QUYỂN VII
PHẨM "PHỒ-HIỀN BỔ-TÁT
KHUYẾN-PHÁT"
THỨ HAI MƯƠI TÁM
1. Lúc bấy giờ, ngài Phổ-Hiền
Bồ-Tát dùng sức thần thông tự tại oai đức danh văn, cùng vô lượng vô biên
bất-khả-xưng-sổ chúng đại Bồ-Tát từ phương Đông mà đến; các nước đi ngang qua
khắp đều rung động, rưới hoa sen báu, trổi vô-lượng trăm nghìn muôn ức các thứ
kỹ-nhạc.
Lại cùng vô số các đại
chúng: Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la,
Ma-hầu-la-dà, nhơn, phi-nhơn v.v... vây quanh, đều hiện sức oai đức thần thông
đến cõi Ta-bà trong núi Kỳ-Xà-Quật, đầu mặt lạy đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật đi
quanh bên hữu bảy vòng, bạch Phật rằng: "Thế-Tôn! Con ở nơi nước của đức
Bảo-Oai-Đức-Thượng-Vương Phật, xa nghe cõi Ta-bà này nói kinh Pháp-Hoa, nên
cùng với vô-lượng vô biên trăm nghìn muôn ức chúng Bồ-Tát đồng đến để nghe thọ,
cúi mong đức Thế-Tôn nên vì chúng con nói đó".
Nếu Thiện-nam-tử
thiện-nữ-nhơn sau khi Như-Lai diệt độ, thế nào mà có thể được kinh Pháp-Hoa này.
2.
Phật bảo Phổ-Hiền Bồ-Tát rằng: "Nếu Thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn thành tựu
bốn pháp, thì sau khi Như-Lai diệt-độ sẽ được kinh Pháp-Hoa này: Một là được
các Đức Phật hộ-niệm; hai là trồng các gốc công-đức; ba là vào trong
chánh-định; bốn là phát lòng cứu tất cả chúng-sanh".
Thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn
thành tựu bốn pháp như thế, sau khi Như-Lai diệt-độ quyết được kinh này.
3.
Lúc đó ngài Phổ-Hiền Bồ-Tát bạch Phật rằng: "Thế-Tôn! Năm trăm năm sau
trong đời ác-trược nếu có người thọ trì kinh-điển này, con sẽ giữ gìn trừ các
sự khổ-hoạn làm cho được an-ổn, khiến không ai được tiện-lợi rình tìm làm hại;
hoặc ma, hoặc con trai của ma, hoặc con gái của ma, hoặc dân ma, hoặc người bị
ma dựa, hoặc Dạ-xoa, hoặc La-sát, hoặc Cưu-bàn-trà hoặc Tỳ-xá xà, hoặc Cát-giá,
hoặc Phú-đan-na, hoặc Vi-đà-la v.v... những kẻ làm hại người đều chẳng được tiện-lợi.
Người đó hoặc đi, hoặc
đứng, đọc tụng kinh này, bấy giờ con cưỡi tượng-vương trắng sáu ngà cùng chúng
đại Bồ-Tát, đều đến chỗ người đó mà tự hiện thân ra, để cúng-dường thủ-hộ an-ủi
tâm người đó, cũng để cúng-dường kinh Pháp-Hoa.
Người đó nếu ngồi suy nghĩ
kinh này, bấy giờ con lại cưỡi tượng-vương trắng hiện ra trước người đó, người
đó nếu ở trong kinh Pháp-Hoa có quên mất một câu một bài kệ, con sẽ dạy người
đó chung cùng đọc tụng, làm cho thông thuộc.
Bấy giờ, người thọ trì đọc
tụng kinh Pháp-Hoa được thấy thân con, lòng rất vui mừng lại càng tinh-tấn, do
thấy thân con nên liền được tam-muội và Đà-la-ni tên là
"Triền-đà-la-ni", "Pháp-âm-phương-tiện đà-la-ni", được
những môn Đà-la-ni như thế.
4.
