Chương
1. Hạnh phúc gia đình
Giảng
tại khóa tu Một ngày an lạc, chùa Phổ Quang, ngày 19-10- 2008
Tình
5 T
Trong nhiều năm thuyết giảng, thỉnh
thoảng chúng tôi có cơ hội tư vấn hạnh phúc một cách bất đắc dĩ theo yêu cầu
của Phật tử. Nhờ đó, chúng tôi đã đúc kết bản chất của một gia đình hạnh phúc
lệ thuộc vào năm yếu tố, gọi là 5T: Tình, Tiền, Tâm, Thuận, Thương. Mỗi T đóng
vai trò hỗ trợ cho hạnh phúc và khi hạnh phúc đã có mặt sẽ bền bỉ với các gia
đình.
Tình yêu đóng vai
trò quan trọng nhất. Nếu không có tình yêu thì có đến với nhau bằng hấp lực
kinh tế hay vị thế xã hội, tuổi thọ của cuộc hôn nhân sẽ rất yểu.
Tiền mang
tính chất hỗ trợ. Có tình yêu nồng nàn nhưng đời sống kinh tế vật chất nay đủ
mai thiếu, thì sau một thời gian vẫn rơi vào tình trạng bị tổn thất.
Tâm được xem
là quan trọng trong trường hợp đã có tình yêu và đời sống vật chất không quá
chật vật. Sự hiểu biết, thương yêu, tôn trọng lẫn nhau giúp gia đình đó ngày
càng hạnh phúc hơn.
Thuận tạo hàng
rào vững chắc bao bọc cho gia đình. Trong các mối quan hệ với gia đình bên
chồng, bên vợ thỉnh thoảng có những va chạm, xung đột. Nếu không có tâm hiếu
hòa hay hiếu thuận thì rõ ràng sự đổ vỡ về một phía tạo sức ép cho người còn
lại đứng giữa ngã ba đường phải chọn lựa. Cho nên chữ thuận trong đời sống vợ
chồng rất quan trọng.
Thương là một
phần của tình yêu. Tình thương ở đây được giới hạn giữa cha mẹ đối với con cái
qua sự chăm sóc mà cả hai đều có vai trò và bổn phận ngang nhau.
Nội dung bài này, chúng tôi chỉ
nhấn mạnh đến 4T đầu vì bản chất những đổ vỡ hạnh phúc gia đình liên hệ phần
nào đến bốn điều vừa nêu. Bên cạnh đó còn có những kỹ năng truyền thông gia
đình rất cần thiết cho việc bảo vệ hạnh phúc lứa đôi.
Chìa
khoá truyền thông
Khi còn là người yêu của nhau,
việc tìm hiểu và truyền thông trong giao tiếp là nhu cầu không thể thiếu. Nhờ
đó tình yêu được chớm nở và phát triển thành hôn thú. Nhưng sau khi trở thành
vợ chồng, rất nhiều người rơi vào tư tưởng không quan trọng sự truyền thông. Từ
đó, tình yêu sau thời gian ngắn bị tắt lịm.
Một cặp vợ chồng, vợ là bác sĩ,
chồng là kỹ sư. Cô bác sĩ rất giỏi bệnh lý trẻ em. Mỗi khi khám bệnh, cô đều
dành thời gian tâm sự, hỏi han, hướng dẫn, vừa trị liệu tâm lý kết hợp trị liệu
y học, cho nên bệnh nhân đến rất đông. Trong khi đó, người chồng lại ít nói,
khó khăn trong truyền thông tình yêu của mình dành cho vợ. Suốt ngày anh vùi
đầu vào máy tính. Sau khoảng ba tháng sống chung, tình cảm lạnh nhạt bắt đầu
xuất hiện, mặc dù họ đã có với nhau hai mặt con. Hạnh phúc hôn nhân ngày càng
mờ nhạt đến mức cả hai quyết định ly thân. Một căn nhà như hai thế giới. Bất
ngờ một ngày người chồng bị tai nạn giao thông bán thân bất toại. Tình cảnh ly
thân làm cho người vợ phải suy nghĩ. Vì tình nghĩa vợ chồng mà cô nỗ lực gắn
kết, nhưng trong suốt một năm nuôi chồng ở bệnh viện, tình yêu vẫn không chớm
nở lần thứ hai. Bảy năm sau tai nạn của người chồng, sự lạnh nhạt đó ngày càng
đè nặng. Lẽ ra trong hoàn cảnh hoạn nạn, người ta dễ dàng đến với nhau, hâm
nóng lại tình yêu. Nhưng vì người chồng khi tiếp nhận sự chăm sóc của vợ có thể
nảy sinh tâm lý mặc cảm rằng mình là phế nhân, mọi sự chăm sóc phản ánh sự
thương hại. Cảm nhận tình thương của vợ nhưng không thấy nó song hành với tình
yêu, cho nên càng được chăm sóc nhiều chừng nào thì tự ái và sự xúc phạm cái
tôi về phương diện tự trọng hay nói cách khác là bản ngã của người chồng làm
tình yêu đó ngày càng lịm tắt.
