Đạo đức là đòi hỏi tất yếu của xã hội loài người
Xã hội loài người sở dĩ có thể tồn tại và phát triển được
là nhờ có quá trình không ngừng truyền thụ và lĩnh hội những kinh
nghiệm xã hội - lịch sử. Trong những kinh nghiệm xã hội - lịch sử đó,
các chuẩn mực về đạo đức nói riêng đã không ngừng được bổ sung, cập
nhật, hoàn thiện cho phù hợp với các điều kiện thay đổi thực tế của xã
hội, của từng thời đại.
Xã hội loài người dù ở bất cứ thời đại lịch sử nào cũng luôn cần đến
các chuẩn mực đạo đức phù hợp để làm khuôn mẫu cho cách ứng xử, cách
sống giữa người với người trong các mối quan hệ xã hội. Những chuẩn mực
đạo đức được hình thành và phát triển trong cuộc sống, được mọi người
trong xã hội thừa nhận và tự giác thực hiện.
Trong xã hội nguyên thủy, chuẩn mực đạo đức của con người chỉ dựa
trên nguyên tắc ăn đồng chia đều. Mọi của cải vật chất kiếm được đều
chia thành những phần bằng nhau cho tất cả mọi thành viên trong thị
tộc.
Sau những năm tháng dài trôi qua, cuộc sống của xã hội loài người
càng lúc càng trở nên phức tạp hơn trên nhiều lĩnh vực và cần đến những
chuẩn mực đạo đức phù hợp hơn để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy
sinh giữa người với người trong đời sống xã hội. Cuộc sống của loài
người vào thời xã hội nguyên thủy chắc hẳn chưa hề có những chuẩn mực
đạo đức liên quan đến việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống
như chúng ta ngày nay. Bởi lẽ, khi đó dân số thế giới còn ít, diện tích
các vùng đất đai canh tác còn nhiều. Loài người lúc bấy giờ chưa có sản
xuất công nghiệp, nên mức độ ô nhiễm do chính mình gây ra chưa đến mức
đáng báo động cho sự hủy hoại nghiêm trọng về môi trường sống như ngày
nay. Và do vậy, ở thời điểm đó, loài người chưa thể nào nghĩ đến những
chuẩn mực đạo đức liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cho nên,
chắc chắn loài người lúc ấy chưa có sự nhìn nhận, đánh giá hành vi nào
là tốt hay xấu đối với môi trường như chúng ta ngày nay.
Tuy nhiên, theo đà tiến lên của xã hội, đi cùng với sự phát triển
của sản xuất công nghiệp, thì mức độ khai thác tài nguyên, mức độ tiêu
hao năng lượng và mức độ ô nhiễm do sản xuất công nghiệp tạo ra, gây
ảnh hưởng đến môi trường sống chung của cả nhân loại cũng ngày càng
tăng lên. Nếu chúng ta không biết cách bảo vệ môi trường, nhất là không
có ý thức tự giáo dục bản thân, thể hiện qua các hành vi tôn trọng và
bảo vệ môi trường sống mỗi ngày, thì chẳng những thực trạng ô nhiễm môi
trường ngày càng nặng nề sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của
chúng ta mà còn ảnh hưởng đến cả các thế hệ con cháu chúng ta. Trước
viễn cảnh đó, việc đưa ra những chuẩn mực đạo đức nhằm bảo vệ môi
trường rõ ràng là điều vô cùng cần thiết, nhằm bảo vệ cuộc sống tốt đẹp
cho nhân loại trên cả hành tinh này...
***
Có người viện lý do rằng, chính vì các chuẩn mực đạo đức không phải
là bất biến mà có sự thay đổi theo thời gian, có sự khác nhau giữa
phong tục của từng dân tộc và cách sống của người dân ở nhiều quốc gia
khác nhau trên trái đất, nên các chuẩn mực đạo đức chỉ mang một giá trị
tương đối và con người ta không nhất thiết phải tự giác tuân theo mà
có thể tùy ý tuân theo hoặc không! Tuy nhiên, tính không bất biến của
các chuẩn mực đạo đức hoàn toàn không phải là lý do để chúng ta hoài
nghi về tính đúng đắn và giá trị của các chuẩn mực đạo đức. Chúng ta sẽ
phải giải quyết vấn đề gây băn khoăn này như thế nào đây?
Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng, mọi cái được xem là đúng
đắn, phù hợp trên cuộc đời này đều chỉ mang tính chất tương đối. Một
điều gì đó được xem là đúng trong những điều kiện, hoàn cảnh này, lại
không được xem là đúng trong điều kiện khác, hoàn cảnh khác. Cũng tương
tự như vậy, một điều được xem là chuẩn mực đạo đức ở dân tộc này, đất
nước này, thời đại này... chưa hẳn đã được xem là chuẩn mực đạo đức ở
dân tộc khác, đất nước khác, thời đại khác... Như vậy cũng không phải là
điều quá khó hiểu!
