PHẨM THỨ III: NGHI VẤN
Một ngày kia, Vi Thứ sử thiết lập hội trai cúng dường Sư.
Thọ trai xong, Thứ sử thỉnh Sư lên tòa, rồi cùng các vị quan liêu và sĩ
thứ nghiêm trang lễ bái mà thưa hỏi rằng: “Đệ tử nghe Hòa thượng thuyết
pháp, thật chẳng thể nghĩ bàn. Nay có chút lòng nghi, xin Hòa thượng đại
từ bi vì chúng đệ tử mà giảng giải.”
Sư nói: “Có điều nghi cứ hỏi, ta sẽ giảng thuyết cho.”
Vi công thưa: “Giáo thuyết của Hòa thượng có phải là tông chỉ của Đạt-ma Đại sư chăng?” Sư đáp: “Đúng vậy.”
Vi công nói: “Đệ tử nghe chuyện Đạt-ma thuở xưa giáo hóa cho Lương Võ
Đế. Vua hỏi: ‘Một đời trẫm cất chùa, cúng dường tăng, bố thí, làm chay,
có công đức gì không?’ Đạt-ma đáp: ‘Thật không công đức gì.’ Đệ tử chưa
hiểu lẽ ấy, xin Hòa thượng giảng giải cho.”
Sư đáp: “Thật không có công đức. Đừng nghi ngờ lời của bậc Thánh đời
trước. Võ Đế lòng mê, chẳng rõ pháp chánh. Cất chùa, cúng dường tăng, bố
thí, làm chay, gọi là cầu phước. Không thể lấy phước ấy mà xem là công
đức. Công đức ở nơi Pháp thân, chẳng phải ở sự tu phước.”
Sư lại nói: “Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Mỗi niệm tưởng không
ngăn ngại, thường thấy bản tánh, chân thật diệu dụng, gọi là công đức.
Trong lòng khiêm nhượng là công, việc làm theo lễ là đức. Tự tánh sanh
ra muôn pháp là công, tâm lìa vọng niệm là đức. Chẳng rời tự tánh là
công, ứng dụng mà không đắm nhiễm là đức. Muốn tìm Pháp thân công đức,
cứ nương theo đó mà làm, ấy là công đức chân thật. Nếu người tu công đức
thì lòng chẳng khinh mạn, thường cung kính hết thảy. Lòng hay khinh
người, tánh tự tôn chẳng dứt là tự mình không có công, tánh hư vọng
chẳng thật là tự mình không có đức. Vì tánh tự đại tự tôn, nên thường
khinh hết thảy.
“Các vị thiện tri thức! Chánh niệm không gián đoạn là công; trong tâm
công bình, chánh trực là đức. Tự tu tánh mình là công, tự tu thân là
đức.
“Các vị thiện tri thức! Công đức nên nhìn từ trong tự tánh, không phải
do bố thí, cúng dường mà cầu được. Bởi vậy, phước đức với công đức khác
nhau. Võ Đế chẳng biết chân lý, không phải lỗi nơi Tổ Sư ta.”
Quan Thứ sử lại hỏi: “Đệ tử thường thấy người xuất gia, tại gia niệm
Phật A-di-đà, cầu sanh Tây phương. Xin Hòa thượng vì trừ chỗ nghi ngờ mà
giảng cho việc có được sanh về nơi ấy hay không.”
Sư nói: “Sứ quân hãy lắng nghe Huệ Năng giảng giải việc ấy. Đức Thế Tôn
nơi thành Xá-vệ thuyết việc sanh về Tây phương, Kinh nói rõ ràng đến đó
không xa. Nếu theo cách nói về hình tướng, thì số dặm là qua mười muôn
ức cõi, chính là nói mười điều ác ngăn trở trong thân người, nên nói là
xa. Nói xa, là với những kẻ căn cơ thấp kém. Nói gần, là với những bậc
thượng trí.
“Người có hai loại, pháp không hai đường. Mê, ngộ khác nhau, chỗ hiểu
biết có mau, chậm. Người mê niệm Phật cầu sanh Tây phương, người ngộ chỉ
tự làm tâm tịnh. Cho nên Phật nói: ‘Tùy tâm mình tịnh, tức cõi Phật
tịnh.’ Sứ quân! Người phương Đông, chỉ cần tâm tịnh tức là không có tội.
Dù là người phương Tây Phương Đông là chỉ cõi Ta-bà này, phương Tây
là chỉ cõi Cực Lạc của Phật A-di-đà. mà tâm chẳng tịnh cũng có lỗi.
Người phương Đông tạo tội, niệm Phật cầu sanh phương Tây. Người phương
Tây tạo tội, biết niệm Phật cầu sanh cõi nào? Người ngu chẳng hiểu tự
tánh, không biết có cõi Tịnh độ trong thân, mới nguyện Đông, nguyện Tây.
Người ngộ dù ở đâu cũng vậy. Cho nên Phật nói: ‘Tùy chỗ mình ở mà
thường an vui.’ Sứ quân! Chỉ cần tâm thiện thì Tây phương chẳng xa. Nếu
giữ hoài tâm bất thiện, niệm Phật cũng khó vãng sanh.
“Nay khuyên các vị thiện tri thức: Trước trừ mười điều ác, tức là qua
được mười muôn cõi nước, trừ được mười sự ác chướng ngăn che. Mỗi niệm
thường thấy tánh, thường làm chuyện công bằng, chánh trực, thì đến nơi
như búng móng tay, liền thấy Phật Di-đà. Sứ quân! Chỉ cần làm mười điều
lành, cần gì phải nguyện vãng sanh? Nếu tâm chẳng dứt mười điều ác, Phật
nào đến rước? Nếu ngộ pháp Vô sanh Đốn giáo, thì thấy Tây phương ngay
trong giây lát. Chẳng ngộ, niệm Phật cầu sanh, đường xa làm sao mà đến?
