PHẨM 9 – VIÊN MÃN THÀNH TỰU
Ngài A
Nan thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Pháp Tạng Bồ tát đã thành Phật và nhập diệt rồi
hay hiện nay vẫn còn, hay là Ngài chưa thành Phật?”
Đức Phật
phán: “Này A Nan! Pháp Tạng Bồ tát đã thành Phật, nay hiện ở tại Tây phương
cách đây mười muôn ức cõi, hiệu là Vô Lượng Thọ, Thế giới của Ngài tên là An
Lạc.”
Ngài A
Nan lại thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Đức Phật ấy thành đạo đến nay đã được bao
lâu?”
Đức Phật
phán: “Này A Nan! Ngài thành Phật đến nay được mười kiếp.
PHẨM 10 – CÕI NƯỚC NGHIÊM TỊNH
Cõi nước
của đức Phật ấy, tự nhiên thất bảo: Vàng, bạc, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ,
mã não hiệp làm thành đất rộng lớn vô hạn. Bảy báu ấy xen lẫn nhau chói sáng
đẹp lạ trang nghiêm thanh tịnh hơn cả những tinh túy châu bảo của tất cả thế
giới. Thất bảo ấy như thất bảo của cung trời thứ sáu.
Lại quốc
độ ấy không có núi Tu Di, núi Kim Cương, núi Thiết Vi, tất cả các núi, cũng
không có biển lớn, biển nhỏ, sông ngòi hang giếng. Do thần lực của Phật, ai
muốn thấy thì được thấy, quốc độ ấy cũng không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh,
không có bốn mùa xuân hạ thu đông. Chẳng lạnh chẳng nóng, thường ôn hòa điều
thích.”
Ngài A
Nan thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu quốc độ ấy không có núi Tu Di, thì Trời Tứ
Thiên Vương và Trời Đao lợi ở nơi đâu?”
Đức Phật
phán: “Này A Nan! Trời Dạ ma thứ ba lên đến Trời Sắc Cứu Cánh đều nương ở đâu?”
Ngài A Nan thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Hành nghiệp và quả báo chẳng thể nghĩ bàn.”
Đức Phật
phán: “Này A Nan! Hành nghiệp và quả báo chẳng thể nghĩ bàn, thế giới của chư
Phật chẳng thể nghĩ bàn. Sức lành công đức của chúng sanh ấy ở đất hành nghiệp
nên được như vậy.”
Ngài A
Nan thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Tôi vốn chẳng nghi pháp ấy, chỉ vì chúng sanh đời
sau, muốn trừ lòng nghi ngờ của họ nên tôi hỏi đức Phật về nghĩa ấy.”
PHẨM 11 – QUANG MINH BIẾN CHIẾU
Đức Phật
phán: “Này A Nan! Đức Phật Vô Lượng Thọ oai thần quang minh tối tôn đệ nhất,
quang minh của chư Phật chẳng bằng. Quang minh của Ngài hoặc chiếu trăm thế
giới, ngàn thế giới, nhẫn chiếu đến chiếu suốt hằng sa thế giới chư Phật ở
phương Đông, chín phương kia cũng vậy. Còn chư Phật khác, hoặc có Phật quang
chiếu bảy thước, hoặc chiếu một do tuần, hai ba bốn năm do tuần, gấp bội như vậy
cho đến hoặc có Phật quang chiếu một cõi nước Phật.
Vì thế nên đức Phật Vô Lượng Thọ hiệu là Vô Lượng Quang Phật, Vô Biên Quang
Phật, Vô Ngại Quang Phật, Vô Đối Quang Phật, Viêm Vương Quang Phật, Thanh Tịnh
Quang Phật, Hoan Hỉ Quang Phật, Trí Huệ Quang Phật, Bất Đoạn Quang Phật, Nan Tư
Quang Phật, Vô Xưng Quang Phật, và Siêu Nhựt Nguyệt Quang Phật.
