Tiểu Sử Pháp Sư Thánh Nghiêm
Pháp sư sanh năm 1930 tại huyện Nam
Thông, tỉnh Giang Tô. Ngài xuất gia năm 13 tuổi, đã từng nhập thất 6 năm tại
núi Cao Hùng, Đài Loan. Sau đó ngài đi du học ở Nhật Bản và lấy bằng tiến sĩ
văn học tại trường đại học Lập Chính năm 1975.
Ngài là một thiền sư, một lãnh tụ
tôn giáo và tinh thần, nhà giáo dục, học giả, nhà văn nổi tiếng quốc tế. Ngài
đặc biệt chú trọng việc đề xướng giới hạnh, thiền tu thực tiển, tri kiến rõ
ràng. Ngài còn đem nghĩa lý Phật học tinh thâm kết hợp với phương pháp dưỡng
sinh đơn giản dễ hiểu để chỉ dẫn hoạt động tu thiền.
Mục tiêu mà pháp sư muốn tuyên truyền
đó là đề cao phẩm chất của con người, xây dựng cõi tịnh độ nhân gian; chủ
trương dùng giáo dục để thực hiện vấn đề cần quan tâm và dùng sự quan tâm này
để đạt được mục đích giáo dục.
Ngài sáng lập ra trường đại học xã
hội nhân văn, với hệ thống từ thiện, văn hóa giáo dục, các khóa tu thiền trong
và ngoài nước núi Pháp cổ, đại học Tăng-già, đạo tràng Tăng Đoàn, 7 hội từ
thiện, bốn tờ tập san định kỳ bằng hai thứ tiếng Hoa, Anh.
Gần một trăm tác phẩm của ngài được
xuất bản bằng ba thứ tiếng Hoa, Nhật, Anh tại các châu Á, châu Âu và Châu Mỹ.
CÙNG BỆNH PHẢI BIẾT THƯƠNG NHAU
Trong suốt cuộc đời, từ lúc sanh ra
cho đến già chết, những người mà chúng ta thường gặp qua đều là những người
phàm phu, những người bình thường. Tại sao gọi họ là những người phàm phu, bình
thường? Vì cái chính là họ có tâm tham lam, sân hận, hoài nghi, ngạo mạn, ngu
si v.v…
Nếu như chúng ta bình tỉnh và suy
xét thì: Ví như ta là một bậc thánh thì các vấn đề tham, sân, si… thuộc phàm
phu kia không gây cho ta sự khó khăn, phiền toái; Nhưng chính vì ta cũng là một
người bình thường, cho nên khi chúng ta vừa thấy những vấn đề sai phạm của
người khác thì chúng ta phải hiểu và tha thứ cho họ chớ!
Nếu hiểu được bản thân mình cũng là
một người phàm phu, cũng sẽ có những việc làm sai quấy, cũng có những khuyết
điểm thì hãy nhớ lấy câu “Cùng bệnh phải biết thương nhau” mà tha thứ cho người
khác. Nên hiểu và tha thứ cho những người có hoàn cảnh mà chúng ta đã từng mắc
phải, vì họ đều là những người phàm phu, bình thường.
Người bình thường thì có những vấn
đề bình thường ( Tham, sân, si…) đó là lẽ đương nhiên, chúng ta không nên phiền
trách, ghét bỏ hay oán hận họ. Người có tâm như thế trong Phật pháp gọi là Từ
bi.
Đạo Phật dạy chúng ta không nên
trách móc người, mà nên dùng tâm từ bi rộng lớn để hiểu và tha thứ cho người,
quan tâm đến người; Đồng thời đạo Phật cũng dạy chúng ta biết tự xét lại bản
thân, cải thiện bản thân để dần dần có được cuộc sống hoà bình hạnh phúc cho
mình và người. Hoàn cảnh sống cũng nhờ đó mà trở nên thanh tịnh hơn.
“Không phải chỉ có người khác mới
có tham, sân si mà ngay chính mình cũng có những tánh này. Hiểu được như vậy
mình sẽ không còn giận người.”
CHUYỂN HOÁ LÒNG ĐỐI ĐỊCH THÀNH TÂM
TỪ BI
Tha thứ cho người khác thật là một
việc làm không dễ. Ngay khi người khác nói với bạn bằng những lời lẽ ngang
ngược thì làm sao bạn có đủ tâm bình tỉnh để tha thứ cho họ?
Bạn nên nghĩ như vầy: “ Họ đã ăn
nói ngang ngược, vậy ta càng phải nên nói lý với họ, không được tức giận, nếu
không thì mình sẽ càng nóng giận và phiền não thêm”. Bạn nên dùng tâm niệm tốt
để chuyển hoá cách nhìn của mình đối với người, vật, sự vật. Làm được như vậy
chính là người có tâm Từ bi.
Nếu có một người nào đó vô duyên,
vô cớ trừng mắt nhìn bạn, bạn có thể suy nghĩ về phương diện tốt: “ Họ trừng
mắt nhìn mình, có lẽ là hôm nay mình có làm điều gì đó không vừa lòng họ, họ
trừng mắt nhìn mình là để cảnh tỉnh mình, mình nên cảm ơn họ mới phải.”
Sự biểu lộ thái độ của người khác
cũng chính là tấm gương để chúng ta soi rọi lại mình. Vì vậy, nếu thấy gương
mặt của người khác đáng ghét thì chắc hẳn gương mặt mình cũng như vậy. Cho nên,
nếu chúng ta gặp phải những người như vậy thì chúng ta nên thương cảm họ.
