồn, tự đề
kháng, tự sắp xếp, tự hoàn thiện, tự thích nghi, tự điều chỉnh, tự phục
hồi….Trạng thái tâm, sinh lý ta hiện nay là một tác phẩm kỳ diệu, hoàn hảo
tuyệt vời của tạo vật, được kiến tạo từ vô vàn nhân duyên qua bao đời dĩ vãng.
Trạng thái tâm, thân ta đang tự nhiên như vậy, và không thể không như vậy (tự
nhiên như nhiên, bất đắc bất nhiên). Nghệ thuật sống khôn ngoan nhất là hãy để
tâm, thân ta vận hành một cách tự nhiên y như nó đang biểu hiện, không cần bất
cứ một sự uốn nắn, sửa sai, cải thiện, chỉnh đốn tâm lý nào cả. Tất cả mọi can
thiệp tâm lý vào Tự Tính, trạng thái Sống
Tự Nhiên vốn có cuả tâm, thân, đều phản tự nhiên, sai lầm, bất
thường, bệnh lý, thương sinh, lỗi đạo, tai họa. Hiện trạng tâm, thân ta dù như
thế nào, ta hãy thấy nó y như thế ấy. Tương đối với riêng ta, vào thời điểm
này, nó là trạng thái tối ưu, tuyệt hảo, là Niết Bàn, Tịnh Độ. Bất cứ sự can
thiệp, cải hóa, điều chỉnh, quy hướng tâm lý nào nhằm hoàn thiện nó đều tuyệt
đối làm cho tình trạng trở nên rắc rối hơn, loạn động hơn, tồi tệ hơn.
Trước đây, Sơ Tổ Đạt Ma dạy:
“Không
phải van xin, cầu cạnh ai hết. Chỉ cần thấy Phật Tính (Trạng Thái Tự Nhiên vốn
sẵn) nơi Tâm là Giác Ngộ”.
Ngày nay, J. Krishnamurti cũng
khuyên y như vậy:
“Chúng ta hãy chấm dứt việc lê gót đi ăn xin trong
bóng tối... Chỉ cần hỗn loạn chấm dứt là trật tự an bài tức thì... Một tâm thức
mộ đạo đích thực phải trần trụi mọi sự sợ hãi, xả ly, vượt khỏi những cơ cấu mà
các nền văn minh đã áp đặt hàng ngàn năm qua, nghĩa là nó phải trống rỗng,
buông bỏ, giũ sạch, tất cả mọi ảnh hưởng của quá khứ.”
Trong buổi nói chuyện cuối cùng,
ngày 19.5.1985, tại Ojai, California, ông bảo:
“Thiền là gì? Những loại
Thiền đang diễn ra trên thế giới đều là những hành vi có cân nhắc chọn lựa,
những cách thực tập có phương pháp. Tất cả đều bao hàm sự chỉ đạo, kiểm soát,
ép buộc... Đây không phải là Thiền Định thực sự... Có một loại Thiền Định nào
mà không do cân nhắc, chọn lựa không? Nếu bạn hỏi thế, bạn hãy buông bỏ tất cả,
bạn sẽ khám phá ra nó ! Đó là một tâm thức được giải thoát khỏi tất cả mọi tích
lũy kiến thức, một tâm thức tịch lặng, hoàn toàn, im bặt tất cả mọi bép xép,
van xin, cầu khẩn giúp đỡ...”.
Trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ Tăng
Xán khuyên:
“Bất dụng cầu Chân.
Duy tu tức kiến”
(Đừng nỗ lực, dụng công tìm đạt
Chân Lý. Chỉ cần dứt bỏ, buông bỏ mọi sở tri, sở kiến, vọng niệm). Và:
“Đắc, thất, thị, phi.
Nhất thời phóng khước”
(Hãy buông bỏ tức thời,
tất cả mọi ý niệm, thành kiến về được mất, phải trái, hơn thiệt, lợi hại, tốt
xấu, đúng sai...).
Thiền Sư Đạo Ngộ (768 –
835) bảo sư Sùng Tín:
“Chỉ
dứt bỏ tâm phàm, không có thánh giải nào khác”
(Chỉ cần buông bỏ cái tâm
phàm, cái tâm chất chứa đầy vọng niệm, thành kiến, tham dục, là tự nhiên hết phiền não, chứ không phải
vươn tới một cứu cánh, một lý tưởng thánh thiện nào, một mục đích siêu phàm nào
cả).
Sư Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713)
cũng bảo:
“Tội
tính bổn không do tâm tạo
Tâm
nhược diệt thời tội diệc vong
Tội
vong, tâm diệt, lưỡng câu không
Thị
tắc danh vi Chân Sám Hối”.
(Tội lỗi vốn không có, tất cả
mọi tội lỗi đều do cái tâm tập nhiễm, chấp trước tạo ra. Nếu tâm tập nhiễm,
chấp trước không còn thì mọi tội lỗi, đau khổ đều tự nhiên chấm dứt. Tâm lặng, tội hết, cả hai đều vong bặt.
Đây chính là hạnh Sám Hối chân chính nhất).
Với người tu Giới, nhà luân lý,
đạo đức, sám hối là tự kiểm xét mình, xác định rõ lỗi lầm mình đã mắc để ăn
năn, hối cải, hạ quyết tâm không tái phạm. Trong xã hội, đây là một bổn phận
tuyệt đối cần thiết.
Nhưng trong lãnh vực tâm
lý, với bậc tu Định, đây chưa phải cách sám hối tích cực, chân chính nhất, vì
nó không tận triệt lỗi lầm tận gốc rễ. Dưới nhãn quan thâm thuý, minh triết,
tinh tế cùng tột của Đạo học: sửa sai, tu chỉnh, cố gắng hoàn thiện bản thân
chỉ là một hình thức tham dục, được cao thượng hoá, để củng cố bản ngã vị kỷ.
Hơn nữa, tâm người mang mặc cảm tội lỗi, định kiến có tội, thì không nhẹ nhàng,
thanh thản, dễ lầm lạc, sai phạm, vướng vấp. Người mặc cảm tội lỗi không bình
lặng, sáng suốt, không thấy được nguồn gốc mọi tội lỗi là cái tâm tập nhiễm,
chấp trước, tức cái Tôi vị
kỷ, cái Ta tư tưởng, cái Bản Ngã ý niệm. Nếu họ buông bỏ mọi
kiến chấp, mọi so sánh, mọi khuôn mẫu giá trị, quẳng đi mặc cảm Ta tội lỗi, tham vọng sửa sai, sám hối,
tâm họ lập tức sáng suốt, thanh bình, và mọi lỗi lầm, sai trái đều vong bặt. Từ
đó, mọi cơ duyên giúp mình, giúp người, giúp đời được mở ra vô tận… Đây là cách
sám hối chân chính nhất. Trên con đường phăng tìm nguồn gốc phát sinh mọi sai
lầm, tội lỗi, khổ đau, việc khám phá ra cội nguồn căn để của mọi tội lỗi là cái
tâm vị kỷ cưu mang, chất chứa, để rồi dứt khoát buông bỏ nó tức thời, toàn
triệt là cách sám hối đích thực nhất, minh triết nhất. Thân, tâm tuyệt đối
không cần tự nhận xét, tự nhận định, tự phê, tự kiểm, tu chỉnh, sửa sai, uốn
nắn, thanh lọc, gột rửa, rèn luyện … Ta tuyệt chẳng cần làm gì cả, ta chỉ buông
bỏ tức thời, toàn triệt cái tâm cưu mang, ôm giữ, cố chấp, so đo, vươn tới, trở
thành, tức toàn bộ Bản Ngã ý niệm vị kỷ, tích lũy, tài bồi từ vô vàn dĩ vãng.
Khi cái tâm chấp trước, tham dục, huân tập, vay mượn từ quá khứ này không còn,
lập tức cái Tâm Tự Nhiên, bản
lai, vốn có, vô trước, vô chấp, vô cầu tự nhiên biểu lộ, tự nhiên vận hành, và
ngay đấy, mọi mê lầm, tội lỗi, phiền não đều tự nhiên nhất tề vong bặt. Đây là
con đường sám hối, con đường truy tìm, tận diệt sai lầm, tội lỗi, khổ đau,
triệt để, xác đáng, chân chính nhất.
Huyền Giác khẳng định
chính đầu óc chấp trước, tức cái tâm tập nhiễm, thiên chấp, cái tâm chất chứa,
dính mắc, cái tâm đầy ắp kiến thức, khái niệm, thành kiến là cội nguồn khai
sinh ra tất cả mọi sai lầm, tội lỗi, phiền muộn trên đời:
“Tổn pháp tài, diệt công đức.
Mạc bất do tư tâm ý thức”.
(Hại
pháp tài, diệt công đức, đều do cái tâm ý thức).
Tổ Huệ Năng cũng từng nhiều lần
nhắc nhở:
“Hữu ngã tội tức sinh.
Vong công phúc vô tỷ”.
(Ôm giữ cái Ta ý niệm, cái Bản
Ngã tập nhiễm, tham dục là đầu mối phát sinh mọi tội lỗi, đau khổ. Buông bỏ mọi
dụng công, toan tính vị kỷ thì phúc báu vô cùng).
Có cái Tôi tư duy, tách biệt, đối lập với sự
vật, là có ngay phân cách, mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp, rối lọan, đau khổ.
Buông bỏ mọi nỗ lực, tham cầu vị kỷ, thì tự nhiên ngay đấy hạnh phúc hiện tiền.
Lời Lục Tổ trên đây là một khai thị ngắn gọn, đầy đủ, trọn vẹn, minh triết
nhất.
Chân Sư Maharishi Ramana
(1879-1950), bậc Giác Ngộ nổi tiếng, miền nam Ấn Độ, bảo:
“Dù lỗi lầm có phạm trọng
tới đâu, cũng đừng bao giờ than khóc: Tôi là người tội lỗi. Người mang mặc cảm
tội lỗi không thể nào đi tới giải thoát được. Hãy buông bỏ mọi định kiến cho
rằng mình là người có tội”.
Quăng bỏ mọi thành kiến,
khái niệm, mọi khuôn mẫu giá trị, mọi mặc cảm tự ti, tội lỗi, hay tự tôn, tự
đại là cách sám hối chân chính nhất, con đường giải trừ phiền não, mê lầm tích
cực nhất, sáng suốt, khôn ngoan nhất. Mặc cảm tội lỗi không có chỗ đứng trong
Đạo Giải Thoát.
Thiền Sư Hương Hải (1628-1715)
bảo:
“Tầm
ngưu tu phỏng tích
Học
Đạo quý vô tâm
Tích
tại, ngưu hoàn tại
Vô
tâm, Đạo dị tầm”.
(Tìm trâu phải theo dấu. Học Đạo
quý ở chỗ vô tâm. Dấu còn, trâu thấy lại. Vô tâm, Đạo dễ tìm).
Khi tìm trâu đi lạc, điều quan
trọng là phải nương theo dấu vết trâu đi. Dấu vết trâu đi mà còn, chắc chắn ta
sẽ tìm lại được trâu. Cũng một cách thế ấy, muốn thân chứng được Đạo sáng suốt,
an lạc, nhiệm màu, điều ách yếu, cốt lõi là phải vô tâm, tức phải buông bỏ toàn
triệt, vong bặt rốt ráo cái tâm chấp trước, đầy ắp những thành kiến, khái niệm,
sở tri, sở kiến, sở cầu … tích lũy từ vô vàn dĩ vãng. Nếu buông bỏ lập tức, trọn
vẹn cái tâm tập nhiễm này (tức cái tâm vọng tưởng này không còn nữa: vô tâm),
thì tự nhiên việc thành tựu
Đạo Giải Thoát không có gì là khó khăn cả. Chỉ cần mây mù tan biến là mặt trăng
lại tự nhiên sáng tỏ.
Kinh Kim Cương bảo:
“Pháp thượng ưng xả, hà huống phi Pháp”
(Chánh Pháp còn phải buông bỏ huống hồ phi
Pháp).
Tâm Thiền Định là Tâm
Không tuyệt đối, vô niệm toàn triệt, nó buông bỏ tất cả mọi trước nhiễm, kể cả
những giáo lý cao siêu, kỳ diệu nhất. Vướng mắc vào sợi xích bằng sắt hay sợi
xích bằng vàng cũng đều là sự trói buộc. Lồng sắt hay lồng vàng đều là những
ngục tù ý niệm.
Tâm Thiền Định , tâm buông
bỏ, cũng chính là cái đạo Tọa Vong (ngồi mà vong bặt, quên sạch, buông bỏ, trút
sạch mọi sở tri, sở kiến, vọng tưởng, tham chấp, mưu cầu….) của Trang Tử:
“Đọa chi thể, truất thông minh,
ly hình, khứ trí, đồng ư Đại Thông, thử vị Tọa Vong”.
Nam Hoa kinh, thiên Đại Tông Sư
(Giải thể, bỏ thông minh, lìa
hình, bỏ trí, hòa đồng vào Đại Thông, đấy gọi là ngồi mà quên)
Tâm Thiền buông bỏ toàn triệt mọi
khái niệm, vọng tưởng, tham dục, kiến chấp vị ngã như thân ta, tâm ta, kinh
nghiệm, kiến thức, tư tưởng, ý nghĩ ta, thèm khát, mục tiêu, lý tưởng của ta.
Vì vậy, nó minh linh, vắng lặng, hòa nhập làm một với Chân Tâm, tâm của Vũ Trụ
thường tịch, bao la, thông suốt, tức Giòng
Sống Tự Nhiên của thiên địa,
vạn vật.