Có chúng
sanh nào gặp được quang minh ấy thì tiêu trừ tham sân si, thân ý nhu nhuyến,
hớn hở vui mừng tâm lành phát sanh. Nếu là kẻ ở tam đồ chỗ rất khổ thấy được
quang minh ấy thì khổ sở thôi dứt không còn, sau khi mạng chung đều được thoát
khỏi. Quang minh của đức Phật Vô Lượng Thọ sáng rỡ chiếu đến quốc độ của chư
Phật mười phương, không cõi nước nào chẳng chiếu thấu.
Chẳng
riêng gì ta hôm nay khen quang minh của Ngài, mà tất cả chư Phật, chúng Bồ tát,
Thanh văn và Duyên giác đều cũng ca ngợi như vậy.
Nếu có
chúng sanh nào nghe oai thần công đức của quang minh Phật Vô Lượng Thọ rồi ngày
đêm khen nói chí tâm chẳng ngớt, thì tùy ý họ muốn được sanh về quốc độ của đức
Phật ấy, được chúng Bồ tát, Thanh văn đồng khen ngợi công đức của họ, đến lúc
tối hậu, khi họ thành Phật, được khắp mười phương chư Phật, Bồ tát khen quang
minh của họ cũng như vậy.”
Đức Phật
phán tiếp: “Ta nói oai thần quang minh vòi vọi kỳ diệu của đức Phật Vô Lượng
Thọ cả ngày đêm suốt một kiếp cũng chưa hết được.
PHẨM 12 – THỌ MẠNG VÔ LƯỢNG
Lại này
A Nan! Đức Phật Vô Lượng Thọ thọ mạng dài lâu chẳng nói kể được. Ông biết
không, giả sử vô lượng chúng sanh ở trong thế giới mười phương đều được thân người
và đều làm cho thành tựu bực Thanh văn, Duyên giác đồng hội họp thiền định nhứt
tâm hết sức trí huệ của họ trải năm ngàn muôn kiếp cùng suy tính số năm kiếp
thọ mạng dài lâu của đức Phật ấy cũng chẳng biết cùng tận được.
Chúng Bồ
tát, Thanh văn và hàng thiên nhơn ở quốc độ An Lạc ấy thọ mạng dài lâu cũng như
vậy, chẳng phải tính đếm hay dùng thí dụ mà biết được.
PHẨM 13 – HẢI CHÚNG VÔ LƯỢNG
Chúng
Thanh văn và Bồ tát ở cõi ấy, số đông vô lượng chẳng thể kể nói được. Chúng
Thánh ấy có trí huệ thông đạt oai lực tự tại, có thể trong bàn tay cầm lấy tất
cả thế giới.
Này A
Nan! Pháp hội ban sơ của đức Vô Lượng Thọ Phật, chúng Thanh văn số đông chẳng
nói kể được, chúng Bồ tát cũng vậy.
Như ông
Đại Mục Kiền Liên, trăm ngàn muôn ức vô lượng vô số người, trong thời gian vô
số na do tha kiếp mãi đến diệt độ, cùng nhau đồng tính kể, vẫn chẳng thể biết
rõ số ấy nhiều ít.
Ví như
biển lớn sâu rộng vô lượng, giả sử có người chia một sợi lông ra làm trăm phần,
lấy một phần lông ấy chấm lấy một giọt nước.
Này A
Nan! Ý ông nghĩ sao? Giọt nước được chấm lấy ấy sánh với biển lớn kia thì thế
nào?”
- Bạch đức Thế Tôn! Giọt nước được chấm lấy
ấy đem sánh nhiều ít với dung lượng của biển lớn kia, thì chẳng phải tính đếm
ngôn từ hay thí dụ mà biết được.
- Này A Nan!
Như số người Đại Mục Kiền Liên, trong trăm ngàn muôn ức na do tha kiếp tính đếm
chúng Bồ tát và Thanh văn ở pháp hội ban sơ kia, số được biết như giọt nước,
còn số chẳng biết như nước biển lớn.