Thế-Tôn! Nếu đời sau, sau năm trăm năm trong đời ác-trược, hàng Tỳ-kheo,
Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, người cầu tìm, người ththọ trì, người đọc
tụng, người biên chép, mà muốn tu tập kinh Pháp-Hoa này, thời trong hai mươi
mốt ngày, phải một lòng tinh-tấn, mãn hai mươi mốt ngày rồi, con sẽ cưỡi voi
trắng sáu ngà, cùng vô-lượng Bồ-Tát vây quanh, dùng thân mà tất cả chúng-sanh
ưa thấy, hiện nơi trước người đó để vì nói pháp chỉ dạy cho lợi-ích vui mừng
cũng lại cho chú Đà-la-ni.
Được chú Đà-la-ni này thì
không có phi-nhơn nào có thể phá hoại được, cũng chẳng bị người nữ làm hoặc
loạn. Con cũng đích thân thường hộ người đó. Cúi mong đức Thế-Tôn nghe con nói
chú Đà-la-ni này, liền ở trước Phật mà nói chú rằng:
"A đàn địa, đàn đà bà
địa, đàn đà bà đế, đàn đà cưu xá lệ, đàn đà tu đà lệ, tu đà lệ, tu đà la bà để,
Phật đà ba chiên nễ, tát bà đà la ni a bà đa ni, tát bà bà sa a bà đa ni, tu la
bà đa ni, tăng già bà lý xoa ni, tăng già niết dà đà ni, a tăng kỳ, tăng già bà
dà địa, đế lệ a nọa tăng già đâu lược, a la đế ba la đế, tát bà tăng già địa,
tam ma địa dà lan địa, tát bà đạt mạ tu ba lợi sát đế, tát bà tát đỏa lâu đà
kiêu xá lược, a nâu dà địa, tân a tỳ cát lợi địa đế".
Thế-Tôn! Nếu có Bồ-Tát nào
được nghe chú Đà-la-ni này, phải biết đó là sức thần thông của Phổ-Hiền.
5.
Nếu kinh Pháp-Hoa lưu-hành trong Diêm-phù-đề có người thọ trì, thời nên nghĩ
rằng: Đều là sức oai thần của Phổ-Hiền.
Nếu có người thọ trì đọc
tụng ghi nhớ chân chánh hiểu nghĩa thú trong kinh đúng như lời mà tu hành, phải
biết người đó tu hạnh Phổ-Hiền, ở nơi vô lượng vô biên các Đức Phật, sâu trồng
gốc lành, được các Như-Lai, lấy tay xoa đầu. Nếu chỉ in chép, người này mạng
chung sẽ sanh lên trời Đao-Lợi.
Bấy giờ, bốn muôn tám nghìn
thiên nữ trổi các kỹ nhạc mà đến rước , người đó liền đội mũ bảy báu ở trong
hàng thể nữ, vui chơi khoái lạc, huống là thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ chân chánh
hiểu nghĩa thú kinh, đúng như lời mà tu hành.
Nếu có người nào thọ trì,
đọc tụng, giải nghĩa thú kinh, người đó khi mạng chung được nghìn Đức Phật trao
tay, khiến chẳng sợ sệt, chẳng đọa vào đường dữ, liền lên cung trời Đâu-Suất,
chỗ Di-Lặc Bồ-Tát mà sanh vào trong hàng quyến thuộc trăm nghìn muôn ức thiên
nữ, đức Di-Lặc Bồ-Tát có ba mươi hai tướng, chúng đại Bồ-Tát cùng nhau vây
quanh. Có công đức lợi ích như thế cho nên người trí phải một lòng tự chép hoặc
bảo người chép thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ chân chánh đúng như lời mà tu hành.
Thế-Tôn! Con nay dùng sức
thần thông giữ gìn kinh này, sau khi Như-Lai diệt độ, làm cho rộng lưu bố trong
Diêm-phù-đề khiến chẳng dứt mất.
6.
Lúc bấy giờ, đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật khen rằng: "Hay thay! Hay thay!