Tâm Thiền Định chính là
tâm Không, tâm vô niệm tuyệt đối. Vì tâm vô tập, vô trước, vô nhiễm, nên không
nẩy sinh thiên chấp, đối đãi, không dẫn tới so đo, chọn lựa, mưu cầu, do đó
không bất an, vọng động, sợ hãi, phiền não...Tâm trở nên vắng lặng, trong sáng,
tinh tế, bén nhạy, vi diệu, nhận rõ chân tướng vị ngã vô minh, ở tận tầng lớp
thâm sâu, u uẩn cùng tột. Khi đó, cái hậu trường ý niệm, dục vọng, chấp trước,
vị kỷ khổng lồ, cái Trung Tâm Bản Ngã vĩ đại, sâu dày, được kiến tạo, củng cố,
từ bao đời dĩ vãng, bỗng chốc đổ vỡ, nát vụn, tan tành, mất dạng, và cái Tâm Tự Nhiên vốn có tự bản lai, minh
linh, vắng lặng lại sáng tỏ, thường hằng. Vô Minh, Phiền Não được trút bỏ là
tức thời Niết Bàn, Tịnh Độ hiển minh. Cái “Khổ Tận” đích thị là cái “Cam Lai”.
Cái “Thái Lai” nối tiếp ngay cái “Bĩ Cực”.
Thiền Định chính là nghệ thuật “Dụng tâm nhược kính” (Sử dụng tâm như
gương soi), mà Trang Tử đặt tên vậy. Gương soi phẳng lặng, trong sáng, buông bỏ
mọi hình ảnh dĩ vãng, sạch làu, tuyệt không bám víu, lưu giữ một mảy may dấu
vết quá khứ, nên nó cảm nhận, phản ảnh sự vật một cách trực tiếp, tức thì, bén
nhạy, khách quan, trung thực, vẹn toàn, tự nhiên... y như nó đang là, đang diễn
ra, đang thể hiện.
Tóm lại, khi Tâm ta tập nhiễm,
cưu mang, tích lũy những kinh nghiệm, sở tri, thành kiến, khuôn mẫu giá trị,
tham chấp, mưu cầu vị kỷ...thì chính cuộc đời này là cõi Ta Bà, Luân Hồi, Sinh
Tử, Vô Thường, Nhân Quả, Trần Ai, Khổ Lụy. Nhưng nếu Tâm ta buông bỏ, trút sạch,
vong bặt, sạch làu, trống trơn mọi vọng niệm, sở tri, sở kiến, sở cầu... thì
chính cuộc đời này là cõi Bồng Lai, Tiên Cảnh, Thiên Đường, Cực Lạc, Niết Bàn,
Tịnh Độ. Tâm buông bỏ là Tâm Không tuyệt đối, nó buông bỏ toàn triệt, kể cả
khái niệm, dụng tâm, ý định, toan tính buông bỏ. Thiền Định là không can thiệp,
là vô vi, vô tác, là không dụng tâm, chủ ý, là buông bỏ, là Đạo Sống Tự Nhiên hoàn toàn.
Thế giới hiện tượng là một Thực
Tại vô biên, vô lượng, cực kỳ phức tạp, huyền diệu. Mỗi sự vật đều có quan hệ
với tất cả các sự vật khác của cái Toàn Thể. Các sự vật đều cộng thông, tương
quan, liên hệ, tương tác với nhau. Mỗi hiện tượng hiện hành đều do vô vàn tác
nhân, hằng hà sa số nhân duyên từ cái không gian vô hạn, cái thời gian vô cùng,
tạo nên. Chỉ một việc đơn giản như thiết lập mối tương quan giữa hai vật thể
giả thử biệt lập với phần còn lại của Vũ Trụ, trí óc con người đã không làm
nổi, và khoa học hiện đại đã phải nhờ đến sự trợ giúp của máy tính điện tử. Do
đó, đầu óc con người không thể thấy hết vô lượng các mối liên hệ, tương tác
giữa các sự vật, để sắp xếp, điều khiển chúng diễn ra y như tâm tư, ý muốn của
mình được. Hơn nữa, kinh nghiệm, kiến thức, tâm tư, ý nghĩ, ước vọng lại là
những cái con người ghi khắc, tích góp từ những hình ảnh dĩ vãng, lỗi thời,
trong khi Thực Tại đang hiện bày lại đang mới lạ liên tục. Cái dĩ vãng, lỗi
thời, lạc hậu, hư huyễn không thể cảm thông, thấu hiểu cái hiện tiền, mới lạ,
chân thực, liên tục chưa biết. Vì vậy, muốn sự vật hiện tiền diễn ra theo đúng
như tâm tư, nguyện vọng mình là điều hoàn toàn vô lý, phi thực tại. Đầu óc ta
luôn luôn muốn sự vật phải diễn ra như thế này hoặc như thế kia tùy theo thành
kiến tốt xấu, đúng sai, lợi hại, mà ta cưu mang, bám víu. Khi ta mong muốn, ta
luôn bất an, lo sợ sự việc diễn ra không như dự kiến, và khi sự việc diễn ra
không như ý nguyện, dự kiến, ta thất vọng, bất mãn, buồn phiền, đau khổ...
Nghệ thuật sống khôn ngoan, minh
triết nhất là Đạo Sống Tự Nhiên, hãy để Vạn Vật doanh hư,
tiêu trưởng, tồn vong, đắc thất, sinh tử...hoàn toàn tự nhiên, theo những chu
kỳ tồn tại riêng của chúng, tuyệt nhiên không mong muốn chúng phải diễn ra y
như sở nguyện mình, hoặc can thiệp, bắt buộc chúng phải hiện hành như thế này
hoặc như thế nọ. Thế giới hiện tượng hữu thành tất hữu hoại, có sinh tất có
diệt, có nhô lên ắt phải lặn xuống, có xuất hiện là phải có tiêu vong. Dù đó là
hiện tượng nội tâm hay ngoại giới, ta đừng can thiệp vào sự sinh hóa tự nhiên của Trời Đất.
Thiền Định chính là Đạo Sống Tự Nhiên tuyệt đối. Khi tâm ta
thấy điều sai trái y như điều sai trái, điều trung thực y như điều trung thực,
mà không gọi tên, định giá đó là là điều sai trái hoặc trung thực là ta đang
sống tự nhiên, đang hành sử một cách vô vi, là ta đang an lạc, thanh bình, là
ta đang trung thực, là ta đang không còn hành vi sai trái. Trái lại, ta tìm
cách níu kéo, duy trì một sự việc ta cho là trung thực, ta kết án một sự việc
là sai trái, ta điều chỉnh, sửa sai điều sai trái để biến nó thành điều trung
thực, thì ta đã bắt đầu hành vi phản tự nhiên, sai trái rồi, vì chính cái dụng
tâm níu kéo, hoặc sửa sai đã là cái bất an, vọng động, vị kỷ, bất thiện, không
trung thực rồi. Tâm Thiền Định là tâm
thái tự nhiên, vô vi, vô tác ý, vô kỷ, vô cầu, bất can thiệp, là
tâm đồng nhất với cái Tuyệt Mỹ, cái Tận Thiện, cái Toàn Chân. Tinh thần vô vi,
vô tác, vô cầu, được Sơ Tổ Trúc Lâm VN mô tả rất rõ:
“Thùy phược cánh tương cầu giải thoát.
Bất phàm hà tất mích thần tiên”.
(Ai trói buộc đâu mà cầu mong
giải thoát. Có sẵn cái phi phàm, bât tục rồi thì cần gì phải kiếm tìm điều thánh
thiện, thần tiên).
Chúng ta không thể vươn tới cái
sáng suốt, thanh bình, an lạc bằng cách ngăn chặn, trấn áp, xua đuổi, loại trừ,
tiêu diệt vô minh, vọng động, vọng tưởng, phiền não...với bất cứ một kỹ thuật
tu luyện, hay một pháp môn huyền diệu nào. Chúng ta chẳng phải làm gì cả. Chúng
ta chỉ sống tự nhiên, trọn
vẹn với những gì xảy ra trong nội tâm, trong cuộc sống bình nhật. Đạo Sống của
ta chính là cách hành sử tự nhiên,
chúng ta buông bỏ những tình tự phản tự nhiên, không tự do, thoải mái như: bám
víu, trói buộc vào những khuôn mẫu thành kiến, cưu mang những gánh nặng chồng
chất từ quá khứ, gượng ép, gắng sức, nỗ lực vươn tới cái lợi, cái cao, cái đẹp,
cái tốt và bất an, lo sợ, chạy trốn cái xấu, cái sai, cái thua thiệt... Chúng
ta chỉ lặng nhìn, lắng nghe, cảm nhận, quan hệ, tiếp xúc với mọi hiện tượng,
với sự việc đang diễn ra một cách trực tiếp, tự
nhiên, thoải mái, ung dung, tự do, tự tại. Mọi hiện tượng, dù là
nội tâm hay ngoại giới, kể cả những vô minh, vọng động, vọng tưởng, phiền
não... đều hiện hành, hoại diệt một cách tự
nhiên như nhiên, bất đắc bất nhiên,
tự nhiên như vậy và không thể không như vậy. Ta chẳng có ý kiến nào
về chúng cả, ta chỉ tiếp xúc với chúng bằng một tâm thái bình thản, rỗng rang
tuyệt đối, không tìm cách can thiệp vào dòng vận hành đang trôi chảy của chúng.
Chỉ có cái Đạo Sống Tự Nhiên,
vô vi, vô tác, vô sự, cái pháp môn vô môn, cái phương tiện không phương tiện,
cái kỹ thuật không kỹ thuật, cái sống tự nhiên như nhiên, bất đắc bất nhiên như
vậy, thì vô minh, vọng động, phiền não mới tự tỏ bày, bộc lộ chân tướng, bản
chất, nguyên hình để rồi tự vong bặt cho cái thanh bình, tự do, an lạc thường
hằng hiển lộ.
Đấy là Thiền Định chân chính.
Thiền Định chân chính là thấy biết trạng thái tâm sinh lý ta đang tự nhiên như vậy, là thấy biết mối quan
hệ, tương tác giữa thân, tâm ta với Vạn Vật đang tự nhiên như vậy, là thấy mối cộng thông, tương tác giữa
Vạn Hữu đang tự nhiên như vậy,
tuyệt không có một ý kiến nhận xét hay can thiệp nào.
Thiền Định là Đạo Sống Tự Nhiên hoàn toàn, hay chính
là cái Đạo “Vô vi”, “Các sinh kỳ sinh,
các an kỳ mệnh”, “Bất chiến tự nhiên thành, bất hướng tự nhiên quy”, “Bất tranh
nhi thiện thắng”, “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong” của
Nho Gia và Lão Trang vậy.
Lão Tử bảo:
“Nhân pháp Địa.
Địa pháp Thiên.
Thiên pháp Đạo
Đạo pháp Tự Nhiên”
(Người theo Đất. Đất theo Trời.
Trời theo Đạo. Đạo theo Tự Nhiên).
Đạo sống viên mãn, hoàn hảo, vẹn toàn, khôn
ngoan tối thượng là Đạo Sống Tự Nhiên.
Con người phải noi theo Đạo Sống Tự Nhiên,
đạo sống chung của Thiên Địa, Vũ Trụ, Vạn Vật… Đạo theo Tự Nhiên: Vạn Vật tồn tại, diễn biến tự
nhiên, không theo tâm tư, sở kiến, sở nguyện của con người. Ông chủ trương con
người phải hành sử “vô vi” theo Tự Nhiên
không tìm cách thay đổi thiên nhiên, hoàn toàn tự tại, thản nhiên, bất can
thiệp vào sự vận hành tự nhiên, vào diễn trình thành, trụ, hoại, không của thế
giới hiện tượng.
Tam Tổ Tăng Xán cũng dạy:
“Vạn
pháp tề quán,
Quy phục Tự Nhiên”.
(Quan sát hết thảy sự vật, ta
thấy vạn sự, vạn vật đều tuân thủ theo đạo Tự
Nhiên).
Khổng Tử bảo:
“Tùy cảm nhi ứng, tùy ngộ nhi an …
Thượng bất oán Thiên, hạ bất vưu nhân…
Bất tri Mệnh vô dĩ vi Quân Tử”
(Tùy thuận ứng sử theo
tình huống, hoàn cảnh …Trên không oán Trời, dưới không trách người…Không biết
sống thuận theo Thiên Mệnh, tức đạo Tự
Nhiên, thì chưa phải bậc Quân Tử….).
Người đạt Đạo sống thung dung, tự tại, vô ưu,
vô phiền, tùy duyên, thuận cảnh, lạc thiên, tri mệnh, an vui trọn vẹn trong cuộc sống tự nhiên đang hiện bày.
Trang Tử bảo:
“Các sinh kỳ sinh, các an kỳ mệnh”
(Hãy để sự vật an ổn với
cái sống riêng, cái tồn tại, cái biểu hiện
tự nhiên của chúng).
Đạo là buông bỏ những ảo tưởng viển vông, hư
giả do Bản Ngã ý niệm thêu dệt ra, để trở về Đạo
Sống Tự Nhiên.
Một đoạn khác trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ lại
nhắc bảo:
“Hư minh tự nhiên,
Bất lao tâm lực”.
(Hãy để tâm rỗng rang, sáng suốt, ung dung, tự
nhiên, không phải dụng công, gắng sức gì cả).
Thiền không gì khác hơn là Đạo Sống Tự Nhiên.
Tổ Nam Tuyền (749-835) đã để lại một câu bất
hủ:
“Bình thường tâm thị Đạo”.
Đạo chính là cái tâm bình thường, tự nhiên, đang diễn ra trong cuộc sống
thường ngày vậy.
