PHẨM THỨ VI: SÁM HỐI
Lúc ấy, Đại sư thấy các vị nhân sĩ, dân chúng Quảng Châu,
Thiều Châu và tất cả bốn phương đều tụ hội về để nghe Pháp, Ngài bèn lên
tòa, nói với mọi người rằng: “Hãy đến đây, các vị thiện tri thức! Điều
ta thuyết đây cần phải từ trong tự tánh khởi lên. Luôn luôn trong mỗi
niệm tưởng, đều phải tịnh lấy tâm mình, tự mình tu hành, tự thấy pháp
thân mình, thấy Phật ở tự tâm; tự cứu lấy mình, răn giữ lấy mình mới
được, chẳng cần phải đến đây. Nhưng đã từ phương xa đến, đồng hội nơi
đây, đều là có duyên. Vậy nay mọi người hãy quì xuống. Trước tiên, ta vì
chư vị mà truyền cho năm phần hương pháp thân của tự tánh. Kế đó, sẽ
truyền phép Sám hối Vô tướng.”
Mọi người đều quì mọp. Sư nói: “Một là Giới hương. Trong tâm mình không
chê bỏ, không ganh ghét, không tham giận, không cướp hại, gọi là Giới
hương.
“Hai là Định hương. Nhìn thấy các cảnh lành dữ, tâm mình chẳng loạn, gọi là Định hương.
“Ba là Tuệ hương. Tự tâm không ngăn ngại, thường dùng trí tuệ quán xét
tánh mình, không làm việc ác; tuy tu các việc lành, mà tâm không chấp
trước; kính người trên, thương kẻ dưới, thương xót kẻ côi cút, nghèo
khó, gọi là Tuệ hương.
“Bốn là Giải thoát hương. Tâm không vướng mắc, nương theo bất cứ điều
gì; chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại, không ngăn ngại, gọi là
Giải thoát hương.
“Năm là Giải thoát tri kiến hương. Tâm đã không vướng mắc, chạy theo
những điều lành, điều dữ, cũng không thể chìm vào chỗ trống không chấp
lấy sự vắng lặng; nghĩa là nên học rộng, nghe nhiều, tự biết rõ bản tâm,
đạt tới lý lẽ của chư Phật; lấy sự hòa đồng mà tiếp cận cùng muôn vật,
không vướng mắc chuyện có mình, có người; thẳng đạt Bồ-đề, chân tánh vẫn
không đổi, gọi là Giải thoát tri kiến hương.
“Các vị thiện tri thức! Những thứ hương ấy đều tỏa lên tự trong tâm mình, đừng tìm kiếm ở ngoài.
“Bây giờ, ta sẽ cùng chư vị thọ phép Sám hối Vô tướng, diệt hết tội ba
đời, khiến cho ba nghiệp đều thanh tịnh. Ba nghiệp là nghiệp thân,
nghiệp khẩu, nghiệp ý.
“Các vị thiện tri thức! Chư vị hãy cùng lập lại theo như lời ta:
“Đệ tử chúng con, từ bao niệm trước, đến niệm bây giờ, cho đến những
niệm về sau, mỗi niệm chẳng bị ngu mê làm ô nhiễm. Từ trước đến nay,
những tội ác do ngu mê thảy đều xin sám hối, nguyện đồng thời diệt hết,
mãi mãi chẳng còn khởi lại nữa.
“Đệ tử chúng con, từ bao niệm trước, đến niệm bây giờ, cho đến những
niệm về sau, mỗi niệm chẳng bị kiêu căng, dối trá làm ô nhiễm. Từ trước
đến nay, những tội ác do kiêu căng, dối trá thảy đều xin sám hối, nguyện
đồng thời diệt hết, mãi mãi chẳng còn khởi lại nữa.
“Đệ tử chúng con, từ bao niệm trước, đến niệm bây giờ, cho đến những
niệm về sau, mỗi niệm chẳng bị sự ganh ghét làm ô nhiễm. Từ trước đến
nay, những tội ác do sự ganh ghét thảy đều xin sám hối, nguyện đồng thời
diệt hết, mãi mãi chẳng còn khởi lại nữa.