Truyền thông là cơ hội trực tiếp
giúp chúng ta truyền đạt dòng cảm xúc, thái độ, suy nghĩ với người đối diện, cụ
thể trong trường hợp này là vợ hoặc chồng. Cho nên tầm quan trọng của nó không
thể thiếu. Khi đến với nhau thông qua sự tìm hiểu, người ta thường ríu rít tâm
sự. Nhờ kỹ năng tâm sự mà họ cảm thấy mình được thương yêu, được quan tâm, chăm
sóc. Các nhà tâm lý khẳng định, người nữ yêu bằng tai, họ đánh giá tình cảm
bằng cảm nhận truyền thông qua tai. Nhưng sau khi trở thành vợ chồng, rất nhiều
người, đặc biệt là người nam rơi vào hội chứng “câm sau khi yêu”, họ không mạnh dạn hoặc gặp nhiều trở
ngại trong việc truyền thông tình cảm của mình. Tình trạng đó làm cho người vợ
bắt đầu bị tẻ nhạt, cảm giác tình yêu bắt đầu phai mờ.
Vụng về trong truyền thông có
thể dẫn đến tình trạng biến cả hai trở thành nạn nhân. Nghiên cứu xã hội học
cho chúng ta biết sự đổ vỡ và chiến tranh trong quan hệ vợ chồng không hoàn
toàn do cả hai hiếu chiến mà còn do một trong hai người quá kiệm lời trong giao
tiếp. Nhiều người nam rơi vào chứng bệnh này, nhưng lại cho rằng đó là bản tính
của mình mà không chịu nỗ lực tháo gỡ, tương nhượng với nhu cầu tình cảm của
vợ. Đó là một sai lầm cần phải nhận diện và làm mới.
Truyền thông đòi hỏi phát xuất
từ trái tim với nhận thức chân thành. Nghĩ gì thì nên mô tả biểu đạt đúng với
dòng cảm xúc đó. Tuy nhiên nhiều người nữ lại không thích như thế, họ biểu đạt
khác với những gì họ nghĩ vì ngại ngùng. Ví dụ nhu cầu được yêu thương đáng lẽ
phải bày tỏ nhưng vì muốn chồng phải tự hiểu và đáp ứng khiến người vợ ngại
ngùng không dám nói. Vì không bày tỏ nhu cầu nên khi thấy chồng thờ ơ vô tâm,
nỗi khổ niềm đau bắt đầu trỗi dậy. Từ trạng thái ức chế tâm lý cho nên mâu
thuẫn nhỏ va chạm nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ trở thành vấn đề lớn. Truyền
thông phải trực tiếp bằng ngôn ngữ rõ ràng, không nên nói bóng gió, hoặc mỉa
mai.
Lắng
nghe và chia sẻ
Lắng nghe là nhu cầu phát sinh
khi một trong hai người bắt đầu phát ra ngôn ngữ nói về nhu cầu cảm xúc nhưng
người kia không quan tâm. Do đó sự lắng nghe chính là năng lực trị liệu giúp
nỗi đau lắng dịu phần nào. Chúng ta hãy học hạnh lắng nghe của bồ tát Quan Thế
Âm khi người thân thương muốn truyền thông. Quát tháo, hay chặn đứng tất cả cơ
hội phát ngôn, thậm chí hiểu lầm mà không cho người kia cơ hội giãi bày thì dần
dần những ức chế tâm lý này làm đời sống tình yêu bị đốt cháy.
Lắng nghe cần song hành với quan
sát để đi vào chi tiết của vấn đề, những tâm tư, suy nghĩ mà tìm ra giải pháp.
Nếu chỉ lắng nghe một cách đơn thuần qua loa, chắc chắn người còn lại sẽ cảm
thấy hụt hẫng dần dần rơi vào trạng thái lặng câm. Nói mà có người biết lắng
nghe sẽ dẫn đến xóa bỏ hiểu lầm, khai thông được trạng thái cô đơn của người
đang có nhu cầu truyền đạt thông tin tình cảm. Nói tạo phản ứng nghe, lúc đó
nhu cầu trao đổi tâm tình và kéo theo sự gắn bó.