Nếu chúng ta nghĩ về họ mà có lòng
tha thứ, thương xót, quan tâm đến họ thì chúng ta có thể chuyển lòng đối địch
thành tâm từ bi.
“Đức Phật dạy: tất cả chúng sanh
đều có Phật Tánh, chỉ vì bị ảnh hưởng của hoàn cảnh nên đánh mất cái Phật tánh
của mình, mà khởi lên ý niệm xấu, làm những việc không tốt.”
TRĂM LẦN THA THỨ CHO NGƯỜI
Có một bà nọ sau khi học Phật đã
đến sám hối với tôi. Bà ta nói: Trong cuộc đời, bà đã làm một việc thật là đáng
tiếc, đó là khi bà nghe nói chồng mình ngoại tình, lúc đó bà không biết phải
làm thế nào, chỉ nghĩ đến việc báo thù, vì vậy bà đã ngoại tình với một người
con trai khác để trả thù việc ông chồng không chung thủy với mình.
Có lần nọ, bà nghe tôi thuyết pháp,
có giảng đến việc người phật tử phải có lòng bao dung lỗi lầm của người khác,
và trong khi bao dung thì sẽ giải quyết được vấn đề sai quấy của người.
Người có lòng từ bi là phải tha thứ
cho người khác một trăm lần, thậm chí đến một ngàn lần. Tha thứ cho người là
mong muốn cho người sửa đổi những lỗi lầm. Bạn không thể thấy đối phương làm
điều xấu rồi mình cũng làm điếu xấu theo, hoặc còn xấu hơn cả họ. Suy nghĩ như
vậy là sai lầm.
Sau khi bà nghe được những lời lẽ
này thì đến sám hối với tôi. Tôi nói với bà: “Theo Phật pháp thì, khi mình làm
việc sai phải biết sám hối và sau này không được tái phạm nữa!” Bà ta đã trả
lời với tôi như vầy: Con sẽ không bao giờ tái phạm những việc như vậy nữa.
Cho nên, nếu gặp phải chuyện ngoại
tình như vậy thì tốt nhất là người ngoại tình nên kịp thời hối cải. Nếu vợ
(chồng) vẫn chưa biết bản thân mình bị lộ thì cũng không nên nói thẳng điều đó
cho họ biết; Nếu vợ (chồng) có ngoại tình thì nên ngầm biểu lộ cho họ biết,
đồng thời cũng bao dung tha thứ cho họ, mong đợi họ hối cải. Làm được như vậy
bạn mới giữ gìn được cuộc hôn nhân tốt đẹp.
“Người có lòng bao dung thì sẽ
không tìm cách đánh trả lại.”
LẤY ĐỨC BÁO OÁN
Có một bà vợ của anh cư sĩ phật tử
chẳng may bị xe du lịch nhỏ đụng chết. Anh tài xế vì không có tiền bồi thường
nên phải chịu ngồi tù. Anh cư sĩ Phật tử này không những không oán hận anh tài
xế mà ngược lại còn đi đến thăm hỏi, an ủi anh ta. Anh nói với tài xế: “Xin anh
chớ nên vì chuyện này mà sầu lo, tuy vợ tôi đã bị xe đụng chết, nhưng bản thân
anh còn có vợ con, họ đang rất cần anh kiếm tiền về nuôi cả gia đình. Mong rằng
từ đây về sau, anh lái xe nên cẩn thận, phải giữ tâm luôn bình tỉnh, chớ nên
nóng vội giành đường vượt ẩu”. Anh tài xế sau khi nghe xong cảm động rơi lệ.
Vị cư sĩ Phật tử này đã dùng tâm từ
bi để giải quyết việc tài xế gây tai nạn cho vợ anh ta. vợ anh bị xe đụng chết,
đương nhiên lòng anh rất đau xót, nhưng anh không chọn lấy hành động báo thù,
ngược lại còn làm nhiều việc thiện hơn để ghi nhớ kỷ niệm và hồi hướng cho vợ
mình.
Trong cách đối xử này, vì đã tha
thứ cho lỗi lầm của người lái xe kia, lại còn an ủi anh ta, nên trong lòng anh
cư sĩ Phật tử cảm thấy như được chia sẻ an ủi phần nào, cho nên anh không rơi
vào trong cảnh đau khổ vì mất vợ.
“Chỉ có hiểu và thông cảm cho người
vô tình gây cho mình sự buồn thương thì bạn mới hết đau buồn.”
ĐỂ HỌ TỰ CẢM THẤY XẤU HỔ
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta
không nên vì một chút chuyện nhỏ nhặt không hài lòng mà động đến liền mắng
người này, giận người kia. Bạn phải nghĩ, cho dù đối phương có sai đi nữa mình
cũng vẫn nên tha thứ cho họ.
Nhưng, có một hạng người làm sai mà
ta khuyên bảo không được, vì khi bạn vừa nói thì họ sẽ kết thù với bạn.
Đối với hạng người này, chúng ta
không thể dùng cách quở trách để giải quyết vấn đề, cũng không cần phải dùng
lời lẽ để tranh biện với họ, chỉ cần chúng ta tha thứ họ, bao dung họ, từ bi
với họ, kết bạn với họ, để họ tự cảm thấy lòng mình xấu hổ và biết rằng việc
đối phó với bạn là điều không nên. Nếu bạn làm được như vậy thì từ phương diện
kẻ thù, họ sẽ dần dần chuyển thành bạn tốt của bạn.
Còn nếu chúng ta không thể tha thứ
cho kẻ thù, cảm hoá kẻ thù, thì bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào họ cũng có thể
đánh bạn, hại bạn. Vì vậy, chúng ta cần phải hoá giải mối xung đột giữa hai
người. Cho nên, muốn hóa giải mối xung đột giữa mình và người thì cách tốt nhất
chính là làm họ cảm động chuyển thù thành bạn.
