I.
Trở về với ngày kỷ niệm đức Phật đản sinh, có lẽ không gì bằng chắp tay
thành kính nhìn lên lễ đài và suy ngẫm về ý nghĩa của ngày đại lễ này.
Từ khi đức Phật ra đời và tìm ra chân lý, ngài đã luôn là ngọn gió mát
lành an ủi mọi người. Chúng sinh vui mừng reo lên: “Vui thay Phật ra
đời!” Qua hình ảnh của đức Phật, người ta tự tìm thấy con đường hướng
thượng cho mình trong mối tương thông giữa người với người. Chính vì
vậy, mỗi một giai đoạn hiện tại, quá khứ, tương lai đều có những vị Phật
để đáp ứng nhu cầu tâm linh. Chúng ta quen cúi mình trước Phật như một
con người hoàn thiện duy nhất!
Ngày Phật đản là ngày dành cho vị Phật sơ sinh bé nhỏ. Nhưng lúc hương
hoa lễ vật được dâng lên, ta thường quên đi ý nghĩa sự hiện diện của vị
Phật sơ sinh bé nhỏ kia. Ta không nhớ rằng vị Phật bé nhỏ kia cần ở ta
điều gì... Ngài mới hồn nhiên xinh xắn làm sao! Mỗi bước chân đều có hoa
sen nâng lấy gót chân. Một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, ngài nói:
“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn.”
Có người cho rằng câu nói này là lời tán tụng của người sau, khi Phật đã
trở thành bậc Đại giác, chứ đức Phật lúc sơ sinh làm sao nói được!
Những người không tin vào tâm linh hoặc quá duy lý thì cho rằng cuộc đời
này làm gì có ai là vĩ đại, độc tôn, siêu phàm một cách tuyệt đối! Lại
nữa, hơn hai ngàn năm trăm năm trước, con người còn phải ngạc nhiên
trước sự biến hóa của vũ trụ vô thường, còn tin rằng mọi cái không thể
tự có, nhất nhất đều do bàn tay ông trời xếp đặt, thì làm gì có ai dám
nói ra câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” ấy?
Nhưng câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” của vị Phật ngoan
đồng quả thật đã phủ nhận thần linh, phủ nhận “ông trời” để tôn vinh con
người, đưa con người lên vị trí cao nhất. Điều đó thật mới mẻ biết bao!
Hãy thử hình dung sự phản kháng của xã hội thời đó như thế nào trước
một quan điểm như vậy, để rồi cuối cùng lại mừng vui chấp nhận! Phước
cho những ai không chứng kiến mà vẫn được nghe biết. Cho nên, những
người Phật tử đặt niềm tin ở Phật, vào ngày lễ Phật đản vẫn tiếp tục kể
cho nhau câu chuyện đã được nghe từ thuở xa xưa. Thuở ấy, ngài đã hồn
nhiên bước đi trên những đóa hoa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất,
ngài nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn.”
II.
Tôi vẫn xem câu nói đầu tiên của đức Phật khi mới ra đời không phải là
ẩn dụ hay tượng trưng, mà là báo trước sự nhiệm mầu, siêu phàm. Trước
hết, đó là vì những người học Phật luôn suy tư về chân lý. Khởi đầu việc
tìm kiếm chân lý chính là cuộc hành trình tìm kiếm, xác định bản thân,
đâu là tự tánh, bản lai, trước khi hiểu ra được cõi đời hữu hạn mà vô
hạn, và ngược lại vô hạn có trong hữu hạn. Nói chung, vô thường có mặt ở
mọi nơi. Cũng không phải dễ dàng nhận ra chân lý, mà phải trải qua bao
lần lột xác trăn trở. Qua bao giai đoạn ngạc nhiên, hoài nghi, tự vấn,
đôi khi lại lầm lạc nữa. Con người cứ tiếp tục đi ra đi vào thăm thẳm
một cõi tâm linh, và trong cuộc hành trình người ngạc nhiên khi bất ngờ
khám phá – ngay cả các triết gia từ Đông sang Tây cũng đều ngạc nhiên –
rằng chính trẻ con ngây thơ là suối nguồn của mọi suy tư, thắc mắc!
Nhận xét của trẻ con nhiều khi khiến cho người lớn phải ngẩn ngơ và
thích thú. Ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy những thí dụ. Như tôi có
thằng cháu vừa lên ba, nó đã biết con rùa nhưng chưa biết con đồi mồi,
lập tức nó gọi con đồi mồi là “con rùa bông”. Thằng bé đã sáng tạo ra
ngôn ngữ một cách thú vị. Thời gian sau, tôi ngẫm nghĩ lại việc ấy và
thấy rằng chính người lớn mới là những kẻ không nhận biết thực tại. Vì
không nhận biết nên chúng ta ngày càng đi xa bản chất sự vật. Riêng với
thằng bé, thế giới chưa phân chia như mặt hồ chưa gợn sóng, nhận biết
hiện tượng như thế nào cứ gọi tên y như thế ấy. Vì thế, từ sự nhận biết
thực tại mà nó đã sáng tạo được cái tên gọi “con rùa bông”.
Có người nói tuổi thơ chính là thiên đường mà người lớn đã đánh mất. Nhà
triết học người Đức Karl Jaspers kể cho chúng ta nghe một câu chuyện
khác. Một đứa trẻ tâm sự: “Em thường nghĩ em là kẻ khác, nhưng em vẫn cứ
là em.” Ban đầu, ông thấy câu nói ấy ngô nghê, nhưng sau ngẫm nghĩ mới
thấy đó là một triết lý thâm trầm.
Trẻ con cũng linh cảm được mọi thứ. Có những thứ chúng không tự giải đáp
được, nhưng trước hết chúng biết tự nhận thức về mình. Đã có nhận thức,
tức là tánh Phật trong con người bé nhỏ ấy đã vận động. Ta đừng ngạc
nhiên. Bao giờ ngày kỷ niệm Phật đản cũng được bắt đầu bằng câu chuyện:
Đức Phật sơ sinh mỗi bước đi đều có hoa sen đỡ lấy gót chân, một tay chỉ
trời, một tay chỉ đất, hồn nhiên nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã
độc tôn.”
III.
Sở dĩ tôi dài dòng đôi chút là vì trở về với ngày lễ mừng đức Phật ra
đời không gì sâu sắc bằng tìm thấy ý nghĩa của ngày lễ này. Có những khi
ta ôm lấy một em bé để nựng nịu thương yêu, nhưng thường không nhận ra
được rằng ta làm như thế là vì chính nhu cầu của ta, vì ta chứ không
phải vì nhu cầu của em bé. Do đó mà em bé thường lấy làm khó chịu, đưa
tay cố đẩy ta ra. Đức Phât sơ sinh bé nhỏ chẳng bao giờ làm thế. Ngài
hồn nhiên đứng trên hoa sen, đưa tay chỉ trời, đưa tay chỉ đất mà nói:
“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn.” Nhưng chúng ta phải tự hiểu
rằng, Phật còn muốn nói với ta một điều không thành lời: “Còn con, con
là ai?” Lòng thành kính suy ngẫm ý nghĩa sâu sắc của ngày lễ kỷ niệm
Phật đản là nhu cầu của ta, đừng quên còn có lời nhắn gửi của đức Phật
từ bi. Vậy tại sao nhân ngày này chúng ta không nhìn lại chính bản thân
mình: “Ta là ai giữa cõi đời này?” Có như vậy mới không phụ công ơn của
đức Từ phụ xuất thế. Đừng tìm kiếm đức Phật mà không tự hỏi lòng mình...