Đời sống
Tịnh Tư Ngữ
Pháp Sư Chứng Nghiêm Thích Giải Hiền dịch
Đã cập nhật: 0 phút
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHẦN MỘT

(tiếp theo) 

11. BÀI HỌC ĐẦU TIÊN VỀ ĐẠO ĐỨC LÒNG NGƯỜI

TĨNH TƯ VỀ SỰ SÁM HỐI

. Con người do tự giác mà trưởng thành, do tự mãn mà đọa lạc. Biết tự phê bình, tự thừa nhận lầm lỗi là bài học đầu tiên của lòng người đạo đức. Nó cũng là nấc thing để thăng hoa nhân cách.

. Chỉ được một phút sau khi tự tha thứ cho mình là người ta bắt đầu giải đãi. Bởi thế bạn phải luôn luôn nhắc nhở cảnh tỉnh mình.

. Tha thứ cho người là mỹ đức. Tha thứ cho mình là tổn đức.

.Dũng cảm đảm nhận (trách nhiệm, lỗi lầm) là sức mạnh làm động tâm người. Dũng cảm thừa nhận lỗi lầm la một phẩm chất cao thượng.

. Gặp việc đừng vì sai lầm trước đây rồi không dám đụng tới nó nữa, mà phải biết sửa chữa sai lầm rồi phấn chấn đối mặt với nó.

. Lỗi lầm lớn dễ phản tỉnh. Tật xấu nhỏ mới khó dứt trừ.

. Sám hối là bài cáo bạch của tâm linh. Sám hối cũng là quét sạch ô nhiễm nơi tinh thần.

. Con người làm thế nào để trang nghiêm cuộc sống và tự nâng cao đời sống tinh thần. Duy nhất chỉ là biết " tàm quý". Tàm quý nghĩa là biết ăn năng nhận lỗi trước và chữa lỗi sau. Người như vậy mới có thể cứu vớt được. Tàm quý cũng chỉ là tâm biết ăn năn chừa bỏ.

. Sám nghĩa là phát lồ tội cũ và tu tập điều tốt. Ai ai cũng có lương tri. Dũng cảm đối diện thực tại, phản tỉnh, sám hối; thì có thể tự nhận sai lầm ngay từ đầu. Tinh tấn mà thành khẩn bộc bạch rồi phát nguyện sửa chữa lại, hết lòng thực hành chánh đạo. Như thế thì mới có thể minh tâm kiến tánh, viên mãn thanh tịnh.

. Chúng sinh phàm phu, ai mà chẳng có lỗi ? Chúng ta, từ lúc chập chững vô tri cho tới lúc hiểu biết thế sự, bất luận là lỗi lầm cố ý hay vô ý, mình phải đều sám hối. Sám hối thì mới thanh tịnh. Thanh tịnh thì mới trừ sạch phiền não.

. Khởi tâm, suy nghĩ : đều là nghiệp. Mở miệng ,cất lời, giơ tay, nhấc bước : đều là tội. Do vậy kẻ học Phật pháp cẩn thận, đề phòng sai lầm tội lỗi. Chớ nên che dấu tội ác. Lúc nào cũng phải phát lồ sám hối, sửa lỗi, đổi mới thì mới được tự tại an nhiên.

. Nên thường tĩnh tư, phản tỉnh để mở rộng biển cả tâm linh, khơi phát suối nguồn trí tuệ. Có vậy bạn sẽ thông đạt mọi chuyện thế gian và xuất thế gian, thấu triệt mọi sự.

. Khi một người chẳng thể dạy dỗ chính mình thì kẻ khác cũng sẽ chẳng có cách gì dạy dỗ y. Sự trưởng thành của y tới đó là ngưng trệ.

 

12. SỨC MẠNH CỦA MỘT HẠT GIỐNG

THÀNH CÔNG NGUYỆN LỰC VÀ SỰ TRÌ CHÍ

. Sống ở đời thì hệt như đi trên sợi dây căng giữa trời. Bạn phải chuyên tâm, một lòng hướng về phía trước mà bước. Không nên cứ quay đầu, ảo não chuyện đâu đâu. Đường đời tuy không dài nhưng chẳng dễ bước. Bởi vậy, phải cận thận từng bước chớ để lầm đường lạc lối.

