Bắc truyền
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập Hán Dịch Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh Việt Dịch Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản 1988 - PL 2530
24/07/2554 23:17 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

QUYỂN II

PHẨM "TÍN GIẢI"
THỨ TƯ

1. Lúc bấy giờ, các Ngài Tuệ-Mệnh Tu-Bồ-Đề, Đại Ca-Chiên-Diên, Đại Ca-Diếp, Đại Mục-Kiền-Liên, từ nơi Phật được nghe pháp chưa từng có. Đức Thế-Tôn dự ghi cho Ngài Xá-Lợi-Phất sẽ thành vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, sanh lòng hy hữu hớn hở vui mừng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy sửa y phục trịch bày vai hữu, gối hữu chấm đất, một lòng chấp tay cúi mình cung kính chiêm ngưỡng dung nhan Phật mà bạch cùng Phật rằng: "Chúng con ở đầu trong hàng Tăng, tuổi đều già lụn, tự cho đã được Niết-bàn không kham nhiệm gì nữa, chẳng còn thẳng cầu thêm đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác."

Đức Thế-Tôn thuở trước nói pháp đã lâu, lúc đó chúng con ngồi nơi toà thân thể mỏi mệt, chỉ nhớ nghĩ ba pháp: Không, vô tướng, vô tác, đối với các pháp du hý thần thông, tịnh cõi nước Phật, độ thoát chúng sanh của Bồ-Tát, lòng chúng con không ưa thích.

Vì sao? Đức Thế-Tôn khiến chúng con ra khỏi ba cõi được chứng Niết-bàn, lại nay đây chúng con tuổi đã già nua ở nơi đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác của Phật dạy Bồ-Tát không hề sanh một niệm ưa thích.Chúng con hôm nay ở trước Phật nghe thọ ký cho Thanh-văn sẽ được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, lòng rất vui mừng được pháp chưa từng có, chẳng ngờ hôm nay bỗng nhiên được pháp hy hữu, tự rất mừng may được lợi lành lớn, vô lượng trân báu chẳng tìm cầu mà tự được.

2. Thế-Tôn! chúng con hôm nay xin nói thí dụ để chỉ rõ nghĩa đó.

Thí như có người tuổi thơ bé, bỏ cha trốn đi qua ở lâu nơi nước khác, hoặc mười, hai mươi đến năm mươi năm; người đó tuổi đã lớn lại thêm nghèo cùng khốn khổ, dong ruổi bốn phương để cầu đồ mặc vật ăn, dạo đi lần lần tình cờ về bổn quốc.

Người cha từ trước đến nay, tìm con không được bèn ở lại tại một thành trong nước đó. Nhà ông giàu lớn của báu vô lượng, các kho đụn, vàng, bạc, lưu ly, san-hô, hổ-phách, pha lê, châu ngọc v.v... thảy đều đầy tràn; tôi tớ, thần tá, lại dân rất đông, voi, ngựa, xe cộ bò dê nhiều vô số. Cho vay thâu vào lời lãi khắp đến nước khác, khách thương buôn bán cũng rất đông nhiều.

Bấy giờ, gã nghèo kia dạo đến các tụ lạc, trải qua xóm làng, lần hồi đến nơi thành của người cha ở.

Người cha hằng nhớ con, cùng con biệt ly hơn năm mươi năm mà ông vẫn chưa từng đối với người nói việc như thế, chỉ tự suy nghĩ già nua và có nhiều của cải, vàng bạc, trân báu, kho đụn tràn đầy, không có con cái, một mai mà chết mất thì của cải tản thất không người giao phó. Cho nên ân cần nhớ luôn đến con. Ông lại nghĩ: Nếu ta gặp được con ủy phó của cải, thản nhiên khoái lạc không còn sầu lo.