Theo sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân
Tông, Thiền là Đạo Sống Tự Nhiên, hoàn toàn tùy duyên, lạc Đạo,
đói khát thì ăn uống, mệt nhọc thì ngủ nghỉ:
“Cư trần
lạc Đạo, thả tùy duyên,
Cơ tắc san hề, khốn tắc miên”.
Thiền sư Mục Châu (thế kỷ
9), đời Đường, cũng cho rằng Đạo không phải cái gì siêu nhiên, vượt thoát những
sinh hoạt hàng ngày, mà là cái sống hoàn toàn tự nhiên:
“Thấy lạnh ta mặc áo vào, thấy đói ta ăn cơm”.
Theo các tổ Bách Trượng,
Bàn Khuê, Thiền không phải là những gì siêu phàm, kỳ dị, bất thường, mà chính
là đạo sống hoàn toàn bình thường, tự
nhiên:
“Bạn hãy cứ toát mồ hôi vào ngày hè oi bức,
run lên vào mùa đông giá lạnh, và giật mình khi sấm sét bất ngờ”.
Bạch Vân Cư Sĩ Trạng Trình
bảo:
“Cơ mầu tạo hóa mặc tự nhiên”
(Cứ để guồng máy tạo hóa mầu
nhiệm vận hành, thành hoại, phế hưng theo đạo tự nhiên).
Đạo Học không chủ trương thay đổi tạo vật,
hoán cải tự nhiên, xoay trở hoàn cảnh, mà là thay đổi cách nhìn, cách ứng phó,
cách tiếp xúc với Vạn Vật.
Thiền Sư Thường Chiếu
(?-1203) đời Lý, bảo:
“Tại thế
vi nhân thân
Tâm vi Như Lai tạng”.
(Bậc Đạt Đạo, khi sinh tiền, bề
ngoài vẫn mang dáng dấp, thân xác, hình hài như mọi người, nhưng nội tâm là Tâm
Như Lai, Tâm Tự Nhiên, tự
tại, siêu phàm, thoát tục).
Bậc Giác Ngộ vẫn sinh, bệnh,
lão, tử, nhưng tâm thái của họ đối với Vạn Hữu đã khác hẳn phàm nhân, vì vậy
cảnh giới của các bậc ấy là Niết Bàn, Tịnh Độ thanh bình, an lạc ngay giữa trần
gian loạn động này.
Lão Tử vẫn bảo:
“Thánh nhân vị phúc, bất vị mục”
(Bậc Thánh vì bụng, không vì mắt).
Đạo Tâm cốt ở thay đổi tâm thái
bên trong, nội dung tâm hồn, thay đổi nội tâm, chứ không phải thay đổi hình
thức, cách mạng hoàn cảnh bên ngoài.Thế nhân phiền não vì mê lầm muốn đảo ngược
hoàn cảnh biến dịch vô thường, Thánh Nhân thì hoàn toàn an nhiên, tự tại với
cái tự nhiên hiện tiền đang
sinh, thành, hoại, diệt.
Tóm lại Thiền Định là để thân,
tâm ung dung, tự do, thoải mái, soi chiếu, tiếp nhận, đáp ứng tự nhiên, linh hoạt với Vạn Hữu, hòa
nhập vào giòng sống chung đang trôi chảy của Vạn Vật, tuyệt nhiên không dừng
lại (vô trụ), hồi tưởng lại một hình ảnh dĩ vãng nào, không lưu giữ vướng mắc,
bám víu (vô chấp), ràng buộc vào một tư tưởng, ý kiến, khái niệm đối đãi nào.
Thiền Định là Đạo Sống Tự Nhiên,
nhập lưu, hòa nhập, hợp nhất, cộng thông, với cái sống chung của Vạn Hữu, của
cái Toàn Thể, đang biến dịch vô thường, đang luân lưu bất tuyệt, đang sinh,
thành, hoại, diệt trong từng thời điểm. Thiền Định là Đạo Sống Tự Nhiên, vô vi tuyệt đối,
vong bặt cái tâm chồng chất những ý kiến vay mượn, luôn tìm cách tác động, áp
đặt, can thiệp, sửa sai, điều chỉnh, nhào nặn… để cho Chân Tâm, vắng lặng, sáng
suốt, thanh bình, an lạc, vốn sẵn nơi con người, tự biểu hiện một cách tự
nhiên, chu toàn, trọn vẹn.
Đạo Sống Tự Nhiên không phải là một thái độ buông
xuôi, phó mặc, thụ động, tiêu cực, bàng quan, vô trách nhiệm, mà là đạo sống
nhiệt thành nhất, tha thiết nhất, nhạy cảm, trắc ẩn nhất, tích cực nhất, cách
mạng nhất, từ bi, minh triết nhất.
Vô vi là không tìm cách can
thiệp, sửa đổi, điều chỉnh, trấn áp, loại trừ, lẩn tránh cái vô minh, bất thiện
nội tâm như bất an, lo âu, sợ hãi, xung đột, rối ren, vô trật tự … mà lắng
nghe, lặng nhìn chúng tự hiện bày, tự biểu lộ, tự bộc bạch y như nó đang là.
Khi chúng được thấu triệt rốt ráo, chúng tự tan biến, nhường chỗ cho an vui,
phúc lạc. Trật tự nền tảng ở nội tâm được thiết lập rồi thì tự nhiên xã hội sẽ
thanh bình, an lạc, vì xã hội là sự phóng chiếu trung thực thế giới nội tâm của
mỗi cá nhân. Tâm bình thì thế giới bình.
Vô vi không phải là chẳng
làm gì cả, mà là không hành sử theo cái Tôi
ý niệm, cái chủ thể tư tưởng, cái Bản Ngã vị kỷ, như ghi khắc, ôm giữ, nhận
xét, định kiến, phân biệt, cân nhắc, so sánh, chọn lựa, toan tính, dụng công,
nỗ lực, can thiệp, điều chỉnh, ganh ghét, thèm muốn, săn tìm, vươn tới, lấn
lướt, tranh chấp, chiếm hữu, hung bạo, bất an, lo âu, phiền muộn. Tâm Không,
buông bỏ quá khứ, vong bặt sở tri, giải trừ kiến thức, không phải là quên hết
mọi kiến thức về sự kiện, về khoa học, kỹ thuật đang sử dụng trong cuộc sống
hàng ngày, mà là giũ sạch mọi ghi khắc, cưu mang, tích lũy, mọi hình ảnh, kinh
nghiệm, thành kiến, thiên chấp, tham cầu… xuất phát từ cái trung tâm Bản Ngã vị kỷ.
J.Krishnamurti bảo:
“Chỉ người mất trí mới quên sạch
toàn bộ những ký ức trong cuộc sống. Chúng ta chỉ quăng đi những kiến thức tâm
lý vận hành từ cái Tôi như ôm giữ, nhận định, phê phán, ganh ghét, chọn lựa,
tham lam, khao khát, hung bạo, hoang mang, vươn tới, trở thành…., chứ không
phải những kiến thức về sự kiện, về khoa học, kỹ thuật, vốn tối cần cho cuộc
sống, như trí nhớ về một tên người, về con đường tới sở làm, con đường về nhà,
cách lái một chiếc xe hơi, cách chế tạo, vận hành máy móc, kỹ thuật xây một con
đường, một cây cầu, một ngôi nhà, các kiến thức về Toán học, về Vật lý, Sinh
học, Y học ….Khi những ký ức, kinh nghiệm, kiến thức, tư tưởng, tham cầu từ cái
Tôi vị kỷ vong bặt, ta hoàn toàn có đầy đủ khả năng để sử dụng những kiến thức
về sư kiện, về khoa học, kỹ thuật một cách khôn ngoan, thích hợp nhất để đáp
ứng những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống”.
Khi ta nhìn sự vật bằng tâm
Không (vô trước, vô chấp, vô cầu), tức theo dõi, lắng nghe sự vật vận hành bằng
tâm thái tự nhiên, đơn sơ,
mộc mạc, hồn nhiên, lặng lẽ, vô tư, vô dục, vô vi, vô ngã, buông bỏ, thảnh
thơi, thoải mái, tự do, ung dung, thư thái, dễ chịu…. tuyệt không một ý kiến,
dụng tâm, can thiệp, điều chỉnh, sửa sai, lấy bỏ…., tâm ta trở nên cực kỳ tĩnh
lặng, linh mẫn, thấu suốt được chân tướng của sự vật y như nó đang hiện hành.
Đấy là sự thông hiểu, tỉnh giác, liễu ngộ, là Giác Ngộ, là Trí tuệ. Ta không
cần một hành động hữu vi nào cả, vì liễu ngộ chính là hành động rồi. Khi liễu
ngộ là có ngay hành động, có ngay chuyển hóa.
Hành động chuyển hóa này xuất
phát từ Trí tuệ, nên cực kỳ bén nhạy, hoàn hảo, diệu dụng, nó tự nhiên đồng
nhất với cái phải, cái đúng, cái đẹp. Kinh nghiệm, kiến thức, tư tưởng thì cũ
kỹ, cục bộ, hạn hẹp, nó không hàm chứa Trí tuệ. Hành động do kiến thức, tư
tưởng hướng dẫn chỉ đem tới bất toàn, rối loạn. Chưa liễu ngộ, tâm còn chồng
chất những tranh chấp, rối ren, ưu tư, phiền muộn, thèm khát, day dứt, dang dở,
mà đã lo cải cách xã hội, vãn hồi trật tự ngoài đời, thì chỉ làm xã hội rối
ren, bất ổn thêm. Công trình cải cách xã hội dù có tinh vi, thiện hảo, nguy
nga, đồ sộ, khoa học tới đâu cũng bị cái vị kỷ, sai trái, cái bất an, xung đột,
cái hoang mang, rối loạn…. nơi nội tâm mỗi con người phá hủy.
Theo J.Krishnamurti: “Trí tuệ (Intelligence), không phải kiến thức
(knownedge), nó có tính chất tổng thể, toàn bộ, nó bao gồm cả kiến thức, tư
tưởng. Kiến thức chỉ là chiếc thuyền trên đại dương Trí tuệ. Kiến thức không
thể biết gì về Trí tuệ, nhưng Trí tuệ có thể sử dụng những tư tưởng, kiến thức
về sự kiện, về xã hội, về khoa học, kỹ thuật một cách khôn ngoan, hữu hiệu
nhất. Có Trí tuệ là có Từ bi, vì Từ bi và Trí tuệ là một. Từ bi và Trí tuệ mới
có khả năng giải quyết rốt ráo tất cả mọi rối loạn, khổ đau cho toàn nhân
lọai”.
Trang Tử thời xưa cũng đã
có ý tương tự:
“Đại
Trí hàn hàn, Tiểu Trí nhàn nhàn”.
(Đại Trí tức Trí Tuệ là
cái thấy bao trùm, toàn thể, rộng khắp, Tiểu Trí tức kiến thức là cái biết
chuyên biệt, chi li, cục bộ). Đại Trí bao hàm Tiểu Trí, nên có thể vận dụng,
sai sử, điều khiển Tiểu Trí một cách vẹn toàn.
Tam Tổ dạy:
“Tuyệt
ngôn tuyệt lự, vô xứ bất thông”.
(Khi dứt bỏ nói năng, suy tư, lo nghĩ, thì tất
cả mọi chuyện đều được giải quyết ổn thỏa, trơn tru, thông suốt)
Ta thấy kiến thức, tư tưởng đang
ngự trị trong cuộc sống con người: nó là phương tiện vạn năng để giải quyết tất
cả mọi vấn đề nhân sinh, thế sự. Nhưng kinh nghiệm, kiến thức, tư tưởng lại là
những sản phẩm của quá khứ lỗi thời, lạc hậu, nên nó luôn bất cập, hạn hẹp,
thiển cận, cục bộ, không thể ứng phó với những tình huống mới lạ, bao la, đa
dạng đang xảy ra trong hiện tại. Trái lại, Trí Tuệ, Tâm Không, Tâm Thiền, Chân
Tâm là cái thấy biết tự nhiên vốn có, tịch lặng, sáng suốt, minh linh, bén
nhạy, uyển chuyển, bao trùm, toàn bộ. Khi buông bỏ những ưu tư, lo nghĩ, so đo,
tính toán theo con đường trí năng, tâm ta trở nên an nhiên, tịch lặng, tỏ
tường, thông suốt, nó đồng nhất với Chân Tâm, Tâm Không, Trí Tuệ, nó có khả
năng giải quyết mọi vấn đề đang nảy sinh trong cuộc sống, một cách trơn tru, ổn
thỏa, tuyệt hảo nhất.
Trang Tử cũng bảo:
“Nhân mạc giám ư lưu thủy, nhi
giám ư chỉ thủy. Duy năng chỉ, năng chỉ chúng chỉ”.
Nam Hoa Kinh, thiên Đức Sung Phù.
(Không ai soi mình ở làn nước
chảy, mà soi mình ở chỗ nước lặng đứng. Chỉ có cái tĩnh lặng mới có khả năng
làm tĩnh lặng cái tâm mưu cầu tĩnh lặng ở mọi người)
Chỉ chỗ làn nước đứng, tức cái
tâm tịch lặng, tức cái Tâm Không, vô tư, vô dục mới giúp ta quán chiếu trung
thực, chính xác, tỏ tường, minh bạch, không lệch lạc, méo mó bởi vọng tưởng, để
thấy rõ chân tướng của chính mình. Khi cái Tôi
lộ nguyên hình, nó tự mất, nhường chỗ cho giải thoát, thanh bình,
an lạc. Khi liễu ngộ rồi, tâm ta an nhiên, tịch lặng, hết mọi mâu thuẫn, rối
ren, điên đảo, ta mới có khả năng giúp người, giúp đời, cải tạo xã hội, giải
quyết những xung đột, hỗn loạn, vô trật tự bên ngoài. Người mà nội tâm còn vị
kỷ, mê muội, sai trái, vọng động, bất an, phiền muộn, ví như chỗ làn nước chảy,
thì dù có sở hữu một kho kiến thức đồ sộ, tinh vi, khôn ngoan nhất cũng không
thể dẫn giắt ai tới thanh bình, minh triết, an vu, hạnh phúc cả.