PHẨM 14 – BẢO THỤ
Lại này
A Nan! Trong cõi nước An Lạc, những cây bảy báu đầy khắp cả nước: những cây
vàng, cây bạc, cây lưu ly, cây pha lê, cây san hô, cây mã não, cây xa cừ. Hoặc
có những cây hai thứ báu, ba thứ báu, nhẫn đến bảy thứ báu hiệp chung làm
thành.
Hoặc có
cây vàng, lá bông và trái bạc. Hoặc có cây bạc, lá bông và trái vàng. Hoặc có
cây lưu ly, lá bông và trái pha lê. Hoặc có cây thủy tinh, lá bông và trái lưu
ly. Hoặc có cây san hô, lá bông và trái mã não. Hoặc có cây mã não, lá bông và
trái lưu ly. Hoặc có cây xa cừ, lá bông và trái bằng các báu khác. Hoặc có cây
báu: gốc tử kim, thân bạch ngân, nhánh lưu ly, cành thủy tinh, lá san hô, bông
mã não, trái xa cừ. Hoặc có cây báu: gốc bạch ngân, thân lưu ly, nhánh thủy
tinh, cành san hô, lá mã não, bông xa cừ, trái tử kim. Hoặc có cây báu: gốc lưu
ly, thân thủy tinh, nhánh san hô, cành mã não, lá xa cừ, bông tử kim, trái bạch
ngân. Hoặc có cây báu: gốc thủy tinh, thân san hô, nhánh mã não, cành xa cừ, lá
tử kim, bông bạch ngân, trái lưu ly. Hoặc có cây báu: gốc san hô, thân mã não,
nhánh xa cừ, cành tử kim, lá bạch ngân, bông lưu ly, trái thủy tinh. Hoặc có
cây báu: gốc mã não, thân xa cừ, nhánh tử kim, cành bạch ngân, lá lưu ly, bông
thủy tinh, trái san hô. Hoặc có cây báu: gốc xa cừ, thân tử kim, nhánh bạch
ngân, cành lưu ly, lá thủy tinh, bông san hô, trái mã não. Những cây báu ấy,
hàng hàng gặp nhau, thân thân trông nhau, nhánh nhánh chuẩn nhau, lá lá hướng
nhau, bông bông thuận nhau, trái trái tương đương, màu sắc xinh đẹp chói sáng
chẳng thể nhìn thấy xiết hết được. Gió mát luôn thổi đến phát ra năm âm thanh
cung thương vi diệu tự nhiên hòa nhau.
PHẨM 15 – BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG
Lại còn
cây đạo tràng của đức Vô Lượng Thọ Phật cao bốn trăm vạn dặm. Gốc cây đạo tràng
ấy chu vi năm ngàn do tuần, nhánh lá rợp bốn phía hai mươi vạn dặm. Cây ấy do
tất cả những thứ báu tự nhiên hiệp thành, trang nghiêm với vua châu báu, nguyệt
quang ma ni trì hải luân bảo.
Quanh khắp trong các cành cây, thòng rũ những chuỗi ngọc trăm ngàn muôn màu
biến dị nhiều cách, vô lượng quang minh chiếu sáng vô lượng. Lưới báu trân diệu
giăng che trên cây. Tất cả sự trang nghiêm theo đúng lúc mà hiện. Gió nhẹ hơi
động thổi qua các cây báu diễn xuất vô lượng âm thanh nói pháp vi diệu, âm
thanh ấy vang đến khắp quốc độ của chư Phật. Ai tai nghe âm thanh ấy thì được
thâm pháp nhẫn trụ bực bất thối chuyển đến thành Phật đạo, nhĩ căn trong suốt
chẳng bị bệnh khổ. Ai mắt thấy, mũi biết, lưỡi hay, thân chạm, tâm rõ âm thanh
quang minh ấy thì đều được thâm pháp nhẫn trụ bực bất thối chuyển đến thành
Phật đạo, sáu căn trong suốt không có những bệnh khổ.