3. Thưa Thế-Tôn! Bấy giờ gã cùng tử làm thuê làm mướn lần hồi tình cờ đến nhà người cha bèn đứng lại bên cửa, xa thấy cha ngồi giường sư tử, ghế báu đỡ chân, các hàng Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Cư-sĩ đều cung kính bao quanh. Trên thân ông đó dùng chuổi ngọc chân châu giá trị nghìn vạn để trang nghiêm, kẻ lại dân tôi tớ tay cầm phất trần trắng đứng hầu hai bên. Màn báu che trên, những phan đẹp thòng xuống, nước thơm rưới đất, rải các thứ danh hoa, các vật báu chưng bày, phát ra, thâu vào, lấy, cho v.v... có các sự nghiêm sức dường ấy, uy đức rất tôn trọng.

Gã cùng tử thấy cha có thế lực lớn liền sanh lòng lo sợ, hối hận về việc đến nhà này, nó thầm nghĩ rằng: "Ông này chắc là vua, hoặc là bậc đồng vua, chẳng phải là chỗ của ta làm thuê mướn được tiền vật.

Chẳng bằng ta qua đến xóm nghèo có chỗ cho ta ra sức dễ được đồ mặc vật ăn, nếu như ta đứng lâu ở đây hoặc rồi họ sẽ bức ngặt ép sai ta làm". Gã nghĩ như thế rồi, liền chạy mau đi thẳng.

4. Khi đó, ông Trưởng-giả ngồi nơi tòa sư tử thấy con bèn nhớ biết, lòng rất vui mừng mà tự nghĩ rằng: "Của cải kho tàng của ta nay đã có người giao phó rồi, ta thường nghĩ nhớ đứa con này làm sao gặp được, nay bỗng nó tự đến rất vừa chỗ muốn của ta, ta dầu tuổi già có vẫn tham tiếc". Ông liền sai người hầu cận đuổi gấp theo bắt lại.

Lúc ấy, kẻ sứ giả chạy mau qua bắt, gã cùng tử kinh ngạc lớn tiếng kêu oan: "Tôi không hề xúc phạm, cớ sao lại bị bắt?" Kẻ sứ giả bắt đó càng gấp cưỡng dắt đem về. Khi đó gã cùng tử tự nghĩ không tội chi mà bị bắt bớ đây chắc định phải chết, lại càng sợ sệt mê ngất ngã xuống đất.

Người cha xa thấy vậy bèn nói với kẻ sứ giả rằng: "Không cần người đó, chớ cưỡng đem đến, lấy nước lạnh rưới trên mặt cho nó tỉnh lại đừng nói chi với nó".

Vì sao? Cha biết con mình chí ý hạ liệt, tự biết mình giàu sang làm khiếp sợ cho con. Biết chắc là con rồi mà dùng phương tiện chẳng nói với người khác biết là con mình. Kẻ sứ giả nói với cùng tư û: "Nay ta thả ngươi đi đâu tùy ý".

Gã cùng tử vui mừng được điều chưa từng có, từ dưới đất đứng dậy, qua đến xóm nghèo để tìm cầu sự ăn mặc.

5. Bấy giờ ông Trưởng-giả toan muốn dụ dẫn người con mà bày chước phương tiện, mật sai hai người, hình sắc tiều tụy không có oai đức: "Hai người nên qua xóm kia từ từ nói với gã cùng tử, nơi đây có chỗ làm trả giá gấp bội. Gã cùng tử nếu chịu thời dắt về đây khiến làm. Nếu nó có hỏi muốn sai làm gì? Thì nên nói với nó rằng: "Thuê người hốt phân, chúng ta hai người cũng cùng ngươi chung nhau làm." Khi đó hai người sứ liền tìm gã cùng tử, rồi thuật đủ việc như trên.

6. Bấy giờ gã cùng tử trước hỏi lấy giá cả liền đến hốt phân. Người cha thấy con, thương xót và quái lạ. Lại một ngày khác ông ở trong cửa sổ xa thấy con ốm o tiều tụy, phân đất bụi bặm dơ dáy không sạch. Ông liền cởi chuỗi ngọc, áo tốt mịn màng cùng đồ trang sức, lại mặc áo thô rách trỉn dơ, bụi đất lấm thân, tay mặt cầm đồ hốt phân, bộ dạng đáng nể sợ, bảo những người làm rằng: "Các ngươi phải siêng làm việc chớ nên lười nghỉ!" Dùng phương tiện đó được đến gần người con.