Khi nói về cái đức của nhà cầm
quyền, Trang Tử bảo:
“Nhữ du tâm ư đạm, hợp khí ư
mạc, thuận vật tự nhiên nhi vô dung tư yên, nhi thiên hạ trị hĩ… Minh vương chi
trị, công cái thiên hạ nhi tợ bất tự kỷ, hóa thải vạn vật nhi dân bất thị, hữu
mạc cử danh, sử vật tự hỉ….”
Nam Hoa Kinh, thiên Ứng Đế Vương.
(Giữ tâm điềm đạm, khí cho điềm
tĩnh, thuận theo tính tự nhiên
của sự vật, mà không theo ý riêng của mình, thì thiên hạ trị vậy… Phép trị nước
của bậc minh vương là công trùm thiên hạ, mà không tự thấy do công mình, cải
hóa muôn việc, mà không đợi dân phải nhờ cậy, làm mà không ai biết tên mình,
khiến mọi vật đều an vui…)
Theo Trang Tử, người chưa đạt
Đạo, tâm còn những toan tính, suy tư, tham cầu vị kỷ, mà đã lo giúp dân, trị
nước, cải tạo xã hội, ổn định trật tự bên ngoài, thì chỉ làm thiên hạ bất an,
rối ren, hỗn loạn thêm. Bậc minh vương, nhà cầm quyền, phải là người đạt Đạo,
vong bặt Bản Ngã, tâm hoàn toàn tịch lặng, trong sáng, không mê mờ, vọng động
vì những tư tâm, tư kiến, tham dục vị kỷ, do đó cách hành sử của họ không cầu
công, cầu lợi, cầu danh, mà thuận theo tính tự
nhiên của muôn người, muôn vật. Vì vậy, thiên hạ thái bình, dân cư
an lạc.
Lão Tử cũng có nhận định tương
tự:
“Đạo thường vô vi, nhi vô
bất vi. Hầu vương thủ chi, vạn vật tương tự hóa”
(Đạo là vô vi, nhưng không có
việc gì là không làm. Bậc vương hầu giữ được đạo vô vi thì mọi sự đều được
chuyển hóa).
Bậc minh vương, nhà lãnh đạo
chân chính hành sử đạo vô vi không có nghĩa là không làm gì cả, mà làm tất cả
mọi việc nhưng không làm theo tư tâm, tư dục, không làm theo những kiến chấp,
tham dục vị kỷ, những dụng tâm, mưu cầu vị ngã.
Theo Lão Tử, Trang Tử và
J.Krishnamurti, bậc minh vương, nhà cầm quyền, nhà cải cách cộng đồng, nhà kiến
tạo trật tự xã hội nhất thiết phải là người đạt Đạo, người liễu ngộ, người đã
hoàn thiện bản thân tới chỗ rốt ráo, triệt để, trọn vẹn, người đã thiết lập thứ
trật tự nền tảng nơi nội tâm mình. Chỉ tâm Không (tâm vô ngã, vô tha, vô tự, vô
trước, vô chấp, vô cầu, vô tư, vô dục, vô vi, vô sự) của Đạo Sống Tự Nhiên
mới dẫn tới Giác Ngộ, tới Từ bi, Trí tuệ. Và, hòa bình, trật tự an bài ngay khi
Trí tuệ, Từ bi xuất hiện.
Theo Tiến sĩ Triết học người Đức
Eugen Herrigel (1884-1955), tác giả cuốn Thiền Trong Nghệ Thuật Bắn Cung (Zen
In Der Kunst Des Bogenschiessens):
“Tâm một bậc thầy đích
thực của Cung Đạo là tâm Không tuyệt đối, hoàn toàn vô ngã, vô cầu, vô tha, vô
tự, ông không thấy có người dụng tâm nhắm đích, và cũng thấy không có đích nào
để nhắm cả. Vì vậy, ông luôn bắn ra những phát tên chính xác tới mức thần kỳ,
không thể tin nổi”.
Theo Thiền sư người Nhật Takuan
Soho (1573-1635), bậc thầy của Kiếm Đạo, tác giả bài Bất Động Trí Thần Diệu
Lục:
“Trong giao đấu, người kiếm sĩ
không phải để tâm suy nghĩ, vận dụng những kỹ năng, đòn thế, chiến thuật đã học
tập hay tập trung quan sát đối thủ để tìm cách né tránh, hoặc phản công, ra
đòn.Tâm bậc kiếm sư đích thực là tâm Không tuyệt đối, hoàn toàn vô ngã, vô cầu,
quên mình, quên đối thủ, quên luôn cả ý niệm sinh tử. Với cái tâm Không như
vậy, một sự tỉnh giác cực kỳ phẳng lặng, sáng suốt, bén nhạy, một Trí tuệ siêu
việt tự vận hành. Với Trí tuệ vô cùng diệu dụng này, kiếm sư hoàn toàn tự do
hành sử, thấy biết tức khắc, tỏ tường mọi động tĩnh của sự vật, ứng phó chớp
nhoáng, ra đòn, né tránh cực kỳ linh động, chính xác. Trí tuệ hành sử như gương
soi, thấy là phản chiếu tức khắc, cảm và ứng diễn ra đồng thời, tri và hành là
một.Với Trí tuệ siêu việt của tâm Không, bậc kiếm sư lại có khả năng vận dụng
mọi kỹ năng, đòn thế võ thuật một cách thiện hảo, thích ứng nhất, mà không cần
tìm kiếm, gọi mời nó. Trí tuệ bao gồm kiến thức, nên có khả năng vận dụng kiến
thức một cách tài tình, nhưng kiến thức, tư tưởng không thể biết gì về Trí tuệ.
Trong giao đấu, nếu chỉ biết vận dụng kỹ năng, kỹ thuật, đòn thế, tức cách hành
sử, ứng phó xuất phát từ thói quen, từ ký ức, từ kinh nghiệm, kiến thức, tư
tưởng, tức hành động đi sau sự gợi nhớ, tìm kiếm, cân nhắc, suy nghĩ, chọn lựa
nên nó lỗi thời, lạc hậu, bất cập, ngăn ngại, ràng buộc, trì trệ, không linh
hoạt, thần tốc, chớp nhoáng, chính xác, tự do, sáng tạo”.
Thái Cực Quyền, Bát Quái Quyền,
Hình Ý Quyền của Trương Tam Phong, La Hán Quyền của Bồ Đề Đạt Ma là những bài
quyền thể hiện tâm Thiền
Sư Tổ Morihei Uyeshiba
(1882-1969) của Hiệp Khí Đạo (Aikido) bảo:
“Bạn vừa có ý định tấn công địch thủ là bạn đã thua rồi”. Tâm của võ sư Tị Tổ là tâm
Không, vô ngã, vô cầu, không mình, không ta, không kẻ thù, không đối thủ, tâm
hòa đồng cùng Vũ Trụ, vạn vật, tâm của Từ bi, Trí tuệ, tâm linh mẫn, bén nhậy
tuyệt đối. Trong các lần thi triển võ thuật, thân pháp sư tổ di chuyển ung
dung, uyển chuyển như một vũ điệu, nhịp nhàng quăng ném ra xa nhiều người cùng
tấn công ông một lượt, mà họ không biết mình bị hạ thủ như thế nào.
Cùng với Đạo Nguyên
(Dogen:1200-1253) và Bạch Ẩn (Hakuin:1686-1769), thiền sư Bàn Khuê (Bankei:1622-1694)
là một trong ba thiền sư trứ danh nhất của Thiền Tông Nhật Bản. Bàn Khuê đã dạy
cư sĩ Gessò thể hiện Tâm Không, tâm vô niệm, tâm Thiền, trong nghệ thuật ném
lao:
“Đại dụng không có quy
luật cố định, ứng xử tuỳ hoàn cảnh, không sớm không muộn. Ném tới, rút về, tiến
và lùi, tất cả xảy ra ngoài tư tưởng. Khi bạn hoà hợp với Tâm thì tay chân tự
vận hành”.
Tâm Thiền, Tâm Không được Trang
Tử minh họa rất cụ thể trong truyện ngụ ngôn Bào
Đinh mổ bò cho Văn Huệ Quân
(Lương Huệ Vương). Bào Đinh đã dùng cái Thần, tức cái Tâm Không,
thứ Trí Tuệ linh mẫn tuyệt đối để mổ bò, chứ không vạn dụng giác quan, qua sự
điều khiển của trí năng, để hành sử. Do đó, thao tác của Bào Đinh nhanh nhậy,
chính xác, tiết tấu, nhịp nhàng, hợp cung bậc như một cuộc trình diễn vũ nhạc,
lạng lách, tách bóc thịt, gân, da, xương một cách tài tình, xẻ thịt hàng ngàn
con bò qua mười chín năm mà dao mổ vẫn sắc bén:
“Thủ chi sở xúc, kiên chi sở ỷ,
túc chi sở lý, tất chi sở kỳ, họach nhiên, hướng nhiên tấu đao hạo nhiên, mạc
bất trúng âm, hợp ư Tang Lâm chi vũ, nãi trúng Kinh Thủ chi hội. Huệ Văn quân
viết: Hi, thiện tai ! Kỹ khái chi thử hồ! Bào Đinh thích đao đối viết: Thần chi
sở hiếu giả, Đạo dã….Thủy, thần chi giải ngưu chi thời, sở kiến vô phi ngưu
giả. Tam niên chi hậu, vị thường kiến toàn ngưu dã. Phương kim chi thời, thần
dĩ Thần ngộ, nhi bất dĩ mục thị, quan tri chỉ, nhi Thần dục hành, ỷ hồ thiên
lý”
(Tay
động, vai đưa, chân đạp, gối tỳ, tiếng da xương lìa nhau, tiếng dao lạng tách,
đều trúng cung bậc, hợp với điệu múa Tang Lâm, lại giống cả bài nhạc Kinh Thủ.
Văn Huệ Quân nói: Hay tuyệt ! Tài nghệ đến thế là cùng ! Bào Đinh ngừng dao
đáp: Điều mà thần vốn say mê, ham thích, chính là Đạo vậy… Khởi đầu, trong lúc
mổ bò, thần chỉ thấy con bò. Ba năm sau, thần không còn thấy con bò nữa. Bây
giờ, thần dùng cái Thần để tỏ ngộ, chứ không dùng mắt để quan sát nữa, sự quan
sát bằng ngũ quan như muốn dừng lại, nhường chỗ cho cái Thần sáng suốt vận hành
theo thiên lý).
Nam Hoa Kinh, thiên Dưỡng Sinh Chủ.
Thiền còn thể hiện trong thơ ca.
Kinh Pháp Cú (423 bài thi kệ) của Phật Tổ, Đạo Đức Kinh (81 thiên trường thi)
của Lão Tử, Tín Tâm Minh (146 câu thi kệ) của Tam Tổ, các Tụng Vô Tướng của Lục
Tổ, Chứng Đạo Ca (235 câu thơ chứng Đạo) của Huyền Giác, thơ ngộ Đạo của
Millarepa, vô vàn kệ ứng khẩu của các thiền sư … là những thiên trường thi,
những khúc đoản ca, hoàn toàn tự nhiên, tự do, tự tại, tịnh không cầu kỳ, chau
chuốt, gọt giũa, nhưng lại tuyệt tác cả về nội dung lẫn âm điệu.
Thiền cũng thể hiện trong Y học.
Chương Nhiếp Sinh, tức chương đầu tiên của Hoàng Đế Nội Kinh, cuốn sách căn bản
của Đông Y, đã khẳng định:
“Điềm
đạm hư vô, Chân khí tùng chi.
Tinh
thần nội thủ, bệnh an tùng lai”.
(Tâm thanh thản, rỗng rang
thì Chân khí theo liền. Tinh thần vững chãi, định tĩnh, bệnh nào đến được).
Tâm điềm đạm, hư vô, nội
thủ chính là tâm Không, tâm Thiền, tâm không cưu mang, ôm giữ, không thiên
chấp, vọng động, vươn tới, trở thành. Tâm Thiền là nguồn cội của sức khỏe, hạnh
phúc. Sinh Lý Học hiện đại cũng không nói khác: Khi tinh thần bình thản, thư
thái, vô sự, không tham lam, ưu tư, lo nghĩ, tức hệ thần kinh cao cấp hoạt động
điều hòa, thì hệ thần kinh thực vật, hệ nội tiết, hệ miễn dịch vận hành tuyệt
hảo, do đó các cơ quan, bộ phận hoạt động bình thường theo đúng chức năng tự
nhiên của chúng và cơ thể hoàn toàn vô bệnh. Tại nhiều nước phát triển, Thiền
được dùng như một liệu pháp tinh thần, phép tâm lý trị liệu, hỗ trợ trị bệnh,
thư giãn, giảm stress, cai nghiện…
Chu Dịch bảo: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”(Lấy cái
không biến đổi để ứng phó với tất cả những cái đang biến đổi). Cái không biến
đổi chính là cái Tâm Thiền thường tịch, vắng lặng, minh linh, diệu dụng, có khả
năng ứng phó với mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, mọi biến cố phát sinh trong
cuộc sống.