“Cách tốt nhất để khiến người ta hổ
thẹn sửa sai đó là im lặng và tha thứ.”
THA THỨ CHO NGƯỜI CÓ HÀNH ĐỘNG QUÁI
DỊ
Có một số người rất dễ sống chung,
rất dễ qua lại với nhau. Những người như vậy dễ đồng cảm, tha thứ, quan tâm đến
người khác.
Còn có một số người thì tính cách
gàn dở, cách nghĩ quái lạ; nói theo quan điểm của bạn thì anh ta sai, nhưng
theo quan điểm của họ thì họ cho rằng mình đúng, vì họ nghĩ mình đã là người
trưởng thành. Loại người như vậy không chịu tiếp thu ý kiến của người khác mà
chỉ muốn người khác tiếp thu ý kiến của mình.
Trong một đoàn thể, nếu gặp phải
người có quan niệm quái lạ này thì bạn sẽ cảm thấy rất đau khổ, nhưng bạn vẫn
phải chấp nhận họ. Bạn nên đứng vào vị trí của họ để nghĩ về họ. Bạn nên tha
thứ cho họ, thông cảm họ. Nhưng, bạn không hẳn phải đồng ý hay thừa nhận họ.
Nếu không thì bạn sẽ đánh mất mình và dần trở thành một sản phẩm phụ thuộc về
họ.
Cách cư xử giữa con người với nhau
cần phải có sự hiểu nhau. Nếu đã không hiểu nhau thì phải thỏa hiệp. Và nếu
thoả hiệp không thành thì hãy nên tha thứ và nhường nhịn họ.
Nếu không thì mỗi người chỉ biết
nhìn sự việc qua quan điểm riêng của mình, sẽ tạo thành mối quan hệ không tốt.
“Nếu bạn hiểu được nóng giận sẽ mất
đi người thân thì bạn sẽ không còn nóng giận nữa.”
LẤY LÒNG NHẪN NẠI THA THỨ CHO KẺ
HÀNH XỬ VÔ LÝ
Có đôi khi, tôi gặp phải những
chuyện không vừa ý, trong lòng cảm thấy bất an, cuộc sống không thú vị, thậm
chí còn nổi giận nữa. Nhưng ý nghĩ ấy vừa khởi, tôi liền diệt ngay và tôi đã
tha thứ cho những người đã vô lý gây rối tôi, thậm chí cả đối với những người
gây bất lợi cho tôi, tôi còn nghĩ đến họ nữa. Hành động này gọi là quán từ bi,
hạnh nhẫn nhục.
Người nhẫn nhịn được thì có phúc,
có trí huệ. Người không thể tha thứ cho người khác được, thì bản thân mình
không nhẫn nại được, mà cả đối với người khác cũng không nhẫn được. Đó cũng
chính là tự hại mình, hại người. Nếu bản thân mình nhẫn được thì không tự so
đo; nhẫn được với người thì không so đo với người.
Bạn không cần phải bận tâm đến
những lời hung dữ của người khác, cũng không cần bận tâm đến việc nếu tha thứ
cho đối phương, không so tính hành động của họ thì mình sẽ chịu cảnh thiệt thòi
như thế nào.
Vì nhân quả vô cùng mầu nhiệm,
những kẻ thích làm khác người, nói năng hùng hồn tuy nhất thời đắc thế, nhưng
không giữ được lâu. Người nhất thời đắc chí, thế lực lớn mạnh thì không chắc
hẳn sẽ thành công.
Cho nên, đối với những nghịch cảnh
mà mình gặp phải, phải nên nhẫn nại; đối với những kẻ hành xử vô lý thì phải
nên tha thứ. Được như vậy thì cuộc sống của bạn sẽ rất hạnh phúc, vui vẻ.
“Nhẫn nhục là trong lòng không còn
có kẻ thù.”
THA THỨ BẰNG TRÍ TUỆ
Khi người khác phạm lỗi lầm với
mình, tuy phải chịu sự oan ức, nhưng muốn cho tâm mình không ưu sầu, thì bạn
không nên để điều oan ức đó trong lòng, cũng không nên ôm hận. Ôm hận chỉ làm
lòng mình bị tổn thương, khiến mình luôn ở trong tình cảnh ai oán, lúc nào cũng
nhớ đến việc “Đối phương ăn hiếp mình”.
Tuy việc tha thứ cho người khác là
đúng, nhưng phải tha thứ cho người người nào biết hối cải, nếu không thì là ngu
si. Vì có một số việc, một số người, không nhất định là phải được tha thứ.
Tất nhiên, biện pháp xử lý không
phải là dùng tâm oán hận để báo thù, khiến cho đối phương phải chịu sự trừng
phạt, mà là chúng ta phải dùng trí tuệ, tìm ra phương pháp tốt nhất để đối
phương chịu khuất phục, và tự biết rằng mình đã làm sai.
Làm như vậy, bạn mới có thể giúp họ
sửa đổi bản tánh, và thái độ cư xử của họ đối với người khác. Được như vậy mới
gọi là tha thứ có trí tuệ.
Lấy lòng từ bi, sự quan tâm để tha
thứ cho người mới là việc làm có trí tuệ.
“Người nào bị lừa nhiều lần là vì
người đó thiếu trí tuệ.”
CÓ PHẢI LỖI TẠI TÔI?
Xã hội ngày nay thay đổi nhanh
chóng, sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt, chống đối lẫn nhau, sự va chạm giữa
người và người ngày càng nhiều.
việc chủ động thiết lập biện pháp
hoá giải những hiểu lầm phát sinh từ những va chạm là một thái độ tích cực.