Lúc sau lại bảo con rằng: "Gã nam tử này! Ngươi thường làm ở đây đừng lại đi nơi khác, ta sẽ trả thêm giá cho ngươi; những đồ cần dùng như loại bồn, chậu, gạo, bột, muối, dấm, ngươi chớ tự nghi ngại. Cũng có kẻ tớ già hèn hạ, nếu cần ta cấp cho, nên phải an lòng, ta như cha của ngươi chớ có sầu lo".

Vì sao? Vì ta tuổi tác già lớn mà ngươi thì trẻ mạnh, ngươi thường trong lúc làm việc không lòng dối khi trễ nải giận hờn nói lời thán oán, đều không thấy ngươi có các điều xấu đó như các người làm công khác. Từ ngày nay nhẫn sau như con đẻ của ta. Tức thời Trưởng-giả lại đặt tên cho cùng tử gọi đó là "con".

Khi đó gã cùng tử, dầu mừng việc tình cờ đó song vẫn còn tự cho mình là khách, là người làm công hèn, vì cớ đó mà trong hai mươi năm thường sai hốt phân, sau đó lòng gã mới lần thể tin ra vào không ngại sợ, nhưng chỗ gã ở cũng vẫn nguyên chỗ cũ.

7. Thế-Tôn! Bấy giờ Trưởng-giả có bệnh, tự biết mình không bao lâu sẽ chết mới bảo cùng tử rằng: "Ta nay rất nhiều vàng bạc, trân, báu, kho đụn tràn đầy, trong đó nhiều ít chỗ đáng xài dùng ngươi phải biết hết đó. Lòng ta như thế, ngươi nên thể theo ý ta.

Vì sao? Nay ta cùng ngươi bèn là không khác, nên gắng dụng tâm chớ để sót mất" .Khi ấy cùng tử liền nhận lời bảo lãnh biết các của vật, vàng, bạc, trân, báu và các kho tàng, mà trọn không có ý mong lấy của đáng chừng bữa ăn, chỗ của gã ở vẫn tại chỗ cũ, tâm chí hạ liệt cũng chưa bỏ được.

8. Lại trải qua ít lâu sau, cha biết ý chí con lần đã thông thái trọn nên chí lớn, tự chê tâm ngày trước. Đến giờ sắp chết, ông gọi người con đến và hội cả thân tộc, quốc-vương, quan đại-thần, dòng sát-lợi, hàng cư-sĩ, khi đã nhóm xong, ông liền tự tuyên rằng: "Các ngài nên rõ, người này là con ta, của ta sanh ra, ngày trước trong thành nọ, bỏ ta trốn đi, nổi trôi khổ sở, hơn năm mươi năm, nó vốn tên ấy, còn ta tên ấy. Xưa ta ở tại thành này lòng lo lắng tìm kiếm, bỗng ở nơi đây gặp được nó. Nó thật là con ta, ta thật là cha nó. Nay ta có tất cả bao nhiêu của cải, đều là của con ta có, trước đây của cải cho ra thâu vào, con ta đây coi biết."

Thế-Tôn! Khi đó gả cùng tử nghe cha nói như thế, liền rất vui mừng được điều chưa từng có, mà nghĩ rằng: "Ta vốn không có lòng mong cầu, nay kho tàng báu này tự nhiên mà đến".

9. Thế-Tôn! Ông phú Trưởng-giả đó là đức Như-Lai, còn chúng con đều giống như con của Phật. Đức Như-Lai thường nói chúng con là con.

Thưa Thế-Tôn! Chúng con vì ba món khổ (16) nên ở trong sanh tử chịu các sự đau đớn mê lầm không hiểu biết, ưa thích các pháp tiểu thừa. Ngày nay đức Thế-Tôn khiến chúng con suy nghĩ dọn trừ những phân dơ các pháp hý luận (17). Chúng con ở trong đó siêng gắng tinh tấn được đến Niết-bàn, cái giá một ngày. Đã được đây rồi lòng rất vui mừng tự cho là đủ, mà tự nói rằng: Ở trong pháp của Phật; do siêng năng tinh tấn nên chỗ được rộng nhiều.