Tại các nước Âu Mỹ, Hòa thượng
Thiền sư Nhất Hạnh đã phổ biến nghệ thuật Thiền cho mọi đối tượng hoạt động ở
nhiều lãnh vực khác nhau trong xã hội: sinh viên, học sinh, giáo chức, y, bác
sĩ, tu sĩ, dân biểu, chính khách, cảnh sát, doanh nhân, bệnh nhân, tù nhân,
thường dân, nội trợ... Tại Việt Nam,
dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Thiền sư Thanh Từ, nhiều đạo tràng được tổ chức
để mọi người lui tới nghe giảng, học Thiền, tu Thiền. Một Hòa Thượng trong ban
Hoằng Pháp Giáo Hội Phật Giáo VN khẳng định: “Thiền
là lối thoát cho mọi vấn đề”.
J.Krishnamurti bảo:
“Nếu bạn không thấy được ý
nghĩa, vẻ đẹp của Thiền thì bạn không biết gì về cuộc sống cả. Bạn có thể sở
hữu chiếc xe đời mới nhất, bạn có thể tự do du lịch khắp thế giới, nhưng nếu
bạn không thấy được cái đẹp chân thực, sự tự do, và nguồn an lạc của Thiền thì
bạn đang thiếu đi một phần rất lớn của cuộc đời … Thiền là một trong những điều
kỳ diệu nhất, và nếu không biết Thiền là gì thì bạn như người mù trong một thế
giới đầy màu sắc huy hoàng, đầy bóng râm và tia nắng lung linh … Đi khắp nơi
trên thế giới, ta chứng kiến cái khủng khiếp của sự cùng khổ, những tồi tệ, xấu
xa trong quan hệ giữa người với người, ta thấy hiển nhiên là cần phải có một
cuộc cách mạng toàn diện. Trừ phi một cuộc cách mạng tâm hồn sâu thẳm, mọi cải
cách hời hợt bên ngoài đều hầu như vô hiệu. Cuộc cách mạng tâm hồn sâu thẳm này
_ theo tôi đây là cuộc cách mạng duy nhất_ chỉ có thể thực hiện được thông qua
Thiền Định … Thiền là một trong những nghệ thuật sống vĩ đại nhất, có lẽ là
nghệ thuật sống vĩ đại nhất, và một người không thể học Thiền từ bất cứ ai”.
(If you don’t know the meaning
and the beauty of Meditation, you do not know anything of life. You may have
the latest car, you may be able to travel all over the world freely, but if you
do not know what the real beauty, the freedom and the joy of Meditation is, you
are missing a great part of life... Meditation is one of the most extraordinary
things, and if you do not know what it is, you are like the blind man in a
world of bright color, shadows and moving light… As one travels over the world
and observes the appalling conditions of poverty and the ugliness of man’s
relationship to man, it becomes obvious that there must be a total revolution.
Unless there is a deep psychological revolution, mere reformation on the
periphery will have a little effect. This psychological revolution_ which I
think is the only revolution_ is possible through Meditation… Meditation is one
of the greatest arts of life, perhaps the greatest, and one cannot possibly
learn it from anybody).
Thiền, Đạo Sống Tự Nhiên, vô ngã, vô cầu, vô
vi, vô tác, vô tha tự, vô năng sở, Đạo của tâm Không, không chỉ là linh hồn của
Chính Trị, Võ Thuật (Cung thuật, Kiếm thuật, Quyền thuật), Y Học, của nghệ
thuật cắm hoa, uống trà, của thi ca, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, thư pháp ….
mà là một Nghệ Thuật Sống viên mãn tối thượng trong tất cả mọi lãnh vực,
mọi sinh hoạt, mọi thể hiện của nhân sinh, thế sự như giao tiếp, hành sử, ăn
uống, nói năng, đi đứng, nằm ngồi, làm lụng, ngủ nghỉ ….
C. Đạo là cực kỳ cấp thiết
Kinh Pháp Cú bảo:
“Được sinh ra đời là việc
khó. Sinh ra mà được sống làm người thì khó hơn. Sống mà được tiếp kiến Đạo lại
khó nữa. Sống lại được gặp bậc Giác Ngộ trực tiếp dạy Đạo cho thì lại càng khó
khăn hơn nhiều”.
Học Đạo, hiểu Đạo để thể
hiện Đạo trong cuộc sống là một cơ duyên khó gặp, một dịp may hiếm có, một bổn
phận vô cùng cần thiết, một trách nhiệm cực kỳ cấp bách ở tất cả mọi người.
Đạo Học là con đường ngắn
nhất, chắc chắn nhất, nhân bản nhất, minh bạch, khoa học nhất, để đưa nhân loại
tới Hạnh Phúc viên mãn. Đó là thứ tôn giáo không thần bí, thần quyền, không
giáo điều, không tín ngưỡng, tôn giáo của khoa học, tôn giáo của tương lai, thứ
tôn giáo mà nhà bác học lừng danh Albert Einstein (1879 – 1955) từng mơ ước.
Theo Đạo Học, nhân loại chìm đắm trong phiền não, đau khổ mà nguyên nhân duy
nhất là sự ghi nhớ, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức để hình thành một Trung Tâm
Bản Ngã vị kỷ, từ đó gây ra mọi xung đột, mâu thuẫn, hỗn loạn, đau khổ. Đạo Học
là một cuộc Cách mạng gồm hai phần chính:
_ Phần Cách mạng về Ý Thức, Tư Tưởng và Hành Động: trong
phần này, ta sử dụng biện pháp tích cực, chủ động, hữu vi, can thiệp như dùng
lý trí, ý chí, nghị lực để sáng suốt thấy rõ phải trái, đúng sai, thiện ác, để
cương quyết từ bỏ những tư tưởng, dục vọng, hành vi sai trái, ích kỷ, tai hại
cho mình, cho tha nhân, xã hội. Đó là phần tu Giới.
_ Phần Cách Mạng về Tiềm Thức, Vô Thức: phần tu Giới là phần
Cách mạng luân lý, đạo đức, nó chỉ thức tỉnh, lay động, chuyển hóa phần Ý Thức
cạn cợt, nên trật tự, hòa bình, kỷ cương mà nó đem lại chỉ là thứ đạo đức gò
bó, gượng ép, có kiểm soát, kiềm chế, không phải là thứ đạo đức tự nhiên. Trong
phần Cách mạng về Tiềm Thức, ta dùng biện pháp tế nhị, tiêu cực, thụ động, vô
vi, bất can thiệp, bất bạo động, gián tiếp, để loại trừ, tận diệt những tạp
niệm, dục vọng vi tế, nhỏ nhặt, tiềm ẩn, sâu lắng, bằng cách ngắm nhìn chúng
một cách lặng lẽ, khách quan, trung thực, để chúng tự lộ bày chân tướng và tự
hủy diệt. Đó là phần tu Định.
Trong phần Cách Mạng về Ý Thức
và Hành Động, ta chỉ ngăn chặn, kết án, từ bỏ những tư tưởng, hành vi vị kỷ ở
phần Ý Thức nông cạn. Phần ý niệm, dục vọng ăn sâu, bén rễ vào Tiềm Thức thâm u
vẫn còn nguyên. Sự nhận xét, kết án chỉ thấy được các biểu hiện sai trái, vị
kỷ, lộ liễu trên bình diện Ý Thức, chứ không thấy được các vọng động vi tế, sâu
lắng cất dấu trong Tiềm Thức. Ta chỉ thấy và tác động được tới phần nhỏ bé của
tảng băng nổi trên mặt nước. Phần chìm sâu vẫn chưa được thấu hiểu, thay đổi.
Một số nhà tâm lý cho rằng phần Ý Thức chỉ là một bao diêm nhỏ xíu, so với Tiềm
Thức là một tòa cao ốc khổng lồ. Hơn nữa, khi nhận xét, kết án và ngăn chặn các
tư tưởng, hành vi sai trái, ta đã sử dụng tư tưởng và ý chí. Nhưng tư tưởng và
ý chí lại chính là hình thức vận dụng vị kỷ. Do đó, Bản Ngã bị kết án và kiềm
chế, nhưng gốc rễ của nó vẫn còn nguyên vẹn.
Chính chủ tâm, chủ ý kết án và
kiềm chế cũng chính là những tâm thái vị kỷ, vọng động rồi. Dục vọng chỉ bị dồn
nén, ngăn chặn, trấn áp, thu nhỏ lại mà không bị tận diệt. Ngọn lửa dục vọng,
trong nhất thời, có thể thu nhỏ thành một ngọn đèn leo lét, nhưng khi gặp điều
kiện thuận lợi, nó có thể bùng lên thành một biển lửa, một đám cháy rừng. Bằng
biện pháp nhận định, kết án, kiểm soát, trấn áp, ta không thể biến mê lầm thành
minh triết, vọng động thành thanh bình, phiền não thành an lạc được.
Do đó, trong phần Cách
mạng tiềm thức, ta phải có cái nhìn thâm sâu, lặng lẽ, vô tư, vô dục, không kết
án, không chọn lựa, thì mới thông suốt được phần vọng niệm, tham dục vi tế, cất
dấu tận căn để của Tiềm Thức, từ đấy Bản Ngã ý niệm mới được liễu ngộ, tận
diệt.
Tam Tổ Tăng Xán đã thâu tóm toàn
bộ tinh hoa, yếu chỉ của Đạo Học trong câu mở đầu của Tín Tâm Minh:
“Chí Đạo vô nan,
Duy hiềm giản trạch”
(Việc thành tựu đạo Giải Thoát
không có gì là khó khăn cả: chỉ cần một điều duy nhất là tuyệt đối đừng so
sánh, lựa chọn).
Bám víu vào những giá trị đối
đãi để so sánh, lựa chọn là đầu mối của tất cả mọi ưu phiền, rắc rối, khổ đau
trên đời. Buông bỏ toàn triệt mọi so sánh, lựa chọn là tức thời có thanh bình,
an lạc. Đây là điều kiện mấu chốt, cốt tủy, điều kiện cần và đủ để thành tựu
tâm thức Giải Thoát.
J. Krishnamurti cũng bảo:
“Giải pháp có sẵn trong vấn đề,
đáp số nằm trong bài toán, Chân Lý ở ngay cuộc sống, khả năng giác ngộ hiện
diện ở tất cả mọi người, chìa khóa có sẵn trong tay chúng ta và cánh cửa giải
thoát nằm ngay trước mặt. Chúng ta chỉ cần cất bước đăng trình, vì trường đồ
vạn lý nào cũng khởi đầu từ những bước chân đầu tiên”.
Ông cũng bảo:
“Bạn
phải tự do, giải thoát tại đây và ngay lúc này, tuyệt nhiên đừng đòi hỏi một thời
gian chuẩn bị nào”.
Ông luôn khẳng định, đây là một sự thực hiển
nhiên, chứ không phải một lời tuyên bố từ sự hứng khởi nhất thời.
Theo ông:
“Sự đòi hỏi phải có thời
gian chuẩn bị cho việc chứng đạt là hoàn toàn do tư tưởng vẽ vời, ngụy tạo. Cái
phải, cái đẹp, cái đúng, cái tinh khôi tuyệt trần, cái thanh bình, an lạc, cái
Niết Bàn, Tịnh Độ nằm trong cái đang là (What is being), cái đang hiện tiền,
đang biểu hiện, cái đương xứ, cái tại đây và bây giờ. Điều cực kỳ quan trọng là
chúng ta đừng để cái đang là bị bôi đen, bóp méo, hủy hoại bởi sở tri, thành
kiến. Được vậy thì cái Tự do đầu tiên cũng chính là cái Tự do cuối cùng.”
Ông thường xuyên nhắc nhở:
“Chúng ta phải tự do, giải thoát
tại đây và ngay bây giờ, đừng gác lại ngày mai, hay tại nơi nào, vì đây chỉ là
một ảo vọng hão huyền. Nếu hiện tại ta không thay đổi thì tương lai ta cũng
không thay đổi, vì tương lai là kết quả của hiện tại. Bạn lơ là, gác lại là bạn
vô cảm với những hoang mang, rối loạn của chính bạn, với những lo âu, phiền
muộn của vợ con bạn, của người thân bạn, là bạn vô trách nhiệm với những bất
công, tàn bạo, khổ đau của hàng triệu người trên mặt đất này”.
Ta không thanh bình, an lạc tại
đây, ngay bây giờ thì không bao giờ ta thanh bình an lạc. Cần nhắc lại câu nói
của Nguyễn Công Trứ:“Tri nhàn tiện nhàn,
đãi nhàn hà thời nhàn?” (Biết
cách để thân, tâm thanh thản, là có ngay thanh thản, nếu đợi chờ thanh thản ở
tương lai thì bao giờ mới thanh thản?). Chúng ta tuyệt đối không được diên trì,
khất lại, vì theo Tam Tổ Tăng Xán thì chỉ cần sai khác trong đường tơ, kẽ tóc
trong quyết tâm thực hiện, là hậu quả sẽ trái ngược như trời cao, vực thẳm: “Hào ly
hữu sai, Thiên Địa huyền cách”.
Tự do, thoát khổ là vấn đề cực
kỳ cấp bách, phải ưu tiên giải quyết trước tất cả các vấn đề khẩn thiết khác,
như việc “Cấp cứu một người bị trúng tên
độc”, nói theo Phật Tổ, hay “Cứu
chữa một căn nhà đang cháy”, nói theo J. Krishnamurti, hoặc “Sự cần thiết của hơi thở cho một người bị dìm sâu
dưới nước”, nói theo Vivekananda.
Khỗng Tử nói:
“Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỹ”
(Buổi
sáng được nghe Đạo, buổi tối chết cũng thỏa lòng).
