Kẻ chiến thắng
Trong cuộc sống, thái độ ứng xử của chúng ta đối với người khác không
chỉ hoàn toàn do ta tự quyết, mà luôn phụ thuộc một phần vào thái độ của
đối phương. Ngược lại, thái độ của đối phương đối với chúng ta cũng phụ
thuộc một phần vào cách ứng xử của bản thân ta. Mối tương quan này tuy
có phần tế nhị nhưng có thể dễ dàng nhận ra được nếu ta quan sát một
cách khách quan những trường hợp giao tiếp của những người khác.
Khi một người đang bực tức và có thái độ nóng nảy, giận dữ đối với ta,
nếu ta cũng nóng nảy và giận dữ đáp lại thì mối quan hệ giữa đôi bên tất
nhiên sẽ trở nên căng thẳng, gay gắt hơn. Ngược lại, nếu ta có thể giữ
được sự bình tĩnh, hòa nhã, thì sự nóng giận của người kia sẽ có nhiều
khả năng được lắng dịu đi.
Tương tự như thế, nếu bạn mắng ai đó một câu và nhận lại được một câu
nặng nề hơn thế nữa, điều thường xảy ra là bạn sẽ có khuynh hướng vắt óc
suy nghĩ tìm một câu mắng chửi khác cay độc hơn, gay gắt hơn. Nhưng nếu
bạn được đáp lại bằng một lời giải thích ôn hòa, một nụ cười cởi mở hay
một lời xin lỗi nhẹ nhàng, thì cái “dũng khí” ban đầu của bạn sẽ có
nhiều khả năng tan biến.
Tuy nhiên, vấn đề còn phụ thuộc vào những mức độ khác nhau trong tâm
trạng của mỗi người, vì mối tương quan chi phối lẫn nhau trong giao tiếp
có thể được mô tả là tương tự như lực hấp dẫn vũ trụ xuất hiện giữa các
vật thể. Khi một vật thể có kích thước lớn hơn, nó sẽ có một lực hút lớn
hơn. Vì thế, một vật thể nhỏ tuy cũng có sức hút nhưng sẽ luôn bị kéo về
phía của vật thể lớn hơn. Cũng vậy, khi hai người giao tiếp với nhau,
tâm trạng của người nào có cường độ mạnh hơn sẽ chi phối tâm trạng của
người kia nhiều hơn.
Chẳng hạn, bạn không hề có ý định gây gổ khi bắt đầu câu chuyện với một
người đồng nghiệp, nhưng anh ta lại đang trong tâm trạng cực kỳ nóng
giận vì một nguyên nhân nào đó. Và cuối cùng, sự thô lỗ, cáu gắt của anh
ta sẽ cuốn hút bạn, khiến bạn cũng nổi nóng lên và có những thái độ cáu
gắt không kém gì anh ta.
Ngược lại, khi bạn đang trong tâm trạng bực tức vì một nguyên nhân nào
đó và có thái độ giận dữ với người đối diện, nhưng người ấy lại giữ được
một thái độ hết sức điềm tĩnh, chấp nhận lắng nghe tất cả và từ tốn giải
thích mọi việc. Trong trường hợp này, sự nóng giận của bạn không đủ
cường độ để lay chuyển người ấy, mà ngược lại sự ôn hòa của người ấy lại
có khả năng khiến cho bạn phải thay đổi thái độ.
Việc quan sát những tác động qua lại giữa đôi bên trong các trường hợp
giao tiếp thường ngày có thể là một điều hết sức thú vị và giúp ta học
hỏi được rất nhiều. Bạn sẽ nhận ra là có những người luôn có khả năng
làm cho người khác phải thay đổi thái độ đối với họ, và ngược lại cũng
có những người dễ dàng bị lôi cuốn theo tâm trạng không tốt của đối
phương. Đây cũng chính là sự biểu hiện khác biệt giữa những người có đời
sống tinh thần vững chãi với những kẻ sống buông thả không tu dưỡng.
Khi hiểu được nguyên tắc chi phối lẫn nhau trong giao tiếp, chúng ta sẽ
nhận ra rằng trong mỗi trường hợp giao tiếp thì người chiến thắng không
phải là người có thể làm cho đối phương thối lui hoặc khuất phục, mà
chính là người có khả năng làm chuyển hóa được tâm trạng của đối phương.
Nói cách khác, nếu ai đó nổi giận với bạn một cách vô cớ, và bạn cũng sử
dụng tất cả những “vũ lực” cần thiết để dập tắt cơn giận dữ đó, thì bạn
cũng không thể được xem là kẻ chiến thắng. Vì trong thực tế thì bạn
chính là người đã bị cuốn hút vào cơn giận của anh ta, và đã hành xử
theo với tâm trạng của anh ta chứ không phải của chính mình. Anh ta đã
có đủ khả năng để “châm ngòi” cho một cơn giận mà trước đó chưa hề sẵn
có trong bạn.
Ngược lại, nếu bạn có thể làm cho một người đang tức giận phải lắng dịu
đi và trở nên ôn hòa, bình tĩnh hơn, lúc đó bạn mới thật sự xứng đáng
được xem là kẻ chiến thắng. Bởi vì bạn đã làm cho người ấy phải chuyển
hóa và thay đổi tâm trạng, trong khi người ấy không có khả năng “chọc
giận” hay làm cho bạn mất đi sự bình tĩnh cần thiết.
Trong ý nghĩa này, không những bạn đã chiến thắng đối phương, mà điều
quan trọng hơn nữa còn là chiến thắng được chính bản thân mình, chế ngự
được những khuynh hướng không tốt theo thói quen ứng xử đã có từ trước.
Sự chiến thắng trong ý nghĩa thông thường là khuất phục được đối phương
thật ra chẳng mang lại lợi ích gì cho cuộc sống của bạn, nếu không muốn
nói là còn gây thêm phiền toái với những hiềm khích không bao giờ chấm
dứt. Ngược lại, nếu bạn có thể thực sự chiến thắng trong ý nghĩa chuyển
hóa được tâm trạng tiêu cực của đối phương, bạn sẽ mở rộng cánh cửa giao
tiếp trong sự ôn hòa. Điều đó sẽ luôn mang lại nhiều niềm vui và sự an
ổn.
Vì thế, mỗi khi bắt buộc phải đương đầu với ai đó trong một trường hợp
giao tiếp căng thẳng, bạn hãy cố gắng để làm người chiến thắng bằng cách
giữ vững tâm trạng điềm tĩnh, ôn hòa cần thiết và chuyển hóa mọi tâm
trạng tiêu cực của đối phương. Khi đó, bạn mới thực sự xứng đáng được
gọi là kẻ chiến thắng!