PHẨM THỨ VIII: PHÁP ĐỐN VÀ TIỆM
Bấy giờ, Tổ Sư ở chùa Bảo Lâm nơi Tào Khê, Thần Tú Đại sư ở
chùa Ngọc Tuyền nơi Kinh Nam. Lúc ấy, hai tông đều thạnh hóa. Người đời
gọi là “Nam Năng, Bắc Tú”, cho nên có sự phân ra hai pháp Đốn và Tiệm
của hai tông Nam Bắc, làm cho người học chẳng biết theo về đâu. Sư vì
mọi người mà nói rằng:
“Pháp vốn chỉ một tông, người có Nam Bắc. Pháp tức là một loại, chỗ thấy
biết có chậm mau. Sao gọi là Đốn, Tiệm? Pháp không có Đốn Tiệm, chỉ vì
người ta có lanh lợi, chậm lụt khác nhau, cho nên gọi là Đốn Tiệm đó
thôi.”
Nhưng môn đồ của sư Thần Tú thường chê Tổ Sư phía Nam rằng: Chẳng biết một chữ, có chi là giỏi?
Sư Thần Tú nói rằng: “Vị ấy được trí vô sư, Vô sư trí: trí tuệ tự
thấy biết không cần thầy dạy. ngộ sâu phép Thượng thừa, ta chẳng bằng
được. Vả lại, Thầy ta là Ngũ Tổ đích thân truyền pháp và y, nào phải vô
cớ sao? Ta vẫn ân hận rằng chẳng thể vượt đường xa đến đó thân cận được
với vị ấy, ở đây luống thọ ơn nước. Nói việc thái hậu Võ Tắc Thiên
tôn sùng, tôn hiệu là Quốc Sư. Các ngươi đừng trì trệ mãi ở đây, nên tới
Tào Khê tham yết mà học hỏi.”
Ngày kia, sư Thần Tú bảo môn đồ là Chí Thành rằng: “Nhà ngươi thông minh
tài trí, nên vì ta đến Tào Khê nghe Pháp. Nếu nghe được điều chi, hết
lòng nhớ lấy, trở về nói cho ta nghe.”
Chí Thành vâng lời đến Tào Khê, theo chúng tham học, nhưng chẳng nói là
từ đâu đến. Khi ấy, Tổ Sư bảo chúng rằng: “Nay có kẻ trộm pháp lẩn trong
Hội này.”
Chí Thành liền bước ra lễ bái, nói rõ chuyện mình.
Sư nói: “Ngươi từ chùa Ngọc Tuyền đến đây để lén lút dò xét, phải
không?” Đáp rằng: “Không phải.” Sư nói: “Sao không phải được?” Thưa
rằng: “Chưa nói ra là phải, đã nói ra rồi nên không phải.”
Sư hỏi: “Thầy ngươi dạy chúng thế nào?”
Đáp: “Thầy tôi thường dạy chúng rằng: Trụ tâm quán sự yên tĩnh, ngồi hoài chẳng nằm.”
Sư nói: “Trụ tâm quán sự yên tĩnh, đó là bệnh chứ chẳng phải thiền. Ngồi
mãi là giam mình, theo lý có ích gì? Hãy nghe bài kệ này:
• Lúc sống ngồi chẳng nằm;
• Chết đi nằm chẳng ngồi.
• Một bộ xương hôi thối,
• Sao lấy đó lập công?”
Chí Thành lại làm lễ, thưa rằng: “Đệ tử này ở nơi Đại sư Thần Tú, học
đạo chín năm, chẳng được tỉnh ngộ. Nay vừa nghe Hòa thượng thuyết qua
liền khế hợp bản tâm. Sanh tử là việc lớn, xin Hòa thượng đại từ chỉ
dạy.”
Sư nói: “Ta nghe thầy ngươi dạy pháp Giới Định Tuệ, chưa rõ thầy ngươi
giảng thuyết hạnh, tướng Giới Định Tuệ thế nào? Ngươi thử nói ta nghe
xem.”
Chí Thành nói: “Đại sư Thần Tú nói: ‘Mọi điều dữ đừng khởi lên, gọi là
Giới. Mọi điều lành vâng làm theo, gọi là Tuệ. Tịnh lấy ý của mình, gọi
là Định.’ Chưa rõ ở đây Hòa thượng dùng pháp gì dạy người?”
Sư nói: “Nếu ta nói có pháp dạy người, hóa ra nói dối ngươi. Chỉ tùy
phương tiện mà mở trói, tạm gọi là Tam-muội. Như nghĩa Giới Định Tuệ của
thầy ngươi thuyết, thật chẳng thể nghĩ bàn được. Chỗ kiến giải của ta
về Giới Định Tuệ lại khác.”