Nhưng đức Thế-Tôn trước biết chúng con lòng ưa muốn sự hèn tệ, ham nơi pháp tiểu thừa, chúng con bèn bị Phật buông bỏ chẳng vì phân biệt rằng: Các ông sẽ có phần bảo tàng tri kiến của Như-Lai.

Đức Thế-Tôn dùng sức phương tiện nói bày trí huệ của Như-Lai. Chúng con theo Phật được giá Niết-bàn một ngày, cho là nhiều rồi, đối với pháp Đại-thừa này không có chí cầu. Chúng con lại nhân trí huệ của Phật, vì các vị Bồ-Tát mà chỉ bày diễn nói, nhưng chính tự mình lại không có chí muốn nơi pháp đó.

Vì sao? Đức Phật biết chúng con ưa nơi pháp tiểu thừa, nên dùng sức phương tiện thuận theo chúng con mà nói pháp, chúng con không tự biết thật là Phật tử. Ngày nay chúng con mới biết đức Thế-Tôn ở nơi trí huệ của Phật không có lẫn tiếc.

Vì sao? Chúng con từ xưa đến nay thật là Phật tử mà chỉ ưa nơi pháp tiểu thừa, nếu chúng con có tâm ham Đại-thừa, thời Phật vì chúng con mà nói pháp Đại-thừa. Ở trong kinh này chỉ nói pháp nhứt thừa. Lúc xưa Đức Phật ở trước Bồ-Tát chê trách Thanh-văn ham pháp tiểu thừa.

Nhưng Đức Phật thực dùng Đại-thừa để giáo hóa, vì thế nên chúng con nói vốn không có lòng mong cầu mà nay báu lớn của đấng Pháp-vương tự nhiên đến, như chỗ nên được của Phật tử đều đã được có.

Bấy giờ ngài Ma-ha Ca-Diếp muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

10. Chúng con ngày hôm nay
Nghe âm giáo của Phật
Lòng hớn hở mừng rỡ
Được pháp chưa từng có.
Phật nói hàng Thanh-văn
Sẽ được thành quả Phật
Đống châu báu vô thượng
Chẳng cầu tự nhiên được.
Ví như gã đồng tử
Thơ bé không hiểu biết
Bỏ cha trốn chạy đi
Đến cõi nước xa khác
Nổi trôi khắp nước ngoài
Hơn năm mươi năm dài
Cha gã lòng buồn nhớ
Kiếm tìm khắp bốn phương
Kiếm tìm đó đã mỏi
Liền ở lại một thành
Xây dựng nên nhà cửa
Năm món dục tự vui.
Nhà ông giàu có lớn
Nhiều những kho vàng, bạc
Xa-cừ, ngọc mã-não
Trân châu, ngọc lưu ly
Voi ngựa cùng trâu dê
Kiệu, cán đủ xe cộ
Ruộng đất và tôi tớ
Nhân dân rất đông nhiều
Xuất nhập thâu lời lãi
Bèn khắp đến nước khác
Khách thương người buôn bán
Không xứ nào không có,
Nghìn muôn ức chúng hội
Vây quanh cung kính ông,
Thường được bậc vua chúa
Mến yêu nhớ tưởng đến,
Các quan, hạng hào tộc
Đều cũng đồng tôn trọng
Vì có các sự duyên
Người tới lui rất đông,
Giàu mạnh như thế đó
Có thế lực rất lớn
Mà tuổi đã già nua
Lại càng buồn nhớ con
Ngày đêm luống suy nghĩ
Giờ chết toan sắp đến
Con thơ dại bỏ ta
Hơn năm mươi năm tròn,
Các của vật kho tàng
Sẽ phải làm thế nào?