Trong đời sống vợ chồng, nếu
không hề có sự trao đổi, mạnh ai nấy làm, tiền ai nấy giữ, không quan tâm để ý
đến nhau thì trước sau gì đổ vỡ hạnh phúc là điều đương nhiên xảy ra. Tuy
nhiên, trao đổi đó cũng phải đặt trên sự chia sẻ.
Bản chất của sự chia sẻ đòi hỏi nhiều
yếu tố. Trước tiên là thời gian dành cho nhau. Nhiều cặp vợ chồng trẻ gặp khủng
hoảng trong hạnh phúc hôn nhân bởi vì những đứa con thơ đòi hỏi quá nhiều sự
chăm sóc làm cho cả hai không còn thời gian dành cho nhau nữa. Rốt cuộc tình
yêu nồng thắm trở nên nguội lạnh. Do đó, tình yêu khi được quan tâm chia sẻ thì
phải hướng đến những nhu cầu cần giải quyết và dành cho nhau không gian để tình
yêu được duy trì và được nuôi lớn.
Chia sẻ cũng cần có chừng mực
nhất định. Vợ chăm sóc chồng như đứa con trai dễ gây cho chồng cảm giác tự ti
rằng mình mất hết nam tính lẫn cương vị trụ cột gia đình. Ức chế tâm lý này sẽ
phá vỡ tình yêu mặc dù được chăm sóc rất kỹ. Cho nên trong thương yêu chăm sóc
cũng cần có khoảng cách nhất định của đời sống riêng tư thuận theo luật pháp,
đạo đức mà vẫn giữ được bản chất riêng. Còn nếu cả hai vợ chồng hòa với nhau
làm một như lý thuyết thì điều kiện kéo dài tình yêu hạnh phúc đó không được
bao lâu.
Tôn
trọng sự riêng tư
Không nên can thiệp một cách thô
bạo vào những công việc riêng mà nó không dính líu gì đến sự không chung thủy
của cả hai. Nhờ có những không gian riêng nên mỗi lần gặp nhau, năng lượng thu
hút giới tính làm giảm bớt tâm lý nhàm chán. Mối quan hệ về tâm lý luôn diễn ra
theo thế: Cái gì thường xuyên quá sẽ trở nên nhàm chán. Tâm lý học phương Tây
khuyên các đôi vợ chồng nên ngủ riêng sau những giờ phút bên nhau cả ngày để
cảm giác gần nhau luôn là mới. Dĩ nhiên tâm lý học phương Tây khai thác yếu tố
tham ái và tâm lý dính mắc của đời sống vợ chồng để duy trì và bảo hộ nó. Kết
quả cho thấy không phải bất cứ đôi vợ chồng nào thực tập theo kỹ năng tâm lý
vừa nêu cũng thành công, bởi vì tùy tình huống không ngủ chung dẫn đến sự đổ
vỡ. Cho nên áp dụng kỹ năng tâm lý học phương Tây cũng cần hết sức thận trọng.
Khai thác yếu tố dính mắc của tham ái để tăng trưởng hạnh phúc lứa đôi đôi khi
gặp phản ứng tác dụng phụ.
Trong khi đó, đức Phật khuyên
chúng ta thỉnh thoảng tách ly tham ái trong đời sống vợ chồng. Vào những ngày
lễ vía, ngày văn hóa Phật giáo, vợ chồng nên phát nguyện giữ bát quan trai, trở
thành người tu trong hai mươi bốn giờ đồng hồ. Sau đó, năng lượng về tình yêu,
thông cảm, nhận thức, nâng đỡ nhau sẽ được vượt trội. Đây là yếu tố làm cho cả
hai không quá đặt nặng khoái lạc giác quan để bị đắm chìm trên cơ sở so sánh
đối chiếu vợ hoặc chồng mình với người khác hấp dẫn hơn.
Như vậy, kỹ năng giao tiếp vợ
chồng đóng vai trò quan trọng như yếu tố dẫn khởi, nhưng không phải ai cũng
thành công. Nếu một trong hai người không nỗ lực thay đổi cá tính trên nền tảng
tương nhượng thì mâu thuẫn và xung đột ngày càng phát triển. Cho nên đạo Phật
khuyên dạy chúng ta giải quyết căng thẳng trong xung đột do cá tính khác biệt
là nguyên nhân chủ yếu.