Người bị hiểu làm mà không oán hận là người không chấp trước.
Ví như mắng người khác tất nhiên là
việc không nên. Khi mình bị người khác mắng thì nên có lòng độ lượng. Nếu lỡ bị
người khác mắng thì trước hết bạn không nên tức giận, để cho qua một khoảng
thời gian, rồi nhờ một người thứ ba giải thích với họ; Hoặc là tìm thời cơ
thích hợp, đích thân nói rõ sự áy náy của mình cho đối phương biết. Được như
vậy, có lẽ sự hiểu lầm sẽ được hóa giải.
Tất nhiên, cũng có người sẽ nghĩ,
lỗi không phải do mình, vậy thì tại sao mình lại phải đi xin lỗi họ? Trên thực
tế, để người sanh ra hiểu lầm đó là lỗi của mình.
Nhưng bất luận là sự tranh chấp có
lớn hay nhỏ, thì biện pháp hoà giải là kết cuộc tốt nhất có lợi cho cả hai bên.
Cho nên nói: “Oan gia nên giải, không nên kết.”
Có được sự nhận thức như vậy thì
bản thân mình mới được bình tỉnh, hòa nhã hơn, đồng thời cũng khiến cho đối
phương bình tỉnh hoà nhã.
Nếu ai ai cũng làm được như vậy thì
thế giới của chúng ta sẽ càng tốt đẹp hơn.
“Tuy mình không sai, nhưng nếu để người
khác hiểu lầm thì đó là lỗi của mình.”
LÃNG TỬ HỒI ĐẦU QUÝ HƠN VÀNG
Thế gian có câu: “Lãng tử hồi đầu
quý hơn vàng” Người mà gọi là lãng tử chính là người không lo làm ăn chân
chính. Nhưng nếu họ kịp thời hồi đầu, hối cải triệt để, thì đây là một việc vô
cùng đáng quý.
Bất luận là trước kia họ có đáng
ghét như thế nào đi nữa, sau này có thực sự sửa lỗi hay không, nhưng nếu họ có
ý nghĩ muốn quay đầu thì cũng đáng để chúng ta tán thán và cổ vũ họ, đồng thời
tha thứ cho những hành động lỗi lầm quá khứ của họ.
Mỗi con người chúng ta phải nên
bằng lòng chấp nhận và lãnh lấy những khuyết điểm của mình và lấy đó để cải
thiện. Hành động sửa lỗi tu thiện này giống với trí tuệ trong Phật pháp.
Câu “Buông bỏ đồ đao, lập tức thành
Phật” là có ý nói sau khi buông bỏ đồ đao thì người đồ tể lập tức thành Phật.
Sự thật là không phải họ thành Phật
nhanh như vậy. Nhưng vì người đồ tể có ý nguyện bỏ đao không muốn sát sanh nên
sau này họ sẽ không tạo nghiệp nữa và sẽ thành Phật. Tinh thần sửa lỗi phục
thiện này đồng một tính chất từ bi và trí tuệ trong đạo Phật.
“Chúng ta không sợ sai, chỉ sợ là
mình không chịu sửa sai.”
NÊN BAO DUNG, CHỚ NÊN DUNG TÚNG
Có người hỏi tôi: Nếu mình chỉ biết
tha thứ và bao dung, rốt cuộc có trở thành dung túng hay không?
Vấn đề then chốt này, là ở chỗ công phu do mình tiếp thu được, làm thế nào để
chuyển hóa kẻ thù địch thành bạn hữu. Hai chữ “Chuyển Hóa” này vô cùng quan
trọng.
Sau khoảng thời gian bạn tha thứ
cho đối phương thì họ sẽ dần dần cảm thấy là họ đã trách lầm bạn và cảm thấy có
lỗi với bạn, lúc bấy, giờ cách nghĩ của họ về bạn bắt đầu có sự thay đổi.
Sau khi cách nghĩ của họ thay đổi, bây giờ đúng lúc bạn hỏi họ là tại sao lại
đối xử với mình như vậy, có phải họ cảm thấy mình bị thiệt thòi điều gì không?
Chính vì bạn thật tâm muốn giúp họ, không có ý hại họ nên mới có thể giúp họ xả
bỏ tâm oán hận.
Muốn chuyển hoá thù địch thành bạn
thân, cần phải có trí tuệ mới làm được. Nếu chỉ đơn thuần bao dung thì rốt cuộc
sẽ trở thành dung túng. Cũng giống như bạn uống thuốc độc vào trong bụng, không
có năng lực để giải độc tính, rốt cuộc lại còn bị thuốc độc hại chết.
“Thừa nhận sai lầm là tự lãnh trách
nhiệm về mình và cũng là lãnh trách nhiệm đối với người.”
NỐI LẠI TÌNH BẠN
Có một vị nữ sĩ nọ, vì nhất thời
không cẩn trọng lời nói, nên đắc tội với người bạn của mình, làm đổ vỡ mối giao
hảo tốt đẹp vốn có giữa hai người. Bà thật lòng xin lỗi bạn, nhưng không được
người bạn ấy tha thứ. Bà ta hỏi tôi: “ Thưa sư phụ! Người phạm sai lầm phải làm
thế nào để được người khác tha thứ?”