11. Bấy giờ gã cùng tử
Đi tìm cầu ăn mặc
Ấp này đến ấp khác
Nước này sang nước nọ,
Hoặc có khi được của
Hoặc có khi không được,
Đói thiếu hình gầy gò
Thân thể sanh ghẻ lác.
Lần lựa đi trải qua
Đến thành cha gã ở
Xoay vần làm thuê mướn
Bèn đến trước nhà cha.
Lúc ấy ông Trưởng-giả
Đang ở trong nhà ông
Giăng màn châu báu lớn
Ngồi tòa sư-tử cao
Hàng quyến thuộc vây quanh
Đông người đứng hầu hạ,
Hoặc có người tính toán
Vàng, bạc, cùng vật báu
Của cải ra hoặc vào
Biên chép ghi giấy tờ.
Gã cùng tử thấy cha
Quá mạnh giàu tôn nghiêm
Cho là vị quốc-vương
Hoặc là đồng bậc vua,
Kinh sợ tự trách thầm
Tại sao lại đến đây?
Lại thầm tự nghĩ rằng:
Nếu ta đứng đây lâu
Hoặc sẽ bị bức ngặt
Ép buộc sai khiến làm.
Suy nghĩ thế đó rồi
Rảo chạy mà đi thẳng
Hỏi thăm xóm nghèo nàn
Muốn qua làm thuê mướn.


12. Lúc bấy giờ Trưởng-giả
Ngồi trên tòa sư-tử
Xa trông thấy con mình
Thầm lặng mà ghi nhớ,
Ông liền bảo kẻ sứ
Đuổi theo bắt đem về.
Gã cùng tử sợ kêu
Mê ngất ngã trên đất
Người này theo bắt tôi
Chắc sẽ bị giết chết
Cần gì đồ ăn mặc
Khiến tôi đến thế này!
Trưởng-giả biết con mình
Ngu dại lòng hẹp hèn
Chẳng chịu tin lời ta
Chẳng tin ta là cha
Ông liền dùng phương tiện
Lại sai hai người khác
Mắt chột, thân lùn xấu
Hạng không có oai đức!
Các người nên bảo nó
Rằng ta sẽ thuê nó
Hốt dọn các phân nhơ
Trả giá bội cho nó.
Gã cùng tử nghe rồi
Vui mừng theo sứ về
Vì dọn các phân nhơ
Sạch sẽ các phòng nhà
Trưởng-giả trong cửa sổ
Thường ngó thấy con mình
Nghĩ con mình ngu dại
Ưa thích làm việc hèn.
Lúc đó ông Trưởng-giả
Mặc y phục cũ rách
Tay cầm đồ hốt phân
Qua đến chỗ con làm
Phương tiện lần gần gũi
Bảo rằng: rán siêng làm!
Đã thêm giá cho ngươi
Và cho dầu thoa chân
Đồ ăn uống đầy đủ
Thêm đệm chiếu đầy ấm
Cặn kẽ nói thế này:
Ngươi nên siêng làm việc!
Rồi lại dịu dàng bảo
Như con thật của ta.


13. Ông Trưởng-giả có trí
Lần lần cho ra vào
Trải qua hai mươi năm
Coi sóc việc trong nhà,
Chỉ cho biết vàng, bạc,
Ngọc trân châu, pha-lê
Các vật ra hoặc vào
Đều khiến gã biết rõ.
Gã vẫn ở ngoài cửa
Nương náu nơi am tranh
Tự nghĩ phận nghèo nàn
Ta không có vật đó.
Cha biết lòng con mình
Lần lần đã rộng lớn
Muốn giao tài vật cho
Liền nhóm cả thân tộc
Quốc vương các đại thần
Hàng sát-lợi, cư-sĩ
Rồi ở trong chúng này
Tuyên nói chính con ta
Bỏ ta đi nước khác
Trải hơn năm mươi năm,
Từ gặp con đến nay
Đã hai mươi năm rồi
Ngày trước ở thành kia
Mà mất đứa con này
Ta đi tìm khắp nơi
Bèn đến ngụ nơi đây
Phàm của cải ta có
Nhà cửa cùng nhân dân
Thảy đều phó cho nó
Mặc tình nó tiêu dùng.
Người con nhớ xưa nghèo
Chí ý rất kém hèn
Nay ở nơi cha mình
Được quá nhiều châu báu
Và cùng với nhà cửa
Gồm tất cả tài vật,
Lòng rất đỗi vui mừng
Được điều chưa từng có.


