I.
Mùa xuân đồng nghĩa với mùa hoa có từ khi thiên địa mới mở. Nó có
thật mà như mơ, trong trẻo thanh cao, vô tư bên cạnh cõi Ta-bà phiền não
đầy những giá trị giả. Có lẽ vì thế một vị thiền sư đã viết “mướt mướt
hoa vàng phơi bày bát-nhã, xanh xanh cành trúc hiển lộ chân như”. Trong
lặng lẽ, hoa nở rồi tàn, không nói với ai điều gì. Vậy mà trong cõi lặng
yên kia lại như thì thầm cùng ta, nên người tìm thấy ở hoa rất nhiều
ngôn ngữ. Có người từ phố nhớ quê quay quắt trở về chỉ để ngắm sen trong
hồ, cúc trong vườn nhà mùa thu, nghe lòng thanh thản bình yên trở lại
rồi tiếp tục ra đi. Ngay đến hoa dâm bụt nở dọc theo bờ giậu, hoa mướp
vàng bò trên giàn nhà hàng xóm, cũng có tác dụng thanh lọc tâm hồn!
Từ đâu mà ra, hóa ra xung quanh cỏ hoa là món quà dành tặng người. Dù là
người biết vật cũng chỉ nằm trong vòng hóa sinh, nhưng lắm trường hợp
bất ngờ. Cả vùng đất cháy bỏng chỉ nhờ vào sương mù đêm xuống, sa mạc
phát tiết nở hoa, nơi ấy xa xôi chỉ thấy qua màn hình, chưa tận mắt nhìn
thấy. Chỉ thấy các trường hợp gần bên mình. Tỉ như mùa hè nắng chói
chang, vùng Bảy Núi các con suối, giếng nước khô cạn, xung quanh cây cối
rụng lá như mưa, còn trơ cành khô khẳng khiu, riêng giống phượng vĩ lại
trổ hoa đỏ rực, nhất là giống mãng cầu ta lại đợi lúc khó khăn này mới
ra lộc non, đơm bông, kết trái. Bốn tháng nước nổi lênh đênh, quê đất An
Giang vườn tược ủ rũ, xác xơ, cây cối thi nhau chết. Vậy mà xoài, mận
đơm bông, điên điển trổ bông tròn vun giống mâm xôi màu vàng!
Trước hết hãy nhìn vào lòng mình. Mãi theo đuổi tìm kiếm nơi khác, lắm
khi thấy hoa nở như trêu. Nhìn vào lòng mình, thì sự trêu cợt kia hóa ra
lại là sự sống, hằng kết trái đơm hoa dù trong nghịch cảnh. Nguyễn Du
gặp hoạn nạn lui về vườn cũ đìu hiu, nhiều lúc không tìm ra gì bỏ vô nồi
nấu nướng. Nhưng trong một bài thơ chữ Hán ông làm trong giai đoạn này,
đặc biệt tôi nhớ và chú ý đến hai câu “Lạnh tanh bếp lửa chiều qua, hoa
vàng trước ngõ ngắm mà thấy ngon!” Câu thơ cho thấy ông là người chuyển
cái buồn nghịch cảnh sang cái vui đồng trần thật tài tình! Ông không
phải là người xuất gia, nhưng qua đó thấy như ông đã chứng ngộ. Sự chứng
ngộ bất chấp thời gian và không gian! Vì vậy, khi tìm trong sách vở
người xưa, thỉnh thoảng ta lại bắt gặp những câu mới mẻ đến ngạc nhiên
người đời nay!
II.
Đạo Phật theo tôi như sợi chỉ mềm, là sợi dây đàn không một âm
thanh, nhưng khi có tay người gẩy, có làn gió đến vờn, cung đàn sẽ ngân
lên khúc nhạc vi diệu. Mênh mông vô hạn, vậy mà tất cả đều như có hạn
kỳ. Hoa đúng hẹn lại lên. Hoa nở cho người mà ngỡ như hoa thêm lần nữa
trêu ghẹo. Tỉ như hai cây mai trước sân nhà tôi, bất ngờ có một cây trổ
sớm, trước Tết mà nụ ra chi chít. Cuối năm mưa bão đi qua, nửa đêm còn
vương vấn những giọt mưa cuối mùa tí tách. Trời se se lạnh. Cây mai theo
ngọn gió đầu mùa ra nụ âm thầm trong đêm.