Một đôi vợ chồng nọ chênh nhau
mười hai tuổi. Họ gặp nhau tình cờ qua mai mối. Tình yêu sét đánh làm cho hai
bên quyết định tiến tới hôn nhân mà không cần thời gian tìm hiểu cặn kẽ về
nhau. Họ tổ chức kết hôn sau một tháng quen biết. Khi sống chung, cá tính bộc
lộ khác biệt trời và vực. Người vợ chăm chỉ, tươm tất, đứng đắn. Còn ông chồng cẩu
thả, vô tâm, vô lo. Sau thời gian chung sống, cuộc hôn nhân rơi vào khủng
hoảng. Bên cạnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra ảnh hưởng đến Việt
Nam làm cho người chồng rơi vào cảnh thất nghiệp. Nỗi buồn cô đơn vì bất đồng
cá tính và sự thất nghiệp dẫn lối người chồng đến với rượu để giải sầu. Mỗi đêm
khi chồng trở về nhà, người vợ lại biểu lộ thái độ căm giận chồng vô trách
nhiệm. Đôi lúc chồng ngủ say trong men rượu, người vợ đạp và đánh vào đầu cùng
với những lời mắng nhiếc nặng nhẹ khác nhau. Cuối cùng, hai bên rơi vào tình
trạng bạo lực gia đình. Nhưng sau mỗi lần bạo lực gia đình, họ lại thương yêu
nhau đắm đuối.
Chúng ta thấy, giữa hai người
quá khác biệt cá tính cũng dẫn đến sự xung đột. Nếu không giải quyết nhanh thì
trạng thái trầm cảm, lãnh cảm bắt đầu phát sinh, tệ hại hơn là bạo lực gia
đình. Do đó một trong hai người hoặc cả hai cần nỗ lực tích cực hơn. Quan niệm
mình như vị bồ tát sinh ra trên cõi đời để làm những việc khó làm. Còn nếu nghĩ
rằng mình là phận nữ cần được quan tâm chăm sóc, hoặc nếu là người chồng nghĩ
rằng mình không có lỗi nên không cần phải xuống nước, thì sự khủng hoảng vì hai
cái tôi va chạm nhau ở mức độ khá cao, dẫn đến không khí ngột ngạt trong đời
sống vợ chồng. Đối với tình huống hành xử giữa hai bên tạo cảm giác không an và
bất hạnh thì người còn lại phải nhận diện rằng đây là một khuyết điểm hay khác
biệt cá tính. Từ đó bản thân thay đổi thái độ để thích ứng với cá tính của bạn
đời, nếu cá tính này không làm thương tổn đến tình yêu ở mức độ rộng và sâu.
Chấp nhận một cách tương đối như thế, chúng ta dễ dàng giữ và nuôi lớn được
hạnh phúc. Còn lý tưởng hoá, tuyệt đối hoá, hay thần tượng hoá nhiều chừng nào
thì sự tuyệt vọng tương đương chừng đó. Cũng không nên trách móc mà tạo cơ hội
cho bạn đời sửa chữa khuyết điểm.
Là Phật tử, chúng ta nhận thức
rõ sai lầm thuộc về bản chất của người phàm kẻ tục. Do đó, lúc nào tính cách
của người phàm kẻ tục vẫn còn hiện hữu thì sự sai lầm vẫn diễn ra. Chúng ta có
thể lấy mình làm thước đo rằng, có những lúc bản thân chúng ta cũng rơi vào
những sai lầm, có thể nhẹ hơn, vi tế hơn nhưng chưa hẳn chúng ta là con người
toàn diện. Ý thức tính tương đối của bản thân, chúng ta dễ dàng thông cảm cho
những bất toàn hay khiếm khuyết của tha nhân, để không cường điệu và nhân rộng
sự khác biệt giữa hai bên, từ đó dễ dàng hàn gắn hoặc song hành trong một sự
tương đối nhằm thiết lập hạnh phúc.