Say mê học Đạo, dạy đời, nghiền
ngẫm kinh Dịch tới ba lần đứt lề, cuối đời, Khổng Tử vẫn ao ước được sống thêm
mấy năm nữa để hoàn tất việc chú giải bộ kỳ thư ấy.
Vương Dương Minh (1472-1528),
một danh nho đời Minh, người chủ xướng học thuyết Tri Hành Hợp Nhất, say mê
nghe Đạo đến quên cả ngày về để dự lễ thành hôn của chính mình. Nhị Tổ Huệ Khả
chặt tay cầu Đạo….
Đấy là những gương sáng về
quyết tâm tìm Đạo, học Đạo.
Chúng ta không được thờ ơ,
lơ là, thiếu nhiệt tâm, vô trách nhiệm. Mỗi cá nhân đều góp phần khai sinh ra
cái Trần Gian khổ lụy này. Chính chúng ta có bổn phận, và chỉ chúng ta mới có
khả năng thực hiện cuộc Cách mạng tiềm thức cuối cùng ở nội tâm mỗi cá nhân, để
hoàn tất cuộc cách mạng chung của nhân loại. Thi gia Đức nổi tiếng Goethe
(1747-1842) bảo:
“Toàn Thiện là luật của Trời,
hướng đến sự Toàn Thiện là luật của người”.
Nhưng để có được nhiệt tâm, quyết chí, kiên
định trong việc tìm Đạo, học Đạo, hiểu Đạo, liễu Đạo, thể hiện Đạo ngay trong
cuộc sống này, là một điều không dễ dàng.
Trong kinh Pháp Cú, Phật
bảo:
“Người mê muội, u tối, tuy
ở gần bậc thiện trí, vẫn khó lãnh hội, tiếp thu chính pháp, cũng như muỗng
không biết được vị canh. Người khôn ngoan, sáng suốt ở gần bậc thiện trí thì
cảm thông, thấu hiểu ngay chính pháp như lưỡi với vị canh”.
Lão Tử cũng bảo:
“Hạ sĩ văn Đạo, đại tiếu chi.
Trung sĩ văn Đạo, nhược tồn nhược vong.
Thượng sĩ văn Đạo, tùy nhi hành chi”
(Người hiểu biết nông cạn,
nghe nói về Đạo thì không tin, nhạo báng, cười lớn. Người hiểu biết trung bình,
nghe Đạo, thì lúc nhớ, lúc quên. Bậc hiểu Đạo thâm sâu, nghe Đạo thì theo và
thực hành ngay).
Thiền sư Huyền Giác cũng có ý tương tự:
“Thượng sĩ nhất quyết nhất thiết liễu.
Trung, hạ đa văn đa bất tín”
(Bậc thượng trí chỉ một lần
quyết tâm là giải quyết xong hết thảy mọi vấn đế. Người căn cơ trung bình, thấp
kém càng nghe càng nghi ngại, ngờ vực).
Hiểu được Đạo đã khó, theo và
thực hành Đạo còn khó khăn hơn nhiều. Thực vậy, nếu không tìm hiểu cặn kẽ, suy
gẫm tận tường, ta dễ dàng ngộ nhận Đạo Học là nhu nhược, chủ bại, bi quan, tiêu
cực, vô trách nhiệm, ngu dân, phản tiến bộ, lạc hậu, phản khoa học, phi thực
tế, thiếu chính xác, hàm hồ, ấu trĩ…. Trong khi cả nhân loại đều khẳng định
kinh nghiệm, kiến thức, suy luận là những khả năng, bản lĩnh, phương tiện tinh
thần tối cần yếu để giải quyết tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống và tri thức là
sức mạnh vạn năng, thì Đạo Học lại chủ trương trút bỏ mọi kinh nghiệm, kiến
thức, phủ nhận vai trò của học vấn, tích lũy tri thức, loại trừ phân biệt, tư
tưởng, so đo, mưu tính. Ta thấy hình như hoang đường, phi lý, khi Đạo Học xác
quyết:
“Không cần suy luận, nghiên cứu,
tìm tòi, không cần dụng cụ, phương tiện, sách vở, tri thức, không ra khỏi nhà,
chỉ ngồi quay mặt vào vách, quán xét tường tận nội tâm, mà thấu hiểu trọn vẹn
mọi sự vật trong Vũ Trụ. Một người đui mù, què cụt, vô học có khả năng đạt được
hạnh phúc và minh triết vô hạn.”
Nhưng, những điều này lại là sự
thực. Gần đây, khoa học đã bước đầu nhận thấy có hiện hữu một khả năng thông
suốt phi giác quan, phi lý trí, phi tư tưởng. Hơn nữa, giải trừ kiến thức trong
Đạo Học đâu phải là quăng bỏ toàn bộ các tri thức về sự kiện, về chuyên môn,
vốn tối cần cho cuộc sống, mà là loại trừ tất cả những tạp niệm, vọng tưởng,
tham chấp, vị kỷ, tích lũy trong kho tàng Trung Tâm Bản Ngã.
J. Krishnamurti tuyên bố:
“Chúng ta từ bỏ các kiến thức về tâm lý ôm giữ
trong đầu óc, chứ không thủ tiêu các kiến thức về sự kiện như kiến thức khoa
học, trí nhớ về một tên người, một con đường về nhà, kỹ thuật để xây dựng một
cây cầu...Khi cuộc Cách Mạng sâu thẳm ở nội tâm mỗi người hoàn tất, con người
sẽ có đầy đủ sự khôn ngoan, sáng suốt để sử dụng và phát huy những kiến thức về
chuyên môn một cách hiệu quả nhất.”
Đạo Học không hoàn toàn tôn thờ
lý trí, tư tưởng như người thầy soi sáng, chỉ lối, dẫn đường, và đề cao kiến
thức như một vũ khí, bảo bối vạn năng, nhưng cũng không chối bỏ vai trò tối
cần, tối yếu của ký ức về sự kiện trong cuộc sống. Đạo Học không chủ trương
tích lũy kinh nghiệm, phát triển tri thức, gia tăng suy luận, mở rộng học vấn.
Học thức uyên bác, với Đạo Học, không phải là minh triết, sáng suốt, mà là một
chướng ngại cho việc cảm thông Chân Lý, Thực Tại. Phật Giáo bảo kiến thức chồng
chất, đầy ắp trong đầu óc là “Sở tri
chướng”. Lão Tử bảo: “Thiểu
tắc đắc. Đa tắc hoặc”
(Biết ít thì được. Biết nhiều lại mê). Lục Tổ Đại Sư Huệ Năng, thánh
Ramakrishna, những người hoàn toàn thất học, nhưng lại là những bậc hiền triết siêu
phàm. Theo Đạo Học, tự do, hạnh phúc, minh triết là vốn có, bản lai, nguyên
thủy nơi mỗi người, chứ không phải thủ đắc được, thành tựu được do việc học
tập, gom chứa kinh nghiệm, kiến thức. Tuy đề cập nhiều về những đau khổ do
sinh, bệnh, lão, tử, nhưng Phật Tổ không cổ xúy cho giải pháp phát triển Y
Dược, để đẩy lui bệnh tật, kéo dài sự sống. Tuy nêu rõ những khổ lụy của cuộc
đời như bất công xã hội, tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột, chiến tranh, tệ đoan,
rối loạn, khủng hoảng lương thực, đói rét, lầm than... nhưng Đạo Học không hô
hào cải cách chính trị, kinh tế, phát triển nông nghiệp, không kêu gọi củng cố
an ninh quốc phòng, không chủ trương cải thiện xã hội, chấn hưng đạo đức, đẩy
mạnh Cách mạng giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa tư tưởng, hoặc kiểm tra
điều tiết dân số...
Đạo Học không chủ trương các
cuộc Cách mạng từ bên ngoài, vì tất cả các cuộc thay đổi hình thức, cơ cấu,
hoàn cảnh bên ngoài đều có tính cách cục bộ, phiến diện, vá víu, vụn vặt, hời
hợt, tạm bợ, vô ích, uổng công, lãng phí, mất thì giờ...và trước sau gì cũng bị
cái rối loạn, bất ổn, bất quân bình, mâu thuẫn, tranh chấp từ nội tâm mỗi con
người, mỗi cá nhân, làm băng hoại, phá hỏng, hủy diệt. Đạo Học đề xướng một
cuộc Cách mạng chân chính, đích thực, vẹn toàn, rốt ráo, giải quyết một lần tất
cả mọi vấn đề hệ lụy của con người, chứ không có tính chất manh mún, cục bộ,
nhất thời, đối chứng trị liệu, vô hiệu như các cuộc cải cách, Cách mạng từ bên
ngoài. Đó là cuộc Cách mạng nội tâm sâu thẳm từ mỗi cá nhân, không phải chỉ
dừng ở phần Cách mạng về Ý Thức, Tư Tưởng nông cạn, nhỏ hẹp, mà tới tầng lớp
tận cùng của Tiềm Thức mênh mông, sâu thẳm. Khi cuộc Cách mạng tiềm thức cuối
cùng ở nội tâm hoàn tất, Trí Tuệ và Từ Bi xuất hiện, nó vận dụng kiến thức, tư
tưởng về sự kiện, về khoa học, kỹ thuật, một cách khôn ngoan, hữu hiệu nhất để
kiến tạo một xã hội trật tự, thanh bình, hạnh phúc viên mãn, trọn vẹn, đích
thực cho toàn nhân loại.
Đạo Học là cuộc Cách mạng
tâm hồn toàn triệt, là con đường vô cùng giản dị, hoàn toàn tự nhiên, là cái
học không cần ghi nhớ, tính toán, suy nghĩ, không cần sách vở, giáo viên,
trường lớp, học cụ, phương tiện, máy móc, không cần đầu tư tiền của, thời gian,
có thể học bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, trong cuộc sống, hễ có thở là có học,
hễ có tri giác, có thức tỉnh, có cảm nhận và đáp ứng là có học... Đó là cái học
dành cho tất cả mọi người, mọi căn cơ, mọi trình độ, đặc biệt dễ dàng, thích
hợp, với những tâm thái bình dị, đơn giản, chất phác, ít tham vọng, ít nhu cầu,
không nhiều tiền, lắm của, giàu kiến thức... nhưng lại cực kỳ gian truân, vất
vả với những người cố chấp, bảo thủ, kiêu mạn, nhiều tham vọng thành đạt, nhiều
sở hữu về tài sản, quyền lực và kiến thức, không một khoảnh khắc buông rời cái Tôi tham lam, vị kỷ.
Đối với một số người, Đạo Học
được nhận định như một con đường giải khổ, thoát khổ chân chính. Nhưng chúng ta
lại thiếu nhiệt tâm và quyết chí trong việc thực hành, thể hiện. Chúng ta chần
chờ, gác lại, rồi quên lãng trong trăm ngàn công việc hàng ngày. Chúng ta không
dám buông bỏ dĩ vãng, đoạn tuyệt quá khứ, vĩnh biệt những điều quen thuộc, giã từ
những điều sở tri, sở kiến, đoạn tuyệt những thành kiến tư tưởng, những khuôn
mẫu ý niệm, quăng bỏ những thói quen, nếp nghĩ đã ăn sâu, bám rễ trong đầu óc
từ bao đời quá khứ. Chúng ta sợ phải đương đầu, đối diện với điều xa lạ, nơm
nớp lo sợ sự vật diễn ra không giống với điều dự tính, không như những hình ảnh
quen thuộc, đã biết, đã ghi khắc, cưu mang trong đầu óc, sợ hụt hẫng, sợ không
an toàn, sợ mất nơi nương tựa vững chắc lâu đời là kinh nghiệm, kiến thức.
Chúng ta không có đủ quyết tâm cất bước lên đường, không dứt khoát căng buồm,
vượt biển ra khơi...
Phải đợi đến khi nếm trải
những đau khổ cùng cực, rơi vào những nghịch cảnh đoạn trường, chúng ta mới
quay tìm Chân Lý. Phải sa xuống tận cùng Địa Ngục, chúng ta mới kiếm lối Thiên
Đường. Theo bà Darshani Deane, một diễn giả nổi tiếng về Đạo Học ở Hoa Kỳ, chúa
Jésus đã bảo:
“Khả năng để một người đầy
đủ về tài sản, về vật chất, về sức khỏe hướng về Chân Lý còn khó hơn việc giắt
một con bò đi qua lỗ kim”.
Trong hoàn cảnh đầy đủ tiện
nghi, mọi nhu cầu hưởng thụ được thỏa mãn dễ dàng, mọi điều kiện sống đều dễ
chịu, thoải mái... chúng ta khó lòng thấy rõ được cái sai lầm vị kỷ ẩn khuất,
cái phiền não vi tế, chúng ta không dễ gì có được cái cam đảm, cái quyết tâm
đoạn tuyệt tất cả những điều sở tri, những cái sở hữu, trong ta không thể nổi
lên cái khao khát khôn nguôi mưu cầu Chân Lý, mục đích, lý tưởng cuộc đời. Phật
Thích Ca, nếu không ra khỏi cửa thành, chứng kiến cảnh lầm than, đau khổ của
tầng lớp dân nghèo nàn, bệnh tật, chưa chắc đã sớm nẩy sinh quyết tâm rời bỏ
cung vàng, điện ngọc ra đi tìm Đạo Giải Thoát.
J.Krishnamurti bảo:
“Chân Lý là cái gì rất kỳ lạ.
Càng đuổi theo nó, nó càng vuột khỏi tay ta. Chờ đón nó, nó không bao giờ tới.