Phổ-Hiền! Ông có thể hỗ trợ kinh này làm cho nhiều chúng sanh an vui lợi ích,
ông đã thành tựu bất-khả tư-nghì công đức, lòng từ bi sâu lớn, từ lâu xa đến
nay phát tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, mà có thể thực hành nguyện thần
thông đó, để giữ gìn kinh này.
Ta sẽ dùng sức thần thông
giữ gìn người hay thọ trì danh hiệu Phổ-Hiền Bồ-Tát.
Phổ-Hiền! Nếu có người thọ
trì, đọc tụng, ghi nhớ chân chánh tu tập biên chép kinh Pháp-Hoa này, phải biết
người đó thì là thấy đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật, như từ miệng Phật mà nghe kinh
điển này. Phải biết người đó cúng dường cho đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật, phải biết
người đó được Phật Ngài khen lành thay, phải biết người đó được Thích-Ca Mâu-Ni
Phật lấy tay xoa đầu. Phải biết người ấy được đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật, lấy y
trùm cho. Người như thế chẳng còn ham ưa sự vui trong đời, chẳng ưa kinh sách
viết chép của ngoại đạo, cũng lại chẳng ưa gần gũi ngoại đạo và các kẻ ác, hoặc
kẻ hàng thịt, hoặc kẻ nuôi heo, dê, gà, chó, hoặc thợ săn, hoặc kẻ buôn bán sắc
gái. Người đó tâm ý ngay thật có lòng nghĩ nhớ chơn chính có sức phước đức.
Người đó chẳng bị ba món độc làm não hại, cũng chẳng bị tính ghen ghét, ngã
mạn, tà mạn, tăng thượng mạn làm não hại. Người đó ít muốn biết đủ, có thể tu
hạnh Phổ-Hiền.
7.
Phổ-Hiền! Sau khi Như-Lai diệt độ, năm trăm năm sau, nếu có người nào thấy
người thọï trì đọc tụng kinh Pháp-Hoa phải nghĩ rằng: Người này chẳng bao lâu
sẽ đến đạo tràng, phá các chúng ma thành vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác,
chuyển pháp luân, đánh pháp cổ, thổi pháp loa, rưới pháp vũ, sẽ ngồi trên pháp
tòa sư-tử trong đại chúng trời người.
Phổ-Hiền! Nếu ở đời sau, có
người thọ trì đọc tụng kinh điển này, người đó chẳng còn lại ham ưa y phục,
giường nằm, những vật nuôi sống, chỗ mong cầu chẳng luống, cũng ở trong hiện
đời được phước báo đó.
Nếu có người khinh chê đó
rằng: "Ông là người điên cuồng vậy, luống làm hạnh ấy trọn không được
lợi-ích". Tội báo như thế sẽ đời đời không mắt. Nếu có người cúng dường
khen ngợi đó, sẽ ở trong đời này được quả báo hiện tại.
Nếu lại thấy người thọï trì
kinh này mà nói bày lỗi quấy của người đó, hoặc thực, hoặc chẳng thực, người
này trong hiện đời mắc bệnh bạch-lại (12) . Nếu khinh cười người trì kinh sẽ đời
đời răng nướu thưa thiếu, môi xấu, mũi xẹp, tay chân cong quẹo, mắt lé,
thân-thể hôi dơ, ghẻ dữ máu mủ, bụng thũng hơi ngắn, bị các bệnh nặng dữ.
Cho nên Phổ-Hiền! Nếu thấy
người thọ trì kinh điển này phải đứng dậy xa rước, phải như kính Phật.
8.
Lúc Phật nói phẩm Phổ-Hiền Bồ-Tát khuyến phát này có hằng-hà-sa vô lượng vô
biên Bồ-Tát được trăm nghìn muôn ức môn " Triền-đà-la-ni", tam-thiên
đại-thiên thế giới vi trần số các đại Bồ-Tát, đủ đạo Phổ-Hiền.