Một vài tình huống căng thẳng
xảy ra giữa hai vợ chồng trên quy luật vô thường. Chẳng hạn, một trong hai
người mới mua vật nào đó rất đắt giá. Ấy thế mà người kia vì bất cẩn làm rơi
vỡ. Người trân quý sở hữu vật chất này vì tiếc rẻ, bực tức và đau khổ có thể
trút đổ cơn giận lên người thương của mình. Đối với tình huống này, chúng ta có
thể thực tập quan niệm vô ngã sở hữu rằng mình chưa từng có vật sở hữu đó để dễ
dàng tha thứ cho sự bất cẩn, thậm chí là cố ý của người thân, và để sự bất đồng
nho nhỏ vì vô thường không làm sứt mẻ tình yêu ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Hoặc những tình huống khác,
chẳng hạn một trong hai người sơ ý làm mất tài sản chung được dành dụm bằng mồ
hôi nước mắt. Ai quá quan trọng yếu tố tài chính trong đời sống hạnh phúc gia
đình sẽ bắt đầu đay nghiến khó chịu. Mâu thuẫn nho nhỏ như thế có thể dẫn đến
tình trạng bi đát. Lúc đó chúng ta nên thực tập phương pháp quán vô ngã sở hữu
bằng cách nghĩ rằng “của đi thay người”.
Tự an ủi bằng câu dân gian như thế mặc dù nó không phản ánh đúng bản chất nhân
quả nhưng ít ra nó có năng lực giải phóng sự sân hận bực tức do chúng ta quá
chú trọng đời sống vật chất.
Mở
rộng tấm lòng
Kỷ năng này yêu cầu ta lấy tấm
lòng rộng lượng làm thước đo. Trước nhất, đo hành vi của bản thân, sau đó đo
lường người thương, nhưng không phải để xét nét, bắt bẻ, trách móc mà để có cơ
sở cảm thông cá tính của người đó. Quan niệm này giúp chúng ta thực tập và ngày
càng lớn mạnh lòng hỷ xả, khoan dung. Đừng tạo cho bản thân thói quen quan sát
bạn đời bằng kính lúp. Để ý để tứ quá nhiều làm cho người kia cảm giác mình bị
xoi mói, mất tự do cá nhân. Mặc dù được nhân danh tình yêu hay bằng sự chăm sóc
thì cảm giác khốn đốn, không thoải mái sẽ làm cho người thương nảy sinh tâm lý
bất cần, như vậy, sự quan tâm của chúng ta gặp phản ứng phụ ảnh hưởng tiêu cực
đến tuổi thọ mối quan hệ nói chung. Cho nên, chúng ta cần có thái độ rộng
lượng, đừng quá để ý. Đôi lúc tự xem mình như người mù, người điếc để không bị
vướng vào mắt, chướng vào tai, từ đó thái độ hỷ xả bao dung sẽ làm cho tình yêu
được phát triển một cách tích cực và tự nhiên.
Trong một số tình huống, sự so
bì tính toán trở thành chướng ngại lực cho sự phát triển tình yêu. Đặt nặng cái
tôi chính là nguyên nhân của thái độ so bì tính toán. Người đó có thể nghĩ rằng
tình yêu dành cho mình phải là sự chăm sóc, đem đến điều kiện hưởng thụ vật
chất tối đa. Việc tính từng cân, từng lạng sẽ làm cho cả hai bên không còn
thương yêu nhau như thưở ban đầu.
Một anh thanh niên Việt kiều kết
hôn với vợ nông thôn Việt Nam. Sau thời gian ngắn quen biết và nhiều hứa hẹn
trợ cấp đời sống kinh tế từ anh thanh niên, hôn lễ diễn ra và họ định cư ở nước
ngoài. Một năm chung sống, người vợ bị sụp đổ thần tượng hoàn toàn khi biết
chồng mình là một người thất nghiệp. Thời gian về Việt Nam, anh chồng đã sẵn
sàng bỏ ra một số tiền trợ cấp gia đình cô nhằm gây ấn tượng rằng anh là người
giàu có và hào hiệp. Không ngờ qua sống chung với nhau, mơ ước về một nơi nương
tựa vững chắc đã bị sụp đổ hoàn toàn.
Một khi tình yêu xuất phát từ
khuynh hướng cung cấp cho những nhu cầu kinh tế, thì tình yêu đó sẽ cất cánh
bay cao khi tài sản vật chất không còn. Cho nên sẽ là một sai lầm nếu chúng ta
quá quan trọng vấn đề kinh tế trong tình yêu, vì tình không thể được mua bằng
tiền. Tiền có thể mua các dịch vụ chăm sóc ở karaoke, quán bia ôm, hay lầu xanh
nhưng không thể mua được trái tim yêu thương chân thành của người còn lại. Đến
với nhau bằng bán tình hay mua tình thì sự đổ vỡ của nó là một thách đố hết sức
nặng nề mà chúng ta không thể không quan tâm. Để thực tập hạnh hỷ xả khoan dung
nếu một trong hai người có cá tính mà mức chu toàn về phương diện nhân phẩm
thấp hơn người còn lại, thì chúng ta phải làm quen và thích ứng, để tạo ra tiến
trình sống hoà bình. Chúng ta có thể cười xòa, không quan trọng hoá. Cần biết
rõ, mỗi người đều có giới hạn về biệt nghiệp và bị ảnh hưởng cộng nghiệp của
gia đình trong môi trường giáo dục, phong tục tập quán, tôn giáo suốt mấy chục
năm qua. Bản thân chúng ta cũng có những giới hạn tương tự, thì việc yêu cầu
người kia là một bản hoàn thiện về phương diện nào đó là một sai lầm. Hãy quan
niệm về duyên khởi, tức là tương đối hóa sự tuyệt đối trong cuộc đời thì chúng
ta sẽ không còn có những mong chờ hy vọng quá lớn, để khi chung sống không bị
thất vọng quá nhiều.
Sống như vậy không có nghĩa là
tiêu cực, an phận thủ thường, chấp nhận vận mệnh, mà là tạo cơ hội và phương
tiện để giải phóng những ức chế và nỗi đau phát sinh từ cảm xúc tâm lý. Thay
vào đó, chúng ta tìm những nguyên nhân, thay vì trách móc, chúng ta tìm những
cơ sở để cảm thông và xác định rõ rằng việc cảm thông này tạo ra tính an ủi
giúp người kia trở về bằng những nỗ lực động viên có phương pháp. Làm được như
thế là chúng ta đang ứng xử như người thực tập bồ tát hạnh. Chăm sóc người vợ
hay người chồng để họ ngày càng tốt đẹp hơn, đó là hành động đem lại hạnh phúc
không phải chỉ cho cả hai mà cho cả con cháu.
Biết
họ hàng hai bên
Mâu thuẫn va chạm trong gia đình
không chỉ diễn ra giữa vợ và chồng mà đôi khi diễn ra giữa mẹ chồng nàng dâu
hoặc mẹ vợ con rể. Người nữ thường có quan niệm khi đã kết hôn, hầu như tất cả
tình thương, tình thân ruột thịt bên mình không còn mặn nồng mà đổ dồn cho
chồng và những đứa con. Còn người chồng lại có khuynh hướng tâm lý không đổ dồn
tất cả tình cảm cho vợ con bởi vì bên cạnh vợ con, anh ta còn có nhu cầu xã
hội, tình bạn, công việc, danh vọng, chức tước... Hệ quy chiếu của tình yêu
giữa nam và nữ khác biệt khá lớn. Nếu ứng xử thiếu khôn ngoan trong tình huống
này sẽ dẫn đến mâu thuẫn nghiêm trọng.
Cũng có nhiều người vợ đặt nặng
mối quan hệ tình thân phía mình, yêu cầu người chồng phải chu cấp và hỗ trợ
kinh tế. Sau một thời gian trợ cấp, người chồng cảm giác nặng gánh trên vai.
Cái mâu thuẫn nho nhỏ trong tình cảm dưới sức ép kinh tế và tài chính sẽ tạo ra
bức xúc tâm lý rất lớn. Do vậy cả hai cần ý thức có một biên giới để tương
nhượng lẫn nhau ở một mức độ phạm vi mà cả hai cần phải tôn trọng. Có nghĩa, đã
là vợ chồng thì phải hiếu kính với cha mẹ ruột của hai bên, chứ không thể chỉ
hiếu kính cha mẹ của riêng mình. Xử sự không khéo, gây mâu thuẫn với gia đình
ruột thịt phía người bạn đời, vô tình sẽ đẩy người bạn đời của mình rơi vào
tình thế khó xử khi phải chọn lựa giữa tình yêu và chữ hiếu. Ý thức được điều
đó, chúng ta nên có một giới hạn nhất định.
Một đôi vợ chồng nọ, trước khi
đến với nhau, cô vợ đã trải qua một đời chồng Đài Loan nhưng không có con vì
người chồng lớn tuổi. Ông chồng Đài Loan thương yêu và chu cấp cho cô rất nhiều
tiền vốn, mở cơ sở kinh doanh, mua nhà riêng cho cô. Sau khoảng ba năm, khi cô
vợ đứng vững trên thương trường bắt đầu có cảm giác rằng mối tình mà mình đặt
trọn trái tim không phải là tình yêu thật sự mà đó chỉ là mối tình kinh tế hóa.