14. Đức Phật cũng như thế
Biết con ưa tiểu thừa
Nên chưa từng nói rằng
Các ngươi sẽ thành Phật
Mà chỉ nói chúng con
Được có đức vô lậu
Trọn nên quả tiểu thừa
Hàng Thanh-văn đệ tử
Đức Phật bảo chúng con
Nói đạo pháp tối thượng
Người tu tập pháp này
Sẽ được thành Phật quả
Chúng con vâng lời Phật
Vì các Bồ-Tát lớn
Dùng các món nhân duyên
Cùng các món thí dụ
Bao nhiêu lời lẽ hay
Để nói đạo vô thượng.
Các hàng Phật tử thảy
Từ nơi con nghe pháp
Ngày đêm thường suy gẫm
Tinh tấn siêng tu tập.
Bấy giờ các Đức Phật
Liền thọ ký cho kia:
Các ông ở đời sau
Sẽ được thành Phật đạo.
Pháp mầu rất bí tàng
Của tất cả các Phật
Chỉ để vì Bồ-Tát
Mà dạy việc thật đó,
Nhưng chẳng vì chúng con
Nói pháp chân yếu này
Như gã cùng tử kia
Được gần bên người cha
Dầu lãnh biết các vật
Nhưng lòng chẳng mong cầu,
Chúng con dầu diễn nói
Tạng pháp báu của Phật
Tự mình không chí nguyện
Cũng lại như thế đó.

 

15. Chúng con diệt bề trong (18)
Tự cho là đã đủ
Chỉ xong được việc này
Lại không biết việc khác.
Chúng con dầu có nghe
Pháp tịnh cõi nước Phật
Cùng giáo hóa chúng sanh
Đều không lòng ưa vui.
Như thế là vì sao?
Vì tất cả các pháp
Thảy đều là không lặng
Không sanh cũng không diệt
Không lớn cũng không nhỏ
Vô lậu và vô vi,
Suy nghĩ thế đó rồi
Chẳng sanh lòng ưa muốn.
Chúng con đã từ lâu
Đối với trí huệ Phật
Không tham không ưa thích
Không lại có chí nguyện,
Mà đối với pháp mình
Cho đó là rốt ráo.
Chúng con từ lâu nay
Chuyên tu tập pháp không
Được thoát khỏi hoạn nạn
Khổ não của ba cõi
Trụ trong thân rốt sau
Hữu dư y Niết-bàn (19)
Đức Phật dạy bảo ra
Chứng được đạo chẳng luống
Thời là đã có thể
Báo được ơn của Phật.
Chúng con dầu lại vì
Các hàng Phật tử thảy
Tuyên nói pháp Bồ-Tát
Để cầu chứng Phật đạo
Mà mình đối pháp đó
Trọn không lòng ham muốn
Đấng Đạo-Sư buông bỏ
Vì xem biết lòng con
Ban đầu không khuyên gắng
Nói những lợi có thực
Như ông Trưởng-giả giàu
Biết con chí kém hèn
Bèn dùng sức phương tiện
Để hoà phục tâm con
Vậy sau mới giao phó
Tất cả tài vật báu
Đức Phật cũng thế đó
Hiện ra việc ít có
Biết con ưa tiểu thừa
Bèn dùng sức phương tiện
Điều phục tâm của con
Rồi mới dạy trí lớn.
Chúng con ngày hôm nay
Được pháp chưa từng có
Chẳng phải chỗ trước mong
Mà nay tự nhiên được
Như gã cùng tử kia
Được vô lượng của báu