Tôi nói: Cô đã ngõ lời xin lỗi mà
đối phương vẫn không chịu tha thứ thì chỉ có cách để thời gian làm giảm cơn
nóng giận! Cô không cần phải để đối phương hiểu và bỏ qua ngay, vì khi người ta
đang nổi nóng thì e rằng rất khó tiếp nhận lời xin lỗi. Có thể đối phương sẽ
nghĩ rằng: “ Nếu hôm nay mình dễ dàng tha thứ cho cô ấy thì ngộ nhỡ cô ta lại
ăn nói bừa bãi thì mình biết phải làm sao đây?” Cho nên cô ta sẽ né tránh, để
tránh bị thương tổn thêm lần nữa.
Có lẽ một thời gian ít lâu sau,
người bạn thù hận kia sẽ nghe được lời xin lỗi của cô bạn từ miệng của một
người khác và họ không còn oán hận cô ta nữa.
Và có lẽ là giờ phút trùng phùng
giữa hai người không được tự nhiên lắm, vì khi lòng thù hận đã lâu như thế thì
làm sao có thể kết bạn lại ngay?
Lúc này bạn không nên miễn cưỡng,
không nên nóng vội, cũng không nên cố ý biểu hiện sự thân thiết, vẫn giữ mối
quan hệ lợt lạt. Bạn cần phải có thời gian làm nguồn động viên, cổ vũ. Được như
vậy mới có thể nối lại tình bạn.
“Xin lỗi không phải là để người ta
tha thứ, mà là để nhận khuyết điểm về mình. Cho nên nếu đã xin lỗi mà người
không tha thứ thì bạn cũng đừng trách lại.”
KHÔNG NÊN BẮN MÌNH THÊM MỘT MŨI TÊN
Bát Nhã Tâm Kinh có dạy “ Khi soi
thấy năm uẩn đều không” thì sẽ “ vược qua tất cả khổ ách”. Nhưng khi bạn bị
người mà mình thương yêu nhất phản bội thì làm sao mà bảo là không cho được?
Lúc này, bạn không nên nghĩ rằng mình có nên tha thứ cho đối phương hay không.
Bạn phải suy nghĩ cho thật kỹ. Nếu bạn nói rằng mình không thể “ Năm uẩn đều
không” thì bạn sẽ chịu đau khổ. Trên thực tế, nếu bạn nghĩ như vậy thì sẽ không
có lối thoát.
Trong kinh Phật có một ví dụ: “Khi
bạn bị người khác bắn trúng một mũi tên thì bạn không nên bắn mình thêm một mũi
tên nữa”. Câu này có ý là: Khi bạn bị người khác làm tổn thương, bạn không nên
tự mình làm tổn thương thêm. Nếu trong lòng suy nghĩ lung tung chỉ làm bạn
nhiều tổn thương thêm.
Sự mất mát mà bạn phải chịu là do
người khác gây nên, vì vậy, lúc này bạn không nên tự gây cho mình sự mất mát
thêm nữa. Điều này nghe qua dường như rất là tiêu cực, nhưng thực ra nó rất
tích cực.
Điều quan trọng nhất là bạn phải
tha thứ cho đối phương, rồi nhanh chóng đứng dậy, dùng từ bi để giải quyết vấn
đề, để họ không còn làm tổn hại đến người khác nữa.
“Khi bị phiền não, bạn không nên
tìm hiểu xem ai đã gây phiền não cho mình, mà bạn hãy nên quán chiếu xem tại
sao mình lại bị phiền não và tìm cách để diệt nó.”
LỠ LÀM TIỂU NHÂN THÌ PHẢI LÀM SAO?
Chúng ta thường nói: “Xa tiểu nhân,
gần quân tử” có ý là đối với kẻ tiểu nhân phải đề phòng và tránh xa. Nhưng nếu
không may, chúng ta làm tổn hại đến người khác, bị mọi người coi là kẻ tiểu
nhân thì chúng ta phải làm sao?
Nếu việc làm tổn hại đến người khác
đã thành sự thật thì bạn cứ coi như mình lần đầu làm kẻ tiểu nhân đi. việc
người khác xa lánh mình, không muốn tiếp xúc với mình là cũng đáng tội, là báo
ứng hiện đời. Và lúc này, bạn phải nên thật sự thành tâm tự sám hối.
Sau khi sám hối rồi, bạn không chỉ
không được gây tổn hại những việc tương tợ như thế đối với người đó, mà còn
không nên làm tổn hại đối với tất cả mọi người. Bạn phải sửa đổi hành vi sai
lầm của mình.
Nếu thật sự làm được như vậy thì
bạn đã cải ác hành thiện, thay đổi diện mạo, thái độ, tâm tánh không tốt khi
xưa. Vì thế cho nên bạn có thể cư xử tốt với tất cả mọi người.
“Nếu biết mình sai mà thì phải sửa
sai. Được như vậy mới là người có trí tuệ.”
SỬA ĐỔI TẬT SÂN HẬN
Có đôi khi, bản thân mình khởi tâm
sân hận. Không phải là mình không muốn tha thứ cho người, mà là mình không có
cách nào để thay đổi tật nóng giận đó.
Những lúc như vậy, bạn phải vận
dụng phương pháp tu hành để giảm bớt tâm nóng giận của mình. Phương pháp tu
hành đó chính là phải từ bi với chính mình và từ bi với người.
Từ bi với chính mình là bạn phải
dùng trí tuệ để giải quyết việc của mình, không nên làm việc theo lối tình cảm
một cách thái quá, như vậy sẽ rất dễ sinh nóng nảy, động lòng.
Từ bi đối với người là dù cho đối
phương có lý hay không có lý, chúng ta cũng nên tha thứ cho họ, hiểu và bỏ qua
những lỗi lầm của họ. Cũng giống như khi chúng ta phạm sai lầm, chúng ta cũng
mong muốn rằng người khác sẽ tha thứ cho mình.