“Các vị thiện tri thức! Trên đây là phép Sám hối Vô tướng. Sao gọi là
sám? Sao gọi là hối? Sám là ăn năn những lỗi đã qua. Từ trước, có những
tội ác do nơi ngu mê, kiêu căng, dối trá, ganh ghét, thảy đều ăn năn
hết, mãi mãi về sau chẳng còn khởi ra nữa; đó gọi là sám. Hối là tự ngăn
ngừa những lỗi về sau của mình. Từ nay về sau, có những tội ác do nơi
ngu mê, kiêu căng, dối trá, ganh ghét, nay đã giác ngộ, tất nhiên vĩnh
viễn dứt hết, chẳng mắc phải nữa; đó gọi là hối. Vì thế cho nên gọi là
sám hối. Kẻ phàm phu ngu mê chỉ biết ăn năn những lỗi đã qua, mà chẳng
biết ngăn ngừa những lỗi về sau. Bởi không biết hối, nên tội trước chẳng
diệt, lỗi sau lại sanh. Tội trước đã chẳng diệt, lỗi sau lại tiếp sanh
ra, làm sao gọi là sám hối?
“Các vị thiện tri thức? Nay đã sám hối rồi, ta sẽ cùng chư thiện tri
thức phát khởi Bốn thệ nguyện rộng lớn. Chư vị hãy lắng tai, dùng tâm
chân chánh mà nghe đây:
Vô biên chúng sanh nơi tự tâm, thệ nguyện cứu độ.
Vô biên phiền não nơi tự tâm, thệ nguyện dứt bỏ.
Vô tận pháp môn trong tự tánh, thệ nguyện học hỏi.
Phật đạo vô thượng trong tự tánh, thệ nguyện tu thành.
“Các vị thiện tri thức! Mọi người ai cũng nói: vô biên chúng sanh thệ
nguyện cứu độ. Nhưng mấy ai biết được nghĩa: thật chẳng phải Huệ Năng
này độ. Ý Tổ sư ở đây nhấn mạnh vào chỗ tự nguyện, tự độ.
“Các vị thiện tri thức! Chúng sanh ở trong tâm, ấy là: tâm tà mê, tâm
cuống vọng, tâm bất thiện, tâm ganh ghét, tâm ác độc. Những tâm niệm như
thế, đều là chúng sanh. Mọi người nên từ tự tánh tự độ lấy mình. Đó gọi
là cứu độ chân thật. Sao gọi là từ tự tánh tự độ lấy mình? Tự trong tâm
mình có những chúng sanh tà kiến, phiền não, ngu si, hãy dùng chánh
kiến Chánh kiến: sự thấy biết, kiến giải chân chánh, đúng chánh pháp.
mà cứu độ. Có chánh kiến rồi, liền dùng trí Bát-nhã chống phá chúng sanh
ngu si, mê vọng. Cứ như vậy mà ai ai cũng đều tự độ lấy mình. Với tà
vạy, dùng chân chánh mà độ; với mê muội, dùng giác ngộ độ; với ngu si,
dùng trí tuệ độ; với ác độc, dùng tâm thiện độ. Cứu độ được như vậy, gọi
là cứu độ chân thật.
“Vô biên phiền não thệ nguyện dứt bỏ, nghĩa là dùng trí Bát-nhã nơi tự tánh phá trừ đi tâm dối trá hư vọng.
“Vô tận pháp môn thệ nguyện học hỏi, là nên tự mình thấy tánh, thường hành chánh pháp, đó gọi là học hỏi chân chánh.
“Phật đạo vô thượng thệ nguyện tu thành, là thường hay nhún nhường, làm
theo lẽ chân chánh, lìa mê lìa giác, thường sanh Bát-nhã; trừ chân trừ
vọng, liền thấy tánh Phật. Vừa được nghe qua Tức là nghe lời nói khai
ngộ của bậc đại thiện tri thức. liền thành Phật đạo, tâm thường nghĩ
việc tu hành, chính là pháp nguyện lực.
“Chư thiện tri thức! Nay đã phát Bốn nguyện rộng lớn rồi, ta cùng chư vị thọ Ba giới quy y vô tướng.
“Các vị thiện tri thức! Quy y với giác ngộ là bậc phước huệ đầy đủ,
Lưỡng túc Tôn Quy y với chân chánh là bậc lìa xa các dục. Ly dục Tôn
Quy y với thanh tịnh là bậc cao quý trong chúng hội. Chúng trung Tôn
Từ nay nhận giác ngộ là thầy, chẳng còn quy y theo tà ma, ngoại đạo. Cầu
Tam Bảo trong tự tánh mình thường chứng minh. Nay khuyên các vị thiện
tri thức quy y với Tam Bảo trong tự tánh mình: giác ngộ, đó là Phật;
chân chánh, đó là Pháp; thanh tịnh, đó là Tăng.
“Tự tâm quy y giác ngộ, tà mê chẳng sanh, ít ham muốn, biết đủ, Thiểu
dục tri túc có thể lìa bỏ của cải, nhan sắc, gọi là Lưỡng túc Tôn.
“Tự tâm quy y chân chánh, mỗi niệm chẳng có tà kiến. Chẳng có tà kiến,
nên chẳng chấp việc có ta, có người, không cống cao, tham ái, chấp
trước, gọi là Ly dục Tôn.