Chí Thành hỏi: “Giới Định Tuệ lẽ ra chỉ một, sao lại có khác?”
Sư nói: “Giới Định Tuệ của thầy ngươi dạy người Đại thừa. Giới Định Tuệ
của ta dạy người Tối thượng thừa. Chỗ ngộ, giải chẳng đồng nhau; chỗ
thấy biết có mau, có chậm. Ngươi hãy nghe ta thuyết, xem có giống thầy
ngươi chăng? Chỗ thuyết pháp của ta chẳng rời khỏi tự tánh. Nếu rời khỏi
thể tự tánh mà thuyết pháp, gọi là tướng thuyết, tự tánh thường mê. Nên
biết rằng hết thảy muôn pháp đều từ tự tánh khởi dụng, ấy là pháp Giới
Định Tuệ chân thật. Hãy nghe bài kệ này:
• Tâm không sai quấy, tự tánh Giới,
• Tâm không ngu si, tự tánh Tuệ,
• Tâm không tán loạn, tự tánh Định.
• Chẳng thêm, chẳng bớt, như kim cang,
• Thân dù qua lại, thường trong định.”
Thành nghe kệ, ăn năn cảm tạ, liền trình kệ rằng:
• Năm uẩn huyễn hình,
• Huyễn sao cứu cánh?
• Quày đuổi chân như,
• Pháp thành chẳng tịnh.
Sư nhận cho là được. Lại nói với Chí Thành: “Giới Định Tuệ của thầy
ngươi khuyên người trí nhỏ căn thấp, Giới Định Tuệ của ta khuyên người
trí tuệ đại căn. Nếu ngộ tự tánh, lại chẳng lập Bồ-đề Niết-bàn, cũng
chẳng lập Giải thoát tri kiến. Pháp thân có năm phần: giới, định, tuệ
là theo nhân mà có tên, giải thoát, giải thoát tri kiến là theo quả mà
có tên.
“Không một pháp có thể đắc, mới kiến lập được muôn pháp. Nếu hiểu rõ ý
ấy, cũng gọi là Phật thân, cũng gọi là Bồ-đề Niết-bàn, cũng gọi là Giải
thoát tri kiến. Người thấy tánh, lập cũng được, chẳng lập cũng được, qua
lại tự do, không trì trệ, ngăn ngại. Ứng dụng tùy việc làm, theo lời mà
đáp, thấy khắp hóa thân, chẳng lìa tự tánh, tức được thần thông tự tại
du hý Tam-muội, đó gọi là thấy tánh.”
Chí Thành lại hỏi Sư rằng: “Thế nào là nghĩa chẳng lập?”
Sư đáp: “Tự tánh không sai quấy, ngu si, tán loạn. Tánh Bát-nhã thường
luôn quán chiếu, lìa khỏi pháp tướng, tự do tự tại, dọc ngang đều được,
có chi lập được? Tánh mình tự ngộ, tức thời giác ngộ, tức thời tu trì,
chẳng có lần lượt thứ lớp, vậy nên chẳng lập pháp nào hết thảy. Các pháp
đều tịch diệt, có thứ lớp gì đâu?”
Chí Thành lễ bái, nguyện theo làm kẻ hầu hạ sớm chiều.
Có vị tăng hiệu Chí Triệt, người Giang Tây, vốn trước là họ Trương, tên Hành Xương. Thuở nhỏ tánh tình hung hăng.
Từ khi Nam tông, Bắc tông phân nhau mà hóa độ, hai vị tông chủ tuy chẳng đố kỵ nhau, mà môn đồ thường khởi lòng yêu, ghét.
Thuở ấy, môn nhân Bắc tông tự lập Đại sư Thần Tú làm Tổ thứ sáu, lại sợ
việc Tổ Sư được truyền y thiên hạ đều nghe, bèn cậy Hành Xương đến hành
thích. Tâm Sư thông tuệ, biết trước việc ấy, liền sắp đặt mười lượng
vàng nơi chỗ ngồi. Đêm tối, Hành Xương vào thất Tổ Sư, muốn ra tay làm
hại. Sư vươn cổ đưa ra cho chém, mà Hành Xương vung đao ba lần đều không
tổn hại đến ngài.
Sư nói: “Gươm chánh chẳng tà, gươm tà chẳng chánh. Chỉ nợ ngươi vàng, chẳng nợ ngươi mạng.”
Hành Xương hoảng vía, lăn ra bất tỉnh. Hồi lâu hoàn hồn, cầu xin hối
lỗi, nguyện xuất gia tức thời. Sư đưa vàng cho mà bảo rằng: “Ngươi nên
đi nhanh, kẻo đồ chúng hay được sẽ hại ngươi. Ngày sau cải dạng đến đây,
ta sẽ thâu nhận.”
Hành Xương vâng lời trốn đi. Về sau xuất gia, thọ đủ giới luật tinh tấn.
Ngày kia, nhớ lời Sư dặn mới từ xa đến lễ. Sư nói: “Ta nghĩ đến ngươi
đã lâu, sao đến trễ vậy?”
Thưa rằng: “Ngày trước đội ơn Hòa thượng xá tội, nay tuy xuất gia khổ
hạnh, rốt lại cũng khó đáp đền. Chỉ biết cố gắng truyền pháp độ sanh
thôi. Đệ tử thường xem Kinh Niết-bàn, chưa hiểu nghĩa thường, vô thường.
Xin Hòa thượng từ bi lược thuyết cho.”
Sư đáp: “Vô thường tức là Phật tánh, hữu thường tức là tâm phân biệt hết thảy các pháp thiện ác.”
Thưa rằng: “Hòa thượng thuyết như vậy trái hẳn với kinh văn.”
Sư nói: “Ta truyền tâm ấn Phật, sao dám trái với kinh Phật?”
Thưa rằng: “Trong kinh nói Phật tánh là thường. Hòa thượng lại nói vô
thường. Các pháp thiện ác, cho đến cả tâm Bồ-đề đều là vô thường, Hòa
thượng lại nói là thường. Đó là trái nhau, khiến đệ tử càng thêm nghi
hoặc.”
Sư nói: “Kinh Niết-bàn, trước đây ta có nghe ni sư Vô Tận Tạng tụng qua
một lượt, liền vì bà ấy mà giảng thuyết, không một chữ, một nghĩa nào
chẳng hợp kinh. Đến nay vì ngươi mà thuyết, vẫn không sai khác.”
Thưa rằng: “Kẻ học đạo này kiến thức nông cạn, tối tăm. Nguyện Hòa thượng chỉ dạy cho cặn kẽ.”
Sư nói: “Ngươi nên biết, Phật tánh nếu thường, thì thuyết làm gì các
pháp thiện ác, cho tới cùng kiếp cũng không có lấy một người phát tâm
Bồ-đề. Cho nên ta nói vô thường chính là cái đạo chân thường của Phật
thuyết vậy. Lại nữa, hết thảy các pháp nếu như vô thường, tức nhiên mọi
vật đều riêng có tự tánh, dung nạp và thọ lấy sự sống chết, vậy là tánh
chân thường còn có chỗ chưa bao quát. Cho nên ta nói thường, là cái
nghĩa chân vô thường của Phật thuyết. Phật vì kẻ phàm phu ngoại đạo chấp
lẽ tà thường, vì hàng Nhị thừa chấp thường là vô thường, hợp thành tám
thứ điên đảo, cho nên trong giáo pháp Niết-bàn rốt ráo mới phá bỏ những
chỗ kiến giải thiên lệch đó mà nói rõ nghĩa chân thường, chân lạc, chân
ngã, chân tịnh. Nay ngươi lại chấp theo lời, hiểu trái với nghĩa, lấy
chỗ vô thường có đoạn diệt và chỗ thường chắc chắn dứt mất mà giải lầm
lời viên diệu sau cùng của Phật, dù xem kinh đến ngàn lượt phỏng có ích
gì?” Tám điên đảo:
a) Bốn điên đảo của phàm phu, ngoại đạo: 1. Thường : Các pháp trong thế
gian đều vô thường, mà cho là thường. 2. Lạc: Các pháp trong thế gian
đều khổ, mà cho là vui. 3. Ngã: Các pháp trong thế gian đều vô ngã mà
cho là hữu ngã. 4. Tịnh: Các pháp trong thế gian đều bất tịnh mà cho là
tịnh.
b) Bốn điên đảo của hàng nhị thừa: 1. Vô thường: Đối với Niết-bàn là
thường, kể là vô thường. 2 Vô lạc: Đối với Niết-bàn là vui, kể là Vô
lạc. 3. Vô ngã: Đối với Niết-bàn là chân ngã, kể cho là vô ngã. 4. Vô
tịnh: Đối với Niết-bàn là thanh tịnh, kể cho là vô tịnh.
Hành Xương bỗng nhiên đại ngộ, thuyết kệ rằng:
Người chấp tâm vô thường,
Phật thuyết tánh hữu thường.
Không hiểu rõ phương tiện.
Như ao xuân nhặt sỏi.