. Khi tuổi trẻ sức cường đừng nên hăng quá. Hăng quá sẽ không tránh khỏi sức cùng kiệt lực. Thế rồi chùn bước lao đao trong khi mục tiêu vẫn còn xa lắc.

. Thành công phải dựa vào sức mạnh của lòng kiên trì, chí nhẫn nại và kết quả của sự phấn đấu, tích chứa lâu dài, mà không phải nhờ vào một tí khí tiết và sự bộc phát nhất thời.

. Kẻ khéo dùng sức lực thì chẳng gấp chẳng chậm. Kẻ khéo dùng lý tưởng thì chẳng hung mãnh, cũng chẳng yếu hèn. Nhất trí tiến về trước, kiên định không thay đổi lòng dạ, thì kết cuộc bạn ắt đạt tới mục tiêu.

. Nói về kẻ có tài hoa đầy mình : một mặt, khi làm gì y rất dễ dàng đạt tới mục đích, rất chóng thành đạt vật dụng ở trần thế. Mặt khác, bởi vì lòng truy cầu vô bờ bến, nên y vĩnh viễn khó tìm được sự thỏa mãn nội tại. Tài hoa bấy giờ biến thành gốc rễ của khổ đau.

. Mạng không phải là định mệnh. Là cái không thể lý giải được. Nhưng điều chắc chắn là mỗi người do tâm nguyện của mình mà quyết định nên số mạng của họ.

. Việc gì cũng bắt nguồn từ hạt giống ban đầu và sự quyết tâm.

. Nghèo nhưng là người không nghèo nhân chí. Giàu phải là người càng giàu nhân chí.

. Làm người : hãy có chí hướng, tâm nguyện và niềm vui (thú vị nơi việc mình làm). Sống trên đời mà chẳng có chí hướng thì cũng giống như kẻ lấy bút vẽ hình, chẳng biết vẽ gì : bên này một quẹt, bên kia một nét, rốt cuộc chẳng thành ra hình dạng gì cả.

. Không nên xem thường chính mình : bởi vì mỗi người đều có khả năng vô hạn.

. Không nên xem thường sức lực của mình. Trên đời chẳng có chuyện gì gọi là chẳng thể làm được, mà cũng chẳng có ai là kẻ không có năng lực. Nếu có thì cũng chỉ là kẻ chẳng chịu làm mà thôi. Khi giọt nước của bạn nhỏ vào lu thì cả lu nước đều là của bạn. Bởi vì giọt nước ấy đã hòa vào với nước trong lu. Không còn có thể phân biệt được đâu là giọt nước của bạn và đâu chẳng phải là giọt nước của bạn.

. Bánh vẽ không làm no bụng. Bọt nổi trên nước thì không sao kết thànhvòng đeo.

. Đường nào mà chẳng do người đi mà có. Đường xa ngàn dặm ắt phải có bước khởi đầu. Cảnh giới của thánh nhân cũng phải bắt đầu từ phàm phu.

. Muốn nhấc thì nhấc tất cả. Đã buông thì buông hết thảy.

. Nhân cách của Bồ Tát là do chúng ta tự hoàn thành.

.Tâm Phật chẳng có xa gần. Nguyện vọng của chúng sinh cũng chẳng có lớn bé. Chỉ cần tâm thành, ý chánh thì ta có thể thành đạt nguyện lớn.

. Phải là người bạn tốt của Đức Phật Đà học làm người đại nông phu. Vì ruộng phước của mọi chúng sanh mà canh tác, biến mảnh đất tâm hoang vu ấy thành ruộng phước lớn.

. Sự nghiệp tế độ lợi ích chúng sinh cần dựa vào ba sức mạnh : một là tự lực, hai là Phật lực, ba là chúng duyên bình đẳng lực.

Tự Lực : tức là nhân duyên phước huệ của mình. Muốn có phước thì phải gieo nhân, làm chuyện phước đức. Hạt giống này mình phải tự gieo.

Phật Lực :sau khi có tự lực, mình cần sự gia trì của Phật lực. Ngưỡng xin chư Phật dùng ánh từ quang chiếu diệu, nguyện sao cho tâm mình và tâm Phật dung hợp làm một.