Nếu bạn có thể đặt mình vào hoàn
cảnh của người, cảm nhận giống như người, thì tâm sân hận sẽ giảm bớt.
“Tật sân hận giống như bụi dơ, việc
sửa đổi giống như nước sạch. Nếu sân hận tích tụ lâu ngày thành khối thì phải
dùng nước sạch tẩy rửa nhiều lần mới hết.”
CHẤM DỨT SỰ GIA TRƯỞNG CỦA NAM
NỮ TRONG GIA ĐÌNH
Có một bà vợ nọ, trước khi kết hôn,
dù biết rằng chồng sắp cưới của mình có tánh gia trưởng, nhưng bà ta vẫn lấy.
Kết quả là sau khi kết hôn, bà phải chịu sự đè nén mấy mươi năm. Sau cùng, chịu
không nổi, bà quyết định khôi phục lại vị thế của mình. Bà thay đổi cách sống
của mình giống như một bé gái 7, 8 tuổi. Vì vậy, cả nhà rất lấy làm sợ hãi, cho
rằng bà bị điên.
Tôi nói là bà ta không có điên, đó
chỉ là do bà bị đè nén quá mức; Đồng thời bà đã hiểu sai cái ý vị thế vốn có
của mình. Tôi khuyên chồng bà nên dẹp bỏ tánh gia trưởng của mình. Ông ta nói:
Trãi qua những việc như vậy ông không thể không sửa đổi tánh tình. Nhưng trong
một lúc rất khó thay đổi hết.
Tôi nói: Ông có thể tâm sự với vợ
và xin bà tha thứ cho mình; Đồng thời ông cũng nên chấp nhận sự đáp trả của bà.
Sự đáp trả đó chính là vì ông có tánh gia trưởng, cho dù bà ta có dùng tánh nữ
gia trưởng để đánh ông, ông cũng nên đón nhận và tha thứ cho bà ấy.
Tôi đã đề nghị hai người nên tha
thứ cho nhau, cư xử bình đẳng với nhau. Ông tôn trọng bà như một vị Bồ Tát, và
bà cũng tôn trọng ông như một vị Bồ Tát. Hai bên là bạn Bồ Tát của nhau. Được
như vậy thì gia đình nhất định sẽ hạnh phúc.
“Tha thứ cho người khác cũng là một
cách tu hành. Nghĩ ít về mình, nghĩ nhiều đến người khác. Đây là sự khởi đầu
của Từ bi.”
HIỂU VÀ THA THỨ KẺ ĐÃ CHỐI BỎ MÌNH
Trong cuộc sống, có thể sẽ có người
xa lánh bạn, không chấp nhận sự giúp đỡ và thiện ý của bạn. Bạn không nên vì
việc này mà giận kẻ đã chối bỏ mình, ngược lại bạn nên nghĩ rằng có thể là họ
đang cần sự quan tâm của mình.
Nguyên nhân khiến cho đối phương
giữ khoảng cách với bạn có lẽ là họ sợ bị bạn làm tổn hại, cũng có lẽ là họ
chưa hiểu rõ về bạn. Lúc này, bạn nên tha thứ cho họ, vì có thể là họ đã chịu
quá nhiều tổn hại, cho nên họ không thể tiếp nhận bạn.
Nếu bạn có thể tha thứ cho người
khác như vậy, không xét đến thái độ của người khác đối xử với mình thì khoảng
cách giữa bạn với họ sẽ được rút ngắn. Hay ít ra đi nữa, trong lòng bạn cũng
không vì bị cự tuyệt mà không quan tâm đến người khác.
“Khi người thân của bạn giận bạn,
xa lánh bạn, không phải là họ muốn chấm dứt mối quan hệ với bạn, mà là họ đang
chờ đợi sự hối cải của bạn.”
KHÔNG NÊN TỰ TRÁCH QUÁ MỨC
Có người khi làm sai thì dễ rơi vào
tự trách, không cách gì tha thứ cho bản thân. Tuy trí lực, năng lực của mỗi
người có khác nhau, cho dù việc có khó khăn cách mấy, bạn cũng đều có khả năng
học tập. Chỉ cần bạn bằng lòng học tập, có ý nổ lực thì có thể làm được một số
việc, hay đảm đương một vài trách nhiệm. Cho nên bạn không nên tự trách.
Nhưng chúng ta không thể trăm việc
làm tốt cả trăm, cho nên khi có người nào đó trách mình, hay là muốn mình phải
biết hổ thẹn và sám hối thì ta nên cảm ơn sự quan tâm chỉ lỗi của họ.
Đối với những việc đáng lẽ chúng ta
làm tốt mà lại làm chưa tốt thì ngoài việc cảm thấy không hài lòng, chúng ta
còn phải tiếp tục nổ lực, cải tiến bằng những hành động cụ thể, để mong rằng
sau này mình sẽ làm tốt hơn. Sự mong mõi có tính tự giác “ không đủ năng lực,
hay là nổ lực vẫn chưa đủ, mong mỏi học tập thêm, rèn luyện thêm, trưởng thành
hơn” chính là sám hối, hay còn gọi là hổ thẹn. Đây chính là sự biểu hiện của
người có trách nhiệm.
“Ngã mạn có hai đó là tự tôn và tự
ti. Kẻ tự tôn thì không chịu học hỏi, người tự ti thì không dám học hỏi. Tự tôn
và tự ti đều là những hành động không tốt.”
TRONG LÒNG KHÔNG CÓ KẺ THÙ
Những đức tính như thương người,
đồng cảm với người, tha thứ cho người đều được coi là biểu hiện của tinh thần
Từ bi. Mục đích chủ yếu của Từ bi là trong lòng không có hận thù.