Lúc Phật nói kinh này, Phổ-Hiền v.v... các vị Bồ-Tát, Xá-Lợi-Phất v.v... các vị
Thanh-văn và hàng trời, rồng, nhơn, phi-nhơn v.v... tất cả đại chúng đều rất
vui thọï trì lời Phật làm lễ mà đi.
KINH DIỆU-PHÁP LIÊN-HOA
Quyển
Thứ Bảy
I.- Diệu-Âm hạnh khắp,
thành trước nên sau, hoằng dương kinh này, toàn nhờ công tổng trì (17) , tà ma ngoại đạo theo hơi gió lánh
xa, đạo chơn thường lưu thông, muôn pháp đều viên dung.
NAM-MÔ PHÁP-HOA HỘI-THƯỢNG
PHẬT BỔ-TÁT MA-HA-TÁT. (3 lần)
II.- Pháp-Hoa Hải-Hội (13) Đức Phật thân tuyên, ba chu (14) chín dụ nghĩa kinh mầu, bảy cuốn gồm
bao trùm hơn sáu muôn lời, xướng tụng lợi người, trời.
NAM-MÔ PHÁP-HOA HẢI-HỘI CHƯ
PHẬT, CHƯ ĐẠI BỔ-TÁT, CHƯ HIỀN THÁNH TĂNG (3 lần)
III.- Một câu nhiễm tâm thần
Đều giúp đến bờ kia
Nghĩ suy ròng tu tập
Hẳn dùng làm thuyền bè
Tùy hỷ thấy cùng nghe
Thường làm chủ với bạn
Hoặc lấy hay là bỏ
Qua tai đều thành duyên
Hoặc thuận cùng với nghịch
Trọn nhân đây được thoát.
Nguyện này tôi giải thoát.
Y báo cùng chánh báo
Thường tuyên kinh mầu này
Một cõi đến một trần
Đều là vì lợi vật
Cúi mong các Đức Phật
Thầm nhờ hộ trợ cho
Tất cả hàng Bồ Tát
Kín giúp sức oai linh
Nơi nơi chưa nói kinh
Đều vì chúng khuyến thỉnh
Phàm chỗ có nói pháp
Đích thân thờ cúng dường
Một câu cùng một kệ
Tăng tiến đạo Bồ-đề
Một sắc và một hương
Trọn không hề thối chuyển.
IV.- Trời, A-tu-la, Dạ-xoa thảy
Đến nghe pháp đó nên chí tâm:
Ủng hộ Phật Pháp khiến thường còn
Mỗi vị siêng tu lời Phật dạy
Bao nhiêu người nghe đến chốn này
Hoặc trên đất liền hoặc hư không
Thường với người đời sanh lòng từ
Ngày đêm tự mình nương pháp ở
Nguyện các thế giới thường an ổn
Phước trí vô biên lợi quần sanh
Bao nhiêu tội nghiệp thảy tiêu trừ
Xa lìa các khổ về viên tịch.
Hằng dùng giới hương xoa vóc sáng
Thường trì định phục để giúp thân
Hoa mầu Bồ-đề khắp trang nghiêm
Tùy theo chỗ ở thường an lạc.
NAM-MÔ HỘ-PHÁP CHƯ TÔN BỔ-TÁT. (3
lần)
THÍCH NGHĨA:
(1 )
Trên đầu Đức Phật, thịt đùn cao lên như hình búi tóc, 1 tướng tốt trong 32
tướng tốt của thân Phật.
(2 ) Mỗi vị Phật đều có đủ 10 hiệu
này, phải đủ 10 hiệu này mới phải là Phật:
- Như-Lai: Toàn thể như như bất động, tùy duyên hóa độ
mà đến trong muôn loài - đến trong muôn loài mà vẫn như như bất động.
- Ứng-Cúng: Ruộng phước vô lượng vì lợi quần sanh nên
đến thọ sự cúng dường của chín giới.
- Chánh-Biến-Tri: Hiểu biết suốt thấu khắp tất cả pháp
một cách chơn chánh đúng như thực.
- Minh-Hạnh-Túc: Minh: trí huệ, Hạnh: công hạnh lợi
mình lợi người. Trí huệ và công hạnh đều hoàn bị.