Chúng duyên bình đẳng lực : Phật với chúng sinh bình đẳng. Do đó mình phải cung kính cúng dường tất cả chúng sinh với tâm bình đẳng giống hệt như cung kính cúng dường chư Phật vậy.

.Nhiệt tâm thì dễ phát khởi. Hằng tâm (tâm kiên trì không đổi) mới khó giữ gìn. Nói suông không làm thì sao thể ngộ được chân lý thực tiễn đạo pháp. Chỉ có giữ được sơ phát tâm (Bồ đề tâm) mới có thể chứng ngộ thành Phật.

.Kiên trì tâm chí, thức dậy thật sớm để tu hành là một cách huấn luyện công phu tinh tấn không lười biếng.

 

13. TRANG GIẤY TRẮNG CỦA ĐỜI MÌNH

LÀM SAO VIẾT CHỮ NGƯỜI

. Chỉ do một thứ đất sinh ra, chỉ được một thứ mưa thấm nhuận, song thảo mộc cây cối có vô số sai thù khác biệt.

. Có tướng chúng sinh nghĩa là có quan niệm, cái nhìn về chúng sinh.

. Mỗi ngày là một trang giấy trắng của đời mình. Mỗi người mỗi việc đều là những áng văn sống động trên trang giấy ấy.

. Giữa trời đất vũ trụ, không một thứ gì chẳng là đối tượng để ta học hỏi; cũng không có thứ gì chẳng là Phật pháp. Cũng không thứ gì chẳng phải là chuyện khiến ta tu tâm. Chỉ cần ta chịu dụng tâm suy nghĩ, dụng tâm tu hành, dụng tâm làm việc thì chuyện gì cũng thành.

. Một khi đã sinh ra đời, mình chẳng thể tách rời hoàn cảnh xung quanh được. Tu hành chẳng thể tách rời nhân quần, trốn đời. Giải thoát chân chính chỉ tìm được trong vòng nhân duyên chằng chịt. Cũng từ trong phiền não ta mới đắc được giải thoát.

. Cảm thụ được cái hay của người tức là trang nghiêm chính mình.

. Ai ai cũng có bản tánh thành Phật. Nếu khám phá ra bản hữu tự tánh, bạn sẽ có quan niệm bình đẳng về chúng sinh. Lúc ấy bạn hết phân biệt chấp trước : đây là của tôi kia là của anh.

. Muốn sống bình an, trước hết tâm phải bình an. Muốn lòng an ổn, trước hết phải thấu suốt chân lý (nhân quả). Hiểu lý, tâm an rồi, đâu đâu cũng sẽ bình an.

.Nhất lý thông thời vạn lý triệt. Hiểu rõ chân lý thời khắc biết mình sẽ đi về đâu và nên làm gì. Minh bạch rõ ràng rồi thì sẽ làm chủ được mình là ai rồi sinh ra bàng hoàng khổ não.

. Thân thể tàn tật chưa phải khổ. Tánh tình tàn tật mới thật sự khổ. Đa số tai ương hoạn nạn trên đời đều do người lành lặn tay chân nhưng tàn tật về tâm hồn làm ra cả.

.Đối với người, đạo lý là một con đường dài. Không rành địa lý sẽ đi trật đường. Do vậy, ngay trong đời này và ngay trong hiện tại phải nắm cho rõ địa lý học của tương lai.

. Muốn giáo hóa hết thảy chư hữu tình, trước hết mình cần tự đoan chính, đàng hoàng. Chúng sinh vốn can cường, ương ngạnh; tâm thái của họ trăm ngàn sai khác khó lường. Bạn chỉ có một cách cảm hóa họ là dùng lòng thành và thái độ công chính. Thành và chính có thể dạy dỗ điều phục vô lượng chúng sinh ngang ngược.

.Làm người, hãy cố làm tròn ba điều không ỷ lại sau đây :

1-Không ỷ lại quyền lực;

2-Không ỷ lại địa vị;

3-Không ỷ lại tiền bạc.

.Làm người phải có cảm giác thận trọng, không nên chỉ có cảm giác thành công. Người thận trọng tâm luôn an vui.

. Thời gian : phải tranh thủ từng giây. Con đường : phải chắc chắn thật dấn bước. Có thế thì đời này chẳng có gì hối tiếc cả.