“Tự tâm quy y thanh tịnh, tự tánh chẳng ô nhiễm nơi hết thảy các cảnh trần lao, ái dục, gọi là Chúng trung Tôn.
“Nếu tu hạnh này là tự quy y chính mình. Kẻ phàm phu chẳng hiểu, ngày
đêm thọ giới Tam Quy. Đây nói cách hiểu của hàng Tiểu thừa. Nếu nói
Quy y Phật, hỏi Phật ở đâu? Nếu chẳng thấy Phật, thì nương vào đâu mà
quy? Nói vậy thành ra hư vọng.
“Các vị thiện tri thức! Mọi người nên tự suy xét, đừng dụng tâm sai lầm.
Trong Kinh Ở đây là dẫn Kinh Hoa Nghiêm. nói rõ là “Tự quy y Phật”,
chẳng nói “Quy y với Phật khác”. Phật nơi tự tâm mà chẳng quy y, không
còn có chỗ nào khác mà nương dựa. Nay đã tự tỉnh ngộ, mọi người nên quy y
với Tam Bảo nơi tự tâm mình. Trong thì điều phục tâm tánh, ngoài thì
kính trọng người khác, đó chính là tự quy y.
“Các vị thiện tri thức! Đã quy y với tự tâm Tam Bảo rồi, mọi người hãy
chí tâm, ta sẽ giảng giải về một thể ba thân của tự tánh Phật, khiến cho
chư vị đều được thấy ba thân, tự mình tỏ rõ tự tánh. Mọi người hãy lập
lại theo như lời ta:
“Với thân xác thịt này, xin quy y với Thanh tịnh Pháp thân Phật.
“Với thân xác thịt này, xin quy y với Viên mãn Báo thân Phật.
“Với thân xác thịt này, xin quy y với Thiên bá ức Hóa thân Phật.
“Các vị thiện tri thức! Thân xác thịt này là nhà trọ, chẳng thể nói là
quy y nó được. Ba thân Phật Ba thân Phật: Pháp thân, Hóa thân và Báo
thân. tự trong tự tánh, ai ai cũng sẵn có. Chỉ vì tâm mê, chẳng thấy tự
tánh bên trong, mãi tìm cầu Ba thân Phật ở ngoài, chẳng thấy tự mình có
Ba thân Phật. Mọi người hãy lắng nghe, ta sẽ giúp cho ai nấy tự trong
thân mình thấy được tự tánh có Ba thân Phật. Ba thân Phật ấy từ nơi tự
tánh sanh, chẳng phải từ bên ngoài mà có được.
“Sao gọi là Thanh tịnh Pháp thân Phật? Người đời tánh vốn thanh tịnh,
muôn pháp đều do nơi tự tánh sanh. Tâm nghĩ các điều ác, liền sanh ra
hạnh ác; tâm nghĩ các việc lành, liền sanh ra hạnh lành. Như vậy, các
pháp đều ở trong tự tánh. Như bầu trời trong, mặt trời mặt trăng thường
sáng, có đám mây che phủ thành ra trên sáng dưới tối. Bỗng gặp gió thổi
tan mây, trên dưới đều sáng, muôn cảnh hiện ra. Người đời tánh thường
trôi nổi, cũng giống như đám mây trên trời đó vậy.
“Các vị thiện tri thức! Trí như mặt trời, tuệ như mặt trăng. Trí tuệ
thường sáng suốt, do vướng mắc nơi ngoại cảnh mà bị đám mây vọng niệm
lấp che tự tánh, nên chẳng được sáng suốt. Nếu gặp được bậc thiện tri
thức, nghe pháp chân chánh, trừ điều mê vọng nơi mình, thì trong ngoài
sáng suốt, trong tự tánh muôn pháp đều hiện ra. Người thấy tánh lại cũng
như vậy. Đó gọi là Thanh tịnh Pháp thân Phật.
“Các vị thiện tri thức! Tự tâm quy y với tự tánh, ấy là quy y với đức
Phật chân thật. Người tự quy y thì trừ dứt đi những tâm bất thiện, ganh
ghét, tà vạy, chấp ngã, dối trá, khinh người, ngạo mạn, tà kiến, cống
cao, và hết thảy những hạnh chẳng lành trong mọi lúc. Thường tự thấy lỗi
mình, chẳng nói điều tốt xấu của kẻ khác. Như vậy gọi là tự quy y.
Thường nên nhún nhường, cung kính hết thảy, tức nhiên thấy tánh thông
đạt, không còn ngăn ngại. Như vậy gọi là tự quy y.