16. Thế-Tôn! Chúng con nay
Được đạo và chứng quả
Ở nơi pháp vô lậu
Được tuệ nhãn thanh tịnh
Chúng con từ lâu nay
Gìn tịnh giới Phật chế
Mới ở ngày hôm nay
Được hưởng quả báo đó,
Trong pháp của Pháp-vương
Lâu tu-hành phạm hạnh
Ngày nay được vô lậu
Quả báo lớn vô thượng
Chúng con ngày hôm nay
Mới thật là Thanh-văn
Đem tiếng đạo của Phật
Cho tất cả đều nghe
Chúng con ngày hôm nay
Thật là A-la-hán
Ở nơi các thế gian
Trời, người và ma, phạm,
Khắp ở trong chúng đó
Đáng lãnh của cúng dường
Ơn lớn của Thế-Tôn
Đem việc ít có này
Thương xót dạy bảo cho
Làm lợi ích chúng con
Trải vô lượng ức kiếp
Ai có thể đền được.
Tay lẫn chân cung cấp
Đầu đảnh lễ cung kính
Tất cả đều cúng dường
Đều không thể đền được.
Hoặc dùng đầu đội Phật
Hai vai cùng cõng vác
Trong kiếp số hằng sa
Tận tâm mà cung kính,
Lại đem dưng đồ ngon
Y phục báu vô lượng
Và các thứ đồ nằm
Cùng các món thuốc thang
Gỗ ngưu-đầu chiên-đàn
Và các vật trân báu
Để dựng xây tháp miếu
Y báu lót trên đất
Như các việc trên đây
Đem dùng cúng dường Phật
Trải kiếp số hằng sa
Cũng không đền đáp được.
Các Phật thật ít có
Đấng vô lượng vô biên
Đến bất-khả tư-nghì
Đủ sức thần thông lớn,
Bậc vô lậu vô vi
Là vua của các Pháp
Hay vì kẻ hạ liệt
Nhẫn việc cao thượng đó,
Hiện lấy tướng phàm phu
Tùy cơ nghi dạy nói
Các Phật ở nơi pháp
Được sức rất tự tại
Biết các hàng chúng sanh
Có những điều ưa muốn
Và chí lực của nó
Theo sức nó kham nhiệm
Dùng vô lượng thí dụ
Mà vì chúng nói pháp
Tùy theo các chúng sanh
Trồng căn lành đời trước
Lại biết đã thành thục
Hay là chưa thành thục
Suy lường những điều đó
Phân biệt biết rõ rồi
Ở nơi đạo nhất thừa
Tùy cơ nghi nói ba.

KINH DIỆU- PHÁP LIÊN-HOA
Quyễn Thứ Hai

Bậc thượng căn lãnh ngộ, hàng trung hạ nổi nghi, mở quyền bày thật hội ba thời. Pháp mầu tuyệt sự nói suy, của báu không riêng tư, toàn giao phó cho con nhà.

NAM-MÔ PHÁP-HOA HỘI-THƯỢNG PHẬT BỔ-TÁT. (3 lần)

Đức Như-Lai dụ nói ba cõi làm nhà, ngoài cửa ba cõi bày ba thứ xe, các con đua giành ồn ào, Trưởng-giả mừng khoe, thọ ký quả Phật không sai.

NAM-MÔ VỊ-LAI HOA-QUANG PHẬT. (3 lần)

-------------------------------------------

THÍCH NGHĨA

(1 ) LẬU TẬN: Nhiễm tâm phiền-não đã hết sạch, đồng nghĩa với: "Vô Lậu".

(2 ) Thân Phật sắc vàng tử-kim đủ 32 tướng tốt.

(3 ) Trí của Phật có 10 lực dụng:

1.Thị-xứ phi-xứ trí-lực
2. Nghiệp trí-lực
3.Thiền-định trí-lực
4.Căn-tính trí-lực
5.Nguyện-dục trí-lực
6. Giới trí-lực
7.Đạo-chí-xử trí-lực
8.Túc-mạng trí-lực
9.Thiên-nhãn trí-lực
10.Lậu-tận trí-lực

(4 ) BẤT CỘNG: Bồ-Tát cùng Thanh-văn Duyên-giác đều không có, riêng Phật là có 18 pháp này.

(5) BỔ-TÁT: "Bồ-Đề": Giác; "tát đỏa": Hữu-tình; nói tắt là Bồ-Tát, tức là bậc đã tự hay giác ngộ và có thể cứu độ giác ngộ loài hữu tình.

(6 ) Tức là Bà-la-môn.

(7 ) Tên của Ma-vương ở đầu cõi dục.

(8 ) NGŨ UẨN: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Cũng gọi là ngũ ấm.

(9 ) NGŨ DỤC: 1. Tài (sắc), sắc, danh, thực (sự ăn), thùy (ngủ nghỉ). 2. Sắc, thanh, hương, vị, xúc.