. Đừng nên sinh oán ghét thế thái nhân tình đủ thứ bạc bẽo, cũng đừng ích kỷ truy cầu tự lợi, cũng chớ oán trách tại sao có người lòng tốt mà chẳng gặp quả báo tốt, rằng sao có đủ chuyện bất công… Khi gặp những việc ấy, nên biết chúng là cơ hội tốt để mình phát tâm ra tay làm tốt.

. Việc khó mà làm được, chuyện khó mà xả bỏ được, cảnh khó mà ở được đó là cách để bạn thăng hoa nhân cách của mình.

. Phật đặt ra giáo pháp trên đời là cốt dạy chúng sinh trở về bản tánh chân như, làm người chân chính. Do vậy mới nói : nhân cách trọn vẹn thì Phật cách mới viên mãn. Nhân cách chẳng ra gì sao thành Phật được.

. Thế gian đầy khổ. Làm người cũng khổ nhưng làm người là con đường duy nhất để thành Thánh, thành Phật.

.Quan hệ giữa người với người là bài văn khó viết nhất. Nếu chuyện gì mình cũng vô ngã vô chấp (không có ý niệm về mình, không chấp trước gì hết) thì mới dễ đi trọn (con đường Phật).

. Miệng nói lời tốt, ý nghĩ điều lành, thân làm việc thiện.

. Thiếu văn hóa, người ta giống như kẻ sống nơi sa mạc lửa bỏng. Có học thức, có văn hóa, mới có sự tươi mát của đồng xanh, cây cỏ.

. Đại hỉ nghĩa là lúc nào cũng khởi tâm hoan hỷ. Hoan hỷ nghĩa là không sinh lòng đố kỵ, ngạo mạn và sân hận.

. Không nên để niềm u uất giăng bủa trong lòng, phải mở rộng ánh sáng tâm thức và hưng chấn nhiệt huyết của cõi lòng thì đời sống mới có ý nghĩa.

. Bao la ánh sáng mặt trời, vĩ đại thay ân đức cha mẹ, rộng rãi thay tâm lượng người quân tử, to lớn thay lòng ích kỷ của kẻ tiểu nhân. (Dịch từ chữ Tiểu nhân khí : Khí có nhiều nghĩa : là lòng nóng giận, tánh ích kỷ, tánh chật hẹp, nhỏ nhen).

. Cười là cách biểu đạt tình cảm; nhăn mặt nhíu mày cũng là cách biểu đạt tình cảm. Quát tháo cũng ra tiếng, nói năng cũng ra tiếng. Nhưng cười thì đẹp đẽ hơn nhăn mặt nhíu mày. Nói năng thì tự nhiên hơn quát tháo.

. Đổi góc độ nhìn đời thì thế giới rộng rãi bao la vô ngần. Đổi lập trường để đối nhân xử thế thì chẳng gì là không khinh an.

. Lúc bình thường chẳng sinh chuyện gì, bạn đối với người ta tốt, lắm khi đó chưa phải là công phu đâu. Khi ngăn nghịch cảnh, sinh sự rắc rối, mà bạn vẫn tốt với người, đó mới chính là công phu.

. Cho dù dạo chơi trong nhân thế, mình cũng cần đoan chính đàng hoàng; chớ bê bối buông lung. Hãy cẩn thận, đừng khoác lác.

. Nói về tự do, mỗi người ai cũng nên tuân theo quan niệm đạo đức. Xã hội cần có luật pháp. Thiếu luật lệ, xã hội thành ra man dã. Man dã thì ngang ngược hoành hành. Lúc ấy, ai mạnh dạn, dám to tiếng, đầy dục vọng, có uy quyền, thì kẻ ấy tha hồ phóng túng. Khi tâm chẳng còn gì kềm chế thì tự do lại trở thành thứ phóng túng thác loạn.

. Đạo đức là ánh sáng để nâng cao phẩm cách của chính mình, chứ không phải là ngọn roi dùng để quát tháo kẻ khác.

  

14. CÔNG SỞ LÀ ĐẠO TRÀNG

LÀM ĐỦ THỨ VIỆC, ĐỦ THỨ ĐẠO LÝ

. Làm đủ việc tức là vận động, công sở tức là đạo tràng.

. Có đủ ba thứ : đức tin, nghị lực và dũng khí thì công việc gì trong thiên hạ mà chẳng thành công.

. Tận nhân lực tri thiên mệnh không nên chất chứa khó khăn trong lòng. Làm người phải biết khắc phục khó khăn, đừng để khó khăn kiềm chế mình.

. Thành tựu lớn nhất trong đời là đứng lên từ trong thất bại.

. Làm người nên có lòng dũng mãnh xăn ống quần lội xuống nước (ám chỉ nhảy vào làm việc cực nhọc khó khăn). Đã xuống nước rồi thì chẳng lo gì toát mồ hôi hay mưa lớn.

. Hễ có việc thì phiền não. Làm việc gì, tâm chú ý việc đó. Khi chân bước đi trên đường lộ, thì tâm chú ý vào bước chân. Khi miệng thốt ra, tinh thần chú ý vào lời nói.

. Trong sinh hoạt hàng ngày, bất luận việc gì, bạn cũng cần chú ý đến sự an toàn. Đề phòng vạn nhất chuyện bất trắc. Không nên xem nhẹ rằng gió nhỏ, không nên khinh thường rằng lửa yếu : một đốm lửa nhỏ tý có thể đốt rụi cả thảo nguyên.

. Kẻ bị người ta sử dụng (điều động) là kẻ có năng lực. Kẻ điều động người khác là kẻ có tài trí.

. Đời người vô thường, đo đó khi xã hội cần đến mình, bạn hãy mau mau đáp ứng. Hôm nay có thể nhấc chân cất bước thì hãy mau mau tiến bước.

. Không nên sợ chở nặng, chỉ cần nắm vững tay lái thì xe gì chạy cũng được. Khi người ta lội qua thì mình cũng có thể lội qua được.

. Không nên tìm đường tắt, đường hẻm. Nếu bạn chọn ngõ hẻm đôi khi ngõ hẻm là ngõ bí, không thể thông suốt. Cuối cùng bạn phải trở lại ngõ chính lúc đầu, tốn công đi mất một vòng xa hơn.

. Làm người hay làm việc, mình phải giữ lòng tinh tấn. Tinh nghĩa là không tạp nhạp. Tấn nghĩa là không thối lui. Tinh thì chuyên tâm nhất niệm. Làm việc gì cũng cần chuyên tâm mới thành tựu. Không có hai niệm, tạp nhạp thì mới tiến bộ.

. Cuộc đời giống như leo núi : mình phải tìm một mục tiêu thật tốt. Hướng kiếp người ngắn ngủi về mục tiêu ấy. Không nên giải đãi, lười biếng. Bởi vì đứng trên sườn dốc, một khi lười biếng sẽ bị tuột xuống ngay. Cũng không nên đặt mục tiêu tại quá nhiều đỉnh núi. Vì núi này cao còn có núi khác cao hơn. Nếu cứ trèo xong núi này, lại tuột xuống leo núi khác thì kết quả tốn công mệt sức. Mình phải chọn đỉnh núi tốt nhất, thích ứng với mình nhất rồi dũng mãnh tiến tới. Ngày tháng nọ, cuối cùng mình sẽ thành tựu to lớn.

. Người đời nay, thế trí biện thông (thông minh, hiểu rộng); miệng nói hay ho, nhưng khi làm việc thì chuyện gì cũng tính toán hơn thiệt (ích kỷ). Đa số người ta chỉ hiểu lý thuyết, không biết sự việc. Tuy nhiều chữ nghĩa nhưng khi đụng phải người, gặp phải việc, họ không sao dung hợp được lý và sự. Đó chính là tâm phàm phu.

. Xã hội cải biến đâu phải do hò hét mà thành công. Do làm mới đạt kết quả.

. Trong những kẻ hò hét hô hào chính nghĩa có bao nhiêu kẻ thật sự hy sinh ?

. Thế nào là chân lý ? Khi lý và sự hợp nhất, sự và lý tương dung thì đó là chân lý.

. Sự (sự việc) không thể tách rời lý (nguyên tắc, quy tắc, đạo lý). Phải lấy lý làm trung tâm. Mọi việc đều phải quay quanh nguyên lý ấy. Phải lấy lý để chuyển sự, không dùng sự mà chuyển lý.

