LƯỢC TỰ
(Nguyên văn chữ Hán của sa môn Thích Pháp Hải đời nhà Đường soạn)
Đại Sư tên Huệ Năng, cha họ Lư, tên húy là Hành Thao. Người mẹ họ
Lý, sanh ra Sư nhằm giờ Tý, ngày mùng tám, tháng hai, năm Mậu Tuất,
niên hiệu Trinh Quán thứ 12. Khi ấy, hào quang chiếu sáng lên không
trung, mùi hương lạ tỏa lan đầy nhà. Đến tảng sáng, có hai vị tăng lạ
mặt đến viếng, nói với người cha rằng: “Khuya nay ông vừa sanh quý tử,
chúng tôi đến đây là để đặt tên cho cháu bé. Ông nên đặt trước là chữ
Huệ (), sau là chữ Năng ().” Người cha hỏi: “Vì sao đặt tên là Huệ
Năng?” Hai vị tăng đáp: “Huệ, nghĩa là đem Pháp mà bố thí cho chúng
sanh; Năng, nghĩa là đủ sức làm nên Phật sự.”
Hai người nói rồi ra đi, chẳng biết đi đâu.
Sư không dùng sữa mẹ, đêm đêm có thần nhân nuôi bằng nước cam-lộ.
Khi lớn lên, tuổi vừa hai mươi bốn, Ngài nghe kinh Kim Cang mà ngộ đạo,
mới đến núi Hoàng Mai cầu đạo, được Ngũ Tổ nhận cho là được. Ngũ Tổ
trọng tài của Sư, trao y bát và truyền pháp, cho nối ngôi Tổ. Lúc ấy là
năm đầu niên hiệu Long Sóc.
Ngài về phương Nam ẩn náu trong 16 năm, mang hình tướng của người thế
tục. Qua năm đầu niên hiệu Nghi Phụng, nhằm ngày mùng tám tháng giêng,
Ngài gặp pháp sư Ấn Tông cùng luận bàn những ý nghĩa cao siêu huyền
diệu. Ấn Tông tỉnh ngộ, hợp với ý Ngài. Ngày rằm tháng ấy, pháp sư Ấn
Tông nhóm họp bốn chúng, làm lễ xuống tóc cho Ngài. Ngày mùng tám tháng
hai, Pháp sư lại nhóm họp các vị danh đức, làm lễ truyền giới cụ túc.
Các vị truyền giới có ngài Trí Quang Luật sư ở Tây Kinh (Trường An) làm
Thọ giới sư, ngài Huệ Tĩnh Luật sư ở Tô Châu làm Yết-ma, ngài Thông Ứng
Luật sư ở Kinh Châu làm Giáo Thọ, ngài Kỳ-đa-la Luật sư ở Trung Thiên
Trúc làm Thuyết Giới, ngài Mật-đa Tam Tạng ở nước Tây Trúc làm Chứng
Giới. Giới đàn này là do ngài Cầu-na Bạt-đà-la Tam Tạng hồi triều Lưu
Tống sáng lập, có dựng bia đề rằng: “Sau này sẽ có vị Bồ-tát hiện thân
người phàm mà thọ giới nơi đây”. Lại nữa, năm đầu niên hiệu Thiên Giám
nhà Lương, Trí Dược pháp sư từ nước Tây Trúc vượt biển sang đây, mang
theo một cây Bồ-đề bên xứ ấy mà trồng kế bên đàn này, cũng có nói rằng:
“Về sau, khoảng 170 năm nữa, sẽ có vị Bồ-tát hiện thân người phàm mà
khai diễn pháp Thượng thừa dưới cội cây này, độ cho vô số chúng sanh,
là vị Pháp chủ chân truyền tâm ấn của Phật vậy.”
Trong pháp hội này, Ngài chính thức cạo bỏ râu tóc, thọ giới tỳ-kheo, và
vì bốn chúng mà khai thị pháp Đại thừa Đốn giáo, mọi việc đều y như
những lời dự báo từ trước.