Này A
Nan! Nếu hàng thiên nhơn ở nước An Lạc thấy cây đạo tràng ấy thì được ba pháp
nhẫn: một là âm hưởng nhẫn, hai là nhu thuận nhẫn, ba là vô sanh pháp nhẫn.
Những sự
ấy là đều do sức oai thần của đức Vô Lượng Thọ Phật, cũng là do sức bổn nguyện,
sức nguyện đầy đủ, sức nguyện sáng tỏ, sức nguyện kiên cố rốt ráo của đức Vô
Lượng Thọ Phật vậy.
Này A
Nan! Đế Vương trong đời có trăm ngàn âm nhạc, từ Chuyển Luân Thánh Vương nhẫn
đến cõi trời thứ sáu Đại Tự Tại Thiên, âm nhạc tuần tự hơn nhau ngàn ức muôn
lần.
Muôn thứ
âm nhạc trên Trời Đại Tự Tại chẳng bằng một thứ âm thanh nơi những cây bảy báu
ở nước An Lạc của đức Vô Lượng Thọ Phật, âm thanh này còn hơn ngàn ức lần.
Cõi nước
An Lạc cũng có muôn thứ tự nhiên âm nhạc. Tiếng nhạc ấy không tiếng nào chẳng
phải là tiếng pháp trong trẻo rõ ràng vi diệu hòa nhã, là đệ nhứt trong những
âm thanh ở các thế giới mười phương.
PHẨM 16 – AO TẮM CÔNG ĐỨC
Ở nước
An Lạc, những giảng đường, Tinh xá, cung điện, lâu đài đều toàn bảy báu trang
nghiêm tự nhiên hóa thành. Lại còn có chơn châu, minh nguyệt châu, châu ma ni,
và các châu báu làm thành dây hoa giăng che phía trên nhà.
Bốn phía
nhà có những ao tắm bằng bảy báu hoặc rộng mười do tuần hoặc rộng hai mươi, ba
mươi, nhẫn đến hoặc rộng trăm ngàn do tuần, ngang rộng sâu cạn đều riêng một
thứ. Trong ao, nước bát công đức lặng đầy trong thơm, mùi vị như cam lộ.
Ao hoàng kim thì đáy trải cát bạch ngân.
Ao bạch ngân thì đáy trải cát hoàng kim.
Ao thủy tinh thì đáy trải cát lưu ly.
Ao lưu ly thì đáy trải cát thủy tinh.
Ao san hô thì đáy trải cát hổ phách.
Ao hổ phách thì đáy trải cát san hô.
Ao xa cừ thì đáy trải cát mã não.
Ao mã não thì đáy trải cát xa cừ.
Ao bạch ngọc thì đáy trải cát tử kim.
Ao tử kim thì đáy trải cát bạch ngọc.
Hoặc có
ao hai báu, ba báu, nhẫn đến hoặc có ao bảy báu chuyển đổi hiệp thành.
Trên bờ
những ao tắm ấy, có cây chiên đàn hoa lá rũ rợp mùi thơm khắp nơi.
Những
hoa sen xanh, những hoa sen vàng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng cõi trời màu nào
ánh sáng màu ấy đẹp sáng che trên mặt nước.
Chúng Bồ
tát, Thanh văn và trời, người nước ấy lúc vào ao báu, nếu ý muốn nước ngập đến
bàn chân, thì nước ngập bàn chân, ý muốn nước ngập gối thì nước ngập gối, ý
muốn nước đến lưng thì nước đến lưng, ý muốn nước đến cổ thì nước đến cổ, ý
muốn nước xối trên thân thì nước liền tự nhiên xối trên thân, ý muốn nước trở
lại như cũ thì nước trở lại như cũ, điều hòa ấm mát tự nhiên theo đúng ý muốn
của người tắm. Tắm xong, thân thể thơ thới, tinh thần cởi mở, phiền não tiêu
trừ trong sạch sáng suốt nhẹ nhàng như là không có thân.
Các báu
ở đáy ao chói suốt sâu bao nhiêu cũng chiếu thấu lên trên.