(10) Bốn đức vô-sở-úy của Phật:

1. Nhất-thiết-trí vô-úy
2. Lậu-tận vô-úy
3. Thuyết-đạo vô-úy
4. Thuyết-khổ-tận-đạo vô-úy

(11) NĂM CĂN: Tín căn, tinh-tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

NĂM LỰC: tín lực, tinh tấn lực, niệmlực, định lực, tuệ lực.

BẨY GIÁC CHI: Trạch pháp, niệm, tinh tấn, hỷ, khinh an, định,xả.

TÁM CHÁNH ĐẠO: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh định.

(12) Súy: Cú tai mèo; Hiêu, Điêu, THỨU: Loài chim dữ, tiếng xấu. THƯỚC: Chim khách.

CƯU: Tu-hú. CÁP: Bồ câu. NGOAN-XÀ: Rắn độc. PHÚC-YẾT: Bò-cạp.

NGÔ ÂCÔNG: Rít. DO-DIÊN: Trùng, rận ở trong áo tơi. DỨU -LY: Chồn, cáo.

HỀ-THỬ: Giống chuột. KHƯƠNG-LƯƠNG: Bọ hung.

(13) Thiên-nhãn-minh, Túc-mạng-minh, Lậu-tận-minh.

(14) Thiên-nhãn-thông, thần-túc-thông, thiên-nhĩ-thông, tha-tâm-thông, túc-mạng-thông, lậu-tận-thông.

(15) TIN: lòng tin. GIẢI: Hiểu rõ.

(16) Khổ khổ, hoại khổ, hành khổ.

(17) Hý-LUẬN: Lời luận nói suông không sự thật, đồng nghĩa với hư vọng.

(18) Diệt lòng phiền-não: 1. Kiến sở đoạn 2. Tư sở đoạn.

(19) NIẾT-BÀN: Tịch tịnh; VIÊN TỊCH: nghĩa là vắng bặt. Còn vọng động phiền não là còn tạo nghiệp thọ báo sanh-tử. Dứt hẳn vọng động phiền não khỏi báo sanh tử yên lặng nhàn vui nên gọi Niết-bàn.
HỮU-DƯ Y: Thân người hiện còn thừa lại rốt sau cả.

SỰ TÍCH TẢ KINH THOÁT KHỔ

Nhà Đường, niên hiệu Long-Sóc năm thứ ba, xứ Trường-An, mẹ vợ ông Lưu-Công-Tín chết.

Không bao lâu cô họ Trần, vợ ông Tín, cũng bỗng chết, thần-hồn đi đến một ngục đá, thấy mẹ mình ở trong cửa đá thọ nhiều sự khổ.

Khóc bảo con gái rằng: "Mau vì mẹ tả một bộ kinh Pháp-Hoa ngõ hầu thoát khỏi tội này". Nói vừa xong cửa đá liền khép lại.

Cô họ Trần sống lại, thuật chuyện gặp mẹ với chồng. Ông Tín nhờ ông Triệu-Sư-Tử tả kinh, ông Triệu bèn đem một bộ kinh Pháp-Hoa hiện đã thành tả rất tốt giao cho ông Tín sửa sang, mà bộ kinh đó vốn là của một người họ Phạm ra tiền mướn tả, mà ông Tín thâ chưa biết cũng tin là ông Triệu tả cho mình.

Không bao lâu, cô họ Trần lại nằm chiêm bao thấy mẹ đòi kinh, cô nói rằng đã tả xong rồi. Mẹ liền khóc rằng: "Mẹ chính vì bộ kinh đó mà càng bị khổ thêm. Bộ kinh đó vốn là nhà của họ Phạm tu phước, sao lại cướp làm công của mình?" Sau khi thức dậy, cô Trần và ông Tín đi hỏi thăm lại, thời quả thực họ Phạm ra hai trăm tả kinh mà chính là bộ trên đó.

Vợ chồng liền thuê người tả một bộ khác để cúng dường hồi hướng công đức cho mẹ.

Than ôi! Công đức tả kinh hay ấn tống lớn biết là dường nào? Tội nặng bị khổ ở địa ngục nhờ người tả một bộ kinh Pháp-Hoa mà còn có đủ phước để thoát khổ huống nữa là mình tự ra công tiền ư!

Tiêu điểm: