Đời sống
Đường Vào Nội Tâm (Phần 2)
Ni sư Thích Nữ Trí Hải
12/03/2554 06:52 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

18. TĂNG HỘ CHÁU

Khi Phật ở nước Xá vệ, có một vị thiện gia nam tử sau khi nghe Ngài thuyết pháp, đã xin xuất gia theo Phật. Vị ấy tinh cần tu tập, chẳng bao lâu đã đắc quả A La Hán. Các vị đồng phạm hạnh thường gọi ngài là trưởng lão Tăng Hộ. Khi ngài xuất gia, em gái ngài vừa hạ sinh được một bé trai, và lấy tên ngài đặt cho hài nhi, gọi tên là "Tăng Hộ cháu". Lớn lên, Tăng Hộ cháu cũng theo cậu xuất gia và được hầu cận ngài. Sau khi thụ đại giới, Tăng Hộ cháu đến an cư tại một khu làng và được cúng dường hai bộ y tốt. Với ý định cúng dường cậu sau mùa an cư, Tăng Hộ cháu để dành lại một bộ y. Khi mãn hạ, Tăng Hộ cháu trở về tinh xá Cấp cô độc đảnh lễ Phật và ra mắt cậu. Nhưng ngài đi an cư chưa về. Tăng Hộ cháu quét dọn am thất của cậu, múc sẵn nước rửa chân, sửa soạn nước uống và các thứ cần dùng cho tôn giả. Khi tôn giả trở về, Tăng Hộ cháu ra đãnh lễ cúng dường bộ y mới cho tôn giả, nhưng tôn giả từ chối: "Ta đã có đủ ba y. Ngươi giữ lấy cho ngươi." Sau khi múc nước tôn giả rửa chân, ngồi nghỉ, Tăng Hộ cháu đứng hầu một bên lại thưa: "Bạch tôn giả, xin tôn giả nhận lấy bộ y con cúng dường, để cho con được chút phước mọn." "Hãy thôi đi, ngươi giữ lấy. Ta đã có đủ y." Năn nỉ nhiều lần, tôn giả vẫn từ chối.

Ðứng quạt sau lưng tôn giả, Tăng Hộ cháu trong lòng không vui, thầm nghĩ: "Tôn giả ở ngoài đời là cậu ruột của ta, ta là cháu ruột của ngài. Ta đối với tôn giả vừa có tình ruột thịt vừa có tình thầy trò, Thế mà tôn giả vẫn lạnh nhạt với ta, không thèm nhận đồ cúng dường của ta. Ngài đã không thương ta, thì ta còn đi tu làm chi nữa cho thêm phiền não. Chi bằng ta hoàn tục quách ... Nhưng ta xuất gia từ lúc hãy còn thơ bé. Bây giờ hoàn tục, không biết nghề ngỗng gì thì làm sao mà sống nhỉ? Thật khó khăn thay. Ồ, hay là ta hãy bán bộ y đẹp này mà mua một con dê cái. Loài súc sinh ấy sinh đẻ rất nhanh. Vừa khi dê đẻ bảy con thứ nhất, ta sẽ đem bán mà kiếm một số vốn. Cứ tiếp tục như thế, ta sẽ sẽ có một mớ tiền. Khi có tiền nhiều, ta sẽ cưới một chị vợ. Chị ấy sẽ sinh ra một thằng con trai. Ta sẽ lấy tên tôn giả -cậu ta- mà đặt tên cho thằng con ấy. Rồi ta sẽ để nó ngồi trong một chiếc xe, cùng với chị vợ đẩy xe đến tinh xá thăm ông cậu. Khi đi giữa đường, trông thấy thằng bé kháu khỉnh, ta muốn bồng nó nên bảo chị vợ: "Bây giờ bà đẩy xe đi, để tôi ẵm thằng bé". Chị vợ là kẻ cứng đầu, cãi lại: "Anh mà ẵm con cái gì, để tôi ẵm nó, anh đẩy xe đi", rồi nàng cúi xuống ẵm thằng bé. Ði được mấy bước, nàng làm thằng bé rớt xuống trúng ngay giữa đường bánh xe lăn. Chiếc xe cán lên thằng bé. Ta giận quá bảo chị vợ: "Mày không chịu để con cho tao bồng, không đủ sức ẵm mà cứ dành lấy nó, để cho nó rớt như vậy. Thật mày đã hại tao ". Vừa nói ta vừa lấy cái gậy đánh nàng một cú..." Vừa quạt cho tôn giả, Tăng Hộ cháu vừa để cho tư tưởng phiêu lưu như trên, và đến đoạn kết thúc, y gõ cán quạt vào đầu tôn giả cái tróc.

Ðọc được dòng tư tưởng của cháu nhờ đã chứng tha tâm thông, vị tôn giả lên tiếng nói: - Này ngươi đánh không trúng mụ đàn bà, mà trúng ngay đầu ta. Tăng Hộ cháu giật mình, nghĩ: "Chết rồi! Tôn giả đã biết tâm niệm ta hết trọi. Làm sao ta còn có thể sống đời xuất gia được nữa ". Nghĩ xong, y liệng cái quạt, co giò chạy ra khỏi cổng tinh xá. Những người bạn đồng lứa chạy theo bắt y lại, dẫn đến trước Phật: Phật hỏi: - Tại sao các ngươi bắt Tăng Hộ cháu? - Bạch Thế tôn, y chạy trốn nên chúng con bắt lại. Phật hỏi đương sự: - Có phải vậy không? - Bạch Thế tôn, Dạ phải. - Tại sao con trốn? - Tại vì con bất mãn? Tăng Hộ cháu thuật lại đầu đuôi cho Phật, đến đoạn y gõ cán quạt cái tróc vào đầu tôn giả, rồi kết luận: "Bạch Thế tôn, chính vì sự việc xẩy ra như vậy, nên con phải trốn." Phật an ủi: "Này thiện nam tử, con đừng sợ. Tâm người ta thường phiêu lưu như vậy. Con phải luyện cho nó thuần thục, định tịnh, mới thoát khỏi trói buộc."

"Tâm phàm phu cứ lén lút đi một mình, đi rất xa, vô hình vô dạng, như ẩn náu hang sâu. Người nào điều phục được tâm, thì thoát vòng ma trói buộc". Câu ấy trở thành Pháp cú số 37, được lưu truyền đến ngày nay trên khắp thế giới.