Sóng gợi
lăn tăn an tường lan đi chẫm rãi không mau không chậm, tự nhiên vang lên vô
lượng âm thanh vi diệu, tùy theo người đáng nên nghe thế nào thì đều được nghe:
Hoặc
nghe tiếng niệm Phật, hoặc nghe tiếng diệu pháp, hoặc nghe tiếng ca ngợi Bồ tát
Tỳ kheo Tăng, hoặc nghe tiếng tịch tịnh, hoặc nghe tiếng không vô ngã, hoặc
nghe tiếng đại từ bi, hoặc nghe tiếng Ba la mật, tiếng thập lực, tiếng vô úy,
tiếng pháp bất cộng, tiếng thần thông, tiếng trí huệ, tiếng vô sở tác, tiếng
bất sanh bất diệt, tiếng vô sanh nhẫn, cho đến tiếng cam lộ quán đảnh, và những
tiếng diệu pháp khác.
Những âm
thanh như vậy đến xứng theo ý người nghe làm cho vui mừng vô lượng, thuận theo
nghĩa ly dục thanh tịnh chơn thiệt tịch diệt, thuận theo Tam bảo, lực, vô úy,
pháp bất cộng, thuận theo đạo sở hành của các bực Bồ tát, Thanh văn.
Nước An
Lạc ấy không có tên tam đồ khổ nạn, chỉ có âm thanh vui thích tự nhiên, vì thế
nên nước ấy được tên là An Lạc.
Này A
Nan! Nơi quốc độ An Lạc của đức Vô Lượng Thọ Phật, những người sanh về đó có đủ
sắc thân thanh tịnh, các âm thanh vi diệu, thần thông công đức như vậy. Cung
điện của họ ở, những thứ y phục, uống ăn, hoa hương và đồ trang nghiêm đều như
là những vật ở cung Trời Đại Tự Tại thứ sáu.
PHẨM 17 – THỌ DỤNG ĐẦY ĐỦ
Người
nước ấy muốn ăn, chén bát bảy báu tự nhiên hiện ra, những là chén bát bằng
vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, minh nguyệt, chơn châu đều
theo đúng ý muốn mà hiện đến, thức uống ăn trăm vị thơm ngon tự nhiên đầy trong
chén bát ấy.
Dầu có
những thức uống ăn như vậy mà không có ai ăn. Chỉ thấy sắc ngửi mùi ý cho là ăn
thì liền tự nhiên no đủ, thân tâm nhu nhuyến không hề tham luyến. Xong rồi tất
cả biến mất, đến giờ lại hiện ra.
PHẨM 18 – DUNG MẠO ĐOAN NGHIÊM
Này A
Nan! Cõi nước của đức Phật ấy thanh tịnh an ổn khoái lạc vi diệu kế đạo vô vi
Niết bàn.
Trời,
người, Thanh văn và Bồ tát ở nước ấy trí huệ cao minh, thần thông tự tại, đều
đồng một thân hình như nhau không có tướng khác lạ, chỉ vì thuận theo các nước
phương khác mà có tên là trời, người.
Dung mạo
của người nước ấy đoan chánh hơn hẳn thế gian, nhan sắc vi diệu chẳng phải
trời, chẳng phải người, đều bẩm thọ thân hình tự nhiên hư vô tột bực.
Này A
Nan! Như ở thế gian này, người ăn mày nghèo cùng tật nguyền đứng cạnh Đế Vương,
hình trạng dung mạo của họ có giống nhau không?
- Bạch
đức Thế Tôn: Người ăn mày ấy đứng bên Đế Vương thì xấu xí trăm ngàn muôn ức lần
không gì ví dụ được. Tại sao vậy? Vì người ăn mày nghèo cùng rất ty tiện, áo
chẳng được che thân, ăn chẳng no được bụng, đói lạnh khốn khổ mất cả sanh lý.