Nhưng còn hai tháng nữa mới đến Tết. Buổi sáng, tôi đứng trước cây mai
ngắm nhìn. Hoa đi trước về sau, muốn nói với đời điều gì đây mà trổ sớm
chẳng chờ gió xuân.
Hoa nở vì ai? Một ý nghĩ vui vui. Hay là thử ăn Tết sớm xem có cảm giác
gì không? Thế là mặc cho người nhà ngăn cản, tôi bứt hết lá mai để cho
những bông hoa bừng nở.
Tôi không thể tả được cái niềm vui hồi hộp, xao xuyến đợi hoa nở. Tôi
muốn chia sẻ niềm vui ấy... nhưng hầu như ít có ai chú ý đến cội hoa
vàng mơ giữa ngày mùa đông gió bấc hanh heo... Cũng có một hai người đi
qua dừng lại ngắm nhìn giây lát. Tôi đợi môt tiếng trầm trồ, nhưng chẳng
có tiếng khen nào. Người dừng lại rồi quay đi, dường như nó không phải
là hoa xuân dành cho ngày Tết sắp đến.
Tôi chặt một cành mai đem cắm vào bình, không khí vẫn không thấy thay
đổi. Tết vẫn còn xa. Trở ra chợ mua trà, mua bánh, mua nhang... Chuẩn
bị đúng nghi lễ đón xuân. Nhưng khi châm bình trà thơm, đốt nhang và mở
băng nhạc xuân ra nghe... cũng vẫn là cảm giác đợi chờ không ra Tết. Tức
mình, lại rủ thêm người bạn thân đến nhà. Anh đến nhà mang theo chai
rượu, cùng ngồi lai rai bên hoa. Nhưng hai chúng tôi vẫn thấy đó chỉ là
một cuộc vui bình thường. Vẫn nghe thiếu vắng một cái gì đó. Chẳng đủ
độ, chẳng đủ tình để vươn tới phút nhiệm mầu mỗi năm chỉ đến một lần!
Hai người ngồi ngơ ngẩn bên hoa rồi nhìn bức tranh treo trên tường. Phật
Di Lặc nở nụ cười hoan hỉ. Tôi không nhớ đã mua bức tranh ở đâu, treo
nó lâu lắm, hằng ngày mỗi khi buồn vui lại nhìn Phật Di Lặc đưa cái bụng
phệ toe toét cười, không chỉ riêng tôi mà cả nhà cũng không ai thắc mắc
gì. Giờ đây cùng người bạn ngồi bên hoa nở sớm, nhìn Phật Di Lặc hoan
hỉ, tôi vụt hiểu ra. Nụ cười của Phật Di Lặc là nụ cười dành cho mọi
người. Cái thiếu của hai đứa, chỉ vì thuộc về số ít, không làm nên sự
cộng hưởng của ngày Tết. Sự cộng hưởng chính là ý nghĩa thiêng liêng của
ngày xuân. Cũng như sự thiêng liêng của đức Phật A-di-đà là ở lời
nguyện. Ngài luôn trở xuống tận ngục A-tỳ để độ cho đến người cuối cùng.
Ngày Tết đến, những người may mắn, những ai lận đận, trước mùa xuân về
đều nghe lòng rạo rực, xao xuyến. Cành mai trổ sớm chẳng làm nổi điều
này, chỉ vì “hoa khai” không “kiến Phật”! Kiến Phật để tìm thấy cho mình
một niềm vui không dứt, một sự an lạc bền vững, phúc đức giữa cõi đời
hữu hạn như ảo ảnh, như gió thoảng mây trôi!