Mùa xuân năm sau, Ngài từ giã bốn chúng mà về chùa Bảo Lâm ở Tào Khê. Ấn
Tông pháp sư và cả hai giới tăng tục theo tiễn chân có tới trên ngàn
người, thẳng đến tận Tào Khê. Khi ấy, Thông Ứng Luật sư ở Kinh Châu với
vài trăm người tu học cùng về nương theo Ngài. Ngài đến Bảo Lâm, Tào
Khê, thấy nhà cửa thấp hẹp, chẳng đủ cho bốn chúng ăn ở. Muốn mở rộng
ra, Ngài liền đến gặp một người trong làng là Trần Á Tiên mà nói rằng:
“Lão tăng muốn đến thí chủ, cầu xin một chỗ đất để trải cái tọa cụ,
không biết có được chăng?” Á Tiên hỏi: “Tọa cụ của Hòa thượng rộng chừng
nào?” Tổ Sư đưa tọa cụ ra cho xem. Á Tiên đồng ý. Tổ Sư lấy tọa cụ giũ
ra một cái, tỏa rộng phủ hết cả vùng Tào Khê, có bốn vị thiên vương hiện
thân ngồi nơi bốn góc. Ngày nay, ở cảnh chùa ấy có núi Thiên Vương, là
nhân chuyện này mà đặt tên. Á Tiên nhìn thấy liền nói: “Nay tôi được
biết pháp lực của hòa thượng thật là rộng lớn; có điều, mồ mả tổ tiên
nhà tôi từ trước đến nay đều ở tại đất này. Nếu về sau có cất chùa dựng
tháp, xin đừng hủy hoại, còn ngoài ra xin cúng dường cả để mãi mãi dùng
làm ngôi Tam Bảo. Nhưng đất này là mạch đến của sanh long, bạch tượng,
chỉ có thể làm bằng bên trên, chứ không nên làm bằng phía dưới.” Theo
lời Á Tiên, mọi sự kiến thiết, xây dựng về sau đều tuân thủ như vậy.
Một hôm, Tổ Sư đi dạo chơi đến một chỗ cảnh vật tốt tươi, có suối nước,
non cao, liền dừng nghỉ lại đó, bèn thành một nơi lan-nhã, có cả thảy
13 cảnh như vậy, ngày nay gọi là Hoa Quả Viện. Còn tên gọi đạo tràng Bảo
Lâm là do trước đây ngài Trí Dược Tam Tạng nước Tây Trúc, khi từ Nam
hải qua cửa Tào Khê, lấy tay vốc nước mà uống thấy thơm và ngon, lấy làm
lạ mà bảo môn đồ của mình rằng: “Nước này với nước bên Tây Thiên không
khác gì. Trên nguồn suối này ắt có thắng địa, cất chùa lên rất tốt”.
Liền lần theo dòng suối mà đi lên nguồn, thấy bốn bề non nước quanh co,
đèo động tốt lạ, khen rằng: “Thật không khác gì núi Bảo Lâm bên Tây
Thiên!” Liền nói với cư dân thôn Tào Hầu rằng: “Nơi đây nên cất một ngôi
chùa. Sau này chừng một trăm bảy chục năm nữa, sẽ có pháp bảo vô thượng
được diễn giảng ở đây, kẻ đắc đạo nhiều vô kể, nên đặt hiệu là Bảo
Lâm.”
Quan Mục Thiều Châu thuở ấy là Hầu Kính Trung đem lời ấy soạn tờ biểu
tâu lên triều đình, nhà vua chuẩn lời xin, ban cho tấm biển đề là Bảo
Lâm, bởi đó mà thành một ngôi chùa to lớn. Việc ấy bắt đầu từ năm thứ 3
niên hiệu Thiên Giám.
Trước chùa có một cái hồ lớn, thường có một con rồng nổi lên, thân hình
to lớn quấn quanh, làm hại cây cối trong rừng. Một ngày kia, nó hiện
hình rất lớn, quẫy đạp sóng dậy tràn lên, mây mưa mù mịt, khiến tăng
chúng đều sợ hãi. Tổ Sư ra nạt con rồng rằng: “Ngươi chỉ hiện được hình
lớn, chẳng hiện được hình nhỏ. Nếu là rồng thần biến hóa được, lẽ ra nên
từ nhỏ thành lớn, từ lớn thành nhỏ được mới phải.” Ngài nói xong, con
rồng ấy liền lặn ngay xuống, giây lâu hiện lên thân hình rất nhỏ bé,
nhảy nhót trên mặt hồ. Tổ Sư mở bình bát ra, hỏi rằng: “Ngươi có dám
nhảy vào cái bát của lão tăng đây không?”
Con rồng bèn lượn quanh, rồi chập chờn đến trước Tổ Sư, Ngài lấy cái bát
úp lại, con rồng chẳng cựa quậy gì được nữa. Sư liền mang bát trở lên
chùa, thuyết pháp với rồng. Rồng bèn thoát xác mà đi, bỏ lại bộ xương
dài chừng bảy tấc; đầu, đuôi, sừng, chân đều đủ cả, tương truyền là vẫn
để ở cửa chùa. Sau này, Tổ Sư sai lấy đất đá lấp cái hồ ấy, ngày nay ở
trước đền, phía bên trái có cây tháp sắt, tức là chỗ đó vậy.