Ngoài ra, người chồng Đài Loan
cũng đã có vợ con ở nước sở tại. Mỗi năm, ông sang Việt Nam một vài tháng, cô
vợ Việt Nam phải sống cô đơn bóng chiếc trong mười tháng còn lại. Cuộc sống cô
đơn phát sinh nhu cầu có người bên cạnh. Không ngờ, anh chàng mà cô để lòng
thương yêu lại là kẻ thất nghiệp. Vì năng lực và sức chịu đựng nghịch cảnh ở
người chồng quá kém, nên bao năm chung sống mà người chồng vẫn thất nghiệp.
Sau đó cha mẹ chồng lại bệnh,
người vợ lại rước cha mẹ chồng về ở chung với mình và mẹ ruột của mình. Người
mẹ ruột cô lúc nào cũng quan niệm gia đình con rể như là những bệnh nhân. Sự có
mặt của họ làm cho bà cảm giác rằng ngôi nhà của con gái bà là bệnh viện. Bà
cảm thấy ngột ngạt, khó chịu, gây ảnh hưởng và sức ép tâm lý lớn đối với đứa
con ruột của mình. Người vợ vì thương chồng nên thương luôn cả cha mẹ chồng
nhưng tình thương hiếu kính với mẹ ruột cũng không thể để mất. Cho nên, mâu
thuẫn đó tạo sự giằng xé trong tâm.
Trong những tình huống vừa nêu,
người ứng xử cần hết sức khéo léo, nhập gia tùy tục. Tùy tục là thuận theo nền
văn hoá và thói quen người bạn đời, nhưng cũng không vì thế mà làm mất đi văn
hoá của gia tộc mà mình đã được sinh ra và lớn lên. Thay đổi thái độ, bớt đi
quan niệm cái tôi quá lớn để làm hòa giữa hai bên. Đừng nảy sinh ý tưởng thay
đổi gia đình bên vợ hoặc bên chồng, mà thay vào đó, chúng ta hãy thay đổi quan
điểm và cách sống của mình để thích ứng. Cũng đừng quá xét nét sẽ làm người
thân cảm thấy ngột ngạt. Nước trong veo thường không có cá, người xét nét nhiều
sẽ không thể nào có tình thân huống hồ tình thương. Ứng xử cần phải tế nhị. Nếu
không đủ điều kiện cho vợ chồng độc lập ở riêng, thì sự sống chung buộc chúng
ta phải thay đổi quan điểm và thái độ. Bằng không, cứ mỗi ngày trôi qua, sức ép
tâm lý ngày càng gia tăng.
Một đôi vợ chồng trẻ khác đến
với nhau bằng tình yêu thật sự nhưng cha mẹ chồng không thừa nhận nàng dâu.
Người con trai không muốn mất tình yêu cũng không muốn mất tình cảm cha mẹ ruột
nên đã lặng lẽ đính hôn. Sức ép trong đời sống gia đình ngày càng gia tăng bởi
vì trước kia anh con trai đưa về năm mươi phần trăm tiền lương cho cha mẹ ruột,
nhưng bây giờ anh chỉ chu cấp ba mươi phần trăm. Cha mẹ anh tra hỏi nhiều cách
nhưng anh vẫn cố giấu việc mình đã lấy vợ ở riêng. Anh luôn viện lý do đi công
tác xa để ở cùng với vợ. Dần dà, cha mẹ phát hiện đứa con trai của mình đã đính
hôn với người mà mình không chấp nhận. Tâm lý tức giận khiến cha mẹ anh ra
phường xã yêu cầu làm thủ tục từ con.
Tình huống này tuy hiếm gặp,
nhưng chúng ta thấy nỗi khổ niềm đau của người con trai này rất khó giải quyết.
Chúng tôi đã khuyên anh giữ bản lĩnh và sức chịu đựng để cha mẹ mình dần dà
chấp nhận con dâu. Bởi vì ít ra vợ anh cũng không phải là kẻ không chu toàn về
đời sống đạo đức mà chỉ vì một thành kiến hay ác cảm giữa mẹ chồng nàng dâu
trong lần gặp gỡ đầu tiên.
Nếu bậc cha mẹ ứng xử bằng lăng
kính quá khứ thì đôi khi có thói quen lấy bản thân mình và đời sống hạnh phúc
hôn nhân của mình làm hệ quy chiếu, áp đặt con dâu phải là một bản sao của
chính mình trong quá khứ. Càng muốn con trai mình hạnh phúc nhiều chừng nào thì
yêu cầu và tiêu chí đặt cho người dâu càng tăng tỷ lệ thuận theo chừng đó. Làm
như thế là gây sức ép lớn cho con trai mình. Bậc cha mẹ cần nhận diện rõ cuộc
sống chung lâu dài chỉ diễn ra với vợ chồng của con cái mà không ảnh hưởng gì đến
mình. Nếu vì thương yêu quá mức mà không tạo điều kiện tự lập cho con cái, vô
hình chung chúng ta cứ tưởng mang đến niềm vui nhưng kỳ thực lại gây không khí
ngột ngạt cho hạnh phúc tình yêu của chúng.