“Sao gọi là Viên mãn Báo thân? Ví như một ngọn đèn trừ được sự tối ngàn
năm, một niệm trí khởi diệt được sự ngu muội muôn năm. Đừng nghĩ tới lỗi
lầm đã qua, vì chẳng thể thay đổi được. Thường nghĩ việc sắp đến, mỗi
niệm tưởng đều tròn đầy, sáng rỡ, tự thấy bản tánh. Thiện, ác tuy là
khác, bản tánh vốn không phân biệt. Tánh không phân biệt ấy gọi là thật
tánh. Từ trong thật tánh, chẳng đắm nhiễm các việc thiện ác. Đó gọi là
Viên mãn Báo thân Phật. Tự tánh khởi một niệm ác, diệt mất nhân duyên
lành muôn kiếp. Tự tánh khởi một niệm thiện, dứt được việc ác nhiều như
cát sông Hằng, thẳng đến quả vô thượng Bồ-đề. Trong mỗi niệm tưởng đều
tự thấy biết, chẳng mất đi bản niệm, gọi là Báo thân.
“Sao gọi là Thiên bá ức Hóa thân? Nếu chẳng nghĩ đến muôn pháp, tánh vốn
như không. Một niệm suy nghĩ, gọi là biến hóa. Suy nghĩ việc ác, hóa ra
địa ngục. Suy nghĩ việc thiện, hóa ra thiên đường. Tâm độc hại hóa ra
rồng, rắn. Tâm từ bi hóa ra Bồ-tát. Trí tuệ hóa ra thượng giới, Chỉ
các cõi trời. ngu si hóa làm cõi dưới. Tức cảnh giới tam đồ. Tự Tánh
biến hóa rất nhiều, người mê chẳng thể biết được. Mỗi niệm sanh lòng ác,
thường làm theo đường ác. Quay về một niệm lành, trí tuệ liền sanh ra.
Đó gọi là Tự tánh Hóa thân Phật.
“Các vị thiện tri thức! Pháp thân vốn tự đầy đủ. Lúc nào tự tánh cũng tự
thấy biết, tức là Báo thân Phật. Từ nơi Báo thân khởi nên suy nghĩ, tức
là Hóa thân Phật. Tự mình giác ngộ, tu công đức nơi tự tánh, ấy là quy y
chân chánh. Da thịt này là sắc thân, Sắc thân: thân hình sắc, thân
xác thịt này. sắc thân là nhà trọ, Vì chỉ giả hợp tạm bợ trong kiếp
người nên gọi là nhà trọ. chẳng nói là quy y nơi đó được. Chỉ cần nhận
rõ Ba thân nơi tự tánh, liền biết được Phật trong tự tánh.
“Ta có một bài tụng Vô tướng. Nếu trì tụng được có thể khiến cho tội mê trong nhiều kiếp đều diệt sạch.”
Tụng rằng:
• Người mê tu phước, chẳng tu đạo,
• Tưởng rằng tu phước tức là Đạo.
• Bố thí, cúng dường, dẫu nhiều phước,
• Trong tâm Ba ác Ba ác là: tham, sân, si. như trước tạo.
•
• Đem lòng tu phước muốn diệt tội,
• Đời sau được phước, vẫn còn tội.
• Chỉ tự trong tâm trừ tội duyên, Tội duyên: duyên do, nguyên nhân sinh ra tội lỗi.
• Đều trong tự tánh thật sám hối.
•
• Gặp pháp đại thừa chân sám hối,
• Bỏ tà, làm chánh, liền dứt tội.
• Học đạo thường xem nơi tự tánh,
• Liền cùng chư Phật không sai khác.
•
• Tổ ta Tức là Sơ Tổ Đạt-ma. chỉ truyền pháp thẳng tắt,
• Nguyện khắp thấy tánh đồng một thể.
• Nếu muốn về sau tìm Pháp thân,
• Lìa các pháp tướng, tâm trong sạch.
• Gắng sức tự thấy, chớ núng nao,
• Chỉ một niệm dứt, mạng còn đâu?
• Nếu ngộ đại thừa, được thấy tánh,
• Chắp tay cung kính chí tâm cầu!
Sư nói: “Các vị thiện tri thức! Mọi người nên trì tụng, theo đó mà tu
hành. Nghe qua rồi thấy tánh, thì dù cách ta ngàn dặm, cũng như thường ở
bên ta! Còn nếu nghe rồi mà chẳng tỉnh ra, thì dù đối mặt nhau cũng như
ngoài ngàn dặm. Đâu cần lặn lội từ xa đến đây? Thôi, nên trân trọng mà
giải tán.”
Đại chúng nghe Pháp, ai ai cũng được tỏ ngộ, vui mừng kính cẩn làm theo.