Khi hoàn toàn không quan tâm tới nó, nó xuất hiện bất ngờ như một tên trộm lẻn
tới trong đêm tối. Chân Lý là một nơi chốn không có đường vào (Truth is a
pathless land)…. Bạn luôn cân nhắc, luôn muốn có một khái niệm, một hình ảnh,
một mục đích, một kết luận trước khi hành động. Bạn luôn hành sử trong phạm vi
kiến thức, ý niệm, những điều đã biết. Trong hành động, bạn luôn muốn được tự
tin, được chắc ăn, được bảo đảm, được an toàn, được bám víu, được kinh nghiệm,
kiến thức, tư tưởng hướng dẫn, giúp đỡ. Nhưng trong thực tế, không có cái gì là
an toàn, vững chắc, cố định, bất biến cả. Khi thể xác bạn chết đi, bạn xa lìa,
buông bỏ, chấm dứt tất cả mọi sở hữu như kiến thức, vợ con, bạn bè, người thân,
tài sản, tham vọng, mục tiêu, lý tưởng… Bạn có thể nào chết đi ngay khi bạn
đang sống? Nghĩa là ngay trong cuộc sống này bạn buông bỏ toàn triệt, chấm dứt
thực sự, lập tức những hình ảnh, khái niệm về cái Tôi, cái của Tôi, như thành
kiến, tham muốn, ghen tị, lo tính, ao ước an toàn, vươn tới, chiếm hữu, trở
thành. Hãy để toàn bộ quá khứ chết đi tức thời và một lần. Nếu bạn hỏi: Quăng
bỏ quá khứ rồi thì còn gì sau đó ? Như vậy bạn muốn bảo đảm phải có một cái gì
tốt đẹp hơn để thay thế cái cũ. Như thế không phải sự từ bỏ, mà là sự thành
đạt, sự tiếp nối của cái cũ, cái dụng tâm, tranh đấu, nỗ lực, vươn tới…. Chân
Lý là cái gì vượt ngoài ý niệm, lạ lẫm trong từng khoảnh khắc. Muốn giáp mặt
nó, bạn phải hành động không đắn đo, suy tính, bạn phải nhảy xuống hồ bơi mà
không suy nghĩ rằng mình có biết bơi hay không, bạn phải căng buồm vượt biển ra
khơi, lao mình vào trùng dương bao la, xa lạ, mà không có bản đồ trong tay, bạn
phải một mình đi trên con đường chưa ai đặt chân tới, không người dẫn giắt,
hướng đạo, bạn phải chết đi những sở tri, kiến thức, những hình ảnh, những sở
hữu, những dự tính, những mục tiêu, lý tưởng ngay khi bạn đang sống… Có vậy,
cái thiêng liêng, vô biên, vô lượng, vô danh, vô ngôn, vô niệm mới có dịp hiện
bày. Bạn hãy thử nghiệm đi, nó không thực sự khó khăn như bạn tưởng”.
Những tư tưởng, vọng niệm, thành
kiến, tập nhiễm trong đầu óc từ những chuỗi ngày quá khứ dằng dặc, không lúc
nào, không giây phút nào buông tha con người. Chúng thường xuyên khuấy động,
sai sử, trói buộc, khiến thân, tâm ta, cuộc đời ta, không bao giờ được tự do,
thảnh thơi, thanh bình, an lạc. Tâm hồn mỗi cá nhân đã bất an, loạn động, bất
hạnh thì tất nhiên xã hội sẽ điêu linh, lầm than, thống khổ. Tâm tập nhiễm,
thiên chấp, tham cầu là đầu mối của mọi phiền não, đau khổ. Tâm vô chấp, vô cầu
là cội nguồn của thanh bình, an lạc. Thủ phạm duy nhất gây ra mọi mê lầm, đau
khổ, tai họa trên đời này là cái kho tàng ý niệm tập nhiễm, tham chấp cưu mang
trong đầu óc con người. Cái sai phạm lớn lao không gì so sánh nổi, là chúng ta
đã đồng hóa cái hậu trường ý niệm, kiến thức khổng lồ này thành một cái Tôi, cái Ta tư tưởng, một Trung
Tâm Bản Ngã và mặc nhiên coi nó như một người chỉ đạo, hướng dẫn,
soi đường, một bảo bối, vũ khí, phương tiện vạn năng, vô giá, không gì thay thế
được để vận dụng, ứng phó với tất cả các vấn đề trong cuộc sống.
Tội lỗi duy nhất, phạm trọng
nhất, thâu tóm tất cả mọi tội lỗi, bao trùm muôn tội, là tội chúng ta đã mù
quáng, vô minh, mê lầm không thấy được cái nguyên nhân căn để gây ra mọi hình
thức đau khổ trên trần gian này. Theo Sơ Tổ Đạt Ma, cái Trí Tuệ sáng suốt để
nhận ra thủ phạm gây ra mọi đau thương, khổ lụy trên đời này, là quý báu hơn
tất cả mọi thứ bảo vật, kim cương, vàng bạc. Điều cực kỳ cần yếu, cấp bách,
đứng trên tất cả mọi thứ cần yếu, cấp bách khác, là tại đây và ngay bây giờ,
chúng ta hãy trút sạch, buông bỏ toàn bộ mọi vọng niệm, thành kiến, mưu cầu vị
kỷ, để thể hiện, chứng nghiệm thanh bình, tự do, an lạc nơi thân, tâm ta, từ
đó, góp phần vào việc kiến tạo một xã hội trật tự, hòa bình, hạnh phúc cho toàn
nhân loại.
Tóm lại, cái si mê lớn nhất của
con người là họ chỉ biết chăm chăm dành hết thời gian tâm lực, để lao vào những
hành vi vị ngã như tranh giành, chiếm đoạt, củng cố, mưu cầu, vươn tới, lo sợ,
bất an, phiền muộn, đau khổ...không lúc nào rãnh rỗi, bình tâm, sáng suốt để
nhận ra cái nguyên nhân gốc rễ gây ra mọi thống khổ của kiếp người. Họ không
thấy được thủ phạm duy nhất của mọi tai họa trên đời này đích thị là cái Ta ý niệm, cái khối kiến thức, thành
kiến, dục vọng sâu dày, tập nhiễm trong đầu óc họ. Họ không thấy được rằng họ
đang bị ý niệm, tư tưởng chi phối, qui định, điều khiển, sai sử, nhào nặn, trói
buộc, lừa gạt, mê hoặc, quấy phá, hành hạ.
Đạo Học, con đường xả ly trước
nhiễm nội tâm, thể hiện tự do, hạnh phúc, thanh bình, an lạc vĩnh cửu ngay
trong cuộc sống hiện tiền, là tối cần, tối cấp. Đây là cái học độc nhất, con
đường chân chính không hai như lời Phật bảo, đáp số duy nhất của mọi vấn đề,
cái bất biến để ứng vạn biến, giải quyết một lượt tất cả mọi vấn nạn trước nay
của nhân loại, trả lại cho chúng ta cái Thiên Đường muôn thuở, mà chúng ta đã
lỡ lầm đánh mất trong dĩ vãng ngàn đời. Xả ly, từ bỏ, giũ sạch vọng niệm tập
nhiễm, chấp trước, ta sẽ có tất cả. Chất chứa, mưu cầu, thủ đắc, ta sẽ mất tất
cả. Vô Ngã, vô niệm, chúng ta thành tựu hạnh phúc viên mãn, trí tuệ phi phàm.
Ngã chấp, vọng tưởng, chúng ta dấn thân vào con đường mê loạn, phiền não.
Triết gia nổi tiếng người Pháp
Descartes (1596 – 1650) tuyên bố:
“Tôi suy
tư là tôi hiện hữu”
(Je pense donc je suis).
Thực vậy, khi ta suy luận là ta
đang biểu hiện sự có mặt của cái Trung Tâm Bản Ngã ý niệm, cái Tôi tập nhiễm bởi vô vàn kinh nghiệm,
thành kiến, tham dục, với những sinh hoạt vị kỷ không ngừng nghỉ như hồi tưởng,
truy cứu, nhận định, liên hệ, đánh giá, so sánh, xử lý, mưu cầu, đáp ứng, vận
dụng, vọng động...Khi ta suy nghĩ, luận giải, biện minh, chủ ý, là ta đang đi
theo con đường của triết gia, học giả, ngày một đa đoan, phức tạp, để vươn
đuổi, nắm bắt cứu cánh ngày một hun hút, xa vời vì chính mục đích, lý tưởng,
chân lý là phóng hiện của những vọng niệm, huyễn tưởng hư giả.
Nhân loại đã cưu mang ký ức, đã
tích lũy kinh nghiệm, đã gom giữ kiến thức ngày một gia tăng trong tiềm thức,
trong thư viện, trong đĩa tin học, trong tự điển bách khoa điện tử, trong siêu
xa lộ thông tin Internet (Infortmation Superhighway). Con người đã ôn cố để tri
tân, đã vận dụng tri thức thủ đắc được, đã phân tích, đã lý giải, đã tìm hiểu,
ghi chép sự vật...để mưu tìm hạnh phúc. Nhưng xã hội loài người vẫn bất an, bất
ổn, bất quân bình, bất hạnh, vẫn lo âu, căng thẳng, xung đột, khủng hoảng, hỗn
loạn. Chúng ta đã góp nhặt, đã trích dẫn, đã biện giải rất nhiều, nhưng chúng
ta vẫn khắc khoải, vẫn mong chờ, vẫn chưa hài lòng, mãn ý, vẫn tâm viên ý mã,
vẫn khẩu Phật, tâm xà... vẫn loanh quanh, tự giam nhốt mình trong mạng lưới tư
tưởng.
Lão Tử bảo:
“Tri giả
bất ngôn. Ngôn giả bất tri.
Thiện giả bất biện. Biện giả bất thiện”
(Người
hiểu Đạo thì không nói, không diễn giải về Chân Lý, về Đạo. Người diễn giải về
Đạo là người không hiểu Đạo. Bậc Thánh Thiện, Đạt Đạo thì không biện giải về
Chân Lý. Người biện giải về Chân Lý không phải bậc Thánh Thiện, Đạt Đạo).
Đúng thế, trong lúc dẫn chứng,
luận giải, biện thuyết là ta đang bị lôi kéo vào dòng tư tưởng, vọng niệm miên
man, hư giả, phi thực tại, ta không chú tâm trọn vẹn vào cái đang hiện tiền,
không thân chứng được thực tại đang luân lưu bất tuyệt, không thể nhập, hòa
đồng với cái đang là, không cảm nhận được tự do, hạnh phúc đang diễn ra trong
lòng Sự Vật. Khi ta giải thích về “Đối
cảnh vô tâm”, là ta đang không ở trong cảnh giới “Đối cảnh vô tâm”. Khi ta luận giải về tâm thái “Ưng vô sở trụ”, là tâm ta đang vướng
kẹt, dính mắc vào dòng vọng tưởng, tạp niệm mà ta đang vận dụng, đang trụ vào
để giải thích thế nào là tâm thái “Ưng vô
sở trụ”. Tam Tổ cũng có cùng một ý ấy, khi Tổ bảo: “Ngôn ngữ Đạo đoạn” (Lời nói làm dứt
Đạo). Khi ta chứng minh diễn giải bằng ngôn từ là ta đang chạy theo sự vận hành
của vọng niệm, là ta đang làm gián đoạn dòng sống, mối thông tin, tương tác
đang diễn ra giữa thân, tâm ta và Vạn Hữu.
Nhưng ngôn từ của bậc Đạt
Đạo thì không thế: lời nói của họ là sự diễn đạt trọn vẹn, tức thời những cái
đang xảy ra trong hiện tiền, nhiều khi được biểu hiện bằng những bài minh, câu
kệ, khúc đoản ca, chứng đạo ca, hoặc cả một đoạn trường thi đầy âm điệu.
Tổ Huệ Năng cũng bảo:
“Tâm mê,
Pháp Hoa chuyển
Tâm
ngộ, chuyển Pháp Hoa
Vô
niệm, niệm tức chính
Hữu
niệm, niệm thành tà”.
Tâm mà còn mê loạn, thì càng lầu
thông thiên kinh vạn quyển, ta càng bị vướng mắc, trói buộc vào những lời lẽ
của cổ nhân: ta bị kinh dẫn dắt, quy định, sai sử. Tâm đã tự tri, tự giác rồi
thì ta hoàn toàn có khả năng vận dụng một cách tài tình, linh động, sáng tạo
mọi kinh điển của Thánh Hiền để giúp người khác bừng tỉnh, trực ngộ, vượt
thoát. Khi tâm đã sạch làu mọi vọng niệm, thì dù ta nhận định gì, phát biểu gì,
cũng đều là những cái trung thực, thiện mỹ, những biểu hiện của cái Chân Thật
hiện tiền. Tâm còn trước nhiễm, đầy ắp những sở tri, sở kiến, thì mọi lý giải,
ngôn từ của ta dù cao xa tới đâu vẫn là lầm lẫn, viển vông, vô ích, xa rời Chân
Lý. Chỉ có bậc Giác Ngộ, bậc Tâm Không mới có khả năng diễn đạt Thực Tại.
Tất cả đã được trình bày, diễn
giải. Tất cả đã rõ ràng, minh bạch, và tất cả đã sẵn sàng, và mọi sự lý giải
cần phải chấm dứt. Chúng ta không còn nghi vấn gì nữa, để lần lữa, để trông
chờ, để gác lại mà không cất bước lên đường, giải quyết một lần toàn bộ mọi vấn
đề trọng đại, sinh tử trong cuộc sống, trả phăng đi món nợ nặng nề chồng chất,
mà chúng ta đã chần chờ khất lại từ dĩ vãng muôn kiếp, nghìn đời... Chúng ta
hãy bắt đầu con đường trở về của hành giả bằng cách chấm dứt mọi ngôn thuyết,
tư nghị, để cảm nhận trọn vẹn cái hiện tiền, cái đang là, cái đang thực tại,
cái đang bây giờ, đang tại đây.