. Ở giữa lý và sự, trung gian cần có người. Khi lý viên mãn, sự viên mãn thì người viên mãn.

. Gạo trong thiên hạ : một người không sao ăn hết. Công việc trong thiên hạ : một người làm không xuể. Cũng vậy : một người chẳng thể lập được công cho cả thiên hạ.

. Làm việc gì cũng phải giữ vững nguyên lý. Không nên cứ ứng thù- ăn uống xã giao hoài (như là một phương cách gây cảm tình, hoặc mua chuộc cảm tình để dễ dàng đi tới hợp tác thỏa thuận). Cứ thuận theo người ta ứng thù, chẳng những bạn không giúp gì được người, mà mình còn bị kéo xuống đường xấu.

. Nếu không thể gây ảnh hưởng tới người khác, tốt nhất hãy làm chuyện bổn phận của mình.

. Ngay cả Phật còn tại thế cũng có ba việc Ngài làm không được :

1-Không thể chuyển được nghiệp chúng sanh đã gây tạo.

2.Không thể độ chúng sanh nào mình chẳng có duyên.

3.Không thể độ hết nghiệp của chúng sanh.

 

15. KHI GIỌT SÁP RƠI

NHÂN DUYÊN, CẢM ÂN VÀ TỬ SINH

. Chỉ cần duyên sâu, không sợ duyên tới trễ. Chỉ cần tìm ra đường, không sợ đường dài.

. Chuyện gì đối cơ thì tốt. (Đối cơ : thích ứng với căn cơ, với điều kiện tâm sinh lý).

. Nếu ta có hạt giống thuần tốt thì nhất định phải nắm lấy thời cơ, mau mau gieo xuống đất. Ngoài ra còn phải có đầy đủ ánh sáng, nước tưới, phân bón, không khí, thì cây mới lớn được.

. Phát nguyện trong lòng nhưng không thực hành thì như ruộng có hạt giống mà không cấy, không chăm. Thật là uổng phí nhân duyên.

. Dù có cơ hội và phước báu tốt tới đâu, nếu không biết nắm lấy nhân duyên thì nó cũng sẽ vuột mất.

. Đời người như sân khấu. Khi định nghiệp đến sẽ diễn xuất những vở mà không ai dự liệu trước được.

. Sống trên đời, nên biết mọi thứ vật chất là để mình hằng ngày làm phương tiện sử dụng (chớ không phải là của mình). Bởi thế mình nên sinh lòng cảm ân, trân quý và biết đủ. Nếu thế, sống ở đâu mình cũng yên lòng, sung túc; lúc nào cũng vui vẻ hạnh phúc.

. Nếu biết sử dụng đúng đắn một việc gì thì vật ấy mới có giá trị (sinh mạng của vật ấy mới tồn tại). Nếu không thương tiếc, bảo vệ nó; ngược lại, hủy hoại vất bỏ nó thì cũng như giết chết sinh mạng của vật ấy.

. Hằng ngày mình phải cảm ơn cha mẹ và chúng sinh. Suốt đời không nên cô phụ cha mẹ và chúng sinh.

. Con người đang ở trong vòng tuyệt vọng mà vẫn sinh lòng cảm ân thì quý lắm. Người luôn có tâm biết cảm ơn thì thường không rơi vào cảnh tuyệt vọng.

. Cây đèn cầy không tim chẳng thể thắp sáng. Đèn đã có tim thì phải thắp lên mới có ý nghĩa. Đèn đã thắp nhất định sẽ chảy nhưng vẫn hơn là để vậy không thắp.

. Khi một giọt sáp nhiểu xuống thì lập tức lớp màng bọc ngoài nó đọng kết lại khiến nó không chảy tiếp. Đó là vì trong trời đất lúc nào cũng có sức mạnh làm cân bằng trở lại. Sức mạnh ấy gọi là an ủi vỗ về.

. Nỗi đau của sanh tử thật ra chỉ giống như cái nóng rát của một giọt sáp nhỏ trên da mà thôi.

. Kinh Phật viết : "Sinh : ta đã từng sinh ? Chết : ta đã từng chết ?". Nguyên lai sinh rồi chết, chết rồi sinh đều trong vòng tuần hoàn luân hồi. Chết là bắt đầu cho sinh. Sinh là khởi điểm tới cái chết.