Thiết tưởng ở đây chúng ta cần phân biệt sự khác nhau giữa chuẩn mực
và giá trị. Chuẩn mực đạo đức ở mọi nơi và mọi thời có thể có những sự
khác biệt nhất định nào đó, nhưng giá trị chung của tất cả những chuẩn
mực đạo đức đó là đều hướng con người đến cái Thiện. Đó là lý do lý
giải cho chúng ta hiểu tại sao các chuẩn mực đạo đức có sự thay đổi qua
các thời đại lịch sử. Cho dù những chuẩn mực đạo đức cụ thể ở từng
thời đại lịch sử có thể có những sự sửa đổi, bổ sung, có những khác
biệt không tránh khỏi, nhưng giữa các thời đại lịch sử khác nhau đều có
những điểm nhận thức tương đồng về cái Thiện.
Trình độ nhận thức hạn hẹp của mỗi cá nhân chúng ta có thể sai lầm,
nhưng cuộc sống thì vốn dĩ không sai lầm. Cuộc sống luôn có những quy
luật của nó. Cuộc sống ngày càng trở nên phong phú, phức tạp hơn, chính
vì vậy mà cuộc sống cũng đòi hỏi nơi bản thân mỗi chúng ta những nỗ
lực hoàn thiện bản thân ngày càng cao hơn, với nhiều chuẩn mực đạo đức
hơn. Những chuẩn mực đạo đức được bắt rễ từ những đòi hỏi của thực tế
cuộc sống cùng khát vọng hướng thiện của con người. Những chuẩn mực đạo
đức định hướng cho con người có cách lựa chọn và hành động trong từng
trường hợp cụ thể.
Chính nhờ có những chuẩn mực đạo đức mà mỗi người có cơ sở để điều
chỉnh nhận thức và hành vi của mình, nhằm đáp ứng yêu cầu chung ngày
càng cao của nền đạo đức xã hội. Nếu nhân loại ngày càng leo lên những
bậc thang cao hơn của văn minh, thì một đòi hỏi tất yếu là các chuẩn
mực đạo đức cũng sẽ ngày càng phải hoàn thiện hơn, sao cho tương xứng
với những bước tiến đó của nhân loại.
Đó là chưa nói, qua thời gian cùng với đà phát triển của xã hội, khi
trình độ giáo dục được nâng lên thì sự nhận thức của con người về các
chuẩn mực đạo đức cũng ngày càng được nâng cao thêm. Theo đó, những gì
giúp cho con người thăng tiến về tinh thần, những gì đóng góp tích cực
vào sự phát triển của xã hội, những gì phù hợp với xu thế phát triển đi
lên của cuộc sống là Thiện. Trái lại, những gì làm hủy hoại con người,
đẩy con người tụt lùi xuống hàng thú vật, những gì gây nên hậu quả
tiêu cực, trái với xu thế phát triển đi lên của cuộc sống là Ác.
Cho nên, có thể khẳng định, tiêu chuẩn để phân biệt như thế nào là
Thiện hay Ác là ở sự phù hợp hay không phù hợp với sự thăng tiến phẩm
giá con người, với tiến bộ xã hội, với xu thế vươn lên của cuộc sống
nhân loại. Nói tóm lại, thiện là tất cả những gì tốt đẹp, mang lại cho
từng cá nhân và cả xã hội một cuộc sống hạnh phúc hơn, phát triển hài
hòa hơn.
Như vậy, cùng với tiến trình lịch sử của mình, loài người đã không
ngừng đúc kết, bổ sung những chuẩn mực đạo đức, xem đó là những chân lý
đúng đắn, phù hợp và không ngừng nỗ lực thực hiện nó. Và xã hội dù ở
thời đại nào cũng luôn cần đến các chuẩn mực đạo đức để có thể duy trì
sự tồn tại và phát triển. Đây là một thực tế khách quan mà không ai có
thể bác bỏ được.
Dù các chuẩn mực đạo đức có được bổ sung, cập nhật, thay đổi cho phù
hợp với những thay đổi của các điều kiện kinh tế - xã hội trong từng
thời kỳ lịch sử cụ thể đi chăng nữa, thì có một sự thật khách quan mà
chúng ta phải nhìn nhận là các chuẩn mực đạo đức ấy bao giờ cũng thể
hiện xu hướng ngày càng tiến bộ hơn và luôn gắn liền với việc sáng tạo
thêm các giá trị tốt đẹp, cao cả hơn cho nhân loại. Nói cách khác,
những chuẩn mực đạo đức đó chính là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp
của nền đạo đức nhân loại.
Cùng với những tiến bộ của nền văn minh vật chất, loài người đã
không ngừng sáng tạo nên những giá trị đạo đức cao cả. Chính những giá
trị đạo đức ấy đã góp phần tích cực vào sự phát triển hài hòa của xã
hội và sự tiến bộ của nhân loại.
Ngày nay, chúng ta thấy rằng, hầu hết các hệ thống luân lý lớn nhất
của nhân loại đều gắn liền với những tôn giáo lớn. Chúng ta không thể
phủ nhận lý tưởng cao cả và giá trị thiêng liêng của các tôn giáo chân
chính trong việc hướng con người đến cái Thiện. Thậm chí, ngày nay các
tôn giáo còn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc khuyến
khích và hướng con người đến cái Thiện, thực hành điều Thiện... Tuy
nhiên, nếu xét về mặt lịch sử, thì ngay cả khi chưa có sự xuất hiện của
các tôn giáo lớn, loài người cũng đã biết hướng đến các giá trị đạo đức
từ rất sớm, bởi vì đạo đức là một đòi hỏi tất yếu của xã hội loài
người.