Không hận thù nghĩa là trong lòng
mình không có kẻ thù, không có thù hận xưa cũ, cũng không có oan gia hiện tại,
và cũng không gây thù về sau. Người chiến thắng không phải là nhờ vào quyền
thế, không phải là dựa vào của cải, cũng không phải là do đánh bại tất cả mọi
người, mà là người biết dùng tâm Từ bi chăm sóc, tha thứ cho tất cả mọi người.
Trên đời này, không ai tránh khỏi
bị người khác phê bình, ngay cả đức Phật cũng không ngoại lệ. Dù cho mình không
có đắc tội với người nhưng cũng bị họ ghét, bị coi là thù địch. Cứ xem như là
bạn không có đánh người, nhưng người ta sẽ tìm bạn đánh, hay là bạn không tranh
với người, nhưng họ cũng sẽ tranh với bạn. Gặp phải trường hợp này, bạn không
nên để ý đến người ta làm gì, bạn nên coi như là mình không có kẻ thù, nên để
đầu óc phóng khoáng, tiếp nhận và tha thứ lỗi lầm của người ta.
“Nếu muốn trong lòng không còn kẻ
thù thì bạn hãy nhận cái sai về mình.”
BẤT ĐẮC DĨ
Khi bạn bị người khác đả kích, việc
trước tiên là bạn không nên nóng vội đả kích lại. Bạn nên suy nghĩ xem tại sao
mình bị đả kích, phê bình? Có lẽ là quan điiểm của bạn khác với đối phương, và
khi quan điểm của họ thay đổi thì họ sẽ không còn đối phó với bạn như vậy nữa.
Ví như nói về con chó, chúng ta
biết rằng nhất định là nó sẽ trung thành với chủ của nó. Cho nên khi bạn bị chó
cắn thì bạn nên hiểu và tha thứ cho nó, vì việc nó cắn bạn là bất đắt dĩ, và
điều chắc chắn là nó phải đứng cùng trận tuyến với chủ của nó.
Chó sủa người, cắn người là do để
bảo vệ chủ nhân, vì vậy chó sủa người là không đáng trách. Đó là quan điểm của
nó.
Nếu chúng ta làm việc gì cũng đều
nghĩ đến người khác, tha thứ cho hành vi sai quấy của người khác thì chúng ta
sẽ bớt chấp trước bản ngã, đồng thời sẽ bớt khó chịu và bớt phiền não.
“Trước khi giận trách ai đó, bạn nên đặt mình vào hòan cảnh của họ, để hiểu tại
sao họ lại làm như vậy. Nếu bạn làm được như vậy thì bạn sẽ không còn giận
trách ai nữa.”
ĐƯỜNG OAN GIA KHÔNG HẸP
Chúng ta cho rằng “Oan gia ngõ hẹp”
nên nghiệt ngã là kẻ thù mà mình không muốn gặp thì lại thường xuất hiện.
Ví như bạn may mắn được đi du lịch
sang Mỹ. Trớ triêu thay bạn không chỉ đi chung một chuyến xe, mà còn nghỉ chung
khách sạn với kẻ thù của mình nữa. Khi đó có thể bạn sẽ nói: “Mình thiệt là xui
xẻo! đi đến đâu cũng gặp mặt hắn.
Khi con đường oan gia nhỏ hẹp, mỗi
khi gặp oan gia thì đối với bạn mà nói đó là một lần dày vò. Vì vậy tốt nhất là
oan gia nên giải không nên kết.
Chung cuộc, nếuhọ không bao dung
bạn thì bạn nên bao dung họ; họ không tha thứ bạn thì bạn phải nên tha thứ cho
họ; còn nếu họ làm đúng thì bạn phải lấy thành ý để đối xử với họ.
Nếu bạn làm được như vậy thì qua
một thời gian, dù cho lòng dạ kẻ thù có sắt đá đi nữa vẫn có thể chuyển thành
tâm Bồ Tát.
Nhưng cũng có thể, dù bạn đối xử
với họ tốt như thế nào đi nữa thì đến chết họ vẫn coi bạn như kẻ thù. Nhưng
không sao! chỉ cần bạn không phải là kẻ thù của họ thì lòng bạn sẽ không còn
đau khổ.
Thậm chí, họ có cười trên sự đau
khổ của bạn thì đó là việc của họ, chí ít đi nữa thì trong lòng bạn không có sự
đau khổ như bị trúng tên.
“Nếu bạn tìm cách hại người thì kẻ
tổn hại chính là bạn chớ không phải họ.”
RA KHỎI HẦM LỬA
Có một vị tỳ kheo nhập thiền thất
mà cứ khóc mãi, không làm sao tọa thiền được. Vị ấy nói: “Con ngồi thiền không
được, con muốn về nhà!”.
Tôi hỏi tại vì sao?.
Thầy ấy nói: “Người tệ hại như con
mà còn có thể tu hành sao? Con muốn chết quách đi cho xong, không nên sống trên
cõi đời này.”
Tôi nói: “Buông bỏ đồ đao, lập tức
thành Phật, là thái độ mà người tu hành cần có. Phóng hạ đồ đao là biểu hiện
cái tâm hối lỗi, chỉ cần thầy thừa nhận sai lầm của mình và sửa lỗi ngay đó
chính là tu hành”.
Tôi hỏi thầy ấy: “ Có phải trong
thiền thất thầy làm những việc sai như phóng hỏa, giết người không?”
Thầy ấy nói: Thưa không!
Tôi hỏi: Vậy thầy làm việc tệ hại
khi nào?