Thái độ tôn trọng, tấm lòng chân
thành của người con để có được trái tim cởi mở, nhận thức thoáng rộng từ gia
đình ruột và họ hàng phía người bạn đời sẽ làm giảm tình trạng xung đột, hoặc
đổ vỡ ở mức độ nghiêm trọng. Sự xung đột đó có thể được khoanh vùng ở mức độ
tương đối.
Kỹ năng này là nghệ thuật xử lý
trong tình huống không còn sự lựa chọn nào khác là phải sống chung với gia đình
nhà chồng hay nhà vợ. Đôi lúc chúng ta cũng không nên quan trọng hóa những chỉ
trích, ứng xử thậm chí sỉ vả, mắng nhiếc, chửi bới; ức chế tâm lý đó mới được
vượt qua, vì tình thương yêu giữa vợ và chồng mới chính là yếu tố quan trọng.
Chúng ta ở đời với vợ hoặc chồng chứ không phải cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ. Mâu
thuẫn đó chỉ mang tính tương đối về thời gian từ vài năm cho đến vài chục năm
khi cha mẹ còn sống. Ứng xử như thế chúng ta không những không gây sức ép mà
còn có thể khéo léo khôn ngoan tìm cách giải quyết các vấn nạn phát sinh trong
quan hệ tình yêu giữa vợ và chồng.
Tóm lại, bốn kỹ năng trên có giá
trị hỗ trợ trị liệu tâm lý và xử lý tình huống một cách có nghệ thuật. Bài kinh
109, thuộc Kinh Trung Bộ, cũng nêu ra khái niệm “tiệp tuệ” và “lợi tuệ” rất cần
thiết để áp dụng. “Tiệp tuệ”
và “lợi tuệ” là hai năng lực
xử trí thích hợp với tình huống sáng suốt trong ứng xử, nhạy bén trong cách
thức giải quyết vấn đề để những điều diễn ra ngoài ý muốn không làm cho nỗi khổ
niềm đau trỗi dậy. Người có khả năng tiệp tuệ sẽ rất khôn ngoan biến nghịch
cảnh trở thành thuận duyên, xem tất cả những trở ngại như lửa thử vàng, tâm
tính trưởng thành ngày nhiều hơn. Không có năng lực tiệp tuệ thì trong nghịch
cảnh, chúng ta dễ than trời trách đất, đổ lỗi cho số phận, cường điệu hóa khổ
đau.
Trong khi đó lợi tuệ là phản ứng
nhanh chóng không hề kéo theo bất kỳ phản ứng tác dụng phụ nào giữa ta và những
người đối tác trực tiếp. Ứng xử khôn ngoan giúp tạo sợi dây hòa thuận giữa bên
vợ hoặc bên chồng, đó là yếu tố trong nền văn hóa phương Đông đặc biệt là Việt
nam khó có thể tránh khỏi. Xã hội phương Tây khi đến tuổi thành niên, người ta
đã có cơ hội sống biệt lập, cho nên sự giao lưu tiếp xúc bên vợ hoặc bên chồng
chỉ dừng lại ở nghĩa cử giao tế vào những ngày sinh nhật hoặc lễ tết. Do đó mâu
thuẫn này không phải là một thách đố lớn. Chúng ta thích ứng bằng cách làm quen
và không để ý tới những gì tạo nỗi khổ niềm đau cho cả hai. Được như thế thì
giá trị hạnh phúc gia đình sẽ đảm bảo và kéo dài ở mức độ tương đối. Bằng
không, tình yêu đó sẽ chóng phai nhòa và bản chất của hạnh phúc qua đó cũng bị
mất ý nghĩa.
Muốn có hạnh phúc lâu dài, chúng
ta phải sống có nghệ thuật. Không phải chỉ có tình yêu giữa hai trái tim là đủ,
không phải đời sống vật chất sung túc là có thể kéo dài được hạnh phúc trong
hôn nhân. Không phải chỉ quan hệ giao tế với nhau là có thể trưởng thành được
hạnh phúc. Mà chúng ta cần trang bị những kỹ năng giao lưu, thể hiện, giải quyết
để duy trì nó đẹp như thời gian ban đầu đến với nhau.