Đó là do đời trước họ chẳng trồng cội đức, giữ của chẳng bố thí, càng giàu càng
bỏn sẻn, chỉ muốn được không, tham cầu không chán, chẳng tin làm lành, phạm
nhiều sự ác chứa bằng núi. Sau khi chết, tài sản tiêu tán. Cả đời khổ thân chứa
nhóm rồi vì của mà rầu lo. Với mình vô ích, luống làm sở hữu cho kẻ khác. Không
điều lành để nhờ, không phước đức để nương. Vì thế nên sau khi chết đọa vào ác
đạo mãi mãi chịu khổ. Hết tội được sanh ra làm người hạ tiện ngu si xấu xí.
Còn Đế
Vương tôn quý trong loài người là do đời trước làm phước đức mà được: thương
người bố thí, nhơn ái giúp đỡ, chánh tín làm lành không gây tội làm hại. Vì thế
nên sau khi chết do phước đức mà họ được sanh lên trời hưởng nhiều vui sướng.
Nay họ sanh làm người ở ngôi vua chúa tôn quý, nghi dung đoan chánh được mọi
người kính trọng, mặc đẹp ăn ngon, tùy ý hưởng thọ. Vì phước đức mà được như
vậy.
- Này A Nan! Ông nói rất phải. Đế Vương ấy dầu tôn quý xinh đẹp
nhưng sánh với Chuyển Luân Thánh Vương thì lại xấu xí không khác gì người ăn
mày kia ở cạnh Đế Vương.
Chuyển
Luân Thánh Vương nghi dung rất đẹp đệ nhứt ở nhơn gian đem sánh với Đao lợi
Thiên Vương thì lại kém hơn trăm ngàn vạn ức lần.
Đem thân
Thiên Đế sánh với thân Đệ Lục Thiên Vương cũng lại thua cả vạn ức lần.
Đem thân
Đệ Lục Thiên Vương sánh với thân hình xinh đẹp của người nước An Lạc của đức Vô
Lượng Thọ Phật cũng lại không bằng, trăm ngàn muôn ức chẳng thể tính kể được.
Này A
Nan! Ở nước An Lạc, trời người có những y phục, uống ăn, hoa hương, chuỗi ngọc,
phan, lọng, âm thanh vi diệu, cung điện, nhà cửa, lâu đài đều cân xứng theo
thân hình cao thấp lớn nhỏ của họ. Hoặc một báu, hai báu, nhẫn đến vô lượng thứ
báu tùy theo ý họ muốn mà hiện đến.
PHẨM 19 – GIÓ ĐỨC MƯA HOA
Nước ấy
lại có gấm lụa vi diệu trải trên đất báu, trời người nước ấy đi trên đó.
Nước An
Lạc ấy được giăng che với vô lượng màn lưới báu bằng chỉ vàng xỏ chơn châu và
trăm ngàn thứ châu báu trân diệu đẹp lạ xen lẫn trang nghiêm. Bốn phía thòng rũ
những cái linh báu. Màu sắc, ánh sáng rất mực nghiêm lệ.
Gió công
đức tự nhiên thổi động nhẹ. Gió đó điều hòa, chẳng lạnh chẳng nóng, ấm mát dịu
dàng thổi đến màn lưới báu và những cây báu phát ra vô lượng pháp âm vi diệu,
thoảng phất muôn thứ hương thơm công đức ấm áp. Ai được nghe thì phiền não trần
lao tự nhiên chẳng phát khởi. Gió chạm đến thân thì đều được khoái lạc như Tỳ
kheo nhập diệt tận định.
Lại gió
thổi hoa rơi khắp mọi nơi trong nước ấy, theo màu hoa có thứ lớp chẳng tạp
loạn. Những hoa ấy mềm dịu chói sáng hơi thơm ngào ngạt. Chân đi dẫm lên hoa
lún xuống bốn tấc, vừa dở chân hoa trở lại như cũ. Việc dùng của hoa đã xong,
đất tự nứt ra, hoa theo đó ẩn mất sạch hết không còn sót. Tùy theo thời tiết,
gió thổi rải hoa rơi trải mặt đất báu ngày đêm sáu lần như vậy.