Thầy ấy nói: Con đã làm từ rất lâu,
con chỉ nhớ là mình đã làm nhiều việc xấu, cho nên cảm thấy bản thân con rất là
tội lỗi.
Tôi nói: Tu hành là cần phải sám
hối chớ không nên hối hận, nên đối diện với khuyết điểm của mình, cố gắng đừng
để tái phạm những sai lầm như vậy nữa. Làm được như vậy mới có thể cải ác thành
thiện. Hối hận là đi vào trong hầm lửa, còn sám hối là ra khỏi hầm lửa.
“Làm người mà biết mình sai là điều
tốt. Biết sai mà chịu sửa sai thì còn tốt hơn.”
ĐỪNG ĐỂ GẶP THÊM CHUYỆN KHÔNG MAY
Khi bị người khác ăn hiếp, bạn phải
lập tức chuyển đổi cái tâm căm ghét thành tâm tha thứ và tự nhủ rằng: “Mình
không nên để ngoại cảnh chi phối, nếu chọn lấy hành động đánh trả lại hay đối
kháng quyết liệt với đối phương thì có thể sẽ làm mình xui xẻo hơn. Vì vậy, khi
chúng ta bị ức hiếp, nếu cứ để lòng mình bực tức hoài thì cũng không có ích lợi
gì; Huống hồ gì nói không chừng đối phương không có ý muốn hại ta, nếu như mình
suy nghĩ thái quá thì chính bản thân mình lãnh trọn sự bi thảm”.
Giả như, bạn chọn thủ đoạn báo thù
để đánh trả lại đối phương, thì những tai hại mà mình gánh chịu không phải là
càng lớn, càng nhiều hơn hay sao? Cách làm tốt nhất bấy giờ, đó chính là dùng
thái độ bình tỉnh để giải quyết vấn đề.
Và lúc này bạn nên nghĩ, mình phải
nhớ lấy lần giáo huấn này, đó là mình không nên để bị người ăn hiếp nữa và cũng
không để ngoại cảnh chi phối mình.
Không để ngoại cảnh chi phối nghĩa
là, mình đã bị tổn thương rồi, tuyệt đối là không để tổn thương lần thứ hai,
nếu không thì bạn sẽ bị đối phương phản kích lại và có thể liên tiếp chịu tổn
thương, và tất cả khổ sẽ đến với bạn.
Nếu như chúng ta có thể tha thứ cho
người khác thì trong lòng chúng ta tự nhiên sẽ yên bình, thanh thản.
“Nếu bạn chọn cách báo thù thì bạn
sẽ đau khổ hơn. Vì nếu bạn thắng thì sẽ gây oán thù, còn nếu bạn thua thì sẽ
ngủ không yên.”
KHÔNG NÊN ÁY NÁY VÌ LỖI VÔ TÂM
Ai cũng có những lỗi vô ý. Tuy là
như vậy, nhưng có rất nhiều người không có cách gì tha thứ cho mình. Muốn biết
mình có gây tội lỗi hay không, bạn hãy nhìn lại lòng mình.
Có một buổi sáng nọ, khi tôi bước
xuống giường, vì không cẩn thận, nên vô tình tôi đè chết con gián. Cũng giống
như vậy, tôi có được coi là phạm tội giết con gián không?.
Tôi không có phạm tội giết con
gián, vì tôi không cố ý muốn đè chết nó. Nếu như tôi có ý định muốn giết nó thì
làm như vậy mới gọi là tội lỗi. Gặp chuyện như vậy, chúng ta phải nên phản tỉnh
sám hối, vì chúng ta có thể đuổi nó đi mà không cần phải giết.
Vì vậy, giả dụ trong lòng chúng ta
không có dự tính, nhưng lại biết rằng mình đang làm những việc gì, thì lúc bấy
giờ, những hành động của bạn là có tác dụng, và bạn phải chịu lấy trách nhiệm
về những hành vi của mình. Còn nếu không cố ý thì không nên trách những lỗi vô
tâm của mình quá mức.
“Nếu bạn ý thức được mình đang làm
việc gì thì bạn sẽ không bao giờ làm điều sai.”
KHÔNG CÒN LÀ KẺ THÙ NỮA
Phật giáo có câu: “Tâm sanh thì các
pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt”. Cũng đồng một người, nhưng tâm và cảnh
khác nhau, cùng nhìn chung một thế giới và có sự cảm thọ về thân thể, tâm lý
khác nhau. Cũng là một thế giới, nhưng có sự cảm thọ khác nhau về thân thể và
tâm lý trong mỗi con người.
Khi chúng ta nhìn thấy kẻ thù thì
trong lòng rất là đau khổ. Nhưng nếu chúng ta chuyển tâm ấy thành tâm rộng
lượng, tha thứ, đồng cảm với họ, dùng tâm từ bi đối xử với họ thì ngay khi tâm
từ bi vừa sanh khởi, oán hận liền tiêu mất. Khi trong lòng bạn không còn sự oán
hận thì họ không còn là kẻ thù của bạn nữa, và hiện tượng kẻ thù, suy nghĩ về
kẻ thù sẽ không còn tồn tại trong lòng bạn nữa.
Bất cứ sự việc gì, chỉ cần thay đổi
ý nghĩ, hay diệt mất nó thì không có hiện tượng cố định, vĩnh hằng, bất biến
của ngoại cảnh. Tất cả sự vật hiện tượng đều do tâm ta mà có, cho nên trên thế
giới này, không có người nào là không thể tha thứ.
“Kẻ thù đôi không không phải là do
người đó làm sai, mà là do mình phán xét.”