- Thiện-Thệ: Khéo qua. Qua Niết-bàn nhưng vẫn thường độ
sanh, nhưng vẫn không rời Niết-bàn.
- Thế-Gian-Giải:
Rành rẽ tất cả pháp của thế-gian và xuất-thế-gian.
- Vô-Thượng-Sĩ:
Đấng vô thượng, không còn ai trên.
- Điều-Ngự-Trượng-Phu:
Bậc trượng phu hay điều hòa hóa độ chúng sanh nhu hòa, và hay ngự phục hóa
độ chúng sanh cang cường.
- Thiên-Nhân-Sư:
Thầy của tất cả trời, người v.v...
- Phật: Đấng vô-thượng chánh
đẳng chánh giác.
- Thế-Tôn" hiệu chung của
10 hiệu trên. Nếu được đủ 10 đức hiệu trên thời là bậc tôn quý của
thế-gian và xuất-thế-gian.
(3 )
Kim-Cang: Một chất rất cứng rắn, không chi phá vỡ được.
(4 )
Hiệu chung của tất cả người xuất gia.
(5 )
Năm-Căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân.
(6 )
Người chủ, người dùng bùa chú thuốc độc để hại người khác.
(7 ) Ta
thường gọi là mưa đá.
(8 )
Mặt trời trí huệ, ý nói trí huệ sáng chói như mặt trời.
(9 )
"Lòng bi" là lòng muốn cứu chúng sanh khỏi khổ, răn trừ các độc, như
sấm vang làm khiếp vía các ma mị. "Ý TỪ" là muốn chúng sanh được
hưởng các sự vui thỏa nên thường đem sự lợi lạc ban cho chúng sanh như mây rưới
mưa đượm nhuần cỏ cây muôn vật.
(10)
Lòng tham giận, ganh, v.v... làm phiền nhiễu bức rức khổ não thân tâm người như
lửa đốt, Bồ-Tát nói pháp trừ những tánh xấu trên đó làm cho thân tâm người thư
thái mát mẻ, như rưới nước cam lồ tắt lửa.
(11) Địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sanh.
(12)
Bệnh hủi (da tróc sần sùi, tóc mày đều rụng).
(13)
Hội lớn rộng rất đông như biển không thể lường biết!
(14)
- Thuyết-pháp chu,
- Thí-dụ chu
- Nhân-duyên chu. Phụ.-
Bích-chi-Phật: có hai hạng:
- Ra đời không gặp Phật, không
gặp chánh pháp, nhân thấy sự biến đổi trong đời như hoa héo lá khô,
v.v... mà tự ngộ lý vô thường, dứt kiến-tư-hoặc, thoát ly sanh tử luân
hồi, gọi là vị: Độc Giác.
- Ra đời gặp Phật, gặp chánh
pháp, tu pháp " thập-nhị-nhân-duyên" (xem Phẩm "Hoá-Thành-Dụ"
thứ 7, quyển thứ ba), mà chứng ngộ vô sanh, thoát ly sanh tử luân hồi gọi
là vị "Duyên-Giác", 2 bậc: Độc-Giác cùng Duyên-Giác, cứ quả vị
thì ngang với quả A-la-hán.
(15)
Người xứ Tây-Trúc ép dầu, trước giã nhỏ mè hay đậu v.v... ủ cho sanh trùng rồi
sau mới ép. Ép dầu tức làsát hại nhiều trùng nên phải bị ương họa.
(16) Để
ví dụ những việc lâu xa khó gặp khó được. Kinh nói: "Như trong biển lớn có
khúc cây bọng nổi trên mặt nước 100 năm một lần trôi qua, 100 năm một lần trôi
lại; đáy biển có một con rùa đui, 100 năm một lần nổi lên mặt nước đón một bọng
cây để chui vào. Biển rộng, cây 100 năm mới một lần trôi qua, rùa đã mù mà 100
năm mới nổi lên 1 lần, chực chui được vào bộng cây, khó lắm!"
(17)
Tức là "Đà-la-ni".