Huệ Năng sẽ vì chư vị, dời Tây phương về trước mắt trong giây lát. Mọi
người muốn thấy hay chăng?”
Mọi người đều đảnh lễ, bạch rằng: “Nếu tại đây được thấy, cần chi phải
nguyện vãng sanh. Xin Hòa thượng từ bi hiện cõi Tây phương cho chúng tôi
được thấy.”
Sư nói: “Này đại chúng! Người đời, sắc thân là thành quách, mắt, tai,
mũi, lưỡi đều là cửa. Ngoài có năm cửa, trong có cửa ý. Tâm là cõi đất,
tánh là vua. Vua ở trên đất tâm. Tánh còn thì vua còn, tánh đi thì vua
mất. Tánh còn thì thân tâm còn, tánh đi thì thân tâm hoại. Phật do trong
tánh khởi lên, đừng cầu tìm ở bên ngoài.
“Tự tánh ngu mê là chúng sanh, tự tánh giác ngộ là Phật. Từ bi là Quán
Âm. Hỷ xả là Thế Chí. Thường tịnh tức Thích-ca. Bình trực là Di-đà. Tâm
chấp ngã là núi Tu-di, tâm tà là biển cả. Phiền não là sóng cuộn. Độc
hại là rồng dữ. Hư vọng là quỉ thần. Trần lao là cá trạnh. Tham sân là
địa ngục, ngu si là súc sanh.
“Các vị thiện tri thức! Thường làm mười điều lành thì thiên đường tự
đến. Trừ tâm chấp ngã thì làm đổ núi Tu-di. Bỏ tâm tà thì biển cả khô
cạn. Phiền não không còn thì sóng cuộn phải yên, độc hại quên đi thì cá,
rồng phải diệt. Tự trong tâm địa là tánh giác Như Lai, phóng ánh đại
quang minh, chiếu ra sáu cửa đều thanh tịnh, phá được các cõi trời Lục
dục. Lục dục chư thiên: Sáu cảnh trời thuộc trong cõi Dục giới: Tứ
thiên vương thiên, Đao-lỵ thiên (cũng gọi là Tam thập tam thiên), Dạ-ma
thiên, Đâu-suất thiên, Lạc biến hóa thiên, Tha hóa tự tại thiên. Tự tánh
soi chiếu bên trong, ba độc Ba độc: tham, sân, si. liền trừ, các tội
địa ngục đồng thời tiêu diệt. Trong ngoài sáng rỡ chẳng khác Tây phương.
Còn nếu không tu hành như vậy, làm sao tới được nơi đó?”
Đại chúng nghe giảng thuyết, rõ ràng thấy tánh, cùng nhau lễ bái, xưng
tán, nguyện rằng: “Lành thay! Nguyện cho hết thảy chúng sanh nghe được
pháp này đều tức thời tỏ ngộ.”
Sư nói: “Các vị thiện tri thức! Nếu muốn tu hành, tại gia cũng tu được,
không nhất thiết phải đến ở chùa. Tại gia thường tu hành, như người
phương Đông mà tâm thiện. Ở chùa chẳng tu hành, như người phương Tây mà
tâm ác. Chỉ giữ tâm thanh tịnh, tức là tự tánh Tây phương.”
Vi công lại hỏi: “Tại gia tu hành như thế nào? Xin Đại sư chỉ dạy cho biết.”
Sư đáp: “Ta thuyết với đại chúng bài tụng ‘Vô tướng’. Chỉ theo đó mà tu,
như thường ở bên ta. Nếu chẳng theo đó mà tu, dầu cạo tóc xuất gia, có
ích gì cho đạo?”
Tụng rằng:
• Tâm bình đẳng cần chi trì giới?
• Hạnh chánh trực há đợi tu thiền?
• Ân thời hiếu dưỡng mẹ cha,
• Nghĩa thời kính trên, nhường dưới.
•
• Nhường nhịn, trên dưới thuận hòa,
• Nhẫn nhục, chuyện dữ lắng yên.
• Nếu biết lấy lửa ở cây, Muốn lấy lửa ở cây thì phải cọ hai khúc cây
một cách mạnh mẽ, không ngừng nghỉ, cho tới chừng được lửa mới thôi. Tu
hành cũng như thế, phải tinh tấn mãi mà diệt các sở dục thì mới đắc
quả.
• Bùn nhơ nở đóa sen hồng. Sen tuy từ dưới bùn sình mà mọc lên, nhưng
không ô nhiễm; người tu thành đạo cũng từ trong cõi ác trược mà thoát
ra.
•
• Đắng miệng mới là thuốc tốt,
• Lời ngay ắt phải chướng tai.
• Sửa lỗi, trí tuệ tất sanh,
• Điều xấu giấu che chẳng tốt.
• Hằng ngày làm việc lợi ích,
• Đạo thành chẳng do thí tiền.
• Bồ-đề chỉ tự trong tâm,
• Nhọc chi hướng ngoại cầu tìm?
•
• Nghe thuyết, y vậy tu hành,
• Thiên đường hiện ngay trước mắt.
Sư lại nói: “Các vị thiện tri thức! Mọi người nên y theo kệ ấy mà tu, sẽ
thấy được tự tánh, thẳng đến quả Phật. Các pháp chẳng chờ đợi nhau. Các
ngươi nên giải tán đi, ta về Tào Khê. Nếu có điều chi nghi ngờ, cứ đến
đó hỏi.”
Khi ấy, Thứ sử và quan liêu, thiện nam, tín nữ tại hội đều được khai ngộ, tin lãnh giáo thuyết, kính cẩn theo đó thực hành.