Chúng ta hãy dứt khoát từ bỏ con
đường đa tư đa lự, đa ngôn, đa thuyết, trút bỏ mọi sở tri, sở kiến, sở chấp, sở
cầu, con đường ra đi vô phương, vô định để thủ chân, bão phác, thiểu tư, quả
dục, quay về nhà xưa lối cũ, tìm lại cội nguồn, Tịnh độ bản lai thanh bình an
lạc. Giờ khắc trôi mau, năm tàn, tháng lụn, đời người thấm thoát, mà vấn đề
trọng đại, món nợ sinh tử ngàn đời vẫn chưa giải quyết, vẫn tồn tại, vẫn day
dứt, vẫn khôn nguôi, vẫn canh cánh bên lòng. Chúng ta hãy kiên quyết cất bước
lên đường, để bắt đầu một cuộc đăng trình đơn độc, mà không một Đạo Sư nào, một
Giáo Chủ nào, một người thân nào có thể đồng hành, dẫn giắt, giúp đỡ hoặc thay
thế ta trong việc lắng nghe, theo dõi, đào sâu, thám sát vào tận hang ngách
cuối cùng của tâm thức để nhận diện chân tướng, nguyên hình của Bản Ngã vị kỷ.
Ta phải dứt khoát thể hiện tự
do, giải thoát ngay trong hiện tiền, trong cái đang là, tại đây và ngay bây
giờ. Đây không phải là một quyết định, một hành vi bồng bột, một hứng khởi nhất
thời, mà là một việc làm sáng suốt, chân chính nhất đã được các bậc hiền giả
đạo hạnh, minh triết, cổ kim, đông tây, nhắc nhở, khẳng định. Ta không thể nại
ra bất kỳ một lý do nào để trì hoãn dù là một giây phút. Tất cả mọi ý định chần
chờ, gác lại đều là sự vẽ vời, phỉnh gạt của tư tưởng, vọng niệm. Cái phải, cái
đúng, cái đẹp nằm ngay trong ta, bên ta, chứ không phải ở chân trời lý tưởng
hay Thiên Đường hạnh phúc nào.
Chúng ta phải có một nhiệt tâm
bốc cháy, một lập trường kiên định không gì lay chuyển được, một quyết tâm quên
mình, một dũng khí xả thân cho lý tưởng, một sự sáng suốt tinh tế, sâu sắc bén
nhạy, để thấy rõ cạm bẫy của tư tưởng, tà niệm, vọng kiến, một nghị lực cứng
cỏi phi thường để vượt lên mọi mê lầm, mù quáng của búa rìu dư luận. Khao khát
Thượng Đế, Chân Lý, Thực Tại, Chân Thiện Mỹ phải là cái thôi thúc nồng cháy,
khôn nguôi, bất diệt. Có vậy, ta mới có khả năng thể hiện được sự Bừng Tỉnh Vĩ
Đại cuối cùng.
Trong suốt 55 năm lang thang khắp
các châu lục, J. Krishnamurti, vị Đạo Sư Toàn Cầu trong thế kỷ 20 (The Great
World Teacher: như khẳng định của Hội Thông Thiên Học Quốc Tế), chỉ trao truyền
cho nhân loại một thông điệp duy nhất là con người hãy tự giải thoát mình bằng
cách thực hiện cuộc Cách mạng nội tâm cùng tột ngay tại thời điểm này, không
gian này. Tự do, Giải Thoát phải được thể hiện trong từng cảm nhận, từng đáp
ứng, từng ngôn ngữ, hành vi, cử chỉ, từng nhịp tim, từng hơi thở, từng khoảnh
khắc đang diễn ra nơi cuộc sống thường ngày.
Khổng Tử cũng khuyên: “Tu du bất ly Đạo” (Không một khoảnh
khắc nào sống xa rời Đạo). Tự do, an lạc, buông bỏ mọi bám víu, trói buộc,
nương tựa...phải thể hiện bất cứ ở tình huống nào, thời điểm nào, hoàn cảnh nào
trong cuộc sống.
Tâm ta vô ngã, vô niệm, vô
chấp, vô cầu thì cảm nhận nào cũng là “tâm
thiện uyên”, đáp ứng nào cũng là
“sự thiện năng”, từ ngữ nào cũng là “ngôn thiện tín”, hành sử nào cũng là “lợi nhi bất tranh”, “vô vi, vô sự”,
giao tiếp nào cũng là “động thiện thời”,
của một bậc “Thượng Thiện nhược thủy” như
lời của Lão Tử khẳng định.
Khi tâm ta phẳng lặng,
trong sáng, sạch làu mọi sở tri, sở kiến, tập nhiễm, chấp trước thì hình ảnh
nào cũng tinh khôi tuyệt trần, “nhất
kiến, bất khả tái kiến”, sự vật nào cũng “nhật tân, nhật nhật tân”, màu sắc nào
cũng “vô lượng quang”, âm
thanh nào cũng là “ngôn ngữ của Chư
Phật”, mùi vị nào cũng thấm nhuần
“hương vị Giải Thoát”, tương quan nào cũng “vô năng vô sở, vô tha vô tự”, ứng sử
nào cũng “tri hành hợp nhất, thoát ly
nhân quả”, thời điểm nào cũng là “vô
lượng thọ, nhất niệm vạn niên, thiên thu, vĩnh cửu”, không gian nào
cũng là cõi giới phúc lạc, thanh bình, hoàn cảnh nào cũng là “Bồ Đề, Niết Bàn, Tịnh Độ”.
Đạo Học là con đường đưa nhân
loại tới hạnh phúc viên mãn, toàn vẹn. Đây đích thị là con đường phải nhất,
đúng nhất, đẹp nhất, chân chính, hoàn thiện nhất, đúng nghĩa, xứng đáng, chắc
chắn, cao cả, kỳ vĩ, nhiệm màu nhất, để kiến tạo một xã hội trật tự, thanh
bình, an lạc, vĩnh viễn trên hành tinh này.
Tâm chúng ta đã thành, ý
chúng ta đã thiện, chúng ta đã hướng thượng, hướng thiện, đã hoài bão Chân Lý,
đã khát vọng Thực Tại, và chúng ta hãy thể hiện Đạo Tâm tự do, thanh bình, an
lạc tại đây và tức khắc, ngay bây giờ. Đấy mới là cái Trí tuệ tối thượng, cái
khôn ngoan tuyệt đích, cái đạo hạnh bao trùm vạn hạnh, cái cấp bách trước tất
cả mọi cấp bách. Nhận định rằng phải cần có thời gian chuẩn bị, tu dưỡng, thanh
lọc thân, tâm từ từ để đón nhận Chân Lý, để chứng đạt Giải Thoát, là chúng ta
đang chấp vào thành kiến về tiến trình nhân quả, là chúng ta vẫn đang bị ngục
tù ý niệm giam nhốt, kiềm tỏa. Chúng ta không thể dần dần biến đổi trói buộc
thành giải thoát, mê vọng thành giác ngộ, phàm phu thành thánh nhân. Chân Lý
không thể thành tựu bằng cách tôi luyện tinh thần dần dần hay thanh lọc thân,
tâm từ từ.
Chúng ta không thể “mài giũa một viên ngói ngày này qua ngày khác để
biến nó thành một tấm gương soi” được, như lời Tổ Nam Nhạc
(677-744). Ngã chấp, mê vọng dù có thanh lọc, giảm thiểu tới đâu vẫn là tâm
phàm tục. Niệm tưởng dù vi tế, nhỏ nhặt tới đâu, vẫn không là Tâm Giải Thoát.
Tâm thái sai khác dù là nhỏ nhặt như “hào
li”, thì cảnh giới Mê, Ngộ vẫn tách biệt như “Thiên Địa huyền cách”, theo lời Tam
Tổ. Sự biến đổi từ mê sang Ngộ, từ phàm sang Thánh, từ phiền não sang Bồ Đề, từ
ngục tù sang Giải Thoát diễn ra đột ngột, hoát nhiên, tức thời, dứt khoát như
việc “nuốt đồ ăn”, theo lời
Sơ Tổ.
Ta phải buông bỏ tức khắc, tại
đây cái kho tàng kinh nghiệm, kiến thức, chấp trước từ bao đời dĩ vãng. Cái
Trung Tâm Bản Ngã vị kỷ phải sụp đổ, tan tành, tiêu biến toàn triệt, tức khắc
tại đây và ngay bây giờ. Khi cái lâu đài tư tưởng, cái thành trì ý niệm, cái
kho tàng chấp trước, cái Ta
vọng động, bép xép, cái Tôi
vị kỷ, tham cầu..., sụp đổ, tan biến, hư vô, vong bặt, tận diệt... thì tức thời
ta bừng tỉnh rằng cái Chân Như, thanh bình, tự do, giải thoát chính là những
cái đang hiện bày, đang sẵn có, đang thường hằng, bất diệt.
Tổng kết, nếu ta huy động đủ
nhiệt tình, kiên chí, cường độ tâm năng, ta chí thành, chí tín, chí thiết, chí
khẩn thì thì có nhiều con đường dẫn ta tới cứu cánh tự do, hạnh phúc đúng thực
như lời Khổng Tử: “Thiên hạ đồng quy nhi
thù đồ, nhất chí nhi bách lự”. Con đường ấy có thể là lòng tối
thành, tối kính của Đạo Sư Ramakrishna với Thánh mẫu Kali, của nữ tu Thérèse
D’Avila hay Thérèse Neuman với Thiên Chúa, có thể là sự tập trung cao độ,
chuyên nhất vào một hơi thở, một đề mục, một câu thoại đầu, công án của thiền
sinh, một hành động xả thân vong ngã, quên mình vì hạnh phúc của tha nhân, đồng
loại. Nếu thể hiện được trọn vẹn thì con đường nào cũng dẫn tới quả vị Giải
Thoát, dù đó là Bhakti Yoga, Jnâna Yoga, Raja Yoga hay Karma Yoga, hoặc Mật
Tông, Thiền Tông, hay Tịnh Độ…
Trong số các con đường này, con
đường Chính Định là con đường Giải Thoát tự nhiên, giản dị, đại chúng, phổ cập
với nhiều loại căn cơ nhất. Nội dung cốt lõi của Đạo Học được thâu gọn trong
Tâm thái Chính Định:
“Ngay tại thời điểm này, không gian này, chúng ta hãy lập tức buông bỏ
toàn triệt những thành kiến tư tưởng, những khuôn mẫu ý niệm, những tập nhiễm,
chấp trước, tham cầu vị kỷ...đang cưu mang trong đầu óc, kể cả việc chấm dứt và
quên sạch những trang luận giải trên đây, để thấy một cách hoàn toàn tự nhiên,
thoải mái cái đang là y như nó đang là, để sống như thực, trọn vẹn cái đang
diễn ra, đang vận hành, đang hiện hữu, đang biểu hiện, đang luân lưu bất
tuyệt”.
Chúng ta chỉ có một điều duy
nhất là thấy và sống tỏ tường, trung thực, ung dung, tự nhiên, thư thái mối
quan hệ, cộng thông, tương tác giữa thân, tâm và Vạn Hữu đang như vậy, tịnh
không một ý kiến, tạp niệm, vọng tưởng nào cả. Đây là phương tiện đồng thời
cũng là cứu cánh, là con đường duy nhất, là cuộc Cách mạng đầu tiên và cuối
cùng giải thoát con người khỏi tất cả mọi hình thức hệ lụy, phiền não. Đây
chính là con đường An Vui trọn vẹn, con đường Hạnh Phúc viên mãn.
Toàn bộ Tinh Hoa Đạo Học trình
bày trong sách được tóm gọn vào một trong các câu sau đây:
_ ĐẠO LÀ LẬP TỨC BUÔNG BỎ TẬN
TRIỆT MỌI KIẾN CHẤP, THAM CẦU VỊ KỶ, ĐỂ THÂN, TÂM, VẠN HỮU VẬN HÀNH TỰ NHIÊN Y
NHƯ NÓ ĐANG LÀ.
_ ĐẠO LÀ TỨC THỜI BUÔNG SẠCH MỌI Ý KIẾN, NHẬN
XÉT, CHỦ Ý, DỤNG TÂM, NỖ LỰC, THẤY BIẾT SỰ VẬT Y NHƯ NÓ ĐANG LÀ..
_ ĐẠO LÀ NGAY ĐÂY BUÔNG SẠCH MỌI
KIẾN CHẤP, SUY XÉT, MƯU CẦU VỊ NGÃ, SỐNG TỰ NHIÊN, TRỌN VẸN CÁI ĐANG DIỄN RA Y
NHƯ NÓ ĐANG LÀ.
_ ĐẠO LÀ NGAY ĐÂY BUÔNG
SẠCH MỌI TẬP KIẾN, TƯ TÂM, TƯ DỤC, HÒA NHẬP TRỌN VẸN VÀO GIÒNG SỐNG TỰ NHIÊN
CỦA VẠN HỮU ĐANG LUÂN LƯU BIẾN DỊCH.
Câu sau chót của cuốn Đạo Học
này:
“ Tại đây, ngay bây giờ, ta
buông bỏ tận triệt mọi ý kiến, mọi nhận xét, mọi suy nghĩ, toan tính vị kỷ,
quên sạch mọi kiến thức, ý nghĩ, ngôn từ, văn tự, luận giải về Đạo, để thấy cái
đang là y như nó đang là, để cảm nhận cái đang cảm nhận, để sống cái đang như
vậy, để cộng thông, hòa làm một với cái đang diễn ra tự nhiên như vậy”.