Ta nay chẳng tốn công,
Mà Phật tánh hiện tiền.
Chẳng phải Thầy truyền trao,
Cũng chẳng có chỗ đắc.
Sư nói: “Nay ngươi thật đã thật thấu triệt, nên lấy tên là Chí Triệt.” Chí Triệt lễ tạ mà lui ra.
Có một đồng tử mười ba tuổi, tên Thần Hội, con nhà họ Cao tại huyện
Tương Dương, từ chùa Ngọc Tuyền Chùa Ngọc Tuyền do đại sư Thần Tú trụ
trì. đến tham lễ Sư.
Sư hỏi: “Bậc tri thức từ xa khó nhọc đến, vậy đã được chỗ cội gốc ban sơ hay chưa? Nếu được, hẳn phải biết chủ. Thử nói ra xem.”
Thần Hội nói: “Lấy vô trụ làm gốc, thấy tức là chủ.”
Sư nói: “Chú sa-di nhỏ này tranh giữ lấy câu thứ yếu.”
Thần Hội bèn hỏi: “Hòa thượng ngồi thiền, thấy hay chẳng thấy?”
Sư lấy gậy đánh ba cái, hỏi rằng: “Ta đánh nhà ngươi, đau hay không đau?”
Thưa rằng: “Cũng đau, cũng không đau.”
Sư nói: “Ta cũng thấy, cũng chẳng thấy.”
Thần Hội hỏi: “Thế nào là cũng thấy, cũng chẳng thấy?”
Sư nói: “Chỗ ta thấy, thường thấy điều lầm lỗi trong tâm mình, chẳng
thấy điều phải quấy, tốt xấu của người khác. Bởi vậy cho nên cũng thấy,
cũng chẳng thấy. Còn ngươi nói ‘Cũng đau, cũng chẳng đau.’ là thế nào?
Ngươi nếu chẳng đau, tức đồng với cây đá. Nếu đau, tức đồng với kẻ phàm
phu, liền khởi oán giận. Ngươi từ trước thấy và chẳng thấy là hai bên;
đau và chẳng đau là sanh diệt. Tự tánh của ngươi, ngươi còn chẳng thấy,
sao dám đùa người?”
Thần Hội lễ bái, ăn năn tạ lỗi. Sư lại nói: “Ngươi nếu tâm mê chẳng
thấy, nên hỏi bậc thiện tri thức chỉ đường cho. Nếu tâm ngộ, tức tự thấy
tánh, liền y theo pháp mà tu hành. Nay ngươi mê chẳng thấy tự tâm, lại
đến đây hỏi ta thấy với chẳng thấy. Ta thấy, ta tự biết, lẽ đâu mê thay
cho ngươi? Ngươi nếu tự thấy, cũng chẳng mê thay cho ta. Sao chẳng tự
biết tự thấy, lại hỏi ta thấy với chẳng thấy?”
Thần Hội lại lạy hơn trăm lạy, cầu tạ lỗi lầm. Từ đó siêng năng hầu hạ bên Sư chẳng rời.
Một ngày kia. Sư bảo chúng rằng: “Ta có một vật không đầu không đuôi,
không danh không tự, không lưng Lưng: bề trái không mặt. Mặt: bề
mặt Các người có biết là gì chăng?”
Thần Hội bước ra nói: “Đó là nguồn gốc của chư Phật, Phật tánh của Thần Hội.”
Sư nói: “Vừa nói với ngươi không danh không tự, ngươi lại đặt ngay ra là
nguồn gốc, Phật tánh. Ngươi về sau có ở chốn am tranh, Nguyên văn:
“bả mão cái đầu”, lấy cỏ tranh che đầu. Ở đây ý nói người đi tu, ở nơi
am cỏ thanh đạm. cũng chỉ thành tông đồ của bọn tri giải.”
Sau khi Tổ Sư diệt độ, Thần Hội vào Kinh Lạc, mở rộng Đốn giáo Tào Khê,
soạn bộ sách Hiển Tông Ký lưu hành rộng rãi trong đời, lấy hiệu là Hà
Trạch Thiền sư.
Sư thấy các tông phái vấn nạn, thảy đều khởi tâm ác, Ngài thương tình
mới nhóm đồ chúng lại mà dạy rằng: “Người học đạo, hết thảy tâm thiện ác
đều nên dứt sạch. Không tên nào có thể gọi, tên ở tự tánh. Tánh không
phân biệt, gọi là thật tánh. Từ trên thật tánh, kiến lập ra hết thảy
giáo môn: vừa nghe qua liền tu hành tự thấy.”
Mọi người nghe giảng, thảy đều lễ bái, nguyện thờ làm thầy.